• Một bà mẹ gốc Á nuôi con ở châu Âu như tôi phải tiếp nhận nhiều khác biệt về lối sống, văn hóa và những thứ khác. Và tôi học từ chính con mình.

    toi phai hoc tu con minh

    Kate là con gái lớn của gia đình tôi, 13 tuổi, vừa mang bảng điểm học kỳ hai về. Thấy các môn Toán, tiếng Hà Lan, tiếng Pháp chỉ đạt hơn 60 % và thấp hơn điểm trung bình cả khối lớp 7, tôi thất vọng hỏi: “Thế bạn nào xuất sắc nhất lớp?”.

    Đến lượt Kate thất vọng: “Sao mẹ cứ so sánh ai giỏi hơn? Giáo viên không xếp hạng học sinh đâu mẹ ạ, ai biết điểm người ấy và cô nói mỗi chúng con đều có thế mạnh riêng. Đây này, Âm nhạc con đạt 90 %, Tôn giáo 83%, Kỹ thuật 79%...”.

    Hãy để con mắc lỗi

    Một bà mẹ gốc Á nuôi con ở châu Âu như tôi phải tiếp nhận nhiều khác biệt về lối sống, văn hóa như vậy đấy. Và học từ chính con mình.

    Mấy hôm trước xếp hàng mua bánh pizza ủng hộ bếp trường, tôi thấy trên hành lang trường mẫu giáo và tiểu học của bé Tô - con trai thứ hai ghi khẩu hiệu “Mỗi học sinh là một người đặc biệt”. Đầu năm, tôi xin cô giáo cho bé Tô nghỉ học 2 tuần về Việt Nam đón Tết cổ truyền. Nhân thể tôi xin cô giáo bài học của hai tuần đó tranh thủ dạy kèm cho con theo kịp bạn bè. Đưa cho tôi tập bài mỏng, cô giáo tươi cười: “Nếu con không chịu học thì cứ cho chơi thoải mái, đừng ép. Chúc mấy mẹ con có chuyến đi vui và mang nắng nhiệt đới sang đây cho chúng tôi nhé.”

    Đây cũng là ngôi trường niên học năm ngoái Kate vừa tốt nghiệp bậc tiểu học. Và đó cũng là giáo viên từng dạy Kate. Được nuôi dưỡng, dạy dỗ trong môi trường nhấn mạnh về cảm hứng sáng tạo, đề cao thiên hướng cá nhân nên Kate vẫn thích đi học, lạc quan với bảng điểm dù nhiều môn chính thấp hơn điểm trung bình cả khối.

    Quan sát lớp Tô có bé Mathias biết đọc từ rất sớm và tỏ ra hiểu biết hơn bạn cùng lứa, tôi hỏi con: “Bạn Mathias có được cô chọn làm lớp trưởng không?”, bé Tô dõng dạc: “Làm gì có lớp trưởng, bình đẳng mà mẹ. Nhưng vào dịp Giáng sinh bạn Mathias được chọn đóng vai ông già Noel.”

    Đầu học kỳ họp phụ huynh cả lớp để giáo viên thông báo tình hình chung. Cuối học kỳ từng phụ huynh đăng ký giờ họp riêng với giáo viên chủ nhiệm, đơn giản bởi đây là lúc thông báo kết quả học tập và hạnh kiểm từng học sinh: không ai phải ngồi nghe giáo viên phê bình hoặc nhận xét về điểm kém của con mình trước mặt các phụ huynh khác. Lại tế nhị. Một người bạn ở Việt Nam nghe kể vậy, cười: “Ở mình chỉ khi con hư, quậy phá ở trường mới họp phụ huynh riêng.”

    “Con có thể mắc lỗi. Đó là một phần của quá trình học tập!” Khẩu hiệu này được nhắc đi nhắc lại trong tài liệu giáo viên phát cho chúng tôi ở buổi họp phụ huynh chung đầu kỳ của các bé sắp bước vào lớp Một. Đọc vài trang đầu đã ngập tràn sự khơi gợi cảm hứng và tế nhị yêu thương:

    Con lên 5 tuổi đã biết nhiều từ rồi. Có thể nói câu dài, câu ghép. Thỉnh thoảng các bé vẫn nói sai. Không nên sửa từ sai ngay khi con vừa nói mà tốt hơn nên lặp lại câu nói của con theo cách đúng. 

    Ví dụ con nói: Mẹ nhìn kìa, có hai con chiền chiền đậu trên bông hoa. Mẹ đáp lại: Đúng rồi, có hai con chuồn chuồn đậu trên bông hoa, đẹp quá con nhỉ. Như vậy con sẽ thấy mẹ thực sự nghe mình nói chứ không phải chăm chăm xem con nói như thế nào để sửa lỗi.”

    Về VN chắc học “đúp”

    Một đồng nghiệp cũ sang châu Âu công tác, ghé Bỉ thăm nhà tôi, nhận xét: “Sao chị thấy trẻ con bên này đến trường vui vẻ thế nhỉ. Mặt mũi chúng rất thoải mái tự tin, khác hẳn trẻ con ở mình sớm căng thẳng lo âu vì phải học sớm, học nhiều và lắm kiểu cạnh tranh thành tích.”

    Tôi trả lời: “Nhưng con nhà này chuyển về Việt Nam học chắc đúp sớm vì đã học chậm lại không học thêm.” Nghe đến đây bạn tôi phá lên cười: “Không những bị đúp mà còn bị đánh ấy chứ. Bọn trẻ bên này được phép tranh luận với cha mẹ, thầy cô quá thoải mái.”

    Nhưng giáo dục còn liên quan văn hóa, tập quán, lối sống. Rất khó so sánh. Ở nhiều trường lớp tại Việt Nam áp dụng cách luân phiên lớp trưởng 3 tháng/lần để bọn trẻ học cách có trách nhiệm khi được giáo viên giao việc. Và duy trì xếp hạng trong lớp mới có căn cứ để đánh giá, động lực để học sinh phấn đấu. Nói cách khác, trong môi trường giáo dục ở Việt Nam, trẻ em sẽ mạnh về cạnh tranh hơn chăng?

    Ở châu Âu đã lâu nhưng tôi chưa đi được nhiều nước trong châu lục bởi đơn giản có bao nhiêu tiền đều dành dụm mua vé đường xa cho con về thăm quê ngoại. Một đứa trẻ lên 5 tuổi như bé Tô mà 6 lần về Việt Nam kể cũng là nhiều. Nhưng với vợ chồng tôi, về quê cũng là một cách vừa học vừa chơi ý nghĩa cho con cái. Và từ những chuyến đi ấy, tôi thấy cách bạn bè ở lứa tuổi U40 của mình giáo dục con cũng dần khác xưa.

    Từng tốt nghiệp chuyên ngành Ngoại giao, giỏi ngoại ngữ, nhưng bạn tôi không dạy kèm con tiếng Anh mà cuối tuần cặm cụi xe ôm chở con đi học giáo viên bản địa: “Họ dạy phát âm chắc chắn chuẩn hơn mình, còn ngữ pháp tiếng Anh con phải tự học lấy nếu thích”.

    Những người bạn sớm lập gia đình, con cái giờ đã lớn khôn thường khuyên bình tĩnh và tin ở con mình. Không bắt con phải học giỏi bằng mọi giá, sợ nhất con chán học chứ không sợ con không học giỏi. Không quan trọng thành tích cá nhân đến mức nào, quan trọng là thể lực và trí tuệ sống...

    Cũng nhờ những chuyến về quê, các con tôi biết đến những người bạn cùng lứa sống ở Việt Nam nhưng hầu như chẳng có gì liên quan đến Việt Nam: học trường quốc tế học phí 30 triệu đồng/tháng, nói ngoại ngữ giỏi hơn tiếng mẹ đẻ, viết luận tiếng Anh tốt hơn trẻ cùng tuổi ở Anh - Mỹ, ăn thực phẩm ngoại nhập, ở chung cư cao cấp có nhiều người nước ngoài.

    Con tự chọn tương lai

    Sau vụ khủng bố ở Brussels 22.3.2016, người Bỉ bắt đầu ưa dùng cụm từ “lạ lùng”: một ngày lạ lùng, thế giới đang thật khác lạ, cuộc sống lạ lùng hơn bao giờ hết... An ninh bất ổn, dịch bệnh và khủng hoảng kinh tế khắp nơi, làm cha mẹ bây giờ mong nhất con có sức khỏe, tư duy tốt và sống vui, khác với chính suy nghĩ của mình vài năm trước.

    Đưa bảng điểm cho phụ huynh ký để nộp lại cho giáo viên, Kate bỗng hỏi tôi “Môn Nấu ăn của con cũng đạt điểm cao, có lẽ vài năm nữa con chuyển sang học hướng nghiệp, chuyên về đầu bếp, kết hợp ẩm thực Á- Âu cũng rất hay”. Kate làm tôi nhớ ra mỗi lần nấu phở hay bún bò, con bé thường đòi nếm và nhận xét “Hôm nay không có vị ngọt củ cải” hoặc “Cho ít hồi và quế quá”, “Lần này mẹ giã thêm rễ hành xanh nên vị nước lèo thơm hơn”... Kate ăn tinh từ bé.

    Tôi đem chuyện con muốn làm đầu bếp kể với cô bạn gốc Việt đang mở nhà hàng tại Đức. Bạn tôi ủng hộ ngay “Chỗ em trả lương đầu bếp giỏi cao hơn lương kỹ sư, bác sĩ đó chị. Ở Đức lương kỹ sư từ 2.500- 4.000 Euro/tháng trước thuế, lương giám đốc điều hành 9.000- 11.000 Euro/tháng nhưng thu nhập một anh thợ lành nghề tự nhận thầu xây dựng của hãng nhỏ cũng có thể trên 10.000 Euro/tháng rồi.”

    Theo Thanh Niên

  • Sau một thời gian áp dụng dạy con về tiền, hai đứa con anh Sơn đều học hành tiến bộ, chăm chỉ làm việc nhà và hạn chế được cả những thói quen xấu.

    Dạy con về tiền vốn được nhắc đến rất nhiều trong các phương pháp nuôi dạy con nhưng lại hiếm bố mẹ Việt Nam có thể áp dụng được. Ấy thế nhưng ở gia đình anh Trần Sơn (hiện đang sống ở Thanh Trì, Hà Nội) thì lại khác.

    Với hai đứa con của mình, bé Quỳnh Anh (học lớp 5) và bé Thanh Tùng (học mẫu giáo lớn), anh áp dụng các quy tắc một cách nhất quán và rất triệt để. Qua nhiều năm, hiện tại các con đã có tư duy về tài chính, việc kiếm tiền y hệt như người lớn, độc lập trong các quyết định chi tiêu cá nhân.

    viethome ong bo ha noi 1Anh Trần Sơn và hai con của mình.

    Anh Trần Sơn chia sẻ: "Luật nhà mình đề ra là làm việc giúp bố mẹ sẽ được nhận tiền lương và mục lục các khoản được tiền hay mất tiền rất rõ ràng. Tất nhiên có những việc thuộc về nghĩa vụ của con thì bắt buộc phải làm, ví dụ như dọn đồ chơi, tắm rửa, học bài... Còn có những việc khác mà rất khó khăn để thuyết phục con làm như đổ rác, quét nhà, phơi/ cất quần áo... thì bố mẹ sẽ đưa ra mức tiền thưởng để khuyến khích con làm. Ngược lại cũng có những quy định phạt, thu tiền của con khi con mắc lỗi như gọi 3 lần không dậy, nói dối, không đánh răng..."

    viethome ong bo ha noi 2 Bảng quy tắc thưởng - phạt được áp dụng đều đặn trong gia đình anh Sơn.

    Anh Sơn cũng cho biết vốn từ bé anh đã được theo chân bố mẹ đi bán hàng cho gia đình nên rất quan tâm đến việc dạy con về tiền. Từ khi các con còn nhỏ, anh đã thường nói cho con hiểu về việc bỏ công sức lao động ra mới thu được tiền. Khi con lớn hơn một chút, anh dạy con về cách kiếm tiền và sử dụng đồng tiền hợp lý. Việc nhất quán và triệt để áp dụng từ khi các con mới 5 tuổi đã thu lại được rất nhiều kết quả.

    Hiện tại, những quy định này được các con tuân thủ thực hiện dù cho hồi đầu áp dụng cũng rất khó khăn. "Mình muốn kể lại chuyện như này để dễ hình dung. Hôm qua nhà mình đi siêu thị, các con đòi sang một cửa hàng bán đồ chơi để xem đồ. Nhưng không đứa nào đòi mua nằng nặc như những đứa trẻ con nhà khác, chỉ thủ thỉ với nhau về món đồ chơi lego với giá gần 1 triệu. Nếu như năm ngoái, chúng sẽ đòi mua bằng được, nhưng năm nay lại hoàn toàn khác. Đơn giản là vì chúng không đủ tiền. Vậy là bố mẹ chẳng cần phải mất công quát mắng hay ngăn cấm gì mà chúng vẫn tự hiểu ra rằng muốn mua một món đồ đắt tiền, phải lao động rất cực khổ".

    viethome ong bo ha noi 3Hai chị em nay đã răm rắp tuân theo các quy định về tiền trong nhà.

    Cũng kể từ khi áp dụng những nguyên tắc thưởng phạt phân minh, rõ ràng, vợ chồng anh Sơn nhận ra các con có sự tiến bộ rõ rệt: "Cô chị đi học về là rất chăm làm việc nhà chứ không lười như trước. Thậm chí cô chị còn chuyên gia rủ rê em đi tắm: "Bi ơi, chị tắm cho em nhé!", vì tắm cho em là sẽ được tiền. Ngày trước bố mẹ hò hét rát cả họng thì đến quét nhà, đổ rác cũng ỉ ôi, chây ì mà nay khác rất nhiều. Việc gọi dậy đi học trước đây cực kỳ gian khổ vì gọi như hò đò, chúng cũng rất lười. Thế là bố mẹ buộc đặt ra qui định 'Nếu gọi hết 3 lần mà không dậy sẽ trừ tiền'. Hiệu quả cực kỳ cao. Chúng bật dậy như lò xo vì sợ bị phạt".

    Anh Sơn cho biết, việc học của con gái lớn cũng tiến bộ rõ rệt. Dù ở lớp tiểu học không có điểm 9-10 mà chỉ có lời phê của cô giáo, nhưng mỗi lời khen tốt sẽ được thưởng tiền, còn cô phê sai hay không tốt thì tiền phạt gấp đôi. Nhờ vậy, bé Quỳnh Anh năm nay học tốt hơn năm trước rất nhiều. Ngay đến việc để lem mực ra vở mà cô bắt thay vở mới thì con cũng phải bỏ tiền ra mua. Anh cho rằng nhờ thế mới rèn được tính cách của con.

    viethome ong bo ha noi 4Ba mẹ con bé Quỳnh Anh và Thanh Tùng.

    Thêm vào đó, trong nhà anh Sơn cũng đưa ra quy định mỗi ngày cho con xem 30 phút tivi vào buổi chiều tối hoặc trước lúc đi ngủ, cuối tuần được tăng lên thành 60 phút. Anh để con tự kiểm soát thời gian này, nghĩa là có thể phân bổ thời gian xem bất cứ khi nào trong ngày, miễn cộng lại đủ thời gian quy định, không được vượt quá.

    Thậm chí còn có một quy định khác rất thú vị mà anh Sơn chia sẻ: "Đứa trẻ nào cũng mê điện tử, ipad..., con mình cũng thế. Mình cho thuê iPad với giá 5 nghìn/30 phút... Thế mà từ hồi cho thuê tới giờ mình không thu được đồng nào cả, hai đứa cũng chẳng thèm sờ đến iPad để chìm đắm như xưa. Kể cả trước đây bố mẹ cho mượn để tham khảo các bài văn, hay học từ vựng tiếng Anh..., mình nói với con là bố cho mượn miễn phí nếu con dùng nó để học. Thế nhưng hình như con sợ sẽ xem phải những kênh linh tinh nên cũng chưa bao giờ hỏi mượn cả".

    viethome ong bo ha noi 5Cả gia đình hạnh phúc.

    Anh Sơn cũng kể thêm, tuần trước con gái lớn có buổi kiểm tra nghe nói giao tiếp tiếng Anh, anh đã rất bất ngờ về kỹ năng của con. Tiến bộ vượt sức mong đợi của bố mẹ, vậy là ngay lập tức con được cộng tiền. Những sự khuyến khích kịp thời như thế anh tin là rất thiết thực, giúp thúc đẩy động lực cố gắng của con. Mỗi cuối tuần, cả nhà lại ngồi tổng kết, con nhận được kha khá tiền. Anh cũng hiểu rõ vấn đề phải hướng dẫn con cách sử dụng chi tiêu sao cho hợp lý số tiền của mình, từ đây cũng sẽ dạy con được nhiều bài học về tài chính.

    "Mình đặt ra quan điểm là tiền con kiếm được con sẽ được tùy ý sử dụng với sự xin phép và đồng ý của bố mẹ. Nghĩa là mua gì sẽ phải hỏi để xuất tiền. Bố mẹ lo hết việc chăm lo mua quần áo, ăn uống, đồ dùng học tập... Còn lại các thứ khác như đồ chơi mới, truyện tranh, quà tặng sinh nhật bạn..., con đều phải tự bỏ tiền ra".

    Là một ông bố có cách dạy con về tiền triệt để và thành công như vậy, anh Sơn cho rằng quan điểm của mỗi người mỗi khác. Anh tin tưởng vào cách dạy con của mình và hài lòng khi những kết quả mang lại đang khiến các con anh sống quy tắc, tiến bộ vượt bậc, thấu hiểu được giá trị của việc lao động và những bài học về tiền. Đó mới là điều quan trọng nhất!

    Viethome (theo Kênh14)

  • Mở nhạc Việt bị con gái 4 tuổi phản ứng: “I hate listening Vietnamese”, chị Quỳnh giật mình nhận ra mình đã sai ở đâu đó.

    Chứng kiến nhiều gia đình người Việt sống tại Mỹ quên dạy tiếng quê hương cho con, để rồi khi con trưởng thành, cha mẹ con cái xa cách vì bất đồng ngôn ngữ, con không coi trọng nguồn cội, chị Phan Quỳnh (39 tuổi, một Việt kiều sống tại Florida, Mỹ) nhận ra mình không được đi theo vết xe đổ này. Dưới đây là chia sẻ của chị:

    Gia đình nhỏ của chị Quỳnh

    Gia đình nhỏ của chị Quỳnh

    Tuy nhiên, do bận rộn, tôi không dạy được con nhiều. Lúc đó, tôi có một văn phòng bán vé máy bay và dịch vụ di trú. Tôi làm việc không có giờ giấc, từ sáng thức dậy cho đến khuya, một ngày làm đến 18 tiếng, thậm chí ăn tại văn phòng.

    Bà vú là người chăm sóc chính của con tôi. Con bắt đầu đi học mầm non cả ngày từ khi hai tuổi. Về nhà, con được bà vú tắm rửa, cho ăn, rồi cho ngủ. Hai bà cháu quấn quýt cả ngày, chỉ nói bằng tiếng Anh.

    Cho đến một hôm, lúc con 4 tuổi, trên đường chở con đi học, tôi mở nhạc Việt trong xe. Con lập tức phản ứng: “I hate listening Vietnamese, I hate speaking Vietnamese” (Con ghét nghe tiếng Việt, con ghét nói tiếng Việt). Tôi giật mình nhận ra mình đã sai ở đâu đó. Nếu tôi không biết ngừng công việc lại, tôi sẽ làm mất luôn cơ hội biết nói tiếng Việt của con.

     

    Gia đình nhỏ của chị Quỳnh2

    Sau khi nghỉ việc, vợ chồng chị Quỳnh có nhiều thời gian đưa con đi chơi các nơi.

    Ở Mỹ, phần lớn người Việt phải làm việc rất nhiều, không có thời gian dành cho con, họ giao phó trách nhiệm dạy dỗ con cho nhà trường. Con không nói được tiếng Việt nên không nghe lời cha mẹ. Trẻ thì tự ti về nguồn gốc của mình, còn cha mẹ thì bất lực cho rằng không được đánh con nên không dạy được con.

    Một số gia đình có chút tiền do may mắn thì chủ động không cho con nói tiếng Việt. Họ cho rằng, con họ đã ở Mỹ, giao tiếp bạn bè là người Mỹ, học tiếng Việt chẳng có ích lợi gì. Những đứa trẻ này lớn lên đều không biết nói tiếng Việt, chúng mất gốc. Khi các cha mẹ đau khổ nhận ra mình đã mất con thì quá muộn.

    Sau khi nghe con gái nói ghét tiếng Việt, hai vợ chồng tôi đã ngồi lại bàn bạc. Chúng tôi biết, mầm non là tuổi dễ học nhất, là cơ hội. Chúng tôi không cần biết sau này con chọn ngành nghề nào, dù nói tiếng Anh như người bản xứ, thì hình dáng bên ngoài, con vẫn là người Việt Nam. Con vẫn cần tự hào về nguồn cội, tiếng nói của đất nước mình, đó là cái gốc của sự tự tin và thành công.

    Tôi quyết định nghỉ việc để tìm cách dạy con. Vợ chồng tôi cố gắng nói tiếng Việt với con mỗi khi cháu ở nhà. Con vẫn đi học mầm non với các bạn Mỹ. Chủ nhật hàng tuần, tôi đưa con đến lớp Việt ngữ. Ở nhà, tôi cũng thay thế dần những phim hoạt hình yêu thích của con bằng những bộ phim, sách, truyện tiếng Việt. Tối trước khi con ngủ, tôi đọc truyện tranh bằng tiếng Việt cho con nghe. Con rất thích những truyện ngắn vui như “Cá có ngủ không?...”. Nghe mẹ đọc với giọng điệu hơi hài hước, con cười nắc nẻ.

    Sau gần một năm học như thế, tiếng Việt của con khá hơn rất nhiều. Nói chuyện với bố mẹ, lúc con có thể nói tiếng Anh, lúc lại dùng tiếng Việt. Nhờ có mẹ luôn ở bên, con lúc nào cũng vui vẻ.

    Muốn con được sống trong môi trường văn hóa Việt Nam, tháng 3/2016, chồng tôi tạm nghỉ công việc bác sĩ 2 tháng, cả gia đình về nước. Chúng tôi về Huế, nơi người thân đang sống, xin cho con vào trường mầm non ở địa phương, học bán trú như các bạn.

    Thời gian đầu đi học, cô nhắc con ngủ trưa, con nói “cháu không được ngủ”. Hai cô trò cứ nói đi nói lại, mãi sau mới biết, con nói ngược, ý là “Cháu không ngủ được”. Năm ngoái, khi con lên 6 tuổi, chúng tôi lại cho con về TP HCM một tháng, chơi cùng các bạn trong xóm từ sáng tới chiều.

    Tiếng Việt của con khá lên nhanh chóng. Sau 3 năm, con gái nói tiếng Việt tạm ổn. Con đọc được truyện tranh, biết nói những câu chọc cười, thuộc nhiều bài hát Việt và rất thích xem hài kịch.

    Bây giờ, khi vốn tiếng Việt của con đã khá, tôi quay trở lại công việc nhưng chỉ làm từ 11h đến 15h, là lúc con ở trường. Tôi vẫn ưu tiên dành thời gian cho con, cố gắng ở gần con. Tôi cảm thấy vô cùng hạnh phúc khi giờ đây, con luôn tự hào nói với các bạn: “Tôi là người Việt Nam nhưng sinh ra ở Mỹ. Mẹ tôi có bầu tôi ở bên Pháp, nên tên của tôi là Paris”.

    Cô giáo Nguyễn Khánh Uyên, từng phụ trách lớp mầm non bé Paris theo học tại Huế, vẫn nhớ cô học trò nhỏ 2 năm trước. Cô Uyên cho biết, hồi mới vào học, Paris chỉ nói tiếng Anh. Kết thúc thời gian học, con nói tiếng Việt khá.

    Bé chơi thân với một bạn vốn tăng động không được các bạn trong lớp chơi cùng. Nhờ có Paris, bạn đó đã hòa đồng hơn. "Tôi rất xúc động khi một lần chị Quỳnh gọi điện khoe Paris nói: 'Mẹ ơi, con yêu mẹ nhất trên đời' bằng tiếng Việt. Chị Quỳnh bảo mình hạnh phúc quá, và tôi cũng cảm thấy mình hạnh phúc theo", cô Uyên kể thêm.

    VietHome (Theo VnExpress)

  • Bài viết của tác giả Hoàng Huy - Sáng lập English for All.
     
    Thế giới người ta chia ra thành Cha giàu - Cha nghèo, mẹ Hổ mẹ Gấu mẹ Nhật mẹ Hàn rồi đủ thứ mẹ... còn trong tư duy giản đơn của mình, tất cả phụ huynh trên thế giới đều có thể được chia thành hai nhóm: phụ huynh Boomerang và phụ huynh Mũi Tên, không phải dựa trên điều kiện kinh tế hay học vấn, mà dựa trên bạn muốn con bạn trở thành cái gì.
     
    Nếu bạn là phụ huynh Boomerang, không có nghĩa là bạn đang nuôi dạy con kiểu Úc, mà là cách giáo dục của bạn đang khiến các con trở thành những cái boomerang như của thổ dân Úc. Tức là dù bạn có dành cả tuổi thanh xuân, tiền bạc và của cải, thời gian và tâm huyết để “phóng” con vào đời, thì dù có gắng sức đến mấy, phóng sang Âu hay sang Mỹ, những đứa trẻ vẫn sẽ quay trở lại đúng điểm xuất phát: vòng tay bao bọc của bố mẹ và không mang gì về ngoài những nỗi thất vọng - thậm chí là sụp đổ niềm tin cho các bậc phụ huynh. Điều mà không ít người đã và đang gặp phải.
     
    viethome du hoc sinh
     
    Các rich kid thời nay. (Ảnh minh họa: Internet) 
     
    Một cô - bạn của tôi - sau khi đốt đôi ba tỷ cho cậu con trai đi học trời Tây là điển hình cho các phụ huynh Boomerang. Chàng trai 22 tuổi trở về, điều khác biệt duy nhất là chuyển từ RichKid thành Big Kid đúng nghĩa. Vẫn thức đêm ngủ ngày, cày games cả tuần và không kiên nhẫn làm được việc gì ngoài chờ cơm mẹ nấu gọi xuống ăn. Cả năm trời sau khi về nước, “niềm kỳ vọng” to lớn vẫn không hề tính đến chuyện ra khỏi nhà và làm một công việc gì đó để sống. Việc thì chê ít tiền, việc thì chê không xứng tầm, việc thì kêu quá sức....thế nên bạn ấy chỉ làm một việc vừa sức nhất đó là ở nhà: ăn & ngủ. Cười không được, khóc không xong, cô bạn tôi không biết phải ứng xử thế nào với cái boomerang mang tên “con nhà mình”, được bao bọc trong quần mấy chục củ, áo mấy trăm chai, còn giá trị cống hiến đối với xã hội thì đến nay vẫn còn là đáp án sai trong mọi phép tính.
     
    Yêu con hơn cả yêu mình, thương con hơn cả thương mình......thường vẽ đường chỉ lối cho những đứa con nhanh tiến đến cái thái độ sống Vô ơn - bất cần và sống mòn ngay cả khi còn trẻ. Mình nghĩ câu chuyện trên đây là tất yếu khi mà mặt bằng nhu cầu cuộc sống trung bình chỉ cần 1 đồng, con chưa kêu thiếu, bố mẹ đã cấp sẵn 2 đồng vì sợ con thiếu thốn. Và dần dần, đứa con sớm hay muộn cũng nghiễm nhiên đòi hỏi phải có được 3 đồng đơn giản chỉ vì nó là con của bố mẹ nó, chứ chẳng vì lý do gì khác.
     
    Khi bé không cần phải ra sức thực học, vì chưa thi bố mẹ đã lót sẵn đầu ra, khi lớn không phải lo thực làm vì bố mẹ đã trải sẵn ghế cho ngồi....và sốt sắng sống thay luôn mảnh đời con trẻ. Thậm chí đóng vai ông bà kiêm luôn bố mẹ của cháu nếu các con đã lớn mà chưa chịu khôn.
     
    Phụ huynh Mũi tên họ chọn khác. Họ cũng vất vả nuôi dạy con suốt cả thời tuổi trẻ như một cánh cung căng hết mình để bắn mũi tên phóng nhanh về phía trước - về tương lai. Mũi tên bắn ra không bao giờ quay lại được, và bọn trẻ “mũi tên” cũng vậy, hiếm khi nào làm phiền đến cha mẹ, sống tự trọng và trách nhiệm hơn hẳn thế hệ boomerang.
    viethome du hoc sinh 2

    Sự bao bọc của bố mẹ đã biến con mình thành những đứa trẻ to xác. (Ảnh minh họa: Internet)

     
    Đơn giản là vì bố mẹ cung tên luôn chân thành với con, làm cho con nhận thức rõ hoàn cảnh và điều kiện thực tế của gia đình, giúp con xây dựng “hồng tâm” - tầm nhìn về cuộc sống tương lai dựa trên năng lực bản thân, và cổ vũ nhiệt thành cho sự cố gắng của con chứ không phải nài ép. Họ tập thành thục cho con kỹ năng nguyên thuỷ nhất của mọi loài động vật: lên kế hoạch và tổ chức cuộc sống, và sẵn sàng cho đời sống độc lập khi trưởng thành. Họ cũng sắt đá vượt qua chính mình, vượt qua tình cảm tự nhiên để chặt đứt mọi cơ hội - mầm mống của sự ỷ lại; không bao giờ lấy đời mình làm phương án dự phòng cho tương lai con trẻ. Họ hiểu rõ sự hữu hạn của thời gian, và sự cần thiết sống còn của tinh thần tự lực. Họ rạch ròi giữa tình cảm yêu thương và trách nhiệm giáo dục; để rồi những đứa trẻ “mũi tên” không dễ kiếm tìm được một điểm bấu víu dư thừa, buộc phải sống đời mình sao cho chất nhất, nỗ lực nhất, và đáng sống nhất.
     
    “Yêu thương vừa đủ” bao giờ cũng bền vững hơn hẳn “yêu thương vô điều kiện.” Có lần mình hỏi thử Bố: "Bố ơi nhà mình có giàu không?" Bố trả lời "Bố thì có, nhưng con thì chưa." Hỏi cố thêm câu nữa: “Bố có kỳ vọng gì ở con không?”. Bố nói “Không, bố không có bất kỳ kỳ vọng nào hết, con chỉ cần sống cho tử tế”. Mình tinh nghịch hỏi lại “Thế nếu con không sống tử tế thì sao?”. “Cũng không sao, con sẽ phải tự chịu trách nhiệm với cuộc sống về sự thiếu tử tế của mình. Đời con mà, bố có phải sống thay chịu thay đâu mà lo”.
    Sau câu nói đấy, tự nhiên mình tỉnh hẳn ngủ sau mười mấy năm ngủ quên và mơ màng về sự bao bọc sau này của Bố; và tỉnh đến tận bây giờ luôn. Boomerang hay mũi tên? Hãy dũng cảm lựa chọn vì một tuổi già được nghỉ ngơi. 

    Viethome

  • Con gái của một người mẹ Trung Quốc đi học ở trường có chương trình trao đổi học sinh với một trường trung học ở Hoa Kỳ, vì vậy có một nữ sinh người Mỹ đã đến sống ở nhà của bà. Trong những ngày tiếp xúc, cô bé này đã gây ấn tượng sâu sắc với bà. Bà cho biết :

    Lần bất ngờ đầu tiên :

    Lần đầu tiên gặp, cô bé cao hơn con gái tôi một cái đầu, da trắng bóc, dáng người cao gầy, cô bé nở nụ cười chân thành vô cùng lôi cuốn. Bữa sáng đầu tiên, tôi chuẩn bị bánh bao và hoành thánh Dương Châu, các cháu đều ăn rất vui vẻ, cô bé người Mỹ cũng dùng đũa, nói là muốn ‘nhập gia tùy tục’.

    Khi sắp ăn xong, cô bé nói với tôi: “Đây là bữa sáng ngon nhất mà cháu từng ăn, vô cùng cảm ơn cô!” Cô bé này rất giỏi khen ngợi người khác, tôi hoàn toàn bất ngờ. Tôi nấu cho con gái ăn mười mấy năm cũng chưa từng được nghe con gái khen. Cảm giác khi được cô bé này khen ngợi thật sự rất tuyệt, khoảng cách giữa chúng tôi lập tức gần hơn không ít.

    giao duc tre em kieu my
    (Ảnh minh họa)

    Lần bất ngờ thứ hai :

    Vào bữa tối, tôi nấu những món như trứng chiên cà chua, sườn xào chua ngọt mà mình giỏi nhất, chúng tôi vừa ăn vừa trò chuyện rất vui. Ăn xong, hai cháu đang nói chuyện, tôi bắt đầu dọn dẹp chén đũa, cô bé người Mỹ lập tức đứng dậy nói với tôi: “Cháu có thể giúp cô không ạ?”

    Đây là lần thứ hai tôi bất ngờ, nhìn thấy sự chân thành của cô bé này, tôi vội nói: “Không cần đâu, hai đứa cứ nói chuyện đi”. Con gái tôi thấy mẹ bận rộn mười mấy năm quen rồi, còn cô bé này biết suy nghĩ cho người khác, lập tức phản ứng theo bản năng như một thói quen.

    Lần bất ngờ thứ ba :

    Ngày hôm sau, cả nhà đã khá thân với nhau rồi. Tôi thấy hộ chiếu của cô bé đã rất cũ nên tò mò hỏi: “Cháu từng đi bao nhiêu nước rồi?”. Câu trả lời của cô bé khiến tôi bất ngờ lần thứ ba: “Đây là quyển hộ chiếu thứ 3 của cháu, cháu đã đi khoảng 30 nước rồi.”

    Nhìn thấy biểu cảm kinh ngạc của tôi, cô bé giải thích: “Thường thì vào kỳ nghỉ, trường chúng cháu sẽ tổ chức cho học sinh vừa đi du lịch vừa học. Đây là lần đầu cháu đến Trung Quốc, chủ yếu là đi Thượng Hải, Nam Kinh, Bắc Kinh và Tây An”. 4 thành phố này được phụ huynh và giáo viên lựa chọn vì đại diện cho quá khứ và hiện tại của Trung Quốc. Tôi âm thầm bội phục, đồng thời hỏi cô bé: “Các cháu đi khắp thế giới như vậy, còn việc học thì sao?” Phải biết rằng con của chúng tôi dù vào kỳ nghỉ cũng phải chạy khắp các lớp học thêm.

    Cô bé nhìn con gái tôi, tỏ ra rất ngưỡng mộ nói: “Bình thường việc học của chúng cháu rất nặng, mỗi ngày về nhà phải làm bài tập suốt 5 tiếng”. “5 tiếng” này khiến con gái tôi bị sốc. Tôi bắt đầu hiểu được gia cảnh của cô bé: Bố làm ở công ty riêng, mẹ ở nhà nội trợ.

    Nhưng cháu nhấn mạnh rằng mẹ mình rất vất vả, phải đảm đương mọi việc thường ngày trong nhà cùng với việc chăm sóc bãi cỏ, bảo dưỡng hồ bơi, máy bay trực thăng… ; anh trai cô bé rửa chén và giúp mẹ làm vệ sinh; còn cháu thì chịu trách nhiệm chăm sóc cho hai chú chó và ba chú mèo trong nhà. Cả nhà mỗi người có một nhiệm vụ riêng rất rõ ràng.

    Còn gia đình tôi thì: bố, mẹ phải đi làm, mẹ còn phải lo sinh hoạt cho cả nhà, các con thì không quan tâm đến việc gì khác ngoài học tập. Rõ ràng là có sự khác biệt rất lớn về nghĩa vụ và trách nhiệm trong gia đình.

    Lần bất ngờ thứ tư :

    Đây là bữa cơm cuối cùng chúng tôi ăn cùng nhau. Cô bé người Mỹ sắp phải rời khỏi Nam Kinh rồi, để cho cô bé thưởng thức những món ăn ngon nhất của Trung Quốc, chúng tôi đưa cô bé đến nhà hàng sang trọng nhất Nam Kinh có tên là Sư Tử Kiều và gọi món “gà hầm” xếp hàng đầu cả nước.

    Sau khi cô bé biết món này làm từ vi cá thì vô cùng kiên quyết từ chối: “Cháu không thể chấp nhận được món ăn này, động vật cần được bảo vệ”. Sau đó không bàn cãi thêm gì nữa, tôi đổ mồ hôi, đột nhiên cảm thấy nể phục.

    Lần bất ngờ thứ năm :

    Sau bữa cơm, các cháu hẹn nhau đi chơi ở khu vui chơi gần đó, ngoài con gái tôi và cô bé người Mỹ, chúng tôi còn mời thêm 2 người bạn thân của con gái tôi. Chơi xong, các cháu không ngừng nói với tôi: “Mẹ ơi, người Mỹ quá giỏi ! Vào đến khu trò chơi, hai đứa bạn của con chơi ngay, cái gì vui thì chụp chơi cái đó. Còn bạn người Mỹ này kéo con đi quan sát một vòng xem trò chơi nào có lợi thế nhất, rồi mới chọn chơi, cho nên bạn ấy thắng rất nhiều đồng xu, sau khi chia cho chúng con bớt rồi mới đi tìm chơi các trò chơi khác”.

    Lần này tôi không bất ngờ, mà còn chấn động, một cô bé còn nhỏ như vậy đã biết làm thế nào để có được lợi ích lớn nhất, lúc nào cũng suy nghĩ rất kỹ lưỡng, quả thật là quá “đáng sợ”. Con gái tôi nói một câu khiến tôi suy nghĩ mãi: “Mẹ ơi, cứ thế này thì mãi mãi chúng ta chỉ có thể làm công cho họ thôi ạ….”

    Suy ngẫm :

    Chúng ta đang nuôi dạy con thế nào vậy? Quá mức yêu chiều, quá mức bao bọc, liên tục can dự, dẫn đến việc con của chúng ta vô dụng, vô tình. Giáo dục theo kiểu máy móc đã làm mất đi tinh thần tự lập, hạn chế sự sáng tạo của các cháu. Tự do là bản tính của trẻ nhỏ, tự nhiên là thiên tính của các cháu, kiềm hãm bản tính và thiên tính nghĩa là kiềm hãm sức sống và động lực trưởng thành của trẻ.

    Vậy so sánh nền giáo dục nào mới thật sự có thể bồi dưỡng được nhân tài có sức sáng tạo đây?

    Viethome sưu tầm