• Sự phát triển của khoa học kỹ thuật đã tạo điều kiện để trẻ em tiếp xúc với các sản phẩm công nghệ như điện thoại di động từ khi còn rất sớm. Tuy nhiên, bên cạnh những lợi ích giúp trẻ học tập vui chơi thì những hậu quả của việc sử dụng điện thoại quá sớm cũng khiến nhiều người phải lo ngại.

    Đã có nhiều sự việc đau lòng xảy ra xoay quanh việc sử dụng điện thoại di động ở trẻ. Và mới đây nhất là trường hợp của chị Jennifer ở New York, Mỹ.

    Theo New York Post đưa tin, vào một ngày thứ Bảy năm 2019, con gái của chị Jennifer – bé Heaven Vega 9 tuổi đã treo cổ tự tử tại nhà, nguyên nhân xuất phát từ việc không được mẹ cho sử dụng điện thoại.

    Bé Heaven Vega - 9 tuổi đã làm điều dại dột vì bị mẹ từ chối không cho sử dụng điện thoại lúc sáng sớm.

    Theo đó, vào sáng hôm xảy ra sự việc, Heaven thức dậy và muốn sử dụng điện thoại để xem video trên Youtube nhưng chị Jennifer đã từ chối vì còn quá sớm. Tức giận, Heaven đã dùng một sợi thắt lưng treo cổ tự tử ngay tại phòng ngủ.

    Chính chị Jeniifer sau đó là người phát hiện ra sự việc và lập tức gọi cứu hộ 911 đến nhà. Trong lúc này, một người con trai của chị đang cố gắng sơ cấp cứu cho Heaven. Sau khi đến nơi, nhân viên cứu hộ đã lập tức đưa Heaven đến bệnh viện St Barnabas để điều trị nhưng cô bé đã không thể qua khỏi.

    Hàng xóm xung quanh chia sẻ với New York Post rằng họ nghe thấy tiếng tranh cãi giữa hai mẹ con khi Heaven đòi sử dụng điện thoại vào lúc sáng sớm. Người hàng xóm nói: "Cô bé vừa thức dậy và đã lập tức muốn sử dụng điện thoại để xem video nhưng người mẹ nói rằng còn quá sớm và đã không cho phép"

    Được biết, Heaven là em út trong gia đình có 4 anh chị em. Sau sự ra đi của Heaven, mẹ cô bé không ngừng tự trách và đổ lỗi cho bản thân. Vụ việc vẫn đang được điều tra tuy nhiên cơ quan chức năng cho biết rằng họ không tìm thấy dấu hiệu phạm tội trong vụ án này.

    Khu nhà nơi gia đình Heaven sinh sống tại New York, Mỹ.

    Để tránh những vụ việc tương tự như thế có thể xảy ra, thiết nghĩ các bậc phụ huynh cần có những biện pháp cụ thể để giúp trẻ thoát khỏi những ảnh hưởng tiêu cực từ việc sử dụng điện thoại hay các thiết bị công nghệ khác.

    Để làm được điều đó, trước hết cha mẹ hãy là tấm gương cho trẻ, tự hạn chế sử dụng điện thoại trong gia đình và không cho trẻ sử dụng điện thoại khi còn quá nhỏ. Đặc biệt hãy dành thời gian để gần gũi, trò chuyện, chơi đùa với trẻ để tăng cường sự gắn kết giữa các thành viên trong gia đình.

    Khi trẻ lớn hơn, cha mẹ có thể cho trẻ sử dụng điện thoại nhưng phải quy định rõ điều kiện và thời gian sử dụng. Khi hết thời gian, cần phải kiên quyết thu hồi, tuyệt đối không du di khi thấy trẻ khóc lóc hay ăn vạ.

    Bên cạnh đó, cha mẹ còn có thể hướng bé đến những trò chơi lành mạnh khác như cờ vua, xếp hình hay tô màu hoặc cho trẻ tham gia các hoạt động ngoại khóa, thể dục thể thao ở trường hoặc tổ chức các buổi dã ngoại, tham quan vào dịp cuối tuần để trẻ có cơ hội tiếp xúc với thiên nhiên, khám phá thế giới xung quanh, tăng cường thể lực, trí tưởng tượng và sức sáng tạo ở trẻ.

    Viethome (theo Trí Thức Trẻ)

  • Khi cho trẻ ngủ chung, các cha mẹ nghĩ con đã ngủ say, ngủ mấy mà khi bị tiếng động cùng với cái giường rung lên ầm ầm thì con sẽ có lúc tỉnh dậy .

    1. Cho con ngủ chung giường.

    Theo phong tục tập quán quen thuộc của Việt Nam, xuất phát từ việc lười ra khỏi giường vào ban đêm, thích sự tiện lợi khi chăm con sơ sinh, các mẹ đã ngủ chung với con ngay từ ngày đầu tiên trở về từ bệnh viện. Các mẹ cảm thấy có sự chăm sóc, ôm ấp của các mẹ, con sẽ lớn nhanh. Tuy nhiên, không nói đến việc ôm ấp con tại nơi kín gió sẽ gây ra tình trạng thiếu oxi, việc gần gũi con quá đáng cũng là cách thức truyền vi khuẩn cho con nhanh nhất thì việc ngủ chung cũng tạo điều kiện cho con xem cảnh nóng ngay từ khi còn bé xíu.

    Các mẹ đã ngủ chung với con đều biết rằng chẳng dễ dàng gì khi cho con ra ngủ riêng. Tâm lý sợ con gặp chuyện, sợ con dậy khóc giữa đêm, cộng với việc cha mẹ cũng thích dính vào con và cả sự phản đối quyết liệt của con sẽ làm cho mọi việc trở nên khó khăn hơn rất nhiều. Nhưng cha mẹ thì phải có sự gần gũi, vì việc ngủ chung này, các con sẽ được chứng kiến nhiều cảnh nóng và diễn ra hàng ngày nên ngấm vào con rất nhanh. Các cha mẹ nghĩ con ngủ say thì không có đâu nhé, ngủ mấy mà khi bị tiếng động cùng với cái giường rung lên ầm ầm thì con sẽ có lúc tỉnh dậy thôi.

    Đó là chưa kể việc ngủ chung cũng làm con quen với cảnh cha mẹ hớ hênh quần áo. Khi ngủ mấy ai chắc chắn là mình đứng đắn và lịch sự. Phần cơ thể của bố hoặc mẹ hở ra có thể con nhìn thấy và sẽ vô cùng tò mò, thậm chí bị kích dục ngay từ khi còn rất nhỏ.

    2. Tắm rửa quá kĩ.

    Các cha mẹ, đặc biệt là các mẹ, vốn rất sợ bẩn, vì thế họ tắm cho con rất kĩ lưỡng. Tớ cũng ko hiểu sao các mẹ Việt rất sợ con dính bẩn mặc dù rõ ràng là nhà cửa và đường xá Việt Nam bẩn thỉu hơn các nước khác rất nhiều. Cứ hễ con dính một chút gì đó vào tay chân là vội vã rửa cho sạch trong khi rác đọng ở khắp nơi. Vào nhà người Việt nói chung, ta thấy đồ đạc cũ, hỏng được tích lũy khắp nơi, còn ngoài đường thì bất kể góc nào ko có người ngồi đều có thể biến thành bãi rác. Kiểu vệ sinh đặc biệt này làm cho mọi thứ vẫn bẩn dù ta có cố gắng tắm giặt cho bọn trẻ kĩ lưỡng đến đâu. Đó là chưa kể bọn trẻ được (bị) tắm kĩ quá, đặc biệt là bộ phận sinh dục, chúng cảm thấy bị kích dục trong lúc tắm ngay từ khi còn sơ sinh. Càng lớn, việc kích dục này càng rõ nét hơn, và việc nhìn thấy bọn trẻ con tự sờ nắm vào bộ phận sinh dục của chính mình đến mức mặt mũi đờ đẫn xảy ra với tỉ lệ khá cao (gần 10% trẻ em Việt).

    Vì thế, theo tớ, tắm cho con vừa phải thôi, nếu ngày nào cũng tắm thì việc tắm kĩ quá sẽ diệt cả những vi khuẩn có lợi trong bộ phận sinh dục của con, dễ làm con bị viêm nhiễm. Khi con được 3 tuổi trở lên thì nhất thiết phải cho con tự tắm để con bắt đầu học tự vệ.

    3. Thói quen sờ mó vào cơ thể con.

    Việc này, ko chỉ cha mẹ mà các bà/bác họ hàng cũng chuyên gia làm thế. Ai cũng nghĩ “đùa tí thôi mà” nhưng không nhận thức rằng họ đã xâm hại và có nhiều hành động kích dục trẻ em. Hành vi này còn có thể truyền vi khuẩn vào bộ phận sinh dục của trẻ. Có những người bị bệnh Sùi mào gà thì tay chân họ cũng dính vi khuẩn này. Và thực tế đã chứng minh có nhiều em sơ sinh chết vì bệnh này do người lớn đến chơi động chạm vào người các em. Chưa kể việc đó cũng khiến bọn trẻ con không có thói quen tự bảo vệ các bộ phận trên cơ thể mình. Nhiều em khi bị xâm hại còn xấu hổ vì nghĩ mình tồi tệ. Việc này cha mẹ rất cần biết và bảo vệ con ngay từ khi còn nhỏ.

    4. Thói quen thay đồ trước mặt con.

    Với các cha mẹ, việc này đơn giản mà, con do mình sinh ra thì làm gì chẳng được. Không nhé, con là con người độc lập, cần tôn trọng con tối đa. Hãy kín đáo hơn, lịch sự hơn. Nếu không, với con trai đã lớn chừng lớp 3, 4, việc cứ ngắm cơ thể mẹ tự do sẽ làm cho trẻ bị kích thích lên nhiều lần.

    5. Cho con chơi với các thiết bị điện tử quá sớm.

    Các cha mẹ chắc chắn phải đồng ý với tớ là các trang web, các hình ảnh khiêu dâm vô tư xuất hiện khắp nơi trên máy tính, điện thoại, trong facebook mặc dù chúng ta không hề làm gì. Những phần tử xấu trên mạng thông tin liên tiếp tìm cách chui lên màn hình của chúng ta vì mục đích kinh doanh. Nếu con chơi với các thiết bị điện tử nhiều, chắc chắn sẽ có lúc con nhìn thấy và chuyện con bị kích thích là đương nhiên thôi. Cha mẹ cũng cần xem xét đến sách vở mà con đọc nữa nhé. Cẩn tắc vô áy náy, có nhiều trang sách cũng bậy bạ lắm đấy.

    6. Gán ghép con với bạn khác giới lúc còn nhỏ.

    Chuyện này không đơn giản đâu. Việc cứ xui con hôn hít bạn khác giới sẽ làm cho con quen với những hành động thể hiện tình cảm nam nữ khi còn quá bé. Chuyện đùa này cũng đã từng để lại hậu quả. Cha mẹ lưu ý nhé.

    7. Cho con nghe những câu chuyện người lớn.

    Thói quen buôn dưa của các mẹ cũng sẽ gây hại cho trẻ đấy nhé. Các con nghe và hiểu chứ không phải trẻ con không biết gì. Vì thế, nếu muốn buôn dưa, các cha mẹ tránh buôn trước mặt con. Nghe lỏm là điều bọn trẻ (cả người lớn nữa) rất thích thú và quan tâm. Chúng nó sẽ khắc ghi lời buôn dưa hơn là những lời giáo huấn đạo đức của bố mẹ hàng ngàn lần.

    8. Cuộc sống có quá ít hoạt động.

    Cha mẹ luôn sợ con mình bẩn, ngã, bị thương… nên càng cố bọc con lại, chăm sóc và cấm con hoạt động. Năng lượng dư thừa, con không biết xả đi đâu cộng với cuộc sống quá nghèo nàn, ít niềm vui sẽ có thể là nguyên nhân con tìm đến việc tự kích dục bản thân. Vì vậy, cái con cần là một cuộc sống bận rộn với lịch hoạt động liên tiếp và thú vị. Các cha mẹ cần lưu ý giúp con nhé.

    Các cha mẹ lưu ý, có nhiều sự việc khủng khiếp xảy ra như câu chuyện tớ nghe từ chính nạn nhân là 1 bạn trai sinh hoạt tình dục từ năm 7 tuổi, 1 cậu bé lên 9 bị xâm hại, một vài trường hợp chết vì vi khuẩn lạ có lẽ cũng khiến chúng ta phải xem lại cách hành xử của chính chúng ta. Có thể nói, sự vô tình và thiếu hiểu biết của cha mẹ cũng như những người xung quanh có thể gây hại lớn cho trẻ em. Các cha mẹ cố gắng đọc sách tìm hiểu nhiều để tránh cho trẻ những vấn đề kinh khủng này nhé. Cảm ơn các cha mẹ.

    Viethome (Theo TS.Vũ Thu Hương/Sức Khỏe Đời Sống)

  • Nghèo khó để bồi dưỡng ý chí cho con trai, nhưng sự giàu có sẽ giúp con gái bạn lớn lên không bị choáng ngợp bởi hư vinh.

    Nuôi dạy con trai và con gái không giống nhau. Có 3 điều cần tránh khi nuôi con trai và 5 điều cần tránh khi nuôi con gái mà cha mẹ nên biết càng sớm càng tốt, theo Sina.

    Ba điều cần tránh khi nuôi con trai

    1. Nuôi con trai tránh giàu

    Người ta thường nói rằng “nghèo nuôi con trai, giàu nuôi con gái”.  Ý nghĩa quan trọng của “nghèo” nuôi con trai là thông qua cảm nhận sự nghèo khó và gia.n khổ của bản thân mà từ đó rèn luyện và bồi dưỡng phẩm chất, ý chí cho con. Điều này có nghĩa, khi giáo dục con trai nên nghiê.m khắc hơn, đặc biệt đối với vật chất. Hãy để con chịu khổ chút ít, để con trải nghiệm th.ất bại, rèn luyện tính tự lập và chịu trách nhiệm…

    2. Không nên để con trai phụ thuộc vào mẹ

    Bố mẹ nên tách con trai khỏi mình sớm hơn con gái, tránh để con phụ thuộc. Đặc biệt không nên để con trai quá quyến luyến mẹ. Trẻ trai tách dần khỏi bố mẹ sẽ sớm học cách quyết đoán khi làm việc, như vậy khi lớn lên sẽ trở nên độc lập và dễ dàng thích nghi với xã hội này.

    3. Tránh con trai quá lôi thôi, lếch thếch

    Một số cha mẹ nghĩ rằng con trai lôi thôi không có vấn đề gì. Thực sự đây là một suy nghĩ sai lầm, con trai nên sạch sẽ và gọn gàng. Cho dù con có tướng mạo bình thường, nhưng nhất định phải để ăn mặc chỉnh tề, vệ sinh sạch sẽ. Điều này dễ để lại ấn tượng tốt cho mọi người, có lợi cho sự phát triển tương lai của con sau này.

    5 điều cần tránh nuôi con gái

    1. Tránh nuôi con gái thiếu thốn, t.ội nghiệp

    Thông thường, con trai và con gái không giống nhau về giáo dục. Đối với con gái, nên dùng sự “giàu có” để dạy. “Giàu” ở đây nghĩa là ngay từ lúc còn nhỏ cha mẹ nên chú trọng bồi dưỡng k.hí chất, bồi dưỡng tri thức cho con, sau này lớn lên sẽ giúp con có tính cách đ.ộc lập, không dễ bị choá.ng ngợp và h.ấp dẫn bởi những thứ hào nhoá.ng hư vinh, cũng không vì những thứ đó mà con làm m.ất đi bản thân mình.

    Giàu nuôi con gái còn thể hiện ở việc luôn khuyến khích, cổ vũ, dùng những lời lẽ yêu thương.

    2. Không độc lập

    Con gái nên học cách tự lập, để không dựa dẫm vào người khác. Bằng cách này, sau khi kết hôn, con gái sẽ không dự.a dẫm vào chồng. Phụ nữ một khi dựa vào thứ gì đó thì đã rơi vào thế yếu. Khi bị bỏ rơi, cô ấy cảm thấy rất khó sống sót.

    3. Tính khí nóng nảy

    Nhiều cô gái ở nhà được bố mẹ xem như công chúa, cần gì có đó. Nếu như không đạt được thứ đồ mong muốn, sẽ bắt đầu nổi nóng và làm loạn. Những cô gái mất bình tĩnh như vậy dễ bị ảnh hưởng đến sự trưởng thành, cũng không được nhiều người yêu thích. Cho nên về phương diện dạy con gái, cần dạy con bình tĩnh, dịu dàng chứ không phải hèn nhát.

    4. Quá nũng nịu

    Nhiều người thích con gái làm nũng, song làm nũng chút ít thì dễ thương, còn thái quá thì chỉ khiến người khác không chịu nổi. Mọi người sẽ nghĩ đây là một cô gái buông thả, không có năng lực.

    5. Trọng nam khinh nữ

    Một số người già vẫn còn tư tưởng phong kiến, cho rằng con gái sớm muộn cũng gả cho người ta, cho nên, chỉ cần nuôi nấng đến khi trưởng thành là được, nếu như trong một thời gian dài thiếu hụt tình yêu sẽ khiến con gái rất dễ tự ti.

    Ngoài ra, một số người vẫn còn quan niệm, con gái sau này phải lấy chồng, nên không cần học nhiều, mà không nghĩ đến bằng cấp cũng ảnh hưởng đến hạnh phúc của con sau này.

    Viethome (theo VnExpress)

  • Cảm thấy bị cha dượng xúc phạm nên cô bé tuổi teen Amber Peat đã tự cướp đi mạng sống của chính mình.

    Cảnh sát điều tra mới đây đã làm rõ được nguyên nhân dẫn đến cái chết của cô bé Amber Peat, 13 tuổi, sống tại Mansfield, West Mids, nước Anh. Amber Peat đã treo cổ sau khi bỏ ra ra đi vì bị bắt lau sàn tới 1 giờ 30 phút sáng.

    Cô bé Amber Peat được tìm thấy tại một bụi rậm gần nhà.

    Thi thể của Amber Peat được tìm thấy trong một bụi rậm gần nhà sau ba ngày kể từ khi cô bé mất tích. Các báo cáo cho thấy Amber bỏ nhà ra đi từ lúc rạng sáng nhưng bố mẹ của Amber Peat đã đợi gần 8 tiếng sau mới báo với cảnh sát.

    Cảnh sát điều tra sau đó đã vào cuộc để tìm hiểu nguyên nhân cái chết. Các giáo viên tại ngôi trường Queen Elizabeth nơi bé Amber Peat theo học cũng đã được liên hệ. Trong số đó, giáo viên trước đây của Amber Peat, cô Rebecca Beard đã tiết lộ về mối quan hệ căng thẳng giữa cô và bố dượng Danny Peat.

    Bố mẹ bé Amber Peat đều tỏ vẻ đau xót trước cái chết của con gái.

    Trước đây từng có lần cô bé Amber Peat chia sẻ về việc bị bố dượng đánh thức lúc nửa đêm. Ông Danny Peat đã bắt con gái riêng của vợ phải lau sàn như một hình phạt cho việc không chịu làm việc nhà và cô bé đã phải lau dọn tới 1 giờ 30 phút sáng.

    Một lần khác, Amber Peat đã bị ép phải mặc quần ngủ tới trường chỉ vì cô bé quên không cho quần dài đi học của mình vào máy giặt. Trong khi đó, ở nhà vẫn còn một chiếc quần sạch sẽ khác nhưng ông bố dượng Danny Peat vẫn muốn làm cho con gái bị mất mặt.

    “Amber nói là bố con bé muốn làm nó bẽ mặt và muốn tất cả mọi người đều cười vào mặt nó”, cô giáo Rebecca Beard buồn bã chia sẻ.

    Cô Rebecca Beard sau đó cũng đã gửi một lá thứ tới cho nhà trường bày tỏ sự quan ngại về những “lạm dụng tinh thần” mà cô bé Amber Peat phải chịu đựng. Tuy nhiên, mọi nỗ lực can thiệp từ phía nhà trường dường như đã quá muộn màng.

    Viethome (theo Dân Trí)

  • Trong quan niệm của đa số mọi người, phải học giỏi mới được làm sếp còn học kém cả đời chỉ làm thuê cho người khác mà thôi!

    Chúng ta đang sống trong một xã hội mà ở đó bất cứ người bố hay người mẹ nào đều muốn con em của mình đạt thật nhiều điểm cao mỗi khi đi học. Họ thậm chí còn đặt kì vọng vào điểm số tuyệt đối trong suốt quãng đời học tập của con mình. Do đó, điểm số mà thấp hơn kì vọng thì đều đem đến sự thất vọng. Điều này đã tạo nên một niềm tin rằng những đứa trẻ có kết quả học tập tốt ắt sẽ thành công trong tương lai và ngược lại.

    Nói đến đây không có nghĩa là tôi không ủng hộ việc gặt hái được nhiều điểm tốt, mà trái lại, tôi vẫn luôn động viên con mình cố gắng đạt nhiều điểm cao nhất có thể. Nhưng vấn đề là ở chỗ: khả năng học tập tốt trên lớp chỉ đồng nghĩ với việc đứa trẻ đó sẽ đạt được điểm cao trong các kì thi và làm bố mẹ chúng vui, chứ nó không đảm bảo rằng đứa trẻ đó lớn lên sẽ trở thành một doanh nhân đại tài hay một giám đốc quyền lực.

    Không phải là một sinh viên xuất sắc khi còn ngồi trên ghế trường đại học, tôi đã nhận ra được một sự thật rằng: những sinh viên giỏi, xuất sắc rất ít khi thể hiện khả năng lãnh đạo của mình vì dường như họ sẽ không trở thành bất cứ một ông chủ hay bà chủ nào trong tương lai.

    Học viện Quân sự Hoa Kỳ (West Point) đã thực hiện nghiên cứu trên các học viên đã tốt nghiệp để xem điểm số của họ tương quan thế nào đến cấp bậc mà họ sở hữu sau này. Một số lượng vượt trội những học viên trở thành sĩ quan cấp tướng trong Quân đội Hoa Kỳ - lãnh đạo hàng nghìn người và quản lí những ngân sách hàng tỉ đô la – đều không phải học viên xuất sắc trước đây. 

    Điều này cho thấy rằng những tổ chức hàng đầu không đòi hỏi trí tuệ hay kiến thức thuần túy. Sinh viên giỏi có thể trở thành giáo sư, kĩ sư hay nhà khoa học, và họ sẽ đóng góp được rất nhiều theo phương diện cá nhân, nhưng ngược lại kĩ năng giao tiếp hay làm việc nhóm lại có phần yếu thế hơn.

    Hồi còn học ngành kĩ sư ở trường đại học, tôi chưa bao giờ là người thông minh nhất lớp. Không giống như những người bạn thiên tài mà sau này vẫn tiếp tục sự nghiệp học tập nổi bật, tôi thay vào đó học được những thứ có thể gắn kết và tạo động lực cũng như truyền cảm hứng cho nhiều người khác. Đó cũng chính là điều mà không phải bất cứ một học sinh hay sinh viên siêu thông minh có thể làm được – sử dụng cả kiến thức và cảm xúc để truyền đi cảm hứng tới mọi người.

    Vậy còn những học sinh được coi là kém, dưới cả mức trung bình thì sao? Tôi đã từng được nghe một câu chuyện về một nhà từ thiện giàu có quay trở lại thăm trường cũ. Khi về thăm trường, anh ta có nói với một trưởng khoa tại trường rằng: "Những sinh viên giỏi sau này sẽ trở thành giáo sư của trường, những sinh viên có kết quả học tập bình thường, ở mức trung bình sau này sẽ là nhà tài trợ thường niên cho trường. Còn những sinh viên hay bỏ học, kết quả học tập kém rất có thể sau này sẽ xây cho trường một thư viện mới dưới tên của họ."

    Có một sự thật rằng, để thành công, chúng ta cần rất nhiều yếu tố khác quan trọng hơn là điểm số, chẳng hạn như học cách làm việc và đối đãi tốt với những người xung quanh. Vì vậy, nếu con bạn có mang về nhà điểm 6, điểm 7 thì cũng đừng hoảng sợ, tức giận. 

    Bạn thậm chí có thể cân nhắc tới việc ăn mừng vì trước mắt bạn có thể là một nhà lãnh đạo trong tương lai. Còn với những đứa trẻ, nếu có đọc được bài viết này, đừng vội mừng mà bỏ bê chuyện học tập, hãy quay trở lại và hoàn thành bài tập về nhà đi!

    Viethome (theo Trí Thức Trẻ)

  • Hot mom 2 con xinh đẹp từng làm chao đảo hội mẹ bỉm sữa 3 năm về trước, nhưng vẫn sở hữu thân hình nóng bỏng hơn và có cuộc sống nhiều người mơ ước. Mới đây người đẹp chia sẻ ước mơ có thêm bé bi chứ không dừng lại con số 2.

    Sonya Davison Sanchez là nữ MC truyền hình và người mẫu nổi tiếng. Tuy nhiên, kể từ khi kết hôn và hạ sinh hai nhóc tì sinh đôi đáng yêu, người ta chỉ nhớ tới hình ảnh của bà mẹ 2 con gợi cảm không góc chết, đẹp đến từng cen – ti – mét và đã nổi rần rần trên mạng xã hội thế giới, đặc biệt là cộng đồng bỉm sữa Việt Nam cách đây hai năm.

    Bà mẹ 2 con Sonya Davison sinh ra ở Thái Lan nhưng hiện tại đang giữ quốc tịch và định cư ở Singapore. Cô còn được dân mạng rất thán phục bởi thông thạo khá nhiều thứ tiếng như Anh, Malaysia, Bahasa, Indonesia và cả tiếng Pháp. (Ảnh: Instagram NV) 

    Tuy nhiên, điều khiến Sonya Davison trở nên nổi tiếng và sở hữu lượng fan đông đảo, thậm chí khiến cư dân mạng xã hội ở Việt Nam chao đảo, chị em bỉm sữa đứng ngồi không yên là nhờ những hình ảnh bà mẹ này sở hữu gương mặt xinh đẹp, vóc dáng mảnh mai đáng kinh ngạc chỉ 3 tuần sau khi hạ sinh 2 cậu con trai đẹp như thiên thần.

    Kể từ khi mang bầu cho tới hạ sinh hai nhóc tì xinh xắn, Sonya Davison đã khiến không ít chị em trầm trồ vì vẻ ngoài vẫn quyến rũ và rạng ngời xinh đẹp. Dù chửa song thai nhưng thân hình của cô vẫn rất thon gọn và nhanh nhẹn.

    Thế nhưng điều thực sự gây bão là vóc dáng không tì vết của Sonya Davison chỉ sau 3 tuần sinh em bé. Điều mà có lẽ hiếm ai làm được. Dường như chuyện sinh nở chỉ giúp cô nàng thêm đằm thắm và xinh đep hơn. Bà mẹ hai con nổi tiếng không chỉ bởi vóc dáng thon gọn, thanh mảnh...... mà còn vì cuộc sống như mơ hạnh phúc đủ đầy cả tình cảm lẫn vật chất mà cô đang có cùng với chồng và hai đứa con. (Ảnh: Instagram NV)

    Sau hơn 3 năm "gây bão" khắp các nước như Việt Nam, Thái Lan, Singapore...cuộc sống của bà mẹ sắc vóc hoàn hảo này lại tiếp tục khiến các chị em phải phát thèm. Thông qua những hình ảnh thường ngày được hot mom Sonya Davison chia sẻ trên Instagram, có thể thấy, bà mẹ hai con vẫn giữ phong độ đỉnh cao của mình. Không chỉ vậy, hot mom 2 con thậm chí còn sở hữu hình thể ngày càng nóng bỏng cùng vẻ đẹp mãi không già đi của mình. Ngắm nhìn cuộc sống của Sonya Davisonngười ta như được truyền đầy cảm hứng, vui vẻ và viên mãn bên chồng cùng 2 nhóc tì khôi ngô, tuấn tú.

    Mới ngày nào, hai nhóc tì sinh đôi giờ đã trở thành những cậu nhóc tinh nghịch và đáng yêu. (Ảnh: Instagram NV) Trải qua những ngày tháng bận rộn với công việc chăm con, bỉm sữa, hiện tại người mẹ trẻ có thời gian hưởng thụ hơn khi hai con trai ngày một khôn lớn. Gia đình cô thường xuyên cùng nhau đi du lịch nghi dưỡng tận hưởng cuộc sống xa hoa và ngập tràn hạnh phúc. (Ảnh: Instagram NV)  Người ta cũng không khỏi "ghen tị" trước nhan sắc của người đẹp. Dường như qua năm tháng, Sonya Davison ngày một nóng bỏng, sở hữu nhan sắc không tuổi tuổi, thân hình nóng bỏng. (Ảnh: Instagram NV) 

    Với ngoại hình xinh đẹp, Sonya Davison Sanchez đã được lọt top 50 người đẹp nhất do tạp chí Female bình chọn. Kể từ sau khi sinh con, dù đang tạm rời xa công việc người mẫu, MC nhưng cô vẫn thường xuyên nhận được các lời mời chia sẻ kinh nghiệm tập luyện cũng như truyền cảm hứng đến hội chị em bỉm sữa. Ngoài ra, bà mẹ 2 con xinh đẹp cũng nhận lời tham gia quảng cáo của nhiều thương hiệu danh tiếng. Thậm chí trong một phỏng vấn mới đây, Sonya Davison Sanchez còn chia sẻ ước mơ có 6 đứa con xinh xắn. Thế mới thấy, hôn nhân càng trở nên hạnh phúc hơn khi người con gái được gả cho người đàn ông xem họ như báu vật cuộc đời. Phụ nữ đẹp nhất khi được yêu thương và chiều chuộng phải không nào!

    Viethome (theo Thể thao Văn hóa)

  • Trẻ viết chữ xấu, không thích tuân theo các quy tắc ở trường có thể là dấu hiệu của một tài năng xuất chúng.

    Các nhà khoa học cho rằng điểm IQ cao không có nghĩa một người là thiên tài và chẳng thể đánh giá trí thông minh của trẻ với một bài kiểm tra. Tuy nhiên có một số dấu hiệu cho thấy con bạn có tiềm năng trở thành nghệ sĩ tài năng, doanh nhân nổi tiếng, nhà chính trị kiệt xuất... Dưới đây là một số đặc điểm của những thiên tài tương lai, theo Bright Side:

    Trẻ hình dung và vẽ lại

    Đứa trẻ thiên tài là một nhà thu thập thông tin. Chúng nhớ mọi thứ mình thấy. Sau khi đi thăm nơi nào đó, bé có thể vẽ lại chi tiết mà không cần nhìn ảnh. Các nhà khoa học gọi hiện tượng này là "trí nhớ chụp hình". Chỉ 2-10% trẻ sở hữu khả năng này. Điều này hiếm xảy ra ở người lớn hơn. 

    Leonardo da Vinci và Galileo Galilei thuộc trường hợp này. Họ vẽ ra các sơ đồ, biểu đồ để thể hiện các suy nghĩ của mình. 

    Trẻ không cố hoàn hảo

    Trẻ thiên tài thường chọn một lĩnh vực kiến thức và say mê tìm hiểu nếu thích. Cái gì không thích, trẻ chẳng để ý chút nào. Nếu con bạn là nhà toán học tương lai, bé có thể không mấy quan tâm tới ngôn ngữ.

    Viết xấu cũng là một đặc điểm khác của trẻ thiên tài. Lý do là trẻ viết rất nhanh, cố bắt kịp các suy nghĩ của mình. Ngoài ra, trẻ này không muốn tuân theo các quy tắc ở trường.

    Trẻ hay lơ đễnh

    Trẻ thông minh có thể mải mê với những ý tưởng của mình mà chẳng để tâm tới lời cha mẹ. Trẻ cũng là người giỏi kể chuyện và có trí tưởng tượng bay bổng, thường khiến bố mẹ và giáo viên kinh ngạc. 

    Trẻ dễ buồn chán ở trường và tìm cách tự giải khuây. Bố mẹ chỉ cần giải thích với trẻ rằng đi học là việc quan trọng để kiểm soát hành vi này. 

    Trẻ biết nói nhanh

    Trẻ nói nhanh vì có vốn từ rộng. Một đứa trẻ trung bình bắt đầu nói khi 2 tuổi. Trẻ thiên tài 2 tuổi thường có thể nói cả các cụm từ phức tạp.

    Trong một số trường hợp hiếm, trẻ lại biết nói chậm hơn. Các nhà khoa học cho rằng những trẻ này mắc Hội chứng Einstein. Người ta cho rằng tới khi lên 7 tuổi, Albert Einstein vẫn chẳng mấy khi giao tiếp với mọi người. Nhà vật lý Richard Feynman, nhà toán học Julia Robinson và nhiều người xuất chúng khác cũng biết nói muộn.

    Trẻ dành nhiều thời gian bên người lớn

    Các trẻ bình thường cảm thấy ngại ngùng khi trò chuyện với người lớn nhưng trẻ thiên tài lại thích điều này. Trẻ thường kết bạn với những người nhiều tuổi hơn. Tuy nhiên, dù là thần đồng thì trẻ cũng cần giao tiếp với bạn bè cùng tuổi. Các nhà tâm lý cảnh báo với phụ huynh rằng trẻ thông minh có thể cảm thấy cô đơn.

    Trẻ ưa hoạt động

    Trẻ biết nói và đi sớm hơn so với các bé khác. Một số người nghĩ trẻ thông minh ghét các trò thể thao và thích ở nhà đọc sách hơn. Đây là một hiểu sai. Các nhà khoa học khẳng định trẻ thiên tài luôn muốn hoạt động, không thích ở yên. Đó là cách để trẻ khám phá thế giới. 

    Trẻ thích các hoạt động giúp phát triển các kỹ năng vận động tinh

    Các cha mẹ có con tuổi lên 2 chập chững nên nhớ điều này: Nếu con bạn thích xâu vòng, bé có thể sẽ thành thiên tài. Các kỹ năng vận động tinh góp phần phát triển trí thông minh vượt trội. Các giáo viên cho rằng những trẻ thích các chi tiết nhỏ sẽ viết và nói tốt hơn. Đừng quên giám sát khi con chơi với những vật bé xíu. 

    Trẻ có khiếu hài hước

    Khả năng đùa vui và hiểu những câu chuyện đùa của người khác có liên quan tới tư duy trừu tượng tốt. Những trẻ này sẽ có nhiều bạn. Nhưng có một sắc thái khác: Đôi khi người ta giấu những căng thẳng và nỗi đau đằng sau tâm trạng vui đùa.

    Trẻ có bố mẹ tốt

    Các nhà tâm lý đã phát hiện ra rằng, bố mẹ lý tưởng của một đứa trẻ thiên tài là:

    - Có trình độ giáo dục cao và khá giàu có.

    - Bố điềm tĩnh và không độc đoán.

    - Mẹ thông minh. Các nghiên cứu cho thấy trẻ thừa hưởng trí thông minh từ mẹ. 

    Trẻ nhạy cảm và dễ xúc động

    Những trẻ này thường rất sáng tạo. Nhưng hệ thần kinh của trẻ thường bị quá tải khi nạp cả núi thông tin. Các bác sĩ cảnh báo: Ngay cả khi con bạn cư xử như người lớn, chúng vẫn là những đứa trẻ dễ tổn thương và cần được bảo vệ.

    Trẻ hòa đồng

    Nhiều người nói trẻ thông minh thường ít hoà đồng. Nhưng có một khái niệm gọi là "trí thông minh xã hội". Đó là trẻ có khả năng xây dựng các mối quan hệ với mọi người xung quanh.

    Các nhà khoa học cũng nhấn mạnh trí thông minh cảm xúc, khả năng ghi nhận và kiểm soát các cảm xúc của chính mình và người khác. Những trẻ này sẽ trở thành các nhà quản lý, chính trị gia và chuyên gia marketing giỏi.

    Viethome (theo VnExpress)

  • Các bậc làm cha, làm mẹ đang truyền tay nhau chia sẻ bài viết này trên mạng xã hội với tốc độ chóng mặt. Dù đã xuất hiện từ lâu song sự so sánh giữa hai lá thư, một được cho là từ một tử tù trước ngày thi hành án, một được cho là của một giám đốc trước ngày khởi công công trình mới, vẫn khiến nhiều bậc phụ huynh phải suy ngẫm. Còn bạn, bạn đánh giá thế nào về tâm sự của 2 người con và cách dạy con của 2 bà mẹ này?

    Thư của người tử tù

    Thưa Mẹ!

    Con của mẹ ngày mai là phải ra pháp trường rồi. Con cũng không biết tại sao mình lại đi đến bước đường cùng như này, hiện tại con chỉ thấy mọi ký ức như đang trở về và hiển hiện trước mắt con…

    Khi con được 3 tuổi, con chạy rất nhanh, vấp phải hòn đá và té ngã. Mẹ đã chạy đến và đỡ con đứng dậy. Mẹ vừa dỗ dành con không khóc vừa mắng hòn đá: "Sao mày lại làm con tao khóc, để mẹ đánh cho hòn đá một trận". Con đang cố chịu đau để cầm nước mắt, nhưng nghe xong câu nói của mẹ, con đã khóc trong lòng mẹ rất lâu mới chịu nín. Mẹ đã cho con biết rằng, lý do con ngã là do hòn đá, nhưng con lại không hiểu rằng, mẹ chỉ muốn dỗ dành cho con không khóc nữa.

    Khi con được 4 tuổi, do con muốn xem tivi nên không muốn ăn cơm tối. Mẹ đã ân cần mang cơm đến và bón cho con ăn. Mẹ đã dạy cho con biết cách tận hưởng cuộc sống, nhưng con lại không hiểu rằng, mẹ sợ con làm vãi cơm làm bẩn quần áo, rồi tự mẹ lại phải đi giặt.

    Khi con được 6 tuổi, mẹ đưa con đến trung tâm mua sắm để mua quà giáng sinh, mẹ đã nói với con là chỉ được mua một thứ đồ chơi. Nhưng khi con được mua "người sắt biến hình" con lại muốn mua máy bay. Khi mẹ không đồng ý, con đã nằm xuống đất và khóc cho đến khi mẹ chịu mua cho con mới thôi. Mẹ đã cho con biết dùng chiêu này là con có thể đòi được đồ mà mình yêu thích, nhưng con không biết rằng, mẹ mua cho con, chỉ vì không muốn mất mặt chỗ đông người.

    Khi con được 8 tuổi, con muốn tự mình giặt tất, mẹ đã sợ con giặt không sạch, con muốn rửa bát, mẹ đã sợ con làm vỡ, con muốn tự mình xới cơm, mẹ đã sợ con bị bỏng. Mẹ đã cho con thấy, trong cuộc sống này, hóa ra có rất nhiều khó khăn và nguy hiểm mà con không thể đối diện. Nhưng con đã không hiểu rằng, mẹ chỉ không muốn mất công thu dọn và làm các việc do con có thể sơ ý gây ra.

    Khi con được 10 tuổi, mẹ đã đăng ký cho con 3 lớp phụ đạo văn hóa, và 2 lớp học năng khiếu. Khi con con cảm thấy mệt mỏi đến mức không chịu nổi, mẹ đã nói: "Nếu con không chịu được khổ thì làm sao thành người tài giỏi được". Mẹ đã cho con biết rằng, học tập là việc rất cực khổ, nhưng con không hiểu rằng, mẹ chỉ muốn con sẽ có ngày thành đạt để có thể mở mày mở mặt trước mọi người.

    Khi con được 13 tuổi, con đá bóng, do sơ ý đã làm vỡ của kính của nhà hàng xóm, mẹ đã dùng tiền để bồi thường và dắt con đi xin lỗi họ. Mẹ đã cho con biết rằng, khi gây ra chuyện chỉ cần nói "xin lỗi" là xong, nhưng con đã không biết, mẹ đang oán trách nhà hàng xóm đã đòi mình bồi thường quá nhiều tiền.

    Khi con được 15 tuổi, con đòi chơi đàn piano, mẹ đã vay tiền để mua cho con một chiếc đàn. Nhưng chỉ sau một tháng, con đã không còn động đến nó nữa, mẹ đã cho con thấy, hóa ra không có tiền cũng có thể tùy ý sở hữu những đồ mà mình thích. Nhưng con đã không biết rằng, mẹ đã phải vất vả làm việc 3 năm mới trả được hết nợ.

    Năm 19 tuổi, con chuẩn bị thi vào đại học, mẹ nói rằng, làm luật sư không những có nhiều tiền mà còn có địa vị trong xã hội, và nhất định muốn con học ngành luật. Mẹ đã cho con thấy rằng, chỉ cần con đi theo những gì mẹ sắp đặt là được. Nhưng con không biết rằng, mẹ chỉ muốn thông qua con để thực hiện giấc mơ mà trước đây mẹ đã không làm được.

    Năm 20 tuổi, con muốn thay điện thoại mới, với lý do có thể liên lạc với mẹ thường xuyên hơn. Mẹ đã không cần cân nhắc nhiều và chuyển ngay cho con 10 triệu đồng. Nhưng con chỉ dùng điện thoại để liên lạc với bạn gái, trong vòng 1 năm con chỉ gọi cho mẹ có mấy lần. Mẹ đã cho con thấy rằng, mẹ là một ngân hàng miễn phí mà con có thể lấy bất cứ lúc nào. Nhưng con đã không biết rằng, mẹ đã nhiều lần chờ đợi con gọi điện để chúc mừng trong ngày sinh nhật mẹ.

    Năm 24 tuổi, sau khi con tốt nghiệp đại học, mẹ đã dùng tiền để con được vào làm tại đơn vị hành chính sự nghiệp. Mẹ đã cho con thấy, 4 năm đại học chơi bời, khi ra trường vẫn có thể có được một công việc ổn định. Nhưng con đã không biết rằng, vì con mà mẹ đã phải đi cầu cạnh biết bao người.

    Năm 27 tuổi, quan hệ của con với các bạn gái đều không được lâu dài, các cô gái đều nói con là người không có trách nhiệm, vẫn là một cậu bé chưa trưởng thành. Mẹ đã nói rằng, do duyên chưa đến, các cô gái đó đều không xứng với con. Mẹ đã cho con thấy rằng, những cô gái không lấy được con là do họ kém phúc phận. Nhưng con đã không biết rằng, mẹ đã vì con mà đi rất nhiều nơi để dò hỏi cho con người ưng ý.

    Năm 32 tuổi, do đánh bạc thua, con nợ rất nhiều tiền, mẹ đã rất tức giận đến mức sinh bệnh, nhưng cuối cùng thì mẹ cũng trả hết nợ cho con. Mẹ đã cho con thấy, cho dù con có gây ra tội tình gì đi nữa, thì mẹ cũng đều giúp con gánh vác trách nhiệm. Nhưng con đã không biết rằng, mẹ đã vì con mà tiêu hết đi khoản tiền mẹ dành dụm cho tuổi già của mình.

    Năm 35 tuổi, khi con biết mẹ đã không còn đồng nào trong người, con đã đi cướp của giết người. Khi con nghe thấy họ tuyên án tử hình, mẹ đã khóc và trách ông trời không công bằng, vất vả cả đời vì con, vậy mà cuối cùng lại ra nông nỗi này. Cuối cùng con đã biết, mẹ đã vì yêu con mà hết lần này đến lần khác cướp đoạt đi cơ hội trưởng thành của con, hết lần này đến lần khác bóp chết đi năng lực sinh tồn của con, lấy đi trách nhiệm đối với cuộc đời của chính con.

    Hóa ra cho đến lúc cận kề cái chết, con vẫn chưa trưởng thành. Mẹ đã dùng phương pháp sai lầm và vất vả cả đời vì con cái, để đổi lấy sự đau khổ cho cả hai thế hệ. Hóa ra giáo dục con cái không có cơ hội để lặp lại lần thứ 2… Mẹ hãy bảo trọng! Ngày mai con phải đi rồi. Hy vọng ở một thế giới khác, con có thể học được cách có trách nhiệm với chính mình, tự mình tìm được hạnh phúc cho chính mình…

    Thư của một CEO viết cho mẹ

    Thưa Mẹ!

    Con của mẹ ngày mai sẽ khởi công xây dựng một công xưởng mới. Để con có được thành công như ngày hôm nay, đều là do công dạy dỗ của mẹ. Bỗng nhiên mọi ký ức như đang trở về hiển hiện trước mắt con…

    Khi con được 3 tuổi, con chạy rất nhanh, vấp phải hòn đá và té ngã. Mẹ đã để con tự đứng dậy và nói: "Lần sau cần phải cẩn thận hơn". Mẹ đã dạy cho con biết phải tự chịu trách nhiệm trước hành động của mình.

    Khi con được 4 tuổi, do con muốn xem tivi nên không muốn ăn cơm tối. Mẹ đã nói, nếu không ăn thì phải chịu đói cho đến ngày hôm sau, con đã đồng ý, và nghĩ rằng mẹ chỉ nói vậy thôi. Nào ngờ, đến buổi tối con lục tìm đồ ăn… ngay cả một hạt cơm cũng không còn trong nồi. Mẹ đã dạy cho con biết, phải tự chịu trách nhiệm với sự bướng bỉnh của mình.

    Khi con được 6 tuổi, mẹ đưa con đến trung tâm mua sắm để mua quà giáng sinh, mẹ đã nói với con chỉ được mua một thứ đồ chơi. Nhưng khi con được mua "người sắt biến hình" con lại muốn mua máy bay. Khi mẹ không đồng ý, con đã nằm xuống đất và khóc, nào ngờ mẹ quay lưng bước đi để mặc con ở đó. Khi đó con chỉ biết đứng dậy, vừa lau nước mắt vừa chạy theo mẹ. Mẹ đã dạy cho con biết phải tự chịu trách nhiệm trước sự lựa chọn của bản thân.

    Khi con được 8 tuổi, con muốn tự mình giặt tất, mẹ đã dạy con làm thế nào để giặt cho sạch, con muốn rửa bát, mẹ đã dạy con phải cẩn thận để bát không bị vỡ, con muốn tự mình xới cơm, mẹ đã dạy con xới cơm cẩn thận để không bị bỏng. Mẹ đã dạy cho con biết phải có trách nhiệm với cuộc sống của mình.

    Khi con được 10 tuổi, mẹ thấy các buổi học thêm của con kín mít, mẹ nói rằng: "Đến lớp hãy cố gắng học, khi nghỉ hãy chơi cho thỏa thích, nếu còn thời gian thì đọc thêm sách vở, thì con sẽ không sợ thua kém ai cả". Mẹ đã dạy cho con biết phải tự chịu trách nhiệm trước sở thích của mình.

    Khi con được 13 tuổi, con đá bóng, do sơ ý đã làm vỡ của kính của nhà hàng xóm. Mẹ đã đưa con đến cửa hàng để mua kính, sơn và đinh, sau đó mẹ đã bảo con giúp mẹ cùng lắp lại cửa kính cho họ. Sau đó còn trừ tiền tiêu vặt của con vào tháng sau. Mẹ đã dạy cho con biết phải tự chịu trách nhiệm trước những sai lầm của bản thân.

    Khi con được 15 tuổi, con đòi chơi đàn piano, mẹ đã mua cho con kèn ácmônica. Mẹ nói với con rằng: "Thổi được kèn ácmônica đi đã rồi hãy nói đến chuyện mua đàn piano". Con đã thổi kèn ácmônica cho đến bây giờ, còn nguyện vọng muốn chơi đàn piano, con đã quên từ lúc nào không biết. Mẹ đã dạy cho con biết phải kiên trì và có trách nhiệm với chính kiến của mình. 

    Năm 19 tuổi, con chuẩn bị thi vào đại học, mẹ đã giúp cùng con phân tích những chuyên ngành mà con yêu thích và để cho con tự quyết định chuyên nghành mà mình muốn theo đuổi. Mẹ đã dạy cho con biết phải tự chịu trách nhiệm cho tương lai của bản thân.

    Năm 20 tuổi, con muốn thay điện thoại mới, mẹ nói rằng điện thoại cũ chưa hỏng thì không được đổi. Nếu như con nhất định muốn đổi thì tự đi làm ngoài giờ học lấy tiền mà tự mua. Khi con kiếm đủ tiền để mua điện thoại mới nhờ đi dạy thêm, cái cảm giác vui sướng khi thành công đó vượt xa hơn hẳn giá trị của một chiếc điện thoại mới.

    Năm 24 tuổi, sau khi tốt nghiệp đại học, con đã muốn tự gây dựng sự nghiệp. Mẹ đã khuyên con không nên nóng vội, hãy bắt đầu làm những việc mà con yêu thích, khi có kinh nghiệm rồi tính. Hai năm sau, con quyết định mở công ty, mẹ nói, nếu như con có thể chấp nhận một kết quả tồi tệ nhất, thì hãy mạnh dạn và đặt tâm vào mà làm. Mẹ đã cho con vay 300 triệu đồng, và yêu cầu con 4 năm sau phải trả. Con đã vỗ ngực và nói, con không những trả tiền cho mẹ, mà còn tặng mẹ một căn hộ nữa. Mẹ đã dạy con biết có trách nhiệm với sự nghiệp của chính mình.

    Năm 27 tuổi, con đã đưa một cô gái thông minh và xinh đẹp về nhà, đó là lần đầu tiên mẹ khen ngợi con trước mặt cô ấy. Mẹ còn nói, chuyện vợ chồng là tự con quyết định, chỉ cần chúng con thành tâm thành ý thì mẹ đã rất hạnh phúc rồi. Mẹ đã dạy cho con biết phải tự có trách nhiệm với hạnh phúc của bản thân.

    Năm 32 tuổi, con đã đưa chìa khóa của một căn hộ mà con mua để tặng mẹ, khi tay mẹ cầm chìa khóa và lập tức quay lưng ra sau. Nhìn thấy đôi vai mẹ khẽ rung rung, con biết rằng mắt mẹ đang nhòa đi vì hạnh phúc. Mẹ đã dạy cho còn biết phải có trách nhiệm với lời hứa củamình.

    Năm con 35 tuổi, công ty của con không ngừng mở rộng, và phải xây dựng nhà máy mới, những người thường trách cứ mẹ nhẫn tâm, nay đã không còn gì để nói. Con vẫn thường dạy cho con của con biết phải có trách nhiệm với bản thân mình, giống như mẹ từng dạy con khi xưa. Con hy vọng rằng chúng sẽ làm được những điều còn to lớn hơn nữa.

    Con yêu của mẹ!

    Yêu thương con như nào cho đúng?

    Đó thực sự là câu hỏi khiến nhiều phụ huynh phải đau đầu. Có lẽ, yêu thương không chỉ đơn giản xuất phát từ trái tim mà yêu thương đôi khi còn cần cả lý trí và sự học hỏi, trau dồi hàng ngày. 

    Mỗi đứa trẻ như một mầm cây nhỏ, sự vun trồng, chăm bón, tỉa tót cành cây mỗi ngày sẽ tạo nên thành quả khác biệt trong tương lai. Trên hành trình làm cha, làm mẹ của mình, có lẽ mỗi phụ huynh đều nên tâm niệm một điều: Hãy tin tưởng và trao cho con cơ hội được vấp ngã, được thất bại, được trải qua đớn đau và tiếc nuối... để học cách trưởng thành, học ách vượt qua nỗi sợ hãi để đi tới thành công. 

    Chúng ta không thể sống thay cuộc đời của con và cũng đừng bắt con sống thay cuộc đời mà chúng ta mong muốn! 

    Viethome (theo Trí Thức Trẻ)

  • Cuộc sống mưu sinh đã gây áp lực cho nhiều cặp vợ chồng trẻ. Sau khi kết hôn, có con, các bậc cha mẹ trẻ càng căng thẳng hơn khi bé đến tuổi mẫu giáo. Nếu sống cùng ông bà, mọi chuyện sẽ đơn giản. Nhưng một gia đình nhỏ có hai vợ chồng cùng đi làm thì việc đón con ở trường sau giờ học trở thành một nỗi niềm nan giải.

    Hầu hết các trường mẫu giáo tan học vào học 4h-5h chiều nhưng thời gian đó, bố mẹ vẫn phải đi làm. Thậm chí, có những ông bố bà mẹ đến 7h tối vẫn mải mê công việc chưa thể đến trường đón con. Đứa trẻ trong những gia đình này sẽ phải chờ cha mẹ đến đón sau giờ học.

    Việc đón con muộn hiện nay rất phổ biến ở các thành phố lớn. Nhưng có bao nhiêu phụ huynh một lần suy nghĩ nghĩ về vấn đề này: Mẹ có biết những đứa trẻ được đón sớm sau giờ học ở trường mẫu giáo, và những đứa trẻ đang hồi hộp, trông ngó chờ đợi cha mẹ đến đón sau giờ học…. Khoảng cách giữa hai đứa trẻ là rất rõ ràng sau 10 năm.

     

    Theo SN, một nhà nghiên cứu nước ngoài đã thực hiện một cuộc khảo sát. Kết quả của cho thấy những đứa trẻ thường được đưa đón sớm thì khi lớn sẽ tự tin hơn. Trong khi đó, những đứa trẻ bị bố mẹ đó muộn thường rất nhạy cảm. Tuy nhiên, tính cách này sẽ dần xuất hiện sau 10 năm, khi đó cha mẹ nghĩ rằng tính cách này được con mình sinh ra đã thế sẵn.

    Nhiều người cho rằng trẻ con “biết gì”. Vậy nhưng bé lại vô cùng nhạy cảm. Việc đến trường mẫu giáo sẽ là cột mốc đầu tiên khi con rời xa cha mẹ trong một thời gian dài. Bố mẹ luôn đến đón muộn sẽ khiến trái tim bé quặn thắt mỗi khi thấy một bạn được về trước mình, dần dần cảm thấy rằng bố mẹ không yêu mình. Bóng tối ngoài trời càng ập xuống, sự cô đơn và lo lắng của con càng tăng. Nỗi tủi thân tâm lý ấy khó có thẻ được bù đắp bằng một gói bim bim, hay một món đồ chơi.

    Thực tế dù buổi học có vui vẻ đến bao nhiêu thì sau khi kết thúc buổi học, trái tim và ánh mắt của trẻ đều mong đến một điều đó là cha mẹ. Khoảnh khắc cha mẹ xuất hiện đưa trẻ về có lẽ khiến chúng vui và hạnh phúc nhất. Chính vì vậy, việc đón trẻ dù chậm một vài phút thôi cũng khiến chúng đối mặt với cảm giác lạc lõng, cô đơn, dần dần trở thành nỗi thất vọng, buồn bã và thậm chí còn trở nên trầm cảm.

    Với trẻ tiểu học, con đã có ý thức hơn, hiểu rõ hơn công việc của bố mẹ thì mọi thứ sẽ đơn giản. Tuy nhiên với bé ở độ tuổi mẫu giáo, cho dù bố mẹ bận rộn đến đâu, tuyệt đối cũng đừng bỏ rơi con.

    Chuyện đón trẻ sớm và đón trẻ muộn rất khác nhau đối với sự phát triển và tác động tâm lý trẻ nhỏ. Nhiều trường mẫu giáo trên thế giới thậm chí còn đề ra việc phạt tiền phụ huynh nếu cố ý để con ở lại trường quá muộn.

    Với tư cách là cha mẹ, ai cũng mong muốn con được lớn lên tốt nhất. Vì vậy dù bận rộn hãy cố gắng đón con đúng giờ, và nếu có muộn thì cũng đừng để việc đó thành thường xuyên và hãy thông báo trước cho bé để con có được tinh thần tốt hơn. Khi đưa trẻ đến trường, các bậc cha mẹ hãy hiểu tầm quan trọng của việc đón trẻ đúng giờ, tuyệt đối không nên là người đón sau cùng.

    Viethome (theo Khám Phá)

  • Một cậu bé 7 tuổi người Mỹ chuyên bình luận về đồ chơi trên Youtube đã đứng đầu danh sách thu nhập của trang mạng chia sẻ video này với 22 triệu USD/năm.

    Tờ Guardian (Anh) ngày 4/12 đưa tin trong khoảng thời gian từ tháng 6/2017-6/2018, cậu bé Ryan của kênh Ryan Toys Review đã kiếm được số tiền trên.

    Cậu bé Ryan đã trở thành triệu phú từ khi mới 7 tuổi. Ảnh: The Toy Book

    Kênh Ryan ToysReview mở từ năm 2015 và đến nay đã có 17 triệu lượt theo dõi với tổng số lượt xem là gần 26 tỷ.

    Tạp chí Forbes (Mỹ) cho biết phần lớn số tiền đổ về tài khoản của Ryan là từ quảng cáo chạy trước khi video của cậu bé được phát, chiếm đến 96%. Số tiền còn lại bắt nguồn từ các nhà tài trợ.

    Theo đánh giá của tạp chí Forbes, đứng sau Ryan là Jake Paul với kênh Youtube chuyên về hài và rap, đã kiếm được 21,3 triệu USD. Kênh Youtube của Paul có hơn 3,5 tỷ lượt xem trong hơn 12 tháng. 

    Forbes lập danh sách các ngôi sao Youtube kiếm tiền “khủng” nhất qua tính toán thu nhập trước thuế của các nhân vật này từ ngày 1/6/2017 đến 1/6/2018.

    Cha mẹ của Ryan lập ra kênh Ryan Toys Review chủ yếu tập trung vào việc cậu bé trải nghiệm đồ chơi mới. Khán giả của kênh Ryan Toys Review phần lớn là trẻ em ở độ tuổi tương đương với Ryan.

    Vì còn quá nhỏ nên 15% thu nhập của Ryan được nộp vào một tài khoản đặc biệt, chỉ rút khi cậu bé đến độ tuổi trưởng thành.

    Viethome (theo Báo Tin Tức

  • Một cậu bé 8 tuổi đã bình tĩnh điều khiển chiếc xe ở tốc độ 105 km/h đến nơi an toàn khi người mẹ của mình đột nhiên bất tỉnh.

     
    Lauren Smith và cậu con trai 8 tuổi Ben Hedger.

    Sự việc xảy ra hồi đầu tuần này tại Essex, Anh. Lauren Smith cho biết cô chưa từng có tiền sử bị co giật hay bất tỉnh. Tuy nhiên, điều này đã bất ngờ xảy đến với người mẹ 27 tuổi khi cô đang trên đường đưa con trai đi học về.

    Lauren đã đột ngột lên cơn co giật rồi ngất xỉu khi đang điều khiển chiếc Ford Ka ở tốc độ 105 km/h. Sự cố khiến chiếc xe chao đảo rồi chạy vào sát mép dải phân cách giữa đường.

    May mắn thay, Ben Hedger - cậu con trai 8 tuổi của cô - ngồi ở ghế phụ đã hành động kịp thời. Trong khoảnh khắc kinh hoàng đó, Ben vẫn bình tĩnh bật đèn cảnh báo nguy hiểm và nắm lấy vô-lăng, điều khiển chiếc xe băng qua hai làn đường trước khi đỗ lại ở một bãi cỏ gần làn dừng khẩn cấp.

    Một tai nạn nghiêm trọng có thể đã xảy ra nếu Ben không nhanh trí xử lý tình huống bởi nơi xảy ra vụ việc là đoạn đường A120 vốn có rất nhiều phương tiện lưu thông.

    Điều đáng nói là Ben không hề biết lái xe, thậm chí cậu học sinh lớp 4 mới chỉ được mẹ cho lên ngồi ở ghế trước bắt đầu từ tháng 9 năm ngoái. Lauren ca ngợi những gì Ben làm là không thể tin được và gọi cậu con trai của mình là người hùng.

    “Tôi không biết làm thế nào mà Ben ý thức được việc phải làm trong tình huống đó. Ở độ tuổi của nó, tôi chắc chắn không thể làm được điều này”, Lauren chia sẻ.

    “Ben nói rằng nó không hề hoảng loạn trước những gì đang diễn ra, nó chỉ lo sợ và tự hỏi rằng liệu tôi có tỉnh dậy nữa không”, Lauren nói thêm.

     

    Đoạn đường nơi xảy ra vụ việc.

    Sau khi dừng chiếc xe ở vị trí an toàn, Ben chuẩn bị dùng điện thoại của mẹ để gọi lực lượng cứu hộ thì những lái xe khác đã nhanh chóng chạy tới và giúp đỡ.

    Cả hai mẹ con được đưa tới một bệnh viện gần đó. Rất may là không có chấn thương nghiêm trọng nào và cơn co giật của Lauren được xác nhận là do một loại virus gây ra. 

    VietHome (Theo Xã Luận)

  • BBC cho hay sau khi Kristen bị cấm sử dụng xe buýt của trường trong 3 ngày vì bắt nạt bạn học lần thứ hai, Matt Cox đã quyết định dạy cho con gái một bài học nhớ đời.

    Trong video thu hút tới 17 triệu lượt xem trên Facebook và hàng chục nghìn bình luận, cô bé 10 tuổi đeo balô đi bộ một mình trên đường, dưới thời tiết 2 độ C. Cox lái ôtô theo sau con gái và quay lại cảnh tượng này.

    "Bắt nạt bạn bè là không chấp nhận được", ông bố sống ở thị trấn Swanton, bang Ohio, Mỹ, giải thích. "Đây là một biện pháp nhỏ của tôi nhằm cố gắng ngăn cản chuyện này trong gia đình mình. Tôi biết nhiều bậc phụ huynh sẽ không đồng tình với việc này. Tôi đang làm những gì mình cảm thấy đúng để dạy con gái một bài học và ngăn con bé bắt nạt bạn bè".

    Trong một bài viết trên Facebook hôm 5/12, Cox cho hay Kristen đã thấu hiểu những lời răn dạy của bố và đã được đi xe bus trở lại sau 3 ngày bị đình chỉ. Cô bé cho biết mình cũng từng bị bắt nạt và giờ đã biết phải đối xử tử tế với mọi người.

    Trong số 63.000 bình luận trên video, nhiều phụ huynh bày tỏ sự đồng tình với cách dạy con của Cox. "Là người có cháu trai bị tự kỷ và thường xuyên bị bắt nạt trong khu phố, tôi hoan nghênh anh! Nhiều bậc phụ huynh rất thờ ơ", một người nêu ý kiến.

    Tuy nhiên, những người khác cho rằng việc Cox quay video phạt con gái khiến cô bé xấu hổ cũng là một hình thức bắt nạt.

    "Bêu xấu cô bé bằng cách đưa hình ảnh bị phạt lên Facebook. Thật trớ trêu", một người bình luận.

    "Cô bé bắt nạt những đứa trẻ khác vậy bạn đã dừng lại nghe cô bé giải thích chưa?", người khác nói.

    Giáo sư Dorothy Espelage, chuyên gia nghiên cứu tâm lý và tình trạng bắt nạt ở trẻ vị thành niên thuộc Đại học Florida, cho hay cha mẹ của những đứa trẻ bắt nạt bạn thường có xu hướng không thừa nhận con cái họ làm sai. "Ở một số góc độ, người cha này đang làm đúng khi thừa nhận hành vi của con gái", bà nói.

    Tuy nhiên, bà đề xuất một cách tiếp cận khác thay vì bắt con đi bộ dưới trời lạnh. "Loại hình phạt này chỉ mang tính ngắn hạn và không giải quyết được vấn đề bắt nạt ở trường học hay trên xe buýt".

    Theo Cox, anh đã cho Kristen và hai đứa con khác của mình xem video cũng như bình luận của mọi người về việc này. Anh hy vọng các bậc cha mẹ sẽ dạy con cái mình biết chịu trách nhiệm.

    Viethome (theo VnExpress)

  • “Hôm nay mẹ về muộn, hãy ăn nốt chỗ cá kho trong tủ lạnh nhé, chuối và sữa cũng trong tủ lạnh. Thôi nhé mẹ phải đi đây, cuối tuần mẹ đưa đi chơi, mẹ hứa…”

    Nhiều người nghĩ giản đơn là mình hy sinh đi làm để cho con đi học. Họ quên một điều rất quan trọng là con cái họ rất cần họ. Tiền bạc, đồ ăn, quần áo, đồ chơi đối với chúng chưa chắc đã là tất cả. Nhu cầu này đúng cho cả Tây và Ta. Xin giới thiệu với các bạn tâm sự của em Phong và mong các bạn cho ý kiến, Phong sẽ trở thành người như thế nào.

    LÚC NÀO MẸ CŨNG BẬN

    Phong là con một, tính nhút nhát và luôn có cảm giác sợ phải làm phiền người khác. Bố mẹ Phong là bác sĩ, có phòng khám riêng. Từ ngày ông bố bỏ mẹ con Phong đi thành phố khác sống vì hai người không thể ở với nhau, mẹ đưa Phong đến ở một nhà trọ cách trung tâm thành phố khá xa. Lúc nào mẹ cũng nói "rất bận", đi từ sáng tinh sương đến thật khuya mới về.

     

    Đi học về là Phong cứ tha thẩn chơi một mình. Chiều hôm đó mưa lâm thâm, đang không biết làm gì thì có tiếng chuông điện thoại, mẹ Phong gọi.

    “Con ở đâu thế ? Mẹ gọi mấy lần mà chẳng có ai nhấc máy! Con tưởng mẹ không lo cho con à?”

    “ Con đi chơi với bạn một lúc, chúng nó rủ con đi đá bóng”

    “ Hôm nay mẹ lại về muộn, hãy ăn nốt chỗ cá kho trong tủ lạnh nhé, chuối và sữa cũng trong tủ lạnh, con xem sữa còn uống được không, nếu không thì uống tạm nước suối và nhớ phải đi ngủ sớm nhé! Con cần giấc ngủ! … thôi nhé mẹ phải đi đây, cuối tuần mẹ đưa đi chơi, mẹ hứa…”

    “ Nhưng mẹ ơi…”

    “ Thôi chào nhé Phong, con trai của mẹ!”

    “ Mẹ, nhưng mẹ còn quên…”

    Điện thoại đã đặt xuống. Mẹ Phong không nhớ ngày mai là ngày gì à? Phong đã viết những nguyện vọng cho sinh nhật lần thứ 13 của mình để ở bàn mẹ từ lâu rồi, chính mẹ đã hứa gửi thư mời đi khắp nơi… Phong phải chuẩn bị cái gì đây?

    Như thường lệ, 7 giờ đồng hồ báo thức, Phong dụi mắt xua giấc ngủ còn nuối tiếc. Ánh nắng ban mai tràn vào phòng, trời đúng là thời tiết của sinh nhật ! Em cố nghe xem có tiếng động nào trong nhà không, nhưng lặng thinh, không giống những lần sinh nhật khác em luôn được mẹ đánh thức.

    Buồn bã em đứng dậy, phòng của mẹ mở, cửa sổ đóng, quần áo ngủ mẹ mặc đêm qua treo trên mắc áo. Em lao vào bếp với tia hy vọng cuối cùng nhưng chẳng có ai. Trên bàn bếp có một ly cà phê uống dở, một cái đĩa con còn dính thức ăn và một mẩu giấy. Phong chẳng cần đọc cũng biết mẹ viết gì rồi:

    "Phong của mẹ ! Tại sao hôm qua con không ăn chỗ cá còn lại, con cũng không uống sữa nữa ! Mẹ phải đi sớm đây. Chiều nay hâm nóng canh lên mà ăn. Cuối tuần mẹ con mình đi chơi, mẹ hứa ! Con yêu của mẹ! Mẹ Thúy của con”

    Những gì hôm qua em không dám liều, hôm nay em mạnh dạn hơn. Em đi vào phòng làm việc của mẹ, mở ngăn kéo và thấy cả 5 thư mời của em vẫn còn đây, tờ ghi nguyện vọng mà chính mẹ yêu cầu nằm bên cạnh “một Game Boy”.

    Như có ai mách bảo, Phong lấy tất cả những bức thư mời và tờ nguyện vọng xé nát vụn và rải khắp bàn làm việc của mẹ rồi đưa tay bụm mặt, em khóc đến khi không còn giọt nước mắt nào…

    (Dựa theo những câu chuyện học trò)

    Tác giả: Nguyễn Thế Tuyền

    Từ CHLB Đức

    Viethome

  • Cô giáo Nguyễn Quỳnh Giao kể về trường tiếng Việt ở Deptford thời Brexit khi trợ giúp của chính quyền bị cắt giảm và cha mẹ học sinh gốc Việt kỳ vọng quá cao.

    Như nhiều cộng đồng gốc nước ngoài khác, người Việt vùng Đông Nam thành phố London có một số lớp dạy tiếng Việt cho con cháu họ vào cuối tuần.

    Trả lời BBC, cô giáo Nguyễn Quỳnh Giao, người đã có thâm niên gần 20 năm dạy tiếng Việt cho con em các gia đình người Việt, nói về niềm đam mê dạy tiếng Việt cho trẻ em, và những thách thức cho hoạt động của trường.

    "Tôi sang nước Anh từ năm 1994. Tôi bắt đầu dạy tiếng Việt từ năm 2000 và bắt đầu trường tiếng Việt này từ năm 2006. Nhu cầu học tiếng Việt thì lúc nào cũng có, và cũng thay đổi theo thời gian. Trước đây hầu hết phụ huynh học sinh ở nhà nói tiếng Việt và sau đó thì có vấn đề là các cháu học tiếng Anh sau đó về nhà nói tiếng Việt với bố mẹ.

    Tiếng Việt thì các cháu cũng biết nhưng nó không đủ để cho các cháu diễn tả. Thế cho nên các cháu đến lớp học tiếng Việt thì nhờ cái tiếng Việt đó các cháu có thể diễn tả được là ở trong lớp học cái gì, hoặc là có vấn đề gì thì phụ huynh học sinh sẽ hiểu thêm.

    Nhưng đến bây giờ thì nhu cầu hoàn toàn khác bởi vì phụ huynh học sinh có xu hướng nói tiếng Anh với các cháu ở nhà. Thế nên các cháu đến đây hầu hết không biết một chút gì tiếng Việt cả, học hoàn toàn từ đầu, dạy họ như là dạy trẻ con Tây.

    Trẻ em gốc Việt hiện nay hầu như không biết chút cơ bản gì về ngôn ngữ của tổ tiên.

    Cái khó ở đây là phụ huynh học sinh bây giờ nói tiếng Việt nhưng lại không nói sâu thành ra những vấn đề đi sâu một chút về trình độ để giúp đỡ cho các cháu học, hoặc là về tâm lý, hoặc là về tất cả những thứ khác thì phụ huynh học sinh không đủ khả năng để nói. Thế cho nên cái đó cũng có thiệt thòi cho các cháu. Bởi vậy bây giờ cách dạy tiếng Việt cho các cháu cũng phải khác.

    Nhiều khi kỳ vọng của phụ huynh học sinh là khi mang các cháu đến một tuần vài tiếng thì sau đó các cháu sẽ nói thành thạo và cũng phải viết thành thạo. Nhưng chuyện đó không thể được bởi vì họ sinh con họ ra và họ ở cùng với con họ 24/24 mà không làm nổi thì tại sao một tuần đến đây một vài tiếng, hoặc có nhiều khi còn quên không mang các cháu đến, mà đòi hỏi nhiều như vậy cũng khó. Cho nên nhiều khi bây giờ mình cũng phải có cách để làm thế nào cho phụ huynh họ hiểu và cuối cùng là cùng nhau giúp cho các cháu tiến bộ.

    Kỳ vọng này thì ai cũng có thôi nhưng họ cảm thấy rằng nếu mà không được thì họ sẽ hơi có phần nản chí... Nói chung mình cũng không nói là không thể được bởi vì có một số cháu nếu cố gắng thì các cháu cũng có thể làm được nhưng đòi hỏi xem là các cháu có nỗ lực không và phụ huynh học sinh có ủng hộ không".

    Vấn đề hỗ trợ của các hội đồng địa phương hiện nay cho các quận của London ngày càng giảm, vậy trường hợp của trường tiếng Việt này ra sao?

    Trước đây cộng đồng trong các quận hầu như là có một trường tiếng Việt. Nhưng bây giờ do nhà nước không ủng hộ các quỹ tài trợ nên họ cũng không cho nữa nên các trường tiếng Việt khó tồn tại. Trước đây học tiếng Việt là chuyện bình thường nhưng bây giờ học tiếng Việt thì chắc chắn là phải đầu tư thêm, phải đầu tư thời gian, đầu tư công sức của mình cho con cái, thì nó sẽ mang lại hiệu quả hơn.

    Trước đây cộng đồng người Việt, được coi là cộng đồng thiểu số, rất cần giúp đỡ thì những cái đó không còn nữa rồi, không còn là cộng đồng được ưu tiên nữa rồi. Bây giờ tài chính của hội đồng ít dần, trước đây thì họ cũng cho tất cả các trường các dân tộc học ngoại ngữ, học cái tiếng của họ, nhưng hội đồng nghĩ rằng bây giờ tiền không có thì cũng không thể nào làm được hết.

    Bây giờ một quận như Lewisham ở đây có hơn 100 sắc tộc. Ví dụ họ mà cho mình thì hơn 100 sắc tộc khác lại bắt đầu xin, thì họ lấy đâu ra để cho. Bây giờ nếu muốn tồn tại thì hầu hết là trong cộng đồng, bản thân gia đình, bản thân phụ huynh và bản thân cái cộng đồng đó phải tự lo. Họ chỉ giúp cho những người không biết tiếng Anh học để mà hòa nhập với cộng đồng người Anh chứ không thể nào không có tiền lại giúp cho những người Việt học tiếng Việt. Mình học tiếng Việt bây giờ như là một cái hình thức xa xỉ, có nghĩa là phải tự mình bỏ tiền ra, tự mình đầu tư cho con mình, tự mình cùng với cả cộng đồng mình giữ lại cho văn hóa của mình.

    Học tiếng là để giữ bản sắc Việt Nam

    Thì bây giờ mang tính chất là như vậy chứ không hoàn toàn phải nhờ chính quyền địa phương hoặc bất cứ tổ chức nào, mặc dù là mình cố gắng đưa ra rất nhiều lý lẽ là con cháu mình nếu mà học tiếng Việt ở đây sẽ giúp cho giao tiếp trong gia đình, giúp cho người Việt ở đây những ông cụ già, giúp các cụ ở trong nhà không bị đơn độc và không bị cô đơn rồi mình đưa ra tất cả những lý lẽ.

    Nhưng mà trước đây thì có thể là những chuyện đó họ chấp nhận nhưng bây giờ thì càng ngày càng khó, họ không chấp nhận cái chuyện đó nữa. Họ nói rằng là thôi bây giờ thì tự lo bởi vì bây giờ không thể giúp được. Bây giờ ngay cả những công việc ở cộng đồng bọn mình cũng vậy, họ muốn rằng nếu mình muốn làm bất cứ một dự án nào thì họ đều muốn mình phải làm cùng các cộng đồng khác chứ không thể làm riêng là cộng đồng mình được. Nhưng mà người Việt thì chưa có chuẩn bị sẵn sàng cho cái chuyện đó, người Việt thì chỉ muốn là cái dịch vụ của tôi là của tôi, tôi không thích chung với cả ai cả.

    Sự hỗ trợ từ Việt Nam đến này cho hoạt động của bà và các cô giáo tại đây ra sao?

    Lớp học chủ nhật của trường tiếng Việt nằm trong khu nhà của hội đồng địa phương dành cho các sắc tộc khác nhau ở Đông Nam London

    Trường mình thì trước đây hầu hết giáo viên tự soạn giáo trình thế nhưng thời gian trước mình có về Việt Nam đi khóa huấn luyện giảng dạy năm 2013 theo chương trình Tiếng Việt vui và Quê Việt của Việt Nam, và sau đó mình bắt đầu mang những tài liệu đó sang bên này và có dùng để cho các cháu học.

    Nhưng không phải là có thể áp dụng được hết tất cả, cái đó hầu hết để cho học sinh lớp lớn một chút tại vì cách nghĩ để học tiếng Việt hoàn toàn khác. Một số sách mang từ Việt Nam sang đây lớp 1 hoặc lớp 2, hay vỡ lòng, để cho các cháu học thì các cháu cảm thấy rất là chán tại vì cách suy nghĩ khác, thế nên phải là sự tổng hợp giữa hai cái đó.

    Và cũng như là mình phải tổng hợp cái giáo dục ở Anh như thế nào để giúp các cháu học theo phương pháp mình cảm thấy phù hợp. Bây giờ nếu mình nói là có một phương pháp mới thì hoàn toàn cũng không có nhưng nó là thiết kế riêng cho con từng cháu một thì cái đó sẽ mang lại hiệu quả hơn.

    Chương trình Tiếng Việt Vui và chương trình Quê Việt hơi mang tính chất học theo những giáo án dạy tiếng Anh, như người nước ngoài học tiếng Việt nên cũng hơi khó cho các cháu, chưa chắc các cháu đã theo được, một số theo được một số không theo được.

    'Nhu cầu học tiếng Việt thì lúc nào cũng có, và cũng thay đổi theo thời gian'

    Cái nữa ở đây là do các lớp hầu hết không phải đông, trong một lớp thì có nhiều trình độ cho nên cũng phải cho giáo viên thiết kế chương trình dành riêng cho các cháu. Từ vựng thì một số từ ở Việt Nam dùng, ở bên này các cháu có dùng đến không thì cũng là một cái vấn đề.

    Sách của Việt Nam hầu hết là hơi mang tính chất chính trị. Nhưng ở đây chúng tôi không có cái tính chất chính trị đó bởi vì chúng tôi cố gắng làm thế nào mình có tính chất cộng đồng, sau này các cháu dùng để về có thể giao tiếp được với gia đình, nói chuyện với bạn bè người thân ở Việt Nam.

    Chúng tôi sẽ theo cái nhu cầu đó để chúng tôi dậy chứ chúng tôi không đi quá theo một cái xu hướng chính trị hoặc theo một đạo gì cả. Chúng tôi phải làm hoàn toàn là trung lập.

    Bà có ý kiến gì về chuyện cải cách chữ viết tiếng Việt được nói đến gần đây của GS Bùi Hiền, và nếu có thì bà nghĩ sao?

    Mình nghĩ đó là một cái mới mà người ta cũng cố gắng, xem cải cách lại nhưng mà cải cách được hay chưa vẫn còn một con đường rất là dài. Để học được tiếng Việt thì cũng rất là khó, mình đã dạy cho những bạn nước ngoài chẳng hạn một số người làm cho bên Bộ Ngoại Giao hoặc là những người về Việt Nam công tác thì tiếng Việt không phải là một ngôn ngữ dễ. Người ta tính ra là tiếng khó thứ hai, thứ ba trên thế giới trong tất cả các ngôn ngữ.

    Ví dụ học một ngôn ngữ như là tiếng Pháp hay tiếng Anh thì mới đầu khó thật đấy nhưng mà sau một thời gian thì người ta cảm thấy người ta có thể bình tĩnh, tự tin và người ta có thể nói được.

    Nhưng học tiếng Việt một hồi xong rồi hoàn toàn vẫn bị mất cái tự tin. Thứ nhất là môi trường về đến Việt Nam thì người Việt Nam mình lại không có sự khích lệ lắm. Cái đó là một cái rất là khó cho người học, họ sẽ cười hoặc đả kích và họ sẽ không nói tiếng Việt cùng nữa mà họ sẽ nói tiếng Anh. Đấy cũng là hơi khó cho người nước ngoài.

    Thứ hai là cho học sinh cũng vậy, học sinh cứ nói rằng là con đã học tiếng Việt và tất nhiên các cháu nói thì sẽ có sự ngọng nghịu thế nhưng mà bố mẹ không có kiên nhẫn để mà chữa cho con hoặc cố nói chuyện bằng tiếng Việt với con mà sẽ quay sang nói tiếng Anh thẳng luôn.

    Cho nên cái đó sẽ khó dìu dắt cho các con mình học, nếu mà thay đổi được cái đó thì sẽ dễ hơn cho người học.

    Một thứ tiếng Việt mới thì sẽ dễ hơn cho người đọc nhưng mà tiếng Việt lại rất là giàu về tính âm nhạc rồi về âm điệu của từng vùng miền. Nhưng nếu mình chỉ lấy một vùng để làm tiêu chuẩn thì cũng rất khó, tất nhiên là sẽ bị phản đối rồi.

    Theo tôi, cái này là mới bước khởi đầu thôi chứ chưa thể gọi là cái cuối cùng để quyết định và cái thử nghiệm này còn phải qua thời gian, qua những cái người thử nghiệm, sau đó là lấy những cái đó để học tiếp tục thì nó mới có thể dùng được.

    Cũng vẫn nói về tiếng Việt dạy cho trẻ em trong môi trường ở Anh, bà có quan sát gì muốn chia sẻ?

    Có nhiều phụ huynh mang con đến và nói rằng tôi muốn con tôi học tiếng Hà Nội, tôi muốn con tôi học tiếng Nam, con tôi học tiếng Huế. Tất cả những cái đó thì mình cũng giải thích rằng trước khi nói được tiếng Huế, trước khi nói được tiếng Nam, thì phải nói được tiếng Việt đã, tiếng Việt có thể hiểu được đã rồi mới có thể đi theo vùng miền được.

    Tất nhiên là một số từ thì mình sẽ cố gắng dùng có tính chất là quảng đại, tất cả mọi người đều dùng thì sẽ hay hơn. Chứ còn nếu dùng tiếng địa phương thì trong gia đình họ có thể dùng. Làm thế nào cho các cháu nói đúng, rõ ràng, hiểu được thì đấy là cái mà cái mà chúng tôi nghĩ là quan trọng nhất.

    Bài phỏng vấn do Nguyễn Giang thực hiện tại London nằm trong loạt bài Người Việt toàn cầu - Global Vietnamese của BBC News Tiếng Việt.

    Viethome (theo BBC Vietnamese)

  • Khoảng chín tháng tuổi, cô bé ôm lưng mẹ khi mẹ bơi dưới nước, học cách lấy hơi; ba tuổi bé có thể bơi năm mét một mình.

    Là cô giáo dạy bơi, Alice Stroyan (25 tuổi) ở Northumberland (Đông Bắc Anh) luôn muốn truyền đạt cho con gái Isla kỹ năng sống quan trọng càng nhanh càng tốt. Cô đưa em bé đến bể bơi lúc 12 tuần tuổi, ngay sau khi tiêm phòng. 

    Bé Isla có mẹ là giáo viên dạy bơi.

    "Con mới được vài ngày tuổi, tôi đã không tránh phần trước mặt khi đổ nước qua đầu để con làm quen với nước từ sớm. Con 12 tuần tuổi, tôi dạy bài học bơi đầu tiên và để nó chìm hoàn toàn dưới nước", Alice kể lại trên Story Trender ngày 21/11.

    Những bài học ban đầu mà Alice dạy con rất đơn giản, với mục đích chính là giúp con không sợ nước. Tuy nhiên, cô vẫn ngạc nhiên với tố chất đặc biệt của con. Cô bé rất tự tin và thường cười đùa khi nghịch nước.

    Cô bé không sợ nước và rất tự tin. Ảnh: Mercury Press.

    Isla có thể ngụp từ 15 tuần tuổi, tự nổi trên mặt nước lúc sáu tháng tuổi. Khoảng chín tháng tuổi, cô bé ôm lưng mẹ khi mẹ bơi dưới nước, học cách lấy hơi. Dần dần, Isla tập vẫy chân để không cần giữ lưng mẹ nữa. Em nhanh chóng hiểu rằng nếu vẫy mạnh hơn, em sẽ bơi vào tường nhanh hơn.

    Năm một tuổi, cô bé có thể tự bơi một mình. Giờ đây, khi đã ba tuổi, Isla bơi liền năm mét mà không cần sự hỗ trợ của mẹ hoặc băng tay bơi. Khoảng cách ngày càng tăng nhờ tập luyện hàng tuần.

    Isla hiện ba tuổi và có thể bơi năm mét một mình. Ảnh: Mercury Press.

    Theo bà mẹ trẻ, kỹ năng bơi lội sẽ được sử dụng trong suốt cuộc đời và có thể cứu sống trẻ. Dù Isla bắt đầu bơi từ rất sớm, Alice không sợ con gặp nguy hiểm. "Khi nhìn con bơi, tôi cảm thấy vô cùng tự hào. Mọi người thường lại gần và hỏi con bé bao nhiêu tuổi, khen ngợi sự tự tin của nó", Alice nói. Cô tin con sẽ phát triển kỹ năng lên một tầm cao mới khi trưởng thành.

    Viethome (theo VnExpress)

  • Bức xúc vì "bị ép học" tiếng Việt, xấu hổ vì không biết tên ông bà...là những cảm xúc thanh niên gốc Việt trải qua khi trưởng thành.

    "Không ngày nào em không khóc, không hiểu vì sao mình lại cứ phải học tiếng Việt trong khi mình ở Czech", Nguyễn Thị Mai Quỳnh, 18 tuổi, đang sống ở thành phố Plzen, kể lại những năm tháng tuổi thơ.

    Tháng 7 vừa rồi, Quỳnh đã cùng 120 thanh thiếu niên Việt kiều từ gần 30 nước về Việt Nam dự Trại hè 2018. Czech là nước có đông đại diện nhất với 15 người. Khi được hỏi bạn nào nói tiếng Việt giỏi nhất, tất cả đều chỉ về phía Quỳnh.  

    Quỳnh mặc trang phục Czech thắp hương tại Đền Hùng. Ảnh: Trọng Giáp.

    Từ kỳ nghỉ hè sau khi học lớp hai, Quỳnh đã bị ba mẹ "bắt học tiếng Việt", với những quyển sách dạy đọc được gửi từ Việt Nam sang. Mỗi ngày, Quỳnh phải xuống cửa hàng bán thực phẩm của cha mẹ, để họ vừa trông hàng, vừa dạy cô tiếng Việt. Ba mẹ luôn kè kè thước kẻ bên cạnh và nhiều lần la mắng, Quỳnh phải tập viết nắn nót từng chữ. 

    Ba mẹ Quỳnh cũng yêu cầu ba chị em cô phải nói chuyện tiếng Việt mỗi khi về đến nhà, không được nói tiếng Czech. Khi thấy Quỳnh "bức xúc", họ giải thích: "Người Việt mà không biết viết với đọc tiếng Việt là người mất gốc. Giống như các bạn Tây không biết viết với biết đọc".

    Ý thức được điều đó nhưng việc học hành đối với Quỳnh rất khó khăn, đặc biệt là đánh vần vì tiếng Việt có dấu, rất khác tiếng Czech. Dần dần, cô vượt qua được trở ngại, có thể đọc và viết tiếng Việt thành thạo. Cũng nhờ luyện tiếng mẹ đẻ mà Quỳnh được cô giáo khen viết chữ đẹp.

    "Bây giờ thì em đã hiểu vì sao bố mẹ ép mình học tiếng Việt, em rất biết ơn bố mẹ vì điều đó", Quỳnh nói. Em gái Quỳnh năm nay 8 tuổi cũng đã bắt đầu bị bố "bắt" học tiếng Việt, với sự hỗ trợ của cô.

    Cũng đến từ Czech nhưng khác thành phố, Phạm Thế Hữu, 17 tuổi, ở Kadan, lại có một trải nghiệm rất khác về học tiếng Việt. Vì không giỏi tiếng mẹ đẻ, nhiều lúc cậu cảm thấy buồn.

    "Có lần nghe bạn bè người Czech nói chuyện về ông bà, em bất giác thấy xấu hổ vì không biết tên bà mình là gì", Hữu nói. 

    Sinh ra ở Czech, Hữu chỉ mới hai lần gặp bà ngoại, người đang sống ở Nam Định, lần gần đây nhất cách đây 4 năm. Do không nói được nhiều tiếng Việt, Hữu chưa có cơ hội gần gũi để trò chuyện nhiều với bà và điều đó khiến cậu cảm thấy buồn. "Các bạn em ở Czech có quan hệ thân thiết với ông bà, thường xuyên thăm hỏi họ vì ở gần, còn em thì không làm được điều đó vì bà ở tận Việt Nam", Hữu nói.

    Chàng trai lý giải không học được nhiều tiếng Việt vì chỉ nói với bố mẹ và các anh chị trong gia đình, còn lại chủ yếu nói tiếng Czech khi đi học và giao lưu. Cậu cố gắng đọc truyện và xem TV bằng tiếng Việt, nói chuyện với người thân nhiều hơn để cải thiện vốn từ. Hữu mong muốn có một lớp dạy tiếng Việt ở Kadan vì ở đây cũng có nhiều thanh thiếu niên gốc Việt không giỏi ngôn ngữ này.

    Bố mẹ Hữu là chủ một nhà hàng chuyên các món ăn Việt Nam ở Kadan, khu vực có khoảng 100 người Việt trên tổng dân số 18.000 người. Khi còn nhỏ, Hữu từng bị bạn trêu chọc là người "ăn thịt chó", cậu thấy buồn vì bị "phân biệt đối xử". Nhưng khi cậu lớn lên, mọi người xung quanh không chú ý nhiều đến sự khác biệt của Hữu về ngoại hình và gốc gác.

    "Em hài lòng với bản thân, rằng mình là người gốc Việt và em không quan tâm nhiều đến việc bị trêu chọc nữa", Hữu nói. Cậu nhận thấy "chất Việt" rõ nhất trong con người mình là luôn hướng đến gia đình. Hữu và anh trai thường tranh thủ dọn dẹp và phụ bếp nhà hàng của gia đình khi rảnh rỗi.

    Khi về Việt Nam dự Trại hè 2018, Hữu đã chuẩn bị sẵn quà cho bà ngoại và các em họ ở Nam Định. Cậu tin rằng mình sẽ vượt qua được ngại ngùng để trò chuyện với bà và họ hàng nhiều hơn.

    Hữu (hàng đầu, thứ hai từ trái) lắng nghe hướng dẫn viên khi thăm khu di tích Hoàng Thành Thăng Long. Ảnh: Trọng Giáp.

    Có mái tóc dài ngang lưng, Aivi Trần Fortier mang nhiều nét của một thiếu nữ Việt. Cô có mẹ là người gốc Hà Nội, bố là người Canada. Ở tuổi 16, Aivi tỏ ra khá già dặn vì thích tìm hiểu các vấn đề lịch sử. Cô bé rất hào hứng vì chương trình Trại hè có nhiều điểm dừng cô quan tâm.

    "Trong chương trình em đang học ở Mỹ, thầy cô có đề cập đến chiến tranh Việt Nam nhưng em muốn tìm hiểu thêm về cuộc chiến này dưới góc nhìn của người Việt", Aivi nói, cho hay từng đến thăm nghĩa trang Trường Sơn khi được mẹ đưa về Việt Nam chơi. Ông ngoại cô bé là cựu chiến binh, còn mẹ trải qua cuộc sống khó khăn thời chiến nên Aivi càng muốn tìm hiểu. 

    Do đặc thù công việc của bố Aivi, gia đình cô thường xuyên phải di chuyển, đến nay đã qua 35 nước. Sinh ra ở Áo, Aivi vẫn nhớ ngôn ngữ đầu tiên được học là tiếng Việt. Do bạn bè của cô ở New York không có ai là người Việt nên việc học tiếng Việt khá khó khăn. Bù lại, mỗi năm cô có khoảng hai tuần ở Việt Nam, gặp gỡ họ hàng và đi du lịch.

    "Tiếng Việt rất khó, nhưng em thấy nó quan trọng vì em là người Việt nên cần phải học. Em đang cố gắng để có thể đọc được sách tiếng Việt", Aivi nói.

    Viethome (theo VnExpress)

  • Mỗi năm, có hàng nghìn trẻ em biến mất trên khắp thế giới. Những kẻ bắt cóc là những nhà tâm lý rất giỏi. Chúng có thể dễ dàng xây dựng mối quan hệ, rồi sau sẽ lợi dụng bọn trẻ.

    Chúng tôi đã tìm hiểu được 11 thủ đoạn mà những kẻ bắt cóc thường sử dụng để tiếp xúc với trẻ em. Việc biết những hành vi như vậy để tránh và ngăn chặn những vụ bắt cóc là hết sức cần thiết.

    Một trong những thủ đoạn phổ biến nhất mà những kẻ bắt cóc sử dụng là nhờ một đứa trẻ giúp đỡ. Nếu bạn chứng kiến tình huống như vậy, nó có thể là dấu hiệu cảnh báo vì những người trưởng thành thường không nhờ một đứa trẻ lạ giúp đỡ! Nếu một người trưởng thành gặp rắc rối nào đó (mất chó, mèo hay không mở được cửa xe, v.v..), họ sẽ luôn nhờ một người lớn giúp đỡ chứ không bao giờ là một đứa trẻ.

    Nếu một đứa trẻ đang khóc, la hét hoặc cố gắng vùng tay chạy thoát, có thể bạn sẽ nghĩ đơn giản rằng đứa trẻ đó hư. Nhưng nếu tình huống quá bất bình thường, có lẽ bạn nên đến và hỏi xem mọi thứ có ổn không. Đừng ngại hỏi. Nếu đây là kẻ bắt cóc, chúng có thể sẽ chạy trốn vì bạn đã ghi nhớ khuôn mặt.

    Những người đi vòng quanh sân chơi và quan sát trẻ em cũng rất đáng ngờ. Nếu nghi ngờ bạn có thể chụp ảnh và để họ nhận thấy là bạn đang giơ điện thoại lên chụp. Hành động này có thể khiến kẻ bắt cóc co vòi.

    Trẻ em rất cởi mở và tin tưởng. Nếu có người bảo muốn tặng bánh kẹo hoặc đồ chơi, nhưng với điều kiện là phải theo họ vào xe ô-tô, chắc chắn đây là một kẻ bắt cóc. Người lớn thường không tặng quà cho trẻ em không quen hay mời lên xe hơi của họ.

    Những kẻ bắt cóc có thể biết rất nhiều về gia đình của một đứa trẻ. Sử dụng mạng xã hội, kẻ phạm tội có thể biết được cả những chi tiết nhỏ nhất: tên của người thân hoặc đồng nghiệp của cha mẹ, đồ chơi mà đứa trẻ được tặng trong sinh nhật, phòng ngủ trông như thế nào, v.v.. Sử dụng tất cả những thông tin này, họ có thể tự giới thiệu mình là bạn bè hoặc đồng nghiệp của bố mẹ đứa trẻ. Họ có thể nói rằng mẹ đứa trẻ đang ở trong bệnh viện và đứa trẻ phải đến thăm ngay. Nếu bạn chứng kiến hành vi này, đừng bỏ qua. 90% đây là một vụ bắt cóc.

    Đôi khi nhưng kẻ bắt cóc sử dụng những trẻ em khác làm mồi nhử và đưa chúng đến làm quen với nạn nhân. Điều khó khăn là trẻ em không thực sự hiểu “người lạ” có ý định gì. Hầu hết chúng đều nghĩ rằng những người bắt cóc trẻ em trông hung dữ và đeo kính râm. Nhưng thực tế ngay cả phụ nữ xinh đẹp hay trẻ em cũng có thể là những kẻ bắt cóc. Nếu bạn thấy trường hợp khả nghi, hãy tiến đến hỏi xem chúng đã quen bao lâu rồi và chúng định đi đâu.

    Nếu bạn thấy một chiếc xe hơi chạy chậm dọc theo đường phố, rồi dừng lại cạnh một đứa trẻ, bạn nên biết rằng đây có thể là một dấu hiệu cảnh báo. Và nếu tài xế nhờ trẻ chỉ hướng hay mời trẻ vào trong xe, đây chắc chắn là một kẻ bắt cóc. Một tài xế bình thường sẽ chỉ nhờ người lớn, cảnh sát hoặc đơn giản là sử dụng GPS.

    Đã có trường hợp trẻ em bị bắt cóc sau khi chúng được mời đi thử xe mô-tô. Rất ít bé trai nào có thể kháng cự lại lời mời như vậy. Gặp trường hợp như vậy bạn cần can thiệp ngay.

    Những kẻ bắt cóc thường nói với trẻ em rằng họ là nhà sản xuất phim hoặc nhiếp ảnh gia. Thủ đoạn này có tác dụng với trẻ hơn 10-11 tuổi. Những kẻ bắt cóc chiếm được lòng tin của bọn trẻ nhờ nịnh bợ và hứa hẹn danh tiếng cùng thành công.

    Thật khó cảnh giác khi những kẻ bắt cóc nói rằng chúng là cảnh sát và yêu cầu đứa trẻ đi cùng họ vì đứa trẻ đã làm điều xấu. Những người mặc đồng phục cảnh sát nhìn đáng tin cậy, ngay cả đối với người lớn. Nhưng bất kỳ cảnh sát thực sự nào cũng sẽ tìm đến bố mẹ đứa trẻ thay vì đứa trẻ. Tuy nhiên, nếu bạn can thiệp có thể lo ngại mình gặp rắc rối, ít nhất bạn hãy chụp lại ảnh chân dung của người đó. Việc này có thể khiến kẻ bắt cóc sợ hãi.

    Một điều nữa bạn cần chú ý là khi vẻ ngoài của kẻ bắt cóc và đứa trẻ quá khác biệt nhau. Tất nhiên dấu hiệu này không đúng trong tất cả các trường hợp, nhưng cũng đáng để bạn lưu tâm.

    Viethome (theo Brightside)

  • Cách đây vài năm, một ông bố người châu Á do tắm cho con gái 10 tuổi đã bị cảnh sát Mỹ bắn chết, sự việc này đã dẫn đến sự phản ứng kịch liệt cả trong và ngoài nước Mỹ.

    Sự việc đáng tiếc bắt nguồn từ việc cô con gái 10 tuổi của ông vô tư nói với giáo viên trong trường rằng em thường tắm chung với bố. Đây là hành động bình thường của các bậc bố mẹ ở Trung Quốc nhưng lại bất thường ở Mỹ. Mỹ xem việc bố mẹ tắm cùng con khác giới tính khi đứa bé trên sáu tuổi là lạm dụng tình dục trẻ em.

    Vị giáo viên này đi báo cảnh sát. Cảnh sát đến nhà thông báo tước quyền nuôi con của ông. Trong cơn tức giận ông vung dao về phía cảnh sát và bị bắn chết. Đáng nói là ông bố này đơn thân nuôi con và vẫn tắm cùng con từ lúc cô bé mới sinh đến ngày ông bị bắn chết.

    Bi kịch này không chỉ phản ánh sự khác biệt về văn hóa của Đông và Tây phương, nó cũng trực tiếp liên quan đến quyền riêng tư của trẻ em Mỹ. Có lẽ độc giả Đông phương nhiều người không hoàn toàn hiểu rõ về vấn đề này, bảo vệ quyền riêng tư là một nội dung quan trọng trong quá trình trưởng thành của trẻ em Mỹ.

    Quyền riêng tư về thành tích học tập

    Cho dù thành tích học tập là tốt hay xấu, tất cả thành tích học tập của học sinh Mỹ đều thuộc về quyền riêng tư, các trường học của Mỹ và gia đình đều có nghĩa vụ bảo vệ quyền này.

    Ví dụ như, giáo viên tiểu học hay trung học tại Mỹ sẽ không công khai thành tích của học sinh trước lớp, càng không bao giờ sắp xếp thứ tự dựa vào thành tích. Cho dù là ở đại học của Mỹ, nếu như giáo viên muốn công khai thành tích, cũng không được đưa ra tên của sinh viên đó, nhiều lắm chỉ là viết 4 chữ cuối của mã số trên thẻ sinh viên.

    Tại trường tiểu học và trung học ở các nước châu Á thịnh hành xếp danh sách. Một mùa hè tôi có dịp đến một trường trung học tham gia dự thính, hôm đó đúng vào hôm công bố thành tích của học sinh. Khi giáo viên trên bục giảng dựa vào thành tích cao thấp để công bố, tôi thực sự cảm thấy khó chịu thay cho những học sinh có thành tích kém. Nếu như theo quan điểm của người Mỹ thì đây là sự công khai phân biệt đối xử.

    Quyền riêng tư về hình ảnh cá nhân

    Là phụ huynh thì ai cũng muốn chụp ảnh con của mình, và phụ huynh Mỹ cũng không phải là ngoại lệ. Chụp ảnh ở Mỹ mặc dù rất đơn giản, nhưng khuôn mặt của trẻ em thì hoàn toàn không đơn giản. Nếu như bạn chưa được sự cho phép mà chụp ảnh đứa trẻ của một nhà nào đó, nếu như gặp phải một phụ huynh nghiêm khắc, rất có thể bạn sẽ phải đi hầu tòa.

    Những hoạt động tập thể tại Mỹ, rất khó để tránh chụp ảnh tập thể. Nếu như bạn không muốn con của mình lộ diện trong các bức ảnh tập thể, thì trường học của Mỹ sẽ cho bạn một bảng biểu, để bạn có thể viết lý do cá nhân của mình.

    Tôi cũng rất thích chụp ảnh con của mình, cũng thường cho ảnh chúng lên blog. Có một lần, tôi đã vô ý đưa một bức ảnh chụp chung của con tôi và các bạn cùng lớp lên blog, việc đó đã bị con của tôi phát hiện ra. Điều này thật tồi tệ, tôi dường như trở thành một “người xấu” trong mắt chúng.

    “Mẹ chưa có được sự đồng ý, mà lại đưa ảnh của các bạn con lên đó, mẹ hãy xóa nó đi.” Câu chuyện nhỏ này không có nghĩa là con tôi quá cứng nhắc, mà nó nói lên sự thành công của nền giáo dục Mỹ. Không cần phải thuyết giáo, không cần phải nhắc nhở, mỗi một học sinh Mỹ đối với quyền riêng tư về hình ảnh cá nhân đều tự giác có ý thức bảo hộ.

    Quyền riêng tư về thân thể

    Từ khi còn ở nhà trẻ, trẻ em Mỹ đã được dạy về quyền riêng tư thân thể. Chúng từ bé đã được giáo dục, nếu như ai sờ vào bộ phận riêng tư của các em, thì các em phải nói ngay với phụ huynh và giáo viên. Bây giờ chúng ta sẽ quay lại với ông bố người châu Á bị cảnh sát Mỹ bắn chết, rốt cuộc đã làm gì không thích hợp để mất đi tính mạng.

    Đầu tiên là cách thức giáo dục của ông bố về khả năng sinh hoạt độc lập của con gái là không thích hợp. Một bé gái 10 tuổi hoàn toàn có thể tự tắm được rồi, tại sao vẫn phải để bố giúp? Thực ra ông bố và cô con gái đều sinh sống tại Mỹ, nhưng cả hai đều thiếu hụt kiến thức cần có về quyền riêng tư thân thể. Cuối cùng, ông bố này không nên dùng dao để chống cự lại cảnh sát, mà nên tự nguyện để cho cảnh sát khống chế, sau đó có thể khiếu nại.

    Đối với 3 quyền riêng tư này, tôi không hề cho rằng người Mỹ quá cứng nhắc, mà cho rằng nền giáo dục của Mỹ là nhân đạo hơn. Tôn trọng những điều riêng tư của trẻ, kỳ thực chính là tôn trọng nhân cách của trẻ. Chỉ như thế thì những trẻ có thành tích học tập kém, mới không bị người khác chê cười, những trẻ không thích lộ diện vì lý do cá nhân nào đó, cũng không bắt buộc phải chụp ảnh tập thể.

    Viethome (theo tinnuocmy)

  • Bố mẹ và con cái luôn cần phải gần gũi yêu thương nhưng điều đó không có nghĩa là suồng sã trước mặt con. Bởi đây là thói quen không tốt, ảnh hưởng xấu đến trẻ khi sống giữa cộng đồng.

    Có những điều tối kỵ trong nguyên tắc giao tiếp giữa cha mẹ và con cái mà nhiều phụ huynh hoàn toàn không hề biết. Đó là: người bố thì không nên tắm cho con gái từ tuổi lên 3, là mẹ thì không ngủ cùng con trai khi con từ 5 tuổi trở lên và tương tự như vậy đối với bố và con gái, không nên thay quần áo trước mặt con...

    viethome tam cho con cai

    Chuyên gia tâm lý Nguyễn Yến Nhi cho rằng, việc bố mẹ suồng sã trước mặt con, ngoài nguy cơ trẻ bị xâm hại tình dục ngay trong chính ngôi nhà của mình thì còn có nguy cơ bị người ngoài xâm hại.

    Một điều rất dễ hiểu là theo logic tâm lý, khi trẻ thấy việc bố mẹ thay quần áo ngay trước mặt mình trẻ sẽ nhận thức rằng: "À, việc thay quần áo hay để lộ thân thể trước người khác là bình thường". Nhận thức như vậy nên khi đi ra ngoài trẻ sẽ không biết giữ kín và giữ khoảng cách với những người đàn ông hay phụ nữ khác.

    Ở nhà không giữ khoảng cách thì khi đi ra ngoài, trẻ cũng sẽ nghĩ như vậy. Việc bố mẹ cảnh báo về sau không có tác dụng bằng cách tạo thói quen đúng ngay từ bé.

    "Chính những cử chỉ ấy là nguy cơ khiến trẻ dễ bị lạm dụng tình dục. Nếu bạn để ý một chút khi đi ngoài đường, có rất nhiều đứa trẻ đang độ tuổi teen, các em thường cầm tay, khoác vai, ôm nhau rất vô tư. Mà khi ôm nhau, cầm tay hay khoác vai nhau sẽ rất dễ xẩy ra việc đụng chạm về thân thể. Sự đụng chạm lại là động cơ thôi thúc các xúc cảm bản năng luôn tiềm ẩn sẵn trong mỗi người. Ở những đứa trẻ này chắc chắn bố mẹ không để ý dạy cho các em nguyên tắc giữ khoảng cách cần thiết trong giao tiếp. Với cách giao tiếp như thế, chắc chắn nguy cơ trẻ bị xâm hại tình dục sẽ rất cao", bà Nhi nói.

    Theo bà Nhi, trong gia đình người mẹ phải là người chủ động, khéo léo đề ra các nguyên tắc giao tiếp này. Các bà mẹ dù bận đến mấy cũng không nên nhờ chồng tắm cho con gái. Dù mẹ có yêu con như yêu chính thân thể mình thì cũng không nên thay quần áo trước mặt con trai, hay tắm cùng con trai. Ngay cả mẹ và con gái hay bố với con trai thì vẫn nên tạo nên một giới hạn nhất định để giúp cho trẻ hiểu rằng không nên suồng sã trong giao tiếp.

    "Chỗ kín là nơi cần phải giữ kín, chỉ riêng mình được biết, là bí mật của mình. Không phải ngẫu nhiên mà ở nhiều nước bài học đầu tiên về giáo dục giới tính ở trường phổ thông đã nêu ra nguyên tắc như vậy cho trẻ. Những bậc làm cha làm mẹ cũng nên rút kinh nghiệm trong sinh hoạt và lối ứng xử với con cái, đặc biệt với con cái là người khác giới", bà Nhi cảnh báo.

    Viethome (theo giadinh)

  • Bài viết dưới đây là góc nhìn của chị Lê An Thanh, 38 tuổi, đang sống tại Berlin, Đức về xung đột hai thế hệ trong những gia đình Việt định cư lâu ở phương Tây nhưng vẫn áp dụng cách giáo dục con kiểu cũ ở quê nhà.

    Tôi quen một phụ nữ Việt sang Đức từ năm 1987, sau đó kết hôn với một người đàn ông Đức rồi có con chung. Khi cuộc sống đã dần ổn định, chị đón cô con gái riêng ở Việt Nam sang sống cùng. Nhiều năm sau, vì quan điểm bất đồng về tiền bạc với người chồng Tây, chị và chồng ra tòa ly dị.

    viethome nuoi day con kieu tayNhiều bố mẹ Việt chưa theo kịp được với luật pháp ở các nước định cư tiên tiến. 

    Lúc đó, khi được hỏi muốn ở với cha hay mẹ, cậu con chung 14 tuổi của hai người đã trả lời là thích sống với bố. Lý do của em là mỗi lần về Việt Nam, mẹ luôn bắt mình về theo trong khi em chẳng thích chút nào. Trong trí nhớ của cậu bé, quê ngoại nóng nực, nhiều muỗi, còn họ hàng thì hay rờ rẫm vuốt ve và lâu lâu lại cười ầm lên rồi nói vài câu mà em không hiểu hết được.

    Kết thúc phiên tòa ly hôn, người mẹ ấy khóc lóc và than thở rằng mình đã lo cho con không thiếu thứ gì, đưa con về Việt Nam chơi hằng năm chẳng qua là muốn cháu hiểu thêm về quê mẹ, vậy mà con lại khó chịu về điều đó. Đứa bé ấy giờ đã trưởng thành và cũng rất ít liên lạc với mẹ vì nhiều quan điểm bất đồng. Còn người mẹ từ đó trở đi chỉ về quê nhà cùng cô con gái riêng. 

    Một gia đình người Việt khác có ba con, bé đầu là gái 12 tuổi và hai bé song sinh sau 4 tuổi. Cô con gái đầu đi học thường hay mất lặt vặt, lúc thì găng tay, áo khoác, khi là cây viết, khăn... khiến người mẹ rất bực tức vì phải liên tục tốn tiền mua mới. Vì thế, thỉnh thoảng chị có đánh con.

    Lúc bé gái tập thể thao ở trường, bạn bè thấy em có nhiều vết thâm tím ở chân tay nên đã mách với cô giáo. Cô giáo nghe xong liền báo ngay cho Sở thiếu niên. Vậy là vài hôm sau, người của Sở thiếu niên cùng cảnh sát tới tận nhà để đưa cả ba đứa trẻ vào nơi dành cho trẻ em có vấn đề với cha mẹ (Kinderheim), còn bà mẹ thì bị đưa ra tòa vì tội bạo hành con cái.

    Kể với cảnh sát, cô bé nọ cho biết mẹ thường xuyên đánh mắng, hay bắt trông em và lúc nào cũng so sánh việc học hành với con hàng xóm. Có lẽ vì thiếu hiểu biết về luật pháp cũng như còn bực tức với con, nên lúc tới Sở thiếu niên, người mẹ chỉ muốn đòi lại hai bé song sinh, không muốn nhận về cô con gái cả. Tuy nhiên, việc này không được chấp nhận. Bà mẹ còn bị cho là tâm lý không ổn định, nên về sau cả ba con chị đều được giao hẳn cho người cha chăm sóc.

    Qua hai câu chuyện trên, có thể nói, nếu cứ áp dụng cách giáo dục kiểu Việt truyền thống tại nước Đức nói riêng hay ở phương Tây nói chung, cha mẹ không những làm tổn thương con mình mà đôi khi còn mất cả quyền nuôi con. Tại Đức, quyền lợi của trẻ em luôn được đặt lên hàng đầu. Nếu cha mẹ có những hành vi bạo hành về thể xác lẫn tinh thần thì còn bị phạt tù.

    Đa số những gia đình Việt Nam sinh và nuôi con tại Đức đều luôn muốn con họ kết hợp hai luồng văn hóa Á - Âu. Có nghĩa là vừa tiếp thu những văn minh ở phương Tây nhưng lại sống theo kiểu Việt truyền thống, tức là phải nghe lời cha mẹ và làm theo những gì phụ huynh muốn. Có lẽ họ không hiểu rằng, cách dạy như vậy sẽ làm con mình như đứng giữa ngã ba đường vì chẳng biết đi hướng nào. Điều đó dẫn tới việc cha mẹ và con cái không hiểu nhau, khiến phụ huynh đôi khi không kiểm soát được nóng giận và đánh con.

    Câu chuyện đầu về đứa trẻ than phiền hay bị mẹ đưa về Việt Nam mà không cần biết con có thích hay không cũng chỉ ra một thực tế: Nhiều người Việt ở nước ngoài, khi có dịp nghỉ, thay vì dẫn con đi thăm viện bảo tàng hay cho con tham gia các hoạt động giải trí thì lại dẫn chúng về quê. Thời gian trẻ ở Việt Nam đó, mọi sinh hoạt chỉ quanh quẩn trong gia đình và họ hàng, với hoạt động chủ yếu là đi ăn uống, mua sắm và tụ tập. Nếu có được dẫn ra khu vui chơi, trẻ cũng không hào hứng hơn vì chúng khó tiếp cận và chơi vui với những trẻ địa phương do cảm thấy không hợp hoặc bất đồng ngôn ngữ. Cho nên, đối với trẻ Việt kiều, thời gian về quê cùng mẹ giống như đi lạc vào một thế giới khác.

    Với những gia đình định cư lâu và sinh con trên đất Đức, cha mẹ là thế hệ thứ nhất, con cái là thế hệ thứ hai. Thế hệ thứ nhất chỉ tiếp nhận được một nửa về cách sống và suy nghĩ theo kiểu Tây nên có thể chưa kịp hiểu thế hệ thứ hai - vốn được tiếp thu toàn bộ lối sống và sự giáo dục này. Vì thế đôi khi xảy ra những xung khắc khó tránh giữa hai thế hệ. Nếu bố mẹ không biết sàng lọc hay thay đổi cách suy nghĩ thì khác gì đang tự làm khổ bản thân và cả con cái mình. Vì thế, cách giáo dục đó thường được ví như bình mới nhưng bên trong vẫn là rượu cũ. 

    Viethome (theo VnExpress)