• Người Việt sinh sống ở Anh và có con cái thường hay xin tiền trợ cấp cho con của mình. Tuy nhiên, rất nhiều trường hợp các gia đình người Việt ở Anh bị phạt hơn chục ngàn bảng khi bị phát hiện ra đã nhận “tiền của Bà Queen” sai luật. 

    “Tiền của Bà Queen” thực chất là Child Benefit

    “Tiền của Bà Queen”  là định nghĩa do người Việt tự truyền miệng nhau về một khoản tiền trợ cấp cho trẻ em sinh ra ở Anh Quốc. Theo đó, mọi người nói với nhau rằng bất cứ đứa trẻ nào sinh ra và có quốc tịch Anh Quốc đều được nhận £20/ tuần – đó là do Nữ Hoàng Anh trao tặng cho các bé và bé nào cũng được. Khoản tiền này trên luật gọi là Child Benefit.

    Tuy nhiên, đây không phải là tiền do Bà Queen tặng và không phải đứa trẻ nào cũng được nhận tiền này.

    Child Benefit được lấy ra từ tiền thuế của người dân, chính vì vậy nó có nhiều điều kiện ở trong đó và nếu vi phạm thì các gia đình có thể bị phạt.

    Theo luật (http://viethome.co/v/cb), những người có thu nhập trên 1 con số nhất định, sẽ phải trả lại tiền Child Benefit cho chính phủ. Nhiều gia đình Việt Nam không để ý tới thông tin này nên đã vi phạm nhiều năm và khi bị Sở Thuế kiểm tra, họ bị bắt trả lại toàn bộ số tiền đã nhận được.

    Chị Hương, một chủ shop ở London có 3 đứa con và đã nhận tiền Child Benefit hơn 10 năm. Theo luật, khi bố hoặc mẹ có thu nhập trên £50,000 một năm thì sẽ phải thông báo cho Sở Thuế để họ tính lại tiền Child Benefit. Hồi mới xin tiền này, chị Hương lương thấp, nên được họ chấp nhận. Nhưng sau 1 thời gian thu nhập của chị tăng lên, chị không báo lại cho Sở Thuế trong 10 năm nên đã bị phạt và thu lại tiền.

    Có một số gia đình khi mới sinh con, thu nhập thấp nên nhận được tiền Child Benefit. Tuy nhiên vài năm sau họ mở shop, báo thuế cao để mua nhà, và ngẫu nhiên họ sẽ phải báo lại với Sở Thuế để cắt hoặc trả lại một phần tiền Child Benefit do thu nhập của họ giờ cao hơn mức cho phép.

    Dưới đây là bảng biểu theo quy định tại thời điểm viết bài:
    Thu nhập dưới £50,000: nhận đủ tiền Child Benefit
    Thu nhập từ £50k- £60k: Cuối năm phải trả lại 1 phần (phụ thuộc vào thu nhập của bạn)
    Thu nhập trên £60k: Cuối năm trả lại 100% tiền Child Benefit đã nhận.

    Số tiền Child Benefit bạn có thể nhận hàng tuần :
    Đứa trẻ lớn nhất trong gia đình: £20.70
    Nhưng đứa trẻ bé hơn: £13.70 

    Nếu anh chị có thắc mắc gì cần giải đáp, có thể tham khảo qua link này hoặc liên hệ với Sở Thuế để hiểu rõ hơn về luật Child Benefit – http://viethome.co/v/cb 

    VietHome

  • Góa phụ của một công nhân đường sắt đã mang theo tro cốt của chồng mình ra tòa - sau khi ông bị từ chối trợ cấp bệnh tật đến hai lần trước khi qua đời vì ngừng tim.

    Ông Albert Dale, đến từ Moston, đã phải nghỉ việc sau 41 năm miệt mài cống hiến vì một loạt các tình trạng suy nhược, bao gồm cả ‘chứng tắc nghẽn động mạch phổi mãn tính ảnh hưởng đến chức năng phổi'.

    Cuối cùng, ông chỉ nhận được trợ cấp tàn tật khi người vợ góa của ông mang theo tro cốt của chồng mình đến một phiên điều trần kháng cáo.

    Ann Dale và các con của bà đã đặt hũ tro trước mặt tòa án, nói rằng: “Chúng tôi đã hứa sẽ mang ông ấy tới tòa.”

    Ông Albert đã ra đi trước khi buổi xét xử kháng cáo có thể được tổ chức. Nhưng bà Ann, 59 tuổi, đã quyết tâm lấy lại công bằng cho chồng và khi một lá thư kèm theo ngày tổ chức phiên tòa được gửi tới, bà đã nắm lấy cơ hội của mình.

    Bà bày tỏ, "Tôi đã hứa bên giường bệnh của ông ấy rằng tôi sẽ chiến đấu tới cùng. Tôi nghĩ khi ông ấy ra đi, việc kháng cáo cũng không còn khả năng được tiến hành.

    "DWP đã trả cho tôi một khoản trợ cấp góa phụ, điều đó có nghĩa họ biết ông ấy đã chết. Nhưng tháng trước, tôi đã nhận được một lá thư thông báo ngày ra tòa.

    "Tôi chỉ nghĩ,‘ Phải, chúng ta sẽ tới tòa án.’”

    Bà Ann và con gái Samantha

    Điều dưỡng viên Ann và hai người con của mình - Samantha, 42 tuổi và Johnpaul, 40 tuổi – đã có mặt cùng với một quan tòa, bác sĩ và đại diện của DWP.

    Ann nói: “Có thể họ không thoải mái. Công bằng mà nói, họ đã không đưa ra quyết định ngay từ đầu, nhưng họ đã phải chịu đựng trải nghiệm này. Anh chàng từ DWP có vẻ kinh hoàng, nhưng chính bộ phận của anh ta đã đưa ra quyết định sai lầm.”

    Hội đồng tán thành kháng cáo về Thanh toán Độc lập Cá nhân và đồng ý trao trợ cấp cho ông Albert. Tiền trợ cấp sẽ được tính từ tháng 4/2018 đến ngày 19/11/2018 khi ông qua đời. Ông được nhận mức trợ cấp là 87.65 bảng/tuần tiền sinh hoạt phí và 61.20 bảng/tuần tiền đi lại. 

    Nhưng toàn bộ câu chuyện xin lỗi và sửa chữa sai lầm chỉ đến sau nhiều tháng đau đớn và tủi nhục đối với ông Albert.

    Ông mắc bệnh tắc nghẽn phổi mạn tính, bệnh tiểu đường loại 2, bệnh tim và hội chứng ống cổ tay, gây đau ở tay. Albert qua đời vì ngừng tim tại nhà ở Moston, tháng 11 năm ngoái.

    Albert, người cha của bốn đứa con và ông của một đứa cháu 15 tuổi, đã nghỉ hưu và từ bỏ công việc dọn dẹp đầu máy vào tháng 12/2017.

    Nhưng sau một cuộc họp, các quan chức đã ra phán quyết rằng “ông không hề có dấu hiệu bị hụt hơi” và “ông hoàn toàn có thể tự đứng dậy không cần ai giúp đỡ.”

    Ann đã rất tức giận. Bà nói: “Ông ấy buồn lắm. Người ta cho rằng ông ấy là kẻ bịa đặt. Ông ấy đã phải trả giá bằng cả cuộc đời và không bao giờ đòi được một xu nào. Và khi yêu cầu bồi thường, ông ấy không nhận được gì. Ông ấy là một người đàn ông tốt, chăm chỉ, trung thực và ông ấy không ngờ mình bị đối xử như vậy.

    “Việc nghỉ hưu khiến ông ấy hoàn toàn suy sụp. Nếu còn có thể làm việc, chắc chắn ông ấy sẽ cố. Nhưng Albert  trông giống như một người đàn ông 90 tuổi khi bước đi – run rẩy như say rượu. Thật đau khổ.”

    Số liệu cho thấy con số kỷ lục 60.000 người đã giành được chiến thắng trong các phiên xét xử kháng cáo chống lại phán quyết trợ cấp khuyết tật DWP vào năm 2018. Chi phí mà người nộp thuế phải bỏ ra cho các phiên điều trần này là 26,5 triệu bảng.

    Ann yêu cầu thay đổi hệ thống đánh giá. Bà nói, “Họ đã tạo ra bầu không khí này. Họ nói rằng mọi người đang tham lam tranh giành, nhưng điều đó không đúng. Họ bắt nạt những người cần đến trợ cấp nhất, thật tàn ác.”

    DWP đã viết thư xin lỗi cho bà Ann.

    Phát ngôn viên cho biết: “Chúng tôi xin chia buồn với gia đình ông Dale, và chúng tôi xin lỗi vì nỗi đau do vấn đề trợ cấp gây ra cho họ.”

    VietHome (Theo Manchester Evening News)

     

  • Một người đàn ông mắc bệnh hiểm nghèo được các bác sĩ kết luận chỉ còn sống được hai năm, nay lại bị đánh giá là phù hợp để làm việc. Do đó ông đã bị cắt giảm trợ cấp.

    Ông Darryl Nicholson bị bệnh phổi mãn tính, còn gọi là bệnh khí phế thũng giai đoạn ba. Căn bệnh khiến ông bị khó thở.

    Các sinh hoạt đơn giản hàng ngày, chẳng hạn như mặc quần áo và đi bộ, cũng vô cùng khó khăn đối với ông nhưng chính phủ đã giảm một nửa trợ cấp, khiến ông chỉ còn 15 bảng mỗi tuần để mua thực phẩm.

    Ông Nicholson, 47 tuổi, trú tại Kenton, Newcastle upon Tyne, cũng mắc các căn bệnh khác, bao gồm viêm phế quản, hen suyễn, lo lắng và trầm cảm và hiện đang quá ốm yếu để có thể làm việc.

    Trước đây, ông đã nhận được Trợ cấp Hỗ trợ Việc làm (ESA), nhưng sau khi tham dự buổi đánh giá năng lực làm việc bắt buộc, Bộ Lao động và Lương hưu (DWP) cho rằng ông còn khả năng phù hợp để làm việc.

    Khi còn có ESA, ông Nicholson đã nhận được 474 bảng mỗi tháng trực tiếp vào tài khoản ngân hàng của mình.

    Giờ đây, sau khi bị chuyển sang trợ cấp Universal Credit, số tiền ông nhận được đã giảm một nửa xuống chỉ còn 236 bảng mỗi tháng.

    Ông Nicholson nói: “Tôi đã bị từ chối trợ cấp mặc dù bệnh tình của tôi ngày một xấu đi. Nhưng chỉ vì tôi còn có thể cầm bút, mở cửa và sử dụng công nghệ, họ nghĩ tôi có thể làm việc.

    “Làm những công việc đơn giản, chẳng hạn như mặc quần áo, cũng có thể khiến tôi khó thở.

    “Tôi sống trong một ngôi nhà gỗ và trạm xe buýt bên ngoài cách đó 50 đến 70 mét mà tôi vẫn không thể đi bộ đến đó mà phải bắt taxi. Giờ đây tôi chẳng còn đủ tiền để bắt xe nữa.

    “Tôi phải lên kế hoạch cho các tuyến đường của mình để xem có tường và ghế dài để nghỉ ngơi không.

    Ông Nicholson, người đã mất vợ vì căn bệnh ung thư quái ác, đã trải qua kỳ tái kiểm tra trợ cấp bắt buộc nhưng đã bị từ chối và hiện ông đang chờ đợi kháng cáo tại tòa án.

    Ông nói: “Tôi nên tập trung vào cuộc sống thay vì kiện cáo. Tôi đã nói chuyện với mọi người về công việc, nhưng thực sự tôi không biết tôi có thể làm được gì. Tôi đang ở giai đoạn ba và sẽ có nhiều ngày nghỉ ốm hơn so với ngày làm việc."

    Ông Nicholson được chẩn đoán mắc bệnh khí phế thũng khi còn trẻ và chỉ có thể sống cho đến khi ông 50 tuổi. Vợ ông qua đời vì bệnh ung thư khi bà mới 36 tuổi.

    Ông nói sau khi thanh toán hóa đơn điện, gas và điện thoại, ông còn lại khoảng 15 bảng mỗi tuần cho thực phẩm.

    Cựu nhân viên ngành dịch vụ ăn uống này nói thêm: “Tôi không mong đợi có thể đi nghỉ hay mua xe. Tôi chỉ mong có thể sống. Có những ngày tôi chỉ ăn một bữa và có những ngày tôi không có thức ăn.

    “Điều này gây hậu quả xấu tới sức khỏe của tôi, nghĩa là tôi không thể uống tất cả các loại thuốc của mình vì bạn phải uống chúng sau khi ăn. Một nhược điểm của bệnh tật đó là hệ thống miễn dịch của tôi yếu và nó sẽ chỉ ngày một yếu đi.”

    Ông Nicholson nói rằng ông đã nộp đơn xin thêm khoản trợ cấp bệnh tật và khuyết tật Universal Credits cũng như Thanh toán Độc lập Cá nhân.

    Trường hợp của ông cũng đã được đưa ra tòa án nhưng ông nói rằng quá trình này cần phải nhanh hơn.

    Ông nói thêm: “Nếu họ thực hiện công việc của mình đúng cách thì sẽ chẳng có nhiều trường hợp phải ra tòa đến vậy.

    “Họ đã được bác sĩ của tôi cho biết tôi mắc bệnh thực sự rất nghiêm trọng, nhưng họ lại chỉ đơn giản bác bỏ ‘Không, anh có bệnh gì đâu.’ Thật vô lý. Tôi muốn chia sẻ điều này không chỉ cho tôi mà còn cho hàng ngàn người khác cũng đang bị ảnh hưởng.”

    Phát ngôn viên của DWP cho hay: “Các quyết định cấp ESA được thực hiện bởi các chuyên gia y tế sau khi đã có những cân nhắc cẩn thận đối với tất cả thông tin do người xin trợ cấp cung cấp, bao gồm bằng chứng từ bác sĩ gia đình hoặc chuyên gia y tế của họ.

    “Có một quy trình kháng cáo miễn phí và độc lập cho phép người khiếu nại cung cấp thêm bất kỳ tài liệu nào. Ông Nicholson sẽ tiếp tục nhận được trợ cấp và hỗ trợ trong thời gian kháng cáo và không bắt buộc phải tìm việc.”

    VietHome (Theo Metro)

  • Cha mẹ sắp chào đón thành viên mới trong gia đình có thể đăng ký nhận số tiền lên đến 500 bảng để giúp họ trang trải các chi phí liên quan đến chăm sóc trẻ nhỏ.

    Chương trình được biết đến với tên gọi Trợ cấp Thai sản Sure Start này được áp dụng cho những người mới lên chức cha mẹ lần đầu, cha mẹ sắp sinh đôi/ba, với điều kiện một trong hai người đang nhận một loại trợ cấp khác.

    Thông thường, chỉ có cha mẹ lần đầu mới được phép nhận Trợ cấp Thai sản Sure Start, nhưng những người đã có con vẫn có thể xin trợ cấp nếu họ đang mang thai đôi hoặc ba.

    Ai có thể xin trợ cấp và mức trợ cấp là bao nhiêu?

    Trợ cấp Thai sản Sure Start có thể lên đến 500 bảng cho các bậc cha mẹ sắp lên chức lần đầu. Cha mẹ đã có con trước đó vẫn có thể nhận tiền nếu họ đang chờ đón nhiều con một lúc (như sinh đôi hoặc sinh ba). Mặc dù mức trợ cấp là 500 bảng, các gia đình sinh ba có thể nhận được đến 1,000 bảng.

    Để được cấp tiền, một trong hai vợ chồng hiện phải đang nhận một trong các loại trợ cấp sau:

    • Hỗ trợ Thu nhập (Income Support)
    • Trợ cấp Tìm việc (Jobseeker’s Allowance) dựa trên thu nhập
    • Trợ cấp Hỗ trợ và Việc làm (Employment and Support Allowance) liên quan đến thu nhập
    • Tín dụng Lương hưu (Pension Credit)
    • Tín dụng Thuế Trẻ em (Child Tax Credit)
    • Tín dụng Thuế Việc làm (Working Tax Credit) bao gồm người khuyết tật hay yếu tố khuyết tật nghiêm trọng
    • Universal Credit

    Khi nào thì cha mẹ có thể xin trợ cấp?

    Người đăng ký nhận trợ cấp có thể nộp hồ sơ trong vòng 11 tuần trước ngày dự sinh hoặc sáu tháng sau sinh.

    Cha mẹ có phải hoàn trả khoản trợ cấp này không?

    Không.

    Cha mẹ có thể xin trợ cấp bằng cách nào?

    1. In và điền mẫu đơn xin Trợ cấp Thai sản Sure Start. Một chuyên gia sức khỏe (ví dụ bác sĩ hay bà mụ) sẽ phải ký vào đơn này.
    2. Gửi đơn đến “Freepost DWP SSMG” – bạn không cần ghi mã bưu điện hay dán tem.

    VietHome (Theo Chronicle Live)