Anh tăng cường đào tạo y bác sĩ trong nước, giảm tuyển dụng nhân viên y tế nước ngoài

Mới đây, Chính phủ Anh đã tiết lộ kế hoạch lịch sử để giải quyết tình trạng thiếu lao động đang gây khó khăn cho hệ thống y tế công cộng của nước này.

Đầu năm 2023, cuộc khủng hoảng đã xảy ra tại các bệnh viện ở xứ sở sương mù. Theo thống kê từ Hiệp hội Bác sĩ cấp cứu thuộc Đại học Bác sĩ cấp cứu Hoàng gia (RCEM), trong tháng 11-2022, hơn 37.500 bệnh nhân phải chờ đợi khoảng 12 giờ để biết chính xác họ có được nhập viện hay không, một tỷ lệ cao hơn 355% so với một năm trước đó.

Tình hình còn phức tạp hơn vào tháng 12-2022 khi thời gian chờ đợi của bệnh nhân để được tiếp cận dịch vụ chăm sóc y tế được xem là “tồi tệ nhất trong lịch sử”. Tờ The Guardian hồi tháng 1-2023 dẫn chứng, bệnh viện ở Swindon-một thị trấn nhỏ nằm giữa Bristol và Reading-đã mất 99 giờ để tìm được giường cho một bệnh nhân nằm trên cáng. Hay cứ 5 xe cấp cứu thì có 1 xe phải mất hơn một giờ mới đưa được bệnh nhân vào phòng cấp cứu. Thậm chí các bệnh viện còn yêu cầu nhiều bệnh nhân, kể cả phụ nữ mang thai, tự sắp xếp chuyến đi đến phòng cấp cứu.

Nguyên nhân dẫn tới cuộc khủng hoảng tại các bệnh viện vào mùa đông vừa qua được chỉ ra là thiếu nguồn nhân lực trong hệ thống y tế công cộng của Anh. Trước thực trạng trên, Chính phủ Anh đã tiết lộ một kế hoạch mang tính lịch sử với nhiều biện pháp mạnh mẽ. Đích thân Thủ tướng Anh Rishi Sunak trình bày kế hoạch được ông mô tả là “kế hoạch tham vọng nhất trong lịch sử của Dịch vụ Y tế quốc gia (NHS)”.

NHS được thành lập ngày 5-7-1948 để cung cấp bảo hiểm y tế miễn phí cho người dân ở xứ sở sương mù “từ khi mới sinh đến khi qua đời”. NHS đã trở thành biểu tượng quốc gia mà giai cấp chính trị phải cam kết bảo vệ. Tuy nhiên, hệ thống này đang phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt lao động nghiêm trọng. Hiện nay, NHS đang có 112.000 vị trí cần tuyển dụng-một con số có thể tăng gấp 3 lần vào năm 2037.

tin nhs
Theo OECD, Anh là một trong những quốc gia phát triển nhưng lại yếu kém về nguồn nhân lực y tế. Ảnh: lesechos.fr

Theo Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD), Anh là một trong những quốc gia phát triển nhưng lại yếu kém về nguồn nhân lực y tế. Thống kê cho thấy, tại Anh, chỉ có 3,2 bác sĩ trên 1.000 dân (so với 3,4 ở Pháp) và 8,7 y tá trên 1.000 dân (11,3 ở Pháp). Đại dịch Covid-19 đã khiến “cuộc khủng hoảng bác sĩ” trở nên tồi tệ hơn, tạo ra danh sách bệnh nhân chờ được điều trị kéo dài hàng tháng ở bệnh viện lên tới 7,4 triệu người. Thêm vào đó là cuộc đình công về tiền lương, bởi dù chính phủ đã tăng lương cho ngành y tế nhưng vẫn chưa thể bù đắp được lạm phát. Sau cuộc đình công của các y tá trong mùa đông vừa qua, dự kiến đến lượt các y tá thực tập, rồi các bác sĩ bệnh viện tiến hành đình công trong tháng 7 này.

Trong bối cảnh đó, kế hoạch lịch sử được Thủ tướng Sunak đề ra mục tiêu, trong vòng 15 năm, nước Anh phải tuyển dụng được 301.000 người làm việc trong lĩnh vực y tế, gồm: 60.000 bác sĩ, 170.000 y tá và 71.000 chuyên gia y tế. Ngân sách bổ sung 2,4 tỷ bảng Anh (2,8 tỷ euro) phải được giải ngân cho mục đích này.

Theo Thủ tướng Sunak, mục tiêu lâu dài của kế hoạch này là giảm số lượng nhân viên y tế nước ngoài tại các bệnh viện của Anh. Tình trạng này đã diễn ra ở NHS từ lâu, vốn ban đầu được coi là tiết kiệm chi phí nhưng lại khiến hệ thống y tế dễ bị tổn thương hơn. Hiện nay, 25% người được tuyển dụng trong ngành y tế Anh đến từ nước ngoài. Theo kế hoạch trên, con số này phải giảm xuống 10%. Để bù đắp cho sự thiếu hụt này, các trường đại học sẽ đào tạo tăng gấp đôi số lượng bác sĩ, từ 7.500 lên 15.000 người, cũng như tăng số lượng đào tạo y tá và điều dưỡng.

Một thách thức khác hiện nay của NHS là giữ chân nguồn nhân lực có trình độ, bởi nhiều người đã rời NHS do áp lực công việc. Chính vì vậy, Chính phủ Anh muốn cải cách hệ thống lương hưu, cho phép các bác sĩ nghỉ hưu trở lại làm việc thuận lợi hơn. Ngoài ra, các biện pháp khác còn đề cập tới khả năng cải thiện năng suất làm việc bằng cách tạo ra những vị trí trung gian mới để hỗ trợ các bác sĩ bệnh viện.

Kế hoạch lịch sử này đã được đón nhận tích cực, đặc biệt là Công đoàn NHS-tổ chức đại diện cho các bệnh viện. Chủ tịch Liên đoàn NHS Matthew Taylor khẳng định, kế hoạch này đã được nghiên cứu trong nhiều năm. Tuy nhiên, kế hoạch này không đưa ra quy định nào về thù lao cho nhân viên điều dưỡng. Trả lời về vấn đề này, Bộ trưởng Tài chính Anh Jeremy Hunt cho rằng, không cần nêu ra vấn đề tiền thù lao cho nhân viên điều dưỡng “bởi chúng ta đã nói rất nhiều về tiền lương trong những tháng gần đây”.

Theo QĐND