Vào lúc quá trình Brexit đang kéo dài, cho tới giờ vẫn chưa ngã ngũ, nhiều kiều dân Pháp sống và làm việc tại Luân Đôn đã tranh thủ thời gian để xin nhập tịch Anh. Chỉ có điều là quá trình nhập tịch đòi hỏi khá nhiều thời gian, hơn thế nữa thủ tục cũng rất tốn kém.
Theo thống kê của chính phủ Anh, đã có 1.545 người Pháp nộp đơn xin quốc tịch Anh trong quý đầu năm 2019. Con số này đã tăng hơn 56% so với cùng thời kỳ năm trước. Theo ông Alexandre Holroyd, dân biểu đại diện cho cử tri Pháp ở khu vực Bắc Âu, hiện có khoảng 350.000 kiều dân Pháp sống ở Vương quốc Anh, trong đó có hơn một nửa sống tập trung ở Luân Đôn và các vùng phụ cận.
Kiều dân Pháp sống tại Anh tuần hành ủng hộ châu Âu, tháng 7/2016. Ảnh: Reuters/Tom Jacobs
Trong khá nhiều trường hợp, các kiều dân Pháp xin nhập tịch Anh, từng sống một thời gian dài hay thường đã lập gia đình trên lãnh thổ Anh Quốc nhưng vì một lý do nào đó họ vẫn giữ quốc tịch Pháp. Do giữa Anh và Pháp không có vấn đề song tịch, cho nên chuyện xin nhập tịch Anh không có gì là cấp bách. Viễn cảnh của Brexit dường như đã thay đổi hẳn cách nhìn của kiều dân Pháp và theo ông Alexandre Holroyd : không có gì bảo vệ quyền lợi của họ bằng việc nhập tịch Anh.
Tuy nhiên, thủ tục xin nhập tịch Anh cũng rắc rối không thua gì ở Pháp, một quá trình đòi hỏi khá nhiều giấy tờ và mỗi giấy tờ đều có chi phí riêng. Trước hết người xin nhập tịch phải có ‘‘thẻ cư trú’’, kiều dân Pháp phải nộp bằng chứng địa chỉ nhà ở, hợp đồng lao động, phiếu lương hàng tháng cộng thêm 65 bảng Anh (75€).
Trong quá trinh nhập tịch, kiều dân Pháp cần phải trải qua 2 kỳ kiểm tra, kỳ thứ nhất đơn thuần về ngôn ngữ ‘‘hiểu và nói tiếng Anh’’, kỳ thi thứ nhì về văn hoá và lịch sử Anh Quốc. Bài kiểm tra chỉ khoảng chừng nửa tiếng nhưng cứ mỗi kỳ như vậy, người xin nhập tịch phải chi 50 bảng Anh (58€). Bài kiểm tra với 24 câu hỏi không có gì là khó, nhưng cần phải được chuẩn bị trước vì có những câu hỏi đại loại như : Dân số nước Anh vào năm 1880 là bao nhiêu người ?
Một khi đã thông qua các chặng này rồi, người xin nhập tịch phải vào mạng của công ty Soprasteria để xin hẹn phỏng vấn, ít nhất là một tháng hay hai tháng sau. Buổi hẹn đối với một kiều dân Pháp có công việc ổn định cũng chỉ là một thủ tục, thế nhưng chi phí nhập tịch chính thức hiện được đăng trên mạng của chính phủ Anh là 1.330 bảng Anh (1550€).
Đối với một kiều dân Pháp đây có lẽ là điều gây bất ngờ nhất vì tại Pháp, ngoài việc mua 55€ tem thuế để nộp hồ sơ nhập tịch, và một khi đã có quốc tịch, người xin nộp thêm 86€ làm thẻ thông hành (passport), nếu không có nhu cầu xuất ngoại, người vừa có quốc tịch chỉ cần xin thẻ căn cước, hoàn toàn miễn phí.
Một khi thủ tục nhập tịch đã được chấp thuận, và người xin đã được công nhận là kiều dân Anh, người này còn phải tham gia một buổi lễ chính thức, với chí phí là 80 bảng Anh (93€). Tính toàn bộ các chi phí, một người xin nhập tịch Anh phải trả khoảng chừng 1.770 bảng Anh (2065€), một số tiền tương đối cao nhất là đối với những người Pháp chưa có cuộc sống ổn định tại Anh.
Thủ tục xin nhập tịch Anh có thể chỉ kéo dài có 6 tháng, tức là ngắn so với Pháp (18 tháng tính từ lúc nộp hồ sơ đầy đủ) tuy nhiên chi phí ở Anh cao hơn lại gấp 10 lần so với Pháp. Chi phí nhập tịch Anh đã tăng rất nhanh trong những năm gần đây từ 1005 bảng Anh (1170€) vào năm 2015 lên tới 1.330 bảng Anh (1550€) đầu năm 2019. Thế nhưng, dường như điều đó vẫn không làm nản lòng các kiều dân Pháp sống tại Luân Đôn, họ muốn làm thủ tục nhanh gọn cho dù Brexit có đạt kết quả gì đi chăng nữa.
Theo RFI