• Con trai muốn đi trại hè về robot và thiên văn học tại Đại học Harvard và MIT, chị Hương (Hà Nội) đầu tư 140 triệu đồng cho con.

    Khóa học kéo dài 2 tuần về kỹ năng lãnh đạo, robot và thiên văn học tại hai đại học nổi tiếng thế giới ở Boston (bang Massachusetts, Mỹ) diễn ra vào tháng 6/2018, với chi phí 4.600 đôla, chưa bao gồm vé máy bay. 

    Con trai chị - Hoàng Anh, 17 tuổi đang học trường Tạ Quang Bửu - ước mơ đi du học tự túc về ngành kỹ thuật. Cậu bé cho biết sau khóa học ngắn trên, cậu đã định hình rõ chuyên ngành và trường muốn đi học, cũng như quyết tâm theo đuổi nó. Hè năm nay Hoàng Anh đang tham gia chương trình tình nguyện một tháng tại Pháp, bằng học bổng tự giành được.


    Học sinh Việt Nam trong một trại hè năm 2018 ở sân đại học Harvard (Mỹ). Ảnh: Ngọc Thúy.

    Chuẩn bị tham dự trại hè tại Israel vào đầu tháng 7 này, Khánh Linh, 14 tuổi, học sinh một trường chuyên ở Quận 1 (TP HCM) đang vô cùng háo hức. Linh từng đi du học hè về tiếng Anh tại Singapore, nhưng đây lần đầu cô bé tham dự trại hè công nghệ với học sinh đến từ 35 quốc gia tại đất nước Do Thái. Nơi học của cô bé nằm tách biệt trên núi với phòng thí nghiệm, sân thể thao, hồ bơi và bãi cỏ tuyệt đẹp...

    Chị Nguyễn Ngọc Phương Trinh, đại diện đơn vị tổ chức cho biết, Khánh Linh đã theo học chương trình STEM (chương trình giảng dạy thực tế về khoa học, công nghệ, toán...) và có nền tảng tiếng Anh tốt, cô bé cũng từng đạt giải cao về lập trình robot. Chi phí cho chuyến đi của Khánh Linh khoảng 150 triệu đồng.

    Có con gái 3 năm tham gia trại hè quốc tế, lần lượt ở Singapore, Australia và năm nay là Anh, chi phí mỗi lần từ 80 đến 130 triệu đồng, chị Lê Thu Mai (Hà Đông, Hà Nội) cho biết điều chị kỳ vọng nhất không phải là con học hỏi được quá nhiều, mà coi đây như một quãng thời gian niên thiếu con được nghỉ ngơi, có thời gian học hỏi, trải nghiệm, xây dựng tự tin, qua đó bé sẽ tự đánh giá được nhu cầu du học thực sự sau này.

    "Nếu lớn lên con có đi du học, thì khi đó phải dành toàn thời gian cho việc học. Vì thế, đi trại hè bây giờ con sẽ hưởng thụ, vừa vui chơi, vừa làm quen dần với nền văn hóa, con người các nước, mở mang đầu óc", chị nói.

    Những chuyến du học mini là "tiền trạm" cho trẻ hướng đến du học sau này. Theo chị Nguyễn Ngọc Thúy - đại diện một đơn vị du học có cơ sở tại Hà Nội và TP HCM – càng ngày "độ chịu chơi" của cha mẹ Việt càng lớn. Một ông bố đi xe Cub cũ, quần áo bạc phếch, bán tạp hoá ở Sài Gòn, hai năm liền cho con đi trại hè Mỹ theo đơn vị của chị.

    Một phụ huynh khác, có con gái mới học hết lớp 3, đã xin tham gia trại hè Mỹ (vốn bình thường chỉ có trẻ từ lớp 7 trở lên). Trước đó cô bé này đã có kinh nghiệm hai năm đi trại hè Đông Nam Á. 

    "Nhiều bậc phụ huynh dù tổng thu nhập hàng tháng chỉ 25 -30 triệu đồng vẫn đầu tư cho con kỳ nghỉ hè gần trăm triệu. Tiếp nhận hồ sơ, tôi không nghĩ có những gia đình dồn hết cho con đến thế", chị Nguyễn Phương Hảo, ở Hà Nội, có kinh nghiệm 5 năm dẫn đoàn trại hè quốc tế, cho biết thêm.


    Học sinh Việt Nam đọc sách tại Thư viện quốc gia Singapore trong trại hè tháng 6/2019. Ảnh: Phương Hảo.

    Không dừng lại ở các trại hè thông thường..., không ít phụ huynh đầu tư cho con tham gia các trại hè về chuyên ngành kỹ thuật.

    "Con tôi đã học được về phần cứng, cháu muốn thông qua trại hè học thêm về phần mềm", chị Ngọc Lan (Đống Đa, Hà Nội) nói về khoá lập trình ứng dụng trên điện thoại mà con chị tham gia năm 2018 tại Đại học North Carolina (Mỹ) vào năm lớp 11. 

    Nhật Minh, con chị Lan cho biết, bên cạnh kiến thức thu được trong 2 tuần, cậu còn hiểu biết về văn hóa, cách học tập của học sinh Mỹ. Động lực sau chuyến đi đã giúp cậu cố gắng vượt bậc trong năm cuối cấp - từ một học sinh không quá nổi bật đã nhận được học bổng từ 8 đại học Mỹ, trong đó có những mức học bổng lên đến 95%. Con đường đến với ngành Khoa học máy tính của Nhật Minh đã rộng mở.

    Trại hè đã xuất hiện ở Việt Nam cách đây 40 năm, đó là trại hè Thanh Đa, trực thuộc Liên đoàn Lao động TP HCM. Song theo chuyên gia giáo dục toàn cầu Tô Thuỵ Diễm Quyên, trại hè mới thực sự phổ biến khoảng 10 năm trở đây. "Ở thời điểm hiện tại phải nói là bùng nổ trại hè", bà Quyên nói. 

    Khoảng cuối tháng 6 đầu tháng 7, các trường tiểu học, trung học, trường quốc tế, trung tâm tiếng Anh, trung tâm tư vấn du học... lại tấp nập tổ chức những khóa học hè. "Một trường rất nổi tiếng ở TP HCM năm ngoái thu hút trên 1.000 lượt tham dự trại hè, nhưng năm nay chỉ còn 350 lượt. Số học sinh đã phân tán sang các trại hè khác, đặc biệt các trại hè quốc tế", bà Quyên cho biết.


    Một trại hè của các em nhỏ Việt đang diễn ra tại Singapore. Ảnh: Phương Hảo.

    Với 4 năm kinh nghiệm tổ chức cho học sinh đi trại hè quốc tế, chị Nguyễn Ngọc Thúy nhận ra 2 thực tế nổi cộm:

    Thứ nhất, nhiều bậc phụ huynh kỳ vọng sau một khóa đi trại hè, con sẽ giỏi được tiếng Anh, song đây là điều không thể. Cái con tăng được chỉ là sự tự tin, thoát được vỏ bọc sợ nói tiếng Anh, mạnh dạn giao tiếp, biết thêm về đất nước mới, còn kiến thức về một ngôn ngữ không thể học thật nhanh trong vòng vài tuần. 

    "Ngay cả khi tham dự các trại hè quân đội, các con được rèn về nếp sống, song nếu khi về nhà cha mẹ không đốc thúc, cùng làm gương cho con thì chỉ sau một thời gian ngắn những nếp sống tốt được học sẽ bị mất", chị Ngọc nói. Vì vậy, sau khi con đi trại hè về, cha mẹ nên nhân lúc con đang hào hứng, có động lực muốn đi du học sau này để thúc đẩy các con tiếp tục nâng cao tiếng Anh, giữ gìn các thói quen tốt, văn minh mới học được. 

    Thứ 2, nhiều đoàn đi đông học sinh, song không chu đáo nên không đảm bảo chương trình trại hè tốt. "Tôi từng biết có đoàn 70 học sinh Việt, di chuyển bằng hai xe, mỗi khi đến đâu là chiếm cứ cả một siêu thị, khu vui ăn uống đến đó. Sự giao lưu với người khác không có, gần như các em cũng không thể hòa nhập môi trường, cuộc sống của nước đến", chị nói. Theo kinh nghiệm của chị, nên chọn đoàn không quá 20 học sinh để đảm bảo đạt hiệu quả tốt nhất. 

    Chuyên gia giáo dục Tô Thuỵ Diễm Quyên cho biết thêm, các trại hè quốc tế bùng nổ và cũng có "giá trên trời". "Nhiều trường hợp học sinh đi trại hè mà không khác gì một chuyến du lịch với chi phí đắt gấp 3 lần thông thường", bà bày tỏ.

    Để tránh được những rủi ro, trước tiên các bậc phụ huynh phải trao đổi với con em mình để tìm ra trẻ thực sự muốn gì, từ đó tìm kiếm trại hè phù hợp, cuối cùng mới tính đến giá cả. "Đôi khi không cần tham gia trại hè, mà thời gian đó để phụ bố mẹ, làm tình nguyện viên hay tham gia các dự án cộng đồng cũng rất tốt cho trẻ", bà Quyên nói thêm.

    Viethome (theo VnExpress)

  • Jenk (hiện 12 tuổi) đã duy trì được công ty của mình 4 năm qua nhờ sự động viên của mẹ.

    Jenk Oz (London) được coi là CEO trẻ tuổi nhất nước Anh đang phát triển một nền tảng kỹ thuật số. Đây là công ty truyền thông mang đến thông tin giải trí dành cho trẻ em từ 8-15 tuổi. 

    Ý tưởng xuất phát khi Jenk thường xuyên chia sẻ với mẹ những hoạt động ngoại khóa ở trường qua email. Nhiều người quan tâm tới việc cậu đang làm nên Jenk muốn đưa những thông tin này vào một hệ sinh thái nhiều người xem được. Cậu đã thành lập công ty từ khi 8 tuổi.

    Trung bình mỗi năm Jenk kiếm được khoảng 50.000 bảng (khoảng 1,3 tỷ đồng). Ảnh: Telented Ladies.

    Bà Carmen Greco (55 tuổi, London) đã truyền cảm hứng để con trai tạo nên nền tảng này. "Jenk lúc đấy không thực sự quan tâm đến kinh doanh nhưng luôn có ý tưởng đặc biệt. Điều duy nhất tôi làm là gợi ý để con hiện thực hóa ý tưởng đó", bà Carmen nói.

    Người mẹ này từng là CEO của một ngân hàng lớn ở New York, sau đó đồng sáng lập một công ty thiết bị y tế. 

    Theo bà Carmen, muốn con thành công, bên cạnh con phải luôn có người cố vấn. Những người có sự nghiệp tốt sẽ giúp chúng muốn lắng nghe hơn.

    Trong mọi việc, thất vọng không chỉ mang lại sức mạnh trong tâm hồn mà còn giúp con trai của bà có thể thành công hơn về lâu dài. Bà Carmen luôn khuyến khích con đón nhận những thông tin phản hồi mang tính xây dựng ngay cả khi nó làm con phật ý. Điều đó giúp Jenk tìm ra chân lý và kiến thức.

    Còn trong sự nghiệp, bà đề cao Jenk phải suy nghĩ khác biệt với những người khác. Điều này sẽ cho phép con tạo không gian cho riêng mình trong bước đường con đi. Và không có gì quý hơn trở thành người tiên phong trong bất kỳ lĩnh vực nào.

    Bà Carmen hạn chế tối đa việc giúp đỡ con trai trong cách vận hành công ty. Ảnh: Talented Ladies.

    Nhiều người châm chọc rằng Jenk không có tài năng, tất cả chỉ từ một tay người mẹ. Đáp lại những lời đàm tiếu đó, cậu đã duy trì công ty được 4 năm qua, tự mình đi gặp đối tác. Jenk đã phỏng vấn nhiều người nổi tiếng trên thế giới.

    Nền tảng của Jenk Oz có khoảng 100.000 người theo dõi trên mạng xã hội. Hiện tại công ty có 10 nhân viên làm việc toàn thời gian. 

    "Tôi luôn phải vật lộn để cân bằng mọi thứ, nhưng vẫn chỉ là đứa nhóc thích xem phim cùng gia đình, tán gẫu với bạn bè, chơi nhạc. Và quan trọng nhất là không bao giờ bỏ bê việc đến trường", Jenk nói.

    Viethome (theo VnExpress)

  • Trên cùng bàn ăn, người mẹ giàu khoe chuyến du lịch, đứa con la lên "Nhà mình có tiền', người mẹ còn lại than nghèo, đứa con cúi mặt.

    Bài viết là quan điểm của nhà báo, nhà văn Wan Bi QingQing - tác giả những cuốn sách có tiếng vang ở Trung Quốc như Một người sống tuyệt với, Yêu thế giới thêm lần nữa.

    Vài ngày trước tôi đến một nhà hàng phương Tây tình cờ thấy hai cặp vợ chồng đang ngồi ở bàn bên cạnh, mỗi người có một đứa con 6-7 tuổi. Họ cùng ăn tối.

    Trong số đó, có một người phụ nữ đeo trang sức bằng đá quý với thương hiệu nổi tiếng. Cô thao thao với gia đình đối diện về chuyến đi châu Âu vừa kết thúc, cô mua bao nhiêu món đồ xa xỉ, ăn bao nhiêu món ngon.

    Người đàn ông bên cạnh cũng rất đắc ý. "Tất cả mọi nơi trên thế giới chúng tôi đều sẽ đi hết. Bởi vì, gia đình chúng tôi có tiền". Lúc này, cậu bé ngồi giữa họ không chịu ăn đột nhiên trở nên phấn khích nói "Gia đình mình có tiền!".

    Cặp vợ chồng ngồi đối diện không có cơ hội xen vào, vẻ mặt kỳ dị thỉnh thoảng a dua theo. Cho đến khi đôi vợ chồng giàu đắc ý nói xong, người phụ nữ đối diện không thể không thở dài và nói: "Tôi thực sự ghen tị với bạn, gia đình tôi không có điều kiện như nhà bạn". 

    Câu nói của vợ khiến người chồng tái mét. Giọng điệu anh trở nên lúng túng, và hai người bắt đầu nói qua nói lại. Cặp khoe khoang nhanh chóng khuyên giải. Tuy nhiên không khí bữa ăn bị phá hủy. Bé gái ngồi giữa cặp vợ chồng cãi nhau cúi mặt, lẳng lặng ăn.

    "Gia đình chúng tôi có tiền", câu này có lẽ không xa lạ bởi vì luôn có vài người giàu có xung quanh chúng ta. Lần đầu tiên tôi nghe điều này, đó là vào năm 16 tuổi, khi tôi học trường trung học nội trú tốt nhất trong quận.

    Vào thời điểm đó, có một cô gái trong lớp rất nổi tiếng, bởi vì cha cô đang kinh doanh than. Mỗi ngày cô đều được đưa đến trường bằng xe hơi sang trọng và có các vệ sĩ. Vì cô có tiền, ai đối tốt với cô sẽ có bữa ăn miễn phí và những món quà. Tuy nhiên, cô cũng rất ngang ngược, thường xuyên bắt nạt bạn nữ cùng lớp. 

    Có lần, cô mượn bài tập về nhà của một bạn cùng bàn nhưng không được. Cô tức giận dùng những lời chửi thề xúc phạm. Có người nói thay người bạn mấy lời. Cô ấy dùng hộp bút chì đập đầu người ấy và hét lên: "Tao muốn tìm xã hội đen để giết mày. Bố tao nói rồi, gia đình tao có tiền".

    Ít lâu sau trường đã đuổi học cô bạn nhà giàu này vì đánh một bạn gái, do tranh chấp tình cảm.

    Ngày cô rời trường, gia đình cô đã cử một vài chiếc ôtô sang trọng đến đón. Cả trường hiếu kỳ trước cảnh ấy.

    Giờ đây nhìn lại, ở tuổi 16 đó cô vẫn chưa thực sự trưởng thành, những lời nói và hành động đều là cái bóng của cha mẹ.

    Có lẽ, trong gia đình cô luôn tung hô chúng ta là "người có tiền", tôn sùng "tiền bạc vạn năng". Chính những điều đó tạo nên cô gái tuổi vị thành niên kiêu ngạo, coi thường người khác. Sau này, công ty than của bố cô làm ăn thất bát. Cô ấy không học hành đến nơi đến chốn. Cuộc hôn nhân cũng sớm tan rã.

    Khi mới sinh mọi đứa trẻ đều là tờ giấy trắng. Con cái là bản sao của cha mẹ. Ở nhà hàng phương tây, cha mẹ không suy nghĩ nói một câu: "Gia đình chúng tôi có tiền", những đứa trẻ sẽ nảy sinh kiêu ngạo, ngang ngược. 

    Ấy nhưng, cha mẹ khóc lóc than nghèo cũng là thuốc độc với con. Trong cảnh ấy, người phụ nữ toát ra mùi lụn bại, với khuôn mặt oán hận cuộc sống và người chồng xấu hổ. Tất cả hiện lên sừng sững trước mắt đứa con. Đánh giá từ quần áo của họ, không có gì gọi là "sống không được" như người phụ nữ nói. Có thể họ không giàu, có thể họ có những khó khăn riêng, nhưng trước mặt những đứa trẻ, họ cố tình hoặc vô thức thể hiện sự nghèo khổ, thấp kém của mình. Kiểu cha mẹ này thường có xu hướng làm cho con cái mẫn cảm và tự ti.

    Mẹ của Phàn Thắng Mỹ trong bộ phim truyền hình ăn khách "Hoan Lạc Tụng" là một người điển hình than nghèo. Bà đã quen than nghèo khổ với tất cả người thân và bạn bè. Nên sau khi trưởng thành, Thắng Mỹ đẹp tự nhiên, nhưng tính cách của cô tự ti, mẫn cảm và có cảm giác không an toàn. Sau này cô ra thành phố lập nghiệp, người mẹ cũng liên tục than nghèo để bòn rút của con, dẫn đến một Phàn Thắng Mỹ đánh mất bản thân vì những thứ hào nhoáng.

    Giàu nhưng thận trọng, dè dặt mới là con đường đúng đắn. Nghèo nhưng cũng cần phải đúng mực, lòng dạ quang minh. Người xưa thường nói: Nghèo không cắm rễ, giàu không truyền muôn đời. Chỉ có tích thiện mới có phúc dư. 

    Vợ của diễn viên Lưu Diệp (diễn viên phim Hoàng Kim Giáp) có thể coi là một kiểu mẫu dạy con tốt. Cô không bao giờ cho con biết khái niệm "chúng tôi là những người giàu có", không bao giờ dạy chúng biết những nhãn hiệu nổi tiếng. Khi chúng tham gia "Bố ơi, mình đi đâu thế?", những đứa trẻ đi giày cũ và lời nói hành động cũng rất lịch sự, lễ phép.

    Hầu hết chúng ta đều sinh ra trong một gia đình bình thường, có rất ít của cải để thể hiện sự giàu có. Nhưng ít nhất, chúng ta cần đảm bảo không than nghèo. Cha mẹ nếu yêu mến con cái thì nên tính toán dài hạn cho con, chứ không nên tính toán hơn thiệt trước mắt. Cha mẹ thực sự thông minh sẽ không bao giờ thể hiện sự giàu có của họ, cũng không than nghèo quá nhiều.

    Viethome (theo VnExpress)

  • Nhiều bậc phụ huynh tại Anh đang phải học gia sư với mức phí 40 bảng Anh/giờ để có thể hiểu bài về nhà của con cái và giúp các em theo kịp với chương trình học tại trường. 

    Chuyện học sinh theo học gia sư để có thể theo kịp bài vở tại trường đã không còn xa lạ gì. Năm 2018, cứ 4 học sinh trong độ tuổi 11-16 tại Anh và xứ Wales thì có 1 em theo học gia sư.

    Tuy nhiên, hiện nhiều bậc phụ huynh tại Anh cũng phải học gia sư với mức phí 40 bảng Anh/giờ để có thể hiểu kiến thức con em mình đang được học tại trường và đánh giá xem liệu các em có theo kịp chương trình hay không.

    Nhiều bậc phụ huynh tại Anh đang phải học gia sư để hỗ trợ việc học tập của con cái.

    Tutor House là một công ty cung cấp dịch vụ gia sư tại thủ đô London. Họ đưa ra dịch vụ gia sư cho phụ huynh sau khi làm một cuộc khảo sát trên 2.500 bậc cha mẹ và phát hiện hơn 2/3 trong số đó không thể hiểu bài về nhà của con cái.

    Một nửa các bậc phụ huynh trong số đó lo ngại nếu họ muốn giúp đỡ con cái học hành thì cũng chỉ gây trở ngại thêm.

    Hầu hết các bậc phụ huynh cho biết họ gặp rất nhiều trở ngại với những phương pháp giảng dạy cũng như các thuật ngữ mới được sử dụng trong sách giáo khoa.

    Các dịch vụ gia sư cho phụ huynh bao gồm rất nhiều môn học như toán, tiếng Anh, địa lý và khoa học. Các bậc phụ huynh có thể lựa chọn học online hay trực tiếp với gia sư.

    Alex Dyer – nhà sáng lập Tutor House cho biết nhu cầu học gia sư ở các bậc phụ huynh là do sự thiếu liên kết, trao đổi giữa nhà trường với các bậc phụ huynh.

    Chương trình giáo dục tiểu học tại Anh được sửa đổi năm 2014 đặt ra tiêu chuẩn cao hơn cho học sinh, đặc biệt với các môn toán và tiếng Anh. Kỳ thi GCSE cũng được đổi mới vào năm 2015 với nội dung khó hơn.

    Tuy nhiên, chuyên gia giáo dục Helen Pike thuộc trường cao đẳng Magdalen lại cho rằng việc phụ huynh học gia sư là không cần thiết và nhu cầu đối với dịch vụ này chỉ xuất phát từ tâm trạng lo lắng của các bậc phụ huynh.

    “Các bậc phụ huynh trở nên lo lắng khi thấy những bậc cha mẹ khác đang học gia sư và trở thành những bậc cha mẹ tốt hơn họ.

    Nhiều trường học đang làm rất tốt công tác thông tin tới các bậc phụ huynh và hỗ trợ họ làm những điều tốt nhất cho học sinh”, bà Helen cho biết.

    Viethome (theo Dân Trí)

  • Không phải một ngành khoa học nào cả, lên Đại học, thần đồng Đỗ Nhật Nam sẽ theo học ngành Âm nhạc.

    Cậu bé thần đồng Đỗ Nhật Nam từng gây bão với hàng loạt thành tích khủng khiến ai cũng choáng ngợp bạn còn nhớ không? Hẳn là trong tưởng tượng, bạn vẫn nghĩ Nhật Nam vẫn là cậu bé 10 tuổi. Nhưng không, hôm nay, Đỗ Nhật Nam đã tốt nghiệp THPT rồi đấy. Thời gian trôi nhanh khiến cho con người ta không còn chút ý niệm nào về nó nữa.

    Nhật Nam sinh năm 2001, từng hai lần được ghi vào sách kỷ lục Việt Nam: Dịch giả nhỏ tuổi nhất và Người viết tự truyện nhỏ tuổi nhất. Năm 2014, Nhật Nam nhận được học bổng của trường Saint Paul, sau đó học tại Trường Phổ thông Church Farm School (Pennsylvania, Mỹ).

    Trong quá trình học tại trường THPT Church Farm School (Pennsylvania, Mỹ), Nhật Nam cũng đạt được một số thành tích đáng nể: giải Nhất hạng mục Thuyết trình của Liên hiệp các trường phổ thông toàn thành phố Dallas; điểm tổng kết 2 học kỳ đạt 99/100 điểm; giải Ba hạng mục Nguyên tắc quản trị kinh doanh trong kỳ thi DECA…

    Cuối năm 2018 vừa rồi, Đỗ Nhật Nam cũng đã trúng tuyển vào một trường đại học của Mỹ với học bổng 71.900 USD/ năm – tức khoảng 6,6 tỷ đồng cho 4 năm học. Pomona College – một trường tư thục có lịch sử lâu đời nằm cạnh Los Angeles. Cùng với Stanford University, California Institute of Technology, Pomona nằm trong top các trường “national liberal arts”  (Đại học khai phóng) tốt nhất nước Mỹ. Pomona có 45 chuyên ngành, nổi bật là Toán học, Khoa học máy tính, Tâm lý học. Trường có tỷ lệ sinh viên/ giảng viên là 8:1.

    Được biết, lên Đại học, Nhật Nam sẽ theo học ngành Âm nhạc.

    Đỗ Nhật Nam không phải là cậu bé thần đồng 10 tuổi nữa mà tốt nghiệp THPT rồi. (Ảnh: Chị Phan Hồ Điệp)

    Chị Phan Hồ Điệp, mẹ của Đỗ Nhật Nam chia sẻ: "Ngày hôm nay đối với mẹ thực sự đặc biệt.

    Em tốt nghiệp phổ thông và mẹ, mẹ cũng tốt nghiệp khoá học làm mẹ để chuyển sang một giai đoạn mới, học hỏi nhiều hơn, lắng nghe nhiều hơn, thương nhớ cũng đẩy hơn.

    18 năm qua, trong khóa học đặc biệt ấy, bề bộn những sai lầm và vấp ngã nhưng cũng ngọt ngào và hạnh phúc. Nếu hỏi mẹ đi lại con đường đó, mẹ có làm tốt hơn không, mẹ không dám chắc. Chỉ có điều chắc chắn mẹ vẫn thương em như thế. Tình thương ấy ĐẦY và TRÒN rồi nên luôn và mãi là như vậy thôi em.

    Nên thành quả 18 năm là giây phút mẹ vừa xuất hiện ở sân trường, mẹ chân thấp chân cao chạy về phía em còn em khi nhìn thấy bóng mẹ thì bỏ cả hàng đang xếp để chạy ùa ra ôm mẹ vào lòng: Mẹ ơi, em đợi mẹ mãi.

    Nên thành quả 18 năm là khi em lên phát biểu vẫn đưa mắt tìm mẹ và mỉm cười.

    Nên thành quả 18 năm là khi em hát bài hát chia tay, em nói trong bài hát có câu: Hãy biết ơn người vì bạn mà khóc thầm, em đã nghĩ đến mẹ.

    Nên thành quả 18 năm là khi quay về phòng dọn đồ cho em, mẹ thấy dưới gối có ảnh mẹ và dòng chữ: Mom, I love you!

    Chỉ vậy thôi Nam là quá đủ cho lễ tốt nghiệp của... mẹ.

    Một chặng đường đã đi qua. Mới ngày nào mẹ còn nghĩ không biết bao giờ được đi họp phụ huynh cho em, giờ thì em đã là chàng trai 18 tuổi.

    Nam ơi, ai rồi cũng nên có câu chuyện để kể về cuộc đời mình. Đó có thể là chuyện vui hay buồn, thành công hay thất bại nhưng nhất định là nên có, để cuộc đời không trôi đi nhạt nhẽo.

    18 tuổi quả trẻ cho những dự định và ước mơ. Nên cứ đi và cứ kể vì hành trình còn là phía trước.

    Hôm nọ em chia sẻ rằng có thể em sẽ học ngành âm nhạc. Mẹ thực sự bất ngờ. Vì đó là điều mẹ chưa nghe thấy em nói bao giờ. Nhưng mẹ chỉ mỉm cười. Vì mẹ làm sao có thể lấy kinh nghiệm ít ỏi của mình để đặt lên em. Nên nếu em chọn gap year, em học âm nhạc hay bất cứ điều gì khác, mẹ vẫn luôn ủng hộ. Vì em trước hết, cần được trải nghiệm để trưởng thành.

    Mẹ rồi sẽ già đi, khó tính hơn, yếu thêm nhưng mẹ vẫn ở ngôi nhà có đầy tình yêu của mẹ, để chở đợi và thương mến em.

    Hôm nay, mẹ tự chúc mừng mẹ vì đã là học sinh luôn cố gắng trong khoá học làm mẹ đấy thiêng liêng và kì diệu.

    Mẹ vui lắm, Nam à..."

    Nhật Nam và bố mẹ trong ngày tốt nghiệp THPT tại Mỹ. (Ảnh: Chị Phan Hồ Điệp)

    (Ảnh: Anh Đỗ Xuân Thảo)

    Năm 8 tuổi, Nhật Nam đã đạt 940/990 điểm TOEIC, 8 tuổi đạt 617 điểm TOEFL ITP, 10 tuổi đạt 107 điểm TOEFL IBT, 11 tuổi đạt 8.0 IELTS với điểm reading tuyệt đối 9.0.

    Viethome (theo Helino)

  • Một người đàn ông Việt Nam đã bị phạt tiền vì hành vi đánh vào mông đứa trẻ 6 tuổi tại một phòng thay đồ ở Úc.

    Theo trang tin The West Australia, Quang Tan Le, một công dân Việt Nam, đã bị tuyên phạt 1.800 AUD tại Tòa án thành phố Albany, Tây Úc hôm 9/5 sau khi người đàn ông này nhận tội bạo hành.

    Trước đó, trong lúc rời khỏi phòng thay đồ tại Trung tâm giải trí dưới nước Albany, Quang Tan Le đã tới gần một bé trai 6 tuổi và đánh vào mông cậu bé này. Khi đó, cậu bé đang đứng cùng anh trai 7 tuổi.

    toa an albany
    Tòa án Albany, Australia (Nguồn: West Australia)

    Luật sư biện hộ Bruno Illari cho biết Le không cố ý thực hiện hành vi bạo lực với bé trai. Thực tế, Le chỉ đơn giản muốn thể hiện rằng mình chấp thuận cho cậu bé theo anh học bơi. Le còn nói “tốt lắm cậu bé” và giơ ngón tay ra dấu hiệu đồng ý khi rời khỏi phòng thay đồ.

    Luật sư Illari cho biết hành động của Le không bị coi là thiếu phù hợp “về mặt văn hóa” tại Việt Nam và đã nộp đơn xin xóa án (bản án có thể được xóa trong hồ sơ sau khoảng thời gian nhất định nếu không tái phạm) song chưa được chấp thuận.

    Tòa án cuối cùng chấp nhận rằng hành vi của Quang Tan Le là không có “ác ý”. Tuy nhiên, Le vẫn gây ra đau đớn cho cậu bé, người bị coi là nạn nhân và phải chịu mức phạt 1.800 USD.

    Viethome (theo Dân Trí)

  • Giây phút Ngọc Anh hồ hởi khoe được học bổng toàn phần Đại học Brown (Mỹ), mẹ cô nói: 'Xin lỗi con, mẹ không thể cho con đi du học'.

    Sinh ra giữa trập trùng núi đồi Võ Nhai (Thái Nguyên), giành được học bổng phổ thông danh giá UWC, tiếp tục giành học bổng toàn phần tại 3 đại học, cao đẳng Mỹ, nhưng Lương Bảo Ngọc Anh lại quyết định vào Khoa Quốc tế (Đại học Thái Nguyên). Câu chuyện của Ngọc Anh gây ra nhiều tranh cãi.

    "Tôi quan niệm thành công phụ thuộc vào quá trình tự học và ý thức vươn lên, sự mong cầu tiến bộ thì con học đại học ở đâu cũng thế", chị Giang, 45 tuổi nói. Để con có được như hiện tại là một quá trình xuyên suốt chị luôn ở bên con, khi định hướng, cố vấn, khi như một người bạn.

    Cả Ngọc Anh và mẹ đều không ân hận khi năm 2017 quyết định bỏ cơ hội du học Mỹ, để học tập tại Việt Nam và có nhiều thời gian bên nhau hơn. Ảnh: NVCC.Cả Ngọc Anh và mẹ đều không ân hận khi năm 2017 quyết định bỏ cơ hội du học Mỹ, để học tập tại Việt Nam và có nhiều thời gian bên nhau hơn. Ảnh: NVCC.

    Năm con gái học lớp 2, vợ chồng chị ly hôn. Một thời gian sau đó chị phát hiện những cuốn vở bị Ngọc Anh cắt thành hình xoáy ốc. "Tôi khiển trách thì con gái khóc òa lên: 'Mẹ ơi, không biết tại sao nhưng đến lớp con rất buồn'. Tôi nhận ra dù yêu thương con thế nào cũng không lấp được khoảng trống cha mẹ tan vỡ, đành chỉ biết bên con nhiều hơn, dùng thời gian để chữa lành và chấp nhận năm học lớp 2 lực học con kém hẳn", chị chia sẻ.Là giáo viên Văn, ngay từ khi con còn nhỏ, chị Giang đã chú trọng phát triển tâm hồn cho con. Mỗi khi thấy một hiện tượng tự nhiên hay nhành cây, ngọn cỏ chị đều giảng giải con nghe. Lương giáo viên ba cọc ba đồng, song người mẹ không tiếc cho con đi du lịch và từ thiện cùng mình. "Nhiều năm sau này đọc cuốn Em phải đến Harvard học kinh tế, tôi vỡ ra mình đã dạy con y như cách người mẹ đó đã dạy", chị Giang cho biết.

    Đến năm Ngọc Anh học lớp 6, người mẹ ngày ngày vượt hơn 30 km đưa con xuống thành phố theo học tiếng Anh với giáo viên nước ngoài - điều chưa từng có ở vùng quê nghèo miền núi Võ Nhai lúc bấy giờ.

    Lương Bảo Ngọc Anh (được mọi người biết đến với cái tên Gin Anh) đạt IELTS 8.0  - ba năm nay đồng sáng lập lớp học miễn phí "12h đột phá" nhằm chuẩn hóa nói tiếng Anh cho người Việt. Ảnh: NVCC.

    Ngoài học tập, Ngọc Anh còn thường tham gia các hoạt động ngoại khóa và mỗi lần như vậy phải có kịch bản dẫn chương trình. Lần đầu tiên chị Giang hướng dẫn con viết, từ đó về sau cô bé tự làm và đưa mẹ duyệt. Tới năm 2014, khi học lớp 10, Ngọc Anh viết bài luận "Thư gửi bạn sau 20 năm nữa" để xin học bổng UWC.

    "Lúc đó con dịch lại tiếng Anh cho tôi nghe, tôi bảo được. Thế là con đi gửi. Thật không ngờ con là một trong 5 học sinh được học bổng năm đó, trị giá 84.000 USD và sang Canada học 2 năm", chị chia sẻ.

    Trong hơn 2 năm con ở phương xa, cũng đồng nghĩa chị Giang phải đi dạy thêm để có tiền cho con những kỳ ngoại khóa. Ảnh: NVCC.

    Song sự tự do ở môi trường nước ngoài khiến Ngọc Anh bỏ ngoài tai những lời khuyên của mẹ. Cô khăng khăng săn học bổng theo ngành nghệ thuật này, cuối cùng chỉ nhận được một học bổng 75% từ trường Simon Fraser ở Vancouver. Với mức học bổng này, Ngọc Anh sẽ cần hỗ trợ rất nhiều, mà lương giáo viên của mẹ không thể đủ cho theo học. Ngọc Anh đành ngậm ngùi về nước. Trong chương trình học tại Canada, Ngọc Anh rất thích môn kịch và nhiều lần được nhà trường tin tưởng giao cho làm phó tổng đạo diễn sân khấu. Mỗi lúc con gái khoe, người mẹ vui một, nhưng lo hai. "Học nghệ thuật phải có năng khiếu thực sự và nỗ lực khốc liệt. Thành quả con đạt được chỉ là sự cố gắng, không phải là năng khiếu", chị luôn nói với con như vậy.

    Áp lực học tập trước đó cộng với cảm giác thất bại lần này khiến Ngọc Anh bị stress, ít nói chuyện với mẹ, suốt ngày đeo tai nghe, ôm máy tính. Mối quan hệ hai mẹ con rơi vào khủng hoảng. "Đỉnh điểm có một hôm tôi bị ốm, con bé không nấu cơm, không quan tâm hỏi han mẹ. Chưa bao giờ tôi thấy hai mẹ con cách xa nhau tới vậy", chị nhớ lại.

    Trong người mẹ lúc đó là cảm giác bực bội, tổn thương, cũng như xót xa không biết cách nào để giúp con vui vẻ trở lại. Chị quyết định đi xa để có thời gian suy nghĩ. Hai đêm liền người mẹ vạch một dàn ý những điều cần nói với con, như: Bây giờ con trở thành người thế nào, tại sao con cần thay đổi, thay đổi thì con sẽ thế nào? mục tiêu của mẹ con mình là gì?...

    Ngay đêm trở về, chị đã nói chuyện với con cả tối và cuối cùng hóa giải được những ẩn ức trong lòng con gái tồn tại trong hai năm mẹ con xa cách. Ngọc Anh đã khóc òa trong lòng mẹ: "Nếu mẹ không nói với con thế này thì con vẫn nghĩ mình đúng. Con không biết là con đang xấu, đang làm tổn thương mọi người trong gia đình". 

    Về phần chị Giang cũng thấy mình sai, khi giờ con đã lớn, không thể dùng quyền của người mẹ để con phải nghe theo, mà phải nói bằng lý lẽ. Từ đó chị không quản lý sát sao giờ giấc của con gái như trước.

    Thời gian sau đó, Ngọc Anh nghe theo lời mẹ vào học tại trung tâm giáo dục thường xuyên để lấy bằng tốt nghiệp tại Việt Nam, song song tham gia giảng dạy tại trung tâm tiếng Anh và âm thầm nộp hồ sơ du học.

    Tháng 2/2017, cô thông báo với mẹ gửi hồ sơ 3 đại học Mỹ và đều giành được học bổng toàn phần, trong đó có Đại học Brown - top 10 đại học Mỹ. Trước sự hồ hởi của con, người mẹ áy náy nói: "Mẹ rất xin lỗi con. Nhưng hiện tại mẹ không thể cho con đi du học được". Bởi dù có học bổng, thì vẫn cần thêm vài trăm triệu mỗi năm cho các chi phí khác, do sinh viên có học bổng toàn phần bị cấm đi làm thêm.

    "Ở nhà tôi mỗi thế hệ đều đã có những lựa chọn, những hy sinh vì người thân trong gia đình. Tôi chỉ là một nhà giáo không đi dạy thêm nên kinh tế là một lý do. Nhà chỉ có hai mẹ con, những lúc mẹ con ốm đau xa nhau rất vất vả. Hơn nữa con lớn lên trong vòng tay ông bà ngoại, giờ ông bà già yếu rồi, ai đâu biết ngày sau", chị bộc bạch.

    Trong căn gác phòng trọ đêm đó, Ngọc Anh dấm dứt khóc, người mẹ nằm dưới cũng rơi nước mắt trắng đêm. Sáng hôm sau, Ngọc Anh nói với mẹ: "Con săn học bổng không nhất thiết là để đi học, mà để chứng minh với mẹ con không vô dụng. Quãng thời gian vừa qua con cũng đã biết, được sống, được hy sinh vì người khác cũng là một hạnh phúc. Việc đi học hay không với con đã không còn quan trọng nữa".

    Khi kỳ nghỉ hè đến cũng là lúc cô mở lớp "12 giờ đột phá", dạy chuẩn phát âm tiếng Anh. Đây là năm thứ 3 cô gái trẻ dạy miễn phí, mỗi khóa chừng 60 học sinh.Bỏ đại học Mỹ, Ngọc Anh cũng không thích vào các đại học lớn ở Việt Nam nữa, mà quyết định học tại quê nhà để gần mẹ. Vì có tiếng Anh vượt chuẩn đầu vào nên cô được tuyển thẳng vào năm 2 khoa Quốc Tế (Đại học Thái Nguyên). Hiện cô học năm 3 của trường. Ngoài ra còn cùng bạn mở một dự án dạy tiếng Anh, với mục tiêu "đỡ được phần học phí cho mẹ".

    "Giờ đây mình thực sự không còn nuối tiếc hay ân hận khi từ bỏ học bổng du học Mỹ, không thể ích kỷ vì ước mơ của bản thân mà để mẹ phải vất vả", Ngọc Anh nói. Cô gái trẻ cũng vừa quyết định tạm gác cơ hội đi vòng quanh thế giới từ tổ chức Peace Boat dù đã đủ điều kiện, vì thấy được đứng lớp thú vị hơn rất nhiều.

    Sân trường dân tộc nội trú tỉnh Thái Nguyên, những chùm phượng đầu tiên đã nở. Là một phụ nữ cá tính nên những tiết học văn của chị Bằng Giang cũng có phần khác biệt. Học trò không cần học thuộc nhiều, luôn có cơ hội thể hiện suy nghĩ, cá tính trước những câu hỏi mở. Cũng như dạy con, chị Giang muốn truyền đến học trò một điều giản dị "dù không thành công nhưng nhất định phải thành nhân" và "làm người phải sống có lửa".

    "Tôi muốn con sống có mơ ước, khát vọng, có lòng nhân ái và trở thành người có ích. Con hãy như một dòng sông, muốn đi tới đích có thể chảy vòng qua ngọn núi, nhưng cuối cùng cũng tới đích. Học bổng phổ thông và đại học khó vậy con còn xin được, thì nếu con vẫn muốn đi sau này học thạc sĩ tôi sẽ cho đi. Thời gian ngắn hơn'", chị Giang nói.

    Viethome (theo VnExpress)

  • Không thể lay mẹ dậy, Millie-Mae 3 tuổi liền lấy điện thoại, chạy sang nhờ hàng xóm nhờ gọi cấp cứu.

    Cara, 27 tuổi là bà mẹ đơn thân có hai con nhỏ, Millie-Mae và Maison. Cô bị ngất khi đang chuẩn bị bữa sáng cho các con tại nhà ở Stannington, thành phố Sheffield, Anh. Millie-Mae, con gái 3 tuổi của Cara, cố lay mẹ dậy nhưng vô ích, Mirror ngày 29/4 đưa tin.

    Nhận thấy có điều không ổn, cô bé lấy điện thoại của mẹ, chạy sang đập cửa nhà hàng xóm cầu cứu sự giúp đỡ. Khi cửa mở, Millie-Mae đẩy điện thoại cho người hàng xóm và nói rằng: "Mẹ cháu đột nhiên ngã xuống đất và cháu không thể đánh thức mẹ".

    Bà mẹ hai con ngay lập tức được đưa đến bệnh viện kiểm tra. Các bác sĩ cho biết, Cara bị viêm dạ dày và mất nước nghiêm trọng. Nếu Millie-Mae không nhanh trí nhờ hàng xóm thì mẹ em có thể đã ở trong tình trạng vô cùng nguy cấp. Cara phải nằm lại viện trong hai ngày.

    Millie-Mae đã cứu sống mẹ của mình. Ảnh: Sheffield Star/SWNS

    Trước thời điểm xảy ra sự việc, Cara gặp một số khó khăn và phải vất vả một mình chăm sóc hai con. Cô tự hào chia sẻ: "Millie-Mae đã cứu mạng tôi nhờ sự nhanh trí của mình".

    Nhớ lại sự việc, bà mẹ 27 tuổi vẫn bàng hoàng: "Tôi đang ở trong bếp nấu bữa sáng cho Millie-Mae và em trai Maison thì bỗng nhiên mọi thứ tối đen và tôi không nhớ được gì cả". Khi tỉnh lại, Cara thấy mình đang nằm trong bệnh viện. Các bác sĩ nói rằng huyết áp của cô đã xuống rất thấp.

    Sau khi sức khỏe ổn định, Cara cho con quay trở lại trường mẫu giáo và kể cho giáo viên về những gì Millie-Mae đã làm. Các giáo viên tiết lộ thường xuyên dạy trẻ em cách ứng xử trong nhiều tình huống và chỉ cách gọi 999 trong trường hợp khẩn cấp. Họ cũng bày tỏ sự vui mừng vì những bài học tại trường đã giúp ích cho Millie-Mae và gia đình em.

    Viethome (theo VnExpress)

  • Sự việc quá bất ngờ khiến người mẹ không thể ngăn cản con của mình.

    Theo Global Times, vụ việc xảy ra khoảng 10 giờ tối hôm Thứ tư (17/4) ở cầu Lupu bắc qua sông Hoàng Phố, thành phố Thượng Hải. Đoạn clip ghi lại hiện trường đang được lan truyền nhanh chóng trên mạng xã hội Trung Quốc.

    Trong clip, có thể thấy giữa dòng xe cộ, một chiếc ô tô trắng đã dừng lại. Người mẹ vẫn ngồi trên ghế tài xế nhưng chiếc xe không dịch chuyển nữa. Ít phút sau, một cậu thiếu niên mở cửa sau xe và ào chạy về phía lan can. Người mẹ đuổi theo ngay phía sau.

    Thế nhưng cậu bé đã lao xuống cầu mà không dừng lại một giây nào. Người mẹ cố hết sức giữ con lại mà không thể. Bà đổ sụp xuống bên mép cầu và đấm tay xuống đất trong nỗi đau đớn tuyệt vọng.

    Ngay sau đó, xe cứu thương đã đến hiện trường, xác nhận cậu thiếu niên đã thiệt mạng. Đó là một nam sinh 17 tuổi, học năm thứ hai trường trung học.

    Camera giao thông ghi lại vụ việc, cậu thiếu niên mở cửa xe từ đoạn 0:20

    Theo trang tin zhonghongwang.com, cậu thiếu niên đã xảy ra mâu thuẫn với bạn học. Hai mẹ con đang tranh cãi về vấn đề này thì con trai nảy sinh quyết định đường đột và đau lòng.

    Đoạn clip sau khi đăng tải đã nhận được vô số ý kiến trái chiều từ cộng đồng mạng. Người cảm thông, chia sẻ với nỗi đau mất con của bà mẹ. Số khác lại bày tỏ rằng các bậc phụ huynh - nhất là các "mẹ hổ" nghiêm khắc ở Trung Quốc - không nên quá gay gắt với con cái trong độ tuổi vị thành niên nhằm tránh trường hợp đáng tiếc như vừa xảy ra.

    Về phía nam sinh thiệt mạng, một số bình luận chỉ trích quyết định của cậu là "bốc đồng và nông nổi". Số khác phản biện rằng, trong khi con trai gặp chuyện không vui ở trường thì người mẹ lại dừng xe ngay giữa cầu để quát mắng, khiến tâm lý nạn nhân bị ức chế nặng nề.

    Thật ra, tất cả chỉ là quan điểm riêng của cư dân mạng vì toàn bộ câu chuyện vẫn chưa được tiết lộ. Chỉ một điều chắc chắn, dù ai đúng ai sai thì người mẹ gục ngã trên thành cầu kia mới là người đau khổ nhất. Trước những trường hợp như thế này, xin đừng bao giờ xát muối vào vết thương của người ở lại.

    Viethome (theo Kênh 14)

  • Tôi nuôi con gái từ năm cháu lên 3. Không nói thì các bạn cũng hiểu những lo toan vất vả của một người mẹ phải nuôi con một mình. Thật may vì con gái tôi ngoan ngoãn, học hành tấn tới. Cháu có học bổng du học Anh và ở lại đó làm việc, xây dựng gia đình.

    Khi cháu sinh con trai đầu, tôi chấp nhận đón cháu ngoại về chăm sóc vì con gái và con rể mới đi làm, thu nhập chưa đủ nuôi con. Mặc dù đã có hành trình nuôi con một mình, nhưng nuôi cháu lại là câu chuyện khác.

    Không chỉ vất vả mà còn vô cùng căng thẳng. Việc ăn uống của bé còn phải thực hiện theo “chỉ đạo” của các con từ xa. Thằng bé bụ bẫm, hiếu động nên cần người ở bên từ sáng sớm đến tận lúc lên giường ngủ. Sức khỏe của tôi cũng giảm sút rất nhiều.

    Tôi không nói với con gái nhưng thực sự là mòn mỏi chờ mong các con về đón cháu đi. 1 năm, 2 năm, thời gian trôi qua chậm chạp đến mức tôi muốn điên.

    Rồi cũng đến ngày các con báo về đón cháu. Lúc đó, thằng bé được 26 tháng. Mừng rỡ, chờ mong đón con nhưng trong tôi cũng đầy cảm xúc thiếu vắng, nhớ thương đứa cháu ngoại đã quá gắn bó với mình 2 năm qua.

    Vậy mà tôi cảm thấy trời đất quay cuồng khi con gái yêu của mình ào ra ôm mình với cái bụng bầu tròn vo hơn 5 tháng. Tôi không ngờ, ngày mẹ con đoàn tụ lại là nụ cười méo xệch trên môi.

    Tôi phải thu xếp theo con sang Anh để giúp cháu lớn quen việc đi học và chuẩn bị đón cháu thứ hai. Có ai hiểu tâm trạng của tôi lúc này không? Tôi sợ việc đó lắm bởi khi cháu lớn đi học về, từ 3h chiều đến đêm, tôi vẫn phải trông cháu. Chưa kể, còn biết bao thứ phải lo: Chăm sóc con gái sau sinh, chăm cháu gái nhỏ vừa rời bụng mẹ, bệnh tật ốm đau, đồ ăn thức uống lạ, cách ứng xử với con rể những lúc không ưng ý... tôi thực sự sợ lắm, làm ơn ai cho tôi lời khuyên.

    Viethome (theo VnExpress)

  • Nhiều gia đình cho biết họ đang nợ thẻ tín dụng hàng ngàn bảng vì các khoản phí chăm sóc trẻ em quá đắt đỏ.

    Theo một nghiên cứu mới của Noddle, chi phí khác nhau tùy thuộc vào nơi bạn sống, nhưng chi phí trung bình hàng tháng cho một đứa trẻ dưới bốn tuổi hiện ở mức khổng lồ, 1.042 bảng cho mỗi gia đình.

    Gia đình Blackwood phải chi trả 2,000 bảng phí chăm sóc trẻ em mỗi tháng

    Và bất chấp Chính phủ có nhiều gói hỗ trợ để giúp đỡ các bậc cha mẹ đi làm, bao gồm tối đa 30 giờ chăm sóc trẻ miễn phí một tuần cho trẻ ba và bốn tuổi, các gia đình nói rằng điều đó vẫn chưa đủ.

    Jane và Chris Blackwood, sống ở York với các con Polly, 5 tuổi, và Bill, 3 tuổi, cho biết họ đã bị buộc phải nợ 7.000 bảng thẻ tín dụng sau khi chi phí chăm sóc trẻ em đắt đỏ khiến họ không thể trả các hóa đơn.

    Cặp vợ chồng chi một con số khổng lồ 2.000 bảng mỗi tháng – tương đương 24.000 bảng mỗi năm - cho việc chăm sóc con trong khi Jane, 35 tuổi, một cựu luật sư, hiện làm công việc giảng viên đại học và Chris, 35 tuổi, làm việc trong lĩnh vực truyền thông.

    Chris kiếm được 55.000 bảng mỗi năm, trong khi Jane kiếm được 24.000 bảng.

    Jane nói: “Khi Polly ra đời, chúng tôi sống ở London và mặc dù hóa đơn nhà trẻ của chúng tôi là 1.600 bảng mỗi tháng, mọi chuyện cũng không quá khó khăn vì tôi làm việc trong một công ty luật được trả lương cao.

    “Khi Bill được sinh ra, chúng tôi đã chuyển lên phía bắc và tôi bắt đầu công việc giảng dạy, một công việc không có mức lương tốt. Để chuẩn bị cho việc cắt giảm lương của tôi, chúng tôi đã tiết kiệm khoảng 8.000 bảng. Chúng tôi biết chi phí cho hai đứa trẻ đi nhà trẻ là quá sức đối với thu nhập bình thường của chúng tôi.”

    Tiền của gia đình đã nhanh chóng cạn kiệt khiến họ không còn lựa chọn nào khác ngoài việc tiêu thẻ tín dụng vào năm ngoái để trả cho các chi phí hàng ngày bao gồm cả mua sắm thực phẩm.

    Họ cũng sử dụng thẻ để tân trang một phòng tắm đang cần sửa chữa khẩn cấp và chi tiêu Giáng sinh.

    Jane nói: “Về cơ bản, chúng tôi đã sử dụng thẻ cho bất cứ thứ gì không cần phải trả bằng tiền mặt.”

    Nghiên cứu của công ty chấm điểm tín dụng Noddle tiết lộ rằng gia đình Blackwood không phải là gia đình duy nhất phải dựa vào tín dụng để chi trả chi phí chăm sóc trẻ em. 28% phụ huynh ở Anh phải dựa vào tín dụng để đáp ứng chi phí cao trong khi trẻ em đang ở độ tuổi cần coi sóc - bao gồm cả những người có thu nhập cao.

    Các gia đình tích lũy trung bình 9.220 bảng tiền nợ trước khi con họ đến tuổi học tiểu học. Và một khi các chi phí này đã giảm xuống, các gia đình phải mất trung bình 16 tháng để trả hết nợ.

    Jane nói, “Thời hạn lãi suất 0% cho thẻ tín dụng của chúng tôi sẽ hết hạn vào năm tới. Polly đã bắt đầu đi học và chúng tôi sẽ sớm nhận được trợ cấp 30 giờ một tuần cho Bill, chúng tôi sẽ tiết kiệm được một khoản.

    "Với khoản tiết kiệm mà chúng tôi sẽ kiếm được, chúng tôi có thể tập trung vào việc xóa nợ. Chúng tôi thực sự muốn thoát khỏi nó trước khi lãi suất tăng vọt. 

    Hơn một nửa số phụ huynh (52%) trong nghiên cứu thừa nhận rằng họ không chuẩn bị đủ tài chính cho việc chăm sóc trẻ em và một tỷ lệ tương tự (55%) nói rằng những năm con cái còn nhỏ là khoảng thời gian họ chịu gánh nặng về tài chính mệt mỏi nhất.

    Nhiều người thừa nhận phải chấp nhận nhiều hy sinh, với 73% phụ huynh cắt giảm các ngày lễ và các hoạt động giải trí để đủ khả năng chăm sóc con.

    Nghiên cứu của Noddle cho thấy phần lớn (70%) phụ huynh nói rằng các tổ chức cung cấp dịch vụ chăm sóc trẻ em đã tăng mức phí trong năm ngoái.

    Các bậc phụ huynh cũng nói rằng việc tăng chi phí đang được các cơ sở trông trẻ biện minh là để đối phó với lạm phát, do tăng trưởng tiền lương hoặc do viễn cảnh không chắc chắn của Brexit.

    Gánh nặng chi phí chăm sóc trẻ em tiếp tục ảnh hưởng - và nhiều phụ huynh đổ lỗi cho Chính phủ vì thiếu sự hỗ trợ hợp lý.

    Jane nói: “Hệ thống hiện tại không công bằng đối với những gia đình làm việc chăm chỉ. Thật vô lý khi bạn phải đợi đến khi một đứa trẻ lên ba tuổi để nhận được bất kỳ sự hỗ trợ nào.

    "Đối với những người có một năm nghỉ làm sau khi đứa con của họ được sinh ra, vẫn còn hai năm chăm sóc trẻ phải chi trả trước khi được trợ cấp.

    "Thay vì tài trợ 30 giờ một tuần ở tuổi lên ba, sẽ hữu ích hơn nếu có 10 giờ miễn phí mỗi tuần kể từ khi đứa trẻ còn một tuổi.

     Nadhim Zahawi, Bộ trưởng Trẻ em và Gia đình, phát biểu: “Chúng tôi đang đầu tư khoảng 3,5 tỷ bảng Anh cho các khoản trợ cấp giáo dục sớm trong năm nay - nhiều hơn bất kỳ Chính phủ nào trước đây - để giúp phụ huynh có chi phí chăm sóc trẻ em và để mọi trẻ em được tiếp cận với giáo dục sớm chất lượng cao.

    “Hơn 700.000 trẻ em hai tuổi có hoàn cảnh khó khăn nhất đã được hưởng 15 giờ chăm sóc trẻ miễn phí kể từ năm 2013 và hơn 340.000 trẻ ba và bốn tuổi được hưởng lợi từ chế độ trợ cấp 30 giờ của chúng tôi trong năm đầu tiên, có nghĩa là cha mẹ được chi tiêu ít hơn cho việc chăm sóc trẻ hoặc có thể làm việc linh hoạt hơn.”

    VietHome (Theo The Sun)

  • Cô bé 3 tuổi Molly (Virginia, Mỹ) đã trở thành một anh hùng nhỏ cứu sống cha cô bé bị bất ngờ đột quỵ.

    Theo Fox News, vào một ngày tháng 7/2018, cô bé Molly đã nhanh trí sử dụng ứng dụng Face Time trên điện thoại của cha để gọi mẹ (là điều dưỡng khoa ICU) để cứu cha sau khi thấy cha bị đột quỵ.

    Cô bé 3 tuổi, Molly, đã gọi Face Time cho mẹ cứu ba bị đột quỵ.

    Trong khi đang chơi với cha (tên Trevor McCabe) ở nhà, cô bé Molly bỗng nhiên thấy cha mất thăng bằng té ngã và nằm dưới đất “như đã chết”. Cô bé chưa biết chữ nhưng biết dùng ứng dụng Face Time trên điện thoại.

    Cô bé gọi mẹ nhưng không thấy mẹ bắt máy trong lần đầu tiên.

    Kiên trì, cô bé gọi lại lần thứ hai thì thấy mẹ đã bắt máy. Khi vừa thấy hình ảnh mẹ trên điện thoại, cô bé òa khóc và nói không rõ. Biết mẹ không hiểu, cô bé đã quay điện thoại về phía người cha đang nằm bất tỉnh trên sàn cho mẹ thấy.

    “Tôi nghĩ chồng tôi đã chết”, mẹ cô bé (Devon) nói với Fox News. Devon đã gọi điện 911 để cấp cứu và cũng gọi cho hàng xóm nhờ chạy qua nhà để giúp đỡ.

    Sau đó, Devon nhanh chóng rời khỏi nơi làm việc và về nhà cùng lúc xe cấp cứu đến đã đưa cha cô bé vào mổ cấp cứu.

    Bác sĩ cho biết cha cô bé bị đột quỵ do tắc động mạch thân nền, vì vậy máu không được cung cấp kịp thời đến não. Điều này có thể làm tổn thương não và thậm chí có thể tử vong nếu điều trị không kịp thời.

    “May con gái Molly còn nhớ cách gọi Face Time mà tôi đã từng chỉ khi tôi gọi cho chồng tôi”, Devon nói với Fox News.

    Trước đó, một cô bé 2 tuổi (ở Kingsteignton, Devon, Anh) rất thông minh khi sử dụng FaceTime để gọi cho bạn thân nhất của mẹ khi thấy mẹ bất tỉnh trên sàn nhà. Theo đó, bé Esmé Hawkins nhìn thấy mẹ ngã xuống và đầu đập xuống sàn khi đột ngột bị dị ứng thuốc giảm đau mà mẹ dùng để điều trị giảm nhiễm trùng tai.

    Cô bé cố gắng tìm kiếm điện thoại của mẹ, mở khóa và gọi FaceTime cho cô Jess Decént (bạn thân của mẹ) để nói mẹ đang ngủ và chắc bị đau đầu, theo Daily Mail. Trong suốt cuộc gọi kéo dài bảy phút, cô Decént đã nói với bé Esmé hãy bình tĩnh và trông mẹ trong khi đó cô sẽ gọi xe cứu thương.

    Cô bé cũng được Decént dặn dò là mở cửa cho nhân viên cứu thương khi họ đến, vì mẹ dạy bé không được phép mở cửa cho người lạ vào nhà. Nhưng trong trường hợp này thì khác.

    Sau đó không lâu, nhân viên cấp cứu đến nhà và đã thấy cô bé đắp chăn lên người mẹ. Trong lúc đó, bố cô bé cũng về đến nhà, theo Daily Mail.

    Viethome (theo Thanh Niên)

  • Chúng ta nghĩ rằng con nhà nghèo sẽ có động lực vươn lên, nhưng thực tế không đơn giản như vậy. Khó khăn đôi khi bít lại các cơ hội.

    "Con phải cố lên, đời này bố mẹ cậy nhờ hết ở con". Đây là câu nhiều bố mẹ nói với con từ nhỏ. Vấn đề là, sự "dựa dẫm" này là quá rủi ro, đặc biệt khi thế hệ trẻ đang phải đứng trước quá nhiều cạnh tranh như hiện nay.


    Cha mẹ giàu con thong thả. Cha mẹ nghèo con vất vả gian nan.

    Năm 2016, Đại học Harvard công bố kết quả một nghiên cứu kéo dài 30 năm với 107 người Mỹ ở nhiều tầng lớp xã hội, từ lao động, tới thượng lưu. Theo đó, ảnh hưởng vị thế của cha mẹ tới thế hệ sau vượt xa những gì chúng ta tưởng. Ảnh hưởng này đến từ nhiều yếu tố, không chỉ về tiền bạc mà còn bao gồm độ bền vững của hôn nhân, khả năng cảm thông, mạng lưới xã hội và hiểu biết của cha mẹ. 

    Năm 1948, một phụ nữ Giang Tô tên Wang Shuzhen cùng chồng đưa 13 con tới Đài Loan. Bà Wang vốn là tiểu thư con nhà trí thức, được học chơi nhạc cụ, đánh cờ, viết thư pháp từ nhỏ. Chồng bà cũng là một doanh nhân giàu có. Không may, năm sau đó, người chồng khi trở về quê nhà lo việc làm ăn đã gặp nạn qua đời.

    Cái chết đột ngột của người chồng khiến gia đình chao đảo. Người mẹ vốn không phải đụng tới việc gì giờ phải làm việc cả ngày lẫn đêm. Để bớt gánh nặng, bà có thể cho con nghỉ học. Nhưng bà không chọn cách đó mà động viên các con nỗ lực học tập. Ngay cả lúc tài chính cạn kiệt, gia đình phải chuyển về ngoại ô, bà vẫn kiên định để các con tiếp tục đến trường, dù phải đi bộ vài kilomet. 

    Cuối cùng, 13 con của bà đều trở thành tiến sĩ ở nhiều lĩnh vực như nghiên cứu khoa học, kinh doanh, nghệ thuật, công nghệ, luật, tài chính... Ba trong số đó còn đoạt giải "Mười gương mặt trẻ tiêu biểu nhất tại Mỹ". Theo Womenofchina, bà được cựu tổng thống Mỹ Bush viết thư khen ngợi là "người mẹ vĩ đại" và tổng thống Clinton mừng sinh nhật lần thứ 100. 


    Bà Wang Shuzhen và con trai Li Changyu - một nhà khoa học pháp y, thám tử lừng danh, được ví với Sherlock Holmes đời thực. Ảnh: Visiontimes.

    Vậy có phải khi càng lâm vào khó khăn, con người càng dễ vươn lên thành công? Không hẳn.

    Nếu nói về nghèo khó, có nhiều người ở Đài Loan còn nghèo hơn gia đình Wang Shuzhen. Nhưng có bao nhiêu nhà nghèo chọn bằng mọi giá cho con đi học thay vì nghỉ kiếm tiền phụ gia đình như bà?

    Vào ngày 22/8/2017, một nam thanh niên 23 tuổi ở Thâm Quyến (Quảng Đông) đã tự tử vì muốn đi học nhưng không được bố mẹ đồng ý. Chuyện là, vì nhà nghèo, chàng trai này phải bỏ học từ cấp 2 để đi làm. Sau đó, khi kinh tế gia đình khá hơn, anh muốn đi học lại vì nhận ra sống ở thành phố cạnh tranh này, không có kiến thức thì khó ngóc đầu lên được. Thế nhưng cha mẹ anh phản đối. Cảm giác bất lực và phải mang gánh nặng quá lớn khiến anh tìm tới cái chết.

    Chúng ta nghĩ rằng khi khó khăn, người ta sẽ có động lực để cố gắng vươn lên, nhưng thực tế không đơn giản như vậy. Khó khăn đôi khi là sự bít lại các cơ hội. Tầm nhìn, hiểu biết, giá trị và quan niệm về cuộc sống của cha mẹ và các thành viên gia đình có ảnh hưởng sâu sắc tới thế hệ trẻ.

    Nhiều người thường chỉ thấy các gia đình giàu thì có tiền bạc để lại cho con cái mà không hề biết rằng họ còn truyền cho thế hệ sau nhiều thứ khác như sự hiểu biết, trải nghiệm, niềm tin, văn hóa...

    Gia đình ảnh hưởng tới đường đời của người trẻ thế nào?

    Trong nghiên cứu 30 năm, các giáo sư Đại học Harvard đã phân tích ảnh hưởng của gia đình tới cuộc đời trẻ ở các khía cạnh là trình độ giáo dục của cha mẹ, tình trạng hôn nhân, khu vực sinh sống...

    Một kết quả đáng chú ý là điều kiện gia đình ảnh hưởng lớn tới khả năng tốt nghiệp đại học của một người. Nếu bạn lớn lên trong gia đình thu nhập cực thấp, thì dù bạn có đạt điểm tốt khi học cấp 2, cơ hội bạn tốt nghiệp đại học ít hơn hẳn so với những ai điểm thấp nhưng sống trong gia đình thu nhập cao. Ngoài ra, bố mẹ càng có trình độ giáo dục cao thì sẽ càng khích lệ con cái học cao hơn. 

    Mối quan hệ xã hội của bố mẹ cũng đóng vai trò quan trọng trên con đường phát triển của con. Phụ huynh có mạng lưới quan hệ xã hội tốt, nghĩa là luôn có những người bạn có khả năng giúp đỡ con cái mình bất cứ khi nào trẻ cần tìm việc, chuẩn bị hồ sơ đi học hay lúc bị bệnh tật, đau yếu. 

    Người trẻ ở những gia đình bình dân thường không thiếu nỗ lực, sự chăm chỉ. Cái họ thiếu là khả năng nhìn thấy hướng đi. Nếu không có sự hỗ trợ của gia đình và các nguồn lực bên ngoài, trong những giai đoạn khó khăn, họ dễ bối rối, khó vượt qua. Đó là do sự thiếu định hướng cuộc đời. 

    Điều kiện kinh tế cũng tác động rất lớn tới cách giáo dục con của cha mẹ. Chẳng hạn, cha mẹ ở các gia đình tầng lớp cao có thể đọc được các lý thuyết và phương pháp dạy con mới, từ đó, trẻ cũng dễ tiếp cận trước với những bài học phát triển trí thông minh, khả năng giao tiếp... so với bạn bè ở các gia đình khó khăn. Sự bất bình đẳng từ đầu đời sẽ tăng dần theo thời gian.

    Ngay cả các thống kê về lượng sách bán ra cũng nói lên nhiều điều. Một trang thương mại điện tử cho biết, lượng sách bán ở Bắc Kinh và Thượng Hải chiếm 60% lượng bán ra cả nước.


    Cha mẹ có trình độ giáo dục cao có nhiều cơ hội tiếp cận với nhiều phương pháp mới trong việc giáo dục trẻ. Ảnh: The Conversation.

    Đây là lý do tại sao nhiều gia đình bần cùng loay hoay khó thoát khỏi đáy xã hội, trong khi các gia tộc khá giả có thể thịnh vượng hàng trăm năm. Tương tự, sau kỳ thi đại học ở Trung Quốc, các con số thống kê đều cho thấy, những người đỗ hầu hết là con các gia đình khá giả. 

    Thực tế, nhiều người vẫn giữ ảo tưởng "đọc nhiều chắc gì đã hơn". Họ luôn đưa ra các ví dụ về việc nhiều người không có nền tảng giáo dục và gia đình tốt trong những năm đầu đời và chỉ dựa vào nỗ lực cá nhân để vươn lên tầng lớp cao hơn trong xã hội. Nhưng điều đó xảy ra không nhiều, đa số là khi "gặp thời" hay cộng một số yếu tố khác. 

    Dữ liệu gần đây của Đại học Thanh Hoa (Bắc Kinh), số sinh viên nông thôn tại các đại học lớn ở Trung Quốc đã giảm từ những năm 1990. Tỉ lệ sinh viên nông thôn tại Đại học Bắc Kinh đã giảm từ 30% xuống 10% và sinh viên nông thôn ở Đại học Thanh Hoa năm 2010 chỉ chiếm 17%. 

    Có thể thấy, nhiều bố mẹ luôn hy vọng vào thế hệ sau, mà không hiểu rằng: Trong gia đình, chính bố mẹ mới là người đầu tiên cần nỗ lực, dù là để đạt tầm cao mới về vật chất hay tri thức... Họ quên rằng, khả năng vươn lên trong xã hội giống như một cuộc đua tiếp sức gia đình, và mỗi thế hệ đều phải nỗ lực hết mình, không thể chỉ trông chờ vào thế hệ sau. 

    Mẹ của Bill Gates từng là doanh nhân và có mối liên quan mật thiết với ban giám đốc công ty máy tính IBM. Năm 1968, khi nhiều trường cao đẳng và đại học Mỹ còn chưa có máy tính, trường tư Bill Gates học đã có máy tính PDP-10 cho ông và các bạn học lập trình cơ bản. 

     Cha Buffett là một thành viên của quốc hội. Khi 8 tuổi, Buffett đã tới sở giao dịch chứng khoán New York. Bố ông là giám đốc của một ngân hàng đầu tư đa quốc gia thu hút sinh viên các trường hàng đầu thế giới.

    Ngay cả các tên tuổi lớn của ngành công nghệ Trung Quốc hầu hết cũng đều xuất thân từ các gia đình có điều kiện tốt nhất.

    Nhìn vào thực tế trên không phải để hoảng hốt: "Vậy 'cái khó cứ bó cái khôn' mãi sao" và lo lắng rằng thế hệ sau sẽ thua ngay từ vạch xuất phát nếu bố mẹ ở vị trí thấp. Thay vào đó, chính bố mẹ cần không ngừng nỗ lực và đừng đặt hết kỳ vọng vào thế hệ sau hay phàn nàn rằng thế hệ trước đã không để lại bước đệm cho mình. Chính mình hãy trở thành điểm tựa tốt hơn cho con cháu sau này. 

    Viethome (theo VnExpress)

  • Dù con đứng đầu một cuộc thi khoa học, ông bố Trung Quốc vẫn cảnh báo 'tương lai duy nhất của con phải là thắng cuộc'.

    Gar Jun (11 tuổi, năm 2019) hiện sống ở Birmingham (Anh) cùng với cha mẹ người Trung Quốc đang có hai nhà hàng tại đây. Cậu bé đã gây ấn tượng mạnh với ban giám khảo và khán giả khi lọt vào vòng tứ kết của chương trình đố vui Channel ở Anh, nhất là biểu hiện xuất sắc trong vòng thi khoa học, trong cuộc thi mới đây.

    Gar Jun 11 tuổi đã vượt qua nhiều người hơn tuổi khác giành vị trí đứng đầu. Ảnh:The Sun.

    Tuy nhiên có nhiều kiến thức mới khiến người chơi dù lớn tuổi cũng không trả lời được và Gar Jun cũng không ngoại lệ. Dù vậy cậu bé hiện vẫn dẫn đầu bảng xếp hạng.

    Khán giả sốc vì khả năng của cậu bé, nhưng họ sốc hơn trước phản ứng cha mẹ em. Ngay sau khi kết thúc cuộc thi, người dẫn chương trình đã phỏng vấn cha mẹ Gar Jun. Bố Gar Jun cảnh báo "tương lai duy nhất của con là phải thắng cuộc". Mẹ cậu bé thậm chí cho biết thành tích khiến bà thất vọng, theo The Sun.

    Hoá ra Gar Jun được nuôi dạy theo "mô hình quân đội" vô cùng nghiêm khắc. Sinh ra ở Trung Quốc, năm ba tuổi cậu đến Birmingham cùng bố mẹ. Cha mẹ khuyến khích cậu "tự học" từ nhỏ. Gar Jun không nói tiếng Anh khi đến đây nhưng sau ba tháng thì cậu bé đã nói trôi chảy ngôn ngữ thứ hai này.

    Người mẹ áp dụng chế độ giáo dục nghiêm ngặt lên con. Ảnh: The Sun.

    Câụ đọc thông viết thạo năm 3 tuổi, đến 4 tuổi đã thành thạo bảng nhân. Năm tám tuổi, kỹ năng piano và violin của Gar Jun đã vượt qua bài kiểm tra cấp độ 5.

    Trong khi những đứa trẻ khác chơi game, đá bóng sau giờ học thì Gar Jun giải phương trình hoặc nghiên cứu ADN. Trong ngắn ngủi, cậu bé trở thành một "thiên tài" ở lớp với thành tích đầu bảng. Dù còn bé, cậu đã được mời đến khoa Sinh học tại Đại học Birmingham để nói chuyện với giáo sư và khiến những chuyên gia ở đây bất ngờ trước kiến thức về tế bào và ADN.

    Bố mẹ Gar Jun căng thẳng và buồn trước biểu hiện của con trong cuộc thi. Ảnh: The Sun.

    Thành tích của Gar Jun có liên quan mật thiết đến cách giáo dục của cha mẹ. Bà Faye cho biết mỗi buổi học của con trai đều rất tập trung và chỉ có 3 phút thư giãn giữa các môn học.

    Tuy nhiên, kiểu giáo dục "mẹ hổ" của Trung Quốc này một lần nữa lại gây ra cuộc tranh luận trên Internet. "Kỳ vọng của mẹ Trung Quốc quá cao. Cậu bé đã thể hiện rất tốt và bây giờ cậu ấy có mặt trên bảng xếp hạng, nên ăn mừng", một người nói. "Trẻ em nên được phép phạm sai lầm, đó là một phần trong sự phát triển của chúng", người khác bình luận...

    Viethome (theo VnExpress)

  • Tôi thấy thương cho dân Châu Á mình, nhất là Việt Nam và Trung Quốc, chúng ta đi chơi là để...chụp hình!

    Tôi còn nhớ đó là một buổi trưa hè trời rất đẹp ở Venice. Gió và nắng nhẹ. Tôi lang thang ở quảng trường vắng gần một nhà thờ cổ thì thấy có một cặp vợ chồng mang theo 1 đứa con nhỏ dạo ở đây. 

    Cô bé chạy chơi với bầy chim. Chim ở Châu Âu nói chung và ở Venice nói riêng cực kỳ thân thiện. Cô bé đang chơi thì mẹ cô thong thả rút ra một mẩu bánh mì. Rồi cô bé ngồi bệt xuống đất bắt đầu cho chim ăn. Bé cẩn trọng, đáng yêu, đút từng mẩu bánh cho từng chú chim.

    Tôi ngồi đó quan sát em. Và cha mẹ em nữa. Trên đôi mắt cặp vợ chồng trẻ là niềm hạnh phúc bất tận long lanh khi nhìn con chơi đùa. Họ cười một nụ cười tỏa nắng và dựa đầu vào nhau.

    buc anh the hien su doi lap 1

    Cô bé chơi chừng 20 phút thì có một cặp vợ chồng du khách người Trung Quốc đi qua. Có một cô bé khác cũng thấy đàn chim. Cô bé lân la đến. Và tôi đọc trong mắt em là sự thèm muốn được vào cuộc với cô bé kia. Cô đứng đó chừng 2, 3 phút thì ba bé chạy đến và chụp ảnh lia lịa... con gái với chim. Xong kêu bé tạo dáng để chụp các kiểu. Con bé ngoan ngoãn làm xong phận sự rồi lại ngắm cô bé cho chim ăn. Lúc này tôi nghe tiếng mẹ em the thé (xin lỗi cho dịch đúng nguyên bản vì tiếng Hoa tôi khá tốt): ''Nhanh nhanh lên để còn đi chỗ khác chụp hình!''.

    Cô bé luyến tiếc mãi. Mẹ lại dụ: Chim có ở mọi nơi mà con. Lát nữa mình lại thấy các bạn chim mà.

    Cô bé vẫn đứng đó. Lúc này ba cô quát ầm lên làm chim bay hết và thay đổi cả không gian nơi này: ''Mau lên! Chim với chả chóc!'' Rồi ông xốc đứa bé và lôi nó xềnh xệch trong tiếng khóc ré của con và tiếng lầm bầm của chị vợ!

    Cặp vợ chồng người Châu Âu nhìn, khẽ lắc đầu, rồi họ trở lại cuộc sống yên tĩnh vốn có. Chim lại bay về và cô bé ngẩn ra một lúc lại cho chim ăn và nô đùa với chúng.

    Tôi thấy thương cho dân Châu Á mình. Nhất là Việt Nam và Trung Quốc, chúng ta đi chơi là để...chụp hình. Không phải chụp cảnh vì yêu thích và cảm nhận mà ảnh nào cũng phải...có mình! Chụp mình hay chụp cảnh?

    Ừ thì thôi cũng được. Nhưng trẻ con không cần những thứ như thế. Trẻ con cần là được cảm nhận, được hòa vào thiên nhiên.

    Nhìn hai đứa trẻ ấy xem, một đứa con nhà giàu Trung Quốc đó còn một đứa là bố mẹ cũng chỉ là dân backpacker, hai gia đình không hề nghèo hơn nhau mẩu bánh mì nhưng cách xử sự rất khác nhau. Đứa trẻ kia được hòa vào thiên nhiên, học cách sống với chính mình, trân quý cuộc sống và yêu thương muôn loài. 

    Trên hết trong em là những kỷ niệm đẹp và đầy tình yêu. Mà trên hết là tình yêu sáng suốt mà cha mẹ dành cho em. Khi lớn lên, em không cần biết là giàu hay nghèo, đều có thể sống hạnh phúc và tỏa sáng theo cách của em. Mọi người sẽ trân trọng em như một con người thực sự!

    buc anh the hien su doi lap 1

    Đứa trẻ Trung Quốc, những tấm ảnh bày đủ loại kiểu dáng ấy có thể mang đến cho cha mẹ em niềm hãnh diện, hoặc sưu tập những tấm ảnh đẹp cho con, để rồi sao? Khi nhìn những tấm ảnh đó là sự nuối tiếc về một kỷ niệm buồn buồn và tiếc nuối đối với đứa trẻ. Đứa trẻ ở đâu cũng vậy, cũng trong sáng và thánh thiện. Nhưng người lớn chúng ta nợ con chính bản thân con. Chúng ta hủy hoại đứa trẻ.

    Những tấm ảnh ấy rồi sao, mỗi lần nhìn lại là một sự tự mãn, tự mãn vì mình đã đi qua nơi này, vì mình... trên người khác. Nếu được khen thì tốt, bị chê thì ghét, bảo người ta... gato mình. Thế thì mình đang dạy con những gì: tự phụ (bệnh của rất nhiều trẻ học trường "có yếu tố quốc tế" bây giờ), cao ngạo, vô cảm, khoe mẽ... nhưng hoàn toàn thiếu hạnh phúc đích thực và thiếu cảm nhận cuộc sống sâu sắc. Đứa trẻ đó lớn lên có thể giàu có và thành công, nhưng người ta không nhớ về em, người ta có thể xu nịnh em nhưng hoàn toàn không trân quý em!

    Cùng một hoàn cảnh, cùng một thời điểm vậy mà đã cho ra đời hai đứa trẻ khác nhau đến thế!

    Tôi nghĩ cái thời ngày xưa nghèo khó không được đi du lịch mà chắc mình chỉ ngồi dưới gốc cây mơ mộng mà còn có nhiều thời gian cảm nhận về cuộc sống hơn là bây giờ!

    Tôi biết nhiều bậc phụ huynh cho con đến trường chỉ để xem cô giáo có thương con không là đủ. Chính mình cũng nghĩ cưng nó thôi là đủ. Cho nó đi chơi thì bảo con con chơi cái này đi, đừng chơi cái kia bẩn, cái này hay nè, tốt nè ! Rồi nó bỏ không thèm chơi nữa hay khóc ré lên.

    Ta tự hỏi mình cho con nhiều thế, cho nó ăn uống vất vả thế mà nó vẫn... không hài lòng. Nó vẫn... bất hiếu. Rồi ta vin vào chữ hiếu, khiên cưỡng bắt con có hiếu. Ta tước đoạt cái đẹp trong con trắng trợn để thỏa mãn lòng tham, rồi bắt đứa trẻ đó phải cảm ơn mình.

    Nhìn lại xem mình làm gì với đứa trẻ và mình đã bị làm gì khi còn là 1 đứa trẻ?

    Chính chúng ta không hiểu và không phân biệt nổi đâu là tình yêu đích thực, đâu là tình yêu khiên cưỡng và gông cùm vào thứ gọi là: trách nhiệm phải yêu.

    Đứa trẻ nó không cảm nhận giống bạn, bạn đến một nơi, chụp chụp đủ thứ hình ảnh, ăn uống, khách sạn... 

    Đứa trẻ về cuối cùng chỉ nhớ mỗi cái... hồ bơi dù nó đi biển, hay chỉ nhớ mỗi cái hoa bồ công anh dù bạn có hàng trăm hoạt động ở trên núi! Hãy nhìn bằng cảm nhận của con hay ít nhất là để con được tự do! Đừng cố lấy cái nhìn của mình áp lên tâm hồn non nớt và trong trẻo của con. Hãy để con cảm nhận cuộc sống theo cách của con!

    Tôi thích đi du lịch một mình, hoặc với trẻ con, vì các em trong sáng, chụp ảnh các em vui chơi là một điều cực kỳ thú vị, chụp ảnh cuộc sống và con người nơi đó cũng vậy, đưa được hồn nơi ấy vào trong ảnh là một công việc khó khăn và nâng cao tâm hồn mình.

    Tôi yêu du lịch và cuộc sống xê dịch đó đây, ở đó ta cảm nhận thế giới rất khác. Nếu một lần nào đó đi du lịch mà bạn quẳng cái máy chụp hình đi mà cảm nhận thôi, hoặc chỉ chụp khi cảm được nơi ấy thôi. Bạn sẽ thấy mỗi một ngọn cây đã nói với bạn bao điều. Bạn sẽ nhớ hết vì bạn sợ quên mất. Sẽ yêu vì bạn thổi chính mình vào đó. Vào những buổi chiều trên những lâu đài cổ với những đàn chim hay chỉ là một cánh đồng xanh cuộn sóng mùa lúa chín.

    Đừng đi xem hoa sen mà chỉ để uốn éo với cái hoa.

    Riêng về trẻ em, xin đừng đầu độc con bằng chính tâm hồn bị nhiễm bẩn của mình, ít nhất hãy theo con và cho con là chính mình. Hãy để ý xem hành động của mình xây dựng một đứa trẻ như thế nào.

    Còn tôi, chỉ muốn đi du lịch một mình!

    Tác giả: Catherine Yên Phạm

    Viethome

  • 5 ngày đầu tiên ra đường, con trai tỷ phú kim cương Ấn Độ không kiếm được việc làm và chỗ ở, phải xoay xở để có tiền ăn.

    Savji Dholakia, 57 tuổi, là một trong những tỷ phú kim cương giàu có bậc nhất Ấn Độ. Không chỉ nổi tiếng bởi khối tài sản khổng lồ, ông Dholakia và gia tộc mình (chuyên sản xuất và xuất khẩu kim cương) còn khiến nhiều người ngưỡng mộ bởi cách giáo dục con khác biệt.

    Năm 2016, cậu con trai duy nhất của ông Dravya Dholakia, khi đó 21 tuổi, học MBA tại Mỹ trở về nhà trong một kỳ nghỉ. Không để con trai có thời gian nghỉ ngơi lâu, ông đã yêu cầu Dravya phải tới một thành phố lạ, nơi không ai biết cậu là ai, phải tự xin việc, kiếm tiền tồn tại trong vòng một tháng.

    “Tôi đã đưa ra 3 điều kiện cho con: Thứ nhất phải tự làm việc kiếm tiền và sau mỗi tuần phải thay đổi công việc. Thứ hai, con không được nói là con tỷ phú, và cuối cùng là không được sử dụng điện thoại di động. Tôi muốn con mình hiểu ý nghĩa cuộc sống, hiểu cách những người nghèo phải đấu tranh thế nào để có được một công việc và có tiền để tồn tại. Không trường đại học nào có thể dạy con những kỹ năng sống này, ngoại trừ những kinh nghiệm thực tế”, ngài tỷ phú chia sẻ trên tờ Timesofindia.

    Cậu con trai tỷ phú Dravya đã phải tìm nhiều việc để tự trang trải cuộc sống trong một tháng. Ảnh: Timesofindia.

    Dravya chấp nhận thử thách và quyết định tới thành phố Kochi, nơi cậu chưa từng đặt chân đến và không rành tiếng bản địa ở đó. Cậu chỉ được phép mang ba bộ quần áo và 7,000 rupee (khoảng 100 đôla), được dặn chỉ tiêu số tiền này trong trường hợp khẩn cấp. Chàng trai trẻ chuẩn bị sẵn tinh thần đối mặt với khó khăn, nhưng những gì diễn ra trên thực tế còn khủng khiếp hơn nhiều so với những gì cậu tưởng tượng.

    “5 ngày đầu tiên tôi không kiếm được việc làm hoặc một chỗ ở thích hợp. Tôi thất vọng vì bị tới 60 nơi từ chối. Không ai biết tôi là ai. Đó là quãng thời gian tôi hiểu thế nào là thất bại, và giá trị để có một công việc”, Dravya chia sẻ.

    Dravya cuối cùng cũng xin được làm trong một tiệm bánh. Cậu đã nói dối với ông chủ rằng đang là học sinh lớp 12, và sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo. Kế tiếp, Dravya làm việc ở tổng đài điện thoại, rồi ở một tiệm giày và thậm chí là chạy bàn ở nhà hàng McDonalds. Cậu chỉ kiếm được 60 đôla trong một tháng.

    “Trước đây, tôi chưa bao giờ lo lắng về tiền bạc nhưng ở đây tôi phải xoay sở để có tiền ăn, mỗi bữa chỉ 0,6 đôla. Tôi cần phải kiếm thêm 4 đôla mỗi ngày để trả tiền nhà trọ”, Dravya Dholakia kể lại.

    Tỷ phú Savji Dholakia từng chia sẻ rằng gia tộc Dholakia đã duy trì truyền thống “đẩy con ra đường trải nghiệm” suốt 17 năm qua. Nhiều chàng trai trong gia đình đều phải rời cuộc sống sang chảnh để thử đối mặt với những khó khăn, tự tìm việc và kiếm tiền trong một khoảng thời gian.

    Năm 2017, Hitarth Dholakia, hiện 25 tuổi, tốt nghiệp Cử nhân Quản trị Kinh doanh ở Mỹ trở về nhà, cũng được bố mẹ đề nghị tới thành phố Hyderabad để trải nghiệm giống như em họ mình. Hitarth nhận được yêu cầu này ngay tại sân bay.

    Chỉ với 500 Rupee (khoảng 7 đôla), Hitarth phải cố gắng kiếm tiền lo 2 bữa ăn mỗi ngày. Thậm chí, cậu phải sống trong căn nhà đi thuê cùng 17 người khác với giá thuê 100 Rupee (gần 1,5 đôla). Sau đó, Hitarth tìm được công việc ở một công ty liên doanh với mức lương 4.000 Rupee/tháng (khoảng 57 đôla). Tuy nhiên, cậu chỉ làm ở đây 5 ngày rồi bỏ việc theo yêu cầu, phải thay đổi công việc mỗi tuần một lần.

    Hitarth cũng phải lăn lộn kiếm việc, có tiền nuôi thân. Ảnh: Timesofindia.

    Tiếp đó, cậu xin được làm về marketing tại một cơ sở sản xuất nhưng cũng chỉ làm 5 ngày và kiếm được 1.500 Rupee (khoảng 21 đôla). Trong 4 tuần, Hitarth nhảy việc 4 lần và kiếm được 5.000 Rupee (khoảng 71 đôla).

    Chia sẻ với báo chí, cô em gái Hitarth cho hay: “Tôi bị sốc khi đến những nơi anh trai sống và làm việc. Đó là công việc khó khăn và hoàn cảnh khó tin với chúng tôi. Tôi tự hào về anh trai và gia đình tiếp tục giữ truyền thống này để giúp các con có nền tảng, tôn trọng mọi người và hiểu tầm quan trọng của tiền bạc”.

    Cũng trong năm đó, Dhruv Dholakia, một người anh em khác, khi đó 18 tuổi, cũng đã tới miền Nam Ấn Độ trong một tuần để thử trải qua cảm giác sống như một người bình thường.

    Dhruv vào một cửa hàng cà phê để xin việc nhưng bị từ chối vì đã đủ người. Sau đó, anh chàng vẫn nỗ lực xin và cuối cùng được làm nhân viên phục vụ ở đó một tuần. Dhruv xin nghỉ với lý do gia đình có việc, và trở lại quán vào 5 ngày sau. Khi đó, anh chàng mới tiết lộ gia thế thật là thành viên trẻ nhất của tập đoàn sản xuất kim cương hàng đầu thế giới SRK.

    Dhruv (áo đỏ) thử cảm giác làm việc trong một quán cà phê trong một tuần. Ảnh: Timesofindia.

    Như một cử chỉ để cảm ơn ban quản lý và nhân viên của công ty, Dhruv cũng tặng họ những món quà quý giá bao gồm kim cương quý, đồng hồ, quà tặng tiền mặt và những cây bút đắt tiền…

    “Để có được những bài học cuộc sống, hãy tự mình trải nghiệm. Nó sẽ đem lại những kinh nghiệm thực tế không nơi nào dạy cho bạn”, vị tỷ phú Savji Dholakia chia sẻ trên trang cá nhân.

    Viethome (theo VnExpress)

  • Cậu bé 13 tuổi béo tròn đến khám bác sĩ nổi tiếng ở Chiết Giang (Trung Quốc), và mẹ cậu bật khóc khi biết con gần như đã ngừng lớn.

    Bác sĩ Yu Shaozhen làm việc ở phòng khám tăng trưởng và phát triển đợt Tết vừa qua. Ông nhận thấy ngày càng nhiều cha mẹ đưa con đi khám trong kỳ nghỉ đông. Ông khám cho 60 đứa trẻ mỗi ngày ở đây, nhưng chỉ có 30 đứa đang phát triển bình thường. Tình trạng chung là cha mẹ luôn đặt ưu tiên tăng trưởng và phát triển của trẻ đứng sau việc học tập và rèn luyện.

    Nhiều cha mẹ chỉ mải cho con học mà quên mất rằng sự vận động là yếu tố tốt nhất giúp trẻ tăng trưởng.

    "Hậu quả thật buồn. Cha mẹ muốn con họ giành chiến thắng ở vạch xuất phát, kết quả là trẻ có thể giành thứ hạng cao về điểm số, nhưng lại giảm về chiều cao", Yu Shaoxuan - một chuyên gia về tăng trưởng và phát triển, cựu giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Xương của Bệnh viện Thể thao Chiết Giang, cho biết trên Sound of Zhejiang.

    Một cậu bé 13 tuổi, Hui Hui, đến phòng khám. Huihui cao 1,62 mét trong khi chiều cao tiêu chuẩn của một cậu bé cùng tuổi là 1,6 mét. Từ chỉ số này, dường như không có vấn đề gì. Nhưng cơ thể mập mạp, khuôn mặt tròn, đeo một cặp kính lớn, lại cho thấy Huihui, với cân nặng 60 kg, là béo toàn diện. 

    "Bác sĩ Yu, con trai tôi đã không cao thêm hơn một năm. Ông có thể giúp tôi không?", mẹ của Hui Hui hỏi một cách lo lắng. 

    Bác sĩ Yu Shaozhen không lo lắng khi xem qua cơ thể cậu bé. Đầu tiên ông trò chuyện với Huihui, về việc học, về việc gặp gỡ ông bà, ăn vặt của cậu bé. Sau vài câu hỏi, cậu bé đã trả lời trôi chảy và tự tin. "Cảm giác rất rõ ràng sau khi giao tiếp với cậu bé. Đây là một đứa trẻ rất thông minh. IQ chắc chắn không hề thấp", ông nói. 

    Nhưng khi xem phim về tuổi xương của Hui Hui, lông mày của Yu Shaozhen nhăn lại: "Tuổi xương đã 15 tuổi rưỡi, sớm hơn hai năm rưỡi, nghĩa là Hui Hui thấp hơn hai tuổi rưỡi so với chiều cao dự kiến".

    "Thật không may, cậu bé chỉ có thể cao đến 1,65 m trong cuộc đời", bác sĩ Yu Shaozhen vừa nói xong, nước mắt mẹ Hui Hui đã không thể ngừng chảy. "Chúng tôi cho cháu những điều tốt nhất, và cháu đã học rất tốt. Làm sao nó lại không lớn được?".

    Yu Shaozhen dự đoán từ chiều cao di truyền của cha mẹ Hui Hui rằng cậu bé thực sự có thể cao đến khoảng 1,73 mét, và hậu quả này là do cách giáo dục Huihui. 

    Cha mẹ của Huihui đều là những người giỏi, và họ luôn sợ rằng Hui Hui sẽ thua ngay từ đầu. Từ khi cậu vào tiểu học, những ngày cuối tuần của cậu là có mặt ở đủ mọi lớp học khác nhau.  

    Trong học tập, Hui Hui đã không làm thất vọng sự mong đợi của cha mẹ. Cậu là học sinh giỏi từ nhỏ, thậm chí giành được giải thưởng trong Thế vận hội tỉnh. Điểm số của cậu luôn đứng đầu. Ông bà luôn chuẩn bị cá, thuốc bổ, hải sâm cho cậu bé. "Công thức bí mật" như gà hầm được gửi đến nhà Hui Hui ba lần mỗi tuần. 

    Và giờ đây, béo phì đã gây ra dậy thì sớm ở cậu bé, xương cơ bản bị đóng trước tuổi và Hui Hui bỏ lỡ cơ hội lớn lên trong hai năm rưỡi tới. 

    Một ví dụ khác khiến bác sĩ Yu Shaozhen thấy tiếc là cô gái 16 tuổi xinh đẹp Xiaoling. Khi cô bước vào cửa, ông nhận ra cô là một đứa trẻ được đào tạo về khiêu vũ chuyên nghiệp, cử chỉ rất bài bản. 

    Khuôn mặt của Xiaoling rất đẹp, với đôi mắt to, mũi khá cao. Sau 7 năm luyện tập vũ đạo, cô bé thon thả và thanh lịch hơn, nhưng chiều cao của cô vẫn luôn là nỗi buồn của cha mẹ.

    "Con gái chúng tôi rất xinh đẹp từ khi còn nhỏ. Nó cũng thích khiêu vũ, chúng tôi đang lên kế hoạch để nó phát triển theo hướng nhảy chuyên nghiệp. Bây giờ đơn vị nghệ thuật có yêu cầu về chiều cao đối với chuyên ngành khiêu vũ, con bé lo lắng mình sẽ không đạt tiêu chuẩn, vì vậy chúng tôi đến đây thử xem", cha của Xiaoling nói.

    Cha của Xiaoling cao 1,7 mét và mẹ cô cao 1,56 mét. Hai người không cao. Bác sĩ Yu Shaozhen tính chiều cao di truyền của Xiaoling, chỉ khoảng 1,56 mét, thấp hơn mức 1,65 mét là yêu cầu của chuyên ngành nhảy cổ điển. 

    "Con của các bạn được nuôi dưỡng tốt và đã đạt đến giới hạn tối đa mà chiều cao di truyền có thể đạt được. Đừng cố đẩy con vào một lĩnh vực mà cháu sẽ thua ngay ở điểm xuất phát", câu nói của Yu Shaozhen thực sự đã khép lại con đường nghệ thuật với Xiaoling. 

    Làm thế nào cha mẹ có thể giúp con mình đạt được chiều cao tối đa?

    "Trẻ chỉ tăng trưởng và phát triển đến 14-16 tuổi, điều đó có nghĩa là một phần năm thời gian cuộc đời sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến toàn bộ thời gian còn lại", Yu Shaozhen nhắc nhở, "một khi đã mất, chắc chắn sẽ không bù đắp được".

    Có hai giai đoạn tăng trưởng nhanh chóng trong quá trình lớn lên của trẻ - lúc nhỏ và thiếu niên. Trẻ từ 1 đến 3 tuổi có thể cao thêm khoảng 46 cm và tăng 25-28 cm trong ba năm tiếp theo. Trong khoảng thời gian ngắn sáu năm này, trẻ có thể cao thêm 74 cm.

    Giai đoạn thứ hai trẻ cao lên mạnh mẽ là thời niên thiếu. Hai giai đoạn này là điều quan trọng để xác định chiều cao của tuổi trưởng thành. 

    Theo quan điểm của Yu Shaozhen, tuổi dậy thì quan trọng hơn lúc nhỏ: Dù lúc nhỏ trẻ bị ảnh hưởng, nhưng miễn là các yếu tố ảnh hưởng đến việc tăng chiều cao được điều chỉnh kịp thời, thì trẻ vẫn có đủ thời gian để bắt kịp sự phát triển và thậm chí đuổi kịp các bạn cùng độ tuổi. Trong giai đoạn dậy thì, xương dần dần đóng lại, việc bỏ lỡ ở thời kỳ này đồng nghĩa trẻ đã bỏ qua giai đoạn vàng để cao lên đột ngột. 

    Một lượng lớn các nghiên cứu khoa học đã chứng minh rằng việc thiếu ngủ dài ngày và không tham gia các môn thể thao ngoài trời có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc tiết hormone tăng trưởng, từ đó ảnh hưởng đến xương, không tạo ra được sự kích thích lành tính. Nhịp sống cường độ cao kéo dài và thói quen ăn uống không hợp lý, không hoạt động có thể gây ra béo phì ở trẻ, dẫn đến rối loạn dậy thì sớm, bệnh chuyển hóa, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự tăng trưởng và phát triển. 

    "Chúng ta nên học hỏi kinh nghiệm nuôi dạy con cái ở nước ngoài", Yu Shaoxuan khuyến cáo. Ông cho rằng ở nhiều nước phương Tây, không có việc "dạy học" với nhóm trẻ mầm non, và hầu hết tất cả chúng đều khỏe mạnh, phát triển nhanh theo quy luật tự nhiên. Từ tiểu học đến trung học cơ sở, thời gian học của trẻ về cơ bản được kiểm soát trong 5-6 tiếng mỗi ngày, và thời gian khác để trẻ vận động, có sở thích riêng, giúp trẻ tăng trưởng tự do và lành mạnh. 

    Trước 14 tuổi, trẻ sẽ lớn nhanh khi chúng có đủ thời gian ngủ, tập thể dục tốt, dinh dưỡng hợp lý và thói quen tốt, không có các yếu tố ảnh hưởng đến chiều cao. Sau khi vào cấp ba, việc học trở nên nặng nề hơn, nhưng vào thời điểm này, toàn bộ sự tăng trưởng về cơ bản đã kết thúc. Do vậy, với một cơ thể khỏe mạnh, cao lớn, trẻ có thể chịu được áp lực học tập lớn hơn. 

    Viethome (theo VnExpress)

  • Cặp vợ chồng Canada gốc Trung Quốc không thể nghĩ rằng việc giám sát con 24/24 khiến cô bé không chịu nổi và đã thuê người gây tội ác.

    Mới đây, một bộ phim hoạt hình ngắn dài 7 phút có tên "Bao baby" đã giành giải thưởng phim hoạt hình ngắn hay nhất và đang tạo ra làn sóng bình luận trong cộng đồng mạng Trung Quốc.

    Đạo diễn Shi Zhiyu (váy đen) được trao giải phim hoạt hình ngắn xuất sắc qua bộ phim tái hiện cách nuôi con bao bọc của cha mẹ Trung Quốc. Ảnh: Sina.

    Câu chuyện diễn ra trong một gia đình điển hình ở nước này. Một người phụ nữ khéo léo làm bánh bao cho chồng, nhưng người chồng chỉ ăn mấy cái rồi vội lấy cặp đi làm, ngay cả lời tạm biệt cũng không nói. Bà nội trợ lại trải qua một ngày cô đơn và buồn tẻ.

    Tuy nhiên, hôm nay một sự cố ngoài ý muốn đã xảy ra. Một cái bánh nhỏ mà người chồng chưa ăn đã biến thành hình dạng con người và khóc như một đứa trẻ. Người phụ nữ nhanh chóng nảy sinh tình cảm với thứ đồ nhanh nhẹn đáng yêu này. Bà xem như đứa con trai bé bỏng của mình và đặt tên là "Bao baby". Dưới sự chăm sóc của mẹ "Bao baby" lớn lên từng ngày.

    Sau khi lớn lên "Bao baby" bắt đầu mong muốn không gian cá nhân của mình, không thích người mẹ kiểm soát hoàn toàn cuộc sống của bản thân. Còn người mẹ vì lo lắng "Bao baby" sẽ bị thương và bị bắt nạt nên càng bảo vệ nghiêm ngặt hơn... Do đó, mâu thuẫn giữa mẹ và con dần nảy sinh.

    Để thoát khỏi sự kiểm soát quá mức của người mẹ, "Bao baby" bỏ nhà ra đi, khiến người mẹ lại quay về cô đơn một mình. Khi đứa trẻ trở về nhà lần nữa, cậu đã mang theo một vị hôn thê tóc vàng về cùng để chính thức chia tay mẹ. 

    Người mẹ hoàn toàn sụp đổ. Vì không muốn đứa trẻ rời đi, bà đã cầm chiếc bánh nuốt vào bụng để đứa bé không bao giờ rời khỏi mình. Tuy nhiên, người mẹ sau đó đã ngã xuống đất và bật khóc...

    Câu chuyện có vẻ ngớ ngẩn nhưng lại là câu chuyện bản thân đạo diễn từng trải. Shi Zhiyu di cư sang Canada cùng bố mẹ khi mới 2 tuổi. Vì bố luôn bận rộn công việc nên không có thời gian dành cho cô. Mọi việc từ đi học, ăn uống đều do mẹ quán xuyến. Cũng giống nhiều đứa trẻ ở Trung Quốc, cô chấp nhận sự bảo vệ quá mức và kiểm soát áp lực cao từ mẹ. Ngay cả cảnh đau lòng nhất trong phim ngắn cũng chính là lời thực mẹ từng nói với cô: "Mẹ thực sự muốn đặt con trở lại trong bụng để mẹ luôn biết con đang ở đâu". Tình yêu và sự đấu tranh đằng sau câu nói này không phải là mối quan hệ cha mẹ và con cái còn tồn tại trong thực tế của chúng ta sao?

    Nhà vô địch Olympic Guo Yue cũng là nạn nhân như "Bao baby". Guo Yue bị cha ép buộc tập luyện bóng bàn. Hiện anh đã 30 tuổi vẫn phải sống với bố.

    Năm ngoái, nam diễn viên Zhu Yuchen đã đưa mẹ mình đến một chương trình truyền hình thực tế. Tuy nhiên, người mẹ đã khiến khán giả khá sợ hãi. Yuchen mặc dù đã 38 tuổi, nhưng cuộc sống của anh vẫn bị mẹ giám sát hoàn toàn. Mẹ Yuchen không cho phép con trai nấu ăn. Mỗi sáng bà dậy rất sớm để nấu súp cho con trai. Bất kể anh đang làm gì vào thời điểm đó đều phải tạm dừng để ăn món súp do mẹ chuẩn bị.

    Người mẹ bao bọc đến mức con trai 40 tuổi không yêu, không kết hôn. Ảnh: Sina.

    Ngay cả khi con trai nhận kịch bản, người mẹ cũng tham gia: "Tôi không muốn thấy con trai mình bị người khác đánh đập, vì vậy nó không được phép chọn các bộ phim truyền hình võ thuật". Trang cá nhân của Yuchen cũng bị mẹ giám sát  mọi hành động và phát ngôn. Những lúc Zhu Yuchen có chút bất đồng, mẹ anh sẽ bẻ lái bằng cách khuyên bảo: "Mẹ đang làm mọi thứ cho con." "Mẹ dùng cả đời này chỉ để đối xử tốt với con"...

    Tuy nhiên, tình yêu quá mức này đã trở thành "chất độc" cho con trai bà. Bây giờ Zhu Yuchen gần 40 tuổi. Sự nghiệp diễn xuất của anh không có gì đặc sắc, đời sống tình cảm cũng trống rỗng. Anh không yêu và cũng không kết hôn.

    Trong ngành giải trí Đài Loan, một nữ diễn viên cũng chia sẻ về việc nuôi dạy con nghiêm khắc của mình trong một show thực tế. Về ăn uống, cô dành 7 tiếng mỗi ngày để nhìn chằm chằm con trai mình và thúc giục con ăn hết tất cả các thức ăn mà cô chuẩn bị. Ngoài việc theo dõi chặt chẽ quần áo, thức ăn và chỗ ở của con trai, cô còn kiểm soát hành vi: không được phép hành động đơn độc trước 18 tuổi, không được dùng điện thoại di động...

    Lớn lên trong một môi trường khép kín và áp lực của mẹ, con trai cô bắt đầu có tính cách cực đoan và yêu thích súng.

    Con trai của nữ diễn viên Di An bị bắt giữ vì dùng súng đe dọa trong khuôn viên trường, một phần do cách giáo dục khắc nghiệt của cha mẹ. Ảnh: Sina.

    Cuối tháng 3 năm ngoái, con trai của cô đã bị cảnh sát bắt giữ tại trường trung học ở Mỹ vì đe dọa sẽ tạo ra một vụ nổ súng trong khuôn viên trường. Sau 238 ngày giam giữ, cậu bị đưa trở lại Đài Loan và không được phép quay lại Mỹ đến hết đời.

    Giống như nhiều bậc cha mẹ điển hình khác của Trung Quốc, cặp vợ chồng người Canada gốc Trung Quốc, Pan Hanhui và He Bixia đặt tất cả hy vọng vào con gái Jennifer của mình. Họ luôn muốn con gái phải dũng cảm và bất khả chiến bại. Bài tập về nhà phải tốt, tài năng xuất sắc, tất cả các loại cuộc thi không thể bỏ. Jennifer bắt đầu học piano và trượt băng từ năm 4 tuổi. Cô giành được nhiều giải thưởng khi còn nhỏ, nhưng áp lực tập luyện và học tập rất cao. Cô không được ngủ trước 10 giờ tối và kỳ nghỉ cũng không được nghỉ.

    Khi tốt nghiệp trung học cơ sở, Jennifer trở nên mệt mỏi với việc học vì cô không nhận được huy chương xuất sắc và không được chọn làm đại diện học sinh. Để không bị bố mẹ mắng, cô bắt đầu làm bảng điểm giả. Sau khi phát hiện, cha mẹ đã áp dụng các hình phạt nghiêm khắc hơn đối với cô: tịch thu máy tính, điện thoại di động, tính toán số km xe của cô để kiểm soát đường đi của con gái.

    Các bạn nữ cùng lớp trang điểm, cô sẽ không. Jennifer cũng không được phép ra ngoài và chỉ chơi với các bạn cùng lớp. Cô không được phép đến nhà của bạn cùng lớp và không được phép yêu. Trước 22 tuổi, cô không được đi qua đêm.

    Jennifer (ngoài cùng phải) đã thuê côn đồ giết cha mẹ. Ảnh: Sina.

    Jennifer cũng không kháng cự, dần dần sự oán giận khó tan biến khiến cô điên loạn. Vào lúc 10 giờ tối ngày 8/11/2010, một vụ án mạng đã xảy ra tại khu dân cư thuộc tầng lớp trung lưu của Toronto, Canada. Ba tên côn đồ vào nhà từ cửa trước và đưa chủ hộ xuống tầng hầm. Người vợ bị giết ngay tại chỗ, còn người chồng bị bắn chệch nên may mắn thoát chết.

    Trước đó, khi đôi vợ chồng bị nhóm côn đồ kéo đi, người chồng đã hỏi vợ bằng tiếng Quảng Đông: "Làm thế nào bọn côn đồ vào được?". Người vợ nói rằng cô không biết. Họ không thể nghĩ rằng họ đã yêu con gái quá nhiều khiến con không thể chịu đựng nổi và thuê người để gây ra tội ác.

    Tuy nhiên, trong bộ phim ngắn "Bao baby", đạo diễn đã để kết thúc có hậu: Sau khi người mẹ nuốt chiếc bánh nhỏ, bà đột nhiên tỉnh dậy. Hóa ra đó chỉ là một giấc mơ, đứa con trai thực sự của bà đã trở về bên cạnh, hai mẹ con đã hòa giải và mâu thuẫn được xóa bỏ.

    Tuy nhiên, trên thực tế, có bao nhiêu gia đình vẫn bị mắc kẹt trong bộ phim kinh dị gia đình kiểu này?

    Viethome (theo VnExpress)

  • Camera giám sát cho thấy giáo viên mầm non ở bang Missouri, Mỹ, quăng bé gái 3 tuổi vào tủ khiến em rách trán. Sau đó, cô này nói dối rằng bé bị thương do vô tình ngã.

    Giáo viên cầm tay, lôi bé gái 3 tuổi rồi quăng mạnh khiến em trượt trên sàn nhà, trán va vào tủ và chảy máu.

    Washington Post đưa tin sự việc xảy ra mới đây tại trường Mầm non và Trung tâm chăm sóc Brighter ở St. Louis, ngoại ô thành phố Pine Lawn, bang Missouri, Mỹ. Vết thương ở trán nghiêm trọng khiến em bé phải đến bệnh viện, kh âu 7 mũi. Sau đó, bé gái bị nh iễm trùng, phải nằm viện điều trị 3 ngày.

    Ban đầu, giáo viên chăm sóc trẻ thông báo với gia đình em vô tình bị ngã. Cả phụ huynh của nạn nhân và quản lý trường chấp nhận lời giải thích này.

    5 ngày sau, gia đình yêu cầu xem lại camera giám sát vì không hiểu tại sao một cú ngã lại có thể gây ra vết thương ngh iêm trọng đến vậy. Lúc này, họ mới biết nguyên nhân thực sự – con bị t ấn công bởi chính người chịu trách nhiệm bảo vệ, chăm sóc bé.

    Cú quăng của giáo viên khiến bé gái đập mạnh trán vào mép tủ và chảy máu. Ảnh cắt từ clip.

    Hình ảnh từ camera cho thấy trong khi bé gái đứng yên cạnh bàn, cô giáo bỗng bước tới, nắm tay em và kéo. Tiếp đến, cô này qu ăng mạnh, khiến em ngã, trượt dài trên sàn nhà, trán va vào mép tủ.

    Sau đó, gia đình báo vụ việc lên cảnh sát, đồng thời ủy quyền luật sư Jennifer Hansen theo sát diễn biến.

    “Họ đã tìm hiểu trước rồi mới gửi con vào đây, trả tiền để các giáo viên bảo vệ con họ khỏi những tổn thương. Họ không thể ngờ một cô giáo lại làm thế với con họ”, bà Hansen cho biết.

    Bà nói thêm gia đình buộc phải mời cảnh sát vào cuộc vì không muốn sự việc tương tự xảy ra với những đứa trẻ khác.

    Trả lời phỏng vấn ABC News, Kevin Smith, cảnh sát phụ trách vụ án, cho biết trong quá trình điều tra, họ phát hiện thêm một vụ b ạo hành xảy ra tại Brighter.

    Trong vụ thứ hai, một giáo viên khác nắm ch ặt tay học sinh đến mức móng tay đ âm vào da thịt và để lại nhiều vết bầm tím.

    Cảnh sát tiếp tục điều tra, dự kiến trình bằng chứng lên Văn phòng Công tố hạt St. Louis trong vòng hai tuần tới để xem xét có khởi tố hình sự với hai giáo viên hay không.

    Hai người này, không công khai tên, đã bị sa thải trong khi đại diện trường không lên tiếng về vụ việc.

    Gia đình bé gái cũng cho hai con (bé gái bị thương và anh trai bé) thôi học tại đây nhưng chưa quyết định việc khởi kiện giáo viên.

    “Hiện tại, gia đình đang tập trung chăm sóc con. Họ liên hệ bác sĩ phẫu thuật thẩm mỹ với hy vọng con không lưu lại vết s ẹo. Gia đình họ thực sự tổn thương vì những chuyện đã xảy ra với con gái 3 tuổi”, luật sư Hansen cho biết.

    Viethome (theo Zing)

  • Tất cả các con của Tổng thống Trump đều không được phép uống rượu, hút thuốc hay bất kỳ chất gây nghiện nào, và tự lập từ sớm. 

    Tổng thống Mỹ Donald Trump có 3 vợ, 5 đứa con. Những người con của Trump không sống cùng bố trong thời gian dài vì bố mẹ ly hôn nhưng đều dành cho ông sự kính trọng đặc biệt. Ngoài cậu út Barron còn nhỏ, 4 người con còn lại đều thành đạt, giỏi giang, chưa từng có scandal nào.

    Donald Trump bên người vợ hiện tại và 5 người con. Ảnh: CBN.

    3 con của người vợ đầu tiên đều có vị trí cao, được công nhận về tài năng và sự chăm chỉ. Trong đó Ivanka Trump hiện là cố vấn thân cận cho ông trong Nhà trắng, con trai cả Donald Jr. cùng con trai thứ Eric cùng nhau tiếp quản công việc ở The Trump Organization. Cô con gái Tiffany của người vợ thứ hai đang theo học Đại học luật Georgetown ở thủ đô Washington...

    Nói về nguyên tắc dạy con trên CBN News năm 2011, Donald Trump cho hay ông quán triệt nguyên tắc 3 không: Không uống rượu, không hút thuốc, không dùng các chất gây nghiện.

    "Tôi có những đứa con tuyệt vời và hy vọng chúng mãi như vậy. Từ khi chúng đủ tuổi để lắng nghe, tôi đã luôn nói với chúng rằng không uống gì cả, không hút thuốc và đôi khi cả không uống cà phê, giờ đây thì có thêm không hình xăm. Con gái Ivanka mỗi khi nghe tôi nhắc lại đều nói 'Cha không cần phải nhắc nữa'", Trump chia sẻ. Ông Trump giải thích rằng anh trai mình đã qua đời vì nghiện rượu, một vài người bạn cũng trở thành "ma men", hủy hoại tiền đồ, sự nghiệp, nên ông tránh xa loại đồ uống này và luôn nhắc nhở các con về điều đó. Bản thân ông luôn làm gương cho chúng. "Tôi chưa bao giờ uống rượu", Trump từng khẳng định trên Fox News.

    Khi người ta hỏi Ivanka rằng tại sao cô không bao giờ tới những bữa tiệc rượu  xa hoa, luôn có một câu trả lời đơn giản rằng: "Chúng tôi không được phép, đơn giản là như vậy... Tôi nhìn vào anh và em trai tôi, vào bản thân, tôi rất tự hào là không ai trong chúng tôi đổ đốn... Cha mẹ đã nuôi chúng tôi rất cứng rắn", Ivanka trả lời tạp chí GQ năm 2007.

    Donald Trump luôn ý thức việc làm gương cho con, từ trong cuộc sống hàng ngày, cho tới công việc. Các con ông học được từ cha sự chăm chỉ, nỗ lực hết mình. "Cha tôi luôn bảo nếu con yêu những gì con làm và làm việc thực sự, thực sự chăm chỉ, con sẽ thành công", Ivanka chia sẻ trong cuốn sách Women Who Work - Rewriting the rules for success.

     

    Các con của Trump đều dành cho cha sự kính trọng đặc biệt. Ảnh: FameFlynet.

    Donald Trump chỉ ngủ khoảng 4-5 tiếng mỗi đêm, thức dậy lúc 5h30 sáng và có thể bắt đầu gọi điện làm việc từ 6 giờ. Thời gian trong ngày ông làm việc rất nhiều. Trump từng viết: "Làm việc chăm chỉ là phương pháp cá nhân của tôi để thành công về tài chính". Ông cũng từng chia sẻ trên Twitter rằng mình có thể làm việc nhiều giờ hơn hầu hết các tổng thống trước đây.

    Noi gương cha, các con của Trump rất nỗ lực trong cuộc sống. Cô con gái Ivanka chăm chỉ, biết tự lập từ sớm. Bố mẹ chỉ cung cấp tiền học phí, còn lại tất cả các khoản khác, kể cả tiền điện thoại cũng do cô làm thêm, tự chi trả. Sau khi tốt nghiệp trường Wharton danh tiếng, Ivanka vào làm việc như một nhân viên bình thường trong công ty của gia đình để tích lũy kinh nghiệm. Hai anh em trai của cô cũng đều thực tập thời gian dài ở công ty, chứ không được bổ nhiệm vào vị trí cao ngay từ đầu.

    Cậu cả nhà Trump, Donald Jr. từng nói: "Cha nói rằng nếu chúng tôi muốn bất cứ thứ gì, chúng tôi luôn phải làm việc để có được nó".

    Donald Trump còn dạy các con bài học về sự tôn trọng. Ái nữ nhà Trump từng trả lời trên tạp chí Politico: "Điều cha tôi quan tâm đó là sự tôn kính, kính trên nhường dưới. Bạn sẽ không bao giờ nghe thấy chúng tôi quát tháo cha mẹ mình, thậm chí chỉ là nói to tiếng một chút cũng không có".

    Trump cũng tự nhận mình là một ông bố có trách nhiệm, luôn quan tâm và theo sát các con. "Tôi luôn tự hào về bản thân khi là một ông bố tốt. Với bọn trẻ, tôi luôn ở đó khi chúng cần", Trump nói.

    Viethome (theo VnExpress)