• "Quái kiệt" Lê Viết Quốc khiến Việt Nam tự hào bởi anh chính là một nhân vật quan trọng với Google được biết đến với cái tên "Google Brain" - nhà khoa học AI lừng danh trong giới công nghệ.

    Từ cậu học trò nghèo đến "quái kiệt" khiến máy móc biết suy tư

    Lê Viết Quốc sinh năm 1982 tại một ngôi làng nhỏ không có điện ở Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên-Huế. Viết Quốc vùi đầu trong thư viện hàng ngày, anh say mê đọc các cuốn sách về những phát minh vĩ đại và ước mơ một ngày nào đó, mình cũng sẽ có tên trong danh sách ấy.

    Năm 14 tuổi, Quốc quyết định rằng, phát minh hữu ích nhất cho nhân loại có lẽ là một cái máy đủ thông minh để có thể tự tạo ra các sáng chế - một ý tưởng siêu việt đến từ thế giới tương lai.

    Nhưng chính ước mơ cháy bỏng của tuổi thơ đó đã đưa Viết Quốc đến với con đường trở thành một người tiên phong nghiên cứu và phát triển trí tuệ nhân tạo.

    Nhờ thành tích học tập xuất sắc, Viết Quốc được trao học bổng toàn phần của Chính phủ Australia để theo học đại học tại Đại học Quốc gia Australia.

    Năm 2007, Viết Quốc sang Đức làm nghiên cứu với viện Max Planck Biological Cybernetics. Cùng thời gian đó, anh nộp hồ sơ làm nghiên cứu sinh tiến sĩ ở Stanford và được chấp nhận.

    Ở Stanford, Viết Quốc đã tìm ra được cách làm thế nào để tăng tốc độ xử lý dữ liệu với độ lớn gấp hàng ngàn lần bằng việc xây dựng các mạng neurone thần kinh mô phỏng.

    Năm 2011, Lê Viết Quốc và nghiên cứu sinh Google Jeff Dean, nhà nghiên cứu Greg Corrado làm việc tại Google cùng cố vấn Tiến sĩ Andrew Ng - hiện là Giám đốc nghiên cứu của Baidu, hãng công nghệ tìm kiếm khổng lồ tại Trung Quốc.

    4 nhà khoa học tài năng đã sáng lập ra Google Brain với mục đích là khai phá về "Học sâu" (Deep Learning) trên cơ sở khối lượng dữ liệu khổng lồ của Google.

    Deep Learning là một thuật toán có thể giúp giải quyết hàng loạt vấn đề như giáo dục, biến đổi khí hậu... Ví dụ, sử dụng các cảm biến từ xa, dữ liệu môi trường trên thế giới sẽ được theo dõi và ghi lại.

    Năm 2012, Viết Quốc công bố một nghiên cứu về Deep Learning. Theo đó, anh đã phát triển một mô hình mạng lưới neurone chuyên sâu có thể nhận ra mèo dựa trên 10 triệu hình ảnh kỹ thuật số từ Youtube, cũng như hơn 3.000 bức ảnh trong tập dữ liệu ImageNet.

    Khi kết quả nghiên cứu của họ được công bố, nó giống như một công tắc bật nút khởi động cho một cuộc chạy đua quyết liệt ở Facebook, Microsoft và các công ty khác trong quá trình đầu tư vào nghiên cứu công nghệ "học sâu" Deep Learning.

    Kể từ đó, nhà khoa học trẻ tuổi này đã giúp đỡ xây dựng các hệ thống Google nhận dạng các từ nói trên điện thoại Android, và tự động đánh dấu (tag) ảnh của bạn trên web, cả hai kỹ thuật đều được hỗ trợ từ công nghệ Deep Learning.

    Sau khi rời Stanford vào năm 2013, Viết Quốc chính thức đầu quân cho Google với tư cách một nhà nghiên cứu. Anh sớm đạt được những đột phá ấn tượng trước khi đề xuất và hoàn thiện trình tự chuỗi cùng các nhà nghiên cứu khác ở Google.

    Năm 2016, Viết Quốc và một nhà nghiên cứu khác của Google – Tiến sĩ Barret Zoph đã đề xuất hệ thống tìm kiếm kiến ​​trúc neurone. Phương thức mới này có thể giúp các nhà nghiên cứu thiết kế một kiến ​​trúc mạng phù hợp với cấu trúc nhân tạo chính xác nhất.

    Dựa trên những thành công trong nghiên cứu của Viết Quốc, Google đã công bố hệ thống dịch máy neurone (Neural Machine Translation System) sử dụng trí tuệ nhân tạo AI để tạo ra các bản dịch tốt hơn và tự nhiên hơn.

    Đầu năm 2018, Google đã ra mắt AutoML Vision cũng dựa trên những nguyên lý mà Lê Viết Quốc đặt nền móng.

    "Tôi mong muốn tạo ra được một cỗ máy có thể nhìn, nghe và hiểu được chúng ta", Quốc nói, nhưng cũng thừa nhận rằng điều đó còn lâu nữa mới xảy ra.

    Mấy ai biết được rằng chàng trai có dáng người mảnh khảnh, đeo kính cận dày cộp và khá lặng lẽ trong đám đông ấy chính là người đứng sau sự "thần kỳ" của những dự án đình đám về công nghệ trí tuệ nhân tạo như Google Translate, Google Search.

    Năm 2014, tạp chí MIT Technology Review vinh danh Lê Viết Quốc là một trong 35 nhà phát minh dưới 35 tuổi xuất sắc nhất thế giới vì mục tiêu "giúp cho phần mềm đủ thông minh để hỗ trợ mọi người khiến cuộc sống hàng ngày của họ trở nên dễ chịu".

    Ở đế chế Google, Lê Viết Quốc được giao trọng trách quản lý dự án của Google Brain, phụ trách một nhóm nghiên cứu khoảng 25 người.

    Như tên gọi, Google Brain đúng là "bộ não của Google", bộ phận chịu trách nhiệm nghiên cứu khoảng 5-6 dự án mang tính cách mạng trong lĩnh vực công nghệ tiên tiến nhất của nhân loại hiện nay.

    Nhóm của Viết Quốc tập trung vào việc phát triển và hoàn thiện công nghệ nhận dạng giọng nói, hình ảnh và dịch thuật.

    Đối mặt với những thuật ngữ và kiến thức hàn lâm, Viết Quốc có cách diễn giải dễ hiểu, khiến cho những người ngoại đạo cũng có thể hiểu được vài nguyên lý cơ bản mà công nghệ AI đang vận hành.

    Anh chính là người đã đóng góp đáng kể trong việc phát triển Google Translate (công cụ dịch của Google) được biết đến là sản phẩm tiện ích khó tin cho người dùng.

    Ước mơ xây dựng kỷ nguyên công nghệ AI tại Việt Nam

    Phụ trách những dự án công nghệ mang tính cách mạng nhân loại, nhưng Viết Quốc lại có cuộc sống bình dị và cân bằng trái ngược với suy nghĩ phức tạp của nhiều người.

    Một ngày của Viết Quốc ở thế giới Google bắt đầu từ khoảng 9-10h sáng, và kết thúc lúc 6-7h chiều. Cuối tuần,Viết Quốc tham gia đội bóng đá ở Silicon Valley hoặc tham gia dã ngoại với bạn bè.

    Tại thung lũng Silicon, hiện có khoảng hơn 100 kỹ sư người Việt đang làm việc và họ đã tạo thành một cộng đồng nhỏ tương trợ lẫn nhau.

    Tuy nhiên, trăn trở lớn nhất với Lê Viết Quốc đó chính là một tương lai công nghệ trên chính quê hương của mình. Hơn nữa, ngành công nghiệp AI đòi hỏi trung bình từ 1 triệu nhân lực bao gồm kỹ sư, nhà nghiên cứu, nhà phát triển,... Trong khi đó tại Việt Nam hiện nay chỉ có khoảng 10.000 nhân lực sẵn sàng đáp ứng yêu cầu mỗi năm.

    Người hùng Google Lê Viết Quốc từng nhận định rằng Việt Nam hiện có nhiều tiềm năng trong phát triển CNTT cụ thể là công nghệ AI - yếu tố được coi là "trái tim" của cuộc cách mạng công nghệ 4.0.

    Song Việt Nam đang thiếu nhiều "vật liệu" để xây dựng. Muốn phát triển, chính phủ và các doanh nghiệp Việt Nam nên đầu tư mạnh vào 3 mảng chính đó là giáo dục - đào tạo nguồn nhân lực, xây dựng nguồn dữ liệu mở, và tạo ra mối liên kết giữa các trường đại học Việt Nam với nguồn trí thức, cộng đồng thế giới.

    Đầu năm 2017, Lê Viết Quốc nhận lời tham gia Hội đồng tín thác Đại học Fulbright Việt Nam, trường đại học độc lập, phi lợi nhuận, được thành lập với sự hậu thuẫn mạnh mẽ của cả chính phủ Mỹ và Việt Nam, với kì vọng Việt Nam sẽ có trường đại học đẳng cấp quốc tế.

    Quốc kể, lý do thôi thúc anh quan tâm tới Fulbright xuất phát từ "tình yêu dành cho Việt Nam".

    "Mỗi lần trở về thấy đất nước lại phát triển thêm một chút, mình cũng muốn đóng góp một chút gì đó. Mình tin là, Việt Nam muốn phát triển thì trước tiên phải có ít nhất một trường đại học tốt. Khi có một trường đại học tốt thì mới có con người giỏi để đóng góp cho sự phát triển của đất nước. Những người ở Đại học Fulbright mà mình tiếp xúc khiến mình cảm nhận được tâm huyết, tham vọng và cả cam kết của họ muốn góp phần thay đổi tích cực hệ thống giáo dục này. Vì thế, mình mong muốn được góp sức mình trong sứ mệnh đó", Viết Quốc tâm sự.

    "Học AI giống như lái máy bay vậy. Bạn có thể đọc sách về lái máy bay nhưng không thể lên máy bay mà lái được ngay. Bạn phải tập lái máy bay hàng nghìn giờ mới có thể tự tin điều khiển máy bay", Viết Quốc ví von.

    Quốc kì vọng sẽ cùng các cộng sự ở Fulbright xây dựng một chương trình đào tạo khoa học máy tính, trong đó có AI, ứng dụng những sáng tạo mới nhất của thế giới.

    Viethome (theo Người Đưa Tin)

  • Nhu cầu “tìm bạn hay người yêu” được một nữ doanh gia trẻ gốc Việt thể hiện qua một dịch vụ “tìm bạn nhanh” độc đáo mang tên “Speed Dating” của “Wine Down OC” ở thành phố Costa Mesa, gần South Coast Plaza, Mỹ.

    “Chúng tôi mở dịch vụ vui và ít tốn kém này với mục đích nhắm vào các đối tượng độc thân từ 28 đến 45 tuổi. Dịch vụ này dành cho những ai đã chán với những cuộc tìm bạn qua Internet, thường không được kết quả như ý muốn; hoặc đơn giản là chỉ muốn gặp mặt đối tượng trước khi tiến đến mối quan hệ lâu dài,” cô Karen Nguyễn, chủ nhân dịch vụ “Speed Dating”, nói với nhật báo Người Việt.

    Khách tìm bạn nam, nữ gặp nhau bên ly rượu vang tại Inspired Art Wine, Costa Mesa. (Hình: Karen Nguyễn cung cấp)

    Cô cho biết, thông qua dịch vụ này, khách hàng có thể tìm một người yêu hay tìm một người làm đối tác kinh doanh trong một môi trường an toàn.

    Cô giải thích thêm: “Đây là một chi nhánh mới hoạt động được sáu tháng của phòng tranh IAW studio (InspiredArtWine) cũng do tôi làm chủ được ba năm nay, tại cùng địa chỉ. Tôi thấy những người trẻ có nghề nghiệp vững vàng, nhưng lại có nhu cầu gặp người khác để kết bạn hay kết nối quan hệ công việc.”

    Mỗi tháng, “Wine Down OC” tổ chức các buổi hẹn hò nhanh chóng, dành cho lứa tuổi 23-45. Người tham dự có từ 10-12 lần gặp gỡ ngắn trong vòng hai giờ đồng hồ, được tổ chức trong môi trường dễ nói chuyện. Mỗi người chia sẻ trên mẫu ý kiến về các “đối tượng” đã gặp. Mẫu này được dùng để “se duyên” hai người nào có nhiều điểm tương đồng.

    Cô Karen cho biết năm nay 35 tuổi, sinh quán ở Bình Dương, Việt Nam. Cô theo cha mẹ đến định cư tại Mỹ năm 1988 và tốt nghiệp Cử Nhân Khoa Học Chính Trị và Cao Học Kinh Doanh đại học UCI năm 2011.

    “Sau khi tốt nghiệp đại học, tôi làm công việc tiếp thị trong 5 năm cho một công ty Fortune 200. Nhận thấy theo đuổi công việc bằng cách làm việc cho công ty không đem lại thành công như ý muốn, nên năm 2015 tôi quyết định làm công việc đòi hỏi năng khiếu kể chuyện, hiếu khách và nghệ thuật là những gì tôi thích. Vì thế, ‘IAW’ studio ra đời, đến nay đã ba năm,” cô kể.

    Cô nói thêm: “Trong thời gian hoạt động, tạo môi trường để khách hàng hội viên gặp gỡ nhau qua các buổi vẽ tranh, uống rượu vang tại IAW studio, tôi nhận thấy đa số khách hàng là từ 28 đến 45 tuổi.”

    “Tôi có ý tưởng tạo cơ hội cho họ gặp nhau qua dịch vụ ‘speed dating’ với thời gian khoảng hai giờ gặp gỡ đối tượng tương lai. Nam nữ ghi danh sẽ được tham dự 10-12 lần gặp gỡ ngắn trong khoảng hai giờ đồng hồ để xem ai hợp với ai,” cô nói.

    Một lớp vẽ tại Inspired Art Wine, Costa Mesa. (Hình: Karen Nguyễn cung cấp)

    Cô cho biết: “Sau khi ghi danh, khách được một ly rượu vang miễn phí, nhận thẻ điểm ‘hẹn hò’ và vào chỗ ngồi. Chúng tôi sẽ hướng dẫn khách qua quy trình và những gì mong đợi.”

    “Nếu có người hợp ý, chúng tôi sẽ liên lạc với bạn qua email trong vòng 24 giờ sau lần gặp gỡ. Nếu cả hai bên muốn tiếp tục với một ngày hẹn thì ngày đầu tiên sẽ được tổ chức tại ‘IAW’ studio cho một ‘đêm uống rượu vẽ tranh’. Phái nữ nhận thẻ miễn phí,” cô cho biết thêm.

    Ngay cả khi không tìm ra người phù hợp, khách cũng sẽ nhận được những thông tin chi tiết tuyệt vời mà những người tham gia khác đã nhận xét về họ. Một khách hàng phái nữ, 30 tuổi, làm nghề trị liệu bệnh liên quan nghề nghiệp, chia sẻ: “Cho dù không có được người tâm đầu ý hợp nhưng tôi vẫn thích phần nhận xét tổng quát từ những người khác về tôi.”

    “Mỗi lần gặp gỡ, số khách chỉ giới hạn cho nhiều nhất là 40 người đã ghi danh trước qua email. Giá tham dự từ $33 -$45 cho mỗi lần họp mặt để vẽ và uống rượu, kéo dài từ hai đến ba giờ đồng hồ,” cô nói.

    Cô khẳng định kết quả tích cực về dịch vụ của mình: “Căn cứ vào kết quả trong sáu tháng qua, 50% khách hàng tới với chúng tôi tìm được người ‘trong mộng’ và vẫn tiếp tục giữ mối quan hệ tình cảm.”

    Viethome (theo Người Việt)

  • Khởi nghiệp từ hai bàn tay trắng, 5 chị em nhà họ Pang sống ở quận 5 (TP.HCM) lần lượt ẵm nhiều giải thưởng quốc tế từ nghề nail. Từ sự gây dựng của chị cả Pang Mỹ Linh (34 tuổi), nay họ đã có 3 trung tâm đào tạo với hàng nghìn học viên.

    Trước đây, nhà họ Pang có công ty sản xuất, kinh doanh đồ nhựa khá lớn. Công việc kinh doanh ngày một thất bát, công ty phá sản, căn nhà duy nhất cũng phải bán đi để trả nợ.

    Mỹ Linh nhớ lại: “Khi bố kinh doanh phát đạt, chị em tôi không phải động tay đến việc gì, chỉ biết học và đi chơi. Thời gian đầu phá sản, sống khổ cực, chị em còn có ý trách mắng bố mẹ.

    5 chị em xinh đẹp nhà Pang.

    Đến lần phát hiện bố mẹ nhịn ăn để cho chúng tôi được no, 5 chị em khóc ròng. Từ đó chị em động viên nhau cố gắng làm việc, bán bánh mì, hủ tiếu dạo… ngày nào cũng làm từ 4h – 22h mới về tới nhà, da tay trầy xước, mờ cả vân tay”.

    Học xong lớp 12, Mỹ Linh gác lại ước mơ vào đại học. Đang lúc tìm nghề, cô tình cờ gặp người bà con làm nghề nail từ Mỹ mới về Việt Nam. Được xem mẫu thiết kế nail tinh xảo đẹp mắt, cô nhận ra nail không chỉ là nghề, còn là một nghệ thuật. Tìm hiểu, thấy nhiều người nước ngoài giàu lên từ nail, cô quyết định xin học nghề.

    Cuối năm 2003, Mỹ Linh mở một cửa tiệm làm nail nhỏ ở đường Trần Huy Liệu (quận Phú Nhuận). “Nghĩ lại thấy tôi quá liều. Tiền không có, tôi đi mượn. Kinh nghiệm kinh doanh còn yếu, tôi xin học mấy chị lớn tuổi đang kinh doanh ngành nghề khác. Hơn 1 năm đầu khách đến tiệm rất vắng. Làm ăn thất bát, chủ nợ hối thúc nhưng tôi không nản chí”, cô cho biết. 

    Thấy tay nghề non yếu không đáp ứng được nhu cầu của khách hàng, năm 2004, cô mượn thêm tiền sang Nhật học thêm nail. Học được 2 tuần, cô quay về Việt Nam truyền nghề cho em Pang Mỹ Nguyên. Sau 5 lần học ở Nhật, Mỹ Linh nhận ra nghề nail không phải tạm bợ mà là nghề “hái ra tiền”.

    Các tác phẩm nail đặc sắc. 

    “Đến bây giờ tôi vẫn nhớ kỷ niệm làm móng cho vị khách đầu tiên. Cầm tay họ mà run, hồi hộp đến nỗi khách còn phải trấn an. Sau hơn 3 tiếng tôi mới hoàn thành bộ móng cho khách. Ban đầu họ bực vì mình làm quá lâu, nhưng khi hoàn thành, họ ưng ý lắm”, Mỹ Linh tâm sự.

    Cũng năm 2004, Mỹ Linh tham gia cuộc thi “Trang trí móng mùa xuân” do Nhà văn hóa phụ nữ TP.HCM tổ chức. Tác phẩm “hoa hồng tình yêu” của cô đoạt giải nhất. Cuộc thi là bước ngoặt lớn. Khách đến làm móng mỗi ngày một đông. 

    Vừa làm việc, chị vừa rút kinh nghiệm, lại tham khảo sách báo, diễn đàn làm nail quốc tế để học hỏi. Năm 2005, tác phẩm “Thiên nga tình yêu” của chị lọt vào top 10 cuộc thi Nail Design châu Á tổ chức ở Nhật Bản.

    “Tôi tham gia cuộc thi châu Á vì muốn tận dụng cơ hội giao lưu học hỏi các bạn nước ngoài. Năm 2008, tôi tiếp tục đăng ký tham gia cuộc thi Nail Design châu Á tổ chức ở Malaysia và đạt giải nhất”, Mỹ Linh nói.

    Pang Mỹ Nguyên và tác phẩm đạt giải cao ở châu Á.

    Sự thành công của chị thôi thúc 3 cô em học nghề. Cứ lần lượt chị trước dìu em sau, các cô em cũng thành công không kém. Năm 2009, Mỹ Nguyên đạt giải 2 châu Á được tổ chức tại Singapore khi mới 22 tuổi.

    Tiệm nườm nượp khách. Từ khởi điểm chỉ là căn phòng chật chội, 5 chị em vạch kế hoạch vươn xa hơn nữa bằng cách mở thêm cơ sở đào tạo nghề. Người mẹ đứng ra giúp quản lý tài chính. Chỉ một thời gian ngắn, nợ nần trả hết. Cả nhà tiếp tục gom tiền cho Mỹ Nguyên sang Nhật Bản, Singapore, Malaysia, Hồng Kông, Đài Loan học thêm nghề. 

    Năm cô gái tiếp tục bước thêm bước dài, sáng lập công ty đào tạo nghề chăm sóc móng chuyên nghiệp. Hiện công ty có 3 chi nhánh đào tạo ở quận 3, quận 5, quận Phú Nhuận. Mỗi năm công ty đào tạo hàng nghìn thợ nail khắp cả nước.

    Chị em Pang Mỹ Linh và Pang Mỹ Nguyên vinh dự hàng năm còn được mời làm thành viên Ban giám khảo Nail design cup châu Á. Mỹ Linh còn là ủy viên Hội Liên hiệp phụ nữ Quận 5. Trong tương lai, cô chia sẻ ý định sẽ mở thêm nhiều lớp miễn phí dạy nghề cho người nghèo ở nông thôn.

    Viethome (theo Phapluatvietnam)

  • Từ món ăn yêu thích, Nguyen Bao Hoang đã sáng lập chuỗi cửa hàng đồ ăn Việt với doanh thu trên 40 triệu USD mỗi năm.

    Nguyen Bao Hoang là một trong ba nhà sáng lập, kiêm CEO của chuỗi nhà hàng đồ ăn nhanh Rolld ở Australia. Hiện Rolld có mặt ở khắp các trung tâm thương mại và trở thành thương hiệu ẩm thực quen thuộc tại Australia.

    Những năm đầu thập niên 1980, bố mẹ Bao Hoang rời Việt Nam sang định cư tại Australia. Sinh ra và lớn lên tại xứ sở chuột túi nhưng Bao Hoang luôn có mối liên kết sâu sắc với văn hóa Việt Nam, đặc biệt là ẩm thực.

    Để phát triển chuỗi nhà hàng ẩm thực Việt tại Australia, Bao Hoang (35 tuổi) phải làm việc 120 giờ mỗi tuần. Ảnh: Good Food. 

    Sau khi tốt nghiệp ngành Vật lý Trị liệu tại ĐH Melbourne, Bao Hoang làm nhượng quyền thương hiệu trong lĩnh vực sức khỏe khoảng 10 năm. Yêu thích ẩm thực Việt, Bao Hoang ấp ủ đam mê và mong muốn giới thiệu ẩm thực Việt đến bạn bè quốc tế.Từ nhỏ Bao Hoang luôn được thưởng thức các món ăn thuần Việt do mẹ và các dì chế biến. Những món ăn đơn giản như bánh mì, gỏi cuốn, phở luôn xuất hiện trong thực đơn hàng ngày của Bao Hoang và anh ăn không bao giờ biết ngán.

    Năm 30 tuổi, Bao Hoang bỏ công việc ổn định, mức thu nhập tốt để khởi nghiệp nhà hàng ẩm thực Việt. "Tôi đã nói chuyện với anh họ về ý tưởng kinh doanh chuỗi thức ăn đường phố mang hương vị Việt và anh ấy rất thích. Vậy là chúng tôi lên kế hoạch mở nhà hàng Rolld đầu tiên", Bao Hoang chia sẻ.

    Năm 2012, Bao Hoang cùng anh họ Tin Ly và người bạn học cấp một, Ray Esquieres, góp số vốn 180.000 AUD mua lại quán cà phê Italy ở thành phố Melbourne để khởi nghiệp. Tháng 5/2012, nhà hàng chuyên kinh doanh thức ăn nhanh hương vị ẩm thực Việt ra đời có tên Rolld.

    Ba đồng sáng lập của Rolld (từ trái sang): Nguyen Bao Hoang, Tin Ly và Ray Esquieres. Ảnh: FB Rolld.

    Chỉ 6 tháng sau, Bao Hoang đã mở thêm được nhà hàng thứ hai. Không có kinh nghiệm trong lĩnh vực ẩm thực nhưng bằng đam mê và hương vị Việt độc đáo, nhà hàng của Bao Hoang đã chinh phục được những thực khách khó tính nhất.

    Ban đầu, Bao Hoang mục tiêu hướng tới khách hàng là nhân viên văn phòng của các công ty xung quanh có nhu cầu ăn trưa nhanh gọn và tốt cho sức khoẻ. Xây dựng phong cách giản dị, thiết kế đơn giản, các món ăn có lợi cho sức khỏe, Rolld dần thu hút nhiều người tìm đến và trở thành khách hàng thân thiết. Thương hiệu ẩm thực Rolld dần trở nên quen thuộc với người Australia.

    Toạ lạc tại khu văn phòng nhộn nhịp, Rolld là nhà hàng đặc trưng với các món ăn quen thuộc của người Việt như: gỏi cuốn, bánh mì, phở, cơm tấm… Ngay ngày đầu khai trương, Rolld phục vụ hơn 150 thực khách và mới 13h30, nhà hàng đã hết sạch đồ ăn. Chỉ vài tuần sau, số lượng khách hàng đến với Rolld tăng lên 1.000 khách mỗi ngày.

    Theo Bao Hoang, công thức tạo nên thành công của Rolld là mối liên kết chặt chẽ giữa các thành viên trong gia đình. Người tạo ra công thức món ăn là mẹ và dì, bố quản lý việc giao hàng, vợ anh làm giám đốc thương hiệu, trong khi anh trai và chị gái giúp quản lý cửa hàng.

    Nhà hàng Rolld hiện bán nhiều loại gỏi cuốn khác nhau được chế biến từ rau củ, thịt, hải sản. Ảnh: FB Rolld.

    Hiện nay, chuỗi nhà hàng Rolld có hơn 700 nhân viên, mỗi năm bán ra khoảng 6 triệu chiếc nem cuốn, chiếm 50% doanh thu của chuỗi cửa hàng. Ngoài ra, các món ăn Việt khác như bánh mì, phở, bún bò Huế cũng được thực khách yêu thích.Rolld nhanh chóng trở nên nổi tiếng và Bao Hoang dần mở rộng chuỗi 66 nhà hàng tại các thành phố lớn của Australia. Những năm qua Rolld liên tiếp đạt mức tăng trưởng khoảng 800%, doanh thu mỗi năm đạt 40 triệu AUD (gần 30 triệu USD).

    Mở rộng chuỗi cửa hàng nhanh chóng với số vốn nhỏ là thách thức lớn đối với Bao Hoang. Bao Hoang lựa chọn nhượng quyền thương hiệu Rolld để mở rộng và tìm kiếm thêm nhà đầu tư. Đến nay, 70% chi nhánh của Rolld do Bao Hoang và hai người đồng sáng lập sở hữu, số còn lại là chi nhánh nhượng quyền.

    "Để gây dựng một thương hiệu ẩm thực tại Australia là điều không đơn giản. Vì vậy, khi khởi nghiệp chúng tôi phải phát triển thương hiệu thật mạnh để đảm đảm đứa con tinh thần không bị chết yểu", ông chủ người Việt chia sẻ.

    Mục tiêu của Bao Hoang đến cuối năm 2018 là Rolld có 100 nhà hàng chi nhánh. Đồng thời, anh cũng lên kế hoạch mở rộng ra nước ngoài, cụ thể là Philippines và Mỹ.

    Viethome (theo Ngôi Sao)

  • Chủ nhân chiếc Cup cuộc thi danh giá tại Ba Lan là một cô sinh viên đang học ngành tài chính. 

    Ola Nguyen cùng chiếc Cup chiến thắng. Ảnh: Masterchef.tvn.pl.

    "Ola Nguyen là Vua đầu bếp mới của Ba Lan. Xin chúc mừng!", masterchef.tvn.pl, trang web cuộc thi Masterchef của Ba Lan đăng tải hôm qua.

    Nguyen, 21 tuổi, sinh ra ở Việt Nam, theo tạp chí về người nổi tiếng của Ba Lan Gala.pl. Gia đình cô đến Ba Lan khi Ola mới 7 tuổi. Hiện Nguyen đang học chuyên ngành tài chính tại Trường Kinh tế SGH Warsaw ở Warsaw, thủ đô Ba Lan. Nguyen yêu các món ăn của cả Việt Nam và Ba Lan.

    Người chiến thắng giành được giải thưởng trị giá 100,000 zlotys, tương đương hơn 26.300 USD, có cơ hội xuất bản cuốn sách dạy nấu ăn của mình và sở hữu danh hiệu MasterChef. Đây là cuộc thi Masterchef mùa thứ 7 của Ba Lan.

    Ola Nguyen cùng ban giám khảo cuộc thi. Ảnh: Masterchef.tvn.pl.

    Sau nhiều vòng thi căng thẳng trước đó, có 3 thí sinh lọt vào vòng cuối gồm Martyna Chomacka, Ola Nguyen và Lorek Zediu. 

    Nto.pl miêu tả sau phần thi diễn ra gay cấn và nhiều cảm xúc. Thí sinh Martyna Chomacka bị loại đầu tiên vì nhận được ít điểm nhất từ ban giám khảo.

    Sau đó, 2 đầu bếp còn lại thi đấu với nhau và phải chuẩn bị một bữa ăn đầy đủ khai vị, món chính và tráng miệng dưới áp lực về thời gian. Cuối cùng, thí sinh gốc Việt Ola Nguyen đã xuất sắc vượt qua đối thủ Zediu và trở thành quán quân Vua đầu bếp Ba Lan mùa 7.

    Hình ảnh Ola Nguyen trong cuộc thi. Ảnh: Masterchef.tvn.pl.

    Viethome (theo VnExpress)

  • Trang Daily Mail (Anh) mới đây đăng tải một bài viết dài kể về câu chuyện của nữ doanh nhân xinh đẹp gốc Việt - Diễm Fuggersberger, người đồng sáng lập nên 'Đế chế thực phẩm' Berger Ingredients trị giá hàng triệu USD ở Australia.

    Doanh nhân gốc Việt Diễm Fuggersberger. (Ảnh: Coco&Lucas/Facebook/DailyMail)

    Diễm Fuggersberger cùng chồng là Werner Fuggersberger từng sở hữu một doanh nghiệp trị giá 27 triệu USD, tuy nhiên công ty này sớm bị phá sản và kéo hai vợ chồng rơi vào vòng xoáy nợ nần năm 2009.

    Sớm đứng dậy từ đáy sâu khủng hoảng, chỉ một năm sau, nữ doanh nhân 46 tuổi gốc Việt đã gây dựng nên Berger Ingredients - một doanh nghiệp thực phẩm lớn, trị giá hàng triệu USD, khiến cho nhiều người phải kinh ngạc và thán phục.

    Có thể nói, ở thì hiện tại, Diễm đang có một cuộc sống mà nhiều người ao ước, thế nhưng, ít ai biết được quá khứ thăng trầm và những khó khăn, tủi cực mà người phụ nữ này từng phải trải qua để có được ngày hôm nay.

    Câu chuyện mà Diễm chia sẻ với Daily Mail dưới đây kể về hành trình đáng kinh ngạc của một cô bé nhập cư không có lấy một đồng xu dính túi, không biết tiếng Anh trở thành một nữ doanh nhân thành đạt ở xứ sở chuột túi.

    Một hộp thực phẩm dinh dưỡng dành cho trẻ em do công ty Diễm sản xuất. (Ảnh: Coco&Lucas/Facebook/DailyMail)

    Diễm cùng bố mẹ đến Australia trên một con thuyền chật chội chất hơn 500 người khi mới chỉ 7 tuổi. “Chúng tôi chia sẻ con thuyền với 504 người khác. Không có buồng ngủ hay toilet riêng. Do thuyền quá nhỏ nên chỉ có bánh quy, đồ ăn nhẹ và nước chứ không có những suất ăn như bình thường. Chúng tôi phải tính toán để đảm bảo làm sao không bị chết đói hay hết nước trước khi thuyền cập bờ”, Diễm nói với tờ news.com.au.

    “Thuyền chúng tôi bị cướp biển tấn công. Chúng lấy đi hết tài sản rồi bỏ rơi con thuyền giữa biển. Chỉ một vài giờ sau đó, một cơn bão lớn ập đến và thuyền chúng tôi gần như bị lật úp”, cô kể thêm.

    Nhờ sự hỗ trợ kịp thời của một tổ chức cứu hộ, Diễm cùng gia đình đã cập bờ an toàn tới một hòn đảo của Indonesia. Tại đây, gia đình cô cùng sinh hoạt dưới một mái nhà bên trong trại tị nạn với 5 gia đình khác. Họ sống ở đây trong 18 tháng.

    Diễm kể từng chứng kiến cảnh một người nhập cư tự tử bên trong trại tị nạn. Cô cũng nhớ về những ký ức kinh hoàng khi mọi người cùng vật lộn chống chọi với căn bệnh sốt rét.

    Năm 8 tuổi, Diễm cùng gia đình đến Australia. Nhưng ngày đó, không một ai trong gia đình Diễm biết tiếng Anh và không sở hữu gì ngoài bộ quần áo mặc trên người.

    “Ngoại ngữ chưa tốt và phải sống trong điều kiện nghèo khổ, chúng tôi thường xuyên bị bắt nạt và phải nhận những lời nhận xét kỳ thị, phân biệt. Đó là một quãng thời gian tủi cực”, Diễm chia sẻ với tờ Women in Focus trong một bài phỏng vấn năm 2012.

    Doanh nhân Diễm Fuggersberger sinh ra ở Bạc Liêu và hiện đang sinh sống ở thành phố cảng Sydney, Australia. (Ảnh: Coco&Lucas/Facebook/DailyMail)

    Học xong trung học, Diễm gặp gỡ và phải lòng người chồng hiện tại là anh Werner Fuggersberger. Họ kết hôn và sinh được hai người con.

    Đến năm 2009, do ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, công ty vợ chồng Diễm bị phá sản và mất 27 triệu USD, mắc nợ 900.000 USD và khiến 120 nhân viên mất việc. "Lần đầu tiên đến Australia, tôi không có gì trong tay và đến năm 37 tuổi, tôi tiếp tục tay trắng. Cảm giác này khiến tôi thấy như một lần nữa trở thành người tị nạn. Khó khăn chồng chất bởi lúc ấy tôi có hai con nhỏ và 20 thành viên trong gia đình cần chăm sóc", Diễm kể trên news.com.au.

    Đứng dậy sau thất bại

    Diễm cùng chồng nhanh chóng tìm giải pháp thay đổi tình hình. Bằng kinh nghiệm của một bà nội trợ, cô nhận thấy thị trường đang khan hiếm đơn vị cung cấp gia vị và hương liệu. Cô cũng hiểu được khao khát có bữa ăn chất lượng cho con mà không mất nhiều thời gian vào bếp của các bà mẹ. Từ đó, bà mẹ hai con nảy ra ý tưởng kinh doanh thực phẩm dinh dưỡng dành cho trẻ em. 

    Năm 2009, vét hết số tiền còn lại, vợ chồng cô thành lập công ty Berger Ingredients chuyên về gia vị và thực phẩm. Diễm cùng cộng sự nghiên cứu công thức chế biến gia vị và thực phẩm đóng hộp ăn liền nhưng vẫn đảm bảo thành phần dinh dưỡng.

    Cùng năm đó, sản phẩm của công ty ra mắt thị trường được nhiều người yêu thích và không đáp ứng đủ nhu cầu. Tuy nhiên khi ấy, vợ chồng Diễm đã cạn sạch vốn liếng và lợi nhuận thu về không đủ để mở rộng sản xuất.

    Diễm quyết định gõ cửa các ngân hàng để vay vốn nhưng không nơi nào hứng thú với việc kinh doanh nhỏ lẻ của công ty cô. Cuối cùng, Commonwealth là ngân hàng duy nhất chấp nhận cho bà chủ người Việt vay 50.000 USD. Nhân lúc làm việc với giám đốc ngân hàng, cô nhanh chóng chớp cơ hội giới thiệu sản phẩm của công ty và thuyết phục ông cho vay khoản tiền 350.000 USD.

    Kể từ đó, Diễm cùng chồng mở rộng sản xuất kinh doanh, trong đó dòng sản phẩm Coco & Lucas 'Kitchen do cô sáng lập luôn nằm trong danh mục bán chạy tại các cửa hàng bách hóa và siêu thị. Đây là thức ăn dinh dưỡng dành cho trẻ em từ 3 đến 12 tuổi. 

    Ngày nay, công ty của doanh nhân gốc Việt Diễm Fuggersberger được định giá hàng chục triệu USD và được truyền thông Australia khen ngợi hết lời. Cô được ưu ái gọi là "bà chủ đế chế thực phẩm" tại Australia. 

    Chia sẻ với những người đang gặp phải khó khăn trong công việc kinh doanh, Diễm nói: “Khi những con đường chéo mở ra trước mắt bạn, trước khi nghe theo trực giác, hãy tin vào bản năng của bạn và đừng ngại lựa chọn con đường gập ghềnh hơn”

    Nữ doanh nhân gốc Việt bên sản phẩm của công ty mình (Ảnh: Coco&Lucas/Facebook/DailyMail)

    Viethome (theo Báo Hà Tĩnh)

  • Mới 22 tuổi, đang là sinh viên ngành quản trị kinh doanh năm cuối tại Đại Học Temple University ở Philadelphia (Mỹ), Joseph Nguyễn bỗng trở thành người chủ gia đình, phải chăm lo cho ba đứa em ở Pennsylvania, trong đó đứa út chỉ mới 12 tuổi.

    Câu chuyện thương tâm của bốn anh em họ Nguyễn này bắt đầu hồi Tháng Tám năm nay.

    Từ trái, Jessica, 13, Jonathan, 14, Jesse, 12, và Joseph, người anh lớn, 22 tuổi. (Hình: Joseph Nguyễn cung cấp)

    Vì ông ngoại bị bệnh nặng, nên ba của Joseph là ông Nguyễn Xuân Nghị, cư dân Quakertown, Pennsylvania, đưa mẹ và ba người em của Joseph về Việt Nam thăm. Joseph bận việc học ở trường nên không theo về.

    Theo lời kể lại, từ phi trường về đến khách sạn ở Nha Trang lúc 5 giờ chiều, ba mẹ cùng các em của Joseph đi ăn. Sau đó, trở về phòng, khoảng 8 giờ tối, ông Nghị kêu mệt rồi đi nằm. Trong khi đó, mẹ của Joseph, bà Nguyễn Thị Thúy Vy, phải quay lại phi trường làm thủ tục tìm hành lý thất lạc.

    Sau đó bà Vy trở về khách sạn và ngủ cạnh chồng mà không biết cuộc đời bà sẽ hoàn toàn thay đổi từ đấy.

    Hai giờ sáng, bà Vy thức dậy uống nước. Thấy chồng nằm sấp thay vì nằm ngửa như thói quen, bà lay chồng nhưng ông không trả lời. Tay chân ông lạnh và cứng ngắt. 

    Sợ quá, bà lật ngửa ông lên thì mới hay ông tắt thở từ lâu. Bác sĩ cho biết ông Nghi bị tai biến mạch máu não. Ông Nghi qua đời sau khi đến Việt Nam chỉ vài giờ, chưa kịp thăm bố vợ. Khi mất, ông chỉ 57 tuổi.

    Đang ở Mỹ, Joseph nhận được được điện thoại của đứa em, báo tin “Ba không chịu thức dậy”.

    “Mới đầu, con không hiểu gì hết vì nó vừa nói, vừa khóc. Tới khi hiểu, con không biết nghĩ gì. Mới gặp ba đây mà bây giờ ba chết rồi. Tội má con quá!” Joseph nói. “Lúc đó là Tháng Tám.”

    Cáo phó anh Nguyễn Xuân Nghị. (Hình: Châu Thanh Trúc cung cấp)

    Chỉ có một tiếng thăm cha, bà Vy phải vội vàng bay vô Sài Gòn để làm thủ tục đưa thi hài chồng trở về Pennsylvania theo ý muốn của cha mẹ ông, hiện sống ở Florida.

    Khi ba mất, dù sắp xong bằng Cử Nhân, nhưng Joseph muốn bỏ học để phụ má đi làm kiếm tiền nuôi các em. Tuy nhiên, bà Vy dứt khoát muốn con phải học cho xong.

    Joseph cố gắng nói: “Nhà con nghèo. Má con làm nail ở tiệm Inter Nails & Day Spa, ba con quét dọn cho GlaxoSmithKline Pharmaceuticals, một viện bào chế thuốc Tây.”

    Em khóc nức nở qua điện thoại “face time” khi nói chuyện với phóng viên Người Việt: “Má nhắc con là ba và má đều muốn con phải có bằng đại học.”

    Chôn cất người chồng chung vai sát cánh bên mình suốt 24 năm qua chưa được ba tháng, thì một Chủ Nhật, 4 Tháng Mười Một, chị Vy ho ra máu và thở rất khó khăn.

    Joseph đưa mẹ vào nhà thương.

    Sáng hôm sau, bà Vy trút hơi thở cuối cùng lúc 5 giờ, cũng vì tim mạch, theo kết luận của bác sĩ.

    Cáo phó chị Nguyễn Thị Thúy Vy. (Hình: Câu Thanh Trúc cung cấp)

    “Câu nói cuối cùng của má con là, ‘Má sợ vô nhà thương lắm, con ơi,’” Joseph nghẹn ngào.

    Mồ côi cả cha lẫn mẹ chỉ trong vòng ba tháng ngắn ngủi, Joseph sững sờ như người mất hồn. Em nói: “Con không biết làm sao mà con đi học lại được, vì bây giờ, trách nhiệm của con là phải lo cho ba đứa em.”

    Các em Joseph là Jonathan 14 tuổi, Jessica 13 tuổi, và Jesse chỉ mới 12 tuổi.

    Joseph không bao giờ quên được lúc bác sĩ rút ống để mẹ em ra đi. Ba tháng trước, em đột ngột mất cha. Bây giờ, em đột ngột mất mẹ.

    Kinh khủng hơn cả lúc phải chứng kiến cảnh mẹ mình trút hơi thởi cuối cùng là lúc Joseph phải ra báo hung tin cho ba đứa em. “Từ lúc ba con mất, mấy em con cứ sợ má con cũng ra đi,” Joseph nói đứt khúc.

    Em nghẹn ngào: “Tiếng tụi nó òa khóc làm con không cầm lòng nổi.”

    Bốn anh em ôm nhau khóc ngất trong bệnh viện lạnh lẽo.

    Từ nay trở đi, bốn đứa trẻ chỉ còn có nhau.

    Phóng viên Người Việt phỏng vấn Joseph Nguyễn qua Face Time. (Hình: Thiện Lê/Người Việt)

    Ngày còn sống, cha mẹ các em vẫn nhắc nhở rằng trên đời này, không gì quan trọng bằng gia đình cả, theo Joseph.

    Càng lúc, ý muốn bỏ học để lo cho các em càng cao, nhưng Joseph biết nguyện vọng của cha mẹ là muốn em hoàn tất việc học. “Bởi vậy con đang xin các giáo sư cho con học mùa chót trên ‘internet’ vì con phải ở nhà với mấy em,” Joseph nói. “Nhất là Jessica, vì nó rất gần gũi ba con.”

    Bình thường, Joseph ở trọ gần trường để đi học, vì nhà em cách trường quá xa.

    Cô Châu Thanh Trúc, chủ tiệm Inter Nails & Day Spa, nơi mẹ của Joseph làm việc trong 10 năm qua, kể: “Từ khi anh Nghị mất, chị Vi sụt ít nhất là 20 pound. Người chị sa sút thấy rõ, nhưng không ai ngờ chị lại ra đi đột ngột như anh ấy. Mới Thứ Bảy chị còn làm ở tiệm mà Chủ Nhật, chị không còn nữa.”

    Theo nhận xét của cô Trúc, ba mẹ Joseph là một cặp vợ chồng lý tưởng. “Hai người hết sức thương nhau và hết sức thương con,” cô Trúc nhớ lại.

    Cô cho biết bà Vy chỉ làm việc bán thời gian vì chị muốn dành sức để chăm sóc các con.

    Cô Trúc kể: “Bất cứ chuyện gì, dù lớn hay nhỏ, chị ấy cũng muốn đích thân lo cho mấy đứa. Tụi nhỏ rất may mắn có chị Vy là mẹ, và hai vợ chồng cũng rất may mắn được có nhau.”

    Cô tiếp: “Tôi cứ khuyên Joseph hoài là, ‘Bây giờ con vừa là cha, vừa là mẹ của mấy em. Con phải can đảm mà học xong theo ý cha mẹ để có thể giúp các em nhiều hơn.”

    Bà nội Joseph từ Florida bay qua, định giúp các cháu. Nhưng vì ở tuổi ngoài 80, lại không quen lạnh nên bà không giúp được gì nhiều.

    Theo lời Joseph, ngày còn sống, ông Nghị thường về nhà trước, lo cơm nước cho gia đình. “Ba con đổ bánh xèo ngon lắm. Mỗi lần về nhà là con nói ba làm món này,” Joseph rưng rưng kể. “Bây giờ, con không biết làm bánh xèo cho mấy em con.”

    Ngày trước, anh Nghi hay đàn guitar cho chị Vy hát trong lúc các con ngồi học. Jessica, bé gái, chơi dương cầm rất hay và ông Nghị cũng thường ngồi bên thưởng thức tiếng đàn của con mình. “Ba mất, Jessica buồn lắm, vì nó rất gần ba con,” Joseph lo cho em. “Mà đứa nào cũng thương ba má hết.”

    Bây giờ, tiếng guitar của ba và giọng ca của mẹ không còn nữa. Jessca cũng không muốn đến gần cây dương cầm. 

    Thay vào tiếng nhạc, gian nhà chỉ còn tiếng khóc của bốn trẻ mồ côi.

    “Con không tưởng tượng Lễ Giáng Sinh năm nay sẽ ra sao trong nhà con. Mọi năm trước, gia đình con quây quần nấu thức ăn, kể chuyện vui trong năm lúc ăn uống, rồi ra sa-lông coi TV rồi mở quà. Vui lắm,” Joseph cố dằn cơn nức nở.

    Giáng Sinh năm nay, trong căn nhà vắng lặng ở Pennsylvania, có bốn đứa bé bên nhau nghe tiếng sột soạt chén dĩa. Trên bàn thờ, ba mẹ lặng lẽ nhìn các con trong thinh lặng ngàn thu.

    Joseph chuẩn bị bán căn nhà của cha mẹ vì trợ cấp chính phủ chỉ có $3,500 một tháng, trong lúc chi phí lên hơn $5,000. Lương em, nếu bỏ học, làm full time chỉ được $1,400 trước khi trừ thuế.

    Hai quỹ Go Fund Me dưới đây do bà nội Joseph nhờ người quen lập cho em. Mọi đóng góp đều vào trương mục của em, Joseph khẳng định.

    https://www.gofundme.com/Vivian-Nguyen

    https://www.gofundme.com/help-for-vi-amp-peter039s-kids

    Ngoài ra, nếu ai muốn giúp bốn đứa trẻ mồ côi này một cách trực tiếp, có thể gởi ngân phiếu cho Joseph Nguyễn về tiệm cô Châu Thanh Trúc ở 1741 N Broad St., Lansdale, PA 19446.

    Báo địa phương nơi các em sống có đăng tin về hoàn cảnh thương tâm này:

    http://www.buckscountycouriertimes.com/opinion/20181121/gianficaro-orphaned-children-of-nguyen-family-of-quakertown-need-strength-this-thanksgiving

    Viethome (theo Người Việt)

  • Ngày nay khi bước chân vào bất kì quán phở nào của người Việt tại Mỹ, trên bàn ăn hầu hết đều có chai tương với nhãn hiệu hình con gà trống với tên gọi Sriracha.

    David Tran và chai tương ớt nổi tiếng Sriracha.

    Với người châu Á, cay là thứ vị quen thuộc nhưng khi xa quê hương lại khó có thể tìm được hương vị bản xứ. Những năm đầu thập niên 80, một người nông dân gốc Việt tên David Tran từng nếm thử tương ớt tại Chinatown và thấy các sản phẩm này thua xa loại tương quê hương. Từ đây, ông quyết định bắt tay vào làm tương ớt chỉ với mong muốn ban đầu sẽ được các tiệm phở Việt trên đất Mỹ ưa chuộng hơn là cộng đồng các nước châu Á khác.

    Thế nhưng thành công đến ngoài mong đợi, loại tương ớt này ngày càng thu hút không chỉ những người gốc Á mà cả những người không phải gốc Á.Ngày nay khi bước chân vào quán phở bất kỳ của người Việt tại Mỹ, trên bàn ăn hầu hết đều có chai tương với nhãn hiệu hình con gà trống với tên gọi Sriracha.

    “Trong tất cả các siêu thị và khu chợ của người Việt và người Hoa ở cả 2 miền Đông và Tây nước Mỹ như khu Eden gần Washington DC, vùng Texas hay California rộng lớn, cả trong quán Phở Tự do ở Manhattan, chuỗi quán Phở Sài Gòn hay nhà hàng Phở Kim Long nổi tiếng nhất nhì Las Vegas, chúng ta đều bắt gặp những chai tương ớt nhãn hiệu Sriracha”, chuyên gia thương hiệu Võ Văn Quang cho biết về độ phủ sóng rộng rãi của Sriracha. Không chỉ xuất hiện trong các khu buôn bán, ẩm thực của người Việt, Sriracha còn có mặt ở khắp các quán ăn Trung Quốc, Nhật Bản, Mexico.

    Những tạp chí ẩm thực như Bon Appétit từng tuyên bố tương ớt này là một phần của năm 2010. Cook’s Illustrated thì gọi nó là tương ớt ngon nhất năm 2012. Sriracha là một trong ba vị mới được chọn trong sản phẩm khoai tây chip của Lays năm 2013. Trên thị trường tương ớt Mỹ hiện nay, Sriracha là một những thương hiệu lớn bên cạnh Heinz, Tabasco và Frank’s Red Hot.

    Định hình chuẩn cay hương vị Việt.

    Nhà sáng lập David Tran sinh năm 1945 vốn là nông dân chính hiệu và quen với việc trồng ớt, làm tương ớt bán nhỏ lẻ. Năm 1977 ông Tran rời Việt Nam, năm 1980 nhập cư vào Mỹ.

    Vừa mới đặt chân đến đất Mỹ, ông đã bắt tay ngay vào trồng ớt và sản xuất tương ớt gần Chinatown thuộc Los Angeles với số tiền 50.000 USD tích cóp của gia đình sau khi bị ngân hàng từ chối cho vay.

    David Tran đồng thời lập ra công ty Huy Fong Food. Với công thức gia truyền và máy móc chính tay tự chế, David Tran tạo ra 5 loại tương gồm sa tế tiêu, Sambal Oelek, Tương tỏi ớt, Sambal Badjak và tương ớt Sriracha.

    Siracha là loại tương ớt nổi tiếng nhất với nhãn hiệu con gà được cho là biểu tượng năm sinh của nhà sáng lập này.

    Ông David Tran (thứ 2 từ phải sang).

    Sau 7 năm thành công ngoài dự đoán tại Chinatown, Huy Fong quyết định mở rộng quy mô sản xuất bằng việc mua lại khu đất rộng hơn 6.300 m2 từng là sở hữu của một nhà máy dược tại Rosemead, California để trồng ớt.

    Đến năm 1996, Huy Fong lại lần nữa đối mặt với những giới hạn về diện tích khi sức tiêu thụ tăng mạnh, ông David Tran quyết định mua lại cơ sở vật chất của nhà máy Whamo, khá gần Rosemead với diện tích gần gần 16.000 m2.

    Đến năm 2010, David Tran may mắn tìm được vùng đất khá rộng tới hơn 60.000 m2 tại Irwindale để xây dựng nhà máy lớn hơn phục vụ cho nhu cầu sản xuất ngày càng tăng bên cạnh 2 nhà máy tại Rosemead.

    Trang Quartz cho biết trong năm 2014, nhà máy này có công suất 3.000 chai mỗi giờ, vận hành 24 giờ mỗi ngày, 6 ngày mỗi tuần, gấp 2,5 lần so với hệ thống cũ. Nhà máy này cũng được mở cửa miễn phí cho khách tới tham quan hoạt động sản xuất tương ớt Sriracha nổi tiếng.

    Khách tham quan Huy Fong Foods.

    Tương ớt là một trong những ngành có mức tăng trưởng cao nhất ở Mỹ. Hưởng lợi từ xu hướng này, mỗi năm Huy Fong bán được 20 triệu chai tương ớt, doanh thu năm 2013 theo tạp chí Huffingtonpost công bố đạt mức 60 triệu USD, tăng trưởng 20% hàng năm.

    Tại Việt Nam, tương ớt Sriracha đã bắt đầu thâm nhập thị trường từ năm 2008 với thương hiệu Vị Hảo.

    Công ty TNHH Vị Hảo do ông Johnson Lâm, đồng sáng lập Huy Fong, cũng là em vợ của ông David Tran lập nên tuy nhiên thương hiệu này không sử dụng hình ảnh con gà mà sử dụng hình ảnh con rồng.

    Những thách thức lớn với ông vua tương ớt

    Mặc dù được giới thiệu từ năm 1983 nhưng ông David Tran không hề chi cho quảng cáo trên các phương tiện thông tin đại chúng, khách hàng đến với sản phẩm chủ yếu qua truyền miệng, số điện thoại ghi trên sản phẩm và website của Huy Fong. Mới gần đây, công ty này bắt đầu mở cửa tham quan nhà máy tại Irwindale như một hoạt động quảng bá hình ảnh.

    Tuy nhiên trước sự thành công của Sriracha, hai nhà sản xuất lớn là Heinz và Tabasco cũng bắt tay vào sản xuất tương ớt có vị tương tự.

    “Tôi sợ Heinz và Tabasco bởi họ quá lớn và là những công ty nổi tiếng”, ông David Tran cho biết. “Công ty tôi có thể mất thị phần và thu nhập nếu họ thành công”, nhà sáng lập này lo lắng. Việc không đầu tư cho quảng cáo đã phần nào tạo ra bất lợi cho Huy Fong trước cuộc cạnh tranh này.

    Công ty này từng cố gắng đăng ký bản quyền tên “Sriracha” tuy nhiên các nhà quản lý từ chối vì đây là tên được dẫn từ Si Racha, một thị trấn ven biển của Thái Lan. Chính vì vậy mặc dù Sriracha được Huy Fong làm cho nổi tiếng nhưng dễ bị xâm phạm bởi các công ty khác.

    Chai tương ớt Huy Fong hiệu con gà với hàng chữ tiếng Việt đã trở thành một “biểu tượng văn hóa tại Mỹ” – Ảnh: Business Week

    Cũng chính vì việc ít người biết đến việc sản xuất của Huy Fong từ nguyên liệu nội địa trồng tại California mà chỉ biết đến hương vị của loại tương này.

    Việc tự trồng nguyên liệu thay vì nhập khẩu như những đối thủ cạnh tranh lớn khác khiến chi phí sản xuất của Huy Fong lớn hơn, cũng tạo ra điều bất lợi khác.
    Một thách thức lớn khác của Huy Fong là mặc dù tăng quy mô trồng ớt nhưng điều này gây khó khăn và tốn kém, bị động hơn nhiều so với việc nhập khẩu.

    “Khách hàng không để ý tới nguồn nguyên liệu sản xuất ra Sriracha đến từ đâu và điều này có thể ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh nội địa của chúng tôi khi nguyên liệu nhập khẩu rẻ hơn nhiều”, David Tran chia sẻ với tạp chí Huffingtonpost.

    Viethome (theo Trí Thức Trẻ)

  • Theo bản tin của Today.com, Dee Nguyễn, con trai của người tị nạn Việt Nam, vượt biên đến Mỹ khi còn là cậu bé với mơ ước sẽ trở thành bác sĩ hoặc luật sư. Thế nhưng, anh lại chọn nghề đầu bếp, niềm đam mê cuốn hút mọi người bằng tài nấu nướng những món ngon tuyệt vời.

    Tốt nghiệp Học viện Culinary California (Mỹ), Dee Nguyễn vào làm đầu bếp nhà hàng Ritz Carlton ở Laguna Niguel, đầy tự tin sẽ trở thành người quản lý một nhà hàng chỉ vài năm sau đó.

    Vợ chồng anh Dee Nguyen và bé Berlin lúc còn nhỏ.

    Anh kết hôn với Linh Hứa, mong đợi đứa con đầu lòng với đầy ắp nỗi hy vọng về một tương lai hạnh phúc rộng mở. Thế nhưng con trai của hai người, bé Berlin chào đời tháng 12 năm 2001 bị một chứng bệnh hiếm gặp ở dạ dày, bàng quang và thận cần phải phẫu thuật nhiều lần để bảo toàn tính mạng.

    Tuy nhiên, sự tiến bộ của ngành y khoa qua những lần phẫu thuật không giúp Berlin cải thiện sức khoẻ mà tồi tệ hơn vì sơ suất của bác sĩ khiến cậu bé ngưng thở đến 15 phút đồng hồ.

    Dee Nguyễn quyết định rời nhà hàng Ritz Carlton, lui về mở một nhà hàng điểm tâm lấy tên là Break of Dawn ở Laguna Hills bán bánh mì nướng Toast Crème Brulee của Pháp với bánh quế nhúng cà phê.

    Ít ai biết nguyên nhân khiến nhà hàng của Dee Nguyễn nằm trong khu mua sắm Orange County chỉ mở cửa chưa tới 20 tiếng đồng hồ mỗi tuần mặc dù khách khứa lúc nào cũng đông nghẹt.

    Dee Nguyễn chỉ có mặt ở đấy trong thời gian Berlin không ở nhà. Berlin không đi được, nói khó khăn và cần sự săn sóc của cha mẹ trong suốt cuộc đời.

    Suốt 17 năm qua, Dee Nguyễn chỉ ngủ mỗi ngày không quá 3 tiếng đồng hồ, kể từ khi có Berlin. Anh phải theo dõi không bao giờ ngừng nghỉ để giữ bàng quang của cậu bé trống rỗng sau mỗi 3 đến 4 tiếng đồng hồ, và ngồi hàng giờ trong phòng tắm để con trai không bị đau ruột. Còn Linh Hứa, một dược sĩ thì săn sóc thật kỹ nên răng của cậu bé trắng sạch, thẳng hàng và không bị sâu.

    Holly Hellberg, người săn sóc Berlin ở trường học nói chưa bao giờ thấy đôi vợ chồng trẻ thất vọng, sầu đau hay oán hận cuộc sống tất bật vì đứa con bệnh tật. Họ cố gắng tận hưởng hạnh phúc bên nhau.

    Dee Nguyễn viết nhật ký đánh dấu sinh nhật thứ 16 của Berlin, nói rằng chính cậu bé có đôi mắt sáng và luôn mỉm cười đã dạy cha mẹ cậu biết cách sống và yêu thương, giúp họ nhận ra ý nghĩa quan trọng của cuộc đời, không phải là tiền bạc hay địa vị xã hội.

    Viethome (theo sbtn)

  • Bà Aurélia Nguyen, một phụ nữ người Pháp gốc Việt, đã được bổ nhiệm làm Giám đốc điều hành chương trình chia sẻ vắc xin toàn cầu COVAX của Liên Hợp Quốc từ tháng 10/2020.

    covax nguyen
    Bà Aurélia Nguyen - Giám đốc điều hành chương trình chia sẻ vắc xin toàn cầu COVAX (Ảnh: GAVI).

    Theo thông tin trên trang web của Liên minh toàn cầu về vắc xin và tiêm chủng (GAVI), với vai trò này, bà Aurélia Nguyen đang điều phối việc mua và bàn giao vắc xin Covid-19 cho 190 quốc gia và vùng lãnh thổ tham gia cơ chế COVAX.

    COVAX là sáng kiến toàn cầu duy nhất phối hợp với các chính phủ và nhà sản xuất toàn cầu để đảm bảo việc tiếp cận vắc xin Covid-19 công bằng trên phạm vi toàn thế giới.

    Trước khi được bổ nhiệm làm Giám đốc điều hành COVAX, bà Aurélia Nguyen từng là Giám đốc điều hành phụ trách vấn đề Vắc xin và Bền vững của GAVI với vai trò điều phối công tác thiết kế các chương trình vắc xin của GAVI. Bà và đội ngũ có nhiệm vụ thiết kế các biện pháp hỗ trợ tài chính cho các chương trình vắc xin và thị trường nhằm mở rộng việc tiêm các vắc xin thiết yếu của thế giới.

    Bà cũng từng giữ nhiều chức vụ khác nhau trong giai đoạn 1999 - 2010, trong đó có vai trò cấp cao trong GlaxoSmithKline - một hãng dược hàng đầu của nước Anh. Bà từng đảm nhận nghiên cứu cho Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) về các chính sách thuốc generic.

    Bà Aurélia có bằng thạc sĩ về chính sách y tế, về hoạch định tài chính của Trường Y dược Nhiệt đới và Dịch tễ London và Trường Kinh tế London.

    Hồi tháng 2 năm nay, bà Aurélia Nguyen lọt vào danh sách "Time 100 Next" theo bình chọn của tạp chí Time nhằm tôn vinh 100 cá nhân được đánh giá có tầm ảnh hưởng đến tương lai của lĩnh vực mà họ đang làm việc và thế hệ tương lai.

    Theo Dân Trí

  • Hải Yến cùng chồng người Đức Daniel Schechter bỏ nhiều công sức để đưa con dao truyền thống của Cao Bằng sang thị trường vốn đã nổi tiếng thế giới về các sản phẩm gia dụng.

    vo viet chong duc mang dao cao bang 1
    Hải Yến và Daniel Schechter cầm trên tay những sản phẩm dao được rèn ở Việt Nam, được chuyển sang bán tại Đức. Ảnh đăng trên tạp chí địa phương ở Đức, chụp bởi Carsten Scheibe.

    Cuối năm 2021, Hải Yến (đang sống tại Berlin, Đức) cùng chồng bắt đầu hiện thực hóa ý tưởng kinh doanh dao bếp, khi nhận thấy nhu cầu nấu nướng tăng lên kể từ khi đại dịch bùng phát. Chồng của cô là Daniel Schechter, hiện làm trong lĩnh vực logistics, hoàn toàn ủng hộ ý tưởng của vợ. Họ nghiên cứu và tự thiết kế các mẫu dao rồi chuyển cho một xưởng rèn ở Cao Bằng, Việt Nam làm theo. Toàn bộ quá trình rèn dao đều được làm thủ công.

    Thương hiệu dao Heritedge Viet Crafts của Hải Yến ra đời khi đó đã tạo được nhiều ấn tượng trong cộng đồng người Việt nói riêng và người tiêu dùng ở Đức nói chung. Một tờ báo địa phương cũng đã tìm gặp và phỏng vấn Hải Yến để nghe cô chia sẻ về hành trình mang đồ thủ công Việt Nam ra thế giới.

    Dao Long, Rùa, Hạc, Chép…

    Hải Yến gặp chồng cách đây 10 năm khi anh làm việc cho một tổ chức phi chính phủ ở Hà Nội. Năm 2015, Yến đi du lịch bụi bằng xe máy tới một số tỉnh miền Đông Bắc, nơi có các dân tộc thiểu số sinh sống, trong đó có làng dao truyền thống của người Nùng. Cô mua một con dao về dùng và đến bây giờ vẫn rất thích chiếc dao đó.

    Kết hôn năm 2017, đến 2019 thì Yến cùng chồng về Berlin sinh sống. Hai vợ chồng Yến rất hứng thú với thương mại quốc tế và luôn muốn đem sản phẩm của Việt Nam thâm nhập thị trường lớn hơn. Từ trải nghiệm sống tại Việt Nam, Yến và chồng quyết định thành lập công ty để kinh doanh dao. Ý tưởng hình thành từ khá sớm, nhưng phải đến 2021, cô mới thật sự bắt tay vào làm.

    vo viet chong duc mang dao cao bang 1
    Vùng núi Cao Bằng, nơi Hải Yến và chồng tìm thấy nghề rèn dao và mang sản phẩm sang bán tại Đức. Ảnh: NVCC

    Yến bắt đầu tìm hiểu về nghề rèn ở Việt Nam nói chung và tại Cao Bằng nói riêng, nơi có cộng đồng người Nùng vốn làm rèn từ thế kỷ 11. Theo một số nghiên cứu, họ thậm chí còn bắt đầu sớm hơn, và đến nay vẫn có một bộ phận người duy trì truyền thống đó. Làng dao trước có thời rèn vũ khí như đao, kiếm rồi chuyển đổi theo thời gian. Hiện tại sản phẩm chủ yếu của họ là công cụ lao động, dao, với nhiều mẫu mã đa dạng, kiểu truyền thống của Việt Nam.

    Nhờ các mối quan hệ ở quê nhà, Yến tìm và kết nối được với một số lò rèn mà nay đang là nơi đảm nhiệm sản xuất cho thị trường cô khai thác. Giai đoạn đầu khá khó khăn, mẫu dao do bên Yến tự lên thiết kế, gửi về nhà để làm, vận chuyển mẫu qua lại Việt Nam - Đức, tìm tòi những điểm chưa được, thảo luận, rồi gửi lại. Phải mất khoảng hơn 6 tháng, sản phẩm mới chính thức ra đời. Đó là các mẫu dao độc quyền cho thị trường châu Âu, với sự kết hợp độc đáo: Dao châu Á nhưng dành cho ẩm thực Đức.

    Vì kết nối trực tiếp với lò rèn nên Yến không cần phải qua khâu trung gian, cũng nhờ thế mà giảm thiểu được giá thành.

    Nhiều năm trở lại đây, do ít việc làm, thu nhập không ổn định thế hệ trẻ ở Cao Bằng không còn mặn mà với nghề rèn. Yến rất muốn sản phẩm thủ công của Việt Nam được nhiều người biết đến, hiểu và sử dụng, qua đó góp phần gìn giữ làng nghề, hỗ trợ cộng đồng địa phương. Đó là động lực đầu tiên để Yến bắt đầu mô hình kinh doanh này.

    vo viet chong duc mang dao cao bang 1
    Những con dao thành phẩm từ Việt Nam chuyển sang Đức. Ảnh: NVCC

    Đến nay, Hải Yến đã đưa ra thị trường 7 loại dao, nhưng khác với dao thủ công bán ở Việt Nam, cô "khoác" thêm cho sản phẩm của mình những chiếc áo đẹp hơn, bằng cách đóng hộp cẩn thận, sử dụng túi bọc chỉn chu. Mẫu dao của Hải Yến có điểm đặc biệt, đó là không gọi theo mã số mà đều quản lý theo tên, như Long, Rùa, Hạc, Chép… tất cả đều bắt nguồn từ thần thoại của nước Việt với mô tả đính kèm bên trong hộp. Như vậy mỗi khách hàng mua dao, đều được biết thêm về văn hóa Việt Nam.

    Công ty của Yến kinh doanh hai loại dao, một là dao thép không gỉ và hai là dao thép carbon. Với loại dao đầu tiên, ở Đức vốn đã có rất nhiều nhưng vì muốn tiếp cận đa dạng khách hàng hơn nên Yến vẫn chọn làm, coi như là mở rộng thêm lựa chọn cho người tiêu dùng. Tâm điểm mà Yến hướng đến là dao thép carbon, loại dao mà nếu là người Việt, sẽ ít ai còn thấy xa lạ nữa. Nó có màu ghi sẫm, không sáng bóng như thép không gỉ nhưng rất sắc bén, khi cùn cũng dễ mài lại.

    vo viet chong duc mang dao cao bang 1
    Vẻ xù xì của những con dao làm bằng thép nhíp carbon khi chưa thành hình. Ảnh: NVCC

    Lưỡi dao được rèn từ nhíp xe của các loại xe ôtô cũ nên có độ cứng cao. Dao làm bằng tay, người thợ phải dùng búa nện lên thép nhiều lần, khiến bề mặt dao không phẳng nhẵn như cắt bằng máy công nghiệp. Đó là đặc điểm riêng sản phẩm, có thể hơi xù xì nhưng những đồ thủ công nói chung đều có tì vết như thế. Bù lại, khi cầm dao lên, người dùng có thể sẽ thấy nó rất đặc biệt, như là có câu chuyện riêng.

    Cán dao cũng có nguồn gốc không giống như bình thường, chúng được làm từ gỗ nghiến, mà thực ra là gỗ lấy từ trụ của những ngôi nhà sàn cũ đã bị dỡ bỏ. Các vùng cao phía Bắc Việt Nam nghèo về tài nguyên, điều kiện thời tiết khó khăn nên luôn tận dụng với những gì sẵn có. Cột trụ để làm nhà vốn đã được người dân địa phương lựa chọn kỹ càng nên chất lượng gỗ rất tốt, độ bền cao. Điều này làm cho mỗi con dao là phiên bản độc nhất vô nhị, không thể có hai chiếc giống nhau.

    vo viet chong duc mang dao cao bang 1
    Dao nung trong lửa. Ảnh: NVCC

    Tìm chỗ đứng cho dao Việt Nam trên quê hương đồ gia dụng 'sang chảnh'

    Đức được thế giới coi là quê hương của đồ gia dụng, mà đặc biệt là dao Đức vốn nổi tiếng khắp nơi nhờ chất lượng tốt, mẫu mã sang trọng. Vậy thì câu hỏi đặt ra là làm thế nào những con dao của Hải Yến có thể cạnh tranh được trên thị trường này?

    Theo Yến, hàng hóa ở Đức không thiếu thứ gì, cả sản phẩm bản địa lẫn mọi loại dao khác từ khắp nơi trên thế giới đều có thể được tìm thấy tại đây. Đức có rất nhiều thương hiệu dao nổi tiếng như Zwilling, Wüsthof, WMF và rất nhiều vùng làm dao, như Solingen là một ví dụ. Chất liệu dao Đức chủ yếu là thép không gỉ, với bề mặt sáng loáng và gần như không có tì vết.

    Khi Yến mang dao thép carbon sang Đức, có rất nhiều người tỏ ra hiếu kỳ. Người Đức rất thích những sản phẩm được xác nhận nguồn gốc, muốn tìm hiểu xem nó có gì khác so với những thứ họ đang có trên đất nước họ. Với dao thép nhíp carbon, dù chưa bao giờ dùng nhưng họ vẫn muốn thử nghiệm nó vì thích tính chân thực của sản phẩm. Đó là lý do Yến đi từ việc muốn đưa sản phẩm thủ công của nước mình sang thị trường nước ngoài và kỳ vọng nó sẽ khơi dậy được sự hứng thú.

    Người Đức nói chung thích dùng những con dao nặng tay, kiểu cán ốp làm bằng nhựa đặc cán đinh. Khi cầm dao nặng sẽ có cảm giác cắt hoặc là chặt rất dễ, thế nhưng, với những loại dao không dựa vào trọng lượng thì lưỡi dao phải rất bén vì nếu không sẽ khiến người dùng nhanh mỏi tay.

    vo viet chong duc mang dao cao bang 1
    Thợ rèn đang kiểm tra một công đoạn làm dao. Ảnh: NVCC

    Hải Yến tự tin dao thép carbon của mình có thể giải quyết được vấn đề này, dù nhược điểm của dao không phải không có, dễ thấy nhất là khi cắt đồ có tính axit cao hơn một chút sẽ bị ố, xỉn. Thế nhưng, bỏ qua phần ngoại hình, nếu đã dùng quen dao thép carbon thì sẽ không muốn đổi sang dao công nghiệp nữa.

    Dao thủ công ở Đức có giá dao động 400 - 500 euro trong khi dao thủ công Nhật Bản thì rơi vào khoảng 200 - 300 euro. Còn về phía Yến, cô đặt mục tiêu không bán giá quá cao, chỉ dưới 100 euro. Lợi thế của cô là không qua trung gian nên sẽ dễ duy trì mức giá này. Chồng Yến cũng là một người yêu văn hóa ở quê hương vợ, anh thường nói nếu mua dao từ vùng Cao Bằng mà nhà anh đang bán, khách hàng không chỉ mua dụng cụ nấu bếp, mà còn mua cả lịch sử nghề rèn nhiều thế kỷ ở Việt Nam.

    Tại Đức, ngoài dao công nghiệp được sản xuất hàng loạt thì thị trường dao thủ công cũng khá sôi động, dao thủ công Việt Nam cũng đã được bán tại đây, nhưng chưa mở rộng nhiều. Hải Yến hiện chưa có cửa hàng trực tiếp mà mới đang dừng ở bán online. Cô thu hút sự chú ý bằng cách làm nội dung và hình ảnh thật tốt trên Facebook và Instagram. Sắp tới, sản phẩm của Yến sẽ có mặt tại khu chợ hàng thủ công tại Berlin như Steglitz-Zehlendorf, Mauerpark...

    Có một tín hiệu đáng mừng là hiện các cửa hàng đầu tiên mà Hải Yến gửi dao tới bán đều mong muốn hợp tác thêm. Doanh thu trong năm đầu tiên cũng rất khả quan và Yến hy vọng có thể làm tốt hơn trong năm sau.

    Sản lượng dao Yến nhập sang Đức nếu để so với các doanh nghiệp khác thì có vẻ nhỏ hơn nhưng quan điểm của cô là thăm dò thị trường theo từng bước, vừa làm hài lòng khách hàng và cũng đồng thời dành thời gian để xưởng ở Việt Nam có thể rút kinh nghiệm và làm tốt hơn.

    vo viet chong duc mang dao cao bang 1
    Đầu bếp Mike Süsser đang hợp tác với Hải Yến trên sản phẩm dao thủ công Việt Nam. Ảnh: NVCC

    Đối tác nổi tiếng mà Hải Yến đang kết hợp kinh doanh là đầu bếp Mike Süsser từ một chương trình ẩm thực trên truyền hình. Yến cho rằng sản phẩm nếu được sử dụng bởi những đầu bếp chuyên nghiệp thì chắc chắn sẽ được đánh giá chính xác hơn.

    Yến nói đầu bếp ở Đức có nhiều người rất thú vị, họ thể hiện quan điểm nấu ăn hoặc sử dụng nguyên liệu rất rõ ràng. Có người chuyên về đồ chay (cái này ở Việt Nam cũng có), thuần chay, hoặc cũng có người theo trường phái giảm thiểu lãng phí, tận dụng triệt để nguyên liệu trong nấu ăn. Khi họ dùng dao, cảm nhận của họ sẽ viết thêm cho chiếc dao đó một câu chuyện, khiến nó đặc biệt hơn.

    Chủ trương khác của Yến là cũng tiếp cận thêm với những người làm kinh doanh ẩm thực nhưng không có kỹ thuật nấu ăn để nghe suy nghĩ của họ về dụng cụ dao. Mỗi sản phẩm nếu được phản ánh từ nhiều chiều thì sẽ ngày càng hoàn thiện.

    Theo Cafebiz

  • Chỉ 15 năm sau khi đặt chân đến xứ cờ hoa với 2 USD trong tay, Trung Dũng đã doanh nhân sở hữu công ty tỷ đô khi mới 33 tuổi và được coi là ''huyền thoại'' trong giới công nghệ cao. Thậm chí ông còn là một trong 17 tấm gương thành công được góp mặt trong cuốn sách The American Dream (Giấc mơ Mỹ) của Dan Rather.

    ty phu cong nghe viet 1

    Làm đủ nghề để có tiền đi học và giúp đỡ gia đình

    Tiến sĩ Trung Dũng sinh năm 1967 tại Việt Nam. Bước ngoặt bắt đầu vào năm 1984, Trung Dũng rời Việt Nam sang Mỹ. Khi đó, trong túi ông chỉ có vỏn vẹn 2 USD - món quà từ người bạn, cùng vốn tiếng Anh bập bõm và một ý chí mãnh liệt phải vươn lên của bản thân.

    Nhờ quyết tâm, chàng thanh niên Trung Dũng khi đó đã vượt qua kỳ thi tại Mỹ với những kiến thức về toán và khoa học tự nhiên để được nhận vào trường ĐH Massachusetts ở Boston. Trong suốt quãng thời gian học ĐH, ông đã phải làm đủ nghề từ rửa chén trong nhà hàng đến kỹ thuật trong phòng máy tính để có tiền đóng học phí và hỗ trợ gia đình. Mỗi tháng, ông thường trích 1/3 thu nhập - khoảng 300-400 USD để gửi về nhà.

    Vượt qua tất cả khó khăn, 3 năm sau ông đã lấy được 2 bằng cử nhân về toán học ứng dụng và Khoa học máy tính. Sau đó, chàng trai Trung Dũng tiếp tục theo học chương trình đào tạo thạc sĩ và tiến sĩ. Tuy nhiên khi đang làm luận án tiến sĩ, mẹ bị ung thư nên ông buộc dừng việc học để dành toàn bộ thời gian đi làm nhằm có tiền lo cho mẹ. Đến năm 1992, Trung Dũng hoàn thành chương trình đào tạo tiến sĩ ngành Khoa học máy tính tại trường ĐH Massachusetts tại Boston.

    Tự chế máy tính, đi khắp nơi để quảng cáo phần mềm của mình

    2 năm sau, Trung Dũng giữ chức kỹ sư trưởng, phụ trách biên soạn phần mềm kinh doanh điện tử cho công ty Open Market Inc. Cuối năm 1995, sau khi mẹ mất, ông từ bỏ công việc biên soạn phần mềm, thành lập On Display Inc để theo đuổi kế hoạch: Phát triển một chương trình có thể giúp các công ty chỉ đạo, kiểm soát, quản lý công việc kinh doanh qua Internet.

    Do không đủ tiền mua máy tính xách tay, ông phải gắn chiếc máy tính cá nhân cồng kềnh với màn hình 17-inches lên chiếc xe máy Honda Civic rồi ''kéo lê'' đi khắp nơi để giới thiệu phần mềm của mình.

    Không có quá nhiều thành tích trong quá khứ, ông chẳng thể thu hút được sự chú ý của các doanh nghiệp. Vốn đã ốm yếu, ông lại càng xanh xao vì mất ngủ do bị giằng xé giữa sức ép phải nuôi sống gia đình và thực hiện ước mơ của bản thân.

    May mắn, ông được một người bạn giới thiệu phần mềm đến Mark Pine, nguyên là Uỷ viên Ban Quản trị Sybase Inc đã về hưu nhưng tiếp tục làm việc trong ngành công nghệ kỹ thuật cao. Biết đây là cơ hội quý giá, Dũng quyết không bỏ lỡ. Ông mời Mark về làm Giám đốc Điều hành của công ty.

    ty phu cong nghe viet 1

    Thành công ngoài mong đợi

    Nhìn chung, OnDisplay tập trung vào việc tìm ra những giải pháp tốt hơn để giúp các doanh nghiệp có thể thu thập thông tin và họ chủ yếu nhắm tới đối tượng khách hàng là doanh nghiệp.

    Điều đáng nói là thời điểm đó, rất nhiều công ty công nghệ Mỹ như America Online và Amazon.com tập trung giải quyết vấn đề của những khách hàng nhỏ lẻ. Tuy nhiên Mark và Trung Dũng lại nhắm tới những khách hàng là doanh nghiệp.

    Phần mềm CenterStage của OnDisplay thu thập dữ liệu từ Internet và tổ chức trong một hình thức dễ sử dụng. Mức giá khởi điểm cho việc thu thập dữ liệu thông qua phần mềm này là 50.000 USD.

    OnDisplay có khoảng 100 nhân viên và 120 khách hàng bao gồm cả những tên tuổi lớn như Travelocity của Sabre – đơn vị sử dụng phần mềm của OnDisplay để lấy thông tin từ những website khách sạn và hàng không khác và cung cấp giá cả cho khách hàng.

    Năm 1998, doanh thu của công ty đã vượt quá con số 10 triệu USD và nhận khoản đầu tư lên tới 35 triệu USD. Một năm sau đó (năm 1999), OnDisplay trở thành một trong 10 công ty IPO thành công nhất trong lịch sử nước Mỹ.

    Câu chuyện của người đàn ông Việt lập nghiệp trên đất Mỹ với số vốn 2 USD gây dựng lên cơ nghiệp 1,8 tỷ USD tưởng rằng kết thúc ở đây. Nhưng không, ở khu trường sở Bishop Ranch tại San Ramon, trong toà cao ốc cạnh trụ sở cũ của On Display, Trung Dũng lại mở một công ty phần mềm mới - Fogbreak có quy mô lớn hơn để nhằm thực hiện mục tiêu thu được lợi nhuận ngang ngửa với PeopleSoft nổi tiếng của Mỹ. Bên cạnh đó, ông còn là nhà đầu tư chính là thành viên Hội đồng Quản trị của công ty DICCentral.

    Câu chuyện về thành công của doanh nhân người Việt này đã được coi như một huyền thoại trong giới công nghệ cao của Mỹ. Kiếm được hàng tỷ đô, nhưng điều khiến bạn bè và đối tác đánh giá cao ông không chỉ ở năng lực và lòng quyết tâm dẫn đến thành công mà còn là một tấm lòng hướng về quê hương.

    Năm 2005, ông đã thành lập tập đoàn đầu tư V-Home Group. Ngoài kinh doanh, ông còn có các hoạt động xã hội khác như tham gia vào ban quản trị các tổ chức của cộng đồng như Viet Heritage Society, là tổ chức bảo tồn và phát huy truyền thống lịch sử và văn hóa của Việt Nam ở nước ngoài. Ông là cố vấn cho Vietnamese American Silicon Valley Networks, chiếc cầu nối toàn cầu đầu tiên cho chuyên gia gốc Việt hoạt động trong ngành công nghệ cao trên toàn thế giới. Ông cũng là người sáng lập VietNet Forum, diễn đàn điện tử lớn nhất dành cho người Việt định cư ở nước ngoài...

    Với những hoạt động tích cực trên, năm 2005, Trung Dũng đã được Tổng thống Mỹ George W. Bush bổ nhiệm vào Hội đồng Quản trị Quỹ Giáo dục Việt Nam (Vietnam Education Foundation - VEF), một tổ chức độc lập tại Mỹ nhằm hỗ trợ trong lĩnh vực khoa học và công nghệ cho Việt Nam thông qua các chương trình nâng cao năng lực và trao đổi giáo dục.

    Năm 2006, ông được nhận giải thưởng Vinh danh nước Việt - giải thưởng nhằm tôn vinh người Việt Nam ở nước ngoài có nhiều thành tích trong sự nghiệp và có những đóng góp cho đất nước.

    Theo Cafebiz

  • Sau gần 40 năm sang Mỹ định cư với hai bàn tay trắng, gia đình của ông David Dương hiện sở hữu một công ty tái chế rác trị giá hàng trăm triệu đô, có hàng trăm nhân công và đầu tư về Việt Nam.

    Công ty của Giải pháp Rác thải California của ông Dương hiện hoạt động ở thành phố Oakland và San Jose. Công ty có một đội xe tải chuyên dụng trị giá khoảng 300.000 USD mỗi chiếc, chuyên thu thập các vật liệu có khả năng tái chế vào mỗi sáng sớm.

    Hàng nghìn tấn vật liệu sau đó được chở đến các nhà máy phân loại tự động cao có quy mô lớn và hiện đại của công ty, được xây dựng và hoạt động theo tiêu chuẩn Mỹ, VOA cho hay.

    Đó là một bước tiến ấn tượng đối với gia đình ông Dương kể từ khi họ sang Mỹ vào năm 1979.

    Ông David Dương. Ảnh: VOA

    Từ tay sang máy

    Những ngày đầu ở vùng đất mới, trong nỗi tuyệt vọng vì cần tiền và công việc, gia đình ông Dương đã đi nhặt nhạnh các thùng các-tông trên đường phố ở San Francisco đem bán. Trong khi những người khác chỉ xem chúng là đồ bỏ đi thì họ đã nhìn thấy cơ hội làm giàu từ đó.

    Đội xe chở rác hiện đại của công ty. Ảnh: VOA

    Cha ông tích cóp được 700 USD để mua một chiếc xe tải cũ nhưng do mới đến, ông gặp khó khăn trong việc vay mượn số tiền còn lại để mua xe. Ông Dương đã khuyên cha đến một đền thờ ở khu Chinatown và nhờ giúp đỡ.

    23 người trong gia đình cùng đi nhặt các loại rác thải có thể tái chế, dùng tay để phân loại chúng từ thùng rác và bán chúng đi để chế biến thành hộp, lon và các sản phẩm mới.

    “Đó là cách chúng tôi khởi nghiệp”, ông nói.

    Gia đình ông Dương khởi nghiệp từ nghề nhặt thùng các-tông trên đường phố. Ảnh: VOA

    Hàng chục năm sau, việc nhặt và phân loại rác bằng tay đã được thay thế bằng máy móc.

    Một số máy sử dụng nam châm hoặc thiết bị điện dùng cho việc lọc sắt hoặc nhôm để tách các kim loại có giá trị khỏi các vật liệu khác. Một số máy, trong đó có những chiếc với kích cỡ bằng các phòng lớn, sử dụng ánh sáng, các luồng không khí và máy tính để tách các vật liệu nhẹ như túi nhựa khỏi vật liệu sợi nặng hơn.

    Quá trình phân loại rác này còn liên quan đến nhiều băng tải dài, nhiều thiết bị lớn, đắt tiền và phức tạp. Mục đích của quá trình là tách những đống rác hỗn độn thành nhiều nhóm riêng như nhôm, giấy hay các loại nhựa có khả năng làm vật liệu thô cho các nhà sản xuất.

    Giám đốc điều hành công ty, ông Joel Corona, cũng cho hay công việc này có tác động tốt tới môi trường. 

    Đầu tư về Việt Nam

    Các vấn đề về môi trường gây lo ngại ở Việt Nam là cơ hội để công ty Giải pháp Rác thải California mở rộng thị trường hoạt động.

    Công ty của ông Dương sở hữu nhiều nhà máy phân loại rác tự động cao có quy mô lớn và hiện đại, được xây dựng và hoạt động theo tiêu chuẩn Mỹ. Ảnh: VOA 

    Ông Dương cho hay chính phủ Việt Nam khuyến khích những người Việt ở nước ngoài tiến hành các dự án mới ở quê hương. Họ tạo điều kiện để việc đầu tư vào Việt Nam trở nên dễ dàng hơn.

    “Chúng tôi có thể dùng công nghệ mà chúng tôi đã học được và áp dụng nó ở Mỹ mang về quê hương của chúng tôi, giúp đỡ người dân Việt Nam, cải thiện môi trường và đó là những điều khiến tôi tự hào”, ông nói.

    Ông chia sẻ rằng sự chăm chỉ, không ngại thử thách, may mắn và tầm nhìn táo bạo là những gì giúp ông đạt được thành công ngày hôm nay.

    Viethome (theo VOA News)