• Hung Vanngo là chuyên gia trang điểm quen thuộc của nhiều ngôi sao Hollywood nổi tiếng như Jennifer Lawrence, Bella Hadid, Miranda Kerr và là bạn thân của nữ ca sĩ Selena Gomez. Anh được Cosmopolitan xếp thứ 4 trong top 14 nghệ sĩ trang điểm nổi bật thế giới.

    hung vanngo 1

    Giấc mơ có thật ở Hollywood

    Trước khi nổi danh ở Hollywood và được các ngôi sao hàng đầu tin tưởng lựa chọn, Hùng Văn Ngô là một người nhập cư tại đất nước Canada và đi lên từ ngành tóc. Bắt đầu học nghề làm tóc từ sau khi học xong trung học phổ thông tại một thành phố nhỏ tại Canada, Hùng Văn Ngô được “trời cho” món quà là năng khiếu làm tóc nên sau 3 năm anh đã có hơn 30 giải thưởng lớn nhỏ về cả cắt tóc nam và nữ. Dù vậy, trong lòng anh vẫn luôn có đam mê về trang điểm nhiều hơn cả nên anh đã bắt đầu học thêm và làm thêm về trang điểm. 

    Cho đến 3 năm sau, anh cùng với sự nhiệt huyết đã tới thành phố lớn hơn là Toronto và cuối cùng là New York - nơi đỉnh cao của tạp chí ngành thời trang. Sau khi tới New York, với sự áp lực về tài chính đắt đỏ tại nơi đây, anh thường xuyên phải bay về Canada để kiếm tiền để chi trả cho cuộc sống tại Mỹ.

    Đến năm 2007, một công ty agency tại New York đã trở thành người đại diện cho anh. Sau đó là chuỗi ngày cố gắng không ngừng nghỉ khi làm việc của Hùng Văn Ngô khi anh thức dậy sớm mỗi ngày để không bỏ lỡ bất kỳ khách hàng nào. Một cột mốc lớn của Hùng Văn Ngô đó là khi anh được người quen giới thiệu làm việc cho người mẫu Helena Christensen (cựu thiên thần Victoria's Secret), từ đó có được sự tín nhiệm của cô và anh bắt đầu sự nghiệp thời trang của mình.

    hung vanngo 1
    Kênh Instagram với hơn 4 triệu lượt theo dõi của Hùng Văn Ngô

    hung vanngo 1
    Hùng Văn Ngô trong lần quay trở lại Việt Nam tại buổi podcast Have A Sip (Ảnh: Vietcetera)

    Giới thượng lưu Hollywood săn đón

    Theo The Wall Group - công ty đại diện của Hùng Văn Ngô, sau khi chuyển đến New York, Hùng hợp tác với các nhiếp ảnh gia hàng đầu bao gồm Mert & Marcus, Nick Knight, Carter Smith, Craig McDean, và nhiều người khác, trong các tác phẩm xuất hiện trong tạp chí như Allure, ELLE, Harper's Bazaar, InStyle, Vogue. Tài năng kết hợp với gu thẩm mỹ tiên phong của Hùng đã giúp anh trở thành gương mặt quen thuộc của các thương hiệu uy tín như Louis Vuitton, Marc Jacobs, Dsquare, Lancôme, L'Oréal, Estée Lauder, Calvin Klein, Max Mara và Victoria's Secret.

    Ngoài ra, Hùng còn được giới thượng lưu Hollywood săn đón, hợp tác với những tài năng tên tuổi như Selena Gomez, Jennifer Lawrence, Jennifer Lopez, Katy Perry, Gwyneth Paltrow, Sophie Turner, Kate Bosworth, Emily Ratajkowski, Karlie Kloss, Rosie Huntington-Whiteley, Bella Hadid, Gigi Hadid và Kendall Jenner.

    remix

    hung 1
    Những gương mặt nổi tiếng Hùng Văn Ngô đã làm việc cùng (Ảnh: The Wall Group)

    Không ai làm biếng mà thành công

    Phong cách nổi bật và tay nghề trang điểm chuyên nghiệp của Hùng Văn Ngô không thể có được nếu thiếu đi sự chăm chỉ và cẩn thận trong cách mà anh làm việc cho mọi khách hàng. Mối cơ duyên của anh và người bạn thân hiện tại là ca sĩ Selena Gomez cũng bắt nguồn từ sự giới thiệu của người quản lý của ngôi sao hạng A Miranda Kerr đã luôn tín nhiệm và để ý phong cách làm việc chuyên nghiệp của anh nên đã kết nối anh đến với Selena. Trong một podcast, Hùng Văn Ngô đã chia sẻ rằng “thỏa mãn đó là làm nghề mình yêu”.

    hung vanngo 1
    Selena Gomez - Người bạn thân thiết 10 năm mà anh rất biết ơn (Ảnh: Chris Pizzello)

    Quan điểm của anh trong công việc đó là tiền bạc và danh tiếng là thứ đi sau, còn điều quan trọng nhất đó là yêu thương cái nghề mình làm trước. Những khách hàng của Hùng Văn Ngô yêu thích anh bởi vì họ biết anh rất yêu nghề và bất cứ khách hàng nào ngồi trên ghế của anh cũng luôn cảm nhận được sự hết mình của anh với trang điểm.

    Hùng Văn Ngô còn sở hữu kênh Youtube //www.youtube.com/@hungvanngo">Hung Vanngo với 570 nghìn người đăng ký. Tại đây anh thường xuyên đăng tải những video hướng dẫn trang điểm với đa dạng phong cách và cách truyền đạt gần gũi với người xem. Đây là nền tảng giúp anh chia sẻ những kỹ năng, câu chuyện và các sản phẩm mà một chuyên gia trang điểm như anh sử dụng để có thể truyền cảm hứng cho thế hệ sau.

    Theo Thanh Niên

  • Tài năng Việt kiều Jariyah Shah thể hiện ấn tượng trong chiến thắng của U18 Man United trước U18 Wolves ở giải U18 Premier League.

    Vừa qua, cầu thủ gốc Việt Jariyah Shah đã có trận ra mắt U18 Man United trong trận đấu với U18 Wolves ở giải U18 Premier League. Tiền vệ sinh năm 2009 được đá chính ngay từ đầu và có 64 phút thể hiện khá ấn tượng trước khi bị thay ra. Chung cuộc, U18 Man Utd giành chiến thắng với tỷ số 2-1 và hoàn thành chỉ tiêu đề ra.

    jariyah shah 1
    Jariyah Shah (trái) thi đấu ấn tượng ở tuyển trẻ Man United.

    Jariyah Shah là 1 trong số những cầu thủ ở đội trẻ U16 được đôn lên U18 Man Utd trong bối cảnh các đội tuyến trên đang thiếu lực lượng. Dù không trực tiếp ghi bàn nhưng tài năng gốc Việt vẫn được tờ Centredevils đánh giá cao về màn trình diễn tự tin và hiệu quả dù phải thi đấu với các bậc đàn anh hơn tuổi.

    Jariyah Shah cao khoảng 1,80 m, đá tiền vệ trung tâm, cùng đội trưởng Tyler Fletcher - con trai của cựu tiền vệ Darren Fletcher.

    Chiến thắng 2-1 trước Wolves giúp U18 Manchester United tiếp tục duy trì vị trí thứ 2 trên BXH U18 Premier League. Sau 15 vòng đấu, U18 Man Utd giành tới 12 chiến thắng và chỉ thua duy nhất 1 trận, song vẫn đang kém đội đầu bảng Man City 2 điểm.

    Man Utd là đương kim vô địch, nhưng không dễ để bảo vệ ngôi vương ở mùa này với thành phần chủ yếu là những cầu thủ sinh năm 2007 và 2008. Shah là cầu thủ duy nhất sinh năm 2009 đã chơi cho U18 Man Utd mùa này. Tiền đạo Kai Rooney, con trai của cựu danh thủ Rooney hiện vẫn chưa có cơ hội lên đội U18 MU.

    Shah từng khoác áo U16 và sát cánh cùng Kai Rooney. Gia đình Shah chuyển tới Anh định cư khi cậu bé còn nhỏ, nên chân sút 16 tuổi đang là một công dân Anh. Vì thế, Shah hiện có thể khoác áo cho bốn đội tuyển là Anh (nhờ quốc tịch Anh), Pakistan, Việt Nam và Úc.

    Với sự tiến bộ trong sự nghiệp tại United, anh đang thu hút nhiều sự chú ý về khả năng lựa chọn quốc gia thi đấu quốc tế.

    Ngoài ra, với một cuộc khủng hoảng chấn thương đang diễn ra ở đội một thời điểm hiện tại, HLV Ruben Amorim đã phải gọi lên một số cầu thủ trẻ để lấp đầy băng ghế dự bị của mình trong trận đấu với Tottenham, nơi 1 cầu thủ trẻ như Chido Obi (17 tuổi) có trận ra mắt.

    jariyah shah 1
    Jariyah Shah là chấn sút trẻ Man United với nửa dòng máu Việt

    Jariyah Shah sinh năm 2009, có bố là người Pakistan và mẹ là người gốc Việt, sinh ra ở Úc, nhưng lớn lên ở Anh và đang có quốc tịch Anh. Khả năng cầu thủ này có thể thi đấu cho các đội tuyển Việt Nam trong tương lai vẫn còn bỏ ngỏ.

    Sinh năm 2009, Jariyah Shah vẫn chưa được gọi lên các lứa U của tuyển Anh, dẫu vậy, việc ra mắt đội U18 Man Utd ở tuổi 16 cũng là 1 thách tích đáng khích lệ với sao mai này.

    Theo Giaoducthoidai

  • TS Nguyễn Thụy Bá Linh được vinh danh tại giải thưởng TechWomen 100 với đóng góp trong nghiên cứu phát triển công nghệ vật liệu tiên tiến ứng dụng y sinh và tái tạo mô.

    Vượt qua hàng nghìn đề cử, TS Nguyễn Thụy Bá Linh, 44 tuổi, Đại học College London (UCL) là người Việt Nam duy nhất góp mặt trong số 100 người chiến thắng tại TechWomen100 năm 2024. Giải thưởng tôn vinh các nhà lãnh đạo nữ tiềm năng trong lĩnh vực công nghệ, có thành tựu xuất sắc và tầm ảnh hưởng cộng đồng tại Vương quốc Anh. Trong số các gương mặt được vào danh sách này qua các năm, TS Linh là nhà khoa học Việt đầu tiên.

    nguyen thuy ba linh 1
    TS Nguyễn Thụy Bá Linh. Ảnh: Nhân vật cung cấp

    TS Bá Linh tốt nghiệp chuyên ngành Hóa học tại Trường Đại học Khoa học tự nhiên TP HCM năm 2003. Nhận bằng tiến sĩ tại Đại học Soonchunhyang, Hàn Quốc với các nghiên cứu tập trung vào y học tái tạo, Bá Linh gia nhập Viện Kỹ thuật Y sinh, Đại học Oxford với vai trò nghiên cứu viên sau tiến sĩ, theo đuổi hướng nghiên cứu quan trọng trong kỹ thuật y sinh và tái tạo mô. Chị cùng cộng sự phát triển công nghệ liên quan đến hạt polycaprolactone quy mô lớn nhằm thu hoạch tế bào gốc. Nghiên cứu được cấp bằng sáng chế và cấp phép thành công thương mại ra thực tiễn. Nhờ công trình này, chị giành được giải thưởng Nghiên cứu viên sau tiến sĩ xuất sắc của Khoa tại trường Oxford năm 2017.

    Từ năm 2019, TS Linh trở thành giảng viên ngành Vật liệu sinh học tại Viện Nha khoa Eastman, Đại học College London (UCL). Hướng nghiên cứu của chị gồm vật liệu sinh học cho tái tạo mô, hệ thống phân phối thuốc và polymer phản ứng nhiệt cho việc mở rộng và thu hoạch tế bào gốc. Chị thực hiện nhiều dự án quan trọng về công nghệ vật liệu tái tạo xương và da.

    TS Linh công bố hơn 50 bài báo được bình duyệt, hai chương sách, và hai bằng sáng chế. Chị cũng là biên tập viên và phản biện cho nhiều tạp chí uy tín như Journal of Biomaterials Applications, đồng thời giảng dạy các khóa học về y học nano, ứng dụng kỹ thuật y sinh và khoa học lâm sàng. Năm 2021-2023, TS Linh đảm nhiệm vai trò cố vấn và lãnh đạo cộng đồng, chủ tịch Viện Hàn lâm trẻ Việt Nam (Vietnam Young Academy), hướng dẫn các nhà khoa học trẻ thông qua Hội Trí thức Việt Nam tại Anh và Ireland.

    Bên cạnh nghiên cứu học thuật, chị còn là nhà sáng lập và CEO SmileScaff, công ty chuyên phát triển các công nghệ vật liệu tiên tiến nhằm tăng tốc quá trình chữa lành vết thương và tái tạo mô. SmileScaff kết hợp các vật liệu sinh học tiên tiến với các ứng dụng y tế thực tiễn, nhằm cách mạng hóa kỹ thuật mô.

    nguyen thuy ba linh 1
    TS Linh (giữa) nhận giải tại cuộc thi pitching Spinout Showdown do ULCB tháng 6/2024, thuộc Đại học College London tổ chức. Ảnh: Nhân vật cung cấp

    Chia sẻ với VnExpress từ Anh, TS Bá Linh nói vô cùng tự hào, giải thưởng là tiếng nói ủng hộ cho phụ nữ trong lĩnh vực khoa học công nghệ, tôn vinh phụ nữ vượt qua những thách thức và rào cản, trở thành hình mẫu cho những phụ nữ khác, đặc biệt là những người từ các nước phát triển. "Tôi mong muốn trở thành nguồn cảm hứng cho thế hệ tài năng công nghệ Việt Nam và toàn cầu, cho thấy những giới hạn có thể bị phá vỡ, các thành tựu có thể đạt được thông qua đam mê và cống hiến".

    TS Linh cho biết sẽ đẩy mạnh nghiên cứu, dự án công nghệ sinh học và kỹ thuật mô, mang lại những giải pháp đổi mới sáng tạo vào thực tiễn. Chị mong muốn hợp tác với các nhà nghiên cứu hàng đầu, tổ chức, công ty khoa học công nghệ. Nữ tiến sĩ cũng kỳ vọng thế hệ các nhà khoa học được chuẩn bị tốt để tiếp tục phát triển lĩnh vực quan trọng này, nâng cao nhận thức về những thách thức và cơ hội cho phụ nữ trong các lĩnh vực STEM, truyền cảm hứng cho người trẻ theo đuổi sự nghiệp công nghệ và khoa học.

    Được khởi xướng vào năm 2017, TechWomen100 là giải thưởng đầu tiên tôn vinh những phụ nữ làm việc trong ngành công nghệ tại Vương quốc Anh. Giải thưởng còn có hạng mục tôn vinh các nhà vô địch cấp cao, nhà vận động toàn cầu, công ty tiên phong và các mạng lưới hỗ trợ sự phát triển nghề nghiệp của phụ nữ trong công nghệ.

    Năm thứ 3 tổ chức, TechWomen100 năm 2024 nhận hơn 1.150 hồ sơ, trải qua các vòng xét duyệt và bình chọn để vinh danh 100 phụ nữ xuất sắc. Lễ trao giải sẽ diễn ra ngày 21/11, tại Queen Elizabeth II Centre, London, Anh.

    Theo VnExpress

  • Ở Hải Dương có một thương gia buôn nông sản được ví như ông trùm khi mỗi ngày cung cấp ra thị trường trong và ngoài nước từ 350-400 tấn rau, củ, quả.

    lam giau hai duong 1
    Anh Hồ Việt Hoàn, Giám đốc Hợp tác xã Hoàng Nam Phát được ví là trùm buôn nông sản lớn nhất ở Hải Dương hiện tại

    "Chơi lớn"

    Ông trùm buôn nông sản mà tôi muốn kể ở đây là anh Hồ Việt Hoàn, Giám đốc Hợp tác xã Hoàng Nam Phát ở xã Gia Xuyên (TP Hải Dương). Tôi biết anh qua lời giới thiệu của Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lương Thị Kiểm: "Hoàn là một thương nhân lớn trong lĩnh vực nông sản với số lượng hàng hóa rất khủng. Gần như ngày nào cơ sở của cậu ấy cũng xuất đi hàng chục xe container".

    Trụ sở của Hợp tác xã Hoàng Nam Phát cũng chính là nhà riêng của anh Hoàn nằm gần trung tâm xã Gia Xuyên. Phía trước cửa nhà, những chiếc xe container nối đuôi nhau xếp thành hàng dài.

    lam giau hai duong 1
    Xe nâng hạ của Hợp tác xã Hoàng Nam Phát chuyển những kiện cà rốt lên thùng xe container

    Cà rốt, cải bắp, su lơ trắng... đóng gói thành từng kiện lớn, được xe nâng hạ đưa lên thùng container. Thỉnh thoảng những chiếc xe tải từ 2-15 tấn lại chở hàng từ các nơi về tập hợp tại đây.

    Khác với suy đoán của tôi về một ông trùm đã luống tuổi, anh Hoàn năm nay mới tròn 40. Anh niềm nở, nhiệt tình tiếp đón và dẫn tôi đi thăm cơ sở của gia đình. Tại khu chế xuất, hàng chục lao động đang làm việc hăng say. Họ thoăn thoắt sàng lọc, nhặt bỏ những lá rau cải bắp, su lơ bên ngoài không đạt yêu cầu, dán tem, đóng gói.

    lam giau hai duong 1
    Dưa hấu được anh Hoàn kiểm tra kỹ lưỡng trước khi chuyển lên thùng xe xuất bán ra thị trường

    Ở một góc của nhà kho, mấy chị đứng thành hàng nhịp nhàng chuyền tay nhau những quả dưa hấu từ dưới đất lên thùng xe tải. Phía xa trong khu chế xuất, một nhóm lao động đang miệt mài phân loại khoai tây trên dây chuyền...

    Cả một khu chế xuất rộng 3.000 m2 cơ man là rau, củ, quả. "Cơ sở hoạt động quanh năm nhưng cao điểm là từ tháng 10 năm trước đến tháng 4 năm sau. Vào mùa này, tôi phải huy động khoảng 250 lao động mới giải quyết được khối lượng công việc đặt ra", anh Hoàn thông tin.

    Tôi vào thăm kho lạnh của hợp tác xã. Trong không gian rộng chừng 2.000 m2, những kiện hàng cà rốt, khoai tây... đã được đóng gói kỹ càng chất cao tận nóc. Cái kho này có vai trò quan trọng trong điều phối hàng hóa, bảo đảm không bị gián đoạn cung cấp cho đối tác.

    Tôi giật mình khi nghe anh Hoàn kể mỗi ngày Hợp tác xã Hoàng Nam Phát cung cấp ra thị trường trung bình từ 350-400 tấn rau, củ, quả. Có lẽ ở Hải Dương và các tỉnh, thành phố lân cận không có nhiều thương nhân kinh doanh nông sản "khủng" như anh.

    Lượng nông sản trên đang được hợp tác xã phân phối theo 4 "mũi nhọn": khoảng 60% số lượng hàng xuất khẩu sang một số nước như Trung Quốc, Malaysia, Nhật Bản, Hàn Quốc...; 30% cung cấp cho hệ thống các đại siêu thị như AEON, LotteMart, WinMart và các chợ đầu mối khắp 3 miền Bắc - Trung - Nam; 10% còn lại cung cấp cho các bếp ăn khu công nghiệp, trường học.

    lam giau hai duong 1
    Mỗi ngày, Hợp tác xã Hoàng Nam Phát xuất ra thị trường từ 350-400 tấn nông sản, trong đó 60% phục vụ xuất khẩu

    Tôi khen anh Hoàn giỏi giang, trẻ tuổi mà đã làm ăn hơn người. Anh xua tay, khiêm tốn đáp: "Thiên hạ còn nhiều người tài giỏi hơn. Hợp tác xã có được cơ đồ như hôm nay phần nhiều do bố mẹ gây dựng, tôi chỉ là người phát triển. Trước khi theo nghề này, tôi từng sang trời Tây bươn chải với ước mơ làm giàu nhưng thất bại. Về lại quê hương mới thấy có rất nhiều cơ hội xung quanh mình, chẳng cần đi đâu xa song phải thực sự mạnh dạn, quyết tâm".

    Anh Hoàn nhận mình là "con nhà nông chính tông". Trước đây, bố mẹ anh làm nông nghiệp để nuôi các con. Anh Hoàn là con cả nên thường phụ giúp bố mẹ việc đồng áng. Từ năm 1994, gia đình anh bắt đầu thu mua nông sản của bà con ở địa phương để cung cấp cho các chợ đầu mối. Kinh tế khá dần, bố mẹ muốn anh đi học để sau này không phải vất vả.

    Năm 2005, anh Hoàn tốt nghiệp Trường Cao đẳng Công nghiệp Hà Nội. Anh trụ lại ở thủ đô với công việc của một kỹ sư cầu đường. Thu nhập cũng được khoảng 10 triệu đồng/tháng nhưng chi phí ăn ở, đi lại đắt đỏ nên cũng chẳng tích lũy được gì. Có tháng, bố mẹ còn phải gửi tiền lên cho anh để trang trải cuộc sống.

    Khát vọng làm giàu đã thôi thúc anh nghỉ việc về nhà xin bố mẹ được đi xuất khẩu lao động sang nước Anh vào năm 2008. Nhưng "xứ sở sương mù" cách quê nhà hơn 10.000 km chẳng như những gì đơn vị môi giới hứa hẹn. Ở nơi xứ người, công việc thất thường, thu nhập gần như chỉ đủ để anh chi phí cho cuộc sống. Sau gần 1 năm, anh Hoàn ngậm ngùi về nước.

    "Lúc đó anh nghĩ gì?", tôi hỏi. Anh Hoàn đáp: "Tôi nghĩ vẫn phải làm cái gì đó chứ không đầu hàng. Tôi suy tính nhiều thứ lắm, còn dự định mở nhà hàng ăn uống. Một hôm tôi chợt nhận ra bao năm nay cơ sở thu mua nông sản của gia đình vẫn hoạt động hiệu quả. Thế là tôi đề đạt nguyện vọng lên bố mẹ để được tiếp nối nghề này".

    Bố mẹ anh Hoàn ngày càng nhiều tuổi, rồi cũng sẽ đến lúc phải "nghỉ hưu". Vậy nên họ đã đồng ý cầm tay chỉ việc cho con trai. Năm 2011, gia đình anh vẫn chủ yếu thu mua nông sản của nông dân ở huyện Gia Lộc cung cấp cho các chợ đầu mối với sản lượng khoảng 4.000-5.000 tấn/năm.

    lam giau hai duong 1
    Dưới sự điều hành của anh Hoàn, sản lượng nông sản của Hợp tác xã Hoàng Nam Phát xuất bán ra thị trường ngày càng tăng

    Là người nhanh nhẹn nên anh Hoàn sớm tích lũy được kinh nghiệm quản lý. Anh dày công nghiên cứu thị trường, tìm kiếm đối tác và dần mở rộng vùng thu mua nông sản ra tỉnh ngoài. Năm 2013, lượng hàng hóa mua bán, phân phối của gia đình anh lần đầu chạm ngưỡng 150 tấn/ngày.

    Công việc ngày càng thuận lợi khi anh Hoàn dần hình thành được mối quan hệ gắn bó với một số đối tác lớn. "Tôi bắt đầu trăn trở làm sao phải đưa nông sản của quê hương sang nhiều nước để nâng tầm giá trị và khuyến khích sản xuất. Tôi chính thức bước vào cuộc chơi lớn từ thời điểm đó. Năm 2015, những chuyến hàng nông sản đầu tiên của gia đình tôi đã đến với thị trường Đài Loan, Malaysia, mở ra một chương mới trong chiến lược kinh doanh", anh Hoàn chia sẻ.

    Năm 2019, Hợp tác xã Hoàng Nam Phát thành lập do anh Hoàn làm giám đốc. Bố mẹ anh lúc này đã lui về "hậu trường" nhưng luôn tin tưởng vào khả năng điều hành của con trai. Từ năm 2020, dịch Covid-19 bắt đầu gây ra những ảnh hưởng xấu nhưng anh Hoàn vẫn chèo lái duy trì hợp tác xã hoạt động ổn định, mỗi ngày xuất xưởng bình quân 300 tấn hàng. Từ sau khi cuộc sống trở lại bình thường đến nay, sản lượng liên tục tăng.

    Tâm huyết

    lam giau hai duong 1
    Cùng với nông dân nhiều tỉnh, thành phố, anh Hoàn đã xây dựng được các vùng sản xuất nông sản an toàn, chất lượng, bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng và đáp ứng nhu cầu xuất khẩu

    Cuộc trò chuyện giữa chúng tôi thỉnh thoảng lại bị gián đoạn vì điện thoại của anh Hoàn cứ chốc lại đổ chuông. Anh phân trần: "Một số cuộc gọi đến từ các chủ cánh đồng mẫu lớn ở tỉnh ngoài mà tôi chưa từng gặp. Họ mong muốn được liên kết với hợp tác xã để có đầu ra ổn định, bền vững".

    Anh Hoàn cho biết hiện hợp tác xã đã xây dựng chuỗi liên kết, ký hợp đồng trồng, bao tiêu rau màu, cây ăn quả với một số đơn vị hợp tác xã và khoảng 140 hộ dân ở nhiều tỉnh, thành phố như: Hải Dương, Thái Bình, Hưng Yên, Nam Định, Bắc Ninh, Sơn La, Điện Biên và Hải Phòng. Tất cả những đơn vị, hộ dân này đều đang có cánh đồng rộng từ 1-100 ha/hộ.

    Nguyên tắc mà anh Hoàn đặt ra cho các đối tác là phải cam kết thực hiện nghiêm việc làm đất, sử dụng giống, trồng, chăm sóc các loại rau màu, cây ăn quả theo đúng quy trình VietGAP, GlobalGAP đã được hợp tác xã tập huấn, hướng dẫn. Đổi lại, hợp tác xã thu mua đúng giá đã ký kết với các hộ từ đầu vụ, bảo đảm nếu xảy ra tình trạng "cung vượt cầu" thì nông dân vẫn có lãi.

    Mở rộng, thực hiện nghiêm túc việc liên kết trong phát triển vùng nguyên liệu giúp Hợp tác xã Hoàng Nam Phát làm chủ "cuộc chơi" vì luôn bảo đảm lượng hàng hóa phục vụ thị trường liên tục, không chịu phụ thuộc bởi yếu tố mùa vụ tại một địa phương nhất định. Việc này còn tạo công việc, thu nhập ổn định, giúp nông dân tự tin, làm ra sản phẩm hàng hóa bằng cái tâm vì cộng đồng mà không còn lo tình trạng "được mùa mất giá".

    lam giau hai duong 1
    Nông sản do Hợp tác xã Hoàng Nam Phát sản xuất, cung ứng ra thị trường luôn bảo đảm các tiêu chí về mẫu mã, chất lượng, an toàn

    Điều quan trọng nữa là nông sản tạo ra luôn đạt được các tiêu chí mẫu mã đẹp, chất lượng, an toàn đối với sức khỏe người tiêu dùng, phù hợp với chiến lược xuất khẩu của hợp tác xã, rộng hơn là góp phần thực hiện chủ trương xây dựng nông nghiệp xanh, bền vững, đa tầng, đa giá trị.

    Anh Hoàn cho rằng sản xuất, kinh doanh nông sản cũng là một "cuộc chơi" khắc nghiệt, tiềm ẩn đầy rủi ro. Không ít doanh nghiệp trong lĩnh vực này đã phá sản. Hợp tác xã Hoàng Nam Phát làm ăn được như hôm nay cũng đã phải trải qua rất nhiều khó khăn. Tuy nhiên, bằng tâm huyết, uy tín, cam kết trách nhiệm với chính nông dân và người tiêu dùng đã giúp đơn vị hoạt động hiệu quả, bền vững.

    "Các đối tác khách hàng của hợp tác xã từ các nước nhiều lần trực tiếp sang thăm vùng nguyên liệu, khu chế xuất của hợp tác xã. Họ rất hài lòng, tin tưởng và mong muốn tiếp tục mở rộng hợp tác", anh Hoàn cho hay.

    Được sự hỗ trợ tích cực của tỉnh, Hợp tác xã Hoàng Nam Phát hiện đã có 8 sản phẩm được gắn sao OCOP như cải bắp, cà rốt, dưa hấu, chuối... Những mặt hàng này đã và đang bán ra thị trường nhiều nước, góp phần nâng cao giá trị, hình ảnh nông sản của Việt Nam.

    lam giau hai duong 1
    Hợp tác xã Hoàng Nam Phát hoạt động ổn định, hiệu quả, tạo việc làm thường xuyên cho hàng trăm lao động với thu nhập từ 8-20 triệu đồng/người/tháng

    Dự kiến hợp tác xã sẽ sớm xây dựng thêm một khu chế xuất rộng khoảng 20.000 m2 và mở rộng liên kết ra các tỉnh. Điều này cũng phù hợp với thực tiễn khi sản lượng hiện tại của hợp tác xã mới đang đáp ứng được khoảng 60% nhu cầu của các đối tác nước ngoài.

    Hải Dương đã triển khai kế hoạch và đề ra mục tiêu đưa trồng trọt trở thành ngành kinh tế kỹ thuật hiện đại vào năm 2050. Tập trung phát triển sản xuất an toàn theo chuỗi giá trị, định hướng thị trường trên cơ sở liên kết chặt chẽ giữa các đối tác, lấy doanh nghiệp làm trung tâm. Mô hình hoạt động của Hợp tác xã Hoàng Nam Phát cần được khuyến khích, tạo điều kiện nhân rộng.

    Theo Baohaiduong

  • Ca sĩ người Mỹ gốc Việt Sangeeta Kaur - tên thật là Mai Xuân Loan - và đạo diễn Bảo Nguyễn có tác phẩm nhận đề cử giải Grammy 2025.

    Trong danh sách của Viện hàn lâm Khoa học và Nghệ thuật Thu âm Mỹ hôm 8/11, Sangeeta Kaur được đề cử hạng mục Tuyển tập nhạc cổ điển hay nhất (Best Classical Compendium Album) với tác phẩm Mythologies II.

    nguoi viet grammy 1
    Bìa album "Mythologies II". Ảnh: Nhân vật cung cấp

    Album do nhà soạn nhạc Danea Xantha Vlasse sáng tác, dựa trên thần thoại Hy Lạp. Các ca sĩ trình diễn gồm giọng nữ cao (soprano) Sangeeta Kaur, Hila Plitmann, giọng nam cao (tenor) Omar Najmi và nghệ sĩ dương cầm Robert Thies.

    Dự án thực hiện tại Abbey Road Studio ở London, Anh, cùng dàn giao hưởng Royal Philharmonic Orchestra - do nghệ sĩ Michael Shapiro dẫn dắt. Sau đó, tác phẩm được hòa âm phối khí tại phòng thu của Sangeeta Kaur ở Austin, Texas, Mỹ.

    nguoi viet grammy 1
    Ca sĩ Sangeeta Kaur. Ảnh: Nhân vật cung cấp

    Tại Grammy 2022, Sangeeta Kaur cùng Hilla Plitmann - giọng ca người Isarel - được vinh danh ở hạng mục Album giọng ca độc tấu cổ điển xuất sắc, cho Mythologies. Cả hai vượt qua nhiều tên tuổi trong giới nhạc cổ điển như Will Liverman, Joyce DiDonato, Jamie Barton và Laura Strickling.

    Sangeeta Kaur, 44 tuổi, tên thật là Mai Xuân Loan, có cha mẹ là người Việt Nam, sinh ra và lớn lên tại Mỹ. Cô tốt nghiệp ngành Trình diễn Opera tại Nhạc viện Bob Cole thuộc Đại học bang California và có bằng thạc sĩ tại Nhạc viện Boston ở Berklee (Mỹ). Ca sĩ từng phát hành album Niguma, Ascension, Mirrors, CompassionIlluminance.

    Cô chịu ảnh hưởng từ triết học Ấn Độ, chủ yếu theo đuổi dòng nhạc Opera và thiền. Từ năm 2009, cô lấy nghệ danh Sangeeta Kaur theo tiếng Ấn Độ, nghĩa là "Công chúa của âm nhạc và sự hài hòa". Trên trang Sangeeta Kaur Music, ca sĩ nói: "Sứ mệnh của cuộc đời tôi là sáng tạo và chia sẻ âm nhạc, mang lại niềm vui và năng lượng tích cực cho người nghe".

    Bên cạnh Sangeeta Kaur, dự án tài liệu The Greatest Night in Popcủa đạo diễn Bảo Nguyễn được đề cử hạng mục Phim âm nhạc xuất sắc. Với những cảnh quay chưa từng công bố, tác phẩm đi từ giai đoạn hình thành ý tưởng, quá trình sáng tác bài We Are the Worldcủa Lionel Richie và Michael Jackson, đến khi êkíp phát hành nhạc phẩm vào tháng 3/1985. Điểm nhấn là khoảnh khắc hàng chục tên tuổi lớn trong làng nhạc hội tụ ở một phòng thu tại Los Angeles, Mỹ, thu âm ca khúc nhằm cứu trợ nạn đói ở châu Phi.

    Trailer "The Greatest Night in Pop", công chiếu trên Netflix ngày 29/1. Video: Netflix

    Trước đó, The Greatest Night in Pop nhận ba đề cử Emmy 2024 gồm Phim tài liệu xuất sắc,Đạo diễn xuất sắc cho phim tài liệu và Biên tập âm thanh xuất sắc cho phim phi hư cấu (nonfiction). Phim được giới phê bình đánh giá tích cực, đạt 98% điểm "tươi" trên Rotten Tomatoes.

    Cây bút Brian Tallerico của trang RogerEbertviết: "Phim tài liệu về âm nhạc có thể hết thời, nhưng The Greatest Night in Popghi dấu ấn nhờ khám phá giai đoạn lịch sử trong làng nhạc". Tờ Chicago Sun-Timesnhận xét: "Thật thú vị khi được nghe lại giọng hát ngọt ngào của Dionne Warwick hòa quyện với Willie Nelson".

    Bảo Nguyễn nói ý tưởng làm phim ra đời giữa Covid-19, khi mọi người trên thế giới phải chịu đựng nhiều mất mát. Hoàn cảnh khiến nhà làm phim nghĩ đến We Are the World, ca khúc được nhiều khán giả tìm nghe khi thế giới đối diện nhiều khủng hoảng về thiên tai, bệnh dịch, phân biệt chủng tộc. "Bài hát ảnh hưởng đến mức gần 40 năm sau, mọi người trên thế giới vẫn hát nó", đạo diễn cho biết.

    Bảo Nguyễn tốt nghiệp cử nhân ngành Quan hệ quốc tế tại Đại học New York và thạc sĩ nghệ thuật chuyên ngành Phim tài liệu tại The School of Visual Arts, New York. Ở các mùa Liên hoan phim Tribeca (Mỹ), phim tài liệu Once in a Lullaby- Bảo Nguyễn sản xuất - được công chiếu năm 2012, Live from New York!do anh đạo diễn được chọn chiếu mở màn ba năm sau đó. Trước The Greatest Night in Pop, dự án về Lý Tiểu Long - Be Water(2020) - nhận đề cử hạng mục Thành tựu nghiên cứu: Phim tài liệu tại Emmy 2021.

    nguoi viet grammy 1
    Đạo diễn Bảo Nguyễn. Ảnh: Nhân vật cung cấp

    Lễ trao giải Grammy lần thứ 67 diễn ra vào ngày 2/2/2025 (giờ địa phương) tại nhà thi đấu Cryto.com ở Los Angeles (Mỹ), dự kiến kéo dài ba tiếng rưỡi. Hội đồng chuyên môn sẽ bỏ phiếu chọn người chiến thắng từ ngày 12/12 đến ngày 3/1/2025. Ca sĩ Beyoncé dẫn đầu đề cử năm nay với 11 hạng mục, giữ kỷ lục nghệ sĩ nhận nhiều đề cử nhất với 99 lần. Sau Beyoncé, các ca sĩ Charli XCX, Billie Eilish, Kendrick Lamar và Post Malone cùng nhận bảy đề cử. Sabrina Carpenter, Chappell Roan và Taylor Swift xếp sau với sáu hạng mục.

    Theo VnExpress

  • TS Đỗ Thanh Nhỏ cùng cộng sự Đại học New South Wales, Australia thiết kế trái tim nhân tạo tâm thất trái, có khả năng mô phỏng chuyển động, áp suất máu và dòng chảy như trái tim thật.

    Trái tim này có thể tái tạo lại các thông số của tim bình thường và bệnh nhân bị bệnh tim (như suy tim). Kết quả nghiên cứu được công bố trên tạp chí Science Robotics, tạp chí đầu ngành thế giới về lĩnh vực robot. Nhóm nghiên cứu cũng nộp bằng sáng chế cho công nghệ này.

    Công nghệ tim nhân tạo hướng tới hỗ trợ bác sĩ trong chẩn đoán, điều trị cho bệnh nhân cần cấy ghép van tim, người cần dùng bơm tim nhân tạo trong khi chờ tim hiến tặng hoặc sau phẫu thuật tim.

    trai tim nhan tao 1
    Trái tim nhân tạo tâm thất trái từ phòng thí nghiệm Robot y tế do TS Đỗ Thanh Nhỏ dẫn đầu, nghiên cứu chế tạo. Ảnh: Nhóm nghiên cứu

    TS Đỗ Thanh Nhỏ, 39 tuổi, Giám đốc Phòng thí nghiệm Robot Y tế, chủ nhiệm dự án, có ý tưởng từ năm 2021 khi anh làm việc tại một số bệnh viện ở Sydney. Khi đó các bác sĩ tim lâm sàng rất trăn trở vì nhiều bệnh nhân sử dụng van tim và bơm tim nhân tạo xuất hiện biến chứng sau cấy ghép. Họ mong muốn có một trái tim nhân tạo giống tim bệnh nhân cho phép thử cấy ghép và kiểm tra nếu có các biến chứng hay các thông số nguy hiểm trước khi thực hiện trên bệnh nhân. Đây là lý do TS Nhỏ bắt tay vào nghiên cứu trái tim nhân tạo sử dụng chính công nghệ robot mềm mà phòng thí nghiệm của anh tiên phong.

    Nhóm nghiên cứu bắt đầu quá trình tạo ra một trái tim nhân tạo tâm thất trái bằng cách tập trung tái tạo cấu trúc cơ tim. Trước tiên, một trái tim người thật được chụp cắt lớp, sử dụng phần mềm 3D trên máy tính để xác định các góc sắp xếp của các sợi cơ ở lớp trong, lớp giữa và lớp ngoài cùng. Tiếp theo, nhóm sử dụng các sợi cơ nhân tạo đã phát triển trước đó và sắp xếp các sợi cơ này chính xác theo hình dạng và góc của các sợi cơ của tim thật. Việc lựa chọn loại cơ nhân tạo và cấu trúc nhiều lớp cho phép tạo ra một mạng lưới cơ tim dày đặc gần giống với trái tim tự nhiên nhất.

    Anh giải thích, tâm thất trái là buồng bơm chính và phức tạp nhất của tim. Bộ phận này hoạt động theo cách đặc biệt nhờ hệ thống liên tục các sợi cơ tim sắp xếp với nhiều lớp chồng chất lên nhau và với các góc khác nhau. Nếu có thể tái tạo hoạt động tâm thất trái, việc tạo ra tâm thất phải và các tâm nhĩ còn lại sẽ rất dễ dàng.

    trai tim nhan tao 1
    Tâm thất trái của trái tim với 3 lớp cơ tim, mô phỏng theo tim thật con người. Ảnh: Nhóm nghiên cứu

    Theo nhóm nghiên cứu, hai cơ chế quan trọng nhất của một trái tim nhân tạo là khả năng tái tạo các thông số liên quan đến đặc tính cơ học, lực tác động đến cấu trúc và chức năng của tim (biomechanics), các thông số liên quan đến động lực học của dòng chảy, huyết áp trong tim, mạch máu (hemodynamics).

    Ban đầu họ gặp khó khăn trong việc tái tạo nhiều lớp cơ tim chồng chất lên nhau và sắp xếp chúng, gia công và điều khiển để tái tạo chính xác giống tim người. Sau nhiều lần thất bại, nhóm đã thành công thiết kế và tạo một tâm thất trái của trái tim với 3 lớp cơ tim bao gồm ngoại tâm mạc (epicardium), cơ tim (myocardium) và nội tâm mạc (endocardium). Nhờ có cấu trúc gần giống với tim thật nhất, nhóm đã tạo ra các chuyển động sinh học ba chiều, độ co bóp, áp suất máu và dòng chảy giống tim người nhất.

    "Đến nay thế giới chưa có một trái tim nhân tạo nào có khả năng tái tạo những thông số như vậy giống như tim người. Hiện nay mới chỉ có một nhóm nghiên cứu ở Viện Công nghệ Massachusetts (MIT) của Mỹ cũng phát triển công nghệ tim nhân tạo, song chưa thể thành công tái tạo lại các thông số của tim người", TS Nhỏ nói.

    PGS.TS Phan Hoàng Phương, Trường Kỹ thuật Cơ khí và Chế tạo, Đại học New South Wales cho biết: "Đây là trái tim robot mềm đầu tiên trên thế giới có khả năng tái tạo cơ sinh học cơ tim và huyết động học của tim người".

    Nhóm nghiên cứu đang mở rộng công trình và bắt đầu tích hợp thêm các cơ quan bên trong tim như các van tim, động mạch chủ, các tâm thất, cơ nhú. Để thử nghiệm tính khả thi, nhóm đã sử dụng trái tim mới để đánh giá các hệ thống máy bơm tim cho người bị suy tim và các cơ cấu mổ ống thông mềm (catheters). Mục đích hỗ trợ việc mổ tim nội soi ít xâm lấn dùng để sửa chữa van tim hay các thủ thuật khác liên quan đến tim mạch. Kết quả, trái tim nhân tạo còn dự đoán trước những biến chứng xảy ra với một máy bơm tim hỗ trợ tâm thất trái (LVAD) và máy bơm tim bóng đối xung trong động mạch chủ (IABP). Đây là những thiết bị hỗ trợ tim mạch được sử dụng để tăng cường lưu lượng máu và giảm gánh nặng cho tim trong các trường hợp suy tim hoặc sau phẫu thuật tim.

    GS Nigel Lovell, trưởng khoa Trường Cao học Kỹ thuật Y sinh, Giám đốc Viện Công nghệ sức khỏe Tyree IHealthE cho hay, tính hữu ích của công trình này là khả năng tái tạo chính xác chuyển động, áp suất máu và dòng chảy của máu của người bình thường và người bị bệnh tim. Khả năng này cung cấp thông tin có ý nghĩa lâm sàng cho những người đang phát triển các thiết bị y tế mới và các thủ thuật phẫu thuật ở giai đoạn đầu. Nhờ vậy họ giảm phụ thuộc vào thử nghiệm trên động vật, các chi phí tài chính và đạo đức liên quan.

    Thiết bị có thể dùng như công cụ hỗ trợ các bác sĩ lâm sàng đánh giá tác động dự đoán của các can thiệp tim mạch, chẳng hạn như cấy ghép van hoặc máy bơm tim trước khi bệnh nhân trải qua phẫu thuật. Các bác sĩ cũng có thể dùng để nghiên cứu các cơ chế đằng sau một số bệnh tim mạch và cách điều trị. "Đây sẽ là một cuộc cách mạng trong ngành tim mạch", GS Nigel Lovell nhấn mạnh.

    trai tim nhan tao 1
    TS Đỗ Thanh Nhỏ. Ảnh: NVCC

    TS Đỗ Thanh Nhỏ sinh ra tại xã Hiệp Thạnh, huyện Gò Dầu, tỉnh Tây Ninh, trong gia đình làm nông. Anh là cựu học sinh của trường THPT Quang Trung, Gò Dầu. Năm 2004, anh theo học tại Khoa Cơ khí thuộc Đại học Bách Khoa TP HCM và được chọn vào lớp Kỹ sư tài năng, chuyên ngành Kỹ thuật chế tạo. Năm 2011, anh nhận học bổng toàn phần cho chương trình tiến sĩ, chuyên ngành robot mổ tại trường Kỹ thuật Cơ khí và Hàng không, thuộc ĐH Công nghệ Nanyang, Singapore. TS Nhỏ làm nghiên cứu sinh sau tiến sĩ tại ĐH California, Santa Barbara (UCSB), Mỹ. Anh gia nhập Đại học New South Wales (UNSW Sydney), Australia với vai trò giảng viên cao cấp (Scientia) và thành lập phòng thí nghiệm Robot y tế.

    Hướng nghiên cứu chính của anh chuyên về robot mổ nội soi ít xâm lấn cho tim mạch và ung thư đường tiêu hóa, in 3D sinh học, robot mềm, cơ nhân tạo, vải thông minh, thiết bị trợ tim, thiết bị nâng cao khả năng của con người và phục hồi chức năng cho người tàn tật, và các thiết bị tái tạo cảm xúc. Hiện anh sở hữu hơn 10 bằng phát minh sáng chế quốc tế.

    Theo VnExpress

  • hoa si le trang 2

    Họa sĩ Lê Trang thu hút sự chú ý khi trở thành nữ họa sĩ đương đại duy nhất của Việt Nam tham gia triển lãm quốc tế do Bảo tàng Nghệ thuật Saatchi Gallery (London, Anh) tổ chức từ 17-19/9.

    Chia sẻ với phóng viên Dân trí, họa sĩ Lê Trang cho biết 2 bức tranh trưng bày ở triển lãm này là Dreamy lady và The garden of love.

    Bức sơn dầu Dreamy lady phác họa cảnh thiếu nữ mặc áo dài tím ngồi bên bàn cùng cuốn sách, để tâm trí trôi vào thế giới bên trong, tìm kiếm mảnh ghép của giấc mơ và đam mê.

    Tác phẩm được Lê Trang vẽ trong 2 năm, bao gồm công đoạn phác thảo chì, lên toan, lên màu, chỉnh sửa.

    hoa si le trang 2
    Họa sĩ Lê Trang và ông xã tại Bảo tàng Nghệ thuật Saatchi Gallery (Ảnh: Nhân vật cung cấp).

    "Khi vẽ bức tranh này, ban đầu tôi tưởng đã hoàn thành rồi, nhưng sau thời gian ngắm nghía thì tôi muốn chỉnh lại trên toan. Đó là lý do bức tranh này có 6 lớp sơn, nhiều hơn những bức khác là vì vậy. Đến 3 tháng trước, tôi tiếp tục đặt cọ lần thứ 3 để chỉnh lại bức vẽ cho đến khi thỏa mãn và tự tin.

    Tranh sơn dầu thích ở điểm đó, mình có thể tự do hoàn thành bức vẽ bất cứ lúc nào. Tôi gọi đó là "khung toan vô hạn", để họa sĩ có thể trở lại với câu chuyện, tiếp nối, tái bản, chỉnh sửa như viết một cuốn sách", họa sĩ Lê Trang bày tỏ.

    hoa si le trang 2
    Bức tranh "Dreamy lady" (Ảnh: Nhân vật cung cấp).

    Bức tranh thứ 2 của Lê Trang tại triển lãm là The garden of love, hoàn thành trong năm nay. Bức vẽ có chủ đề cuộc sống đời thường, là đề tài yêu thích của nữ họa sĩ sinh năm 1987.

    Tác phẩm ghi lại khoảnh khắc êm đềm của mẹ và con gái, trong khu vườn ngập tràn hương sắc. Trong đó, hình ảnh người mẹ là tổng hòa của sự duyên dáng, thanh lịch, yêu thương và có sức mạnh làm chủ hoàn cảnh, làm chủ cuộc sống.

    hoa si le trang 2
    Lê Trang hoàn thành bức vẽ "The garden of love" (Ảnh: Nhân vật cung cấp).

    Nữ họa sĩ 8X cho biết cô hạnh phúc, vinh dự khi được chọn trưng bày tranh tại Bảo tàng Nghệ thuật Saatchi Gallery.

    "Tôi chưa có sự chuẩn bị từ trước, cũng không có ý định triển lãm tranh ở đâu vì chỉ muốn tập trung cho sở thích hội họa. Sự ủng hộ của người thân, bạn bè là niềm khích lệ để tôi tiếp tục đam mê này.

    Tôi vốn là dân tay ngang lấn sân hội họa, không qua đào tạo trường lớp mỹ thuật. Tranh của tôi chỉ chia sẻ cho những người yêu hội họa cùng thưởng thức. Qua đó, tôi muốn truyền đi thông điệp rằng mỗi người phụ nữ dù trong bất kỳ lĩnh vực nào, độ tuổi nào, xuất thân nào, nếu bạn có đam mê, hãy mạo hiểm hiện thực hóa ước mơ", cô nói.

    Theo Lê Trang, cô vẽ khi tâm trạng vui vẻ, hạnh phúc, do đó những tác phẩm sẽ mang thông điệp tích cực. Cô cũng cho rằng đối với một họa sĩ, khả năng buông bỏ và chấp nhận những điều mình chưa biết là vô cùng quan trọng. Khi gạt qua nỗi sợ, họa sĩ sẽ dùng cây cọ thử nghiệm, khám phá những miền đất mới, những sắc thái mới.

    "Người họa sĩ vẽ vì niềm vui thuần túy của việc vẽ, vì câu chuyện đang diễn ra trên bức tranh, thay vì tuân theo những chuẩn mực của cộng đồng về cái đẹp, hay cái chấp nhận được.

    Khi một nghệ sĩ được sáng tạo trong tự do, tác phẩm của họ vượt qua kỹ năng, kỹ thuật và trở thành sự phản ánh thế giới nội tâm, một biểu cảm chân thật, nguyên sơ về suy nghĩ, cảm xúc và trải nghiệm của họ", Lê Trang bày tỏ.

    hoa si le trang 2
    Tổ ấm hạnh phúc của Lê Trang (Ảnh: Nhân vật cung cấp).

    Sau triển lãm tại London, họa sĩ Lê Trang sẽ giới thiệu bộ sưu tập Home tại triển lãm Let us hear her voice diễn ra từ ngày 5-9/10 tại Bảo tàng Isolart Gallery, Florence, Italia. Ngoài ra, cô cũng sẽ tổ chức triển lãm cá nhân ở TPHCM vào tháng 10 tới.

    Theo Dân Trí

  • Chàng trai Hải Phòng Nguyễn Hữu Giáp vừa trúng tuyển vị trí tiếp viên hàng không của Cathay Pacific - hãng hàng không được xếp thứ 5 trong danh sách "tốt nhất thế giới năm 2024".

    Khi trả lời phỏng vấn của PV VietNamNet, Nguyễn Hữu Giáp (SN 1992, quê ở Hải Phòng) vừa tới Hong Kong (Trung Quốc) tròn một tuần. Anh đang trong giai đoạn đào tạo tiếp viên hàng không mới của Cathay Pacific.

    Giáp xem đây là một "hành trình phiêu lưu". Chàng trai Hải Phòng, từng là tiếp viên trưởng ở một hãng hàng không Việt Nam, chấp nhận làm nhân sự mới, bắt đầu cuộc sống ở một quốc gia mới.

    Cậu bé chăn vịt có "ước mơ viển vông"

    "Năm 19 - 20 tuổi, khi tôi nói về ước mơ trở thành tiếp viên hàng không, những người xung quanh đều lắc đầu, ngăn cản. Với hoàn cảnh khó khăn của gia đình tôi khi ấy, không ai dám tin tôi có thể chạm tay vào ước mơ", 9X tâm sự.

    Anh sinh ra trong một gia đình thuần nông tại Tiên Lãng, Hải Phòng. Từ nhỏ, Giáp đã theo bố mẹ ra đồng lùa vịt. Lên cấp 3, Giáp giúp bố mẹ chăn một đàn vịt lớn. Đêm xuống, Giáp ngủ ngoài lều giữa đồng trông vịt, sáng vội vàng đạp xe 7km đến trường.

    Thỉnh thoảng, ngồi giữa cánh đồng, ngước lên bầu trời rộng lớn, Giáp vô tình thấy những chiếc máy bay ngang qua. Lúc ấy, ước mơ của anh đơn giản là được một lần đi máy bay.

    "Hết cấp 3, do hoàn cảnh gia đình, tôi theo học ngành công nghệ thông tin hệ đào tạo đại học từ xa. Lúc này, tôi biết tới ngành tiếp viên hàng không nhưng nghĩ về khoản tài chính 'khổng lồ' để theo đuổi nghề, ước mơ đành gác lại", Giáp nói. 

    tiep vien cathay pacific 1
    Anh Giáp (ngoài cùng bên trái) từng không dám theo đuổi nghề tiếp viên hàng không vì điều kiện gia đình khó khăn

    Năm 2010, Giáp vừa đi học vừa đi làm ở Hải Phòng. Năm thứ nhất đại học, anh đọc được thông tin một khách sạn 4 sao tuyển nhân viên đóng, mở cửa và hỗ trợ hành lý cho khách (Bellman). Anh mang hồ sơ tới ứng tuyển.

    Tuy nhiên, Giáp bị từ chối do tiếng Anh quá kém. "Sau đó, do khách sạn thiếu người nên tôi may mắn được tuyển dụng vị trí đứng cửa. Làm ở khách sạn, nhìn các anh chị nhân viên giao tiếp tiếng Anh thành thạo, tôi ngưỡng mộ lắm", Giáp kể.

    Không có tiền tham gia các khóa học ngoại ngữ, anh mua từ điển để tự học. Trong căn phòng trọ chật chội, Giáp treo một tờ giấy khổ A0, sử dụng như tấm bảng để ghi ngữ pháp, từ mới.

    "Mỗi ngày tôi học một chút. Tôi cố gắng lắng nghe các anh chị tại khách sạn trao đổi với khách hàng. Về nhà, tôi nghĩ về tình huống đó rồi học cách áp dụng", anh kể.

    Hai tháng sau, khách sạn tuyển nhân viên lễ tân. Giáp "đánh liều" ứng tuyển. Do tiếng Anh không đủ đáp ứng tiêu chí, Giáp lại bị đánh trượt. Tuy nhiên, người quản lý bộ phận lễ tân nhận thấy sự cầu tiến, chăm chỉ của Giáp nên xin cho Giáp một cơ hội và nhận trách nhiệm đào tạo anh.

    "Tôi thực sự biết ơn anh quản lý bộ phận khi ấy. Mỗi ngày anh đều hướng dẫn công việc, chỉ dạy cho tôi. Thậm chí ngày cuối tuần, đáng ra được nghỉ, anh vẫn cần mẫn đồng hành. Có anh là thầy giáo, tôi tiến bộ nhanh thấy rõ", Giáp kể lại.

    Khoảng 1 năm sau, chàng sinh viên đã được tuyển dụng làm quản lý lễ tân khách sạn, khu căn hộ ở một số đơn vị khác. "Những năm 2012, 2013, vừa đi học vừa đi làm, tôi vẫn có mức lương 7,5 triệu đồng. Số tiền đó với tôi rất lớn, không chỉ giúp chi trả tiền học, chi tiêu mà còn gửi về phụ giúp bố mẹ", Giáp nói.

    Năm cuối đại học, một hãng du thuyền liên kết với trường đại học của Giáp tuyển dụng nhân viên. Được thầy cô động viên, Giáp tham gia thi tuyển. Anh là một trong số ít sinh viên được tuyển dụng với mức lương gần 1.000 USD (khoảng 18 triệu đồng vào lúc đó).

    "Cuộc sống trên du thuyền như một xã hội thu nhỏ, cho tôi gặp gỡ rất nhiều vị khách, ở các tầng lớp, địa vị khác nhau. Tôi được đặt chân tới Hong Kong (Trung Quốc). Tôi bị thu hút bởi sự hiện đại, nhộn nhịp của nơi này. Đó là một trong những lí do khiến 10 năm sau, tôi quyết định thi vào hãng hàng không của Hong Kong".

    6 tháng thi trượt 4 lần

    Giáp gắn bó với công việc trên du thuyền suốt 4 năm. Công việc này mang tới cho anh nguồn thu nhập tốt, có thể đầu tư cho bản thân và chăm sóc gia đình. Dẫu vậy, ước mơ trở thành tiếp viên hàng không vẫn âm ỉ trong chàng trai.

    "Năm 2017, khi có tin 2 hãng hàng không lớn ở Việt Nam tuyển tiếp viên, các đồng nghiệp trên du thuyền động viên tôi thử sức. Họ nói, nếu có thất bại thì trở lại làm nhân viên du thuyền. Nếu tôi không làm gì cả thì chắc chắn tôi đã thất bại", anh kể.

    Giáp mang những kinh nghiệm và đam mê của bản thân bước vào kỳ thi tuyển "khắc nghiệt". Anh không ngờ, trong 6 tháng, anh thi 4 lần và trượt cả 4.

    "Tôi thi ở Hà Nội trượt, lại đặt vé máy bay vào TPHCM thi tiếp. Thi ở TPHCM trượt, tôi lại đặt vé ra Hà Nội thi. Tôi đã dành rất nhiều tiền tiết kiệm trong 4 năm làm việc để bay đi bay lại, tham gia thi tuyển lần này tới lần khác, nhưng không thành công.

    Thực sự lúc ấy, tôi đã có ý định từ bỏ", Giáp thừa nhận.

    Sau đó, anh vô tình tìm hiểu và biết tới một giáo viên chuyên đào tạo kỹ năng hàng không tại Hà Nội. Giáp muốn thử thêm một lần. Anh liên lạc với cô giáo, chia sẻ về bản thân và ước mơ. Được cô giáo đồng ý, Giáp lên Hà Nội thuê nhà và bắt đầu khóa đào tạo trong 2 tuần.

    "Tôi được cô giáo giảng dạy kỹ về cách thức thi tuyển, tâm lý trong kỳ thi. Sau khóa học, tôi thi đỗ tiếp viên hàng không của hai hãng. Đồng nghiệp của tôi ở du thuyền đều vui, chúc mừng. Bố mẹ tôi rất đỗi tự hào".

    Đạt được công việc ước mơ bấy lâu, Giáp không ngừng nỗ lực. Anh làm việc chăm chỉ và kĩ càng.

    Chàng tiếp viên tâm niệm: Luôn phải làm hài lòng mọi vị khách.

    "Trên mỗi chuyến bay, tôi gặp hàng trăm vị khách, mỗi người có độ tuổi, điều kiện, tính cách khác nhau. Tôi luôn làm hết sức, tận tâm với bất cứ ai. Càng là những cô chú cao tuổi, lần đầu đi máy bay có nhiều bỡ ngỡ, tôi càng cố gắng hỗ trợ.

    Tôi luôn hình dung bóng dáng của bố mẹ mình trong những vị khách ấy", Giáp chia sẻ.

    tiep vien cathay pacific 1

    tiep vien cathay pacific 1

    tiep vien cathay pacific 1
    Anh Giáp luôn tận tâm với khách hàng.

    Chàng trai luôn muốn thử thách bản thân

    Sau khoảng 1 năm, Giáp trở thành tiếp viên trưởng. Hai năm sau đó, anh thi tuyển và trở thành chuyên viên giám sát hình ảnh của đoàn tiếp viên, rồi lần lượt được đảm nhận vị trí giáo viên kiểm tra bay, giảng viên dịch vụ khách hàng.

    Có vị trí công việc tốt, thu nhập ổn định, môi trường làm việc tuyệt vời nhưng ở tuổi 32, Giáp vẫn muốn thử thách bản thân để tìm thấy "phiên bản tốt hơn".

    Đầu năm 2024, biết tin hãng hàng không của Hong Kong tuyển dụng, Giáp một lần nữa tham gia ứng tuyển. Đây là lần đầu tiên hãng hàng không 5 sao tổ chức đợt tuyển tại Việt Nam.

    Anh cũng như các thí sinh đều chưa rõ hình thức phỏng vấn của hãng ra sao, diễn ra như thế nào. Giáp một lần nữa được giáo viên hàng không trước đây hỗ trợ góp ý, cộng thêm kinh nghiệm bản thân để vượt qua các vòng thi.

    "Tôi rất ấn tượng với ban giám khảo của hãng hàng không này. Họ thân thiện, gần gũi. Với nhóm thí sinh không may mắn trúng tuyển, các ban giám khảo cũng động viên rất chân thành", anh Giáp cho biết.

    tiep vien cathay pacific 1
    Anh Giáp đang được tham gia các buổi đào tạo kỹ năng tại hãng hàng không của Hong Kong

    Cuối tháng 4, ngay sau bài thi phỏng vấn, anh Giáp được thông báo trúng tuyển. Sau thời gian suy nghĩ, anh quyết định xin nghỉ công việc nhiều người mơ ước, làm thủ tục để sang Hong Kong.

    "Hiện giờ tôi cũng như 7 năm trước, được tham gia các buổi đào tạo kỹ năng từ điều cơ bản nhất. Nhưng tôi không hề thấy nhàm chán. Mọi thứ luôn mới mẻ, thú vị.

    Tôi cũng tập thích nghi với cuộc sống ở Hong Kong, từ cách đi phương tiện công cộng, làm quen đồ ăn... Bố mẹ luôn ủng hộ tôi thực hiện ước mơ và tự hào về sự cố gắng của tôi. Đó là động lực khiến tôi muốn hoàn thiện hơn nữa", chàng trai chia sẻ.

    tiep vien cathay pacific 1

    tiep vien cathay pacific 1

    tiep vien cathay pacific 1
    Hữu Giáp trong các chuyến khám phá Singapore, Kazakhstan, Nhật Bản.

    Theo Vietnamnet

  • Máy bay vừa cất cánh, một nam hành khách xuất hiện khó thở và gục xuống ghế ngồi. May mắn, chuyến bay có đoàn chuyên gia của Trường Đại học Y Dược nhanh chóng hỗ trợ cấp cứu bệnh nhân.

    Trao đổi với VietNamNet, Giáo sư, Tiến sĩ Lê Ngọc Thành, Hiệu trưởng Trường Đại học Y Dược (Đại học Quốc gia Hà Nội), cho biết ông và đoàn công tác vừa cấp cứu một hành khách 57 tuổi, quốc tịch Australia, cùng đi trên chuyến bay từ Hà Nội (Việt Nam) sang Paris (Pháp) bị biến chứng do uống thuốc quá liều.

    bac si viet cap cuu
    Giáo sư Lê Ngọc Thành. Ảnh Thùy Linh.

    Khi máy bay vừa cất cánh, nam hành khách có dấu hiệu khó thở. Tổ bay thông báo có người cần hỗ trợ y tế. Ngay lập tức, Giáo sư Thành và một số bác sĩ cùng đoàn công tác đã tới vị trí theo hướng dẫn của tiếp viên. Khi đó, nam hành khách này đã gục xuống, khó thở, loạn mạch. Máy bay không có phương tiện cấp cứu và chẩn đoán. Do đó, các bác sĩ cho người bệnh thở oxy và nằm yên theo dõi.

    “Chúng tôi đều lo lắng cho tính mạng hành khách, đánh giá có thể bệnh nhân gặp cơn nhồi máu cơ tim và cần được cấp cứu ngay. Khoảng 1 giờ sau khi cất cánh, máy bay gặp trục trặc và phải quay lại sân bay Nội Bài, hành khách có cơ hội được cấp cứu kịp thời. Khi hạ cánh, có người ý kiến đưa hành khách này đến Bệnh viện Nam Thăng Long gần sân bay nhất, nhưng tôi nêu ý kiến đưa tới Bệnh viện E (Hà Nội) sẽ có đủ phương tiện cấp cứu hơn”, Giáo sư Thành chia sẻ. 

    Xe cấp cứu đã đến và đưa hành khách về Bệnh viện E. Đoàn công tác của Giáo sư Thành tiếp tục chuyến bay sang Pháp lúc 4h sáng.

    Theo thông tin từ Bệnh viện E, Giáo sư Thành được biết nam hành khách không bị nhồi máu cơ tim mà do uống thuốc quá liều. Bệnh nhân đã được cấp cứu và ra viện an toàn. 

    Gần 40 năm công tác trong ngành y và đã đi nhiều chuyến bay nhưng đây là lần đầu tiên ông gặp ca bệnh cần cấp cứu khẩn cấp trên không. Tình huống hy hữu khiến các chuyên gia lo lắng vì thiếu phương tiện cấp cứu.

    "Các đơn vị đào tạo tập huấn kỹ năng sơ cấp cứu y tế cho tiếp viên hàng không cần trang bị thêm việc lựa chọn cơ sở cấp cứu ban đầu để người bệnh được điều trị hiệu quả nhất trong các tình huống khẩn cấp", vị chuyên gia này khuyến cáo thêm.

    Trước đó, vào tháng 8/2023, trong chuyến bay khởi hành từ Hà Nội tới Delhi (Ấn Độ) Phó giáo sư, bác sĩ Nguyễn Tiến Dũng, nguyên Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), cũng tham gia cấp cứu một bệnh nhân bị khó thở, tăng nhịp tim khi máy bay vừa cất cánh được 30 phút. Nhờ đó, nữ hành khách đã an toàn trong suốt chuyến bay.

    Theo Vietnamnet

  • 7 tiem nail 1

    Ngày đầu tới Mỹ khởi nghiệp chưa có tay nghề vững nhưng với nỗ lực, chăm chỉ, Dung dần nhận được sự tin tưởng của khách. Có khách chấp nhận chờ cô 5 tiếng để làm được bộ móng đúng ý.

    7 triệu đồng khởi nghiệp và "cú ngã" 300 triệu

    Rời quê nhà ở Đồng Nai lên TPHCM học đại học, từ năm thứ 3, Dung không muốn phụ thuộc gia đình mà muốn tìm một công việc làm thêm bởi bản tính vốn thích tự lập.

    7 tiem nail 1
    Chị Dung thời điểm còn là sinh viên, vừa đi học vừa tranh thủ đi làm (Ảnh: NVCC).

    Đó là thời điểm năm 2009, Dung may mắn được một người bạn chỉ cho chỗ lấy quần áo bỏ sỉ rồi đem bán lại cho các tiểu thương ở các chợ dân sinh khắp thành phố. Lúc này vốn liếng chưa có, cô xin bố mẹ 7 triệu đồng để khởi nghiệp.

    Với Dung, con số 7 triệu đồng ở thời điểm đó rất lớn, nhưng so với số vốn cần để gia nhập thị trường thì chỉ như "muối bỏ bể". Bắt đầu từ những món hàng rẻ nhất, đều đặn mỗi tuần, cô lại lấy áo thun từ các xưởng may để bỏ mối bán lại.

    Dần được tin tưởng, về sau cô gái sinh năm 1988 không phải bỏ vốn nhiều. Cứ thế cặm cụi vừa học vừa làm, mức thu nhập của Dung trung bình mỗi tháng cũng lên tới 20 triệu đồng.

    Sau khoảng một năm tích cóp được số vốn 300 triệu đồng, Dung tính toán cách làm "dài hơi". Cô không đi nhập hàng như trước mà tự đầu tư máy móc để làm xưởng may tại quê nhà thuộc xã Gia Kiệm (huyện Thống Nhất, Đồng Nai). Xưởng mở trùng với thời điểm Dung tốt nghiệp, ra trường.

    Nhà xưởng nhỏ với khoảng 7-8 công nhân, tân cử nhân đã mất trắng toàn bộ số tiền đầu tư 250 triệu chỉ trong một thời gian ngắn.

    Thấy vậy, ba cô khuyên nhủ con gái nên kiếm một công việc văn phòng với mức lương vừa đủ cho nhàn thân. Cô cũng được một vài công ty chấp nhận trả lương 7 triệu đồng/tháng nhưng bản thân không cam tâm.

    "Tôi từng kiếm được vài chục triệu một tháng nên nghĩ đến cảnh tự bó buộc bản thân với đồng lương ba cọc ba đồng, thực sự không hợp với tính cách", Dung nghĩ.

    Rồi cô thuyết phục mẹ cho mình cơ hội khởi nghiệp lần nữa. Thấy con gái quyết tâm, mẹ Dung cũng xiêu lòng và cấp vốn thêm lần nữa.

    "Lúc này tôi chuyển hướng sang làm mặt hàng mới là quần boxer nam (loại quần lót của nam giới, thiết kế dạng sịp đùi - PV). Sẵn nhà xưởng, tôi bỏ ra 200 triệu đồng để nhập vải về may, thuê mướn thêm nhân công. Sau đó, tôi đi khắp chợ An Đông, chợ Tân Bình, TPHCM để bỏ mối", cô nhớ lại.

    7 tiem nail 1
    Năm 2015, cô gái lập gia đình (Ảnh: NVCC).

    Thời điểm này, quần boxer vẫn khá mới mẻ trên thị trường nên tiểu thương nhập hàng còn e dè. Nhưng không ngờ chỉ sau vài tuần, loại đồ lót này tạo ra hiệu ứng, hàng gửi sạp nào cũng bán hết veo.

    Năm 2012 trong một tháng đầu, nhà xưởng của Dung bán ra 3.000 chiếc. Đến năm 2014, xưởng phải sản xuất từ 15.000 đến 20.000 chiếc mới đủ cung cấp cho các đơn hàng.

    Đây là thời điểm Dung quen chồng mình sau này, anh Tuân. Cả hai sống gần nhà, cùng trong xã nhưng gia đình Tuân đã định cư ở Mỹ. Ban đầu cả hai mới chỉ tìm hiểu, chưa dám chắc về tương lai vì khoảng cách xa xôi về địa lý.

    Tới năm 2015, cặp đôi quyết định về chung một nhà. Tháng 10/2017, Dung được chồng bảo lãnh sang Mỹ sinh sống. Mục đích ban đầu của cô gái trẻ là có thẻ xanh rồi sẽ trở về Việt Nam điều khiển nhà xưởng vì công việc vẫn suôn sẻ.

    Tuy nhiên, bản thân cô cũng không mường tượng được cuộc đời mình lại rẽ sang trang mới.

    Bước ngoặt từ nửa vòng trái đất

    Trước khi Dung sang Mỹ, một người chú họ bên nội rủ hai vợ chồng cùng chung vốn mua lại một tiệm làm móng (nail) tại thành phố Mc Donough (Mỹ) với số tiền khoảng 475.000 USD.

    Biết ngành công nghiệp nail ở Mỹ có lợi nhuận rất cao, lại thấy cửa tiệm nằm ở vị trí thuận lợi thuộc trung tâm thành phố, hai vợ chồng cô quyết định xuống tiền.

    Tuy nhiên, ngày đầu đặt chân tới đất Mỹ, Dung gặp rất nhiều chật vật. Cô thừa nhận bản thân chưa hề có nền tảng ngoại ngữ vì không bao giờ nghĩ sẽ ra nước ngoài làm việc. Ban đầu, cô không thể giao tiếp với khách hàng và nhân viên trong cửa tiệm, lại chưa có nghề trong tay nên phải loay hoay từ con số 0.

    "Cứ buổi tối đi làm về, tôi lại lên mạng tự học. Tôi xem rất nhiều video dạy cách làm móng rồi mày mò tập theo. Nghề này rất cần sự tỉ mỉ, kiên trì và khéo léo. Sau 3 tháng, tôi đã có thể học nghề cơ bản. Thời điểm đó, không nhiều thợ làm móng biết vẽ theo sở thích của khách, nên đây là lợi thế của tôi", cô nói. 

    Sau một thời gian quan sát và tìm hiểu, cô nhận thấy nếu như ở Việt Nam, khách thích vẽ hoa lá lên móng, thì thị hiếu của khách Mỹ khác hẳn. Khách đòi hỏi thợ phải có mắt nhìn, kỹ thuật sắp xếp sắc sảo, biết đắp bột mịn, phẳng, cần có kiến thức, thẩm mỹ và sự khéo léo.

    Dung bắt nhịp công việc khá nhanh. Sau vài tháng cô đã thành thạo các kỹ thuật. Vì biết vẽ thiết kế lên móng nên nhiều khách tìm tới vì muốn Dung làm trực tiếp, chi phí khi đó khoảng 150 USD (3,7 triệu đồng) mỗi bộ. Thậm chí, có những vị khách sẵn lòng chờ 5 giờ để được cô làm cho bộ móng đúng ý muốn.

    Ngày hai vợ chồng cô cùng người chú họ điều hành tiệm móng đầu tiên vào tháng 10/2017, mọi thứ rất khó khăn vì quán vắng khách, doanh thu chỉ khoảng 60.000 USD/tháng (chưa trừ các chi phí). Trong đó, chỉ riêng mức lương phải trả cho mỗi thợ khoảng 8.000 USD/tháng.

    Sau khoảng nửa năm nỗ lực phấn đấu, Dung đã đẩy doanh thu cửa tiệm lên mức 130.000 USD/tháng. Tới năm 2020, doanh thu mỗi tháng của quán lên tới 240.000 USD (chưa trừ chi phí). Khi đó, Dung quyết định giao lại tiệm cho chú để bắt tay xây dựng cơ sở mới.

    7 tiem nail 1
    Cô chủ người Việt khai trương tiệm nail thứ 2 trên đất Mỹ (Ảnh: NVCC).

    Tháng 1/2021, cửa tiệm thứ 2 mở cửa ở thành phố Locust Grove thuộc quận Georgia. Nhờ kinh nghiệm tích lũy được, Dung nhanh chóng nắm bắt mọi quy trình trước khi bắt đầu cửa tiệm mới. Cô tự tay chọn địa điểm, tích lũy đủ điểm cá nhân để có thể đứng tên một mặt bằng kinh doanh, xin giấy phép…

    Ngay tuần đầu tiên, lượng khách rất khả quan vì nhiều người quen tới ủng hộ Dung. Nhưng chỉ ít tuần sau đó, "bão" Covid-19 ập tới. Có thời điểm hầu hết nhân viên của tiệm đều bị nhiễm bệnh nhưng vẫn ráng sức đi làm để giữ chân khách.

    7 tiem nail 1
    Quang cảnh bên trong tiệm nail thứ 5 của chị Dung ở Mỹ (Ảnh cắt từ clip).

    Khi thu nhập của tiệm thứ 2 lên tới 240.000 USD/tháng vào năm 2022 với tổng số thợ 35 người, vợ chồng cô lại hùn vốn cùng cổ đông để mở tiệm thứ 3 cũng tại thành phố Mc Donough.

    Nơi tụ hội của người Việt xa xứ

    Nhìn lại chặng đường đã đi qua gần chục năm, chị Dung cho rằng bản thân thực sự may mắn khi có được nhiều đồng nghiệp giỏi nghề và nhiệt huyết gắn bó với mình. Đó đều là những lao động người Việt Nam sang Mỹ lập nghiệp, đến từ nhiều vùng quê, từ Bắc vào Nam.

    7 tiem nail 1
    Các nhân viên người Việt trong tiệm móng chụp ảnh dịp lễ Giáng sinh 2023 (Ảnh: NVCC).

    Chị Anh Phạm (28 tuổi, quê Sóc Trăng) sang Mỹ từ năm 2014. Biết nghề làm móng ở Mỹ rất phát triển trong cộng đồng người Việt, chị đi học nghề và được cấp chứng chỉ hành nghề. Chị là một trong những thợ cứng của tiệm, gắn bó với Dung từ năm 2021 đến nay.

    "Mức lương trung bình mỗi tháng của tôi khoảng 8.000 USD, chưa kể tiền tip của khách. Nguồn thu nhập ổn định giúp tôi có cuộc sống tại Mỹ dễ thở hơn nhiều", cô gái Sóc Trăng tâm sự.

    Không chỉ gây dựng sự nghiệp riêng, Dung còn rất mong muốn góp một phần nhỏ của mình để hỗ trợ những lao động xa xứ.

    "Tôi không bao giờ quên những khó khăn ngày đầu ở Mỹ nên luôn muốn hỗ trợ anh em đồng hương nơi xứ người. Hiện cả 6 tiệm nail của tôi đều sử dụng 100% lao động người Việt. Ưu tiên hàng đầu của tôi là những người vừa qua Mỹ, chưa có nghề, thiếu kinh nghiệm, chúng tôi chấp nhận đào tạo từ đầu.

    7 tiem nail 1
    Chị Dung đang chuẩn bị cho tiệm làm móng thứ 7 tại Mỹ (Ảnh: NVCC).

    Chỉ cần người lao động có sự trung thực, chăm chỉ, giỏi nghề và biết cách quản lý tốt sẽ dần "lên lon", từ thợ thành chủ cửa tiệm. Hiện những thợ xuất sắc nhất từ các tiệm cũ đều được tôi chấp nhận cho góp vốn đầu tư cửa hàng để chia cổ phần. Đó cũng là cách tôi giữ người và tạo động lực để anh chị em nỗ lực hơn", chị Dung bộc bạch.

    Theo Dân Trí

  • Cuối tháng 4/2024, Giáo sư Nguyễn Thị Kim Thanh, làm việc tại trường Đại học University College London - UCL (Vương quốc Anh), đã chính thức được bầu làm viện sỹ Viện Hàn lâm châu Âu (Academia Europaea - AE) và trở thành người Việt Nam đầu tiên tham gia tổ chức khoa học danh tiếng này.

    nguyen thi kim thanh vien han lamGiáo sư Nguyễn Thị Kim Thanh dự lễ trao giải thưởng "Người phụ nữ xuất sắc trong lĩnh vực hóa học hoặc kỹ thuật hóa học năm 2023" của IUPAC tháng 8/2023 tại Den Haag, Hà Lan. Ảnh: TTXVN

    Là thành viên của 4 Hiệp hội khoa học tại Anh, trong đó phải kể đến Hiệp hội Hóa học Hoàng gia Anh từ năm 2010, đây là lần đầu tiên Giáo sư Thanh trở thành viện sỹ của một viện hàn lâm tầm cỡ quốc tế như AE.

    Với tư cách là thành viên mới (2024), Giáo sư Thanh vinh dự được Viện Hàn lâm châu Âu mời tham dự và trình bày về nghiên cứu của mình trong phiên họp chuyên đề tại Hội nghị thường niên năm 2024 của Viện ở Wroclaw, Ba Lan vào tháng 11/2024 và tham dự tiệc với Tổng thống Ba Lan.

    Được thành lập vào năm 1988, Viện Hàn lâm châu Âu là một tổ chức phi lợi nhuận hoạt động như một Viện khoa học và nhân văn toàn châu Âu. Thành viên của Viện gồm hơn 5.500 nhà khoa học nổi tiếng, đến từ các quốc gia Châu Âu và thuộc nhiều ngành, quốc tịch và khu vực địa lý, trong đó 72 người đã đoạt giải Nobel.

    Mục tiêu hoạt động của Viện là thúc đẩy nghiên cứu khoa học và phổ biến những thành tựu học thuật xuất sắc về nhân văn, luật, kinh tế, xã hội và khoa học chính trị, toán học, y học và các ngành khoa học tự nhiên và công nghệ trên thế giới. Bên cạnh đó, một trong những sứ mệnh cốt lõi của Viện là thúc đẩy sự tiến bộ của giáo dục công cộng bao trùm mọi lứa tuổi trong các môn khoa học.

    Để trở thành viện sỹ của Viện Hàn lâm châu Âu, các ứng cử viên phải được nhóm các nhà khoa học uy tín đề cử, sau đó hồ sơ học thuật và thành tựu nghiên cứu khoa học của ứng viên được Viện xét duyệt kỹ lưỡng và cuối cùng việc bầu chọn được thực hiện bởi Hội đồng khoa học của Viện.

    Trao đổi với phóng viên TTXVN tại Anh, Giáo sư Nguyễn Thị Kim Thanh chia sẻ niềm vui và tự hào khi được bầu chọn làm viện sỹ của Viện Hàn lâm châu Âu, coi đây là sự ghi nhận đối với các thành tựu nghiên cứu, giảng dạy và những cố gắng, đóng góp không ngừng của bà và các đồng nghiệp, cộng tác viên trong việc phổ biến kiến thức, niềm đam mê nghiên cứu khoa học cho cộng đồng.

    Bà tâm sự: “Tôi cảm thấy vinh dự khi được bầu làm viện sỹ Viện Hàn lâm châu Âu. Thật tuyệt vời khi được hòa nhập với những bộ óc vĩ đại không chỉ trong lĩnh vực khoa học tự nhiên và công nghệ, toán y học mà còn cả nhân văn, luật, kinh tế, xã hội và khoa học xã hội chính trị. Chúng ta cần nỗ lực tập thể để giải quyết những thách thức quốc tế to lớn mà chúng ta đang phải đối mặt hôm nay và trong tương lai”.

    Đối với Việt Nam, bà mong muốn sự kiện này sẽ góp phần nâng cao uy tín cho trí thức, nhà khoa học người Việt Nam trên thế giới, khuyến khích họ tự tin hội nhập với nền khoa học tiên tiến của thế giới.

    Giáo sư Nguyễn Thị Kim Thanh là một trong những trí thức người Việt nổi tiếng trong giới khoa học gia quốc tế, là giáo sư người Việt đầu tiên tại Đại học UCL từ năm 2013. Bà tốt nghiệp chuyên ngành hóa học tại Đại học Quốc gia Hà Nội năm 1992; sau đó nhận học bổng nghiên cứu quốc tế ở Hà Lan và Anh, nơi bà lấy bằng tiến sĩ năm 1998.

    Với bề dày thành tích nghiên cứu khoa học, Giáo sư Nguyễn Thị Kim Thanh đã giành được rất nhiều giải thưởng cao quý từ các hiệp hội khoa học, viện hàn lâm uy tín trên thế giới gồm: Giải thưởng "Người phụ nữ xuất sắc trong lĩnh vực hóa học hoặc kỹ thuật hóa học năm 2023" của Liên minh quốc tế về hóa học cơ bản và hóa học ứng dụng (IUPAC), giải thưởng Thomas Graham 2023 của liên hiệp SCI/RSC gồm Hiệp hội công nghiệp hóa chất và Hiệp hội hóa học Hoàng gia Anh. Năm 2022, Giáo sư Thanh đã được trao Giải thưởng liên ngành (Interdisciplinary Prize) của Hiệp hội Hóa học Hoàng gia Anh cho những đóng góp quan trọng trong nghiên cứu cơ bản về tổng hợp hóa học và các phân tích tính chất vật lí của vật liệu nano plasmonic và từ tính cho các ứng dụng y sinh. Năm 2019, bà vinh dự được nhận giải thưởng cao quý "The Rosalind Franklin Award and Lecture 2019" của Viện Hàn lâm khoa học Vương quốc Anh cho những thành tựu của bà trong lĩnh vực vật liệu nano.

    Vào tháng 11/2022, bà cũng vinh dự được giảng bài trong chương trình thuyết giảng khoa học lâu đời và nổi tiếng thế giới Friday Evening Discourses (FED) của Viện Hoàng gia Vương quốc Anh (Ri). Hiện bài giảng của bà đã thu hút 25.000 lượt xem.

    Bà cũng có nhiều hoạt động hợp tác nghiên cứu với các cơ quan, tổ chức, viện nghiên cứu trong nước để hiện thực hóa khát vọng đưa các nhà khoa học Việt Nam hội nhập với thế giới. Ngày 02/11/2014, bà đã quyết định thành lập Viện Hàn lâm Trẻ Việt Nam (Vietnam Young Academy - VYA), với sứ mệnh kết nối, hỗ trợ cho các nhà khoa học người Việt Nam trong giai đoạn đầu của sự nghiệp có cơ hội giao lưu, thảo luận về những chủ đề quan trọng của đất nước và toàn cầu, đóng góp ý kiến đổi mới giáo dục và phát triển chính sách cho Việt Nam.

    Năm 2019, VYA đã tổ chức Hội thảo các Viện Hàn lâm Trẻ Thế giới (WWMYA) lần thứ 4 tại Đà Nẵng với sự hỗ trợ của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Khoa học công nghệ và Bộ Ngoại giao. Kết quả nổi bật của Hội thảo là việc thông qua Tuyên bố chung về nguyên tắc chủ đạo cho việc thành lập Viện Hàn lâm trẻ và sau đó văn kiện này đã được công bố chính thức tại Diễn đàn khoa học thế giới (World Science Forum - WSF) vào tháng 11/2019 tại Budapest, Hungary với sự tham dự của hơn một nghìn nhà khoa học, học giả, nhà hoạch định chính sách, nhà công nghiệp và nhà truyền thông khoa học. Đáng chú ý, Viện Hàn lâm trẻ Vương quốc Anh với sự hỗ trợ của các Viện Hàn lâm và Chính phủ Anh cũng đã được thành lập vào năm 2022, sau VYA 8 năm.

    Bên cạnh đó, Giáo sư Nguyễn Thị Kim Thanh cũng có nhiều hoạt động cộng đồng, tạo cảm hứng cho trẻ em theo đuổi đam mê nghiên cứu khoa học. Bà đã sử dụng tiền thưởng của giải thưởng Rosalind Franklin để tổ chức Trại khoa học dã ngoại ở trung tâm giải trí phiêu lưu PGL Liddington thuộc vùng Wiltshire, Anh để truyền cảm hứng, thúc đẩy các em học sinh từ lớp 8 đến lớp 10 thuộc các gia đình nghèo ở London, chọn các môn khoa học và toán (STEM) cho chương trình GCSE (cấp hai) vào tháng 4/2023.

    Theo TTXVN

  • Người đàn ông mù cho biết nhiều người sẽ hoài nghi và không tin anh có thể chạy xe máy.

    Người đàn ông mù có thể chạy xe gắn máy

    Anh Lê Đình Hậu (quê Nghệ An) bị mù, không nhìn thấy ánh sáng nhưng sinh hoạt bình thường, đi lại không bao giờ vấp té. Đặc biệt, anh có thể tự chạy xe gắn máy giống như bao người, thường xuyên chở vợ đi bán hàng kiếm sống ở khắp nơi trong vùng.

    Anh Hậu tâm sự trên kênh YouTube Độc lạ Bình Dương: "Loại xe máy mà tôi chạy không phải xe tự chế dành cho người khuyết tật mà là xe máy 2 bánh bình thường. Tôi được trời ban cho khả năng chạy xe, có thể chạy xe kéo lúa từ ngoài đồng về cho vợ dù mắt không thấy đường".

    Anh Hậu cho biết nhiều người sẽ hoài nghi và không tin anh bị mù mà có thể chạy xe máy. Anh khẳng định bản thân không còn tròng mắt, không nhìn thấy gì.

    nguoi mu lai xe 1
    Anh Hậu chạy xe máy như người bình thường

    Anh trai của anh Hậu cho hay, em trai bị mù từ khi 4 tuổi vì một sự cố nổ mìn, khiếm thị 100%. Sau đó, người đàn ông mù tiết lộ "bí quyết" chạy xe thành thạo là có vợ ngồi đằng sau hướng dẫn rẽ hướng nào, dừng lại ở đâu. Vì vậy, vợ anh chính là người không thể thiếu trong cuộc đời của anh, người bạn đồng hành trên những hành trình. Đặc biệt, chị là "đôi mắt" soi sáng cho anh.

    "Anh ấy bị mù nhưng cũng giỏi, chịu thương chịu khó, tính tình hiền lành dễ mến nên tôi đã quyết định gắn bó. Ai cũng nói lấy người tật nguyền sau này sẽ khổ. Nhưng mặc lời ra tiếng vào, chúng tôi vẫn đến với nhau bằng tình yêu và tình thương, cũng như duyên số", vợ anh Hậu chia sẻ về cuộc hôn nhân 24 năm.

    nguoi mu lai xe 1
    Vợ anh Hậu chia sẻ mọi chuyện xung quanh chồng

    Về phía anh Hậu, khi lần đầu gặp vợ anh đã nói thẳng bản thân mù lòa, cần một người phụ nữ về giúp đỡ nội trợ, chăm sóc gia đình. Vì tình thương nên chị đồng ý, cả hai quyết định gắn kết cuộc đời, có với nhau 6 người con.

    Chỉ đạo xây dựng ngôi nhà khang trang

    Anh Hậu cho biết bố mẹ anh để lại cho anh mấy mảnh đất. Anh bán đi một phần để thêm tiền xây nhà, còn vợ chồng đi làm phải trang trải cuộc sống và nuôi con, chỉ tích góp được một ít. “Đất cha mẹ cho, tôi bán bớt 2 mảnh 2 bên để xây một căn nhà khang trang cho con cái có chỗ ở đàng hoàng”, anh bộc bạch.

    Căn nhà 3 tầng đang trong giai đoạn xây dựng do anh Hậu tự thiết kế bản vẽ, chỉ đạo thợ làm hết mọi phần việc. Dù không tiết lộ cụ thể số tiền xây nhà, nhưng theo ước tính chi phí lên đến hàng tỷ đồng.

    nguoi mu lai xe 1
    Anh Hậu có thể làm mọi việc như người bình thường

    Trong nhà, anh Hậu có thể đi lên cầu thang như bình thường, không bị vấp té, thậm chí còn tự làm khung sắt để hỗ trợ xây dựng, bắt đường điện, đường ống nước ở các tầng. Gần như anh làm được mọi công việc bằng đôi mắt mù.

    Vợ anh Hậu xác nhận chồng tự làm mọi việc trong nhà, chị chỉ hỗ trợ khi có sự yêu cầu. Vợ anh cho biết khi chị sinh 6 người con, anh đều tận tay chăm sóc, cơm nước khiến chị vô cùng hạnh phúc. Vì vậy chị cảm thấy mình đã lấy đúng người.

    Theo Saostar

  • Người phụ nữ nhỏ bé, "chống lại thế giới" một mình nuôi con. Chính nhờ những đồng tiền lẻ chị vất vả sớm hôm kiếm được đã tạo nên tương lai rạng ngời cho con trai về sau.

    me don than nuoi con tien si 1

    "Giọt máu" mối tình đầu

    40 năm trước, cô gái trẻ Nguyễn Thị Lánh (19 tuổi) là một nữ y tá năng nổ của Trạm y tế xã Dạ Trạch, huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên. Thời bao cấp, cuộc sống khó khăn mà chờ mãi mấy năm cũng không có biên chế, nên khi được người họ hàng rủ lên tỉnh Lai Châu để tìm việc Lánh đã đồng ý. Sau khi xin vào bệnh viện tỉnh, chị còn đi học bổ túc thêm, trong thời gian này tình cờ chị gặp và yêu một sinh viên con của lãnh đạo tỉnh đang về nghỉ hè.

    me don than nuoi con tien si 1
    Cậu bé Nguyễn Văn Linh (Ảnh: Nông nghiệp Việt Nam)

    Tuy nhiên, mối tình bị gia đình bạn trai cấm cản vì không môn đăng hộ đối. Cái thai là kết quả của mối tình đó, sóng mẹ anh lại dứt khoát lắc đầu và khẳng định với chồng: "Nếu ông nhất định cho cưới thì ngày đó cũng là ngày chết của tôi". Ba bề, bốn bên tạo áp lực. Vị lãnh đạo tỉnh kia còn đưa con trai trở về quê ở Thanh Hóa để quyết tâm chia lìa đôi lứa.

    Năm 1987, chị vượt cạn một mình, bị cơ quan kỷ luật và còn bị định kiến xã hội lúc bấy giờ đeo bám.

    Năm 1990, chị và con trai Nguyễn Văn Linh đã may mắn thoát nạn trong trận lũ quét qua tại thị xã Lai Châu, cuốn đi toàn bộ nhà cửa, cơ quan, xí nghiệp nằm phía bên bờ thấp của dòng Nậm Lay, khiến gần 100 người chết và mất tích.

    Sau đó, mẹ con chị Lánh khăn gói về quê ở Dạ Trạch, Hưng Yên. Chính quyền xã đã cấp cho chị một mảnh đất làm chỗ nương thân.

    Khước từ mọi tình cảm của các chàng trai, chị Lánh quyết ở vậy nuôi con. Bù lại, không có bố nhưng Linh rất biết thương mẹ.

    Để nuôi con, chị Lánh không nề hà bất cứ việc gì. Thấy các bà cùng làng đi lên Hà Nội bán rau, chị cũng xin đi buôn. Con trai đang học mẫu giáo, thấy mẹ gánh rau ra bến sông để lên cano ngược sông Hồng, liền hớt hải chạy theo, mũi dãi đầy mặt gào khóc "Ối mẹ ơi". Thương quá nên chị mới cho con lên Hà Nội cùng mình. 3 giờ sáng chị ra cầu Long Biên lấy hàng xong về nhà đánh thức con dậy, bảo bám theo dải quang rồi gánh rau đi bán rong khắp phố phường.

    Đi cân dạo nuôi con thành Tiến sĩ

    Con đến tuổi đi học, chị lại gửi về cho mẹ ở quê rồi dặn dò: "Con ơi, ở nhà cố gắng mà học đi nhá! Mẹ bây giờ phải đi chợ mới có tiền nuôi con chứ ở nhà thì chết đói cả". Nghe lời mẹ, cậu bé rất ngoan ngoãn và học rất sáng dạ, biết tự lập. Nhiều bài toán khó cậu nhất quyết không cho ai giúp mà cứ suy nghĩ, có khi đến 1-2 giờ sáng cũng bật dậy vì đã tìm ra lời giải.

    me don than nuoi con tien si 1
    Không quản ngại nắng mưa, chị Lánh đi đẩy xe cân dạo nuôi con (Ảnh: Nông nghiệp Việt Nam)

    Phần chị Lánh, buôn bán thật thà nên mấy năm trời ở Hà Nội, mỗi ngày chị chỉ lãi được 10.000 - 15.000 đồng. Có lần, 3 buổi sáng liên tiếp chị bị công an bắt vào 3 phường khác nhau vì tội bán hàng rong trên vỉa hè. Khóc lóc van xin, nhưng vẫn không được tha.

    Bị tịch thu hết cả hàng hóa, sợ quá chị trở về quê, trông bệnh nhân thuê rồi nhờ ông anh làm phó cả xin đi làm phụ vữa. Nặng có 37kg nên không kham nổi việc nặng nhọc đó, chị lại vay mượn tiền nong để đi cân dạo - nghề rất thịnh hành ở Dạ Trạch hồi ấy do ông bà Minh-Hạnh là "tổ sư".

    me don than nuoi con tien si 1
    Mong ước của chị Lánh là con học hành thành người (Ảnh: Nông nghiệp Việt Nam)

    Ban đầu chỉ là cái cân vác vai, sau mới là cái cân đẩy, biết nói oang oang các chỉ số chiều cao, trọng lượng, hình dáng.... Để có cái cân giá 25 triệu ấy, 3 gia đình phải cắm cả sổ đỏ vào ngân hàng chung nhau mà mua.

    Đội nắng đội mưa, đẩy cân dạo khắp đường làng, ngõ ngách thế nhưng mỗi lần cân giá 500 - 1.000 đồng, cũng có nhiều khi bị ăn quỵt. Cực khổ nhưng nhìn thấy con lớn lên mỗi ngày chính là động lực khiến chị cố gắng tiếp. Khi Linh chuẩn bị thi đại học, chị nhẹ nhàng khuyên: "Nếu con thi đỗ đại học, kể cả đi vay nặng lãi mẹ cũng nuôi, còn nếu không mẹ sẽ mua cho con cái cân mà hành nghề".

    me don than nuoi con tien si 1
    Linh và mẹ (Ảnh: Nông nghiệp Việt Nam)

    Khi Linh lên Hà Nội học Đại học Xây dựng, chị bỏ cân dạo ở Hải Phòng lên theo, thuê nhà trọ ở cùng, sáng cơm nước cho con, chiều đi đến nửa đêm để mà kiếm sống. Bình thường, nghề cân dạo cũng tạm đủ ăn cho cả 2 mẹ con, nhưng những hôm mưa gió, những buồi về quê có việc thì không, nên cứ âm dần vào vốn, mắc nợ đến hơn 20 triệu. Có hôm sinh nhật con trai, chị bảo: "Mẹ chẳng có tiền tặng cho con một cái gì cả, chỉ chiêu đãi con một bữa trứng vịt lộn đến chán thì thôi!".

    me don than nuoi con tien si 1
    Lễ tốt nghiệp tại Pháp (Ảnh: Nông nghiệp Việt Nam)

    Không phụ công ơn của mẹ, Linh học rất giỏi, đang học thì nhận được học bổng đi Pháp. Khi hoàn thành đại học, anh chàng học lên thạc sĩ, tiến sĩ và có cả hai quốc tịch Việt - Pháp. Sau đó, chị còn được ông anh gửi gắm thằng con học đại học nên chị phải ở Hà Nội thêm mấy năm để vừa cân dạo, vừa bảo ban, giúp đỡ cháu. Từ con đẻ đến con dâu, con rể của cả 7 anh chị em, đứa nào cũng gọi là mẹ hết thành ra chị có đến mười mấy đứa con.

    Giờ đây, chị trở về quê, sống thanh thản tuổi già nhờ sự giúp đỡ của con trai ở nước ngoài và trong ân tình của làng xóm. Quả ngọt đã nở trên môi người phụ nữ nhỏ bé kia.

    Theo Phunutoday

  • Ý chí quyết tâm và sự nỗ lực không ngừng giúp Phạm Thị Diễm Phương (SN 1998), quê ở tổ dân phố Đức Liễn, phường Hồng Thái, thị xã Việt Yên (Bắc Giang) vượt qua bao khó khăn để vươn lên. Cùng với kết quả học tập xuất sắc, cô gái bước đầu thành công trong công việc và cuộc sống, hiện đồng sở hữu 21 căn hộ tại nước Mỹ.

    Biến khó khăn thành động lực

    Trò chuyện với Phương qua điện thoại, tôi cảm nhận được nghị lực của cô gái trẻ. Với Phương, thử thách không khiến cô nản lòng mà trở thành động lực để quyết tâm hơn.

    co gai bac giang vuot kho 1
    Diễm Phương luôn lạc quan trong mọi hoàn cảnh.

    Bố bị bệnh qua đời khi Phương mới 2 tuổi, mẹ con cô bỗng chốc trở thành mẹ góa, con côi. Mẹ cô - bà Vũ Thị Sơ vừa làm ruộng vừa tranh thủ làm thuê, chăn nuôi để kiếm tiền nuôi con. Hoàn cảnh khó khăn đã tôi luyện cho Phương tính tự lập, siêng năng. Từ năm lớp 1, sau giờ học cô bé lại chăm chỉ nấu cơm, dọn dẹp nhà cửa giúp mẹ. Sớm phải chịu cảnh vất vả nên Phương gầy gò, đen nhẻm. Phương luôn tự nhủ phải học thật giỏi để cuộc sống của hai mẹ con tốt đẹp hơn.

    Từ khi còn học lớp 4 ở trường làng, Phương tình cờ được xem một chương trình giới thiệu về cơ hội học tập và làm việc ở Mỹ qua chiếc ti vi cũ phải xoay ăng - ten mỏi tay mà màn hình vẫn không hết “muỗi”. Những hình ảnh tươi đẹp về cuộc sống hiện đại, văn minh ở phương trời xa in đậm trong trí óc non nớt khiến cô bé nung nấu ước mơ một ngày sẽ được đến nước Mỹ. Lúc ấy, chưa biết sẽ phải làm như thế nào để thực hiện điều ước ấy, Phương chỉ nghĩ đơn giản mình cần học giỏi tiếng Anh. Không có tiền đi học thêm như các bạn ở trường, cô bé miệt mài tự học. Nhờ đó, Phương luôn được chọn vào đội tuyển học sinh giỏi tiếng Anh và giành giải cao trong những lần tham gia cuộc thi cấp huyện, cấp tỉnh.

    co gai bac giang vuot kho 1
    Diễm Phương (đứng giữa) và bạn học tại Hà Nội.

    Lớp 9, Phương rời làng tự bắt xe buýt ra Hà Nội thi vào Trường THPT Chuyên ngoại ngữ (Trường Đại học Ngoại ngữ, Đại học Quốc gia Hà Nội). Những nỗ lực và quyết tâm của cô đã mang lại kết quả xứng đáng: Phương thi đỗ và nhập học. Các bạn trong lớp đều có điều kiện khá giả, được học tiếng Anh từ nhỏ ở trường quốc tế còn Phương phải “tự lực cánh sinh”, tự học, tự tìm hiểu mọi thứ. Thế nhưng nữ sinh ấy chẳng bao giờ nghĩ tiêu cực về những thiệt thòi của mình mà càng nỗ lực khắc phục, phấn đấu.

    Không có tiền mua sách hay đi học thêm, cô mượn sách và nhờ bạn học giỏi sửa cách phát âm. Ở ký túc xá, để tránh ảnh hưởng đến mọi người trong phòng nên từ 4-5 giờ sáng hằng ngày, mùa hè cũng như đông giá, Phương dậy sớm xuống sân trường ngồi tự luyện phát âm.

    Năm cuối bậc THPT, Phương là một trong 5 học sinh Việt Nam lọt vào danh sách "Thủ lĩnh trẻ thanh niên Đông Nam Á" do Chính phủ Mỹ tài trợ. Chương trình dành cho học sinh THPT của các nước trong khối ASEAN có năng lực lãnh đạo, đạt kết quả học tập xuất sắc, đóng góp tích cực cho cộng đồng và thạo tiếng Anh. Sau gần một tháng tham gia chương trình, được giao lưu, học hỏi cùng bạn bè quốc tế, tận mắt chứng kiến và trải nghiệm ở nước Mỹ càng thôi thúc cô quyết tâm du học tại đây.

    co gai bac giang vuot kho 1
    Diễm Phương làm nhiều việc trong thời gian du học để có thêm thu nhập.

    Biết rõ hoàn cảnh của mình, Phương tìm hiểu cơ hội để đi du học mà không phải tốn kém tiền bạc. Đúng lúc đó, cô được một cựu du học sinh giới thiệu Trường Berea College (tiểu bang Kentucky, Mỹ) có chương trình học bổng toàn phần dành cho sinh viên quốc tế, trong đó mỗi năm chỉ lựa chọn một người Việt Nam. Đối với Phương, đó là cơ hội quý giá và cô không ngại thử sức. Suốt 4 tháng, Phương nỗ lực trau dồi chuyên môn, ngoại ngữ và kỹ năng, hoàn thiện hồ sơ, làm bài luận, tự tin tham gia phỏng vấn và vỡ òa niềm vui khi nhận tin báo trúng tuyển.

    Suất học bổng giúp cô trang trải chi phí học tập, sinh hoạt trong thời gian học tại đây. Dù bận rộn học đồng thời 2 chuyên ngành Toán và Kinh tế song Phương vẫn tranh thủ làm thêm tối đa 20 tiếng/tuần theo quy định của Chính phủ Mỹ với nhiều việc khác nhau như trợ giảng, rửa bát thuê, lau dọn nhà để có thêm thu nhập.

    Từ số 0 đến đồng sở hữu 21 căn hộ tại Mỹ

    Tốt nghiệp đại học năm 2020 - đúng thời điểm dịch Covid-19 bùng phát, Phương cũng như bạn đồng trang lứa gặp khó khăn về việc làm. Phương xin làm nhân viên cho Công ty New Western Acquisitions - hoạt động trong lĩnh vực môi giới bất động sản ở thành phố Philadelphia (bang Pennsylvania, Mỹ).

    co gai bac giang vuot kho 1
    Diễm Phương trong ngày tốt nghiệp đại học tại Mỹ.

    Dù công việc này không có lương cứng, chỉ có tiền “hoa hồng” khi bán được nhà nhưng Phương cho rằng sẽ phát huy được kiến thức kinh tế từng học trong trường, phù hợp với sở thích đầu tư và khát vọng làm giàu của bản thân. Hơn nữa, công việc không cần vốn và khi giới thiệu bán được một căn hộ thì được trích phần trăm không nhỏ.

    Qua tìm hiểu, Phương nhận thấy thị trường bất động sản tại Mỹ vô cùng sôi động, có nhiều nhà đầu tư từ nhiều nước trên thế giới đến đây tìm kiếm cơ hội phát triển kinh doanh. Thời điểm đó, tình hình dịch bệnh phức tạp khiến nhiều người lo ngại chuyển về các vùng nông thôn sinh sống cũng làm thị trường “nóng” hơn.

    Công ty của Phương chuyên bán các căn hộ cho các nhà đầu tư thay vì người mua để ở. Sau khi mua, nhà đầu tư cải tạo lại rồi cho thuê hoặc bán cho người khác. Vì thế khách hàng đều sành sỏi và nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực này.

    co gai bac giang vuot kho 1
    Diễm Phương trong chiếc áo dài Việt Nam tại nước Mỹ.

    Không còn được trợ cấp học bổng như thời gian học đại học, sau khi nộp tiền nhà tháng đầu, trong túi cô chỉ còn 500 USD. Để có thể trụ vững ở nơi này, Phương quyết tâm phải làm tốt công việc. Tuy nhiên, tại Mỹ, rất ít phụ nữ làm môi giới bất động sản. Phương kể: “Nghề này có sự cạnh tranh khốc liệt, tôi lại là nữ nên gặp nhiều khó khăn. Thời gian đầu, hầu hết những cuộc gọi của tôi bị từ chối. Thế nhưng tôi không bỏ cuộc”.

    Dần dần, trong vô vàn lời từ chối, Phương lập một danh sách khách hàng tiềm năng. Cô ghi chú lại tất cả những nhu cầu của khách để khi có sản phẩm phù hợp là giới thiệu với họ. Sang tháng thứ hai sau khi nhận việc, Phương bắt đầu bán được nhà. Sau 3 tháng, cô trở thành nhân viên bán hàng có doanh số cao nhất công ty. Phương chia sẻ: “Hãy làm bạn với khách thay vì là người bán hàng và luôn chân thật khi giới thiệu, tư vấn sản phẩm. Tôi chú trọng công tác chăm sóc khách hàng, nắm bắt nhu cầu để tư vấn phù hợp với khả năng tài chính của khách”.

    co gai bac giang vuot kho 1
    Diễm Phương (ngồi giữa) và những người bạn ở Mỹ.

    Kiến thức, kỹ năng trong công việc được cô gái trẻ tích lũy tăng lên cùng với số lượng khách hàng ngày càng nhiều. Cô đã tạo dựng riêng một nhóm cộng đồng đầu tư bất động sản cho người Việt ở Mỹ. Trong thời gian này, Phương được khách hàng thân thiết giới thiệu đến làm việc tại Ngân hàng Credit One ở Las Vegas - chuyên cho vay thế chấp. Nhận thấy giá bất động sản đều tăng theo thời gian nên cô quyết định dành tiền đầu tư. Phương lần lượt mua 2 ngôi nhà, mỗi nhà trị giá 500 - 650 nghìn USD, đồng thời chung vốn với một người bạn mua 19 căn hộ liền kề.

    Những căn hộ Phương đầu tư đều có vị trí đẹp và mua với giá hợp lý. Do nhiều người dân Mỹ thường thuê nhà ở thay vì mua nên hầu hết các căn hộ của Phương đều được cải tạo cho thuê dài hạn. Khắc phục nguồn vốn cá nhân hạn hẹp, khi mua những căn hộ đó, Phương vay vốn ngân hàng và hằng tháng sử dụng một phần tiền thuê nhà để trả. Lợi nhuận Phương thu được từ việc đầu tư này không nhỏ.

    co gai bac giang vuot kho 1
    Cô gái vững vàng trước bao khó khăn, thử thách.

    Hiện Phương là quản lý cấp cao của Công ty cho vay thế chấp - Loan Factory. Công việc chính và nghề “tay trái” - môi giới, kinh doanh bất động sản mang lại thu nhập đáng kể cho cô gái này. Cô đang triển khai xây dựng khu resort (nghỉ dưỡng) do có ngôi nhà bên bờ biển ở Las Vegas, nơi có hoạt động giải trí sôi động, đẳng cấp thế giới. Đồng thời bắt đầu dự học chương trình thạc sĩ về phát triển bất động sản ở Đại học Columbia (New York), ngôi trường được xếp thứ 2 trong số những trường đào tạo về lĩnh vực bất động sản tốt nhất tại Mỹ.

    “Mang tiền về cho mẹ”

    Phương tâm sự, tất cả những nỗ lực của cô trong học tập, công việc và cuộc sống xuất phát từ khát vọng thành công, kiếm tiền để lo cho mẹ. Vốn tự lập từ sớm nhưng mẹ luôn là chỗ dựa tinh thần vững chắc, là động lực phấn đấu của cô gái này. Mẹ sinh Phương khi đã gần 40 tuổi. Bao năm vất vả, khó khăn như vậy nhưng bà luôn cố gắng cho con được đến trường, động viên con học thành tài để có cơ hội thoát khỏi cảnh nghèo. Phương không quên hình ảnh mẹ mướt mải mồ hôi từ ruộng về lại ngập giữa đống chai lọ bẩn rửa thuê kiếm tiền nuôi con ăn học.

    co gai bac giang vuot kho 1
    Diễm Phương và mẹ.

    Thương mẹ, khi ở Hà Nội, cô nữ sinh không ngại chen chúc trên chiếc xe khách, những chuyến xe buýt lỉnh kỉnh tha lôi đủ thứ đồ ăn mua ở quê lên trường để tiết kiệm chi tiêu. Phương miệt mài tự học, phấn đấu đạt học bổng để trang trải chi phí sinh hoạt. Trong thời gian du học, Phương dành dụm học bổng, tiền đi làm thêm để gửi cho mẹ.

    co gai bac giang vuot kho 1
    Ngôi nhà cũ ở quê của gia đình Phương năm xưa.

    Năm 2021, từ Mỹ, Phương lên ý tưởng, thuê thiết kế và gửi tiền về xây cho mẹ ngôi biệt thự sang trọng trên diện tích 200 m2 thay thế căn nhà cấp bốn cũ kỹ, lụp xụp trước kia. Người dân nơi đây mừng cho người mẹ nghèo nay đã có cuộc sống đủ đầy nhờ cô con gái giỏi giang, hiếu thảo.

    Trước đó, năm 2020, Phương nhận tin “sét đánh” mẹ bị ung thư cổ tử cung giai đoạn 2. Không thể về với mẹ vì lúc đó dịch Covid-19 đang rất phức tạp, cô gái gạt nước mắt, biến nỗi buồn, sự lo lắng thành động lực để kiếm thật nhiều tiền gửi về cho mẹ điều trị bệnh.

    co gai bac giang vuot kho 1
    Cuộc sống đủ đầy của mẹ Phương nơi quê nhà.

    Cách xa mẹ nửa vòng trái đất, cô tìm kiếm và liên hệ qua email với các bác sĩ giỏi trong nước chia sẻ hoàn cảnh và bày tỏ nguyện vọng của mình. Thật may mắn, các bác sĩ tại Bệnh viện Phụ sản Hà Nội và Bệnh viện K đã hết lòng hỗ trợ, điều trị bệnh cho mẹ Phương. Hợp thầy hợp thuốc, mẹ Phương kết thúc hóa trị, có kết quả tốt và được xuất viện sau 6 tháng. Sau khi mẹ hồi phục, Phương đón mẹ sang Mỹ sống vài tháng và đưa đi du lịch khắp nơi để mẹ vui vẻ, lạc quan, cải thiện sức khỏe.

    co gai bac giang vuot kho 1
    Mẹ của Diễm Phương bên ngôi nhà đẹp - món quà con gái tặng.

    Ở quê nhà, nhắc đến Phương, bà Sơ ngậm ngùi thương con gái phải trải qua tuổi thơ khốn khó và bao năm bươn trải xa nhà. Bà tự hào khi con ngày càng cứng cáp, vững vàng và vẫn giữ được cái đức, cái tâm trong sáng. Có thành công bước đầu, Phương không quên những năm tháng khó khăn trước kia bằng cách tích cực tham gia hoạt động thiện nguyện. Hiện cô tài trợ kinh phí học tập cho một học sinh hoàn cảnh khó khăn ở Lục Ngạn để giúp cậu bé có thể chạm tay vào ước mơ giống như mình ngày xưa.

    Theo Baobacgiang

  • Không chỉ góp mặt trong đội Dallas Cowboys ở tuổi 24, Nguyễn Tấn Đạt còn được xem là một trong những cầu thủ xuất sắc của lịch sử NFL.

    nguyen tan dat nfl 1

    Bóng bầu dục là một môn thể thao thi đấu đồng đội phổ biến ở Mỹ. Bộ môn này gồm hai đội chơi với 11 cầu thủ ở mỗi đội. Mục tiêu của họ là ghi điểm bằng cách chạy bóng qua vạch cuối của đối phương hoặc ném bóng qua cho đồng đội để họ có thể chạy qua vạch cuối.

    Nguyễn Tấn Đạt (sinh năm 1975) đảm nhận vai trò linebacker (trung vệ phòng ngự) trong đội bóng bầu dục. Đây vốn là một vị trí quan trọng trong việc ngăn chặn sự tấn công từ đối phương, theo The Athletic. Hiện anh đã giải nghệ, nhưng hành trình trở thành cầu thủ người Việt đầu tiên và duy nhất được chọn vào NFL vẫn truyền cảm hứng cho nhiều người.

    Khơi nguồn đam mê

    Gia đình của Đạt di cư sang Mỹ vào những năm 80. Anh lớn lên ở bang Texas cùng bộ môn bóng bầu dục.

    Cliff Davis, huấn luyện viên thời trung học cơ sở của Tấn Đạt, đã phát hiện ra anh khi đang đi dạo trong hành lang trường để tuyển những gương mặt phù hợp cho đội bóng.

    Khi đó, Đạt học lớp 8, cao gần 1m80 và trông nổi bật so với bạn bè đồng trang lứa. Tuy nhiên, bố mẹ anh không ủng hộ việc anh chơi bóng bầu dục và muốn anh tập trung vào việc học. Song, anh quyết định làm giả chữ ký của họ để đăng ký vào đội chơi.

    nguyen tan dat nfl 1
    Tấn Đạt trong một trận đấu bóng bầu dục năm 2000. Ảnh: Donna William/AP.

    Từ đó, năng lực thể thao và phong cách chơi bản năng đã giúp anh nhanh chóng vượt trội trên sân bóng. “Tôi yêu thích bóng bầu dục vì trò chơi này thật sự hấp dẫn. Tôi được trở thành một mảnh ghép trong đội 11 người. Khi tôi ngày càng lớn tuổi, bóng bầu dục trở nên thú vị hơn rất nhiều vì những tình huống khác nhau trong trận đấu”, Tấn Đạt chia sẻ.

    Huyền thoại của Texas A&M

    Tại Mỹ, bóng bầu dục là môn thể thao phổ biến nhất ở đại học và các trường đều có một chương trình tuyển mộ dài hạn các cầu thủ giỏi nhất lúc học trung học. Khi đó, Tấn Đạt đã nhận được học bổng vào Texas A&M.

    Ban đầu, anh nghĩ mình còn nhỏ con và cần phải tăng cân để trở thành một cầu thủ giỏi ở trường đại học. Tuy nhiên, anh lại trở nên quá đô con đến nỗi bản thân không thể di chuyển hiệu quả. Anh gần như từ bỏ việc chơi bóng bầu dục nhưng dần lấy lại phong độ khi mùa giải cận kề.

    nguyen tan dat nfl 1
    Đạt nhanh chóng trở thành cái tên nổi dang khắp đội bóng Texas A&M. Ảnh: AggieWire.

    Anh thức dậy lúc 6h mỗi ngày để tự tập thể dục, sau đó đến lớp lúc 8h. Anh tập luyện lần thứ hai vào buổi trưa, rồi tiếp tục tập luyện cùng cả đội lúc 16h. Anh nhanh chóng có được thể hình tuyệt vời và khiến toàn đội cũng như ban huấn luyện ngạc nhiên với sự thay đổi này.

    Từ vị trí thứ tám trên bảng xếp hạng, Đạt đã tiến lên vị trí thứ 2. Đứng đầu bảng bấy giờ là Trent Driver, người có kích thước và tốc độ tiêu chuẩn cho bộ môn bóng bầu dục. Một ngày nọ, khi đang chạy nước rút, Driver bị trẹo mắt cá chân vào vòi phun nước.

    Lúc này, Tấn Đạt đã được gọi vào thay thế và từ đây anh bước vào con đường làm nên lịch sử bóng bầu dục. Anh trở thành huyền thoại của Texas A&M khi tham gia 51 trận đấu liên tiếp, thực hiện 517 lần tranh bóng và 6 lần chặn bóng thành công.

    nguyen tan dat nfl 1
    Tấn Đạt trong một trận bóng bầu dục khi còn ở đội Texas A&M. Ảnh: SBNation.

    Gia nhập Dallas Cowboys

    Một trong những thành tựu nổi bật nhất của Tấn Đạt phải kể đến việc anh được tuyển vào đội bóng bầu dục chuyên nghiệp NFL.

    Trong kỳ tuyển chọn năm 1999, Tấn Đạt không được chọn ở vòng đầu tiên, nhưng cuối cùng vẫn được chọn vào đội Dallas Cowboys ở vòng tuyển thứ ba.

    Dù đã đạt được không ít thành tích và giải thưởng, Đạt vẫn được xem là không đủ tầm vóc (số đo của anh bấy giờ là 1m80 - 100 kg) trong thời kỳ linebacker bóng bầu dục điển hình thường phải nặng 113kg.

    Tấn Đạt làm nên tên tuổi trong làng bóng bầu dục dù mang tầm vóc không quá to lớn. Ảnh: Blogging the Boys.

    Năm 2003, Bill Parcells trở thành huấn luyện viên trưởng của đội Dallas Cowboys. Được biết đến là người ưu thích những linebacker to lớn, Parcells không dễ để gây ấn tượng. Tuy nhiên, sự nhanh trí, khả năng dự đoán và kỹ năng của Đạt đã thuyết phục được Parcells.

    Dưới sự dẫn dắt của người huấn luyện viên này, Đạt đã tỏa sáng trong các mùa giải và thậm chí đã giành được danh hiệu All-Pro (người chơi giỏi nhất) cho vị trí của mình. Parcells thậm chí còn từng nhận xét Đạt rằng anh có thể chơi cho bất kỳ đội nào mà ông ấy dẫn dắt.

    nguyen tan dat nfl 1
    Tấn Đạt cùng các đồng đội Dallas Cowboys. Ảnh: Tim Heitma/USA Today.

    Chấn thương nối tiếp

    Dù có kỹ năng tốt, Tấn Đạt vẫn gặp chấn thương trong trận đấu. Đặc biệt, cú đập mạnh vào đầu vào năm 2004 đã ảnh hưởng không nhỏ khiến anh phải nghỉ ngơi một thời gian.

    Năm 2005, anh tiếp tục gặp chấn thương đầu gối và cổ. Về sau, dù cố gắng phục hồi, cơ thể anh vẫn không thể trở lại như trước, dẫn đến việc anh phải giải nghệ sau đó không lâu.

    nguyen tan dat nfl 1
    Nguyễn Tấn Đạt khi là huấn luyện viên tại trại huấn luyện River Eiged Field. Ảnh: Kirby Lee/Image of Sport-USA TODAY Sports

    Sau khi giải nghệ, Tấn Đạt có thời gian ngắn làm huấn luyện viên và nhận được nhiều giải thưởng, bao gồm việc được vinh danh vào Đại sảnh Danh vọng Thể thao Texas A&M.

    Dù không được vào Đại sảnh Danh vọng Bóng đá Chuyên nghiệp, anh vẫn tự hào về sự nghiệp bóng bầu dục của mình. Là cầu thủ người Việt đầu tiên và duy nhất được chọn vào NFL, anh hy vọng hành trình của mình sẽ truyền cảm hứng cho các em nhỏ châu Á khác theo đuổi ước mơ dẫu sẽ gặp nhiều khó khăn và thử thách.

    Theo ZNews

  • Cuốn sách 'Daniel Juventus và Stonehenge - Cánh cổng ma thuật' của tác giả Võ Quang Thịnh vừa được xuất bản bởi NXB Olympia, một đơn vị uy tín tại London (Anh).

    Con đường xuất bản sách ở nước ngoài, nhất là với thị trường văn học khó tính như ở Anh, là thách thức quá lớn - nhưng tất cả những khó khăn ấy cuối cùng đã thành ký ức đẹp, khi cuốn sách của tác giả Võ Quang Thịnh đã được phát hành bởi NXB Olympia, một đơn vị xuất bản lớn tại London (Anh).

    Daniel Juventus và Stonehenge - Cánh cổng ma thuật xoay quanh cuộc sống của Daniel Juventus, một cậu bé 13 tuổi có một chút dị tật ở bàn tay, luôn là đối tượng bị các bạn cùng lớp trêu chọc và bắt nạt. Cuộc sống thơ ấu buồn tẻ thật ám ảnh khi Daniel chưa bao giờ biết mặt bố mẹ mình và người thân duy nhất của cậu là ông nội - cụ Anles, điều này để lại một lỗ hổng rất lớn trong trái tim cậu. Khi Daniel bắt đầu có những giấc mơ kỳ lạ thì cụ Anles cuối cùng cũng kể cho cậu nghe sự thật về việc mất tích của bố mẹ mình.

    Daniel Juventus and Stonehenge 1
    Võ Quang Thịnh được biết đến với bút danh J.A.Thinky, sinh ra tại thành phố Đà Nẵng. (Ảnh: NVCC)

    Trong một giấc mơ, Daniel được trao cho một chiếc chìa khóa quyền năng - Ankh và cậu là Người được chọn để giải phóng linh hồn của E.V - Vua của Vương quốc Ánh sáng, người bị giam cùng với Dzărum - Chúa tể bóng tối.

    Một đêm nọ, có người phụ nữ lạ xuất hiện trong phòng ngủ và dẫn cậu đến một thế giới khác song song với thế giới thực tại, từ đây Daniel tin rằng nhiệm vụ giải cứu bố mẹ và E.V cuối cùng đã bắt đầu. Tuy nhiên, cậu không hề biết rằng đằng sau đó là một dòng thế lực đen tối đang liên tục ngăn cản cậu hoàn thành sứ mệnh của mình. Các thế lực này truy lùng Ankh vì nó có thể mở khóa cánh cổng dẫn đến Địa ngục. Nhiệm vụ mà Daniel phải làm đó là bảo vệ và ngăn chặn mọi mưu đồ của thế lực bóng tối đang lớn dần khi chúng muốn kiểm soát những điều tốt đẹp của thế giới.

    Con đường đến nước Anh

    Daniel Juventus và Stonehenge - Cánh cổng ma thuật là tập 1 trong chuỗi tác phẩm văn học kỳ ảo của tác giả Võ Quang Thịnh được xuất bản vào năm 2018 bởi Nhà phát hành Winbooks và NXB Văn học.

    Với khao khát được thỏa sức hội nhập với dòng văn học mang tính thời đại, Võ Quang Thịnh đã đi một con đường thật dài để đưa quyển sách của mình đến với độc giả Anh và quốc tế. Sau khi hoàn thành xong tác phẩm bằng tiếng Việt, tác giả mất nhiều năm tìm kiếm người chuyển ngữ sang tiếng Anh. Bản dịch hiện tại do dịch giả Nguyễn Thanh Xuân thực hiện và được hiệu đính bởi những biên tập viên chuyên nghiệp người Anh.

    Daniel Juventus and Stonehenge 1

    Giống như những bước đầu tiên mà J.K.Rowling, tác giả của Harry Potter đã gặp phải, Võ Quang Thịnh cũng khó tìm được NXB "đỡ đầu" cho đứa con tinh thần của mình. Cuối năm 2019, anh nhận được email phản hồi từ một NXB ở London. Đơn vị này vô cùng phấn khởi sau khi thẩm định xong tác phẩm Daniel Juventus và Stonehenge - Cánh cổng ma thuật. Họ nhận xét: “Chúng tôi công nhận rằng bạn là một nhà văn giỏi và cuốn sách của bạn rất hay”.

    Câu chuyện may mắn tưởng chừng mang tới một hướng đi rộng mở phía trước không ngờ đại dịch Covid-19 ập đến và NXB này cùng gặp khá nhiều khó khăn. Họ hẹn tác giả chờ một năm và cuối cùng sau một năm vì tình hình kinh tế trong đại dịch quá khó khăn nên vẫn không thể xuất bản. Võ Quang Thịnh tiếp tục hành trình nhọc nhằn tìm kiếm một NXB khác. Dường như đó là một con đường dài vô tận với tác giả, dù biết nhiều chông gai nhưng anh vẫn không chùn bước...

    Đến năm 2023, NXB Olympia, một đơn vị xuất bản lớn tại London rất thích tác phẩm. Suốt một năm làm việc vất vả với đội ngũ sản xuất tận tâm, ê-kíp đã hoàn thành mọi công đoạn về thiết kế bìa và bản in.

    Cuối cùng cuốn sách cũng được xuất bản vào 28/3/2024 với tựa đề tiếng Anh là Daniel Juventus and the Stonehenge - Gate of Magic”, bút danh tác giả là J.A.Thinky. Sách đang được phân phối rộng rãi ở khắp nơi trên thế giới, ở hầu hết các hiệu sách tại Vương quốc Anh, các nước châu Âu, Mỹ, Úc và New Zealand cũng như tại Singapore và Đài Loan.

    Daniel Juventus and Stonehenge 1

    Tác giả phấn khởi khi nói với NXB Olympia rằng, anh cảm ơn họ vì cuối cùng ước mơ xuất bản cuốn sách của mình tại Anh được trở thành hiện thực.

    NXB Olympia phản hồi một cách hào hứng: “Chúng tôi rất vui vì đã biến giấc mơ của bạn thành hiện thực, với việc Daniel Juventus và Stonehenge - Cánh cổng ma thuật được phát hành và hy vọng đây sẽ là khởi đầu cho một hành trình thành công”.

    “Với niềm đam mê văn chương kỳ ảo và khao khát khám phá những kỳ quan vĩ đại của thế giới, tác giả đã dành một khoảng thời gian dài để viết cuốn sách đầu tiên về cậu bé Daniel Juventus cùng với những điều kỳ thú ở Stonehenge. Một thế giới mà ở đó tác giả được sống với những ước mơ, đam mê của mình và những người bạn yêu thương. Daniel Juventus không chỉ dừng lại ở một câu chuyện kỳ thú, mà bên cạnh đó còn chứa đựng những bài học nhân văn sâu sắc trong cuộc sống. Những bài học tưởng chừng như đơn giản, nhưng trong bộn bề cuộc sống hiện đại, con người ta dần bỏ quên mất.

    Đó cũng chính là lý do mà câu chuyện của Daniel Juventus ra đời…” - trích giới thiệu sách của NXB Olympia.

    Theo Vietnamnet

  • Năm 2020, lần đầu tiên một cô gái gốc Việt được tạp chí Forbes Slovakia lựa chọn vào danh sách Under 30. Cô là Lucia Thảo Hương Simekova, nhà sáng lập chuỗi nhà hàng PHOČKÁREŇ có nghĩa là House of Pho - Ngôi nhà của Phở.

    ban pho nam dinh 1

    Lucia Thảo Hương Simekova có tên tiếng Việt là Vũ Thảo Hương sinh năm 1993 và lớn lên ở vùng ngoại ô thủ đô Slovakia. Bố cô là người gốc Hà Nội, mẹ là người quê Nam Định. Hai người gặp nhau khi tham gia học một chương trình tại châu Âu. Sau khi lập gia đình, hai người làm nghề kinh doanh quần áo để mưu sinh. Cô thường xuyên cùng bố sang Ba Lan nhập hàng, tham gia hội chợ để về Slovakia kinh doanh.

    Ngày bé, cô và 3 người em của mình thường xuyên gặp phải sự trêu chọc, chế giễu bởi là những người châu Á hiếm gặp ở châu Âu. Những điều này khiến Thảo Hương càng quyết tâm học giỏi để vươn lên.

    Vốn có năng khiếu toán học, cô tham gia nhiều cuộc thi dành cho học sinh trung học. Thảo Hương nhận được học bổng khoảng 35.000 USD của một trường quốc tế cũng như có khả năng ghi danh tại Havard hay Oxford nhưng cô chọn học đại học Seattle ở Bratislava, Slovakia. Sau này cô tiếp tục sang Anh học thạc sỹ về đầu tư bất động sản và tài chính tại đại học Reading. Thảo Hương từng làm việc tại một quỹ đầu tư nước ngoài trước khi chuyển sang làm cho Sharow Capital chuyên về quản lý tài sản và bất động sản.

    "Mẹ tôi thường hay nấu các món ăn Việt ở nhà vì thế đồ ăn Việt gắn bó với tôi như một phần tất yếu. Cách ăn uống món Việt cũng rất khác biệt, chúng tôi thường hay có những bữa cơm gia đình và mời bạn bè người thân đến nhà", cô chia sẻ với tạp chí Đầu tư năm 2020. Tình yêu ẩm thực quê hương cùng với kinh nghiệm về quản lý bất động sản thôi thúc cô mở một nhà hàng của riêng mình.

    ban pho nam dinh 1

    Tháng 8/2017, Thảo Hương cùng anh họ của mình là Thắng Trần, người Nam Định mang một số món ăn Việt đến giới thiệu tại một lễ hội âm nhạc. Trong hai ngày, gian hàng của Thảo Hương không ngớt người chờ mua thưởng thức, đặc biệt là phở bò và bún bò Nam bộ.

    Sự kiện này khiến cô càng thêm quyết tâm mở nhà hàng của riêng mình. Sau khi thảo luận thêm với chồng, Thảo Hương mời Thắng Trần cùng mình hợp tác kinh doanh với vai trò bếp trưởng còn cô phụ trách quản lý, vận hành. Thắng Trần có nhiều năm làm việc tại các nhà hàng ở Slovakia và Đức.

    Tháng 6/2017, nhà hàng Phở đầu tiên được mở tại trung tâm thương mại Bory. Với kinh nghiệm 5 năm làm trong lĩnh vực quản lý bất động sản, tài chính, mô hình cửa hàng được Thảo Hương lựa chọn khá giống với các quán ăn Nhật Bản, nhỏ gọn, không tốn quá nhiều diện tích. Về thực đơn cũng được cô nghiên cứu kỹ lưỡng về khẩu vị để lựa chọn món như: phở gà, phở bò, bún bò Nam bộ hay gỏi xoài. Sau này chuỗi cửa hàng của Thảo Hương còn mở rộng sang các món cơm rang, mỳ hay nem cuốn.

    Đặc biệt để giữ được hương vị đúng chuẩn, nước lèo được giữ nguyên cách nấu và ninh khoảng 10 tiếng. Chuỗi cửa hàng của cô ngoài là nơi ghé thăm của người Việt xa quê, còn là nơi làm việc của các bạn trẻ Việt Nam khi chiếm tới 2/3 nhân sự.

    Theo số liệu của Forbes Slovekia, chỉ trong hai năm hoạt động, doanh thu của nhà hàng Phở đạt 3,4 triệu USD. Đại diện của tạp chí nhấn mạnh thêm Vũ Thảo Hương cũng là người Việt đầu tiên lọt danh sách uy tín do Forbes bình chọn. Cô gái trẻ này cũng từng đạt danh hiệu Hoa khôi người Việt tại Slovekia.

    ban pho nam dinh 1

    Đầu năm 2020, khi châu Âu trở thành tâm dịch Covid-19, Slovakia và hàng loạt quốc gia phải áp lệnh phong toả. Lượng hàng bán ra tại các cửa hàng của Phở sụt giảm mạnh, doanh thu mất đến 80%. Để ứng phó với hoàn cảnh, Thảo Hương nhanh chóng chuyển sang hợp tác cùng các ứng dụng giao hàng online, công ty bán hàng trực tuyến, cắt giảm chi phí, dừng đầu tư mới, xem xét kết quả công việc của từng tuần. Hiện tại châu Âu đã dần trở lại nhịp sống bình thường, chuỗi nhà hàng Phở của Thảo Hương đang dần phục hồi hoạt động kinh doanh.

    Theo Cafebiz

  • Lê Đại Phát được mệnh danh là "kiếp nạn của thợ làm nail" khi bằng đôi tay của mình, anh có thể sáng tạo ra những mẫu nail sống động tưởng như chỉ được tạo ra từ công nghệ AI.

    Thật khó để mọi người có thể tưởng tượng, những bộ nail chị em tô điểm cho đôi tay của mình lại có thể vươn tầm trở thành một bộ môn nghệ thuật với những cuộc thi tầm cỡ thế giới. Và Lê Đại Phát - chàng trai 9x đã khiến tất cả phải thay đổi suy nghĩ về nail - bộ môn nghệ thuật mang tính tỉ mỉ và kiên nhẫn tuyệt đối, khi sở hữu hơn 30 giải thưởng tại các cuộc thi trong và ngoài nước.

    le dai phat nail 1

    Cùng với đó, anh chàng 9x này còn là giám khảo của nhiều cuộc thi trong nước và sáng lập một học viện đào tạo vẽ tranh và nghệ thuật nail, với hàng trăm học viên tham gia. Lê Đại Phát còn sở hữu một kênh TikTok (@phatnail, có hơn 2.1 triệu người theo dõi) chuyên chia sẻ những clip thú vị về các quy trình làm nên một tác phẩm nail nghệ thuật.

    le dai phat nail 1

    Quá khứ 2 lần trượt Đại học Mỹ thuật, từng làm công nhân, mở lớp dạy vẽ với mức lương 700K/tháng

    Đại Phát tâm sự trước khi đến với nail, anh từng 2 lần thi trượt Đại học Mỹ thuật. Do hoàn cảnh khó khăn nên Phát không có điều kiện theo học nữa. "Mình từ bỏ thi đại học và xin đi làm công nhân tại xí nghiệp. Nhưng do quá đam mê vẽ nên chỉ 1 tháng sau là mình nghỉ việc. Mình đã lấy toàn bộ tiền lương (thời điểm đó là 3 triệu đồng) để mua dụng cụ vẽ, sau đó tự học tại nhà" - Đại Phát chia sẻ.

    le dai phat nail 1

    le dai phat nail 1

    Sau một thời gian đóng cửa tự học tại nhà thì tay nghề của Phát tiến bộ hơn. Phát bắt đầu mở những lớp dạy vẽ nhỏ lẻ và nhận dạy tận nhà cho các chị học làm nail để nâng cao tay nghề. "Mỗi lần đi dạy mình phải đi xe bus 2 - 3 chặng từ Củ Chi xuống tận Gò Vấp. Mà học phí lúc ấy chỉ 700 - 900K/tháng, không đủ tiền đi lại" - Đại Phát tâm sự.

    Chàng trai tài hoa này chia sẻ, khó khăn nhất đối với Phát là hoàn cảnh. Phát không có điều kiện để theo học trường lớp bài bản, tất cả đều tự học, tự mày mò nên mất rất nhiều thời gian.

     nail 5

     nail 5

    "Mình đam mê hội họa. Và bây giờ khi làm và dạy nail mình vẫn đam mê hội họa. Lúc trước mình không thích công việc làm nail. Nhưng có thể vì cuộc sống quá khó khăn, mình chọn học và làm nail để kiếm thêm thu nhập. Suy cho cùng, mình thấy làm nail cũng không khác gì hội hoạ, nên mình quyết định theo đuổi công việc này đến tận bây giờ.

    Với công việc sáng tạo nail, mình cũng tự tìm tòi, tự học, không qua bất kỳ trường lớp hay thầy cô nào. Có lẽ do mình cũng biết chút về mỹ thuật, hội họa nên khi chuyển qua nail, mình chỉ cần thay đổi dụng cụ thôi".

    Từ một chàng trai làm nail bị gán mác "giới tính thứ 3" đến "kiếp nạn của thợ làm nail"

    Khi bắt tay vào hành trình học và sáng tạo nail, Phát từng nhiều lần bị gán mác "giới tính thứ 3" vì bộ môn này phần lớn là dành cho phái đẹp và những người yêu thích sự cầu kỳ, hoa mỹ. Là nam giới, lại làm nail nên không ít lần Phát bị hiểu lầm về giới tính của mình.

     nail 5

    le dai phat nail 1

    Nghề làm nail cần có độ tỉ mỉ và kiên nhẫn rất cao, khi bắt tay vào thực hiện một sản phẩm, người thợ không được để mình phân tâm, sự tập trung phải dồn vào đôi tay của mình. Vậy nên Phát bỏ ngoài tai tất cả những hiểu lầm không đáng có ấy để dốc hết tâm sức cho công việc và đam mê của mình.

    Mọi người sẽ thấy quen thuộc nhất là những bộ nail trơn, hay được vẽ và úp móng cẩn thận phục vụ cho nhu cầu làm đẹp thường ngày hoặc cầu kỳ hơn là để trình diễn. Nhưng với nghệ thuật nail lại là một "phương trời" khác. Những bộ nail được sáng tạo mang tính nghệ thuật nhiều hơn, đó được coi là một tác phẩm hội họa và giờ đây bộ môn này được gọi là Nail Art vươn tầm thế giới với những cuộc thi danh giá.

     nail 5

     nail 5

    Trên kênh TikTok của Đại Phát, anh chia sẻ rất nhiều clip vẽ móng với đủ các công đoạn để tạo nên một bộ nail cầu kỳ, phức tạp. Câu nói quen thuộc nhất của Phát luôn là "biết cách là làm được thôi", nhưng thực tế không phải chỉ một hai bước đơn giản là có thể tạo nên một bộ nail hoàn chỉnh.

    Mọi người dành cho Phát danh xưng "kiếp nạn của thợ làm nail", khi ngay cả người trong nghề nhìn bộ nail của Phát cũng không thể "bắc chước" hay khi khách hàng lấy sản phẩm của Phát làm mẫu cũng khiến thợ làm nail phải bó tay.

    Người đầu tiên có thể "hiện thực hóa" những mẫu nail tưởng như chỉ được tạo ra từ công nghệ AI

    Khi công nghệ AI phát triển, rất nhiều những sản phẩm hội họa được ra đời chỉ bằng vài cú "click chuột". Lướt 1 vòng trên kênh TikTok của Đại Phát, bạn sẽ bắt gặp rất nhiều mẫu nail cầu kỳ mà nếu chỉ nhìn qua ai cũng tưởng là sản phẩm của AI. "Mình chỉ nghĩ đơn giản thôi, nếu không hiểu về công nghệ thì mình sẽ tìm cách làm được nó bằng chính đôi tay của mình. Thực tế cũng không phải điều gì quá ghê gớm như mọi người nghĩ" - Đại Phát chia sẻ.

    Từ những mẫu nail nắn nót đến từng đường cọ, đến mẫu pha lê độc lạ... tất cả đều được thổi hồn qua đôi bàn tay của Đại Phát. Đặc biệt, anh chàng cũng không ngại bị "bắt bài" hay học lỏm khi đăng tải toàn bộ công đoạn sáng tạo nail của mình.

    "Những đoạn clip chỉ 1 phút nhưng thực tế để thực hiện một bộ nail có thể mất đến vài ngày, riêng những mẫu nail thi đấu của Phát có thể mất đến 2 - 3 tháng để làm. Nếu mọi người có thể học được từ video của Phát, đó thật sự là một điều tốt. Vì Phát luôn muốn chia sẻ những điều mình biết để giúp mọi người hiểu hơn về bộ môn nail nghệ thuật này và mình cũng muốn góp phần giúp nghề nail của Việt Nam ngày càng phát triển" - Đại Phát tâm sự.

    le dai phat nail 1

    Nghề làm nail không chỉ phục vụ chuyện đi nước ngoài để đổi đời

    Có một sự thật, ngoài việc thỏa mãn đam mê hay có thêm một công việc trang trải cuộc sống, không ít người học làm nail để đi nước ngoài với ước mong được đổi đời. "Phát theo nghề cũng được 8 năm rồi. Mình không phủ nhận chuyện có nhiều người học làm nail để đi nước ngoài. Nhưng đó không phải là tất cả. Ngành nghề nào cũng vậy, chỉ cần có tay nghề tốt thì đối với Phát dù ở Việt Nam hay nước ngoài mình đều có thể thành công. Quan trọng nhất vẫn là vững tay nghề, vì không phải ai ở nước ngoài cũng có thể đổi đời được" - Đại Phát chia sẻ.

    le dai phat nail 1

    "Phát nail" hay "Phát tạp hóa": Làm đủ thứ trên đời với kích thước chỉ bằng đầu ngón tay

    Không chỉ là một nghệ nhân nail nổi tiếng, Lê Đại Phát còn được dân tình biết đến với kênh "Phát tạp hóa" chuyên nặn đủ thứ đồ vật trên đời. Từ mỳ gói, bánh tráng trộn, hộp chân gà xả tắc, đến quả sầu riêng gai góc... với hình dáng chỉ bằng đầu ngón tay nhưng nhìn không khác gì thực tế. 

    Thậm chí gói mỳ mà Phát làm ra còn đầy đủ cả gói gia vị, gói dầu, từng sợi mì được làm sống động như thật kèm cả trứng rán ngon lành khiến ai nhìn cũng phải trầm trồ trước sự khéo léo của anh chàng đa tài này.

    Đoạn clip chỉ 1 phút nhưng thực tế, để nặn một món đồ Phát phải mất 1 - 2 tuần thực hiện. Chính bởi size chỉ bé bằng đầu ngón tay nên đòi hỏi sự tỉ mỉ và tập trung và kiên nhẫn cao độ. Với những loại hoa quả như mít, sầu riêng, chôm chôm... Phát còn nắn nót làm từng cái gai nhìn không khác gì quả thật. 

    le dai phat nail 1

     nail 5
    Lê Đại Phát nặn quả chôm chôm "tin hin".

     nail 5

     nail 5
    Một quả trứng vịt lộn qua bàn tay khéo léo của Lê Đại Phát.

    Và nếu chỉ nhìn qua, rất khó có thể phân biệt được đâu là thật, đâu là thực tế mỗi khi nhìn vào sản phẩm mà Đại Phát làm ra. Điều duy nhất dân tình có thể phân biệt có lẽ là kích thước siêu nhỏ của những món đồ ấy mà thôi.

    le dai phat nail 1

    le dai phat nail 1

    le dai phat nail 1

    le dai phat nail 1

    Theo Afamily

  • DENVER, Colorado (NV) – Đề án hàng không vũ trụ Space for Humanity vừa loan báo sẽ tài trợ cho Amanda Nguyễn để du hành lên không gian, tổ chức này công bố hôm Thứ Hai, 25 Tháng Ba.

    “Tôi rất mừng vì được hợp tác với Space for Humanity, không chỉ vì họ giúp đỡ tôi mà còn vì tầm nhìn và giá trị mà họ đem lại. Cùng nhau, chúng tôi cam kết thay đổi cách tất cả chúng ta suy nghĩ về vũ trụ, về mỗi người chúng ta và về tương lai của nhân loại. Tôi rất mong chờ hành trình khám phá vũ trụ cũng như hành trình mà chúng ta tiếp tục hướng tới một tương lai rạng rỡ và tốt đẹp hơn,” Amanda Nguyễn nói.

    AmandaNguyen space 1536x1092
    Amanda Nguyễn trên đường vào vũ trụ với sự hỗ trợ của Space for Humanity (Hình: Amanda Nguyễn cung cấp)

    Amanda Nguyễn là chuẩn mực của tinh thần và tham vọng của Đề Án Phi Hành Gia Công Dân của Space for Humanity, tổ chức này cho biết. Cô là một nhà hoạt động dân quyền kiêm nhà sáng lập Rise, được biết đến với công việc về Đạo Luật Quyền Của Nạn Nhân Bị Tấn Công Tình Dục và vận động cho quyền của Người Mỹ Gốc Á. Cô từng được đề cử giải Nobel Hòa Bình và Người Phụ Nữ Của Năm 2022 do Tạp Chí TIME bình chọn.

    Amanda Nguyễn sẽ du hành vào vũ trụ trên phi thuyền Blue Origin New Shepard và trở thành người phụ nữ gốc Việt đầu tiên bay vào vũ trụ.

    Giám Đốc Điều Hành Space for Humanity, Antonio Peronace nói: “Space for Humanity rất tự hào khi được hợp tác và hỗ trợ chuyến du hành vũ trụ của Amanda Nguyễn. Chuyến đi kỳ thú của cô sẽ là một tấm gương sáng ngời cho rất nhiều người khác.”

    Peronace nói tiếp: “Là một tổ chức cam kết dân chủ hóa không gian và giúp mọi công dân trên thế giới có thể biết tới chúng tôi, Space for Humanity tự hào rằng Amanda Nguyễn và hành trình của bà đại diện cho sức mạnh, say mê và sự xuất chúng mà chúng tôi muốn tiếp tục đưa lên tầm cỡ mới.”

    Space for Humanity là tổ chức bất vụ lợi vận hành Đề Án Phi Hành Gia Công Dân nhằm gửi những người được tuyển mộ kỹ lưỡng, chịu tác động của mọi tầng lớp xã hội, du hành vào không gian để tìm hiểu “hiệu ứng tổng quát,” một sự thay đổi về nhận thức có được nhờ quan sát Trái Đất nhìn từ ​​không gian.

    Space for Humanity đưa ra chương trình huấn luyện chuyên môn cho các Phi Hành Gia Công Dân để khi trở về Trái Đất, họ có thể đóng vai trò là nhà lãnh đạo và đại sứ toàn cầu, cam kết truyền cảm hứng cho một ngày mai sáng sủa hơn, xán lạn hơn cho nhân loại.

    Theo Người-Việt

  • Mới đây, triển lãm Hành trình thời trang xanh đã diễn ra tại Trung tâm triển lãm thuộc Đại học London South Bank (LSBU) ở London (Anh), giới thiệu bộ sưu tập thời trang từ cây gai xanh của nhà thiết kế Lan Hương, thu hút sự quan tâm của khán giả và truyền thông sở tại. 

    thoi trang ben vung 1
    Không gian mô phỏng bản ghi chú chất liệu và sáng tạo của nhà thiết kế và các mẫu áo dài sử dụng chất liệu gai xanh. Ảnh: TTXVN

    Theo phóng viên TTXVN tại London, triển lãm là một phần trong dự án nghiên cứu của Tiến sĩ Trần Mai Khanh, giảng viên và nhà nghiên cứu về marketing tại LSBU, do Hiệp Hội Nghiên cứu Marketing và Marketing Trust tài trợ. Tiến sĩ Mai Khanh là người Việt Nam đầu tiên và là 1 trong 7 nhà nghiên cứu trên toàn Vương quốc Anh nhận được tài trợ dự án từ hai tổ chức uy tín về marketing này.

    Hành trình thời trang xanh trưng bày các mẫu thiết kế sử dụng chất liệu gai xanh của nhà thiết kế thời trang Lan Hương, giới thiệu lịch sử và những ứng dụng từ cây gai xanh trong đời sống, mang đến quan điểm đa chiều về vật liệu bền vững và thời trang "thức tỉnh". Triển lãm kết hợp hài hòa thời trang với hội họa, âm nhạc, nghệ thuật sắp đặt, nghệ thuật thị giác, gây ấn tượng và tạo kết nối giữa khán giả với thời trang xanh và tiêu dùng bền vững.

    thoi trang ben vung 1
    Góc triển lãm trưng bày các mẫu thiết kế nổi bật sử dụng chất liệu gai xanh. Ảnh: TTXVN

    Tiến sĩ Trần Mai Khanh cho biết triển lãm sử dụng ý tưởng không gian là những bản phác thảo và ghi chú của nhà thiết kế Lan Hương trong quá trình tìm và lựa chọn chất liệu, phát triển thiết kế từ sợi gai xanh để kể câu chuyện về hành trình gai xanh từ nông trại đến ngành thời trang cao cấp và vươn ra các lĩnh vực khác trong cuộc sống. Cách xây dựng và sắp xếp không gian triển lãm nhằm mang đến cho người xem trải nghiệm về quá trình sáng tạo, khám phá những chi tiết không thể thấy trên sàn diễn, đồng thời lồng ghép khéo léo các thông tin về chất liệu, lịch sử hình thành và ứng dụng của cây gai xanh.

    Là nhà nghiên cứu về marketing, Tiến sĩ Mai Khanh chia sẻ, thời trang xanh là lĩnh vực được quan tâm trong marketing bền vững. Ngành công nghiệp thời trang đang tạo ra 8 - 10% lượng CO2 trong bầu khí quyển, nhiều hơn lượng CO2 thải ra từ các chuyến bay quốc tế và vận chuyển đường biển gộp lại.

    Tiến sĩ Khanh mong muốn triển lãm sẽ góp phần nâng cao nhận thức về thời trang xanh và tiêu dùng bền vững, đồng thời giới thiệu văn hóa và thời trang Việt Nam tới bạn bè Anh.

    thoi trang ben vung 1
    Tiến sĩ Trần Mai Khanh (áo xanh) giới thiệu với người xem về cách tiếp cận chất liệu trong thời trang bền vững. Ảnh: TTXVN

    Diễn ra từ ngày 19 - 23/3, Hành trình thời trang xanh thu hút trên 1.000 lượt khách tham quan đến từ những thành phố thiên về nghệ thuật và sáng tạo như London, Birmingham, Bournmouth, là những người hoạt động trong ngành thời trang, nghiên cứu, bảo tàng, kỹ thuật, kinh doanh. Triển lãm cũng được truyền thông sở tại đưa tin với những phản hồi tích cực.

    Bà Florence Okoye, Trưởng nhóm thiết kế, Bảo tàng lịch sử tự nhiên ở London, cho biết rất ấn tượng với Hành trình thời trang xanh, một triển lãm đẹp và thông minh, có yếu tố lịch sử, sử dụng chất liệu tự nhiên kết hợp với ứng dụng, nghệ thuật, mang đặc trưng văn hóa và thời trang xanh của Việt Nam, đồng thời đưa ra thông điệp về phát triển bền vững. Bà cho biết sẽ trao đổi với các đồng nghiệp để đưa triển lãm này vào một nội dung của Bảo tàng lịch sử tự nhiên.

    thoi trang ben vung 1
    Góc triển lãm giới thiệu ứng dụng của gai xanh trong nhiều lĩnh vực đời sống. Ảnh: TTXVN

    Theo Tiến sĩ Khanh, việc đưa được Hành trình thời trang vào một bảo tàng lớn như Bảo tàng lịch sử tự nhiên sẽ là một thành công của dự án, góp phần chuyển tải thông điệp về thời trang bền vững của Việt Nam tới bạn bè Anh và quốc tế.

    Tiến sĩ Khanh hy vọng dự án này sẽ là điểm khởi đầu cho nhiều nghiên cứu và dự án đưa thời trang xanh và các đột phá công nghệ của Việt Nam đến với thế giới. Cuối năm nay, Tiến sĩ Khanh sẽ phối hợp với trường Đại học Công Nghệ Tokyo, Nhật Bản, tổ chức triển lãm Zen Studio-Hành trình chữa lành, cũng sử dụng phương pháp nghệ thuật trong marketing bền vững và hướng đến thời trang "thức tỉnh" và lối sống chữa lành.

    Theo TTXVN