Ông bà Christine và Peter Scott đang lên kế hoạch chết cùng nhau trong "hộp quan tài" Sarco Suicide Pod. Ảnh: Mail on Sunday/Reuters
Đôi vợ chồng lớn tuổi quyết định kết thúc cuộc đời cùng nhau trong "hộp quan tài" Sarco Suicide Pod thay vì phải chịu đựng những cơn đau dai dẳng. Đôi vợ chồng sống tại làng Mellis ở Suffolk.
Ông Peter Scott là một kĩ sư về hưu 86 tuổi, từng làm việc trong Lực lượng Không quân Hoàng gia. Ông cho biết không thể chịu được ý nghĩ sống thiếu vợ là bà Christine 80 tuổi, từng là một y tá. Sau khi bà được chẩn đoán mắc chứng "sa sút trí tuệ não mạch", ông đã quyết định cùng chết với bà.
"Hãy nhìn vào các lựa chọn. Cơ hội được chữa bệnh ngay với NHS là quá xa vời. Do đó chúng tôi bị mắc kẹt trong cơn đau dai dẳng và sức khỏe yếu kém. Tôi không muốn đi vào viện dưỡng lão, tôi không muốn nằm liệt trên giường làm gì cũng cần có người giúp đỡ. Đó không thể gọi là cuộc sống. Cuối cùng, chính phủ sẽ bòn rút hết tiền tiết kiệm và lấy luôn căn nhà để bù đắp chi phí chữa bệnh cho chúng tôi", ông Peter nói.
Christine và Peter lần đầu tiên gặp nhau lại một câu lạc bộ jazz. (Ảnh: Les Wilson/MOS)
"Chúng tôi đã có một cuộc hôn nhân viên mãn kéo dài 46 năm, nhưng giờ chúng tôi đã già. Tôi không muốn chứng kiến trí não ngày càng thoái hóa của vợ, cũng không muốn nhìn thấy sức lực ngày càng yếu ớt của mình. Cả đời vợ tôi đã chăm sóc những người bị bệnh sa sút trí tuệ, nên bà ấy muốn đủ tỉnh táo để kiểm soát bản thân mình. Trợ tử giúp bà ấy đảm bảo điều đó, còn tôi thì không thể sống thiếu bà ấy. Nhiều người có thể không đồng tình, nhưng chúng tôi muốn quyền tự quyết. Thật đáng tiếc chúng ta không có quyền ấy ở UK", ông nói.
Thay vào đó ông bà phải đi đến Thụy Sỹ, nơi cho phép trợ tử tự nguyện. Luật này đã ra đời từ năm 1942.
Họ dự định đăng ký dịch vụ trợ tử The Last Resort, nơi cung cấp hộp quan tài Sarco. Chiếc hộp này có hình dạng viên nén, chỉ trong vòng 10 phút nằm trong quan tài, bạn sẽ tắt thở do khí oxy được thay thế nhanh chóng bằng khí nitơ.
Chiếc hộp quan tài Sarco gây nhiều tranh cãi. Ảnh: Denis Balibouse/Reuters
Hộp quan tài do tiến sĩ Philip Nitschk, người Australia, sáng tạo ra. Website của công ty này nói rằng cái chết sẽ đến một cách bình yên, thậm chí là hưng phấn. Người nằm trong quan tài sẽ ngừng thở sau khi mất ý thức.
Thế nhưng một người chứng kiến cho biết, vào đầu năm nay khi nitrơ được sử dụng lần đầu tiên để hành quyết tử tù ở Mỹ, cái chết không hề diễn ra yên bình. Nó diễn ra suốt 22 phút và là cái chết cực kì đau đớn.
Giới phê bình gọi Sarco là một hầm hơi ngạt "được ca ngợi lố bịch". Một báo cáo của Viện công nghệ Massachusetts cho rằng, hộp quan tài này có thể gây ra cái chết đau đớn nếu gặp sự cố.
Philip Nitschke bị giới phê bình gọi là "tiến sĩ tử thần". Ảnh: Denis Balibouse/Reuters
Hồi tháng 7 năm nay, các công tố viên đã đe dọa sẽ bỏ tù 5 năm cho bất cứ ai sử dụng hộp Sarco để trợ tử tại quận Schaffhausen của Thụy Sỹ.
Tiến sĩ Nitschke từng hy vọng sẽ đưa Sarco vào sử dụng lần đầu tiên vào cuối tháng 7/2024, dù ông đã lên kế hoạch hồi năm 2022. Trong chiếc hộp này có gắn 1 camera, cho phép ghi lại những gì xảy ra bên trong hộp để trình lên tòa án pháp y. Tiến sĩ Nitschke cũng đã cho sản xuất loại hộp dành cho 2 người nằm. Trong hộp này có 1 cái nút, và 1 trong 2 người phải quyết định ai là người bấm nút.
Ông bà Peter và Christine đã chuẩn bị cho thời khắc cuối cùng. "Tôi muốn cùng Peter đi dạo ven sông, đi dạo ven dãy núi An-pơ ở Thụy Sỹ. Tôi muốn ăn cá cho bữa tối cuối cùng, và uống rượu Merlot. Tôi còn muốn mở những bản nhạc yêu thích như Wild Cat Blues, The Young Ones của Cliff Richard. Tôi phát hiện bài thơ Miss Me But Let Me Go đã mô tả chính xác cảm giác của tôi lúc này", bà Christine nói.
Các con của ông bà Peter đã phải mất một thời gian để chấp nhận quyết định của bố mẹ. Ảnh: Les Wilson/MOS
Thủ tướng Keir Starmer đã hứa sẽ cho phép các nghị sĩ Lao Động biểu quyết về quyền trợ tử. Ông đã ủng hộ dự luật này vào năm 2015 nhưng không được thông qua.
Hộp quan tài Sarco lấy cảm hứng từ một người đàn ông Anh, là ông Tony Nicklinson. Ông đã không thể di chuyển hay nói chuyện sau khi bị đột quỵ. Vào năm 2012, ông đã tuyệt thực đến chết sau khi cầu xin tòa án cho ông được chết hợp pháp, nhưng họ từ chối.
Nicklinson từng tiếp cận tiến sĩ Nitschke và đề cập đến việc tạo ra một chiếc quan tài trợ tử. Quan tài này có thể vận hành chỉ bằng một cái nháy mắt, là động tác duy nhất mà ông Nicklinson có thể làm được.
Viethome (theo Metro)