• Từ một cô gái tự ti vì ngoại hình thấp lùn, kém xinh, kém ngoại ngữ, chị Phương Thy (39 tuổi) nay đã trở thành phụ nữ Việt thành đạt tại Mỹ với một tổ ấm hạnh phúc.

    Với vóc dáng bé nhỏ và xấu xí, từ nhỏ, chị Phương Thy (39 tuổi – TP.HCM) luôn phải sống khép mình trong thể giới của những “chú vịt”. Chị chưa bao giờ dám nghĩ đến câu chuyện có một tình yêu đẹp như bao cô gái khác. Thế rồi, vào ngày định mệnh, chính mẹ ruột đã se duyên cho cô con gái xấu xí với một người lính Mỹ già vừa cao vừa to.

     Đám cưới chị Thy được diễn ra tại Mỹ với sự có mặt của gia đình chú rể Robert.

    Tình yêu của 2 con người chẳng có gì là của nhau phát triển theo đúng quy luật. Dù ở cách nhau nửa vòng trái đất, ngôn ngữ khác biệt nhưng họ vẫn yêu thương, nguyện cho đi tình cảm chân thành trong trái tim.

    Tình yêu với những bức thư mẹ viết hộ

    Kể về mối tình thứ 2, chị Phương Thy hào hứng nhớ lại: "Tình cờ, một người bạn định cư ở Mỹ đã nhờ mẹ tôi giới thiệu cho bạn thân của họ (anh Robert A. Hart người Mỹ - PV) một cô gái ở Việt Nam để trò chuyện, tâm sự. Khi đó, mẹ đã giới thiệu chính tôi cho người đàn ông ấy với mong muốn con gái có thể trau dồi thêm trình độ tiếng Anh và thêm bạn mới”.

    Chị Thy và chồng, anh Robert.

    Cô gái gốc Sài Gòn và người đàn ông Mỹ bắt đầu làm quen từ tháng 7/2000 thông qua những email ngắn. Đặc biệt, vì không thành thạo ngoại ngữ, chị phải nhờ mẹ giúp đỡ bằng cách viết tiếng Việt, sau đó, mẹ dịch ra tiếng Anh và gửi cho Robert. Mỗi ngày, họ trao đổi khoảng 2 bức thư. Thi thoảng, Robert có gọi về nói chuyện và mẹ của Thy chính là người thông dịch giúp cả hai.

    Chị Thy tâm sự: “Mẹ tôi là người rất giỏi tiếng Pháp và từng làm thông dịch. Sau đó, mẹ đi học thêm tiếng Anh. Dần dần, mẹ thành thạo 2 thứ tiếng nước ngoài, đi dạy thêm nhiều ở các trường ĐH sau giải phóng. Nhờ đó, mẹ mới có thể là cầu nối giúp tôi và Robert nói chuyện hàng ngày”.

     Bức hình cưới của chị Phương Thy và chàng lính Mỹ hơn 12 tuổi.

    3 tháng miệt mài email qua lại, anh Robert quyết định tới Việt Nam thăm chị Thy và gia đình. Chị kể, những gì biết về Robert chỉ đơn thuần là một người lính Mỹ, hơn 12 tuổi và rất to béo. Vì vậy, chị không mường tượng được tính cách của anh ra sao. Tuy nhiên, lần đầu gặp anh tại sân bay Tân Sơn Nhất, những băn khoăn trong chị đã được giải đáp.

    “Quả thực, anh ấy mập và to lớn quá! Tôi nhìn cảnh lệ khệ kéo vali mà thương xót. Thấy tôi, anh đã chạy lại gần ôm trọn vào lòng – cái ôm chứa đựng sự chân thành, thật thà. Khi ấy, cơ thể anh toát ra một mùi thơm dịu nhẹ khiến tôi như chết ngất, nguyện trao hết tình cảm trong trái tim”, chị Thy xúc động.

    5 ngày ở Sài Gòn, chị Thy đưa Robert đi dạo khắp thành phố và ăn những món đặc sản. Với chừng ấy thời gian đủ để người lính Mỹ cảm nhận được tính cách dễ thương, tốt bụng của cô gái Sài thành bé nhỏ.

    Cái kết ngọt của tình yêu “ảo”

    Sau khi Robert trở về đất Mỹ, cặp đôi tiếp tục liên lạc, tâm sự qua email. Vì vậy, vốn từ vựng của chị Thy ngày càng khá hơn nhưng để viết những lời bày tỏ tình cảm, chị vẫn nhờ đến người mẹ.

    Một năm sau lần đầu gặp mặt, anh Robert quyết định về Việt Nam làm thủ tục kết hôn với chị Thy. Để đưa ra quyết định theo người đàn ông lạ đến xứ người, chị Thy băn khoăn, lo lắng rất nhiều.

    Chị bảo, chị chưa bao giờ đi xa Sài Gòn nên không biết cuộc sống sẽ ra sao, huống chi đó là một đất nước xa xôi hàng vạn dặm. Hơn nữa, chị chưa thực sự hiểu hết con người của Robert. Chị sợ khi đã qua Mỹ, Robert sẽ bộ lộc bản chất thật hoặc thay đổi, không còn yêu thương chị.

    Cuối cùng, chính tình yêu mãnh liệt xen sự chân thành đã giúp chị Thy vượt qua mọi rào cản tâm lý. Chị quyết định đánh liều số phận với chàng lính Mỹ nhiều tuổi. “Ngày cưới, mẹ tôi chỉ làm mấy mâm mời họ hàng, làng xóm sang chung vui coi như báo hỉ. Không ít người đã cười nhạo, mỉa mai gia đình tôi ham giàu gả con cho Tây. Tôi biết mẹ có buồn nhưng bà chấp nhận bỏ qua và mong tôi sống hạnh phúc bên Robert”, chị Thy nghẹn ngào.

    Tháng ngày mới đặt chân lên xứ người, chị Thy gặp vô vàn khó khăn về ngôn ngữ và văn hóa. Chị cho biết, có những lúc, chị nói hoặc ra hiệu mà ông xã và bố mẹ chồng không hiểu. Chị đành đánh vần từng chữ cái để họ có thể hiểu hàm ý câu nói của chị. May mắn, bố mẹ chồng chị khá tâm lý với con dâu nên làm đủ việc để chị thoải mái và không có cảm giác lạc lõng, cô đơn như đưa đi mua sắm, tìm lớp học tiếng Anh,…

    Bên cạnh ngôn ngữ bất đồng, chị Thy còn gặp khó khăn về văn hóa khác biệt. “Ở Mỹ, họ hay khen để động viên tinh thần. Nhưng, tôi không hiểu, có gì nói đó nên nhiều khi lỡ lời khiến anh chị em trong gia đình buồn. Về nhà, ông xã nhắc khéo mới biết cách rút kinh nghiệm lần sau. Ngoài ra, tôi đi mua đồ cũng cần học cách xếp hàng đợi, không chen lấn…”, chị Thy cho hay.

     Sau thời gian chung sống, họ đã có 2 nhóc tỳ đáng yêu: bé Samuel (12 tuổi) và Mai Ann (6 tuổi).

    Cuộc hôn nhân đầy viên mãn

    Chăm chỉ học thêm tiếng Anh, vốn từ vựng của chị Thy ngày một nhiều. Chị được mẹ chồng giới thiệu vào một công ty địa ốc. Sau 6 năm, chị đã xin vào cơ quan nhà nước với mức lương cao hơn. Hiện tại, chị đang làm quản lý hồ sợ trợ cấp cho các gia đình trong thành phố Oklahoma.

    Trong thời gian làm tại công ty địa ốc,  chị Thy biết nắm bắt cơ hội kinh doanh. Năm 2002, vợ chồng chị mua căn nhà theo suất lính của chồng. Theo đó, số tiền được trả trong 30 năm, nhưng 7 năm họ đã trả nợ xong. Căn thứ 2 cũng được vay theo dạng này, trả trong 15 năm nhưng 3 năm sau đã là chủ sở hữu.

    Năm 2006, chị Thy tiếp tục đứng tên 2 căn nhà khác. Mỗi căn có diện tích khoảng 200m vuông và đang cho thuê. “Trước kia, tôi luôn mong muốn gia đình được sống trong một ngôi nhà đầy đủ tiện nghi nhưng quá đỗi xa vời. Giờ làm chủ 4 căn hộ hàng trăm mét vuông ở Mỹ như một giấc mơ vậy!”, chị Thy tâm sự.

     Robert là người chồng, cha đảm, luôn dành thời gian quan tâm, chăm sóc các con giúp chị Thy.

    Cảm nhận được sự vất vả của vợ, anh Robert dành hết phần việc chăm sóc 2 con:  bé Samuel (12 tuổi) và Mai ann (6 tuổi). Hàng ngày, anh đưa đón các con đi học vẽ, học bơi, đá bóng,… Về nhà, anh tắm rửa cho các con, chăm từng bữa ăn, giấc ngủ.

     “Robert là một người đàn ông tốt và biết yêu thương vợ con. Anh tuyệt nhiên không cho bọn trẻ làm phiền tôi khi ngủ. Thậm chí, anh còn chia sẵn thuốc bổ rồi bỏ vào túi trước khi tôi ra khỏi nhà. Thi thoảng, anh viết thư tình cho tôi để gợi nhớ tới thời còn yêu nhau, hâm nóng tình cảm vợ chồng”, chị Thy kể.

    Gần 20 năm “đầu gối tay ấp”, chị Thy được hưởng trọn tình cảm của chàng lính Mỹ năm ấy và sống rất hạnh phúc. Chị bảo, chị đã se duyên cho nhiều cặp đôi ở Việt Nam và Mỹ giống ngày mẹ ruột giúp cô đến với Robert. Trong tương lai, chị sẽ cố gắng vun đắp tình cảm cho nhiều người hơn nữa!

     Gia đình hạnh phúc của chị Thy vui mừng đón Tết Nguyên đán tại Mỹ.

    Viethome (theo Khám Phá)

  • Chào các bạn, tôi là Naomi Skinner, đến từ South East England, Vương quốc Anh. 

    Tôi đang đặt mục tiêu trở thành người đầu tiên chạy bộ từ Hà Nội vào thành phố Hồ Chí Minh. Bên cạnh việc kết bạn và học hỏi về Văn hóa Việt Nam, tôi mong muốn quyên góp để giúp đỡ cho những trẻ em nghèo được đi học và giúp phụ nữ sống tốt hơn. Trong suốt chuyến đi này, tôi sẽ ghé thăm các trường học và quỹ từ thiện ở VN. 

    Chuyến đi của tôi 100% là tự túc, những khoản quyên góp của các bạn sẽ được chuyển thẳng tới các quỹ từ thiện.

    Thật đáng buồn khi ở VN, trẻ em sẽ không thể đi học ở trường công nếu không có giấy khai sinh. Những quỹ từ thiện mà tôi tham gia, đang làm việc không ngừng nghỉ để giúp đỡ các trẻ em đường phố, trẻ mồ côi và những gia đình nghèo, nhằm hỗ trợ họ có được các giấy tờ cần thiết để đến trường. Những tổ chức này cũng cung cấp môi trường học tập an toàn, lành mạnh và vui vẻ cho các em, bên cạnh các hỗ trợ về chăm sóc y tế. 

    Tôi là một giáo viên tiểu học và đã đi dạy ở nhiều nơi trên khắp thế giới trong suốt 13 năm qua. Tôi tin rằng mỗi trẻ em đều có quyền học tập để đảm bảo một tương lai tươi sáng cho chính các em và gia đình. 

    Chuyến đi của tôi sẽ bắt đầu vào tháng 10/2019 và kết thúc vào tháng 3/2020. Hy vọng các bạn quan tâm có thể quyên góp vào các quỹ từ thiện mà tôi lựa chọn, theo địa chỉ này: https://www.gofundme.com/nam-runs-nam

    Xin chân thành cảm ơn các bạn, hãy cùng đồng hành với tôi qua blog www.namrunsnam.com nhé. 

    Viethome

  • Theo gia đình tới Australia lúc 9 tuổi, David Chiem không biết một chữ tiếng Anh nào và chẳng hiểu cô giáo nói gì khi đi học.

    Năm 1978, anh David Chiem cùng bố mẹ và hai chị gái rời Rạch Giá, Việt Nam đến Australia. Hầu như không còn của cải gì mang theo, bố mẹ anh tìm việc làm công nhân trong nhà máy còn cậu con trai 9 tuổi vào học một trường ở ngoại ô Sydney.

    Anh David Chiem

    "Tôi không nói được một từ tiếng Anh nào, dù là hello", anh kể. "Tôi vẫn nhớ ngày đầu tiên vào lớp. Khi cô giáo hỏi, tôi ngơ ngác vì không hiểu gì và chẳng biết trả lời sao. Lúc ấy, có một bạn gái trong lớp tiến tới chỗ tôi và nói bằng tiếng Việt: 'Cô giáo hỏi cậu tên là gì đó. Đồ ngốc!'. Tôi đã rất sốc". 

    Theo Straitstimes, từ giây phút đó, David Chiem đã quyết tâm học thật giỏi để không ai gọi mình như thế nữa. Năm học đó, anh đứng đầu lớp. Vài năm sau, anh trở thành học sinh đầu tiên của trường giành được giải thưởng về tiếng Anh, toán và nghệ thuật trong hệ thống trung học khu vực.


    David Chiem (mặc áo xám ngồi giữa) khi đóng vai chính trong phim truyền hình Australia. Ảnh: Straitstimes.

    Là gia đình coi trọng sự giáo dục, bố mẹ Chiem đã động viên và tạo điều kiện cho con cố gắng học tập. "Cha mẹ tôi luôn nói rằng có một thứ không ai có thể cướp được của mình, đó là học thức", anh kể lại.

    Bố mẹ Chiem định hướng cho anh theo đuổi ngành y nhưng khi anh 13 tuổi, một sự việc xảy ra đã làm thay đổi hoàn toàn quỹ đạo dự định đó. 

    Một lần, chị gái Chiem nghe đài phát thanh Australia thông báo đang tìm một cậu bé châu Á, có khả năng bơi lội, tầm 13-14 tuổi, làm diễn viên cho một bộ phim truyền hình dài tập. Người chị nói đùa rằng Chiem đến dự tuyển biết đâu trúng. Đêm đó, khi đi ngủ, Chiem nghĩ về cơ hội này và trong đầu anh tự hỏi - tại sao không?

    Cuối cùng, đánh bại cả ngàn đối thủ, Chiem đã được chọn làm diễn viên chính trong phim Butterfly Island và xuất hiện trên màn hình TV khắp thế giới. Cậu bé vào vai một người tị nạn bước vào cuộc sống của một gia đình đang chật vật điều hành một khu nghỉ dưỡng trên đảo. Cũng nhờ khoản thù lao đóng phim này, Chiem giúp bố mẹ mở được một sạp vải nhỏ và sau đó phát triển lên thành vài cửa hàng lớn.

    Sau lần đóng phim, được truyền cảm hứng từ sức mạnh của nghệ thuật điện ảnh, anh đã viết kịch bản cho một số chương trình khác. Rồi anh chia sẻ với bố mẹ rằng mình sẽ không trở thành bác sĩ mà chọn nghiên cứu về làm phim và diễn xuất. 

    "Tôi biết ơn bố mẹ vì đã luôn tạo cơ hội để tôi được theo đuổi giấc mơ của mình", Chiem chia sẻ.


    David Chiem và các học sinh trường MindChamps. Ảnh: The Sundaytimes.

    Theo News, trong những ngày đầu học tại trường phát thanh và truyền hình, điện ảnh Australia, Chiem đã gây bất ngờ khi đứng trước trường nói với các sinh viên mới rằng trong khi hàng triệu người có tài năng, chỉ việc nỗ lực học hỏi, nghiên cứu mới giúp họ thực sự tỏa sáng.

    Và anh cho rằng quy tắc này cũng áp dụng cho giáo dục. Anh tâm đắc với ý tưởng rằng có một phương pháp khác để giáo dục bên cạnh mô hình học vẹt và bắt chước, đó là giúp học sinh hiểu về nghệ thuật và các kỹ năng của việc làm thế nào để học và tập trung tâm trí.

    "Mặc dù bản thân học tốt ở trường, tôi luôn tò mò tự hỏi tại sao rất nhiều sinh viên không thích học và học không tốt - đó không phải vì họ kém thông minh mà bởi việc học không thu hút tâm trí họ", anh nói.

    Năm 1998, Chiem thành lập MindChamps ở Sydney - một tổ chức giáo dục sớm về học tập đột phá dựa trên các chiến lược xây dựng từ các nghiên cứu về khoa học thần kinh, tâm lý, giáo dục và sân khấu.

    Năm 2002, anh đưa MindChamps tới Singapore vì cho rằng đây là nơi giao thoa giữa phương Đông với phương tây và có tiêu chuẩn giáo dục cao. Từ đó tới nay, MindChamps luôn là hệ thống giáo dục mầm non hàng đầu ở Singapore.

    Hiện tại, MindChamps phát triển thành công ty trị giá 18,7 triệu đôla, có 11 trung tâm giáo dục ở bang New South Wales và dự định mở rộng hoạt động tại tất cả các bang ở Australia thông qua mô hình mua lại và nhượng quyền kết hợp. 

    Chiem cũng đã viết 7 cuốn sách và được công nhận là Doanh nhân tiêu biểu tại Giải thưởng các doanh nhân châu Á Thái Bình Dương năm 2010.

    VietHome (Theo VnExpress)

  • Không làm việc theo ngành nghề mình bỏ công suốt bao năm đèn sách vốn dĩ không có gì lạ. Nhưng xếp lại tấm bằng thạc sĩ, bỏ giấc mộng trở thành thầy giáo dạy toán ở đại học để đi… nuôi gà gửi về Việt Nam bán thì quả là không mấy ai nghĩ đến.

    “Hồi đó, giá ship một con gà kiểng về Việt Nam là $250, trong khi giá vốn mua gà và làm các thủ tục giấy tờ ở đây chỉ khoảng $80, cộng với chi phí làm thủ tục hải quan, kiểm tra y tế bên phía Việt Nam khoảng $40-45 nữa. Tiền lời ship một con gà như vậy là rất cao. Năm 2012, tôi bắt đầu nhận chuyển gà về Việt Nam,” Tuấn Nguyễn, thạc sĩ Toán nuôi gà kiểng ở Mỹ xuất về Việt Nam, bắt đầu câu chuyên đặc biệt của mình.


    Anh Tuấn Nguyễn, ở Riverside, Nam California, bỏ dở giấc mơ dạy học, đi nuôi gà xuất về Việt Nam. 

    Bỏ nghiên cứu toán, chuyển sang nghiên cứu… gà

    Sinh ra và lớn lên ở Bến Tre, từ nhỏ, Tuấn đã theo ông nội và ba chơi gà kiểng, rồi trở nên đam mê thú vui này. Năm 20 tuổi, Tuấn cùng gia đình sang Mỹ định cư. Cuộc sống mới với bao lo toan khiến anh không còn thời gian theo đuổi sở thích của mình. Hơn nữa, anh nghĩ rằng ở Mỹ không có ai chơi gà kiểng như ở Việt Nam.


    Anh Tuấn Nguyễn cho gà ăn tại trại gà mới ở Riverside.

    Tuấn vào California State University, Long Beach, học chuyên ngành toán. Sau khi xong bằng đại học bốn năm, anh ghi danh học thạc sĩ (master) với mong muốn trở thành thầy giáo dạy toán ở bậc đại học.

    Năm 2010, gia đình anh chuyển từ Orange County về Riverside sinh sống. Tại đây, một cách tình cờ, Tuấn biết được thú chơi gà kiểng cũng khá phổ biến ở California. Niềm đam mê ngày xưa chợt sống lại. Tuy nhiên, điều thú vị hơn nữa là anh bất ngờ khám phá rằng ở Việt Nam có nhu cầu nhập cảnh gà kiểng từ Mỹ rất lớn. Từ đó, anh nảy ra ý tưởng làm trung gian giữa người nuôi ở Mỹ với người chơi gà kiểng nơi quê nhà.

    Như đã nói ở trên, sau khi trừ đi các chi phí, thì tiền Tuấn kiếm được từ việc gửi một con gà kiểng về Việt Nam được hơn cả trăm dollar. Tuy nhiên, như ông bà nói “vạn sự khởi đầu nan,” thời gian đầu “vào nghề” của Tuấn không hề dễ dàng.


    Gà giống Radio thuần do anh Tuấn Nguyễn nuôi.

    Anh kể: “Hồi đó, tôi phải liên lạc với những người ở bên Việt Nam muốn mua gà Mỹ để hỏi xem họ muốn mua giống gà gì, giò cẳng ra sao, lông, đuôi kiểu gì… Sau khi biết được nhu cầu của họ, tôi phải chạy đến các trại gà ở tận Fresno để tìm gà, chụp hình, gửi về Việt Nam cho khách hàng xem. Nếu họ đồng ý thì tôi sẽ tiến hành mua và ship về cho họ. Cứ mỗi Thứ Ba, tôi phải lái xe 5 tiếng lên Fresno rồi 5 tiếng lái về. Sau khi mua gà, tôi phải cho vào chuồng dưỡng vài ngày rồi đợi đến cuối tuần mới gửi về Việt Nam. Ngoài ra, tôi cũng lên các diễn đàn trên Internet để tự quảng bá cho mình.”

    Tuấn cho biết công sức bỏ ra cũng xứng đáng vì mỗi chuyến “ship” gà như vậy, anh kiếm được đến hơn $1,000.

    Nhận thấy lợi nhuận từ công việc này “khá ngon”, lại sẵn sở thích chơi gà kiểng, Tuấn quyết định tự mình nuôi gà để bán về Việt Nam. Mặc dù sắp tốt nghiệp thạc sĩ toán, anh bỏ ngang, chuyển sang nghiên cứu, tìm hiểu tất cả các khía cạnh của nghề nuôi gà kiểng, từ thức ăn đến di truyền và nhân giống.


    Gà Jap lai Lieper trong trại gà của anh Tuấn Nguyễn

    Năm 2013, Tuấn khởi nghiệp với 20 chuồng gà trên mảnh đất của một người bạn. Công việc ngày càng phát triển, số chuồng gà ngày càng tăng, lên đến 60 rồi 100. Anh phải thuê mảnh đất lớn hơn ở Mira Loma để đáp ứng nhu cầu của mình. Rồi trại gà này, với 288 chuồng, cũng không đủ lớn. Tuấn mua thêm mảnh đất rộng một mẫu ở Riverside từ một người bà con để xây thêm hơn 200 chuồng gà nữa.

    Bí quyết nuôi gà kiểng

    Nói về bí quyết nuôi gà, Tuấn cho biết hai yếu tố quan trọng là giống và thức ăn.

    “Mỗi năm, vào Tháng Mười Một, tôi phải lái xe qua tận miền Đông đến những tiểu bang có nhiều trại gà lớn như Mississippi, Alabama để tìm hiểu xem trại gà nào đang thành công và đang có giống gà gì hay. Sau đó, tôi phải nghiên cứu kỹ từng giống gà để xem có thể lai với giống khác cho ra con gà phù hợp với sở thích của người Việt Nam hay không. Chẳng hạn, người Việt mình thì quan tâm đến vẩy trên chân gà, và thích loại gà có đuôi bằng bằng,” Tuấn cho biết.

    Anh nói thêm: “Làm cái nghề này có thành công hay không là nhờ con gà nọc. Mà kiếm được con gà nọc giỏi là rất khó. Thứ nhất, mình phải bỏ nhiều tiền mới mua được nó. Rồi phải đem về ghép với gà mái để đẻ con. Rồi phải chờ đến hai năm sau mới biết con gà con có giỏi hay không. Nếu gà con giỏi thì coi như tạm thành công. Sau đó, mình phải cố gắng duy trì dòng máu của nó, mà việc này cũng không dễ. Đôi khi cũng nhờ may mắn. Nếu đời con của gà nọc giỏi, mà con của gà con cũng giỏi, thì coi như mình ‘trúng số.’ Có nhiều trại gà chỉ tồn tại được chừng vài năm vì không duy trì được giống gà tốt.”


    Gà thuần Asil anh Tuấn mua từ Alabama. 

    Về thức ăn cho gà, Tuấn mua nhiều loại khác nhau rồi tự pha trộn theo công thức riêng của mình. “Tôi mua khoảng mười mấy loại về tự trộn. Mình làm như vậy thứ nhất là kiểm soát được lượng protein mình cần. Thứ hai là nó rẻ hơn ngoài thị trường. Chẳng hạn một bao thức ăn trộn sẵn 80 pound có giá $21, nếu mua về tự trộn thì chỉ có $16. Ngoài ra, tôi cũng chịu khó lái xe đến các chợ, nhà hàng để lấy rau mà họ bỏ, đem về bổ sung thêm chất xơ cho gà,” Tuấn cho biết.

    Việc chăm sóc hai trại gà với tổng cộng gần 600 con tốn rất nhiều thời gian và công sức của Tuấn vì anh tự thực hiện hầu hết các công đoạn, từ dựng chuồng, làm thức ăn, đến đóng thùng và ship gà. Tuấn hiện có hơn 10 giống gà, gồm những con thuần chủng và những con lai do anh “cản” (tức phối giống). Anh sử dụng hai giống chính là Asil (mua từ Alabama) và Jap (mua từ Ohio) pha vào các giống gà Mỹ như Grey, Kelso, Blueface, Lieper, Albany…

    Theo lời Tuấn, hiện nay, anh là một trong hai người duy nhất ở California ship gà kiểng về Việt Nam. Vào mùa “vắng khách,” từ Tháng Bảy đến Tháng Mười Hai, cứ hai tuần anh ship một lần, mỗi lần từ 60 đến 80 con, trong đó số gà do anh tự nuôi khoảng từ 10 đến 20 con, còn lại là gà giống anh nhận chuyển từ người nuôi ở Mỹ cho khách hàng ở Việt Nam. Vào mùa cao điểm, từ Tháng Giêng đến Tháng Sáu, mỗi tuần có một chuyến.

    Mới đây, Tuấn được thông báo phải đóng cửa trại gà của mình ở Mira Loma vì người chủ đất muốn lấy lại mảnh đất này. Nhưng “trong cái rủi có cái may,” anh đã tìm được một nơi rộng đến năm mẫu ở Riverside để mở rộng đầu tư. Anh dự trù sẽ xây khoảng 400 chuồng và hai dãy chuồng để nuôi gà con.

    Ước mơ hiện nay của Tuấn Nguyễn là trong tương lai, ngoài Việt Nam, anh còn có thể bán gà của mình cho các thị trường lớn như Mexico và Philippines.  

    VietHome (Theo Báo Người Việt)

  • Điểm chung của những người phụ nữ có tầm ảnh hưởng lớn là tinh thần dấn thân, dám nghĩ dám làm, bền bỉ giúp họ vươn lên và thành công trong lĩnh vực của mình.

    Tạp chí Forbes Việt Nam vừa công bố danh sách 50 Phụ nữ ảnh hưởng nhất Việt Nam năm 2019. Đây là lần thứ hai Forbes Việt Nam công bố danh sách này, bao gồm các gương mặt phụ nữ nổi bật trong các lĩnh vực chính trị, kinh doanh, khoa học giáo dục, hoạt động xã hội, truyền thông, nghệ thuật, sáng tạo và thể thao.

     

    "Điểm chung của những người phụ nữ này là tinh thần dấn thân, dám nghĩ dám làm, bền bỉ, giúp họ vươn lên thành công trong lĩnh vực của mình, đồng thời xác lập và khẳng định những giá trị mới với người phụ nữ thời hiện đại", ông Võ Quốc Khánh - Thư ký tòa soạn của Forbes Việt Nam nói.

    Trong lần bình chọn này, kinh doanh vẫn là lĩnh vực đóng góp nhiều gương mặt nhất, với 20 nữ lãnh đạo hàng đầu. Đây cũng là đặc tính của thương hiệu Forbes vốn tập trung vào mảng kinh doanh và kinh tế. So với danh sách trước, có 40% là gương mặt lần đầu tiên có mặt.

    Dưới đây là danh sách 50 phụ nữ ảnh hưởng nhất Việt Nam 2019:

    Lĩnh vực chính trị

    • Nguyễn Thị Kim Ngân

    Ủy viên Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Việt Nam, Chủ tịch Quốc hội Việt Nam

    • Tòng Thị Phóng

    Ủy viên Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Việt Nam, Phó chủ tịch thường trực Quốc hội

    • Trương Thị Mai

    Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Dân vận Trung ương

    • Đặng Thị Ngọc Thịnh

    Phó chủ tịch nước, Ủy viên Trung ương Đảng

    • Nguyễn Thị Kim Tiến

    Bộ trưởng Bộ Y tế

    • Nguyễn Thị Thu Hà

    Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam

    • Nguyễn Thị Hồng

    Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước

    • Bùi Tuyết Minh

    Thiếu tướng, Giám đốc Công an tỉnh Kiên Giang

    • Nguyễn Thị Ngọc Đẹp

    Trung tướng, Cục trưởng Cục Xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ An ninh Tổ quốc.

    * Các danh sách dưới đây được sắp xếp theo thứ tự bảng chữ cái.

    Lĩnh vực kinh doanh

    • Cao Thị Ngọc Dung

    Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Vàng Bạc Đá quý Phú Nhuận PNJ

    • Nguyễn Bạch Điệp

    Tổng giám đốc FPT Retail

    • Trần Thị Đào

    Tổng giám đốc Imexpharm

    • Nguyễn Thị Thanh Huyền

    Tổng giám đốc Công ty May 10

    • Thái Hương

    Nhà sáng lập tập đoàn TH, Tổng giám đốc Ngân hàng Bắc Á

    • Trương Thị Lệ Khanh

    Chủ tịch công ty cổ phần Vĩnh Hoàn

    • Nguyễn Thị Nga

    Chủ tịch BRG

    • Trương Mỹ Lan

    Chủ tịch Vạn Thịnh Phát

    • Mai Kiều Liên

    Tổng giám đốc Vinamilk

    • Trần Thị Lệ

    Tổng giám đốc công ty cổ phần Thực phẩm NutiFood

    • Trần Thị Lâm

    Chủ tịch tập đoàn Hoa Lâm

    • Trần Kim Liên

    Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Vinaseed

    • Lưu Thị Tuyết Mai

    Chủ tịch Mesa

    • Lê Minh Trang

    Tổng giám đốc tổng công ty Thương mại Sài Gòn Satra

    • Nguyễn Thị Phương Thảo

    Chủ tịch thường trực HD Bank, Tổng giám đốc VietJet Air

    • Lê Hồng Thủy Tiên

    CEO IPP

    • Vũ Thị Thuận

    Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Traphaco

    • Hà Thu Thanh

    Chủ tịch Deloitte Việt Nam

    • Nguyễn Thị Mai Thanh

    Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc công ty cổ phần Cơ điện lạnh REE

    • Nguyễn Anh Tuyền

    Tổng giám đốc Sanofi Việt Nam

    Lĩnh vực khoa học giáo dục

    • Phan Thị Hà Dương

    Viện Toán học – Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam

    • Trần Vân Khánh

    Trưởng Bộ môn Bệnh học phân tử, Khoa Kỹ thuật Y học, Đại học Y Hà Nội

    • Trần Thị Lý

    Phó giáo sư, ARC Future Fellow, Khoa Nghệ thuật và Giáo dục, Đại học Deakin, Úc

    • Lê Thị Kim Phụng

    Trưởng phòng Quan hệ đối ngoại, Đại học Bách khoa TP HCM

    • Chu Cẩm Thơ

    Sáng lập, Giám đốc Nghiên cứu và Phát triển POMath

    Lĩnh vực hoạt động xã hội

    • Nguyễn Hương Giang

    Hoa hậu chuyển giới quốc tế 2018 - Miss International Queen

    • Phạm Thị Hương Giang

    Nhà sáng lập quỹ Hỗ trợ & Phát triển Cộng đồng Sống bền vững

    • Hoàng Thị Minh Hồng

    Sáng lập và Điều hành trung tâm Hành động và Liên kết vì môi trường và phát triển - CHANGEVN

    • Nguyễn Thu Thủy

    Sáng lập và bảo trợ trung tâm Nghệ thuật đương đại The Factory

    • Trương Thanh Thủy

    Sáng lập Dự án Sáng kiến Ung thư Muối - SCI

    • Nguyễn Thị Vân

    Đồng sáng lập, Chủ tịch HĐQT Imagtor và Trung tâm Nghị lực Sống

    • Võ Thị Hoàng Yến

    Sáng lập và điều hành trung tâm Khuyết tật và Phát triển - DRD

    Phó chủ tịch Liên Hiệp Hội về người Khuyết tật Việt Nam.

    Lĩnh vực truyền thông xã hội

    • Phạm Thị Hồng Ánh

    Diễn viên, Đạo diễn, Nhà sản xuất phim

    • Trần Ly Ly

    Quyền Giám đốc Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam

    • Trần Thị Bích Ngọc

    Nhà sản xuất phim, Đồng sáng lập chương trình Gặp gỡ Mùa thu

    • Trần Kim Ngọc

    Nhạc sĩ, Sáng lập Trung tâm Âm nhạc và Nghệ Thuật Thể Nghiệm Đom Đóm

    Khởi xướng và Tổ chức Liên hoan nhạc mới Hanoi New Music Festival tại Việt Nam

    • Nguyễn Thu Trang

    Nhà báo, Trưởng đại diện Báo Phụ nữ TP HCM tại Hà Nội

    • Nguyễn Ngọc Tư

    Nhà văn.

    Lĩnh vực văn hóa giải trí

    • Quách Thị Lan

    Vận động viên điền kinh, bộ môn chạy 400m, huy chương bạc Asiad 2018

    • H’Hen Niê

    Hoa hậu Hoàn Vũ Việt Nam 2017, top 5 Hoa hậu Hoàn vũ Thế giới 2018

    • Bùi Thị Thu Thảo

    Vận động viên điền kinh, bộ môn nhảy xa, huy chương vàng Asiad 2018.

    Viethome (theo Forbes VN)

  • Jeannie Mai là MC người Mỹ gốc Việt. Cô là một trong số những gương mặt được chọn dẫn thảm đỏ lễ trao giải Oscar 2019 cho E!News. Sinh ra và lớn lên tại Mỹ nhưng Jeannie Mai luôn tự hào về nguồn cội của mình, cô nhiều lần diện trang phục áo dài truyền thống.

    Lễ trao giải Oscar lần thứ 91 của Viện hàn lâm Khoa học và nghệ thuật điện ảnh Mỹ đã diễn ra vào ngày 24/2 vừa qua. Nữ MC gốc Việt Jeannie Mai là một trong những gương mặt dẫn hậu trường lễ trao giải Oscar 2019 cho E!News.

    Theo đó, cô cùng với chuyên gia thời trang Kahlana Barfield Brown, phóng viên thời trang Zanna Roberts Rassi và nhà thiết kế Christian Siriano cung cấp cho độc giả những thông tin về đêm trao giải Oscar từ hậu trường cách nhà hát Dolby, nơi diễn ra lễ trao giải chỉ vài bước chân.

    Jeannie Mai không phải gương mặt xa lạ, cô nhiều lần xuất hiện tại thảm đỏ các sự kiện lớn, trong đó có lễ trao giải Quả Cầu Vàng và cuộc thi Hoa hậu Mỹ...

    Jeannie Mai xuất hiện trên thảm đỏ lễ trao giải điện ảnh Quả Cầu Vàng 2017.

    Cô cũng từng đảm nhận vị trí MC cho loạt chương trình nổi tiếng như show Stire, Character Fantasy, How do I look?, Fashion Star, The Real, Asia’s Next Top Model, MC thảm đỏ Lễ trao giải Quả Cầu Vàng,...

    Cô từng có cơ hội làm việc với Christina Aguilera, Alicia Keys...

    Jeannie Mai là người Mỹ gốc Việt. Trong ảnh là Jeannie Mai và cha đẻ. Cô luôn tự hào về nguồn cội của mình và từng có buổi giao lưu với giới trẻ ở TP.HCM năm 2016.

    Jeannie Mai diện áo dài Việt trong dịp Tết Nguyên đán.

    Jeannie Mai và mẹ mặc áo dài trong The Real.

    Sinh năm 1979, ở tuổi 40, Jeannie Mai vẫn khiến nhiều người ghen tị vì vẻ đẹp trẻ trung, quyến rũ bất chấp tuổi tác.

    Trước khi làm MC cho các chương trình truyền hình, cô là chuyên viên trang điểm, stylist. Người đẹp không ít lần gây “choáng” với phong cách hở bạo. Cô gây chú ý với bộ đồ xuyên thấu, cắt xẻ, khoe da thịt táo bạo tại lễ trao giải Grammy 2019.

    Nhìn những bức hình này, khó lòng đoán được tuổi thật của cô.

    Vẻ đẹp khoẻ khoắn ở tuổi 40 của người đẹp gốc Việt.

    “Điều quan trọng nhất trong cuộc sống của tôi là sức khỏe. Lắng nghe cơ thể là bài học lớn nhất tôi học được”, người đẹp chia sẻ trên trang Instagram.

    Cô dành thời gian detox...

    Tập luyện cường độ cao để có được sức khoẻ dẻo dai và vóc dáng đẹp. Đó chính là bí quyết để cô có được vóc dáng bốc lửa, gương mặt trẻ trung qua năm tháng.

    Jeannie Mai trong bức ảnh theo trào lưu "thử thách 10 năm" hot trên mạng xã hội thời gian qua: “Tôi trong bức ảnh bên trái: bốc lửa, quyết đoán. Bức ảnh bên phải được chụp cách đây 10 phút trước: Tự nhận thấy mình trông thông minh hơn, tràn đầy sự bình yên từ bên trong”, cô viết.

    Cô có cơ hội được trải nghiệm nhiều chuyến du lịch vòng quanh thế giới.

    Viethome (theo Dân Trí)

  • Từ một cô bé nhà nghèo, ở vùng sâu của Cao Bằng, Lương Ngân người dân tộc Tày với ý chí, bản lĩnh phi thường đã trở thành một trong những nữ tiến sỹ, giám đốc khoa trẻ nhất Đại học KInh tế Nam London.

    Từ một cô bé nhà nghèo, ở vùng sâu, vùng xa của tỉnh Cao Bằng, Lương Ngân (sinh năm 1986, người dân tộc Tày) với ý chí và bản lĩnh phi thường đã vượt qua hành trình gian nan vất vả, trở thành một trong những nữ tiến sỹ, giám đốc khoa trẻ nhất Đại học Kinh tế Nam London, Vương quốc Anh (London South Bank University).

    Tiến sỹ Lương Ngân trong trang phục cô gái Tày nhận bằng tiến sỹ tại Đại học Birmingham. Ảnh: Quốc Đạt - PvTTXVN tại Anh

    Gặp Lương Ngân khi cô về Cao Bằng giúp tỉnh nghiên cứu đề án phát triển du lịch, chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng bởi cô tiến sỹ trẻ, vóc người nhỏ bé nhưng lại có nghị lực vượt khó mạnh mẽ.

    Lương Ngân sinh ra và bắt đầu đến trường ở xóm Dẻ Gà, xã Lương Thông, huyện Thông Nông - huyện nghèo nhất của tỉnh nghèo Cao Bằng.

    Thời Ngân vào tiểu học, lớp học mái tranh, vách đất, mưa dột, gió lùa, bàn ghế làm bằng tre, nứa đóng tạm. Hằng ngày, “Ngân còi” phải vượt qua nhiều km đường rừng núi để đến trường nhưng đêm về dù phải thắp đèn dầu, Ngân vẫn say sưa học.

    Thấy con chăm chỉ sáng dạ, đến năm học lớp 3, mẹ Ngân quyết định xin chuyển con ra thị xã Cao Bằng học khi cô bé còn chưa biết nói tiếng phổ thông.

    Dù là học sinh giỏi ở quê nhưng ra khi thị xã, học kỳ đầu điểm số của Ngân vẫn bị đứng cuối lớp. Thế nhưng, từ học kỳ 2 cho đến hết cấp trung học phổ thông, năm nào, Ngân cũng được xếp loại học sinh giỏi, đứng đầu lớp.

    Nhà nghèo, những năm học Đại học Ngoại thương, Ngân đều cố gắng vừa học vừa làm thêm để tự trang trải cuộc sống. Tốt nghiệp đại học, Ngân vừa đi làm vừa ôn luyện tiếng Anh nuôi ước mơ du học.

    Năm 2011, Ngân thi đậu thạc sỹ tại Trường Đại học Strathclyde, thành phố Glasgow (University Strathclyde), Vương quốc Anh.

    Du học tự túc tại nước Anh, giá sinh hoạt và học phí rất cao, gia đình không đủ điều kiện hỗ trợ khiến cô gặp nhiều khó khăn. Ngân một mình xoay xở tìm đủ mọi việc để làm thêm như phục vụ quán ăn, cửa hàng, phiên dịch...

    Thời gian đầu, việc làm chưa ổn định, thu nhập eo hẹp, chi phí đắt đỏ, việc học căng thẳng khiến Ngân như kiệt sức. Thế nhưng, đó cũng chính là lúc Ngân thể hiện bản lĩnh phi thường của mình.

    Gần như không cần nhờ đến sự giúp đỡ về tài chính của gia đình, một mình Ngân tự cố gắng làm thêm, tiết kiệm tiền và hoàn thành chương trình học thạc sỹ.

    Năm 2012, luận văn thạc sỹ của Ngân được Trường Đại học Strathclyde đánh giá cao, là nghiên cứu mẫu trong lĩnh vực nhà hàng tại Việt Nam và Vương quốc Anh vì đã làm nổi bật vai trò của mạng xã hội đối với quản lý nhà hàng trong ứng dụng thực tiễn marketing.

    Kết thúc chương trình thạc sỹ, Ngân quyết định thi và hoàn thành chương trình nghiên cứu sinh tại Đại học Birmingham (University of Birmingham).

     

    Tiến sỹ Lương Ngân chụp ảnh chung cùng các học trò tại London South Bank University. Ảnh: Quốc Đạt - PvTTXVN tại Anh

    Những khoản chi phí học tập khổng lồ của chương trình đào tạo tiến sỹ ở một đất nước có chi phí đắt đỏ bậc nhất thế giới cùng với đòi hỏi cực kỳ khắt khe từ chương trình đào tạo khiến Ngân nhiều lần tưởng chừng gục ngã.

    Cũng may, lúc này vốn tiếng Anh đã tốt, mối quan hệ mở rộng, Ngân tìm được việc làm cho thu nhập cao hơn, đủ sức chi trả những khoản học phí “khủng” từ chương trình đào tạo.

    Ngoài việc làm phiên dịch, Ngân cũng được mời tham gia trợ giảng tại London South Bank University. 

    Năm 2017, Ngân bảo vệ xuất sắc luận án tiến sỹ trước Hội đồng gồm nhiều nhà khoa học danh tiếng về lĩnh vực kinh doanh, marketing.

    Ngân được phong tiến sỹ ngay sau khi bảo vệ luận án và xuất sắc vượt qua hàng trăm ứng cử viên đến từ nhiều quốc gia, được Hội đồng nhà trường chọn làm giảng viên của London South Bank University.

    Đây là trường đại học danh tiếng có chất lượng giảng dạy hàng đầu thế giới. Chỉ sau một thời gian ngắn, Ngân được Hội đồng nhà trường bổ nhiệm làm Giám đốc quản lý Khoa cao học Marketing, Đai học Kinh tế Nam London.

    Khi nhận nhiệm vụ giám đốc khoa, em rất lo lắng vì trong khoa toàn các giáo sư, tiến sỹ dày dặn kinh nghiệm. Rất may ở đây, lãnh đạo dù có trẻ tuổi nhưng vẫn được tôn trọng và ủng hộ.

    Nhớ lại những ngày đi học ở quê, hàng ngày vượt qua ngọn núi cao để đến trường, Ngân thường tự hỏi: Đằng sau những ngọn núi cao kia là gì, có cuộc sống nào đằng sau dãy núi ấy không?

    Và khi đã lớn khôn, khám phá ra cuộc sống bao la sau dãy núi, Ngân lại băn khoăn tự hỏi: Mình có thể làm gì để thay đổi cuộc sống khó khăn đằng sau dãy núi quê mình không?

    Câu hỏi ấy cứ trở đi trở lại trong Ngân thành một khát vọng. Khát vọng được trở về góp sức xây dựng quê hương.

    Tiến sỹ Lương Ngân cùng bố mẹ và em gái trong ngày bảo vệ thành công luận án tiến sỹ của London South Bank University. Ảnh: Quốc Đạt - TTXVN

    Giờ đây, Ngân đã trở thành công dân Anh quốc, công việc bận rộn nhưng cô vẫn dành quỹ thời gian eo hẹp của mình lập kế hoạch cho các hoạt động hướng về quê hương.

    Ngân được mời tham gia xây dựng đề án phát triển du lịch và marketing du lịch cho tỉnh Cao Bằng. Cô còn mời gọi lãnh đạo London South Bank University và Đại học Loyola Chicago (Hoa Kỳ) tham gia, hỗ trợ dự án.

    Đầu năm 2019, Ngân trở về Cao Bằng 2 tuần, cô bố trí kín lịch làm việc với tỉnh. Ngân biên soạn và lên lớp 2 buổi/ngày tập huấn khởi nghiệp cho nông dân; giao lưu với doanh nghiệp trẻ về lĩnh vực du lịch; tham gia nghiệm thu Đề tài “Phát triển dịch vụ Logistics đáp ứng nhu cầu xuất nhập khẩu qua các cửa khẩu của tỉnh."

    Cùng với đó, cô còn trực tiếp giảng dạy tiếng Anh nâng cao cho học sinh. Qua đó, thắp lên ngọn lửa đam mê khám phá tri thức, chinh phục những đỉnh cao cho học sinh nghèo dân tộc thiểu số trên quê hương nơi cô đã sinh ra và lớn lên./.

    Viethome (theo TTXVN)

  • Không chỉ lấy được doanh nhân người Bỉ yêu thương, chiều chuộng hết mực, Lò Thị Mai còn sinh được hai cậu nhóc kháu khỉnh.

    Video Lò Thị Mai trổ tài nói tiếng Anh 14 năm về trước

    Năm 2005, cô bé H'Mông Lò Thị Mai (13 tuổi, đến từ bản Lao Chải) trở thành "hiện tượng mạng" khi xuất hiện trong clip trò chuyện với du khách nước ngoài tới thăm thị trấn Sa Pa, Lào Cai. Mai khiến nhiều người trầm trồ bởi khả năng nói tiếng Anh lưu loát như người bản xứ. 

    Biệt danh "cô bé H'Mông nói tiếng Anh như gió" gắn với Mai từ đó. Với Lò Thị Mai, việc nói tiếng Anh tốt là bình thường, bởi đây là phương tiện giúp cô mưu sinh bằng công việc bán đồ lưu niệm cho du khách quốc tế.

    14 năm trôi qua, Lò Thị Mai đã bước sang tuổi 27. Cuộc sống của cô bé H'Mông đáng yêu ngày nào vẫn luôn là chủ đề nhận được sự quan tâm từ đông đảo dân mạng.

    Cô bé H'Mông năm nào giờ đã trở thành cô gái xinh đẹp.

    Mới đây Lò Thị Mai bất ngờ chia sẻ câu chuyện tình yêu với chồng là anh Steve (sinh năm 1983, hiện kinh doanh trong lĩnh vực khách sạn ở Bỉ). 

    Hai người lần đầu gặp gỡ khi Steve tới Sa Pa du lịch vào năm 2007. Chàng trai 24 tuổi khi ấy lập tức cảm mến cô bé 15 tuổi và xin giữ liên lạc với cô ngay cả khi đã về nước. Sau đó, năm nào Steve cũng đến Việt Nam 2 tuần để lên Sa Pa tìm gặp Mai.

    Chồng cô là một doanh nhân Bỉ.

    Sau 5 năm quen biết, Steve cầu hôn Mai trong một chuyến du lịch riêng của hai người vào năm 2011. 19 tuổi, lần đầu tiên Mai cảm nhận được sự quan tâm chân thành của một người đàn ông xa lạ dành cho mình. Cô cũng có chút rung động khi thấy người đàn ông ấy đã chờ đợi mình từ một cô bé 15 tuổi đến khi trở thành thiếu nữ tuổi 19. Thế là Mai đồng ý.

    Mai thường xuyên khoe ảnh con trên trang cá nhân.

    “Anh hỏi mình liệu có chờ đợi được anh không. Nếu được thì đeo chiếc nhẫn này vào vì anh sợ người khác sẽ… kéo mất vợ. Rồi anh bảo mình dẫn anh về thăm gia đình”.

    Cũng trong khoảng thời gian đó, Steve đưa Mai sang Bỉ thăm nhà. Một năm sau, hai người chính thức kết hôn. “Đám cưới trong mơ” của Mai diễn ra ở cả hai nơi là Lào Cai và Bỉ. 

    Mai kể lại, nhiều người nói câu chuyện của cô và Steve giống như một câu chuyện cổ tích. Đôi lúc nghĩ lại, bản thân cô cũng thấy mình như đang trong một giấc mơ.

    Steve giúp vợ sang Singapore du học. Cô cũng đã có công việc ổn định tại một bệnh viện gần nhà.

    Hiện tại, Mai cảm thấy hạnh phúc cùng chồng và hai cậu con trai kháu khỉnh sinh năm 2015 và 2016. Cô được chồng dạy tiếng, cùng anh đi du lịch nhiều nơi trên thế giới. Mỗi năm, Mai đều được chồng đưa về Việt Nam thăm gia đình, đặc biệt là dịp Tết.

    "Mình yêu anh vì anh rất biết quan tâm gia đình, gần gũi và tình cảm, đặc biệt là với mẹ mình. Thi thoảng, anh vẫn hay ôm vợ và nói: “Em là người phụ nữ tuyệt vời nhất trong cuộc đời anh”.

    Mặc dù bận rộn với công việc kinh doanh nhưng Steve luôn giúp vợ làm việc nhà. Mỗi buổi tối, anh vẫn dành thời gian tắm và đọc sách cho con trai nghe.

    Thỉnh thoảng cô lại nhận được những món quà bất ngờ từ chồng. 
    Cô bé H'Mông ngày nào cũng có công việc ổn định tại một bệnh viện tọa lạc ở thành phố Sint-Truiden, tỉnh Limburg, Bỉ.
    Mai cũng thường khoe ảnh đi du lịch nhiều nơi trên thế giới tại trang cá nhân.
    Hình ảnh cô bé mưu sinh vất vả năm 15 tuổi.

    Ở một nơi không phải là Việt Nam, Mai thấy mình vẫn sống vui và hạnh phúc. Cô cũng cảm thấy may mắn khi được mẹ chồng yêu thương như con gái.

    “Mẹ chồng đối xử với mình chu đáo giống như mẹ đẻ vậy. Mình nhớ những ngày đầu qua Bỉ, mẹ thường hỏi han mình có nhớ nhà không? Mẹ dạy mình nấu ăn, dẫn mình đi ăn uống, shopping,…

    Có lẽ với mình, tất cả những thứ ấy đều đến từ một phép màu may mắn”, Mai bộc bạch.

    Mỗi năm vào dịp Tết Nguyên đán, Lò Thị Mai đều được chồng đưa về Việt Nam thăm gia đình, bạn bè. Bức ảnh này Mai chụp với mẹ tại Lào Cai trong dịp Tết cổ truyền vừa qua.

    Viethome (theo Vietnamnet)

  • Một số người nhận xét người Việt mình ra nước ngoài hòa nhập chậm, tôi vô cùng ngạc nhiên. Tôi đang ở Mỹ và có quan điểm khác hoàn toàn. 

    Người Mỹ họ thống kê lại tất cả những dân nhập cư trên nước Mỹ thì người dân VN có tỉ lệ hoà nhập và phát triển cao nhất. Người Mỹ lấy mốc từ năm 1975 đến nay, họ nhận xét rằng, người VN ở lãnh vực nào cũng có, như là khoa hoc gia (rất nhiều người VN làm trong NASA), rồi bác sĩ nhiều vô kể, khi bạn vào bệnh viện bất kỳ nào trên nước Mỹ bạn sẽ gặp bác sĩ người VN ,rồi luật sư thấp hơn một chút là dược sĩ, rồi kỹ sư.... nhiều vô sô kể.

    Cô Betty Nguyễn dẫn chương trình cho đài CNN.

    Người Việt mình có đức tình cần cù, nhẫn nại và nghị lực nên họ dù sống trong hoàn cảnh thiếu thốn về vật chất , về ngoại ngữ nhưng họ đều cố gắng vượt qua và đã thành công trong sự nghiệp ở Mỹ.

    Tôi đã chứng kiến rất nhiều mảnh đời như một người phụ nữ đã 50 tuổi vừa làm nội trợ, trông 5 đứa cháu nội, ngoại, tiếng Anh không giỏi lắm vậy mà bà ta vẫn cắp sách đền trường học 3 năm và hoàn tất bằng AA (trình độ 2 năm) về computer và đi làm ở Microsoft. Hoặc như một cô gái 30 tuổi học học bác sĩ 10 năm sau thành bác sĩ về thận, và vô số những ông chồng vừa làm fulltime, học fulltime lấy được bằng kỹ sư mặc dù có người học 6 năm lấy bằng kỹ sư (trình độ 4 năm) , nhưng cũng có người 10 năm mới học xong lấy bằng 4 năm.

    Tóm lại khi một người Việt sống ở Mỹ trong 5 năm mà lấy được bằng cấp 2 năm, và trong 10 năm mà lấy được bằng cấp 4 năm thì xem như người đó đã thành công. Số người thành công nhiều vô kể bạn ạ. Vì họ luôn nhận thức được rằng, muốn có cuộc sống sung túc, con cái có điều kiện học tập trên nước Mỹ thì chỉ có một con đường duy nhất là đến trường và học có một tấm bằng , vì khi bạn có trình độ thì tiền lương cũng sẽ tăng theo mức trình độ của bạn.

    Khi bạn đạt chân vào hãng Microsoft bạn sẽ thấy rất nhiều triệu phú người VN, hoặc rất nhiều người VN hiện nay sống trong những căn nhà có giá trị trên 1 triệu USD ở Mỹ là chuyện bình thường. Hoặc khi bạn đi vào những nơi ở dành cho tài tử (như Becohill ở Cali) hoặc những khu nhà dành riêng cho tỉ phú, thì chắc chắn bạn sẽ thấy có nhà người VN mình ở đó.

    Nếu người VN mình không phấn đấu để hòa nhập vào xã hội thì làm sao mình có địa vị đến ngày hôm này, rồi đến từng lớp con cháu người VN hiện giờ còn phát triển nhanh hơn nữa. Và hiện giờ tại các trường đại học ở Mỹ (kể cả trường nổi tiếng như Harvard, Colombia) có người giáo viên VN dạy là chuyện bình thường.

    Ở những thành phố lớn tập trung nhiều người Việt của các tiểu bang Cali, Texas, Washington State đều có những hội đoàn của người VN tổ chức để giúp đỡ lẫn nhau...

    Tất nhiên trong một xã hội có người thành công về con đường học vấn thì cũng có người không thành công. Nhưng không phải những người không có học là họ không hòa nhập được vào cuộc sống, cũng có những người Việt không đi học nhưng họ vẫn giao tiếp được tốt tiếng Anh, vì sống và làm việc với Mỹ thì tự nhiên bạn sẽ nhận thức nhanh về ngoại ngữ và hòa nhập nhanh, vì nếu không hiều người Mỹ nói gì làm sao bạn làm việc được.

    Và tôi chỉ kết luận một từ là : tôi nghiêng mình khâm phục ý chí của người Việt sống trên nước Mỹ, họ đã đối đầu với gánh nặng mưu sinh gia đình, với vốn ngoại ngữ Anh văn nghèo nàn..... và họ vượt qua tất cả .

    Vài lời nhận xét của tôi về sự thành công của người Việt trên xứ người.

    Thanh Mai Le

    Viethome (Theo VnExpress)

  • Ông Nguyễn Văn Hiền được coi là người Việt giàu nhất nước Đức. Ông là chủ nhân của khu trung tâm thương mại rộng lớn và sầm uất ở Đức mang tên Đồng Xuân Center.

    Đồng Xuân Center nằm ở phố Herzbergstrasse thuộc quận Lichtenberg, Đức, là một trong 2 trung tâm thương mại lớn nhất nước Đức của người Việt, nằm ở nơi có gần 4.000 người Việt Nam định cư sinh sống.

    Doanh nhân Đức gốc Việt – ông Nguyễn Văn Hiền. Ảnh: Internet

    Trong đó, diện tích kinh doanh gồm 4 dãy nhà lớn rộng khoảng 40.000 m2. Tại đây, các hộ kinh doanh hầu hết là người Việt Nam, ngoài ra còn có nhiều người ở các nước như Trung Quốc, Ấn Độ, Thỗ Nhĩ Kỳ, Ba Lan, Đức thuê…

    Tại đây, có đầy đủ các loại hình kinh doanh, từ hệ thống nhà hàng ăn uống vui chơi giải trí tới các cửa hàng thực phẩm châu Á phục vụ thịt thà, tôm cá, gạo mì, bún phở khô đến các loại rau muống, rền, cần, cải, bầu bí, dưa chuột, mướp đắng, khoai sọ, khoai lang, sắn và các loại hành, răm, kinh giới, mùi, tía tô, ngổ, gừng, tỏi, riềng, sả, ớt… đến bánh chưng, bánh tét, giầy giò, nem chua… gần như mặt hàng nào cũng có, vừa tươi mới vừa phong phú đến ngập mắt.

    Được biết, khu công nghiệp này cách đây 150 năm là nơi sản xuất các thiết bị đo lường của hãng Siemens nổi tiếng. Sau đó là nhà máy VEB Elektrokohle (than điện) với 3.000 công nhân làm việc.

    Quy mô chợ Đồng Xuân của ông Hiền ở Đức. Ảnh: Internet

    Nói về độ hot của “chợ Đồng Xuân” tại Đức, ở đây có gần 400 doanh nghiệp kinh doanh. Doanh thu hàng năm của mỗi doanh nghiệp đạt từ 250.000 đến 3 triệu Euro. Hiện tất cả các gian hàng đều đã hết chỗ. Với việc cho thuê các gian hàng, ông Nguyễn Văn Hiền có thể thu về khoảng 300.000 – 400.000 Euro hàng tháng.

    Được biết, Đồng Xuân Center từng được nhiều công ty Đức muốn mua lại nhưng ông Hiền kiên quyết không bán.

    Sang xứ người từ những năm 1980, ông Hiền từng là đội trưởng trong một Xí nghiệp liên hợp xây dựng ở Potsdam.

    Về sau, trải qua thời kì biến đổi xã hội khi thống nhất nước Đức, ông phải chuyển sang bán hàng may mặc như một cách để tồn tại.

    Năm 2003, ông Hiền có đã có một cơ sở thương mại dệt may ở gần khu vực. Sau đó ông vay vốn các ngân hàng để xây trung tâm thương mại, nhưng các ngân hàng không tin tưởng rằng ông sẽ tìm được người thuê cửa hàng cho một trung tâm thương mại châu Á.

    Tiếp đó nhờ các công ty xây dựng tư nhân mà ông có quan hệ từ trước tin tưởng cho vay tiền, ông đã có thể mua thêm đất và xây dựng Trung tâm Đồng Xuân của mình.

    Sau khi xây dựng hoàn tất, ông đã cho thuê được kín chỗ và lúc này các ngân hàng lại tìm đến ông để đề nghị được cho vay tiền. Từ năm 2004 đến năm 2013, ông Hiền đã đầu tư tổng cộng 35 triệu Euro vào khu “chợ” này.

    Không chỉ là chủ nhân của Đồng Xuân Center, ông Hiền còn là một nhà phát triển bất động sản danh tiếng. Được biết, ông đang ấp ủ nhiều kế hoạch phát triển ở phố Herzbergstrasse.

    Trong những tâm huyết của ông bao gồm việc xây dựng một khách sạn, một trung tâm hội nghị với các nhà hàng. Ngoài ra, ông Hiền có kế hoạch xây dựng một nhà máy đầu tiên của Đức“ sản xuất mỳ châu Á.

    Bên cạnh đó, ông còn đầu tư 30 triệu Euro vào dự án xây dựng trung tâm văn hóa, kinh tế tại quận Lichtenberg, Berlin với mong muốn quảng bá văn hóa, ẩm thực và truyền thống của người Việt Nam tới bạn bè Đức.

    Ông đã từng chia sẻ, thời kì đầu mới thành lập TTTM Đồng Xuân ông gặp rất nhiều khó khăn, nhưng vượt lên mọi khó khăn đó, đặc biệt là nhờ sự ủng hộ của bà con ông mới có được thành công như ngày hôm nay.

    Viethome (theo tienphong)

  • Rời Việt Nam từ năm 15 tuổi với học bổng toàn phần, Nguyễn Tuệ Anh hiện đang nghiên cứu ngành Chính sách công của Đại học Oxford (Anh).

    Một ngày của Tuệ Anh cũng tất bật như bất kỳ người làm nghiên cứu nào khác. Những ngày phải đến trường giảng dạy, mỗi sáng, cô vẫn thường dậy từ 4h để di chuyển đến ga tàu và kết thúc một ngày làm việc vào lúc 11h đêm.

    Tuệ Anh tự nhận mình không phải là người thích lên kế hoạch dài hạn cho tương lai. Nữ tiến sĩ thích tìm kiếm những điều mới mẻ và thử thách bản thân trong những tình huống khó.

    Điều này cũng có phần “hợp lý” với nét tính cách của một người say mê làm nghiên cứu khoa học.

    “Tôi là người có tâm hồn già cỗi”

    Tuệ Anh sinh ra trong một gia đình có bố là giáo sư kinh tế còn mẹ là chuyên gia tài chính kế toán. Ngay từ nhỏ, cô đã được ông ngoại kể cho nghe nhiều những câu chuyện trong sách. Hơn 30 tuổi, cô cho rằng bản thân có “tâm hồn già cỗi” vì thích đọc sách triết học.

    “Từ nhỏ, tôi đã thích sách. Ông ngoại tôi cũng là người yêu quý, trân trọng sách. Ông thường đọc cho tôi nghe cuốn “Cổ học tinh hoa” mỗi tối trước khi đi ngủ. Ông không dạy con cháu theo kiểu nói rằng: “Cháu phải hiếu thảo” mà sẽ kể những mẩu chuyện để dạy tôi cách sống, cách làm người. 

    Còn bố mẹ tôi cũng là những người đọc sách rất nhiều. Bố mẹ thường chọn cho tôi những cuốn sách hay như “Không Gia Đình”, “Binh pháp Tôn Tử” hay “Chiến tranh và Hoà bình”.

    Chưa bao giờ bố mẹ từ chối tôi bất kỳ cuốn sách nào, kể cả với những cuốn dày và đắt nhất như “Lịch sử Thế giới” năm tôi học lớp 8. Cho nên tôi nghĩ, việc bản thân thích sách và thích nghiên cứu cũng đến từ lẽ tự nhiên”.

    “Tôi nghĩ, việc bản thân thích sách và thích nghiên cứu cũng đến từ lẽ tự nhiên”.

    Mặc dù bận mãi nhưng trong túi xách của Tuệ Anh luôn có một cuốn sách để đọc mỗi khi rảnh rỗi. 

    “Người làm nghiên cứu lúc nào cũng trong tình trạng phân vân không biết “liệu mình đã biết đủ chưa?” và lúc nào cũng cảm thấy cần phải đọc tiếp. Nhưng những lúc rảnh, tôi lại lựa chọn đọc những lĩnh vực tôi chưa đủ biết và hiếu kỳ như Y học hay Triết học”.

    Cô con gái tên Panda (6 tuổi) cũng được mẹ luyện rèn cho thói quen đọc. Ở độ tuổi vừa vào lớp 1, Panda có 2 tủ sách cho riêng mình với trên 400 cuốn. Mỗi tuần, cô bé cũng được mẹ đưa đến hiệu sách hay thư viện. Đây là việc làm hàng tuần của hai mẹ con kể từ khi Panda 6 tháng tuổi.

    “Ở Anh, văn hóa đọc rất cao nên hầu như trẻ con đều thích đọc sách. Tôi thường nói với con rằng, nếu mình mua sách chỉ để trưng thì không có tác dụng gì hết. Do vậy, con cần phải chọn lọc thật kỹ trước khi quyết định mua một cuốn nào đó.

    Mẹ lúc này chỉ là người góp ý như “Mẹ thấy sách này rất hay”, “Con xem thử cuốn này xem sao”. Khi con thích sách và được quyền lựa chọn sách, con sẽ trở nên yêu việc đọc hơn”.

    “Học kinh tế để hiểu xã hội”

    Quyết định du học khi mới vào cấp 3, Tuệ Anh kể rằng, cha mẹ cô khi ấy không cấm cản mà chỉ phân tích.

    “Tôi nhớ bố tôi chỉ hỏi: “Con biết nếu đi du học mình sẽ phải đối mặt với những gì rồi chứ?”. Cô gái 15 tuổi khi ấy quả quyết: “Con sẵn sàng”.

    Sau này, Tuệ Anh lựa chọn kinh tế là lĩnh vực để nghiên cứu và theo đuổi. Những vấn đề về đời sống, xã hội khiến cô không ngừng đặt câu hỏi. 

    “Tôi nghĩ rằng mọi thứ trong xã hội đều liên quan rất nhiều đến kinh tế. Do đó, để hiểu hơn về xã hội, tôi cũng cần biết về cách vận hành của nền kinh tế cũng như các chính sách, vấn đề liên quan. Hiểu được kinh tế sẽ hiểu hơn được xã hội”.

    “Tôi nghĩ rằng mọi thứ trong xã hội đều liên quan rất nhiều đến kinh tế”.

    Nhưng phụ nữ làm nghiên cứu vốn không phải là điều dễ dàng. Ở tuần thứ 26 của thai kỳ, Tuệ Anh đã phải vào viện cấp cứu. Khi ấy, chồng của cô đang làm nghiên cứu sinh tiến sĩ với học bổng toàn phần của Hoàng gia Anh. Khoảng cách của cả hai vợ chồng là 4 tiếng đi tàu khiến anh vô cùng lo lắng.

    Suy nghĩ rất lâu, cuối cùng, anh quyết định từ bỏ học bổng này để đăng ký học bổng tại ngôi trường vợ đang làm nghiên cứu sinh.

    Dẫu vậy, vào tháng thứ 7 của thai kỳ, khi bước vào vòng phỏng vấn học bổng, một giám khảo đã hỏi cô rằng: “Làm thế nào để có thể vừa làm mẹ, vừa làm nghiên cứu được”.

    Trả lời lại vị nữ giáo sư cũng đang mang bầu này, cô đáp: “Bà là giáo sư, bà làm được thì tôi cũng sẽ làm được”.

    Đến tận bây giờ, Tuệ Anh vẫn tin rằng, những gì mình làm được một phần là do tính cách “thích thử thách mình” của bản thân.

    “Thầy sẽ nhận em chứ?”

    Tuệ Anh vẫn nhớ như in ngày đầu tiên cô theo học thạc sĩ. Chỉ vì “trót mê” bài giảng về Chính sách năng lượng của một thầy giáo sư nọ mà cô đã lên gặp thầy cuối buổi học để đề nghị: “Nếu em giành được học bổng, thầy sẽ nhận em làm tiến sĩ chứ?”.

    Vị giáo sư cười hiền không từ chối. Ông nói: “Cứ để cuối năm rồi tính”.

    Lời nói ấy khiến cô gái trẻ coi như một lời… thách thức. Vậy là cô quyết tâm phải làm bằng được.

    Kết thúc khóa học, cô xin trưởng khoa cho đổi thầy hướng dẫn chỉ định thành vị giáo sư kia để phù hợp với đề tài nghiên cứu. Nhận được sự đồng ý, cô quyết tâm đến gõ cửa xin thầy làm người hướng dẫn.

    “Thầy vốn không nhận hướng dẫn cho học trò nhiều, nhất là hướng dẫn bậc thạc sĩ. Nhưng thầy nhìn tôi và bảo: “Thôi được. Nhưng tôi chỉ đề tên còn bạn phải tự làm. Tôi sẽ không hướng dẫn. Nếu bạn làm được coi như bạn đã chứng minh được khả năng của mình”.

    Cũng vì tính ưa thử thách, Tuệ Anh gật đầu chấp nhận.

    Cô con gái tên Panda (6 tuổi) chụp cùng mẹ.

    Nhưng đề tài cô hứng thú vượt xa những kiến thức đã học. Cô phải mất 2 tháng để thu thập dữ liệu từ hàng nghìn văn bản chính sách. Ngoài ra, Tuệ Anh cũng phải chạy đi tìm các giáo sư khác nhờ giúp đỡ và kết nối chuyên gia.

    Có lúc cô làm xuyên suốt 24 tiếng trong nhiều ngày để kịp nhờ các chuyên gia xem xét và góp ý. Sự quyết tâm và tính “bướng bỉnh” đã giúp cô hoàn thành luận văn với phương pháp nghiên cứu tỉ mỉ và cho ra kết quả bất ngờ. 

    Luận văn của cô đã được giành giải “Luận văn bậc sau đại học xuất sắc nhất năm”. Điều này cũng giúp cô được mời phát biểu tại hội nghị của Tổ chức Kinh tế năng lượng thế giới.

    “Khi biết mình giành được giải đó, việc đầu tiên tôi nghĩ tới là chạy đến khoe với thầy. Nhưng Giáo sư nói rằng, luận văn vẫn cần hoàn chỉnh thêm và tôi vẫn cần phải được thử thách trong các dự án nghiên cứu tiếp. Đó cũng là cơ hội cho tôi được tham gia cùng thầy trong 7 báo cáo kinh tế năng lượng cho Liên Minh Châu Âu sau khi tốt nghiệp. Cho đến bây giờ, tôi vô cùng biết ơn vì những “thách thức” của thầy”.

    Tuệ Anh nghiên cứu bậc sau tiến sĩ tại ĐH Harvard. Trước đó, cô tốt nghiệp thạc sĩ và tiến sĩ tại ĐH Greenwich, vương quốc Anh với học bổng toàn phần, nhận giải “Luận văn tốt nghiệp xuất sắc nhất” (Best Postgraduate Dissertation) và “Sinh Viên Xuất Sắc Nhất” (Student of the Year).

    8X nhận các học bổng và giải thưởng từ Viện Toán học của ĐH Oxford, Quỹ dầu mỏ OPEC, Viện Kinh tế Lượng thuộc ĐH Milan, Mạng lưới nghiên cứu Chính sách Công thuộc Hội đồng Liên minh châu Âu, Hiệp Hội nghiên cứu Kinh tế Năng lượng Anh quốc (BIEE), Hiệp hội nghiên cứu Kinh tế Năng lượng Thế giới (IAEE)…

    Cô được công nhận là thành viên của Viện hàn lâm Giáo dục bậc Đại học và sau Đại học của Vương Quốc Anh với hơn 8 năm giảng dạy tại Anh Quốc, Hoa Kỳ, và Châu Âu. Từ năm 2015, cô là Trưởng điều phối viên nhóm nghiên cứu Kinh tế Phát triển, của mạng luới các nhà kinh tế trẻ toàn cầu (Young Scholars Inititative).

    Năm 2018, cô làm Tư vấn về kinh tế Châu Á cho Viện Phát triển Tư duy Kinh tế mới, New York. Cùng năm, cô đồng sáng lập Trường hè Nghiên cứu (Vietnam Summer School in Research) hàng năm để nâng cao kiến thức và kỹ năng nghiên cứu cho sinh viên Việt Nam và quyên góp cho bệnh nhân nhi.

    Viethome (theo Vietnamnet)

  • Ngày 2-2, anh Nguyễn Hoa Việt đã cán đích tại cửa khẩu Singapore, kết thúc hành trình chạy bộ 4.500km từ bờ hồ Hoàn Kiếm (Hà Nội) đến đảo quốc sư tử. Hoa Việt cũng lập kỷ lục là người Việt đầu tiên chạy bộ 90 ngày qua 6 quốc gia. 

    Anh Nguyễn Hoa Việt gia cố lại chiếc xe đẩy mà anh mang theo trong hành trình chạy bộ 4.500km - Ảnh: NVCC

    Anh Nguyễn Hoa Việt (43 tuổi) xuất phát tại bờ hồ Hoàn Kiếm ngày 4-11-2018 và cán đích ngày 2-2-2019 tại Singapore. Trong 90 ngày đó anh Việt chạy liên tục, chỉ nghỉ duy nhất một ngày vì bị ốm. 

    Hành trình chạy bộ 4.500km đã đưa anh Việt qua 6 quốc gia: Việt Nam, Lào, Campuchia, Thái Lan, Malaysia, Singapore. 

    Bản đồ lộ trình của anh Nguyễn Hoa VIệt - Ảnh: NVCC

    Tuổi Trẻ Online đã có cuộc trò chuyện với anh ngay khi anh cán đích hành trình kỳ thú nhưng cũng khốc liệt này. 

    Anh Nguyễn Hoa Việt trên một cung đường trong hành trình chạy bộ đến Singapore - Ảnh: NVCC

    Chạy 4.500km chỉ vì một… comment

    * PV: Vì sao anh quyết định chạy 4.500km từ hồ Hoàn Kiếm đến Singapore?

    Trong một dịp tình cờ khi tôi đang chạy trong sự kiện Uprare 2018, có một bạn đang làm việc ở Singapore vào facebook của tôi comment: "Anh chạy được nhiều thế thì anh chạy sang Singapore luôn đi".

    Tôi nghĩ đó chỉ là câu bông đùa nhưng sau khi trò chuyện với bạn ấy thì tôi tin bạn ấy nói thật. 

    Với tôi, được chạy, nhất là chạy những cung chưa từng chạy là trải nghiệm rất thú vị. 

    Sau khi bàn bạc với bạn ấy tôi thấy ý tưởng này là khả quan, tôi tin tôi chạy được. Thế là tôi lên kế hoạch, phác thảo sơ qua đường chạy. Tôi chọn cung đường hợp lý nhất cho hành trình, không tìm đường ngắn nhất để đến đích, tôi tìm đường đẹp nhất để trải nghiệm.

    * Trước khi tham gia hành trình có vẻ... điên rồ này, quãng đường dài nhất anh đã từng chạy là bao nhiêu km?

    Cuối năm 2017 tôi có kế hoạch chạy cùng chú cún có tên là Annan từ TP.HCM ra Hà Nội với tên gọi " Hành trình kết nối yêu thương". 

    Nhưng không may tôi phải dừng lại ở km thứ 360 tại Buôn Mê Thuột vì chó bị ốm nặng rồi mất. Năm 2018 tôi từng chạy Uprace với chiều dài 1.214km trong 1 tháng.

    * Tham gia hành trình chạy bộ chinh phục 4.500km của anh còn có một người bạn đạp xe đi theo để hỗ trợ anh là Lê Hoàng. Hai người có phải là bạn bè thân thiết?

    Hành trình của tôi quá xa, sẽ có những điều không may phát sinh trên đường. Để đảm bảo không bỏ cuộc giữa đường vì lý do nào đó, tôi cần tối thiểu 1 người đi cùng. 

    Tôi biết Lê Hoàng từ khi tham dự một giải marathon tại Trung Quốc và thấy bạn ấy khá phù hợp cho những tiêu chí tôi cần.

    Nguyễn Hoa Việt (bìa phải) trong một giải chạy - Ảnh: NVCC

    Đấu giá đồng hồ để đủ tiền chạy

    * Khi anh lên ý tưởng chạy qua 6 nước với 4.500km, anh nhận được thái độ thế nào từ bạn bè, nhất là cộng đồng chạy bộ Việt Nam?

    Sau khi tôi quyết định sẽ chạy cung này và đăng trên facebook cá nhân thì nhận được rất nhiều phản hồi. 

    Những người bạn thân thiết thì hơi lo ngại một chút cho sức khỏe của tôi. Những anh chị em thân thiết đã chạy lâu năm nhiều kinh nghiệm cũng theo dõi hành trình để xem "con vịt kia chạy được đến đâu".

    * Kinh phí là vấn đề rất lớn cho hành trình hơn 3 tháng cho 2 người. Tổng chi phí cho chuyến đi của hai anh là bao nhiêu ?

    Sau khi tham khảo một số anh em bạn bè hay đi các nước có trong hành trình, tôi dự trù hết khoảng 5.200 USD và 15 triệu trong 3 tháng cho 2 người. Thực tế khi về đích số tiền có đội lên một chút.

    * Cuối hành trình tôi thấy anh đã bán đấu giá chiếc đồng hồ Garmin 5X Plus để có đủ tiền thực hiện hết chuyến đi?

    Trước ngày đi tôi nhận được tài trợ gần 50% kinh phí. Lúc đó tôi có kêu gọi một số anh chị em bạn bè quyên góp cho chi phí hành trình để có thêm tiền. 

    Nói thật ngày xuất phát tôi không biết mình sẽ chạy được đến đâu vì còn tùy thuộc kinh phí. 

    Nhưng về cuối hành trình thì nhiều anh chị em bạn bè động viên, hỗ trợ nên tôi quyết định bằng mọi cách sẽ hoàn thành chạy như kế hoạch ban đầu.

    Thiết bị lưu trữ thông tin một chặng đường của anh Nguyễn Hoa Việt - Ảnh: NVCC

    * Vừa chạy anh vừa góp tiền ủng hộ quỹ Newborns Việt Nam (tổ chức từ thiện của Anh hoạt động giúp giảm tỉ lệ tử vong ở trẻ sơ sinh). Động lực nào khiến anh có sức mạnh để chạy một hành trình khốc liệt và làm thiện nguyện?

    Mỗi người trong chúng ta có một cách nhìn khác nhau về chuẩn mực giàu nghèo. Với tôi, cuộc sống giản đơn đến mức lúc nào tôi cũng thấy như vậy đã quá đủ đầy. Tôi chẳng biết mong cầu gì hơn cho riêng mình. 

    Một ngày hạnh phúc nhất và đáng sống nhất theo tôi đó là ngày được ở cạnh thiên nhiên, hít thở bầu không khí trong lành, được trò chuyện bên những người bạn thân tình, tự do bay nhảy làm điều mình thích. 

    Tôi phải nói những điều này vì tôi muốn bạn hiểu rằng tôi đã có đủ thứ tôi mong cầu. Và tất nhiên nếu bạn thấy mình đủ đầy rồi thì tự nhiên bạn muốn san sẻ đến những người xung quanh.

    Vừa chạy vừa đẩy xe 40kg

    * Trước khi bước vào hành trình anh có sợ hãi khi nghĩ đến con đường dài 4.500km và vừa chạy vừa đẩy chiếc xe nặng 40kg?

    Ngay cả người có chế độ tập luyện thường xuyên, nghiêm túc cũng chưa chắc sẽ hoàn thành cung đường này nếu thiếu tình yêu. Sao lại có "tình yêu" ở đây nhỉ? Có đấy, nó là nguồn năng lượng vô cùng lớn để nuôi dưỡng tinh thần và thể lực của bạn trong suốt chặng đường.

    Ý của tôi là niềm vui, sự an yên trong chính hiện tại của từng thời khắc. Nó đến từ tình yêu. 

    Bạn phải biết yêu hành trình của mình. Yêu con đường bạn đi qua. Yêu những người bạn gặp, yêu những gì bạn nhìn thấy. Yêu luôn cái nắng cái gió cái gió để bạn không còn cảm thấy bỏng da cháy thịt khi mỗi ngày chạy trung bình 8 tiếng ngoài trời.

    Yêu những người bạn hằng ngày chia sẻ với bạn, lo lắng cho bạn, cổ vũ bạn. Cảm giác biết ơn và biết trân quý mọi điều cũng sẽ đem đến cho mình nhiều năng lượng tích cực trong suy nghĩ dẫn đến tinh thần được nuôi dưỡng tốt.  

    Trước hành trình hay trong hành trình tôi chưa từng sợ hãi, ngược lại với tôi đó là diễm phúc.

    Nguyễn Hoa Việt trên đường chạy 4.500km từ Hà Nội đến Singapore - Ảnh: NVCC

    * Chiếc xe đẩy của anh có gì trong đó? Được biết nó cũng hỏng dọc đường và anh nhiều lần phải tự thay thế phụ tùng?

    Tất cả hành trang và các vật dụng cần thiết cho chuyến đi 3 tháng tôi đều cho hết vào xe, khoảng 100 món: Quần áo, giày dép, võng lều. Ngoài ra thực phẩm và các loại nước uống chiếm 1/2 trọng lượng cả xe. 

    Với thiết kế ban đầu là 1 cái xe đẩy em bé với trọng lượng chịu tải 20kg thì không có lý do gì để không... hỏng trong hành trình kiểu như thế này. 

    Tuy đã nâng cấp nâng tải khung gầm các kiểu nhưng với 3 cái bánh xe thì nó phải làm việc quá sức chịu đựng. Tôi đã phải thay đến 3 cặp lốp và 2 cặp vành, riêng cái bánh trước thì thay đến cái thứ 6.

    Một bữa cơm trong hành trình chạy 4.500km của anh Việt và bạn đồng hành Lê Hoàng - Ảnh: NVCC

    Không ăn thịt vẫn đủ sức chạy 50- 60km/ngày

    * Tôi thấy anh bị ốm và phải nghỉ ngơi, anh có phải đi khám bác sĩ hay uống thuốc gì không?

    Trong suốt hành trình thì chỉ có 1 ngày tôi cảm thấy không được khỏe như mọi khi. Tôi nghỉ ngày hôm đó rồi hôm sau lại chạy tiếp. Lâu lắm rồi tôi mới có cảm giác mình bị ốm. Cũng lâu lắm rồi tôi không còn dùng đến thuốc tây.

    * Là người không ăn thịt, vậy suốt 3 tháng qua anh nạp năng lượng gì vào người để có đủ sức chạy?

    Cũng khá lâu rồi tôi không dùng đến thịt vì tôi thấy không cần thiết. Không hẳn cứ vận động cường độ cao thì phải dùng đến đạm động vật, nhiều thực phẩm từ thực vật có đầy đủ dưỡng chất. 

    Cơ thể tôi tiêu hao năng lượng khá thấp nên việc ăn uống cũng không đòi hỏi quá cầu kỳ. Ngoài cơm rau củ quả ra tôi có ăn bổ sung thêm một số loại hạt các bạn tặng để ăn dọc đường như hạt hạnh nhân, điều, óc chó. 

    Ngoài ra tôi uống rất nhiều các loại nước nên cũng đảm bảo đủ năng lượng để cơ thể không bị bào mòn dẫn đến suy dinh dưỡng.

    Cân nặng của anh đã thay đổi ra sao trước và sau khi thực hiện hành trình. Khi cán đích, anh cảm thấy cơ thể mình thế nào?

    Trong suốt hành trình tôi chỉ giảm khoảng 2kg. Những ngày về cuối hành trình thì tôi cảm thấy mệt mỏi hơn vì phải qua nhiều đoạn giao thông đông đúc. 

    Tôi chủ động chạy chậm lại và chạy ít hơn thường lệ để đảm bảo thể trạng vẫn duy trì ở trạng thái hưng phấn cho đến những km cuối cùng. 

    Kết thúc hành trình, tôi thấy không khác biệt nhiều lắm so với những lần chạy một workout dài xong. Tôi nghĩ chỉ cần nghỉ ngơi vài ngày là tôi sẽ hồi phục hoàn toàn.

    * Anh được gì sau khi chạy bộ 4.500km và là người VN đầu tiên có có thể thực hiện hành trình này? 

    Với tôi, hạnh phúc ở trên đường đi chứ không nằm ở đích đến. Tôi không quan tâm lắm đến việc là người Việt Nam đầu tiên hay cuối cùng chạy được như thế. Tôi sẽ sớm quên thôi và hướng đến những hành trình khác. Tôi luôn cố gắng chỉ sống trong hiện tại.

    Phút giây vui đùa của Nguyễn Hoa Việt trên đường chạy- Ảnh: NVCC

    * Mỗi ngày của anh trong suốt 3 tháng qua như thế nào?

    Buổi sáng sau khi dậy tôi có 90 phút để vệ sinh cá nhân, ăn sáng, chất đồ lên xe đẩy. Tôi thường xuất phát lúc thể trạng và tâm lý tốt nhất trong ngày.

    Quãng đường chạy mỗi ngày sẽ khác nhau, trung bình tôi chạy 50-60km/ngày, mất 9-10 tiếng. Buổi chiều từ 5h-5h30 tôi dừng nghỉ chứ không chạy đêm. Mỗi ngày sau buổi chạy tôi đều đặn ngâm chân vào đá để cho dịu cơ, giảm đau.

    Anh Lê Hoàng- người đạp xe đồng hành khi anh Việt chạy bộ từ HN- Singapore- Ảnh: NVCC

    Dị nhân trên đường chạy

    Nguyễn Hoa Việt (làm nghề tự do) là một trong những vận động viên chạy phong trào nổi tiếng tại Việt Nam. Anh thường xuyên tham dự các giải marathon 42km, siêu marathon 70km khắp nơi trên cả nước.

    Ngoài ra anh cũng thường hỗ trợ Ban tổ chức các giải chạy làm công tác tiền trạm, chuẩn bị đường đua, dẫn tốc độ cho các vận động viên tại các cuộc thi marathon…

    Không chỉ chạy bộ "khủng", anh Việt còn chơi rất nhiều môn thể thao xuất sắc như: đạp xe, bơi lội.

    Dù tập thể thao điên cuồng nhưng anh Việt là người không ăn thịt, có lối sống hoang dã, thân thiện với thiên nhiên.

    Năm 2018 anh Việt từng tham gia giải chạy Uprace và là vận động viên chạy nhiều nhất trong vòng 29 ngày với tổng chiều dài 1.214km, trung bình chạy 41,8km/ngày.

    Hoa Việt chơi đùa, chia sẻ thức ăn với một chú khỉ trong hành trình chạy bộ đến Singapore - Ảnh: NVCC

    Viethome (theo Tuổi Trẻ)

  • Với Tommy - chủ tiệm nail Q Nail & Spa, lập nghiệp chưa bao giờ là một hành trình dễ dàng.

    Năm năm trước, một mình đặt chân đến Mỹ vừa không người quen, vừa không biết đường, Tommy phải lang thang nhiều bang để tìm địa điểm mở tiệm nail.

    Tommy tới Mỹ với mong muốn mở một tiệm nails của riêng mình.

    "Một nơi xa lạ, cách quê nhà nửa vòng trái đất, ngôn ngữ bất đồng, phong tục tập quán cũng như quy định luật pháp khác biệt, chỉ hòa nhập sinh sống bình thường thôi cũng đủ khó chứ chưa nói đến lập nghiệp, kinh doanh là điều vô cùng mạo hiểm và có phần điên rồ", Tommy nhớ lại.

    Tưởng như không còn hi vọng, may mắn là Tommy tìm được một tiệm nails đang muốn sang nhượng ở Houston, Texas. "Dù tìm đến nhiều nơi nhưng chưa nơi nào mang đến cho tôi cảm giác gần gũi, thân quen như ở đây. Tôi biết đây chính là nơi mình sẽ bắt đầu", Tommy lý giải về lựa chọn có phần mạo hiểm khi đó.

    Nghĩ là làm, Tommy đến quyết định mua lại cửa tiệm với mức giá tương đối cao. Nhiều người thân, bạn bè đều can ngăn do Tommy chưa có kinh nghiệm kinh doanh, cửa tiệm khá lớn (rộng hơn 500m2)...

    Tiệm nails có diện tích hơn 500m2, mỗi ngày đón tiếp 500, 600 lượt khách. 

    "Tôi quyết định mua lại tiệm dù cũng nghe nhiều chuyện thất bại hơn thành công của người Việt làm nails tại Mỹ", Tommy tâm sự.

    Bắt tay vào công việc, ông chủ người Việt tiếp tục đối mặt với nỗi lo thường trực là làm sao có đủ khách để duy trì vận hành tiệm nail vừa có diện tích rộng, vừa đông nhân viên như Q Nail & Spa.

    Để thực hiện điều đó, Tommy chú trọng đến việc quản lý một cách khoa học từ tổ chức nhân viên đến chăm sóc khách hàng. Anh đặt ra mục tiêu rõ ràng là khách đến luôn thấy hài lòng và hạnh phúc khi ra về. Vị chủ tiệm cố gắng sát sao với từng khách. Nếu thấy chất lượng không đạt tiêu chuẩn đề ra, anh giải thích cho khách là chưa đạt và yêu cầu nhân viên làm lại.

    Ông chủ gốc Việt mong muốn làm khách hàng luôn thấy hài lòng khi sử dụng dịch vụ và hạnh phúc khi ra về.

    Ngoài ra, để giới thiệu dịch vụ với khách hàng tiềm năng, Tommy lựa chọn hình thức tiếp thị truyền thống như đăng báo, gửi thư đến từng nhà... Dù tốn không ít chi phí, song những phương pháp này không mang lại hiệu quả như anh kỳ vọng.

    Sau một thời gian tìm hiểu các phương thức quảng cáo, nhận thấy marketing trực tuyến gắn liền với các thiết bị công nghệ đang là xu hướng mới, Tommy quyết định tìm đến các chuyên gia trong lĩnh vực này.

    Nghề nails là một trong những nghề phổ biến của người Việt tại Mỹ.

    Một trong những lựa chọn của Tommy là dịch vụ xác minh địa điểm (verified Google location) của Fast Boy Marketing. Công cụ này mang tới khá nhiều thay đổi, góp phần gia tăng lượng khách hàng cho cửa tiệm. Lượng khách hàng quay lại sử dụng dịch vụ cũng rất đông. 

    Tiệm nails nằm tại trung tâm thành phố Houston. 

    Vừa qua, Q Nail & Spa cũng là một trong những tiệm nails được Google công nhận có lượt truy cập trực tuyến đông nhất tại khu vực Houston, Texas, Mỹ.

    "Nhờ chiến lược marketing hợp thời, ứng dụng công nghệ hiện đại, Q Nail & Spa mới có thể trở thành cái tên quen thuộc với nhiều khách hàng, giúp khách hàng tìm đến, cảm nhận và yêu mến chất lượng dịch vụ của chúng tôi", Tommy cho hay.

    Viethome (theo VnExpress)

  • Hai mươi năm lao động xa xứ, đức tính cần cù, chịu khó, chân thành và một chiến lược kinh doanh khác biệt đã giúp Nguyễn Văn Thịnh từ một anh chàng bán kem ở vùng núi nghèo trở thành một doanh nhân thành đạt tại Hungary. 

    Tuổi thơ khốn khó

    Nguyễn Văn Thịnh sinh ngày 14/2/1964 tại thôn Xuân Dục, xã Xuân Ninh, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình. Anh sinh trưởng trong một gia đình làm nghề chài lưới. Thịnh là con thứ chín trong gia đình có mười một anh chị em. Cuộc sống gia đình anh nghèo khổ, lênh đênh, bất định, nay đây mai đó trên sông nước.

    Cho đến năm 1955, khi Nhà nước thực hiện chính sách cải cách ruộng đất, gia đình anh được chia ruộng, cả nhà kéo nhau lên bờ sinh cơ, lập nghiệp. 

    Thật không may, tháng 7/1967, một quả bom Mỹ đã ném trúng nhà, khiến ba anh chị em và một người họ hàng của anh thiệt mạng. Lúc đó, Thịnh mới 3 tuổi. 

    nguyen van thinh TTEURO KFT
    Anh Nguyễn Văn Thịnh (Ảnh: VTV)

    Năm Thịnh lên 7 tuổi, các chị đều đi lập gia đình, bố thì thường phải đi làm xa, chỉ còn anh và cậu em út ở nhà với mẹ. Mẹ thì đau yếu triền miên, nên Thịnh cũng phải gánh vác các công việc cày, cuốc, chăn trâu, chăn bò. 

    Tuy nhiên cũng nhờ đó mà năm lên 11 tuổi, anh đã tự lập và có thể tự nuôi sống bản thân. Hàng ngày, ngoài giờ học văn hóa, Thịnh giúp đỡ mẹ việc đồng áng và chài lưới để kiếm mớ tôm, mớ cá bán lấy tiền phụ giúp gia đình. 

    Năm 1984 Thịnh tham gia nghĩa vụ quân sự, là bộ đội tình nguyện ở chiến trường Lào. Năm 1990 anh về phục viên và lập gia đình tại quê hương. Một thời gian sau, hai vợ chồng anh được bố mẹ cho ra ăn riêng. 

    Hai người quyết định mở một cửa hiệu may nhỏ, nhưng dù chăm chỉ làm ăn họ vẫn nghèo. Với quyết tâm thay đổi số phận, Thịnh ôm mộng đi buôn. 

    Thịnh khởi nghiệp với nghề bán kem, do công việc cần ít vốn. Anh vay mượn gia đình, mua hai thùng kem để hành nghề. Hàng ngày, anh đi vào sâu trong vùng bà con dân tộc Vân kiều để bán. Đoạn đường rừng vừa đi vừa về dài khoảng 70km, có lúc anh đạp xe, có đoạn đi nhờ xe chở gỗ, cũng có nhiều đoạn phải xuống gánh bộ. 

    Thịnh không chỉ bán mà còn dùng kem để đổi sợi thuốc lá, sắt vụn, đồng nát. Để cạnh tranh với những người bán kem khác, Thịnh đã nghĩ ra một chiêu thức quảng cáo khá thú vị. Anh đóng vai một chú hề, kèm theo lời rao dí dỏm: ''Ai tươi mát đây, tươi mát đây.''

    Có lẽ vì những yếu tố mới lạ này nên bà con thường hay mua kem của Thịnh hơn. Anh bán hàng rất chạy, lại đổi được nhiều sản vật quý. 

    Một năm trời làm ăn chăm chỉ và cần mẫn, Thịnh đã dành dụm được chút vốn liếng. Nhưng anh vẫn chưa giàu và giấc mơ đổi đời vẫn còn nguyên đó. 

    Vượt lên số phận

    Năm 1998, Thịnh theo chân một người bà con sang Hungary làm ăn và khởi nghiệp lại ở đây, bằng vốn vay 1.000 USD của người chị vợ. Hàng ngày, anh lấy quần áo ở đầu chợ rồi mang xuống cuối chợ bán. 

    Ngày đầu tiên anh kiếm được 2.000 Forint tiền lãi (tương đương với 15 USD). Số tiền đó bằng một ngày làm công của 5 người thợ xây ở quê. Thịnh mừng lắm, nhưng chỉ một thời gian ngắn sau, anh đã nhận ra rằng cuộc sống ở trời Tây không hề đơn giản, nhiều lúc còn vất vả, cực khổ hơn ở quê. 

    Buôn bán lúc được, lúc mất, không trường vốn kinh doanh, khí hậu khắc nghiệt, không biết ngoại ngữ, gia đình ở xa, nhờ vả anh em thì cũng có hạn, tiền bạc không có, nhiều khi Thịnh chỉ dám mua mấy thứ đồ ăn mà người dân ở đó không thèm ăn như đầu gà, chân gà, còn lại thì ăn mỳ tôm trừ bữa... 

    Những ngày tháng ấy đầy khổ cực, tủi hờn, nhưng không thể hạ gục được người đàn ông từng trải như anh.

    Không giống nhiều người khác từng “đi Tây,” Thịnh là một trường hợp điển hình về việc không cam chịu số phận. 

    Sau khi tạm ổn định ở nơi đất khách, anh tiếp tục vay mượn số tiền 15.000 USD, mua một kiốt bán hàng rộng 4m2. Sau đó anh chăm chỉ đi làm sớm về khuya, nhanh chóng có nhiều khách hàng thân thiết và trả hết nợ sau 3 năm. 

    Năm 2005, sau 7 năm sống ở xứ người, Thịnh quyết định mở rộng quy mô kinh doanh, thành lập Công ty Trách nhiệm hữu hạn TTEURO-KFT, chuyên kinh doanh đồ gia dụng gia đình nhập khẩu từ Trung Quốc. 

    Giám đốc Nguyễn Văn Thịnh và nhân viên công ty TTEURO-KFT. (Ảnh: Vietnam+)

    Công việc làm ăn ngày càng phát đạt, anh tiếp tục thuê thêm 3 cửa hàng nữa, một cái rộng 140m2, hai cái còn lại lần lượt 120m2, 500m2 và một tổng kho. 

    Thịnh tuyển thêm hàng chục nhân viên, cho người sang Trung Quốc học nghiệp vụ sau đó về Hungary học tiếng rồi bố trí vào những vị trí phù hợp. 

    Mỗi trường hợp như thế, công ty anh đều phải tạo mọi điều kiện, từ chuyện việc làm, mức lương ổn định, đóng thuế, tài khoản tiết kiệm, mua nhà, nhập quốc tịch... để giúp các nhân viên an cư, lập nghiệp. 

    Do đã từng trải và thấu hiểu sự cùng cực nơi xứ người nên anh luôn hết lòng chỉ bảo, dạy dỗ, lo toan cho các nhân viên như con cái của mình. Anh đã giúp đỡ họ từng bước hiện thực hóa giấc mơ trên đất khách. 

    Hiện nay, TTEURO-KFT đã liên kết với rất nhiều đại lý ở Hungary, Cộng hòa Séc, Áo, Ukraine, Romania... và là một trong những công ty kinh doanh đồ gia dụng xuyên quốc gia, đứng tốp đầu tại khu Trung tâm thương mại 25 ở Budapets.

    Ông Béni Mihály, giám đốc công ty Kambiel Kft, đối tác lâu năm của Thịnh chia sẻ: ''Trước đây, tôi từ một người làm công, với hai bàn tay trắng, dưới sự giúp đỡ và dìu dắt của anh Thịnh nay tôi đã sở hữu một tài sản mà trước đấy dù có mơ cũng không thấy. Có thể người khác chỉ nhếch mép cười khi biết trị giá khối tài sản vài ba triệu USD mà tôi có. Nhưng với tôi, ngoài giá trị có thể đo đếm được còn có một thứ khác, một thứ không thể tính bằng tiền mặt. Đó là tình cảm anh em đồng chí mà chúng tôi đã dành cho nhau. Tôi rất tự hào và hãnh diện khi hợp tác với công ty và biết anh Thịnh cùng gia đình đã coi Hungary là Tổ quốc thứ hai của mình."

    Trong vòng 5 năm tới, Thịnh dự kiến sẽ phát triển công ty trở thành tập đoàn, đồng thời, hoạch định chiến lược vươn ra một số thị trường tiềm năng ngoài châu Âu. 

    Đặc biệt, anh đang chú trọng vào việc nâng cao chất lượng đội ngũ nhân viên, tuyển mộ thêm những nhân viên có trình độ cao tại Hungary và Việt Nam. Ngoài ra, anh cũng dự định đưa hai người con trai đi du học tại Trung Quốc, để chuẩn bị cho thế hệ kế cận. 

    ''Tôi không vội vàng. Tôi làm từng bước một. Ngày xưa, tôi đâu có ngờ là mình sẽ sang Tây. Sang Tây rồi tôi cũng đâu có ngờ là mình sẽ có được một công ty buôn bán đa quốc gia, có được một đội quân như thế này...," anh chia sẻ.

    Khi được hỏi bí kíp thành công là gì, Thịnh nói rằng đó là “sự cần cù, chịu khó và phải luôn luôn thật thà, uy tín với khách hàng.”

    Ngoài ra, người doanh nhân phải làm sao để trong lòng khách hàng luôn có ''hình bóng'' của đơn vị mình, phải tạo ra mối nhân duyên và tình cảm sâu sắc với khách hàng. 

    Đi thật xa để trở về

    Giống như nhiều người Việt thành công khác, Thịnh ''đi là để trở về." Việc ''trở về'' của anh, không chỉ là đóng góp, ủng hộ tiền bạc cho địa phương để xây dựng các công trình công cộng như đường xá, nhà văn hóa, cổng trào... hay quyên góp ủng hộ đồng bào nghèo, lũ lụt... hay đầu tư tiền bạc để xây dựng khu sinh thái gia đình, mà còn là việc ''nhìn lại'' và sửa chữa những sai lầm. 

    Thịnh tâm sự, ngày còn ở quê, anh đã phá cả một quả đồi tự nhiên (được nhà nước giao khoán) để trồng bạch đàn. Nay anh mới hiểu ra rằng đó là việc làm sai lầm. Anh đã quyết định cắt bỏ toàn bộ rừng bạch đàn và tái tạo lại thành rừng tự nhiên. 

    Bên cạnh đó, anh cho xây ba quả núi tại khu sinh thái gia đình, xây dựng các công trình kiến trúc Á-Âu và xây dựng lâu đài theo phong cách kiến trúc châu Âu. Anh chia sẻ: ''Đây là công trình tâm huyết của tôi, để tôi có thể đón tiếp bạn bè lúc tuổi già." 

    Ở Hungary, Thịnh cũng nổi tiếng là người luôn giúp đỡ tận tình các đoàn Việt Nam sang nước bạn công tác. 

    Ông Phạm Ngọc Chu (Chủ tịch Hội doanh nghiệp Việt Nam tại Hungary), chia sẻ: ''Công ty TTEURO-KFT là thành viên của Hội doanh nghiệp Việt Nam tại Hungary. Ông Nguyễn Văn Thịnh đã có nhiều đóng góp quan trọng cho sự lớn mạnh của Hội, là nhân tố tích cực trong các hoạt động của Hội, cộng đồng Việt tại Hungary và nước ngoài. Ông Thịnh xứng đáng là hạt nhân tiên tiến, thành đạt trong cộng đồng Việt Nam tại Hungary.''

    Hai mươi năm lao động xa xứ, với đức tính cần cù, chịu khó, chân thành và có chiến lược kinh doanh khác biệt đã giúp Thịnh, từ một anh chàng bán kem ở vùng núi nghèo trở thành một doanh nhân thành đạt tại Hungary. 

    TTEURO-KFT hiện là một trong những công ty kinh doanh hàng gia dụng xuyên quốc gia, thuộc tốp đầu của Khu Trung tâm thương mại 25. 

    Có thể nói rằng, giám đốc Nguyễn Văn Thịnh là một trong những hình ảnh tiêu biểu của người Việt Nam hiện đại ở nước ngoài./.

    Viethome (theo Vietnamplus)

  • Nhiều năm qua và hiện nay, bà Vân luôn có mặt thường xuyên ở các casino và sống bằng nghề chơi poker chuyên nghiệp.

    Ngày 25-5-2010, thẩm phán William A Ailen thuộc Tòa án cấp cao Los Angeles đã tuyên xử vụ án ly hôn mà bà Nguyễn Thị Tuyết Vân (Van Nguyen) ngụ TP Downey, Los Angeles là người đệ đơn và chồng là bị đơn, ông Nguyễn Văn Mến, tức Men Nguyen, một “thần bài”, triệu phú đôla nổi tiếng trong làng poker ở Mỹ và thế giới.

    Bà Vân trong một giải đấu tại casino Las Vegas. Ảnh: TL

    Vụ ly hôn xôn xao giới casino

    Theo phán quyết phân chia tài sản, ngoài vô số đồ trang sức mà bà Vân sở hữu, ông Men Nguyen còn có trách nhiệm trợ cấp cho bà Vân mỗi tháng 1.500 USD. Việc hỗ trợ này chỉ chấm dứt khi một trong hai người qua đời hoặc bà Vân tái hôn. Ngoài ra, bà Vân còn được sở hữu một xe hơi Mercedes ML500, một căn biệt thự tại Downey, Los Angeles. Theo bản án, ông Men Nguyen còn phải có trách nhiệm hỗ trợ cho ba con gái trong cuộc hôn nhân giữa ông và bà Vân tổng cộng 2.500 USD/tháng cho đến khi ba đứa trẻ hoàn tất tú tài hoặc đủ 19 tuổi. Riêng con gái lớn của ông và bà Vân sẽ được cha trích tặng một chiếc xe hơi Toyota Scion khi đủ tuổi lấy bằng lái xe để làm phương tiện đi lại.

    Vụ ly hôn giữa ông Men Nguyen và bà Tuyết Vân vào năm 2010 đã làm xôn xao khắp các casino ở Mỹ bởi người đàn bà nhan sắc này thỉnh thoảng vẫn tháp tùng chồng đi vòng quanh các sòng bạc từ Las Vegas, Chicago hay đến tận các casino ở Macau - nơi mà Men Nguyen luôn được kính trọng gọi là “the master” (danh sư). Vợ chồng Men Nguyen được xem là “cặp đôi người Việt hoàn hảo” ở California khi có số tài sản hơn 10 triệu USD, nhiều căn biệt thự đắt tiền cùng một bộ sưu tập xe hơi đáng nể.

    Học trò không học phí

    Được biết Nguyễn Văn Mến và Nguyễn Thị Tuyết Vân có giấy chứng nhận kết hôn vào tháng 6-1997 tại Bình Thuận khi Men Nguyen đã chính thức trở thành tay poker chuyên nghiệp. Hơn 20 năm sống với quân bài poker, ông Mến đã đào tạo được nhiều cao thủ gốc Việt trong làng poker nhưng không thu một cắc học phí mà chỉ hưởng tỉ lệ phần trăm trong những giải thưởng mà các học trò đạt được. Một “học trò” mà ông không lấy học phí lẫn không hưởng tỉ lệ phần trăm đó chính là vợ cũ của ông, bà Van Nguyen.

    Từ năm 2005, sau khi các con đã lớn lần lượt đến trường, bà Vân luôn tháp tùng chồng đi “sát phạt”. Mỗi lần Men Nguyen thi đấu ông đều yêu cầu vợ ngồi trên khán đài chú ý từng con bài, bước đi của ông lẫn của đối thủ được tường thuật qua màn ảnh lớn giữa casino để học hỏi. Sau những trận đấu, Men Nguyen đều giải thích cặn kẽ cho vợ và đặt ra nhiều tình huống để bà Vân tự suy nghĩ đưa ra quyết định. Cứ thế, môn poker dần dần thấm sâu và năm 2007, bà Vân chính thức trở thành tay poker chuyên nghiệp. Tuy nhiên, do quá cẩn thận, bà Van Nguyen chỉ thắng được vài giải đấu nhỏ dành cho các quý bà. Trong những giải đấu này, Men Nguyen luôn theo sát vợ và khi kết thúc ông luôn yêu cầu vợ tập cách “xuống” bài, đẩy chip (phỉnh) mà không thay đổi sắc mặt dù là bài tốt hay xấu và hàng loạt chiêu thức khác mà ông có được sau gần 20 năm chơi poker chuyên nghiệp.

    Vô địch sau khi thắng 444 người!

    Tháng 3-2008, một sự kiện gây chấn động trong làng poker thế giới và truyền thông Mỹ khi Van Nguyen, người phụ nữ gốc Việt đã đăng quang ngôi vô địch World Poker Tour Invitational (WPT) sau khi đánh bại 444 người. Ngoài tiền thưởng 125.000 USD, bà Van Nguyen còn ghi tên mình vào lịch sử poker khi là người phụ nữ đầu tiên trên thế giới thắng một giải đấu hỗn hợp nam nữ.

    Giải đấu WPT luôn được truyền hình trực tiếp trên ESPN và Game Show Network (GSN) với sự tham dự của hàng loạt ngôi sao nổi tiếng Hollywood. Trong giải đấu mà bà Van Nguyen đăng quang năm 2008, người ta thấy có nam diễn viên Tom McGowan, nữ diễn viên truyền hình xinh đẹp Sara Rue; nữ diễn viên, nhà sản xuất từng được đề cử giải Emmy 1994 Ricky Lake; nữ diễn viên Jeniffer Tilly từng được đề cử giải Oscar; diễn viên, đạo diễn, đại sứ thiện chí môi trường Liên Hiệp Quốc Don Cheadle… Tuy nhiên, những ngôi sao này đã nhanh chóng bị loại bởi Van Nguyen. Duy nhất chỉ có nhà văn chuyên viết kịch bản cho Hollywood Elias Madias lọt vào tốp 5 và cũng bị Van Nguyen đánh bại để ra về với giải thưởng an ủi 10.000 USD.

    Ông Men Nguyen là một danh sư poker.

    Để thắng được giải đấu và giành được danh hiệu lịch sử danh giá này, Van Nguyen lọt vào vòng chung kết và phải đối mặt với tay chơi poker đến từ New York Ethan Ruby; tay chơi poker 50 năm kinh nghiệm Billy Baxter từng đoạt bảy chức vô địch thế giới và Justin Machand, Trưởng phòng Truyền thông tạp chí Card Player. Sau gần 20 phút đấu trí căng thẳng, cuối cùng Van Nguyen đã giành chiến thắng nghẹt thở trước Billy Baxter và Ethan Ruby để nhận giải thưởng 125.000 USD.

    Men Nguyen đưa cho chúng tôi xem clip ghi lại trận chung kết kịch tính này và người đầu tiên mà bà Vân quay ra sau khán đài chung vui là chồng bà, Men Nguyen lúc hai người còn mặn nồng.

    Sau đó bà Vân tiếp tục thắng ba giải khác là giải Five Star World Poker Classic tại Las Vegas, giải vô địch Los Angeles 2008 và giải Ceasars Palace. Tuy nhiên, trong giải đấu WTP Ladies Championship giành cho quý bà trên thế giới, bà Vân chỉ đứng ở vị trí thứ sáu.

    Tính đến tháng 5-2012, tổng số giải thưởng của bà Vân đã đạt được gần 400.000 USD, lọt vào tốp 50 các quý bà chơi poker chuyên nghiệp có thu nhập cao với thứ hạng 42. Nhiều năm qua và hiện nay, bà Vân luôn có mặt thường xuyên ở các casino và sống bằng nghề chơi poker chuyên nghiệp.

    Được biết tháng 7-2018, ông Nguyễn Văn Mến đã đoạt hạng ba giải WTP Main Event 2018 tại casino Garden ở Los Angeles với số tiền thưởng hơn 270.000 USD và quay về Việt Nam làm từ thiện. Ông đã ở Việt Nam nhiều tuần để tham dự một giải đấu poker do Victorious Poker Club tổ chức tại TP.HCM. 

    Viethome (theo Pháp luật TPHCM)

  • Sau gần 40 năm sang Mỹ định cư với hai bàn tay trắng, gia đình của ông David Dương hiện sở hữu một công ty tái chế rác trị giá hàng trăm triệu đô, có hàng trăm nhân công và đầu tư về Việt Nam.

    Công ty của Giải pháp Rác thải California của ông Dương hiện hoạt động ở thành phố Oakland và San Jose. Công ty có một đội xe tải chuyên dụng trị giá khoảng 300.000 USD mỗi chiếc, chuyên thu thập các vật liệu có khả năng tái chế vào mỗi sáng sớm.

    Hàng nghìn tấn vật liệu sau đó được chở đến các nhà máy phân loại tự động cao có quy mô lớn và hiện đại của công ty, được xây dựng và hoạt động theo tiêu chuẩn Mỹ, VOA cho hay.

    Đó là một bước tiến ấn tượng đối với gia đình ông Dương kể từ khi họ sang Mỹ vào năm 1979.

    Ông David Dương. Ảnh: VOA

    Từ tay sang máy

    Những ngày đầu ở vùng đất mới, trong nỗi tuyệt vọng vì cần tiền và công việc, gia đình ông Dương đã đi nhặt nhạnh các thùng các-tông trên đường phố ở San Francisco đem bán. Trong khi những người khác chỉ xem chúng là đồ bỏ đi thì họ đã nhìn thấy cơ hội làm giàu từ đó.

    Đội xe chở rác hiện đại của công ty. Ảnh: VOA

    Cha ông tích cóp được 700 USD để mua một chiếc xe tải cũ nhưng do mới đến, ông gặp khó khăn trong việc vay mượn số tiền còn lại để mua xe. Ông Dương đã khuyên cha đến một đền thờ ở khu Chinatown và nhờ giúp đỡ.

    23 người trong gia đình cùng đi nhặt các loại rác thải có thể tái chế, dùng tay để phân loại chúng từ thùng rác và bán chúng đi để chế biến thành hộp, lon và các sản phẩm mới.

    “Đó là cách chúng tôi khởi nghiệp”, ông nói.

    Gia đình ông Dương khởi nghiệp từ nghề nhặt thùng các-tông trên đường phố. Ảnh: VOA

    Hàng chục năm sau, việc nhặt và phân loại rác bằng tay đã được thay thế bằng máy móc.

    Một số máy sử dụng nam châm hoặc thiết bị điện dùng cho việc lọc sắt hoặc nhôm để tách các kim loại có giá trị khỏi các vật liệu khác. Một số máy, trong đó có những chiếc với kích cỡ bằng các phòng lớn, sử dụng ánh sáng, các luồng không khí và máy tính để tách các vật liệu nhẹ như túi nhựa khỏi vật liệu sợi nặng hơn.

    Quá trình phân loại rác này còn liên quan đến nhiều băng tải dài, nhiều thiết bị lớn, đắt tiền và phức tạp. Mục đích của quá trình là tách những đống rác hỗn độn thành nhiều nhóm riêng như nhôm, giấy hay các loại nhựa có khả năng làm vật liệu thô cho các nhà sản xuất.

    Giám đốc điều hành công ty, ông Joel Corona, cũng cho hay công việc này có tác động tốt tới môi trường. 

    Đầu tư về Việt Nam

    Các vấn đề về môi trường gây lo ngại ở Việt Nam là cơ hội để công ty Giải pháp Rác thải California mở rộng thị trường hoạt động.

    Công ty của ông Dương sở hữu nhiều nhà máy phân loại rác tự động cao có quy mô lớn và hiện đại, được xây dựng và hoạt động theo tiêu chuẩn Mỹ. Ảnh: VOA

    Ông Dương cho hay chính phủ Việt Nam khuyến khích những người Việt ở nước ngoài tiến hành các dự án mới ở quê hương. Họ tạo điều kiện để việc đầu tư vào Việt Nam trở nên dễ dàng hơn.

    “Chúng tôi có thể dùng công nghệ mà chúng tôi đã học được và áp dụng nó ở Mỹ mang về quê hương của chúng tôi, giúp đỡ người dân Việt Nam, cải thiện môi trường và đó là những điều khiến tôi tự hào”, ông nói.

    Ông chia sẻ rằng sự chăm chỉ, không ngại thử thách, may mắn và tầm nhìn táo bạo là những gì giúp ông đạt được thành công ngày hôm nay.

    Viethome (theo VOA News)

  • Vicky Nguyễn, cô gái 34 tuổi hiện ở Irvine, miền Nam California, trải qua hai cuộc phẫu thuật ghép gan vào năm 2 tuổi và 16 tuổi, nay lại đang đối mặt với căn bệnh ung thư máu. Với nhiều người, có lẽ đó là nỗi thống khổ tột cùng. Nhưng Vicky ngược lại. Không chán nản hay than thân trách phận, Vicky dùng chính câu chuyện cuộc đời mình để truyền đi những thông điệp tốt đẹp, nhất là trong việc vận động nhiều người tham gia hiến nội tạng cứu người.

    Vicky Nguyễn, 34 tuổi, cô gái trải qua hai lần phẫu thuật ghép gan và nay đang chiến đấu với căn bệnh ung thư máu, vẫn luôn tin tưởng về tương lai tốt đẹp phía trước, nỗ lực học tập để trở thành một y tá . (Hình: Tâm An)

    Bệnh tật đeo bám từ lúc một tháng tuổi

    Người có thể nhìn từng chặng đường trải qua của Vicky từ khi chào đời, đến lúc mắc bệnh và trải qua bao cuộc phẫu thuật không ai khác hơn là mẹ của cô, bà Thanh Khiết Mai.

    Bà Mai kể: “Khi mới sinh ra một tháng tuổi, các bác sĩ phát hiện ra Vicky bị tắc ống dẫn mật. Khi được 14 tháng, gan của Vicky bị hư hại hoàn toàn, cần phải thay thế bởi một lá gan khác. Vicky được đưa vào danh sách bệnh nhân chờ đợi để cấy ghép gan tại viện UCLA.”

    Vicky Nguyễn trải qua cuộc phẫu thuật ghép gan khi mới 22 tháng tuổi. (Hình: Nhân vật cung cấp)

    “Sau tám tháng chờ đợi, một hôm tôi nhận được điện thoại từ bệnh viện cho biết có một gia đình người Mỹ bị tai nạn xe hơi, được đưa vào viện UCLA cấp cứu. Con trai của họ không may qua đời, và họ đồng ý hiến gan con trai họ cho con tôi. Nhờ ơn phước và lòng quảng đại của họ, con tôi được cứu sống khi mới 22 tháng tuổi,” người mẹ nhớ lại.

    Ngừng một lúc, bà kể tiếp: “Đó là năm 1986, nền y học mới bắt đầu áp dụng kỹ thuật ghép gan. Vicky là một trong 30 ca đầu tiên của bệnh viện UCLA được ứng dụng kỹ thuật này. Hơn thế nữa, Vicky lại được nhận gan từ một em bé ở cùng bệnh viện, có các chỉ số y khoa tương thích hoàn toàn. Đây là điều khá hy hữu. Tôi vẫn thường nói với Vicky rằng con quá may mắn nên hãy sống sao cho có ý nghĩa, xứng đáng với những gì con đã được trao tặng.”

    Cuộc ghép gan lần hai năm 16 tuổi

    Theo lời người mẹ, sau cuộc phẫu thuật, Vicky bình phục nhanh chóng, nhưng cô phải đối mặt với các cơn sốt do cơ thể liên tục đào thải tế bào lạ (là lá gan mới được nhận). Vicky thường xuyên phải uống thuốc chống đào thải. Các bác sĩ cho gia đình biết trước rằng lá gan mới có tuổi thọ chừng 15 năm. Có nghĩa là 15 năm sau đó, Vicky sẽ phải ghi danh để chờ được phẫu thuật ghép gan lần thứ hai.

    Số người trong danh sách chờ được ghép nội tạng mỗi năm lên đến hàng trăm ngàn người. Trong số đó, có rất nhiều người đã không chờ được tới ngày được cứu sống vì không có ai hiến tặng một cơ phận tương thích với họ. Vicky rất có thể cũng sẽ gặp tình trạng đó.

    Mặc dầu vậy, cô vẫn không ngừng hy vọng về tương lai tốt đẹp của mình và luôn lo học hành bài bản như bất kỳ người khỏe mạnh khác. Năm 16 tuổi, may mắn lại đến với cô. Vicky được nhận món quà vô giá từ một em bé 8 tuổi không may bị tai nạn giao thông. Lá gan của em bé ấy đã được cấy ghép vào cơ thể Vicky, đem lại cuộc sống cho cô một lần nữa.

    Nhờ đó, Vicky đã luôn ý thức để sống một cuộc sống lành mạnh, đầy tinh thần trách nhiệm và sẵn sàng cống hiến, không chỉ vì bản thân mà vì những người đã hiến gan cho cô.

    Ông Simon Nguyễn, ba của Vicky, bày tỏ: “Nếu như không có lòng tốt của những người hiến tặng nội tạng thì nay con tôi đã không còn cơ hội được sống. Vì thế con tôi luôn trân trọng những gì đang có và tri ân tất cả những người đã cứu sống mình. Tôi rất tự hào về Vicky, mặc dù sinh ra không được khỏe mạnh và thường xuyên đối mặt với những căn bệnh hiểm nghèo, nhưng con tôi luôn cố gắng sống một cuộc sống có ý nghĩa.”

    Sống lạc quan, đầy trách nhiệm

    Vượt qua những cơn đau yếu, Vicky theo học và tốt nghiệp đại học Azusa Pacific, ngành Organization Leadership.

    Trong hơn gần 10 năm vừa học vừa làm, cô nỗ lực không ngừng để làm việc trong các tổ chức y tế liên quan tới vận động hiến máu, hiến nội tạng cứu người.

    Năm 2011, Vicky xuất hiện trên trang báo của trường University of Southern California với tựa đề “The need for organs for transplants far exceeds the supply.” Nhà báo người Mỹ Frank Sotomayor có nhắc tới câu chuyện của Vicky, người được cứu sống hai lần nhờ tấm lòng nhân hậu của những người hiến nội tạng. Câu chuyện của Vicky cũng đồng thời được đăng trên báo Người Việt năm 2012 với tiêu đề: “Hiến tặng nội tạng, hiến tặng cuộc sống.”

    Vicky luôn nở nụ cười tươi nhất có thể, cho dù cô đang nằm điều trị trong bệnh viện. (Hình: Nhân vật cung cấp)

    Năm 2012 cô cùng với các thành viên trong tổ chức OneLegacy tham gia vận động hành lang để Thống Ðốc Jerry Brown ký chuẩn thuận điều luật AB 1967 về việc đưa nội dung về “khoa học cấy ghép nội tạng và sự cần thiết trong việc hiến nội tạng cứu người” vào trong chương trình học tại các trường trung học.

    Năm 2013 cô xuất hiện trên video của tổ chức Donate Life California để vận động người dân ý thức hơn về việc hiến nội tạng, máu, giác mạc và các tế bào.

    Năm 2017, bệnh viện UCLA chọn Vicky và ông bác sĩ của cô làm hình ảnh đại diện cho chiến dịch quảng bá thương hiệu của bệnh viện, hình ảnh của cô được thấy ở khắp nơi, không chỉ trong bệnh viện mà còn ở trên các biển quảng cáo trên xe buýt, trên đường xa lộ.

    Hãng Ford còn chọn câu chuyện cuộc đời cô để làm chương trình quảng cáo dòng xe hơi mới ra Ecosport.

    Vicky còn thường xuyên dùng những trải nghiệm của bản thân về hai lần phẫu thuật ghép gan để trấn an tinh thần, động viên những bệnh nhân ghép tạng khác trong bệnh viện UCLA. Chính lời động viên của cô khiến họ thêm niềm tin và phấn chấn tinh thần để cuộc phẫu thuật được thành công.

    Đối mặt với cuộc chiến mới: Ung thư máu

    Tuy nhiên, cuộc sống vẫn chưa ngừng thử thách Vicky.

    Tháng Tám, 2018, khi đang làm việc cho Hội Chữ Thập Đỏ, Vicky phải nghỉ việc vì cảm thấy cơ thể không khỏe.

    Ít ngày sau đó, Vicky phải vào bệnh viện UCLA cấp cứu vì triệu chứng chảy máu ruột. Các bác sĩ cho biết, nếu chỉ chậm 15 phút nữa, họ đã có thể không cứu nổi cô. Sau một loạt các xét nghiệm, Vicky được thông báo là cô bị ung thư máu và sẽ phải trải qua những đợt điều trị bằng hóa chất.

    Nói chuyện với Vicky qua điện thoại khi cô đang trong bệnh viện UCLA để làm hóa trị lần thứ tư, phóng viên Người Việt nhận ra sự mạnh mẽ của cô qua giọng nói. Một giọng nói không hề có sự mệt mỏi, chán nản, mà trái lại, đó là một giọng nói trong trẻo, truyền cảm và đầy sức sống. Nếu chỉ nghe giọng nói, không ai có thể hình dung cô gái ấy đang phải chịu đựng những nỗi đau cả về thể xác lẫn tinh thần trong hành trình chiến đấu với căn bệnh ung thư – căn bệnh biến một cô gái có làn da căng tràn nhựa sống, chỉ sau vài tuần, bỗng trở nên xanh xao vàng vọt, biến một người đang cân nặng  từ 115 lb tụt xuống chỉ còn có chưa đầy 80 lbs, và mái tóc đang bóng mượt hôm nào giờ rối tung và rụng gần hết.

    Tuy nhiên, Vicky không ngần ngại cho mọi người biết mình bị bệnh ung thư máu và công khai hình ảnh ốm yếu của mình trên trang Facebook cá nhân. Trong ngày Thanks Giving, cô viết trên Facebook: “Điều này nghe có vẻ lạ, nhưng tôi thấy biết ơn căn bệnh ung thư và những lần phẫu thuật thay gan trước đây của mình. Tôi biết ơn vì điều đó buộc tôi phải sống chậm lại và nhìn mọi thứ với với khía cạnh sâu sắc hơn. Tôi học được rất nhiều thứ từ hành trình chống lại ung thư này như sự tha thứ, buông bỏ và yêu thương. Điều đó giúp tôi cảm nhận cuộc sống theo một cách khác, trọn vẹn hơn, ý nghĩa hơn và đầy đủ hơn.”

    Bên trái là hình ảnh Vicky Nguyễn tham gia chạy Marathon tại Los Angeles đầu năm 2018 khi chưa phát hiện ung thư, bên phải là hình ảnh Vicky vào Tháng Chín, 2018 khi cô đang trải qua các đợt truyền hóa chất để chiến đấu với bệnh ung thư máu. (Hình: Nhân vật cung cấp)

    Cô chia sẻ thêm: “Mặc dù có những ngày tôi cảm thấy như kiệt sức (khi hồng huyết cầu của tôi xuống thấp), nhưng khi đó khát vọng sống trong tôi lại bùng lên hơn bao giờ hết. Mặc dù bây giờ đầu tôi không còn tóc, nhưng tôi lại cảm thấy mình đẹp hơn trước đây. Bệnh ung thư buộc tôi phải mang một bộ dạng mới và tôi yêu thích điều đó! Tôi cảm thấy mình dũng cảm, quyền lực, mạnh mẽ và xinh đẹp hơn. Ung thư đã như một luồng ánh sáng mới, đã soi rọi và làm mọi thứ trong cuộc sống của tôi trở nên rõ ràng hơn.”

    Mạnh mẽ, quyết đoán và đầy tin yêu vào cuộc sống, nhưng cũng như bao người khác, Vicky cũng có những phút yếu đuối và suy tư.

    Cô kể, có những lúc ở bệnh viện, cô mở điện thoại để nhìn ngôi nhà của mình qua hệ thống camera, nơi mẹ cô thường mở cửa, thay cô đưa mấy con chó ra ngoài đi dạo. Trong lúc cận kề với tử thần, cô mơ hồ chợt nghĩ, “nếu như một ngày mình về với Chúa, liệu mình có còn được nhìn thấy mẹ và các con cún cưng của mình, ngôi nhà quen thuộc của mình, như thế này không? Có giống như cảnh đang nhìn thấy trên camera này không?”

    Tuy nhiên, đó chỉ là suy nghĩ trong chốc lát. Nhờ nghị lực phi thường và khát vọng sống mãnh liệt, Vicky không ngừng tin vào những điều kỳ diệu sẽ lại đến với cô.

    Cô chia sẻ: “Trong suốt quá trình điều trị ung thư, tôi may mắn được các y tá chăm sóc thật tuyệt vời. Chính họ đã truyền cảm hứng cho tôi, khiến tôi mong muốn trở thành một y tá. Một ngày nào đó, tôi sẽ quay trở lại trường học để lấy bằng cử nhân y tá hoặc thạc sĩ điều dưỡng. Với kinh nghiệm của bản thân trong hành trình ghép gan và ung thư, tôi hy vọng rằng mình sẽ trở thành một y tá tuyệt vời cho các bệnh nhân của mình.”

    Với lòng cảm phục và yêu mến Vicky, bạn bè cô đã đứng ra lập quỹ Go Fund Me để hỗ trợ cô trong hành trình đầy gian khó chiến đấu với bệnh ung thư máu và mong cô có sức khỏe để tiếp tục đóng góp cho cộng đồng. Dưới đây là đường link:

    https://www.gofundme.com/ndpud8-vickys-fight?fbclid=IwAR0Ph9uoYT66J_RYZqlJzbU94kF7C8K6ReKQozEaVMveyyWgiEN3vBiaZXU

    Viethome (theo Người - Việt)

  •  Cụ bà 67 tuổi gốc Việt làm công nhân quét dọn đường phố ở San Francisco để nuôi 3 cháu nhỏ được báo Mỹ làm phóng sự.

    Bà Sửu Ngô, 67 tuổi, làm công việc quét dọn dọc con phố Irving, Inner Sunset, San Francisco, Mỹ đã được 5 năm. 

    Mỗi ngày, bà đều dậy sớm để nấu các món ăn Việt Nam cho 3 cháu ngoại trước khi cụ ra đường để làm công việc quen thuộc, quét dọn đường phố.

    Bà bắt xe bus đi làm và bắt đầu ca trực từ 11 giờ sáng, với công việc chính là nhặt rác và các mẩu thuốc lá trên vỉa hè, dọn sạch bất cứ thứ gì rơi vãi trên đường phố hoặc mắc kẹt ở cống thoát nước.

    Bà là mẹ đơn thân của hai đứa con khi chuyển từ Việt Nam sang Mỹ định cư vào năm 1985. Sau 3 tháng học ngoại ngữ, bà xin làm việc thâu đêm ở một khách sạn để có tiền trang trải cho gia đình.

    “Làm mẹ đơn thân rất vất vả nhưng tôi luôn mạnh mẽ. Niềm tin giúp tôi mạnh mẽ hơn và tôi có thể làm tất cả”, bà Sửu nói.

    Bà Sửu thường dậy sớm, nấu nướng cho các cháu ăn rồi mới đi làm.
    Bà bắt xe bus từ nhà đến nơi làm việc.

    Hơn 27 năm làm việc ở khách sạn, đến tuổi gần đất xa trởi, cụ bà tiếp tục nhận làm quét dọn đường phố để có tiền lo cho các cháu. “Tôi yêu các cháu của tôi rất nhiều. Tôi sẽ không bao giờ bỏ rơi chúng, không bao giờ”, cụ bà nói.Sau khi nuôi dạy hai đứa con một trai một gái của bà khôn lớn và bà chuyển đến vùng vịnh này sinh sống thì bi kịch xảy ra. Con gái 33 tuổi của bà gặp nạn qua đời, đề lại 3 đứa cháu nhỏ. Bà phải đón 3 đứa cháu từ Dallas đến San Francisco để nuôi dưỡng.

    Ngoài việc nuôi dạy 3 cháu ngoại, cụ bà còn kiếm tiền gửi về Việt Nam để nuôi mẹ đẻ 97 tuổi của mình ở quê nhà. Hiện 3 cháu ngoại vẫn sống cùng bà.

    “Các cháu của tôi rất ngoan. Chúng đi học, đi làm, xong việc là về nhà ngay. Không có gì làm tôi phiền lòng cả. Tôi yêu chúng rất nhiều”, cụ bà chia sẻ.

    5 năm trước, cụ bà bỏ việc ở khách sạn vì cảm thấy ông chủ không tôn trọng mình. Thay vì tìm kiếm một nơi khác để làm phục vụ bàn, bà tìm đến Tòa thị chính San Francisco để xin việc.

    “Tôi nói rằng tôi cần việc để có tiền trang trải cho 3 đứa cháu nhỏ mồ côi cha mẹ của tôi. Tôi cần làm việc để lo cho gia đình tôi, hãy cho tôi làm bất cứ công việc gì cũng được. Tôi có thể quét dọn phòng hay bất cứ việc gì. Họ hỏi tôi có muốn quét dọn đường phố không, một tuần hoặc hay tuần gì đó, và họ liền thuê tôi”, cụ bà kể. “Rất nhiều người qua đường gọi tôi là bà một cách thân thiết”, bà nói.

    Bà bắt đầu ca trực từ 11 giờ trưa, dọn sạch bất cứ thứ gì rơi vãi trên đường phố.
    Công việc vất vả nhưng bà luôn lạc quan, yêu đời.
    Cụ bà đã làm công việc này hơn 5 năm qua.

    “Các cháu tôi bảo rằng bà hãy nghỉ việc đi, chúng cháu sẽ chăm sóc bà, nhưng tôi không chịu. Tôi vẫn còn khỏe, vẫn muốn làm việc. Tôi không thể ở nhà được, chán lắm, không có gì để làm cả. Xem tivi cả ngày ư? tôi phát điên mất, tôi không thích sống như thế. Tôi muốn ra ngoài, làm việc để thấy mọi người hoạt động, vui vẻ”.Công việc quét dọn của bà rất vất vả, đặc biệt khi bà nhận thêm việc nhổ cỏ xung quanh các vỉa hè.

    Phóng sự về cuộc sống và công việc của bà cụ đã thu hút hơn 12 triệu lượt người xem. Nhiều người đã đến động viên, thể hiện sự ngưỡng mộ với bà.

    “Mọi người nói tôi xuất hiện trong đoạn phim như ngôi sao điện ảnh, tôi bảo không, tôi chỉ là một người quét đường mà thôi. Khoảng 12 triệu người đã xem video của tôi, họ đã khóc và chia sẻ tình cảm với tôi. Có những người tôi không hề quen biết, nhưng họ vẫn giúp đỡ tôi. Rất nhiều người đến với tôi, thể hiện tình yêu với tôi bằng những cái ôm chân tình và chụp ảnh cùng nhau. Họ đã dành thời gian của mình giúp đỡ tôi rất nhiều, tôi sẽ không bao giờ quên những tấm chân tình này”, bà Sửu chia sẻ.

    Viethome (theo Vietnamnet)

  • Tan Le (Lê Thị Thái Tần) là nhà đồng sáng lập và giám đốc điều hành công ty Emotiv System về nghiên cứu não bộ con người. Nữ CEO gốc Việt từng lọt top 30 người phụ nữ dưới 30 tuổi thành công nhất nước Úc. Bà cũng là thành viên của Hội đồng Kinh tế Thế giới (WEF) và hội đồng tương lai toàn cầu về khoa học thần kinh và khoa học não.

    Rời Việt Nam từ năm 4 tuổi, bà Lê Thị Thái Tần theo gia đình sang Úc bắt đầu cuộc sống giống như những người dân nhập cư nghèo khác. Họ đã trải qua nhiều ngày lênh đênh trên chuyến tàu chở dầu của Anh cùng với 150 người dân tị nạn. Thậm chí, gia đình bà Lê Thị Thái Tần còn bị lưu lạc ở Malaysia suốt 3 tháng trước khi đặt chân đến đất Úc.

    “Đó là một cảm giác thực sự đáng kinh ngạc bởi vì chúng tôi đã trải qua rất nhiều khó khăn mới có thể đến được nước Úc. Nước Úc thực sự rộng mở, không chỉ về mặt không gian địa lý, mà còn là nơi để mở rộng tầm nhìn của tôi với thế giới bên ngoài, để bắt đầu một cuộc sống mới tốt đẹp hơn”, bà Tần chia sẻ trong cuộc phỏng vấn với CNBC.

    Đói khổ, túng thiếu lại phải chịu sự ghẻ lạnh của bạn bè cùng lớp nhưng Lê Thị Thái Tần luôn tự nhủ sẽ vượt qua tất cả bằng cách ép mình lao đầu vào việc học tập. Kết quả là bà đã học xuất sắc đến mức kết thúc sớm chương trình trung học so với bạn đồng lứa. Năm 16 tuổi, bà Tần nhận được học bổng toàn phần vào thẳng Đại học Monash, rồi tốt nghiệp loại ưu chỉ trong vòng 3 năm ở cả hai ngành Luật và Thương mại.

    Từ một sinh viên nhút nhát, Lê Thị Thái Tần bắt đầu quan tâm nhiều hơn đến việc giúp đỡ cộng đồng dân nhập cư nghèo. Năm 1998, lần đầu tiên tại Úc, một nữ sinh viên gốc Việt 18 tuổi vinh dự nhận danh hiệu “The Young Australian of the Year”, giải thưởng thường niên dành cho cá nhân ưu tú dưới 30 tuổi có ảnh hưởng nhất nước Úc.

    “Đó là một bước ngoặt lớn trong cuộc đời tôi, bởi trước đó, tôi là một người hết sức bình thường, chỉ đứng phát biểu trên lớp cũng khiến tôi run sợ. Trở thành biểu tượng của giới trẻ Úc đã mở ra cho tôi nhiều cơ hội mới. Tôi phải học hỏi nhiều hơn, gặp gỡ nhiều người và phải có ý kiến, quan điểm của riêng mình trong nhiều lĩnh vực. Dần dần, tôi đã có thể nói chuyện trước hàng trăm, hàng nghìn người mà không còn cảm thấy sợ hãi nữa“, bà Tần nhớ lại.

    Sau khi tốt nghiệp Đại học Monash ở Melbourne, bà Tần đã có một khoảng thời gian trở thành luật sư của hãng luật hàng đầu thế giới FreeHills nhưng bà không cảm thấy hài lòng với công việc mình đang làm. Tin rằng công nghệ là cách nhanh nhất để thay đổi và phát triển thế giới, bà quyết định rời Úc đến Thung lũng Silicon khởi nghiệp, thành lập công ty riêng mang tên Emotiv System cùng với 3 người bạn.

    Đó là một công ty nghiên cứu phát triển công nghệ cho phép con người điều khiển thiết bị điện tử bằng ý nghĩ. Dưới sự lãnh đạo của nữ CEO trẻ tuổi, Emotiv đã nghiên cứu thành công sản phẩm đầu tiên là chiếc máy Emotiv EPOC sau 7 năm. Nó giống như một chiếc mũ EGG (công nghệ đo điện não) nhỏ gọn, kèm với 16 nút điện cực ghi lại mọi hoạt động trong não và cử chỉ gương mặt.

    “Não bộ là sự liên kết của hàng tỉ nơ-ron thần kinh. Khi các nơ-ron thần kinh tương tác với nhau, phản ứng hóa học của chúng sẽ tạo thành một xung điện. Chúng tôi đo lường các xung điện bằng cách sử dụng thiết bị tai nghe không ảnh hưởng đến não bộ và truyền tải thành các lệnh đến máy tính cho phép người điều khiển xe có thể bật đèn, lái xe mà không cần sử dụng tay hoặc bấm nút”, bà Tần giải thích nguyên lý hoạt động của chiếc xe điện tử điều khiển bằng não bộ.

    Năm 2017, Rodrigo Hubner Mendes, một người đàn ông bại liệt đã sử dụng công nghệ từ Emotiv điều khiển thành công chiếc xe Formula One nhờ một chiếc máy tính tích hợp biến suy nghĩ thành các lệnh điều khiển xe. Ông Mendes giải thích rằng nhóm nghiên cứu của Emotiv đã sử dụng thiết bị máy tính để vẽ bản đồ điện não, có nghĩa là nếu bạn muốn điều khiển tốc độ xe, rẽ trái hoặc phải thì suy nghĩ này sẽ được ghi nhận vào bộ máy EPOC và ngay lập tức EPOC ra lệnh cho máy tính điều khiển chiếc xe theo suy nghĩ của bạn.

    Công nghệ Emotiv EPOC cũng bắt đầu được sử dụng rộng rãi trong y học hỗ trợ cho những bệnh nhân bị bại liệt, khuyết tật và điều trị bệnh liên quan đến não bộ.

    Cùng với việc điều hành Emotiv, bà Lê Thị Thái Tần còn là thành viên của Hội đồng Kinh tế Thế giới (WEF), hội đồng tương lai toàn cầu về khoa học thần kinh và khoa học não. “Khi bạn nhìn vào tương lai, công nghệ ngày càng phát triển mạnh mẽ. Chúng ta phải giao tiếp trực tiếp với bộ máy trí tuệ mà mỗi người chúng ta có trong đầu”, bà Tần khiêm tốn cho rằng tất cả những gì bà và Emotiv System đang làm chỉ mới chạm vào phần nổi của vô vàn những ứng dụng hiện đại khác.

    Viethome (theo Baouc)

  • Mới đây, các cơ sở truyền thông trong vùng San Francisco đã viết về một anh thanh niên Mỹ gốc Việt bị thất nghiệp, phải sống vô gia cư và cũng từ cuộc sống vô gia cư ấy anh được một công ty đề nghị mức lương cao chưa từng có cho anh. Dưới đây là bài viết đăng báo San Francisco Gate về câu chuyện của anh Preston mang lại nhiều hy vọng cho những ai chưa tìm được việc.

    Anh Preston Phan.

    Preston Phan đã rời khỏi Seattle ở tiểu bang Washington trong tình trạng thất nghiệp. Lúc này anh không còn một xu dính túi, phải sống trong trung tâm dành cho người vô gia cư. Nỗi lo về nợ sinh viên ngày càng lớn, tỷ lệ nghịch với hy vọng có được việc làm ngày càng hẹp. Nhưng chỉ ba tháng sau, anh dọn đến Silicon Valley, làm việc cho một công ty kỹ thuật nổi tiếng, với mức lương hơn $115,000 một năm. Đúng là không ai đoán được chữ “ngờ.”

    Preston Phan là con của một cặp vợ chồng di dân Việt Nam. Anh chào đời ở Texas và sau đó chỉ còn một mình mẹ nuôi anh. Khi anh chập chững biết đi, bà dẫn Preston và anh trai anh tới Seattle. Anh theo học gần một chục trường công, nhưng vẫn bị đẩy vào lớp ESL (lớp rèn tiếng Anh) mặc dù anh nói tiếng Anh như người bản xứ.

    Khi còn trung học, anh thích làm việc với đồ phụ tùng xe hơi, sau đó anh tìm được việc làm ở hãng Boeing. Đó là công việc ở một hãng lớn mà di dân nào cũng mơ ước, nhưng rồi Preston nhận ra đây là công việc có lương thấp, lặp đi lặp lại, và hầu như không có cơ hội phát triển sự nghiệp.

    Anh sống với mẹ tới tháng Tư năm 2010 thì nghỉ làm cho Boeing. Anh quyết định trở lại trường để học thêm về công việc kỹ thuật. Anh ghi danh một số lớp kỹ thuật thông tin, nhưng chẳng học được nhiều. Cuối cùng, anh nghỉ học và ghi danh lớp sinh học tại North Seattle Community College. Quả là một sự thay đổi nghề nghiệp, nhưng chẳng bao lâu, anh có được công việc.

    Lần này, anh làm cho một tổ chức chuyên lấy các bộ phận trên cơ thể và nội tạng của người chết để hiến tặng cho những nơi cần. Anh làm việc tại bộ phận nhận mắt của người mới chết. Công việc buộc anh phải đối phó với các sự kiện bi thảm, đọc hồ sơ y tế và tiểu sử, làm việc giờ giấc bất thường và được trả $18.50 mỗi giờ.

    Preston nói, “Kể từ lúc đó, tôi rơi vào trạng thái trầm cảm vì lúc nào cũng thấy người chết. Văn phòng gọi tôi đến làm bất cứ lúc nào. Đôi khi suốt cả tuần, tôi chỉ thấy cái chết và bóng đêm.”

    Sau đó, anh nghe câu chuyện về người anh họ của một đồng nghiệp. Người này thành công sau khi đi đến một trại huấn luyện kỹ thuật. Anh nghĩ tới chuyện bỏ việc và trở lại môn kỹ thuật. Nhưng anh khựng lại trước một trở ngại, học phí vào trại huấn luyện kỹ thuật là $10,000. Anh của Preston đồng ý ứng tiền trước và cho anh một chỗ ở.

    Trong thời gian học tập, Preston nhận được tin người bạn thân nhất tự tử vì trầm cảm. Sau khi học xong chương trình huấn luyện, tới lượt anh lâm vào cảnh khó khăn. Anh nhớ lại, “Đó thực sự là khoảng thời gian khó khăn trong đời tôi. Anh trai tôi muốn bạn gái anh ấy chuyển vào để họ bắt đầu một cuộc sống mới, do đó, anh ấy yêu cầu tôi ra khỏi nhà.” Anh nói, “Lúc đó tôi bắt đầu suy nghĩ nghiêm túc về những ngày sắp tới, mình sẽ đi đâu, làm gì, làm sao có tiền để sống, mục đích trước mắt là gì, mục đích lâu dài là gì?”

    Bị nợ nần và việc làm hối thúc, anh quyết định mình phải làm một điều gì đó thật nhanh. Anh rời Seattle để hướng tới sự nghiệp về kỹ thuật. Với $250 còn lại trong ngân hàng, anh bay tới San Francisco để ghi danh vào chương trình tìm việc làm Code Tenderloin, mà anh tìm thấy trên mạng. Chương trình này cam kết giúp anh được phỏng vấn tại các công ty kỹ thuật cao như Twitter, LinkedIn và GitHub. Nhưng anh không có chỗ ngủ hoặc nơi cất đồ. Anh cũng không có gia đình, hoặc bạn bè ở đây.

    Preston nhớ lại, “Trong ba ngày đầu tiên, tôi thực sự ngủ dưới cầu thang trên đường Market.” Anh cất đồ trong một ngăn tủ của trung tâm 24-Hour Fitness. Đó là điều nguy hiểm vì trung tâm cảnh cáo sẽ mở khóa những ngăn tủ bất hợp pháp và tặng hết đồ cho Good Will. Tiếp theo, anh gọi cho một số nơi và tìm thấy một tòa nhà dành cho người vô gia cư. Nhưng họ rút thăm cho giường ngủ và anh bị trật, vì thế anh phải ngủ trên ghế trong ba đêm sau đó.

    Ngày Giáng Sinh năm 2016, khi trò chuyện cùng gia đình qua FaceTime, anh không muốn gia đình anh biết chuyện anh phải ở trong trung tâm dành cho người vô gia cư. Anh cố giấu sự thật, chỉ nói rằng mọi chuyện vẫn ổn.

    Giữa tháng Giêng, Preston bắt đầu chương trình học tại Code Tenderloin. Chương trình tập trung vào khả năng mềm như phỏng vấn việc làm và hồ sơ. Đây là những mặt mà anh cần cải thiện. Lớp học bắt đầu từ 5 giờ chiều tới 8 giờ tối. Anh dần dần quen với thời khóa biểu làm việc này.

    Mỗi ngày, anh rời khỏi trung tâm vô gia cư lúc 5 giờ rưỡi sáng. Anh tới Peet để mua một ly cà phê và làm việc trên máy tính trong một giờ. Để kiếm tiền túi, anh xin làm công việc giám sát an ninh tại Ross, từ 7 giờ 30 sáng đến 3 giờ 30 chiều. Sau tám giờ làm tại Ross và ba giờ học lại Code Tenderloin, anh làm công việc giao hàng tại Postmates trên ván trượt, trước khi trở về trung tâm của người vô gia cư.

    Anh phải chờ khoảng hai hoặc ba giờ mới có một chỗ ngủ. Rồi đến 5 giờ rưỡi sáng hôm sau, anh thức dậy, rời khỏi trung tâm và một ngày mới lại đến. Trong khi chờ giường ngủ, anh nhận thấy việc kiếm một giường ngủ thật phức tạp, vì người xin giường phải gọi đặt trước qua điện thoại. Nhưng thường, những cú gọi không có ai trả lời. Đột nhiên anh nảy ra ý nghĩ – hầu hết những người chờ giường đều sử dụng điện thoại di động rẻ tiền, chạy bằng kỹ thuật Android, mà anh biết cách lập phương trình này.

    Preston nhớ lại, “Tôi bắt đầu phát triển một ứng dụng để mọi người có thể đặt giường qua điện thoại, và sau đó, họ có thể đi tới một trung tâm gần nhất. Tôi nghĩ mình có thể khởi đầu sự nghiệp bằng cách này.”

    Anh bắt đầu làm việc cho ứng dụng vào buổi sáng và đưa ông Del Seymour, là giám đốc Code Tenderloin xem. Ông Seymour khuyến khích anh trình bày ứng dụng tại cuộc họp ban điều phối cho người vô gia cư địa phương, tại Tòa Thị Chính San Francisco. Ý tưởng của anh không được đón nhận vì nhiều lý do, nhưng anh không nản chí.

    Mỗi buổi sáng, anh làm việc chăm chỉ hơn cho ứng dụng, rèn luyện khả năng viết mật mã cho chính mình. Công việc kéo dài suốt tháng Hai, cho tới khi anh tốt nghiệp chương trình Code Tenderloin. Giữ đúng cam kết, ông Seymour mời đại diện của LinkedIn tới phỏng vấn những người vừa tốt nghiệp. Họ có vẻ thích Preston ngay từ đầu, đề nghị anh làm công việc kỹ sư IT tập sự, với mức lương $115,000 một năm. Họ còn lo cho anh có một chỗ ở tại Silicon Valley, hoàn toàn miễn phí.

    Anh đồng ý, lẽ đương nhiên. Sau đó anh về chia tay những người ngủ chung ở trung tâm vô gia cư, nói với họ rằng anh dọn vào Sunnyvale, nhưng anh không cho họ biết lý do tại sao.

    Viethome (theo Người Việt)