• Reuters dẫn lời Thị trưởng London Sadiq Khan cho biết, việc nước Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (Brexit) cho đến nay đã làm giảm 6% quy mô nền kinh tế nước này với thiệt hại là 140 tỷ bảng Anh (178 tỷ USD) và tác động dự kiến sẽ là 10% vào năm 2035.

    brexit gay thiet hai 178 ti
    Thị trưởng London Sadiq Khan phát biểu tại một sự kiện. Ảnh: Reuters

    Thị trưởng Sadiq Khan, một thành viên của Đảng Lao động đối lập, đã bỏ phiếu chống lại Brexit trong cuộc trưng cầu dân ý năm 2016, đưa ra tuyên bố của mình dựa trên một báo cáo mà ông ủy quyền từ các nhà tư vấn kinh tế Cambridge Econometrics.

    Ông đã ước tính nền kinh tế sẽ phát triển nhanh như thế nào nếu Anh bỏ phiếu ở lại Liên minh châu Âu (EU). Thị trưởng Sadiq Khan nói trong bài phát biểu: “Rõ ràng là Brexit không hiệu quả. Phiên bản Brexit cứng rắn đang kéo nền kinh tế của chúng ta đi xuống và đẩy chi phí sinh hoạt lên cao”.

    Đảng Lao động đang dẫn trước Đảng Bảo thủ của Thủ tướng Rishi Sunak trước cuộc bầu cử mà ông Sunak dự định tổ chức vào nửa cuối năm nay.

    Tuy nhiên, lãnh đạo Đảng Lao động Keir Starmer tỏ ra thận trọng khi đưa ra thông tin chi tiết về cách ông sẽ tăng cường quan hệ với EU.

    Ước tính của Cambridge Econometrics về tác động của Brexit cao hơn một số ước tính gần đây khác.

    Viện Nghiên cứu Kinh tế và Xã hội uốc gia Anh (NIESR) hồi tháng 11-2023 ước tính rằng Brexit đã làm giảm quy mô nền kinh tế từ 2% -3%, với tác động dự kiến sẽ tăng lên 5%-6% vào năm 2035.

    Jonathan Haskel, nhà hoạch định chính sách của Ngân hàng Anh, ước tính vào năm ngoái rằng Brexit đã gây thiệt hại đến đầu tư kinh doanh đủ để Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) giảm 1,3% vào cuối năm 2022 - tương đương 1.000 bảng Anh mỗi hộ gia đình mỗi năm.

    Cambridge Econometrics cho biết, Brexit dự kiến sẽ làm giảm tốc độ tăng trưởng kinh tế hằng năm ở Anh 0,4 điểm phần trăm từ nay đến năm 2035, giảm 3 triệu việc làm vào năm 2035 và giảm 1/3 đầu tư. Việc đánh giá tác động của Brexit đã trở nên phức tạp do đại dịch Covid-19 chỉ vài tháng sau khi Anh chính thức rời EU vào tháng 1-2020.

    Số lượng người di cư ròng sang Anh đã tăng vọt do hệ thống thị thực lao động mới dẫn đến sự gia tăng lớn về số lượng người nhập cư vào Anh từ bên ngoài EU, vượt xa sự sụt giảm về số lượng người nhập cư từ EU trước đây không cần thị thực.

    Theo hanoimoi

     

  • Theo báo Economist của Anh, phần lớn các nhà ngoại giao đều cho rằng tiến trình đàm phán sắp tới khó có thể thu hẹp khoảng cách bất đồng giữa hai bên.

    Chính phủ Anh đến thời điểm này vẫn khẳng định sẽ không đề nghị kéo dài thời gian chuyển tiếp cho tiến trình Brexit - nước Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU), sau ngày 31/12/2020.

    Trưởng đoàn đàm Brexit của Anh, ông David Frost, và người đồng cấp phía EU, ông Michel Barnier, đã nối lại các cuộc thảo luận qua hình thức trực tuyến vào ngày 15/4 sau hai tháng gần như không triển khai gì do tác động của COVID-19.

    Tuy nhiên, theo báo Economist của Anh, phần lớn các nhà ngoại giao đều cho rằng tiến trình đàm phán sắp tới cũng khó có thể thu hẹp khoảng cách bất đồng giữa hai bên. Thực tế này khiến thời hạn chót vào cuối năm nay để đạt được một thỏa thuận thương mại càng trở nên xa vời.

    Khi giai đoạn chuyển tiếp được đề xuất lần đầu tiên, phương án đưa ra là kéo dài 21 tháng. Hiện chỉ còn hơn 6 tháng để hai bên đạt được thỏa thuận, mà thực tế cho thấy là quá gấp để kịp đàm phán và phê chuẩn từ hai phía.

    resized 303085 4dbrexit0303rgb 73 28898 t800

    Chính phủ Anh có thể dùng đến điều khoản trong thỏa thuận Brexit với quy định trước cuối tháng sáu hai bên có thể thống nhất kéo dài thời hạn chuyển tiếp thêm từ 1-2 năm; các quan chức của cả hai bên lúc này đều cho rằng việc gia hạn thời gian chuyển tiếp là dễ hiểu do tác động tiêu cực của Brexit không thỏa thuận với nền kinh tế, nhất là trong bối cảnh dịch COVID-19; các cuộc thăm dò dư luận cho thấy đại đa số cử tri Anh đều chấp nhận việc kéo dài thời gian chuyển tiếp. Tuy nhiên, Chính phủ Anh lại kiên quyết khẳng định sẽ không đưa ra đề nghị này.

    Mỗi khi bàn đến vấn đề Brexit, Thủ tướng Boris Johnson và đội ngũ cố vấn đều rất “dị ứng” với việc bỏ lỡ các “thời hạn chót." Mục đích của việc giành đa số trong bầu cử sớm vào tháng 12/2019 là để tránh bị sa lầy trong nỗi sợ hãi về kịch bản không thỏa thuận và đi kèm với nó là không biết bao nhiêu vòng đàm phán theo điều khoản mà EU đặt ra.

    Những người ủng hộ Brexit không chấp nhận giai đoạn chuyển tiếp vì Anh phải tuân thủ hầu hết các quy định của EU mà không có tiếng nói gì, trong khi lại phải đóng góp nghĩa vụ tài chính. Bất cứ sự gia hạn nào sau ngày 31/12/2020 cũng đi kèm với nghĩa vụ đóng góp tài chính của Anh cho EU với mức có thể lên tới 800 triệu bảng (khoảng 1 tỷ USD) mỗi tháng.

    Trong khi đó, thêm 12 tháng đàm phán nữa cũng chưa chắc đã đủ mang lại thỏa thuận do lập trường cứng rắn của cả hai bên. Còn về những thiệt hại nếu rời đi mà không có thỏa thuận thương mại, phe ủng hộ Brexit cho rằng những con số đã bị thổi phồng - và đằng nào cũng có thể tính gộp vào những hậu quả của COVID-19.

    Trong khi đó, việc ở lại trong thị trường chung và liên minh thuế quan của EU sang năm 2021 cũng sẽ loại trừ khả năng ký kết sớm các hiệp định thương mại tự do với Mỹ và các nước khác, đồng thời kéo dài thời gian Anh phải áp dụng các quy định của EU.

    Những người kêu gọi kéo dài chuyển tiếp đều chủ yếu là phe “ở lại” - những người đến giờ này vẫn còn nghi ngờ lựa chọn của Thủ tướng Johnson về phương án Brexit cứng rắn nhất có thể, khiến phe “ra đi” càng tin rằng có gia hạn thời gian chuyển tiếp để ở lại thêm bao lâu thì vẫn không thể thuyết phục được phe "ở lại" ủng hộ mình.

    Giới nghiên cứu Anh cho rằng vẫn có khả năng xảy ra trường hợp kéo dài thời hạn chuyển tiếp, tùy thuộc vào tâm lý của các chính trị gia như thế nào vào tháng Sáu tới. Khả năng này càng có thể xảy ra trong trường hợp EU chấp nhận khẳng định thời gian chuyển tiếp dự kiến, ví dụ như ngay đầu năm 2021./. 

    Theo Economist

  • Cảnh sát Bắc Ireland đã công bố những hình ảnh được cho là ''bom ngày Brexit''. Những quả bom này được âm mưu cho nổ vào ngày Anh rời châu Âu 31/1.

    Các thiết bị nổ được phát hiện gắn vào một xe tải ở Lurgan, quận Armagh vào sáng thứ Ba ngày 4/2, sau khi cảnh sát tiến hành kiểm tra 400 phương tiện.

    Tổ chức Continuity IRA (tạm dịch: IRA Tiếp Nối - một nhóm cực đoan tách ra từ tổ chức Quân đội Cộng hòa Ireland IRA) được cho là đã âm mưu vụ này.

    Tổ chức này lên kế hoạch đưa lậu các thiết bị nổ băng qua biển Ireland trên một con tàu hướng đến Scotland. Từ đó, chúng sẽ vận chuyển đến một địa điểm chưa xác định ở England để kích nổ đúng vào đêm Brexit.

    Tổ chức này đã nhận trách nhiệm trong một tuyên bố trên tờ báo Irish News, sau khi Cảnh sát Bắc Ireland (PSNI) tố cáo họ âm mưu khủng bố.

    PSNI cho biết thiết bị này là một quả bom thực, ''có thể phát nổ'' với hậu quả là nhiều người thương vong. Cảnh sát nghi ngờ tổ chức cực đoan kể trên đã chọn nhầm phương tiện, bởi vì chiếc xe tải chở bom không hề rời bãi đổ của nó ở Lurgan vào hôm thứ Sáu 31/1.

    Cảnh sát cho biết quả bom Brexit này có thể phát nổ. (Ảnh: PA)
    Khu công nghiệp Silverwood ở Lurgan, quận Armagh, nơi quả bom được tìm thấy. Ảnh: Google

    Cảnh sát chỉ mới được báo cáo về quả bom này vào thứ Sáu ngày 31/1, khi Irish News nhận được một cảnh báo rằng một quả bom đã bị bỏ trên một xe rờ-móc ở bến cảng của thành phố.

    Cuối cùng quả bom đã được tìm ra vào sáng sớm thứ Ba, sau nỗ lực tìm kiếm không ngừng của cảnh sát. 

    Thanh tra viên Sean Wright cho biết những hình ảnh được công bố hôm nay cho thấy sự liều lĩnh của tổ chức đứng sau âm mưu này, những kẻ cố tình đặt tính mạng của tài xế, người đi đường và công chúng vào rủi ro thương vong nghiêm trọng.

    Kế hoạch của tổ chức Continuity IRA là cho quả bom nổ đúng ngày Brexit. Ảnh: PA

    Cảnh sát đang kêu gọi những ai ở gần khu công nghiệp Silverwood Industrial Estate từ 4 giờ chiều đến 10 giờ tối ngày thứ Sáu 31/1, và những ai phát hiện ra hoạt động bất thường trong khu vực, hãy liên hệ với cảnh sát. Những người từng lái xe qua khu vực và các xe có bật camera hành trình vào thời điểm này cũng nên liên hệ cảnh sát. 

    Cảnh sát cho rằng rất ít khả năng quả bom làm nổ tung xe rờ-móc, vì nó đã được định nổ vào ngày Brexit.

    Viethome (theo Metro)

  • Để có thể gia nhập Liên minh châu Âu vào năm 1973, Anh đã phải trải qua quá trình hết sức vất vả. Tuy nhiên, mối quan hệ gắn bó Anh-châu Âu dường như rất dễ tan vỡ.

    Các nước mời mọc, Anh từ chối 

    Mặc dù phải đến năm 1973, Anh mới gia nhập Liên minh châu Âu-EU (lúc này còn mang tên Cộng đồng châu Âu-EC) nhưng duyên nợ giữa hai bên đã có từ trước.

    Từ sau khi Chiến tranh thế giới thứ hai kết thúc vào năm 1945, nhu cầu thắt chặt quan hệ để ngăn chặn khả năng xảy ra tình trạng gây chiến với nhau giữa các nước châu Âu ngày càng tăng.

    Một trong những người ủng hộ ý tưởng này là cựu Thủ tướng Anh Winston Churchill. Trong bài phát biểu tại Đại học Zurich năm 1946, ông Churchill đã đề xuất “một hình thức Liên bang châu Âu (United States of Europe), một cấu trúc bảo đảm mọi người được sống trong hòa bình, an toàn và tự do”.

    Tuy vậy, khi Pháp, Tây Đức, Bỉ, Ý và Luxembourg thành lập Cộng đồng Than thép châu Âu (ECSC) vốn là tiền thân của EU vào năm 1951, Anh lại đứng ngoài không tham gia.

    Thậm chí lúc Pháp, Tây Đức, Ý, Bỉ, Hà Lan và Luxembourg ký Hiệp ước Rome thành lập Cộng đồng Kinh tế châu Âu (EEC) vào năm 1957 cũng đã ngỏ ý mời Anh, nhưng một lần nữa Anh lại từ chối.

    Theo nhiều nhà phân tích, Anh từ chối gia nhập ECSC lẫn EEC vì nước này còn tin rằng sức mạnh và vị thế của Anh vẫn đủ lớn để tự phát triển mà không cần tới sự giúp đỡ từ những tổ chức châu Âu.

    Anh, vào thời điểm đó, mặc dù đã phải nhường lại vị trí bá quyền số một cho Mỹ nhưng vẫn còn là một cường quốc lớn. Nước này vẫn có một ghế trong Hội đồng Bảo an Liên hợp Quốc; có vị trí lớn trong khối thịnh vượng chung (tổ chức liên chính phủ của 53 quốc gia, trong đó hầu hết từng là lãnh thổ của cựu đế quốc Anh) và có quan hệ đặc biệt với Mỹ.

    Tất cả yếu tố trên cộng với việc vị trí địa lý tự nhiên của Anh đã có phần tách biệt (là một đảo riêng biệt ở phía tây bắc lục địa châu Âu) khiến Anh tự cho rằng mình không cần đến châu Âu.

    Hành động thể hiện rõ nhất tư tưởng này của Anh chính là việc nước này chỉ gửi Russell Bretherton, một quan chức cấp trung chuyên lo liệu về mảng thương mại, đến tham dự hội nghị ký kết Hiệp ước Rome thành lập EEC với tư cách quan sát viên.

    Tiến trình gia nhập vất vả của Anh

    Tuy nhiên, với tình hình nội bộ và tình hình quốc tế ngày càng thay đổi, Anh đã phải xét lại tư tưởng của mình.

    Sau khi EEC ra đời, Anh đã xúc tiến thành lập Hiệp hội Mậu dịch tự do châu Âu (EFTA) với Áo, Đan Mạch, Na Uy, Thụy Điển, Thụy Sĩ, Tây Ban Nha nhằm phát triển kinh tế của Anh.

    Thế nhưng EFTA hoạt động không hiệu quả như EEC, kinh tế Anh ngày càng xấu đi trong khi Pháp, Đức nhờ vào EEC đã dần hồi phục sau chiến tranh và dần nổi lên thành hai thế lực lớn trong khu vực. Hơn nữa, thế giới hai cực lúc này đòi hỏi Anh phải coi trọng châu Âu. Những thay đổi này đã khiến Anh phải đổi ý.

    Ngày 9.8.1960, Anh đã xin gia nhập EEC nhưng nỗ lực này đã bị Tổng thống Pháp Charles de Gaulle phủ quyết vào năm 1963. Theo ông de Gaulle, Anh “rất khác so với các nước châu Âu lục địa và sẽ là con ngựa nổi loạn phá hoại tình hình ổn định của châu Âu”.

    Từ năm 1964 đến 1967, Công đảng Anh (Labour Party) nắm quyền, nhiều thành viên đảng này đã phản đối nên việc xin gia nhập bị gián đoạn.

    Đến năm 1967, Thủ tướng Anh Harold Wilson thay đổi thái độ và xin gia nhập EEC. Nỗ lực hòa nhập lần hai của Anh cũng có kết quả như lần một, tổng thống Pháp một lần nữa thuyết phục các nước EEC khác phủ quyết việc gia nhập của Anh.

    Phải chờ đến khi ông de Gaulle rời nhiệm sở vào năm 1969, việc Anh gia nhập EEC mới có tiến triển.

    Năm 1971, Thủ tướng Anh Edward Heath thuộc đảng Bảo thủ nối lại đàm phán với EEC và đến năm 1972 thì việc Anh gia nhập EEC đã đạt được hiệp nghị. Một năm sau, tức năm 1973, Anh chính thức trở thành thành viên của EEC.

    Mối quan hệ không bền chặt trong 43 năm

    Mặc dù đã gia nhập EEC nhưng cuộc tranh luận quanh việc Anh có nên hòa nhập với cộng đồng Châu Âu vẫn chưa kết thúc.

    Hai năm sau khi gia nhập, Anh thực hiện trưng cầu ý dân về việc rút khỏi EEC nhưng may mắn là 67,2% cử tri Anh thời điểm đó đã chọn ở lại.

    Đến năm 1984, quan hệ Anh - EC lại “nổi sóng” khi Thủ tướng Anh Margaret Thatcher yêu cầu giảm mức đóng góp của Anh trong EC.

    Trong 11 năm cầm quyền, bà Thatcher nhiều lần phản đối tiến trình hội nhập chính trị của khối vì sợ rằng việc này sẽ tạo ra một “siêu quốc gia châu Âu” tước đoạt mọi quyền của các nước thành viên.

    Năm 1990, Anh tham gia Hệ thống Tiền tệ châu Âu (European Monetary System- EMS). EMS được lập ra vào năm 1979 với mục đích duy trì tỷ giá cố định trong toàn khối và tỷ giá của cả khối sẽ thay đổi theo thị trường.

    Hai năm sau, quan hệ Anh- EC rơi xuống mức thấp nhất khi Anh tuyên bố rút khỏi EMS vào ngày 16.9.1992. Sự kiện này được gọi là “ngày thứ tư đen tối” (Black Wednesday).

    Năm 1995, Anh lại từ chối tham gia Hiệp ước Schengen về tự do đi lại giữa các nước châu Âu cũng như không sử dụng đồng tiền chung euro.

    Năm 2011, Anh từ chối ký Hiệp ước về Tài khóa và Ngân sách do EU đưa ra nhằm khắc phục những vấn đề tài chính mà nước này gặp phải trong cuộc khủng hoảng tài chính- tiền tệ 2008-2009.

    Và ngày 23.6.2016, quan hệ Anh - EU tan vỡ hẵn khi cuộc trưng cầu ý dân đã cho kết quả gần 52% cử tri Anh chọn ra đi (Brexit). 

    Theo Một Thế Giới

  • Cuộc bỏ phiếu cuối cùng về Brexit tại Nghị viện châu Âu đã kết thúc trong nhiều cảm xúc trái chiều. Có người hát hò vì vui sướng nhưng không ít người ôm nhau khóc và hát bài Auld Lang Syne trước ngày Anh chính thức rời EU. 

    Nghị sĩ EU ôm nhau sau phiên bỏ phiếu - Ảnh chụp màn hình AP

    Theo Hãng thông tấn AP, với 621 phiếu thuận và 49 phiếu chống, Nghị viện châu Âu (EP) đã phê chuẩn thỏa thuận Brexit trong cuộc bỏ phiếu rạng sáng 30-1 (giờ Việt Nam).

    Đây được xem là thủ tục hình thức cuối cùng nhưng đánh dấu lần đầu tiên trong lịch sử Liên minh châu Âu (EU) có một thành viên rời khỏi khối.

    Đúng 23h ngày 31-1 theo giờ London, sau 47 năm gia nhập, Anh sẽ chính thức không còn là thành viên của EU, đồng nghĩa khối này giờ đây chỉ còn 27 nước.

    Một nghị sĩ không cầm được nước mắt - Ảnh chụp màn hình AP

    Phiên bỏ phiếu tại EP vì vậy đã diễn ra trong nhiều cảm xúc trái chiều. Trong khi các nghị sĩ thuộc đảng Brexit của Anh vui mừng trước kết quả, nhiều nghị sĩ nước khác đã thể hiện sự buồn bã và miễn cưỡng.

    Một số người thậm chí đã khóc trong lúc nhiều người khác nắm tay nhau và hát Auld Lang Syne như một bài hát chia tay, tiễn người bạn cũ lâu năm lên đường.

    "Chúng tôi sẽ luôn yêu các bạn. Chúng ta sẽ mãi không bao giờ xa cách", Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen không giấu được sự xúc động. 

    Phát biểu sau khi kết quả bỏ phiếu được công bố, Chủ tịch EP David Maria Sassoli cho biết các nhà lập pháp EU "rất buồn" khi chứng kiến Anh rời khỏi nhóm. "Chúng tôi đánh giá cao mọi công việc mà Anh đã làm trong những năm qua. Các bạn rời khỏi Liên minh châu Âu, song các bạn vẫn là một phần của châu Âu".

    Các nghị sĩ EU nắm tay nhau và cúi gầm mặt sau khi có kết quả bỏ phiếu - Ảnh chụp màn hình AP

    Theo AP, Anh sẽ bước vào giai đoạn chuyển tiếp 11 tháng sau ngày 31-1. Trong giai đoạn này London vẫn được hưởng quyền lợi từ các thỏa thuận thương mại giữa EU với các nền kinh tế khác nhưng sẽ không có tiếng nói quyết định nữa.

    Giới quan sát hi vọng trong thời gian chuyển tiếp Anh và EU sẽ đạt được tiếng nói chung về một thỏa thuận thương mại hậu Brexit. Mặc dù vậy, đây sẽ là giai đoạn nhiều khó khăn, có thể chứng kiến những tranh cãi mới giữa hai bên.

    "Về thương mại, EU sẽ xem xét một thỏa thuận thương mại tự do với Anh, theo đó đưa các biểu thuế và hạn ngạch về mức 0%", bà Ursula von der Leyen cho biết thêm.

    Các nghị sĩ giơ biểu ngữ thể hiện sự đoàn kết với Anh sau phiên bỏ phiếu - Ảnh chụp màn hình AP

    Theo Tuổi Trẻ

  • Nghị viện châu Âu chính thức thông qua thỏa thuận về việc Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU) (còn gọi là Brexit) hôm 29-1, mở đường cho nước này rời khỏi khối vào ngày 31-1. 

    Thỏa thuận Brexit được thông qua tại phiên họp của Nghị viện châu Âu tại Brussels - Bỉ với 621 phiếu thuận và 49 phiếu chống. Trước đó, Nghị viện Anh đã phê chuẩn thỏa thuận này.

    Cuộc bỏ phiếu đã diễn ra với nhiều cảm xúc xen lẫn khi các nghị sĩ Anh vui mừng trước kết quả thì nhiều nghị sĩ nước khác thể hiện sự buồn bã và miễn cưỡng.

    Nghị viện châu Âu chính thức thông qua thỏa thuận về việc Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU) với nhiều cảm xúc. Ảnh: AP

    Một số nghị sỹ cho rằng cuộc bỏ phiếu trên không nhằm mục đích ủng hộ hay phản đối việc Anh rời EU mà nhằm giúp quá trình này diễn ra có trật tự, tránh được các hậu quả không mong muốn.

    Đây được xem là thủ tục hình thức cuối cùng đánh dấu lần đầu tiên trong lịch sử EU có một thành viên rời khỏi khối.

    Các nghị sĩ nắm tay nhau sau khi có kết quả bỏ phiếu. Ảnh: AP

    Dự kiến vào ngày 31-1 (giờ địa phương), Anh sẽ chính thức không còn là thành viên của EU sau 47 năm gia nhập, đồng nghĩa khối này chỉ còn 27 nước thành viên. 

    Theo hãng tin AP, Anh sẽ bước vào giai đoạn chuyển tiếp 11 tháng sau ngày 31-1. Trong giai đoạn này, Anh vẫn được hưởng quyền lợi từ các thỏa thuận thương mại giữa EU với các nền kinh tế khác nhưng sẽ không có tiếng nói quyết định nữa.

    Giới quan sát nhận định đây sẽ là giai đoạn nhiều khó khăn, có thể xảy ra những tranh cãi mới giữa hai bên.

    Việc Anh phải đạt được thỏa thuận thương mại với 27 quốc gia thành viên EU trong vòng 11 tháng là một mục tiêu tham vọng.

    Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen cho rằng điều kiện tiên quyết để Anh có thể tiếp cận thị trường chung châu Âu sau Brexit là hai bên phải tiếp tục cạnh tranh trong một sân chơi bình đẳng.

    Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho rằng các bên cần bình tĩnh và không nên tạo ra bất kỳ áp lực nào hay đưa ra quyết định vội vàng.

    Theo cafef

  • Nữ hoàng Elizabeth II phê chuẩn Brexit hôm 23/1, sau khi quốc hội Anh thông qua luật Thỏa thuận Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (WAB).

    Sự chấp thuận của Nữ hoàng, với tư cách là nguyên thủ quốc gia, mở đường cho Anh rời EU sau nhiều năm tranh cãi và trì hoãn. Thủ tướng Anh Boris Johnson sẽ ký thỏa thuận rút khỏi EU trong những ngày tới. Anh dự kiến rời EU lúc 23h ngày 31/1, sau cuộc bỏ phiếu thông qua tại Nghị viện EU ngày 29/1.

    Thủ tướng Anh Boris Johnson giương búa cạnh biển "Hoàn tất Brexit" tại London tháng 12/2019. Ảnh: AFP

    Sau đó, Anh sẽ bắt đầu đàm phán các điều kiện về thỏa thuận thương mại và chia sẻ từ dữ liệu cho tới vùng đánh bắt với 27 thành viên còn lại trong liên minh. Các cuộc đàm phán chính thức nhiều khả năng bắt đầu kể từ tháng ba.

    Ông Johnson đặt hạn chót đạt được thỏa thuận với EU vào cuối năm 2020, thay vì 2022 như dự luật trước đó, trong khi Brussels nói một thỏa thuận toàn diện mất nhiều thời gian hơn.

    Chính phủ Anh cũng đang yêu cầu quyền hậu Brexit nhằm thiết lập quy tắc riêng về các vấn đề nhạy cảm như tiêu chuẩn môi trường và quyền người lao động.

    Giới chức EU cho rằng điều đó có thể mang lại cho Anh lợi thế không công bằng, đe dọa trả đũa bằng thuế quan và hạn ngạch, có thể gây thiệt hại cho ngành công nghiệp dược phẩm và ôtô của Anh.

    Nhưng một số nhà phân tích tin rằng đây là cái giá mà ông Johnson sẵn sàng trả cho việc thực hiện mong muốn "hoàn thành Brexit" của cử tri, đồng thời giúp ông đạt được thỏa thuận hậu Brexit nhanh chóng với Mỹ và các nước khác.

    Một thỏa thuận "là ưu tiên tuyệt đối của Tổng thống Trump và chúng tôi hy vọng sẽ hoàn thành điều đó với Anh trong năm nay", Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin nói trước khi đến London cuối tuần này.

    Ngày 24/1, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen và Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel đã ký thỏa thuận Brexit. Viết trên mạng xã hội Twitter, bà Ursula von de Leyen thông báo: "Ông Charles Michel và tôi vừa ký Thỏa thuận Rút lui về việc Anh rời khỏi EU, mở đường cho Nghị viện châu Âu thông qua (thỏa thuận này)".

    Theo VnExpress

  • Tháp Big Ben đã không đổ chuông từ năm 2017 để phục vụ việc tu sửa. Thủ tướng Anh chia sẻ ông muốn nó vang lên vào đêm Brexit (31/1) dù cần đến 650.000 USD tiền thuế.

    Khi các công nhân bắt đầu dựng giàn giáo xung quanh Cung điện Westminster năm 2017 để trùng tu chiếc đồng hồ Big Ben, nó dường như báo trước cho cuộc khủng hoảng Brexit gây chia rẽ nước Anh. Trong suốt thời gian qua, Brexit là chủ đề gây phân cực bên trong tòa nhà Quốc hội Anh.

    Đến nay, cả tranh luận về Brexit lẫn việc tu sửa Big Ben vẫn chưa kết thúc. Nước Anh chuẩn bị rời EU vào cuối tháng 1. Các nghị sĩ ủng hộ Brexit đang sẵn sàng tâm trạng ăn mừng. Họ có một yêu cầu đặc biệt.

    Họ muốn chiếc đồng hồ Big Ben, biểu tượng của Tháp Elizabeth ở Cung điện Westminster, vang lên vào đúng thời điểm mà Anh chính thức rời khỏi EU ngày 31/1. Và điều này không hẳn dễ dàng.

    “Như mọi người đã biết, Big Ben đang được tân trang lại. Nó đã không vang lên rất lâu, vì vậy chúng tôi muốn khôi phục lại tiếng chuông Big Ben vào đêm Brexit. Việc này rất tốn kém”, Thủ tướng Boris Johnson nói với BBC hôm 14/1.

    Đồng hồ Big Ben, biểu tượng cao quý của nước Anh, ở Tháp Elizabeth (tên cũ là Tháp Big Ben) của Cung điện Westminster. Ảnh: Reuters

    Thủ tướng Anh nói rằng cần 650.000 USD và phải xem xem liệu công chúng có thể tài trợ nó không, theo Washington Post.

    Sau phát ngôn của thủ tướng, truyền thông Anh đưa tin có khả năng Big Ben sẽ không gióng lên vào ngày Brexit vì những hạn chế về tài chính và thời gian.

    Ông Johnson đã tìm cách trấn an người dân rằng ông ấy sẽ không từ bỏ dễ dàng như vậy. “Chúng tôi đang lên kế hoạch để mọi người có thể ăn mừng với tiếng chuông Big Ben”, ông nói.

    Kể từ khi Big Ben bắt đầu được tu sửa vào năm 2017, London phải sử dụng các kỹ thuật thay thế tương tự tiếng chuông cho đêm Giao thừa và các dịp trọng đại khác.

    Tuy nhiên, mong mỏi của ông Johnson về tiếng chuông Big Ben trong ngày Brexit dường như không được người dân trông đợi khi đất nước vẫn chia rẽ sâu sắc về việc rời EU.

    David Lammy, nghị sĩ thuộc Công đảng đối lập, viết trên Twitter rẳng ông không hề sốt sắng về tiếng chuông Big Ben có kêu trong ngày Brexit hay không.

    “Điều tôi quan tâm là 130 tỷ bảng Anh là cái giá phải trả khi rời EU”, ông viết.

    Theo Zing

  • Đồng 50p kỷ niệm

    Hàng triệu đồng 50p mới đang được đúc và sẽ được đưa vào lưu thông từ ngày 31 tháng 1. Được chế tạo từ vàng, bạc và cupro-niken, chúng sẽ được khắc dòng chữ 'Hòa bình, thịnh vượng và hữu nghị với tất cả các quốc gia.' Một triệu đồng xu 50p Brexit có ngày sản xuất là ' Ngày 31 tháng 10 năm 2019 'đã được đúc sẵn nhưng buộc phải làm chảy khi thời hạn đó bị bỏ lỡ.

    Royal Mail đã bị chỉ trích vì từ chối phát hành tem kỷ niệm, tuyên bố đây không phải là một dịp ‘kỷ niệm quan trọng’. Họ cho biết vẫn in 13 bộ tem đặc biệt mỗi năm nhưng chúng đều đánh dấu ‘những ngày kỷ niệm và hoạt động quan trọng phản ánh di sản của Vương quốc Anh và những đóng góp đáng nhớ trên thế giới.’

    Người nhập cư và người nước ngoài

    1,3 triệu người Anh sống ở EU có thể tiếp tục sống ở đó cho đến khi kết thúc giai đoạn chuyển tiếp kéo dài đến ngày 31 tháng 12 năm 2020. Nếu họ muốn ở lại EU sau ngày đó, họ phải nộp đơn xin thường trú trước tháng 6 năm 2021 và chứng minh đã ở quốc gia sở tại được ít nhất năm năm.

    Công dân EU sống ở Anh trước ngày 31 tháng 1 phải xin giấy phép theo chương trình định cư Settlement Scheme. Đã có 2,5 triệu người đăng ký. Những người đã sống ở Anh dưới năm năm có thể nộp đơn xin visa tiền định cư, có thể được chuyển đổi sang trạng thái định cư sau năm năm.

    Những đêm tiệc tùng

    Những người ủng hộ Brexit đang lên kế hoạch cho một bữa tiệc lớn trị giá 100.000 bảng ở Westminster vào đêm 31 tháng 1. Ngoài ra còn có một chiến dịch kêu gọi gõ chuông Big Ben vào thời khắc chúng ta rời EU - 11 giờ đêm. Muốn thực hiện việc này, phải có quy trình xin phép đặc biệt vì tiếng chuông đã không còn vang lên kể từ khi công việc cải tạo trên Tháp Elizabeth bắt đầu vào năm 2017. Có những lời kêu gọi treo Union Jacks trên tất cả các tòa nhà công cộng và các nghị sĩ đảng Bảo thủ đã mời các nhà sản xuất bia sản xuất lon bia 'Brexit' .

    Các Đại biểu Nghị viện Châu Âu (MEP) mất việc

    73 MEP của Anh sẽ mất đi công việc kiếm được 91.000 bảng mỗi năm của họ. Những MEP lâu năm như ông Nigel Farage sẽ nhận được khoản trợ cấp cuối kỳ, tương đương với một tháng lương cho mỗi năm phục vụ. Các Bộ trưởng Anh cũng sẽ ngừng tham dự các hội nghị thượng đỉnh của EU, và sẽ không còn có Ủy viên châu Âu của Anh tại Brussels.

    Giá nhà

    Thị trường bất động sản đang tận hưởng một 'cú nhảy Brexit / Boris'. Theo Halifax, giá trị của một căn nhà trung bình tăng 4.000 bảng vào tháng 12 - mức tăng hàng tháng lớn nhất kể từ năm 2007. Nó đã đẩy mức tăng hàng năm lên 4% và dự kiến ​​sẽ còn tăng thêm.

    Lái xe ở châu Âu

    Các tài xế đã được cảnh báo rằng Brexit Không Thỏa thuận sẽ buộc họ phải gắn nhãn GB trên xe của mình. Trong thời gian chuyển tiếp 11 tháng, điều đó không cần thiết, nhưng sau đó các phương tiện sẽ buộc phải gắn chúng. Từ năm 2021, các tài xế ra nước ngoài cũng có thể cần thẻ xanh để chứng minh họ có bảo hiểm xe cộ cho chuyến đi đến châu Âu và họ cũng có thể cần giấy phép lái xe quốc tế (trị giá £5.50) bên cạnh giấy phép DVLA thông thường.

    Các chuyến bay

    Từ tháng 10, các hãng hàng không của Anh sẽ mất quyền bay vào không phận các nước châu Âu, điều đó có nghĩa là họ sẽ không thể duy trì các đường bay liên thành phố trong EU. EasyJet đã chuẩn bị cho việc này bằng cách thành lập chi nhánh tại Áo, cho phép hãng thực hiện các chuyến bay châu Âu với tư cách là một hãng hàng không EU.

    Giá đồ ăn

    Khoảng 28% thực phẩm của chúng ta đến từ EU. Giá sẽ không thay đổi trừ khi giá trị đồng bảng sụt giảm. Trong trường hợp không đạt được thỏa thuận vào cuối giai đoạn chuyển tiếp, giá có thể tăng lên. Về lâu dài, thực phẩm có thể trở nên rẻ hơn khi Anh nhận được các thỏa thuận thương mại mới ngoài EU.

    Bảo hiểm y tế châu âu

    NHS đã phát hành khoảng 27 triệu Thẻ bảo hiểm y tế châu Âu (EHIC), cho phép người Anh được chăm sóc y tế miễn phí hoặc được trợ cấp trong EU, như thể họ là công dân của các quốc gia đó. Lợi ích sẽ được giữ nguyên trong suốt thời gian chuyển tiếp.

    Nếu không đạt được thỏa thuận với Brussels vào cuối năm, khách du lịch Anh đến EU sẽ mất trợ cấp EHIC và sẽ được khuyến khích mua bảo hiểm y tế tư nhân trước khi đi du lịch.

    Tuy nhiên, một số quốc gia EU, như Tây Ban Nha và Bỉ, cho biết công dân Anh vẫn có thể tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe của họ ngay cả khi không có thỏa thuận, miễn là công dân của họ ở Anh được cấp quyền tiếp cận NHS.

    Xe lửa và phà

    Hành khách qua eo biển Anh ban đầu sẽ không nhận thấy bất kỳ thay đổi nào. Eurotunnel cho biết sẽ không áp dụng quy tắc mới nào đối với khách du lịch hoặc hàng hóa trong giai đoạn chuyển tiếp và Eurostar cho biết các dịch vụ và thời gian biểu sẽ giữ nguyên.

    Nhưng một khi quá trình chuyển đổi kết thúc, hàng hóa có thể tắc nghẽn tạm thời ở cả Dover và Calais, vì các xe tải chở hàng hóa theo cả hai đầu đều phải chịu kiểm tra hải quan.

    Chuyển vùng dữ liệu di động

    Thỏa thuận chuyển vùng điện thoại di động miễn phí đã có từ năm 2017 sẽ tiếp tục được duy trì cho đến năm 2021. Nhưng điều này có thể thay đổi với sự trở lại của phí chuyển vùng cao hơn vì Vương quốc Anh có thể được coi là vùng ‘còn lại của thế giới’.

    Nhưng các Bộ trưởng khẳng định các khoản phí thuận lợi cho công dân Anh ở châu Âu sẽ là một phần của các cuộc đàm phán thương mại rộng lớn hơn với EU.

    Dược phẩm

    Hầu hết các nhà cung cấp sẽ duy trì được kho dược phẩm của mình thêm sáu tuần vì họ đã bắt đầu dự trữ vào năm ngoái phòng trường hợp Brexit không thỏa thuận. Có tới 73% lượng thuốc nhập khẩu đến từ EU nên bất kỳ sự gián đoạn nào về nguồn cung đều có thể gây ra tình trạng thiếu hụt nghiêm trọng.

    Chính phủ cho biết một lĩnh vực đàm phán quan trọng sẽ là buôn bán thuốc mà không bị áp thuế. Nếu sau ngày 31 tháng 12, Dover và Calais bị tắc nghẽn, các công ty dược phẩm có kế hoạch sử dụng các cảng thay thế để không có sự chậm trễ trong việc nhập khẩu các mặt hàng thuốc quan trọng.

    Cảnh sát và an ninh

    Anh vẫn là một phần của vòng truy nã châu Âu EAW, theo đó tội phạm ở châu Âu có thể bị bắt và dẫn độ về Anh một cách nhanh chóng. Lực lượng cảnh sát của chúng ta sẽ tiếp tục sử dụng các nguồn lực của Europol, lực lượng cảnh sát Châu Âu, nhưng tư cách thành viên và cả EAW sẽ kết thúc sau thời gian chuyển đổi nếu Chính phủ không đạt được thỏa thuận mới.

    Hơn 54.000 hồ sơ tội phạm nước ngoài đã được Cơ quan tội phạm quốc gia sao chép vào cơ sở dữ liệu trong trường hợp Vương quốc Anh mất quyền truy cập vào cơ sở dữ liệu châu Âu. MI5 và MI6 sẽ tiếp tục chia sẻ thông tin tình báo với các nước EU.

    VietHome (Theo Daily Mail)

  • Hôm qua, Hạ viện Anh đã thông qua thỏa thuận Brexit của Thủ tướng Boris Johnson đạt được với Liên minh Châu Âu (EU) với kết quả 330 phiếu thuận và 231 phiếu chống.

    Đây có thể coi là bước ngoặt đáng kể, mở đường cho việc đưa Anh rời khỏi khối liên minh đúng thời hạn chót vào ngày 31.1 sắp tới.

    Mặc dù thỏa thuận còn phải qua ải Thượng viện Anh, Nữ hoàng chính thức công bố và Nghị viện châu Âu phê chuẩn, tuy nhiên vượt qua được cuộc bỏ phiếu tại Hạ viện đã là thành công lịch sử.

    Các thỏa thuận về Brexit trước đó đều không thể qua nổi ải Hạ viện, khiến tiến trình “ly hôn” đầu tiên tại EU bế tắc suốt hơn 3 năm, kéo theo đó là sự chao đảo và chia rẽ lớn trong nội bộ chính trường Anh.

    Người tiền nhiệm của ông Johnson là bà Theresa May, vốn nổi tiếng là chính trị gia bền chí nhưng cuối cùng cũng bất lực trong cuộc lèo lái đưa nước Anh rời khỏi EU. Vì vậy việc được Hạ viện thông qua thỏa thuận Brexit không chỉ là sự tháo gỡ nút thắt cho nước Anh mà còn là chiến thắng của Thủ tướng Johnson.

    Nếu diễn ra suôn sẻ, Anh sẽ rời EU đúng hạn. Tuy nhiên, công việc của Thủ tướng Johnson sẽ chưa dừng lại ở đó. Giai đoạn thứ hai được dự báo cũng sẽ đầy thách thức khi Anh phải đàm phán thỏa thuận thương mại song phương với khối EU. Nếu không gia hạn giai đoạn chuyển tiếp (hiện dự kiến kéo dài đến hết năm 2020), hai bên sẽ chỉ có 11 tháng để chốt hạ với nhau về vấn đề thương mại.

    Chính Chủ tịch Ủy ban Châu Âu Ursula von der Leyen cũng cảnh báo cuộc đàm phán chắc chắn sẽ rất khó khăn và không loại trừ khả năng Anh mất quyền tự do tiếp cận thị trường khối.

    Theo Thanh Niên

  • Quốc hội mới của Anh đã phê chuẩn bước đầu thỏa thuận rời Liên minh châu Âu (EU) sửa đổi, mở đường cho Thủ tướng Boris Johnson để "hoàn thành Brexit" vào ngày 31/1.

    Trang Financial Times gọi đây là chiến thắng lịch sử ở quốc hội của ông Boris Johnson.

    Số phiếu 358 - 234 hôm 20/12 mở đường cho Thủ tướng Boris Johnson thực hiện lời hứa sau chiến thắng trong cuộc tổng tuyển cử để "hoàn thành Brexit" vào ngày 31/1. 

    Nhưng nó cũng đẩy Anh và 27 quốc gia thành viên Liên minh châu Âu còn lại đến gần bờ vực khác có thể chấm dứt hàng thập kỷ thương mại tự do khi giai đoạn chuyển tiếp sau Brexit (Anh rời EU) kết thúc vào cuối năm 2020.

    Cuộc bầu cử nhanh chóng vào tuần trước mang lại cho đảng Bảo thủ của ông Johnson, phe ủng hộ Brexit, đa số 365 ghế trong Hạ viện gồm 650 thành viên.

    Đảng Lao động đối lập chính - mất quyền lực từ năm 2010 và bị đe dọa bởi các cuộc xung đột nội bộ về vị trí của Anh trên thế giới - chịu thất bại tồi tệ nhất kể từ năm 1935.

    Theo AFP, chiến thắng của ông Johnson xua tan mọi nghi ngờ về việc Anh sẽ làm theo kết quả trưng cầu dân ý năm 2016 và trở thành quốc gia đầu tiên rời khỏi khối, chấm dứt gần nửa thế kỷ gia nhập EU.

    "Bây giờ là lúc để cùng nhau hành động như một quốc gia đang hồi sinh, một Vương quốc Anh, tràn đầy niềm tin đổi mới vào vận mệnh quốc gia của chúng ta và cuối cùng quyết định tận dụng những cơ hội đang ở trước chúng ta", ông Johnson nói với các nhà lập pháp trước cuộc bỏ phiếu.

    "Nó sẽ được thực hiện. Nó sẽ kết thúc. Câu chuyện nuối tiếc trong ba năm rưỡi qua sẽ kết thúc và chúng ta sẽ có thể tiến về phía trước", ông nói.

    Chính phủ hy vọng sẽ tổ chức cuộc bỏ phiếu cuối cùng về các điều khoản thoát ly của ông Johnson vào ngày 9/1.

    Theo Zing

  • Bên cạnh Brexit, vấn đề lớn nhất cho thủ tướng Anh nhiệm kỳ 2019-2024, ông Boris Johnson, là đòi hỏi trưng cầu dân ý độc lập từ đảng Quốc gia Scotland (SNP).

    Cờ Xanh trắng của xứ Scotland và cờ EU. Ảnh: Getty

    Ngay sau khi ông Johnson dẫn dắt đảng Bảo thủ Anh thắng cử giòn giã hôm 12/12/2019, giới quan sát đã chỉ ra rằng đây là chiến thắng không trọn vẹn.

    Tại xứ Anh và Wales, đảng Bảo thủ "hạ gục" đảng Lao động, giành được nhiều hạt cử tri vốn chưa từng bỏ phiếu cho phe Bảo thủ.

    Nhưng ở Scotland, màu cờ vàng nhạt của SNP tung bay trên cả xứ sau khi đảng này, chủ trương độc lập khỏi Liên hiệp Vương quốc Anh, giành 48 trên tổng thống 59 ghế nghị sĩ.

    Đảng Bảo thủ chỉ còn đúng sáu nghị sĩ từ Scotland trúng cử vào Quốc hội Anh kỳ này, giảm đi một so với năm 2017.

    Dù thủ tướng Boris Johnson ngay lập tức đã bác bỏ yêu cầu của bà Nicola Sturgeon, lãnh tụ SNP cho Scotland mở cuộc trưng cầu dân ý lần hai để đòi độc lập.

    Vấn đề này sẽ không mất đi.

    Hai màu khác biệt: sau bầu cử tháng 12/2019, đảng SNP - cờ màu vàng - gần như nắm trọn các khu vực cử tri Scotland.

    Theo BBC News từ Scotland, hiện có hai câu hỏi lớn cho nước Anh và 5,4 triệu dân Scotland:

    Tự Scotland có thẩm quyền mở trưng cầu dân ý độc lập?

    Gọi là indyref2, viết tắt của 'independence referendum', nếu xảy ra, đây sẽ là lần thứ nhì từ 2014, khi Scotland bỏ phiếu không đồng ý độc lập khỏi Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ireland (UK).

    Chính phủ trung ương ở London cho rằng một cuộc trưng cầu dân ý 2014 đã là đủ để biết dân Scotland không muốn độc lập.

    Nhưng SNP cho rằng tới 62% cử tri Scotland đã bỏ phiếu trong trưng cầu dân ý về Brexit năm 2016 để ở lại EU.

    Vì thế, SNP cho rằng tình hình nay thay đổi, Liên hiệp Vương quốc Anh không thể "cưỡng bức" Scotland cũng ra khỏi EU cùng xứ Anh, Wales và Bắc Ireland.

    Tuy vậy, bà Nicola Sturgeon cho rằng chính phủ Scotland sẽ yêu cầu London cho trưng cầu dân ý theo hành lang pháp luật, chứ không làm "tự phát" như Catalonia ở Tây Ban Nha.

    Có vẻ như giải pháp duy nhất cho SNP tới đây là kiện lời từ chối trưng cầu dân ý của chính phủ trung ương ra tòa.

    Điều này cũng không hẳn là không có rủi ro.

    Nếu bị tòa án bác bỏ, chưa rõ SNP có tiếp tục nghị trình đòi trưng cầu dân ý độc lập hay không.

    Còn nếu tòa ủng hộ SNP, một nghị trình chuẩn bị cho trưng cầu dân ý sẽ kéo dài.

    Lần trước, Scotland mất 18 tháng để chuẩn bị cho trưng cầu dân ý độc lập 2014.

    Bà Nicola Sturgeon, lãnh đạo đảng Quốc gia Scotland (SNP) muốn Scotland ra khỏi Liên hiệp Anh nhưng sau ngay lập tức gia nhập lại EU. Ảnh: Getty

    Câu hỏi thứ nhì'Một Scotland độc lập có nghiễm nhiên được ở lại EU hay không?'

    Lịch trình Brexit và bầu cử địa phương ở Scotland đưa ra một phương án khá phức tạp.

    Giả sử ngay lập tức Scotland có trưng cầu dân ý và giành độc lập trong năm 2020, thì đây cũng là năm Anh hoàn tất Brexit.

    Cả Anh Quốc và Scotland đều cần quá trình chuyển tiếp 1-2 năm để tách khỏi nhau, và tách khỏi EU.

    Sang 2021, Scotland lại có bầu cử địa phương, và giả sử là SNP vẫn thắng cử, thì họ rơi vào thế là Scotland cùng Anh đã ra khỏi EU trước khi Scotland có thể "xin quay trở lại" làm thành viên EU.

    Theo luật EU, quốc gia nào muốn gia nhập hay nhập trở lại khối, đều phải qua quá trình đàm phán bình thường, không có chế độ ưu tiên.

    Chưa kể, lãnh đạo SNP nói rằng sau khi tách ra, Scotland vẫn giữ đồng bảng Anh, không dùng euro và không phân chia biên giới England-Scotland.

    Bà Nicoa Sturgeon cũng nói SNP muốn để Nữ hoàng Elizabeth II tiếp tục làm nguyên thủ quốc gia của một Scotland độc lập.

    Cả ba vấn đề này đều chưa có câu trả lời từ EU...vì chưa hề có tiền lệ.

    Liên hiệp đặc biệt Anh - Scotland

    Quan hệ đặc biệt của hai vương quốc Anh (England) và Scotland đã trải qua nhiều thăng trầm từ thế kỷ 16.

    Từ thế kỷ 14 đến đầu thế kỷ 18, ngai vàng Scotland thuộc về dòng họ Stewart.

    Nữ hoàng Mary (Queen of Scots), trưởng thành ở Pháp, đã đổi tên dòng họ theo cách viết tiếng Pháp thành Stuart.

    Việc tranh giành quyền bính của dòng họ này luôn gắn liền với các sự kiện ở châu Âu lục địa và ở Anh.

    Năm 1543, vua Anh đưa các xứ Wales và Cornwall nhập vào vương triều do London quản lý.

    Nhưng Scotland, vốn đông dân hơn và có truyền thống chính trị riêng, không dễ trở thành một phần chung với Anh.

    James VI làm vua Scotland, rồi lên nắm ngai vàng Anh với danh hiệu James I từ 1603, khi hai vương quốc lần đầu có chung một vua. Cạnh ông là Hoàng hậu Anne, người Đan Mạch. Hình trên tranh khắc. Ảnh: HULTON ARCHIVE

    Mặt khác, liên kết với Anh giúp kinh tế Scotland bành trướng xuống thị trường to lớn, cùng ngôn ngữ ở phía Nam và ra thế giới.

    Ban đầu, hai xứ chỉ gắn kết nhờ hôn nhân của vua chúa, hoặc nhờ một vua nắm hai ngai vàng Anh và Scotland (regal union).

    James VI làm vua Scotland, rồi sau làm vua Anh với danh hiệu James I từ 1603, khi hai vương quốc lần đầu có chung một vua.

    Và phải tới năm 1707 Anh và Scotland mới có chung nghị viện (parliamentary union).

    Nhưng không phải lúc nào Anh cũng muốn chung quốc gia với Scotland.

    Nghị viện Anh (English parliament) đã hai lần bác bỏ đề nghị hợp nhất với Scotland (1607, 1670).

    Ý tưởng lập Viện Nguyên lão (House of Lords) chung cho quý tộc và tăng lữ Anh và Scotland cũng bị bác bỏ năm 1700.

    Đề xuất lập liên minh thương mại (commercial union) mà Scotland nêu ra cũng hai lần bị bác.

    Lý do là quan hệ đó, theo phía Anh, chỉ có lợi cho giới thương gia Scotland.

    Tuy thế, một hiệp ước lập liên minh chính trị (Treaty of Union) đã được ký kết năm 1707.

    Hai bên giữ khác biệt về tôn giáo.

    Giáo hội Scotland cũng là đạo Tin Lành nhưng theo phái Calvinist và tách biệt hoàn toàn với chính quyền.

    Còn Giáo hội Anh thuộc hệ phái khác, có vua hoặc nữ hoàng đứng đầu giáo hội, và tăng lữ có ghế trong Quốc hội.

    Ngoài ra, Scotland giữ hệ thống pháp luật và giáo dục riêng.

    Nét văn hóa Scotland vào cả tennis: Roger Federer và Andy Murray thi đấu trong trang phục Scotland; váy kilt cho đàn ông. Ảnh: Getty/PA

    Tuy bỏ chính sách ngoại giao riêng và để cho London lo quân sự, ở Scotland vẫn có các đảng thân Pháp, kẻ thù của các vua Anh.

    Phái Jacobites trung thành với dòng họ Stuart bị tuyệt tự ở Scotland, và luôn mưu đồ chống London, chỉ bị xóa bỏ vào năm 1746.

    Dân Scotland tự hào với truyền thống Khai sáng lấy cảm hứng từ châu Âu lục địa, hơn là điều họ cho là thuộc 'phong kiến Anh'.

    Ngoài nhu cầu bảo tồn văn hóa đặc thù của Scotland, quan hệ 'tay ba' Anh, Scotland và châu Âu sẽ còn quay trở lại trong mấy năm tới mà câu hỏi độc lập chỉ là một.

    Theo BBC Tiếng Việt

  • Vào lúc quá trình Brexit đang kéo dài, cho tới giờ vẫn chưa ngã ngũ, nhiều kiều dân Pháp sống và làm việc tại Luân Đôn đã tranh thủ thời gian để xin nhập tịch Anh. Chỉ có điều là quá trình nhập tịch đòi hỏi khá nhiều thời gian, hơn thế nữa thủ tục cũng rất tốn kém.

    Theo thống kê của chính phủ Anh, đã có 1.545 người Pháp nộp đơn xin quốc tịch Anh trong quý đầu năm 2019. Con số này đã tăng hơn 56% so với cùng thời kỳ năm trước. Theo ông Alexandre Holroyd, dân biểu đại diện cho cử tri Pháp ở khu vực Bắc Âu, hiện có khoảng 350.000 kiều dân Pháp sống ở Vương quốc Anh, trong đó có hơn một nửa sống tập trung ở Luân Đôn và các vùng phụ cận.


    Kiều dân Pháp sống tại Anh tuần hành ủng hộ châu Âu, tháng 7/2016. Ảnh: Reuters/Tom Jacobs

    Trong khá nhiều trường hợp, các kiều dân Pháp xin nhập tịch Anh, từng sống một thời gian dài hay thường đã lập gia đình trên lãnh thổ Anh Quốc nhưng vì một lý do nào đó họ vẫn giữ quốc tịch Pháp. Do giữa Anh và Pháp không có vấn đề song tịch, cho nên chuyện xin nhập tịch Anh không có gì là cấp bách. Viễn cảnh của Brexit dường như đã thay đổi hẳn cách nhìn của kiều dân Pháp và theo ông Alexandre Holroyd : không có gì bảo vệ quyền lợi của họ bằng việc nhập tịch Anh.

    Tuy nhiên, thủ tục xin nhập tịch Anh cũng rắc rối không thua gì ở Pháp, một quá trình đòi hỏi khá nhiều giấy tờ và mỗi giấy tờ đều có chi phí riêng. Trước hết người xin nhập tịch phải có ‘‘thẻ cư trú’’, kiều dân Pháp phải nộp bằng chứng địa chỉ nhà ở, hợp đồng lao động, phiếu lương hàng tháng cộng thêm 65 bảng Anh (75€).

    Trong quá trinh nhập tịch, kiều dân Pháp cần phải trải qua 2 kỳ kiểm tra, kỳ thứ nhất đơn thuần về ngôn ngữ ‘‘hiểu và nói tiếng Anh’’, kỳ thi thứ nhì về văn hoá và lịch sử Anh Quốc. Bài kiểm tra chỉ khoảng chừng nửa tiếng nhưng cứ mỗi kỳ như vậy, người xin nhập tịch phải chi 50 bảng Anh (58€). Bài kiểm tra với 24 câu hỏi không có gì là khó, nhưng cần phải được chuẩn bị trước vì có những câu hỏi đại loại như : Dân số nước Anh vào năm 1880 là bao nhiêu người ?

    Một khi đã thông qua các chặng này rồi, người xin nhập tịch phải vào mạng của công ty Soprasteria để xin hẹn phỏng vấn, ít nhất là một tháng hay hai tháng sau. Buổi hẹn đối với một kiều dân Pháp có công việc ổn định cũng chỉ là một thủ tục, thế nhưng chi phí nhập tịch chính thức hiện được đăng trên mạng của chính phủ Anh là 1.330 bảng Anh (1550€).

    Đối với một kiều dân Pháp đây có lẽ là điều gây bất ngờ nhất vì tại Pháp, ngoài việc mua 55€ tem thuế để nộp hồ sơ nhập tịch, và một khi đã có quốc tịch, người xin nộp thêm 86€ làm thẻ thông hành (passport), nếu không có nhu cầu xuất ngoại, người vừa có quốc tịch chỉ cần xin thẻ căn cước, hoàn toàn miễn phí.

    Một khi thủ tục nhập tịch đã được chấp thuận, và người xin đã được công nhận là kiều dân Anh, người này còn phải tham gia một buổi lễ chính thức, với chí phí là 80 bảng Anh (93€). Tính toàn bộ các chi phí, một người xin nhập tịch Anh phải trả khoảng chừng 1.770 bảng Anh (2065€), một số tiền tương đối cao nhất là đối với những người Pháp chưa có cuộc sống ổn định tại Anh.

    Thủ tục xin nhập tịch Anh có thể chỉ kéo dài có 6 tháng, tức là ngắn so với Pháp (18 tháng tính từ lúc nộp hồ sơ đầy đủ) tuy nhiên chi phí ở Anh cao hơn lại gấp 10 lần so với Pháp. Chi phí nhập tịch Anh đã tăng rất nhanh trong những năm gần đây từ 1005 bảng Anh (1170€) vào năm 2015 lên tới 1.330 bảng Anh (1550€) đầu năm 2019. Thế nhưng, dường như điều đó vẫn không làm nản lòng các kiều dân Pháp sống tại Luân Đôn, họ muốn làm thủ tục nhanh gọn cho dù Brexit có đạt kết quả gì đi chăng nữa.

    Theo RFI

  • Trong số hơn 18.000 người Anh đang sinh sống tại Đan Mạch, số người chuyển quốc tịch sang quốc gia Bắc Âu này đang tăng lên đáng kể - trang Sputnik đưa tin.

    Số công dân Anh nộp đơn xin quốc tịch Đan Mạch đang chứng kiến một sự tăng vọt trong vòng hai năm qua, sau cuộc trưng cầu dân ý Brexit năm 2016.

    Từ năm 2017, số người Anh chuyển quốc tịch sang Đan Mạch dưới luật quốc tịch của nước này đã tăng từ 134 lên 489, theo thống kê của Bộ Di trú Đan Mạch.

    “Đã có một xu hướng tăng đáng kể trong số công dân Anh nộp đơn nhập quốc tịch Đan Mạch. Tôi tin rằng lý do cho việc này chính là Brexit”, Bộ trưởng Di trú và Hội nhập Mattias Tesfaye cho biết.

    Số lượng người Anh xin nhập quốc tịch Đan Mạch tăng vọt trong hai năm qua.

    Trong khi khẳng định niềm hân hạnh của mình trong việc chào đón những người muốn trở thành công dân Đan Mạch, ông Tesfaye cũng đồng thời nhấn mạnh rằng nước này đã có những điều luật sẵn sàng cho khả năng một Brexit không thỏa thuận sẽ xảy ra.

    “Qua đó, khoảng 18.500 công dân Anh đang sống ở Đan Mạch sẽ có thể tiếp tục cuộc sống của họ ở đây, bất kể họ có xin nhập quốc tịch Đan Mạch hay không”, ông cho biết. 

    Sau khi Quốc hội Anh không thông qua thỏa thuận Brexit của Thủ tướng Boris Johnson, Liên minh Châu Âu đã đồng ý gia hạn việc rút lui của Anh từ hạn chót 31/10 sang 31/1/2020.

    Thủ tướng Anh và lãnh đạo đảng Brexit bất đồng về thỏa thuận mới 

    Lãnh đạo đảng Brexit ở Anh, ông Nigel Farage cho biết sẽ không ra tranh cử trong cuộc tổng tuyển cử tháng 12 tới, thay vào đó, ông sẽ thúc đẩy chiến dịch trên cả nước nhằm chống lại thỏa thuận của Thủ tướng Boris Johnson về việc đưa Anh rời Liên minh châu Âu (EU), còn gọi là Brexit.

    Trả lời phỏng vấn truyền thông ngày 3/11, ông Farage cho rằng để phục vụ sự nghiệp Brexit tốt nhất, thay vì "tìm kiếm một cái ghế và nỗ lực để được vào nghị viện", ông sẽ "đi suốt chiều dài của Vương quốc Anh để hỗ trợ 600 ứng cử viên".

    Người đứng đầu đảng Brexit tuyên bố Thủ tướng Johnson hoặc phải từ bỏ thỏa thuận Brexit đạt được với EU và đồng ý tham gia một "liên minh ra đi" trong cuộc bầu cử sớm vào tháng 12 tới, hoặc phải đối mặt với một cuộc cạnh tranh hết sức khốc liệt tại quốc hội. Theo ông, một liên minh có thể báo hiệu khả năng các đảng ủng hộ Brexit sẽ chiếm thế đa số trong cuộc bầu cử sớm. Ông nhấn mạnh cách duy nhất để thực hiện Brexit là thành lập liên minh "Ra đi" và đảm bảo liên minh này giành chiến thắng áp đảo trong cuộc bầu cử sắp tới.

    Trong một diễn biến liên quan, Thủ tướng Johnson cho biết việc ông không thể thực hiện Brexit đúng thời hạn ngày 31/10 vừa qua như đã hứa là một "vấn đề rất đáng tiếc", song nhấn mạnh rằng "Thỏa thuận ra đi" phiên bản mới của ông vẫn là con đường duy nhất để đưa nước Anh rời khỏi EU. Trả lời phỏng vấn hãng tin Sky News khi khởi động chiến dịch tranh cử của mình, ông Johnson khẳng định: "Cách duy nhất để rời khỏi EU hiện nay là phải ra đi cùng với thỏa thuận mà chúng ta đang có".

    Theo các cuộc thăm dò dư luận mới nhất, đảng Bảo thủ đang nhận được nhiều sự ủng hộ nhất: 39% trong cuộc thăm dò do Yougov/Sunday Times thực hiện, 36% trong cuộc thăm dò của Comres/Sunday Express và The Telegraph. Trong khi đó, Công đảng lần lượt nhận được 27%, 28% và 28% sự ủng hộ. Còn đảng Dân chủ Tự do được lần lượt 16%, 18% và 14%. Đảng Brexit của ông Farage được 7%, 10% và 12%.

    Theo Vietnamnet/VTV

  • Quốc hội Anh lại vừa trải qua một phiên họp đầy kịch tính kéo dài tới tận tối muộn với quyết định quan trọng là bỏ phiếu thông qua kế hoạch tổ chức tổng tuyển cử sớm ngày vào ngày 12/12 tới.

    Quyết định này được cho là sẽ giúp phá vỡ thế bế tắc trong tiến trình Brexit, mang lại câu trả lời rõ ràng cho cả Anh và EU sau một thời gian dài mệt mỏi. Nhưng các chuyên gia cũng cảnh báo rằng, chính Brexit đã làm thay đổi cục diện chính trị nước Anh, phá vỡ mối quan hệ truyền thống giữa các đảng, khiến cho cuộc bầu cử tới đây trở thành một trong những cuộc bầu cử khó dự đoán nhất trong lịch sử nước Anh.

    Ván cược cuối của ông Boris Johnson

    Kế hoạch bầu tổng tuyển cử sớm vào ngày 12/12 đã nhận được 438 phiếu thuận và 20 phiếu chống, vượt qua yêu cầu cần thiết là phải có 2/3 số nghị sĩ ủng hộ, tương đương với 434 phiếu. Kế hoạch tổng tuyển cử sớm còn phải đệ trình lên Thượng viện Anh xem xét. Nhưng với số phiếu ủng hộ cao như vậy, gần như chắc chắn kế hoạch này sẽ được Thượng viện thông qua. Theo quy trình, Quốc hội hiện tại sẽ bị giải tán vào ngày 6/11 để mở đường cho cuộc tổng tuyển cử.

    Đây sẽ là lần đầu tiên một cuộc tổng tuyển cử tại nước Anh được tổ chức vào tháng 12 sau gần 100 năm, và cũng sẽ là cuộc tổng tuyển cử thứ 3 trong vòng 4 năm, cho thấy tình thế bất thường mà nước Anh đang phải đối diện gây ra bởi Brexit.

    Quốc hội Anh bỏ phiếu thông qua kế hoạch tổng tuyển cử sớm vào ngày 12/12. Ảnh: P.A

    Kế hoạch tổ chức tổng tuyển cử sớm của Thủ tướng Boris Johnson phải mất tới 4 lần bỏ phiếu mới vượt qua được cửa ải Quốc hội, và đây cũng là chiến thắng hiếm hoi của ông sau khi mọi kế hoạch, mọi đề xuất của ông liên tục bị Quốc hội bác bỏ. Khi Liên minh châu Âu quyết định gia hạn Brexit tới ngày 31/1/2020, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk một lần nữa nhắc nhở nước Anh về việc phải tranh thủ khoảng thời gian 3 tháng để giải quyết các vấn đề nội bộ, và Brexit không nên bị trì hoãn một lần nữa sau thời điểm này. Trong khi mọi phương án đều bị chặn đứng tại Quốc hội, tổ chức tổng tuyển cử sớm là ván cược cuối cùng của ông Boris Johnson - ván cược với “giải thưởng” là thế đa số tại Quốc hội, từ đó giúp ông có thể thúc đẩy các kế hoạch Brexit, trong đó có thỏa thuận đạt được với EU hồi tháng 10 vừa qua.

    Ông Boris Johnson từng gọi việc bị ép buộc viết thư cho EU xin gia hạn Brexit là một sự hổ thẹn, đi ngược lại tuyên bố trước đó về việc “hoặc ra khỏi EU hoặc là chết”. Vì thế, nếu giành lại được thế đa số trong Quốc hội, hoàn thành Brexit đúng thời hạn vào 31/1/2020, ông Johnson sẽ thực hiện được tất cả những việc mà người tiền nhiệm Theresa May không thể, và đó là cách để ông giữ lại thể diện.

    Ảnh minh họa: Reuters

    Trong việc Quốc hội Anh thông qua kế hoạch tổng tuyển cử, không thể không nhắc đến sự thay đổi lập trường của Công đảng đối lập của ông Jeremy Corbyn. Trước đó, ông Jeremy Corbyn luôn bác bỏ đề xuất tổng tuyển cử sớm bởi bản thân ông không tự tin vào chiến thắng của Công đảng. Tuy nhiên, khi cả hai đảng đối lập là Dân chủ tự do (Lib-Dem) và Dân tộc Scotland (SNP) cùng ủng hộ tổng tuyển cử sớm, dù hai đảng này có mục đích khác là ngăn chặn Brexit, ông Jeremy Corbyn chắc chắn không muốn trở thành người “một mình một dòng nước” để hứng chịu chỉ trích của người dân Anh khi họ đã quá mệt mỏi và cần có một câu trả lời rõ ràng.

    Sẵn sàng cho trận chiến lớn

    Các cuộc thăm dò mới đây cho thấy, đảng Bảo thủ vẫn đang dẫn đầu về tỷ lệ tín nhiệm của cử tri với 36% ủng hộ, tiếp theo là Công đảng với 23%, Lib Dems xếp thứ 3 với 18% và đảng Brexit được thành lập chưa lâu được 12% cử tri ủng hộ. Tuy nhiên, những con số này chưa thể đảm bảo chiến thắng chắc chắn cho bất kỳ đảng nào, kể cả đảng Bảo thủ. Còn nhớ, năm 2017, bà Theresa May từng rất tự tin tổ chức tổng tuyển cử khi các cuộc thăm dò đều cho thấy đảng Bảo thủ dẫn trước Công đảng tới hơn 20%, nhưng kết cục cuối cùng lại là việc đảng Bảo thủ mất luôn thế đa số mong manh tại Quốc hội.

    Dù ông Boris Johnson đang đặt cược vào một chiến thắng trong cuộc bầu cử sắp tới, nhưng tất cả những đảng khác cũng đều nhìn nhận sự hỗn loạn trong đường hướng Brexit hiện nay là một cơ hội để họ cải thiện số ghế của mình trong Quốc hội kể từ sau cuộc tổng tuyển cử năm 2017. Vì vậy, các đảng đều đang dồn sức cho trận chiến lớn này.

    Thủ tướng Boris Johnson đặt cược vào việc giành lại thế đa số tại Quốc hội. Ảnh: AFP

    Với đảng Bảo thủ, ông Boris Johnson đã kết nạp trở lại 10 nghị sĩ trong số 21 nghị sĩ mà ông từng khai trừ hồi đầu tháng 9. Đảng Bảo thủ cũng đã triệu tập một đội ngũ cố vấn hùng hậu, trong đó có nhiều người từng tham gia các chiến dịch vận động “Ra đi” trong cuộc trưng cầu ý dân về Brexit hồi năm 2016. Đảng Bảo thủ tính toán rằng điều mà cử tri Anh mong muốn nhất hiện nay là Brexit được giải quyết một cách dứt điểm, không dây dưa. Trong khi đó, Công đảng và các đảng đối lập khác như Lib-Dem, SNP cũng muốn nhân cơ hội này để lôi kéo thêm các cử tri từng bỏ phiếu rời đi nhưng giờ lại hối hận, hoặc những cử tri đang lo sợ đảng Bảo thủ của ông Boris Johnson có thể thúc đẩy kịch bản Brexit không thỏa thuận dẫn tới một sự chia tay đột ngột với EU.

    Đảng Bảo thủ cũng có thể phải phân tán phiếu cho Đảng Brexit của ông Nigel Farage - người kịch liệt phản đối bản thỏa thuận mà ông Boris Johnson đạt được với EU, cho rằng đây là một kết cục Brexit nửa vời. Giới phân tích cho rằng, chính câu chuyện Brexit nhùng nhằng suốt hơn 3 năm qua đã làm thay đổi sâu sắc cục diện chính trị nước Anh, khiến cho cuộc bầu cử sắp tới cực kỳ khó đoán định, và không loại trừ khả năng không có một đảng nào giành được thế đa số tại Quốc hội.

    Việc không thể dự đoán trước kết quả cuộc bầu cử đồng nghĩa với việc không thể dự đoán được các kịch bản cho Brexit. 

    Hiện nay, vẫn còn 4 khả năng có thể xảy ra với Brexit, phụ thuộc vào các kết quả bầu cử khác nhau. Thứ nhất, nếu đảng Bảo thủ giành được đa số tại Quốc hội, ông Boris Johnson có thể đưa thỏa thuận đã đạt được với EU ra bỏ phiếu, từ đó xúc tiến kế hoạch đưa Anh ra khỏi EU trước thời hạn mới là 31/1/2019.

    Những lá phiếu của cử tri sẽ quyết định tương lai Brexit. Ảnh: Daily Express

    Khả năng thứ hai là đảng Bảo thủ vẫn giành chiến thắng nhưng không có đủ đa số tại Quốc hội, vì thế không thể bỏ phiếu thông qua bản thỏa thuận. Trong trường hợp này, kịch bản mặc định sẽ là Anh rời khỏi EU vào ngày 31/1/2019 mà không có thỏa thuận.

    Thứ ba, nếu Công đảng giành chiến thắng, hoặc liên kết được với những đảng phản đối Brexit, cuộc trưng cầu ý dân có thể diễn ra. Người dân có thể một lần nữa được lựa chọn giữa ủng hộ thỏa thuận của chính phủ hoặc ở lại, hoặc lựa chọn giữa ra đi không thỏa thuận và ở lại.

    Khả năng cuối cùng Brexit bị hủy bỏ, dù là đảng Bảo thủ hay Công đảng giành chiến thắng, bởi vì chính phủ mới đã quá mệt mỏi với những gì diễn ra suốt 3 năm qua. Như vậy, quyết định tổng tuyển cử sớm được coi là đã đưa tiến trình Brexit của nước Anh sang một ngã rẽ mới. Thế nhưng câu hỏi quan trọng là “rẽ đi đâu?” chỉ có thể được hé lộ sau ngày 12/12.

    Theo Báo Nghệ An

  • Tờ Financial Times (Anh) đưa ra một kịch bản "khủng khiếp" hậu Brexit: Việc tìm đến Nga và Tổng thống Putin sẽ giúp Anh trở nên mạnh hơn trong cuộc đối đầu giữa xứ sở sương mù và EU, đồng thời Anh có thể sẽ trở thành "một nước Nga" khác.

    Tổng thống Nga Vladimir Putin và Thủ tướng Anh Boris Johnson. Ảnh minh họa

    Tạp chí kinh doanh hàng đầu của Anh Financial Times vừa đăng tải một kịch bản "khủng khiếp" về hậu Brexit: Sau khi rời Liên minh châu Âu (EU), Anh sẽ trở thành "một nước Nga" khác.

    Để minh họa cho giả thuyết táo bạo này, tờ Financial Times còn đính kèm bài báo bằng bức ảnh Tổng thống Nga Vladimir Putin và Thủ tướng Anh Boris Johnson với tiêu đề "Anh và Nga - một cặp đôi kỳ lạ của châu Âu". 

    Bài báo viết, đối với độc giả Nga, ý tưởng London chính là Moskva bên dòng sông Thames có vẻ như kỳ lạ, mặc dù thủ đô của Anh đôi khi vẫn được ví như "Londongrad" (đuôi "grad" thường xuất hiện trong tên một số thành phố của Nga), bởi số lượng lớn doanh nhân Nga sống và làm việc tại đây. Ý tưởng táo bạo tuyên bố Anh là một phiên bản nước Nga thứ 2 được xem như có cơ hội trở nên phổ biến ở EU. 

    Tờ Financial Times đã liệt kê ra những điểm tương đồng giữa Anh và Nga như sau: "Anh và Nga nằm ở ngoại ô lục địa châu Âu. Điều này dẫn đến cả hai quốc gia đều có bản sắc kép - một mặt, họ giống như các nước châu Âu khác, đồng thời mang màu sắc khác lớn hơn.

    Khoảng 80% lãnh thổ của Nga nằm ở châu Á, và đất nước này có mối quan hệ mạnh mẽ với các quốc gia Bắc Mỹ, Australia, Nam Á. Do đó, không có gì đáng ngạc nhiên khi Anh và Nga sẽ sớm trở thành hai cường quốc, nằm ngoài EU.

    Song, cả Anh và Nga vẫn có sự lo ngại về sức mạnh tập thể của EU. Là những quốc gia ở ngoại vi, thông thường, họ sợ sự xuất hiện của lực lượng thống trị trong lãnh thổ châu Âu.

    Điều này giải thích một phần nào tại sao, Anh và Nga lại trở thành đồng minh trong các cuộc chiến của Napoleon từ nhiều thế kỷ trước và cũng là đồng minh trong Thế chiến thứ 2. Cả hai quốc gia đã xây dựng nên bản sắc hiện đại của mình, dựa trên những ký ức hào hùng về chiến thắng năm 1945". 

    Bài báo phân tích thêm, trong bối cảnh hiện nay, điều quan trọng nhất, EU không chấp nhận, ngay cả một cơ hội tối thiểu, về sự xuất hiện của "một nước Nga khác" và sẽ giải quyết triệt để vấn đề này. Thế nhưng "kỳ lạ rằng, trong trường hợp diễn ra kịch bản đối đầu căng thẳng nhất giữa EU và Anh, chỉ có một giải pháp có thể cứu được Anh.

    Giới tinh hoa của Anh sẽ cần tìm đối tác của họ - Tổng thống Vladimir Putin, nhà lãnh đạo có khả năng khôi phục sức mạnh của Nga sau thảm họa địa chính trị của thế kỷ 20", tờ báo viết. 

    Theo Báo Nghệ An/Ria Novosti

  • EU hôm nay thống nhất kéo dài thời hạn Anh rời khỏi khối này thêm ba tháng, tới ngày 31/1/2020. 

    "27 quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU) thống nhất rằng sẽ chấp nhận yêu cầu thay đổi thời hạn Brexit của Anh tới ngày 31/1/2020", Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk viết trên Twitter hôm nay.

    Tusk nói thêm rằng quyết định này dự kiến được chính thức hóa thông qua một thủ tục bằng văn bản, đồng nghĩa với việc các lãnh đạo EU không cần gặp mặt trực tiếp.

    Ảnh: BrexitCentral

    Quyết định gia hạn Brexit được đưa ra sau cuộc họp của các đại sứ tại Brussels, Bỉ. Nhà đàm phán của EU Michel Barnier cho biết đây là một cuộc họp "ngắn, hiệu quả và mang tính xây dựng". "Tôi rất vui vì quyết định này", ông nói.

    Thủ tướng Anh Boris Johnson hôm 19/10 gửi thư tới EU để yêu cầu trì hoãn Brexit. Đại sứ Anh tại EU Tim Barrow giải thích rằng Johnson buộc phải đưa ra đề nghị này để tuân thủ Đạo luật Benn được các nghị sĩ Anh thông qua tháng trước, trong đó yêu cầu EU thay đổi thời hạn Brexit từ ngày 31/10 sang 31/1/2020 nếu đến hạn 31/10 mà hai bên chưa đạt thỏa thuận. 

    Brexit vốn được đặt thời hạn vào ngày 29/3, hai năm sau khi cựu thủ tướng Anh Theresa May kích hoạt Điều 50 của Hiệp ước Lisbon, cơ chế quy định cách quốc gia thành viên rời khỏi khối. Tuy nhiên, thời hạn này đã bị trì hoãn nhiều lần, một phần vì quốc hội Anh ba lần bác bỏ thỏa thuận mà chính quyền May thống nhất với EU.

    Sau khi nhậm chức hồi cuối tháng 7, Boris Johnson khẳng định ông muốn Anh rời EU vào đúng ngày 31/10 dù có thỏa thuận hay không. Phe đối lập cho rằng chính sách của ông có thể khiến Anh rời EU mà không có thỏa thuận quy định rõ ràng các khía cạnh của quan hệ hai bên hậu Brexit, như giao dịch thương mại hay quyền của công dân Anh ở EU. Điều này đặt ra nguy cơ chia rẽ đất nước, làm tê liệt nền nông nghiệp và một số ngành sản xuất, khiến nền kinh tế Anh rơi vào suy thoái.

    Thủ tướng Anh kêu gọi tổng tuyển cử sớm

    Ngày 25/10, Thủ tướng Anh Boris Johnson kêu gọi các đảng đối lập đồng ý tổ chức tổng tuyển cử sớm vào ngày 12/12, nhằm phá vỡ thế bế tắc hiện nay trong tiến trình Brexit.

    Thủ tướng Anh cho biết, nếu Liên minh châu Âu (EU) đồng ý gia hạn Brexit đến ngày 31/1 thì Chính phủ Anh sẽ tìm cách thuyết phục Quốc hội thông qua thỏa thuận Brexit trước ngày 6/11.

    Theo ông Boris Johnson, đây là cách duy nhất để phá vỡ thế bế tắc của tiến trình ra khỏi EU và đưa nước Anh tiến lên phía trước, nếu không muốn bị mắc kẹt trong một lần gia hạn dài nữa về Brexit.

    Theo kế hoạch, Chính phủ Anh sẽ đưa yêu cầu tổng tuyển cử sớm ra bỏ phiếu tại Hạ viện vào ngày hôm nay 28/10.

    Theo VnExpress/VTV

  • Ngày 20-10, Chủ tịch Hội đồng châu Âu (EC) Donald Tusk thông báo đã nhận được bức thư của Anh đề nghị gia hạn Brexit và ông sẽ tham vấn với các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) về vấn đề này. 

    Người dân Anh xuống đường ngày 19-10 với mong muốn bỏ phiếu lại về Brexit - Ảnh: REUTERS

    Ông Donald Tusk có thể tham vấn với lãnh đạo EU để lựa chọn giữa việc sẽ tổ chức một cuộc họp thượng đỉnh khẩn cấp nhằm xem xét vấn đề gia hạn Brexit, hay sẽ đưa ra đề nghị này theo đường văn bản.

    Truyền thông quốc tế dẫn thông tin cho biết trong ngày 19-10, Thủ tướng Anh Boris Johnson đã gửi 2 bức thư cho lãnh đạo EU, trong đó bức thư đầu tiên ông không ký tên, đề nghị gia hạn thời gian đàm phán điều 50 Hiệp ước Lisbon tới ngày 31-1-2020, đồng nghĩa với việc trì hoãn Brexit thêm 3 tháng theo đúng một dự luật đã được Hạ viện Anh thông qua. 

    Bức thư thứ hai được ông Johnson ký tên, trong đó ông gọi việc gia hạn Brexit, như yêu cầu của Hạ viện Anh, là một sai lầm.

    Trong khi đó, nghị sĩ và các nhà ngoại giao châu Âu đã có những phản ứng không mấy tích cực trước việc Hạ viện Anh quyết định trì hoãn bỏ phiếu thỏa thuận Brexit mới, bởi lẽ không biết người Anh đang muốn gì. 

    Người đứng đầu nhóm nghị sĩ Bảo thủ tại Nghị viện châu Âu (EP) Manfred Weber cho rằng EU đã thể hiện sự kiên nhẫn và thiện chí để đưa ra một thỏa thuận cho tất cả. Giờ đây, EU đang đợi xem Chính phủ Anh sẽ quyết định làm gì trong những bước tiếp theo và "nói rõ cho EU biết những mong muốn của London".

    Nhưng người dân cũng đã thể hiện mong muốn của mình khá rõ trong ngày Hạ viện Anh bỏ phiếu liên quan thỏa thuận mới. Ít nhất hàng trăm ngàn người đã xuống đường (có con số khác nói là 1 triệu người) ở thủ đô London đòi có cuộc trưng cầu ý dân lần hai về việc Anh rời EU.

    Theo Tuổi Trẻ

  • Brexit đã có “nút gỡ” vào phút chót với thỏa thuận mới giữa EU và Anh. Mưu tính và thủ thuật của ông Boris Johnson là gì? Triển vọng sắp tới ra sao?

    Sau thời gian dài là bi hài kịch tưởng không dứt đối với nước Anh, việc đảo quốc này ra khỏi EU (Brexit) bất ngờ gia tăng mức độ kịch tính trước thời hạn đã được thoả thuận giữa EU và Anh là ngày 31/10 tới. Trong khoảng thời gian rất ngắn, Thủ tướng Anh Boris Johnson đã xoay chuyển được tình thế và mở ra được cơ hội mới cho việc thực hiện Brexit mà người tiền nhiệm là bà Theresa May đã gắng gượng làm nhưng bị thất bại.

    Bi và hài của đoạn kết

    Cái câu "Cờ bạc ăn nhau về cuối" thật ứng nghiệm trong chuyện này. Ông Johnson đã tung xảo thuật quyết định vào những ngày sát nút để có được thoả thuận mới với EU về Brexit. Hai bên đạt được thoả thuận này đúng là vào phút cuối của phần thời gian đàm phán còn có được. Việc cuối cùng bây giờ còn phải làm để nước Anh ra khỏi EU vào ngày 31/10 tới là Quốc hội Anh và sau đó Nghị viện châu Âu phê chuẩn thoả thuận. Ở Nghị viện châu Âu, việc phê chuẩn thoả thuận này xem ra chỉ là chuyện hình thức, nhưng ở Quốc hội Anh thì lại khác và sẽ lại có một lần nữa sự ứng nghiệm của câu "Cờ bạc ăn nhau về cuối" bởi ông Johnson chưa biết có hội tụ được đa số dân biểu ủng hộ thoả thuận mới này hay không.

    Bi đối với bà May và hài đối với nước Anh khi thoả thuận mà ông Johnson vừa đạt được với EU có tới hơn 95% chẳng khác gì thoả thuận mà bà May đã đạt được với EU về Brexit mà Quốc hội Anh ba lần không chịu phê chuẩn và nhờ thế, ông Johnson mới có cơ hội trở thành Thủ tướng Anh.

    Viện nghiên cứu Anh The UK in a Changing Europe tính ra rằng, thiệt hại đối với mỗi người dân Anh sau Brexit hàng năm là 2.500 Bảng Anh theo kịch bản Brexit không thoả thuận nào với EU, 2.000 Bảng Anh theo thoả thuận hiện tại của ông Johnson với EU và 1.500 Bảng Anh theo thoả thuận của bà May với EU về Brexit. Cho nên, chưa biết Quốc hội Anh sẽ quyết định cuối cùng như thế nào.

    Thủ thuật của ông Johnson

    Trong chuyện này, EU đã thiện chí nhượng bộ như có thể được để nước Anh ra khỏi EU vào ngày 31/10 tới cùng với những thoả thuận vớt vát được nhiều nhất cho cả EU và nước Anh. Ông Johnson bị Quốc hội Anh ràng buộc vào trách nhiệm đảm bảo có Brexit với thoả thuận giữa Anh và EU trước ngày 19/10 tới này hoặc phải đề nghị EU gia hạn thêm thời gian xử lý Brexit đến ngày 31/1/2020. Quốc hội Anh chơi con bài thời gian, cụ thể ở đây là buộc ông Johnson phải chạy đua với thời gian để tránh kịch bản Brexit mà không có thoả thuận nào giữa Anh và EU.

    Ông Johnson đã thể hiện sự già dơ và lão luyện về chính trị của mình bằng áp dụng thủ thuật vừa đàm phán với EU về thoả thuận mới vừa thuyết phục EU không chấp nhận gia hạn thêm thời gian vượt quá thời điểm ngày 31/10 sắp tới. Mưu tính của ông Johnson là buộc Quốc hội Anh phải lựa chọn giữa Brexit với thoả thuận mới và Brexit không với thoả thuận nào. Một khi bị đẩy đến trước việc bắt buộc phải lựa chọn giữa hai cái xấu thì các vị dân biểu sẽ chọn cái ít xấu hơn.

    Kịch bản nào sẽ xảy ra?

    Hai kịch bản bây giờ có thể xảy ra cho Brexit là thoả thuận được Quốc hội Anh phê chuẩn hoặc không phê chuẩn. Nếu nó được phê chuẩn thì nước Anh sẽ ra khỏi EU vào ngày 31/10 tới. Nếu Quốc hội Anh không phê chuẩn thoả thuận ấy thì ông Johnson buộc phải đề nghị EU gia hạn thêm thời gian để xử lý Brexit. Thời hạn này có thể thêm 1 tháng hoặc 3 tháng. EU đã phát đi tín hiệu là không đồng ý đàm phán lại một lần nữa với chính phủ Anh về Brexit nhưng sẵn sàng cho phía Anh thêm thời gian để xử lý Brexit.

    Dù xảy ra thế nào trên thực tế tới đây, kịch bản nào thì ông Johnson cũng vẫn đều được lợi nhiều nhất. Người này gây dựng được hình ảnh là kiên định quan điểm và đã cam kết là thực hiện cam kết cũng như là người xử lý được chuyện Brexit vốn cho đến nay đã làm đảo quốc này bị phân rẽ, ngao ngán và chán nản mà lại còn Brexit với thoả thuận được tiếng là mới giữa EU và Anh. Nếu vì Brexit mà ở Anh có tổng tuyển cử mới trước thời hạn thì ông Johnson và Đảng Bảo thủ sẽ chắc chắn đắc cử.

    Những điểm mới trong thoả thuận vừa đạt được giữa ông Johnson và EU là thắng lợi của ông Johnson nhiều hơn là của EU. Có thể thấy qua đó, EU đã chịu nhượng bộ và nhún nhường để cứu vãn đến cùng cơ hội cho kịch bản Brexit với thoả thuận giữa hai bên. Ông Johnson đạt được một số sửa đổi có ý nghĩa đối nội quan trọng ở nội dung liên quan đến Bắc Ireland nhưng quan trọng và quyết định hơn cả là quyền của phía Anh ngay lập tức, có nghĩa là ngay cả trong thời gian quá độ, có thể đàm phán và ký kết với bên thứ ba thoả thuận về thương mại song phương cũng như đa phương.

    Ông Johnson chưa qua được hết mọi khó khăn và trắc trở để thực hiện Brexit. Nhưng chậm nhất thì cũng cho đến lúc này cả các dân biểu Anh và dân chúng ở Anh đều biết rõ ràng hơn về Brexit rồi đây sẽ như thế nào.

    Theo Dân Trí

  • Thủ tướng Anh Boris Johnson sẽ đưa ra phương án “hai biên giới” nhằm thay thế cho điều khoản “chốt chặn – backstop” trong bản thoả thuận Brexit cũ.

    Thủ tướng Anh Boris Johnson trong ngày 2/10 sẽ đưa ra đề xuất cuối cùng với EU, trong đó nêu cụ thể phương án mới thay thế cho điều khoản backstop, đồng thời cảnh báo hoặc EU chấp nhận đề xuất này hoặc Vương quốc Anh sẽ rời khối vào ngày 31/10 mà không có thoả thuận.

    Thủ tướng Anh sắp đề xuất kịch bản “hai biên giới” với EU. Ảnh: Reuters

    Theo thông tin do Văn phòng Thủ tướng Anh phát đi tối 1/10, Thủ tướng Anh Boris Johnson sẽ có bài diễn văn quan trọng bế mạc Đại hội thường niên đảng Bảo thủ trong ngày hôm nay (2/10) tại thành phố Manchester. Trong bài diễn văn này, ông Johnson sẽ đưa ra chi tiết đề xuất mà Anh gửi đến EU nhằm đạt được một thoả thuận Brexit mới.

    Trong ngày 1/10, ông Boris Johnson đã tuyên bố, EU hoặc chấp nhận đề xuất này, hoặc nước Anh sẽ rời khối vào ngày 31/10 tới mà không có bất cứ thoả thuận nào. Phương án tạm hoãn Brexit theo như yêu cầu của Nghị viện Anh bị loại trừ hoàn toàn.

    Những chi tiết quan trọng đầu tiên của bản đề xuất cuối cùng này được tờ “Thư tín” tiết lộ trong đêm 1/10, theo đó, ông Boris Johnson sẽ đưa ra phương án “hai biên giới” nhằm thay thế cho điều khoản “chốt chặn – backstop” trong bản thoả thuận Brexit cũ. Theo đó, Vương quốc Anh sẽ để cho Bắc Ireland tiếp tục ở lại trong liên minh thuế quan châu Âu đến năm 2025 còn phần còn lại của Vương quốc Anh sẽ rời bỏ hoàn toàn khỏi khối. Đến năm 2025, Nghị viện Bắc Ireland sẽ đưa ra quyết định tiếp theo là tiếp tục ở lại trong liên minh thuế quan châu Âu hay quay trở lại với Vương quốc Anh. 

    Bản đồ nước Anh và biên giới với Cộng hòa Ireland.

    Để kịch bản này được thực thi, ông Boris Johnson sẽ thực hiện việc kiểm soát tại hai biên giới, một là biên giới trên biển giữa Anh sang phần đất Bắc Ireland và hai là tại biên giới giữa Bắc Ireland và nước Cộng hòa Ireland thuộc EU. Tại biên giới giữa Bắc Ireland và Cộng hòa Ireland, hàng hoá sẽ được kiểm tra tại các trung tâm chỉ định nằm cách biên giới vài km.

    Theo truyền thông Anh, kịch bản này được ông Boris Johnson hoàn tất sau khi thuyết phục được đối tác trong chính phủ liên minh là đảng Dân chủ hợp nhất Bắc Ireland (DUP), vốn luôn phản đối bất cứ chia cắt nào giữa Bắc Ireland với phần còn lại của Vương quốc Anh.

    Ngay sau khi các thông tin trên được phát đi, phía Ireland đã đưa ra các phản ứng lo ngại. Thủ tướng Cộng hòa Ireland Leo Varadkar cho rằng bất cứ việc kiểm soát nào tại biên giới giữa Bắc Ireland và Cộng hòa Ireland cũng có nguy cơ làm tổn hại đến tiến trình hoà bình được thiết lập hơn 2 thập kỷ qua trên hòn đảo này.

    Ngoài ra, phía Ireland cũng cho rằng việc giữ Bắc Ireland ở lại trong liên minh thuế quan châu Âu trong thời gian ngắn 4 năm, từ cuối 2020 đến 2025 sẽ chỉ làm gia tăng sự bất an cho nền kinh tế Bắc Ireland. Đài Truyền hình RTE dẫn các nguồn tin chính phủ Ireland cho biết nước này sẽ không chấp nhận đề xuất từ phía chính phủ Anh./

    Theo VOV