• Tạp chí Phụ nữ Thành đạt số tháng 10 của Hungary chọn Phan Bích Thiện là gương mặt trang bìa với thành tích đưa khách sạn Fried vượt qua đợt sóng Covid-19.

    hinh mau chong covid 2

    "Tôi cảm thấy rất vinh dự khi được tạp chí Phụ nữ Thành đạt giới thiệu là một trong 5 người tiêu biểu của tháng. Điều đó tiếp thêm cho tôi động lực để duy trì hoạt động của khách sạn Fried trong thời kỳ bình thường mới, sống chung với đại dịch", chị Thiện, 52 tuổi, từng tốt nghiệp đại học và lấy bằng tiến sĩ kinh tế tại Nga trước khi cùng chồng sang Hungary lập nghiệp năm 1998, cho biết.

    Khách sạn Fried được cải tạo trên nền một lâu đài cổ xây dựng từ năm 1926, nằm ở thị trấn Simontornya, hạt Tolna, cách thủ đô Budapest 120 km về phía tây nam. Khách sạn có 50 phòng, phục vụ được 150 khách, với khuôn viên rộng 19 hecta có công viên, khu vui chơi, vườn thú, đồi nho, hầm rượu vang palinka, loại rượu truyền thống trứ danh của Hungary.

    Đầu tháng 3/2020, khi Hungary có ca nhiễm nCoV đầu tiên, chị Thiện cho rằng dịch bệnh không phải vấn đề nghiêm trọng. Tuy nhiên, tình hình diễn biến nhanh khiến chính quyền ban bố tình trạng khẩn cấp sau đó hai tuần. Khách sạn Fried của chị Thiện, từng được chọn "Khách sạn đẹp nhất Hungary" năm 2010, phải đóng cửa từ giữa tháng ba theo quy định chung.

    hinh mau chong covid 2
    Trang bìa tháng 10 của Tạp chí Phụ nữ Thành đạt, Hungary, giới thiệu chị Phan Bích Thiện. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

    "Khi đó tôi rất bối rối vì không lường trước được mức độ nghiêm trọng của Covid-19, nhưng tôi đã tự nhủ: mình cần bình tĩnh để giải quyết từng việc", chị Thiện nhớ lại.

    Việc đầu tiên là chị tổ chức cuộc họp với 50 nhân viên, toàn bộ là người Hungary, để thông báo tình hình và khẳng định "không sa thải ai, cùng nhau vượt qua khó khăn".

    Các nhân viên của Fried cũng đồng lòng, chấp thuận làm việc từ xa và lương giảm, có những người nhận mức lương bằng hơn một nửa so với điều kiện bình thường. Các nhân viên văn phòng giải quyết việc hủy phòng, hoàn tiền cho khách đã đặt trước hoặc nhận đơn chờ ngày mở cửa trở lại.

    Nhân viên nhà bếp xử lý kho thực phẩm bị tồn dư, trong khi những người làm việc tại vườn nho và khu sản xuất rượu vang duy trì công việc để đảm bảo thu hoạch đúng vụ vào tháng 9. Những người khác đảm nhận sửa chữa, nâng cấp một số hạng mục của Fried và làm mới nội thất, phần việc chị Thiện chưa thực hiện được trong thời gian đông khách.

    Trong thời kỳ "khách sạn ngủ đông", không có doanh thu, bà chủ của Fried đề ra các quy định phòng dịch, với nguyên tắc hàng đầu là "giữ an toàn cho cả chủ và khách". Các nhân viên được phổ biến quy định đeo khẩu trang, găng tay, khử trùng theo giờ tại khu vực có đông người như quầy lễ tân, phòng ăn, đặt ghế giãn cách ngăn nCoV tại phòng spa.

    Sau ba tháng mong chờ, đến một ngày giữa tháng 6, chị Thiện nhận được thông báo khách sạn được phép mở cửa trở lại, vì Hungary cơ bản kiểm soát được Covid-19. Ai nấy đều háo hức chờ đón những vị khách đầu tiên của "thời kỳ bình thường mới".

    Trong bối cảnh khách quốc tế chưa thể đến Hungary, người dân gặp khó khăn vì các hoạt động kinh tế bị đình trệ do đại dịch, dẫn đến nhu cầu nghỉ dưỡng suy giảm, bà chủ của Fried xác định quảng bá là mũi nhọn để thúc đẩy hoạt động của khách sạn.

    Trên website của Fried, những gói sản phẩm mới liên tục xuất hiện. Đó là kỳ nghỉ leo núi, đi dạo để nâng cao sức khoẻ trong dịch, kỳ nghỉ kết hợp tập yoga, kỳ nghỉ mùa thu, dành cho trẻ em, lễ hội Haloween cuối tháng 10, đi kèm dịch vụ đưa đón khách tận sân ga.

    Khách đến nghỉ tại Fried còn có cơ hội tìm hiểu văn hoá Việt Nam khi thăm chùa Đại Bi trên diện tích 300 m2, được xây dựng từ Quỹ vì quan hệ Việt Nam - Hungary. Những hình ảnh sau tân trang của phòng nghỉ, khu spa, hầm rượu, vườn nho... của khách sạn liên tục được cập nhật, tạo hứng khởi cho khách. "Gương mặt mới" của Fried cũng xuất hiện dày đặc trên các kênh quảng bá do Tổng cục Du lịch Hungary xúc tiến, trong chương trình kích cầu nội địa.

    hinh mau chong covid 2
    Khách sạn Fried của chị Phan Bích Thiện sau khi tu sửa. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

    Ngay trong tháng 7, lượng khách đặt phòng tại Fried đạt 80%. Đến tháng 8, doanh thu tăng 20% so với cùng kỳ năm ngoái. Hiện khách sạn không còn phòng trống. Khi có đoàn chuyên gia của Italy đến nghỉ cuối tuần trong thời gian làm dự án tại Hungary, chị Thiện đã phải "đàm phán" với một nhóm khách nội địa để họ lùi lịch nghỉ, đi kèm giảm tiền phòng.

    "Tôi khá bất ngờ với kết quả này, nó khác với lo ngại trước đây của tôi", chị Thiện nói, không giấu được niềm vui.

    Theo chị, lượng khách đến Fried đông nhờ có các dịch vụ mới và nhờ tình hình an toàn chung ở thị trấn Simontornya. Thị trấn này chưa có ca nhiễm, trong khi số ca nCoV ở địa phận tỉnh Tolna thấp nhất Hungary, chỉ 580 ca trên 230.000 người. Hungary đang xuất hiện làn sóng Covid-19 thứ hai, hiện ghi nhận hơn 54.000 ca nhiễm và hơn 1.300 người chết.

    Bà chủ khách sạn người Việt cho rằng để có thể sống sót trong thời Covid-19, các doanh nghiệp không có lựa nào khác ngoài việc tăng cường các biện pháp phòng dịch, bên cạnh cải thiện sản phẩm và dịch vụ.

    "Định hướng của chúng tôi là xác định sống chung với dịch lâu dài. Các biện pháp ngăn virus như rửa tay, giữ khoảng cách không đơn thuần là quy định, mà nó đã trở thói quen", chị nói.

    Nguồn: VnExpress

  • Có thể bạn chưa biết: Tử Cấm Thành, máy tính xách tay, hệ thống ATM… và nhiều công trình vĩ đại khác mà nhân loại đang hưởng thụ đã “ra đời” từ những người mang quốc tịch Việt Nam.

    1. Kiến trúc sư: Nguyễn An

    Người tổng công trình sư này đã làm nên một kiến trúc lẫy lừng. Đó là cố cung Bắc Kinh hay còn được gọi là Tử Cấm Thành (Trung Quốc), một di sản bằng gỗ bậc nhất thế giới đã được Unesco công nhận.

    cong trinh vi dai 1
    Toàn cảnh Tử Cấm Thành “tác phẩm” của Kiến trúc sư người Việt.

    Nguyễn An (1381- 1453) là người Hà Đông, từng làm quan triều Trần, Hồ. Ông bị bắt sang làm Thái giám vào thời nhà Minh, sau khi nhà Hồ bị quân Minh đánh bại. Khi ở Trung Quốc, tài năng hơn người về kiến trúc và xây dựng của A Lưu (tên tiếng Hoa của Nguyễn An) được bộc lộ rõ nét.

    Vào thời Vĩnh Lạc (hiệu của Chu Nguyên Chương) năm 1416, Nguyễn An với khả năng tư duy kiến trúc đô thị, tính toán kiệt xuất đã được chọn làm tổng công trình sư thành Bắc Kinh mới (Cố Cung) sau khi Chu Đệ lên ngôi.

    Nguyễn An đã chỉ huy và xây dựng nên một Tử Cấm Thành uy nghi trong vòng 17 năm. Trong đó có 13 năm chuẩn bị, tính toán thông số để thiết kế công trình, tập trung nguyên vật liệu và nhân công… quá trình xây dựng và lắp ráp hoàn thành chỉ có 3 năm.

    Ông đã thiết kế Cố Cung theo quan niệm vũ trụ trời tròn, đất vuông. Nơi ở của nhà vua là vị trí trung tâm, kiến trúc diễm lệ, phong cảnh tuyệt trần. Thiên An Môn – Cổng trời bình yên rất nổi tiếng đã được thiết kế một nơi xa nhất ở phía Nam.

    Năm 1421, ba điện lớn là Thái Hòa, Trung Hòa và Bảo Hòa cùng với cung Càn Thanh, Khôn Ninh bị cháy. Nguyễn An một lần nữa được giao xây dựng lại và chỉ một năm ông đã hoàn thành kiến trúc Tử Cấm Thành tuyệt mỹ như hiện tại.

    2. Kỹ sư: Trương Trọng Thi

    Trương Trọng Thi sinh ra tại Sài Gòn vào năm 1936 và sang Pháp sinh sống, học tập cùng gia đình từ năm 14 tuổi.

    Năm 1973, ông là người đã sáng chế ra máy tính chạy hệ vi xử lý (Intel 8008) đầu tiên của thế giới, và cũng chính Andre Trương (tên tiếng Pháp) là người đưa máy tính lên một tầm cao giá trị thương mại.

    cong trinh vi dai 1
    Kỹ sư Trương Trọng Thi.

    Chiếc máy tính Micral của kỹ sư Trương Trọng Thi đã được hội đồng chuyên gia công nghệ (Tổ chức tại Hoa Kỳ) công nhận là chiếc máy tính đầu tiên trong lịch sử chạy bằng vi xử lý. Hiện nay trong bảo tàng máy tính Boston (Hoa Kỳ) còn trưng bày chiếc máy tính Micral ghi năm 1973.

    cong trinh vi dai 1
    Máy tính hoàn thiện đầu tiên trên thế giới (Micral) của Trương Trọng Thi có gắn bộ vi xử lý microprocessor (Intel 8008).

    Có một điều ít ai biết, chính Andre Trương là người đã tạo ra mạng máy tính cá nhân đầu tiên trên thế giới NPC (Network Personal Computer). Ông là người được cấp bằng phát minh đầu tiên về lưu trữ dữ kiện điện toán đám mây trên đĩa optical, một công trình quan trọng trong việc sử dụng PC để xử lý và lưu trữ dữ kiện qua các chương trình ứng dụng quản lý tài liệu điện toán (GED).

    Điều này đã đánh dấu như bước ngoặt trong lịch sử của nền thương mại công nghệ thông tin, thu hút sự quan tâm của những “ông lớn” như: Dell, Intel….

    cong trinh vi dai 1
    Andre Trương còn là người đặt nền móng cho hệ thống điện toán đám mây, mạng NPC đang được ứng dụng rộng rãi trên máy tính hiện đại.

    3. Tiến sĩ: Đỗ Đức Cường

    Sự ra đời của máy rút tiền tự động – ATM (Automatic teller machine) được sử dụng rất phổ biến hiện nay có đóng góp rất lớn của Tiến sĩ Đỗ Đức Cường.

    Nếu Luther George Simjian là người đầu tiên thiết kế và hoàn thành máy rút tiền trên thế giới vào năm 1939 tại NewYork (Citi Bank), John Shephrd-Barron là người cho ra đời máy rút tiền điện tử đầu tiên (Anh) vào năm 1967, thì Đỗ Đức Cường, một tiến sĩ người Việt Nam, là người đã hoàn thiện cơ bản cấu trúc cốt lõi và mở rộng hệ thống ATM ra thị trường như hiện nay.

    cong trinh vi dai 1
    Tiến sĩ Đỗ Đức Cường giao lưu trong chương trình Người đương thời.

    Năm 1977, người đàn ông giản dị từng xuất hiện trên chương trình “Người đương thời” đã chính thức bước vào Citi Bank – đế chế ngân hàng thế giới. Với nhiệm vụ “bình dân hóa dịch vụ ngân hàng”, ông đã chọn giải pháp ATM, bổ sung, hoàn thiện và cơ động hơn những thiết kế trước đó.

    Có hàng chục bằng sáng chế về quá trình phát minh ra máy ATM hiện đại, Đỗ Đức Cường được xem như là “Cha đẻ của máy ATM”.

    cong trinh vi dai 1
    Tiến sĩ Đỗ Đức Cường được xem là cha đẻ của máy ATM hiện đại ngày nay.

    Sau 20 năm làm việc tại Citi Bank, ông còn là cố vấn cấp cao cho ngành ngân hàng Hoa Kỳ, đại sứ thiện chí của Liên Hiệp Quốc. Về Việt Nam ông là cố vấn cấp cao của hệ thống ngân hàng Đông Á.

    4. Giáo sư: Ngô Bảo Châu

    Ông là người đã mang vinh dự “5 sao vàng” về cho dải đất hình chữ S.

    cong trinh vi dai 1
    Giáo sư Ngô Bảo Châu nhận huy chương Fields tại Ấn Độ.

    Người đàn ông sinh năm 1972 tại Hà Nội chính là nhà toán học duy nhất đã chứng minh thành công “Bổ đề cơ bản Langlands”. Đây cũng là thành quả quan trọng giúp Ngô Bảo Châu giành được huy chương Fields năm 2010, danh giá như giải Nobel (toán học không có giải Nobel).

    Năm 2011, Ngô Bảo Châu trở thành nhà khoa học trẻ nhất Việt Nam được phong hàm Giáo sư khi mới 38 tuổi. Đồng thời ông cũng được đề cử làm Viện trưởng viện toán cấp cao Việt Nam.

    Theo Kênh 14

  • Những trải nghiệm khi làm việc tại hãng hàng không Emirates có trụ sở chính tại Dubai đã được Huyền Trang, cô gái 27 tuổi đến từ Hà Nội kể lại.

    tiep vien emirates 1

    Sở hữu mức thu nhập lên đến con số tiền tỷ, được cấp nhà ở thành phố giàu có và sang trọng nhất thế giới, có cơ hội tới cực kì nhiều quốc gia... là những gì bạn sẽ có được khi trở thành tiếp viên hàng không của Emirates - một trong những hãng hàng không đắt giá nhất hành tinh, có trụ sở tại Dubai.

    Đây chắc chắn là một công việc vừa nghe qua đã thấy hào nhoáng. Nhưng đương nhiên, mọi thứ đều có tính tương đối và hai mặt. Công việc tưởng chừng "trong mơ" này không phải ngoại lệ. Còn ưu thế thật sự, những khác biệt hay nỗi khó khăn cụ thể như thế nào có lẽ Trần Huyền Trang - cô gái Việt xinh đẹp sinh năm 1993 đang làm tiếp viên hàng không khoang thương gia của Emirates sẽ hiểu rõ hơn ai hết. Hãy cùng Huyền Trang "đột nhập" vào thế giới xa hoa này nhé!

    tiep vien emirates 1
    Huyền Trang đang là tiếp viên hàng không của hãng Emirates

    Từng làm thêm ở một shop quần áo suốt 5 tháng để lấy kinh nghiệm thi tuyển tiếp viên 

    "Mình chưa bao giờ nghĩ bản thân sẽ trở thành tiếp viên hàng không cả", Huyền Trang thú nhận.

    Ấy vậy mà tiếp viên hàng không lại là công việc chính thức đầu tiên Huyền Trang có và đã gắn bó với nó suốt 6 năm nay. Mọi việc bắt đầu từ một mẩu tin tuyển dụng Trang tình cờ đọc được trên Facebook. Ngày đó ở Việt Nam, những từ khóa như #Emirates, #Dubai còn khá xa lạ, thậm chí nhiều người còn tưởng Dubai là ở... Ấn Độ. Trang cũng vậy, thứ thu hút cô nàng thực sự là nếu làm công việc này, bạn sẽ có cơ hội đi rất nhiều nơi, chính xác hơn là rất rất nhiều nơi vì đường bay của Emirates cực kì phong phú, thuộc top 10 hãng hàng không bay đến nhiều quốc gia nhất trên thế giới. 

    Được đi du lịch lại còn được trả lương, điều kiện quá hấp dẫn khiến cô sinh viên Huyền Trang vừa ra trường khi ấy quyết tâm thử sức. Ai ngờ đâu lại qua ngay từ lần đầu tiên. Đến thời điểm hiện tại, Trang cũng không rõ vì sao mình lại chinh phục được thử thách khó nhằn này bởi khi đó, Trang gần như không có chút kinh nghiệm phỏng vấn hay xin việc nào. Cuối cùng, cô nàng kết luận có lẽ mọi thứ diễn ra nhờ một chữ: Duyên.

    tiep vien emirates 1
    Tiếp viên hàng không là công việc chính thức duy nhất Trang làm cho đến thời điểm hiện tại

    6 năm trôi qua, các yêu cầu tuyển dụng của Emirates đã có nhiều thay đổi nhưng để mọi người hình dung rõ hơn, Trang không ngần ngại hồi tưởng lại hành trình mình từng trải qua.

    Năm 2014, Emirates chỉ mới mở tuyển dụng ở TP.HCM nên thay vì đến tận nơi tham dự vòng khảo sát đầu tiên, Trang phải gửi một đoạn video ngắn giới thiệu bản thân bằng tiếng Anh cho bên đại diện của hãng ở Việt Nam. Qua được vòng sơ khảo và được sắp xếp lịch thi, đến đúng ngày Trang cùng mẹ mới từ Hà Nội bay vào Nam.

    "Ngày thi chính thứ nhất gồm 4 vòng. Vòng 1 là thảo luận nhóm, vòng 2 là đo tầm cao tay với và xét hình thể (hình xăm, sẹo, chỉ số BMI), vòng 3 là xử lí tình huống và vòng 4 là kiểm tra tiếng Anh. Hết một vòng, cô giám thị sẽ đọc những số báo danh được chọn, những người còn lại sẽ phải ra về. 

    Cứ thế từ sáng cho đến tối ai được ở lại đến cuối cùng của ngày thứ nhất sẽ chuẩn bị cho buổi phỏng vấn đối mặt 1-1 ngày hôm sau và sau nữa. Mình thi ngay ngày hôm sau, buổi phỏng vấn của mình kéo dài khoảng 1 tiếng đến 1 tiếng 20 phút, câu hỏi chủ yếu về bản thân và những kinh nghiệm, tình huống mình gặp trong công việc của mình viết trong CV. À, hồi đấy để lấy kinh nghiệm thi Emirates mình đã làm thêm ngoài giờ ở một cửa hàng quần áo gần nhà khoảng suốt 4-5 tháng trời đấy. Xong 2 ngày thì mình quay ra Hà Nội và đợi kết quả", Trang kể lại.

    Một trong những điều khiến Trang nhớ mãi không quên, đó chính là không biết trùng hợp hay ý trời mà ngày thi tuyển Emirates năm đó lại trùng đúng vào ngày JYJ - thần tượng lớn nhất của Trang tổ chức concert ở Việt Nam. Vì thi rất gần SVĐ Quân khu 7, nơi tổ chức concert nên Trang đã mua vé cho cả mình và mẹ luôn:

    "Hôm đó trời mưa, mình thì ở trong phòng thi còn mẹ mình bên ngoài tất bật đi xếp hàng đổi vé rồi lại tất tưởi chạy về túc trực bên mình. Concert bắt đầu lúc 8h hay 8h30 gì đấy mà mình cứ qua hết vòng này đến vòng khác mãi chưa được về, trong lòng giở chứng lại lo muộn concert nên thoáng qua ý nghĩ: Cô ơi, cô cho em về không muộn show của em".

    Cũng may đến hơn 7h thì xong xuôi, Trang về đến phòng vừa ăn vội vàng vừa làm bài Test tâm lý (một phần bắt buộc của quá trình tuyển dụng) hết khoảng 20 - 30 phút rồi chạy té khói đi xem concert. Trang vẫn kịp giờ vào gặp những chàng trai mà mình hâm mộ, chỉ có điều cô nàng bị mẹ cấm gào hét vì sợ sáng hôm sau mất giọng, phỏng vấn không nói được.

    2 tháng sau đó, Trang nhận kết quả trúng tuyển và bắt đầu cuộc sống chu du cùng với Emirates của mình.

    tiep vien emirates 1
    Trang đã đồng hành cùng Emirates được 6 năm

    Mặt trái phía sau sự hào nhoáng của công việc tiền tỷ

    Theo tìm hiểu, thu nhập của các tiếp viên ở Emirates lên tới 35.000 - 40.000 USD/năm tương đương cả tỷ VNĐ. Tuy nhiên, Trang tiết lộ đối với một tiếp viên làm việc tại khoang thương gia như Trang, con số đó mới chỉ là "mức trung bình khá". Thu nhập của tiếp viên Emirates dao động dựa theo năm/cấp bậc làm việc cũng như giờ bay, tùy sự thay đổi mà con số kể trên có thể cao hơn hoặc thấp hơn. Ngoài ra trong trường hợp tiếp viên không sử dụng nhà ở và phương tiện đi lại của công ty thì con số này còn cao hơn nữa.

    Với một vài người, nghề tiếp viên hàng không ngoài lương cao thì lại gắn với khá nhiều thị phi, chẳng hạn như chuyện đố kị giữa dàn tiếp viên với nhau hay chuyện yêu đương chóng vánh giữa tiếp viên và phi công... Trang không quá đồng tình với quan điểm này. Nữ tiếp viên xinh đẹp cho rằng những điều này có thể xảy ra ở mọi môi trường làm việc chứ không riêng gì tiếp viên hàng không. 

    tiep vien emirates 1
    >Mỗi chuyến bay, Trang có thể làm việc với đồng nghiệp tới từ 14 - 24 quốc gia trên thế giới

    "Mình không biết tiếp viên ở nơi khác thế nào nhưng Emirates là một môi trường đa sắc tộc, mỗi chuyến bay tiếp viên có thể tới từ 14 đến 24 quốc gia khác nhau cùng làm việc nên thời gian làm quen, tìm hiểu cũng đã hết cả chuyến bay rồi. Ngoài ra, vì số lượng tiếp viên rất đông cho nên nếu chẳng may ngày hôm đó bạn phải làm việc chung với một vài người không hợp gu bạn chẳng hạn, thì xác suất để bạn gặp lại/đi bay cùng họ lần nữa là rất hiếm. Bởi vậy, tiếp viên bọn mình bên đây thường không mấy làm bận tâm về vấn đề drama giữa con gái với nhau đâu", Trang chia sẻ.

    Về phần "tình một đêm", theo Trang, đây đơn giản là cách sống phóng khoáng, tự do tự tại mà nhiều người lựa chọn chứ không hề liên quan đến ngành nghề. Cô nàng bộc bạch: "Nói cho chính xác thì từ tính cách, bản chất cá nhân sẽ dẫn đến cách hành xử chứ không thể nói là vì làm công việc này công việc kia mà họ phải sống như vậy, định kiến đó là sai. Có chăng môi trường làm việc tạo điều kiện cho họ nhìn rõ bản thân mình muốn gì và làm gì thôi. Người không thích lối sống đó từ đầu thì vẫn duy trì lối sống cũ, không môi trường nào ép họ thay đổi được cả".

    tiep vien emirates 1
    Trang cho rằng những drama có thể xảy đến đối với giới tiếp viên hàng không cũng tương tự như mọi ngành nghề thông thường khác

    Trang cho biết tiếp viên của Emirates đến từ trên dưới 135 quốc gia khác nhau, họ mang văn hóa, cách sống cũng như quan điểm của mình đến Dubai để sống và làm việc. Thế nên có thể với văn hoá nước mình, "tình một đêm" là điều khó chấp nhận nhưng với những người lớn lên ở nền văn hoá khác, họ lại không hề đặt nặng vấn đề đó. 

    "Quan trọng là họ tôn trọng cảm xúc của mình, về phần mình không thích phán xét ai hay cách người đó muốn sống cuộc sống của họ như thế nào. Với những bạn có cơ hội trải nghiệm, tiếp xúc với nhiều nền văn hoá và môi trường khác nhau, mình tin các bạn sẽ hiểu và có cái nhìn toàn diện về vấn đề này", cô nàng nhắn nhủ.

    Những hình ảnh "bling bling" trên MXH, cuộc sống đời thường và tình yêu

    Theo dõi Instagram của Trang, điều mọi người ấn tượng nhất có lẽ là những hình ảnh "bling bling" Trang cập nhật mỗi ngày. Loạt hình ảnh lấp lánh ấy như đang phản ánh chân thực cuộc sống mà Trang đang trải qua tại Dubai.

    tiep vien emirates 1
    Nhiều người cảm thấy vô cùng ngưỡng mộ với cuộc sống mà Trang đang có

    Nhờ chính sách của công ty, Trang sở hữu một căn hộ trong thời gian làm việc tại Emirates. Đối với nhiều người, Dubai là thành phố "xa hoa tới mức điên rồ" còn đối với Trang, Dubai đơn giản là một thành phố trẻ, phát triển nhanh và nhiều hoài bão. Người bản địa ở đây chỉ chiếm khoảng 20%, 80% còn lại là người ngoại quốc đến sinh sống làm việc. 

    "Dubai đối với dân expats bọn mình được coi là điểm transit... cho những người trẻ yêu thích khám phá, không ngại thử cái mới, cái khác biệt. Với đặc thù như vậy, thoáng qua bạn sẽ khó có thể cảm nhận được phần hồn của thành phố này, nó không hề rõ nét như bất kì đâu trên đất nước Việt Nam mình.

    Việt Nam là nơi mình sinh ra và lớn lên, còn Dubai là nơi mình trưởng thành và gắn bó tuổi trẻ. Tất cả các giai đoạn đó tựu trung lại đã tạo nên con người mình của ngày hôm nay, mình trân trọng những trải nghiệm đã có ở nơi đây vì thực sự là nó rất đáng", Trang tâm sự.

    tiep vien emirates 1
    Ngoài những lúc đi bay, Trang cũng chỉ là một cô gái bình thường với sở thích tập gym, đi du lịch

    Dù sống ở thành phố giàu có này nhưng chưa bao giờ Trang coi mình giàu có hay là rich kid. Bởi lẽ tất cả những gì cô nàng có được đều nhờ sự cố gắng tự thân:

    "Mình đi lên từ con số 0 và là trụ cột chăm lo cho gia đình. Nếu nói là rich kid thì thứ đắt giá nhất mà bố mẹ dành cho mình đó là tình yêu và tinh thần, thiếu hai cái đó thì mình không thể nào được như bây giờ. Vậy tính ra mình đúng là rich kid đấy chứ".

    Ngoài những lúc không đi bay, sở thích của Trang chính là... bắt máy bay bay đi tiếp. Trang mê đi du lịch đến mức mà chỉ cần có 2 - 3 ngày nghỉ thôi là cô nàng cũng phải kéo vali đi cho bằng được. 

    "Tính đến giờ mình đã chinh phục hết 7 kì quan thiên nhiên thế giới, đi được 76 nước (sẽ hơn nếu như hộ chiếu mình không cần quá nhiều visa khi đi du lịch)... Trong đó hơn một nửa là với Emirates, phần còn lại là mình tự đi. Với mình, đi du lịch kết hợp với làm việc là không thể đủ, những nơi mình muốn đến còn quá nhiều nên phải tranh thủ mọi lúc mọi nơi", Trang cho biết.

    tiep vien emirates 1
    Trang đã "chinh phục" được 76 quốc gia trên thế giới

    Ngoài cuộc sống đầy đủ, Trang còn tự nhận mình là một cô gái hạnh phúc khi bên cạnh luôn có sự đồng hành của bạn trai. Bạn trai của Trang là người nước ngoài, cả hai quen nhau thông qua một người bạn thân. 

    "Bạn trai mình rất thông minh, là người có đạo đức, rộng lượng, luôn giúp đỡ người khác và quan trọng nhất là mang chân lý sống: 'Bạn gái luôn luôn đúng'. Anh ấy cho mình cảm giác an tâm, luôn ở bên cạnh, là nguồn động lực và cùng mình vượt qua mọi trở ngại trong cuộc sống. Anh ấy khiến mình yêu bản thân mình hơn rất nhiều.

    Mình chẳng bao giờ thấy bạn trai có ý kiến gì về công việc của mình, mình cũng chưa bao giờ thấy anh ấy ghen luôn, cũng có hỏi là sao không bao giờ ghen thì trả lời là vì tin".

    tiep vien emirates 1
    Trang và bạn trai ngoại quốc

    Khi được hỏi cả hai đã tính đến chuyện tương lai chưa, Trang thật thà cho hay bạn trai cô thì lúc nào cũng sẵn sàng chỉ cần cô sẵn sàng. Nhưng vì bản thân còn nhiều điều muốn làm nên Trang đành cho bạn trai đợi chờ thêm một thời gian vậy.

    Nguồn: Kênh 14

  • Rất nhiều nhân viên NHS và nhân viên ở các cơ sở y tế tư nhân, từ bác sĩ phẫu thuật tim đến y tá, người vận chuyển và cả tình nguyện viên, đã qua đời vì đại dịch Covid-19.

    Chính phủ cho biết đã có 49 nhân viên NHS được xác định là tử vong liên quan đến Covid-19, nhưng chắc chắn số ca tử vong thực tế cao hơn rất nhiều.

    Guardian đã ghi nhận 200 ca tử vong được tường thuật trên truyền thông, nhưng con số thật vẫn cao hơn vì không phải ca tử vong nào cũng được báo chí biết tới.

    Nhiều gia đình nạn nhân đã phàn nàn về sự thiết hụt cả về chất lượng và số lượng các thiết bị bảo hộ cho đội ngũ y tế. 

    nguoi viet tu vong 1
    Những nhân viên NHS tử vong do Covid-19. Ảnh: Guardian.

    Trong số những người đã an nghỉ vì đại dịch, có một người gốc Việt là ông Van Lang Hoang. Thông tin này được công bố trên website của Hội các Bệnh viện thuộc Barts heath NHS trust vào ngày 4 tháng Năm.

    Ông Hoang là tài xế xe cấp cứu cho Barts health NHS trust. Ông qua đời vào ngày 14 tháng Tư năm 2020. 

    Con trai ông, anh Paul Hoang, chia sẻ: ''Bố tôi là người rất tốt bụng, ông truyền cảm hứng cho những người xung quanh. Ông luôn nhìn thấy sự lương thiện ở mọi người và gia đình, bạn bè, đồng nghiệp, các bệnh nhân sẽ luôn nhớ đến ông''.

    Hôm qua, hàng triệu người Anh lại một lần nữa vỗ tay cổ vũ cho những anh hùng NHS. Tuân thủ giãn cách xã hội, họ nghiêm túc đứng ở ngưỡng cửa nhà, trên vỉa hè hoặc trong vườn nhà để bày tỏ sự ủng hộ cho các nhân viên tuyến đầu. Một số người gõ xoong nồi, một số khác huýt sáo, cố tạo ra nhiều âm thành nhất có thể.

    nguoi viet tu vong 1
    Người dân vỗ tay cổ vũ nhân viên NHS.

    Thị trưởng London, ông Sadiq Khan, viết trên Twitter: ''Xin gửi tới mỗi cá nhân đang ở tuyến đầu chống lại Covid-19: Chúng tôi luôn sát cánh bên các bạn, hôm nay và mãi mãi. Sự hy sinh của các bạn sẽ không bao giờ bị lãng quên''.

    nguoi viet tu vong 1
    Ông Johnson vỗ tay bên ngoài Phủ Thủ tướng.

    Dù tính mạng của nhiều nhân viên tuyến đầu đang gặp rủi ro, nhưng cũng không ít người tiếp tục dồn sức ép lên NHS. Báo cáo ngày hôm qua của chính phủ cho thấy, cứ 7 người thì có 1 người vi phạm luật phong tỏa, chẳng hạn như gặp gỡ bạn bè và gia đình khác hộ.

    Đặc biệt, sự phá luật của Cố vấn chính phủ, ông Dominic Cummings đang làm dậy sóng dư luận. Trong khi rất nhiều nhân viên y tế không thể nắm tay con mình mà chỉ có thể chào tạm biệt con qua cửa kính, thì ông này đã lái xe về thăm gia đình và còn đi thăm thắng cảnh thiên nhiên. 

    Đang có nhiều tiếng la ó biểu tình đòi Thủ tướng Johnson phải sa thải ông này để làm gương.

    Viethome (theo Guardian)

  • Câu chuyện vô cùng cảm động Viethome xin copy từ bài viết của Facebook Thao Vu đăng trên group Kết Nối Việt. Chắc hẳn nhiều phụ nữ Việt đơn thân ở xứ người sẽ rơi nước mắt đồng cảm và tự nhủ: ''Chuyện gì rồi cũng sẽ qua''.

    ''Cả nhà 3 người nó đi diện HO tới Mỹ vào tháng 11 lạnh cóng với gia tài vỏn vẹn chỉ có $150. Tháng thứ 2 là nó biết bung ra đi cày ở hãng điện tử với mức lương $3.99 một giờ. Lần đầu tiên trong đời nó làm ra tiền, tháng nào nó cũng đưa y chang tiền lương cho mẹ nó! Có khi mẹ cho nó $5 vài tháng sau vẫn còn nguyên! Sau 1 năm cả nhà 3 người nó ngủ dưới đất trong phòng khách của người họ hàng, tiền nó đi làm cùng với trợ cấp của chính phủ cũng đủ để move ra mướn căn apartment 2 phòng! Nó chưa bao giờ có phòng riêng nên đêm đầu tiên nó thao thức cả đêm vì sung sướng.

    Lính của ba nó ngày xưa tới thăm thấy có đứa con gái dễ nhìn nên xin phép ba mẹ nó làm mai mối cho người em nuôi của ổng lớn hơn nó 10 tuổi! Cuộc sống năm đầu cô đơn lạc lõng nên khi có người thương thì nó mừng húm và yêu ngay không cần đắn đo! Sau 1 năm rưỡi ở Mỹ, đám cưới nó diễn ra với cái thai 4 tháng sau chỉ hơn 5 tháng bồ bịch! Nó là con út, ba nó cưng chìu lắm, với nó còn trẻ nên lúc lấy chồng nó rất vụng về ngây ngô! Thay vì khi chồng nhậu xỉn, nên im miệng thì nó cằn nhằn rồi bị đập! Có lần chồng nó đá song phi nó bay thẳng vô closet như phim kiếm hiệp!

    Chồng nó thích nhậu, 1 tuần vài ba lần, còn cuối tuần thì mất dạng từ tối thứ 6 tới chủ Nhật mới về. Còn nếu như không đi ra ngoài thì chồng nó sẽ chở gia đình nó xuống Stockton nhậu, nó kiên nhẫn giữ 2 con cho chồng nhậu vài ngày cuối tuần mà không dám cằn nhằn vì mẹ nó luôn dạy là không bao giờ làm mất mặt chồng trước đám đông. Nhiều lần trong cơn say xỉn chồng nó vẫn chở vợ con chạy từ Stockton về, mỗi lần như vậy thần kinh nó muốn đứt vì lo sợ! Còn mùa football thì nó khóc trọn đêm mưa vì chồng nó cá độ, tiền bạc luôn túng thiếu! Nó giấu nhẹm mọi chuyện với ba mẹ và tự nhủ với lòng là nó may mắn được ở Mỹ, nhiều đàn bà bên Việt Nam còn khổ trăm lần hơn nó! Mặc dù biết là hôn nhân này có gì bất ổn, nhưng nó vẫn làm mọi thứ để cố gắng vun đắp.

    Nó ngây thơ khờ khạo không biết ngừa thai là gì nên nó lại có thai khi đứa con đầu chỉ mới 6 tháng. Chồng nó vẫn cứ say xỉn cá độ, nó vẫn tiếp tục cằn nhằn! Có 1 ngày chồng nó đi nhậu về, ba mẹ vợ đang ngồi trước garage hóng gió, chồng nó nhấn ga thiệt mạnh phóng vô garage, ba mẹ nó mà không nhảy ra chắc cũng bị cán chết! Chồng nó kiếm chuyện làm khó nó , đổ thừa cho tiền ba mẹ nó gởi Việt Nam! Sau vụ đó, ba mẹ nó dọn ra riêng ở với hi vọng sẽ giúp con mình may ra có hạnh phúc! Nó khóc như mưa tháng sáu mỗi ngày vì nhớ ba mẹ nó!

    Một ngày tình cờ ba mẹ nó về nhà thăm con cháu bắt gặp chồng nó đang xỉn nắm cổ nó giơ lên trời, ba nó hiền hơn ông bụt vậy mà như một con hổ ba nó nhảy tới đấm vô mặt con rể một cú tức thì. Chồng nó lập tức buông nó ra để nhào tới ba nó! Ba nó run cả người bần bật như bị giật điện vì thấy con mình bị hành hung.

    Mẹ và nó nhào vô giữa can ngăn, nếu không thì ba với chồng nó cũng có người bị thương . Ba nó gọi police vậy mà nó binh chồng rồi còn giận ba vì chuyện đó. Police tới nó nó dối là không có đánh nhưng police hỏi hai con( lúc đó 4 với 5 tuổi) 2 đứa khai sạch bách!! Nó vẫn yêu chồng nó, vẫn hy vọng một phép nhiệm màu cho cuộc hôn nhân của mình.

    Nó mê đọc sách mà chồng nó ghét cay đắng mỗi khi thấy nó đọc, vì vậy nó không đọc nữa để vui lòng chồng. Đến bây giờ nó cũng chẳng hiểu tại sao chồng nó không thích nó đọc sách! Nó muốn đi học để có chút vốn liếng tiếng Anh và bằng cấp phụ giúp nhiều hơn cho kinh tế gia đình. Nhưng chồng nói là nó già rồi, không nên đi học. Nó có bản tính rất là quyết đoán từ nhỏ nên nó phải đi học cho bằng được! Chờ chồng rời nhà đi làm lúc 6 giờ sáng, nó bật dậy gởi con cho ba mẹ xong chạy tới trường. Học tới 10 giờ chạy qua làm nail! Nó học được một số lớp ESL,math, biology thì không còn lớp buổi sáng nữa. Vì không đi được buổi chiều nên nó tạm ngưng học.

    Nó thấy mình không hợp với nghề nail chút nào. Nó luôn thích làm bác sĩ hay y tá tại tính nó thích chăm sóc người, thích thú với máu me mổ xẻ! Nó bắt đầu hiểu nó sẽ không có cơ hội thực hiện ước mơ này, nên bắt đầu mày mò tìm trong mấy tờ báo quảng cáo coi nghành nghề nào dính dáng tới chăm sóc bệnh nhân mà thời gian nhanh không cần học từ 4-10 năm và phát hiện ra công việc lấy máu, chỉ cần vô vocational school khoảng một năm là sẽ có bằng làm việc trong bệnh viện!

    Trong lúc này hôn nhân của nó cũng chẳng khá gì hơn, nó muốn xin chồng cho đi học ở vocational school để có cái nghề, và kiếm đâu ra 10k để trả tiền học! Cuối cùng nó cũng nói thật với chồng và dĩ nhiên là không được chấp nhận! Do lường được chuyện này nên lần đầu tiên nó ra mặt chống đối và vẫn quyết định đi học! Nó được chính phủ cho mượn một nửa student loan, một nửa nó xài credit card! Loay hoay gần 1 năm vất vả vừa học vừa lo việc nhà, nuôi con, rồi thì nó cũng xong cái bằng lab assistant!! Ngày đầu tiên trong đời nó biết job interview là gì, nó còn nhớ đi interview job mà dẫn ba mẹ với 2 con theo ngồi ở phòng đợi.

    Trở lại chuyện tại sao nó làm nail lúc mấy năm đầu qua Mỹ là tại nó có bà cô em ruột của ba là chủ tiệm nail, nên khi qua Mỹ, bà cô nó không kêu đi học college mà biểu nó đi học nail để phụ tiệm! Nó vừa đi làm điện tử vừa học nail nên khoảng 1 năm nó cũng lấy được bằng nail! Bà cô ghét mẹ nó lắm khi còn ở Việt Nam nên ghét lây qua nó! Đang ngồi chà rửa chân cho khách mà nếu như bả buồn tình là bả cứ lôi ba mẹ ra chửi. Nó còn nhớ bả nói là vú nó sẻ dài tới đầu gối sau khi có con vì lúc đó nó có cặp ngực lớn và còn nói với nhân công của bả là đứa cháu con của chị ruột mà bả sắp sửa lãnh qua Mỹ du học đẹp gấp mười lần nó! Nó buồn não lòng nào là chồng vậy thêm bà cô chẳng tốt lành gì hơn!

    Tới một ngày ba nó lại bắt gặp chồng nó đánh đập nó nữa, ông nhào vô đập lại và lôi cây dao trong bếp định đâm chồng nó! Chồng nó quay lại chụp cây dao, mẹ với nó cũng nhào vô chụp cây dao , ba nó thở phì phò như đứt hơi muốn xỉu, còn chồng nó thì lồng lộn như con thú dữ! Nó đứng như trời trồng nhìn ba nó thân già run rẩy vì tức giận và mệt, còn mẹ nó van lậy khóc lóc xin chồng nó đừng nhào vô nữa! Trong đầu nó lần đầu tiên nghĩ tới việc chia tay chồng! Nó nói chuyện với ba mẹ cho nó li dị, má nó khăng khăng không cho, nói là ai nuôi con, bỏ chồng là nhục nhã làm sao ăn nói với bà con hàng xóm! Còn ba thì nhỏ nhẹ nói: con phải bỏ chồng con vì nó không thể nào làm gương tốt cho 2 con con, và con sẽ ko bao giờ được hạnh phúc!!

    Sau gần 9 năm hôn nhân, một hôm gom hết quyết tâm, nó tuyên bố với chồng về quyết định ly dị, dù lúc này hai con còn nhỏ dại. Chồng nó hù doạ là nếu bỏ chồng thì 3 mẹ con nó sẽ đói, vì chồng nó là nguồn thu nhập chính trong gia đình! Nó biết là nó sẽ gặp muôn vàn khó khăn nếu một mình nuôi con, nhưng nó cũng hy vọng chồng nó sẽ phụ tiền child support! Nhưng than ôi, sau khi ly dị chồng cũ không thèm đi làm vì không muốn trả tiền child support. Và lần nữa cuộc đời nó vẫn còn lận đận.

    Nó bèn thu xếp nhờ ba mẹ giữ con để nó đi làm. Lúc đó mới đi làm nên lương còn thấp lắm, đã vậy còn không có tiền child support nên ba mẹ phải cho nó thêm tiền mỗi tháng! Có ngày còn không có tiền đổ xăng đi làm! Nhớ một lần muốn cho con vui, nó dẫn con đi ăn trên King Eggroll đường Story Rd. Sau khi rút hết mấy cái thẻ bị denied, nó kéo 2 con chạy thật nhanh trốn ra khỏi tiệm vì lúc đó người ta đã múc đồ ăn sẵn rồi. Vừa chạy mà vừa nước mắt rơi lã chã...

    Tự nhủ với lòng rằng chỉ cần có sức khỏe và sự chăm chỉ, xã hội Mỹ rất dễ có cơ hội nếu như nó cố gắng hơn nữa. Nó đi làm 2 jobs, 7 ngày 1 tuần, làm luôn tối và sáng thứ 7! Mỗi sáng Chủ Nhật, sau khi làm về nó lại đón 2 con cho đi hướng đạo! Ngồi trong xe ngủ chờ con xong chở về rồi đi làm tiếp! Miệt mài như vậy gần 10 năm thì 2 con xong hướng đạo! Với sự thương yêu đùm bọc của ông bà ngoại và sự lì lợm đối mặt với khó khăn của nó, 2 con bây giờ đã trở thành 2 chàng college cao to. Em lớn đang năm thứ 5 College theo đuổi ước mơ mà mẹ nó không đạt được, em út tháng 5 này ra trường cho 2 bằng cử nhân. Nó làm chủ được căn nhà nhỏ nhỏ xinh xinh cho ba mẹ già nó trồng cây ăn trái!

    viethome nuoi con an hoc

    Rồi một hôm, con trai lớn của nó chảy nước mắt khi người đàn ông của mẹ tới nhà xin phép ba mẹ với 2 con của nó được cưới nó! Tháng 8 này đám cưới sẽ cử hành, và nó sẽ theo chồng xa con cái mà nhứt là xa ba mẹ nó lần nữa! Nó biết nó cũng sẽ nhớ và khóc nhưng lần này nó biết chắc một điều là nó khóc trong hạnh phúc! Cảm ơn nước Mỹ đã luôn cho nó cơ hội và môi trường thuận lợi mà sau những khó khăn người ta vẫn vươn lên được! Nó yêu nước Mỹ ghê lắm! Nước Mỹ của nó là number one! Cảm ơn nước Mỹ!!!''

    Câu chuyện vô cùng cảm động Viethome xin copy từ bài viết của Facebook Thao Vu đăng trên group Kết Nối Việt.

  • Anh Phan Việt Phong - ông chủ kiêm bếp trưởng nhà hàng Obobun chia sẻ: “Mình có niềm tin mạnh mẽ rằng khi mình thực sự hết lòng với ai đó, họ sẽ không quay lưng lại với mình lúc khó khăn. Và đây là thời điểm để mình trải nghiệm những sự ấm áp đó. Có khách hàng, có nhân viên ủng hộ, mình không sợ nếu phải làm lại từ đầu”.

    bun bo viet o phap 1
    Những tô bún bò rất ngon miệng, đầy đủ dinh dưỡng và vô cùng đẹp mắt.

    Lời tri ân từ tô bún bò Việt Nam

    Gần 20 năm sống tại Pháp, anh Phong-một đầu bếp gốc Việt tâm sự chưa bao giờ anh cảm thấy hạnh phúc đến thế. Anh gọi đó là “mùa xuân trong mùa dịch”.

    “Cảm ơn bạn một lẫn nữa, tuyệt vời ngon và thật ấm áp”. Đó là tin nhắn từ khoa hồi sức cấp cứu bệnh viện CHU Grenoble gửi tới anh Phan Việt Phong-ông chủ kiêm bếp trưởng nhà hàng Obobun, người đã nấu hàng trăm tô bún bò miễn phí cho các y bác sĩ nơi đây.

    Thực hiện quy định của Chính phủ Pháp, anh Phan Việt Phong đóng cửa nhà hàng của mình tại thành phố Grenoble. Buổi sáng trước giờ đóng cửa, anh đến chia tất cả số thực phẩm còn dư cho nhân viên và khách để tránh lãng phí đồ ăn.

    “Cậu bạn bán gaufre đầu đường thích ăn nem, mình mang tặng 20 cái. Ông bạn tặng lại mình cả kiện rau củ. Ai cũng vui vẻ nhưng không giấu khỏi chút trầm lắng, tương trợ nhau, cứ như sắp vào một cuộc chiến”, anh Phong tâm sự trên trang cá nhân.

    Vài ngày sau đó, trong lúc đang xem tin tức trên mạng, anh Phong đọc được dòng thư của một bếp trưởng nổi tiếng trong vùng, kêu gọi các nhà hàng kết nối nấu ăn luân phiên, tiếp sức cho các y bác sỹ trong bệnh viện. Không chút suy nghĩ, anh để lại bình luận xác nhận tham gia. May mắn, khi anh đề nghị sự hỗ trợ từ các nhân viên của mình, hai nhân viên đã đồng ý tới giúp anh.

    bun bo viet o phap 1
    Anh Phong đã vào bếp: “Và mình sẽ làm với tất cả lòng biết ơn và yêu thương”.

    Anh Phong chia sẻ: “Bước vào thời điểm căng thẳng của cả nước Pháp, bệnh viện CHU Grenoble như mọi bệnh viện khác, bị quá tải. Ít ai biết, bình thường các nhân viên y tế ở Pháp phải tự chuẩn bị đồ ăn từ nhà mang đi hoặc mua đồ ăn bên ngoài. Song những ngày phong tỏa, các cửa hàng đều đóng cửa, nhiều y bác sỹ trực chiến liên tục tại bệnh viện, công việc kết thúc muộn, không có thời gian nấu ăn. Nhiều người cũng có con nhỏ mà không được ở nhà chăm sóc, phải thuê người trông nom”.

    Ngay khi anh Phong đăng bài lên nhóm kết nối, món bún bò của anh đã nhận được ba đơn hàng từ khoa Hồi sức cấp cứu và khoa Phổi-Tim mạch của CHU Grenoble, với tổng cộng 101 suất cho bữa trưa.

    bun bo viet o phap 1
    Trên mỗi nắp hộp đều ghi những thông điệp đến các y bác sĩ.

    Sáng hôm đó, anh Phong ra nhà hàng từ 5 giờ, vào bếp và tới 9h30 sáng thì hai bạn nhân viên tới hỗ trợ. Đến trưa, 101 suất bún bò được bày biện đẹp đẽ, ngon mắt. Anh Phong cẩn thận viết vào nắp hộp những lời chúc, lời cảm ơn đến các y bác sĩ: “Dành cho những con người đẹp đẽ”, “Cảm ơn vì đã ở đây lúc này” …

    Anh cũng nhận lời nấu bún bò lần thứ hai với 100 suất cho hai bệnh viện khác. Mới đây, anh nhận được lá thư đề nghị giúp đỡ từ một y tá ở Bệnh viện Belledonne. Trong thư có đoạn viết: “Người bạn thân nhất của tôi, cũng là một y tá đã bị nhiễm COVID-19 trong quá trình làm việc, hiện đang phải nhập viện trong khoa Phổi. Sau khi trải qua quá trình hồi sức, cô ấy đã khỏe hơn rất nhiều và một trong những yêu cầu đầu tiên của cô là khao khát khủng khiếp được ăn món bún bò của bạn. Tôi đã hứa với cô ấy sẽ tặng cô ấy và tôi không muốn phá vỡ lời hứa của mình. Cảm ơn bạn rất nhiều”.

    Một hành động tốt sẽ tạo ra những việc tốt khác

    Ngay khi biết tin nhà hàng của anh Phong tham gia nấu ăn tiếp sức cho các y bác sĩ chống dịch, nhiều khách hàng và bạn bè đã nhắn tin cho anh xin được chung tay đóng góp. Người bày tỏ muốn gửi tiền, người trực tiếp đến bếp hỗ trợ, người gửi cho anh khẩu trang để vào viện an toàn hơn.

    Một đối tác chuyên cung cấp rau củ quyết không lấy tiền vì: “đây là điều bình thường ai cũng làm vào lúc này. Tôi mà tính tiền cậu thì tôi là kẻ chẳng ra gì”.

    bun bo viet o phap 1
    Các nhân viên sẵn lòng làm việc không lương để giúp anh Phong làm từ thiện.

    Anh Phong chia sẻ: “Mình có niềm tin mạnh mẽ rằng khi mình thực sự hết lòng với ai đó, họ sẽ không quay lưng lại với mình lúc khó khăn. Và đây là thời điểm để mình trải nghiệm những sự ấm áp đó. Có khách hàng, có nhân viên ủng hộ, mình không sợ nếu phải làm lại từ đầu”.

    Anh Phong cho hay, việc trở lại bếp trong bối cảnh phần lớn các nhà hàng phải đóng cửa có ý nghĩa tương trợ rất lớn. Một mặt giúp các y bác sĩ giải quyết vấn đề ăn uống, đảm bảo sức khỏe để làm việc, một mặt hỗ trợ phần nào những người nông dân, các nhà phân phối nông sản đang thiếu nơi tiêu thụ.

    Theo Thời Đại

  • Mới đây, clip đấu võ đỉnh cao không khác gì Ngô Kinh – Chân Tử Đan xuất hiện và nhanh chóng thu hút nhiều sự chú ý của người dùng Tiktok. Không chỉ ăn mặc na ná, 2 anh chàng trong đoạn clip còn có thân thủ phi phàm, động tác y chang các diễn viên võ thuật xứ Trung. Đó cũng chính là điều khiến ai nấy đều sửng sốt và hết lời khen ngợi.

    Clip võ thuật mãn nhãn của team Action C.

    Đoạn clip này do một tài khoản Tiktok có tên S. đăng tải và thu hút hàng triệu lượt xem, hàng nghìn bình luận xuýt xoa ngưỡng mộ. Ban đầu, nhiều người tưởng 2 diễn viên chính trong đoạn clip có mối quan hệ với chủ tài khoản Tiktok quê ở miền Tây. Tuy nhiên sau khi tìm hiểu thì đoạn clip gốc do một team võ thuật có tên Action C thực hiện và đăng tải trên YouTube cách đây hơn 2 tuần.

    Theo chính chủ chia sẻ, đoạn clip "cover" theo phong cách rẻ tiền và hài hước trận solo kinh điển của Chân Tử Đan và Ngô Kinh trong bộ phim hành động nổi tiếng Sát Phá Lang (Kill Zone). 

    Trận đấu solo kinh điển của Chân Tử Đan - Ngô Kinh trong bộ phim "Sát Phá Lang (Kill Zone)" được Action C cover lại theo phong cách rẻ tiền và hài hước. (Clip: Action C)

    Dương Minh Chiến, trưởng nhóm Action C cho biết, mọi người vốn không sử dụng Tiktok và cũng không hề biết sản phẩm của nhóm đang nổi như cồn. Tận khi một người bạn vô tình lướt thấy và khoe thì anh mới hay. "Cũng khá bất ngờ vì clip của team được mọi người đón nhận. Nhưng để tôn trọng công sức của team thì mình hy vọng sau này mọi người đăng clip cũng nên ghi nguồn vào" - anh Chiến chia sẻ.

    Về đoạn clip cover cảnh đấu võ kinh điển giữa Ngô Kinh - Chân Tử Đan, anh Dương Minh Chiến cho biết: "Lên ý tưởng xong thế là gọi anh em đi quay. Ra hiện trường mọi người cùng xem clip và làm theo thôi chứ không có tập trước gì hết. Tại vì mấy cái động tác đó người không biết thì nghĩ sẽ khó, nhưng biết thì sẽ rất dễ thực hiện theo. 

    Lúc đó là khoảng 2h chiều, vì đông người qua lại nên bọn mình phải rời, quay trong 3 buổi sáng. Mỗi buổi khoảng 4h quay, tổng là 12h. Sau đó mình mất thêm khoảng 1 ngày nữa để chỉnh sửa và hoàn thiện video".

    Team Action C tham gia bộ phim Cảnh sát cơ động 2.

    Theo trưởng nhóm Action C, nhóm gồm những thành viên làm phim chuyên nghiệp đang sống và làm việc tại TP. HCM, khi rảnh rỗi thì cùng nhau làm clip ngắn với mục đích giải trí. Còn 2 nhân vật chính trong đoạn clip gây "bão mạng" là Tiến Hoàng (áo đen) và Trầm Minh Hoàng (áo trắng).

    Tiến Hoàng từng đóng phim hành động bên Hollywood.

    Tiến Hoàng là một Việt kiều sống ở bên Anh, anh từng tham gia rất nhiều dự án phim bom tấn của Hollywood với vai trò là Stuntman/Cascadeur (ở Việt Nam thường được biết đến với cái tên diễn viên hành động, diễn viên đóng thế) như: Doctor Strange (2016), Ready Player One (2018), Solo - A Star Wars Story (2018), Spiderman Far From Home (2019), 6 Underground (2019)... 

    Hiện tại, Tiến Hoàng tham gia đóng chính trong một bộ phim điện ảnh đang quay của Việt Nam.
    Tiến Hoàng đang tham gia đóng chính trong một bộ phim điện ảnh Việt Nam.

    Không hề kém cạnh, Trầm Minh Hoàng cũng là một cascadeur có tiếng với thâm niên 8 năm trong nghề. Hiện anh đang là chỉ đạo hành động của nhóm cascadeur Quốc Thịnh. Ngoài ra, anh cũng góp mặt trong không ít dự án "triệu view YouTube" như "Âm thầm bên em" của Sơn Tùng M-TP, "Sóng gió" của Jack...

    Hiện tại, trên kênh YouTube của cả nhóm cũng có hơn 65k lượt theo dõi dù không đăng tải quá nhiều clip trong suốt 8 năm thành lập. Trưởng nhóm của Action C cũng cho biết, quay clip không vì mục đích thương mại, vậy nên anh không đặt nặng chuyện lượt view. Việc nổi tiếng là hoàn toàn ngoài dự kiến, nhưng dù thế mọi thứ cũng không có gì thay đổi.

    Và những người xem vẫn đánh giá cao khả năng của cả nhóm và dành lời khen ngợi hết lời: "Góc máy đẹp, dàn cảnh võ thuật thôi rồi, cộng thêm tình huống vui vui đánh vào sự kiện nóng nữa thì nhóm sẽ rất đáng gờm đấy! Ít nhất là thu hút anh em fan phim võ thuật", "Sự thật nhiều phim hành động Việt Nam đầu tư cũng không bằng đoạn clip ngắn này!"...

    Theo Nhịp Sống Việt

  • Với tư cách là một doanh nhân, ông muốn đóng góp một phần nhỏ với cộng động và cho rằng đây cũng là trách nhiệm của kiều bào đối với Tổ quốc.

    Chiều 26/3, tại Đại sứ quán Việt Nam tại Anh diễn ra lễ trao 1 tỷ đồng của doanh nhân Việt kiều Phạm Minh Nam ủng hộ nước nhà chống đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19.  

    Doanh nhân Phạm Minh Nam (người thứ hai từ trái sang) trao tặng ủng hộ 1 tỷ đồng cho chiến dịch phòng chống dịch bệnh COVID-19 tại Việt Nam -Ảnh: Vietnam+

    Ông Phạm Minh Nam, Chủ tịch tập đoàn New World Fashion Group có trụ sở tại London,  Chủ tịch Hội doanh nhân Việt Nam tại Anh,  cho biết đại dịch COVID-19 đã ảnh hưởng đến toàn thế giới, Việt Nam cũng là một nước chịu ảnh hưởng. Với tư cách là một doanh nhân, ông muốn đóng góp một phần nhỏ với cộng động và cho rằng đây cũng là trách nhiệm của kiều bào đối với Tổ quốc.

    Tại buổi tiếp, Đại sứ Việt Nam tại Anh Trần Ngọc An cám ơn tấm lòng, sự giúp đỡ chia sẻ kịp thời của doanh nhân Phạm Minh Nam đối với đất nước trong cuộc chiến với đại dịch COVID-19.

    Hầu hết người Việt Nam tại Luân Đôn và nhiều doanh nghiệp Anh đều biết tiếng ông Phạm Minh Nam, một doanh nhân Việt Nam làm ăn rất phát đạt tại Anh quốc và có tiếng tăm ở cả châu Âu. Ông Nam, sinh năm 1958, quê Hải Phòng, hiện là Chủ tập đoàn may mặc New World Fashion Group, có trụ sở chính tại 215 Mare Street, ở thủ đô Luân Đôn của vương quốc Anh.

    Ngoài ra ông còn giữ cương vị chủ tịch Hội doanh nghiệp Việt Nam tại Anh. Ông đã tham gia nhiều chương trình đóng góp từ thiện cho các trẻ em nghèo và tàn tật ở Việt Nam, đồng thời luôn hỗ trợ và đóng góp giúp đỡ đồng bào gặp bão lụt, hạn hán. 

    Sang Anh năm 1980 khi trong tay chỉ có 10 đôla Hồng kông, nhưng nay ông Nam đã được mọi người ở đây gọi bằng biệt danh đầy cảm phục "Nam tỷ phú". Để có được biệt danh "tỷ phú", ông Nam đã phải lao động cật lực trong suốt hơn 30 năm qua.

    Ông Nam cho biết, cuộc sống của ông những ngày đầu trên đất khách quê người muôn vàn khó khăn, có lúc tưởng chừng không thể tồn tại. Ông đã phải lần mò đi làm thuê cho các chủ xưởng may người Do Thái ở Luân Đôn, với những đồng tiền công ít ỏi. Nhưng nhờ tính cần cù, chịu khó và năng động, ông đã dần dần tích lũy được tiền và kinh nghiệm học được từ những người chủ Do Thái trên đất Anh. Khi có một chút vốn nho nhỏ ban đầu, ông đã thành lập xưởng nhận gia công sản phẩm may mặc cho các hãng may người Do Thái. Đến năm 1987-1988, ông Nam đã giao hàng cho hơn 10 xưởng may gia công, tạo công ăn việc làm cho hàng trăm người Việt tại Luân Đôn.

    Đối với các doanh nhân mới lập nghiệp, ông Nam khuyên hãy kinh doanh bằng khả năng nhạy bén với thời cơ và thị trường cùng một chiến lược bài bản và dài hạn. Đừng mong chờ vào may mắn vì nếu may mắn thì chỉ được một vụ, một mùa, một năm chứ không thể kéo dài 10-15 năm được. Nếu tính toán không đúng, thiệt hại sẽ rất lớn, sẽ khiến khách hàng mất niềm tin. Và để lôi kéo họ lại thì rất khó.

    Trên tư cách Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Việt Nam tại Anh, ông cho rằng, để thu hút mạnh hơn nữa các doanh nghiệp Việt kiều về nước đầu tư, Chính phủ cần đẩy mạnh cải cách hành chánh. Và cũng cần có các chính sách ưu đãi cụ thể dành cho doanh nhân là kiều bào.

    Theo Vietnamplus

  • Câu chuyện dưới đây là chia sẻ về cuộc đời mình của chị Jora Trang, 38 tuổi, một luật sư về dân sự tại San Francisco, Mỹ.

    Sự ra đời của con gái là trải nghiệm đáng kinh ngạc nhất trong cuộc đời tôi. Bác sĩ bế con đến bên tôi, bé nhìn thật hoàn hảo. Không từ nào có thể tả được niềm hạnh phúc tôi cảm nhận vào khoảnh khắc ấy. Tôi nhìn sang mẹ và dì, hai người đang đứng trong góc phòng sinh, gương mặt lộ rõ vẻ đau đớn và khổ tâm. Tôi có thể hiểu được, thật khó cho họ khi phải nhìn đứa con, đứa cháu mới 12 tuổi của mình sinh nở. Sau khi con gái chào đời, mọi người bảo rằng sẽ giới thiệu tôi và đứa con mới sinh là hai chị em để tránh những lời chỉ trích, đàm tiếu. Không muốn gia đình mình phải khổ sở thêm, tôi làm theo.

    Tôi bị cưỡng hiếp khi đang ở trong nhà vệ sinh của trường vào một buổi sáng. Lúc đó tôi mới 11 tuổi. Sự thật là, tôi không nhớ nhiều lắm về vụ tấn công đó. Tôi đã không kêu gào hay khóc lóc. Tôi chỉ cố nhắm nghiền mắt lại. Tôi ở lỳ trong đó đến hết ngày, cảm thấy mình thật bẩn thỉu và tôi hoang mang cực độ. Ngày hôm sau, tôi cố quên đi những gì đã xảy ra. Tôi chẳng dám kể chuyện này với ai. Chỉ sau này, tôi mới hiểu rằng mình đã bị cưỡng bức.

    Vài tháng sau, ngực tôi to lên, hông cũng nở ra nhưng tôi nghĩ mình đang phát triển, như các bạn bè khác thôi. Khoảng 5 tháng sau, tôi cảm thấy có thứ gì đó động đậy trong bụng mình. Sợ hãi, tôi kể với bố mẹ. Bố tôi đã tức giận hỏi có phải vì tôi đã có bạn trai và khiến tôi cảm thấy vô cùng hoang mang.

    Jora Trang khi vừa bước sang tuổi 12 và con gái mới sinh. Ảnh: Jora Trang/Cosmopolitan.

    Tôi nghĩ chắc mình đã làm điều gì đó xấu xa nên mới bị như vây nhưng chẳng có ý niệm việc đó là gì. Tôi chỉ dám hỏi "Có chuyện gì vậy ạ" nhưng nó bị gạt đi nên tôi không bao giờ dám hỏi lại nữa. Và tôi đã hiểu chuyện gì đang xảy ra khi vị bác sĩ tiếp theo dẫn tôi đến trước bức ảnh một em bé treo trên tường.

    Bụng tôi ngày càng to ra và cuối cùng, tôi phải nghỉ học. Tôi nhớ trường lớp nhưng tôi hiểu rằng việc mang thai của mình phải được giữ kín. Bố mẹ giấu tôi trong nhà và bảo với các em trai, em gái của tôi rằng gia đình sắp nhận nuôi một em bé, vì thế bọn trẻ cứ tưởng tôi béo ra. Lúc đó, tôi biết rồi mẹ sẽ nuôi dạy con tôi.

    Mặc dầu vậy, những ngày tháng mang thai lại là trải nghiệm tươi đẹp với tôi. Khi bụng to ra, tôi ý thức về bản thân rất rõ ràng. Tôi cảm thấy mình thực sự xinh đẹp bởi vì có thứ gì đó thật tuyệt vời đang sống bên trong cơ thể. Con gái tôi đạp rất nhiều. Tôi đọc chuyện và chơi nhạc cổ điển cho con nghe bởi tôi nghe ở đâu đó rằng những điều này sẽ giúp bé thông minh.

    Một ngày, mẹ đưa tôi đến bệnh viện. Tôi cứ tưởng mình sẽ đi khám như thông thường nhưng hóa ra tôi sinh con. Tôi bị vỡ ối đêm trước nhưng không biết là mình đang chuyển dạ. Tôi không nhớ về cơn đau chút nào. Em bé của tôi vô cùng đáng yêu và hoàn thảo. Theo bản năng, tôi đếm số ngón tay và ngón chân của con và lập tức cảm thấy sự gắn bó đặc biệt với bé, dù tôi biết mình sẽ phải bỏ con cho mẹ. Con tôi được đặt tên là Meggy. "Hãy quên tất cả những chuyện này đi và sống cuộc đời của con", mẹ tôi nói.

    Nhưng tôi yêu con, vì thế tôi độc chiếm bé. Tôi không cho bất cứ ai có cơ hội quá gần gũi với con tôi. Tôi nghỉ 6 tháng đầu sau sinh để chăm sóc con và mọi việc diễn ra hết sức tự nhiên. Khi tôi đi học lại, bé ở nhà với người trông trẻ suốt ngày và tôi chăm con vào buổi tối. Với thế giới bên ngoài, bé là em gái tôi nhưng tôi luôn đối xử với Meggy như con gái mình.

    Chị Jora Trang và con gái hồi chị còn trẻ. Ảnh: Jora Trang/Cosmopolitan.

    Khi tôi 17 tuổi thì con gái bắt đầu đi học. Bố tôi phải tham chiến tại Việt Nam (nơi chúng tôi di cư từ năm 1975) và mắc hội chứng lo âu nghiêm trọng sau sang chấn. Điều này khiến ông ngày càng bị hoang tưởng. Tôi lo sợ cho sự an toàn của con gái mình khi ở cạnh ông. Vì vậy, khi có bằng lái xe, tôi quyết định rời khỏi nhà. Đầu tiên, tôi lái xe đến văn phòng lưu trữ tại địa phương và lấy giấy khai sinh của Meggy. Người ta bảo rằng, trên giấy này không có tên tôi (mà tên mẹ tôi), nên tôi sợ mình sẽ bị kết tội bắt cóc. Nhưng rõ ràng, tôi là mẹ con bé. Tôi đã lấy trộm gần 1.000 USD mà bố mẹ giấu trong nhà và chìa khóa xe của họ.

    Tôi đến trường con vào giữa ngày nhưng giáo viên nói Meggy không thể đi cùng tôi. "Tôi là mẹ con bé, tôi có quyền đón con", tôi bảo họ. Đó là lần đầu tiên những lời này thốt ra khỏi miệng tôi. Tôi cảm thấy tự hào và nhẹ nhõm khi cuối cùng cũng nói ra sự thật, ngay cả khi chỉ có mỗi cô giáo của con nghe được. Sau khi kể với cô giáo của Meggy về ý định đi trốn, cô ấy nói mẹ con tôi có thể tới ở với cô. Chúng tôi ở đó 6 tháng và mặc dù khá căng thẳng, hai mẹ con vẫn học hành xuất sắc ở trường. Sau đó, tôi chuyển tới San Diego, nơi tôi được nhận vào Đại học California. Tôi quyết tâm làm lại cuộc đời và bố mẹ để tôi đi. Sự dịch chuyển này gây xáo trộn cho Meggy. Con bé vẫn nghĩ ông bà ngoại là bố mẹ mình còn các em tôi là dì, cậu của bé - vì thế mỗi tháng chúng tôi đến thăm họ một lần. Bố mẹ để tôi giữ chiếc xe và không ai nhắc lại chuyện số tiền bị mất. 

    Thời điểm đó, Đại học California ở San Diego có một chương trình đặc biệt cho các bố mẹ đơn thân và họ dành cho mẹ con tôi một căn hộ hai phòng ngủ. Chúng tôi đã rất khó khăn, không dám đi chơi, chỉ lo cho việc học của tôi và các nhu cầu cho con gái là ngân sách đã cạn. Có những lúc, mẹ con tôi còn chẳng có tiền để ăn và tôi phải lấy trộm thức ăn ở quán tự phục vụ. Tôi thường xuyên cảm thấy kiệt sức nhưng chưa bao giờ oán trách. Khát khao mang đến cho Meggy những cơ hội tốt đẹp khiến tôi quyết tâm học hành và cho tôi niềm hy vọng.

    Và mẹ con tôi cũng có những niềm vui. Chúng tôi thành lập một đoàn kịch cho nhóm các bé gái châu Á, gọi là Funky Fresh Pan-Ethnic Asian Girls. Chúng tôi đi khắp nơi, biểu diễn các tiểu phẩm về cách giải quyết các vấn đề, từ bạo lực gia đình tới gặp rào cản ngôn ngữ. Meggy là một trong những nghệ sĩ biểu diễn. Thật khó để tìm được những người bạn chấp nhận việc tôi đã làm mẹ khi mới thiếu niên nhưng vẫn có nhiều người hoàn toàn ủng hộ chúng tôi. 

    Meggy và tôi tiếp tục sống như chị em gái, vì lợi ích của con. Nhưng khi Meggy 12 tuổi, tôi cảm thấy bé đã đủ trưởng thành để hiểu sự thật. Con gái tôi còn ngốc nghếch và ham chơi nhưng cũng giỏi giang và mạnh mẽ. Chẳng có lý do gì để giấu mối quan hệ thực sự giữa chúng tôi.

    Vào ngày thứ bảy, khi nói với con chuyện này, tay tôi túa mồ hôi và siết chặt khi bảo: "Mẹ thực sự là mẹ của con". Con bé khóc và kêu to: "Chị đã nói dối tôi tôi cả đời. Chị còn nói dối về điều gì nữa". Sau đó là giai đoạn cự tuyệt, con bé không muốn nói về chuyện đó. Cuối cùng, sau thời gian, Meggy dần chấp nhận. Một năm sau, khi tôi đang ở chỗ làm thì cô thư ký nói: "Con gái chị gọi". "Cái gì cơ, con bé nói vậy ư?", tôi thốt lên và vô cùng hạnh phúc vì Meggy đã nhận là con gái tôi.

    Chị Meggy (bên trái) và mẹ hiện tại. Ảnh: Facebook.

    Khi học đại học, tôi được đào tạo để trở hành một tư vấn viên đồng đẳng, tôi cảm thấy mình có đủ khả năng giúp đỡ những phụ nữ khó khăn. Nhưng khi việc đào tạo tập trung vào những trường hợp bị cưỡng hiếp, tôi cảm thấy cả người mình như tê dại. Tôi biết điều đó đã xảy ra với chính mình và khiến tôi mang thai lúc 11 tuổi nhưng tôi chưa bao giờ thừa nhận với bản thân rằng tôi bị cưỡng hiếp. Tôi chưa bao giờ muốn nhớ lại ngày đó. Mãi cho tới sau này, khi Meggy vào đại học, khoảng trống trải khi vắng con buộc tôi phải đối diện với việc đó. Tôi không nói nhiều về tình huống mình có thai Meggy vì tôi luôn muốn con đứng ngoài chuyện này. Tôi không muốn những gì từng xảy ra lại giới hạn cuộc đời mình: cách tôi nhìn đàn ông hay nhìn nhận về con gái mình hoặc mọi thứ khác.

    Khi Meggy bước vào năm thứ hai trung học, chúng tôi chuyển tới Berkeley, nơi tôi được nhận vào trường luật. Tôi phải làm hai công việc để trang trải các chi phí nên đã "mặc cả" thế này với con gái: "Đây là tương lai của chúng ta. Mẹ sẽ đi học và làm việc hơn 40 giờ mỗi tuần để đảm bảo cho cuộc sống của hai mẹ con ở đây. Con sẽ phải nấu cơm". Con bé trợn mắt ngạc nhiên nhưng sau đó nó đã hoàn thành việc đó - nấu cơm mỗi tối. Một năm sau, con đã trở thành một đầu bếp rất cừ.

    Chúng tôi đã có những khoảng thời gian thực sự khó khăn. Meggy không muốn chuyển tới Berkeley. Con bé giận dỗi vì bị buộc phải xa bạn bè. Tôi đã nhiều lần phải phạt vì con bỏ học hay không làm việc nhà. Nhưng cũng có những lúc mẹ con rất vui. Những năm tháng tuổi thiếu niên của tôi từng rất khác so với con. Vì vậy, khi con bắt đầu trang điểm, tôi bảo: "Để mẹ thử xem", và con bé dạy tôi uốn mi, kẻ mày, làm tóc. Tôi trải nghiệm mọi thứ cùng con. Chúng tôi thực sự đã lớn lên cùng nhau.

    Hiện Meggy đã vào đại học ở miền đông còn tôi làm luật sư ở miền tây Mỹ, tôi làm mọi việc mình muốn làm khi còn ở tuổi teen. Tôi tham gia 8 buổi học nhảy một tuần và cuối tuần nào cũng đi khiêu vũ. Tôi cũng ngồi tĩnh lặng và suy nghĩ rất nhiều, điều mà trước đây tôi không làm.

    Tôi cũng nhận ra mình nhớ con gái nhiều thế nào và những niềm vui mẹ con tôi đã có với nhau ra sao khi phải sống xa con. Meggy là điều kỳ diệu giúp tôi bước qua tình huống đen tối của mình. Đây là điều tôi đã nói với con. Tôi không thấy hối tiếc hay sang chấn hoặc đời mình quá khổ khi nhìn vào Meggy. Tôi chỉ nhìn thấy tình yêu.

    Dưới đây là chia sẻ của Meggy, con gái chị Jora Trang, sinh viên đại học năm 3, chuyên ngành nghệ thuật biểu diễn. 

    Khi tôi 6 tuổi, "chị gái" tôi, Jora, đến trường đón và bảo rằng chúng tôi sẽ chạy trốn. Đó là người gần gũi với tôi nhất trong gia đình nên tôi chẳng hỏi gì thêm mà chỉ đi theo. Tôi đã rất nhớ nhà nhưng tôi cũng tin tưởng Jora tới nỗi biết rằng những điều chị ấy làm là tốt nhất cho mình. 

    Cho đến khi tôi 12 tuổi, Jora vẫn luôn là chị gái của tôi. Khi phát hiện ra sự thật, tôi đã vô cùng hoang mang. Mọi thứ quá đột ngột. Hóa ra anh và chị lại là dì và cậu, còn mẹ lại thành bà ngoại tôi.

    Ban đầu, mẹ không nói đích xác với tôi rằng bà từng bị cưỡng hiếp. Tôi hiểu có thai chắc chắn không phải là lựa chọn của một đứa trẻ 11 tuổi. Tôi không bao giờ muốn biết về bố mình. Ông ta không xứng đáng được biết tới.

    Tôi biết ơn mẹ vì đã đợi tới khi tôi 12 tuổi để nói sự thật này bởi tôi không nghĩ mình sẽ sẵn sàng lắng nghe và hiểu được ở thời điểm sớm hơn. Sau đó, tôi và mẹ vẫn hay cãi nhau khi tôi vào tuổi teen, có lúc tôi còn oán giận mẹ. Nhưng tôi cũng hiểu mẹ đã quyết định mọi điều tốt nhất cho tôi.

    Tôi tốt nghiệp trung học cùng thời điểm mẹ học xong trường luật và chúng tôi đã có một bữa tiệc lớn với tất cả bạn bè. 

    Bây giờ, khi hai mẹ con tôi đi với nhau, các chàng trai thường tìm tới và câu đầu tiên họ hỏi là: "Đây là chị gái của em à?". Trước đây, chúng tôi cố gắng giải thích nhưng mất rất nhiều thời gian và về sau, rút kinh nghiệm, khi có ai đó đến và hỏi "Hai người là chị em sinh đôi à", chúng tôi nói "Đúng rồi. Sao anh biết? Anh thật thông minh". Nhưng tôi ghét cả hai cách đó bởi vì tôi tự hào về mẹ mình. Tôi muốn mọi người biết điều đó. 

    Ai cũng muốn mình được tạo thành từ sự mong muốn của hai người yêu nhau sâu sắc nhưng thực tế của mình không làm tôi thấy phiền muộn. Suốt những ngày đen tối nhất, có lúc tôi nghĩ bản thân như một lỗi lầm bởi vì những điều đã xảy ra với mẹ thật kinh khủng. Nhưng mẹ luôn bảo với tôi rằng trải nghiệm đó thực sự tích cực vì mẹ có tôi.

    Qua tình yêu và công việc vất vả, chúng tôi đã cùng nhau biến những thứ xấu xí thành điều tuyệt diệu. Chúng tôi có tình bạn thực sự, chứ không chỉ là mối quan hệ của một người chăm sóc với người được chăm sóc. Mẹ là người mạnh mẽ nhất tôi biết. Tôi không biết sức mạnh của mẹ bắt đầu từ đâu nhưng tôi biết sức mạnh của tôi bắt nguồn từ mẹ.

    Theo VnExpress

  • Kiến trúc sư Tống Trần Đức Tuấn cùng cộng sự vượt qua hơn 80 đối thủ, giành giải nhất cuộc thi Kiến trúc – Thiết kế quy hoạch đô thị của thành phố Stuttgart.

    "Tôi bất ngờ vì có thể vượt qua không ít tên tuổi lớn trong ngành kiến trúc tại Đức", kiến trúc sư Tống Trần Đức Tuấn chia sẻ.

    Kiến trúc sư Tống Trần Đức Tuấn trong buổi trao giải ngày 12/12 ở Đức. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

    Sinh năm 1981 tại Hà Nội, Tống Trần Đức Tuấn có hai năm học kiến trúc ở quê nhà trước khi sang Đức năm 2001. Anh tốt nghiệp Khoa Kiến trúc và Quy hoạch đô thị trường TU Darmstadt, trở thành thành viên của Hội Kiến trúc sư Bang Hessen và đạt nhiều giải thưởng như giải nhì cuộc thi Thiết kế đô thị và Nhà ở dành cho kiến trúc sư tại châu Âu – Europan 12, giải nhất cuộc thi Kiến trúc Tòa tháp Trụ sở Bilfinger, Mannheim. Năm 2015, anh về nước và mở công ty riêng.

    Cuộc thi Kiến trúc – Thiết kế quy hoạch đô thị của thành phố Stuttgart, từ tháng 2/2019, kêu gọi các kiến trúc sư khắp thế giới tham gia, cải tạo trụ sở làm việc và công xưởng cũ của Tập đoàn Năng lượng EnBW tại quận Stöckach thành các dự án bất động sản có giá trị với cộng đồng. 

    Các công trình ở khu vực này đã hơn 70 tuổi, tổng diện tích 4,25 ha, bao gồm các nhà xưởng, sân thi đấu nội bộ, các khu văn phòng, không gian nhà kho và một số công trình hạ tầng.

    Khu vực cần cải tạo (màu cam). Ảnh: EnBW.

    Để chuẩn bị cho cuộc thi, anh Tuấn cùng cộng sự hợp tác với văn phòng Kiến trúc cảnh quan Hannes Hoer ở Đức. "Mọi công đoạn đều được thực hiện ở Hà Nội nên chúng tôi phải vượt qua mọi khó khăn, từ chuyện lệch múi giờ cho đến khác biệt văn hóa", anh Tuấn nói.

    Sau 6 tháng, họ đưa ra đồ án chuyển đổi khu vực thương mại thành khu đô thị chất lượng cao. Tổng diện tích xây dựng gần 100.000 m2, trong đó có 800 căn hộ, 20.000 m2 cho thương mại, còn lại là không gian cộng đồng và cây xanh. Đồ án cũng mở ra nhiều đường đi bộ, kết nối với các khu vực lân cận.

    Đặc biệt, những công trình còn sử dụng được, có giá trị kiến trúc không bị dỡ bỏ mà được bảo tồn và chuyển đổi chức năng. "Mục tiêu của dự án là kết hợp không gian mới và cũ để tạo ra cấu trúc đô thị đương đại mà vẫn giữ được bản sắc", anh Tuấn lý giải.

    Đồ án của kiến trúc sư Tuấn và cộng sự. Quảng trường lớn ở giữa khu vực kết nối cả không gian lẫn con người. Ảnh: tong + / EnBW.

    Tháng 12/2019, sau hai vòng thi, đồ án của kiến trúc sư Tuấn cùng cộng sự vượt qua 83 đối thủ, giành giải Nhất cuộc thi. "Đó là thiết kế hoàn hảo", ông Frank Heberger, đại diện EnBW đánh giá. Giáo sư Markus Allmann, chủ tịch hội đồng giám khảo cuộc thi thì nhận định kiến trúc sư Tuấn đã đưa ra "đề xuất quy hoạch kiến trúc thuyết phục, có thể đóng góp cho sự phát triển tích cực của quận Stöckach".

    Thời gian tới, kiến trúc sư Tuấn sẽ hoàn thiện thiết kế và cùng chủ đầu tư lên kế hoạch thực hiện dự án. Quá trình thi công dự kiến bắt đầu vào năm 2022, kéo dài 3-7 năm với khoản đầu tư 200 triệu euro.

    Theo VnExpress

  • Ngày rời Việt Nam theo chồng sang Anh, Ngân chỉ có nỗi lo "sang đó làm gì để ăn", không ngờ 15 năm sau thành chủ của 4 công ty.

    Thị trấn cổ Aylesbury, Buckinghamshire, đông nam nước Anh, nổi tiếng với những quán rượu cổ, ở đây cũng là trụ sở chính của một thương hiệu trang sức không mấy xa lạ với người dân nơi này. Ít ai biết, người gây dựng nên thương hiệu đó là một phụ nữ Việt tên Vũ Hải Ngân, 40 tuổi.

    "Chính tôi có lúc cũng thấy khó tin mình của ngày hôm nay", Hải Ngân nói.

    20 năm trước, Ngân là giáo viên tiểu học ở Lao Chải, Sapa, Lào Cai, một chữ tiếng Anh cũng không biết. Trưa tháng 11/1999, bữa cơm đơn giản của hai cô giáo trẻ thêm rôm rả khi có đoàn khách nước ngoài ghé thăm. Sau giờ cơm, người dẫn đoàn xin địa chỉ của Ngân cho vị khách tên Jeremy Knight. Ngân cho mà không nghĩ ngợi, bởi trường ở gần khu vực bãi đá cổ, từng đón không ít các đoàn khách nước ngoài.

    vu hai ngan cong ty anh 1
    Hải Ngân cùng các học trò tại trường tiểu học Lao Chải, Sapa năm 2002. Ảnh: V.N.

    Không ngờ 3 tuần sau Ngân nhận được một bức thư và tấm thiệp mừng Giáng sinh của Jeremy, một người kinh doanh online. Trong thư anh nói muốn được làm bạn cùng cô. Ngân trả lời lại bằng 4 trang giấy, lòng muốn thử anh có thể dịch hết bức thư không. Tết năm đó cô nhận lại thư trả lời của Jeremy. Hóa ra, anh nhờ người bạn ở TP HCM dịch giúp để hiểu những gì cô nói, đồng thời nhờ bạn dịch thư của mình ra tiếng Việt, rồi mới gửi lại cô.

    Từ bấy, đều đặn khoảng 6 tuần, Ngân nhận một bức thư của Jeremy theo cách này. Những câu chữ kết nối hai con người xa lạ, tình cảm cũng dần nảy nở. Tại nước Anh xa xôi, Jeremy hay nhớ về Hải Ngân ngày đầu gặp trong chiếc áo len thùng thình, kín mít và nói rất nhiều.

    Mỗi năm, anh qua thăm cô một lần. Năm 2003, cảm thấy tình yêu chín muồi, Ngân quyết định sang thăm quê bạn trai. Thời đó đi nước ngoài là việc rất xa lạ với cô giáo vùng sâu như Ngân. Cô mua vé máy bay khứ hồi để nhỡ "không có người đón, ít nhất còn có đường về". Cô cũng mua hai chiếc nhẫn vàng đeo lên tay phòng thân, "nhỡ có gì xảy ra còn bán lấy tiền tiêu tạm". Vật bất ly thân của cô là cuốn từ điển to đùng.

    "Không ai biết tôi đi, ngoài mẹ. Nhưng bà vốn tin tưởng tôi cá tính, tự lập từ bé nên ủng hộ", Ngân nói.

    Mọi lo lắng của cô tan biến khi đặt chân xuống sân bay đã nhìn thấy bóng hình thân thuộc của Jeremy. Trong 3 tuần ở đây, cô được bạn trai đưa đi khám phá nước Anh trong khí hậu tháng 7 nắng nhẹ, gió hiu hiu.

    Sau chuyến thăm, Jeremy được Ngân đưa về quê Thái Bình ra mắt. Họ tổ chức lễ cưới vào những ngày đầu xuân 2004. "Ngày vui, gia đình và họ hàng của tôi đùa chú rể đã lấy được 'viên ngọc quý'. Anh ấy đáp sẽ 'trả lại cả một kho báu'", Ngân cười kể.

    Chọn tình yêu, bắt đầu cuộc sống mới, Vũ Hải Ngân biết mình sẽ đối mặt với muôn vàn khó khăn. Song điều cô trăn trở nhất là sẽ làm gì lúc sang Anh. "Ngân có cá tính quyết liệt. Tôi bảo mình đủ sức nuôi vợ nhưng cô ấy không chấp nhận, cũng không muốn nhận trợ cấp xã hội. Sang đây 3 ngày, cô ấy đã bắt tôi chở đi tìm việc", anh Jeremy nói.

    Cô xin vào một tiệm cắt tóc, làm gội đầu, dọn tóc, lau gương. "Phải làm công việc này thực sự là một cực hình về tinh thần, đáng xấu hổ với tôi, nhưng tôi chấp nhận để có thể học tiếng nhanh nhất. Đỉnh điểm là hôm anh quản lý nhờ giữ tóc cho anh ấy cắt. Tôi phải đối diện bản thân qua bốn bức tường gương, máu nóng trong người như muốn bùng lên".

    Ngân chạy đi tìm bà chủ, xin nghỉ việc ngay lập tức. Về tới nhà nhìn thấy chồng, cô òa khóc. "Tôi sốc vì cô ấy phản ứng mạnh như vậy", Jeremy nói.

    vu hai ngan cong ty anh 1
    Từ cô giáo vùng cao không biết tiếng Anh, Hải Ngân trở thành doanh nhân ở Anh, với hai công ty riêng, đồng đứng tên làm chủ 2 công ty khác với chồng. Ảnh: V.N.

    Ngân quyết tâm học tiếng Anh và sẽ không đi làm thuê. Jeremy gợi ý vợ đi chợ đồ cũ, mua đồ về tập bán trên các kênh trực tuyến. Anh cũng thấy rằng, muốn làm được việc, tiếng Anh là chìa khoá. Vì thế Jeremy đã nhờ vợ trợ giúp mình kinh doanh, giao cho cô việc trả lời điện thoại của khách.

    "Hồi đầu điện thoại reo, tôi nghe không hiểu gì, tim run cầm cập, hoặc trả lời 'Xin lỗi, nhầm số', rồi vội cúp", Ngân kể. Dần dần cô mới vượt qua tự ti và hiểu được điều khách muốn nói.

    Song song cô tới học tiếng ở trung tâm, bật đài, tivi bất cứ lúc nào ở nhà. "Để tiếp cận mẹ chồng, tôi mất hơn một năm xem phim cùng bà mỗi tối sau giờ cơm, vừa để học tiếng, hiểu văn hóa và hiểu mẹ, đồng thời cũng bộc lộ quan điểm sống của mình với bà qua việc nhận xét các thước phim", Ngân cho hay.

    Lòng luôn nghĩ "Đói thì đầu gối phải bò", Ngân đi bán tour du lịch một thời gian, sau đó chuyển qua bán đĩa DVD sức khoẻ. Công việc này thời gian đó đang là xu hướng, giúp Ngân tạo lập được nền tảng kinh tế cho sự nghiệp kinh doanh sau này.

    Năm 2013, tình cờ cô nghe được một bản tin nói phụ nữ Anh trung bình mua 10-12 món trang sức mỗi năm. Một ý tưởng xoẹt qua đầu. Cô tìm hiểu về ngành trang sức, ra chợ mua hạt về xâu, rồi đăng hình lên mạng. Vốn sinh ra ở nơi nổi tiếng về thủ công mỹ nghệ thuộc Thái Bình, nên Ngân không mất quá nhiều thời gian khi chuyển sang lĩnh vực trang sức.

    Đến nay, với 12 nhà xưởng ở nhiều nước trên thế giới, đồ trang sức của Ngân đang được bán qua kênh Amazon ở Anh, Italy, Pháp, Đức, Tây Ban Nha, Mỹ và Australia. Ngoài ra cô còn bán hàng trên web công ty và các cửa hàng ở Anh. Riêng công ty trang sức này cho thu nhập 60-80 tỷ đồng mỗi năm.

    vu hai ngan cong ty anh 1
    Vợ chồng chị Hải Ngân và hai con một buổi tối tháng 11/2019, tại Aylesbury, Buckinghamshire, Anh. Ảnh: V.N.

    Ngoài về trang sức, Ngân còn cùng chồng làm về lĩnh vực đồ giảm cân, hàng trẻ em và một công ty chuyên cung cấp nhãn mác cho các siêu thị.

    Tuy có 4 công ty, song Ngân thấy việc quản lý không quá áp lực do vợ chồng cô thuê người làm từ vận chuyển, chụp ảnh, marketing... Hàng không quản lý tại kho nhà mà gửi thẳng lên Amazon và một số công ty thứ 3 giữ hộ.

    "Các khó của kinh doanh online là sự thay đổi chóng mặt của công nghệ vi tính, hình thức tìm kiếm, hình thức hiển thị hàng trên các trang mạng và kịp thời nắm bắt thay đổi chính trị", Ngân bộc bạch. Trong những năm qua cô tham gia nhiều khóa học về ngôn ngữ web, cách bán hàng qua mạng, marketing.

    Nhưng với Ngân cái khó nhất là cân đối thời gian giữa gia đình và công việc. Sinh hai con và nuôi lớn trên đất nước không có người thân, cô phải hoàn toàn xoay xở. Giai đoạn khó khăn nhất đã đi qua. Giờ hai con của Ngân đã học cấp 1, cấp 2. Sự nghiệp của cô đang tiến triển tốt.

    15 năm đưa cô giáo vùng cao khỏi Việt Nam và hứa "sẽ trả lại kho báu", gần đây Jeremy cùng Ngân quay lại quê hương, mở 3 nhà xưởng làm trang sức ở đây, tạo việc làm cho hàng chục người. Từ nơi đây, trang sức của người dân quê lúa đi đến khách hàng 3 châu lục.

    Theo VnExpress

  • Karen Huỳnh, một cô gái gốc Việt ở thung lũng Miami (bang Ohio, Mỹ) đã quyết định thuê những biển hiệu quảng cáo cỡ lớn để kêu gọi người hiến tạng giúp cha mình vượt qua bệnh hiểm nghèo.

    Ông Thanh Huỳnh, cha cô Karen đang phải chống chọi với bệnh hiểm nghèo. Ảnh: từ video clip của Dayton Daily News

    Theo tờ Dayton Daily News, ông Thanh Huỳnh sa sút nghiêm trọng sau một cơn bệnh tim và tiểu đường tuýp 2, với chức năng thận chỉ còn 8%. Chứng kiến sự sa sút về bệnh tật của cha, Karen đã thuê 8 tấm biển quảng cáo ngoài trời (billboard) gửi đi thông điệp tìm người hiến thận cho cha mình.Cô hi vọng, thông tin này sẽ đến được với những Mạnh Thường Quân hào hiệp, sẵn sàng giúp đỡ.

    Điều tuyệt vời là Karen đã không phải đi một mình trên hành trình cứu cha của mình. Cảm động trước tấm lòng của cô gái Việt, hai công ty quảng cáo đã đồng ý tài trợ miễn phí cho gia đình cô, đó là công ty Lamar và Key-Ads. Những tấm biển quảng cáo kỹ thuật số đã được dựng lên ở nhiều con phố lớn tại Miami Valley, và sẽ được giữ nguyên cho tới khi gia đình tìm được người hiến thận phù hợp.

    Đây là một sự hỗ trợ hết sức đắc lực đến với Karen Huỳnh, bởi thông thường, người ta phải chi trả khoảng 9.000 USD (hơn 200 triệu đồng) để duy trì các bảng quảng cáo trong 4 tuần. Theo ông Tanner Hohenbrink, đại diện công ty Lamar, hành động của hãng hướng tới mục tiêu giúp đỡ cộng đồng. Trong khi đó, ông Stephen Keys, phó chủ tịch Key-Ads cũng chia sẻ quan điểm tương tự, cũng như gửi những lời chúc tốt đẹp nhất tới gia đình Karen Huỳnh.

    Thời gian trung bình đợi ghép thận cho một bệnh nhân là 3-4 năm, và cô gái gốc Việt hiếu thảo cho biết, cô không quản ngại bất cứ việc gì để có thể giúp đỡ cha mình, người đã làm việc chăm chỉ để nuôi hai chị em cô trưởng thành.

    Karen Huynh cho biết kể từ khi các bảng quảng cáo được đăng, đã có 13 người gọi điện ngỏ lời hiến thận. Hiện tại, bang Ohio và Trung tâm Y khoa của Đại học Cincinnati đang trong quá trình nghiên cứu để tìm người hiến có tạng phù hợp với bệnh nhân Thanh Huỳnh.

    Theo Thời Đại

  • Johnny Dang có lẽ không còn là cái tên xa lạ với làng hip hop Mỹ khi nhiều nghệ sĩ tiếng tăm tại đây ưa chuộng các trang sức, phụ kiện do người thợ kim hoàn này chế tác.

    Theo NBC News, Johnny Dang sinh ra và lớn lên tại Đắk Lắk. Trước khi sang Mỹ, ông đã theo học nghề làm trang sức. Trong hơn 20 năm hành nghề, thợ kim hoàn gốc Việt này đã chế tạo và bán vô số sản phẩm như nhẫn, đồng hồ, hay dây chuyền… cho những ngôi sao có tên tuổi. Ảnh: Houston Chronicle.

    Những khách hàng danh tiếng của Johnny Dang có thể kể đến rapper Kanye West, rapper Lil Wayne, hay “nữ hoàng nhạc R&B” Beyonce. Ông cũng từng xuất hiện trong MV của rapper Nelly hay DJ Khaled. Ảnh: Houston Chronicle.

    “Tôi chưa bao giờ biết về hip hop cho tới khi đặt chân đến Houston (Texas, Mỹ) và không nghĩ nó có thể phát triển mạnh như vậy. Tất cả những gì tôi biết là hip hop sẽ đem lại một cơ hội kinh doanh lớn”, Johnny Dang trả lời phỏng vấn với NBC News vào năm 2017. Ảnh: Houston Chronicle.

    Ban đầu, ông làm thợ sửa chữa trang sức tại một chợ trời với thu nhập khoảng 100 USD/tháng. Đến năm 1998, ông có cửa hiệu riêng mang tên TV Jewelry. Ảnh: Hypebeast. 

    Năm 2002, Johnny Dang hợp tác với rapper Paul Wall (phải) để chế tạo nên những chiếc bọc răng (grill) thường được làm bằng vàng và nạm kim cương. Phụ kiện kỳ lạ này nhanh chóng trở thành xu hướng thời trang trên toàn nước Mỹ. Với các mối quan hệ trong làng nhạc hip hop, Paul Wall đã giúp công việc kinh doanh của 2 người “thuận buồm xuôi gió”. Ảnh: Houston Chronicle.

    Họ đã bán một chiếc bọc răng cho rapper Lil Jon (ảnh) với giá 60.000 USD. Sau đó, họ tiếp tục bán cho một số cái tên đình đám như nữ ca sĩ Katy Perry, siêu sao bóng rổ LeBron James, hay kình ngư Ryan Lochte. Ảnh: AP.

    Dường như trong trào lưu hip hop, các nghệ sĩ thường phô trương trang sức, phụ kiện đắt tiền. Thậm chí, họ sẵn sàng trả giá rất cao để có được những sản phẩm được cá nhân hóa, mang màu sắc riêng. Ảnh: NME.

    Trên thực tế, việc chế tạo trang sức dành riêng cho các rapper đã được khởi xướng bởi thợ kim hoàn Jacob Arabo đến từ New York vào những năm 1990. Ảnh: Houston Chronicle.

    Theo nhật báo Houston Chronicle, hiện nay doanh nghiệp của Johnny Dang có hơn 50 nhân viên chuyên xử lý các đơn hàng, giúp ông nhanh chóng hoàn thiện sản phẩm. Ảnh: Houston Chronicle.

    Ông chia sẻ với Houston Chronicle rằng các ngôi sao âm nhạc thường yêu chuộng những chiếc bọc răng để đóng MV hay đi lưu diễn. Thậm chí có lần ông đã hoàn thành đơn hàng của Beyonce chỉ qua một đêm. Ảnh: Houston Chronicle. 

    Các chiếc bọc răng mà Johnny Dang bán có giá từ 300 USD đến 200.000 USD, với sản phẩm đắt nhất được chế tác từ các viên kim cương chất lượng cao. Ảnh: PaperCity.

    Bên cạnh bọc răng, các trang sức khác của ông cũng được nhiều rapper ưa thích. Nữ rapper Cardi B (ảnh) đã mua một vòng cổ tại cửa hàng của Johnny Dang để tặng cho con gái mình vào tháng 3/2019. Ảnh: Reuters.

    Theo Zing

  • Ngày 1 tháng Bảy vừa qua, trường Đại Học Cộng Đồng Foothill tại Bắc California chính thức có hiệu trưởng mới người Mỹ gốc Việt, cô Nguyễn Thị Thúy.

    Đại học Foothill là một trường lớn với hơn 13.000 sinh viên, 300 nhân viên và giảng viên. Tỷ lệ sinh viên Mỹ gốc Việt khoảng 5%. Cô Nguyễn Thị Thúy đã vượt qua cuộc tuyển chọn kéo dài một năm giữa 4 ứng viên nặng ký, để được chọn, nhất định cô phải trội hơn những người da trắng.

    Năm nay 41 tuổi, cô Nguyễn Thị Thúy đến Mỹ từ lúc lên 3, sau một chuyến vượt biển cùng gia đình năm 1978.

    Năm 14 tuổi, cô là học sinh xuất sắc của trung học Castlemont của thành phố Oakland. Tốt nghiệp thủ khoa trung học Castlemont High, Nguyễn Thị Thúy vào đại học Yale chuyên ngành triết học, tiếp đến là văn bằng Luật tại UCLA ở California. Cô đã dạy Luật tại đại học CSU East Bay trong nhiều năm.

    Điều thú vị là năm 2000 khi còn là sinh viên Luật khoa, cô Nguyễn Thị Thúy từng là đồng tác giả quyển sách Anh ngữ “25 Vietnamese Americans in 25 Years”, “25 Chân Dung Mỹ Gốc Việt Trong 25 Năm”. Đây là một trong những quyền sách đầu tiên nói về sự thành công của người Việt ở Hoa Kỳ.


    Hiệu trưởng Nguyễn Thị Thúy

    Cô cũng là người nói tiếng Việt lưu loát không thua tiếng Anh là ngôn ngữ cô học cũng như giao tiếp hàng ngày. Đến Mỹ lúc 3 tuổi nhưng Thúy nói tiếng Việt trôi chảy, cô giải thích:

    "Phạm Quỳnh từng nói Tiếng Việt còn thì nước còn, tiếng Việt mất thì nước mất, cái mất đó không sao vãn hồi được”. Bố mẹ tôi rất chú trọng việc cho chúng tôi nói tiếng Việt, cho đi học trường Việt ngữ. Tôi cũng thích nghe nhạc Việt, nhạc Việt rất sâu sắc, rất tình cảm. Tôi cứ chạy nhạc rồi viết chữ xuống, coi như tập chính tả luôn. Đó là lý do tại sao hôm nay tôi có thể nói tiếng Việt với cộng đồng Việt Nam. Biết thêm một ngôn ngữ, đặc biệt ngôn ngữ gốc của mình, sẽ tạo cho mình cơ hội tiến thân.

    Lương hiệu trưởng của cô trong năm nay là 192.262 USD.


    Trường Foothill College

    Cô Nguyễn Thị Thúy có gia đình và hai con. Chồng cô, anh Thắng Nguyễn Barrett từng là Chánh án Tòa thượng thẩm gốc Việt đầu tiên vào năm 1997.

    Chúc mừng Luật sư Nguyễn Thị Thúy, người Mỹ gốc Việt được chọn vào chức vụ hiệu trưởng của một trường đại học trên nước Mỹ.

    Nguồn: Luong Nguyen

  • Gia đình của Vy Trần chỉ biết con gái là người thiết kế kiêm sản xuất áo khoác chống đạn đầu tiên trên thế giới sau khi đọc báo. 

    "Tôi là người rất kín kẽ khi thực hiện các dự án. Chỉ vài người biết tôi đang làm gì", Vy Trần, 25 tuổi, chia sẻ khi được hỏi về công ty sản xuất áo chống đạn Wonder Hoodie do cô sáng lập. "Mẹ tôi chỉ biết dự án của tôi thành công và đã bán được rất nhiều áo khi người thân ở Việt Nam đọc bài viết về tôi trên VnExpress", cô cười.

    Vy Trần mặc mẫu áo khoác jeans chống đạn do cô thiết kế. Ảnh: NBC Bay Area

    Vy Trần tháng trước gây chú ý trên truyền thông Mỹ khi là người thiết kế và sản xuất bộ áo khoác chống đạn đầu tiên trên thế giới. Bộ sản phẩm được cơ quan chức năng Mỹ xếp hạng ở mức bảo vệ cao nhất đối với áo chống đạn hạng nhẹ, có khả năng bảo vệ người mặc trước nhiều loại đạn. 

    Việc Vy, một cô gái không có chuyên môn về đạn đạo và vật liệu, bước chân vào ngành sản xuất áo chống đạn, vốn không phải là mặt hàng phổ biến trong đời thường, gây bất ngờ cho mẹ cô. Bà là tấm gương trong cuộc sống của chị em Vy và cũng chính là động lực khiến cô quyết tâm biến ý tưởng thiết kế áo chống đạn thành hiện thực.

    Mẫu áo khoác nỉ chống đạn của Wonder Hoodie có cả thiết kế dành cho trẻ em. Ảnh: Wonder Hoodie

    Vy sinh ra ở Sài Gòn và cùng gia đình sang Mỹ định cư khi 8 tuổi. Vài năm sau đó, cha cô, một kế toán, qua đời, để lại vợ và hai con thơ. Dù phải làm việc 13 giờ một ngày để kiếm tiền, mẹ vẫn chăm chút từng bữa ăn và đưa hai chị em Vy đến trường.

    "Mẹ tôi là người mẹ tuyệt vời nhất. Bà ấy rất mạnh mẽ và dạy chúng tôi phải chăm chỉ làm việc", Vy kể. "Bà ấy chưa bao giờ để chúng tôi cảm thấy mình thiếu thốn và luôn động viên chúng tôi nỗ lực hết sức".

    Không phụ lòng mẹ, Vy đỗ vào chuyên ngành Sức khỏe và An toàn, Đa dạng xã hội và Doanh nghiệp của trường đại học Washington với học bổng lên tới nửa triệu đô. Sau khi tốt nghiệp, cô làm việc cho nhiều tập đoàn lớn của Mỹ như Google và Amgen trên vai trò quản lý sức khỏe và an toàn. 

    Năm 2016, một người hàng xóm của Vy thiệt mạng vì bị cướp tấn công. Người phụ nữ bị bắn 8 phát vào ngực và tử vong ngay trước nhà Vy khiến mọi người, trong đó có cô, bàng hoàng. Lo lắng cho mẹ và em trai mình vì thường xuyên đi lại ở tuyến đường trên, Vy tìm mua áo chống đạn nhưng cô thất vọng khi có rất ít lựa chọn trên thị trường và hầu hết có giá rất đắt đỏ, thậm chí tới hàng nghìn đôla. Điều này khiến Vy tự hỏi tại sao không tự mình sản xuất ra áo chống đạn cho người thân. 

    Cô bắt đầu một mình mày mò chế tạo áo chống đạn dựa trên kiến thức về an toàn, quy trình sản xuất sản phẩm và kho dữ liệu sẵn có về áo chống đạn tại Mỹ. Vy mất hai tháng để nghiên cứu kết cấu, chất liệu, mẫu mã, sau đó nộp bản thiết kế lên Viện Tư pháp Quốc gia Mỹ (NIJ). 

    Vy Trần cẩn thận từng đường kim mũi chỉ. Ảnh: NBC Bay Area

    Bộ sản phẩm chống đạn của Vy gồm áo khoác nỉ có mũ, áo khoác jean, áo vest không tay và tấm lót chống đạn, được thiết kế cho cả phụ nữ và trẻ em. Chúng có nhiều điểm ưu việt so với áo chống đạn truyền thống như lớp chống đạn dày 3 inch (7,6 cm), được làm từ sợi Kevlar XP với đặc tính nhẹ và có độ bền trên 2 năm, gắn vào phần áo khoác bằng khóa dán nên dễ dàng tháo rời để thay đổi hay giặt giũ. Mẫu áo khoác nỉ có thêm phần mũ bảo vệ phía sau và hai bên đầu, có thể kéo lên khi cần và tháo xuống khi không dùng tới.

    "Ngành công nghiệp của tôi rất nghiêm ngặt. Tôi phải thử nghiệm sản phẩm tại một trong 4 phòng thí nghiệm đạn đạo được công nhận tại Mỹ", Vy cho biết.

    Tất cả thiết kế của Vy đều đạt tiêu chuẩn của NIJ bảo vệ người dùng trước dao và các loại đạn 357 Magnum, 44 Magnum, 9mm, .45, tương tự mẫu áo thường được cảnh sát Mỹ sử dụng.

    Sản phẩm áo khoác nỉ chống đạn dành cho người lớn của Wonder Hoodie. 

    Năm 2018, Vy cùng một nhóm kỹ sư và thợ may thành lập công ty Wonder Hoodie có trụ sở tại Vịnh San Francisco và bắt đầu sản xuất sản phẩm tại một nhà máy ở Los Angeles. Để đảm bảo mọi người, ở mọi lứa tuổi, có thể sử dụng áo chống đạn, các sản phẩm của Wonder Hoodie có giá thành chỉ dưới 600 USD. Mẫu áo nỉ chống đạn cho người lớn, cũng là sản phẩm bán chạy nhất của Wonder Hoodie, có giá cao nhất là 595 USD, trong khi mẫu áo dành cho trẻ em có giá 450 USD. Các loại áo đều được thiết kế trẻ trung, phù hợp với mọi hoạt động thường ngày, chắc chắn nhưng vẫn thoải mái cho người mặc kể cả khi di chuyển. 

    Đặc biệt, Wonder Hoodie áp dụng chế độ bảo hành trọn đời. Nếu khách hàng bị trúng đạn khi đang mặc các sản phẩm của công ty, họ sẽ được cung cấp một áo khoác miễn phí để thay thế. 

    Hiện khách hàng của Vy chủ yếu là những người cảm thấy lo ngại về an toàn cá nhân thường ngày và những người yêu thích các thiết bị tác chiến. Cô đặt mục tiêu trong tương lai là cung cấp áo chống đạn cho các sở cảnh sát và học khu trên toàn Mỹ.

    Phóng sự về quá trình chế tạo áo hoodie chống đạn của Vy Trần.

    "Gần đây, các vụ xả súng thường xuyên xảy ra tại các trường học ở Mỹ. Tôi tin sản phẩm sẽ giúp các học sinh và giáo viên an tâm hơn", Vy nói và cho biết thêm rằng cứ 10 sản phẩm được bán ra, Wonder Hoodie sẽ tặng một áo cho các giáo viên trường công. "Mọi người đều xứng đáng được an toàn khi đi lại trong cộng đồng của họ. Chúng tôi bắt đầu chương trình này với các giáo viên trường công, những người mà công việc của họ tác động tới rất nhiều sinh mạng".

    Vy cũng tham vọng mở rộng kinh doanh ra quốc tế và đã nhận được nhiều yêu cầu đặt hàng từ các nước xảy ra chiến tranh nhưng chưa có điều kiện để cung cấp sản phẩm đến họ.

    "Một ngày nào đó, tôi hy vọng sẽ thực hiện được điều này và trở thành thương hiệu áo chống đạn số 1 thế giới", cô nói.

    Vy nhấn mạnh rằng dù là người bán hàng, cô thực sự không muốn ai, kể cả mẹ và em trai, phải cần đến các sản phẩm chống đạn của mình.

    "Tuy nhiên, nếu họ giống tôi trước đây, lo lắng cho gia đình mình và không có nhiều lựa chọn ở ngoài kia, tôi muốn họ biết rằng tôi đã tạo ra một thứ ưu việt cho họ với mức giá phải chăng. Tôi muốn họ biết rằng họ không đơn độc", Vy nói. 

    Viethome (theo VnExpress)

  • Jinny Liên Ngô đã quyết định chọn cho mình một hướng đi mới với nhiều thử thách hơn trên đất nước Nga, thay vì cuộc sống ổn định của con gái một nhà ngoại giao.  

    Jinny Liên Ngô (Ảnh: RBTH)

    Jinny Liên Ngô đã dành một nửa khoảng thời gian của mình sống ở nước ngoài. Năm ngoái, cô tới Nga và tìm cho mình một hướng đi mới.

    Lẽ ra, cô gái Hà Nội 29 tuổi có thể lựa chọn cho mình cuộc sống ổn định với xuất thân là con gái của một nhà ngoại giao. Tuy nhiên, Jinny Liên Ngô đã quyết định bắt đầu gây dựng quán cà phê mang dấu ấn riêng của mình tại đất nước Nga xa xôi.

    Trong một chuỗi bài viết về những người nước ngoài sinh sống và làm việc tại Nga, tạp chí Russia Beyond (Nga) đã dành một trang để đăng tải câu chuyện của Jinny Liên Ngô cũng như hành trình của cô gái trẻ trên đất Nga.

    Dưới đây là phần dịch bài viết trên Russia Beyond với tựa đề “Người Nga yêu Phở bò”: Chủ quán cà phê Việt Nam kể lại câu chuyện của mình.

    Mọi chuyện bắt đầu từ bố mẹ tôi, những người theo học tại Đại học Quốc gia Moscow khi còn trẻ. Bố tôi học ngành luật còn mẹ tôi học ngành ngôn ngữ.

    Tôi lớn lên, được nghe những câu chuyện của bố mẹ về nước Nga, về nước Nga rộng lớn và xinh đẹp như thế nào, về con người Nga tốt bụng ra sao. Thậm chí một phần trong tên của tôi, Jinny Liên Ngô, cũng có nghĩa là “Nga”: Đó là chữ Liên trong từ Liên Xô.

    Năm 2018, bố tôi trở thành Đại sứ Việt Nam tại Nga, vì vậy tôi đi cùng bố tới Nga. Trước đó, tôi theo học ngành kinh tế tại Trường Đại học London (UCL), tốt nghiệp năm 2011 và bắt đầu đi làm. Ban đầu tôi làm việc cho một hãng đầu tư tại London, sau đó tôi chuyển tới Tây Phi để bắt đầu công việc kinh doanh riêng của mình là xuất khẩu gỗ và hạt điều về Việt Nam.

    Những vị khách nước ngoài tới quán cà phê bán đồ ăn Việt Nam (Ảnh: RBTH)

    Khi tôi tới Nga, đồ ăn Việt Nam đã phổ biến, nhưng các nhà hàng khá giống nhau và chủ yếu phục vụ các món ăn tương tự nhau. Chúng tôi muốn làm cái gì độc đáo và thủ công. Vì vậy chúng tôi bắt đầu mở một quán cà phê nhỏ có tên “Em Oi”.

    Chúng tôi phục vụ phở bò, tom yum và xoài lắc. Ngoài ra, quán cũng có phở bò xào, thịt nướng, cơm vịt nướng và tôm chua ngọt.

    Tôi mở quán nhưng không nói với bố mẹ tôi. Chúng tôi mới mở quán vào tháng 1 năm nay. Khó khăn lớn nhất của chúng tôi là giữ chân khách hàng.

    Trong hai tuần đầu tiên, chúng tôi đón rất nhiều người Nga tới quán. Nhưng vì đồ ăn của chúng tôi ban đầu không ngon nên họ chỉ đến một lần và không quay lại.

    Một số món ăn trong thực đơn của quán "Em Oi" tại Nga. (Ảnh: RBTH)

    Chỉ mới hai tháng trước đây, khi chúng tôi gặp được bếp trưởng hiện tại, mọi thứ bắt đầu khởi sắc. Bây giờ mọi người thường kể cho bạn bè về quán của chúng tôi và chúng tôi đón 60-70 khách vào mỗi ngày bình thường. Phần lớn trong số họ là các sinh viên nước ngoài từ châu Á.

    Khoản đầu tư ban đầu để mở một quán cà phê nhỏ tại Nga khoảng 20.000-30.000 USD. Vấn đề duy nhất là tiền thuê nhà với mức giá khá cao. Một người có thể phải trả từ 5.000 rúp (76 USD) tới 14.000 rúp (214 USD) trên mỗi m2 thuê nhà tại thủ đô Moscow.

    Nhóm chúng tôi tuy còn trẻ nhưng rất mạnh. Tôi cực kỳ may mắn khi biết họ vì công việc này không thể làm một mình. Đội ngũ nòng cốt của chúng tôi gồm 6 người và tôi là người lớn tuổi nhất.

    Đầu bếp năm nay 27 tuổi và những người còn lại trong nhóm chỉ mới ngoài 20 tuổi. Chúng tôi làm việc rất chăm chỉ, đôi khi lên tới 13 giờ/ngày, và rất tận tâm. Tôi nghĩ mọi người có thể cảm nhận được điều đó khi họ đến quán.

    Bên trong quán cà phê của người Việt tại Nga. (Ảnh: RBTH)

    Phần lớn mọi người trong nhóm đều nói tiếng Nga, nhưng tôi thì không. Việc không biết tiếng Nga cũng không gây ra vấn đề quá lớn đối với tôi. Tuy nhiên đôi khi tôi thực sự muốn giao tiếp với các khách hàng Nga và gặp khó khăn trong chuyện này vì nhiều người không biết tiếng Anh.

    Tôi biết một cụm từ trong tiếng Nga là “ochen vkusny” (có nghĩa là rất ngon). Vì thế khi tôi nghe thấy tiếng này, tôi biết họ thích đồ ăn của chúng tôi.

    Phở bò là món ăn rất phổ biến ở quán và một trong những điều kỳ lạ nhất đó là có rất nhiều khách Nga tới đây từ những ngày đầu chỉ để ăn phở bò. Có 3 nhóm khách đến ăn phở bò hàng ngày, ngoại trừ cuối tuần khi họ không đi làm. Có ngày chúng tôi hết phở bò và họ rời đi mà không thử thêm bất kỳ món nào khác của quán.

    Đội ngũ của quán cà phê "Em Oi" đều là những người còn rất trẻ. (Ảnh: RBTH)

    Chúng tôi có một vị khách rất quen thuộc. Ông ấy đến đây hàng ngày, vì vậy khi nào không thấy ông ấy đến, chúng tôi hiểu rằng ông ấy đang đi du lịch. Nhưng cứ khi nào ông ấy có mặt ở đây, ông ấy sẽ ăn phở bò. Điều này thật thú vị, đồng thời cũng rất an ủi khi biết rằng ngay cả vào những ngày tồi tệ nhất, những vị khách này vẫn ủng hộ chúng tôi.

    Chúng tôi rất may mắn khi tìm thấy những nhà cung cấp Nga đáng tin cậy và chúng tôi thường duy trì mối quan hệ tốt đẹp với họ. Ban đầu chúng tôi cũng hơi khó chịu khi các đối tác phản hồi email rất chậm. Dần dần, chúng tôi bắt đầu gọi điện cho họ để duy trì liên lạc. Ngoài ra, ở châu Á, mọi người thường quen với việc giao hàng nhanh chóng trong một ngày, nhưng ở đây có thể mất vài ngày, thậm chí ngay cả khi bạn đặt hàng ở trong cùng một thành phố.

    Trước khi kinh doanh tại Nga, có 3 điều bạn cần xem xét.

    Thứ nhất, bạn cần ai đó ở đây đã lâu. Họ hiểu các khía cạnh pháp lý cũng như văn hóa khi bắt đầu công việc kinh doanh tại Nga. Khi vấn đề pháp lý ổn thỏa, bạn có thể tập trung vào những mặt khác.

    Thứ hai, bạn không nên đánh giá thấp thị trường. Bạn cần chắc chắn rằng sản phẩm của bạn có chất lượng tốt, giá cả hợp lý và biết đối tượng khách hàng mục tiêu là ai. Bạn không thể nghĩ đơn giản rằng một quán cà phê mở ra và mọi người sẽ đến đó.

    Thứ ba, kiên nhẫn. Bạn phải kiên nhẫn với bất kỳ thứ gì bạn gây dựng, đặc biệt ở Nga khi nền kinh tế hiện tại không thực sự quá ổn.

    Viethome (theo Dân Trí)

  • Ý thức được hoàn cảnh của bản thân, cậu đã quyết định dồn hết tâm trí vào việc học để có một tương lai tốt hơn. Mỗi ngày cậu đi học bằng xe buýt và dốc sức xây dựng sự thành công của mình từng chút một.

    Derrick Ngo, một học sinh gốc Việt hiện đang sinh sống ở Houston, bang Texas (Mỹ), đã vượt qua được hoàn cảnh vô gia cư để tốt nghiệp thủ khoa trung học và được nhận vào 4 trường Đại học danh giá của nước Mỹ, trong đó có: Đại học Harvard, Đại học Texas ở Austin, Đại học Princeton ở New Jersey, Đại học Columbia ở New York.


    Derrick Ngo, một học sinh gốc Việt vượt qua hoàn cảnh vô gia cư để được nhận vào Harvard (Ảnh: ABC13 Houston)

    "Tôi nhận ra rằng nếu không biết tận dụng trường học, giáo dục và tất cả những gì mình có để học tập thì tôi sẽ mãi mãi không bao giờ thoát được hoàn cảnh hiện tại", nam sinh gốc Việt chia sẻ .

    Derrick Ngo đã phải trải qua một cuộc sống vất vưởng và bất hạnh từ nhỏ. Cha của Derrick qua đời khi cậu mới 2 tuổi, còn mẹ cậu thì từng vào tù vài lần vì cờ bạc, nợ nần chồng chất. Cả nhà không có thu nhập ổn định, bữa đói bữa no.

    "Mẹ tôi mê đánh bài. 6 anh em tôi thường phải theo bà đến sòng bạc và ngồi đợi trong bãi đậu xe đến khi mẹ đánh bài xong mới được về", Derrick hồi tưởng lại tuổi thơ của mình.

    Trong suốt quãng thời gian đi học, Derrick đã phải theo mẹ chuyển trường những 12 lần. Năm 15 tuổi, Derrick ra sống một mình để chuyên tâm học hành và được mẹ trợ cấp tiền thuê nhà. Tuy nhiên số tiền này chỉ giúp cậu trả được các chi phí cơ bản. Mọi chuyện kéo dài đến năm 17 tuổi thì Derrick buộc phải chấp nhận sống cảnh vô gia cư vì không còn đủ tiền trợ cấp.


    Năm 17 tuổi Derrick buộc phải sống cảnh vô gia cư vì không còn được nhận tiền trợ cấp.

    Không có sự chỉ dẫn của người lớn, phải sống vạ vật ngoài đường qua ngày nhưng Derick chưa bao giờ có ý định buông xuôi hay bỏ cuộc. Anh không có thói hư tật xấu hay có ý định bỏ học sớm để kiếm tiền mà đầu tư vào việc học. Anh biết rằng, chỉ có con đường học tập mới giúp bản thân thoát khỏi "vũng bùn" này.

    Mỗi ngày Derrick đi học bằng xe buýt và dốc sức xây dựng sự thành công của mình từng chút một. Nhờ kiên trì, nam sinh đã hoàn thành xuất sắc chương trình cấp 3 với điểm số tốt nghiệp trung học loại xuất sắc.


    Đậu đại học Harvard là bước ngoặc cuộc đời của chàng trai trẻ, tuy nhiên, anh vẫn ρhải bươn chải để kiếm tiền ăn học.

    Thừa thắng xông lên, Derrick tự tin nộp hồ sơ vào 4 trường đại học danh tiếng gồm Đại học Harvard, Đại học Columbia, Đại học Princeton và Đại học Texas tại Austin. Thật không ngờ cả 4 trường đều gửi giấy mời nhập học và Derrick đã quyết định chọn Đại học Harvard. Nam sinh cho biết mình sẽ cố gắng lấy học bổng toàn ρhần để đỡ gánh nặng học ρhí. Vừa biết tin nhập học, Derrick Ngo không nghỉ "xả hơi" mà lao vào làm việc kiếm tiền.

    Được biết, để có được thành công như ngày hôm nay Derrick Ngo đã ρhải nhờ đến tổ chức ρhi lợi nhuận EMERGE để được hướng dẫn cách làm thủ tục, nộp hồ sơ ứng tuyển vào một số trường đại học danh tiếng của Mỹ. “EMERGE đã hướng dẫn tôi cách làm hồ sơ năng lực cá nhân, giúp luyện SAT và cho tham quan các ngôi trường đại học danh tiếng", anh chàng cho biết.

    Hiện tại, Derrick Ngo đã có thể chủ động cho cuộc sống của mình mà không còn ρhụ thuộc vào bất kì ai.

    Câu chuyện của Derrick Ngo cho chúng ta thấy được tấm gương người trẻ nỗ lực và cố gắng hết mình, dù cuộc sống khó khăn, nghiệt ngã đến đâu cũng không đầu hàng số ρhận. Dù sinh ra trong một gia đình không đề cao việc học hành nhưng chàng trai trẻ đã tự mình nhận thức được vai trò tri thức. Còn bạn có ngưỡng mộ trước chàng trai trẻ này không, cùng chia sẻ nhé!

    CafeF (theo Fox24)

  • Nữ sinh gốc Việt, 19 tuổi, ở bang California, Hoa Kỳ là dược sĩ trẻ tuổi nhất vừa tốt nghiệp tiến sĩ dược lý tại Đại học Chapman và là dược sĩ trẻ nhất của bang này.

    Cô Kassidy Vo là một sinh viên chăm chỉ ở trường, cô thậm chí không có thời gian để chơi các trò chơi điện tử yêu thích của mình. Cũng không đi đến Disneyland là nơi yêu thương nhất trên thế giới đối với cô và cũng không đi dạo dọc theo bãi biển, theo Ocregister.

    Cô Kassidy đã có những thành tích học tập xuất sắc ngay từ khi còn rất nhỏ. Cô đã có thể tốt nghiệp mẫu giáo sau một tuần học, khi vào trường cấp ba, cô đã tốt nghiệp sau 2 năm học, lúc đó Kassidy 14 tuổi.

    Kassidy Vo trong khuôn viên trường Đại học Chapman ở Orange, Hoa Kỳ vào thứ Sáu, ngày 10/5/ 2019. (Ảnh: Paul Rodriguez)

    Sau khi Kassidy vào lớp một, mẹ của cô nhận ra rằng chương trình dạy ở trường không theo kịp theo khả năng tiếp thu của hai con, cho nên bà quyết định cho Andrew và Kassidy học ở nhà.

    Tuy nhiên, mẹ của cô cũng biết rằng cuộc sống cũng có nhiều điều thú vị hơn bên cạnh việc học của con.

    Khi Kassidy học lớp 5, bà đã cho cô tham gia vào chương trình truyền hình có tên là “Are You Smarter than a 5th Grader?” [tạm dịch: Bạn có thông minh hơn học sinh lớp 5?]. Cô đã được thuê 3 lần cho 3 chương trình.

    Vào năm 2015, Andrew, anh trai cô cũng đã nhận bằng tốt nghiệp Đại học Chapman vào năm 19 tuổi, nhưng là bằng cử nhân sinh hóa.

    Còn bây giờ, khi Kassidy 19 tuổi, cô đã vượt qua anh trai với tấm bằng tiến sĩ dược lý. Mặc dù vậy, nhưng hai anh em không hề ganh đua hay đố kỵ nhau mà đều ủng hộ, giúp đỡ cho nhau.

    Trong thời gian đi học, ngoài giờ học cô cũng đi làm thêm 8 tiếng/ngày ở Walgreen trong khoa dược, phòng cấp cứu, phòng chăm sóc đặc biệt, giúp các bác sĩ trong bệnh viện.

    Tiến sĩ Phạm Khánh. Ảnh: NVCC.

    Kassidy cho biết sau khi tốt nghiệp cô sẽ “ngủ bù” và sẽ đi thăm tất cả các Disneyland trên thế giới. Sau đó, cô sẽ quyết định con đường tương lai của mình và chắc chắn đó là trong lĩnh vực y học.

    Tôi vẫn còn rất trẻ, tôi chắc chắn muốn đi xa hơn’, Kassidy nói.

    Sức mạnh bí mật đã giúp cô Kassidy luôn vui vẻ là nhờ tính hài hước của mình, cô nói “Nếu không biết khôi hài, thì bạn có vấn đề”.

    Cô luôn làm việc chăm chỉ và cũng vui chơi hết mình, cô chia sẻ rằng khi làm việc, cô sẽ tập trung 100%, nhưng khi ở Disneyland, cô tập trung 110%.

    Viethome (theo DKN)

  • Tiến sĩ Phạm Khánh là một trong những nhà khoa học chủ chốt của Không quân Mỹ, chuyên về không gian và vệ tinh. 

    Tiến sĩ Phạm Khánh. Ảnh: NVCC.

    "Nhờ những kỹ năng vượt bậc và đóng góp tiên phong, ông Khánh được coi là một trong những nhà nghiên cứu hàng đầu của Không quân Mỹ", Ban Tổ chức giải thưởng Arthur S. Flemming giới thiệu về Tiến sĩ Phạm Khánh, 47 tuổi, trên website, khi công bố danh sách trao giải năm 2018.

    Giải thưởng Arthur S. Flemming, đặt theo tên của cựu bộ trưởng Y tế, Giáo dục và Phúc lợi Mỹ, ghi nhận những đóng góp xuất sắc của những người làm việc trong hệ thống của chính phủ liên bang Mỹ. Tiến sĩ Khánh là một trong gần 700 người nhận giải thưởng Arthur S. Flemming từ năm 1948 đến nay, trong đó có Neil Armstrong, người đầu tiên đặt chân lên mặt trăng, và cựu bộ trưởng quốc phòng Mỹ Robert Gates. Người Mỹ gốc Á chiếm 6% tổng số nhân viên chính phủ liên bang và gần 1,5% từng đạt giải thưởng này trong 70 năm qua.

    Là người Mỹ gốc Việt đầu tiên được nhận giải thưởng danh giá này, ông Khánh được đánh giá là "người đi tiên phong về nghiên cứu lý thuyết và hoạt động liên quan đến kiểm soát không gian, nhận thức về không gian và liên lạc quân sự, ảnh hưởng tới liên lạc vệ tinh quân sự".

    Tiến sĩ Khánh hiện là kỹ sư không gian cao cấp của Phòng thí nghiệm nghiên cứu thuộc Không quân Mỹ tại căn cứ không quân Kirtland, bang New Mexico. Ông được trao giải trong hạng mục Khoa học cơ bản.

    "Tôi cảm thấy rất biết ơn khi được trao giải thưởng Arthur S. Flemming. Đây là sự ghi nhận cả quá trình nghiên cứu suốt 15 năm qua của tôi", ông Khánh nói với VnExpress qua điện thoại bằng tiếng Việt. Ông sẽ cùng 11 người khác nhận giải thưởng vào ngày 3/6 tại Washington D.C., Mỹ.

    Với lối trò chuyện nhẹ nhàng, giọng thiên về chất Bắc, đôi lúc pha âm điệu của miền Nam, ông Khánh cho hay ông sinh ra ở TP HCM nhưng quê gốc ở Hà Nam Ninh (nay tách thành ba tỉnh Hà Nam, Nam Định và Ninh Bình).

    Năm 1991, khi đang là sinh viên năm thứ hai chuyên ngành kỹ sư điện, Khánh cùng bố mẹ, hai chị và hai em trai sang Mỹ định cư theo diện HO trong Chương trình Ra đi Có trật tự. Khi mới đến Mỹ, do vốn tiếng Anh ít ỏi, chàng trai trẻ đành chấp nhận học lại chương trình trung học tại trường Lincoln vào ban ngày và buổi tối theo học đại học cộng đồng, chuyên ngành kỹ thuật điện tử và dịch vụ máy tính.

    Ở chương trình trung học, Khánh được xếp vào lớp dành cho những người không dùng tiếng Anh như tiếng mẹ đẻ, thầy cô dạy chậm và căn bản. Không muốn bị tụt lại, Khánh tự ép mình xin chuyển sang lớp dành cho người Mỹ ngay sau khi kết thúc lớp 10. "Tôi học rất cực khổ, hầu như phải tra từ điển liên tục để theo kịp chương trình", Khánh nhớ lại.

    Gia đình anh khi đó không có người thân hay bạn bè ở Mỹ, họ được giới chức một nhà thờ ở thành phố Lincoln, bang Nebraska, giúp đỡ trong ba tháng đầu tiên. Để ổn định cuộc sống, ba anh đi làm công nhân cho một hãng sản xuất bình đun nước nóng công nghiệp, mẹ anh làm quen với nghề cắm hoa khô nghệ thuật.

    Khánh cùng em trai phụ giúp gia đình kiếm tiền bằng cách đến các trung tâm thương mại để lau sàn và hút bụi từ 6h đến 8h sáng hàng ngày, trước khi tới trường. Họ dành dụm mua được một chiếc ôtô cũ để đi lại. Vào mùa đông, khi đi qua những đoạn đường có tuyết rơi dày đến 40 cm, hai anh em phải mang theo bình nước nóng để làm tan tuyết bám vào xe và không ít lần phải xuống đẩy xe.

    Sau khi hoàn thành các chương trình học cơ bản, Khánh vào làm việc tại một công ty chuyên sản xuất bình điện của xe dùng trong chơi golf, nhưng chỉ làm được ba tháng do "cảm thấy bị bó buộc".

    Tin rằng việc tích lũy thêm kiến thức sẽ giúp mình có nhiều cơ hội nghề nghiệp tốt hơn, Khánh một lần nữa chấp nhận "lùi một bước", học lại chương trình đại học chuyên ngành kỹ thuật điện của Đại học Nebraska - Lincoln. Anh tham gia nhiều lớp để học liên tục, kể cả khi bạn bè nghỉ hè, và có bằng cử nhân sau hai năm rưỡi.

    Sự kiện mang tính bước ngoặt trong cuộc đời Khánh xuất hiện khi anh học chương trình thạc sĩ của trường Nebraska - Lincoln và gặp thầy Stan Liberty, lúc đó là hiệu trưởng của khối các trường kỹ thuật. Ấn tượng vì Khánh thường xuyên hỏi bài, không ngại ngần làm rõ những vấn đề còn lăn tăn, ông Liberty hẹn dạy kèm riêng cho anh sau những giờ học chính. Trong lúc hướng dẫn Khánh làm luận án tốt nghiệp, ông Liberty chuyển sang làm phó chủ tịch trường Đại học tư nhân Bradley ở thành phố Peoria, bang Illinois.

    "Khi thầy hỏi có đi theo ông để hoàn thành luận án hay không, hoặc ở lại trường để thi tốt nghiệp, tôi đã không ngần ngại chọn phương án đầu", Khánh nhớ lại.

    Được thầy cho phép ở cùng nhà tại Peoria, trong 6 tháng liên tục, Khánh miệt mài viết luận án vào ban ngày. Đêm đến, hai thầy trò cùng chỉnh sửa tiếng Anh. Khi hoàn thành luận án, Khánh và thầy Liberty quay lại trường Nebraska – Lincoln để bảo vệ và anh có được tấm bằng thạc sĩ.

    Thầy Liberty sau đó nói rằng Khánh có khả năng nghiên cứu, khuyên nên học lên nữa. Lúc đó anh lại chỉ muốn đi làm, "vì thấy con đường học vấn quá căng thẳng". Hai thầy trò thống nhất Khánh vẫn xin chương trình tiến sĩ, nếu được thì sẽ học tiếp. Trong lúc chờ kết quả của Đại học Notre Dame, Khánh đi làm tại một công ty quốc phòng Mỹ với mức lương khá cao. Không nằm ngoài dự đoán của thầy Liberty, anh được trường Notre Dame nhận, bắt đầu hành trình học thêm 6 năm. Đến tháng 5/2004, Khánh hoàn thành chương trình tiến sĩ.

    "Nếu không gặp được thầy Liberty, tôi đã không có chặng đường sau này. Tôi coi ông như người cha thứ hai của mình", ông Khánh chia sẻ.

    Một buổi tối lang thang trên Internet để tìm việc, Khánh thấy thông tin của Phòng thí nghiệm nghiên cứu thuộc Không quân Mỹ tuyển kỹ sư điều khiển tự động. Lúc đó chỉ còn hai tiếng nữa là hết hạn nộp hồ sơ, anh vội vàng lao vào viết thư ứng tuyển. Nửa tháng sau, Khánh nhận được lời mời đến bang New Mexico để dự phỏng vấn với các nhà khoa học của quân đội Mỹ. Đến tháng 10/2004, anh chính thức làm việc tại phòng thí nghiệm này.

    Thời gian đầu, Khánh bắt gặp nhiều "ánh mắt tò mò" của các đồng nghiệp người Mỹ, vì anh không phải người da trắng. Khánh cũng phải vượt qua những khác biệt về văn hoá Á - Âu, cố gắng không ngại ngần thể hiện quan điểm của mình trong các cuộc họp để cho thấy "tôi hiểu vấn đề và có quan tâm".

    "Tôi biết ngôn ngữ của mình không tốt bằng người khác, môi trường quân đội cũng rất cứng nhắc, nên tự nhủ phải nỗ lực để tìm được chỗ đứng", ông Khánh nói.

    Ông dần có những nghiên cứu riêng về nhận thức không gian, thông tin liên lạc qua vệ tinh quân sự và dân sự. Trong suốt 15 năm qua, ông Khánh trao đổi với nhiều trường đại học Mỹ và các cơ quan thuộc chính phủ, cũng như hợp tác với nhiều nhà khoa học trong cùng lĩnh vực để đưa ra các giải pháp cho tương lai gần và xa.

    Nghiên cứu của ông tập trung vào việc theo dõi hoạt động của các vệ tinh trên không gian, tìm ra cách chống nhiễu sóng truyền về mặt đất. Ông Khánh cho biết hiện nay có nhiều nước trên thế giới phóng vệ tinh vào không gian, tạo nên mật độ vệ tinh lớn. Do đó, Mỹ cần phải tính toán việc đặt vệ tinh vào quỹ đạo nào, xem có nguy cơ va chạm với vệ tinh bên cạnh hay không, biết rõ vệ tinh đó là của mình chứ không phải của nước khác cũng như xử lý mối quan hệ phức tạp của các vệ tinh.

    Chia sẻ cảm nhận về ông Khánh, Giáo sư Hyuck Kwon, đang làm việc tại Đại học bang Wichita State, cho biết tiến sĩ gốc Việt này là một người rất đáng mến, chuyên nghiệp, tận tâm trong công việc, có khả năng dẫn dắt nhóm và có tầm nhìn xa. Biết nhau từ năm 2014, ông Kwon và ông Khánh cùng hợp tác trong một số dự án nghiên cứu về không gian.

    "Khi trò chuyện bình thường, Khánh rất hòa nhã, nhưng khi bàn về chuyên môn, anh ấy lại tỏ ra kiên quyết, liên tục đưa ra các câu hỏi cho tới khi thỏa mãn mới thôi", ông Kwon nói.

    Ông Khánh cho biết trong mạng lưới đối tác của mình có hơn 100 giáo sư, cộng tác viên và doanh nhân gốc Á. Ông đánh giá những người này đã giúp đưa ra những giải pháp toàn diện và ứng dụng có ý nghĩa lớn cho Không quân Mỹ nói riêng, cho lĩnh vực kiểm soát không gian trên toàn cầu nói chung. Ông tin rằng cộng đồng gốc Á có thể mang lại nhiều thành tựu lớn hơn.

    "Nếu các bạn trẻ gốc Á ở Mỹ hiểu rõ sự khác biệt trong văn hóa của các khu vực và tận dụng được điều đó trong công việc, họ có thể trở thành cầu nối, giúp đưa ra những đóng góp chưa từng có", ông Khánh gợi ý.

    Khi được hỏi về cuộc sống cá nhân, ông Khánh tiết lộ mình "không lơ là" chuyện kết hôn. Năm 2003, khi chuẩn bị tốt nghiệp chương trình tiến sĩ của Đại học Notre Dame, Khánh quyết định lui lại một năm, về Việt Nam cưới Diệu Hương, người bạn gái gốc Hà Nội. Hai người quen nhau khi Diệu Hương đến Mỹ học chương trình thạc sĩ từ năm 2001.

    Hiện gia đình ông có hai cậu con trai, một 14 và một 11 tuổi, đều nói được tiếng Việt "giọng Hà Nội". Ba mẹ ông sống ở bang Texas cùng hai chị gái và một em trai. Ông Khánh cho biết vì ba mẹ vợ ở Hà Nội nên gia đình vẫn thường xuyên về Việt Nam chơi, khoảng hai năm một lần.

    Về định hướng nghiên cứu, ông Khánh cho hay vẫn tập trung vào việc tìm kiếm những giải pháp cho các vấn đề tồn tại trong không gian.

    "Một trong những mối quan tâm lớn của tôi là làm sao để các vệ tinh có khả năng tự điều khiển, không cần con người trợ giúp khi lâm vào các tình huống khó khăn", ông Khánh nói.

    Ông Khánh cùng vợ và hai con trong một lần đi du lịch tại Missouri, Mỹ. Ảnh: NVCC.

    Viethome (theo VnExpress)

  • NaMì, do Kevin Thạch sáng lập, là tiệm ăn Việt đầu tiên trên xe tải ở thành phố Vancouver, Canada.

    Ông chủ Kevin Thạch bán hàng ở tiệm bánh mỳ trên xe tải NaMì. Ảnh: NaMì

    Tháng trước, hàng chục người đã xếp hàng dài trên một con phố ở Vancouver để nhận bánh mỳ miễn phí khi tiệm ăn di động trên xe tải (Foodtruck) mang tên NaMì mở cửa. Tiệm ăn cũng bán món bánh nổi tiếng của Việt Nam với giá khuyến mãi chỉ 5 CAD (3,7 USD) trong tuần đầu khai trương. 

    Ý tưởng bán đồ ăn trên xe tải được ông chủ trẻ gốc Việt Kevin Thạch thực hiện với mong muốn mang đến cho người dân Vancouver cơ hội thưởng thức hương vị ẩm thực Việt Nam chính gốc một cách dễ dàng giữa trung tâm thành phố tấp nập.

    Cha mẹ Thạch sang Canada định cư rồi mở nhà hàng Phở Thái Hòa từ những năm 1990 và từng đạt nhiều giải thưởng ẩm thực. Tuổi thơ quẩn quanh căn bếp xem mẹ nấu nướng đã nuôi dưỡng trong anh một tình yêu lớn với các món ăn Việt và sau này thôi thúc anh phải làm một điều gì đó lớn hơn.

    "Tôi lớn lên với những món ăn như gỏi cuốn, nem cuốn, bánh mỳ, những món ăn tinh túy của ẩm thực Việt Nam", Thạch nói. 

    Các món ăn trong thực đơn của NaMì. Ảnh: NaMì 

    Sau khi tốt nghiệp đại học, anh từng làm việc cho một công ty nhưng không được lâu bởi Thạch không muốn dành cả phần đời còn lại trong văn phòng. Khi gia đình Thạch nêu ý định mở foodtruck, anh đã quyết định nắm lấy cơ hội này và trở thành ông chủ của NaMì.

    "NaMì vừa tiếp nối sự phát triển của ẩm thực Việt Nam tại Vancouver, vừa nâng cao thương hiệu nhà hàng gia đình của chúng tôi lên một tầm hiện đại và dễ tiếp cận", Thạch giải thích. 

    Thạch thừa nhận tuổi đời và kinh nghiệm là những thách thức khi anh lần đầu bắt tay vào kinh doanh quán ăn di động. Tuy nhiên, món bánh mỳ của NaMì đã nhanh chóng chiếm được cảm tình của nhiều khách hàng địa phương với các loại nhân phong phú như gà nướng, bò nướng, thịt viên và cả đậu phụ. Món bánh mỳ sáng của tiệm gồm hai quả trứng chiên và thịt lợn quay. Ngoài ra, NaMì còn phục vụ nem rán, gỏi cuốn và cafe sữa đá.

    Tiệm ăn di động trên xe tải NaMì. Ảnh: NaMì

    Thạch cho hay trong thời gian tới, anh dự định mở rộng thực đơn của tiệm và khai trương foodtruck thứ hai tại Vancouver.

    Viethome (theo VnExpress)