• Câu chuyện của Giáo sư Nguyễn Thục Quyên đã truyền cảm hứng cho nhiều người trẻ.

    Còn nhớ vào năm 2015, Giáo sư (GS) Nguyễn Thục Quyên khiến cộng đồng các nhà nghiên cứu Việt Nam không khỏi tự hào khi được vinh danh là một trong những nhà khoa học có tầm ảnh hưởng nhất thế giới. Hồi hương sau hàng chục năm định cư ở nước ngoài, GS Thục Quyên trở về nước cùng niềm trăn trở làm sao để định vị khoa học Việt Nam trên bản đồ thế giới. Những năm vừa qua, bà đã phần nào thực hiện hoá trăn trở này bằng hành trình kết nối các nhà khoa học hàng đầu thế giới với nhà khoa học Việt Nam.

    giao su nguyen thuc quyen 1

    Có một điều đặc biệt là dù làm khoa học - lĩnh vực nghe thôi đã thấy khô khan và to tát nhưng những chia sẻ của GS Nguyễn Thục Quyên lại không hề "cao siêu" như các công trình nghiên cứu của bà. Ngược lại, chúng luôn mang nét dung dị, đời thường khiến bất kỳ người trẻ nào cũng có thể "soi" thấy một phần bản thân trong đó, được đồng cảm và được truyền cảm hứng.

    Các cô gái hãy nói với bố mẹ: "Bây giờ không phải là 50 năm trước"

    GS Nguyễn Thục Quyên sinh ra trong một gia đình nghèo, đông anh em tại thành phố Buôn Mê Thuột (Đắk Lắk). Lên 5 tuổi, GS từng phải phụ gia đình làm đủ mọi việc, từ dọn dẹp nhà cửa, kiếm củi nấu cơm, đào khoai, câu cá, gánh nước...

    "Tôi là người Việt Nam, sinh ra và lớn lên ở Việt Nam. Tôi hiểu rõ cuộc sống sẽ thế nào khi lớn lên từ những làng quê nghèo khổ, không đủ ăn, thậm chí không có đủ nước sạch để uống", GS nhớ lại.

    Nỗi lo "cơm áo gạo tiền" đã đeo bám cả tuổi thơ bà, cho đến tận khi GS theo gia đình sang Mỹ định cư. Gánh nặng tài chính khiến cuộc sống thuở ban đầu nơi xứ người của cả gia đình GS trôi qua không hề dễ dàng. Bà từng phải vừa đi học vừa làm đủ mọi nghề để kiếm sống, trong khi vốn tiếng Anh kém.

    GS cho hay: "Ở Mỹ, tôi từng làm nhiều việc lắm, làm trong nhà hàng, cửa hiệu, cả làm móng nữa. Đồng ý là việc đi làm đó giúp mình có thêm thu nhập, có tiền ngay, nhưng số tiền không lớn, và tôi cũng không cho rằng đó là công việc cả đời mình.

    giao su nguyen thuc quyen 1

    Từ đầu tôi chưa nghĩ sẽ làm khoa học ngay đâu. Lớn lên ở trường làng, đâu biết những chuyện làm nghiên cứu, là tiến sĩ thì sẽ thế nào đâu. Nhưng rồi sự tò mò, muốn biết mọi thứ vận hành ra sao, đã khiến tôi tiếp tục học, tiếp tục trải nghiệm và sau đó mới tìm thấy thứ mình thích. Vì đã yêu thích khoa học rồi, nên tôi sẵn sàng vay tiền từ Chính phủ Mỹ để học".

    Hơn 3 thập kỷ cống hiến trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học, GS Thục Quyên đã sở hữu 7 phòng thí nghiệm riêng cho nhóm nghiên cứu. Đồng thời bà cũng là một trong số ít nhà khoa học nữ 4 năm liền được vinh danh trong danh sách hơn 4.000 nhà khoa học toàn cầu vào top 1% những nhà khoa học nhiều trích dẫn nhất thế giới (HCR).

    Hẳn nhiên trên sự nghiệp nghiên cứu đầy thành công, GS Quyên cũng từng "nếm trải" không ít khó khăn. Trong đó, bà thấu hiểu và nhận thấy rõ những khó khăn của các nhà khoa học nữ. Làm khoa học đã khó, nhưng phụ nữ hoạt động trong lĩnh vực này càng vất vả hơn bởi ngoài sự nghiệp, họ còn phải lo cho gia đình. Ngay bản thân GS, dù đã cố gắng rất nhiều nhưng đôi khi vẫn không nhận được sự tôn trọng của đồng nghiệp nam giới.

    Trong quá khứ, GS từng nhận được lời khuyên từ bố mình, cho rằng: "Con gái, học chi dữ vậy, lo lấy chồng sinh con đi". Trong khi mẹ bà thì ngược lại, bà luôn khuyến khích và thúc đẩy các con chăm lo học hành.

    "Các bạn gái hãy tìm người đàn ông tôn trọng người phụ nữ của mình. Xã hội bắt đầu nhìn thấy sự tôn trọng nhiều hơn với nữ giới. Cái thay đổi đầu tiên là hãy bắt đầu chính mình. Các cô gái hãy nói với bố mẹ: 'Bây giờ không phải là 50 năm trước. Mọi thứ thay đổi'. Chúng ta sẽ gặp được người đàn ông, người phụ nữ thông minh và tôn trọng mình", bà nói.

     giao su nguyen thuc quyen 1

    GS Quyên cũng không quên gửi lời khuyên chân thành đến những nhà khoa học nữ: "Tôi lớn lên ở một ngôi làng nhỏ ở Việt Nam, không điện, không nước, thiếu cả ăn. Năm 21 tuổi, tôi tới Mỹ với vốn tiếng Anh khiêm tốn.

    Tôi khuyên các bạn đừng để trở lại ngăn cản bạn thực hiện giấc mơ. Hãy mơ lớn và nắm bắt cơ hội. Hãy có thái độ tích cực. Càng nhiều người cố đẩy bạn xuống thì bạn càng phải có động lực vương lên. Không có quy định nào nói bạn buộc phải thành công một mình nên hãy tham vấn cộng đồng và tìm kiếm sự hỗ trợ khi cần thiết".

    Đến thời điểm hiện tại, GS Quyên đã sinh sống và làm việc tại Mỹ được hơn 30 năm. Bà vẫn giữ cái tên tiếng Việt trong các địa chỉ liên hệ mặc dù nhiều người đã khuyên giáo sư nên có thêm một cái tên nước ngoài để thuận tiện hơn trong công việc.

    Nói về cái tên đặc biệt của mình, GS tự hào: "Khi qua Mỹ, nếu có một cái tên nước ngoài sẽ thuận tiện hơn nhưng tôi vẫn giữ nguyên cái tên Việt Nam. Bởi tôi là người Việt Nam, và cái tên của mình là do cha mẹ chọn nên tôi không muốn đổi". 

    Làm khoa học cũng như đá bóng và cuộc sống, cần xã giao và các mối quan hệ

    Với nhiều người, khoa học thực sự là lĩnh vực hết sức vĩ mô mà người thường khó lòng hiểu được. Thế nhưng theo GS Nguyễn Thục Quyên, khoa học thực chất cũng như cuộc sống. Cuộc sống cần gì thì làm khoa học cũng cần cái đó, đơn cử như việc xã giao và xây dựng các mối quan hệ.

    giao su nguyen thuc quyen 1

    Bản thân GS Quyên cũng từng ôm tự ti khi là phụ nữ làm khoa học, bà không dám lên tiếng, không dám phát ngôn. Nhưng theo thời gian, bà nhận ra nếu không dám bước bước chân đầu tiên thì chúng ta sẽ chẳng thể tiến xa được. Vậy là bà bắt đầu liên hệ, làm quen với các nhà khoa học khác. Ban đầu, bà thử liên hệ mọi người qua mail, sau đó là mạnh dạn tiếp cận thông qua các buổi họp mặt, gặp gỡ bà được mời đi.

    Cứ thế, GS còn mở các buổi thuyết trình để nói về các công trình nghiên cứu của mình. Quy mô của những buổi thuyết trình, diễn thuyết này cũng tăng dần. Ban đầu bà chỉ dám đứng nói trước 3-5 người, dần dần con số lên đến 20-50 và giờ là hàng trăm, hàng nghìn người.

    "Nhà khoa học trẻ của Việt Nam nên được tạo cơ hội để đi ra nước ngoài, dự các hội nghị quốc tế, để gặp gỡ và hợp tác quốc tế. Ban đầu sẽ khó để tìm đồng đội đấy, vì chẳng ai biết mình là ai, có khi viết thư họ cũng chẳng trả lời.

    Tuy nhiên khi mình có mặt ở các hội nghị quốc tế, người khác thấy mình thuyết trình, mình làm việc tốt thì khi mình tìm họ nói chuyện, họ sẽ có thiện cảm với mình. Sau đó, mình đề xuất hợp tác thì họ sẽ đồng ý. Và nếu viết thư 2 lần nhưng không được phản hồi, thì ta viết 10 lần. Tôi tin là nếu hỏi 10 người thì thế nào cũng có 1-2 người sẽ sẵn sàng giúp đỡ mình", GS Quyên nhắn nhủ.

    Bà cũng hài hước ví làm khoa học giống như chơi World Cup. Bà cho rằng trong bóng đá, để đạt ngôi vô địch World Cup, chúng ta cần sự phối ăn ý và khoa học của một tập thể, chứ không thể dựa vào tài năng của một cá nhân riêng biệt. Khoa học cũng như vậy. Nếu một người chỉ làm việc độc lập, kết quả cũng có thể có, song sẽ không thể bằng khi làm việc cùng một đội.

    giao su nguyen thuc quyen 1

    Ở một diễn biến khác, GS Quyên còn đưa ra lời khuyên về vấn đề phải làm sao để giữ chân nhân tài, để khuyến khích các nhà khoa học trẻ và tìm kiếm thêm những bạn trẻ có đam mê với nghiên cứu khoa học. Theo bà, điều quan trọng nhất là phải trả lương đủ sống cho các nhà khoa học.

    Bà lý giải: "Bởi con người không chỉ cần sống cho bản thân mà còn phải lo cho gia đình. Nếu được trả lương tương xứng, họ mới có thể chú trọng làm việc và đầu tư nghiên cứu. Ở Mỹ và những nước châu Âu, điều quan trọng nhất là người lao động phải được trả lương đầy đủ.

    Ở Việt Nam, tôi thấy rất ít nơi trả lương cho sinh viên học Tiến sĩ. Trong khi bên Mỹ, người học có thể được trả 32.000 USD - 34.000 USD/năm (khoảng 750 triệu đồng - 800 triệu đồng), có bảo hiểm sức khoẻ hoặc được trả tiền học vấn trong trường nữa... Với nhiều đãi ngộ đó, người ta có thể chú trọng đi nghiên cứu và học tập, chứ không phải lăn lộn trong nhiều ngành kiếm sống".

    GS NGUYỄN THỤC QUYÊN

    • Giáo sư Khoa Hóa & Hóa sinh tại Đại học California, Santa Barbara (UCSB).
    • Giải thưởng Nghiên cứu khoa học Alexander von Humboldt-Foundation của Đức năm 2015.
    • Một trong bốn nhà khoa học gốc Việt có tên trong danh sách những nhà khoa học ảnh hưởng nhất thế giới do Thomson Reuters công bố năm 2015.
    • 4 năm liền vinh danh trong danh sách hơn 4.000 nhà khoa học toàn cầu vào top 1% những nhà khoa học có nhiều trích dẫn nhất thế giới (highly cited researchers - HCR).
    • Giải thưởng Nghiên cứu khoa học của Alfred P. Sloan Foundation 2009.
    • Giải thưởng Nghiên cứu khoa học của Quỹ Khoa học Quốc gia Mỹ 2010...

    Theo Kênh 14

  • Sau hơn 20 năm sống ở Canada, ông Nguyễn Thanh Mỹ về Việt Nam xây dựng nhà máy công nghệ cao tại Trà Vinh, tạo việc làm cho lao động địa phương.

    Tiến sĩ Nguyễn Thanh Mỹ là con cả trong một gia đình nghèo, sống tại làng Thanh Mỹ, huyện Châu Thành, tỉnh Trà Vinh. Vị doanh nhân sinh năm 1955 từng có tuổi thơ mưu sinh bằng cách rong ruổi khắp các nẻo đường để bán cà rem và bánh mì. Thời gian còn lại, ông tranh thủ học lỏm. Ở Việt Nam, chàng trai Trà Vinh đã tốt nghiệp Đại học Phú Thọ (nay là Đại học Bách khoa TP HCM).

    Năm 1979, ông Mỹ sang Canada định cư. 12 năm trời, ông tự kiếm sống, nuôi mình bằng đủ nghề: rửa chén, làm bếp, bồi bàn... Trong 7 năm vừa học, vừa làm, ông Mỹ giành được hai học bổng, bảo vệ thành công luận án thạc sĩ và tiến sĩ. Ông cũng được nhận vào làm ở một số công ty điện toán và in ấn như: IBM, Sun Chemical và Kodak Polychrome Graphics.

    Năm 1997, ông Nguyễn Thanh Mỹ tự mở hãng, đặt chân vào lĩnh vực kinh doanh. Doanh nhân, nhà khoa học này sở hữu hơn 150 bằng sáng chế tại Mỹ, Canada... và có thể sống sung túc chỉ với việc cho thuê lại các bằng sáng chế này.

    tien si nguyen thanh my 3
    Tiến sĩ Nguyễn Thanh Mỹ

    Nhưng bước ngoặt đến vào năm 2004, ông quyết định về quê hương Trà Vinh lập nghiệp, hiện thực hóa ước mơ mở xưởng, tạo công ăn việc làm cho bà con quê mình. Ông rót 10 triệu USD thành lập Tập đoàn Mỹ Lan - doanh nghiệp công nghệ cao nổi tiếng của Trà Vinh.

    "Trà Vinh hồi đầu 2004 là một trong ba tỉnh nghèo nhất đất nước. Về đó rất khó khăn, không chỉ về hạ tầng cơ sở, giao thông hay nhân sự, nhân lực mà khó khăn về tư duy kỳ thị ở trong nước với tôi là Việt kiều ở nước ngoài về. Người ta gọi tôi là anh 'Việt kiều té giếng'", ông Mỹ chia sẻ.

    Nhờ nền tảng khoa học kỹ thuật, doanh nghiệp do ông sáng lập đã làm cho vùng quê nghèo Trà Vinh trở nên khang trang, trù phú, thu hút hàng trăm lao động địa phương. Các sản phẩm in công nghệ cao của công ty ông được xuất ra khắp thế giới và chiếm 60% thị phần tại Việt Nam.

    10 năm sau, khi 60 tuổi, TS Nguyễn Thanh Mỹ nhường lại công ty cho vợ và về hưu. Nhưng những phát minh dành cho ngành nông nghiệp của nhà khoa học vẫn tiếp tục ra đời, như phao quan trắc đo độ mặn, gửi thông số về smartphone, để người nông dân biết được lúc nào nước mặn và lúc nào nước hết mặn.

    Để giải bài toán thực phẩm bẩn, ông Mỹ tiến hành một lúc 3 dự án nông nghiệp công nghệ cao tại Cù Lao Long Trị: Smart Fertilizer (chuyên về phân bón thông minh), Rynan Techonologies (chuyên về đồng hồ nước thông minh, cảm biến nhiệt trong xe) và Rynan Agrifoods (chuyên sản xuất bao bì đa lớp giúp bảo quản nông sản trong thời gian dài mà không cần hóa chất). Đến nay, ông đã sáng lập và đồng sáng lập 9 doanh nghiệp công nghệ cao, trong đó có 7 doanh nghiệp tại Trà Vinh.

    Theo VnExpress

  • Lên 3 tuổi thì cha mẹ li dị, 6 tuổi anh hai mất, 13 tuổi thì lần lượt cha và chị ba cũng qua đời. Những biến cố khủng khiếp lần lượt đổ ập xuống đầu Sang nhưng anh không thể gục ngã. 'Tôi phải đứng dậy', Sang, người mua được nhà tuổi 26 hồi tưởng.

    cau be mo coi mua nha 1
    Sang, cậu bé mồ côi cha, phải xin ăn trong chùa nay đã mua được căn nhà đầu tiên ở tuổi 26. Ảnh: THÚY HẰNG

    Nước mắt cả đời cộng lại

    Ngồi trước mặt chúng tôi, Trương Chấn Sang, 26 tuổi, không nhớ nổi bằng cách nào mình có thể vượt qua hết những biến cố của tuổi thơ. Nước mắt đã rơi, có lẽ phải bằng cả cuộc đời của Sang cộng lại.

    Sinh ra ở thị xã Tân Uyên, Bình Dương trong một gia đình khó khăn, cha làm nghề chài lưới, mẹ bán quán nhậu. Năm Sang 3 tuổi, nhà đổ nợ, cha mẹ ly dị. Ba anh chị em Sang sống cùng mẹ. Nhưng lúc Sang lên lớp 1, anh hai của Sang mất sau một thời gian chống chịu với bệnh gan. “Ngày ấy, anh vừa mới học xong đại học. Tôi nhớ mẹ đã phải bán hết mọi thứ có giá trị trong nhà để lấy tiền cho anh đi học. Anh mất xong, căn nhà cũng trống huơ trống hoác”, Sang hồi tưởng.

    Nhà nghèo nhưng từ nhỏ Sang đã học giỏi có tiếng ở quê, nhất là môn tiếng Anh. Những hoạt động ngoại khóa của trường, lớp lúc nào anh cũng tham gia. Yêu thích cách dạy tiếng Anh của cô giáo dạy tiểu học, Sang lúc nào cũng nỗ lực với môn học này với ước mơ “một ngày mình cũng có thể đứng ở trên bục giảng như cô”. Nhưng những biến cố đau thương vẫn chưa dừng lại với Sang.

    Năm Sang học lớp 8, một lúc anh mất thêm đi 2 người thân yêu, bản thân anh cũng trải qua tai nạn thập tử nhất sinh. Đầu tiên là ba Sang mất vì bệnh gan. Vào giữa năm học lớp 8, Sang đang trên đường đạp xe đi học thêm thì bị tai nạn giao thông, bị chấn thương sọ não nằm hôn mê hơn 1 tháng trời và khi tỉnh dậy thì mất trí nhớ tạm thời gần 3 tháng. Khi Sang vừa hồi phục chưa được bao lâu thì chị ba qua đời cũng vì bệnh gan.

    “Tôi được mẹ kể lại, mình bị tai nạn nặng lắm, đưa vào bệnh viện tỉnh Bình Dương thì được chỉ định phải cấp cứu tại Bệnh viện Chợ Rẫy. Bác sĩ Chợ Rẫy nói chỉ cần chậm trễ chút thôi là đã không cứu được tôi. Tôi hôn mê 25 ngày, nằm viện gần 3 tháng, được truyền gần 300 chai nước biển. Nhờ các thầy cô, bạn bè ở trường luôn thương yêu mà quyên góp được số tiền đủ giúp tôi chi trả viện phí và những tháng ngày ăn ở triền miên ở bệnh viện TP.HCM”, Sang hồi tưởng.

    cau be mo coi mua nha 1
    Sang chia sẻ với chúng tôi hành trình chông gai đã qua... Ảnh: THÚY HẰNG

    Chị ba, người thương Sang như mẹ, luôn ân cần chăm sóc cho em trai bất kể ngày đêm, giúp Sang dần hồi phục. Đặc biệt, sau tai nạn chấn thương sọ não, dù đã được xuất viện nhưng có khoảng 3 tháng trời, Sang mất trí nhớ tạm thời. Anh thậm chí không nhớ nổi mẹ và chị gái, không nhớ những phép tính đơn giản hay nhớ mình là ai. Chị ba là người cận kề, thủ thỉ cùng em trai, bón cho em ăn, mong em hồi phục vì cuộc đời rất dài phía trước. Nếu không có chị ba, không biết cuộc đời Sang rồi sẽ đi đâu, về đâu. Thế nhưng, khi Sang vừa nhớ lại không được bao lâu, chị cũng bị bệnh nặng rồi qua đời.

    Những năm tháng quá khó khăn ấy, Sang thường xuyên phải vào ngôi chùa gần nhà làm công quả, xin cơm trong chùa để ăn. Mẹ của Sang, sau những biến cố liên tiếp mất chồng và hai người con bà cũng lui tới làm công quả, nương tựa cửa chùa.

    Đi theo cái mà mình mạnh nhất

    Sang trở lại trường học, dù rất chăm chỉ, cố gắng thì cũng không thể nào về vị trí số 1 như trước đây nữa. Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10, Sang may mắn vừa đủ điểm để đậu vào Trường THPT Huỳnh Văn Nghệ, Bình Dương.

    Không thể trở thành người giỏi nhất trong tất cả các môn, Sang quyết tâm đi theo hướng hãy học giỏi môn mà mình mạnh nhất, đó là tiếng Anh. Bạn bè dành thời gian để học môn này một phần thì Sang dành phải 3, 4 phần. Tan học, anh luôn nấn ná ở lại phòng làm việc của thầy cô để được nói chuyện với các thầy cô bằng tiếng Anh. Thương cậu học trò nhà nghèo nằm biệt lập trong một cù lao nhưng hiếu học và hoạt bát, năng nổ, thầy cô ở trường dạy học thêm cho Sang không lấy tiền.

    cau be mo coi mua nha 1

    cau be mo coi mua nha 1
    Sang trong những lần tham gia hoạt động hướng nghiệp cho các em học sinh. Ảnh: NVCC

    “Cô giáo dạy tiếng Anh năm lớp 11 là người đã thay đổi cuộc đời tôi. Cô giáo cũng có hoàn cảnh rất khốn khó trong cuộc sống, cô luôn động viên tôi hãy nhìn về cuộc đời cô, cách cô vượt qua những chông gai để có ngày hôm nay để rồi đừng bỏ cuộc. Có những thời điểm cuộc sống khổ quá, cơm còn không có ăn, những người xung quanh thì chê bai, khinh thường, nhưng tôi không cho phép mình gục ngã”, Sang kể.

    Năm lớp 11 anh được giải khuyến khích cuộc thi hùng biện tiếng Anh cấp tỉnh và cũng giành giải khuyến khích khi tham gia cuộc thi cán bộ Đoàn hùng biện tiếng Anh toàn tỉnh Bình Dương. Đồng thời, chàng trai luôn năng nổ tham gia các hoạt động ngoại khóa trong trường và luôn là người có những ý tưởng sáng tạo khi cùng Đoàn trường tham gia các cuộc thi trong tỉnh.

    cau be mo coi mua nha 1
    Căn nhà đầu tiên ở tuổi 26 của chàng trai. Ảnh: PHƯƠNG NHI

    Căn nhà đầu tiên tuổi 26

    Sang thi đậu vào ngành Ngôn ngữ Anh một trường ĐH công lập ở Bình Dương. Năm 2016, anh mượn tiền đi học, lấy được chứng chỉ TESOL (chứng chỉ quốc tế về giảng dạy tiếng Anh). Năm 2017, Sang thi được chứng chỉ B2 của Trường ĐH Sư phạm TP.HCM. Giấc mơ được trở thành người dạy tiếng Anh giỏi như cô giáo năm xưa đã trở thành hiện thực.

    Ban đầu Sang dạy tiếng Anh ở nhà thiếu nhi thị xã Tân Uyên, Bình Dương. Sau đó, anh dạy tại Trung tâm hoạt động thanh niên Bình Dương. Nhờ cách dạy học thú vị, lối nói chuyện thông minh, hài hước, các học trò đăng ký lớp thầy Sang rất đông. Trong đó, ngoài các em học sinh THPT còn có đông đảo thanh niên, cán bộ Đoàn, những người đã đi làm.

    Bí quyết nào chàng trai mua được nhà ở tuổi 26?

    Trương Chấn Sang đi dạy tiếng Anh từ năm 2016. Mỗi năm số học viên của anh đều tăng dần, tới nay, số người học đã có hơn 2.000 người.

    Sang chi tiêu tiết kiệm. Để dành được khoản nào, anh gửi ngân hàng và chờ đến khi được một khoản thì mua một miếng đất ở xa trung tâm. Khi miếng đất đó có lời, Sang lại bán để mua được miếng khác, giá trị lớn hơn một chút. Cứ như vậy, sau 6 năm làm việc, tích lũy, đầu tư, năm 2022 anh đã mua được căn hộ chung cư giá 2,4 tỉ đồng.

    Sang hiện là Ủy viên Ủy ban Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam tỉnh Bình Dương. Anh là người đề xuất và bắt tay thực hiện các chương trình hướng nghiệp cho học sinh ở tỉnh Bình Dương, Gia Lai. Chàng trai còn mở CLB Tiếng Anh vì cộng đồng, dạy học miễn phí cho những học sinh nghèo khó khăn nhưng ham học giống như mình ngày trước.

    cau be mo coi mua nha 1
    Sang trong ngày bàn giao căn hộ ở TP.Thủ Dầu Một mới đây. Ảnh: PHƯƠNG NHI

    Từ cậu học trò khó khăn mồ côi cha, phải xin cơm trong chùa, bị tai nạn giao thông tới mất trí nhớ tạm thời, mới đây, ở tuổi 26, Sang hào hứng khoe anh đã mua được căn nhà đầu tiên là một căn hộ trong chung cư ở P.Chánh Nghĩa, TP.Thủ Dầu Một, Bình Dương giá hơn 2,4 tỉ đồng.

    Sang luôn tự nhủ, cuộc sống thay đổi không ngừng, còn mình phải không dừng việc học. Từ cuối năm 2019, anh đăng ký học hệ đại học từ xa ngành Ngôn ngữ Anh của Trường ĐH Công nghệ TP.HCM (HUTECH) và mỗi cuối tuần lại chạy xe máy mấy chục km lên thành phố học.

    Từ khi cuộc sống đã ổn định, một năm 4 mùa xuân, hạ, thu, đông, Sang đều đi làm từ thiện, anh mua nhu yếu phẩm về tặng cho bà con khó khăn ở các vùng quê, mua quà trung thu, tổ chức lễ hội rước đèn cho con em công nhân ở Bình Dương…

    “Nhờ những bữa cơm chay từ thiện ngày nào, cậu bé Sang mồ côi cha là tôi được lớn lên mỗi ngày và nuôi dưỡng ước mơ phải trở thành người thành công, tử tế để có thể giúp được nhiều mảnh đời bất hạnh khác - như mình đã từng. Tôi chỉ quan niệm khó khăn nào rồi cũng qua, có những biến cố chỉ muốn mình gục ngã, nhưng những lúc ấy cứ im lặng mà làm, hãy kiên định với con đường mình đã lựa chọn và đừng bao giờ từ bỏ”, chàng trai mua được nhà tuổi 26 bộc bạch.

    cau be mo coi mua nha 1
    Sang trong một lần trao học bổng cho các học sinh nghèo hiếu học. Ảnh: PHƯƠNG NHI

    cau be mo coi mua nha 1
    Sang (trái) tâm niệm, cuộc sống có thử thách bạn bằng biến cố thế nào nhưng hãy đừng gục ngã. Ảnh: NVCC

    Nói về Sang, anh Thái Kiến Thuận, Ủy viên ban thường vụ tỉnh Đoàn, Phó chủ tịch thường trực Hội LHTN Việt Nam tỉnh Bình Dương, giám đốc Trung tâm hoạt động thanh niên tỉnh xúc động: “Hoàn cảnh của Sang quá vất vả. Hành trình Sang vươn lên giống như vượt qua nghịch cảnh, vượt qua cả những nỗi đơn độc trong cuộc sống. Tôi biết Sang từ lâu. Lớp 3 em đã phải tự lập trong cuộc sống, xin cơm trong chùa ăn, lớn lên vừa học, vừa làm. Nhưng dù khó khăn tới đâu, ý chí của em rất mạnh mẽ, làm việc gì em cũng làm hết mình”.

    Anh Thuận cũng cho biết thêm từ năm 2008 khi anh là chủ nhiệm CLB Tình nguyện xanh của tỉnh Bình Dương, Sang đã tham gia nhiệt tình. Cho tới ngày hôm nay, Sang - chàng trai mua được nhà tuổi 26 vẫn trả ơn cuộc đời bằng những việc thiện anh làm ở khắp mọi nơi. Trong đó, câu lạc bộ Tiếng Anh vì cộng đồng của Sang trực thuộc Trung tâm hoạt động thanh niên Bình Dương là một minh chứng…

    Theo Thanh Niên

  • Phát hiện người đàn ông bất động trên đường ray, bị xe máy đè lên trong khi tàu đang tới gần, Chiến (12 tuổi) dùng hết sức kéo nạn nhân ra ngoài, tối 26/11.

    cau be cuu nguoi o duong ray 0

    Hoàng Mạnh Chiến kể, lúc bắt gặp nạn nhân là khoảng 19h30 khi em đang đạp xe từ nhà bạn về. Thấy đoàn tàu chở than hướng từ Cẩm Phả về Cửa Ông đang tới gần, xung quanh không có một ai, em cố lay gọi nạn nhân nhưng người này không tỉnh, đành tự kéo người ra khỏi đường ray.

    Cậu bé nhà ở khu 7B, phường Cẩm Thịnh, TP Cẩm Phả cho biết thêm, khoảng cách từ đầu tàu đến vị trí nạn nhân chỉ khoảng chục mét, tàu chạy không quá nhanh nhưng người đàn ông có thân hình to lớn, kèm chiếc xe máy đang đè lên khiến em phải cố sức nhiều lần mới kéo được nạn nhân ra khỏi đường ray. Chưa đầy một phút sau, đoàn tàu qua.

    Sau khi thấy người đàn ông đã qua tình huống nguy hiểm, Chiến chạy về nhà gọi bố mẹ và hàng xóm ra hỗ trợ.

    cau be cuu nguoi o duong ray 0
    Nam sinh Hoàng Mạnh Chiến, 12 tuổi, cứu người gặp nạn trên đường ray tàu hỏa, tối 26/11. Ảnh: Người Cẩm Phả

    Người được Chiến cứu sống là ông Nguyễn Thanh Vót, cũng ở khu 7B, phường Cẩm Thịnh, trong lúc đi xe máy qua đoạn cắt ngang đường sắt của khu 3, tổ 7B không may bị ngã và bất tỉnh. Nạn nhân bị xây xước nhẹ, hiện sức khỏe đã ổn định.

    Giải thích lý do một mình cứu người, Chiến nói không thể chờ người lớn đến vì sợ không đủ thời gian, tính mạng nạn nhân gặp nguy hiểm. "Lúc đó em chỉ muốn kéo bác ấy ra khỏi đường ray bởi tàu đến mỗi lúc một gần dù trong lòng rất sợ hãi. Em nghĩ nếu cứ đứng nhìn, chắc chắn bác ấy sẽ gặp nạn", cậu bé kể.

    Cô Nguyễn Thị Hồng, Hiệu trưởng trường THCS Cẩm Thịnh, cho biết Chiến là học sinh lớp 7 của trường. Khi nghe mọi người kể về hành động của em, cô bất ngờ và xúc động vì hành động dũng cảm của cậu học trò ngoan hiền, tính tình hơi nhút nhát.

    "Người lớn đôi khi còn lúng túng, không biết phải xử lý ra sao trong tình huống đó, nhưng em Chiến rất thông minh, gan dạ và dũng cảm khi hành động nhanh chóng, dứt khoát để cứu người dù sức khỏe yếu", cô hiệu trưởng chia sẻ.

    Ông Đỗ Thế Hiếu, Chủ tịch UBND phường Cẩm Thịnh, cho biết sau khi nắm bắt được sự việc, địa phương đã đến thăm hỏi và động viên em Chiến. Trong chiều 28/11, nhà trường cùng UBND phường sẽ tổ chức buổi khen thưởng và tuyên dương nam sinh vì hành động xả thân cứu người.

    Câu chuyện cậu học sinh lớp 7 cứu người được chia sẻ trên mạng xã hội thu hút nhiều sự quan tâm. Đa số ý kiến đều bày tỏ sự ngưỡng mộ và cảm phục "người hùng nhí".

    "Cảm ơn cháu tuy tuổi nhỏ nhưng thật dũng cảm. Mong cháu luôn mạnh khỏe, vui vẻ, chăm ngoan và học tốt", người dùng mạng tên Bạch Yến để lại bình luận.

    Theo VnExpress

  • Nhắc đến chức vụ tân thị trưởng, nhiều người nghĩ ngay đến những quý ông, quý bà chuyên mặc vest, họ sẽ là những con người giàu kiến thức và kinh nghiệm lãnh đạo. Hiếm hoi lắm mới xuất hiện vài bạn trẻ có tiềm năng trúng cử.

    Vậy mà vào ngày 17/11/2021, thành phố Brimbank (Úc) được đón nhận tin vui khi cô bạn Jasmine Nguyễn đã trở thành tân thị trưởng trẻ nhất của hội đồng thành phố này, đồng thời Jasmine Nguyễn còn đem đến niềm tự hào cho cộng đồng người Việt trên toàn thế giới.

    “Em muốn nói rằng đây là niềm vinh hạnh lớn. Em xin gửi lời cảm ơn đến toàn thể người dân ở trong thành phố Brimbank và cộng đồng người Việt tại đây đã luôn ủng hộ cho mình. Càng đặc biệt hơn khi Brimbank từ trước tới nay chưa bao giờ có một thị trưởng là người Việt cả.”, Jasmine vui mừng chia sẻ.

     jasmine nguyen brimbank 1

    Trước đó, Jasmine Nguyễn đã giấu cha mẹ việc mình tham gia ứng cử. Trước khi cuộc họp chính thức được diễn ra, cô gái trẻ đã vô cùng hồi hộp và lo lắng, sau đó là cảm giác vỡ òa khi nghe đến tên mình. Cô lập tức báo tin vui cho cha mẹ làm cả gia đình được một phen kinh ngạc.

    Mọi người lo rằng đây sẽ là một vị trí gánh nhiều trọng trách, bởi vì sẽ có thêm nhiều người dân gọi đến cho em để nhờ hỗ trợ khi họ khó khăn. Nhưng ba mẹ cũng nói rất tự hào về em, đặc biệt là khi họ tới Úc này đã phải gây dựng lại cuộc sống hoàn toàn từ con số không.

    Mẹ em là một người làm việc cực kỳ chăm chỉ, bà cũng là người bền lòng vững chí, chẳng bao giờ từ bỏ việc gì mình theo đuổi. Ba em thì là một người kiểu như “ăn cơm nhà vác ngà voi” ấy, người của cộng đồng, ông sẵn sàng giúp đỡ mọi người khi cần. Em muốn nói cảm ơn cả hai người, ba mẹ em, đã luôn dành tất cả, yêu thương em, che chở và hy sinh tất cả cho em suốt những năm qua, Jasmine Nguyễn xúc độn nói.

    Khi trở thành thị trưởng thành phố, Jasmine Nguyễn hy vọng bản thân sẽ trở thành cầu nối vững chắc hơn kết nối hai thế hệ người Việt mình. Thế hệ thứ nhất và thứ hai, với những khác biệt trong văn hóa, khi trở thành người Úc.

    Bên cạnh đó, mối quan tâm đầu tiên của của Jasmine Nguyễn sẽ là dành cho giới trẻ, đặc biệt để giải quyết vấn đề thất nghiệp, và sức khỏe tinh thần của họ, ủng hộ cho một cộng đồng đa văn hóa

    Thời gian qua, đại dịch đã khiến không ít doanh nghiệp địa phương, những người làm trong lĩnh vực nhà hàng, chiêu đãi phải điều đứng. Vì vậy, mục tiêu tiếp đến là Jasmine Nguyễn sẽ nhắm vào hoạt động kinh tế, với các sự kiện làm sao để thu hút sự quan tâm của mọi người đến nơi đây.

    Với vấn đề biến đổi khí hậu, Jasmine Nguyễn muốn hội đồng thành phố sẽ có đơn vị hỗ trợ và xây dựng được một cộng đồng thân thiện với môi sinh. Làm sao để ta có được một thành phố bền vững trong sạch, sẽ rất tuyệt vời.

    “Em mới chỉ vừa được bầu là thị trưởng thành phố, sáng nay thức dậy, em không thể tin đó là sự thật nữa, rất phấn khích, khó tin quá! Em thật sự muốn làm hết khả năng, 100% sức lực của mình cho cộng việc này. Có lẽ là cho em được một khoảng thời gian để bình tĩnh lại cái đã. Rồi em sẽ trở lại, hỗ trợ mọi người, sẽ rất bận rộn nhưng đó là công việc này mà”, Jasmine chia sẻ.

     jasmine nguyen brimbank 1
    Jasmine Nguyễn - Tân thị trưởng HĐTP Brimbank, Melbourne Source: Brimbank City Council

    Không chỉ có Jasmine Nguyễn, rất nhiều người gốc Việt đã nổi danh trên toàn thế giới, trong đó có những gương mặt còn rất trẻ nhưng sở hữu “thành tích” đáng tự hào. Điển hình như anh Anthony Trần 22 tuổi đã nhận tin vui khi trở thành tân thị trưởng trẻ nhất trong lịch sử thành phố Maribyrnong.

    Hay nghị viên Thúy Đặng (Dáng Thơ) một nhân vật quen thuộc nhiều năm cống hiến cho các sự kiện và hoạt động cộng đồng ở Melbourne cũng đã chính thức được bầu chọn vào vị trí phó thị trưởng thành phố Brimbank, miền Tây Melbourne.

    Rõ ràng, người Việt ở khắp năm châu bốn bể, dù đi đâu và làm gì để luôn cố gắng và nỗ lực để thành công. Họ không chỉ ghi danh, ghi tên tuổi trên toàn thế giới mà luôn một lòng hướng về quê hương, nhớ về nguồn cội.

    Hy vọng các bạn trẻ trong nước cũng sẽ nỗ lực như vậy, khi đã mang dòng máu “con cháu Lạc Hồng” thì hãy cố gắng học tập, mở mang tri thức và vươn mình ra thế giới bên ngoài, để đóng góp, để cống hiến và để khẳng định sức mạnh của thế hệ trẻ Việt Nam.

    Theo SBS Tiếng Việt

  • Tính toán bán bô kèm vòi xịt ở mức 85 USD, hai vợ chồng Lê Đức Thắng bị các cá mập Canada “chỉnh” rằng “anh sẽ chẳng bao giờ bán được cái giá đó”. Tuy nhiên, ý tưởng sản phẩm cùng cái tên Boom (tên thương hiệu và cũng là nickname con trai anh) lại khiến 2 vị cá mập hứng thú. Hãy cùng xem lại màn gọi vốn của startup bán bô vệ sinh đa năng Boom Potty trên Shark Tank phiên bản Canada!

    boom potty 1
    Bé Boom tham gia gọi vốn với bố mẹ.

    Boom Potty có gì?

    Boom Potty từng lên Shark Tank Việt Nam năm 2019 và đã nhận được cam kết đầu tư từ Shark Liên với 2,5 tỷ đồng đổi lấy 33% cổ phần và 5% doanh số của 30 nghìn sản phẩm. Sản phẩm của Boom Potty là bô rửa cải tiến đa năng, giúp vệ sinh cho trẻ dễ dàng sau khi đi ngoài, tạo tư thế ngồi khoa học dễ bài tiết, hạn chế táo bón. Theo nhà sáng lập Lê Đức Thắng, bô giúp tập cho trẻ đi vệ sinh sớm, làm quen với toilet sớm, bỏ bỉm sớm, bỏ bô sớm.

    Gọi vốn trên Dragons’ Den (một phiên bản tương tự Shark Tank tại Canada, thay vì gọi nhà đầu tư là Shark, phiên bản này gọi họ là Dragon) với sự trợ giúp đắc lực từ bé Boom, hai vợ chồng nhà sáng lập Boom Potty muốn gọi vốn 150.000 USD đổi lấy 20% cổ phần.

    boom potty 1
    Vợ chồng anh Thắng gọi vốn trên chương trình Dragon's Den.

    Ở Canada, văn hóa dùng vòi xịt vệ sinh cho trẻ không quá phổ biến, nhưng thực chất đó là cách hiệu quả nhất để vệ sinh cho các bé”, Mai - vợ anh Thắng – lên gọi vốn cùng chồng chia sẻ.

    Thắng cho biết từ khi bắt đầu bán hàng tại Việt Nam năm 2019 đến nay, Boom Potty đã bán được 230.000 USD.

    Các bạn đã bán hàng ở thị trường Canada chưa?”, nhà đầu tư Robert Herjavech hỏi.

    “Chúng tôi vẫn chưa bắt đầu bán bởi vì chúng tôi mới chỉ chuyển đến đây và làm nghiên cứu thị trường”, Mai đáp lời.

    Về giá dự tính cho bô và vòi xịt rửa đi kèm, Thắng cho biết anh tính toán giá bán buôn ở mức 55 USD/bộ và bán lẻ ở mức 85 USD/bộ. “Tôi có thể nói luôn là anh sẽ chẳng bao giờ bán nổi với giá 85 USD”, Robert nói thẳng với Founder Việt.

    boom potty 1
    Các shark tỏ ra khá hứng thú với sản phẩm này.

    Khi được hỏi về Landed Cost (các chi phí liên quan trực tiếp tới quá trình thu mua hàng hóa, không bao gồm trị giá ban đầu của sản phẩm, như phí hải quan, bảo hiểm, logistics…) tại Canada của sản phẩm, Thắng cho biết ở mức 30 USD. Mức giá này khiến các Sharks ngỡ ngàng nhìn nhau, sau đó anh phải giải thích luôn mức này đã bao gồm cả chi phí sản xuất sản phẩm là 5 USD.

    Anh nghĩ phí ship sẽ ở mức 25 USD/sản phẩm?”, một nhà đầu tư khác hỏi.

    Thắng cho rằng nếu anh có thể tăng được sản lượng thì sẽ giảm được phí ship, qua đó giảm được giá thành bán lẻ.

    boom potty 1
    Phí ship được cho là quá cao.

    Chê định giá doanh nghiệp quá cao, nhưng hai cá mập vẫn tranh giành đầu tư

    Ấn tượng với background của 2 nhà sáng lập khi biết Thắng là kỹ sư điện, còn Mai từng có công việc khá ổn tại các công ty tư vấn như McKinsey và Deloitte, các nhà đầu tư muốn tìm hiểu kỹ hơn vì sao hai người lại quyết định từ bỏ những công việc tuyệt vời để trở thành doanh nhân.

    Mai cho biết Thắng luôn là người thích tìm ra giải pháp. Khi được vợ giao việc vệ sinh cho con trai Boom, anh nhận ra rằng phương thức rửa truyền thống như bế trẻ vào bồn rửa thì không hiệu quả cho lắm, trong khi mọi người vẫn dùng cách thức này cả trăm năm mà không cải tiến chút gì. Vì vậy, Thắng đã thiết kế sản phẩm bô đa năng và tự bỏ tiền khởi nghiệp.

    Tôi thích cách các bạn nhìn nhận nhu cầu của thị trường, chấp nhận rủi ro để phát triển một thứ mà bạn có thể sử dụng cho chính bạn và tính toán số khách hàng có thể sử dụng sản phẩm”, nhà đầu tư mạo hiểm Manjit Minhas nhận xét.

    boom potty 1
    Nhà đầu tư Manjit Minhas.

    Cho rằng định giá doanh nghiệp của Boom Potty ở thời điểm hiện tại quá cao, một vài cá mập quyết định rút lui.

    Nhà đầu tư đa ngành Wes Hall cho biết ông thích 2 bạn trẻ, và ông cũng nghĩ sản phẩm của Boom Potty khá tốt, thân thiện môi trường khi không cần dùng khăn ướt. Tuy nhiên, ông vẫn nghĩ định giá doanh nghiệp hơi cao. Vị cá mập này đề nghị đầu tư 150.000 USD để đổi lấy 35% cổ phần.

    Khi những nhà đầu tư ngoài lề cổ vũ Boom Potty “hãy nhận lấy deal này”, Manjit đã yêu cầu hai nhà sáng lập hãy khoan, và đưa ra đề nghị 150.000 USD đổi lấy 30% cổ phần.

    Tôi thích giải pháp vệ sinh này và có một thị trường lớn cho giải pháp này không chỉ ở nước ngoài mà ở cả thị trường Bắc Mỹ. Tôi nghĩ các bạn cần sự giúp đỡ để giảm giá thành sản phẩm”, Manjit nói.

    Sau khi thảo luận, hai vợ chồng Thắng quyết định nhận offer từ Manjit – vị “Dragon” mà cả hai đều nhận định sẽ là người hỗ trợ tuyệt vời cho doanh nghiệp.

    boom potty 15
    Chiếc bô ngồi khá tiện.

    Tôi rất tự hào là một người Việt Nam và đã tham gia chương trình Shark Tank Việt Nam có thể mang sản phẩm của mình ra giới thiệu ở Canada. Được làm việc với một nhà đài chuyên nghiệp, từ ban biên tập, đạo diễn,.. và các nhà đầu tư chuyên nghiệp. Một trải nghiệm rất thú vị!”, Fanpage Shark Tank Việt Nam trích lời của nhà sáng lập Boom Potty Lê Đức Thắng sau khi chương trình gọi vốn của anh phát sóng.

    boom potty 1
    Một mẫu quảng cáo của doanh nghiệp.

    Theo Genk

  • Với điểm GPA xuất sắc cùng nhiều kinh nghiệm thực chiến từ thời sinh viên, Võ Nguyên An trở thành kỹ sư thiết kế robot cho lò phản ứng hạt nhân tại Mỹ.

    Năm 2015, sau khi tốt nghiệp trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, TP HCM, Võ Nguyên An, sinh năm 1997, quyết định "gap year" một năm để chuẩn bị hồ sơ, tiếng Anh và du lịch trước khi đi du học. Ước mơ của An là đến nước Mỹ học ngành cơ khí, theo đuổi sở thích lắp ráp ôtô. Tháng 4/2016, An trúng tuyển Đại học Virginia Tech ở Blacksburg, bang Virginia. Trường không cấp học bổng nên bố mẹ phải chu cấp cho An mỗi năm khoảng 45.000 USD (hơn 1 tỷ đồng) để con trai theo đuổi đam mê.

    "Ba phải làm công việc ba không thích để kiếm đủ tiền cho con đi học, để sau này con có thể làm được công việc mà con thích", câu nói của bố theo An từ Việt Nam sang Mỹ, là động lực để chàng trai trẻ cố gắng học tập.

    Tuy nhiên, trong năm đầu tiên, kết quả học của An không được như mong muốn. Như nhiều du học sinh khác, nam sinh gặp rào cản về ngôn ngữ và văn hóa. Để thích nghi, An chủ động giao tiếp và kết bạn với người bản xứ, luyện kỹ năng nghe nói và ứng xử. Với việc học, An lập kế hoạch chi tiết thời gian học tập ở từng môn, thời gian nghiên cứu, luyện tập. Nam sinh cũng nhận ra dù chỉ thuộc diện "khá" ở Việt Nam nhưng nền tảng về các môn khoa học tự nhiên là điểm mạnh của em so với nhiều sinh viên khác. Cùng với niềm đam mê lĩnh vực cơ khí và tập trung cao độ vào việc học, từ năm thứ hai, dù có nhiều môn chuyên ngành khó, việc học của An trở nên dễ dàng hơn. Tháng 5/2021, An nhận bằng cử nhân Khoa học Kỹ thuật Cơ khí, chuyên ngành Cơ khí ôtô với điểm GPA 3.62/4.0, nằm trong top 10% sinh viên điểm cao của trường.

    Trong thời gian học, để làm quen với thị trường lao động Mỹ, An ứng tuyển và trúng vị trí thực tập sinh thiết kế bảng vẽ 2D tại một công ty về điện khi đang học năm thứ hai. Năm tiếp theo, An nộp đơn ứng tuyển thực tập đến gần 50 công ty và được nhận làm thực tập sinh ở hãng xe Volvo Trucks khu vực Bắc Mỹ trong vai trò kỹ sư bán hàng.

    vo nguyen an 1
    Võ Nguyên An trong một chuyến công tác đến thành phố Clemson, South Carolina hôm 8/11. Ảnh: Nhân vật cung cấp

    An nhớ lại, mỗi tuần công ty này nhận khoảng 10.000 đơn đặt hàng sản xuất xe ôtô tải, xe đầu kéo theo yêu cầu của khách nên thường xuyên trong tình trạng quá tải, xử lý đơn hàng chậm trễ. Sau một tháng làm việc, An đề nghị giúp công ty tìm ra một công thức xử lý hệ thống đơn hàng theo mức độ ưu tiên nhằm tăng độ hài lòng của các đối tác lớn. Việc này giúp An nhận được lời mời làm việc toàn thời gian sau khi tốt nghiệp.

    "Tuy nhiên, đại dịch Covid-19 kéo dài hai năm sau đó khiến việc kinh doanh công ty đình trệ và không thể thuê thêm người mới", An nói, sau đó anh đã nộp hồ sơ tới hơn 30 công ty khác.

    Tháng 3/2021, chàng trai nhận được lời mời làm việc chính thức từ Framatome, công ty kinh doanh lò phản ứng hạt nhân của Pháp có chi nhánh tại Mỹ và gia nhập vào tháng 7 cùng năm. Công việc của An là kỹ sư xây dựng, thiết kế và tính toán độ bền kết cấu của các nhà máy năng lượng hạt nhân. Dù vậy, làm việc được chừng nửa năm, An thấy mình "không hợp lắm" vì công việc có phần khô khan, phải làm toán cả ngày. Đúng lúc này, một người bạn trong công ty rủ An về làm chung vì nhóm đang thiếu người.

    Tháng 2/2022, An trở thành kỹ sư bậc 1, chuyên thiết kế robot để kiểm tra các thông số trong lò phản ứng hạt nhân. Kỹ sư người Việt chủ yếu đảm nhận phần cơ khí (hình dạng, kết cấu) robot. Khi thiết kế robot có khả năng bơi dưới nước để kiểm tra các thông số trong lò phản ứng hạt nhân, An phải đảm bảo mọi chi tiết cực kỳ chắc chắn, không được rơi bất kỳ con ốc, bộ phận nào. Đồng thời, robot phải có khả năng làm việc nhanh để tránh người điều khiển robot ở quá lâu trong khu vực lò phản ứng, dễ nhiễm chất bức xạ. Chàng trai cũng phải tính toán để robot tiếp cận được ở những góc rất hẹp nhưng phải dễ điều khiển nhất. Để đảm bảo robot đạt tiêu chuẩn, An thường xuyên trau dồi thêm kiến thức về lập trình và điện. "Nếu không có kiến thức về điện, em làm sai phần kết cấu robot thì khi kỹ sư khác đi đường điện gắn chip sẽ khó gắn bảo trì", An lý giải.

    An cho hay, có những con robot cần cả năm để phát triển. Việc thiết kế robot tùy thuộc vào yêu cầu công việc của nhà máy hạt nhân. Khi có đề bài, kỹ sư trẻ thường dành thời gian lên ý tưởng và triển khai.

    "Khi làm việc, em thấy mình như đang chơi. Mỗi lần làm ra con robot rồi thấy nó chạy, em cười hớn hở như thấy con mình đang chạy", An ví von. Thông thường, An chỉ cần dùng nửa ngân sách theo quy định để thiết kế xong một robot đạt yêu cầu. Sau 9 tháng làm việc, chàng trai trẻ hai lần được tăng lương và thưởng. An hiện nhận lương khoảng 110.000 USD (hơn 2,7 tỷ đồng) một năm và được công ty tài trợ thẻ xanh EB-3 để ở lại Mỹ làm việc trong 10 năm tới.

    vo nguyen an 1
    An đưa bố mẹ và em gái đi chơi sở thú San Diego, California, hồi tháng 5/2022. Ảnh: Nhân vật cung cấp

    Ngày biết con trai tìm được công việc tốt và đúng sở thích tại Mỹ, bố của em đã khóc. Sau khi ổn định công việc, tháng 5 vừa qua, An đặt vé máy bay mời bố mẹ qua Mỹ chơi. "Bố mẹ muốn gì, em cũng mua hết. Bố em thích đồng hồ, em mua mấy cái luôn", An chia sẻ.

    Theo An, người nước ngoài như em gặp nhiều bất lợi khi tìm việc tại Mỹ vì môi trường cạnh tranh. An từng rải đơn xin việc nhiều nơi và cũng thường xuyên bị từ chối, nhưng niềm đam mê giúp An kiên trì theo đuổi mục tiêu. An nhìn nhận để trở nên nổi bật, ứng viên người nước ngoài phải giỏi chuyên môn bằng hoặc hơn người bản địa.

    "Nhiều người đi làm chỉ muốn xong việc là về. Nhưng em nghĩ khác. Em đam mê thiết kế và muốn sản phẩm phải hoàn hảo, tốt, bền, dễ sử dụng và bảo trì nên em dành rất nhiều thời gian và công sức. Hơn nữa, vì tập trung cao độ nên hiệu suất làm việc của em rất cao. Em nghĩ nhờ vậy mà em nổi bật hơn các kỹ sư trẻ khác", An chia sẻ.

    Chàng trai 25 tuổi nói sẽ làm thật tốt công việc hiện tại để được chịu trách nhiệm các dự án lớn hơn. An đặt mục tiêu đạt mức lương gần gấp đôi hiện tại và lấy bằng thạc sĩ trong vòng 6 năm tới.

    Trong thư giới thiệu về An gửi tới Đại học Bách khoa California (California Polytechnic State University, Pomona), tiến sĩ S. Christian Mariger - người từng dạy An môn Động cơ và Hệ thống truyền động ở Đại học Virginia Tech, đánh giá An cần cù, thông minh, nhạy bén trong học tập và có khả năng lãnh đạo bẩm sinh.

    "Bên cạnh sự ham học hỏi, An là người nói được, làm được, có tính kỷ luật cao để thành công với mọi mục tiêu đề ra", ông viết.

    Theo VnExpress

  • 16 năm bươn chải ở Mỹ, Tracy Trần không cho phép mình ngơi nghỉ, làm cật lực 7 ngày/tuần và đã khởi nghiệp thành công tại xứ Cờ Hoa.

    21 tuổi ôm con sang Mỹ

    Tracy Trần (tên Việt là Trần Thị Thanh Thủy, sinh năm 1985), đặt chân đến đất Mỹ năm 2006. Hồi đó, chị và chồng - một người Mỹ gốc Việt - đã có chung một bé trai. Họ sống ở California. Như nhiều người Việt mới chân ướt chân ráo sang Mỹ, cô chọn nghề nail (làm đẹp móng tay móng chân) vì vừa dễ kiếm tiền, việc thi cử lấy bằng cũng không quá khó khăn.

    Lương khởi điểm của Tracy thời điểm đó rất thấp, phần vì cô chưa biết tiếng Anh, phần vì những kỹ thuật cao cấp, Tracy chưa được đào tạo. Cô gần như không giao tiếp với ai, chỉ cắm đầu làm cho xong để khách khỏi phàn nàn thôi.

    tracy tran five fashion 1
    Tracy tư vấn cho khách Việt tại Mỹ.

    Ngoài giờ làm, Tracy cũng không có bạn bè, vì không có thời gian để gặp gỡ, giao lưu với cộng đồng người Việt. Cô thấy bất lực, cô đơn khi ở Mỹ, khó thích nghi với cuộc sống quá nhanh. Không biết lái xe, Tracy thường lững thững đi bộ, hoặc đi xe bus theo kiểu “copy cat”- thấy người ta làm sao thì để ý bắt chước làm vậy, chứ không biết hỏi ai, mà cũng không có đủ vốn tiếng Anh để hỏi.

    Nhiều khi về nhà thấy con đang bò, mặt mũi lấm lem như con mèo, lủi thủi tự chơi một mình, trong khi ở nhà thì người này người kia ẵm, mình bật khóc. Đã có lúc mình nghĩ: Thôi, khổ thế này thì thà về Việt Nam ở. Nhưng rồi mình lại cố gắng và học cách sống được ở đất Mỹ”, Tracy nhớ lại.

    Xác định ở lại rồi thì Tracy làm việc điên cuồng, đủ 7 ngày/tuần, nhưng tiền lương không đủ chi trả cho tiền bảo mẫu trông con (25 đô/ngày). Cô cứ làm hôm nay phải lo ngày mai, chi tiêu chắt bóp, vun vén sao cho đủ.

    Hai năm sau, Tracy sinh bé thứ hai. Thu nhập thời điểm đó cũng khá lên chút đỉnh, nhưng vẫn ở mức rất thấp. Dù vậy, hai người chung lưng đấu cật thì cũng tạm đủ nuôi con.

    Nhưng giấc mơ Mỹ vỡ tan cùng với việc ly hôn. Tracy bật khóc nhớ về đêm chồng cũ bỏ lại ba mẹ con trong căn hộ thuê trọ. Không có tiền thuê người dọn nhà, cũng không thể thuê căn nhà 800 - 900 USD/tháng như trước, Tracy tranh thủ ban đêm tự bê đồ đạc ra ngoài để trả nhà cho người ta. Cô xách hai đứa nhỏ đi thuê lại một cái phòng nhỏ xíu, kiểu như ở ké người ta, giá thuê cỡ 250 USD để ba mẹ con ở.

    Cứ sáng mình đi làm, tối về đón con là vô phòng ngủ. Người ta còn nói thẳng là không cho con nít ra ngoài, sợ ồn ào”, cô kể. “Năm đó, mẹ tôi mất, ở Việt Nam chỉ còn dì. Dì tôi xót xa, bàn tôi đưa lũ trẻ về cho bà trông. Lấn cấn mãi, cuối cùng tôi cũng gửi con về ngoại. Mà hồi đó tôi nghèo chứ, dì phải cho tiền mua vé đem tụi nhỏ về. Khi quay lại Mỹ, tôi khóc như điên suốt chặng bay”.

    Trở thành bà chủ, kiếm hàng trăm nghìn USD/năm

    Vượt qua hơn 1 năm đen tối nhất trong cuộc đời khi phải xa cách con, trái tim Tracy nở hoa trở lại với tình yêu từ Khanh - một thợ làm nail người Mỹ gốc Việt. Tracy chưa từng nghĩ sẽ đi bước nữa, nhưng “tình yêu làm gì có lý lẽ, yêu là yêu thôi”, Tracy tâm sự.

    tracy tran five fashion 4
    Tracy hạnh phúc bên người chồng hiện tại.

    Họ trở thành gia đình của nhau bằng một bữa tiệc nho nhỏ ra mắt gia đình. Rồi Tracy mang chồng mới về… giới thiệu với con. Vốn định để kinh tế ổn định rồi mới đón con sang, nhưng người bạn đời của Tracy chủ động giục về quê. Ngày hai vợ chồng về quê, cô chỉ dám giới thiệu với lũ trẻ là bạn bè. “Nhưng tụi nhỏ tinh lắm, phát hiện ra ngay là chúng tôi thân thiết hơn bạn bè”, Tracy kể, “Con nít mà, cứ ai thương là nó thích thôi. Tôi hạnh phúc vì 2 con riêng của mình rất thích ba mới. Anh cũng rất yêu thương và công bằng với các con. 5 đứa nhỏ (thêm 3 đứa con chung của hai người) cùng ra đường, ai cũng nghĩ là con của anh cả 5 đứa”.

    Chị tự hào nói thêm, ba mẹ chồng của chị cũng rất thương các con. Đặc biệt, gia đình chồng rất nề nếp, từ nhỏ tới lớn, cháu chắt tới nhà khoanh tay chào người lớn. Nhà cũng có lệ, dù ai bận cỡ nào, thứ Bảy hàng tuần và ngày lễ, con cái cũng phải tề tựu về nhà, tự tay mẹ nấu cho ăn. Gia đình Tracy cũng vậy, bận cỡ nào cũng không thể bỏ được những ngày sum họp đó.

    Cũng nhờ tình cảm gia đình ấm áp, sự chung tay đó của chồng mà Tracy cũng có động lực kiếm tiền, vươn lên hơn. Năm 2012, hai vợ chồng mở tiệm nail, cuộc sống cũng dần ổn định. Tới năm 2017, sức khỏe giảm sút, Tracy chuyển dần sang kinh doanh online, còn anh Khanh làm đấu thầu sửa nhà, mua nhà cũ và bán lại.

    Từ năm 2019, việc kinh doanh của Tracy thêm thuận lợi. Chị kinh doanh đồ bộ mặc nhà và đồ ăn vặt Việt Nam, từ ô mai sấu, cóc ngâm, me ngâm… cho tới mắm, măng khô, miến, mứt, củ kiệu… Dần dần đông khách, Tracy mở rộng hệ thống cộng tác viên, bỏ mối, chỉ cách cho những người Việt mới chân ướt chân ráo qua Mỹ cách kinh doanh để chị em cùng nhau tiến bộ, cùng có thêm thu nhập.

    tracy tran five fashion 4
    Việc kinh doanh thuận lợi đã giúp Tracy trở thành bà chủ “siêu thị online” trên đất Mỹ.

    Thấy bán đồ bộ ổn, Tracy không mua sẵn nữa mà mày mò tự đặt may ở xưởng Việt Nam rồi chuyển sang. “Tôi đặt tiêu chí là đồ bộ phải đẹp, điệu, hiện đại nhưng vẫn đảm bảo thoải mái. Ở Mỹ nhiều khi kiếm đồ bộ không ra hoặc mặc không hợp, nhưng đặt may ở nhà thì ai cũng ưng hết. Thế mới thấy người Việt ngộ ha, đi sang Mỹ nhưng vẫn mê đồ trong nước”, Tracy thổ lộ.

    Mỗi đợt hàng, Tracy chị đặt may chừng 3.000 bộ, bán trong khoảng 2 tuần lễ là hết. Hiện tại, thu nhập từ việc kinh doanh của Tracy khoảng hơn 300.000 USD/năm, so với thu nhập chỉ khoảng mười mấy ngàn USD/năm thời mới sang Mỹ, chị thấy tự hào vì những nỗ lực của mình.

    “Mình nghĩ sống ở nước ngoài phải luôn chăm chỉ, phải lao động cật lực vì vòng quay cuộc sống không cho phép nghỉ ngơi, con người rượt theo thời gian chứ thời gian không đợi mình đâu. Không thể làm biếng được nếu muốn có cuộc sống ổn định. Mình nhiều con nên càng phải cố gắng hơn”, cười, chị phân trần thế.

    tracy tran five fashion 4
    Mẹ 5 con đang có gia đình ấm êm tại Mỹ.

    Năm 2022 là một năm đánh dấu bước tiến mới của Tracy, Chị quyết định sẽ đưa thương hiệu Five Fashion vào những thiết kế và sản phẩm đồ bộ mặc nhà trong thời gian tới. Five Fashion là sự kết hợp tình yêu của Tracy với 5 người con và tình yêu thời trang của Chị. Five Fashion như đứa con tinh thần và cũng là điểm son ghi lại thành quả cho sự nỗ lực không ngừng của một cô gái mang giấc mơ Mỹ, tay không lập nghiệp.

    Theo VTC

  • Xuất thân là một thầy giáo dạy kỹ thuật nhưng Alan Phan đã có một bước ngoặt mang tính định mệnh để sau này trở thành doanh nhân thành đạt. Rồi 3 lần trắng tay, số tiền gần tỷ đô “đội nón ra đi”, nhưng Alan Phan coi đó là những bài học để đời ông muốn kể lại và tiếp lửa kinh doanh cho nhiều bạn trẻ…

    alan phan 1

    “Cuộc đời tôi chính là thông điệp của tôi” – câu nói này của vĩ nhân Gandhi thật đúng với TS. Alan Phan. Sinh 1945 và ‘sống ba đời trong một đời người’, Alan Phan bình thản đi qua 70 năm cuộc đời với sự lạc quan và hướng thiện, giữa muôn trùng phong ba của cuộc sống cá nhân.

    Đột ngột ra đi vào năm 2015, trước sự tiếc nuối của nhiều người và theo cách nói của người vợ của ông, ông cũng còn quá nhiều tiếc nuối, khắc khoải với những bài viết đầy tâm huyết của ông dành cho giới trẻ.

    Một phần cuộc đời ‘đầy biến cố’ nhưng không thể ‘quật ngã’ được con người đầy nghị lực như TS. Alan Phan được ghi lại trong cuốn sách: “Góc nhìn Alan Phan – dành tặng doanh nhân Việt trong thế trận toàn cầu”.

    Ấu thơ bôn ba

    Sinh ra trong lúc chiến tranh bùng nổ, Alan Phan cũng như bao đứa trẻ cùng thời, phải trải qua những thời khắc khó khăn khi lớn lên trong bom đạn. Những ký ức này in đậm trong tâm trí trẻ thơ của ông, đến độ sau này khi trưởng thành và nhắc về quá khứ luôn là những kỷ niệm khó quên.

    alan phan 1
    TS Alan Phan

    “Một ký ức mẹ thường kể lại là có đêm tôi bị lên “đẹn”, khóc suốt buổi và các gia đình cùng chạy giặc phải bịt mũi tôi để giữ im lặng trong căn hầm trú ẩn. Đôi khi giặc sục sạo trên đầu và mẹ cứ lo tôi đã bị ngạt thở chết rồi. Có lẽ nó cũng giải thích lý do là tại sao trong suốt 40 năm đầu của cuộc đời, tôi thường hốt hoảng giật mình tỉnh giấc giữa đêm như đang bị ai bóp họng”, sinh thời, Alan Phan tâm sự.

    Từ một cậu học trò nhút nhát ham học trường Petrus Ký (Trương Vĩnh Ký), Alan Phan ‘khăn gói quả mướp’ sang Mỹ du học. Dù được học bổng toàn phần và bao ăn ở nhưng để có tiền tiêu vặt, cậu đã phải làm bồi bàn, cắt tỉa vườn cây cho nhà hàng xóm, lau dụng cụ cho sinh viên trước lúc vào học… ai kêu gì làm nấy.

    Số tiền tích cóp được, cứ 3 tháng được nghỉ 10 ngày, Alan Phan lại lên đường đi ‘chu du’ khắp nơi. Có lẽ vì thế, Alan Phan dần trở thành một sinh viên đầy tự tin, tự tin ngay cả khi ‘ham chơi và lười biếng’ theo kiểu mấy tay sinh viên học xa nhà.

    Một lần ông tâm sự, năm 17 tuổi, ông du học Mỹ với gói học bổng bao ăn ở và học phí mỗi tháng là 180 USD. Để có tiền tiêu vặt, chàng sinh viên Alan Phan đi làm bồi bàn, thời những năm 1963-1964 tiền công là 2 USD một giờ. 

    Như vậy mỗi tháng ông kiếm được 80 USD. Cứ ba tháng có một kỳ nghỉ 10 ngày là ông gom số tiền này đi du lịch khắp nơi. Có lần ông hàng xóm kêu vườn cây tốt quá nhờ Alan cắt rồi trả công 10 USD. Cứ như vậy, nói chung ai kêu gì làm đó. “Đến năm thứ ba, tôi được một giáo sư trong trường đại học thuê làm việc trong trường.

    Công việc là lau dụng cụ, sửa soạn bàn học cho sinh viên. Công việc này cũng dính tới chút chuyên môn nên ông ấy trả 3-3,5 USD một giờ. Nên một tháng lại nhiều hơn nhưng cũng vẫn là làm việc tay chân”, TS Alan Phan kể.

    Cuộc đời có thành công và cũng lắm thất bại nhưng với ông, cứ mỗi lần không còn xu dính túi, những lúc rơi vào tuyệt vọng nhất… ông lại thấy cơ hội tràn ngập đến với mình. Và ông nhìn thấy năng lượng tuyệt vời sau mỗi lần thua lỗ, thất bát.

    Sau 5 năm sống trên đất Mỹ, năm 1968, Alan Phan quay trở về Việt Nam để chia sẻ với bạn bè, gia đình và các người trẻ khác những khó khăn, cay đắng và tủi nhục. Không tận dụng lợi thế là một ‘du học sinh Mỹ’ để chọn những công việc ‘ra tiền’, Alan Phan lại chọn nghề giáo. Ông cần mẫn với vai trò là giảng viên dạy môn kỹ thuật tại trường Đại học Kỹ thuật Phú Thọ (nay là đại học Bách khoa TP.HCM).

    alan phan 1

    Trở thành doanh nhân tầm cỡ vì bị bạn gái… cho ‘leo cây’

    Hành trình chuyển nghề từ một thầy giáo tới việc ‘dấn thân’ vào thương trường đầy toan tính thực sự hết sức tình cờ với Alan Phan. Khi bị bạn gái cho ‘leo cây’ lúc hẹn hò, Alan Phan tình cờ chỉ đường cho một người Mỹ, có thể cảm kích trước Alan Phan, anh chàng này đã ngỏ ý mời Alan Phan làm việc với mức lương không tưởng lúc bấy giờ, 300 USD/tháng.

    Đây quả là cuộc đổi đời ấn tượng của chàng thanh niên Alan Phan khi lần đầu tiên được tiếp xúc với lĩnh vực kinh doanh. Nhiều năm sau cuộc gặp gỡ định mệnh đó, Alan Phan đã tham gia thành lập và điều hành hàng loạt các công ty như Dona Foods, Foremost Dairies (nay là Vinamilk), Mekong Car,…7 năm lăn lộn, Alan Phan đã tích luỹ được số tài sản 7 triệu đô la (thời bấy giờ) tương đương 31,25 triệu đô la (năm 2015).

    Đó quả là một khối tài sản đáng ngưỡng mộ với chàng lãng tử dám dấn thân vào thương nghiệp. 

    Sau ngày đất nước giải phóng, tài sản của Alan Phan bị sung công, ông lại ra đi với 2 bàn tay trắng và làm công cho một công ty đa quốc gia ở Mỹ. Thời điểm này, Alan Phan cũng đạt vài thành công nhờ kinh doanh địa ốc. 

    alan phan 1
    Bà Melissa Mai nghẹn ngào chia sẻ về chồng

    Thế nhưng, có lẽ ông trời muốn dành cho anh chàng Alan Phan thêm nhiều trọng trách khác nên đã thử thách Alan bằng… một lần phá sản nữa. Đó là năm 1982, khi mọi thứ đều tốt đẹp, kinh tế Mỹ sa vào một cuộc suy thoái và lãi suất ngân hàng lên đến 18-19%.

    Alan Phan mất toàn bộ tài sản tại bang Arizona và hầu hết sản nghiệp của mình. “Chính xác là tôi rời nhà với cái valy chỉ toàn quần áo, đại khái rất khốn khổ sau biến cố mất tiền đó”, Alan Phan từng tâm sự.

    14 năm với 2 lần phá sản, mất đến 60 triệu USD rồi Alan Phan lại quyết tâm thành lập Hartcourt để thử sức mình ở lĩnh vực xuất khẩu máy móc. Có ‘bột’, Alan Phan tiếp tục ‘gột lên hồ’ khi ông đưa Hartcourt lên sàn chứng khoán Mỹ – năm đó (1987), ông là Việt kiều đầu tiên đưa công ty của mình lên sàn chứng khoán Mỹ để gây dựng vốn.

    Tuy nhiên, trong bong bóng Dotcom 1999 tại Mỹ, lần thứ 3, Alan Phan rơi vào cảnh trắng tay. “Nguy hiểm nhất với doanh nhân không phải là khi ở dưới đáy, mà chính khi ở trên đỉnh vinh quang, người ta dễ quên đi nhiều thứ, dễ bị té nhất. Tham vọng cùng những lời ca tụng, tâng bốc đã đẩy tôi đi quá xa thực tế.

    Tôi kiêu căng, liều lĩnh, mất đi trọng điểm về mục tiêu công việc cũng như đời sống cá nhân. Đó là kẻ thù tồi tệ nhất không chỉ với riêng tôi mà với rất nhiều doanh nhân khác khi mới đạt được thành công bước đầu.

    Nhưng tôi không suy nghĩ nhiều về những mất mát, và luôn tin cái gì chết đi cũng sẽ hồi sinh”, Alan Phan trong một lần chia sẻ lúc sinh thời.

    Tính đến năm 1999, ở tuổi 54 với bề dày 31 năm lăn lộn trên thương trường, Alan Phan cũng đã ‘kịp tiêu tán’ của mình gần 900 triệu đô la – một ‘thành tích’ mà có lẽ ít người sánh kịp.

    Năm 2001, Alan Phan thành lập Víaa Fund đặt trụ sở ở Hồng Kông, tiếp tục theo đuổi con đường học thuật 2 tấm bằng Ph.D tại (Anh) và DBA tại Southern Cross (Úc). Sau khi quỹ có trị giá khoảng 82 triệu USD, năm 2007, Alan Phan quay trở về Việt Nam thành lập nên công ty Vinabull, đem mô hình kinh doanh nhằm xây dựng cơ sở dữ liệu cho các nhà đầu tư và tổ chức.

    Tuy nhiên vào ngày 19/10/2015 TS Alan Phan qua đời đã để lại nỗi thương tiếc trong lòng nhiều người Việt, những giấc mơ vẫn còn dang dở của TS. Alan Phan đã tạm thời khép lại…

    alan phan 1
    Tiến sĩ Alan Phan được công chúng biết nhiều qua trang blog Góc Nhìn Alan với các bài bình luận, phân tích về kinh tế, xã hội Việt Nam.

    Người đàn ông đào hoa và người cha hết mực yêu con

    Là người đàn ông lãng mạn, đào hoa và có 3 người con, trong gia đình, ông là một người dân chủ, cởi mở với tranh luận của con cái đồng thời minh bạch và không trốn trách nhiệm. Ông cũng là người cha hết mực yêu thương con.

    “Nhìn lại quá trình nuôi con, thì có lẽ cái mà tôi đã làm được là luôn bày tỏ tình yêu thương đối với con mình. Mình yêu con dù bất cứ thế nào. Yêu ở đây là sự trao gửi toàn diện, cho đi hoàn toàn. Khi con tôi nổi loạn và gây cho tôi đau khổ, tôi vẫn yêu nó tha thiết.

    Tôi nghĩ, đó có thể là một điều giúp nó khi lầm lạc, vì nó vẫn thấy bao quanh nó là một tình yêu vô điều kiện từ cha mẹ. Tình yêu của cha mẹ dành cho con cái càng nhiều thì đứa con càng có nhiều cơ hội trở thành người tốt”, Alan Phan chia sẻ.

    Gần một năm sau lần ra đi sau một cơn đột quỵ của TS. Alan Phan, người vợ cuối cùng của ông – bà Melissa Mai vẫn chưa hết bàng hoàng. Trên sân khấu, trong lần ra mắt cuốn sách của người chồng quá cố, Melissa bùi ngùi, không thể nói thành lời.

    Bà nhắc đi nhắc lại rằng, sự ra đi của chồng bà quá đột ngột và ông còn quá nhiều trăn trở với nghiệp kinh doanh, với việc truyền lửa và truyền cả kinh nghiệm của mình cho giới trẻ hiện nay. Thế nên, cuốn sách này gia đình quyết tâm xuất bản bởi tâm nguyện của ông muốn dành tặng cho doanh nhân Việt trong thế trận toàn cầu này.

    Theo Vietnamnet

  • cau hoc tro khong tay xin vao google 1

    Hình ảnh cậu bé chim cánh cụt đã quá quen thuộc với những người quan tâm đến cậu, và một chương mới trong cuộc đời Hạnh lại đang mở ra.

    Cách đây nhiều năm, tấm ảnh một bé trai không có tay đi trên chiếc xe đạp đến trường đã khiến nhiều người xúc động nghẹn ngào. Có người cho rằng đó là một hoàn cảnh ở vùng sâu vùng xa, người lại nghĩ đó là một tấm ảnh cũ từ rất lâu. Tấm ảnh ấy chính là Hồ Hữu Hạnh lúc nhỏ, câu chuyện cậu bé chim cánh cụt không từ bỏ hi vọng luôn được nối dài từ ngày này sang ngày khác. Mới đây, Hạnh đã vào đại học.

    Hồ Hữu Hạnh sinh năm 2000, trên vùng đất đỏ Gia Canh, Định Quán, Đồng Nai), trong một gia đình có 4 anh em, bố mẹ quanh năm lam lũ với ruộng vườn, nương rẫy. Số phận không may còn đeo bám em, bởi ngay khi sinh ra đã không có đôi tay do di chứng chất độc da cam từ cha, mẹ. Khi biết con không có tay, người mẹ đã ngất đi sau cơn vượt cạn.

    Không cam chịu số phận, Hạnh âm thầm vượt qua sự run rủi của cuộc đời để tìm đến ước mơ như bao đứa trẻ bình thường. Em tự học cách chăm sóc bản thân, làm ᴄôпg việc nhà. Đến tuổi đi học, Hạnh đến trường với chiếc xe đạp bằng đôi vai và hai chân, gõ bàn phím máy tính bằng các ngón chân.

    cau hoc tro khong tay xin vao google 1

    Không có tay, cậu bé đã biến đôi chân mình trở nên phi thường và kỳ diệu. Nỗ lực học hành được bù đắp bằng nhiều danh hiệu. Ước mơ trở thành kỹ sư tin học cũng len lỏi trong đầu cậu bé. Nhưng Hạnh biết rằng người bình thường học hành đã khó, với đứa trẻ không tay như em thì càng cần nhiều khổ luyện hơn.

    Câu chuyện cậu bé chim cánh cụt luôn nỗ lực vươn lên được nhiều người chú ý khi báo, đài lần lượt đưa tin về cậu bé như là tấm gương sáng vượt khó giữa đời thường. Nhiều cơ hội cũng đã đến với em khi cậu bé bày tỏ mơ ước được trở thành kỹ sư tin học. Và có lẽ lần đầu tiên đặt chân đến đảo quốc sư tử, đến thăm văn phòng Google tại đây đã khiến mơ ước ấy càng gần hơn.

    Ít ai biết rằng, đầu năm 2019, Hồ Hữu Hạnh một mình đến Singapore do một đơn vị tài trợ, hăm hở bước vào văn phòng Google. Đây cũng là lần đầu tiên em được đi máy bay. Hạnh đã có cuộc gặp gỡ và nói lên ước muốn được làm việc tại Google cùng ông Nitin Gajria- Giám đốc phụ trách vùng Việt Nam, Lào, Campuchia của Google. Đáp lời Hạnh, ông Nitin cho biết nếu em hoàn thành chương trình đại học và có thể giao tiếp tiếng Anh thì việc làm tại Google sẽ là một cơ hội không xa.

    cau hoc tro khong tay xin vao google 1

    Chuyến đi của Hạnh đã truyền cảm hứng, khích lệ tinh thần nghị lực phấn đấυ của nhiều bạn trẻ. Tháng 9 vừa qua, cậu bé chim cánh cụt nhận được tin vui là đã trúng tuyển ngành Côпg nghệ thông tin và trở thành sinh viên năm nhất Đại học Lạc Hồng (Đồng Nai). Học đại học chậm một năm nhưng đó cũng là cơ hội để Hạnh làm những điều mình đã học được từ Internet. Hạnh thực hiện một số dự án quảng cáo trực tuyến cho doanh nghiệp, vừa có thêm thu nhập vừa thực hành những điều mình tích lũy được.

    Hồ Hữu Hạnh chỉ mới 20 tuổi, vẫn còn một hành trình dài trước mắt để biến những ước mơ mãnh liệt của mình trở thành sự thật. Nhưng có 1 thực tế mà không ai phủ nhận được, đó là câu chuyện cậu bé chim cánh cụt giàu nghị lực là có thật, và những điều em có được ngày hôm nay đều do chính em làm nên. Cách đây 20 năm, có ai nghĩ rằng một đứa trẻ chào đời thiếu đôi cánh tay lại có ngày đặt chân đến văn phòng một tập đoàn ᴄôпg nghệ пổi tiếng để xin làm việc?

    Theo Phunugiadinh

  • Ông Bùi Ngọc Sơn, giảng dạy tại Khoa Luật, Đại học Oxford, đã được trường phong hàm giáo sư.

    Thông tin về việc phong hàm giáo sư cho ông Sơn cùng hai giảng viên khác được đăng trên trang web của Đại học Oxford hôm 18/8.

    Ông Bùi Ngọc Sơn là Giáo sư Luật châu Á tại khoa Luật của Đại học Oxford; nghiên cứu viên của trường St Hugh, Đại học Oxford. Ông học đại học, thạc sĩ và giảng dạy tại khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội; nhận bằng tiến sĩ tại Đại học Hong Kong; làm trợ lý giáo sư tại khoa Luật, Đại học Trung Quốc Hong Kong; thành viên nghiên cứu tại Trung tâm Nghiên cứu Pháp lý châu Á của khoa Luật, Đại học Quốc gia Singapore. Ông cũng từng tham gia các vị trí nghiên cứu tại trường Luật Harvard, Đại học Melbourne và Đại học Thanh Hoa.

    giao su Bui Ngoc Son DH Oxford
    Ảnh Giáo sư Bùi Ngọc Sơn đăng trên website khoa Luật, Đại học Oxford. Ảnh: Khoa Luật, Đại học Oxford

    Giáo sư Sơn làm việc về luật so sánh và luật hiến pháp ở châu Á. Ông là tác giả cuốn Constitutional Change in the Contemporary Socialist World (tạm dịch: Thay đổi Hiến pháp trong thế giới xã hội chủ nghĩa đương đại - Nhà xuất bản Đại học Oxford, 2020), và Confucian Constitutionalism in East Asia (tạm dich: Chủ nghĩa hợp hiến Khổng giáo ở Đông Á - Routledge, 2016).

    Ông đang viết một chuyên khảo mới về Cải cách pháp lý trong thế giới xã hội chủ nghĩa đương đại cho Nhà xuất bản Đại học Oxford. Đồng thời, ông cũng là đồng biên tập bốn tập về Luật Hiến pháp so sánh châu Á cho Nhà xuất bản Hart.

    Giáo sư Sơn làm việc trong ban biên tập của Tạp chí Luật so sánh châu Á và trong ban cố vấn của Tạp chí Luật Ấn Độ.

    Trong phần giới thiệu về mình trên website của Khoa Luật, Giáo sư Sơn cho biết sống tại Oxford cùng vợ và hai con. Ông có sở thích về âm nhạc, thích nghe và hát các bài hát Việt, đặc biệt những bài có sự kết hợp jazz với âm nhạc truyền thống của Việt Nam. Khi còn giảng dạy tại Đại học Quốc gia Hà Nội, ông từng giành huy chương vàng trong một hội diễn về âm nhạc dành cho giáo viên.

    Oxford là viện đại học lâu đời nhất trong thế giới nói tiếng Anh. Theo bảng xếp hạng đại học thế giới Times Higher Education 2022 (THE), Đại học Oxford 6 lần liên tiếp xếp thứ nhất vào các năm 2017, 2018, 2019, 2020, 2021 và 2022.

    Theo VnExpress

  • Để thực hiện kế hoạch không tưởng đi lên từ rác của mình, nữ doanh nhân Australia gốc Việt Le Ho đã đặt cược toàn bộ tài sản để mua lại một công ty xử lý chất thải, từ đó xây dựng “đế chế rác” hơn 7 triệu USD (khoảng 160 tỷ đồng).

    Cô gái bị áp đặt phải lấy chồng học thức

    Le Ho theo gia đình rời Việt Nam sang Úc từ khi còn rất nhỏ. Tuy sinh sống ở nước ngoài từ sớm nhưng nữ doanh nhân vẫn phải sống trong gia đình chịu những định kiến xã hội khá nặng nề.

    Thời còn là thiếu nữ, cô nàng đã từng bị bố mẹ áp đặt rằng phải học giỏi để lấy một người chồng tương xứng, học thức, giàu có và có thể chăm sóc cô suốt đời.

    le ho kinh doanh rac 1
    Cô gái xinh đẹp bị gia đình áp đặt phải lấy chồng học thức

    Song khi lớn lên, Le Ho tìm thấy nhiều cơ hội để phát triển và “nữ hoàng rác” muốn chứng minh những gì đàn ông làm được thì phụ nữ cũng có thể.

    Khởi nghiệp từ cửa hàng giày dép

    Hành trình khởi nghiệp của Le Ho bắt đầu từ năm cô nàng 20 tuổi với cửa hàng giày dép và váy cưới. Những sản phẩm thông dụng này cho cô lợi nhuận không cao, nhưng bù lại việc kinh doanh đều đặn và không quá áp lực.

    le ho kinh doanh rac 1
    Cô gái trẻ vốn khởi nghiệp từ một cửa hàng giày dép

    Sau đó nữ doanh nhân cũng đạt được một số thành công nhất định khi phát triển thương hiệu riêng thành 6 chuỗi cửa hàng. Tuy nhiên việc kinh doanh bắt đầu bị gián đoạn khi các sàn thương mại điện tử xuất hiện.

    Trong kinh doanh, dù là trong dự án lớn hay nhỏ thì những ý tưởng mới lạ táo bạo thông thường đều là mấu chốt của thành công. Và cô gái xinh đẹp gốc Việt này đã có một ý tưởng táo bạo như thế.

    Dốc hết gia tài để kinh doanh… ‘rác’

    Nữ doanh nhân gốc Việt tiếp tục tìm cơ hội kinh doanh khác và đến năm 2010 cô nàng biết đến công ty xử lý rác thải Capital City có trụ sở tại Sydney. Khi đó công ty đang gặp phải thua lỗ nặng, công ty phải bù lỗ khoảng 20.000 USD mỗi tháng (460 triệu đồng) và có nguy đóng cửa.

    le ho kinh doanh rac 1
    Dốc hết gia tài để mua lại công ty xử lý rác

    Bất chấp những khó khăn tiềm ẩn, Le Ho vẫn quyết định dốc hết gia tài để mua lại công ty xử lý rác với giá 50.000 USD (1 tỷ đồng). “Tôi can đảm mua hết cổ phần công ty và phải chấp nhận rủi ro nếu chiến lược kinh doanh không hiệu quả”, nữ doanh nhân chia sẻ.

    Để bắt đầu quá trình “lập nghiệp từ rác”, nữ doanh nhân 42 tuổi đã một mình đảm nhiệm nhiều vai trò để tiết kiệm chi phí.

    Trở thành ‘nữ hoàng’ xử lý chất thải

    Ngày mới của Le Ho bắt đầu bằng việc lái xe đi thu gom rác, thay quần áo đi họp và tìm khách hàng tiềm năng, buổi tối cô nàng dành để đọc sách và viết mail. Nhờ một mình làm kế toán kiêm sale (nhân viên kinh doanh) và lái xe tải, nữ doanh nhân gốc Việt đã hoà vốn ngay từ tháng đầu tiên.

    le ho kinh doanh rac 1
    Cô nhanh chóng trở thành ‘nữ hoàng’ xử lý chất thải

    Để giúp công ty có cú “lội ngược dòng”, Le Ho đã phải làm việc 18 tiếng mỗi ngày trong suốt 12 tháng đầu tiên. Thậm chí khi bắt đầu dấn thân vào lĩnh vực xử lý rác thải, cô nàng đã gặp phải nhiều hoài nghi từ người khác.

    “Là một người Việt Nam nhập cư, tôi đối mặt với rất nhiều rào cản. Khó khăn càng nhiều hơn khi là một người phụ nữ lại còn là người châu Á”, Le Ho tâm sự.

    Chỉ trong 5 năm, “nữ hoàng rác” đã biến nỗ lực công ty xử lý rác thải Capital City trở thành “đế chế” với giá trị lên tới hàng triệu USD.

    Một trong 29 nữ doanh nhân được tạp chí Úc vinh danh

    Tuy nhiên sau đó, nữ doanh nhân đã bán lại công ty với giá hơn 7,4 triệu USD (160 tỷ đồng) để dành thời gian chăm sóc bố mẹ. Cô nàng cũng là một trong 29 nữ doanh nhân được vinh danh trong cuốn sách IfSheCanICan của Australia.

    le ho kinh doanh rac 1
    Cô là một trong 29 nữ doanh nhân được tạp chí Úc vinh danh.

    Dạo gần đây, cái tên Le Ho đã thu hút sự quan tâm trở lại của giới truyền thông Úc khi quyết định “tiến công” vào lĩnh vực bất động sản với thương vụ mua bán một chuỗi khách sạn lớn lớn trị giá gần 6 triệu Đô la Úc (gần 100 tỷ đồng).

    Đây là dấu ấn mới trong hành trình đáng kinh ngạc của nữ doanh nhân gốc Việt từng được biết đến với biệt danh “Nữ hoàng rác”. Chúc cô mau chóng thành công vững chắc giống như đã từng có với lĩnh vực xử lý chất thải bảo vệ môi trường như trước đây.

    Theo Vandieuhay

  • Hai mươi năm lao động xa xứ, đức tính cần cù, chịu khó, chân thành và một chiến lược kinh doanh khác biệt đã giúp Nguyễn Văn Thịnh từ một anh chàng bán kem ở vùng núi nghèo trở thành một doanh nhân thành đạt tại Hungary. 

    Tuổi thơ khốn khó

    Nguyễn Văn Thịnh sinh ngày 14/2/1964 tại thôn Xuân Dục, xã Xuân Ninh, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình. Anh sinh trưởng trong một gia đình làm nghề chài lưới. Thịnh là con thứ chín trong gia đình có mười một anh chị em. Cuộc sống gia đình anh nghèo khổ, lênh đênh, bất định, nay đây mai đó trên sông nước.

    Cho đến năm 1955, khi Nhà nước thực hiện chính sách cải cách ruộng đất, gia đình anh được chia ruộng, cả nhà kéo nhau lên bờ sinh cơ, lập nghiệp. Thật không may, tháng 7/1967, một quả bom Mỹ đã ném trúng nhà, khiến ba anh chị em và một người họ hàng của anh thiệt mạng. Lúc đó, Thịnh mới 3 tuổi. 

    nguyen van thinh TTEURO KFT
    Anh Nguyễn Văn Thịnh (Ảnh: VTV)

    Năm Thịnh lên 7 tuổi, các chị đều đi lập gia đình, bố thì thường phải đi làm xa, chỉ còn anh và cậu em út ở nhà với mẹ. Mẹ thì đau yếu triền miên, nên Thịnh cũng phải gánh vác các công việc cày, cuốc, chăn trâu, chăn bò. 

    Tuy nhiên cũng nhờ đó mà năm lên 11 tuổi, anh đã tự lập và có thể tự nuôi sống bản thân. Hàng ngày, ngoài giờ học văn hóa, Thịnh giúp đỡ mẹ việc đồng áng và chài lưới để kiếm mớ tôm, mớ cá bán lấy tiền phụ giúp gia đình. 

    Năm 1984, Thịnh đi lính. Năm 1990 anh về phục viên và lập gia đình tại quê hương. Một thời gian sau, hai vợ chồng anh được bố mẹ cho ra ăn riêng. 

    Hai người quyết định mở một cửa hiệu may nhỏ, nhưng dù chăm chỉ làm ăn họ vẫn nghèo. Với quyết tâm thay đổi số phận, Thịnh ôm mộng đi buôn. 

    Thịnh khởi nghiệp với nghề bán kem, do công việc cần ít vốn. Anh vay mượn gia đình, mua hai thùng kem để hành nghề. Hàng ngày, anh đi vào sâu trong vùng bà con dân tộc Vân kiều để bán. Đoạn đường rừng vừa đi vừa về dài khoảng 70km, có lúc anh đạp xe, có đoạn đi nhờ xe chở gỗ, cũng có nhiều đoạn phải xuống gánh bộ. 

    Thịnh không chỉ bán mà còn dùng kem để đổi sợi thuốc lá, sắt vụn, đồng nát. Để cạnh tranh với những người bán kem khác, Thịnh đã nghĩ ra một chiêu thức quảng cáo khá thú vị. Anh đóng vai một chú hề, kèm theo lời rao dí dỏm: ''Ai tươi mát đây, tươi mát đây.''

    Có lẽ vì những yếu tố mới lạ này nên bà con thường hay mua kem của Thịnh hơn. Anh bán hàng rất chạy, lại đổi được nhiều sản vật quý. 

    Một năm trời làm ăn chăm chỉ và cần mẫn, Thịnh đã dành dụm được chút vốn liếng. Nhưng anh vẫn chưa giàu và giấc mơ đổi đời vẫn còn nguyên đó. 

    Vượt lên số phận

    Năm 1998, Thịnh theo chân một người bà con sang Hungary làm ăn và khởi nghiệp lại ở đây, bằng vốn vay 1.000 USD của người chị vợ. Hàng ngày, anh lấy quần áo ở đầu chợ rồi mang xuống cuối chợ bán. 

    Ngày đầu tiên anh kiếm được 2.000 Forint tiền lãi (tương đương với 15 USD). Số tiền đó bằng một ngày làm công của 5 người thợ xây ở quê. Thịnh mừng lắm, nhưng chỉ một thời gian ngắn sau, anh đã nhận ra rằng cuộc sống ở trời Tây không hề đơn giản, nhiều lúc còn vất vả, cực khổ hơn ở quê. 

    Buôn bán lúc được, lúc mất, không trường vốn kinh doanh, khí hậu khắc nghiệt, không biết ngoại ngữ, gia đình ở xa, nhờ vả anh em thì cũng có hạn, tiền bạc không có, nhiều khi Thịnh chỉ dám mua mấy thứ đồ ăn mà người dân ở đó không thèm ăn như đầu gà, chân gà, còn lại thì ăn mỳ tôm trừ bữa... 

    Những ngày tháng ấy đầy khổ cực, tủi hờn, nhưng không thể hạ gục được người đàn ông từng trải như anh.

    Không giống nhiều người khác từng “đi Tây,” Thịnh là một trường hợp điển hình về việc không cam chịu số phận. 

    Sau khi tạm ổn định ở nơi đất khách, anh tiếp tục vay mượn số tiền 15.000 USD, mua một kiốt bán hàng rộng 4m2. Sau đó anh chăm chỉ đi làm sớm về khuya, nhanh chóng có nhiều khách hàng thân thiết và trả hết nợ sau 3 năm. 

    Năm 2005, sau 7 năm sống ở xứ người, Thịnh quyết định mở rộng quy mô kinh doanh, thành lập Công ty Trách nhiệm hữu hạn TTEURO-KFT, chuyên kinh doanh đồ gia dụng gia đình nhập khẩu từ Trung Quốc. 

    Giám đốc Nguyễn Văn Thịnh và nhân viên công ty TTEURO-KFT. (Ảnh: Vietnam+)

    Công việc làm ăn ngày càng phát đạt, anh tiếp tục thuê thêm 3 cửa hàng nữa, một cái rộng 140m2, hai cái còn lại lần lượt 120m2, 500m2 và một tổng kho. 

    Thịnh tuyển thêm hàng chục nhân viên, cho người sang Trung Quốc học nghiệp vụ sau đó về Hungary học tiếng rồi bố trí vào những vị trí phù hợp. 

    Mỗi trường hợp như thế, công ty anh đều phải tạo mọi điều kiện, từ chuyện việc làm, mức lương ổn định, đóng thuế, tài khoản tiết kiệm, mua nhà, nhập quốc tịch... để giúp các nhân viên an cư, lập nghiệp. 

    Do đã từng trải và thấu hiểu sự cùng cực nơi xứ người nên anh luôn hết lòng chỉ bảo, dạy dỗ, lo toan cho các nhân viên như con cái của mình. Anh đã giúp đỡ họ từng bước hiện thực hóa giấc mơ trên đất khách. 

    Hiện nay, TTEURO-KFT đã liên kết với rất nhiều đại lý ở Hungary, Cộng hòa Séc, Áo, Ukraine, Romania... và là một trong những công ty kinh doanh đồ gia dụng xuyên quốc gia, đứng tốp đầu tại khu Trung tâm thương mại 25 ở Budapets.

    Ông Béni Mihály, giám đốc công ty Kambiel Kft, đối tác lâu năm của Thịnh chia sẻ: ''Trước đây, tôi từ một người làm công, với hai bàn tay trắng, dưới sự giúp đỡ và dìu dắt của anh Thịnh nay tôi đã sở hữu một tài sản mà trước đấy dù có mơ cũng không thấy. Có thể người khác chỉ nhếch mép cười khi biết trị giá khối tài sản vài ba triệu USD mà tôi có. Nhưng với tôi, ngoài giá trị có thể đo đếm được còn có một thứ khác, một thứ không thể tính bằng tiền mặt. Đó là tình cảm anh em đồng chí mà chúng tôi đã dành cho nhau. Tôi rất tự hào và hãnh diện khi hợp tác với công ty và biết anh Thịnh cùng gia đình đã coi Hungary là Tổ quốc thứ hai của mình."

    Trong vòng 5 năm tới, Thịnh dự kiến sẽ phát triển công ty trở thành tập đoàn, đồng thời, hoạch định chiến lược vươn ra một số thị trường tiềm năng ngoài châu Âu. 

    Đặc biệt, anh đang chú trọng vào việc nâng cao chất lượng đội ngũ nhân viên, tuyển mộ thêm những nhân viên có trình độ cao tại Hungary và Việt Nam. Ngoài ra, anh cũng dự định đưa hai người con trai đi du học tại Trung Quốc, để chuẩn bị cho thế hệ kế cận. 

    ''Tôi không vội vàng. Tôi làm từng bước một. Ngày xưa, tôi đâu có ngờ là mình sẽ sang Tây. Sang Tây rồi tôi cũng đâu có ngờ là mình sẽ có được một công ty buôn bán đa quốc gia, có được một đội quân như thế này...," anh chia sẻ.

    Khi được hỏi bí kíp thành công là gì, Thịnh nói rằng đó là “sự cần cù, chịu khó và phải luôn luôn thật thà, uy tín với khách hàng.”

    Ngoài ra, người doanh nhân phải làm sao để trong lòng khách hàng luôn có ''hình bóng'' của đơn vị mình, phải tạo ra mối nhân duyên và tình cảm sâu sắc với khách hàng. 

    Đi thật xa để trở về

    Giống như nhiều người Việt thành công khác, Thịnh ''đi là để trở về." Việc ''trở về'' của anh, không chỉ là đóng góp, ủng hộ tiền bạc cho địa phương để xây dựng các công trình công cộng như đường xá, nhà văn hóa, cổng trào... hay quyên góp ủng hộ đồng bào nghèo, lũ lụt... hay đầu tư tiền bạc để xây dựng khu sinh thái gia đình, mà còn là việc ''nhìn lại'' và sửa chữa những sai lầm. 

    Thịnh tâm sự, ngày còn ở quê, anh đã phá cả một quả đồi tự nhiên (được nhà nước giao khoán) để trồng bạch đàn. Nay anh mới hiểu ra rằng đó là việc làm sai lầm. Anh đã quyết định cắt bỏ toàn bộ rừng bạch đàn và tái tạo lại thành rừng tự nhiên. 

    Bên cạnh đó, anh cho xây ba quả núi tại khu sinh thái gia đình, xây dựng các công trình kiến trúc Á-Âu và xây dựng lâu đài theo phong cách kiến trúc châu Âu. Anh chia sẻ: ''Đây là công trình tâm huyết của tôi, để tôi có thể đón tiếp bạn bè lúc tuổi già." 

    Ở Hungary, Thịnh cũng nổi tiếng là người luôn giúp đỡ tận tình các đoàn Việt Nam sang nước bạn công tác. 

    Ông Phạm Ngọc Chu (Chủ tịch Hội doanh nghiệp Việt Nam tại Hungary), chia sẻ: ''Công ty TTEURO-KFT là thành viên của Hội doanh nghiệp Việt Nam tại Hungary. Ông Nguyễn Văn Thịnh đã có nhiều đóng góp quan trọng cho sự lớn mạnh của Hội, là nhân tố tích cực trong các hoạt động của Hội, cộng đồng Việt tại Hungary và nước ngoài. Ông Thịnh xứng đáng là hạt nhân tiên tiến, thành đạt trong cộng đồng Việt Nam tại Hungary.''

    Hai mươi năm lao động xa xứ, với đức tính cần cù, chịu khó, chân thành và có chiến lược kinh doanh khác biệt đã giúp Thịnh, từ một anh chàng bán kem ở vùng núi nghèo trở thành một doanh nhân thành đạt tại Hungary. 

    TTEURO-KFT hiện là một trong những công ty kinh doanh hàng gia dụng xuyên quốc gia, thuộc tốp đầu của Khu Trung tâm thương mại 25. 

    Có thể nói rằng, giám đốc Nguyễn Văn Thịnh là một trong những hình ảnh tiêu biểu của người Việt Nam hiện đại ở nước ngoài./.

    Viethome (theo Vietnamplus)

  • Chính quyền thủ đô Paris, Pháp đặt tên phi công người Việt Đỗ Hữu Vị cho một quảng trường nhỏ ở trung tâm quận 16.

    nguoi viet o paris
    Lễ đặt tên quảng trường Đỗ Hữu Vị ở thủ đô Paris, Pháp. Ảnh: TTXVN

    Ngày 29.6, lễ đặt tên Đỗ Hữu Vị cho một quảng trường nhỏ ở trung tâm quận 16 thủ đô Paris đã diễn ra với sự hiện diện của bà Phó Thị trưởng thành phố Paris - Laurence Patrice; Thị trưởng quận 16 - Francis Szpiner, đại diện Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp cùng đông đảo người thân gia đình ông Đỗ Hữu Vị, quan chức và bà con địa phương - TTXVN đưa tin.

    Quảng trường Đỗ Hữu Vị tọa lạc trên nút giao giữa đại lộ Versailles và bến Louis Blériot ở quận 16, nhìn ra trụ sở Đài Phát thanh Pháp và cầu Grenelle.

    Ông Đỗ Hữu Vị (1883-1916) là một trong những phi công đầu tiên của quân đội Pháp. Là người Việt Nam song ông làm nên sự nghiệp trong lực lượng không quân Pháp, tham gia chiến đấu và hy sinh ở vịnh Somme trong Chiến tranh Thế giới thứ nhất.

    nguoi viet o paris
    Lễ đặt tên quảng trường Đỗ Hữu Vị. Ảnh: TTXVN

    Ông đã được nước Pháp vinh danh là một trong hơn 300 người gốc hải ngoại có công với nước Pháp, và là gương mặt người gốc Châu Á duy nhất được đưa vào triển lãm “Chân dung nước Pháp", tổ chức hồi đầu năm tại Bảo tàng Con người ở thủ đô Paris.

    Hiện nay, có gần 200 đường phố và địa danh ở Pháp mang tên địa danh hoặc nhân vật người Việt Nam. Việc lưu giữ tên tuổi của họ trong ký ức chung ở không gian công cộng nhằm cụ thể hóa nguyện vọng của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron muốn “tăng cường sự đoàn kết và gắn bó cộng đồng các dân tộc trong sự phong phú và đa dạng của nó”.

    Theo Lao Động

  • Trịnh Hữu Châu đã là niềm tự hào của người Việt khi anh hoàn tất hành trình bay vào vũ trụ cùng tàu con thoi Columbia lừng danh.

    Bạn có thể không biết được điều này, thế nhưng cả nước Mỹ biết điều này, hơn một nửa thế giới biết điều này. Trên trang bìa của nhiều tạp chí nước Mỹ đã xuất hiện gương mặt Trịnh Hữu Châu như là một kỳ tích châu Á tại NASA (Cơ quan hàng không vũ trụ Mỹ).

    Eugene Trịnh (tên khai sinh là Trịnh Hữu Châu) sinh ngày 24/09/1950 tại Sài Gòn. Ông là con trai út của kỹ sư công chánh Trịnh Ngọc Sang. Năm 1953, ông cùng với gia đình sang định cư ở Pháp, nơi đây chính là tiền đề phát triển sự nghiệp của chàng kỹ sư tài năng này.

    bay vao vu tru 22
    Trịnh Hữu Châu đang được rất nhiều trường đại học danh tiếng ở nước Mỹ mời nói chuyện và giảng dạy.

    Trịnh Hữu Châu học trung học tại Trường Michelet (Paris) và lấy bằng năm 1968. Sau đó, ông sang Mỹ học ngành chế tạo máy và vật lý ứng dụng tại Đại học Columbia, tốt nghiệp năm 1972. Trong hai năm liên tiếp 1974 và 1975, chàng trai Sài Gòn này nhận học bổng và bảo vệ thành công các luận án thạc sĩ khoa học và triết học. Châu tiếp tục học lên tiến sĩ và năm 1977 lấy được bằng vật lý ứng dụng của Đại học Yale lừng danh.

    Năm 1979, NASA ngắm Eugene như là một tài năng hiếm thấy và ngay lập tức ông được mời vào làm việc tại phòng thí nghiệm về sức đẩy phản lực của NASA. Trong thời gian này, ông kết thúc khóa học sau tiến sĩ và tham gia các hoạt động nghiên cứu của Viện Kỹ thuật California dưới sự hỗ trợ của NASA.

    bay vao vu tru 22
    Trịnh Hữu Châu thứ 2 từ trái sang cùng phi hành đoàn tàu Columbia STS - 50.

    Năm 1983, NASA chọn ông để huấn luyện thành chuyên viên sức đẩy làm việc cho phòng thí nghiệm không gian 3 (Spacelab 3) của mình. Ông trở thành người dự khuyết cho chuyên viên sức đẩy nổi tiếng Taylor Wang.

    Tháng 8/1990, NASA cái tên Eugene Trịnh được điền vào danh sách thành viên nghiên cứu sức đẩy tại phòng thí nghiệm vi trọng lực của tàu con thoi. Ngày 25/06/1992, sau khi hoàn thành hai năm huấn luyện, ông có mặt trong chuyến bay của tàu con thoi Columbia STS – 50 bay lên không gian. Như vậy, Trịnh Hữu Châu đã trở thành người Việt thứ hai bay vào vũ trụ sau khi Phạm Tuân làm được điều kỳ diệu tương tự trước đó 12 năm (1980).

    Trang web của NASA cho biết chuyến bay STS – 50 của Eugene Trịnh kéo dài đúng 13 ngày, 19 giờ, 30 phút và 4 giây. Trong chuyến bay này, tại khoang vật lý DPM, ông đã thực hiện và theo dõi cùng lúc ba thí nghiệm về sức đẩy, sự rơi của chất lỏng và kỹ thuật điều khiển chất lỏng không bình chứa do ông nghĩ ra.

    bay vao vu tru 22
    Eugene Trịnh và một vài thành viên của phi hành đoàn Columbia lịch sử năm 1992.

    Đến nay, hơn 40 công trình khoa học của Trịnh Hữu Châu đã được công bố trên các tạp chí khoa học lớn của Mỹ và châu Âu. Ông là thành viên của các hiệp hội nghiên cứu không gian như Tổ chức Nghiên cứu Sigma Xi, Hội Vật lý Mỹ, Hội Cơ học Mỹ, Viện Hàng không và không gian Mỹ, Hiệp hội Nghiên cứu về nguyên liệu, Hiệp hội Khám phá không gian... NASA đã trao tặng ông huy chương phi hành gia, huy chương thành tựu khoa học đặc biệt và bốn bằng phát minh cùng với các đồng nghiệp.

    Ông cũng đã nhận được bảy giải thưởng công nghệ của NASA từ năm 1985 tới nay, trong đó có dụng cụ đo lường về trọng lực thấp được đặt trong máy bay phản lực KC-135 của NASA.

    Theo Vietnamnet

  • Giáo sư người Việt Nam Nguyễn Thị Kim Thanh đã được vinh danh là người đoạt Giải thưởng liên ngành (Inter Industry Prize) của Hiệp hội Hóa học Hoàng gia Vương quốc Anh (RSC).

    Đây là giải thưởng của Hiệp hội Hoá học Hoàng gia Anh (RSC) nhằm ghi nhận sự xuất sắc trong nghiên cứu và đổi mới.

    Giáo sư Nguyễn Thị Kim Thanh, đang làm việc tại Đại học UCL Vương quốc Anh, đã giành được giải thưởng do những đóng góp quan trọng trong nghiên cứu cơ bản về tổng hợp hóa học và các phân tích tính chất vật lí của vật liệu nano plasmonic và từ tính cho các ứng dụng y sinh.

    giao su Hoa hoc o Anh
    Giáo sư Nguyễn Thị Kim Thanh. (Ảnh: GD&TĐ)

    Giáo sư gốc Việt Nguyễn Thị Kim Thanh tốt nghiệp chuyên ngành Hóa học tại Đại học Quốc gia Hà Nội năm 1992. Sau đó bà đi du học và bắt đầu sự nghiệp nghiên cứu tại các quốc gia Hà Lan, Mỹ và Anh.

    Từ năm 2013, bà đảm nhận vị trí Giáo sư tại Đại học UCL và dẫn đầu một nhóm thực hiện nghiên cứu liên ngành tiên tiến về thiết kế và tổng hợp nano cho ứng dụng y sinh.

    Được biết, giải thưởng của Hiệp hội Hóa học Hoàng gia Vương quốc Anh là một trong những giải thưởng lâu đời và uy tín nhất trên thế giới, công nhận những thành tựu của các cá nhân, nhóm và tổ chức trong việc phát triển chuyên ngành hóa học.

    Cho đến nay đã có 60 nhà khoa học được Hiệp hội Hóa học Hoàng gia Vương quốc Anh vinh danh sau đó nhận được giải Nobel cho nghiên cứu của mình, như các giáo sư, tiến sĩ Jean-Pierre Sauvage, Fraser Stoddart và Ben Feringa đạt giải Nobel hóa học năm 2016 và giáo sư John B Goodenough đạt giải Nobel hóa học năm 2019.

    Hiệp hội Hóa học Hoàng gia Vương quốc Anh được thành lập năm 1841, có trụ sở tại London, nhằm kết nối các nhà hóa học quốc tế với nhau và với các nhà khoa học trong các lĩnh vực khác cũng như với toàn xã hội.

    Hiện Hiệp hội có khoảng 50.000 thành viên quốc tế. Hiệp hội cũng cung cấp sự hỗ trợ và các nguồn lực cần thiết để tạo ra những tiến bộ quan trọng trong kiến thức hóa học.

    Theo Đời sống & Pháp luật

  • Iola Nguyen 1

    Năm 20 tuổi, Iola một mình từ Pháp sang Anh ước mơ trở thành nghệ sĩ với hành trang là cuốn nhật ký ghi ở trang đầu: 'Đừng bỏ cuộc, bởi mình là người Việt Nam'.

    Khi đến Anh, Iola Nguyen xin trông trẻ nhưng chưa được ba tháng đã bị đuổi việc. Trong túi còn vỏn vẹn 100 bảng, cô gái Pháp gốc Việt đành phải đi thuê phòng trọ tập thể, 8 người ở chung. Trong căn phòng giá rẻ đó, cửa sổ vỡ toác, mùa đông ngồi trong nhà vẫn phải mặc áo khoác quấn mình trong chăn mới đỡ cóng. Được một tuần, trộm vào khoắng hết đồ, Iola chính thức tay trắng nơi đất khách.

    "Lúc đó tôi bị sốc. Nhưng khóc chán rồi lại tự ngồi dậy, nhắc nhở bản thân mục đích chính sang Anh làm gì", Iola nhớ lại. "Tôi phải thành công và tôi tin điều đó bởi trong tôi có dòng máu kiên cường của người Việt".

    Iola Nguyen 1
    Iola Nguyen giành giải thưởng "Best Contemporary Music" trong chương trình âm nhạc Caafas Award của Anh, năm 2019. Ảnh: Nhân vật cung cấp

    Iola Dilaw có tên tiếng Việt là Nguyễn Kim Nga, sinh năm 1991, ở quận 9, TP HCM. Cô có một em gái sinh đôi nhưng bị tách rời nhau khi vừa tròn một tuổi. Vì bố mẹ đẻ quá nghèo, Kim Nga được gửi vào trại trẻ mồ côi. Nửa năm sau, cô bé được một cặp vợ chồng giáo viên người Pháp ở quận Perpignan, tỉnh Pyrénées-Orientales, nhận làm con nuôi.

    Từ khi còn nhỏ, Iola đã biết mình không phải con đẻ bởi bố mẹ nuôi không giấu giếm cô bất cứ điều gì về người sinh thành ra mình. Họ lưu trữ mọi giấy tờ liên quan đến việc nhận con nuôi, các bức ảnh từ khi Iola ở trại trẻ mồ côi trong một chiếc hộp. "Nhờ đó, tôi luôn nhớ về nơi mình sinh ra", cô nói.

    Vượt qua sự hoài nghi và đau khổ về lý do bị bỏ rơi, Iola tự giải tỏa bằng những lời tự giải thích "do mẹ quá nghèo, mẹ cũng không muốn làm như vậy". Từ nhỏ, cô bé đã mong muốn được trở về Việt Nam, được gặp mẹ để nói lời cảm ơn vì đã cho cô cuộc sống. "Tôi không bao giờ trách mẹ đã bỏ rơi mình, vì cuộc sống có những hoàn cảnh không thể làm khác được", cô nói.

    Iola thông cảm cho ba mẹ đẻ, nhưng không phải đứa trẻ thành phố nào cũng đồng cảm với gốc gác Việt Nam của cô. Cô bé bị bắt nạt, vài lần bị chặn giữa đường dọa đánh, nên lấy việc học đàn piano, ca hát và nhảy thành niềm vui. Iola cũng rất thích học tiếng Anh với ước mơ được ra nước ngoài, trở thành nghệ sĩ đa tài.

    Tốt nghiệp cấp 3, Iola học đại học ngôn ngữ một năm nhưng bỏ dở khi kết thúc năm học. Cô muốn sang Anh theo đuổi giấc mơ nghệ thuật, nhưng bị mẹ nuôi phản đối gay gắt. "Con sẽ không nhận được một đồng nếu quyết tâm theo con đường đó", mẹ nuôi nói với con khi cô một mình sang Anh.

    Không tiền bạc, không mối quan hệ, sau những ngày đầu trông trẻ rồi thuê phòng chung 8 người bị trộm mất đồ, Iola trúng tuyển vào một đoàn phim của Ấn Độ. Vai diễn vũ công không lời thoại nhưng đủ khiến cô vui quên ăn quên ngủ. Hàng ngày, cô làm việc tại đoàn, cơm ăn miễn phí, tối đến ngủ nhờ trên sàn nhà của một nữ diễn viên trong đoàn.

    Cũng từ thời điểm này, cô lấy nghệ danh là Iola Nguyen, theo họ gốc khai sinh. "Tôi khát khao thành công để tôn vinh cội nguồn của mình. Thật tuyệt khi nhìn thấy tên tôi, mọi người đã biết tôi là người Việt Nam", Iola chia sẻ.

    Ở nhờ đồng nghiệp hai tháng, vì không muốn làm phiền lâu, Iola xin dọn ra ngoài sống nhờ nhà một nữ diễn viên khác. Do khúc mắc, cô lại rời đi, sống vạ vật trong công viên. Nhiều lần cô gái trẻ bị gạ gẫm bởi những người đàn ông nên trong túi lúc nào cũng thủ sẵn bình xịt hơi cay. Sau này, Iola được một vị cha xứ cho ở nhờ. Thu nhập từ nghề diễn viên và người mẫu tự do dần ổn, cô rời nhà cha xứ, thuê một căn phòng nhỏ. Nhưng lần thứ hai, trộm lại khoắng sạch đồ, khi vừa dọn đến vài ngày.

    Lần mất trộm này như giọt nước tràn ly. Bao ấm ức, tủi hổ bỗng trào dâng. Iola quyết về Pháp kiếm đủ tiền rồi mới quay lại London. Đó là năm 2013.

    Sau hai năm làm việc tại Pháp, cô quyết định trở lại Anh với 3.000 euro tiền tiết kiệm. Cổ làm đủ nghề từ diễn viên, nhiếp ảnh, cho tới trợ lý cá nhân... Ngày nào Iola cũng làm việc đến 4h sáng. Buổi đêm, cô dành thời gian cho việc sáng tác nhạc và dựng phim, chỉnh ảnh, video cho khách hàng.

    "Dù sống vất vả ở London nhưng chưa lần nào tôi thấy Iola kêu ca. Mỗi lần hai chị em nói chuyện, cô gái tràn đầy năng lượng nói về các dự án nghệ thuật của mình", Hien Do Benoit, chị dâu của Iola, người dõi theo sự trưởng thành của cô gái gốc Việt chia sẻ.

    Sau 6 năm làm việc điên cuồng, năm 2017, Iola đủ tiền thực hiện bộ phim hài sitcom do cô vừa làm đạo diễn, vừa là nhà sản xuất, kiêm diễn viên chính. Từ bộ phim này, cô lọt vào mắt xanh của một ông bầu chuyên tuyển diễn viên tại Anh. Hiện, cô gái gốc Việt đã xuất hiện trong 11 bộ phim. Gần đây, bộ phim ngắn "The Dormant Truth" do cô đạo diễn được gửi tới tham dự Liên hoan phim Cannes 2022.

    Không chỉ đam mê phim ảnh, hướng tới là nghệ sỹ đa tài, năm 2019, Iola còn tự sáng tác ca khúc. Một số tác phẩm được sử dụng trong phim truyền hình Mỹ, cũng như nhận được nhiều giải thưởng khác. Iola hiện là một trong 6 ứng viên lọt vào vòng xét chọn cuối cùng của Giải thưởng AWA (Phụ nữ thành tựu châu Á) ở hạng mục "Nghệ thuật và Văn hóa" tại Anh năm 2022.

    Trước đây, Iola thường xấu hổ vì vóc dáng đậm chất Á Đông của mình. Nhưng giờ, cô lại hiểu, sự khác biệt đôi khi là một ưu thế. "Tôi giờ luôn tự hào về bản thân, về mái tóc, đôi mắt và nụ cười đậm chất Việt Nam của mình", cô gái khẳng định.

    Iola Nguyen 1
    Iola cùng với cha nuôi, mẹ đẻ và em gái song sinh trong chuyến cô về thăm gia đình tại Việt Nam, năm 2018. Ảnh: Nhân vật cung cấp

    Ngày bé, mỗi lần tới sinh nhật, Iola đều nghĩ về mẹ ruột. Cô khao khát được gặp lại người đã sinh ra mình. Năm 2015, lần đầu Iola về Việt Nam thăm gia đình mẹ đẻ. Gặp bà, muốn hỏi mẹ khỏe không, thấy vui khi gặp mình không, nhưng cô chỉ thốt lên được hai từ "Mẹ ơi" - tất cả vốn tiếng Việt khi đó - rồi ngồi khóc.

    Bà Nguyễn Thị Bảy, 63 tuổi, mẹ ruột của Iola, một chữ tiếng Pháp bẻ đôi không biết. Iola, sống ở Pháp hàng chục năm, không hiểu nổi một câu tiếng Việt. Họ trò chuyện với nhau qua thông dịch viên, kể cho nhau nghe sự dằn vặt, về nỗi đau đã trải qua sau 24 năm chia cắt.

    "Con bé rất dân dã, tôi nằm dưới đất nó cũng ôm tôi nằm theo. Mẹ con bất đồng ngôn ngữ nhưng nhìn vào mắt nhau là tôi hiểu con bé muốn nói gì", bà Bảy chia sẻ. Còn với Iola, gặp lại mẹ đẻ, cô thấy mình rất giống bà, từ khuôn mặt, vóc dáng, cho đến tính hài hước và sự mạnh mẽ. Năm 2018, lần thứ hai cô quay lại Việt Nam thăm mẹ đẻ một tháng cùng với bố nuôi.

    Cuối năm sau, Iola dự tính sẽ trở lại quê hương thăm gia đình lần nữa. Cô gái trẻ đã lên kế hoạch phát triển kinh doanh tại Việt Nam, vừa gần gia đình, vừa tạo việc làm cho anh chị em ruột.

    Nhưng đó là chuyện của tương lai. Hiện, cô gái 31 tuổi tham gia một khóa học tiếng Việt với hy vọng khi về thăm mẹ đẻ lần tới, cô có thể hiểu lời bà nói.

    Theo VnExpress

  • Chuyên gia trang điểm gốc Việt hiện có thương hiệu riêng và kiếm được nhiều tiền từ các dự án kinh doanh.

    Michelle Phan 1

    Nổi tiếng từ năm 2007 nhờ những video hướng dẫn làm đẹp nhưng tài sản để Michelle Phan trở thành triệu phú không chỉ dừng lại ở công việc này.

    Theo tạp chí Hollywood Mask, chuyên gia trang điểm 34 tuổi đã xây dựng đế chế kinh doanh của riêng mình. Cô có tài sản ròng ước tính khoảng 50 triệu USD.

    Có nhiều nguồn thu nhập

    Cô gái gốc Việt tham gia dự án FAWN (For All Woman's Network) liên quan đến phong cách sống. Michelle Phan cũng có một dòng mỹ phẩm hợp tác với L'Oreal. Cô còn viết sách hướng dẫn cách làm đẹp cho phụ nữ.

    Michelle Phan 1
    Michelle Phan thành công từ những video sơ khai nói về cách trang điểm.

    Ngoài những công việc kinh doanh làm tăng giá trị tài sản của cô, Phan còn có một ngôi nhà nằm ở khu Brentwood (Los Angeles, Mỹ) trị giá gần 5 triệu USD, theo Dirt.

    "Với nhiều dự án kinh doanh, không có gì ngạc nhiên khi Phan sở hữu số tiền lớn. Điều đáng nói nữa là khối tài sản của cô vẫn không ngừng tăng lên", Hollywood Mask bình luận.

    Sau khi "ở ẩn" khoảng 2 năm, Michelle Phan cho thấy những góc tiếp cận khác hơn từ các video. Cô tổ chức những buổi phát trực tiếp kéo dài 24 giờ để quảng cáo cho các nhạc sĩ chưa nổi thông qua việc kết nối với thương hiệu của mình. Ngoài ra, Michelle còn đầu tư Bitcoin.

    Thay vì sản xuất hàng loạt sản phẩm, đề cao tính đa dạng, thương hiệu của cô hiện tập trung vào yếu tố chất lượng hơn. Do đó, những món đồ nhanh chóng nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của giới làm đẹp. Bằng chứng là dòng son môi bóng và kẻ mắt của cô cháy hàng trong thời gian ngắn khi chỉ mới bán thử.

    Michelle Phan 1
    Với trang cá nhân đạt 2 triệu lượt theo dõi, Michelle Phan dễ dàng quảng bá sản phẩm của mình.

    Sự nghiệp hơn 10 năm qua nền tảng mạng xã hội đã giúp cô trở nên giàu có và nổi tiếng. Giờ đây, cô là chủ một công ty làm đẹp danh tiếng. Nhiều thương hiệu muốn hợp tác với cô để tăng độ uy tín.

    Michelle Phan đã làm gì khi mất tích?

    Để đạt được những điểm nhấn như hiện tại, Michelle đã trải qua thời điểm như "chết đi sống lại".

    Lùi về năm 2016, người hâm mộ nhận thấy điều bất thường khi không nhận được thông báo đăng tải video mới từ cô trong thời gian dài. Đến năm 2017, việc buông bỏ lúc đang ở trên đỉnh cao sự nghiệp của Michelle Phan mới có lời giải đáp khi cô phát hành video Tại sao tôi lại ra đi dài 11 phút. 2 năm sau, cô tái xuất trong video có tên Xin chào.

    Michelle Phan 1
    Phan đã dành thời gian cho bản thân sau khủng hoảng tâm lý.

    Sự nổi tiếng thường đi kèm với một số rắc rối. Nó có thể "đánh gục" những người có sức ảnh hưởng hớn. Trong khoảng thời gian rời xa ống kính, Phan nhận ra mình dần đi xuống. Cô chọn nghỉ ngơi để tái tạo năng lượng.

    "Cơn ác mộng gần như khiến tôi tan nát. Tôi thực sự cảm thấy mình là tù nhân của ngành công nghiệp mỹ phẩm. Tôi đã quá tự hào khi để người hâm mộ nhìn thấy mình vào giờ phút yếu đuối", cô nói.

    Michelle Phan cho biết cô đã đóng gói đồ đạc của mình để chuyển từ Mỹ đến Thụy Sĩ sinh sống. Tại đó, cô cảm thấy thư giãn khi kết nối với thiên nhiên. Cô cũng đến nhiều nơi khác trên thế giới.

    Michelle Phan thừa nhận: "Người Mỹ tập trung quá nhiều vào việc mài giũa và quên đi cuộc sống".

    Từng là nạn nhân của trào lưu phân biệt chủng tộc

    Trong cuộc phỏng vấn với Glamour, Michelle Phan tiết lộ mình có tuổi thơ đầy sóng gió. Cha cô từng đánh cược tiền thuê nhà khiến cô không còn lựa chọn nào khác ngoài việc bị đuổi ra đường và chuyển chỗ ở vài tháng một lần.

    Sau biến cố, cha cô không về nhà. Cô đã không gặp ông trong hơn 10 năm. Nỗi đau không có cha bên cạnh vẫn chưa đủ, chồng mới của mẹ cô lại là người muốn chiếm hữu và điều hành gia đình như kẻ độc tài.

    Michelle Phan 1
    Con đường đi đến thành công của Michelle Phan không dễ dàng.

    Năm 17 tuổi, Phan quyết định kiếm thêm thu nhập cho mẹ bằng cách làm thợ nail. Họ chật vật trả tiền thuê nhà. Thậm chí, sàn nhà được xem như giường của họ vào thời điểm đó.

    Michelle Phan từng tiết lộ cô bị bắt nạt ở trường. Những học sinh khác mắng nhiếc cô bằng lời lẽ phân biệt chủng tộc.

    Trải qua nhiều sóng gió, nhiều người cho rằng cuộc đời của Phan có thể giúp họ viết một cuốn sách hay. Năng lượng sống tích cực của cô gái này trở thành nguồn cảm hứng cho thế hệ sau làm beauty blogger.

    Cô từng nói: "Phim Thuỷ thủ Mặt Trăng là tuổi thơ của tôi. Tôi từng ước ao trở thành người hùng nhưng rồi nhận ra mình chỉ là cô gái nhỏ bé. Tôi cũng giống như mọi người mà thôi".

    Theo Zing

  • Là nam giáo viên mầm non hiếm hoi tại Australia, Nguyễn Thanh Tùng (sinh năm 1997, quê tại TP.HCM) từng stress vì những phản ứng của phụ huynh với mình.

    Du học ngành giáo dục mầm non vào năm 2016, lý do thôi thúc Nguyễn Thanh Tùng chọn nghề này bởi câu chuyện thuở ấu thơ.

    Sở thích màu đen và tình yêu dành cho trẻ nhỏ

    Khi còn nhỏ, cũng như bao trẻ em khác, Tùng thường được hỏi "con thích màu gì?". Nhưng câu trả lời của Tùng lại không giống với bạn bè. Với Tùng, màu đen là sở thích, là thứ màu đem lại cho cậu nhiều mong muốn khám phá.

    Với mẹ và cô giáo, sở thích đó không ổn. Cả cô và mẹ đều khuyên Tùng nên chọn một màu khác tươi sáng hơn, bởi trong mắt mọi người, đen là một màu u ám.  

    Tùng không thay đổi sở thích của mình, nhưng những lời khuyên thuở bé của người lớn đã ghim sâu vào trong tâm trí chàng giáo viên mầm non. Tùng mong muốn góp phần thay đổi suy nghĩ của người lớn về việc nên giáo dục trẻ theo hướng để trẻ được tự tin nêu ra nhiều ý kiến riêng của bản thân, biết cách bảo vệ chính kiến của mình trước người lớn.

    Thêm vào đó, tình yêu dành cho trẻ nhỏ, niềm đam mê nghề giáo đã đưa Tùng đến bang Victoria, Australia và học tập tại trường Holmesglen Institute.

    thay giao mam non 1
    Tùng và các học sinh trong một buổi học tại trường Guardian Childcare And Education. (Ảnh: NVCC)

    Tháng 4/2017, ngôi trường đầu tiên bắt đầu để vào nghề là Explorers Early Learning. Những ngày đầu đi dạy, Tùng gặp nhiều tình huống khá trớ trêu mà Tùng gọi đó là “cú sốc đầu đời”. Theo đó, trong một lần dạy học, Tùng được một phụ huynh gọi ra nói chuyện riêng, yêu cầu cậu không thay tã cho con gái của họ. Tùng cảm thấy "stress" vì đề nghị của phụ huynh chỉ vì mình là giáo viên nam.

    Nhưng sau đó, khi nhận được nhiều lời đề nghị khác như không cho con họ ăn quá nhiều tinh bột, không để con họ tiếp xúc với những đồ vật có lông... Tùng nhận ra, đó chỉ là quan điểm nuôi dạy con của mỗi người. “Australia là đất nước đa văn hoá và mỗi phụ huynh lại đến từ nhiều nước khác nhau, sở hữu nền văn hoá, tín ngưỡng khác biệt. Vì vậy, mỗi người sẽ có một quan điểm riêng trong cách nuôi dạy con cái”, Tùng chia sẻ. 

    Thay vì buồn rầu, Tùng đã dành nhiều thời gian hơn chia sẻ về việc học của các con để tăng độ tin tưởng và tôn trọng quyết định của các phụ huynh. Dần dần, các phụ huynh cởi mở hơn với Tùng và tin tưởng vào việc gửi gắm con em họ cho Tùng.

    Khoảnh khắc khiến Tùng xúc động nhất từ khi vào nghề là trong một giờ hoạt động ngoài trời, đột nhiên một học sinh được Tùng đánh giá trầm tính, ít nói gọi Tùng là “Tunnie” - một cách gọi vô cùng thân mật theo văn hoá Australia. Từ đó, các học sinh khác cũng gọi Tùng với cái tên gần gũi ấy. Điều đó đồng nghĩa với việc các con xem Tùng là một phần của tuổi thơ các con.

    Tùng cũng được học sinh yêu quý vì luôn nghĩ ra những trò chơi năng động và có thể dễ dàng tham gia cùng các bé. Tùng là người luôn được nhắc đến khi các giáo viên nữ cần sự hỗ trợ về dịch chuyển các đồ vật trong lớp học cũng như góp ý về các trò chơi vận động trong hội thao của trường.

    Cậu cũng thường lồng ghép các trò chơi Việt Nam như nhảy dây, trốn tìm, bịt mắt bắt dê... và giới thiệu về Tết Việt, bánh chưng cho các học sinh. Điều này vừa giúp các con hiểu thêm về nền văn hoá mới, vừa để quảng bá hình ảnh của Việt Nam.

    Bà Rosalie Nacca, hiệu trưởng trường Guardian Childcare And Education (thành phố Adelaide, Australia) – nơi Tùng đang công tác cho biết, vì trẻ em hiếm khi nhìn thấy một hình tượng nam tính trong quãng thời gian đầu đời hoặc có rất ít thời gian được chơi cùng bố, do đó vai trò của một giáo viên nam trong môi trường mầm non là vô cùng quan trọng.

    Các thầy giáo mang đến cho trẻ những cơ hội học tập về sự đa dạng trong cộng đồng mà trẻ đang sống, cùng với đó là khuyến khích trẻ hiểu được những đặc điểm của giới tính.

    Tùng là giáo viên nam duy nhất tại trường chúng tôi. Hầu hết các phụ huynh và học sinh đều thích có một người giáo viên nam tại trường”, bà Rosalie Nacca nói.

    Cô Ruba Al-Sheikh – đồng nghiệp của Tùng cho biết, khi xây dựng các chương trình học, thầy Tùng luôn mang đến những ý tưởng tập trung vào việc giúp trẻ phát triển các kĩ năng. Tùng sử dụng triết lý giáo dục Reggio Emilia (triết lý giáo dục lấy trẻ em làm trung tâm trong hoạt động dạy và học) để mang đến một môi trường học gợi tạo nên sự tò mò và ngạc nhiên, thích thú cho trẻ.

    thay giao mam non 1
    Nguyễn Thanh Tùng làm giáo viên mầm non tại Australia. (Ảnh: NVCC)

    Teachers GARA

    Sau khoảng thời gian đi dạy, Tùng thay đổi rất nhiều quan điểm liên quan đến giáo dục mầm non và Tùng mong muốn có thể lan toả những thông tin bổ ích này đến với phụ huynh, giáo viên tại Việt Nam. Vậy nên, Tùng cùng đồng nghiệp đã triển khai Teachers GARA. Teachers GARA là nơi Tùng chia sẻ những giáo trình, học cụ, tài liệu tự làm hoặc sưu tầm được từ những giảng viên hàng đầu trong ngành giáo dục mầm non ở Úc.

    Khi thành lập nên Teachers GARA, mình mong muốn tạo nên một môi trường thân mật tương tự như gara. Tại đây, mình, phụ huynh và các giáo viên có thể cùng nhau chia sẻ, học hỏi, thử nghiệm và tận hưởng những niềm vui trong quá trình phát triển cùng trẻ.

    Mình mong muốn đưa đến cho người đọc những thông tin, nghiên cứu và ứng dụng liên quan đến giáo dục mầm non môt cách khách quan và gần gũi nhất, từ đó để thể chủ động hơn trong tiếp cận cách thức giáo dục phù hợp”, Tùng nói.

    Tùng hiểu rõ sự khác nhau giữa văn hoá Đông, Tây, đặc biệt trong cách nuôi dưỡng và dạy dỗ. Vậy nên, tất cả các vấn đề được chia sẻ trong dự án Teachers GARA, yếu tố ứng dụng thực tiễn với văn hoá Việt Nam sẽ được đặc biệt cân nhắc.

    Tùng mong các phụ huynh, giáo viên tại Việt Nam đón nhận dự án này một cách khách quan nhất. Và nếu có cơ hội, Tùng hy vọng được trực tiếp về Việt Nam và góp phần mang đến các giá trị mới trong cộng đồng giáo dục mầm non cho người Việt. Và quan trọng nhất, Tùng muốn lan toả thông điệp - nam giới cũng có thể làm giáo viên mầm non và hoàn thành tốt công việc của mình trong việc nuôi dạy con trẻ. 

    Theo VTC

  • Từng bị kỳ thị vì là người gốc Á, Claudia Tran nỗ lực tham gia hoạt động xã hội, chống phân biệt đối xử và được Forbes Under 30 Slovakia vinh danh.

    Claudia Tran, 28 tuổi, sinh ra và lớn lên ở vùng đô thị Bratislava, Slovakia. Cha cô là người Hà Nội, sang châu Âu du học và gặp mẹ cô, người phụ nữ quê Nam Định, tại Warsaw, Ba Lan. Khu gia đình Claudia sống khi đó rất ít người Việt, nên 4 chị em trong nhà thường xuyên trở thành nạn nhân của tình trạng phân biệt đối xử với người gốc Á.

    "Thời thơ ấu, chúng tôi từng nhiều lần bị chế giễu, bắt nạt. Họ cười nhạo vì chúng tôi trông khác với mọi người ở đây", Claudia chia sẻ. "Tôi phải nói rằng với một đứa trẻ, điều này thật nhục nhã. Không một đứa trẻ nào đáng bị sỉ nhục và chế giễu như vậy".

    Claudia Tran slovakia 1
    Claudia Tran trong ảnh chụp năm 2018. Ảnh: Facebook/Claudia Tran.

    Nhưng trải nghiệm về quá khứ bị kỳ thị đã trở thành động lực cho Claudia không ngừng phấn đấu để vươn tới thành công, xóa đi định kiến của người phương Tây về cộng đồng thiểu số gốc Á.

    "Điều tôi muốn nỗ lực làm là cho mọi người ở đây thấy một ví dụ tốt, thậm chí tốt hơn 10 lần so với những trải nghiệm không hay của họ với các nhóm thiểu số", cô nói.

    Năm 2012, Claudia trở thành đại diện của Slovakia tham dự chương trình học bổng xuyên Đại Tây Dương Benjamin Franklin (BFTF) tại Bắc Carolina, Mỹ, nơi đã truyền cảm hứng cho cô tham gia vào nhiều dự án quốc tế.

    BFTF là chương trình do Cục Các vấn đề Văn hóa và Giáo dục thuộc Bộ Ngoại giao Mỹ tổ chức, nhằm thúc đẩy mối quan hệ mạnh mẽ và nhận thức về giá trị chung giữa người trẻ Mỹ và châu Âu. Chương trình học bổng này tạo điều kiện cho các thanh niên 16-18 tuổi phát triển khả năng lãnh đạo, tư duy phản biện và các ưu tiên đối ngoại của Mỹ.

    Để được tham gia chương trình, các ứng viên nộp hồ sơ phải thể hiện được mối quan tâm một cách nghiêm túc trong theo đuổi cơ hội lãnh đạo ở quốc gia mình sinh sống, cũng như thể hiện khát khao học hỏi về con người, xã hội và các thể chế của nước Mỹ, theo website của BFTF.

    Claudia sau đó bắt đầu sáng kiến của riêng mình với tên gọi "For Tomorrow's Europe" (Vì châu Âu Tương lai), trong đó cô quản lý các hội nghị quốc tế dành cho giới trẻ từ khắp nơi trên thế giới, cố vấn cho những người trẻ quan tâm đến các vấn đề của cộng đồng thiểu số, với trọng tâm là tình trạng di cư và phân biệt đối xử.

    Thông qua các tổ chức phi chính phủ như Anne Frank House ở Amsterdam, Hà Lan hay Foundation of Milan, Claudia đã tổ chức nhiều hoạt động xã hội, hội nghị sinh viên quốc tế, các sự kiện văn hóa, thể thao. "Các tổ chức này phát triển công cụ giáo dục, giúp loại bỏ tình trạng phân biệt đối xử và định kiến, những điều vẫn còn tồn tại nhiều trong xã hội", cô nói.

    Chia sẻ những trải nghiệm bị kỳ thị của bản thân thời thơ ấu, Claudia đã tham gia giúp đỡ các sinh viên quốc tế đối phó và vượt qua tình trạng bị phân biệt đối xử, chế giễu mà họ gặp phải.

    Cô cũng từng tham gia tình nguyện dạy tiếng Anh cho trẻ em trong trại trẻ mồ côi ở Kenya và Ethiopia. "Đó chỉ là trải nghiệm ngắn, nhưng là cách tôi mở rộng kinh nghiệm xã hội và hoạt động tình nguyện của bản thân", cô chia sẻ.

    Bên cạnh hoạt động xã hội, Claudia còn phát triển bản thân trong các lĩnh vực khác. Cô từng làm phó giám đốc về quan hệ doanh nghiệp tại viện nghiên cứu GLOBSEC ở Bratislava, nơi tổ chức các hội nghị quốc tế lớn và đưa ra các khuyến nghị về chính sách đối ngoại, an ninh, hay giám đốc chiến dịch cho liên minh hai đảng ở Slovakia trong cuộc bầu cử quốc hội năm 2020.

    Claudia Tran slovakia 1
    Claudia Tran tại hội nghị của GLOBSEC tại Bratislava, Slovakia hồi tháng 6/2019. Ảnh: Facebook/Claudia Tran

    Sau cuộc bầu cử, cô đảm nhiệm vị trí cao hơn tại GLOBSEC, cũng như làm giám đốc quan hệ nhà đầu tư tại công ty đầu tư Crowdberry.

    Với những thành công trong sự nghiệp và hoạt động xã hội của mình, Claudia đã trở thành một trong 30 gương mặt được Forbes Under 30 Slovakia vinh danh năm 2022, giống thành tích mà chị gái cô, Lucia Thảo Hương Simekova, từng đạt được năm 2020 nhờ xây dựng thành công chuỗi nhà hàng Phở.

    Cô cho rằng lọt vào danh sách Forbes Under 30 Slovakia là "một bất ngờ tuyệt đẹp" và cảm thấy biết ơn vì những nỗ lực của cô đã được công nhận.

    Claudia đã kết hôn và có một con trai 17 tháng tuổi. Bên cạnh nỗ lực cho sự nghiệp, một trong những mục tiêu lớn của cô hiện tại là đảm nhận thật tốt vai trò của một người mẹ.

    "Nhiều người không thừa nhận làm mẹ là một công việc, nhưng tôi nghĩ rằng công việc đó nên được ghi nhận", cô nói. "Đó là thành tựu và cột mốc lớn trong cuộc đời của bất kỳ người phụ nữ nào".

    Theo VnExpress