• Anh đã ghi nhận hàng nghìn vụ bài Do Thái sau khi xảy ra cuộc xung đột giữa Israel và phong trào Hồi giáo Hamas hồi tháng 10 năm ngoái khiến năm 2023 trở thành năm tồi tệ nhất liên quan tới các vụ việc chống người Do Thái ở nước này kể từ năm 1984, thời điểm tổ chức Community Security Trust (CST) bắt đầu ghi nhận các số liệu liên quan.

    CST là tổ chức được thành lập để bảo vệ người Do Thái tại Anh trước các vụ tấn công cũng như mối đe dọa liên quan.

    Theo số liệu do CST công bố ngày 15/2, số vụ bài Do Thái trên cả nước Anh trong năm ngoái lên tới 4.103 vụ, cao hơn gấp đôi so với năm 2022, trong bối cảnh các mối đe dọa, phát ngôn thù địch, bạo lực và việc các cơ sở hạ tầng cũng như tài sản của người Do Thái bị tổn hại gia tăng. CST cho biết hơn 60% số vụ việc bài Do Thái nói trên xảy ra trong hoặc sau ngày 7/10/2023, thời điểm bùng phát xung đột giữa phong trào Hamas và Israel.

    bai do thai o anh
    Những người biểu tình tuần hành phản đối sự trỗi dậy của chủ nghĩa bài Do Thái ở Vương quốc Anh, trong thời gian đình chiến tạm thời giữa nhóm Hồi giáo Palestine Hamas và Israel, tại London, Anh ngày 26/11/2023. (Ảnh: REUTERS)

    Giám đốc điều hành CST Mark Gardner cho rằng cộng đồng Do Thái tại Anh đang bị những kẻ có tư tưởng cực đoan quấy rối, đe dọa và tấn công. Theo CST, riêng số vụ tấn công bạo lực ghi nhận trong năm ngoái là 266 vụ, mức cao nhất từ trước đến nay, trong đó một nửa xảy ra ở các khu vực có đông người Do Thái như Bắc London và Manchester ở Bắc England. CST cho biết thêm theo thống kê số vụ bài Do Thái trên các nền tảng trực tuyến trong năm ngoái chiếm 31% nhưng con số thực tế có thể còn cao hơn nhiều.

    Năm ngoái, Thủ tướng Anh Rishi Sunak đã cung cấp thêm 3 triệu bảng Anh (3,8 triệu USD) cho CST nhằm đảm bảo an ninh cho các tổ chức của người Do Thái. Cảnh sát London cũng cam kết hành động mạnh mẽ hơn nhằm ngăn chặn tội phạm có tư tưởng thù hận liên quan đến cuộc xung đột Hamas-Israel và đã thực hiện hơn 400 vụ bắt giữ liên quan.

    Số vụ bài Do Thái cao kỷ lục từng ghi nhận tại Anh trước đó là vào năm 2021 do bạo lực gia tăng ở Israel và Dải Gaza.

    Theo TTXVN

  • Chủ tiệm làm móng WaterCreek Nails and Spa (ở Salt Lake City, Utah, Mỹ) cho biết vụ đột nhập gây thiệt hại hàng ngàn Mỹ kim, nhưng chữ nghĩa mang tính thù hằn hung thủ để lại làm tình hình trở nên tồi tệ hơn.

    Sabrina Nguyễn, có cha mẹ là chủ tiệm làm móng, cho hay có người đột nhập vô tiệm vào sáng sớm Thứ Năm, ngày 7/12/2023.

    “Chúng tôi thật may mắn khi lúc đó có người ở ngoài dắt chó đi dạo và chứng kiến điều này,” Sabrina Nguyễn nói. “Cô ấy thật gan dạ và lúc đó cô đã tới xem có chuyện gì. Gã đàn ông tiến tới gần, xin cô ấy một ít rượu vodka… sau đó cô gọi cảnh sát.”

    nail nguoi viet bi dot nhap
    Tiệm làm móng WaterCreek Nails and Spa bị đột nhập và đập phá, xịt sơn kỳ thị hôm 7 Tháng Mười Hai, 2023, ở Salt Lake City, Utah (Hình: Instagram @sabbrinaat)

    Sabrina Nguyễn cho biết kẻ phá hoại lấy một tảng đá lớn đập bể cửa trước rồi tiến tới quầy tiếp tân. “Ông ta rút hết dây điện kết nối với máy quay an ninh… và thậm chí còn bới tung két và lấy đi vài trăm đô la,” Sabrina Nguyễn nói.

    Sabrina Nguyễn nói một cái bồn rửa tay bị kéo lìa khỏi tường, làm nước tràn ra và rò rỉ qua các cơ sở kinh doanh bên cạnh.

    “Nước làm hư ghế và hệ thống điện trên ghế làm móng chân,” cô thuật lại.

    Kẻ phá hoại húc ngã xe đẩy của thợ làm móng, đập bể một vài dụng cụ và phun đầy sơn lên ghế, tường và tủ làm móng chân. Lúc Sabrina Nguyễn nhận được cuộc gọi từ cảnh sát, cô nói lúc đó cô cũng chuẩn bị sẵn tinh thần để đối diện với mớ hỗn độn. Cô nói những gì cô nhìn thấy còn kinh khủng hơn nhiều.

    Một thông điệp thù hằn được phun bằng sơn với cỡ chữ lớn màu đen trên tường.

    “Khi tôi nhìn thấy dòng chữ đó trên tường thì câu chuyện về vụ đột nhập không còn như tôi nghĩ,” cô nói.

    Cha mẹ Sabrina Nguyễn di cư qua Hoa Kỳ từ Việt Nam. Cô cho biết họ có được cửa tiệm này được 10 năm mà không gặp vấn đề gì. Và cô nói rằng cô đã phải tâm sự với mẹ khó khăn như thế nào sau vụ phá hoại.

    “Mẹ tôi không biết tội ác thù ghét là gì, nên để giải thích cho bà hiểu về loại tội phạm này thật sự là buổi trò chuyện khó khăn và cũng làm bà giật mình thức tỉnh,” Sabrina Nguyễn nói.

    Sabrina Nguyễn cho biết thông điệp trên tường như một sự công kích cá nhân.

    Gia đình cô đang san sẻ câu chuyện này để những người khác đề phòng.

    Sabrina Nguyễn cho biết từ khi cô đăng những tấm hình mô tả chi tiết sự việc lên Instagram, gia đình cô nhận được rất nhiều sự ủng hộ từ cộng đồng.

    Sabrina Nguyễn cho biết gia đình muốn mở cửa trở lại trong vài tháng tới, nhưng họ đang phải đối diện với sự chậm trễ trong việc vận chuyển và sửa chữa, điều này càng trở nên tệ hại hơn trong dịp lễ.

    Sabrina Nguyễn cho biết ưu tiên hàng đầu là niêm phong cửa trước. Cô cho biết họ vẫn chưa thể đặt lịch hẹn sửa chữa vì các công ty và nhà thầu đều bận rộn dịp lễ lạc.

    Hôm Thứ Hai, 11 Tháng Mười Hai, Sở Cảnh Sát Salt Lake City xác nhận đang điều tra sự việc theo hướng tội phạm thù hận. Nghi can rời khỏi nơi gây án cùng với hai người đàn ông khác. Cảnh sát cho biết diện mạo ba người đàn ông này không đủ chi tiết để công bố nhưng các thám tử đang nỗ lực nhận dạng danh tánh bọn họ.

    Bất kỳ ai có thông tin về vụ án có thể gọi cảnh sát theo số 801-799-3000 với số hồ sơ là 23-274253.

    Trên toàn Hoa Kỳ, Hội Đồng Bang Giao Mỹ-Hồi Giáo tuyên bố:

    “Chúng tôi bày tỏ tình đoàn kết của cộng đồng Hồi Giáo với người Mỹ gốc Á ở Utah trước sự việc đáng oán trách này. Không người Mỹ nào sẽ phải đối diện với các cuộc tấn công hoặc đe dọa có động cơ thù ghét. Các viên chức dân cử và lãnh đạo cộng đồng phải lên tiếng gay gắt hơn trước mức độ hận thù và chia rẽ ngày càng gia tăng mà chúng ta đang chứng kiến trên toàn nước Mỹ.”

    Theo Người-Việt

  • Hãng hàng không giá rẻ Jestar của Úc hôm 12/1 đã xin lỗi sau khi một trò đùa vô duyên về đồng tiền Việt Nam được đăng lên trang Facebook của hãng, theo báo Úc Bandt.com.au.

    Trước đó, trang fanpage của Jetstar Úc trên Facebook đã post một bài có ý chế giễu đùa cợt với giá trị của tiền đồng Việt Nam.

    Bài đăng viết: “Sorry but Vietnamese money being called dong is objectively funny / Xin lỗi nhưng khách quan mà nói thì tiền Việt Nam được gọi là “dong” khá là buồn cười".

    “Dong” là một tiếng lóng chỉ bộ phận sinh dục nam. Việc đăng tải một nội dung đùa cợt như vậy là khá lạ trong bối cảnh của một fanpage chính thức và nội dung này là một sự xúc phạm đến người Việt.

    Sau đó, hãng còn nhấn mạnh hàm ý châm chọc khi trả lời bài đăng này rằng: “Một triệu đồng tương đương $65, nên cơ bản tôi có $65 thì tôi là triệu phú”.

    Trước hành động đùa cợt lố bịch này, hàng ngàn người Việt và cả người Úc đã vào trang fanpage của Jestar thả phẫn nộ và thực hiện khiếu nại chính thức với hãng này.

    Các bình luận dưới bài đăng bày tỏ sự bàng hoàng và tức giận trước nỗ lực hài kịch của hãng hàng không. Sau đó, trang fanpage đã xóa bài post này nhưng không có một hành động xin lỗi chính thức nào với cộng đồng người Việt.

    jetstar dua cot
    Ảnh chụp màn hình câu đùa vô duyên trên fanpage của Jestar Úc.

    Công đồng người Việt tại Úc đã kêu gọi tẩy chay hãng Jetstar với trò đùa này. Nhiều người cho rằng tiền tệ là bộ mặt của một quốc gia mà mang ra đùa cợt để tăng tương tác là không thể chấp nhận được. Cho thấy bộ phận marketing của hãng Jetstar có khuynh hướng cổ súy cho kỳ thị dân tộc, là điều không được chấp nhận ở một nước đa sắc tộc như Úc.

    Chị Sammy Nguyễn ở Melbourne bức xúc cho biết: "Tôi vô cùng thất vọng trước hành động này của hãng. Đó là sự thiếu tôn trọng và thiếu tế nhị đối với người Việt Nam trên toàn thế giới. Việt Nam luôn là người ủng hộ trung thành góp phần vào thành công của hãng thông qua các chuyến bay. Hãy xem lại hệ thống của hãng, quy trách nhiệm cho những người chịu trách nhiệm cung cấp chương trình đào tạo phù hợp để tránh các sự cố truyền thông như vậy trong tương lai".

    Trong một bài đăng trên LinkedIn, tài khoản Huy Nguyễn nói rằng đó là một sự miêu tả hạ thấp và coi thường nền văn hóa và nền kinh tế của một quốc gia. Anh viết: “Việc tầm thường hóa tiền tệ của chúng ta, cùng với thái độ coi thường giá trị của nó, phản ánh sự vô cảm về văn hóa sâu sắc mà tôi cảm thấy vô cùng lo ngại”.

    Trước phản ứng gay gắt của cộng đồng, Jestar đã đưa ra lời xin lỗi cá nhân tới nhiều người theo dõi trên Facebook của mình.

    “Chúng tôi đồng ý rằng bài đăng không phù hợp và kết quả là nó đã bị xóa. Chúng tôi thực sự xin lỗi vì bất kỳ hành vi phạm tội nào đã gây ra”, người phát ngôn của Jestar viết.

    “Hãy yên tâm rằng sự việc này không hề liên quan đến quốc tịch hay chủng tộc Việt Nam. Tôi có sự đảm bảo tuyệt đối rằng Jestar sẽ không dung thứ cho sự phân biệt đối xử về sắc tộc, chủng tộc hoặc bất kỳ lý do trái pháp luật nào khác”.

    Theo sggp

  • "Cô ta cứ la lối vọng qua phía chúng tôi, cô ta bảo "chúng m.ày là c.hó, tất cả lũ Ả Rập đều là c.hó, chúng m.ày thiêu sống trẻ em, cầu cho con cái chúng m.ày bị thiêu ch.ết".

    ki thi nuoc nong 1
    Người phụ nữ ném trà nóng vào bố con anh.

    Một ông bố đã phải ra sức bảo vệ cậu con trai 18 tháng tuổi của mình khi bị một phụ nữ tấn công bằng những ngôn từ thù ghét trong công viên. Anh Ashish Prashar 40 tuổi, lớn lên ở Putney (tây nam London) cho biết bản năng duy nhất của anh là đảm bảo con trai được an toàn trong một vụ tấn công ở New York (Mỹ). Anh đã cố gắng quay phim lại cuộc tấn công và báo cho cảnh sát.

    Anh Ashish trước đây từng là thư ký báo chí cho ông Boris Johnson khi ông còn là thị trưởng London. Anh nói: "Lúc đó tôi đang đội một chiếc keffiyeh (mũ trùm đầu của người Palestin). Chiếc mũ này tôi được một phụ nữ Palestin tặng khi đến Bờ Tây (West Bank) vào năm 2011. Tôi đưa con trai tới công viên vui chơi Edmonds Playground ở Fort Greene (New York). Ngày nào chúng tôi cũng tới đây chơi, nhưng hôm đó khi chúng tôi đến sân bóng rổ thì vụ tấn công xảy ra".

    ki thi nuoc nong 1
    Ashish Prashar cho biết bản năng của anh là bảo vệ con trai.

    Khi con trai anh đang chơi bóng với một bé trai 7-8 tuổi thì một người phụ nữ ngồi ở băng ghế phía bên kia nói vọng qua với anh: "Anh ủng hộ hamas à? Anh có biết bọn chúng là khủng bố không?".

    Ashish ngay lập tức nhận ra cô ta không cần câu trả lời mà chỉ muốn kiếm chuyện. Anh cố gắng giữ khoảng cách với cô ta, nhưng cô ta bảo bố con anh hãy tránh xa con trai cô ta, và nói rằng anh không thuộc về nơi này.

    Cô ta nói cô ta là người Mỹ gốc Do Thái và bố con anh không thuộc về đất nước này. 

    ki thi nuoc nong 1
    Người phụ nữ ném trà nóng vào bố con anh.

    "Cô ta cứ la lối vọng qua phía chúng tôi, cô ta bảo "chúng m.ày là c.hó, tất cả lũ Ả Rập đều là c.hó, chúng m.ày thiêu sống trẻ em, cầu cho con cái chúng m.ày bị thiêu ch.ết". "Tôi nghĩ tình hình có thể tệ hơn, nhưng tôi tin vào lập trường của mình và tôi muốn con mình tiếp tục được chơi đùa ở sân chơi, vì vậy tôi cố gắng phân tán tình hình".

    Anh lấy điện thoại ra quay phim nhằm mục đích khiến người phụ nữ phải im miệng. Lúc này Ashish bế con trai bằng tay trái và quay phim bằng tay phải. Người phụ nữ thấy vậy liền ném điện thoại vào bố con anh. "Nếu cô ta ném trúng đầu con tôi, đó có thể là một tình huống vô cùng nghiêm trọng. Vì thế tôi thả con xuống và để bé đứng sau chân tôi. Khi tôi vừa quay người lại thì một cốc trà nóng bay thẳng vào vai tôi, nước nóng bắn vào cổ tôi. Tôi đã cảm thấy rát. Rồi cô ta lao tới tôi và cố giật điện thoại của tôi nhưng không thành".

    "Cô ta nhặt điện thoại của mình và chỉ ngừng lại khi một người qua đường bước tới can thiệp. Anh chàng này đứng đó che chắn bố con tôi, thế là cô ta tức giận bỏ đi cùng với con trai mình".

    "Tôi vẫn sẽ đội chiếc mũ này, vì tôi tin vào sự tự do cho người Palestin. Nếu bạn đã đến Bờ Tây, bạn không thể không nhìn thấy chế độ phân biệt chủng tộc ở đó. Chiếc mũ này đại diện cho những người bị áp bức", anh nói.

    Chàng trai lạ không chỉ giúp đỡ bố con anh, mà còn đưa bố con anh về nhà an toàn. Người phụ nữ đã bị bắt và bị truy tố 9 tội danh, bao gồm tội thù quét, quấy rối, quấy rối trẻ dưới 11 tuổi, có hành động gây nguy hiểm, tội quấy rối nghiêm trọng và tội đe dọa. Cô ta phủ nhận mọi tội trạng và sẽ ra tòa vào ngày 24/1/2024.

    Bên cạnh đó, tòa cũng đã ban hành lệnh bảo vệ cho bố con anh Ashish. 

    ki thi nuoc nong 1
    Ashish là một diễn giả.

    Viethome (theo MyLondon)

  • Ông cụ gốc Việt ở Garden Grove (California, Mỹ) bị một thanh niên vô gia cư đánh chết tại nhà tối Thứ Tư, 1 Tháng Mười Một, cảnh sát loan báo, theo đài KTLA.

    Ông Chương Phạm, 87 tuổi, thiệt mạng sau khi bị nghi can Mario Brancato, 26 tuổi, vô gia cư, tấn công tại nhà trong khu 9900 đường Central (gần ngã tư với Brookhurst) khoảng 7 giờ rưỡi tối, Sở Cảnh Sát Garden Grove (GGPD) ra thông cáo báo chí cho hay.

    xe canh sat 3333
    Xe cảnh sát Garden Grove. (Hình minh họa: Garden Grove Police Department)

    Ban đầu, cảnh sát nhận được tin báo có vụ trộm nhà, nhưng khi tới nơi, họ thấy nghi can Brancato “đang bị nhiều cư dân sống ở khu vực đó đè xuống đất,” GGPD cho biết.

    Báo OC Patch dẫn lời Trung Sĩ Nick Jensen, phát ngôn viên GGPD, đưa tin, khi đi làm về, con trai ông Chương nhìn thấy nghi can Brancato trong nhà, còn ông Chương nằm dưới đất. Cảnh sát không thấy vũ khí nào ở hiện trường, nhưng dường như ông Chương bị đánh đập, theo ông Jensen.

    “Nhưng chúng tôi không biết nghi can sử dụng đồ vật nào khác không,” ông Jensen cho hay.

    Con trai ông Chương gọi cảnh sát, rồi cùng với hàng xóm bắt giữ nghi can Brancato, ông Jensen cho biết.

    Ông Chương qua đời sau đó ở bệnh viện, theo GGPD.

    “Tới lúc này, chúng tôi thấy không có mối liên hệ nào giữa nghi can với nạn nhân,” GGPD cho hay.

    Nghi can Brancato bị giam ở nhà tù Orange County với cáo buộc giết người.

    Cảnh sát kêu gọi ai biết thông tin liên quan vụ này thì gọi cho điều tra viên Rogers số 714-741-5413 hoặc cho GGPD số 714-741-5800.

    Theo Người Việt

  • Các nhà khoa học Australia chỉ ra, căng thẳng từ tiền thuê nhà có thể tăng tốc độ lão hóa 2-8 tuần, nhanh hơn hút thuốc hoặc thất nghiệp.

    Nghiên cứu do các chuyên gia của Đại học Adelaide (Australia) thực hiện, công bố trên Tạp chí Y khoa Anh tháng 10/2023, dựa trên kết quả khảo sát cuộc sống và chất lượng nhà ở của 1.500 người Anh cũng như sử dụng dữ liệu DNA để đánh giá mức độ lão hóa của từng người.

    Cuộc khảo sát đảm bảo các yếu tố khách quan, gồm quyền sở hữu tài sản (thuê hay mua); kiểu nhà đang ở; các khoản hỗ trợ tài chính của chính phủ; khu vực đang sống và tuổi sinh học của những người tham gia nghiên cứu tại cùng một thời điểm.

    Kết quả cho thấy những người thuê nhà có tốc độ lão hóa nhanh gấp đôi so với người thất nghiệp, cao hơn 50% so với hậu quả của việc hút thuốc. Đáng chú ý, trung bình cứ một năm, quá trình lão hóa của người đi ở trọ lại tăng lên 2-8 tuần.

    nha thue mau gia

    "Các vấn đề về việc không đủ khả năng chi trả khi giá thuê tăng cao; rắc rối với hàng xóm, chủ nhà; sự kỳ thị khi thuê nhà là những nguyên nhân gây ra quá trình lão hóa sinh học", Amy Clare, nhà khoa học chủ trì nghiên cứu, nói.

    Ông cũng tiết lộ, tình trạng ở chật chội hoặc không đủ hệ thống sưởi, ô nhiễm môi trường, bụi bẩn cũng tác động tiêu cực đến sức khỏe.

    Một khu nhà treo biển cho thuê ở London, tháng 7/2022. Kể từ khi đại dịch Covid kết thúc, giá thuê nhà ở Anh đã liên tục tăng và đạt mức cao nhất trong 20 năm. Ảnh: Telegraph

    Các trường hợp thuê nhà được hỗ trợ của chính phủ không gặp tình trạng này. Nguyên nhân là họ không phải đối mặt với những căng thẳng giống như khách thuê nhà tư nhân về tiền và các mối quan hệ bên ngoài.

    Trên thực tế, giá thuê nhà tại Australia khác Anh hay Mỹ, nhưng Giselle Routhier, giám đốc phòng thí nghiệm y tế và nhà ở tại trường Đại học Y khoa NYU Grossman (Mỹ) nói rằng những phát hiện trên không mới.

    "Nếu ở trong một ngôi nhà không khiến bạn cảm thấy an toàn và yên tâm thì việc quản lý cuộc sống hàng ngày cũng khó khăn, chưa nói đến các tình trạng bệnh lý", bà Giselle nói.

    Mặc dù kết quả nghiên cứu đầy ấn tượng, nhưng các nhà nghiên cứu của Đại học Adelaide cũng nhấn mạnh các công bố chỉ mang tính quan sát, chưa thể khẳng định chắc chắn ở nhà thuê sẽ tạo điều kiện thúc đẩy quá trình lão hóa. Quá trình này cũng ảnh hưởng bởi nhiều tác nhân bên ngoài như thức khuya, ăn đêm hoặc lười vận động.

    VnExpress (Theo Forbes)

  • Sau khi mẹ đỡ đầu của Hoàng tử William bị tố phân biệt chủng tộc với một phụ nữ da màu, phòng làm việc của nhà Wales lập tức cho rằng đó là hành vi 'không thể chấp nhận được'.

    me do dau cua hoang tu william 1
    Ngozi Fulani (chính giữa ảnh trái) tố phu nhân Susan Hussey (phải) phân biệt chủng tộc ở tiệc chiêu đãi tại Điện Buckingham hôm 29/11. Ảnh: UK Press

    Người phát ngôn của Thân vương và Vương phi xứ Wales cho biết: "Tôi thực sự thất vọng khi nghe kể về trải nghiệm của vị khách đó. Phân biệt chủng tộc không có chỗ trong xã hội của chúng ta. Những bình luận này không thể chấp nhận được và việc cá nhân gây ra chuyện này phải bị bãi bỏ là đúng đắn, có hiệu lực ngay lập tức".

    Theo truyền thông Anh, Ngozi Fulani, người đứng đầu tổ chức từ thiện Sistah Space chống bạo lực gia đình, cáo buộc bà đã liên tục bị Phu nhân Susan Hussey - mẹ đỡ đầu của Hoàng tử William - hỏi những câu hỏi đầy tính phân biệt chủng tộc về nguồn gốc và lý lịch của mình tại tiệc chiêu đãi ở cung điện do Vương hậu Camilla tổ chức hôm 29/11.

    Miêu tả lại vụ việc trên Twitter, Fulani kể rằng cô được hỏi những câu như "Cô mang quốc tịch nước nào?", "Cô thực sự đến từ đâu vậy?", "Cô đến từ vùng nào của châu Phi?".

    Điện Buckingham cho biết hiện Susan Hussey đã từ chức và xin lỗi sau khi đưa ra "những bình luận không thể chấp nhận và vô cùng đáng tiếc". Người phát ngôn của Cung điện Buckingham cho biết: "Chúng tôi coi vụ việc này cực kỳ nghiêm trọng và đã điều tra ngay lập tức để xác định đầy đủ thông tin chi tiết. Chúng tôi đã liên hệ với Ngozi Fulani về vấn đề này và mời cô ấy thảo luận trực tiếp tất cả các yếu tố về trải nghiệm của bà ấy nếu cô ấy muốn".

    "Trong thời gian chờ đợi, cá nhân có liên quan muốn bày tỏ lời xin lỗi sâu sắc về những tổn thương đã gây ra và tức khắc từ bỏ vai trò danh dự của mình. Tất cả các thành viên Hoàng gia cũng đang được nhắc nhở về những chính sách đa dạng và hòa nhập mà họ luôn được yêu cầu phải tuân thủ nghiêm ngặt".

    me do dau cua hoang tu william 1
    Phu nhân Sussan Hussey (chính giữa phía sau) là một trong những mẹ đỡ đầu của Hoàng tử William. Ảnh: PA

    Sự cố phân biệt chủng tộc xảy ra khi William và Kate trên đường tới Boston để bắt đầu chuyến công du kéo dài ba ngày. Người phát ngôn của nhà Wales cho biết vợ chồng hoàng tử đang trên máy bay khi có tin về vụ việc. Tuy nhiên, họ đã nhanh chóng nắm bắt tình hình và đưa ra phản ứng thông qua phụ tá.

    Dù vậy, sự cố được cho là vẫn sẽ "phủ bóng" lên chuyến công tác tại Mỹ của William - Kate, khiến họ đối mặt thêm nhiều áp lực mới trong công cuộc lấy lại danh tiếng cho chế độ quân chủ sau khi bị Harry - Meghan cáo buộc phân biệt chủng tộc.

    Ngôi Sao (theo People)

  • Cụ bà người Mỹ 72 tuổi đã đồng ý bán nhà sau khi bị cáo buộc tội thù hận đối với người châu Á, khiến người hàng xóm gốc Việt choáng váng.

    Bà Jan Myers, 72 tuổi ở Washington bị cáo buộc đe dọa, thù hận đối vì đã quấy rối người hàng xóm  gốc Việt có tên Phạm Thi vào tháng 4/2021.

    Các luật sư của Phạm thông báo rằng, bà Myers đã đồng ý với một thỏa thuận dân sự quy định rằng bà ấy phải cố gắng bán căn nhà của mình ở Shoreline, Washington và trả cho Pham 45,000 đô la từ việc bán nhà.

    nguoi viet bi ki thi chung toc
    Cô Phạm Thi thường xuyên bị bà Myers đe dọa, quấy rối. Ảnh: NextShark

    Luật sư của Phạm và chồng là Bill Healy đã đệ đơn kiện bà Myers vào tháng 8/2021 sau khi họ cho biết bà Myers đã liên tục quấy rối và đe dọa gia đình họ, cũng như tìm cách tiếp cận người vợ và con trai 2 tuổi.

    Hành động của Myers đã được Phạm ghi lại trong video. Khi gia đình đệ đơn kiện, Phạm cho biết cô không còn cảm thấy an toàn khi ở trong nhà của mình.

    Các luật sư của gia đình đã gọi việc dàn xếp dân sự là một chiến thắng cho các nạn nhân bị quấy rối chủng tộc. Luật sư Jeffery Campiche nói: "Chúng ta cần bắt những kẻ quấy rối mọi người vì chủng tộc của họ và buộc họ trả tiền cho nạn nhân.

    Theo thỏa thuận, Myers đã đồng ý bán căn nhà của mình trong 6 tháng tới và trả cho Phạm 45,000 đô la từ việc bán nhà. Nếu Myers không bán nhà và chuyển đi như đã thỏa thuận, vụ kiện của Phạm đối với Myers sẽ được tiến hành xét xử và có khả năng sẽ do bồi thẩm đoàn quyết định.

    "Tôi rất vui vì tôi có thể sống an toàn trong ngôi nhà của mình mà không bị quấy rối chủng tộc", tờ KGW trích dẫn lời Phạm cho biết. "Chúng tôi hy vọng Jan Myers tuân theo các thỏa thuận và tiến hành nhanh chóng."

    Mặc dù thỏa thuận dàn xếp dân sự, bà Myers vẫn có thể phải đối mặt với cáo buộc hình sự vì hành vi đe dọa của mình, mà phiên tòa dự kiến sẽ bắt đầu vào ngày 8/6.

    Theo Nextshark

  • Christina Yuna Lee là người gốc Á mới nhất thiệt mạng trong một loạt vụ tấn công ngẫu nhiên ở New York, trong đó nạn nhân không hề quen biết nghi phạm.

    Cảnh sát New York cho biết Christina Yuna Lee, 35 tuổi, gốc Á đã bị một người đàn ông đ.â.m c.h.ết ngay trong căn hộ của cô tại Lower Manhattan vào sáng sớm 13/2. Đoạn video giám sát cho thấy cô Lee bị người đàn ông bám đuôi tới tận căn hộ trên phố Chrystie ở khu phố Hoa.

    Người này theo dõi, bám lấy cửa do cô Lee mở và vào trong. Trong video, cô Lee bước vào tiền sảnh của tòa nhà chỉ vài phút trước 4h30 và đi dọc hành lang. Sau đó, cô Lee rơi vào điểm khuất của camera khi người đàn ông - được cảnh sát xác định là Assamad Nash, 25 tuổi - bám ngay phía sau cô.

    Những người hàng xóm đã gọi điện cho cảnh sát một thời gian ngắn sau đó vì tiếng ồn. Khi cảnh sát đến tòa nhà, cửa căn hộ của cô Lee bị khóa, và Nash chặn ở bên trong.

    Khi nhân viên của Đơn vị Dịch vụ Khẩn cấp đến và phá cửa, các quan chức cảnh sát cho biết cô Lee được tìm thấy đã chết trong bồn tắm. Nash cố gắng trốn thoát qua cửa sổ phía sau nhưng bị bắt lại. Nash bị thương và được đưa đến bệnh viện Bellevue.

    Cái chết của cô Lee là vụ việc mới nhất tấn công vào người gốc Á một cách ngẫu nhiên ở thành phố New York. Trong số này, nhiều người tấn công bị mắc bệnh tâm thần mức độ nặng, theo New York Times.

    nguoi goc a bi giet o new york 1
    Trích xuất camera cho thấy Nash đã bám theo cô Lee vào bên trong tòa nhà. Ảnh: New York Post.

    Không quen biết nghi phạm

    Cô Lee tốt nghiệp Đại học Rutgers và làm việc với tư cách là nhà sản xuất sáng tạo cấp cao tại Splice - nền tảng trực tuyến dành cho âm nhạc kỹ thuật số. Cô cũng từng làm việc trong những chiến dịch quảng bá hình ảnh và video cho các thương hiệu như Marriott International và Equinox.

    Theo hồ sơ của tòa án, Nash có tiền sử bị bắt vì tội nhẹ, trong đó có một vụ việc xảy ra hồi tháng 9/2021. Tại nhà ga Grand Street, gần tòa nhà nơi xảy ra vụ giết người, một người đàn ông 62 tuổi nói với cảnh sát rằng Nash đã đấm ông sau khi ông quẹt thẻ MetroCard cho một hành khách khác.

    Mặc dù cảnh sát không gọi vụ việc giết cô Lee là tội ác do thù hận, các cuộc tấn công nhằm vào người Mỹ gốc Á đã gia tăng kể từ khi đại dịch Covid-19 bắt đầu.

    Tháng 12/2021, Sở Cảnh sát New York báo cáo các cuộc tấn công tương tự tăng 361% so với năm trước. Hồi tháng trước, Michelle Alyssa Go, một phụ nữ Mỹ gốc Á 40 tuổi, đã bị đẩy vào trước mũi tàu điện ngầm và tử vong ngay tại chỗ.

    Tuần trước, Jarrod Powell - 50 tuổi - bị buộc tội giết người cấp độ hai và nhận cáo buộc phạm tội do thù hận sau cái chết của Yao Pan Ma. Ông Yao là người nhập cư Trung Quốc, 61 tuổi, tử vong vào ngày 31/12/2021 sau bị tấn công ở East Harlem hồi tháng 4/2021.

    Các quan chức cho biết có vẻ như cô Lee không biết người tấn công mình là ai hoặc có bất kỳ liên hệ nào với anh này trước khi Nash bám đuôi cô về nhà.

    "Kịch bản ác mộng tồi tệ nhất"

    Do tuyết rơi vào chiều 13/2, cảnh sát đã canh gác tòa nhà, chỉ cho phép cư dân và người làm nhiệm vụ vào trong. Cửa hàng tạp hóa nhỏ quảng cáo thuốc lá và nước ngọt bằng tiếng Trung Quốc ngay dưới cũng đóng cửa.

    Andrew Oaks - 30 tuổi, sống trong tòa nhà - cho biết anh bị tỉnh giấc lúc 4h30 khi nghe thấy những tiếng la hét “giống như trong phim”. Anh nói thêm mình “không nghĩ gì thêm về điều đó”, cho đến khi có tiếng đập cửa và cảnh sát bắt đầu thẩm vấn cư dân vào cuối buổi sáng.

    Một trong số những người hàng xóm sống cùng tầng 6 với cô Lee, người đã gọi 911, kể lại lời kêu cứu tuyệt vọng của nạn nhân.

    “Cô ấy kêu cứu, la hét để tìm sự giúp đỡ. Tôi bừng tỉnh vì tiếng động đó. Thật là kinh khủng", New York Post dẫn lời người hàng xóm 21 tuổi. "'Giúp tôi! Hãy gọi 911' - đó chính xác là những gì cô ấy lặp đi lặp lại".

    Trên mạng xã hội chiều 13/2, Thị trưởng thành phố New York Eric Adams gọi vụ giết người là “kinh hoàng”, nhấn mạnh “chúng ta cần ở cạnh bên cộng đồng châu Á ngày hôm nay”.

    nguoi goc a bi giet o new york 1

    nguoi goc a bi giet o new york 1
    Tòa nhà cô Lee sinh sống nằm trên khu phố Hoa của thành phố New York. Ảnh: New York Times

    Ông Adams cho biết trong tuyên bố chính thức ngay sau đó: “Trong khi nghi phạm thực hiện hành vi tàn ác này đang bị giam giữ, những gì anh ấy trải qua vẫn còn đó ngoài kia. Nhiệm vụ của chính quyền rất rõ ràng: Chúng tôi sẽ không để tình trạng bạo lực này diễn ra một cách không thể kiểm soát”.

    Nghị sĩ Yuh-Line Niou, người đại diện cho khu vực, gọi các chi tiết của vụ tấn công là "kịch bản ác mộng tồi tệ nhất”. “Cô ấy vẫn đang la hét và chiến đấu để giành lấy sự sống của mình, và họ đã không thể tiếp cận cô ấy trong gần 1h30”, cô Niou nói.

    Cô cho biết cảm xúc của mình đã “cạn” sau khi cô cùng cộng đồng người Mỹ gốc Á chứng kiến và tham gia hàng loạt cuộc biểu tình trong những tuần gần đây. Chỉ mới 2 ngày trước, một nhà ngoại giao Hàn Quốc đã bị hành hung.

    Nash đã bị bắt ít nhất bốn lần vào năm 2021 vì các tội ở mức nhẹ, bao gồm hành hung và quấy rối. Ba vụ trong số này vẫn chưa được giải quyết.

    Cảnh sát đã trả tự do cho Nash cùng với giấy trình diện trong một vụ tấn công và một vụ bắt giữ trước đó liên quan đến việc bán thẻ giao thông bất hợp pháp. Vào lần bắt giữ ngày 13/10/2021 về tội hành hung, thẩm phán đã thả Nash mà không cần phí bảo lãnh.

    Vào ngày 8/1, Nash bị bắt một lần nữa và nhận tội phá hoại. Theo đơn tố cáo hình sự, anh đã vô hiệu hóa một số máy bán thẻ tự động của MetroCard trong hơn một tháng.

    Theo hồ sơ, một thẩm phán đồng ý thả Nash nhưng phải nhận sự giám sát của cảnh sát 3 lần/tháng, trong đó có 2 lần gặp trực tiếp và một lần qua điện thoại.

    Theo Zing

  • Alyssa Go đã dành hơn thập kỷ để giúp đỡ cộng động vô gia cư, song lại bị kẻ vô gia cư Martial xô chết trước mũi tàu.

    Người phụ nữ gốc Á Michelle Alyssa Go, 40 tuổi, đã dành hơn 10 năm làm tình nguyện viên tại tổ chức từ thiện New York Junior League. Tại đây, Go giúp nhiều người vô gia cư chuẩn bị thủ tục phỏng vấn xin việc và dạy họ thêm về kiến thức tài chính.

    Người phụ nữ gốc Á cũng giúp đỡ những trẻ em nhập cư đang đi học, gặp khó khăn về học tập, cùng cha mẹ của các em. "Cô ấy luôn làm công việc tình nguyện với nụ cười tươi cùng sự nhiệt tình, khiến các tình nguyện viên và cộng đồng vô gia cư đều thích làm việc cùng cô", cộng sự của Go chia sẻ.

    Sau nhiều năm hỗ trợ cộng đồng vô gia cư, Go lại bị kẻ vô gia cư mắc chứng tâm thần Simon Martial, 61 tuổi, xô ngã ở nhà ga Quảng trường Thời đại, New York, hôm 15/1/2022. Go ngã xuống đường ray và bị tàu cán chết.

    Michelle Alyssa Go nguoi goc a bi xo nga truoc tau lua 1
    Nạn nhân Michelle Alyssa Go. Ảnh: LinkedIn.

    "Chúng tôi kêu gọi lãnh đạo thành phố khẩn trương giải quyết tình trạng thiếu hụt dịch vụ chăm sóc sức khỏe tâm thần cùng những hỗ trợ khác cho các cộng đồng chưa được quan tâm", New York Junior League ra tuyên bố sau thông tin một kẻ vô gia cư tâm thần là thủ phạm sát hại Go.

    Các cộng sự của Go trong tổ chức tình nguyện ca ngợi cô hoạt bát và luôn tràn đầy niềm vui cuộc sống. "Xin gửi lời cầu nguyện và tình thương tới gia đình, bạn bè của Go. Sự ra đi của cô là mất mát to lớn với tất cả chúng tôi, những người dân New York", cộng sự của Go nói.

    Cô Go tốt nghiệp Đại học California và có bằng MBA tại Trường Kinh doanh Stern của Đại học New York. Cô đã dành nhiều tâm huyết để hỗ trợ cộng đồng vô gia cư, đặc biệt là vực dậy tinh thần cho họ.

    Vụ tấn công nhằm vào Go được cảnh sát New York xác nhận là vô cớ và không có động cơ chủng tộc. Hung thủ Martial đã bị buộc tội giết người. Tên này từng bị bắt 10 lần kể từ năm 1998.

    New York gần đây chứng kiến nhiều vụ tấn công liên quan đến tàu điện ngầm. Tháng 2 năm ngoái, 4 vụ đâm dao, trong đó hai vụ gây tử vong, xảy ra trong vòng vài giờ trên một tuyến tàu điện ngầm. Đến tháng 5, một số người đi tàu bị chém và hành hung trên chuyến tàu ở khu hạ Manhattan. 4 tháng sau đó, ba nhân viên vận chuyển bị hành hung trong các vụ tấn công khác nhau cùng một ngày.

    Thủ phạm tự nhận mình là Chúa

    Simon Martial, kẻ xô người phụ nữ gốc Á chết trước mũi tàu, có tiền sử bệnh tâm thần và nhận là Chúa khi bị hỏi động cơ gây án.

    Martial, 61 tuổi, đã xô người phụ nữ gốc Á Michelle Alyssa Go, 40 tuổi, khi cô đang đứng đợi tàu ở nhà ga Quảng trường Thời đại, thành phố New York hôm 15/1. Go ngã xuống đường ray và bị tàu cán chết.

    Cảnh sát nói rằng đây là vụ tấn công vô cớ và không có động cơ chủng tộc. Martial, người da màu vô gia cư, bỏ trốn khỏi hiện trường nhưng ra đầu thú chưa đầy một giờ sau đó.

    Michelle Alyssa Go nguoi goc a bi xo nga truoc tau lua 1
    Nghi phạm Simon Martial tươi cười, lè lưỡi khi bị cảnh sát bắt hôm 15/1. Ảnh: NY Post

    Cảnh sát buộc Martial tội giết người. Khi các phóng viên hỏi về động cơ, ông ta nói rằng nạn nhân "đã lấy trộm áo khoác của tôi", đồng thời tự nhân bản thân là Chúa. "Đúng vậy, bởi tôi là Chúa. Tôi đã làm được. Tôi là Chúa, tôi có thể làm được", ông ta nói.

    Martial, người có tiền sử bệnh tâm thần, đã bị bắt 10 lần kể từ năm 1998. Ông ta thụ án vào năm 2018 vì cố cướp taxi và mới được thả năm ngoái. Người đàn ông này hiện ở bệnh viện Bellevue, nơi xử lý các đánh giá tâm thần đối với những kẻ tình nghi đang bị cảnh sát giam.

    Go tốt nghiệp Đại học California và có bằng MBA tại Trường Kinh doanh Stern của Đại học New York. Hơn 10 năm qua, cô tham gia hoạt động tình nguyện để hỗ trợ người vô gia cư, nhưng cuối cùng bị một người vô gia cư giết chết.

    Điều kiện và sự an toàn của tàu điện ngầm đã trở thành nỗi lo của nhiều người dân New York trong thời kỳ đại dịch. Số liệu thống kê của cảnh sát cho thấy các vụ phạm tội nghiêm trọng trên tàu điện ngầm đã giảm hai năm qua, nhưng rất khó đánh giá bởi số lượng người đi tàu cũng giảm.

    Một số vụ tấn công gần đây đã thu hút sự chú ý của công chúng và đáng báo động. Tháng 2 năm ngoái, 4 vụ đâm dao, trong đó hai vụ gây tử vong, xảy ra trong vòng vài giờ trên một tuyến tàu điện ngầm. Đến tháng 5, một số người đi tàu bị chém và hành hung trên chuyến tàu ở khu hạ Manhattan. 4 tháng sau đó, ba nhân viên vận chuyển bị hành hung trong các vụ tấn công khác nhau cùng một ngày.

    VnExpress (theo AP, CNN)

  • Một phụ nữ 40 tuổi gốc Á đã thiệt mạng hôm 15/1 sau khi bị đẩy ra trước một đoàn tàu điện ngầm tại ga Quảng trường Thời đại (thành phố New York, Mỹ). Báo giới địa phương cho biết nạn nhân là Michelle Alyssa Go, 40 tuổi, sống ở New York.

    Theo cảnh sát địa phương, Go đang đứng trên sân ga vào khoảng 9h30’ sáng 15/1 (giờ Mỹ) thì bất ngờ bị đẩy xuống đường ray khi một đoàn tàu sầm sập lao tới. Nạn nhân bị tàu đâm trúng và tử vong tại chỗ.

    Nghi phạm bỏ chạy khỏi hiện trường nhưng tự nộp mình cho cảnh sát không lâu sau đó. Người đàn ông này được xác định là Simon Martial, vô gia cư, 61 tuổi. Martial từng có tiền án và gặp vấn đề về tâm lý.

    Hiện chưa rõ có phải Martial tấn công Go vì cô là người gốc Á hay không. Cảnh sát cho biết nạn nhân dường như không có bất cứ mối liên hệ nào nghi phạm.

    nguoi goc a bi tan cong
    Hiện trường vụ tấn công bị phong toả. Ảnh: Reuters

    Tình hình an ninh tại các ga tàu điện ngầm đã trở thành mối lo ngại của nhiều cư dân New York trong thời kỳ đại dịch. Vài tháng gần đây, nhiều vụ đâm dao, hành hung hoặc xô đẩy xuống đường ray đã được ghi nhận tại các nhà ga ở Bronx, Brooklyn và Quảng trường Thời đại.

    Cuộc tấn công hôm thứ Bảy cũng làm dấy lên lo ngại về làn sóng phạm tội nhằm vào người châu Á đang gia tăng ở New York và trên khắp nước Mỹ.

    “Vụ tấn công mới nhất ở Quảng trường Thời đại thực sự kinh hoàng. Những sự cố kiểu này khiến người Mỹ gốc Á ở khắp New York và trên khắp nước Mỹ cảm thấy bị tổn thương. Chúng cần phải dừng lại!”, Margaret Fung - lãnh đạo quỹ Giáo dục và Bảo vệ pháp lý cho người Mỹ gốc Á nói.

    Bài liên quan: Người gốc Á tử vong sau nhiều tháng nằm viện do bị đánh vô cớ

    Người đàn ông gốc Hoa Yao Pan Ma tử vong sau nhiều tháng điều trị tại bệnh viện vì bị một kẻ tấn công vô cớ trên đường phố Mỹ.

    Cảnh sát New York xác nhận Yao Pan Ma, 61 tuổi, qua đời hôm 31/12/2021, song thông tin này mới được truyền thông Mỹ đăng đồng loạt hôm 8/1. Kể từ khi vô cớ bị đá liên tiếp vào đầu trên đường phố New York hồi tháng 4 năm ngoái, Yao nằm viện trong tình trạng nguy kịch cho tới khi trút hơi thở cuối cùng.

    Nghi phạm Jarrod Powell, 49 tuổi, bị bắt 4 ngày sau vụ tấn công. Tên này đã bị cáo buộc tội âm mưu giết người và tấn công vì thù ghét. Sau khi Yao qua đời, cảnh sát coi vụ tấn công là hành vi giết người. Chưa rõ cáo buộc nhắm vào Powell có thay đổi gì không.

    nguoi goc a bi ki thi
    Yao Pan Ma nhập viện sau vụ tấn công tối 24/4/2021. Ảnh: NY Post.

    "Điều này không nên xảy ra với chồng tôi hay bất cứ ai khác. Đây là nước Mỹ. Tôi thật sự rất lo sợ, sợ chồng mình không thể quay về", Baozhen Chen, vợ của Yao, chia sẻ sau khi chồng bị tấn công hồi tháng 4/2021.

    Yao là người gốc Hoa nhập cư vào Mỹ từ năm 2018. Sau khi mất công việc rửa bát, Yao thu gom chai lọ trên đường phố để phụ giúp gia đình và bị hành hung trong lúc đang làm công việc này.

    Nghiên cứu của Đại học bang California cho thấy các tội ác hận thù chống người gốc Á tăng gần 150% ở Mỹ năm 2020, trong đó New York ghi nhận nhiều trường hợp nhất.

    Theo tổ chức phi lợi nhuận chống tội ác nhằm vào người gốc Á Stop AAPI Hate, tính tới tháng 8/2021, Mỹ đã ghi nhận hơn 9.000 vụ tấn công chống cộng đồng này kể từ khi Covid-19 bùng phát.

    Theo VnExpress

  • Một nạn nhân bị bạo lực gia đình cho biết mình và bé gái 2 tuổi đang sống trong sợ hãi sau nhiều tháng bị hàng xóm quấy rối và phân biệt chủng tộc.

    Người phụ nữ giấu tên và bé gái 2 tuổi ở Islington không dám ra ngoài trong ba tuần vì hành vi quấy rối của những người hàng xóm. Người phụ nữ cho biết tình trạng này bắt đầu trong vòng hai tuần sau khi hai mẹ con chuyển đến khu nhà vào mùa hè này.

    Hình ảnh thu được từ camera gắn trên chuông cửa trong vài tháng qua cho thấy những người hàng xóm từ hai hộ gia đình gọi họ là "đồ lập dị" và "cô ta trông giống đàn ông" bằng tiếng Ý. Một người hàng xóm đã khạc nhổ trước cửa nhà của nạn nhân.

    Người phụ nữ hiểu và có thể nói tiếng Ý. Cô tuyên bố đã nghe những hàng xóm người Ý gọi cô là “đồ mọi”: "Một trong số họ gọi tôi là mọi ngay bên ngoài cửa sổ nhưng camera gắn trên chuông cửa không thể ghi lại cảnh này”.

    Người mẹ cho rằng sự phân biệt chủng tộc bắt đầu ngay sau Euro 2020 khi Anh thua trong trận chung kết trước Ý. Các cầu thủ da màu là Marcus Rashford, Jadon Sancho và Bukayo Saka đã bị phân biệt chủng tộc cả trên mạng lẫn ngoài đời sau khi sút hỏng loạt luân lưu.

    Những người hàng xóm cũng chửi thề bằng tiếng Ý khi họ đi ngang qua căn hộ của người phụ nữ. Nạn nhân giải thích về việc một người hàng xóm khác bắt đầu la hét bên ngoài nhà mình: "Việc này bắt đầu sau Euro 2020 khi Anh thua Ý. Người đàn ông này nhìn trộm qua cửa sổ và hét lên 'hãy cút đi’ và những câu từ khủng khiếp khác".

    Người phụ nữ bắt đầu ghi lại cảnh quấy rối để làm bằng chứng cho Hội đồng Islington và cảnh sát. Tuy nhiên, cô cảm thấy thất vọng đối với cả 2 đơn vị này vì yêu cầu thay đổi chỗ ở bị từ chối và cho biết vẫn đang bị quấy rối và lạm dụng.

    2neighbourHình ảnh một người hàng xóm phá hoại máy quay an ninh của nạn nhân.

    Nạn nhân không có gia đình và bạn bè trong khu vực và trước đó đã trốn thoát người chồng cũ do bị bạo hành ở một khu vực khác tại London.

    Nạn nhân cho biết một nhân viên từ thiện đã ngừng đến thăm cô và con gái vì người này quá sợ hãi những người hàng xóm trong khu nhà và đành chuyển sang gọi điện thoại.

    Hội đồng Islington đã thông báo sẽ không chuyển người phụ nữ và con gái nhỏ đến chỗ ở thay thế, mặc dù đã nhận được thư cảnh báo từ các dịch vụ xã hội và chuyên gia chăm sóc xã hội của cô.

    Thay vào đó, họ yêu cầu cô đăng ký HomeSwapper - dịch vụ trực tuyến cho phép người thuê đổi nhà với người thuê khác của hội đồng hoặc hiệp hội nhà ở khác.

    Tuy nhiên, đây không phải là lựa chọn thích hợp đối với nạn nhân, do trước đó chồng cũ đã xâm nhập vào tài khoản của cô và tìm ra nơi họ đang sinh sống. Cô cũng lo sợ người thuê thay thế có thể tiết lộ nơi cô đang sống với hàng xóm của mình.

    Nạn nhân nói: "Người quản lý nhà ở tại Hội đồng Islington phủ nhận việc đã biết các cáo buộc quấy rối hoặc mối đe dọa mặc dù tôi đã báo cáo cho họ. Mặc dù cảnh sát nói đã liên hệ với người quản lý nhà ở về việc bắt giữ người hàng xóm, nhưng quản lý nói với các dịch vụ xã hội và chuyên gia rằng hội đồng sẽ không đổi nhà hoặc cho chúng tôi chỗ ở tạm thời".

    Tuy đã cho cảnh sát xem một số đoạn phim, trong đó một người hàng xóm hét lên "đồ điế*”và khạc nhổ trước cửa nhà cô ấy, hoặc những người hàng xóm khác lăng mạ cô bằng tiếng Ý, tuy nhiên cô cáo buộc cảnh sát đã bác bỏ vụ việc và nói rằng không có bằng chứng.

    Nạn nhân đã tăng âm lượng và giảm tốc độ phát để cảnh sát nghe rõ, nhưng các sĩ quan đã phớt lờ cáo buộc đe dọa và đang điều tra một người hàng xóm vì đã hai lần phá hoại camera gắn trên chuông cửa của cô.

    Người phụ nữ tuyên bố: "Đội cảnh sát khu phố đã bác bỏ việc này vì những người hàng xóm phủ nhận điều đó và nói rằng họ la hét và khạc nhổ vào cửa sổ nhà của chính mình. Tôi nói với họ, 'la hét và khạc nhổ vào cửa sổ bếp nhà mình có phải là hành vi bình thường không? " Viên cảnh sát kia bác bỏ vụ việc và hỏi lại, 'tại sao họ lại làm vậy với cô? Không có bằng chứng cho thấy họ đang nhắm vào cô".

    "Anh ấy nói đã chuyển video cho một đồng nghiệp nói tiếng Ý và nói rằng họ không nghe thấy gì cả, vì vậy tôi nói, 'Tôi đã phát video đó cho người khác và họ có thể nghe thấy những lời nói đó', nhưng anh ta nhanh chóng tắt máy. Theo cách cảnh sát hành xử, tôi không tin người hàng xóm sẽ bị buộc tội vì bất cứ điều gì."

    Để chắc chắn, người phụ nữ đã nhờ một phiên dịch tiếng Ý phân tích đoạn clip - người phiên dịch sau đó đã chọn ra những từ lăng mạ như "điế*" và "ph*".

    Tuy nhiên, cuộc họp chung giữa hội đồng và cảnh sát được tổ chức vào đầu tháng 11 kết luận người phụ nữ không bị bạo hành và không có bằng chứng về hành vi quấy rối.

    Người phụ nữ cho biết mình và con gái đã ở trong căn hộ kể từ ngày 3 tháng 12 mà không dám ra ngoài.

    Cô đã ngừng đưa bé đến nhà trẻ vì sợ hãi khi phải rời khỏi nhà: “Vì vậy, bây giờ chúng tôi đang mắc kẹt ở nhà, con gái tôi đã ở nhà được ba tuần. Con bé không gặp bất kỳ ai. Bình thường con gái tôi đến nhà trẻ nhưng con bé đã nghỉ học từ đầu tháng 12. Hành vi của con bé đã thay đổi, bình thường con gái tôi là đứa trẻ vui vẻ nhưng bây giờ nó không ăn nhiều. Con bé chỉ muốn uống sữa. Con gái tôi khá là nhút nhát, nó leo lên xe đẩy, muốn đi giày để ra ngoài. Con bé không vui lắm và ngay cả đi ngủ cũng là một thử thách".

    Người phụ nữ đã cáo buộc cả hội đồng và cảnh sát về hành vi phân biệt chủng tộc vì cô là mẹ đơn thân người da màu:  "Nếu tôi là người da trắng và những người quấy rối là người da đen, tôi thực sự tin rằng hội đồng và cảnh sát sẽ xem xét vụ việc một cách nghiêm túc. Cảnh sát không khiến tôi tin tưởng và an tâm rằng chúng tôi vẫn an toàn".

    Nạn nhân mong muốn được sống cùng khu với một người họ hàng, cách xa nơi ở hiện tại của cô.

    Một phát ngôn viên của cảnh sát Metropolitan cho biết: "Các sĩ quan đã ghi nhận về cuộc tranh cãi đang diễn ra liên quan đến các cáo buộc quấy rối và hành vi chống đối xã hội tại một ngôi nhà ở Islington. Chúng tôi đã tiến hành thu thập thông tin, bao gồm xem xét các cảnh quay an ninh. Mặc dù chúng tôi ghi nhận những lo ngại của người khiếu nại, nhưng tại thời điểm hiện tại, có vẻ như không có bất kỳ hành vi phạm pháp hình sự nào liên quan đến những vấn đề này. Các sĩ quan đang tiếp tục điều tra một cáo buộc về thiệt hại hình sự. Hiện chưa có ai bị bắt giữ và chúng tôi đang tiếp tục điều tra. Các sỹ quan cũng đã nói chuyện với tất cả các bên liên quan và nhóm cảnh sát khu phố, cùng với các đối tác địa phương, và đã đề nghị hòa giải".

    "Tất cả các cáo buộc phạm tội đều được điều tra kỹ lưỡng. Quá trình này không bị ảnh hưởng bởi mọi vấn đề liên quan tới chủng tộc hoặc quốc tịch của người khiếu nại. Trong trường hợp không có hành vi vi phạm, chúng tôi sẽ làm việc với các bên thích hợp, giống như trong trường hợp này, để đạt được kết quả thỏa đáng cho người khiếu nại”.

    “Hành động của các sĩ quan chịu sự giám sát chặt chẽ. Chúng tôi hoan nghênh điều này và khuyến khích bất kỳ ai cảm thấy dịch vụ họ nhận được bị ảnh hưởng tiêu cực do sắc tộc hoặc các yếu tố khác, hãy khiếu nại để các sĩ quan có liên quan bị điều tra".

    Người phát ngôn của Hội đồng Islington cho biết: "Chúng tôi cam kết tuyệt đối bảo vệ mọi người thuê nhà dễ bị tổn thương ở Islington, bao gồm những nạn nhân bị bạo hành. Chúng tôi không xem nhẹ hành vi quấy rối và chống đối xã hội của hàng xóm, đồng thời sử dụng mọi biện pháp để giải quyết vấn đề này, bao gồm tác động tới người thuê nhà, làm việc với cảnh sát và các cơ quan khác".

    "Trong trường hợp này, chúng tôi đã làm việc để đảm bảo hiểu được tất cả nhu cầu của người thuê cũng như mối lo ngại của cô ấy về sự an toàn của bản thân và con gái”.

    "Chúng tôi đã điều tra và kiểm tra tất cả bằng chứng về hành vi của những người hàng xóm trong cuộc họp với nhiều cơ quan cùng cảnh sát địa phương. Cuộc họp có sự tham gia của tổ chức Hỗ trợ Phụ nữ Solace chuyên cung cấp dịch vụ cho nạn nhân bị bạo hành gia đình. Chúng tôi nhận thấy cả hội đồng và cảnh sát đều không có lý do để thực hiện hành động trừng phạt đối với bất kỳ người hàng xóm nào của cô ấy, nhưng chúng tôi sẽ tiếp tục xem xét điều này và giữ liên lạc với cảnh sát".

    "Chúng tôi đã đề nghị người thuê hòa giải với hàng xóm của cô ấy và hỗ trợ tìm nhà ở trong khu vực do cô ấy lựa chọn và đang xem xét liệu cô ấy có thể hưởng lợi từ nhóm Bảo vệ và Hỗ trợ Gia đình của chúng tôi hay không”.

    "Tất cả công việc của chúng tôi đều nhằm mục đích đảm bảo an toàn cho người thuê nhà dễ bị tổn thương này và con gái của cô ấy, và các đề nghị hỗ trợ của chúng tôi vẫn để ngỏ”.

    Lời đề nghị của hội đồng về nhà ở được thực hiện thông qua HomeSwapper - vốn không phù hợp với người mẹ do nguy cơ chồng cũ có thể tìm thấy cô ấy.

    Viethome (Theo My London)

  • Người phụ nữ tên Walker bị tuyên ngồi tù 14 tuần vì lăng mạ và nhổ nước bọt vào người bảo vệ da màu Price bên ngoài quán bar ở Birmingham.

    Sharna Walker, 25 tuổi, hôm 22/5 nổi đóa và lăng mạ người bảo vệ da màu Tristan Price, 26 tuổi, sau khi anh yêu cầu cô rời khỏi quán bar Figure of Eight ở Birmingham vì say xỉn, gây rối.

    Walker liên tục mắng chửi, dùng ngôn ngữ phân biệt chủng tộc với Price và xô mạnh anh về phía cửa. Khi rời đi, người phụ nữ còn cố quay lại và nhổ nước bọt vào người bảo vệ da màu.

    Video ghi lại hành động của Walker nhanh chóng lan truyền khắp mạng xã hội, thu hút hơn 2,5 triệu lượt xem và gây ra làn sóng phẫn nộ.

    nho nuoc bot 1
    Sharna Walker lăng mạ người bảo vệ da màu Tristan Price bên ngoài quán bar Figure of Eight ở Birmingham, Anh, hồi tháng 5.

    Thẩm phán John Bristow hôm 13/12 tuyên Walker ngồi tù 14 tuần sau khi cô thừa nhận tội danh tấn công nghiêm trọng liên quan đến phân biệt chủng tộc và đập phá cửa quán bar.

    Thẩm phán Bristow nói thêm đây là bản án đã được giảm nhẹ sau khi Walker tỏ ra ăn năn về hành vi của mình và Price cũng đồng ý tha thứ cho cô.

    "Video đã gây bất bình trên khắp Birmingham. Cô là mối nguy với công chúng, hình phạt thích hợp là lập tức bắt giam", Bristow tuyên án Walker.

    Price cho biết hành vi tấn công của Walker khiến anh cảm thấy bản thân "thấp kém, không có giá trị và tủi nhục". "Sau đó tôi cảm thấy rất khó chịu khi tiếp tục làm việc và cảm giác như mọi người chứng kiến sự việc vẫn nhìn chằm chằm vào tôi", người đàn ông da màu nói.

    nho nuoc bot 1
    Sharna Walker lăng mạ người bảo vệ da màu Tristan Price bên ngoài quán bar Figure of Eight ở Birmingham, Anh, hồi tháng 5.

    Price cho biết thêm anh bị ảnh hưởng từ phân biệt chủng tộc nhiều hơn là bị đe dọa từ những kẻ côn đồ say xỉn. Tuy nhiên, Price vẫn tha thứ cho Walker, thêm rằng anh không muốn cuộc đời cô bị hủy hoại vì hành động nông nổi.

    Judith Kenney, luật sư của Walker, cho biết thân chủ nhân mắc chứng sợ không gian rộng và đã uống rượu vào hôm xảy ra sự việc. Walker năm 2014 từng bị tòa cảnh cáo vì tội gây mất trật tự và tiếp tục bị cảnh cáo năm 2016 vì có lời nói và hành vi mang tính đe dọa.

    VnExpress (theo Daily Mail)

  • Nguồn từ bài viết của giáo sư Nguyễn Văn Tuấn, Đại học New South Wales

    Dường như trong tâm tưởng một số người phương Tây, người gốc Á chỉ là những công dân hạng hai.

    Cách đây hơn 10 năm, trong lần phỏng vấn cho chức danh học giả cao cấp thuộc Hội đồng quốc gia về nghiên cứu y khoa và y tế Australia, một trong 8 thành viên của hội đồng hỏi tôi: “anh là tác giả đầu của nhiều bài báo khoa học, vậy anh có thật sự là lãnh đạo của nhóm nghiên cứu đó?”.

    Tất cả hội đồng phỏng vấn đều là người da trắng. Lần đó, tôi bị rớt.

    Lần sau, một hội đồng khác, và câu hỏi hơi khác: “anh có nhiều bài báo khoa học là tác giả cuối cùng, vậy anh có thật sự làm, hay người khác làm cho anh?’.

    Dù lần này, tôi đậu phỏng vấn, trở thành người châu Á đầu tiên là thành viên cao cấp thuộc Hội đồng quốc gia về nghiên cứu y khoa và y tế Australia. Nhưng điều thú vị là sau này ngồi trong hội đồng phỏng vấn, tôi tuyệt nhiên không thấy những câu hỏi như trên được đặt ra với các đồng nghiệp người da trắng.

    Thiên kiến vùng miền và chủng tộc ẩn náu dưới rất nhiều hình thức và thường biến chuyển theo cơ hội. Ví dụ như trong cuộc họp với nhiều đối tác, thái độ và cách dùng chữ của người bản địa Australia với người nhập cư gốc Á có biểu hiện kỳ thị khá tinh vi mà phải có kinh nghiệm ta mới nhận ra.

    giao su nguyen van tuan
    Giáo sư Nguyễn Văn Tuấn

    Nhận dạng kỳ thị và hành vi thiên kiến không dễ chút nào. Những định nghĩa chung chung về kỳ thị rất khó ứng dụng vì nó quá mơ hồ. Tuỳ vào kinh nghiệm, nhận thức và độ nhạy của từng cá nhân mà một hành vi có thể xem là kỳ thị vùng miền, quốc gia, chủng tộc hay không.

    Chẳng hạn như một giáo sư Mỹ da trắng khen đồng nghiệp Việt Nam “bạn viết và nói tiếng Anh hay quá”, đối với người nhạy cảm đó là một thái độ kỳ thị kín đáo – với hàm ý tôi nghĩ tiếng Anh của bạn đáng ra phải tệ hơn. Hay như trong các buổi họp và hội nghị quốc tế, khi ý kiến của một nhà khoa học gốc Á dường như bị ban chủ toạ lờ đi hay diễn giả miễn cưỡng trả lời, với nhiều người đó là hành vi kỳ thị.

    Trong một thí nghiệm rất thú vị, các nhà nghiên cứu thuộc Đại học Pennsylvania giả e-mail và gửi đi cho 6.548 giáo sư tại 259 đại học Mỹ, “giả bộ” rằng ứng viên muốn xin vào học chương trình tiến sĩ. Lý lịch của ứng viên được soạn rất giống nhau, nhưng tên ứng viên thì được “dao động” từ họ người Âu, Mỹ như Steven Smith, người gốc Phi đến người Á châu như Chi-Chiu Wang.

    Kết quả, ứng viên có họ Âu, Mỹ được mời phỏng vấn cao hơn người sắc tộc thiểu số, 87% so với 62%. Các trường đại học tư có tỷ lệ nam ứng viên họ Âu, Mỹ được mời phỏng vấn cao hơn 29% so với nữ ứng viên mang họ Hoa, Ấn Độ. Một số phân biệt đối xử như thế cũng tìm thấy ở Australia, khi ứng viên xin việc làm có họ Anh có cơ may được phỏng vấn cao hơn nhiều so với ứng viên mang họ người Á.

    Kỳ thị chủng tộc chống người gốc Á ở Australia là một di sản của chính sách “Nước Australia của người da trắng”. Nhiều thế hệ cư dân ở đây đã cố gắng làm cho đất nước này bình đẳng hơn với tất cả mọi người. Nhưng thực tế, nạn kỳ thị và thành kiến chủng tộc vẫn xảy ra từ thô bạo đến tinh vi hàng ngày, trong công việc, trường học, trên đường phố, dù đã có thế hệ thứ hai và thứ ba người Việt sinh ra và lớn lên ở đây.

    Ngày nay, không ít người địa phương vẫn thiếu thiện cảm với người gốc Á, vì họ nghĩ rằng những “cư dân kiểu mẫu” này lấy mất việc làm của họ. Trong một lần tiếp xúc cử tri, đảng trưởng đảng Lao Động, ông Michael Daley nói một cách hằn học: “con em của chúng ta sẽ chạy trốn, và thay thế họ là ai? là những người trẻ, tiêu biểu là gốc Á châu, với bằng tiến sĩ”.

    Số người có bằng thạc sĩ và tiến sĩ chỉ chiếm 1,8 % toàn Australia. Nhưng trong cộng đồng người Á đã có đến 10% người có bằng thạc sĩ và tiến sĩ, cao gấp 5 lần tỷ trọng trung bình dân số. Nhưng ông Daley đã “quên” rằng rất ít sinh viên bản địa chịu theo học tiến sĩ, trong khi số người từ các quốc gia châu Á xin học tiến sĩ nhiều đến độ Australia không có đủ người hướng dẫn.

    Hiển nhiên là chúng ta, với tư cách con người, đều mong muốn chính phủ mọi quốc gia, nhất là các quốc gia phát triển, có hành động nhân văn và thiết thực chấm dứt cảnh bạo hành tinh thần và thể chất vô lý với người gốc Á.

    Nhưng nhìn lại trải nghiệm cá nhân của chính mình, một người Việt nhập cư vào Australia, tôi nghĩ những người gốc Việt ở các nước Âu, Mỹ cũng cần tự thay đổi để hòa nhập và định vị giá trị bản thân.

    Người Việt thiếu cái mà tôi tạm gọi là vốn văn hoá xã hội – yếu tố đóng vai trò quan trọng trong xã hội phương Tây. Chính vì thiếu vốn xã hội, nên nhiều người gốc Á châu bị đối xử như là công dân hạng hai. Có người tâm tư rằng họ cảm thấy mình như con cá rời nước, không thể hoà nhập vào bên trong các “bộ lạc” bản xứ. Tôi thường hay nói với sinh viên gốc Việt rằng họ phải học và làm việc gấp hai người địa phương để được đối xử như người địa phương.

    Người Việt chúng ta cũng như nhiều sắc dân Á châu khác có xu hướng khiêm tốn, đôi khi nhút nhát. Xu hướng này thể hiện qua sự im lặng hay ít có ý kiến trong các cuộc họp. Khi tôi hỏi các em nghiên cứu sinh tại sao không phát biểu trong các buổi họp, họ thường trả lời rằng không có gì để nói thêm, hay những gì họ muốn nói thì người khác đã nói. Sự thiếu chủ động đó là một thiệt thòi cho chính họ, vì đồng nghiệp sẽ nghĩ rằng không có khả năng lãnh đạo tri thức. Thay vì chờ người khác nói chuyện với mình, nên chủ động kết giao với họ.

    Chúng ta nói chung còn bị thiệt thòi lớn về tiếng Anh, ngay cả người thạo tiếng Anh, khả năng giao tiếp cũng hạn chế. “Giao tiếp” ở đây không chỉ đơn giản là khả năng nói lưu loát mà còn là khả năng thuyết phục đồng nghiệp bằng lý lẽ, phong cách cá nhân.

    Trình bày ý kiến được xem là kỹ năng quan trọng của người lãnh đạo và người có năng lực. Nhưng thực tế, nhiều người gốc Á tuy có chuyên môn rất tuyệt song trong công việc lại không trình bày thuyết phục, lý lẽ thiếu khúc chiết làm người nghe không phục hoặc không đánh giá cao.

    Ông bà ta có câu “nhập gia tuỳ tục, đáo giang tuỳ khúc”. Để tồn tại và phát huy trong môi trường ngoài Việt Nam, người Việt hôm nay phải vun bồi vốn văn hoá xã hội địa phương, hoà nhập môi trường mới đồng thời nhận biết và xử trí những kỳ thị ngấm ngầm.

    Công dân hạng một hay hạng hai, đôi khi là do chính ta quyết định.

    Nguồn từ bài viết của giáo sư Nguyễn Văn Tuấn, Đại học New South Wales

    Theo VnExpress

  • Người đàn ông gốc Á bị một nghi phạm da màu xô xuống đường ray tàu điện ngầm ở New York, khi một đoàn tàu đang lao tới.

    Nạn nhân 36 tuổi bị thanh niên lạ mặt xô ngã xuống đường ray tại nhà ga Phố 21 - Queensbridge ở khu Queens vào khoảng 7h45 ngày 24/5. Cảnh sát cho biết đoàn tàu đã chuyển sang chế độ phanh khẩn cấp và không đâm vào nạn nhân.

    Nạn nhân bị một vết rách trên trán và được đưa đến điều trị tại bệnh viện gần đó. Nghi phạm bỏ chạy ngay sau vụ tấn công.

    xo nga truoc mui tau
    Nghi phạm xô người đàn ông gốc Á xuống ga tàu ở New York, Mỹ hôm 24/5. Ảnh: Cảnh sát New York.

    Theo cảnh sát, nghi phạm da màu đã nói điều gì đó khi tấn công, nhưng nạn nhân không hiểu anh ta. Vụ án đang được điều tra theo hướng kỳ thị chủng tộc.

    Nghi phạm được mô tả là người đàn ông từ 20 đến 30 tuổi, cao khoảng 1m8, đeo khẩu trang nhưng kéo xuống dưới cằm, mặc áo len đen có mũ trùm đầu và quần đen.

    New York đã chứng kiến tình trạng gia tăng tội phạm tấn công vô cớ tại các ga tàu và tàu điện ngầm. Trong khi đó, một phân tích về số liệu thống kê của Sở cảnh sát New York cũng cho thấy tội phạm thù ghét chống người gốc Á đã tăng đáng kể ở khắp 16 thành phố Mỹ trong năm qua.

    VnExpress (Theo NY Post)

  • Giới chuyên gia Anh đã lên tiếng phản đối một báo cáo do Ủy ban về Chủng tộc và Chênh lệch Sắc tộc trực thuộc chính phủ Anh công bố, theo Guardian.

    Ngày 31/3, Ủy ban về Chủng tộc và Chênh lệch Sắc tộc Chính phủ Anh công bố một báo cáo kết luận “những quan điểm về sự tồn tại tình trạng phân biệt chủng tộc trong thể chế nước Anh là không có cơ sở” và cho rằng nghiên cứu này sẽ tạo lập “một chương trình nghị sự sắc tộc mới."

    Bản báo cáo đã dấy lên một làn sóng phản đối rộng rãi trong chính giới Anh. Nhiều nghị sĩ, nhà vận động xã hội và các công đoàn cho rằng báo cáo đã xuyên tạc trắng trợn bằng chứng về phân biệt chủng tộc.

    Ủy ban này vốn được chính phủ Anh thành lập để điều tra về tình trạng chênh lệch sắc tộc Anh, sau một loạt các cuộc biểu tình Black Lives Matter nổ ra vào giữa năm 2020.

    Ông David Olusoga, giáo sư Lịch sử Công tại Đại học Manchester, một trong những nhà sử học tiên phong của Anh về chế độ nô lệ, cáo buộc các tác giả muốn "phủ sạch lịch sử”.

    Ông viết: “Có lẽ vô tình, các tác giả đã sử dụng lời lẽ của chính các chủ nô 200 năm trước nhằm bảo vệ cho chế độ nô lệ. Cụ thể, đó là thông qua hoà nhập vào văn hoá Anh, người da đen sẽ được hưởng lợi từ chế độ này theo một cách nào đó".

    Tiến sĩ Tony Sewell, chủ tịch uỷ ban, người viết lời tựa của báo cáo, bị chỉ trích mạnh mẽ. Ông viết rằng một câu chuyện mới sẽ được kể về “thời kỳ nô lệ”, giai đoạn không chỉ có “lợi nhuận và đau khổ” mà còn có cách “người châu Phi tự chuyển mình thành những người Anh gốc Phi thông qua hoà nhập văn hoá”

    113427343 sewell bbc breakfast
    Tiến sỹ Tony Sewell, Chủ tịch Ủy ban về Chủng tộc và Chênh lệch Sắc tộc. Ảnh: BBC

    Ngược lại, ông Hakim Adi, giáo sư Lịch sử châu Phi và cộng đồng người gốc Phi tại Đại học Chichester, lại cho rằng: “Người ta đang quên đi hàng trăm năm tội ác chống lại người châu Phi, với cái chết của hàng triệu đàn ông, phụ nữ và trẻ em. Ở đất nước chúng ta, nhiều người đã phủ nhận hiện thực này và từ chối bất kỳ sự đền bù nào".

    Còn nhà thần học Robert Beckford, giáo sư tại Queen’s Foundation ở Birmingham, nêu rõ báo cáo đã xoá mờ sự khủng bố chủng tộc mà chế độ nô lệ và chủ nghĩa tư bản Anh gây ra, đánh tráo chúng thành một ý tưởng văn hóa đơn thuần.

    Đáp lại những lời chỉ trích, theo ông Sewell, những cáo buộc trên nực cười và phản cảm đối với các uỷ viên. Ông cho rằng báo cáo chỉ thể hiện người dân châu Phi đã bảo tồn được giống nòi và văn hóa của họ trước sự vô nhân đạo của chế độ nô lệ.

    Dù vậy, nhiều người đã cùng nhau ký vào một lá thư phản đối bản báo cáo. Lá thư nhấn mạnh những bằng chứng trong các nghiên cứu chỉ ra sự tồn tại của nạn phân biệt chủng tộc trong lĩnh vực giáo dục đã hoàn toàn bị bỏ qua.

    “Báo cáo đã sai sót và phớt lờ nhiều tranh luận cũng như các bằng chứng khoa học lâu đời về mối quan hệ phức tạp giữa phân biệt chủng tộc và thực tiễn giáo dục, văn hóa, chính sách và hệ thống", lá thư viết thêm.

    Những người ký tên vào lá thư đến từ nhiều chuyên môn nghiên cứu khác nhau, bao gồm giáo dục, tâm lý học, xã hội học và kinh tế. Thậm chí, một vài người còn là những nhân vật có uy tín hàng đầu trong lĩnh vực của mình.

    Theo Zing

  • Một phụ nữ gốc Á bị đâm chết khi đi dạo cùng hai chú chó của mình California, Mỹ ngày 3/4. Nghi phạm 23 tuổi bỏ trốn khỏi hiện trường, nhưng đã bị cảnh sát bắt giữ.

    dat cho di dao 1

    Nạn nhân được xác định là bà Ke Chieh Meng, 64 tuổi. Cảnh sát nhận được cuộc gọi về vụ tấn công vào khoảng 7h30 ngày 3/4 tại Golden Avenue, thuộc khu La Sierra, phía bắc Stonewall Drive, Riverside, Mỹ, theo phát ngôn viên Sở Cảnh sát Riverside, ông Ryan Railsback, trang Ktla đưa tin.

    Khi tới hiện trường, các sĩ quan cảnh sát tìm thấy nạn nhân Ke Chieh Meng đang nằm trên nền đường và bị chảy máu ở vùng bụng vì các vết thương do bị dao đâm, ông Railsback cho biết.

    Người phụ nữ được đưa tới bệnh viện để cấp cứu nhưng các vết thương quá nặng nên bà không thể qua khỏi.

    Ngay sau bà Meng được tuyên bố đã chết, trung tâm điều phối cảnh sát Riverside đã nhận được các trình báo từ hàng xóm của nạn nân mô tả một cô gái đi lại qua khu vực nhà họ và hành động rất đáng ngờ.

    dat cho di dao 1
    Nạn nhân Ke Chieh Meng, 64 tuổi. Ảnh: Riverside Police Department.

    Cảnh sát đã lập tức định vị và bắt giữ cô gái đáng ngờ. Người này sau đó được xác định là Darlene Stephanie Montoya, 23 tuổi, đến từ Monterey Park, theo thông cáo từ cảnh sát địa phương.

    Theo điều tra ban đầu, bà Meng bị nghi phạm chặn đường và tấn công khi đang đi dạo cùng hai con chó của mình dọc Golden Avenue hôm 3/4.

    Nạn nhân bị nghi phạm đâm nhiều phát bằng dao rồi bỏ trốn khỏi hiện trường, cảnh sát cho biết. Các thám tử sau đó xác định Montoya là kẻ tấn công và xin lệnh bắt giữ. Hiện nghi phạm bị giam giữ tại Trung tâm giam giữ Robert Presley vì cáo buộc giết người, vi phạm sử dụng vũ khí và tình nghi dùng chất cấm, cảnh sát Riverside cho biết trong một thông cáo.

    dat cho di dao 1
    Nghi phạm Darlene Stephanie Montoya, 23 tuổi. Ảnh: Riverside Police Department.

    Theo tuyên bố ban đầu từ cảnh sát Riverside, họ cho rằng vụ tấn công ngày 3/4 là hành động ngẫu nhiên. Tuy nhiên, sau đó, cảnh sát cho biết sự việc vẫn đang tiếp tục được điều tra.

    Cảnh sát cho biết nghi phạm Montoya không được đóng tiền bảo lãnh để tại ngoại. Trước đó, người này từng tấn công một phụ nữ khác bằng ván trượt ở Tyler Avenue, gần cầu vượt 91 Freeway.

    Zing (theo Ktla)

  • Một cụ ông gốc Việt bị hành hung khi đi dạo ban đêm ở Chicago, Mỹ. Con gái của nạn nhân đã trình báo cảnh sát nhưng con đường đòi công lý cho cha thực sự gian nan.

    Khi cha của Kaylee Cong kể lại một người đàn ông đã đấm ông từ phía sau vào tối 20/3 ở khu Uptown, cô đã tự hỏi liệu những người Mỹ gốc Á khác ở Chicago, Mỹ có gặp những trường hợp tương tự không.

    Cong cho biết mãi tới sáng hôm sau, người cha 60 tuổi mới nói thật với cô tại sao đầu ông bị đau, vì thế hệ của ông đã quen với việc im lặng trước những bất công như vậy. Cô đã thay ông trình báo vụ hành hung với cảnh sát.

    Không thể tiếp tục im lặng

    Một phát ngôn viên của Sở Cảnh sát Chicago cho biết vụ việc “đang được điều tra”. Cong cũng tích cực sử dụng hashtag "#stopasianhate”, một khẩu hiệu chống lại lại làn sóng bạo lực và phân biệt chủng tộc chống lại người Mỹ gốc Á tại Mỹ gần đây, trên mạng xã hội.

    kaylee cong 1
    Kaylee Cong đã tự hỏi liệu những người Mỹ gốc Á khác ở Chicago có gặp những trường hợp tương tự cha cô hay không. Ảnh: Chicago Tribune.

    Cha Cong từ chối phỏng vấn nhưng cho phép con gái nói về vụ việc. Cô cho biết hàng ngày cha thường ra ngoài đi dạo khuya vào khoảng 23h. Ngày 20/3, ông đang đi về phía nam ở khu vực rìa đông North Broadway gần phố West Ainslie thì bị đánh vào đầu từ bên trái.“Tôi nghĩ cha tôi không phải là nạn nhân đầu tiên vì, bạn biết đấy, với những bậc phụ huynh gốc Á như cha mẹ chúng tôi - những người đến từ Việt Nam, nếu điều gì đó xảy ra với họ, tôi nghĩ họ sẽ chỉ im lặng”, cô Cong, 32 tuổi, cho biết. "Còn tôi không nghĩ thế hệ của chúng tôi nên giữ im lặng”.

    Lúc đầu, cha cô đứng hình khi người vừa đấm ông tiếp tục đi bộ thêm khoảng 30 m. Ông nhanh tay chụp ảnh người tấn công bằng điện thoại nhưng tấm ảnh không rõ. Sau khi quay lại, cha cô lại nhìn thấy một người đàn ông khác đang đứng trên vỉa hè ngay trước mặt mình, tay lăm lăm một cây gậy bóng chày.

    Ông cầm điện thoại và hét lên: "Tôi đang gọi 911". Hai bên chằm chằm nhìn nhau căng thẳng ít nhất một phút cho đến khi cha của Cong quyết định tiếp tục đi về phía bắc, ngang qua người đàn ông kia, tránh xa hắn ta và đi về nhà.

    Cong cho biết cha cô nói ông không thể nhìn rõ người đàn ông đầu tiên, hắn chỉ mặc đồ đen, nhưng người đàn ông thứ hai hình như không phải là người châu Á. Cả hai đều cao to hơn ông rất nhiều.

    Kaylee Cong cho biết cha cô đã không gọi cảnh sát vì e ngại vốn tiếng Anh hạn chế của mình. Ngay cả khi cô nài nỉ, cha cô cũng không chịu đến bệnh viện vì ông không có bảo hiểm và không muốn tốn kém cho gia đình.

    Trình báo và chờ đợi

    Cong mô tả quá trình nộp đơn trình báo và chờ cảnh sát Chicago làm việc với gia đình cô là “rất vất vả”. Một phát ngôn viên cảnh sát ban đầu nói có sai sót trong bản trình báo của cô ấy khiến nó bị từ chối. Về sau, họ mới thừa nhận rằng chỉ đơn thuần là sự việc bị xử lý chậm trễ.

    Ngay sau khi nói chuyện với cha vào khoảng 15h chiều 21/3, Cong gọi 311 vì đã nửa ngày trôi qua, nhưng không được trả lời. Sau đó, cô gọi 911 và được thông báo họ sẽ gọi lại khi cô về nhà. Khi cô gọi 911 lần thứ hai vào khoảng 18h30 chiều cùng ngày, tổng đài đã chuyển cô tới một đường dây khác nhưng không ai nhấc máy.

    Cong đã điền vào bản trình báo trực tuyến gửi cảnh sát vào khoảng 20h30 tối cùng ngày nhưng được thông báo vào ngày hôm sau rằng báo cáo không thể hoàn thành vì cô đã nói đây là một vụ tấn công đơn giản thay vì một vụ hành hung, phát ngôn viên cảnh sát Chicago, Don Terry, cho biết.

    Các vụ hành hung, liên quan đến tiếp xúc cơ thể, mới cần báo cảnh sát. Nhưng Cong nói không biết điều đó và cô đã bỏ lỡ email thông báo cô phải thực hiện các bước tiếp theo để hoàn thành bản trình báo.

    “Việc trình báo không nên khó khăn đến vậy”, Cong nói.

    Phát ngôn viên cảnh sát Chicago Terry cho biết vào ngày 26/3, Cong và cha cô đã liên lạc với các sĩ quan Quận 20 và vụ việc vẫn đang chờ điều tra.

    Trong một tuyên bố sau đó vào chiều 26/3, ông Terry nói: “Chúng tôi sẽ không dung thứ cho bạo lực đối với bất kỳ ai trong cộng đồng và sẽ điều tra kỹ lưỡng tất cả vụ việc được báo cáo. Chỉ huy khu vực của chúng tôi đang làm việc với các lãnh đạo địa phương, những người ủng hộ và các doanh nghiệp trên khắp cộng đồng Người Mỹ gốc châu Á - Thái Bình Dương (AAPI) của Chicago để khẳng định cam kết của chúng tôi trong việc bảo vệ cuộc sống, quyền và tài sản của tất cả người dân Chicago”.

    Sau vụ xả súng tại 3 spa ở Atlanta đầu tháng 3, Thị trưởng Lori Lightfoot đã yêu cầu cảnh sát Chicago tăng cường tuần tra tại các khu dân cư người Mỹ gốc Á trong thành phố.

    kaylee cong 1
    Nhiều người ở Mỹ đã tổ chức biểu tình để phản đối nạn thù ghét người gốc Á, sau vụ xả súng ở ba spa tại khu Atlanta ngày 16/3. Ảnh: AP.

    Không rõ liệu có những trường hợp tương tự cha của Cong ở Chicago hay không. Cảnh sát Chicago không công bố số liệu thống kê về chủng tộc của các nạn nhân trong cổng thông tin trực tuyến của họ.

    Tội ác vì thù ghét người gốc Á?

    Công cho biết cảnh sát nói tại thời điểm này không thể kết luận vụ việc có phải là một tội ác vì thù hận hay không, bởi những người đàn ông kia không nói bất cứ điều gì với cha cô. Tuy nhiên, hai cha con cô đều tin vậy. Ông Terry đồng ý khả năng đây là một tội ác thù hận là "một phần của cuộc điều tra".

    “Tôi vẫn cho đó là một tội ác vì thù ghét, vì tôi không nghĩ ai đó tự dưng lại muốn tấn công một người chẳng làm gì mình”, Cong nói. "Ông ấy chỉ đang đi bộ một mình trên phố và ông ấy không làm gì ảnh hưởng tới bất kỳ ai".

    Theo Trung tâm Nghiên cứu về Chủ nghĩa thù hận và cực đoan tại khuôn viên San Bernardino của Đại học Bang California, trên toàn quốc, số lượng các vụ tội ác thù ghét người châu Á được ghi nhận đã tăng 149% vào năm 2020, mặc dù lượng tội ác thù hận nói chung đã giảm 7%. Các nhà nghiên cứu nhận thấy New York là nơi có mức tăng cao nhất với 833%.

    Số liệu thống kê của Chicago vẫn không đổi trong cả nghiên cứu trên và bảng thống kê tội ác vì thù ghét của cảnh sát Chicago. Theo thông tin trên trang web của cảnh sát Chicago, năm 2020 có hai vụ việc về tội ác thù hận chống lại người châu Á được báo cáo, tương đương năm 2019.

    Cong quyết định cho công chúng biết về vụ hành hung cha mình để nêu gương cho những người Mỹ gốc Á lên tiếng khi đối mặt với sự bất công.

    “Tôi muốn những người khác biết rằng nếu họ gặp bất cứ điều gì như thế này xảy ra trên đường, nếu họ tận mắt chứng kiến, hoặc đại loại thế, thì họ phải lên tiếng hoặc đứng ra bảo vệ người bị hại”, Cong nói. “Đối với thế hệ cũ của chúng tôi, thật khó để họ lên tiếng cho chính mình. Vì vậy, tôi thực sự mong muốn nếu các bạn gặp những sự việc như thế này hãy đứng lên, hãy lên tiếng vì họ”.

    Bài: Zing

  • Người phát ngôn Bộ Ngoại giao khẳng định chính phủ Việt Nam thường xuyên phối hợp chặt chẽ với các quốc gia để bảo hộ cho công dân Việt Nam ở nước ngoài.

    Trả lời báo chí chiều 25/3 về tình trạng chống người châu Á tại Mỹ, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng khẳng định bảo hộ công dân là một trong những ưu tiên trong công tác đối ngoại của Việt Nam nói riêng và trong các chính sách của Đảng và Nhà nước Việt Nam nói chung.

    "Các cơ quan đại diện Việt Nam tại nước ngoài cũng như các cơ quan chức năng ở trong nước thường xuyên phối hợp chặt chẽ để đảm bảo thực hiện công tác bảo hộ công dân, đảm bảo an toàn, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân Việt Nam ở nước ngoài", bà Hằng nói.

    Theo người phát ngôn, chính phủ Việt Nam thường xuyên đề nghị chính phủ các quốc gia đảm bảo an toàn, tạo điều kiện cho người Việt Nam ở nước ngoài sinh sống, làm việc và học tập tại nước ngoài.

    asian hate ap
    Biểu tình chống lại bạo lực đối với người Mỹ gốc Á vào ngày 20/2 ở New York. Ảnh: Getty.

    Kể từ khi virus SARS-CoV-2 bùng phát ở Vũ Hán, Trung Quốc và lan rộng sau đó, hành vi quấy rối và bạo lực nhằm vào cộng đồng người Mỹ gốc Á đã gia tăng nhanh chóng trên khắp nước Mỹ.Về thông tin về người Việt Nam bị xâm hại hoặc ảnh hưởng, người dân có thể liên hệ thông báo qua tổng đài bảo hộ công dân của Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao Việt Nam, hoặc qua đường dây nóng các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài.

    Hơn 2.808 tuyên bố thù ghét người châu Á ở 47 tiểu bang và Washington, D.C. đã được ghi nhận từ ngày 19/3/2020 đến ngày 31/12/2020, với 7,3% trong số đó liên quan đến người trên 60 tuổi, theo một báo cáo của Stop AAPI Hate. Đây là cơ quan nghiên cứu về sự thù ghét và phân biệt đối xử đối với người châu Á trong đại dịch Covid-19.

    Gần đây, các cuộc tấn công nhằm vào người Mỹ gốc Á lớn tuổi ở Bay Area đã làm gia tăng mối lo ngại trong giới các nhà hoạt động và lãnh đạo cộng đồng.

  • ITTLE ROCK (KATV) – Một đội trưởng sở cứu hỏa Arkansas đã bị buộc tội đấm một người đàn ông châu Á trong một cuộc tấn công có động cơ chủng tộc.

    Đại úy Sở Cứu hỏa Bentonville, Benjamin Snodgrass, 44 tuổi, bị buộc tội tấn công cấp độ ba.

    Vụ tấn công được cho là xảy ra vào đêm ngày 13 tháng 3 bên ngoài Oaklawn Racing Casino Resort ở Hot Springs. Liêm Nguyễn nói với cảnh sát rằng Snodgrass, người da trắng, đã tiếp cận anh và hỏi Liêm có biết đây là nước Mỹ hay không, theo báo cáo của cảnh sát. Snodgrass được cho là đã bắt đầu đẩy Liêm Nguyen và hai người đàn ông ngã xuống đất. Nguyễn đã đấm Snodgrass để tự vệ và Snodgrass đã đấm lại anh ta, báo cáo cho biết.

    arkansas

    Khi các viên cảnh sát đến hiện trường, họ phát hiện Nguyễn với một chiếc áo sơ mi bị rách và một vết đỏ dưới mắt trái. Snodgrass đang ngồi trên băng ghế nói chuyện với một nhân viên bảo vệ sòng bạc.

    Các viên cảnh sát báo cáo rằng Snodgrass có mùi rượu và không thể nói rõ ràng. Có lúc anh ta còn nói: “Tôi không biết mấy người, tôi bị say rượu.” Anh ta cũng nói, “Tôi không biết người đàn ông”

    Snodgrass thừa nhận đã tranh cãi với Nguyen về việc không phải là người Mỹ nhưng nói rằng không có gì khác xảy ra, theo báo cáo. Các nhân viên cho rằng Snodgrass bị chảy máu ở tai trái và môi và sưng đỏ trên các khớp ngón tay.

    Snodgrass, người cũng phải đối mặt với cáo buộc say xỉn nơi công cộng, đã bị bắt và tống giam vào nhà tù Quận Garland. Hồ sơ tòa án cho thấy anh ta đã được trả tự do với số tiền 1.500 đô la vào ngày hôm sau. Anh ta đã không nhận tội trong vụ án.

    Phát ngôn nhân của thành phố Bentonville cho biết Snodgrass đang cho tạm nghỉ có lương để chờ điều tra. Trang web của thành phố cho biết Snodgrass đã làm việc ở  sở cứu hỏahơn 13 năm.

    Một luật sư cho Snodgrass đã không trả lời ngay lập tức yêu cầu bình luận hôm thứ Năm.

    Vụ tấn công xảy ra trong bối cảnh làn sóng tấn công người châu Á trên khắp nước Mỹ Ba ngày sau khi Nguyễn bị cáo buộc tấn công, một thanh niên 21 tuổi đã giết chết 8 người, chủ yếu là người châu Á, trong một loạt vụ xả súng tại các tiệm mát-xa ở khu vực Atlanta. Các cuộc tấn công xảy ra đồng thời với sự lây lan của COVID-19, một loại virus lần đầu tiên được xác định ở Trung Quốc và được cựu Tổng thống Donald Trump và những người khác mô tả bằng các thuật ngữ mang tính chủng tộc như “virus Trung Quốc”.

    Thống đốc Arkansas Asa Hutchinson đã lên án các cuộc tấn công như vậy trong một tuyên bố vào tuần trước.

    Thống đốc Đảng Cộng hòa đã tweet: “Việc nhắm mục tiêu gây thù hận là người Mỹ gốc Á là mối quan tâm thực sự đối với tất cả những ai coi trọng sự công bằng, đa dạng và khoan dung. Hãy chắc chắn ghi nhận những đóng góp quan trọng của người Mỹ gốc Á tại Arkansas.”

    Arkansas là một trong ba tiểu bang không có luật tăng cường hình phạt đối với tội ác nhắm vào một người vì chủng tộc, tôn giáo hoặc giới tính của họ. Một dự luật tội ác thù hận gần đây đã được đưa ra ở Arkansas nhưng vẫn còn trong tình trạng lấp lửng , mặc dù có sự ủng hộ của thống đốc.

    Julie Roper, luật sư của Nguyen, cho biết trong một tuyên bố rằng vụ tấn công bị cáo buộc “xảy ra chỉ vì quốc tịch của anh ta và bầu không khí ghét bỏ đối với người Mỹ gốc Á. Ông cũng cáo buộc Snodgrass đã đe dọa giết Nguyen”

    Thị trưởng Bentonville Stephanie Orman cho biết trong một tuyên bố rằng thành phố “không dung thứ cho bất kỳ hình thức phân biệt đối xử hoặc bạo lực nào” và đã nỗ lực để “đảm bảo rằng mọi người đều có tiếng nói, họ được lắng nghe và cảm thấy được chào đón và bảo vệ trong cộng đồng của chúng ta. “

    “Chúng tôi sẽ tiếp tục công việc của mình để biến Bentonville trở thành một môi trường hòa nhập, an toàn và thân thiện cho tất cả mọi người”, tuyên bố viết.

    Theo Baocalitoday