• 95 tuoi 7

    Một cụ bà 95 tuổi ở Dorset bị ngã gãy xương hông. Bà phải nằm bên vệ đường lạnh giá suốt 5 tiếng trước khi xe cứu thương tới. 

    Bà Winifred Soanes nói với chồng rằng bà tưởng mình sẽ chết. Những người đi qua phố Christchurch High Street đã mang chăn và nước ấm cho bà. Sau khi được phẫu thuật hông, bà vẫn phải nằm lại bệnh viện. 

    Chồng của bà, ông Arthur Soanes, cho biết: "Sau 2-3 tiếng nằm trên vỉa hè bà ấy nghĩ mình sẽ chết vì vỉa hè quá lạnh. Lúc đó bà ấy chỉ lo lắng tôi sẽ sống tiếp thế nào".

    Mô tả về cuộc hôn nhân của mình, ông nói: "Chúng tôi đã có 61 năm huy hoàng và tôi hy vọng chúng tôi sẽ có thêm vài năm nữa. Bà ấy là đôi mắt của tôi". Ông Arthur bị khiếm thị và phụ thuộc hoàn toàn vào người vợ 95 tuổi của mình. 

    95 tuoi 7
    Bà Winifred đang hồi phục trong bệnh viện. Ảnh: ITV News Meridian

    Ông cho biết thời gian nằm chờ trên vỉa hè Christchurch High Street như kéo dài vô tận. "Tôi không nhớ chúng tôi đã phải chờ bao lâu, mỗi phút trôi qua mà cứ tưởng như một giờ. Thật khủng khiếp, tôi nắm tay bà ấy và động viên rằng chúng tôi sẽ vượt qua thôi. Sẽ ổn thôi".

    Một người qua đường tên Jennifer Baylis cho biết: "Bà ấy vô cùng mạnh mẽ. Khi bà ấy nói sẽ chết ở đây tối nay, tôi biết bà ấy đau đớn đến mức nào. Chồng bà ấy nói rằng NHS không quan tâm đến bọn họ". 

    Jane Chandler, giám đốc điều hành vụ cứu thương South Western Ambulance Service thuộc NHS Foundation Trust, cho biết: "Chúng tôi vô cùng xin lỗi bà Soanes. Vào thời điểm bà Soanes bị ngã, dịch vụ của chúng tôi đang cực kì bận rộn, vì thế chúng tôi đã đến muộn. Chúng tôi muốn gửi lời xin lỗi chân thành đến bà Soanes vì xe cứu thương đã đến trễ. Sự chậm trễ này là không thể chấp nhận được và không đáp ứng được tiêu chuẩn mà chúng tôi đề ra. Chúng tôi sẽ nghiêm túc nhìn nhận lại vấn đề này để cải thiện dịch vụ tốt hơn".

    Cặp đôi cho biết họ hiểu áp lực mà NHS đang phải gồng gánh, nhưng 5 tiếng đồng hồ là quá sức chịu đựng của một bà lão 95 tuổi. 

    95 tuoi 7
    Hai vợ chồng cụ bà chờ 5 tiếng bên vệ đường.

    Viethome (theo ITV News)

  • Mia Glynn 1
    Mia Glynn, 8 tuổi, tử vong vì nhiễm trùng huyết sau khi bác sĩ GP cho em về nhà và chỉ kê thuốc kháng viêm Ibuprofen. Ảnh: SWNS

    Sự việc xảy ra vào tháng 12/2022. Một bé gái 8 tuổi ở Biddulph, Staffordshire, đã chết vì nhiễm trùng huyết chỉ vài giờ sau khi được phòng khám GP cho về nhà. Ban đầu, mẹ của em là chị Katie, 37 tuổi, đưa con gái đến phòng khám GP sau khi thấy con bị nôn mửa, đau đầu và đau họng. 

    Một y tá nói rằng các triệu chứng của Mia cho thấy cô bé đã bị nhiễm trùng do virus. Y tá này khuyên mẹ cho bé truyền dịch và uống paracetamol. Sau đó em được cho về nhà. 

    Nhưng 4 tiếng sau, Katie phải đưa con gái trở lại phòng khám. Lúc này cô bé bị tăng nhịp tim, ít tiểu và ngủ li bì. Khi Katie nghi ngờ có phải Mia bị nhiễm liên cầu khuẩn Strep A hay không vì căn bệnh này khá phổ biến vào thời điểm đó, nhưng bác sĩ GP nói rằng bệnh viện địa phương đã hết chỗ rồi nên bé không thể nhập viện được.

    Thay vào đó, bác sĩ chỉ kê thuốc kháng sinh, nhưng lại dặn rằng chỉ khi đi ngủ mới được uống. Trong khoảng thời gian đó, bé chỉ truyền dịch và uống ibuprofen. 

    Mia vẫn cảm thấy rất khó chịu. Đêm đó em ngủ trong phòng cùng bố mẹ, nhưng em tỉnh giấc vào tờ mờ sáng vì cảm thấy bồn chồn, mất phương hướng. Khắp tay và chân em nổi ban đỏ, môi tái xanh. Em than mình rất nóng nhưng chạm vào người thì thấy da em rất lạnh. 

    Mia Glynn 1
    Mia chụp ảnh cùng anh trai Beau, 12 tuổi. Ảnh: Irwin Mitchell /SWNS

    Vợ chồng Katie liền gọi cấp cứu. Xe cứu thương chở thẳng em tới bệnh viện, nơi em được cho uống kháng sinh và tiếp tục truyền dịch. 

    Tuy nhiên em bị sốc nhiễm trùng huyết và lên cơn đau tim 15 phút sau khi nhập viện. Bác sĩ cố hồi sức cho Mia nhưng em qua đời 20 phút sau đó. Nguyên nhân tử vong được cho là nhiễm trùng huyết do liên cầu khuẩn nhóm A (Strep A) gây nên. 

    Mẹ em đau khổ nói: "Trái tim chúng tôi vụn vỡ khi Mia không còn. Con đã được đưa tới bác sĩ khám 2 lần và họ nói Mia bị nhiễm virus, nhưng 15 tiếng sau con qua đời vì nhiễm trùng huyết do vi khuẩn. Con gái của chúng tôi từng xinh đẹp và yêu đời, nỗi đau này thật không thể chịu đựng nổi".

    Sau cái chết của con gái vào tháng 12/2022, vợ chồng Katie đã thuê luật sư điều tra vụ việc. Họ cũng quyên góp được hơn 40,000 bảng cho quỹ từ thiện dưới danh nghĩa của Mia. 16,000 bảng trong số này đã được tặng cho quỹ UK Sepsis Trust (chuyên về nhiễm trùng huyết).

    Liên cầu khuẩn nhóm A hay còn có tên khoa học là vi khuẩn streptococcus nhóm A, là loại vi khuẩn nguy hiểm nhất, gây ra những bệnh lý ở họng và da của con người. Liên cầu khuẩn tan huyết nhóm A sẽ lây nhiễm qua đường tiếp xúc trực tiếp với những dịch và chất bài tiết từ mũi và họng của người đã mắc bệnh.

    Cách để đánh bại Strep A chính là chẩn đoán đúng bệnh càng sớm càng tốt, vì thế người dân nên tìm hiểu kỹ các dấu hiệu của căn bệnh này.

    Viethome (theo Metro)

  • Một khảo sát mới đây cho thấy hiện tại ở London, có 15 bệnh viện bị xếp loại dưới tiêu chuẩn quốc gia. Tiêu chuẩn này do Ủy ban Chất lượng Chăm sóc (Care Quality Commission) đề ra. London cũng là khu vực có tỉ lệ bệnh viện dưới tiêu chuẩn cao nhất, theo nghiên cứu của Công ty luật Patient Claim Line. 

    Khảo sát cho thấy 49% bệnh viện NHS ở England hoạt động không đáp ứng được tiêu chuẩn quốc gia, và rơi vào mục "phải cải thiện" hoặc mục "dưới tiêu chuẩn". Chỉ 6.8% bệnh viện NHS ở England được đánh giá là "đặc biệt tốt".

    Các bệnh viện được đánh giá dựa trên 5 tiêu chí: độ an toàn, độ hiệu quả, mức độ chăm sóc, mức độ phản ứng và khả năng lãnh đạo. Những bệnh viện được đánh giá "outstading" có hiệu quả hoạt động tốt vượt mức yêu cầu. Trong khi những bệnh viện bị đánh giá "inadequate" có hiệu quả hoạt động yếu kém.

    benh vien duoi tieu chuan 1
    49% bệnh viện NHS ở England bị xếp loại dưới tiêu chuẩn quốc gia. Ảnh: Getty Images/Carl Court

    Tại England, London là khu vực có số lượng bệnh viện dưới tiêu chuẩn nhiều nhất với 15 cơ sở. Tiếp theo là Manchester và Sheffield với 4 cơ sở mỗi vùng. Leicester xếp thứ 3 với 3 cơ sở. 

    Kế tiếp là Ashford, Hull, Leeds, Liverpool, Newcastle Upon Tyne, Northwood, Orpington, Plymouth, Southampton, Wirral và Worcester, mỗi nơi có 2 bệnh viện không đạt tiêu chuẩn.

    Danh sách 15 bệnh viện không đạt tiêu chuẩn ở London:

    - St Mary's Hospital, W2

    - The Royal Free Hospital, NW3

    - North Middlesex University Hospital, N18

    - King's College Hospital, SE5

    - Whipps Cross University Hospital, E11

    - The Royal London Hospital, E1

    - Queen Elizabeth Hospital SE18

    - Newham University Hospital, E13

    - Queen Mary's Hospital, SW15

    - Central Middlesex Hospital, NW10 E13

    - Charing Cross Hospital W6

    - Hammersmith Hospitals, W12

    - University College Hospital & Elizabeth Garrett Anderson Wing, NW1

    - St George’s Hospital (Tooting), SW17

    Viethome (theo MyLondon)

  • hom tro tu 1
    Ông bà Christine và Peter Scott đang lên kế hoạch chết cùng nhau trong "hộp quan tài" Sarco Suicide Pod. Ảnh: Mail on Sunday/Reuters

    Đôi vợ chồng lớn tuổi quyết định kết thúc cuộc đời cùng nhau trong "hộp quan tài" Sarco Suicide Pod thay vì phải chịu đựng những cơn đau dai dẳng. Đôi vợ chồng sống tại làng Mellis ở Suffolk.

    Ông Peter Scott là một kĩ sư về hưu 86 tuổi, từng làm việc trong Lực lượng Không quân Hoàng gia. Ông cho biết không thể chịu được ý nghĩ sống thiếu vợ là bà Christine 80 tuổi, từng là một y tá. Sau khi bà được chẩn đoán mắc chứng "sa sút trí tuệ não mạch", ông đã quyết định cùng chết với bà.

    "Hãy nhìn vào các lựa chọn. Cơ hội được chữa bệnh ngay với NHS là quá xa vời. Do đó chúng tôi bị mắc kẹt trong cơn đau dai dẳng và sức khỏe yếu kém. Tôi không muốn đi vào viện dưỡng lão, tôi không muốn nằm liệt trên giường làm gì cũng cần có người giúp đỡ. Đó không thể gọi là cuộc sống. Cuối cùng, chính phủ sẽ bòn rút hết tiền tiết kiệm và lấy luôn căn nhà để bù đắp chi phí chữa bệnh cho chúng tôi", ông Peter nói.

    hom tro tu 1
    Christine và Peter lần đầu tiên gặp nhau lại một câu lạc bộ jazz. (Ảnh: Les Wilson/MOS)

    "Chúng tôi đã có một cuộc hôn nhân viên mãn kéo dài 46 năm, nhưng giờ chúng tôi đã già. Tôi không muốn chứng kiến trí não ngày càng thoái hóa của vợ, cũng không muốn nhìn thấy sức lực ngày càng yếu ớt của mình. Cả đời vợ tôi đã chăm sóc những người bị bệnh sa sút trí tuệ, nên bà ấy muốn đủ tỉnh táo để kiểm soát bản thân mình. Trợ tử giúp bà ấy đảm bảo điều đó, còn tôi thì không thể sống thiếu bà ấy. Nhiều người có thể không đồng tình, nhưng chúng tôi muốn quyền tự quyết. Thật đáng tiếc chúng ta không có quyền ấy ở UK", ông nói.

    Thay vào đó ông bà phải đi đến Thụy Sỹ, nơi cho phép trợ tử tự nguyện. Luật này đã ra đời từ năm 1942.

    Họ dự định đăng ký dịch vụ trợ tử The Last Resort, nơi cung cấp hộp quan tài Sarco. Chiếc hộp này có hình dạng viên nén, chỉ trong vòng 10 phút nằm trong quan tài, bạn sẽ tắt thở do khí oxy được thay thế nhanh chóng bằng khí nitơ.

    hom tro tu 1
    Chiếc hộp quan tài Sarco gây nhiều tranh cãi. Ảnh: Denis Balibouse/Reuters

    Hộp quan tài do tiến sĩ Philip Nitschk, người Australia, sáng tạo ra. Website của công ty này nói rằng cái chết sẽ đến một cách bình yên, thậm chí là hưng phấn. Người nằm trong quan tài sẽ ngừng thở sau khi mất ý thức.

    Thế nhưng một người chứng kiến cho biết, vào đầu năm nay khi nitrơ được sử dụng lần đầu tiên để hành quyết tử tù ở Mỹ, cái chết không hề diễn ra yên bình. Nó diễn ra suốt 22 phút và là cái chết cực kì đau đớn.

    Giới phê bình gọi Sarco là một hầm hơi ngạt "được ca ngợi lố bịch". Một báo cáo của Viện công nghệ Massachusetts cho rằng, hộp quan tài này có thể gây ra cái chết đau đớn nếu gặp sự cố.

    hom tro tu 1
    Philip Nitschke bị giới phê bình gọi là "tiến sĩ tử thần". Ảnh: Denis Balibouse/Reuters

    Hồi tháng 7 năm nay, các công tố viên đã đe dọa sẽ bỏ tù 5 năm cho bất cứ ai sử dụng hộp Sarco để trợ tử tại quận Schaffhausen của Thụy Sỹ.

    Tiến sĩ Nitschke từng hy vọng sẽ đưa Sarco vào sử dụng lần đầu tiên vào cuối tháng 7/2024, dù ông đã lên kế hoạch hồi năm 2022. Trong chiếc hộp này có gắn 1 camera, cho phép ghi lại những gì xảy ra bên trong hộp để trình lên tòa án pháp y. Tiến sĩ Nitschke cũng đã cho sản xuất loại hộp dành cho 2 người nằm. Trong hộp này có 1 cái nút, và 1 trong 2 người phải quyết định ai là người bấm nút.

    Ông bà Peter và Christine đã chuẩn bị cho thời khắc cuối cùng. "Tôi muốn cùng Peter đi dạo ven sông, đi dạo ven dãy núi An-pơ ở Thụy Sỹ. Tôi muốn ăn cá cho bữa tối cuối cùng, và uống rượu Merlot. Tôi còn muốn mở những bản nhạc yêu thích như Wild Cat Blues, The Young Ones của Cliff Richard. Tôi phát hiện bài thơ Miss Me But Let Me Go đã mô tả chính xác cảm giác của tôi lúc này", bà Christine nói.

    hom tro tu 1
    Các con của ông bà Peter đã phải mất một thời gian để chấp nhận quyết định của bố mẹ. Ảnh: Les Wilson/MOS

    Thủ tướng Keir Starmer đã hứa sẽ cho phép các nghị sĩ Lao Động biểu quyết về quyền trợ tử. Ông đã ủng hộ dự luật này vào năm 2015 nhưng không được thông qua.

    Hộp quan tài Sarco lấy cảm hứng từ một người đàn ông Anh, là ông Tony Nicklinson. Ông đã không thể di chuyển hay nói chuyện sau khi bị đột quỵ. Vào năm 2012, ông đã tuyệt thực đến chết sau khi cầu xin tòa án cho ông được chết hợp pháp, nhưng họ từ chối.

    Nicklinson từng tiếp cận tiến sĩ Nitschke và đề cập đến việc tạo ra một chiếc quan tài trợ tử. Quan tài này có thể vận hành chỉ bằng một cái nháy mắt, là động tác duy nhất mà ông Nicklinson có thể làm được.

    Viethome (theo Metro)

  • Ngày 24/7, cuộc điều tra về cái chết bất thường của nữ bệnh nhân Inga Rublite đã được tiến hành. Nữ bệnh nhân gục trên ghế sau 8 tiếng được đưa tới bệnh viện cấp cứu do đau đầu dữ dội.

    Trước đó, theo The Sun, khi đang gọi điện thoại ở nhà, Rublite bỗng thấy đau đầu dữ dội. Một người hàng xóm đã đưa cô tới Khoa cấp cứu, Trung tâm Y tế Queen's (Bệnh viện Đại học Nottingham, Anh) sau 22h30 ngày 19/1. Tới 2h sáng 20/1, cô mới được một y tá kiểm tra. 

    Sau đó, Rublite vẫn tiếp tục phải ngồi trong phòng chờ trong tình trạng nghiêm trọng: đau đầu dữ dội, mờ mắt, huyết áp cao và buồn nôn. Cô không phản ứng khi được nhân viên y tế gọi tên nên họ nghĩ cô đã rời đi. 

    7h sáng 20/1, Rublite gục trên ghế, áo khoác che trên mặt, cô nôn mửa và lên cơn động kinh. 

    Theo kết quả kiểm tra, nhịp tim và huyết áp của Rublite tăng cao. Xét nghiệm và chụp CT não ghi nhận người mẹ hai con có một khối máu tụ lớn. Lúc này, các bác sĩ phẫu thuật thần kinh và chăm sóc đặc biệt đã được huy động để điều trị cho bệnh nhân. 

    Tuy nhiên, bác sĩ kết luận Rublite bị xuất huyết não nghiêm trọng, không thể can thiệp phẫu thuật, không còn cơ hội sống sót. Cô được đưa tới khu chăm sóc đặc biệt, gia đình nhận thông báo nữ bệnh nhân đã hết hy vọng. 

    Hai ngày sau, Rublite qua đời. Cơ quan chức năng không khám nghiệm tử thi trường hợp này vì "không có nghi ngờ" về nguyên nhân tử vong.

    8 tieng khong duoc cap cuu
    Inga Rublite mất khi mới 39 tuổi. 

    Theo Guardian, Tiến sĩ Elizabeth Didcock, trợ lý giám định y khoa của Nottinghamshire, cho biết Rublite đáng lẽ phải được một bác sĩ cao cấp đánh giá và chụp não ngay khi vào bệnh viện. Khi kiểm tra cho Rublite vào lúc 2h sáng - lúc này đang đau dữ dội, y tá cần báo cho bác sĩ biết. 

    “Rublite có các triệu chứng xuất huyết não dai dẳng và ngày càng tăng mà không được phát hiện”, Tiến sĩ Didcock chỉ ra. Ông cho biết Khoa Cấp cứu của Trung tâm Y tế Queen's quá bận rộn vào đêm hôm đó: “Có 76 bệnh nhân đang chờ được khám trong khi số nhân viên y tế bị thu giảm”. 

    Theo vị tiến sĩ trên, Rublite bị chảy máu não nghiêm trọng lần thứ hai ngay trước khi gục trên ghế. Đó là nguyên nhân dẫn đến cái chết của cô. 

    Người chị song sinh của cô tên là Inese Briede bức xúc: "Không ai làm gì cho chị ấy. Khi họ phát hiện ra thì đã quá muộn. Tôi không thể tin rằng họ đã xóa Rublite khỏi danh sách chờ khi chị ấy không trả lời. Có ai đi tìm chị ấy không? Có ai kiểm tra camera giám sát để xem chị ấy đã rời đi chưa?". 

    Theo đánh giá của cuộc điều tra ngày 24/7, Rublite có thể bị bỏ sót vì nhân viên y tế đã quen với tình trạng người vô gia cư ngủ ở khu vực chờ.

    Tiến sĩ John Walsh, Phó giám đốc y khoa tại Bệnh viện Đại học Nottingham, giải thích: “Những buổi tối cuối tuần có thể có một số người ngủ với áo khoác và chăn đắp trên người. Tôi đoán rằng nhân viên đi ngang qua không biết rằng bên dưới lớp chăn, áo đó là một phụ nữ đang nguy kịch”. 

    Ông Walsh cho biết không có quy trình chuẩn rõ ràng với bệnh nhân không phản ứng khi được gọi tên nhưng bệnh viện đang thực hiện một số thay đổi để ngăn ngừa sự cố tương tự.

    Giờ đây, trong vòng 30 phút, nhân viên phải báo cáo các trường hợp tới khám không phản ứng khi được gọi tên. Những người đang ngủ ở phòng chờ sẽ bị làm phiền để kiểm tra sức khỏe. Số lượng bác sĩ được phân bổ cho khu vực cấp cứu được tăng lên, bệnh viện cũng bổ sung hệ thống loa phóng thanh. 

    Theo Vietnamnet

  • Bài viết của bạn Hoang Hoàn đăng trên Hội Người Việt Nam tại Vương Quốc Anh, mời mọi người tham khảo:

    "Hi mọi người, bệnh tật là điều không ai mong muốn nhưng mình muốn chia sẻ kinh nghiệm của mình cho các bạn không may có vấn đề về sức khoẻ thì các bạn có thêm sự chuẩn bị.

    Chuyện là mình bị mất ngủ khá thường xuyên, vẫn phải dùng supplement cho dễ ngủ. Không may là 1 đêm mình ko thể ngủ đc và đến tầm 1-2h sáng mình bắt đầu bị tê nửa người ( từ tay rồi xuống dần đến chân) và có hiện tượng giật đùng đùng nửa người. Lần đầu tiên bị vậy nên mình khá hoang mang, mình cũng sợ là 1 kiểu tai biến dạng nhẹ nên đã quyết định gọi cấp cứu cho yên tâm.

    Tuy nhiên, lần 1 gọi thì tổng đài hỏi tùm lum các câu hỏi về tên, địa chỉ các thứ rồi nói là “mày cứ theo dõi đi, nếu tệ hơn thì gọi lại”, nhưng vì mình thấy rõ ràng là càng để lâu càng tệ hơn nên đã gọi lần 2, tổng đài vẫn trả lời như vậy, làm mình rất sốt ruột. Lần 3 thì bị hỏi là “mày còn thở không “. Mình và bạn mình lúc đấy cáu thật sự, cũng cố nói là tình trạng của mình đang rất tệ, để ít nhất là nó cho bác sĩ đến xem mình bị thế nào rồi có bế đi viện không thì tính sau.

    nam vien o anh
    Ảnh minh họa

    Sau cuộc gọi lần 3 thì khoảng 15 phúr sau xe cấp cứu đến, bác sĩ đến thì đầu tiên họ đo huyết áp, rồi hỏi tình hình của mình. Thật sự lúc đấy đầu lưỡi mình đã hơi tê tê rồi, giao tiếp không được thoải mái nữa, nên mình mới kêu là tao cần được vào viện gấp. Thế là ok, họ cho xe lăn vào rồi cho mình ngồi để đẩy lên xe cấp cứu. Lúc này chân tay mình vẫn tê và thỉnh thoảng bị giật lên nhưng nhận thức thì vẫn bình thường, lúc này khoảng 4h sáng.

    Đấy, tưởng được vào viện thì bác sĩ sẽ làm gì đó ngay để mình đỡ dần, nhưng không, mình bị vứt nằm ở phòng cấp cứu khoảng 2 tiếng. Sau đó thì có 1 bác sĩ vào lấy máu nhưng chọc nhầm ven ko lấy được và để lại cho mình ít đồ ăn. Một lúc sau thì bác sĩ đưa mình ra 1 cái phòng khác, cũng bị vứt nằm vật vờ ở đấy, mình thì cả đêm ko ngủ, cuối cùng cũng vì quá mệt nên thiếp đi, cơ mà cứ khoảng 2 tiếng lại bị dựng dậy làm 1 cái xét nghiệm (lấy máu, đo huyết áp, chụp CT). Cứ ngủ lại dậy rồi lại ngủ rồi nằm chờ bác sĩ, vẫn trong tình trạng tê người, rồi lại được phát thêm cho ít đồ ăn cầm hơi.

    Cuối cùng thì đến đầu giờ chiều mình được chuyển vào 1 phòng chung với các bệnh nhân khác, được thông báo phải ở lại ít nhất 2 ngày nữa và vẫn chưa biết là mình bị gì, người vẫn tê, đói và mệt.

    Mình chỉ muốn chia sẻ với các bạn là nếu cảm thấy sức khỏe đột nhiên không tốt mà cần thiết gọi cấp cứu thì hãy gọi 999 ngay và “tỏ ra là tình trạng đang cực kì tệ” để được bác sĩ đến và đưa vào viện sớm, nếu không thì ở nhà bạn sẽ rất bất lực và biết đâu chuyện không tốt sẽ xảy ra nếu các bạn chủ quan. Ngoài ra nếu có bạn ở chung thì hãy nhờ chuẩn bị 1 ít đồ ăn, quần áo phòng thân trong trường hợp phải ở lại viện.

    Đặc biệt là nếu có người nhà, người quen làm bác sĩ ở VN thì bạn nên gọi cho họ ngay lúc đó để tìm kiếm sự giúp đỡ tốt nhất có thể, vì thật sự việc gọi là “khẩn cấp” thì NHS ở UK sẽ không (hoặc chưa) đáp ứng được ngay lúc mình cần. Việc tốt nhất mình có thể làm là tìm mọi cách để được vào viện, phòng trường hợp xấu nhất có thể xảy ra.

    Nhìn chung sau mấy ngày nằm viện thì mình thấy mọi thứ đều khá ổn (y tá, bác sĩ, cơ sở vật chất), trừ đồ ăn ra. Mọi thứ đều Free. Nhưng cuối cùng là họ cũng chưa kết luận được cụ thể là “mình bị gì” hoặc “nguyên nhân tại sao”, họ chỉ cho thuốc để mình uống cho dễ ngủ hơn thôi

    Dù sao thì mình cũng khuyên các bạn nên cố gắng ngủ sớm và ngủ đủ, khám sức khỏe thường xuyên, vì nhiều khi mình cứ nghĩ mình khỏe cho đến khi gặp sự cố, như mình chẳng hạn.

    Nguồn: Hoang Hoàn / Hội Người Việt Nam tại Vương Quốc Anh

  • ITV News cho biết một cụ ông 94 tuổi đã phải chờ suốt 3 ngày tại khoa cấp cứu của một bệnh viện ở Bắc Ailen. Tình trạng quá tải ở các bệnh viện trên khắp Anh quốc đang gây rất nhiều khó khăn cho các y bác sĩ tuyến đầu. 

    Hiệp hội tiêu chuẩn y khoa - The Royal College of Emergency Medicine - đã cảnh báo rằng tình trạng hiện tại sẽ khiến bệnh nhân không được điều trị tới nơi tới chốn. Hiệp hội yêu cầu các bộ trưởng phải có động thái kết thúc cuộc khủng hoảng triền miên này. 

    Cụ ông ban đầu phải chờ suốt 3 tiếng trên xe cứu thương vì Khoa cấp cứu không có chỗ tiếp nhận. Sau đó ông mới cho một cái ghế để ngồi chờ. Gia đình cho biết còn rất nhiều xe cứu thương đang xếp hàng bên ngoài. 

    xe cuu thuong cho doi

    Gãy xương sống cũng phải chờ

    NHS đã phải đối mặt với tình trạng ngân sách eo hẹp trong hơn một thập niên qua. Sau đại dịch Covid-19, tình trạng quá tải nghiêm trọng còn khiến hàng chục nghìn bệnh nhân phải đợi rất lâu mới có thể được điều trị.

    Vào cuối tháng 4/2021, ông Garry Cogan lên cơn đau tim nghiêm trọng được chỉ định phẫu thuật bắc cầu động mạch vành khẩn cấp. Tuy nhiên, đến nay sau gần 2 năm, ông Cogan vẫn đang chờ đợi một ca phẫu thuật do dịch vụ y tế của Anh bị quá tải. Ông chỉ là 1 một trong số 7,2 triệu bệnh nhân ở Anh đang chờ được điều trị tại Dịch vụ Y tế Quốc gia Anh.

    Theo các video đăng tải trên các phương tiện truyền thông xã hội, hàng dài bệnh nhân cần điều trị phải xếp hàng ở hành lang và chờ đợi hàng giờ trên xe đẩy, trong khi các xe cứu thương xếp hàng dài bên ngoài.

    Trước đó, các cơ quan y tế Anh cảnh báo tình trạng gia tăng số ca tử vong tại nước này do chăm sóc y tế không đầy đủ, đồng thời kêu gọi Chính phủ hành động trong bối cảnh đình công và nhu cầu y tế tăng cao. Trung bình cứ 5 bệnh nhân được xe cứu thương đưa đến bệnh viện thì có 1 bệnh nhân mất hơn 1 giờ mới được cấp cứu, trong khi hàng chục nghìn người phải đợi hơn 12 giờ trước khi được điều trị.

    Nhiều bệnh nhân cho biết: “NHS đã gửi cho tôi một lá thư. Thư đó được gửi qua đường bưu điện vào tháng 10 để đặt lịch hẹn. Vì vậy, tôi đã gọi điện thoại đặt một cuộc hẹn và cuộc hẹn sớm nhất là ngày 21 tháng 11”.

     “Tôi không thể chờ đợi lâu hơn nữa. Quá đau đớn và tôi không thể chờ đợi. Vì vậy, tôi đã đến gặp một chuyên gia tư vấn tư nhân, một chuyên gia tư vấn về lưng và anh ấy đã chụp MRI lưng cho tôi. Anh ấy phát hiện ra rằng, tôi bị gãy ba đốt xương sống, một ở phía trên, một ở giữa và một ở phía dưới”.

    Hồi cuối tháng 1/2023, NHS đã công bố một kế hoạch kéo dài 2 năm nhằm khôi phục các dịch vụ chăm sóc y tế khẩn cấp và dịch vụ tuyến đầu. NHS cho biết, kế hoạch phục hồi trên sẽ giúp giảm thời gian chờ khám và cải thiện trải nghiệm chăm sóc y tế của bệnh nhân. Với khoản ngân sách trị giá 1 tỷ bảng, kế hoạch cũng bao gồm việc bổ sung 800 xe cứu thương mới và 5.000 giường bệnh.

    Bên cạnh đó, Chính phủ thông báo sẽ đẩy mạnh dịch vụ chăm sóc y tế tại nhà đối với người cao tuổi và những người dễ bị tổn thương để giảm thiểu những cuộc khám, chữa không cần thiết tại bệnh viện. NHS cho biết, các đơn vị chăm sóc khẩn cấp sẽ nỗ lực giảm và cân đối số bệnh nhân phải nhập viện qua đêm.

    Viethome (theo ITV News)

  • Sau 5 tháng và nhiều lần đi đến bác sĩ, cuối cùng bà Pritpal mới được chẩn đoán đúng bệnh u tủy.

    chan doan ung thu 1
    Minreet (trái) và bà Pritpal chia sẻ với MyLondon về những khổ sở mà họ đã trải qua trong hành trình tìm bệnh. Ảnh: Minreet Kaur

    Vào năm 2023, bà Pritpal Kaur 73 tuổi, ở West London, cảm thấy đau ở mạn sườn và khó khăn khi hít thở sâu. Con gái bà là chị Minreet Kaur, 43 tuổi, quyết định đưa bà đến GP để nhờ họ tìm ra nguồn gốc cơn đau. 

    Minreet cho biết: "Tôi đưa mẹ đến bác sĩ GP để kiểm tra, nhưng họ cho rằng vấn đề chẳng có gì nghiêm trọng". Vậy là mẹ con cô trở về, chỉ biết hy vọng từ từ bệnh sẽ hết. 

    Tuy nhiên, bệnh tình của bà Pritpal ngày càng tệ. Bà đau đớn suốt ngày đêm. Vì thế Minreet đưa bà đi cấp cứu. Tại đây, họ làm tất cả các thủ tục kiểm tra, nhưng không tìm thấy kết quả gì đáng ngờ, dù lúc này bà Pritpal đã rất đau đến mức không cục cựa được.

    Tay chân bà không còn chút sức lực và bà ngủ li bì cả ngày. Sau đó họ cho bà làm siêu âm và phát hiện bà bị tắc ngực. Bác sĩ đoán bà bị đau thắt ngực.

    Họ cho bà thuốc rồi cho bà về. Nhưng những loại thuốc này lại khiến bà gặp tác dụng phụ nghiêm trọng. Vì vậy Minreet quay trở lại bác sĩ một lần nữa để nói về các tác dụng phụ của thuốc. Bác sĩ nói cô phải cho bà Pritpal uống thuốc ít nhất 3 tháng mới được quay lại tái khám. Vậy là Minreet thất vọng quay trở về và hai mẹ con quyết định ngưng uống thuốc. 

    chan doan ung thu 1
    Bà Pritpal thường xuyên cảm thấy mệt mỏi, đau sườn, đau lưng và thiếu sức sống. Ảnh: Minreet Kaur)

    Minreet quyết định khiếu nại lên PALS (Patient Advice and Liaison Service - Dịch vụ tư vấn và liên lạc với bệnh nhân) để than phiền về tình hình điều trị bệnh cho mẹ cô. Một bác sĩ tim mạch thâm niên ở PALS đã liên hệ với Minreet. Sau khi hỏi thăm tình hình của mẹ cô, ông nói rằng bà Pritpal không phải bị đau thắt ngực và yêu cầu Minreet đưa bà đến khám. 

    Tại PALS, họ làm nhiều kiểm tra cho bà Pritpal và kết luận triệu chứng của bà không liên quan gì đến tim mạch. Cô đem kết quả quay trở lại phòng khám GP và nói với họ đó không phải là đau thắt ngực. 

    Lúc này Minreet đã quá mệt mỏi vì phải đi lại liên tục giữa PALS và phòng khám GP. Cô yêu cầu họ phải làm gì đó hiệu quả. Họ đồng ý gửi bà Pritpal đến khoa chăm sóc cấp cứu dành cho bệnh nhân ngoại trú. Bà Pritpal được làm nhiều kiểm tra hơn. 

    "Họ làm tất cả những loại xét nghiệm máu. Bác sĩ nói tất cả đều ổn nhưng họ vẫn đang chờ một kết quả xét nghiệm cuối cùng vì hàm lượng protein trong máu bà Pritpal khá cao. Tôi hỏi bác sĩ: "Có gì đáng lo ngại không?". Bác sĩ bảo không có gì phải lo, nhưng họ cần kiểm tra thêm. 

    Cuối tuần đó Minreet đưa mẹ trở lại bệnh viện và tiếp tục làm xét nghiệm máu. Họ được chuyển qua bác sĩ huyết học. Tại đây, các bác sĩ nghi ngờ bà Pritpal bị u tủy - một dạng ung thư máu. 

    Vậy là mất 5 tháng sau khi xuất hiện triệu chứng đau mạn sườn, bị chẩn đoán và cho thuốc sai nhiều lần khiến sức khỏe của bà Pritpal ngày càng suy kiệt, thì cuối cùng bà cũng được chẩn đoán đúng bệnh ung thư máu. Bệnh u tủy không thể chữa được nhưng có thể điều trị kéo dài.  

    Bà Pritpal cho biết: "Thật sốc. Tôi đã khóc rất nhiều. Tôi vốn là một phụ nữ khỏe mạnh, vậy mà đùng một cái lại mắc bệnh ung thư. Tôi không biết nó đến từ đâu và như thế nào?". 

    Minreet cho biết: "Tháng 5 mẹ tôi bắt đầu đau nhưng đến tháng 9 mới chẩn ra đúng bệnh. Ngay từ tháng 5 họ đã làm kiểm tra máu cho mẹ tôi nhưng vẫn không tìm đúng bệnh. Tôi không biết họ kiểm tra máu kiểu gì?

    Hội U Tủy UK cho biết "chỉ làm một bài kiểm tra thì không thể kết luận được bệnh u tủy, mà bác sĩ phải làm rất nhiều bài kiểm tra khác nhau thì mới dò ra bệnh u tủy".

    Minreet đã nói chuyện với nhiều người trong cộng đồng bị u tủy. Hóa ra rất nhiều người trong số họ cũng phải mất rất lâu mới tìm ra bệnh, có người mất tới 2 năm. 

    Hiện tại Minreet muốn tuyên truyền về căn bệnh này cho mọi người cùng biết, cô cũng muốn gây quỹ cho tổ chức Blood Cancer UK bằng cách tham gia cuộc đua London Marathon năm nay.  

    Viethome (theo MyLondon)

  • Một phụ nữ đã tự nhổ 12 cái răng của mình bằng kềm vì chính phủ không giải quyết được tình trạng khủng hoảng nghiêm trọng nha sĩ NHS. 

    rung het rang 1

    Bà Caroline Pursey, 63 tuổi, đến từ Scunthorpe, đã phải tự nhổ răng vì không chịu nổi cơn đau sau khi không đặt được lịch hẹn với phòng khám nha NHS. 

    "Họ không đặt lịch cho tôi được, vì họ đã kín lịch tới 3 năm. Cái cảm giác bạn không thể cười được nữa, những chiếc răng đau phá hủy gương mặt của tôi", bà bất lực nói.

    Bà Pursey bị đau răng nhưng không biết nguyên nhân tại sao. Nha sĩ NHS trước đây của bà đã chuyển qua làm tư, vì thế bà liên hệ các phòng khám NHS khác trong khu vực nhưng tất cả đều kín lịch.

    "Vì quá đau nên tôi phải tự mình nhổ chúng", bà cho biết.

    rung het rang 1
    Bà Caroline Pursey sở hữu nụ cười rạng rỡ trước khi những chiếc răng "dở chứng".

    Bà Pursey thất nghiệp và phải sống nhờ trợ cấp Universal Credit. Với diện mạo hiện tại, bà sẽ khó lòng tìm được công việc nào. "Tôi đã đi phỏng vấn 3 lần. Khi kiểm tra theo nhóm thì tôi làm rất tốt. Nhưng khi phỏng vấn "1 - 1", ngay khi tôi mở miệng ra, mọi cơ hội ngay lập tức biến mất, vì tôi không dám cười".

    "Chẳng ai muốn thuê bạn làm nhân viên bán hàng nếu bạn không có răng và không biết cười. 50 năm qua tôi đã làm nghề này. Nhưng giờ thì hết cơ hội rồi. Tôi xứng đáng được nở nụ cười. Tôi đã làm việc chăm chỉ cả đời và đóng bao nhiêu tiền cho bảo hiểm y tế", bà nói.

    Phản hồi lại trường hợp của bà Pursey, Bộ trưởng Y tế Victoria Atkins cho biết: "Nếu bạn đau nhiều như vậy, hãy ngay lập tức vào khoa cấp cứu ở bệnh viện địa phương".

    Hiện Bộ Y tế đang phát động kế hoạch phục hồi ngành nha khoa NHS. Các nha sĩ sẽ được cấp 20,000 bảng tiền khuyến khích nếu họ đồng ý làm việc tại những khu vực thiếu nha sĩ. Các xe tải nha khoa di động sẽ có mặt tại một số khu vực nông thôn và miền duyên hải. 

    "Với kế hoạch này, chúng tôi tập trung đưa những chiếc xe nha sĩ di động đến các vùng thiếu phòng khám nha khoa. Chúng tôi muốn kích thích thị trường nha khoa trên diện rộng, nhưng trong lúc chờ đợi, những chiếc xe tải này sẽ là cứu cánh cho những người cần được khám chữa răng khẩn cấp", bà Atkins nói.

    Khi được hỏi liệu chính phủ có giúp được gì trong trường hợp của mình hay không, bà Pursey trả lời: "Không, chẳng giúp được gì. Tôi bị buộc phải tự thân vận động, tôi phải đi tìm việc làm nhưng với hàm răng này thì không. Tôi không ăn được. Tôi chỉ ăn được thức ăn lỏng mềm nhạt nhẽo. Tôi muốn ăn uống đàng hoàng, điều đó khó đến vậy sao? Tôi đã chán súp lắm rồi. Tôi muốn ăn bít-tết. Tôi đã già lắm đâu, lẽ ra tôi vẫn dùng răng để ăn được như bình thường".

    Viethome (theo ITV News)

  • Hiện nay bệnh nhân có thể được điều trị 7 chứng bệnh thông thường mà không cần phải đặt hẹn khám GP. 

    Từ ngày 31/1/2024, hàng ngàn tiệm thuốc trên khắp England có thể bán thuốc cho người bệnh mà không cần toa. Đây là một nỗ lực của NHS nhằm giải phóng 10 triệu cuộc hẹn GP mỗi năm. 

    NHS England cho biết hơn 9/10 các tiệm thuốc cộng đồng ở England - tương đương 10,265 tiệm - sẽ khám và bán thuốc cho bệnh nhân theo quy định của chính sách Pharmacy First Scheme. 

    Dưới đây là 7 triệu chứng bệnh mà bạn có thể mua thuốc không cần toa, theo quy định của Pharmacy First Scheme:

    thuoc khong can toa

    1. Sinusitis (viêm xoang)

    Viêm xoang là tình trạng các xoang bị sưng viêm, thường do nhiễm trùng. Bệnh thường tự hết trong vòng 2-3 tuần, nhưng nếu bệnh kéo dài thì bạn nên uống thuốc. 

    Triệu chứng viêm xoang bao gồm:

    • Sưng, đau xung quanh má, mắt và trán
    • Mũi chảy dịch màu xanh lá hoặc màu vàng
    • Nghẹt mũi
    • Đau đầu xoang

    2. Sore throat (đau họng)

    Đau họng là bệnh rất thường gặp và sẽ tự khỏi trong vòng 1 tuần. Nguyên nhân chủ yếu do virus gây ra (giống như cảm lạnh hoặc cúm). Đau họng cũng có thể là hậu quả từ thói quen hút thuốc.

    Triệu chứng đau họng bao gồm:

    • Cổ họng sưng, đau
    • Cổ họng khô rát
    • Miệng sưng đỏ ở sâu bên trong

    3. Earache (đau tai)

    Đau tai thường không phải là triệu chứng bệnh nghiêm trọng. Tùy thuộc vào nguyên nhân gây bệnh mà thời gian lành sẽ dài hay ngắn. 

    Nguyên nhân gây đau tai có thể do mọc răng ở trẻ em, ráy tai tích tụ, viêm tai keo, thủng màng nhĩ, đau họng, viêm amiđan, nhiễm trùng tai, cảm lạnh hoặc cúm.

    4. Infected insect bite (nhiễm trùng do côn trùng cắn)

    Vết côn trùng cắn hoặc chích thường không nguy hiểm và sẽ tự lành trong vài ngày, nhưng đôi khi nó có thể bị nhiễm trùng hoặc gây ra dị ứng nghiêm trọng.

    Triệu chứng: đau nhức nơi bị cắn/chích, da bị sưng phồng

    5. Impetigo (chốc lở)

    Chốc lở là một tình trạng nhiễm trùng da dễ lây lan, nhưng không nguy hiểm. Bệnh sẽ bắt đầu lành sau 7-10 ngày thoa thuốc hoặc uống thuốc điều trị.

    Các triệu chứng của chốc lở bao gồm: 

    - Đầu tiên là các vết sưng đỏ phồng rộp, đối với người da nâu hoặc da đen sẽ khó quan sát hơn.

    - Vết sưng đỏ phồng rộp nhanh chóng bị vỡ, tạo nên các vết xước đóng vảy tiết dịch màu vàng mật ong.

    6. Shingles (bệnh zona)

    Zona là một dạng nhiễm trùng khiến người bệnh bị ngứa dữ dội, tạo ra những vết đốm trên da.

    Các dấu hiệu đầu tiên của zona bao gồm:

    • Vùng da ngứa ran và đau rát
    • Đau đầu, không khỏe
    • Sau đó xuất hiện các bọng nước có chứa nhiều dịch
    • Sưng đau ở các vùng lân cận và nổi hạch

    7. Uncomplicated urinary tract infection (nhiễm trùng đường tiết niệu không biến chứng ở phụ nữ dưới 65 tuổi)

    Nhiễm trùng đường tiết niệu (UTI) ảnh hưởng tới đường tiết niệu, bao gồm bàng quang, niệu đạo hay thận. 

    Các triệu chứng của UTI bao gồm:

    • Cảm giác nóng rát và đau khi đi tiểu
    • Thường xuyên buồn tiểu, đặc biệt vào ban đêm
    • Đột nhiên buồn tiểu, buồn tiểu khẩn cấp
    • Nước tiểu có màu đục

    Muốn biết thêm thông tin, bạn có thể truy cập vào website NHS tại đây https://www.nhs.uk/.

    Viethome (theo ITV News)

  • Số liệu cho thấy số bệnh nhân có thể không tồn tại nhưng được đăng ký với bác sĩ đa khoa đã tăng gần 2/3 trong 5 năm qua.

    "Bệnh nhân ma" đề cập việc có nhiều người đăng ký khám bệnh với bác sĩ đa khoa hơn so với tổng dân số.

    Theo quy định, bác sĩ đa khoa được trả tiền cho những bệnh nhân trong danh sách đăng ký. Điều này đồng nghĩa càng nhiều người có tên trong danh sách khám bệnh thì những bác sĩ trên sẽ nhận thêm tiền, số tiền có thể lên đến hàng triệu bảng Anh, tờ The Guardian đưa tin.

    Số liệu của Dịch vụ Y tế Quốc gia Anh (NHS) được hãng tin PA phân tích cho thấy 62,9 triệu bệnh nhân đã đăng ký khám bác sĩ đa khoa ở Anh vào ngày 1.11 năm ngoái.

    benh nhan ma o anh
    Các y tá chăm sóc một bệnh nhân Covid-19 trong phòng chăm sóc đặc biệt tại Bệnh viện Đại học Milton Keynes (Anh) hồi tháng 1.2021. Ảnh: REUTERS

    Con số này so với ước tính của Văn phòng Thống kê Quốc gia là 57,1 triệu người ở Anh vào năm 2022, nghĩa là khoảng 5,8 triệu bệnh nhân ma đã đăng ký phẫu thuật.

    Con số này cao hơn 61% so với 5 năm trước, với dữ liệu năm 2018 cho thấy có khoảng 3,6 triệu bệnh nhân ma.

    Các ca phẫu thuật bác sĩ đa khoa nhận được trung bình 164,64 bảng Anh (5,1 triệu đồng) cho mỗi bệnh nhân đã đăng ký trong năm 2022-2023, có nghĩa là các phòng khám có thể nhận được khoảng 955 triệu bảng Anh cho những bệnh nhân có thể không tồn tại.

    Trước thông tin trên, Đại học Bác sĩ Hoàng gia Anh cho biết các bác sĩ phẫu thuật "cố gắng hết sức để cập nhật danh sách bệnh nhân của họ" và không cố tình thu lợi nhuận bằng cách giữ nhiều bệnh nhân trong danh sách hơn số lượng thực tế tồn tại.

    Đại học này cũng nói rằng một số bệnh nhân, bao gồm trẻ sơ sinh, có thể không được tính vào số lượng, trong khi những người khác đã rời khỏi cuộc phẫu thuật hoặc chuyển đi nơi khác.

    Tuy nhiên, Liên minh Người nộp thuế ở Anh nói rằng người dân đang trợ cấp một cách không công bằng cho các bác sĩ đa khoa khai gian số lượng người bệnh. Nhóm này kêu gọi sửa đổi danh sách nếu không thể xác định danh tính của các "bệnh nhân ma".

    Vào năm 2019, Cơ quan chống gian lận NHS bắt đầu điều tra xem liệu các bác sĩ đa khoa có yêu cầu bồi thường cho những bệnh nhân không tồn tại hay không, nhưng cuộc điều tra này đã bị tạm dừng và chưa được mở lại.

    Người phát ngôn của NHS Anh cho biết họ làm việc với các bác sĩ phẫu thuật đa khoa để xem xét và cập nhật danh sách bệnh nhân "và điều quan trọng là các cơ sở khám bệnh phải thực hiện việc này một cách thường xuyên để dữ liệu chính xác nhất có thể".

    Theo Thanh Niên

  • Tại Anh, các chuyên gia y tế hàng đầu của nước này ngày 5/11 cảnh báo tình trạng thiếu thuốc ở nước này đang nghiêm trọng hơn bao giờ hết.

    Thuốc kháng sinh thiết yếu, liệu pháp thay thế hormone (HRT) và thuốc điều trị rối loạn tăng động giảm chú ý (ADHD) nằm trong số những loại thuốc đang bị thiếu hụt trầm trọng trong mùa Đông này, buộc Cơ quan Y tế Quốc gia (NHS) phải chi thêm tiền để nhập khẩu.

    Giáo sư Martin McKee của Trường Đại học Vệ sinh và Y học Nhiệt đới London cho biết sức khỏe của những bệnh nhân sử dụng các loại thuốc hằng ngày này đang gặp nguy hiểm vì tình trạng thiếu hụt “rất đáng lo ngại."

    NHS không thể dự trữ nhiều loại thuốc khan hiếm hơn vì các thuốc đã hết hạn sử dụng.

    Các chuyên gia cho rằng tình trạng quan liêu thời hậu Brexit đang khiến việc đưa thuốc vào Anh trở nên khó khăn hơn. Community Pharmacy England, đại diện cho các dược sĩ trong NHS, nhận định xung đột tại Ukraine, các vấn đề sản xuất ở nước ngoài, Brexit đều là nguyên nhân dẫn đến tình trạng này.

    thieu thuoc

    Anh đã chứng kiến tình trạng thiếu thuốc nghiêm trọng trong những năm gần đây. Theo Hiệp hội Các nhà sản xuất thuốc gốc Anh (BGMA), trong tháng 9 vừa qua, có 102 sản phẩm thuốc được liệt vào danh sách thiếu hụt, gấp đôi so với mức cao trước đó vào tháng 2/2022.

    Báo cáo của Ủy ban độc lập về quan hệ Anh- Liên minh châu Âu (EU) chỉ ra rằng thủ tục giấy tờ tốn kém, rào cản pháp lý là những nhân tố chính gây thiếu thuốc trên diện rộng sau Brexit.

    Trong khi đó, tổ chức tư vấn chăm sóc sức khỏe Nuffield Trust khẳng định có “bằng chứng quan trọng” cho thấy Brexit đang có tác động tiêu cực đến nguồn cung thuốc cũng như tình trạng thiếu nhân viên.

    Theo thỏa thuận thương mại hậu Brexit có hiệu lực vào năm 2021, doanh nghiệp nhập khẩu phải chịu thêm chi phí do phải khai báo hải quan và các thủ tục giấy tờ khác.

    Ngoài ra, một số quy trình quản lý thuốc của Vương quốc Anh không còn hiệu lực ở Liên minh châu Âu (EU), khiến các nhà cung cấp thuốc quốc tế giao dịch với Anh tốn nhiều thời gian và tốn kém hơn, dẫn tới sự chậm trễ và tăng chi phí đối với NHS.

    Người đứng đầu chương trình Brexit tại Viện Nuffield, Mark Dayancho biết tình trạng thiếu thuốc là một “xu hướng trên toàn châu Âu” trong bối cảnh hoạt động sản xuất ở Trung Quốc bị gián đoạn và giá thuốc cao hơn do lạm phát.

    Trong khi đó, người phát ngôn của Bộ Y tế và Chăm sóc Xã hội Anh nêu rõ tình trạng thiếu thuốc tại Anh cũng xuất phát từ khó khăn trong sản xuất, vấn đề về quy định, nguồn cung nguyên liệu thô, nhu cầu tăng đột biến hoặc phân phối.

    Tuy nhiên, người phát ngôn khẳng định cơ quan này đang hợp tác chặt chẽ với ngành y tế, NHS và các tổ chức khác để giải quyết tình trạng thiếu hụt hiện nay.

    Theo TTXVN

  • Mới đây, Chính phủ Anh đã tiết lộ kế hoạch lịch sử để giải quyết tình trạng thiếu lao động đang gây khó khăn cho hệ thống y tế công cộng của nước này.

    Đầu năm 2023, cuộc khủng hoảng đã xảy ra tại các bệnh viện ở xứ sở sương mù. Theo thống kê từ Hiệp hội Bác sĩ cấp cứu thuộc Đại học Bác sĩ cấp cứu Hoàng gia (RCEM), trong tháng 11-2022, hơn 37.500 bệnh nhân phải chờ đợi khoảng 12 giờ để biết chính xác họ có được nhập viện hay không, một tỷ lệ cao hơn 355% so với một năm trước đó.

    Tình hình còn phức tạp hơn vào tháng 12-2022 khi thời gian chờ đợi của bệnh nhân để được tiếp cận dịch vụ chăm sóc y tế được xem là “tồi tệ nhất trong lịch sử”. Tờ The Guardian hồi tháng 1-2023 dẫn chứng, bệnh viện ở Swindon-một thị trấn nhỏ nằm giữa Bristol và Reading-đã mất 99 giờ để tìm được giường cho một bệnh nhân nằm trên cáng. Hay cứ 5 xe cấp cứu thì có 1 xe phải mất hơn một giờ mới đưa được bệnh nhân vào phòng cấp cứu. Thậm chí các bệnh viện còn yêu cầu nhiều bệnh nhân, kể cả phụ nữ mang thai, tự sắp xếp chuyến đi đến phòng cấp cứu.

    Nguyên nhân dẫn tới cuộc khủng hoảng tại các bệnh viện vào mùa đông vừa qua được chỉ ra là thiếu nguồn nhân lực trong hệ thống y tế công cộng của Anh. Trước thực trạng trên, Chính phủ Anh đã tiết lộ một kế hoạch mang tính lịch sử với nhiều biện pháp mạnh mẽ. Đích thân Thủ tướng Anh Rishi Sunak trình bày kế hoạch được ông mô tả là “kế hoạch tham vọng nhất trong lịch sử của Dịch vụ Y tế quốc gia (NHS)”.

    NHS được thành lập ngày 5-7-1948 để cung cấp bảo hiểm y tế miễn phí cho người dân ở xứ sở sương mù “từ khi mới sinh đến khi qua đời”. NHS đã trở thành biểu tượng quốc gia mà giai cấp chính trị phải cam kết bảo vệ. Tuy nhiên, hệ thống này đang phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt lao động nghiêm trọng. Hiện nay, NHS đang có 112.000 vị trí cần tuyển dụng-một con số có thể tăng gấp 3 lần vào năm 2037.

    tin nhs
    Theo OECD, Anh là một trong những quốc gia phát triển nhưng lại yếu kém về nguồn nhân lực y tế. Ảnh: lesechos.fr

    Theo Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD), Anh là một trong những quốc gia phát triển nhưng lại yếu kém về nguồn nhân lực y tế. Thống kê cho thấy, tại Anh, chỉ có 3,2 bác sĩ trên 1.000 dân (so với 3,4 ở Pháp) và 8,7 y tá trên 1.000 dân (11,3 ở Pháp). Đại dịch Covid-19 đã khiến “cuộc khủng hoảng bác sĩ” trở nên tồi tệ hơn, tạo ra danh sách bệnh nhân chờ được điều trị kéo dài hàng tháng ở bệnh viện lên tới 7,4 triệu người. Thêm vào đó là cuộc đình công về tiền lương, bởi dù chính phủ đã tăng lương cho ngành y tế nhưng vẫn chưa thể bù đắp được lạm phát. Sau cuộc đình công của các y tá trong mùa đông vừa qua, dự kiến đến lượt các y tá thực tập, rồi các bác sĩ bệnh viện tiến hành đình công trong tháng 7 này.

    Trong bối cảnh đó, kế hoạch lịch sử được Thủ tướng Sunak đề ra mục tiêu, trong vòng 15 năm, nước Anh phải tuyển dụng được 301.000 người làm việc trong lĩnh vực y tế, gồm: 60.000 bác sĩ, 170.000 y tá và 71.000 chuyên gia y tế. Ngân sách bổ sung 2,4 tỷ bảng Anh (2,8 tỷ euro) phải được giải ngân cho mục đích này.

    Theo Thủ tướng Sunak, mục tiêu lâu dài của kế hoạch này là giảm số lượng nhân viên y tế nước ngoài tại các bệnh viện của Anh. Tình trạng này đã diễn ra ở NHS từ lâu, vốn ban đầu được coi là tiết kiệm chi phí nhưng lại khiến hệ thống y tế dễ bị tổn thương hơn. Hiện nay, 25% người được tuyển dụng trong ngành y tế Anh đến từ nước ngoài. Theo kế hoạch trên, con số này phải giảm xuống 10%. Để bù đắp cho sự thiếu hụt này, các trường đại học sẽ đào tạo tăng gấp đôi số lượng bác sĩ, từ 7.500 lên 15.000 người, cũng như tăng số lượng đào tạo y tá và điều dưỡng.

    Một thách thức khác hiện nay của NHS là giữ chân nguồn nhân lực có trình độ, bởi nhiều người đã rời NHS do áp lực công việc. Chính vì vậy, Chính phủ Anh muốn cải cách hệ thống lương hưu, cho phép các bác sĩ nghỉ hưu trở lại làm việc thuận lợi hơn. Ngoài ra, các biện pháp khác còn đề cập tới khả năng cải thiện năng suất làm việc bằng cách tạo ra những vị trí trung gian mới để hỗ trợ các bác sĩ bệnh viện.

    Kế hoạch lịch sử này đã được đón nhận tích cực, đặc biệt là Công đoàn NHS-tổ chức đại diện cho các bệnh viện. Chủ tịch Liên đoàn NHS Matthew Taylor khẳng định, kế hoạch này đã được nghiên cứu trong nhiều năm. Tuy nhiên, kế hoạch này không đưa ra quy định nào về thù lao cho nhân viên điều dưỡng. Trả lời về vấn đề này, Bộ trưởng Tài chính Anh Jeremy Hunt cho rằng, không cần nêu ra vấn đề tiền thù lao cho nhân viên điều dưỡng “bởi chúng ta đã nói rất nhiều về tiền lương trong những tháng gần đây”.

    Theo QĐND

  • xe cuu thuong cham tre 15 tieng 2
    Xe cứu thương đã mất 15 giờ mới tới được nhà của người phụ nữ. Ảnh: Reuters

    Một phụ nữ bị tiểu đường, được tìm thấy đã chết tại nhà sau khi gọi 999. Khi gọi cấp cứu, bà đang bị tăng đường máu nguy kịch. Người phụ nữ 44 tuổi sống ở Lichfield, Staffordshire, nói với nhân viên tổng đài rằng lượng glucose trong máu bà đang rất cao. Bà nôn mửa và buồn ngủ. 

    Cuộc gọi của bà được xếp vào "mục 3", tức trường hợp khẩn cấp và xe cứu thương phải đến trong vòng 1 giờ. Nhưng phải 15 tiếng sau bác sĩ mới tới, lúc này bà đã chết. 

    Bà Finch thực hiện cuộc gọi cấp cứu đầu tiên vào lúc 9h tối ngày 4/12/2021. Nhưng lúc đó, dịch vụ cứu thương đang thiếu người và không có ai đánh giá lâm sàng tình trạng của bà qua điện thoại. Không có ai hướng dẫn, hỗ trợ bà qua điện thoại. 

    xe cuu thuong cham tre 15 tieng 2
    Xe cứu thương nhận được cuộc gọi lúc 9h tối, nhưng 1h chiều hôm sau mới tới. Ảnh: SWNS

    Cho đến 7h22 sáng hôm sau (tức 10 tiếng sau), dịch vụ cứu thương mới gọi điện lại và bà Finch không nghe máy. Đến 1h chiều ngày 5/12/2021, khi xe cứu thương đến nhà bà trên đường Curborough Road thì bà đã chết từ bao giờ.

    Bà Finch mắc bệnh tiểu đường tuýp 1 và chết vì bị "nhiễm toan ceton". Đây là 1 biến chứng cấp tính của bệnh tiểu đường, khi hàm lượng axit tăng cao báo động vì lượng đường trong máu đang ở mức cực cao. 

    Các bác sĩ lâm sàng cho rằng cuộc gọi của bà Finch nên được đưa vào "mục 2", tương đương với người bị đột quỵ, đau tim, chảy máu nguy kịch hoặc chấn thương nghiêm trọng. Ở "mục 2", xe cứu thương phải có mặt trong vòng 18 phút. Tuy nhiên, nếu xe cứu thương đến kịp trong vòng 1 tiếng (tức "mục 3") thì bà Finch vẫn có thể được cứu. 

    Kết quả giám định cho thấy bà Finch chết do nhiễm toan, vì quên bổ sung insulin.

    Bài liên quan: Bị gãy xương, cụ ông phải chờ xe cấp cứu suốt 7 giờ dù bệnh viện chỉ phía bên kia đường

    Ông Keith Royles đang cắt cỏ thì bị gãy xương hông. Dù bệnh viện nằm ngay phía bên kia đường, nhưng cụ ông 85 tuổi vẫn phải chờ xe cứu thương suốt 7 tiếng dưới trời mưa. 

    Ông Keith Royles, đến từ Bodelwyddan (Wales), vốn là một bệnh nhân ung thư giai đoạn cuối. Ông đang cắt cỏ tại nhà thì bị gãy xương hông. Nhưng thay vì được đưa đến bệnh viện ngay lập tức, ông lại phải nằm dưới đất, dưới trời mưa suốt 7 giờ. 

    Gia đình đã cố che chắn để giữ ấm cho ông, nhưng ông đã phải chịu đựng cơn đau thấu trời suốt từng ấy thời gian. Bệnh viện Ysbyty Glan Clwyd Hospital lại nằm ngay con đường đối diện.

    cu ong 85 tuoi nam cho xe cuu thuong 1
    Cụ ông Keith Royles đã phải chịu đựng cơn đau dưới mưa suốt 7 giờ. Ảnh: S4C/WALES NEWS SERVICE

    cu ong 85 tuoi nam cho xe cuu thuong 1
    Gia đình không còn lựa chọn nào khác là để ông nằm trùm chăn ngay ngoài vườn. Ảnh: Tina Royles/WALES NEWS SERVICE

    Con gái của ông, chị Tina nói: "Chúng tôi đã gọi xe cấp cứu, nhưng họ bảo chúng tôi phải chờ từ 4-7 tiếng mới có xe. Chúng tôi đã gọi vài lần và em gái tôi còn cố vẫy một chiếc xe cứu thương, nhưng họ nói không giúp được".

    Khi xe cứu thương cuối cùng cũng tới, các bác sĩ lại bảo không thể đưa ông Keith tới bệnh viện bên kia đường, mà phải chở tới một bệnh viện khác cách đó 30 dặm. Nguyên nhân là do bệnh viện địa phương đang bị quá tải. 

    cu ong 85 tuoi nam cho xe cuu thuong 1
    Nhà của cụ ông 85 tuổi ở gần ngay bệnh viện. Ảnh: Tina Royles/WALES NEWS SERVICE

    Gia đình ông nằng nặc đòi phải đưa ông đến bệnh viện phía bên kia đường, cuối cùng các bác sĩ phải nhượng bộ. Chị Tina nói: "Chúng tôi không trách cứ nhân viên bệnh viện, chỉ là hệ thống y tế quá yếu kém”.

    cu ong 85 tuoi nam cho xe cuu thuong 1
    Ông Keith suýt bị đưa tới bệnh viện cách nhà 30 dặm. Ảnh: Tina Royles/WALES NEWS SERVICE

    cu ong 85 tuoi nam cho xe cuu thuong 1
    Bệnh viện Ysbyty Glan Clwyd ở phía bên kia đường. Ảnh: Tina Royles/WALES NEWS SERVICE

    Viethome (theo Metro)

  • Aoibhin Bradley, 27 tuổi, cho biết cô không có lý do gì để quay trở lại UK vì cô kiếm được nhiều tiền hơn và làm việc ít hơn khi đến Úc. 

    lam viec o uc 1
    Aoibhin Bradley cho biết cô không có ý định quay về Anh. Ảnh: Aoibhín Bradley / SWNS

    Aoibhin Bradley từng làm bác sĩ NHS với đồng lương ít ỏi chỉ hơn 1,000 bảng/tháng. Nhưng sau đó cô đã chuyển đến Gold Coast ở Queensland, Úc, và kiếm được nhiều tiền hơn gấp 3 cũng với công việc tương tự. 

    Cô tốt nghiệp Đại học Queens University ở Belfast vào tháng 4/2020. Sau đó cô đã làm việc ở tuyến đầu suốt thời điểm căng thẳng dịch Covid. Ca làm việc của cô rất dài, thường cô phải làm việc lố 3 tiếng sau khi ca làm đã kết thúc. Vậy nhưng ngay cả trong đại dịch, cô cũng chỉ được trả £2,100/tháng với 48.5 giờ làm việc mỗi tuần.

    Sau khi hoàn thành khóa đào tạo chuyên sâu, Aoibhin quyết định chuyển đến Australia vào tháng 9/2022 cùng với bạn trai là anh Matthew McQuaid, 29 tuổi. Anh này cũng là một bác sĩ.

    lam viec o uc 1
    Aoibhin chuyển đến Australia vào tháng 9/2022 cùng với bạn trai. Ảnh: Aoibhín Bradley / SWNS

    Cả hai đều tìm được việc làm trong phòng cấp cứu của Bệnh viện Gold Coast University Hospital, Queensland. Họ làm cùng ca nên có cùng ngày nghỉ như nhau. 

    Hiện tại Aoibhin kiếm được 6,000 AUD/tháng, tương đương £3,202.53. Và cô chỉ phải làm việc 36 giờ mỗi tuần. Nếu phải làm việc ngoài giờ và Chủ nhật, cô sẽ được trả tiền công gấp đôi. 

    Cô có những ngày nghỉ để khám phá và cắm trại ở Sydney và Melbourne. Trong khi đó, lúc còn ở UK và làm việc cho NHS, cô quá mệt mỏi không còn đủ sức làm gì cho bản thân. 

    "Bạn làm việc để sống - không phải sống để làm việc. Australia đắt đỏ hơn nhưng tôi kiếm được hơn gấp nhiều lần hồi còn ở quê nhà", cô nói. 

    lam viec o uc 1
    Cô đã quen với cuộc sống ở Úc. Ảnh: Aoibhín Bradley / SWNS

    "Ở UK, tôi phải làm ngoài giờ quá nhiều, cuộc sống của tôi chỉ toàn là công việc. Tôi sống ở Bắc Ailen và chẳng có gì để tiêu khiển khi rảnh rỗi. Tôi quá mệt mỏi, cạn kiệt năng lựợng. Ở Úc, mức thu nhập khiến tôi cảm thấy xứng đáng. Mỗi giờ làm việc tôi đều được trả lương. Giờ giấc ở đây rất quy cũ. Nếu đã hết giờ mà bạn chưa về, các tư vấn viên sẽ đến và bảo bạn về".

    "Tôi không có lý do gì để quay trở lại UK. Ở đây mọi người đều yêu công việc của họ. Cuộc sống ngoài kia rất khác biệt, tốt hơn nhiều. Mọi người đều hạnh phúc", cô nói. 

    Ngay từ năm 4 tuổi Aoibhin đã muốn trở thành bác sĩ, nối gót bố mẹ, ông bà và ông bà cố. Sau khi tốt nghiệp, cô bắt đầu làm việc vào tháng 5/2020 và nhanh chóng bị nhấn chìm. 

    "Cả đời tôi đã cố gắng để trở thành bác sĩ. Tôi rất yêu công việc, tôi muốn giúp người, muốn nhìn thấy họ khỏe mạnh trở lại. Nhưng điều kiện làm việc quả thật tồi tệ. Hiếm khi tôi được nghỉ. Đồng tiền tôi kiếm được không tương xứng với công sức tôi bỏ ra", cô nói. 

    Aoibhin biết một vài người đã chuyển đến Úc, và bạn trai cô cũng thích ý tưởng này. Cô quyết định hoàn thành kháo đào tạo chuyên sâu, để có thể quay trở lại UK làm việc nếu cô không hợp với Australia. 

    Cô nói: "Tôi nghe nói về những cơ hội làm việc tại Úc. Tôi tra cứu các bệnh viện ở Brisbane và Perth và nộp cho những nơi này. Tôi cũng nộp cho cả các bệnh viện ở Gold Coast. Họ phỏng vấn qua Zoom và sau đó đồng ý tuyển dụng chúng tôi". 

    Aoibhin và bạn trai chuyển đến Úc vào tháng 9/2022 và cảm thấy đó là một quyết định sáng suốt. "Mọi người đều thân thiện. Tôi nhận ra mọi người đều vui vẻ. Họ được trả lương xứng đáng. Có sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống. Thật tuyệt vời".

    Ở UK, thời gian làm việc theo quy định là từ 9h sáng đến 6h chiều, ca muộn từ 9h sáng đến 9h tối, ca đêm là từ 9h tối đến 9h sáng. Nhưng cô luôn phải làm lố giờ mà không được trả lương. 

    lam viec o uc 1
    Cặp đôi hiện đang làm việc tại Gold Coast. Ảnh: Aoibhín Bradley / SWNS

    Cô nói: "Không có cách nào để xin nghỉ phép. Tôi sụt gần 4kg vì phải làm việc suốt 12 tiếng không ăn gì. Rồi tôi về nhà, ăn vài lát bánh mì rồi đi ngủ".

    Ở Úc, cô được trả 47 AUD (£25) một giờ, và mỗi tuần cô chỉ phải làm 36 tiếng. Cô nói: "Nếu phải ở lại trễ dù chỉ một phút, bạn cũng sẽ được trả lương gấp đôi. Mỗi tháng tôi kiếm được 6,000 AUD". 

    Vì có nhiều thời gian hơn nên Aoibhin đã có thể khám phá nước Úc. "Lúc còn ở Anh, khi được nghỉ, tôi chỉ đi tập gym, đi bộ, đi ăn uống...và hết. Cuối tuần tôi cũng chẳng đi đâu chơi xa. Ở đây, tuần nào chúng tôi cũng đi cắm trại qua đêm. Không ai phải làm việc tới chết. Ở Úc đôi khi tôi cũng thấy mệt mỏi, nhưng lúc đó chỉ cần nằm dài trên ban công là tôi có thể ngắm biển", cô nói. 

    Cô không có ý định quay về UK, nhưng Aoibhin cũng rất nhớ gia đình. Từ khi cô đi, ông bà cô cùng với chú chó cưng đã qua đời. "Trong vòng 8 tháng, tôi mất ông bà và chú chó cưng. Thật sự đau lòng", nhưng cô phải vượt qua. 

    Hiện tại có rất nhiều bác sĩ Anh đang sống và làm việc tại Úc. 

    Viethome (theo Mirror)

  • Aaron Morris đã vô cùng hạnh phúc khi biết vợ mình mang thai đôi. Nhưng chỉ vài tuần sau, anh đã qua đời trong một vụ tai nạn xe máy. Anh đã có cơ hội sống sót lên tới 95%, nhưng vì xe cứu thương không tới kịp nên anh đã thiệt mạng oan uổng. 

    Cái chết của anh Aaron Morris 31 tuổi, đã khiến Dịch vụ Cứu thương North East Ambulance Service - NEAS phải tiến hành một cuộc điều tra nội bộ. Kết quả điều tra cho thấy một loại những "sai sót và lỗi hệ thống".

    Aaron bị tai nạn ở làng Esh Winning, County Durham vào ngày 1-7-2022. Vợ anh Samantha nói rằng kết quả điều tra khiến cô cảm thấy đau đớn và sụp đổ "như cái ngày anh qua đời".

    "Tôi cảm thấy tê dại như toàn thế giới hoàn toàn đóng băng. Thế nhưng lần này tôi đã có con, và các con đang gào khóc cũng giống như ruột gan tôi lúc này", cô nói.

    dich vu cuu thuong cham tre 1
    Anh Aaron Morris đã có cơ hội sống sót rất cao. Ảnh: Newcastle Chronicle

    Việc phải chờ đợi 49 phút 49 giây đồng nghĩa Aaron không nhận được sự giúp đỡ kịp thời. Vào lúc 12h27 phút chiều, cuộc gọi đầu tiên được thực hiện. Nhưng lúc đó có tới 10 cuộc gọi đang xếp hàng, nghĩa là phải mất tổng cộng 98 giây mới có người nghe máy. 

    6 cuộc gọi thay mặt Aaron đã được gọi tới dịch vụ cứu thương, bao gồm cuộc gọi của 1 cảnh sát và 1 y tá đang không trong giờ làm việc (off-duty). Y tá này tỏ ra rất lo lắng trước tình hình chuyển biến xấu của Aaron.

    Vào lúc 12h55 phút, một cảnh sát yêu cầu khẩn cấp một chiếc xe cứu thương, nhưng được thông báo đang có 74 yêu cầu khẩn cấp khác, nghĩa là Aaron vẫn phải chờ. 

    Một trực thăng cứu hộ được yêu cầu, nhưng nhân viên tổng đài nói rằng Dịch vụ trực thăng cứu thương Great North Air Ambulance Service - GNAAS trước đó đã trả lời cho vị y tá off-duty kia rằng, tình trạng của Aaron không tới mức phải gọi trực thăng.

    Trong bảng báo cáo, yêu cầu dịch vụ trực thăng không được ghi nhận trong các cuộc gọi, cũng không hề được chuyển tới dịch vụ trực thăng cứu thương. Lúc đó có một chiếc trực thăng sẵn sàng, nhưng không ai điều động nó.

    Samantha 28 tuổi nói: "Tôi hiểu rằng lúc nào cũng thiếu xe cứu thương, nhưng rõ ràng có 1 chiếc trực thăng và tình trạng của Aaron đã xấu đi nhanh chóng. Lẽ ra họ đã có thể cứu anh ấy, nhưng họ đã không chuyển tin đến bộ phận tiếp nhận của dịch vụ trực thăng".

    dich vu cuu thuong cham tre 1
    Samantha sinh non 2 bé Aaron-Junior John Robson Morris (trái) và Ambrose-Ayren Morris 3 tháng trước ngày dự sinh. Ảnh: Newcastle Chronicle

    Một chiếc xe cứu thương từ một công ty thứ 3 cuối cùng đã đến vào lúc 1h21 phút chiều, cùng với dịch vụ y tế Emergency Care Assistant (ECA).

    Nhưng lúc này, mạch đập của Aaron đã rất yếu và nhịp thở bất thường. Anh cũng rất lạnh và thân nhiệt tụt xuống chỉ còn 36 độ C. Tệ hơn nữa là nhân viên ECA "không quen thuộc với khu vực", không biết sử dụng hệ thống định vị vệ tinh. 

    Do đó Samantha phải chỉ đường cho xe cứu thương đến Bệnh viện University Hospital of North Durham. Ban đầu họ định đi tới khoa cấp cứu gần nhất ở Bệnh viện Newcastle's Royal Victoria Infirmary nhưng phải chuyển hướng khi Aaron lên cơn đau tim. 

    Samantha vừa chỉ đường vừa nghe thấy chồng cô đang được hồi sức tim phổi và ép ngực. 

    dich vu cuu thuong cham tre 1Một chiếc trực thăng cứu thương có thể đã cứu được Aaron. Ảnh: Newcastle Chronicle

    "Câu cuối cùng anh ấy nói trước khi lên cơn đau tim là "Vợ tôi đâu?", bác sĩ nói "Cô ấy ở ngay đằng trước đây anh bạn" rồi ông ấy bắt đầu gọi "Aaron, Aaron" rồi la lên "suy tim, suy tim. Chuyển hướng, chuyển hướng". Chồng tôi đã nhận ra anh ấy không gắng gượng nổi nhưng anh ấy vẫn chờ đợi tôi", Samantha nhớ lại.

    Aaron được các bác sĩ hồi sinh ở Durham, nhưng tới 2h14 phút chiều anh mới tới được bệnh viện. Anh qua đời sau đó với vợ bên cạnh. 

    "Tôi nghĩ về ngày đó mỗi ngày. Cuộc sống của chúng tôi mới chỉ bắt đầu nhưng đã hoàn toàn thay đổi kể từ khi anh ấy ra đi. 2 đứa con tôi không bao giờ được gặp bố. Quá khứ, hiện tại và tương lai của tôi hoàn toàn bị tước đoạt khi Aaron ra đi", cô nói. 

    Quá phụ nói cô rất biết ơn những người đã cấp cứu cho Arron ngày hôm đó, và những nhân viên y tế đã chăm sóc cặp song sinh khi cô sinh non tận 3 tháng. Aaron-Junior John Robson Morris và Ambrose-Ayren Morris chào đời vào tháng 10-2022.

    dich vu cuu thuong cham tre 1
    Dịch vụ cứu thương đã gửi lời xin lỗi và đang tiến hành điều tra. Ảnh: Newcastle Chronicle

    Viethome (theo Mirror)

  • cu ong 85 tuoi nam cho xe cuu thuong 1
    Cụ ông Keith Royles đã phải chịu đựng cơn đau dưới mưa suốt 7 giờ. Ảnh: S4C/WALES NEWS SERVICE

    Ông Keith Royles đang cắt cỏ thì bị gãy xương hông. Dù bệnh viện nằm ngay phía bên kia đường, nhưng cụ ông 85 tuổi vẫn phải chờ xe cứu thương suốt 7 tiếng dưới trời mưa. 

    Ông Keith Royles, đến từ Bodelwyddan (Wales), vốn là một bệnh nhân ung thư giai đoạn cuối. Ông đang cắt cỏ tại nhà thì bị gãy xương hông. Nhưng thay vì được đưa đến bệnh viện ngay lập tức, ông lại phải nằm dưới đất, dưới trời mưa suốt 7 giờ. 

    Gia đình đã cố che chắn để giữ ấm cho ông, nhưng ông đã phải chịu đựng cơn đau thấu trời suốt từng ấy thời gian. Bệnh viện Ysbyty Glan Clwyd Hospital lại nằm ngay con đường đối diện.

    cu ong 85 tuoi nam cho xe cuu thuong 1
    Gia đình không còn lựa chọn nào khác là để ông nằm trùm chăn ngay ngoài vườn. Ảnh: Tina Royles/WALES NEWS SERVICE

    Con gái của ông, chị Tina nói: "Chúng tôi đã gọi xe cấp cứu, nhưng họ bảo chúng tôi phải chờ từ 4-7 tiếng mới có xe. Chúng tôi đã gọi vài lần và em gái tôi còn cố vẫy một chiếc xe cứu thương, nhưng họ nói không giúp được".

    Khi xe cứu thương cuối cùng cũng tới, các bác sĩ lại bảo không thể đưa ông Keith tới bệnh viện bên kia đường, mà phải chở tới một bệnh viện khác cách đó 30 dặm. Nguyên nhân là do bệnh viện địa phương đang bị quá tải. 

    cu ong 85 tuoi nam cho xe cuu thuong 1
    Nhà của cụ ông 85 tuổi ở gần ngay bệnh viện. Ảnh: Tina Royles/WALES NEWS SERVICE

    Gia đình ông nằng nặc đòi phải đưa ông đến bệnh viện phía bên kia đường, cuối cùng các bác sĩ phải nhượng bộ. Chị Tina nói: "Chúng tôi không trách cứ nhân viên bệnh viện, chỉ là hệ thống y tế quá yếu kém”.

    cu ong 85 tuoi nam cho xe cuu thuong 1
    Ông Keith suýt bị đưa tới bệnh viện cách nhà 30 dặm. Ảnh: Tina Royles/WALES NEWS SERVICE

    cu ong 85 tuoi nam cho xe cuu thuong 1
    Bệnh viện Ysbyty Glan Clwyd ở phía bên kia đường. Ảnh: Tina Royles/WALES NEWS SERVICE

    Bài liên quan: Bệnh viện thiếu giường, cụ ông qua đời vì phải ngồi chờ suốt 11 giờ ở hành lang

    Cụ ông Bryan Fulstow đã phải ngồi trên ghế trong suốt thời gian chờ đợi giường bệnh viện. Ông qua đời tại Bệnh viện Hull Royal Infirmary vào ngày 15/11/2022. Con trai ông cho rằng sự tắc trách của bệnh viện là "vô nhân tính".

    Ông Bryan Fulstow năm nay đã 83 tuổi. Ông được đưa vào khoa cấp cứu 6 ngày trước đó vì nghi bị nhiễm trùng huyết. Sau đó ông được chuyển sang khoa dành cho người lớn tuổi (lão khoa - frailty assessment ward). Nhưng ông phải ngồi chờ trên ghế vì chưa có giường.

    cu ong benh vien 1
    Ông Bryan Fulstow bị bỏ mặc trên ghế suốt 11 tiếng. Ảnh: Hull Daily Mail / MEN Media

    Con trai ông là anh Steve đã chỉ trích sự lơ là tắc trách của bệnh viện. Anh yêu cầu ban quản lý bệnh viện phải giải thích lý do họ bỏ mặc một người đàn ông bệnh tật, yếu ớt một mình. 

    Vợ của ông là bà Barbara, 59 tuổi, đã vô cùng đau khổ trước sự ra đi của chồng. Ông Bryan có 3 người con và 4 đứa cháu. Ông là một kỹ sư bảo trì về hưu và sống tại làng Kirk Ella, gần Hull.

    Trước đó, khi cảm thấy sức khỏe chuyển biến xấu, ông đã gọi cứu thương nhưng phải chờ suốt 2 tiếng rưỡi xe cứu thương mới tới.

    cu ong benh vien 1
    Anh Steve chụp ảnh cùng bố Bryan. Ảnh: Hull Daily Mail / MEN Media

    Anh Steve cho biết bố mình không có tiền sử bệnh tình nghiêm trọng, nhưng ông đã trở nên xanh xao, mê sảng và bị sốt cao. Sau 1 ngày nằm trong lão khoa, ông bị chuyển sang khoa khác dù ở đó hết giường. 

    Nhân viên cấp cao tại bệnh viện nói với Steve rằng, theo quy định làm việc mới áp dụng ở bệnh viện này, bệnh nhân sẽ được chuyển từ phòng cấp cứu sang các khoa cấp tính "bất kể nơi đó còn giường hay không".

    cu ong benh vien 1
    Gia đình ông Bryan cho rằng sự lơ là tắc trách của nhân viên bệnh viện là nguyên nhân ông qua đời. Ảnh: Hull Daily Mail / MEN Media)

    Quy định mới này được áp dụng từ mùa thu tại một số bệnh viện NHS, nhằm đối phó với tình trạng quá tải trong mùa đông. Phương pháp này đã được thử nghiệm tại Bệnh viện North Bristol NHS Trust vào tháng 8.

    Steve nói: "Cha tôi ngồi ở hành lang với hàng trăm người đi qua đi lại, một ống thông tiểu cắm trong người ông suốt 11 tiếng. Lương tâm của bệnh viện ở đâu?".

    cu ong benh vien 1
    Ông Bryan qua đời tại Bệnh viện Hull Royal Infirmary. Ảnh: PA Archive/PA Images

    Sau khi chờ đợi, ông Bryan được đưa vào một buồng nhỏ và ở đó một mình. Anh Steve nói: "Tôi nghĩ điều này là nguyên nhân lớn khiến cha tôi qua đời. Nếu ông ấy không bị bỏ mặc một mình trong căn phòng đó, có thể ai đó đã giúp được ông ấy".

    "Trước đó sức khỏe của cha tôi đã cải thiện. Nhưng sau đó họ gọi điện báo là ông ấy bị ngã. Ông ấy đã bị đập vào đầu, và phòng giám định nói đó là nguyên nhân dẫn tới cái chết của ông ấy", anh Steve nói.

    Người phát ngôn của bệnh viện hồi đáp: "Chúng tôi xin bày tỏ lòng tiếc thương sâu sắc đến gia đình ông Fulstow. Một cuộc điều tra đang được tiến hành và đội ngũ y tá cấp cao của chúng tôi sẽ báo cáo với gia đình khi nhận được kết luận điều tra".

    Viethome (theo Mirror)

  • cu ong benh vien 1
    Ông Bryan Fulstow bị bỏ mặc trên ghế suốt 11 tiếng. Ảnh: Hull Daily Mail / MEN Media

    Cụ ông Bryan Fulstow đã phải ngồi trên ghế trong suốt thời gian chờ đợi giường bệnh viện. Ông qua đời tại Bệnh viện Hull Royal Infirmary vào ngày 15/11/2022. Con trai ông cho rằng sự tắc trách của bệnh viện là "vô nhân tính".

    Ông Bryan Fulstow năm nay đã 83 tuổi. Ông được đưa vào khoa cấp cứu 6 ngày trước đó vì nghi bị nhiễm trùng huyết. Sau đó ông được chuyển sang khoa dành cho người lớn tuổi (lão khoa - frailty assessment ward). Nhưng ông phải ngồi chờ trên ghế vì chưa có giường.

    Con trai ông là anh Steve đã chỉ trích sự lơ là tắc trách của bệnh viện. Anh yêu cầu ban quản lý bệnh viện phải giải thích lý do họ bỏ mặc một người đàn ông bệnh tật, yếu ớt một mình. 

    Vợ của ông là bà Barbara, 59 tuổi, đã vô cùng đau khổ trước sự ra đi của chồng. Ông Bryan có 3 người con và 4 đứa cháu. Ông là một kỹ sư bảo trì về hưu và sống tại làng Kirk Ella, gần Hull.

    Trước đó, khi cảm thấy sức khỏe chuyển biến xấu, ông đã gọi cứu thương nhưng phải chờ suốt 2 tiếng rưỡi xe cứu thương mới tới.

    cu ong benh vien 1
    Anh Steve chụp ảnh cùng bố Bryan. Ảnh: Hull Daily Mail / MEN Media

    Anh Steve cho biết bố mình không có tiền sử bệnh tình nghiêm trọng, nhưng ông đã trở nên xanh xao, mê sảng và bị sốt cao. Sau 1 ngày nằm trong lão khoa, ông bị chuyển sang khoa khác dù ở đó hết giường. 

    Nhân viên cấp cao tại bệnh viện nói với Steve rằng, theo quy định làm việc mới áp dụng ở bệnh viện này, bệnh nhân sẽ được chuyển từ phòng cấp cứu sang các khoa cấp tính "bất kể nơi đó còn giường hay không".

    cu ong benh vien 1
    Gia đình ông Bryan cho rằng sự lơ là tắc trách của nhân viên bệnh viện là nguyên nhân ông qua đời. Ảnh: Hull Daily Mail / MEN Media)

    Quy định mới này được áp dụng từ mùa thu tại một số bệnh viện NHS, nhằm đối phó với tình trạng quá tải trong mùa đông. Phương pháp này đã được thử nghiệm tại Bệnh viện North Bristol NHS Trust vào tháng 8.

    Steve nói: "Cha tôi ngồi ở hành lang với hàng trăm người đi qua đi lại, một ống thông tiểu cắm trong người ông suốt 11 tiếng. Lương tâm của bệnh viện ở đâu?".

    cu ong benh vien 1
    Ông Bryan qua đời tại Bệnh viện Hull Royal Infirmary. Ảnh: PA Archive/PA Images

    Sau khi chờ đợi, ông Bryan được đưa vào một buồng nhỏ và ở đó một mình. Anh Steve nói: "Tôi nghĩ điều này là nguyên nhân lớn khiến cha tôi qua đời. Nếu ông ấy không bị bỏ mặc một mình trong căn phòng đó, có thể ai đó đã giúp được ông ấy".

    "Trước đó sức khỏe của cha tôi đã cải thiện. Nhưng sau đó họ gọi điện báo là ông ấy bị ngã. Ông ấy đã bị đập vào đầu, và phòng giám định nói đó là nguyên nhân dẫn tới cái chết của ông ấy", anh Steve nói.

    Người phát ngôn của bệnh viện hồi đáp: "Chúng tôi xin bày tỏ lòng tiếc thương sâu sắc đến gia đình ông Fulstow. Một cuộc điều tra đang được tiến hành và đội ngũ y tá cấp cao của chúng tôi sẽ báo cáo với gia đình khi nhận được kết luận điều tra".

    Viethome (theo Mirror)

  • Một người mẹ tiết lộ con trai cô bị tàn tật sau ca sinh nở tại bệnh viện của NHS.

    Pippa Cartwright - đến từ Telford, cho biết một nữ hộ sinh đã ngồi lên bụng mình khi chị chuyển dạ và bị từ chối sinh mổ vào năm 2006. Chị Cartwright - 46 tuổi, là một trong số hàng trăm phụ nữ phải chịu hậu quả tàn khốc do sự yếu kém của phòng phụ sản NHS.

    Cuộc điều tra kéo dài 5 năm cho thấy ít nhất 201 trẻ em và 9 phụ nữ đã mất mạng vì "văn hóa độc hại" kéo dài hơn hai thập kỷ tại Bệnh viện công Shrewsbury and Telford Hospital NHS Trust. Ít nhất 94 em bé phải chịu thương tích nặng.

    Chị Cartwright cho biết đã kiện bệnh viện sau khi con trai út bị liệt một tay. Luis Simpson - năm nay 15 tuổi, mắc chứng Erb's palsy. Cuộc điều tra cho rằng nguyên nhân gây bệnh là tổn thương không thể chữa khỏi đối với dây thần kinh ở cổ khi Luis được sinh ra.

    8trustChị Cartwright chụp cùng con trai Luis

    Chị Cartwright nói: "Ca sinh của tôi hoàn toàn khủng khiếp. Tôi đã chuẩn bị sinh mổ nhưng được thông báo họ đã hoàn thành chỉ tiêu trong ngày nên tôi không thể sinh mổ. Con trai tôi bị mắc kẹt. Tôi nhớ một nữ hộ sinh đã ngồi trên bụng tôi và ấn em bé xuống trong khi bác sĩ ở cuối giường lôi đầu Luis ra. Và anh ta thực sự phải gác chân lên giường để có thế kéo bé ra. Các dây thần kinh ở cổ và cột sống chạy dọc xuống cánh tay và chúng căng ra như những sợi dây thun khi một đứa trẻ vừa chào đời, dây thần kinh của Luis bị đứt".

    Chị Cartwright cho biết gia đình đã kiện bệnh viện vào năm 2016 với sự giúp đỡ của công ty luật Irwin Mitchell. Luis đã trải qua 22 cuộc phẫu thuật để sửa chữa những tổn thương nhưng vẫn không thể sử dụng tay phải một cách bình thường.

    Chị Cartwright là một trong số hàng trăm gia đình bị tổn thương, với nhiều lời phàn nàn có từ những năm 1970. Nữ hộ sinh hàng đầu Donna Ockenden đã thực hiện cuộc điều tra theo yêu cầu của cựu bộ trưởng y tế Jeremy Hunt, và xem xét 1,592 sự cố liên quan đến 1,486 gia đình. Nhiều trẻ sơ sinh bị gãy xương hoặc tổn thương dây thần kinh trong khi sinh.

    Các bà mẹ và trẻ em phải đối mặt với rủi ro bởi chính sách từ chối phụ nữ sinh mổ vì các quan chức muốn khuyến khích sinh "tự nhiên" qua đường âm đạo.

    Chị Cartwright đã trải qua những ca sinh đau đớn với hai đứa con trai khác, và một bé trai cũng bị bại liệt Erb. Con trai đầu lòng của chị phải nằm hồi sức khi chào đời vì bị dây rốn quấn quanh cổ. Cả ba đều được sinh ra tại cùng một Bệnh viện tín thác của NHS.

    Chị Cartwright nói: “Tôi đã tự trách mình trong một thời gian dài và bác sĩ cho rằng tôi bị PTSD (rối loạn sang chấn) sau ca sinh. Ban đầu bệnh viện cố trách tôi. Tôi cảm thấy họ muốn che đậy những gì đã xảy ra. Tôi biết hai phụ nữ khác thông qua một nhóm hỗ trợ và con gái của một người bạn bị bại não khi sinh tại cùng một bệnh viện. Thật sốc vì đã có nhiều vụ xảy ra, vì khu vực chúng tôi sống không quá lớn, nhiều trường hợp bị thương và tử vong lẽ ra có thể ngăn ngừa được. Chỉ xin lỗi là không đủ”.

    Tim Annett, luật sư về sơ suất y tế tại Irwin Mitchell, cho biết: "Những phát hiện của báo cáo Ockenden khiến người ta phải sửng sốt. Không thể tin được các vấn đề tại bệnh viện công này lại diễn ra trong một thời gian dài như vậy. Đằng sau mỗi vụ việc là một câu chuyện về những gia đình bị tàn phá nặng nề bởi sai sót y khoa. Đáng buồn thay, đã quá muộn đối với hàng nghìn người, nhưng đã đến lúc hành động để giải quyết các vấn đề trong chăm sóc thai sản”.

    Louise Barnett - giám đốc điều hành tại của Bệnh viện Shrewsbury and Telford, cho biết: "Báo cáo ngày hôm nay vô cùng đau buồn và chúng tôi hết lòng xin lỗi vì những nỗi đau do sự thất bại của chúng tôi với tư cách là bệnh viện ủy thác gây ra. Chúng tôi có nghĩa vụ đảm bảo dịch vụ chăm sóc an toàn, hiệu quả, có chất lượng cao và luôn đáp ứng nhu cầu và sự lựa chọn của phụ nữ và gia đình. Nhờ làm việc chăm chỉ và cam kết của các đồng nghiệp, chúng tôi đã tuân thủ tất cả các hành động được yêu cầu sau báo cáo Ockenden đầu tiên”.

    Viethome (Theo Sun)

  • kham tu mien phi

    Những bệnh nhân phải chờ đợi hơn 18 tháng để được điều trị tại các cơ sở của NHS, nay có thể đi khám tư miễn phía theo kế hoạch giải quyết sự trễ nải do Covid-19 gây ra. 

    Bộ trưởng Bộ Y Tế, ông Sajid Javid đã quyết định mở rộng ''quyền lựa chọn'' để giúp đẩy nhanh quá trình chăm sóc sức khỏe, vì hiện tại, có tới 6 triệu bệnh nhân đang chờ được khám. 

    Ông Javid muốn đến năm 2024, hơn 60% bệnh nhân với nhu cầu chữa trị lâu dài phải được đáp ứng nhu cầu ''chăm sóc cá nhân''. Nghĩa là 4 triệu người Anh sẽ có quyền yêu cầu nhiều hơn đối với việc điều trị của mình. 

    Ngoài ra, sẽ có nhiều người hơn được tài trợ chăm sóc sức khỏe, so với con số bây giờ chỉ là 200,000 người, chủ yếu là bệnh nhân mắc bệnh tim hoặc bị viêm khớp. Họ sẽ được hỗ trợ tiền thiết bị y tế và tiền trả cho người chăm sóc. 

    Quan chức nói rằng sẽ trao quyền kiểm soát cho bệnh nhân để nâng cao chất lượng cuộc sống, nhưng các nhà phê bình lại chỉ trích hệ thống y tế hiện nay dễ bị lạm dụng, vì nhiều bệnh nhân lãng phí tiền của NHS để đi du lịch, đi công viên giải trí hoặc mua sắm đồ công nghệ.

    Trong khi đó, quan chức tiếp tục khẳng định rằng việc mở rộng sự lựa chọn cho bệnh nhân sẽ giúp tiết kiệm tiền cho NHS về lâu về dài. Ông Javid khẳng định cải cách là cần thiết để giải quyết những hậu quả do đại dịch gây ra. 

    Phát biểu tại Đại học Royal College of Physicians ở London, ông nói: ''Rõ ràng chúng ta liên tục đụng phải ngã rẽ, thời điểm mà chúng ta phải lựa chọn giữa việc đốt tiền vô thời hạn, hoặc cải cách hệ thống y tế. Tôi chọn cải cách''.

    Amanda Pritchard, giám đốc điều hành NHS England, cho biết cải cách sẽ giúp bệnh nhân được ''ngồi vào ghế lái'' và quyết định cách họ được chăm sóc, điều trị, đồng thời hỗ trợ công việc của NHS trong dài hạn. 

    Bài liên quan: Bệnh nhân qua đời sau 9 giờ phải ngồi trong phòng chờ bệnh viện

    Anh Jake - 48 tuổi, đã tử vong sau khi không được điều trị kịp thời và phải ngồi trong phòng chờ bệnh viện suốt 9 giờ.

    June Roche cho biết cô đã vội vã đưa chồng mình là Jake đến Trung tâm Y tế Nottingham’s Queen vào tháng trước. Tình trạng của anh Jake trở nặng khi hồi phục sau một cơn đau tim trước đó.

    Jake đã gặp bác sĩ gia đình sau khi bị những cơn hoảng loạn và hai "cơn đau tim nghiêm trọng nhưng lặng lẽ" cũng như ba lần đột quỵ khiến anh bị mù một phần.

    Jake đã được tiêm thuốc làm loãng máu và đưa về nhà vào ngày 9 tháng 12. Tuy nhiên, hai ngày sau đó anh bắt đầu cảm thấy “đau ở ngực và cổ”.

    Tiết lộ về vụ việc trên Twitter, chị Roche cho biết họ đến phòng cấp cứu A&E lúc 10:30 tối ngày 11 tháng 12 nhưng không được các chuyên gia tim mạch thăm khám cho đến 7:30 sáng hôm sau.

    14jakeAnh Jake cùng hai con

    Chị June cho biết: “Anh ấy đã ở suốt đêm trong phòng chờ A&E đông đúc nhưng yên tĩnh đến kỳ lạ. Jake cảm thấy lạnh, không thể nhìn được, đơn độc và rõ ràng là đang lên cơn đau tim. Anh ấy ngồi trong phòng chờ cho đến 7h30 sáng hôm sau, khi cuối cùng được chuyển đến khoa tim mạch cấp tính của một bệnh viện khác".

    June đã bị buộc phải đợi trong xe trong phần lớn thời gian chồng ở phòng chờ và phải nói với lễ tân qua điện thoại rằng anh đang bị đau tim.

    Chị nói thêm: “Chỉ có một y tá ở bàn làm việc, tôi lo là cô ấy có thể đã không nắm bắt được mức độ nghiêm trọng bệnh tình của anh ấy. Lúc 3 giờ sáng, tôi thuyết phục nhân viên bảo vệ cho mình vào, đưa cho Jake sạc điện thoại và đồ uống. Anh ấy trông rất xanh xao và mệt mỏi. Anh ấy lạnh cóng và rất đau. Tôi định làm ầm lên nhưng Jake nói đừng làm vậy. Anh ấy nói chỉ có một bác sĩ trực và bảo tôi đi tìm người này".

    "Có một số người thực sự ốm yếu ở đó, một số nằm trên sàn và những người khác có khuôn mặt tái nhợt vì cơn đau dữ dội. Cô y tá trông có vẻ mệt mỏi. Tình huống đó không phải lỗi của cô ấy và cô ấy đang cố gắng hết sức - nếu tôi làm ầm ĩ lên mọi việc sẽ tồi tệ hơn”.

    Anh Jake không mắc Covid và đã dành thêm 36 giờ chiến đấu để giành lấy sự sống trong khoa tim mạch cấp tính trước khi bệnh tình trở nặng. Các bác sĩ đã gấp rút đưa Jake vào phòng chăm sóc đặc biệt, tuy nhiên họ vẫn không thể cứu anh.

    Chị June nói thêm: “Có lẽ Jake sẽ không thể sống sót, dù họ có làm gì đi nữa. Nhưng phải chờ đợi quá lâu, nỗi đau và sự mệt mỏi mà anh ấy phải chịu đựng ở bệnh viện không khiến tình hình tốt hơn”.

    Câu chuyện của vợ chồng Jake Roche được nêu ra trong bối cảnh có các báo cáo rằng NHS đang bị khủng hoảng nhân sự.

    Viethome (theo The Sun)