Trung Quốc bỏ 255 triệu bảng mua tòa nhà di tích ở Đông London nhưng không được sử dụng

Trung Quốc cáo buộc chính phủ Anh không tuân thủ các nghĩa vụ ngoại giao sau khi kế hoạch di dời đại sứ quán của họ đến một tòa nhà lịch sử ở phía Đông London dường như đang trên bờ vực sụp đổ.

toa nha royal mint
Khuôn viên địa điểm lịch sử Royal Mint. Ảnh: Co Star

Theo báo Mỹ Bloomberg, chính phủ Trung Quốc đã mua lại tòa nhà Royal Mint lịch sử gần Tháp London với giá 255 triệu bảng Anh vào năm 2018 với ý định chuyển đại sứ quán của họ từ quận trung tâm Marylebone đến địa điểm rộng 65.000 m2 này.

Nhưng kế hoạch này dường như vẫn bị trì trệ trong việc triển khai khi hội đồng quận Tower Hamlets từ chối cấp phép lập kế hoạch cho việc xây dựng trên địa điểm lịch sử vào tháng 12/2022, vài ngày sau khi Thủ tướng Rishi Sunak tuyên bố chấm dứt “kỷ nguyên vàng” của quan hệ Anh-Trung. Người dân địa phương cũng phản đối động thái này, với lý do lo ngại trước cảnh báo của chính phủ Anh về “đồn cảnh sát mật” của Trung Quốc.

Ngày 10/8 vừa qua là thời điểm Trung Quốc kháng cáo quyết định từ chối của hội đồng. Trung Quốc đã bày tỏ sự thất vọng của mình với chính quyền của Thủ tướng Sunak vì đã không can thiệp.

“Nghĩa vụ quốc tế của nước chủ nhà là tạo điều kiện và hỗ trợ cho việc xây dựng các cơ sở ngoại giao. Chúng tôi kêu gọi phía Vương quốc Anh thực hiện các nghĩa vụ quốc tế có liên quan của mình”, đại sứ quán Trung Quốc tại London cho biết trong một phản hồi qua email cho Bloomberg, từ chối trả lời liệu nước này có kháng cáo hay từ bỏ.

Trong một tuyên bố gửi qua email, Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết họ luôn cố gắng tìm giải pháp với Vương quốc Anh “dựa trên các nguyên tắc có đi có lại và đối xử bình đẳng”.

Về phần mình, chính phủ của Thủ tướng Sunak từ chối bình luận khi được hỏi về vấn đề này. Một quan chức Anh tiết lộ họ không nghĩ rằng Trung Quốc đã quyết định kháng cáo việc từ chối lập kế hoạch và vấn đề này cũng đã không được Bộ trưởng Nhà ở Michael Gove thông qua.

Hội đồng quận Tower Hamlets cho biết nếu chính phủ Trung Quốc có ý định kháng cáo trước hạn chót, thì họ phải thông báo trước. “Chúng tôi chưa nhận được bất kỳ thông báo nào như vậy từ người nộp đơn”, đại diện hội đồng phát biểu.

Sự cố đại sứ quán xảy ra vào thời điểm nhạy cảm đối với Thủ tướng Sunak, người đang cố gắng hàn gắn quan hệ với Bắc Kinh ngay cả khi nhiều người trong đảng Bảo thủ cầm quyền của ông đang gây áp lực buộc thủ tướng phải có lập trường cứng rắn hơn khi xét đến lĩnh vực thương mại.

Bế tắc ngoại giao có khả năng ảnh hưởng đến tham vọng của chính Vương quốc Anh trong việc mở rộng đại sứ quán tại Bắc Kinh. Theo một nguồn tin, phía Trung Quốc đã nêu vấn đề về việc họ bị từ chối di dời trong các cuộc thảo luận về kế hoạch cải tạo Đại sứ quán Vương quốc Anh ở thủ đô Trung Quốc trong nhiều năm.

Trả lời các câu hỏi về cơ sở ngoại giao, người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Vương quốc Anh nói rằng giống như Anh, Trung Quốc có nghĩa vụ tuân thủ Công ước Viên. Hiệp định đặt ra những nguyên tắc thống nhất để tiến hành quan hệ ngoại giao.

Báo Tin tức (Theo Bloomberg)