Liệu Scotland có thể độc lập khỏi Anh và ở lại EU?

Bên cạnh Brexit, vấn đề lớn nhất cho thủ tướng Anh nhiệm kỳ 2019-2024, ông Boris Johnson, là đòi hỏi trưng cầu dân ý độc lập từ đảng Quốc gia Scotland (SNP).

Cờ Xanh trắng của xứ Scotland và cờ EU. Ảnh: Getty

Ngay sau khi ông Johnson dẫn dắt đảng Bảo thủ Anh thắng cử giòn giã hôm 12/12/2019, giới quan sát đã chỉ ra rằng đây là chiến thắng không trọn vẹn.

Tại xứ Anh và Wales, đảng Bảo thủ "hạ gục" đảng Lao động, giành được nhiều hạt cử tri vốn chưa từng bỏ phiếu cho phe Bảo thủ.

Nhưng ở Scotland, màu cờ vàng nhạt của SNP tung bay trên cả xứ sau khi đảng này, chủ trương độc lập khỏi Liên hiệp Vương quốc Anh, giành 48 trên tổng thống 59 ghế nghị sĩ.

Đảng Bảo thủ chỉ còn đúng sáu nghị sĩ từ Scotland trúng cử vào Quốc hội Anh kỳ này, giảm đi một so với năm 2017.

Dù thủ tướng Boris Johnson ngay lập tức đã bác bỏ yêu cầu của bà Nicola Sturgeon, lãnh tụ SNP cho Scotland mở cuộc trưng cầu dân ý lần hai để đòi độc lập.

Vấn đề này sẽ không mất đi.

Hai màu khác biệt: sau bầu cử tháng 12/2019, đảng SNP - cờ màu vàng - gần như nắm trọn các khu vực cử tri Scotland.

Theo BBC News từ Scotland, hiện có hai câu hỏi lớn cho nước Anh và 5,4 triệu dân Scotland:

Tự Scotland có thẩm quyền mở trưng cầu dân ý độc lập?

Gọi là indyref2, viết tắt của 'independence referendum', nếu xảy ra, đây sẽ là lần thứ nhì từ 2014, khi Scotland bỏ phiếu không đồng ý độc lập khỏi Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ireland (UK).

Chính phủ trung ương ở London cho rằng một cuộc trưng cầu dân ý 2014 đã là đủ để biết dân Scotland không muốn độc lập.

Nhưng SNP cho rằng tới 62% cử tri Scotland đã bỏ phiếu trong trưng cầu dân ý về Brexit năm 2016 để ở lại EU.

Vì thế, SNP cho rằng tình hình nay thay đổi, Liên hiệp Vương quốc Anh không thể "cưỡng bức" Scotland cũng ra khỏi EU cùng xứ Anh, Wales và Bắc Ireland.

Tuy vậy, bà Nicola Sturgeon cho rằng chính phủ Scotland sẽ yêu cầu London cho trưng cầu dân ý theo hành lang pháp luật, chứ không làm "tự phát" như Catalonia ở Tây Ban Nha.

Có vẻ như giải pháp duy nhất cho SNP tới đây là kiện lời từ chối trưng cầu dân ý của chính phủ trung ương ra tòa.

Điều này cũng không hẳn là không có rủi ro.

Nếu bị tòa án bác bỏ, chưa rõ SNP có tiếp tục nghị trình đòi trưng cầu dân ý độc lập hay không.

Còn nếu tòa ủng hộ SNP, một nghị trình chuẩn bị cho trưng cầu dân ý sẽ kéo dài.

Lần trước, Scotland mất 18 tháng để chuẩn bị cho trưng cầu dân ý độc lập 2014.

Bà Nicola Sturgeon, lãnh đạo đảng Quốc gia Scotland (SNP) muốn Scotland ra khỏi Liên hiệp Anh nhưng sau ngay lập tức gia nhập lại EU. Ảnh: Getty

Câu hỏi thứ nhì'Một Scotland độc lập có nghiễm nhiên được ở lại EU hay không?'

Lịch trình Brexit và bầu cử địa phương ở Scotland đưa ra một phương án khá phức tạp.

Giả sử ngay lập tức Scotland có trưng cầu dân ý và giành độc lập trong năm 2020, thì đây cũng là năm Anh hoàn tất Brexit.

Cả Anh Quốc và Scotland đều cần quá trình chuyển tiếp 1-2 năm để tách khỏi nhau, và tách khỏi EU.

Sang 2021, Scotland lại có bầu cử địa phương, và giả sử là SNP vẫn thắng cử, thì họ rơi vào thế là Scotland cùng Anh đã ra khỏi EU trước khi Scotland có thể "xin quay trở lại" làm thành viên EU.

Theo luật EU, quốc gia nào muốn gia nhập hay nhập trở lại khối, đều phải qua quá trình đàm phán bình thường, không có chế độ ưu tiên.

Chưa kể, lãnh đạo SNP nói rằng sau khi tách ra, Scotland vẫn giữ đồng bảng Anh, không dùng euro và không phân chia biên giới England-Scotland.

Bà Nicoa Sturgeon cũng nói SNP muốn để Nữ hoàng Elizabeth II tiếp tục làm nguyên thủ quốc gia của một Scotland độc lập.

Cả ba vấn đề này đều chưa có câu trả lời từ EU...vì chưa hề có tiền lệ.

Liên hiệp đặc biệt Anh - Scotland

Quan hệ đặc biệt của hai vương quốc Anh (England) và Scotland đã trải qua nhiều thăng trầm từ thế kỷ 16.

Từ thế kỷ 14 đến đầu thế kỷ 18, ngai vàng Scotland thuộc về dòng họ Stewart.

Nữ hoàng Mary (Queen of Scots), trưởng thành ở Pháp, đã đổi tên dòng họ theo cách viết tiếng Pháp thành Stuart.

Việc tranh giành quyền bính của dòng họ này luôn gắn liền với các sự kiện ở châu Âu lục địa và ở Anh.

Năm 1543, vua Anh đưa các xứ Wales và Cornwall nhập vào vương triều do London quản lý.

Nhưng Scotland, vốn đông dân hơn và có truyền thống chính trị riêng, không dễ trở thành một phần chung với Anh.

James VI làm vua Scotland, rồi lên nắm ngai vàng Anh với danh hiệu James I từ 1603, khi hai vương quốc lần đầu có chung một vua. Cạnh ông là Hoàng hậu Anne, người Đan Mạch. Hình trên tranh khắc. Ảnh: HULTON ARCHIVE

Mặt khác, liên kết với Anh giúp kinh tế Scotland bành trướng xuống thị trường to lớn, cùng ngôn ngữ ở phía Nam và ra thế giới.

Ban đầu, hai xứ chỉ gắn kết nhờ hôn nhân của vua chúa, hoặc nhờ một vua nắm hai ngai vàng Anh và Scotland (regal union).

James VI làm vua Scotland, rồi sau làm vua Anh với danh hiệu James I từ 1603, khi hai vương quốc lần đầu có chung một vua.

Và phải tới năm 1707 Anh và Scotland mới có chung nghị viện (parliamentary union).

Nhưng không phải lúc nào Anh cũng muốn chung quốc gia với Scotland.

Nghị viện Anh (English parliament) đã hai lần bác bỏ đề nghị hợp nhất với Scotland (1607, 1670).

Ý tưởng lập Viện Nguyên lão (House of Lords) chung cho quý tộc và tăng lữ Anh và Scotland cũng bị bác bỏ năm 1700.

Đề xuất lập liên minh thương mại (commercial union) mà Scotland nêu ra cũng hai lần bị bác.

Lý do là quan hệ đó, theo phía Anh, chỉ có lợi cho giới thương gia Scotland.

Tuy thế, một hiệp ước lập liên minh chính trị (Treaty of Union) đã được ký kết năm 1707.

Hai bên giữ khác biệt về tôn giáo.

Giáo hội Scotland cũng là đạo Tin Lành nhưng theo phái Calvinist và tách biệt hoàn toàn với chính quyền.

Còn Giáo hội Anh thuộc hệ phái khác, có vua hoặc nữ hoàng đứng đầu giáo hội, và tăng lữ có ghế trong Quốc hội.

Ngoài ra, Scotland giữ hệ thống pháp luật và giáo dục riêng.

Nét văn hóa Scotland vào cả tennis: Roger Federer và Andy Murray thi đấu trong trang phục Scotland; váy kilt cho đàn ông. Ảnh: Getty/PA

Tuy bỏ chính sách ngoại giao riêng và để cho London lo quân sự, ở Scotland vẫn có các đảng thân Pháp, kẻ thù của các vua Anh.

Phái Jacobites trung thành với dòng họ Stuart bị tuyệt tự ở Scotland, và luôn mưu đồ chống London, chỉ bị xóa bỏ vào năm 1746.

Dân Scotland tự hào với truyền thống Khai sáng lấy cảm hứng từ châu Âu lục địa, hơn là điều họ cho là thuộc 'phong kiến Anh'.

Ngoài nhu cầu bảo tồn văn hóa đặc thù của Scotland, quan hệ 'tay ba' Anh, Scotland và châu Âu sẽ còn quay trở lại trong mấy năm tới mà câu hỏi độc lập chỉ là một.

Theo BBC Tiếng Việt