Ở bên kia eo biển, "mơ mơ hồ hồ" người Việt vẫn nuôi hy vọng

nguoi viet nuoi hy vong 1
Người nhập cư chuẩn bị lên xe buýt ở Calais sau khi nỗ lực vượt eo biển Manche thất bại. Ảnh: Abdulmonam Eassa/The Guardian

50 trẻ vị thành niên từ Việt Nam, lẽ ra các em đang đi dã ngoại cùng với bạn bè và nhà trường. Nhưng thay vào đó, các em mặc áo bông, mang giày thể thao, đội mũ len, ngồi co ro bên vỉa hè gần trạm xe buýt giữa cái lạnh cắt da thịt. Đây là Gare Calais, các em nhàm chán nghe nhạc hoặc xem video từ điện thoại. 

Các em đang chờ chuyến xe buýt 423 để trở về khu rừng bên ngoài Dunkirk, nơi các em ở qua đêm cùng 1,000 người khác. Lại là một buổi sáng đầy thất vọng. 

Nỗ lực vượt eo biển Manche từ Wimereux, một thị trấn ven biển yên bình cách Calais 20 dặm về phía nam, đã bị đường dây buôn người hủy kèo vào phút chót. 

Trước đó, 5 người bao gồm 1 bé gái 7 tuổi, đã chết chìm do chiếc xuồng chở họ quá đông đúc. Lúc đó là 5h sáng và xuồng chỉ vừa rời bờ biển Pháp được một quãng ngắn. 

Một vụ cãi nhau đã nổ ra trên xuồng vì có những người không trả tiền nhưng vẫn cố lên xuồng. Có tới 112 người trên xuồng trong khi sức chứa của xuồng chỉ bằng một nửa. Xuồng bị chết máy và những người yếu ớt nhất đã rơi xuống dòng nước lạnh cóng.

Cha của bé gái là một người Iraq. Anh được đội cứu hộ vớt lên bờ, tay vẫn ôm đứa trẻ, nhưng con anh đã bất động. 

Nhưng nhóm người Việt Nam đã không nhận được thông tin này. 

"Cảnh sát cầm một con dao về phía xuồng nên chúng tôi không thể đi", một nữ sinh Việt 17 tuổi nói. Cô gái nói mình không thể tiết lộ tên thật. Liệu cô có biết việc mình sắp làm có thể dẫn đến cái chết. Sáng hôm ấy đã có người chết rồi đấy thôi? Năm nay đã có 15 người chết đuối khi cố vượt eo biển. 

"Tôi nghĩ sẽ ổn thôi, tôi nghĩ thủy triều khá ổn", nữ sinh này nói. Dưới chân cô là 2 chiếc áo phao cứu hộ mà cô nhặt được ven đường. 

nguoi viet nuoi hy vong 1
Eo biển nhìn từ thị trấn Wimereux. Anh: Abdulmonam Eassa/The Guardian

Liệu cô có biết rằng chỉ trước đó vài giờ, chính phủ Anh đã thông qua luật mới, trong đó nói rõ ngay khi cô đặt chân đến Anh, cô sẽ bị trục xuất đi châu Phi.

"Tôi có nghe tin. Bạn có thể kế tôi nghe về Rwanda không", cô hỏi. Nhưng dù tôi có nói gì thì cũng không ngăn được khát vọng đến Anh của cô gái. 

"Chúng tôi ở đây bất hợp pháp, không có giấy tờ", cô gái nói. Nhưng liệu đến Anh cô có được cấp giấy tờ? "Tôi không biết, tôi không biết. Thật sự khủng hoảng", cô gái nói. 

Trên bờ biển Pháp ngoài nhóm người Việt còn có hàng trăm người Iraq, Sudan, Eritrea và những sắc tộc khác. Họ suýt nữa thì lên xuồng vào sáng sớm thứ Ba nhưng đã phải trở về "rừng" bên ngoài Dunkirk. 

Tại lục địa châu Âu này, họ cũng bị đe dọa tống trở về quê hương. Nhưng họ biết có những người đã đến được Anh và chưa bao giờ về nước, mà thậm chí cũng không gửi tiền về. 

Họ đã bị truy đuổi đến ngõ cụt nên chỉ có thể tiếp tục nuôi hy vọng.

"Nước Anh là hy vọng", Walid, 30 tuổi người Iraq, nói. Anh sẽ tiếp tục cố gắng lên xuồng trong vài tuần tới. "Tôi phải thử vận may. Tôi không thể ở đây", anh nói. 

Dany Patoux, một thành viên thuộc tổ chức từ thiện Pháp Osmose 62, đã có mặt tại bãi biển khi thi thể bé gái được đưa vào bờ cùng với bố của em. Dany đã nhìn thấy người đàn ông này ít nhất 3 lần trước đó, ở bãi biển và ở Bologne. Anh ta đi cùng vợ và 2 đứa con nhỏ. 

nguoi viet nuoi hy vong 1
Người di cư lên xe buýt ở Wimereux. Ảnh: Abdulmonam Eassa/The Guardian

Những lần trước anh ta đều bị cảnh sát bắt lại khi cố vượt eo biển. Lần này anh ta phải chứng kiến cái chết của con gái ngay trước mắt. Nhưng vợ và đứa con còn lại của anh vẫn ở trên xuồng tới Anh. Thực tế, ngoài những người chết thì có 47 người đã tình nguyện lên tàu cứu hộ quay trở lại Pháp, nhưng hơn 50 người khác vẫn kiên trì ngồi trên xuồng tới Anh. Trong lòng họ vẫn kiên định niềm hy vọng về một tương lai tươi sáng ở bờ bên kia. 

Dany cho biết: "Họ có nghe về luật Rwanda nhưng họ cho rằng cần phải có thời gian để luật đi vào hoạt động, nên họ cần phải gấp rút tới Anh trước thời điểm đó. Đó là lý do người ta chen chúc lên xuồng vào buổi sáng hôm thứ Ba. Phần lớn họ đều có gia đình ở Anh, và họ nghe rằng người nhập cư vẫn được phép ở lại, còn gửi tiền về quê. Họ chưa hoàn toàn mất hết hy vọng đâu".

Viethome (theo Guardian)