• Laura Hampson mặc đồ đôi với con gái là Darlene từ khi em nhỏ chào đời. Đến nay, bà mẹ 39 tuổi ở Wigan, Manchester (Anh) đã có 150 bộ trang phục đôi với con gái 19 tháng tuổi.

    mac do doi voi con 1
    Laura Hampson thường xuyên mặc đồ đôi với con gái là Darlene. Ảnh: yer_ma_does_twinning

    Laura cho biết mọi chuyện bắt đầu từ khi Darlene mới vài ngày tuổi. Lúc ấy, Darlene mặc một bộ đồ liền thân họa tiết sọc màu vàng. Laura nhận ra mình cũng có trang phục tương tự nên lấy ra diện và nhờ chồng là Daryl chụp ảnh hai mẹ con. "Chúng tôi đã rất vui", Laura nhớ lại.

    Từ đó, Laura mặc đồ đôi với con hai lần một tuần. Thay vì quần áo trẻ em truyền thống, cô mua quần áo với kiểu dáng và họa tiết sành điệu cho Darlene. Hai mẹ con đặc biệt yêu thích họa tiết chấm bi và da động vật.

    mac do doi voi con 1
    Chấm bi là họa tiết được hai mẹ con Laura yêu thích và mặc nhiều nhất. Ảnh: yer_ma_does_twinning

    Nhằm tiết kiệm chi phí, Laura săn hàng giảm giá trên mạng hoặc mua đồ cũ. Cô cũng chọn mua những món đồ hơi rộng cho con gái mặc được lâu. Đôi khi, Laura tự sửa hoặc nhuộm quần áo của Darlene để trang phục của hai mẹ con giống hệt nhau. Không chỉ thể hiện tình yêu với con gái, việc mặc đồ đôi còn giúp Laura thư giãn bởi Darlene chào đời đúng đợt phong tỏa ở Anh.

    mac do doi voi con 1
    Các trang phục của hai mẹ con sặc sỡ với đủ màu sắc, họa tiết. Ảnh: yer_ma_does_twinning

    Mỗi bộ trang phục đôi đều được Laura chụp ảnh và đăng lên mạng xã hội. "Phản hồi của mọi người rất tích cực. Họ thích nhìn chúng tôi phối đồ", Laura chia sẻ.

    Hiện Laura đã chuẩn bị sẵn 20 bộ quần áo để hai mẹ con diện trong mùa xuân. Bà mẹ khẳng định sẽ tiếp tục mặc đồ đôi với con cho đến khi nào Darlene chán.

    "Tôi thật may mắn vì có con gái. Tôi nghĩ sau này con cũng yêu thời trang như mình", Laura nói thêm.

    VnExpress (theo Metro)

  • playhouse 1

    Một bà mẹ người Scotland sau khi nghe nói rằng việc mua một ngôi nhà vui chơi ngoài trời mới toanh có thể tốn 5,000 bảng Anh, cô đã quyết định tự tay tạo không gian chơi đặc biệt dành riêng cho 2 đứa trẻ của mình.

    Cô giáo tiểu học Gemma Bertolotto (37 tuổi, ở Aberdeenshire, Scotland) vẫn luôn mong muốn mua một ngôi nhà vui chơi cho con trai Stefano, 5 tuổi và con gái Sofia, 2 tuổi nhưng giá cả thị trường đã khiến cô sốc. Tuy nhiên, bà mẹ trẻ vẫn quyết tâm biến mong muốn thành hiện thực bằng chính đôi tay và sức sáng tạo của mình. Cô Gemma đã bắt tay vào thu thập và sử dụng gỗ phế liệu và tìm kiếm vật liệu xây dựng giá rẻ để chuẩn bị cho kế hoạch của mình.

    Đây không phải là việc đơn giản đối với một phụ nữ đang phải chăm sóc hai con cùng lúc. Vậy điều gì đã thôi thúc cô quyết tâm thực hiện điều này?

    playhouse 1

    Cô Gemma chia sẻ: “Tôi sinh ra trong một căn hộ cao tầng ở khu nhà chung cư, nơi đó không có gì cho một đứa trẻ để chơi cả. Bây giờ tôi sống ở ngoại ô, gia đình tôi có vài mẫu đất. Tôi hy vọng các con mình có thể có một tuổi thơ đầy ắp những kỷ niệm tuyệt vời và vui vẻ ngoài trời bất kể thời tiết ở Scotland như thế nào.”

    Cuối cùng với tổng chi phí khoảng 1,000 bảng, tức chỉ bằng 1/5 so với giá thị trường, cho tất cả các vật liệu xây dựng, từ tấm ốp đến cỏ nhân tạo, cô Gemma đã thành công hoàn thành ngôi nhà vui chơi mơ ước cho các con. Ngôi nhà cách nhiệt có chiều dài 10m, rộng 3m và cao 4m, với không gian sinh hoạt hoàn chỉnh và nhà bếp.

    Cô Gemma đã mất khoảng 1 năm để hiện thực hóa kế hoạch xây nhà theo từng giai đoạn, quản lý thời gian với việc chăm sóc con cái và tìm kiếm các vật liệu xây dựng rẻ hơn (so với các cửa hàng truyền thống) trên thị trường trực tuyến.

    playhouse 1

    “Tôi không có kế hoạch trước”, cô Gemma kể về dự án nhà vui chơi tự xây của mình. “Tôi vừa làm vừa thiết kế. Có lẽ tôi đã mất khoảng 1 năm, nhưng đó là vì tôi đang mang thai con gái và cần thời gian nghỉ ngơi. Sau khi sinh con gái xong, tôi phải đợi con ngủ rồi mới có thể làm.”

    Gemma tiết lộ, cô đã chi khoảng 150 bảng cho một bộ cầu trượt và xích đu từ thị trường Facebook và 200 bảng cho khung gỗ từ cửa hàng vật liệu xây dựng Homebase.

    Tấm ốp bên ngoài được mua từ chuỗi cửa hàng vật liệu và dụng cụ làm vườn và nhà tự làm B&Q với giá 300 bảng. Ngoài ra, cô Gemma cũng đã chi thêm sàn, cỏ nhân tạo và sơn với giá 300 bảng.

    playhouse 1

    Cô đã may mắn có được cửa sổ kính và một vài cửa ra vào miễn phí từ thị trường Facebook. Cô làm mới bên trong ngôi nhà bằng một ít sơn còn sót lại, đồng thời khéo léo sử dụng gỗ vụn để tạo thành các cánh cửa.

    Người mẹ tài năng này đã hoàn thành ngôi nhà vui chơi mà lũ trẻ cực kỳ yêu thích. Cô thường đăng ảnh làm việc của mình trên Instagram và được cư dân mạng hết lời khen ngợi.

    “Con trai tôi gọi đó là quán ăn nhỏ của mình. Tụi nhỏ muốn được ở lại đó chơi và ngủ một đêm”, cô nói. Trong thời gian xảy ra dịch bệnh, không thể ra ngoài, cô Gemma cảm thấy rằng ngôi nhà vui chơi là nơi tuyệt vời nhất để cả gia đình có khoảng thời gian vui vẻ ngay trong khu vườn của nhà mình. 

    playhouse 1

    Cô cho biết mọi người đã vô cùng ngạc nhiên khi biết chính cô tự tay xây dựng ngôi nhà vui chơi này. Khá nhiều người hỏi họ có thể bắt đầu từ đâu và cũng có thể bắt đầu xây dựng nhà chơi của riêng mình.

    TrithucVN (theo EpochTimes)

  • Nhiều người cứ nghĩ sinh con trai để nối dõi tông đường, có người hương khói làm đám giỗ cho mình lúc mất. Tôi và chồng sống với nhau hơn 20 năm, ông ấy mất gần 5 năm rồi, nhà chưa một lần làm giỗ bao giờ cả. Nhà tôi không phải con trưởng nên việc thờ cúng tổ tiên, ông bà có các bác ở trên lo hết.

    Tôi vẫn luôn dặn con cái mình sau này mẹ đi theo bố, các con có lòng cứ làm bát hương thỉnh thoảng thắp cho ấm bàn thờ là được không cần phải bày vẽ giỗ chạp cho vất vả ra.

    Nhà tôi có 2 con trai, 1 gái, các con đều lớn có gia đình. Vợ chồng tôi đối đãi thoải mái với con rễ, con dâu lắm. Sống chung một nhà nhưng việc của ai người nấy làm. Tôi cũng không bao giờ phân biệt, giao nhiệm vụ dâu cả phải gánh vác cúng giỗ trong nhà.

    Bọn trẻ giờ nó sống hiện đại lắm, không quen mấy thủ tục rườm rà của ông bà xưa đâu. Với lại chính bản thân tôi cũng không có thói quen đó, có thể do tôi không phải dâu trưởng, chưa bao giờ đứng ra làm một đám giỗ nào nên không quan trọng việc hương khói, cúng giỗ. Tôi cũng hay nhắc mấy đứa:

    “Sau này mẹ mất các con cứ hỏa táng cho gọn gàng, tro cốt rải ra sông ra biển cho mát không phải chôn cất hay gửi lên chùa mất công thăm viếng”.

    Tôi nghĩ đã là bố mẹ thì trong lòng các con luôn có mình ở một vị trí nhất định rồi. Tôi không quan trọng chúng nó phải có trách nhiệm thăm viếng mộ hay mâm cao cỗ đầy mới là nhớ. Khi con người ta mất đi là hết, có nhớ nhung cũng để trong tâm tưởng thôi chứ món nọ món kia có ăn được đâu.

    me yeu con

    Lúc chồng tôi còn sống ông ấy cũng dặn vợ con như vậy. Nên giờ tôi không làm giỗ cho ông ấy theo đúng nguyện vọng. Nói vậy không phải là mẹ con tôi quên bẵng bố. Nếu năm nào đến ngày đó đứa con nào không bận công việc thì vẫn về, mua hoa quả thắp nén nhang cho bàn thờ ấm cúng, rồi làm bữa cơm mẹ con ăn với nhau. Đứa nào về được thì về còn không bắt buộc phải có mặt cho bằng được. 

    Tôi thấy nhà bác cả mỗi lần có giỗ lại mở cỗ to cỗ nhỏ làm đến mấy chục mâm mời hết họ hàng, làng xóm đến ăn uống vừa tốn kém lại mất thời gian, chẳng giải quyết được vấn đề gì. Nhiều người vẫn hay quan niệm ngày giỗ để các con tưởng nhớ, ghi ơn dưỡng dục của ông bà cha mẹ, cũng là dịp để con cái quây quần lại với nhau. Nhưng tôi nghĩ nếu bày ra vui vẻ thì hãy bày còn để cãi nhau, bì tị thì khỏi.

    Theo tôi, quan trọng nhất là lúc mình còn sống con cái đối xử với bố mẹ như nào, có hiếu thuận hay không? Chứ khi mất đi rồi là hết, chỉ còn nấm mồ vô tri đấy có giỗ hằng năm hay hương khói mù mịt thì ai hưởng. Nên sau khi tôi mất, các con cứ thoải mái vô tư mà sống cho bản thân mình, có hạnh phúc có vui vẻ đấy mới là nguyện vọng lớn nhất của tôi.

    Theo phunugiadinh

  • Trong khi luật pháp Anh cho phép các bậc cha mẹ tự do nuôi dạy con cái theo cách họ muốn, cũng như theo niềm tin và tôn giáo của riêng họ, có một số điều luật quy định những việc cha mẹ không được làm với con. Sau đây, chúng ta hãy cũng xem những gì luật pháp cấm cha mẹ làm với con cái mình.

    tre em anh quoc

    1) Không cho con đi học hoặc để chúng bỏ học

    Cha mẹ có nhiệm vụ cung cấp cơ hội giáo dục đầy đủ cho con cái. Theo luật, phụ huynh có trách nhiệm đảm bảo con cái của họ (từ lớp tiền tiểu học đến 16 tuổi) được đi học toàn thời gian. Nếu con bạn không đến trường thường xuyên, các dịch vụ bảo vệ trẻ em địa phương có thể có hành động pháp lý chống lại bạn.

    Ngay cả khi con bạn nghỉ học mà bạn không biết, với tư cách là phụ huynh, bạn vẫn phải chịu trách nhiệm và có thể bị coi là phạm tội. Các hiệu trưởng hiện có thể gửi các thông báo phạt lên tới 100 bảng tới các phụ huynh không đảm bảo con cái mình đi học đầy đủ.

    Mặc dù Chính phủ rất muốn tất cả trẻ em ba và bốn tuổi được hưởng lợi từ việc giáo dục và vui chơi trong năm đầu đời, cha mẹ không có nghĩa vụ pháp lý phải cho con tiếp nhận giáo dục sớm.

    2) Cho con ngồi sai chỗ trên xe hơi

    Cha mẹ được yêu cầu phải đảm bảo con họ ngồi đúng chỗ ngồi phù hợp với độ tuổi của chúng trên xe. Người lái xe cũng được pháp luật yêu cầu phải đảm bảo hành khách nhỏ tuổi được thắt dây an toàn. Là lái xe, nếu bạn bị phát hiện không cho trẻ sử dụng ghế ngồi ô tô trẻ em hoặc không thắt dây an toàn, hình phạt cố định dành cho bạn là 100 bảng. Nếu vụ việc được đưa ra tòa, bạn có thể phải đối mặt với khoản tiền phạt lên tới 500 bảng.

    Ngoài ra, để ghế trẻ em (loại quay mặt về phía sau) ở vị trí ghế trước cũng là bất hợp pháp nếu đây là loại xe có túi khí tự động. Trong trường hợp này, túi khí phải được hủy kích hoạt hoặc ghế trẻ em phải được đặt ở ghế sau.

    Ngoài các hình phạt pháp lý, việc không thắt dây an toàn hoặc không đảm bảo rằng hành khách trẻ em được sử dụng ghế trẻ em phù hợp cũng có thể ảnh hưởng đến việc chi trả bảo hiểm trong trường hợp gặp tai nạn.

    3) Đánh con

    Hiện tại, việc cha mẹ đánh con không phải là bất hợp pháp, nhưng nếu việc đánh đập không còn là một ‘hình phạt hợp lý,’ phụ huynh có thể bị buộc tội với một loạt các tội danh. Nếu đánh trẻ để lại dấu vết, chẳng hạn như vết bầm có thể nhìn thấy, sưng nhẹ hoặc gây tổn hại về tinh thần, hoặc nếu trẻ bị đánh bằng gậy, roi, thắt lưng hoặc các đồ vật khác, điều đó sẽ được coi là ‘không hợp lý’ và do đó là bất hợp pháp.

    Việc giáo viên, nhân viên nhà trẻ và nhân viên chăm sóc trẻ em đánh con của người khác là bất hợp pháp.

    NSPCC và các tổ chức từ thiện trẻ em khác vẫn đang tiến hành các chiến dịch kêu gọi cấm hoàn toàn việc đánh đập trẻ. Tuy nhiên, điều này vẫn chưa có hiệu lực.

    4) Để mặc con một mình

    Luật pháp không quy định độ tuổi thích hợp để đứa trẻ được ở một mình, nhưng việc để trẻ một mình là một hành vi phạm tội nếu điều đó khiến chúng gặp nguy hiểm. Cha mẹ có thể bị truy tố nếu họ để mặc đứa trẻ 'theo cách có thể gây ra đau đớn hoặc tổn thương không cần thiết cho sức khỏe'.

    Khi nào được để con một mình phụ thuộc vào việc bạn và con có cảm thấy thoải mái và tự tin khi làm như vậy không. Cha mẹ vẫn có trách nhiệm với đứa trẻ cho đến khi con được 16 tuổi.

    NSPCC nói:

    • trẻ em dưới 12 tuổi hiếm khi đủ trưởng thành để ở một mình trong một thời gian dài
    • trẻ em dưới 16 tuổi không nên ở một mình qua đêm
    • trẻ sơ sinh, trẻ mới biết đi và trẻ nhỏ không bao giờ được phép ở một mình

    5) Hút thuốc khi có trẻ em trong xe

    Từ tháng 10 năm ngoái, việc hút thuốc trong xe hơi hoặc các phương tiện khác dưới sự có mặt của bất cứ ai dưới 18 tuổi đã trở thành hành vi bất hợp pháp. Người lái xe và hành khách có thể phải đối mặt với mức phạt 50 bảng nếu họ bị bắt gặp hút thuốc khi có một đứa trẻ trong xe.

    6) Để con đạp xe trên phố

    Bất cứ ai, kể cả trẻ em, đi xe đạp trên vỉa hè dọc theo các con đường đều bị coi là có hành vi bất hợp pháp, trừ khi đó là đường dành riêng cho xe đạp. Do đó, là cha mẹ, bạn không nên để con bạn đạp xe ngoài phố.

    Tuy nhiên, trẻ em dưới mười tuổi đều ở dưới độ tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự. Do đó, nếu bạn để đứa con năm tuổi của mình đi trên đường, chúng sẽ vi phạm pháp luật. Trong khi về mặt lý thuyết, dù cảnh sát có thể ngăn chặn trẻ nhỏ đi xe đạp trên vỉa hè, họ không có quyền bắt giữ, phạt tiền hoặc thậm chí cảnh cáo chúng.

    7) Cho trẻ uống rượu

    Cho trẻ dưới năm tuổi sử dụng rượu là hành động bất hợp pháp. Tuy nhiên, thật ngạc nhiên khi được biết pháp luật không hề cấm cha mẹ cho trẻ trên năm tuổi sử dụng chất có cồn ở nhà riêng hoặc các cơ sở được phép bán rượu bia.

    8) Để cho con sống một mình quá sớm

    Cha mẹ có con dưới 16 tuổi phải chịu trách nhiệm cung cấp cho con chỗ ở an toàn.

    Cha mẹ không được phép ngăn con ra ngoài sống bằng cách nhốt con trong nhà hay sử dụng vũ lực, nhưng họ có thể đem vấn đề ra trước tòa để đưa con trở lại nếu chúng bỏ nhà đi.

    9) Chia sẻ phòng ngủ với anh chị em

    Hiện tại ở Anh không có luật cấm trẻ em khác giới tính chia sẻ phòng ngủ. Tuy nhiên, NSPCC khuyên rằng trẻ em khác giới trên mười tuổi không nên ở chung phòng.

    Nếu bạn thuê nhà hội đồng, hoặc nhà của bạn thuộc sở hữu của hiệp hội nhà ở, có thể có các quy tắc hạn chế trẻ em khác giới trên mười tuổi ở chung phòng.

    10) Bắt trẻ làm việc

    Luật lao động trẻ em rất phức tạp. Công đoàn và NSPCC ước tính có hơn 200 điều luật, bao gồm luật pháp châu Âu và quốc tế cũng như luật pháp địa phương, quy định về việc trẻ em làm việc.

    Đạo luật Trẻ em và Thanh thiếu niên 1933 (CYPA) quy định 14 là độ tuổi tối thiểu để trẻ em có thể nhận việc làm, và chỉ là việc làm bán thời gian, nhưng có những hạn chế về loại công việc và số giờ.

    Không ai dưới 16 tuổi có thể làm việc trong một cửa hàng bán thịt, trong một khu hội chợ hoặc khu giải trí, giao sữa hoặc làm việc trong một nhà bếp thương mại.

    Trẻ 14 tuổi chỉ có thể làm 'công việc nhẹ' và không thể làm việc hơn hai giờ trong một ngày học. Vào thứ bảy hoặc một ngày trong những ngày được nghỉ học, các em không thể làm việc quá năm giờ và vào Chủ nhật, không quá hai giờ. Trẻ em không thể làm việc hơn 25 giờ trong một tuần và phải có ít nhất hai tuần nghỉ liên tiếp trong một năm.

    Trẻ 13 tuổi được phép làm việc bán thời gian, trên cơ sở hạn chế hơn. Công việc này sẽ bao gồm việc do cha mẹ giao cho liên quan đến làm vườn hoặc nông nghiệp, hoặc một số loại công việc nhẹ. Chính quyền địa phương có quyền quy định số giờ cho phép trong một ngày, thời gian trong ngày, thời gian nghỉ ngơi, nghỉ ăn uống và các điều kiện khác.

    11) Cha hoặc mẹ đưa con ra nước ngoài mà không có sự cho phép của người còn lại

    Bạn phải được sự cho phép của cả hai bên cha mẹ hoặc người có trách nhiệm giám hộ theo pháp luật hoặc sự cho phép của tòa án trước khi đưa trẻ ra nước ngoài. Đưa con ra nước ngoài mà không được phép được coi là hành vi bắt cóc trẻ em.

    Tuy nhiên, nếu đứa trẻ là đối tượng của Lệnh Child Arrangements Order, cha/mẹ có địa chỉ thường trú có thể đưa chúng ra nước ngoài tối đa 28 ngày mà không cần sự cho phép của cha/mẹ không có địa chỉ thường trú.

    VietHome (Theo Hull Live)

  • Cách dạy con của một bà mẹ gốc Malaysia gần đây đã thu hút truyền thông ở Mỹ.

    Người mẹ này sinh ra và trưởng thành trong một gia đình nghèo tại Malaysia. Năm 17 tuổi bà nhập cư vào Mỹ dù không biết tiếng Anh. Bà đã sinh và nuôi dạy ba người con được đánh giá là "siêu thông minh".

    Con trai cả Justin Kan tốt nghiệp cả khoa vật lý và tâm lý tại Đại học Yale - một trong những trường đại học danh tiếng nhất nước Mỹ. Sau khi tốt nghiệp, năm 2011, chàng trai này thành lập Twitch - một trang chia sẻ video trực tuyến chuyên về game. Năm 2014, Twitch được bán lại cho Amazon với giá 970 triệu USD. Con trai thứ hai là Danie Kan, người sáng lập công ty Cruise - một công ty phát triển xe tự lái. Năm 2016, General Motors mua lại Cruise với hơn một tỷ USD tiền mặt và cổ phiếu. Con trai thứ ba hiện đang là một kỹ sư phần mềm xuất sắc.

    Trong cuộc phỏng vấn với giới truyền thông, những cậu con trai đều khẳng định rằng chính "Luật giáo dục việc nhà" của người mẹ đã dạy họ cách thành lập và quản lý một công ty. Sau đó, tờ báo kinh doanh nổi tiếng Business Insider đã phỏng vấn cậu con trai cả Justin. Người đàn ông này cho rằng thành công của họ là nhờ làm việc nhà khi còn nhỏ.

    nuoi day con gioi
    Hai anh em Justin Kan và Danie Kan. Ảnh: businessinsider.

    Phải nói rằng mẹ của Justin (gọi tắt là mẹ J) đã có những bí quyết rất hay để ba cậu con trai phải làm việc nhà. Không chỉ vậy, mỗi khi ra ngoài làm việc, mẹ J cũng yêu cầu các con phải lao động mà không quan tâm tới ánh nhìn dò xét từ người khác.

    Justin kể, mẹ mình từng làm việc trong một công ty bất động sản. Một lần bà phải sửa chữa một ngôi nhà đổ nát để cho thuê hoặc bán lại. Vì vậy, nhiều cuối tuần liên tiếp, ba cậu con trai được mẹ đưa đến ngôi nhà này để cùng làm việc. Họ phải làm những việc được đánh giá là khó chịu như sơn nhà, sửa bàn ghế, lau chùi dọn dẹp. Xong việc tay chân, họ còn giúp bà làm một số công việc văn phòng khác như nhập dữ liệu cho vay...

    Justin nói: "Ban đầu, làm việc cho mẹ rất căng thẳng và mệt mỏi. Tôi không quên mỗi lần anh em than vãn trong khi dọn dẹp nhà cửa, mẹ luôn nói: "Chút việc này mà đã kêu ca sao? Nếu các con từng sống ở nơi ở tuổi các con mẹ từng sống, mẹ đảm bảo các con sẽ không chịu nổi quá một ngày".

    "Mẹ cũng nói với chúng tôi, đau khổ và hạnh phúc cùng song song tồn tại trong cuộc sống này. Con người phải chấp nhận chung sống giữa cái tốt và cái xấu. Các con không thể loại bỏ những thành phần xấu, nếu không thì những khoảng thời gian tốt đẹp sẽ trở nên vô nghĩa", Justin chia sẻ.

    Vừa khuyến khích các con làm việc nhà, nhưng phương pháp sắp xếp việc nhà của mẹ J cũng rất đặc biệt.

    Gia đình có ba cậu con trai nhưng mẹ J không giao nhiệm vụ cho từng người riêng lẻ như những ông bố bà mẹ khác. Thay vào đó, bà lập một "danh sách việc nhà" và để ba người con trai thương lượng và lựa chọn những việc cần làm. Hơn nữa, nếu không hoàn thành việc nhà trong danh sách, không ai được phép chơi điện tử!

    Justin nói: "Ban đầu chúng tôi đều nghĩ việc này không công bằng, nhưng sau đó mới ngấm cách làm này của bà đã giúp ba anh em rất nhiều. Nó khiến chúng tôi thay đổi, từ ‘chỉ nghĩ về bản thân’ sang ‘hiểu rõ trách nhiệm của mình’. Nó cũng khiến cả ba nhận thức được rằng ‘Chúng tôi là một đội’".

    Dần dà, công việc nhà đã trở thành "Tổ chức một nhóm để hoàn thành nhiệm vụ". Ba anh em họ cùng làm việc, hiểu đặc điểm của từng người, phân công công việc, kiểm soát tình hình, tính toán khối lượng công việc để phân chia nhau... Việc làm này giống như khóa đào tạo nâng cao khả năng làm việc nhóm của trẻ.

    Justin nói trong một cuộc phỏng vấn: "Tôi nghĩ làm việc nhà cũng giống như thành lập công ty. Ở bất kỳ công ty khởi nghiệp nào mọi người đều ngồi trên cùng một con thuyền. Ai làm gì không quan trọng. Chúng ta cần làm tốt một số việc là có thể thành công. Nếu chúng ta thành công thì mọi người đều thắng. Nếu chúng ta không thành công thì mọi người đều thua".

    Vị triệu phú cũng nhấn mạnh rằng, chính phương pháp giáo dục này của người mẹ đã dạy anh em họ làm việc theo nhóm và biết cách đặt - đạt mục tiêu.

    Trong cuộc sống, ba anh em gọi mẹ là "mẹ hổ", nhưng họ cũng nói rằng bà không phải là mẹ hổ theo nghĩa truyền thống. Theo quan điểm của người châu Á, "mẹ hổ" giữ quyền quyết định tuyệt đối trong mọi hoạt động của con, đưa ra yêu cầu khắt khe trong việc học tập, mắng mỏ nếu cần thiết để thúc đẩy trẻ nỗ lực hơn nữa.

    Mẹ J "hổ" rất "đòi hỏi", nhưng phương pháp thúc đẩy con cái không phải là trừng phạt bởi bà không thích trừng phạt trẻ em. Thay vào đó, bà thường đặt ra các tiêu chuẩn cao rồi động viên bọn trẻ thực hiện, nhưng cũng lấy bản thân làm tấm gương.

    Mẹ J là người gốc Hoa và đến Mỹ từ năm 17 tuổi. Bà lớn lên trong một gia đình nông dân nghèo, bố mẹ đều là nông dân. Khi mới đến Mỹ, mẹ J không biết tiếng Anh. Nhưng bà rất chăm học. Sau nhiều năm nỗ lực, bà đã vào một trường cao đẳng cộng đồng với học phí rẻ và sau đó học lên Đại học Washington lấy bằng cử nhân vật lý và bằng thạc sĩ khoa học máy tính. Sau khi tốt nghiệp, bà làm việc trong một công ty thiết bị dữ liệu và vài năm sau thì chuyển sang bất động sản.

    Justin nói: "Mẹ luôn nói với chúng tôi rằng: Con phải tìm mọi cách để làm mọi thứ. Rồi mẹ diễn giải: Nếu muốn trở thành người giỏi nhất, phải làm việc chăm chỉ để trở thành người giỏi nhất. Đây là một lối sống tuyệt vời, nó khuyến khích tôi để bắt đầu một công ty khởi nghiệp và cố gắng làm tốt".

    Vị triệu phú này khẳng định: "Cho đến hôm nay, tôi thực sự có thể đánh giá cao những thành quả của mình bởi tôi đã giành được những thành quả này bằng chính nỗ lực của mình. Nếu không làm việc chăm chỉ, tôi sẽ không có được như ngày hôm nay. Đây là điều tôi học được từ mẹ mình. Đây cũng là điều làm nên giá trị cuộc sống".

    VnExpress (theo Sohu)

  • Vì muốn động viên con trai tự tin hơn mỗi khi đi bơi, Derek Prue Sr. (sống ở Canada) bí mật xăm hình giống hệt vết bớt trên người cậu bé.

    Đầu tháng này, trong lúc chơi đùa với chị gái ở bể bơi của khách sạn, Derek Prue (8 tuổi) nghe thấy tiếng bố gọi từ xa.

    Derek nhìn bố với đôi mắt mở to và nụ cười tươi trên môi. Hóa ra, Derek Prue Sr. - bố cậu bé - tiết lộ hình xăm mới, giống hệt vết bớt bao phủ phần lớn ngực của Derek.

    “Cháu rất vui và có chút bối rối. Cháu không biết bố sẽ làm điều đó”, Derek nói với CBC.

    Prue cho biết anh quyết định xăm hình sau khi nhận thấy con trai đòi mặc áo sơ mi khi họ đến bể bơi.

    “Tôi biết con tự ti. Tôi muốn làm điều này để con không cảm thấy mình là người duy nhất có dấu vết đó”, Prue nghẹn ngào nói.

    xam vet bot
    Derek Prue Sr. chịu đau đớn 30 tiếng trong vòng 8 tuần để hoàn thành hình xăm giống hệt vết bớt của con trai.

    “Quá trình thực hiện khá đau đớn”, nghệ sĩ xăm hình Tony Gibbert - chủ tiệm xăm nơi Prue hoàn thành tác phẩm đặc biệt - nói.Derek nói rằng cậu có chút nghi ngờ khi mẹ yêu cầu chụp ảnh vết bớt của mình. Tuy nhiên, cậu bé không hề biết bố đã lên kế hoạch xăm hình.

    Prue nhớ lại: “Tôi nhớ hôm đầu tiên tới, sau khi nằm 3-4 tiếng, tôi hỏi ‘Chúng ta sắp xong chưa?’ và Tony đáp ‘Chúng ta sắp hoàn thành phác thảo’. Tôi khá vui dù không biết sẽ mất bao lâu”.

    Gibbert cho biết anh rất vui khi được tham gia quá trình xăm hình kéo dài khoảng 30 tiếng trong vòng 8 tuần.

    “Tôi nghĩ thật tuyệt vời khi Prue có thể động viên con trai theo cách đó. Chỉ cần đi bơi cùng bố và cởi áo ra là cậu bé đã thấy vui, thoải mái hơn rồi. Tôi rất vui vì được góp một phần nhỏ công sức cho điều đó”, Gibbert nói.

    Khi Shanel Prue - mẹ của Derek - hỏi cậu bé có tự tin không mặc áo khi tới hồ bơi hay không, Derek nói có. “Bất cứ khi nào bố ở đó, con có thể cởi áo ra”.

    Đối với Prue, tất cả hy sinh đều xứng đáng. “Bây giờ, bố con tôi có cùng dấu ấn cho cuộc sống”, anh nói.

  • 2 đặc điểm này cũng được xem là nền tảng giáo dục tuyệt vời nhất đến từ gia đình. Hãy xem đó là đặc điểm gì.

    1. Bố có thể đồng hành cùng con, con cái càng ưu tú

    Theo một nghiên cứu: Việc giáo dục con cái trong gia đình Á Đông thuộc về người mẹ chiếm 42%, thuộc về ông bà chiếm 32%, nhưng không tới 12% người bố thực sự đóng vai trò chủ yếu trong việc giáo dục con trẻ.

    Rất nhiều người nói rằng, bố giống như một ngọn núi, trầm mặc uy nghiêm, nhưng không bao giờ nhân nhượng.

    Chúng ta sẽ thường nghe thấy những lời bao biện như thế này: “Tôi cũng muốn chăm sóc con cái, nhưng bận quá, công việc quá nhiều.”

    “Muốn kiếm tiền mang về cho gia đình, đương nhiên thời gian bên con phải ít đi, đây là điều không thể tránh khỏi.”

    “Con cái có mẹ chăm lo, vẫn chưa đủ hay sao, hơn nữa tính khí tôi không tốt lắm, làm cho con khóc lại bị trách móc.”

    Trong không ít gia đình, trách nhiệm của người cha trở nên mờ nhạt.

    Mỗi một dấu ấn trưởng thành của con, thông thường mẹ là người đầu tiên phát hiện; mỗi một câu chuyện trước khi ngủ, mẹ cũng là người đọc cho con; mỗi lần con bị ốm, cũng chỉ có mẹ là người chăm sóc, kề cạnh.

    Tác gia nổi tiếng, Long Ứng Đài từng nói rằng: Bố mẹ cũng giống đồ ăn, đều là những thứ có thời hạn.

    Có một vài người mãi tới khi hết hạn mới giật mình nhận ra, có một vài người cho dù bận rộn, vẫn cố gắng làm tròn trách nhiệm trong thời hạn của mình.

    thanh bai doi con

    Một trường đại học ở Mỹ từng tiến hành một nghiên cứu: Những đứa trẻ do người đàn ông nuôi dạy sẽ có IQ cao, thành tích ở trường tốt hơn, càng thành công hơn khi bước vào xã hội.

    Chỉ cần chú ý một chút, bạn sẽ phát hiện ra, những đứa trẻ có cha đồng hành, phát triển ưu tú hơn.

    Trẻ sẽ càng dũng cảm hơn, tự tin hơn, đối nhân xử thế càng đúng đắn, rộng lượng, sẽ không vì sợ nói sai một câu mà vâng vâng dạ dạ, không dám hé răng.

    Những đứa trẻ này lại càng có khả năng kiểm soát bản thân, hiểu biết làm sao để chống lại những cám dỗ, có kỷ luật và bảo vệ chính mình.

    Chúng sẽ có cảm giác an toàn, không vì một chút khó khăn mà mặc cảm, tự ti, cũng sẽ không rơi vào vòng xoáy ám ảnh không ai thích mình.

    Sự đồng hành của người cha cực kỳ quan trọng đối với sự trưởng thành của con cái. Thế nhưng rất nhiều bậc làm cha lại theo đuổi sự nghiệp thành công. Rốt cuộc, thành công là gì?

    Trong cuốn “Cha giàu, cha nghèo” có một câu nói rất hay: Cái gọi là thành công, chẳng qua chính là có thời gian chăm sóc con cái của mình.

    Bất cứ vị trí công việc nào cũng có thể bị thay thế, duy nhất chỉ có vai trò của người cha là không thể thay thế. Việc đầu tư mang lại lợi nhuận cao nhất thế gian, chính là đầu tư vào quan hệ cha mẹ và con cái.

    Đừng để mất sự đồng hành, đừng để con trẻ chịu tổn thương, cũng đừng để tới lúc tuổi cao mới hối hận quãng đời này chưa làm tròn bổn phận làm cha.

    2. Tâm lý mẹ càng ổn định, vững vàng, tính tình con trẻ càng tốt

    Rất nhiều phụ nữ nói rằng, sau khi làm mẹ, cảm xúc đều trở nên xáo trộn.

    Họ vừa phải đảm nhiệm việc nhà, lại phải chăm lo công việc; vừa phải săn sóc con cái cơm ăn áo mặc, lại vẫn phải dạy con học bài.

    Cuộc sống, công việc, con cái, mọi phương diện đều áp lực nặng nề. Một khi cảm xúc dâng trào, cơn phẫn nộ bỗng biến trở thành cơm bữa.

    Đôi khi, không kiềm chế được sẽ hò hét, đôi khi kiệt sức tới mức mặt không còn cảm xúc, có khi lại bực tức chỉ muốn lôi con ra đánh một trận cho bõ tức.

    Có thể đối với người mẹ mà nói, một khi cảm xúc được trút bỏ, qua một lúc là có thể hồi phục bình thường.

    Nhưng trong lòng đứa trẻ, người mẹ với những cảm xúc không ổn định chẳng khác nào một thế lực đáng sợ, khiến cho chúng bất giác sợ hãi.

    Diễn Viên Trần Kiều Ân từ nhỏ đã không có được cảm giác an toàn. Nói tới mẹ, cô chia sẻ: “Khi còn nhỏ, tôi sống trong nỗi khủng hoảng, không biết làm sao để nói chuyện với mẹ, tôi sợ bị bà đánh.”

    Những cảm xúc không tốt của người mẹ, sẽ gieo mầm trong trái tim những đứa trẻ.

    Mãi cho tới khi con lớn lên rồi, mới phát hiện ra, những hạt giống này đã phát triển thành những bụi cỏ rậm cao lớn, và không ngừng ảnh hưởng tới những quyết định, cảm xúc, cũng như suy nghĩ của trẻ.

    Người mẹ cho rằng đó là những điều nhỏ nhặt, nhưng trong ký ức của con trẻ, đó đồng nghĩa với nỗi khủng hoảng, sợ hãi, lo âu, nhút nhát, không thể xóa mờ trong một thời gian dài.

    Bà Hồng Lan, một tiến sĩ tâm lý học Đài Loan, chuyên gia về khoa học não bộ, khi diễn giảng trong chương trình TED, đã chứng minh từ góc độ khoa học:

    Năng lượng cảm xúc của người phụ nữ vượt xa rất nhiều người đàn ông. Người mẹ chính là linh hồn của gia đình, người mẹ vui vẻ, cả gia đình vui vẻ, người mẹ lo âu thì cả gia đình cũng sẽ lo âu.

    Cảm xúc của người mẹ quyết định tới hơi ấm của gia đình, âm thầm gây ảnh hưởng, quyết định xu hướng tính cách của một đứa trẻ.

    Người mẹ tính cách càng bất ổn, càng nuôi dưỡng nên những đứa trẻ lo lắng, nhạy cảm, tự ti, quen nhìn sắc mặt người khác làm việc, cho dù đạt được thành tựu to lớn, nhưng trong lòng vẫn ẩn chứa sự tự ti.

    Người mẹ với cảm xúc ổn định, không khí gia đình luôn nhẹ nhõm, vui vẻ. Đứa trẻ sẽ tự tin, lạc quan, trong trái tim tràn ngập cảm giác an toàn, được yêu thương. Chúng sẽ không cần sợ hãi bị cha mẹ trách mắng khi nói sai.

    Ở một mức độ nào đó, tâm thế của người mẹ tốt mới có thể hình thành nên tính cách tốt đẹp của con trẻ.

    Mỗi một người mẹ đều hy vọng nhìn thấy đứa con mang trong bụng chín tháng mười ngày ra đời, có thể trở thành người độc lập tự tin, lạc quan hào phóng.

    Nhưng có bao nhiêu người mẹ thực sự có thể kiểm soát tốt cảm xúc của mình, mang lại cho gia đình bình yên, mang tới cho con trẻ sự tin tưởng và bao bọc?

    Kiểm soát cảm xúc hoàn toàn không khó. Khi bạn không kiềm được mà la hét, quát nạt, lạnh lùng, hãy nghĩ tới con cái, hít thở sâu vài lần, nếu có thể nói lời nhẹ nhàng, thì hãy đừng tùy tiện làm tổn thương con trẻ.

    Lời kết

    Cha đồng hành, mẹ nuôi dưỡng cảm xúc tốt đẹp, thiếu một trong hai điều này đều sẽ khó có thể tạo ra những đứa trẻ ưu tú toàn diện.

    Đã từng có một câu nói, được lưu truyền rộng rãi:

    Thượng đế cho bạn một người cha vắng bóng, sẽ ban tặng bạn một người mẹ lo âu, cuối cùng sẽ nuôi dạy nên một đứa trẻ mất kiểm soát.

    Đối với trẻ con mà nói, giáo dục trong gia đình tốt nhất không phải là cha mẹ có bao nhiêu thành tựu, cho con bao nhiêu tiền bạc, tài nguyên mà là sự đồng hành của người cha, cảm xúc tốt lành từ người mẹ, trong hai điều đó, thiếu một trong hai đều không thể.

    Trẻ con là một cây non, cần nhẫn nại đồng hành, dịu dàng chăm sóc mới có thể trở thành cây đại thụ cao tận trời xanh. Bạn quan tâm nhiều hơn một chút, tỉ mỉ hơn một chút, ấm áp hơn một chút, con trẻ sẽ cảm nhận được tất cả.

    Theo Trí Thức Trẻ

  • Đại sứ Gareth Ward viết thư cảm ơn Trương Thị Linh Nhạn và Trương Cao Khôi vì dùng tiền mừng tuổi mua 20.000 khẩu trang gửi tặng Anh.

    Trương Thị Linh Nhạn và Trương Cao Khôi, hiện là học sinh cấp hai tại Hà Nội, đã dùng tiền mừng tuổi dành dụm nhiều năm qua để mua 20.000 khẩu trang y tế gửi tặng Anh đối phó với Covid-19, Đại sứ quán Anh tại Việt Nam cho biết trên Facebook hôm qua. Số khẩu trang này đã được vận chuyển sang Anh vào tuần trước trên một chuyến bay thương mại, trong đó 100 công dân Anh cũng được hồi hương. 

    Để cảm ơn tấm lòng của Nhạn và Khôi, Đại sứ quán Anh đã chia sẻ bức thư cảm ơn của Đại sứ Anh tại Việt Nam Gareth Ward, cùng bức ảnh hai em trong một lần thăm London.

    "Chú rất vui mừng khi hai cháu, ở độ tuổi còn rất nhỏ, đã biết quan tâm đến thế giới và đóng góp vào cuộc chiến toàn cầu chống nCoV. Chú tin rằng món quà của các cháu sẽ rất có ý nghĩa với các bác sĩ, y tá và nhân viên y tế tuyến đầu tại Anh, những người đang làm việc ngày đêm để chiến đấu với virus và cứu sống mọi người", bức thư có đoạn.  

    tre em tang khau trang
    Hai bé Trương Thị Linh Nhạn và Trương Cao Khôi trong chuyến thăm London. Ảnh: UK in Vietnam

    Ông Ward cũng cảm ơn hai bạn nhỏ vì làm ông cảm thấy "đầy hy vọng về tương lai"

    "Nếu mọi người đóng góp một phần vào cuộc chiến, chú tin chúng ta có thể vượt qua đại dịch", đại sứ Anh viết.

    Nhiều người đã bình luận dưới bài viết, cho rằng tình hình dịch bệnh nghiêm trọng ở Anh đã thôi thúc trẻ em ở Việt Nam làm công việc thiện nguyện. Anh hiện là là vùng dịch Covid-19 lớn thứ sáu thế giới, với hơn 140.000 ca nhiễm nCoV, trong đó hơn 19.500 ca tử vong. Anh chỉ tính những trường hợp chết trong bệnh viện, nên số liệu thực tế có thể cao hơn vì nhiều người qua đời tại nhà và viện dưỡng lão.    

    Nhiều nhân viên y tế tuyến đầu cho hay họ cũng bị lây virus từ bệnh nhân vì thiếu thốn nghiêm trọng trang thiết bị bảo hộ. Anh đã ban bố lệnh phong tỏa hơn một tháng và chính phủ dự kiến xem xét lại lệnh phong tỏa vào ngày 7/5.

    Theo VnExpress

  • Kết quả nghiên cứu cho thấy, trẻ được cha mẹ cho đọc sách thường xuyên có khả năng đọc hiểu và phát triển ngôn ngữ gấp nhiều lần trẻ nghiện dùng thiết bị điện tử.

    Vì công việc bận rộn mà nhiều bậc cha mẹ thường đưa cho con điện thoại thông minh hay máy tính bảng để con cái tránh làm phiền phụ huynh làm việc. Nhiều người coi đây là biện pháp trông trẻ tối ưu, tuy nhiên, họ lại không biết đó chính là một trong những cách kìm hãm sự phát triển não bộ của trẻ trong 5 năm đầu đời.

    Theo nghiên cứu của Trung tâm Khám phá khả năng đọc và đọc hiểu của Bệnh viện Nhi Cincinnati (Ohio, Mỹ) đã cho thấy não bộ của trẻ xem nhiều màn hình điện thoại sẽ kém phát triển nhận thức và khó khăn đọc viết sau này. Nghiên cứu được thực hiện trên 47 trẻ độ tuổi mầm non khỏe mạnh chia làm 2 nhóm: đọc sách và xem điện thoại, máy tính... trung bình 2 tiếng/ngày.

    0 nuoi day con gioi 1
    Đây là bên trái và phía trước não bộ của trẻ thường xuyên được bố mẹ đọc sách cho nghe. Phần màu đỏ cho thấy sự gia tăng của chất trắng có tổ chức ở khu vực chịu trách nhiệm khả năng ngôn ngữ và đọc hiểu.

    0 nuoi day con gioi 1
    Đây là bên trái và phía trước não bộ của trẻ hay xem thiết bị điện tử. Phần màu xanh cho thấy sự kém phát triển lan rộng và sự thiếu tổ chức của chất trắng cũng ở chính khu vực hỗ trợ việc học tập của trẻ.

    Đây là những bằng chứng rõ nét nhất trong việc so sánh cho trẻ nhỏ đọc sách và xem ti vi quá nhiều sẽ ảnh hưởng khác biệt như thế nào. Tác giả chính của nghiên cứu, tiến sĩ John Hutton khẳng định: "Đây là giai đoạn quan trọng nhất trong sự hình thành phát triển não bộ của trẻ. Bởi trẻ vừa sinh ra có nhiều nơ ron thần kinh hơn bất kỳ giai đoạn nào trong suốt cuộc đời. Tùy vào sự chăm sóc của cha mẹ sẽ ảnh hưởng đến sự liên kết giữa các nơ-ron này với nhau".

    Chất xám não chứa các tế bào giúp điều khiển các hoạt động cơ thể. Còn chất trắng được tạo thành từ các sợi, thường được phân phối thành các bó gọi là các dải, hình thành các kết nối giữa các tế bào não và phần còn lại của hệ thần kinh.

    Việc tăng và tổ chức chất trắng trong não bộ rất quan trọng đối với khả năng giao tiếp và khả năng học hỏi. Khi chất trắng không được tổ chức tốt sẽ khiến hệ giao tiếp bị ảnh hưởng và làm chậm lại việc học kiến thức mới của trẻ nhỏ.

    "Trẻ em được sinh ra với rất nhiều tế bào thần kinh nhưng cơ bản, đó là những tế bào rỗng", tiến sĩ John Hutton chia sẻ, "Tùy vào các cuộc nói chuyện, sự khám phá và chăm sóc của cha mẹ mà các tế bào này dần được lấy đầy và củng cố nên bộ não trẻ".

    Với kinh nghiệm của Tiến sĩ Hutton, những trải nghiệm đầu đời sẽ "làm cứng" các kết nối trong não của trẻ. Những thứ gì không được sử dụng tốt đều bị não cắt tỉa và chết đi. "Mặc dù bộ não có thể được thay đổi và phát triển ở mọi lứa tuổi nhưng nó sẽ hiệu quả nhất vào những năm đầu đời, khi mà trong giai đoạn này, nơ ron thần kinh sẽ được sinh ra nhiều nhất. Đó là lý do mà có được các trải nghiệm thời thơ ấu là rất quan trọng".

    Ngoài việc quét não, những đứa trẻ tham gia nghiên cứu cũng được kiểm tra nhận thức. Khi đến giờ chiếu, những đứa trẻ sử dụng thiết bị điện tử hơn 1 giờ mỗi ngày có kỹ năng đọc viết kém hơn, khả năng sử dụng biểu cảm ngôn ngữ và gọi tên các đối tượng giảm đi. Kết quả này đối lập hoàn toàn so với những đứa trẻ được cha mẹ cho đọc sách thường xuyên.

    "Chúng tôi thấy được những mặt không tốt từ việc xem điện thoại thường xuyên lên một đứa trẻ, cụ thể là ảnh hưởng đến khả năng ngôn ngữ, đọc hiểu của trẻ. Mặt khác, những hoạt động có lợi cho các phần khác nhau của não bộ, kích thích trí tưởng tượng như chơi đồ chơi, đi ra ngoài khám phá thiên nhiên sẽ phù hợp với một trẻ mẫu giáo hơn là ngồi trước màn hình điện thoại", Tiến sĩ Hutton bày tỏ.

    Trí Thức Trẻ (Nguồn: CNN)

  • Một bà mẹ Anh yêu cầu bỏ chuyện “Công chúa ngủ trong rừng” ra khỏi chương trình học vì cho rằng cốt truyện có yếu tố quấy rối tình dục.

    Bài viết của một tác giả trên diễn đàn dành cho cha mẹ nổi tiếng Trung Quốc Parentschat.

    Những ngày dịch bệnh, bọn trẻ ở nhà và tôi đã mua cho chúng rất nhiều chuyện cổ tích như: Bạch Tuyết và bảy chú lùn, Công chúa hạt đậu hay Nàng tiên cá... Thế nhưng khi lần đọc trở lại những câu chuyện này, tôi lại nhận thấy nó có nhiều điểm phi logic, thiếu thực tế và không phù hợp với trẻ nhỏ hiện tại.

    Sau khi tìm kiếm trên internet, tôi nhận thấy nhiều cha mẹ cũng có cùng suy nghĩ như mình. Thậm chí một bà mẹ đã viết trên Weibo (mạng xã hội lớn nhất Trung Quốc) rằng sẽ tuyệt đối không cho con mình đọc "Nàng tiên cá" của Andersen.

    Người mẹ này cho rằng, nội dung của "Nàng tiên cá" không thể chấp nhận được. Tại sao vừa nhìn thấy một người đàn ông xa lạ (hoàng tử) mà nàng tiên cá dám từ bỏ tất cả để được ở bên chàng như đổi lấy giọng hát, chấp nhận nhảy múa mua vui mặc dù mỗi lần chân chạm đất nàng như dẫm lên dao sắc. Và cuối cùng nàng tự lấy cái chết để bảo vệ cho hoàng tử - một người không yêu nàng, không biết nàng - được sống.

    "Andersen là một người đàn ông viết chuyện cổ tích nên nó rất phi logic và coi thường phụ nữ. Cái kết của chuyện để nàng tiên cá kết liễu cuộc đời vì hoàng tử thật đáng sợ. Trẻ đọc chuyện này sẽ hiểu rằng làm điều tốt thường không có kết quả xứng đáng", người mẹ thể hiện quan điểm và kêu gọi "Đừng dạy con bằng những chuyện cổ tích nữa".

    Nàng tiên cá đã hy sinh giọng hát của mình để hy vọng có được tình yêu đích thực của đời mình. Ảnh minh họa.

    Ngay khi bài viết này được đăng tải, nhiều người dùng mạng cho rằng, người mẹ có cái nhìn quá khắt khe với một câu chuyện cổ tích đã tồn tại hàng trăm năm. "Tôi nghĩ tác giả chỉ muốn nói về một tình yêu đẹp. Nàng tiên cá sẵn sàng đổi ba trăm năm cuộc đời để có cơ hội được ở bên người mình yêu và có một linh hồn bất diệt", một độc giả ghi cảm nhận.

    Tuy nhiên, lại có nhiều phụ huynh đồng tình với cách tiếp cận của người mẹ trên. "Tôi có con gái nên tôi hiểu rằng phải dạy con cách yêu thương bản thân mình trước tiên. Mặc dù tình yêu là cao đẹp nhưng đừng dạy con phải đánh đổi mạng sống để giành lấy. Trên đời này, ngoài tình yêu thương của cha mẹ ra, không tình cảm nào cần phải trả giá đắt như thế", một người khác viết.

    Không chỉ cha mẹ ở Trung Quốc, cách đây không lâu một bà mẹ người Anh đã từng nộp đơn đến các trường ở nước này yêu cầu loại bỏ câu chuyện "Người đẹp ngủ trong rừng" ra khỏi chương trình giảng dạy bởi cô cho rằng câu chuyện chứa những thông tin không phù hợp với trẻ nhỏ. "Tại sao công chúa lại đồng ý lấy một người xa lạ, lại hôn mình khi chưa được phép. Hành vi của hoàng tử có phải là đang quấy rối tình dục không?", người mẹ ghi trong lá đơn.

    Trên thực tế, nếu đi sâu vào cốt chuyện, ai cũng nhận ra không có một hoàng tử hay công chúa nào trong các tác phẩm của Andersen hay anh em nhà Grimm "bình thường" cả.

    Bạch Tuyết bị lừa dối bao lần nhưng cô không rút ra được bài học nào cho mình. Dù bị thợ săn đưa vào rừng hay đến làm việc nhà cho những chú lùn, cô vẫn chấp nhận số phận mà không hề phản kháng. Quả táo do một bà già lạ mặt trao, cô cầm lấy ăn mà không có ý thức đề phòng. Ngay cả khi tỉnh dậy, cô liền gật đầu đồng ý nói "Ok" trước lời cầu hôn của một hoàng tử lạ mặt. Nếu Bạch Tuyết là một cô gái "tinh khiết đến ngớ ngẩn" thì hoàng tử lại càng vô lý hơn. Làm sao hoàng tử lại sẵn sàng hôn một xác chết mà người đó anh ta chẳng biết là ai?

    Thậm chí chuyện cổ tích "Nàng công chúa và hạt đậu" còn phi lý hơn khi kể về một hoàng tử rất kén chọn. Anh ta đi khắp thể giới để tìm một công chúa phù hợp với mình, nhưng chẳng tìm được ai. Một ngày nọ, có một công chúa đến lâu đài xin ngủ lại. Hoàng tử muốn xem cô gái này có phải là một công chúa thực sự hay không đã đặt một hạt đậu trên giường rồi lấy hai mươi tấm nệm chồng lên nhau. Ngày hôm sau, công chúa phàn nàn rằng có thứ gì đó ở dưới đệm khiến cô không ngủ được. Chính vì lý do này hoàng tử đã chọn cô làm vợ.

    Công chúa hạt đậu là chuyện cố tích nổi tiếng của Andersen. Ảnh minh họa.

    "Đối với các cô gái, cho dù đối phương là ai, họ cũng không có quyền xem thường bạn. Ví như trong chuyện Công chúa và hạt đậu, khi công chúa xin ngủ nhờ, điều đầu tiên hoàng tử muốn làm không phải giúp đỡ cô mà kiểm tra xem đó có thực sự là công chúa hay không? Những người như vậy, kể cả đó là hoàng tử thì vẫn không nên kết hôn", một bạn đọc trên Weibo viết.

    Những công chúa trong câu chuyện cổ tích của Andersen thường không phân định được kẻ xấu, người tốt, cũng không có khả năng tự chủ, độc lập. Họ sẽ chỉ chờ hoàng tử tới cứu, phó mặc cả cuộc đời cho hoàng tử và thậm chí là chết vì hoàng tử. Điều này rõ ràng không còn phù hợp với thế giới đương đại, đặc biệt là với phụ nữ hiện đại.

    Tuy nhiên, phải nhớ rằng, hoàn cảnh lịch sử tác giả viết những câu chuyện cổ tích này khác xa với thời điểm chúng ta đang sống.

    "Truyện cổ Grimm" xuất bản năm 1812 thực chất có nhiều chuyện liên quan đến giết người và tra tấn, đến nay nó đã được sửa đổi rất nhiều lần để phù hợp với trẻ em . Thời điểm đó, tác giả đưa vào chuyện nhằm miêu tả sự tàn khốc của xã hội đương đại để rồi hình thành những giá trị sống đơn giản cho mọi người là "Cái ác, sự lương thiện và quả báo".

    Hans Christian Andersen sống ở Đan Mạch trong thời kỳ quân chủ. Ông luôn cảm thấy bị áp bức khi sống trong xã hội này và đã dùng quan điểm của một đứa trẻ để châm biếm xã hội một cách độc đáo. Ví dụ trong "Công chúa và hạt đậu", Andersen đã châm biếm sự phi lý của tầng lớp quý tộc thời đó. Nhưng có bậc phụ huynh nào hiểu và giải thích việc này cho con em mình?

    Do đó, sử dụng suy nghĩ của thế kỷ 21 để giải thích những câu chuyện cổ tích trong quá khứ và chỉ trích chúng thiếu logic là một điều vô nghĩa.

    Bởi nếu phân tích một cách cẩn thận thì nội dung mà những câu chuyện cổ tích này muốn truyền tải là về lòng tốt, sự chính trực, lòng can đảm và mong muốn về một cuộc sống tốt đẹp.

    Có lẽ nhiều bà mẹ nghĩ rằng phải bỏ ngay câu chuyện "Nàng tiên cá" ra khỏi tủ sách của con gái bởi nó không còn phù hợp. Thế nhưng khi còn nhỏ, biết được nàng tiên cá hy sinh cho tình yêu bằng cách tự vẫn rồi hóa thành bọt biển, những người mẹ đó có nổi giận xé sách không? Hay lúc đó họ lại suy nghĩ về một nàng tiên cá có tấm lòng vị tha cao cả, chấp nhận trả giá để có được tình yêu của đời mình. 

    Tôi từng đưa câu hỏi này tới một số người bạn, có người trả lời rằng: "Tôi không quan tâm đến sự hy sinh của nàng tiên cá, chỉ nhớ rằng cô ấy theo đuổi ước mơ cháy bỏng là được làm người. Tôi còn nhớ sự hiểu lầm của hoàng tử dành cho cô ấy, mà trong tình yêu, hiểu lầm là điều khó tránh khỏi. Khi tôi lớn lên, tôi đã thấm được ý nghĩa sâu xa này".

    Nữ diễn viên Kristen Bell. Ảnh: Sheknows.

    Trong một số nghiên cứu, người ta thấy rằng thế giới quan của trẻ em thực sự khác xa với người lớn.

    Đối với trẻ, truyện cổ tích là cách để chúng hiểu và khám phá thế giới. Trong truyện cổ tích, những gì người lớn cho là quan trọng thì có thể không quan trọng với trẻ.

    Kristen Bell, diễn viên lồng tiếng vai Anna trong Frozen đã xem bộ phim Bạch Tuyết cùng lũ trẻ nhà mình và cô nói với con gái: "Tại sao Bạch Tuyết lại ăn quả táo do phù thủy già tặng? Mẹ sẽ không bao giờ ăn. Con sẽ không ăn những gì người lạ cho, phải không? "

    Mọi người đều biết hoàng tử hôn Bạch Tuyết và nàng tỉnh lại, nhưng Kristen Bell nghĩ rằng điều này không đơn giản. Cô ấy cho rằng đó là hành vi quấy rối tình dục, vì vậy đã nói với bọn trẻ: "Con có thấy lạ khi một người thân của mình bị hôn bởi một người xa lạ không?" Ngay khi Kristen Bell đưa ra câu hỏi này, cô đã nêu quan điểm của riêng mình và cùng thảo luận với con gái.

    Hay như trong chuyện "Nàng tiên cá", khi mụ phù thủy yêu cầu cô phải đổi giọng hát để lấy đôi chân, Kristen Bell đã giải thích cho con hiểu thế nào là sự trả giá .

    "Khi nàng tiên cá từ bỏ giọng hát thiên thần để biến thành người, tôi đã thẳng thắn nói rằng: Theo mẹ đó là sự lựa chọn sai, bởi chính lựa chọn đó đã làm tổn thương và giết chết cô ấy. Rồi tôi hỏi con sẽ làm gì trong trường hợp này và hai mẹ con tiếp tục thảo luận", Kristen Bell chia sẻ. 

    Cũng theo nữ diễn viên, trong chuyện cổ tích sẽ có nỗi buồn, sự hy sinh không cần thiết, thậm chí bi kịch chồng chất bi kịch. Nhưng nhiều người sẽ tìm được trong đó sự lạc quan, kiên trì, hay lòng cam đảm. "Những thứ nhìn ra được trong mỗi câu chuyện thực chất phản ánh chính thế giới quan, nhân sinh quan của cá nhân mỗi người. Xấu hay tốt cũng do cách nhìn nhận cuộc sống mà thôi", nữ diễn viên chia sẻ.

    Một nhà xã hội học Trung Quốc từng nói, mỗi người có cách giải thích khác nhau về chuyện cổ tích. Khi bạn đọc chuyện cổ tích ở tuổi 13 sẽ rất khác biệt khi đọc ở tuổi 30. Có thể khi lớn lên đứa trẻ sẽ không nhớ nội dung nhưng chúng sẽ không bao giờ quên thời gian ngồi cạnh cha mẹ để nghe kể chuyện. Ở đó sẽ có những nàng công chúa tốt, có phù thủy xấu xa, những mối quan hệ đẹp đẽ và trên hết trẻ sẽ nhận ra được thiện ác trong thế giới thực khi được cha mẹ dẫn lối.

    "Đối với trẻ em chuyện cổ tích là cuốn sách giáo khoa tốt nhất để kích thích trí tưởng tượng, đồng thời cho phép trẻ học hỏi sự thật, điều tốt đẹp trên thế giới một cách nhanh nhất", nhà xã hội học này nhấn mạnh. 

    Theo VnExpress

  • Dù được đánh giá là quốc gia mạnh nhất, có tầm ảnh hưởng lớn nhất với hệ thống giáo dục tốt nhất trên thế giới, Mỹ lại bị xếp sau nhiều nước trong việc nuôi dạy trẻ. 

    Dù có hệ thống giáo dục tốt nhất, Mỹ không phải là quốc gia nuôi dạy trẻ tốt nhất thế giới - Ảnh: REUTERS

    Mỹ là nước có hệ thống giáo dục tốt nhất trên thế giới, nhưng lại không phải là quốc gia nuôi dạy trẻ tốt nhất, theo kết quả Xếp hạng Các nước đứng đầu trong các Lĩnh vực (Best Countries Report), một khảo sát do tạp chí U.S. News & World Report phối hợp với trường Wharton của ĐH Pennsylvania tiến hành thường niên kể từ năm 2016.

    Theo phóng viên TTXVN tại New York, Mỹ, kết quả khảo sát công bố mới đây cũng cho thấy nước Mỹ không được xếp đứng đầu trong nhiều lĩnh vực khác như an toàn, bình đẳng giới, chất lượng cuộc sống xanh, luật pháp hỗ trợ gia đình, và kể cả về quyền con người. 

    Riêng trong lĩnh vực nuôi dạy trẻ, Mỹ xếp thứ 18, sau rất nhiều nước ở châu Âu, Canada và Úc. Những nước được xếp hạng tốt nhất trong lĩnh vực nuôi dạy trẻ là Đan Mạch, Thụy Điển và Na Uy. 

    Biên tập viên cao cấp về dữ liệu của tạp chí US News & World Report, bà Deidre McPhillips, cho biết ở các nước được xếp hạng cao trong lĩnh vực này, bố mẹ được nghỉ sinh con khá thoải mái, trẻ em được đi học mẫu giáo miễn phí và hệ thống trường công rất tốt.

    Nước Mỹ cũng bị xếp sau rất nhiều nước về mức độ an toàn, đứng thứ hạng 32 và đây chính là một yếu tố ảnh hưởng tới thứ hạng không được cao trong lĩnh vực nuôi dạy trẻ của Mỹ.  

    Canada xếp thứ tư trong hạng mục nuôi dạy trẻ và xếp sau đó là các nước Hà Lan, Phần Lan, Thụy Sĩ, New Zealand, Úc và Áo. Nước Anh đứng thứ 11.

    Khảo sát Xếp hạng Các nước đứng đầu trong các Lĩnh vực nghiên cứu và đánh giá 73 nước theo 65 tiêu chí khác nhau. Để có được kết quả như vừa công bố, người ta đã khảo sát dữ liệu của hơn 20.000 người trên khắp nước Mỹ, châu Á, châu Âu, Trung Đông và châu Phi.

    Thụy Sĩ hiện là nước được xếp hạng chất lượng tổng quan đứng đầu trong cả bốn năm khảo sát liên tiếp, Canada đứng thứ hai và sau đó là các nước Nhật Bản, Đức, Úc, và Anh. Mỹ xếp thứ bảy, thấp hơn hạng thứ tư Mỹ đạt được khi khảo sát mới được tiến hành lần đầu tiên năm 2016.

    Mặc dù được đánh giá là quốc gia mạnh nhất và có tầm ảnh hưởng lớn nhất nhưng Mỹ lại tụt hạng trong nhiều lĩnh vực. Với cuộc bầu cử tổng thống 2020 sắp tới gần, chỉ số tin cậy nước Mỹ lại xuống thấp ở mức kỷ lục: 16/100, theo kết quả khảo sát.

    Tuy nhiên Mỹ cũng được xếp thứ 15 về chất lượng cuộc sống, thứ 17 về môi trường xanh sạch, thứ 18 về mức độ minh bạch và thứ 26 trong hạng mục "nơi lý tưởng đi du lịch một mình". Mỹ đứng thứ 15 trong hạng mục bình đẳng giới, sau hầu hết các nước Bắc Âu, Canada, Úc và New Zealand.

    Theo Tuổi trẻ

  • Người Việt có câu nói quen thuộc “yêu cho roi cho vọt”, hơn nữa, luật pháp Việt Nam không có quy định rõ ràng trong việc đánh trẻ, vậy nên nhiều cha mẹ thường dạy con bằng cách áp dụng “đòn roi”. Còn ở Anh, đánh trẻ là vi phạm pháp luật. Vậy ở một đất nước không thể đánh trẻ em, đánh con là phạm pháp, cha mẹ sẽ dùng cách nào để giáo dục con cái khi chúng phạm sai lầm?

    Ở Anh, đánh đập, chửi rủa trẻ nhỏ đều là bất hợp pháp. Khi tức giận, bạn liền tát hoặc đánh con cái, nếu để người khác biết được, rất có khả năng ngay ngày hôm sau bạn sẽ mất quyền giám hộ đối với con cái của mình, trẻ nhỏ sẽ được đưa tới viện phúc lợi để chăm sóc, còn bạn có thể sẽ phải ngồi tù vì tội ngược đãi trẻ nhỏ.

    Thậm chí, nếu con cái của bạn lúc đi nhà trẻ vô tình nói một câu đại loại như “hôm qua bố con đánh con”, cảnh sát biết được lập tức sẽ tìm tới cửa nhà bạn.

    Ở nhiều nơi của Việt Nam, bạn có thể dễ dàng thấy cảnh tượng cha mẹ cầm chổi đuổi đánh con cái trong các con hẻm, nhưng điều này sẽ không bao giờ xảy ra trên đường phố Anh.

    Quả thực, trong quá trình trưởng thành của trẻ nhỏ, có vô vàn những trường hợp khiến cha mẹ tức giận, bất lực. Dạy dỗ con cái thì thưởng phạt luôn phải song hành, phạt cũng là một hình thức cần thiết giúp trẻ nhận thức được sai lầm trong quá trình giáo dục.

    Vậy ở Anh – quốc gia không được đánh mắng trẻ nhỏ, làm thế nào để phạt khi trẻ làm sai?

    Phương pháp giáo dục khi con cái phạm sai lầm của người Anh có thể được khái quát qua 2 điểm đó là “Cô lập” và “Hạn chế thời gian”. Nhưng để làm được điều đó là điều không dễ dàng, nếu như trẻ nhỏ liên tục khóc quấy, cha mẹ sẽ mềm lòng, tự bỏ đi những quy tắc bản thân đã tạo ra, như vậy lần sau trẻ sẽ lại tiếp tục áp dụng phương pháp này để ‘đối phó’ với cha mẹ. Phương pháp giáo dục này có hiệu quả hay không còn phụ thuộc vào việc có kiên quyết đặt ra và thực hiện các quy tắc với trẻ ngay từ nhỏ hay không.

    Người Anh có nhiều cách dạy con mà không cần roi vọt.

    1. Cô lập

    Một bà mẹ chia sẻ về tình huống dạy con của một bà mẹ Anh:

    Có một khoảng thời gian tôi thường đưa con tới nhà người bạn Melissa chơi. Melissa có 3 đứa con, một bé 4 tuổi, một bé 2 tuổi rưỡi và bé còn lại 1 tuổi. Cô con gái 2 tuổi rưỡi Hannah đang ở giai đoạn đầu của sự nghịch ngợm, ở Anh thường gọi là “Terrible Two” (“2 tuổi nổi loạn”), thường hay nổi nóng ném đồ đạc, hoặc lúc tranh giành đồ chơi sẽ cắn người khác.

    Có một lần khi cả nhà đều đang chơi đùa, Hannah đã đẩy ngã em gái muốn tới chơi cùng, còn cắn một vết rất sâu trên tay em gái, bé đau quá liền òa khóc. Melissa nghe thấy tiếng khóc từ nhà bếp đi ra, vừa nhìn thấy Hannah cắn em gái, không nói lời nào, liền bế Hannah lên lầu và nói: “Con không được chơi nữa!”.

    Hannah ngồi trên lầu, cũng khóc lớn. Thực ra con bé có thể tự xuống lầu tiếp tục chơi, nhưng bé lại không làm vậy, mà chỉ ngồi khóc, còn Melissa vẫn tiếp tục bận rộn với công việc trong bếp, hoàn toàn không chú ý tới Hannah đang khóc.

    Khóc được khoảng 10 phút, cuối cùng Hannah cũng không khóc nữa, lúc này Melissa mới đi qua, hỏi Hannah có biết đã làm sai chuyện gì hay không, Hannah gật đầu nói là không nên cắn em gái, Melissa liền khen ngợi con gái biết nhận sai, sau đó chỉ bảo cô bé một hồi, bế bé xuống lầu, hôn bé một cái, Hannah bèn vui vẻ chơi cùng em gái.

    Nhà hàng xóm có một cậu bé 10 tuổi tên Kaide, không chỉ đẹp trai mà còn rất hiểu chuyện, nhã nhặn, luôn ân cần chăm sóc những đứa trẻ nhỏ tuổi hơn, thường xuyên nắm tay con tôi dẫn đi chơi. Những lần Kaide muốn dẫn con tôi đi chơi, trước tiên sẽ tới xin phép tôi, tôi đồng ý rồi mới đưa bé đi.

    Trẻ 2 tuổi thường rất bướng bỉnh.

    Tôi rất thích cậu bé Kaide, luôn muốn biết cha mẹ bé làm thế nào mà có thể giáo dục được cậu bé có tính cách tốt như vậy. Có một lần chúng tôi tới hồ bơi công cộng, đúng lúc cha mẹ của Kaide cũng có ở đó, tôi đã hỏi mẹ bé làm thế nào dạy dỗ Kaide, cô ấy nói trước giờ với con cái, chỉ nói một, không bao giờ nói hai lời.

    Lúc đó Kaide cũng đang nghịch nước cùng với bạn bè, vì chơi quá vui vẻ, cậu bé phấn khích lao xuống nước vào khu vực không được phép lặn. Mẹ của Kaide nhìn thấy, nhắc bé một câu, nhưng chưa tới vài phút sau, bé lại phạm phải sai lầm tương tự. Mẹ Kaide tức giận, lập tức kêu cậu bé lên bờ.

    Kaide vừa lên bờ, mẹ cậu chỉ vào cái cây bên cạnh, yêu cầu bé ngồi đó 10 phút không được phép xuống nước chơi. Mặc dù Kaide không vui nhưng vẫn ngoan ngoãn ngồi dưới gốc cây, 10 phút trôi qua, mẹ cậu bé mới cho phép cậu xuống nước chơi, Kaide từ đó cũng không phạm phải sai lầm đó nữa.

    2. Giới hạn thời gian

    Ở sân chơi công cộng dành cho trẻ em thường thấy hiện tượng như này, trẻ nhỏ thường vì ham vui, tới giờ phải về nhà mà vẫn không muốn về, bất kể ba mẹ thúc giục thế nào cũng không chịu về. Những bà mẹ người Anh sẽ không liên tục la hét thúc giục, mà trực tiếp nói với con cái: “Chơi thêm 5 phút nữa con phải về nhà!”.

    Thông thường những lúc như vậy, trẻ nhỏ sẽ nhanh chóng tìm trò chơi chúng yêu thích nhất, sau 5 phút, mẹ gọi về, tụi nhỏ sẽ ngoan ngoãn về nhà. Lúc đầu tôi cảm thấy rất ngạc nhiên, không biết những người mẹ đó đã làm thế nào để con cái nghe lời như vậy, bởi vì có lúc tôi muốn con về nhà, thằng bé cũng yêu cầu muốn chơi tiếp mà không muốn về.

    Sau đó, tôi cũng cùng con thương lượng “chơi thêm 5 phút nữa rồi về nhà được không nào”, con tôi vẫn chưa có khái niệm về thời gian, lúc nào cũng vui mừng đồng ý. Nhưng đợi 5 phút sau, thằng bé lại ăn gian nói “muốn chơi tiếp”.

    Tôi muốn khiến con cái nói lời giữ lời thì đầu tiên bản thân tôi cũng phải làm được chuyện đó, do đó, bất kể thằng bé quấy khóc thế nào cũng kéo đi, kể cả nó đấm đá, vùng vẫy, khóc đầy nước mắt tôi cũng không để ý tới. Kết quả sau vài lần như vậy, sau này mỗi lần tôi đưa ra thời gian giới hạn cho con làm chuyện gì, ví dụ như giới hạn giờ tắm rửa nghịch nước, đi ngủ, thằng bé sẽ ngoan ngoãn hoàn thành trong thời gian cho phép, đồng thời từ đó về sau cũng không khóc lóc náo loạn đối phó lại với tôi.

    Làm thế nào để cha mẹ có thể đặt ra những quy tắc với con cái một cách có hiệu quả?

    Vui chơi là hoạt động mà trẻ nhỏ yêu thích nhất, tước bỏ đi quyền lợi được vui chơi của các bé là một hình thức phạt hiệu quả để các bé dễ dàng nhận được bài học. Nhưng để làm được như vậy là chuyện không dễ, bởi vì trẻ nhỏ sẽ luôn tìm cách chống đối với cha mẹ. Nếu vì các bé không ngừng quấy khóc mà cha mẹ mềm lòng, hoặc nghĩ cách để đáp ứng yêu cầu của các bé, hoặc vì các bé lơ đi lời trách mắng, cha mẹ lại cho qua, phá vỡ nguyên tắc bản thân mình đặt ra, vậy lần sau, gặp phải những trường hợp như vậy trẻ nhỏ sẽ lại dùng những cách thức tương tự để đối phó.

    Trẻ sẽ ngoan ngoãn nếu cha mẹ là người làm gương.

    Để áp dụng “Cô lập” và “Giới hạn thời gian” một cách hiệu quả, bắt buộc phải áp dụng từ khi các bé còn thơ. Rất nhiều bà mẹ người Anh phải đảm nhiệm cả hai trọng trách nuôi dạy con nhỏ và làm công việc nhà, nhiều gia đình còn có tới vài người con, nhưng xem ra các bà mẹ người Anh nuôi con lại thoải mái hơn nhiều so với các bà mẹ người Việt: để con vào phòng chơi, sau đó yên tâm đi làm việc nhà; để con lên trên giường, bé liền ngoan ngoãn ngủ tới sáng; để bé ngồi lên ghế, bé liền ngoan ngoãn tự ăn cơm….

    Người Anh giáo dục con.

    Nhiều bà mẹ Việt thường than phiền rằng, mấy thế hệ trong một gia đình, 5,6 người lớn chăm sóc một đứa nhỏ mà vẫn cảm thấy mệt mỏi, buổi tối phải ôm các bé ru ngủ, ra ngoài cũng phải thay phiên bế, lúc ăn cơm thì phải chạy theo để đút cơm, lúc làm bài tập cũng phải ngồi làm cùng…..

    Điểm khác biệt nằm ở việc không kiên quyết đưa ra những nguyên tắc và nghiêm túc bắt các bé thực hiện ngay từ khi còn nhỏ.

    Bà mẹ chia sẻ:

    Có một đứa con của người bạn tôi rất ham mê chơi game, một lần chơi là vài tiếng đồng hồ không nghỉ, cha mẹ thường vì chuyện này mà la mắng, đứa nhỏ lại coi như gió thoảng qua tai. Có một lần tôi tới nhà người bạn đó chơi, con trai của họ thấy khách tới chơi mà nhắm mắt làm ngơ, coi như không thấy, chỉ tập trung vào màn hình máy tính. Mẹ thằng bé nói: “Con đã chơi rất lâu rồi đấy, chơi thêm 15 phút nữa rồi không được chơi nữa”.

    Thằng bé không trả lời. Qua 15 phút, người mẹ cũng không nói thêm lời nào, gần như quên mất chuyện lúc nãy. Đợi tới gần 30 phút trôi qua, người mẹ làm cơm xong, thấy đứa con vẫn đang chơi game, bắt đầu quát: “Mắt còn muốn dùng nữa hay không, chơi cả buổi sáng rồi! Mau đi ăn cơm!”

    Thằng bé vẫn không có phản ứng, người mẹ múc một bát canh để trên bàn cạnh máy tính, nói: “Ăn hết đi!”, sau đó liền đi vào phòng sách quát lên với người cha: “Anh không thể dạy được con trai mình à, chơi cả một buổi sáng rồi!”. Người cha bước ra xoa đầu đứa con nói: “Đừng chơi nữa, ăn cơm xong chúng ta đi ra sân chơi công cộng nhé?”. Thằng bé nghe thấy, ồ lên một tiếng, ăn hết bát canh, mắt vẫn dán chặt vào màn hình máy tính, sau đó lại cố chơi thêm vài phút, mới miễn cưỡng đi tới bàn ăn cơm.

    Đây là một ví dụ rất điển hình, có thể nhìn ra người mẹ đã không đưa ra những quy tắc cho con cái từ khi còn nhỏ, hoặc do chính bản thân đã không nghiêm túc thực hiện những quy tắc mà bản thân đã đề ra, khiến những đứa trẻ lợi dụng được sơ hở. Người cha cũng không sử dụng bất kỳ hình phạt nào, mà chấp nhận đáp ứng những mong muốn khác của đứa trẻ để ngăn chặn hành vi sai lầm của chúng, điều này dễ khiến trẻ nhỏ trở nên hống hách, ngang ngược, sẽ chỉ biết bản thân mình, và cho rằng cha làm mọi thứ như vậy là điều đương nhiên.

    Nhìn cách các bà mẹ người Anh chăm sóc con cái, thực sự là phương pháp khoa học. Có thể nói, họ lo lắng cho con cái hơn chúng ta rất nhiều. Có một lần tôi đi siêu thị, nhìn thấy một bà mẹ đang tỉ mỉ lựa quần áo cho con, trong khi đứa bé tầm 1, 2 tháng tuổi đang khóc lớn không ngừng trong nôi, người mẹ lại dường như không nghe thấy.

    Lúc đó tôi không hiểu tại sao đứa trẻ khóc như vậy mà người mẹ không qua ôm. Sau này mới hiểu rằng đây chính là cách những bà mẹ người Anh vẫn gọi là “khóc thì buông xuống, mặc cho khóc, vui cười thì bế lên cùng chơi”, thật ra đây chính là hình thức phạt để “giới hạn thời gian” khóc quậy của các bé.

    Chẳng hạn nhiều cặp đôi vì không muốn để ảnh hưởng tới đời sống vợ chồng, đứa nhỏ mới 3,4 tháng đã cho con ngủ riêng 1 phòng. Nếu các bạn hỏi họ làm thế nào để làm được như vậy, đứa trẻ còn nhỏ như vậy không khóc đòi bú sữa sao? Họ sẽ nói, bé khóc là một bài luyện tập cho phổi, chỉ cần kiểm soát để bé không khóc quá 45 phút thì sẽ không có vấn đề gì, mà trẻ nhỏ khóc khoảng 15 phút sẽ tự ngủ, lần sau khi đã biết dù có khóc cũng không có người tới ôm thì sẽ không khóc nữa, vừa đặt xuống giường sẽ ngoan ngoãn đi ngủ. Cũng vì biết là buổi tối sẽ không được bú sữa, ban ngày sẽ càng uống nhiều hơn.

    Còn trên các phương diện khác, ví dụ như vấn đề ăn uống, những bà mẹ người Anh sẽ sắp xếp để trẻ nhỏ ngồi trên những chiếc ghế cao ăn cơm, các bé muốn ăn thì ăn, không ăn thì thôi. Chỉ cần xuống khỏi ghế, sẽ không cho các bé đồ ăn. Điều này sẽ hình thành thói quen ngồi ghế ăn cơm của các bé, nếu không ngoan ngoãn ngồi trên ghế cao, vậy sẽ không được ăn, sẽ đói bụng.

    Các bé trải qua cảm giác khó chịu khi đói bụng, tự nhiên sẽ ngoan ngoãn ở nơi được quy định. Đợi tới khi trẻ nhỏ có thể tự ăn cơm, những bà mẹ người Anh cũng sẽ không đút, để tự các bé ăn cơm, rất nhiều bé khi mới tự ăn cơm đều làm thành một mớ hỗn độn, các bà mẹ cũng không nói gì, chỉ cần các bé tự ăn thì đều được, sau đó hướng dẫn thêm cách sử dụng muỗng nĩa các loại, từ từ trẻ nhỏ sẽ nắm được cách ăn uống, 1,2 tuổi có thể ăn không cần người lớn phải đút.

    Người Việt lại rất coi trọng vấn đề ăn uống của trẻ nhỏ, lo các bé ăn ít, không no, không thể phát triển khỏe mạnh, vì vậy dù các bé không muốn ăn cũng chạy theo đút ăn, hoặc nhổ ra vẫn sẽ bị đút ngược lại, thực ra làm như vậy sẽ càng khiến các bé chán ăn. Thực ra nếu các bé đói tự nhiên sẽ ăn, lúc các bé không muốn ăn là do vẫn chưa đói, ép buộc các bé ăn chỉ phản tác dụng.

    Đây là lý do vì sao trẻ sơ sinh Việt thường mập hơn trẻ sơ sinh Anh, nhưng từ tầm 5,6 tuổi, trẻ em Việt lại không bằng trẻ em Anh. Điều này tuy có liên quan tới sự khác nhau giữa các loại thực phẩm, người Việt cho các bé ăn nhiều thức ăn chứa tinh bột như cơm, mì, dễ mập, trong khi đó người Anh thường cho trẻ nhỏ ăn nhiều thực phẩm chế biến từ sữa để tăng trưởng chiều cao và thể lực, đồng thời cũng có liên quan tới thói quen ăn uống.

    Trẻ em Anh không bị ép ăn như trẻ Việt.

    Rất nhiều trẻ em Việt không có thói quen ăn uống lành mạnh, tới 4-5 tuổi liền chán ăn, trong khi trẻ con Anh do có thói quen ăn uống lành mạnh, tới 4-5 tuổi thì luôn thèm ăn và thấy cái gì cũng muốn ăn. Do đó, hình thành thói quen tốt quan trọng hơn nhiều so với việc nặng hơn vài cân thịt.

    Xem xét trên các phương diện khác cũng giống như vậy, để các bé học được cách tự chơi một mình, không được bám lấy mẹ, thì phải để bé ở trong phòng đồ chơi một mình tự khóc vài lần. Để các bé có thể tự ngủ một mình, phải để các bé một mình khóc vài lần trong phòng.

    Ngay khi đứa bé phải đi học mẫu giáo cũng sẽ có một khoảng thời gian khóc lóc náo loạn, sau khi khóc vài lần sẽ biết học xong mẹ sẽ tới đón, đồng thời sẽ bị hấp dẫn bởi các trò chơi ở nhà trẻ, từ đó về sau sẽ không khóc nữa, hơn nữa còn yêu thích, mỗi ngày đòi tới nhà trẻ. Ngược lại nếu mới bắt đầu mấy ngày, nhìn thấy các bé khóc mà chịu không được, sau đó không cho các bé đi học mẫu giáo nữa, vậy các bé sẽ không bao giờ học được cách độc lập, tự chủ, luôn dựa dẫm vào cha mẹ và không thể nào trưởng thành được.

    “Cô lập” và “Giới hạn thời gian” thực ra cũng chính là một tổng kết về cách rèn luyện cho các bé, chỉ cần đủ quyết tâm, nhất định sẽ giáo dục được một đứa trẻ tốt.

    Theo trithucvn

  • Trong khi Gordon Ramsay và vợ ngồi máy bay khoang hạng nhất thưởng thức vang đỏ hảo hạng, các con phải ngồi ghế hạng thường.

    Gordon cho rằng, các con chưa từng làm việc đủ chăm chỉ để xứng đáng có được vị trí đó. Còn nhỏ tuổi, chúng cũng không cần biết ghế hạng nhất là gì. Ông bố 5 con còn nói với tiếp viên không cho con mình lại gần mấy chỗ ngồi hạng nhất để anh có thể ngủ.

    "Tôi đã làm việc mòn mông để có được vị trí ngồi gần phi công đấy", Gordon hài hước nói.

    Siêu đầu bếp Gordon Ramsay từng được Hoàng gia Anh phong tước Tiểu hiệp sĩ vì đóng góp lớn cho nền ẩm thực nước nhà. Ảnh anh chụp cùng vợ và 4 con lớn.

    Gordon Ramsay, 52 tuổi, người Scotland, chủ trì chương trình Vua đầu bếp (Masterchef), sở hữu khối tài sản trị giá khoảng 54 triệu đô (khoảng 1.200 tỷ đồng). Anh là một trong những ông chủ nhà hàng, khách sạn quyền lực nhất thế giới.

    Dù có tài sản lớn, nhưng anh khẳng định các con sẽ không được sở hữu nhiều tài sản của mình sau khi bố mất. Thứ duy nhất mà Gordon và vợ Tana đã đồng ý cho con là sẽ tặng 1/4 giá trị một căn nhà cho con khi ở riêng.

    "Tài sản của tôi sẽ không thuộc về lũ nhỏ, và đây không phải một điều tiêu cực gì cả. Chỉ là nếu tôi làm như vậy thì sẽ giúp chúng không trở nên hư hỏng".

    Gordon Ramsay có ba con gái và hai con trai cùng sống ở London. Anh đã dạy các con cách nấu ăn như một kỹ năng sinh tồn. Do vậy, anh gần như không bao giờ đưa lũ trẻ đi ăn nhà hàng, ngay cả ở nhà hàng 5 sao của chính mình.

    "Đôi khi em nghĩ bố là một người nhẫn tâm, em chỉ cần một chiếc đùi gà rán nhưng bố vẫn bắt tự nấu", Matilda, 17 tuổi, con gái thứ 4 của Gordon, nói.

    Gordon Ramsay vừa đón con trai thứ 5 vào tháng 4 vừa qua. Ảnh: Delish.

    Cha của Gordon Ramsay được miêu tả là một người nghiện rượu, nhiều lần vì ham muốn kiếm tiền cho tình nhân, bị lừa mất hết tài sản, không thể chăm sóc con cái. Đây cũng là lý do mà Gordon bỏ nhà ra đi vào tuổi 16.

    Vì vậy, Gordon muốn các con không được nghĩ đến chuyện bất chấp kiếm thật nhiều tiền. Thậm chí, anh cũng không cho các con cầm quá 50 USD trong người khi ra đường. Bên cạnh đó, những món đồ các con sử dụng chỉ được có giá ở mức tầm trung, không phải là sản phẩm có thương hiệu đắt đỏ.

    "Tiền chưa bao giờ làm tôi hứng thú. Mục tiêu số một của tôi là dạy các con nên người mà không phụ thuộc vào tiền của cha mẹ", Gordon bày tỏ.

    Hiện tại, Gordon là một trong những triệu phú nổi tiếng gần đây nhất đã không cho phép con mình hưởng toàn bộ tài sản thừa kế, bao gồm Warren Buffett (doanh nhân), Bill Gates (chủ tịch tập đoàn Microsoft), George Lucas (nhà sản xuất phim), và Sting (nhạc sĩ).

    Theo VnExpress

  • Một trong 3 người giàu nhất lịch sử thế giới từng nói: “Một người cho tới lúc chết mà vẫn còn một gia tài trị giá bạc triệu là một sự sỉ nhục”. Vì sao những người giàu có tại Mỹ đều có chung quan niệm như vậy, họ không để lại tài sản thừa kế cho con, mà thích quyên góp cho quỹ từ thiện? 

    Andrew Carnegie là một doanh nhân người Mỹ gốc Scotland và được mệnh danh là Vua Thép. Ông là người giàu thứ 3 trong lịch sử thế giới, ông từng góp phần làm cho ngành công nghiệp sản xuất thép của Hoa Kỳ phát triển mạnh mẽ vào cuối thế kỷ 19. Andrew Carnegie từng nói: “Một người cho tới lúc chết mà vẫn còn một gia tài trị giá bạc triệu là một sự sỉ nhục”.

    ĐA PHẦN NGƯỜI DÂN MỸ ĐỀU CHO RẰNG HỌ LÀ NGƯỜI GÌN GIỮ TÀI SẢN, CHỨ KHÔNG PHẢI LÀ NGƯỜI CHỦ SỞ HỮU. BỞI VẬY, BẢN THÂN KHÔNG NÊN CHIẾM ĐOẠT NHỮNG TÀI SẢN ĐÓ, MÀ PHẢI TẶNG LẠI CHO NGƯỜI KHÁC, TẶNG LẠI CHO XÃ HỘI MỚI LÀ TỐT.

    Năm 2016, mức tiền quyên góp tự nguyện tại Mỹ đạt tới con số 35.840.000.000 $, cao hơn nhiều so với bình quân đóng góp ở các nước phương Tây, gấp hai lần so với Anh Quốc và Canada, gấp 20 lần so với Italia và Đức. “All-out donation” – quyên góp toàn bộ tài sản cho xã hội sau khi qua đời, cũng là hiện tượng không có gì lạ lùng tại Mỹ.

    Rất nhiều người cho rằng số tiền quyên góp hàng trăm triệu USD của Mỹ là đến từ các công ty lớn và các tỷ phú như Gates Foundation, Zuckerberg, tuy nhiên sự thực không phải như vậy. Theo thống kê, 80%  trong số tiền quyên góp hàng trăm tỷ mỗi năm của Mỹ đến từ sự quyên tặng của các cá nhân, và 70% trong số đó là những người dân thường. Tại Mỹ không chỉ những tỷ phú, mà tất cả mọi người dân đều quan tâm tới hoạt động từ thiện, và đương nhiên các tổ chức từ thiện xin quyên góp tiền cũng hết sức tự nhiên.

    Andrew Carnegie là một doanh nhân người Mỹ gốc Scotland và được mệnh danh là Vua Thép. 

    Lý do kêu gọi tài trợ thật kỳ lạ, cách thức kêu gọi cũng rất thu hút

    Thời gian trước, một lần khi kiểm tra email, tôi đọc được một bức thư được gửi bởi một trường tư thục trực thuộc nhà trẻ Day Care, kêu gọi quyên góp cho hoạt động bồi dưỡng giáo viên của Day Care.

    Là sinh viên sống dựa chủ yếu vào tiền học bổng ở Mỹ, cả tôi và chồng đều thuộc về nhóm người nghèo túng, tuy nhiên chúng tôi vẫn quyên góp 350 USD. Đây là lần thứ ba chúng tôi nhận được thư kêu gọi quyên góp này. Lần thứ nhất là thư kêu gọi quyên góp mua sách báo tạp chí cho trẻ nhỏ tại thư viện của địa phương, lần thứ hai là của McDonald House Charities kêu gọi quyên góp cho trẻ em nghèo bị bệnh.

    Người Trung Quốc có câu tục ngữ “cật nhân chủy đoản, nã nhân thủ nhuyễn”, tạm dịch: “Ăn của người ta thì nói năng với người ta cũng mềm mỏng hơn”. Nếu không vì tình cảnh vạn bất đắc dĩ, ví dụ như mắc bệnh hiểm nghèo cần kêu gọi quyên góp, thì chúng ta không có thói quen yêu cầu người khác móc tiền một cách công khai giúp đỡ mình. Tuy nhiên tại Mỹ việc kêu gọi quyên góp và quyên tiền là việc diễn ra bình thường như cơm bữa.

    Những người Mỹ muốn xin tài trợ, họ có rất nhiều lý do ‘không bình thường’ để kêu gọi: Ví dụ đặt nhầm vé máy bay, muốn đặt vé mới cũng kêu gọi xin tiền, tiền đặt cọc kiện tụng ly hôn cũng kêu gọi quyên tiền, … các chủng các loại lý do khác nhau đều có. Mà người Mỹ ở đây cũng thật thiện tâm, với bất kỳ lý do nào, họ cũng đều sẵn sàng quyên góp tiền.

    Tại Mỹ việc kêu gọi quyên góp và quyên tiền là việc diễn ra bình thường như cơm bữa.

    Còn cách thức xin quyên góp của các tổ chức từ thiện cũng rất ‘tinh tế’ và thu hút, họ rất biết cách tìm ra mối liên hệ giữa bạn và mục đích của việc quyên góp đó. Họ không lôi kéo bạn vào những gì cao siêu rộng lớn như chủ nghĩa yêu nước, quan tâm toàn nhân loại hay những gì liên quan tới tôn giáo, mà viết ra những điều bạn đóng góp được trong khoản tiền quyên góp đó, viết một cách rất cụ thể và thiết thực.

    Ví dụ: Trong một bản kêu gọi quyên góp có in câu rằng: “Mục đích của việc quyên góp này là dạy trẻ nhỏ yêu thích đọc sách, tôn trọng kiến thức, và là một cách chia sẻ rất tốt với những người khác”. Đọc được câu này chắc chắn những người tôn trọng tri thức, mong muốn thế hệ sau được giáo dục tốt hơn sẽ sẵn sàng bỏ hầu bao ra quyên góp.

    Người quyên góp tiền tích cực chủ động, người xin tài trợ coi như chuyện đương nhiên

    Network for Good, một tổ chức phi lợi nhuận tư vấn dành cho những người quyên góp từng làm một cuộc khảo sát trên mạng với nội dung: Tại sao người dân Mỹ thích quyên góp tiền? Kết quả đại khái có thể chia thành hai phái như sau:

    Phái chủ nghĩa tình cảm: Cảm giác đạt được thành quả, theo trào lưu, tăng cường mối quan hệ với người khác, được người khác nhớ đến.

    Phái chủ nghĩa thực dụng: Thật tâm muốn giúp đỡ người khác, truyền thống gia đình, tôn giáo, cắt giảm thuế, tạo dựng hình tượng tốt đẹp.

    Ngoài ra việc người dân Mỹ luôn hào phóng quyên góp cũng có liên quan rất lớn tới chính sách khích lệ của chính phủ. Từ năm 1917, chính phủ Mỹ công khai hoạt động liên quan tới chính sách miễn thuế để khích lệ quyên góp, quyên góp một phần tiền trong tổng lương tháng của bản thân để miễn trừ thuế thu nhập cá nhân.

    Tại Mỹ, những người dân có thu nhập trên 50 nghìn USD một năm phải nộp 8% thuế thu nhập cá nhân, dưới 50 nghìn USD phải nộp 5% thuế thu nhập cá nhân một năm. Có nghĩa là những người có thu nhập 51 nghìn USD (chỉ thêm 1.000 USD) cũng sẽ phải nộp thêm 3% thuế thu nhập cá nhân. Bởi vậy có rất nhiều người đã mang số tiền thừa ra đó để đi quyên góp. Đối với họ, vừa giảm bớt việc nộp thuế lại có thể làm việc thiện, thì sao có thể không làm chứ?

    MẶT KHÁC NHỮNG NGƯỜI DÂN MỸ, NHẤT LÀ NHỮNG NGƯỜI CÀNG THÀNH CÔNG, CÀNG GIÀU, THÌ ĐỀU NHẬN ĐỊNH QUÁ TRÌNH TÍCH LŨY TIỀN BẠC LÀ MỘT QUÁ TRÌNH VÔ CÙNG THÚ VỊ. VẬY NÊN HỌ KHÔNG MUỐN TƯỚC ĐOẠT ĐI LOẠI QUYỀN LỢI NÀY CỦA CON CÁI. CŨNG BỞI VẬY, HỌ BẰNG LÒNG DẠY CHO CON CÁI NHỮNG ĐIỀU TÂM HUYẾT CẦN CÓ BAN ĐẦU, CÒN VIỆC KIẾM TIỀN LÀ DỰA VÀO NĂNG LỰC TỰ THÂN CỦA MỖI ĐỨA TRẺ.

    Công khai minh bạch sử dụng tiền từ thiện cũng rất quan trọng

    Tại Mỹ, cho dù là cá nhân hay tổ chức từ thiện, kêu gọi quyên góp nhìn chung đều rất thẳng thắn chân thành, khoản tiền đó dùng với mục đích gì đều được khai báo rất rõ ràng. Ví dụ trong thư kêu gọi quyên góp của Day Care, họ sẽ nói cần bao nhiêu tiền, dùng cho ai, bao nhiêu người và sử dụng như thế nào. Và thực sự những tổ chức này, họ quyên góp tiền cho dân và dùng cho người dân.

    Một trong những loại dịch vụ mà tổ chức McDonald House Charities cung cấp, đó là xây nhà ở bên cạnh bệnh viện, cung cấp chỗ ăn ở miễn phí cho những người mẹ sinh non, thuận tiện cho họ trong việc chăm sóc thăm nom con cái trong viện. Bằng những hoạt động như vậy, bạn sẽ thực sự cảm thấy rằng số tiền của mình không lãng phí và được sử dụng rất đúng mục đích.

    Thay vì để lại tiền bạc tỷ cho con cái thừa kế, họ lại quyên góp hết cho xã hội, để con cái có cơ hội tự lực cánh sinh, tự bước đi trên đôi chân của mình.

    Độ công khai của các tổ chức từ thiện tại Mỹ rất cao, cơ quan thuế quy định mỗi năm họ phải làm báo cáo thuế một lần, cần thống kê chi tiết làm những hạng mục gì, tiêu hết bao nhiêu tiền, tài sản là bao nhiêu. Mỗi năm đều phải làm báo cáo tài chính công khai đăng trên mạng để mỗi người dân khi cần thiết đều có thể kiểm tra được. Sau khi họ nhận được tiền quyên góp đều sẽ có phiếu thu công khai minh bạch, có bằng chứng rõ ràng. Có thể thấy rằng sự công khai minh bạch ở đây đã tạo dựng được niềm tin của dân chúng, cũng khiến việc quyên góp từ thiện ở Mỹ ngày càng trở nên thiết thực và phổ biến rộng rãi.

    Đặc biệt, quan niệm của các bậc cha mẹ Mỹ về vấn đề tiền bạc khiến chúng ta không khỏi suy ngẫm. Thay vì để lại tiền bạc tỷ cho con cái thừa kế, họ lại quyên góp hết cho xã hội, để con cái có cơ hội tự lực cánh sinh, tự bước đi trên đôi chân của mình. Làm như vậy, họ vừa là một người có ích cho cộng đồng xã hội, lại làm đúng vai trò của một người cha người mẹ sáng suốt. Điều này, đối với những ai đang ra sức nai lưng ‘làm trâu làm ngựa’ hòng tích trữ tiền bạc cho con cái về sau, phải suy ngẫm và nhìn nhận lại mình.

    Theo Đại Kỷ Nguyên

  • Gia đình ông Chiểu từng nợ thóc, gạo của hàng trăm người ở khắp tỉnh, vì muốn cho 10 con đi học.

    Ngày họp mặt gia đình 2/9, mới mờ sáng, ông Nguyễn Xuân Chiểu, 85 tuổi đã í ới gọi vợ "bà ơi, dậy thôi". Bà An Thị Dần, 83 tuổi, vợ ông vén lại mớ tóc bạc, bảo chồng "Tôi cả đêm có ngủ đâu mà ông phải gọi". Rồi ông bà ra vườn, bắt hơn hai chục con gà giết thịt để làm cơm đón con cháu. 

    6 giờ sáng, tiếng dao thớt leng keng, tiếng bước chân nườm nượp. Bầy con cháu 70 người lũ lượt kéo về, xắn tay áo hộ ông bà nấu nướng, ba phòng bếp đều đỏ lửa. Con lợn nặng một tạ mổ, bày ra một quầy thịt lớn. Đúng trưa, 10 mâm cơm ăm ắp thịt gà, thịt lợn, rau xanh... được xếp vào hai dãy bàn, trong nhà ăn rộng hơn 50m2. Nhà ăn đó 30 năm trước, là ngôi nhà tranh rách nát, ông Chiểu và vợ chạy ăn từng bữa nuôi bầy con 10 đứa.

    Những năm 1970, lũ con đứa nào cũng đói, mặt xanh như tàu lá. Cha mẹ đi làm, cứ vài bữa, các con ông Chiểu lại phải vác cái rá thủng đi khắp làng vay gạo. Có lần, thằng con thứ ba đi bộ ra tận đầu làng, cách nhà một km, nhưng vẫn về tay không. Đói khổ, bị người đời mỉa mai, ông Chiểu về hối thúc đàn con: "Thầy ức quá, các con phải cố lên, phải học thật giỏi!". Lũ con lem luốc nhìn cha ỉu xìu "Khó lắm thầy bu ơi!".

    Vậy là 5 trai, 5 gái (sinh từ 1956 đến 1976) đều được ông bố là giáo viên thể dục và bà mẹ nông dân "xua" đi học hết.

    "Bố rất chiều mẹ vì ngày xưa mẹ quá khổ cực, những ngày bố đi dạy học, mẹ ở nhà chăm 10 người con, kéo cày thay trâu để kiếm gạo nên sức khỏe giảm sút nhanh", chị Hằng, con thứ 7 của ông Chiểu, bà Dần, cho biết. Ảnh: Đức Minh.

    Một bữa, thầy hiệu trưởng của ông Chiểu từ xa đến thăm. Đến giờ cơm trưa, nhà hết gạo, chỉ còn quả bí ngô, cậu con trai thứ 3 đội lên đầu, đứng ngoài sân gọi "bu ơi", ý muốn xin mẹ cho nấu. Bà Dần nhìn ra gật đầu.

    Mấy đứa trẻ cử cậu thứ 9 sang hàng xóm vay muối về chấm bí ngô luộc. "Cậu ấy sang, hàng xóm ngần ngừ 'nhà mày có bát muối cũng không mua được mà ăn'. Tủi thân, cậu ấy bỏ về, nằm giữa nhà khóc tu tu", chị Hằng, 49 tuổi, con thứ 7 của cụ Chiểu kể. Lúc đó, lũ trẻ bảo nhau: "Thầy nói đúng, anh em mình phải học thật giỏi để thoát nghèo".

    Để có tiền cho con học, ông Chiểu "vừa làm thầy, vừa làm thợ, đi chợ, làm nông". Đầu tuần, ông dậy từ một giờ sáng, đi bộ khoảng 40 km đến trường ở Thường Tín, Hà Nội dạy học, cuối tuần lại đi bộ về. Ngày nghỉ, ông cùng vợ mua quýt, vôi, tòng teng quang gánh đi khắp Hà Nội, Hà Nam, Ninh Bình, Nam Định bán. Ông tự làm máy xát dong, trồng rau để kiếm thêm, ngoài việc cấy một mẫu ruộng để lấy lúa ăn. Nhà không có gạo thì ăn rau, ăn củ chuối.

    "Làm giáo viên lương thấp, làm thầy giáo thể dục lại không được coi trọng, nhưng tôi vẫn cố theo, vì đó là cơ hội duy nhất để tiếp xúc với những người có tư tưởng tiến bộ", ông Chiểu nói.

    Nhiều năm phải đi vay, gia đình ông Chiểu nợ khắp nơi. Vài bữa lại có người đến ngôi nhà tranh xiêu vẹo đòi thóc, đòi tiền. Ông Chiểu mời vào nhà bảo "Ngày nào các bác cũng đến đòi, tiếp các bác tôi chẳng còn thời gian làm mà trả nợ. Tôi hẹn bác này 3 tháng, còn bác đây 2 tháng sẽ trả". Có người đồng ý, nhưng cũng có người chửi, nhiều lần ông phải chạy sang nhà anh trai trốn.

    Biết cha vốn tự trọng cao, vì con mới phải chịu lún, bầy con của ông càng quyết tâm đổi đời.

    "Người ta đến đòi nợ, mấy chị em tôi vẫn mắc võng lên cành cây hồng xiêm nằm học. Họ quát tháo ồn quá thì lại chui vào buồng, đóng kín cửa học. Nửa đêm, hai cái đèn dầu cạn, mấy đứa bảo nhau đổ nước cho váng nổi lên", chị Hằng nhớ lại.

    Tối tối, vợ chồng ông Chiểu không nhắc con học, ngược lại thường phải kêu các con đi ngủ sớm. "Thằng con thứ 3 hôm nào đi cuốc đất cũng cài cuốn sách sau lưng. Cứ nghỉ tay là nó lại đặt ngang cán cuốc làm chỗ ngồi, rồi lôi sách ra học", bà Dần kể.

    Mười đứa trẻ lần lượt đậu đại học, 7 người chọn ngành sư phạm. Hành trình gồng gánh nuôi con của vợ chồng ông Chiểu kéo dài thêm 20 năm, năm nào cũng có 2 đứa đang học. Các con vừa gắng học giỏi để giành học bổng, vừa đi làm thêm để có tiền trang trải.

    Khoảng cuối những năm 1990, các con ông Chiểu đi làm, trả dần hết nợ. Giờ đây, "thằng con thứ 3" mang sách ra ruộng mà bà Dần nhắc đến đã là một phó giáo sư, tiến sĩ. "Thằng thứ 9" nằm lăn dưới đất khóc vì không xin được muối đã là một thạc sĩ, hiện dạy cấp 3 tại một trường điểm của huyện Lý Nhân. Tám người con còn lại, có một tiến sĩ nữa.

    Ông Chiểu chưa bao giờ phải dùng roi vọt. "Nhà khác 10 đứa thì thường có đứa nọ đứa kia sứt sẹo, hư hỏng, nhà tôi may mắn là đều trọn vẹn. Các con chưa từng làm tôi thất vọng", ông nói. Ảnh: Đức Minh.

    Nếu tính cả dâu rể và hàng cháu, nhà ông Chiểu hiện có một phó giáo sư, 5 tiến sĩ và 20 thạc sĩ. Con gái đầu của vợ chồng ông thời đó là người con gái duy nhất trong xã Văn Lý đi đại học.

    Ông Ngô Thanh Thủy, Chủ tịch hội khuyến học xã Văn Lý cho biết: "Gia đình ông Chiểu là gia đình nổi tiếng nhất huyện Lý Nhân là ham học. Từ thuở hàn vi cho đến bây giờ, ông ấy vẫn luôn là người truyền lửa cho các con cháu nỗ lực".

    Vợ chồng ông Chiểu hiện sống cùng con trai thứ 9. Các con đều đã thành đạt, nhưng ông bà chẳng nghỉ ngơi. Ông Chiểu sáng nào cũng lúi cúi ngoài vườn, vun hàng chục gốc hồng xiêm, gốc bưởi trong khu vườn rộng hơn nghìn mét vuông. Còn bà Dần sẽ trẩy bưởi, hồng xiêm bán. 

    "Chúng tôi bước chân ra đời, cũng đối mặt với nhiều thách thức, nhưng học được ở cha mẹ chữ ‘nhẫn’, sự bền bỉ, kiên cường. Anh em chúng tôi cũng chẳng bao giờ tỵ nạnh nhau cái gì, vì quãng thời gian khổ cực nhất, chúng tôi đã luôn đùm bọc nhau", Phó giáo sư - tiến sĩ Nguyễn Đức Minh, con trai thứ 3 của ông Chiểu nói.

    Lễ 2/9 năm nay, xong cơm trưa, 10 người con quây quần "tám chuyện" dưới tán cây hồng xiêm 60 năm tuổi - nơi năm xưa họ từng mắc võng đọc sách, trốn người đòi nợ.

    Theo VnExpress

  • Xem bài trên facebook tố cáo một nhóm học sinh xả rác bừa bãi, có mặt con mình, chị Stacey Robertson phạt con đi nhặt rác cả ngày.

    Chị Stacey Robertson ở Wirral, Anh phát hiện con trai Louie, 14 tuổi, xả rác bên ngoài quán cà phê, sau khi thấy hình ảnh về cậu bé trên mạng xã hội.

    Bài viết cáo buộc cậu bé và nhóm bạn ném thức ăn và rác rưởi khắp sàn, kèm lời bình "Nếu đứa trẻ trong hình là con bạn, hy vọng bạn sẽ tự hào về chúng".

    "Mỗi lần nhìn thấy bức ảnh này, tôi co rúm người lại. Tôi không dạy con như thế", chị Robertson nói.

    Louie bị mẹ bắt nhặt rác. Ảnh: Stacey Robertson.

    Ngày 29/9, chị lập tức viết lên Facebook: "Cậu bé mặc áo hồng trong bức ảnh chính là con trai 14 tuổi của tôi. Ngày mai, thằng bé sẽ phải nghỉ học và đi nhặt rác dù trời mưa hay nắng".

    Người mẹ cho biết, chị sẽ cập nhật các hình ảnh con mình đi nhặt rác cho mọi người và yêu cầu Louie phải xin lỗi tất cả những người bị làm phiền vì hành vi của cậu.

    "Nhân viên quán cà phê có thể nhắn tin cho tôi. Tôi sẽ sắp xếp thứ bảy hoặc chủ nhật, yêu cầu Louie phải rửa chén bát hoặc làm bất cứ việc gì cần thiết để chuộc lỗi với quán. Tôi sẽ có mặt để giám sát thằng bé", người mẹ nói thêm.

    Louie bị mẹ bắt nhặt rác. Ảnh: Stacey Robertson.

    Đúng như tuyên bố, ngày 30/9, chị Robertson đã yêu cầu con trai đi nhặt rác xung quanh trung tâm cộng đồng địa phương ở Leasowe một ngày. Louie phải nhặt hai túi rác màu đen chứa đầy vỏ nước uống bằng nhựa, chất thải của chó và các chất thải cứng như thủy tinh. 

    "Mẹ muốn cháu nhận ra cháu đã hành động sai trái, nhưng thật ra, không phải như những gì mọi người nhìn thấy đâu", Louie biện bạch.

    Thành quả của cậu nhóc. Ảnh: Stacey Robertson.

    Tuy nhiên, mẹ cậu bé cho rằng con trai mình đang nói dối: "Louie đã ném cốc giấy và khoai tây chiên xuống đất. Sau đó thằng bé nói với bạn sẽ đến bưu điện mua đồ uống, đó là lý do vì sao con trai tôi không có trong bức hình thứ hai".

    Hai túi rác cậu nhóc nhặt được. Ảnh: Stacey Robertson.

    Viethome (theo VnExpress)

  • Janey Little, 16 tuổi, học sinh trường Clevedon, North Somerset trở thành nữ sinh "thông minh nhất nước Anh" khi 13 môn của kỳ thi GCSE đạt 9 điểm tối đa.

    Theo số liệu điểm thi được công bố vào 22/8, Janey được 8 điểm môn Nghiên cứu kinh doanh và em cùng 10 học sinh khác là những người có thành tích tốt nhất cả nước khi có 12 môn đạt 9 điểm. 

    Cô gái quyết định nộp đơn phúc khảo lên Hội đồng chấm thi GCSE. Sáng 24/9, Janey nhận được kết quả xác nhận điểm môn Nghiên cứu kinh doanh của em là 9. Thành tích này giúp Janey trở thành cô gái "thông minh nhất nước Anh" khi đạt số điểm tuyệt đối.

    Janey Little. Ảnh: Bristol Post

    "Em rất bất ngờ khi nhận được kết quả này. Thật tuyệt khi thấy công sức mình bỏ ra được đền đáp xứng đáng", Janey nói.

    13 môn Janey đạt điểm tối đa gồm: Lịch sử, Toán, Thống kê, Sinh học, Hóa học, Vật lý, Tôn giáo, Ngôn ngữ Anh, Văn học Anh, Âm nhạc, tiếng Latin, Khoa học máy tính và Nghiên cứu kinh doanh.

    "Đây là một vinh dự đối với trường chúng tôi. Janey là học sinh khiêm tốn, chăm chỉ, tốt bụng và rất xuất sắc", thầy Jim Smith, hiệu trưởng trường Clevedon, nói. Thầy hy vọng với thành tích này, các nhà tuyển dụng sẽ dành sự quan tâm cho Janey và em có nhiều cơ hội việc làm trong tương lai.

    Bảng điểm tuyệt đối của Janey tại kỳ thi GCSE. Ảnh: Bristol Post

    Ngoài việc tham gia nghiên cứu và hoạt động trong các câu lạc bộ, Janey đã viết bốn cuốn tiểu thuyết và đang lên kế hoạch xuất bản cuốn thứ năm. Em đặt mục tiêu trở thành sinh viên Đại học Oxford, khoa PPE (Triết học, Chính trị và Kinh tế) để sau này có thể hoạt động trong lĩnh vực chính trị.

    Janey sẽ có bài phát biểu chia sẻ kinh nghiệm và truyền cảm hứng học tập tới các học sinh, phụ hynh trường Clevedon vào ngày 3/10.

    GCSEs (General Certificates of Secondary Education) là bằng cấp học thuật đầu tiên trong hệ thống văn bằng của Anh quốc. Trong 2 năm cuối của chương trình phổ thông bắt buộc (độ tuổi từ 14 đến 16), học sinh phải thi lấy chứng chỉ GCSE vào tháng 5-6 hàng năm.

    Thông thường, học sinh phải thi khoảng 8 môn học GCSE, bao gồm cả tự chọn và bắt buộc. Kết quả thi GCSE là yếu tố quan trọng trong hồ sơ dự tuyển đại học của học sinh Anh.

    Viethome (theo VnExpress)

  • Mẹ của hai đứa trẻ cảm thấy vui vì các con của mình biết yêu thương nhau bao nhiêu thì lại đau lòng bấy nhiêu khi phải chứng kiến cậu con trai bé nhỏ đau đớn vì bệnh tật.

    Là thứ tình cảm gắn liền với con người như bản năng nên mối quan hệ giữa các thành viên trong gia đình luôn được coi là ưu tiên hàng đầu. Chứng kiến em trai bé nhỏ của mình phải chống chọi với căn bệnh ung thư quái ác, một bé gái người Mỹ đã ở bên để chăm sóc và động viên. Vô tình bắt gặp khoảnh khắc cảm động đến rơi nước mắt này, mẹ của hai bé đã chụp lại và chia sẻ lên mạng để khiến mọi người hiểu được tình cảm gia đình có sức mạnh như thế nào khi con người gặp phải khó khăn trong cuộc sống.

    Bức ảnh khiến bà mẹ vừa hạnh phúc, lại vừa đau lòng.

    Bức ảnh cảm động được cô Kaitlin Burge chụp lại vào hồi tháng 1/2019 khi cậu bé Beckett Burge đang nôn ọe trong toilet. Thấy vậy, cô chị Aubrey đã đứng kề bên để xoa lưng và dỗ dành em trai. Sau khi đưa em vào ghế nằm nghỉ, Aubrey còn ngỏ ý phụ giúp bố mẹ việc lau dọn buồng tắm.

    Tháng 8/2018, cậu bé Beckett được chẩn đoán mắc căn bệnh bạch cầu nguyên bào cấp tính, một dạng ung thư máu khiến các tế bào máu trắng bất thường tích tụ trong tủy xương đồng thời gây ảnh hưởng tới việc sản sinh ra tế bào máu bình thường. Khi đấy, bé mới chỉ 2 tuổi.

    Cũng từ đó, Beckett đã phải chiến đấu trường kỳ trong bệnh viện với đủ các xét nghiệm và điều trị, từ truyền hóa chất, cho tới truyền máu hay tiểu cầu... Tuy nhiên, những đau đớn đó cũng dần tan đi khi cậu bé nhận được sự yêu thương và chăm sóc của cô chị Aubrey.

    Mặc dù chỉ lớn hơn Beckett 14 tháng tuổi nhưng Aubrey đã rất chững chạc khi tỏ ra là một người chị cả trong nhà. Cô bé sẵn sàng ở nhà trông em thay vì ra ngoài nô đùa với bạn bè. Bà mẹ 28 tuổi sống tại thành phố Princeton, bang Texas cho biết, ở nhà Aubrey và Beckett thân thiết với nhau như những người bạn.

    Khi phải chứng kiến ngoại hình ngày một tiều tụy của Beckett, Aubrey đã rất lo lắng. Cô bé đặt ra vô số câu hỏi khó cho bố mẹ chỉ để hiểu rõ hơn về bệnh tình của em trai.

    Aubrey lau dọn buồng tắm sau khi em trai nôn ọe.
    Hai đứa trẻ không chỉ là chị em, mà còn thân thiết như bạn bè.
    Beckett sẽ còn phải điều trị hóa chất thêm 2 năm nữa.

    Viethome (theo Helino)

  • Trong khi luật pháp Anh cho phép các bậc cha mẹ tự do nuôi dạy con cái theo cách họ muốn, cũng như theo niềm tin và tôn giáo của riêng họ, có một số điều luật quy định những việc cha mẹ không được làm với con.

    Sau đây, chúng ta hãy cũng xem những gì luật pháp cấm cha mẹ làm với con cái mình.

    tre em anh quoc

    1) Không cho con đi học hoặc để chúng bỏ học

    Cha mẹ có nhiệm vụ cung cấp cơ hội giáo dục đầy đủ cho con cái. Theo luật, phụ huynh có trách nhiệm đảm bảo con cái của họ (từ lớp tiền tiểu học đến 16 tuổi) được đi học toàn thời gian. Nếu con bạn không đến trường thường xuyên, các dịch vụ bảo vệ trẻ em địa phương có thể có hành động pháp lý chống lại bạn.

    Ngay cả khi con bạn nghỉ học mà bạn không biết, với tư cách là phụ huynh, bạn vẫn phải chịu trách nhiệm và có thể bị coi là phạm tội. Các hiệu trưởng hiện có thể gửi các thông báo phạt lên tới 100 bảng tới các phụ huynh không đảm bảo con cái mình đi học đầy đủ.

    Mặc dù Chính phủ rất muốn tất cả trẻ em ba và bốn tuổi được hưởng lợi từ việc giáo dục và vui chơi trong năm đầu đời, cha mẹ không có nghĩa vụ pháp lý phải cho con tiếp nhận giáo dục sớm.

    2) Cho con ngồi sai chỗ trên xe hơi

    Cha mẹ được yêu cầu phải đảm bảo con họ ngồi đúng chỗ ngồi phù hợp với độ tuổi của chúng trên xe. Người lái xe cũng được pháp luật yêu cầu phải đảm bảo hành khách nhỏ tuổi được thắt dây an toàn. Là lái xe, nếu bạn bị phát hiện không cho trẻ sử dụng ghế ngồi ô tô trẻ em hoặc không thắt dây an toàn, hình phạt cố định dành cho bạn là 100 bảng. Nếu vụ việc được đưa ra tòa, bạn có thể phải đối mặt với khoản tiền phạt lên tới 500 bảng.

    Ngoài ra, để ghế trẻ em (loại quay mặt về phía sau) ở vị trí ghế trước cũng là bất hợp pháp nếu đây là loại xe có túi khí tự động. Trong trường hợp này, túi khí phải được hủy kích hoạt hoặc ghế trẻ em phải được đặt ở ghế sau.

    Ngoài các hình phạt pháp lý, việc không thắt dây an toàn hoặc không đảm bảo rằng hành khách trẻ em được sử dụng ghế trẻ em phù hợp cũng có thể ảnh hưởng đến việc chi trả bảo hiểm trong trường hợp gặp tai nạn.

    3) Đánh con

    Hiện tại, việc cha mẹ đánh con không phải là bất hợp pháp, nhưng nếu việc đánh đập không còn là một ‘hình phạt hợp lý,’ phụ huynh có thể bị buộc tội với một loạt các tội danh. Nếu đánh trẻ để lại dấu vết, chẳng hạn như vết bầm có thể nhìn thấy, sưng nhẹ hoặc gây tổn hại về tinh thần, hoặc nếu trẻ bị đánh bằng gậy, roi, thắt lưng hoặc các đồ vật khác, điều đó sẽ được coi là ‘không hợp lý’ và do đó là bất hợp pháp.

    Việc giáo viên, nhân viên nhà trẻ và nhân viên chăm sóc trẻ em đánh con của người khác là bất hợp pháp.

    NSPCC và các tổ chức từ thiện trẻ em khác vẫn đang tiến hành các chiến dịch kêu gọi cấm hoàn toàn việc đánh đập trẻ. Tuy nhiên, điều này vẫn chưa có hiệu lực.

    4) Để mặc con một mình

    Luật pháp không quy định độ tuổi thích hợp để đứa trẻ được ở một mình, nhưng việc để trẻ một mình là một hành vi phạm tội nếu điều đó khiến chúng gặp nguy hiểm. Cha mẹ có thể bị truy tố nếu họ để mặc đứa trẻ 'theo cách có thể gây ra đau đớn hoặc tổn thương không cần thiết cho sức khỏe'.

    Khi nào được để con một mình phụ thuộc vào việc bạn và con có cảm thấy thoải mái và tự tin khi làm như vậy không. Cha mẹ vẫn có trách nhiệm với đứa trẻ cho đến khi con được 16 tuổi.

    NSPCC nói:

    • trẻ em dưới 12 tuổi hiếm khi đủ trưởng thành để ở một mình trong một thời gian dài
    • trẻ em dưới 16 tuổi không nên ở một mình qua đêm
    • trẻ sơ sinh, trẻ mới biết đi và trẻ nhỏ không bao giờ được phép ở một mình

    5) Hút thuốc khi có trẻ em trong xe

    Từ tháng 10 năm ngoái, việc hút thuốc trong xe hơi hoặc các phương tiện khác dưới sự có mặt của bất cứ ai dưới 18 tuổi đã trở thành hành vi bất hợp pháp. Người lái xe và hành khách có thể phải đối mặt với mức phạt 50 bảng nếu họ bị bắt gặp hút thuốc khi có một đứa trẻ trong xe.

    6) Để con đạp xe trên phố

    Bất cứ ai, kể cả trẻ em, đi xe đạp trên vỉa hè dọc theo các con đường đều bị coi là có hành vi bất hợp pháp, trừ khi đó là đường dành riêng cho xe đạp. Do đó, là cha mẹ, bạn không nên để con bạn đạp xe ngoài phố.

    Tuy nhiên, trẻ em dưới mười tuổi đều ở dưới độ tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự. Do đó, nếu bạn để đứa con năm tuổi của mình đi trên đường, chúng sẽ vi phạm pháp luật. Trong khi về mặt lý thuyết, dù cảnh sát có thể ngăn chặn trẻ nhỏ đi xe đạp trên vỉa hè, họ không có quyền bắt giữ, phạt tiền hoặc thậm chí cảnh cáo chúng.

    7) Cho trẻ uống rượu

    Cho trẻ dưới năm tuổi sử dụng rượu là hành động bất hợp pháp. Tuy nhiên, thật ngạc nhiên khi được biết pháp luật không hề cấm cha mẹ cho trẻ trên năm tuổi sử dụng chất có cồn ở nhà riêng hoặc các cơ sở được phép bán rượu bia.

    8) Để cho con sống một mình quá sớm

    Cha mẹ có con dưới 16 tuổi phải chịu trách nhiệm cung cấp cho con chỗ ở an toàn.

    Cha mẹ không được phép ngăn con ra ngoài sống bằng cách nhốt con trong nhà hay sử dụng vũ lực, nhưng họ có thể đem vấn đề ra trước tòa để đưa con trở lại nếu chúng bỏ nhà đi.

    9) Chia sẻ phòng ngủ với anh chị em

    Hiện tại ở Anh không có luật cấm trẻ em khác giới tính chia sẻ phòng ngủ. Tuy nhiên, NSPCC khuyên rằng trẻ em khác giới trên mười tuổi không nên ở chung phòng.

    Nếu bạn thuê nhà hội đồng, hoặc nhà của bạn thuộc sở hữu của hiệp hội nhà ở, có thể có các quy tắc hạn chế trẻ em khác giới trên mười tuổi ở chung phòng.

    10) Bắt trẻ làm việc

    Luật lao động trẻ em rất phức tạp. Công đoàn và NSPCC ước tính có hơn 200 điều luật, bao gồm luật pháp châu Âu và quốc tế cũng như luật pháp địa phương, quy định về việc trẻ em làm việc.

    Đạo luật Trẻ em và Thanh thiếu niên 1933 (CYPA) quy định 14 là độ tuổi tối thiểu để trẻ em có thể nhận việc làm, và chỉ là việc làm bán thời gian, nhưng có những hạn chế về loại công việc và số giờ.

    Không ai dưới 16 tuổi có thể làm việc trong một cửa hàng bán thịt, trong một khu hội chợ hoặc khu giải trí, giao sữa hoặc làm việc trong một nhà bếp thương mại.

    Trẻ 14 tuổi chỉ có thể làm 'công việc nhẹ' và không thể làm việc hơn hai giờ trong một ngày học. Vào thứ bảy hoặc một ngày trong những ngày được nghỉ học, các em không thể làm việc quá năm giờ và vào Chủ nhật, không quá hai giờ. Trẻ em không thể làm việc hơn 25 giờ trong một tuần và phải có ít nhất hai tuần nghỉ liên tiếp trong một năm.

    Trẻ 13 tuổi được phép làm việc bán thời gian, trên cơ sở hạn chế hơn. Công việc này sẽ bao gồm việc do cha mẹ giao cho liên quan đến làm vườn hoặc nông nghiệp, hoặc một số loại công việc nhẹ. Chính quyền địa phương có quyền quy định số giờ cho phép trong một ngày, thời gian trong ngày, thời gian nghỉ ngơi, nghỉ ăn uống và các điều kiện khác.

    11) Cha hoặc mẹ đưa con ra nước ngoài mà không có sự cho phép của người còn lại

    Bạn phải được sự cho phép của cả hai bên cha mẹ hoặc người có trách nhiệm giám hộ theo pháp luật hoặc sự cho phép của tòa án trước khi đưa trẻ ra nước ngoài. Đưa con ra nước ngoài mà không được phép được coi là hành vi bắt cóc trẻ em.

    Tuy nhiên, nếu đứa trẻ là đối tượng của Lệnh Child Arrangements Order, cha/mẹ có địa chỉ thường trú có thể đưa chúng ra nước ngoài tối đa 28 ngày mà không cần sự cho phép của cha/mẹ không có địa chỉ thường trú.

    VietHome (Theo Hull Live)

  • Bị mẹ mắng là ngốc, đứa con đáp lại có 3 loài chim ngốc, trong đó tệ nhất là loài không bay nổi nên đẻ quả trứng bay hộ mình.

    Mỗi đứa trẻ đều có tiềm năng vô hạn, thành quả mà trẻ đạt được sau này phần lớn dựa vào cách giáo dục của cha mẹ. Tuy nhiên có hai kiểu cha mẹ khó tạo nên đứa con thành công:

    1. Cha mẹ không có chí tiến thủ mà yêu cầu con phải chăm chỉ, giỏi giang

    Dân gian từng lưu truyền câu chuyện về một đứa trẻ vì thành tích không tốt mà bị mẹ ví là con chim ngốc. Đứa trẻ không phục nói: Trên đời này có 3 loài chim ngốc, một là biết mình chậm nên bay trước, hai nghĩ sẽ mệt nên không bay. Người mẹ hỏi: "Loài thứ 3 thì sao?". Đứa trẻ nói: "Loài này đáng ghét nhất, tự mình bay không nổi liền đẻ một quả trứng để bay hộ mình".

    Câu chuyện này châm biếm một bộ phận bố mẹ lười biếng, không cố gắng nhưng luôn đòi hỏi con mình phải giỏi giang. Đối với họ, công việc đều rất qua loa, có thời gian cũng chỉ xem tivi, chơi game, xem điện thoại... Không có hứng thú với bất kì sở thích nào, càng không nghĩ đến việc đọc sách, mở mang kiến thức.

    Vậy là họ bắt đầu đặt kỳ vọng lên con cái để thỏa mãn hư vinh của bản thân: "Con phải học tập thật tốt, không được thua kém bố mẹ, biết chưa?", "Con phải làm thật tốt, cả gia đình sau này nhờ vào con".

    Đây là một lối giáo dục ích kỷ. "Cá chép hóa rồng", không sai, nhưng một phụ huynh không tự nâng cao trình độ bản thân, thì không thể đủ lập trường để dạy đứa trẻ làm như vậy. Chỉ bằng lời nói miệng, hoàn toàn không đủ thuyết phục được trẻ. 

    Hơn nữa, đứa trẻ ngày ngày bị dội vào đầu kỳ vọng sẽ sinh ra một áp lực rất lớn. So với những trẻ hành trang vào đời nhẹ nhàng thì nhóm trẻ này sẽ thiếu một phần can đảm, tự tin và quyết đoán trên con đường trưởng thành.

    Khi Mo Yan (nhà văn nổi tiếng Trung Quốc) đạt giải Nobel, ông nói rằng: "Điều đầu tiên mỗi người khi sinh ra nhận được chính là giáo dục gia đình, ảnh hưởng lớn nhất cũng là giáo dục gia đình. Đây là cách giáo dục bằng lời nói và hành động, tức là dạy người khác thế nào, mình phải làm như vậy. Bản thân tôi cũng cảm thấy giáo dục bằng hành động quan trọng hơn lời nói. Trong gia đình bạn sống, cách người lớn đối xử với công việc, với người khác có ảnh hưởng trực tiếp, vô thức làm thay đổi đứa trẻ".

    Nhà văn và dịch giả nổi tiếng Yang Lan từng mô tả ảnh hưởng của cha mẹ đối với cô trong bài viết của mình: "Bố nói có tình có lý, xuất khẩu thành chương, ăn nói mạnh mẽ. Tôi vừa ngưỡng mộ, vừa tò mò, thỉnh giáo bí quyết, bố tôi nói: 'Bí quyết nào? Đọc nhiều sách, đọc thật nhiều cuốn sách hay mà thôi'. Mẹ vất vả làm việc nhà, nhưng lúc rảnh rỗi lại mang sách cổ điển và tiểu thuyết hiện đại ra đọc. Tôi học được từ bố mẹ điều đó và rất thích đọc sách từ nhỏ. Là một tấm gương cho trẻ, cha mẹ trước hết cần trưởng thành và cải thiện bản thân nhiều hơn con cái".

    Sau khi làm cha mẹ, cũng đừng quên theo đuổi mục tiêu làm giàu tri thức cho bản thân, đó mới là cách giáo dục con có tính thuyết phục nhất.

    2. Cha mẹ tự cho mình là đúng, không nhìn nhận lại mình, không chịu thay đổi

    Trong bộ phim tài liệu "Gương", sản xuất tại Trung Quốc năm 2017, ba gia đình gặp rắc rối vì con cái bỏ học, không có lựa chọn nào khác ngoài việc gửi đến trường đặc biệt. Khi được tiếp cận lối giáo dục chạm đến tâm hồn, những đứa trẻ này lại trở về ngoan ngoãn, khác biệt hẳn trước đây. Bộ phim thể hiện rõ thông điệp trẻ em là tấm gương của gia đình và gia đình là tấm gương của xã hội. Những ông bố bà mẹ trong bộ phim tài liệu này đã thất bại trong việc dạy con, thậm chí biến con thành trẻ hư. 

    Sau khi xem phim, Yu Minhong (người sáng lập một tổ chức giáo dục) nói: "Trẻ em đều là những đứa trẻ ngoan, hãy xem cha mẹ có phải là cha mẹ tốt không".

    Nhiều bậc cha mẹ mắc lỗi khi giáo dục con cái. Nhưng khi con phạm sai lầm, họ chỉ thường nhìn thấy lỗi của con và cố hết sức để thay đổi đứa trẻ mà không học cách thay đổi bản thân. Đây là kiểu cha mẹ không biết suy nghĩ và ngoan cố.

    Họ luôn đưa ra lý do cho sự thất bại: "Con tôi đến trường tất cả đều dựa vào giáo viên", "Tôi không học cao, không biết dạy con", "Tôi rất bận rộn không có thời gian để giáo dục con cái"... Hay như dưới mỗi bài viết dạy con, kiểu gì cũng có một số bình luận: "Nói thì dễ, nhưng có mấy người làm được"; "Tôi đã làm qua như vậy, nhưng vẫn không tốt lên"...

    Trong xã hội, hiện tượng thờ ơ, nhẹ dạ, ca ngợi quá mức, kỳ vọng quá mức và không quan tâm đến con cái vẫn còn phổ biến.

    Khi một đứa trẻ có vấn đề, đầu tiên cha mẹ hãy nghĩ về hành vi của mình, xem mình có sai không. Chẳng hạn, hành vi nói dối của trẻ, có thể xuất phát từ việc cha mẹ quá nghiêm khắc khiến trẻ phải nói dối để không bị mắng.

    Không có cha mẹ sinh ra đã hoàn hảo để giáo dục con cái, nhưng chắc chắn rất khó để giáo dục con cái nếu cha mẹ ngừng học tập và từ chối trưởng thành.

    Viethome (theo VnExpress)