Ai là người phải chịu trách nhiệm cho thảm họa Brexit?

Chỉ hơn một nửa người dân Anh bỏ phiếu ủng hộ Anh ra khỏi Liên minh châu Âu. Đáng buồn thay, đây không phải là lần đầu tiên trong lịch sử, một quốc gia rơi vào tình trạng hoảng hốt bởi tiếng còi báo động và tự nguyện bỏ phiếu trái với những lựa chọn tốt nhất cho tương lai của đất nước. Vậy lỗi này thuộc về ai?

Tìm đối tượng để đổ lỗi cho bất kỳ sự kiện nào thường là một quá trình phức tạp và khó khăn. Cố gắng khẳng định lỗi thuộc về ai khiến Vương quốc Anh quyết định rời khỏi Liên minh châu Âu là một câu hỏi khó hơn hầu hết những câu hỏi tương tự.

Sự thật đó không phải là lỗi của một người cụ thể nào (nếu thực sự bạn tin rằng đó là "lỗi" ngay từ đầu). Rất nhiều người dân Anh và Châu Âu đều góp phần dẫn đến sự ra đi của Anh. Rất ít nhân vật trong giới chính trị, truyền thông và nhân vật công chúng khác có thể chối tội; nhưng một số, rõ ràng, phải gánh nhiều trách nhiệm hơn những người khác.

David Cameron. Rõ ràng lỗi đầu tiên thuộc về cựu Thủ tướng Anh, David Cameron, vì đã tham gia trò đánh bạc chính trị liều lĩnh đến vậy, để mặc tương lai của quốc gia được xác định bằng trưng cầu dân ý thay vì theo quy trình nghị viện thông thường. Trong 400 năm qua, Anh đã dựa vào Nghị viện và bầu ra các chính phủ để quản lý các vấn đề của đất nước và đưa ra các quyết định quan trọng. Đó là ý nghĩa thực sự của dân chủ nghị viện; nó không phải là một hệ thống hoàn hảo, nhưng nó thường được chấp nhận là có ít thiếu sót nhất trong các mô hình quản trị hiện hành.

Ngày nay, ở các nền dân chủ phương Tây, chúng ta bầu ra các chính phủ để điều hành các quốc gia, với giả định rằng các chính phủ đó sẽ dựa vào bằng chứng chuyên môn và các cố vấn để đưa ra quyết định tốt nhất. Chắc chắn các quyết định không phải lúc nào cũng là tốt nhất có thể, và các chuyên gia có thể hiểu sai, như những gì họ đã làm với Iraq bằng Vũ khí hủy diệt hàng loạt. Nhưng chúng ta bầu các nghị viện và chính phủ để đưa ra quyết định, với giả định rằng những người đưa ra quyết định thường hiểu rõ các vấn đề nhất.

Trong một cuộc trưng cầu dân ý, một quyết định tập thể được đưa ra bởi người dân mà thật không may, nhiều người trong số họ không hiểu được vấn đề, nhiều người khác bỏ phiếu dựa trên tâm lý đám đông hay định kiến, hoặc chọn cách bầu cho chính những người đã rêu rao và lợi dụng các định kiến ​​và nỗi sợ vô hình. Chủ nghĩa dân túy là điều kiện lý tưởng để giành chiến thắng trong các cuộc bỏ phiếu, cho phép các chính trị gia dân túy vẽ nên những viễn cảnh màu hồng, tuy nhiên những viễn cảnh đó hiếm khi nào thành sự thực.

David Cameron bị khuất phục trước một ảo tưởng chết người đối với các chính trị gia: Ảo tưởng về sự bất khả chiến bại. Khi ông kêu gọi cuộc trưng cầu dân ý, hẳn ông không mảy may tưởng tượng rằng mình có thể thua, người dân Anh có thể bỏ phiếu cho Brexit. Nếu ông có bất cứ lo ngại nào, hẳn ông đã không đề xuất trưng cầu dân ý. Vì vậy, người đầu tiên để đổ lỗi cho quyết định rời khỏi EU của Anh chính là David Cameron. Ông sẽ được nhớ đến như là là thủ tướng Anh có động thái tồi tệ nhất trong thế kỷ 21.

Đảng lao động (Labour). Đảng Lao động phải gánh một phần trách nhiệm nặng nề đối với Brexit, vì sự ủng hộ nửa vời của đảng này đối với chiến dịch "Ở lại", và tổng quát hơn, vì nó không thể tạo ra luồng phản đối mạnh mẽ và đáng tin cậy so với đảng Bảo thủ kể từ khi mất quyền lực vào năm 2010. Nếu đảng chọn David Miliband có nhiều kinh nghiệm và được kính trọng hơn làm lãnh đạo năm 2010, thay vì Ed Miliband, hoàn toàn có khả năng Lao động sẽ trở lại nắm quyền sau 5 năm của chính phủ Cameron Tory, và việc trưng cầu dân ý sẽ không xảy ra.

Lựa chọn một Jeremy Corbyn còn nhiều thiếu sót làm lãnh đạo tiếp tục đẩy Lao động vào tình trạng mất niềm tin. Mặc dù đáng lẽ phải chiến đấu hết mình ngay từ khi bắt đầu chiến dịch trưng cầu dân ý để khiến những người ủng hộ Lao động bỏ phiếu "Ở lại", thì nỗ lực của Labour lại khá nửa vời. Corbyn chỉ chấm 7/10 cho chiến dịch “ở lại” khi được hỏi ông muốn ở lại EU đến mức độ nào; và mãi đến hai tuần trước cuộc bầu cử, phần còn lại của đảng mới chợt nhận ra rằng kết quả của một cuộc bỏ phiếu "rời đi" sẽ không chỉ là một con đường rời EU đầy thảm khốc đối với Anh, mà còn tạo ra một chính phủ cực hữu và thiếu thân thiện với phe lao động nhất trong một thế kỷ qua. Nỗ lực của Labour là quá ít và quá muộn màng.

Đảng bảo thủ (Conservative). Đảng Bảo thủ Tory lẽ ra phải có hành động quyết liệt từ nhiều thập kỷ trước để dập tắt tư tưởng bài EU (Eursceptic) của cánh phải. Thay vào đó, nó lại chỉ cố gắng chứa chấp tư tưởng này.

Các chính trị gia Anh và các quan chức nói chung. Bất cứ ai thường xuyên đến các khu vực khác của Liên minh châu Âu hẳn sẽ ngạc nhiên trước cách các quốc gia khác tham gia EU nhưng vẫn giữ được tự tôn của riêng mình, trong khi Anh chọn cách giả vờ như EU không tồn tại. Đi bất cứ nơi nào ở châu Âu, bạn sẽ thấy cờ EU bay bên cạnh quốc kỳ mỗi nước; đi đến hầu hết mọi nơi ở Anh, bạn sẽ chẳng tìm thấy một lá cờ EU nào. Một vài hội trường thị trấn mạnh dạn treo cờ EU trong những dịp có liên quan, nhưng hầu hết thời gian cờ không ở đó. Không có gì ngạc nhiên khi người Anh cảm thấy sự chia rẽ giữa Vương quốc Anh và EU.

Thay vì nói lên vai trò của Anh với tư cách là thành viên của Liên minh châu Âu, các chính trị gia Anh thường xuyên nhắc đến Liên minh châu Âu vì muốn đổ lỗi cho nó khi mọi thứ trở nên sai lầm, hiếm khi bình luận có lợi đối với nhiều lợi ích thu được từ EU.

Ủy ban châu Âu và EU nói chung. Ủy ban EU cũng phải chịu một phần trách nhiệm cho việc rất nhiều người ở Anh chọn Brexit. EU đã phát triển với tốc độ chóng mặt, kể từ khi EEC ra đời, và trong quá trình đó nó hầu như không quan tâm đến dư luận ở các nước thành viên. Khi EEC chỉ là một tập hợp gồm 12 quốc gia hoặc ít hơn, việc mở rộng thường được xem là một ý tưởng tốt. Một khi nó đã vượt qua mốc 20 thành viên, nhiều người bên ngoài Brussels, bao gồm các nhà lãnh đạo quốc gia và quốc hội, đã trở nên cảnh giác với việc mở rộng, nhưng Ủy ban vẫn bành trướng bất chấp quan điểm này. Ngày nay, họ vẫn muốn mở rộng để thu nạp các quốc gia như Albania và Thổ Nhĩ Kỳ, mặc dù dư luận trên khắp châu Âu và quan điểm chính trị địa phương đang mạnh mẽ chống lại điều này.

Liên quan đến đồng Euro, Liên minh châu Âu đã làm tổn hại nghiêm trọng đến uy tín của mình khi lao vào một kế hoạch cố gắng hợp nhất các quốc gia có nền kinh tế và mức sống hoàn toàn khác nhau, thông qua một loại tiền tệ chung. Nhiều chuyên gia cho biết ngay từ đầu rằng đây sẽ là một thảm họa. Như thường lệ, các chuyên gia đã đúng, và thảm họa xảy ra với sự sụp đổ của các nền kinh tế trên khắp Nam Âu.

Với đồng Euro yếu ớt và không mấy đẹp đẽ, không có gì lạ khi EU bị truyền thông bêu xấu trên khắp các nước thành viên.

Các phương tiện truyền thông Anh. Không giống như các phương tiện truyền thông ở những quốc gia khác, báo chí ở Anh từ lâu đã bị kiểm soát bởi các tỷ phú theo phe bài EU, những người chống lại bất kỳ hình thức "chính phủ lớn" nào, và do đó họ thậm chí còn bài xích cả "chính phủ" thông thường bởi theo quan điểm của họ nó là thừa thãi. Do đó, phần lớn các phương tiện truyền thông Anh, đặc biệt là các báo nổi tiếng, trong nhiều thập kỷ đã đóng một vai trò lớn trong việc lan truyền rộng rãi bất kỳ câu chuyện nào làm tổn hại đến hình ảnh hoặc danh tiếng của EU, trong khi không công khai những câu chuyện cho thấy lợi thế và lợi ích của EU. Không có gì ngạc nhiên khi nhiều người, trong cuộc trưng cầu dân ý Brexit, đã phàn nàn rằng họ không thực sự biết gì về châu Âu.

Boris Johnson. Tội lỗi của ông là đã đặt tham vọng cá nhân lên trên lợi ích của đảng hoặc quốc gia, khiến cử tri hiểu lầm với những con số tưởng tượng và rêu rao những định kiến về nhập cư.

VietHome (Theo About Britain)