• Các triệu chứng như đau đầu, lú lẫn và mê sảng ở một số bệnh nhân mắc Covid-19 có thể do SARS-CoV-2 xâm nhập vào não, theo nghiên cứu công bố ngày 9/9.

    Nghiên cứu này vẫn còn ở giai đoạn sơ bộ nhưng đã cung cấp một số bằng chứng mới cho những phỏng đoán trước đây về việc virus SARS-CoV-2 có thể tấn công não của bệnh nhân mắc bệnh.

    virus xam nhap nao
    Ảnh minh họa: Shutterstock

    Theo nghiên cứu do nhà nghiên cứu miễn dịch học Akiko Iwasaki của Đại học Yale (Mỹ) đứng đầu, SARS-CoV-2 có thể nhân bản bên trong não và sự xuất hiện của virus có thể làm các tế bào não trở nên thiếu khí oxy.

    Tiến sĩ S Andrew Josephson, trưởng khoa thần kinh tại Đại học California (Mỹ) đánh giá cao các kỹ thuật được sử dụng trong nghiên cứu và nhận định, việc biết rõ liệu virus có xâm nhập vào não không là rất quan trọng. Tuy nhiên, ông Andrew vẫn thận trọng với nghiên cứu trên cho đến khi nó được phê duyệt.

    Sẽ không phải là một thông tin quá bất ngờ nếu SARS-CoV-2 có khả năng phá vỡ hàng rào máu não, một cấu trúc bao quanh mạch máu não và có chức năng ngăn chặn các chất lạ xâm nhập. Trước đó, virus Zika cũng có khả năng này và chúng gây ra những tổn thương nghiêm trọng cho não bộ của thai nhi.

    Tuy nhiên, cho đến nay các bác sĩ vẫn tin rằng, những tác động thần kinh xuất hiện ở khoảng 1/2 số bệnh nhân mắc Covid-19 là do kết quả của một phản ứng miễn dịch bất thường có tên là cơn bão cytokine gây viêm não, chứ không phải do virus xâm nhập trực tiếp vào não.

    Tiến sĩ Iwasaki và các đồng nghiệp đã tiếp cận nghiên cứu theo 3 cách: lây nhiễm những bộ não nhỏ được nuôi trong phòng thí nghiệm được gọi là organoid (phiên bản thu nhỏ và đơn giản hóa của một cơ quan được sản xuất trong ống nghiệm-ND), lây nhiễm SARS-CoV-2 cho chuột và kiểm tra mô não của bệnh nhân mắc Covid-19 đã tử vong.

    Trong các organoid của não, nhóm nghiên cứu phát hiện ra rằng, virus SARS-CoV-2 có thể lây nhiễm cho các tế bào thần kinh và sau đó chiếm quyền điều khiển bộ máy tế bào thần kinh để tạo ra nhân bản. Sau đó, các tế bào nhiễm virus lại làm chết của các tế bào xung quanh bằng cách chặn nguồn cung cấp oxy.

    Một trong những lập luận chính chống lại lý thuyết về sự xâm nhập trực tiếp của SARS-CoV-2 vào não là não thiếu một lượng protein gọi là ACE2 mà virus có thể bám vào và ACE2 được tìm thấy nhiều trong các cơ quan khác như phổi.

    Tuy nhiên, nhóm nghiên cứu phát hiện ra rằng, các organoid có đủ ACE2 để tạo điều kiện thuận lợi cho sự xâm nhập của virus và các protein cũng có trong mô não của bệnh nhân Covid-19 đã tử vong.

    Nhóm nghiên cứu cũng cho biết, một bệnh nhân mắc Covid-19 nhập viện trong tình trạng mê sảng có các kháng thể trung hòa chống lại virus trong dịch tủy sống. Điều này như một bằng chứng ủng hộ thêm lý thuyết của họ.

    Ở cách tiếp cận thứ 2, nhóm nghiên cứu đã xem xét 2 nhóm chuột, một nhóm đã bị thay đổi gen để chúng chỉ có ACE2 trong phổi và nhóm kia chỉ có ACE2 trong não.

    Những con chuột nhiễm bệnh ở phổi có dấu hiệu tổn thương phổi, trong khi những con nhiễm bệnh ở não giảm cân nhanh chóng và sớm tử vong. Điều này cho thấy bệnh nhân có khả năng tử vong cao khi virus xâm nhập vào não.

    Với cách tiếp cận cuối cùng, khi kiểm tra mô não của 3 bệnh nhân đã tử vong vì các biến chứng nghiêm trọng liên quan đến Covid-19, nhóm nghiên cứu tìm ra bằng chứng về virus ở những mức độ khác nhau.

    Nhóm nghiên cứu đưa ra giả thuyết rằng, mũi có thể cung cấp đường dẫn đến não, tuy nhiên, điều này cần được xác thực thông qua những nghiên cứu sâu hơn.

    Nguồn: news-medical

  • Vài ngày trước, bệnh nhân 91 phi công người Anh đã nhận được quà từ quê hương: chiếc khăn có ghi tên đội bóng mà anh yêu thích. Tên người nhận trên bưu phẩm từ Anh chỉ ghi chữ 'bệnh nhân 91', anh phi công đã nổi tiếng cả ở Anh quốc.

    benh nhan 91 hoi phuc
    Ông Lương Ngọc Khuê (bên phải) và bệnh nhân 91 cùng nâng chiếc khăn mới được gửi từ Anh sang cho anh ngày 16-6 - Ảnh: THÚY ANH

    Theo ông Lương Ngọc Khuê - cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh, hiện phổi bệnh nhân 91 đã hồi phục được 90%, thận, tim, gan, men tụy hồi phục như bình thường. Tay anh đã sử dụng được như bình thường, đã dùng được điện thoại di động từ 1 tuần nay, chân đã hồi phục được 4/5.

    "Với những thông số này, tôi cho rằng bệnh nhân không cần phải ghép phổi" - ông Khuê nói.

    Ông Khuê cũng cho biết ngày 16-6, ông đã có cuộc trò chuyện dài với bệnh nhân. "Anh ấy đã nói rất nhiều, cảm ơn các y bác sĩ Việt Nam đã chăm sóc anh ấy tận tình những ngày qua. Anh ấy có đủ bảo hiểm để chi trả phí điều trị, nhưng vấn đề ở chỗ các y bác sĩ đã chăm sóc rất tốt từ khi bảo hiểm còn chưa chi trả" - ông Khuê cho hay.

    Bệnh nhân 91 nhập viện ngày 18-3, nhưng anh bắt đầu có biểu hiện sốt từ 17-3. Vừa đến làm việc tại mảnh đất hình chữ S, với anh, Việt Nam là đất nước xa lạ. Ngay những ngày đầu tiên vào viện, anh đã ăn ít, thở khó và bệnh chuyển nặng nhanh chóng, trở thành bệnh nhân nặng nhất mùa dịch.

    "Ngày 5-4, bệnh nhân được cho thở máy xâm lấn, từ 6-4 bắt đầu sử dụng thiết bị tim phổi ngoài cơ thể - ECMO, nhưng hơn 1 tháng sau đó diễn biến vẫn rất xấu, phổi đông đặc dần, ngày 13-5 cả hai phổi xơ hóa, chỉ còn 10% hoạt động. Bệnh nhân cũng nhiễm loại vi khuẩn gây viêm phổi khó điều trị, nhiễm nấm, rối loạn đông máu. Chúng tôi đã tổ chức hội chẩn 3 miền và phương án ghép phổi cho bệnh nhân đã được tính đến" - ông Khuê cho biết.

    Có 59 người đăng ký tình nguyện hiến tặng một phần phổi cho bệnh nhân 91, họ từ 21-76 tuổi, đều mong muốn có thể cứu được anh. Nhưng phi công người Anh với thể trạng cao 1m80 và nặng 100kg trước khi bị bệnh, nếu ghép phổi cần phải ghép cả 2 lá, tức là nếu ghép phổi từ người hiến còn sống thì cần tới 2 người hiến tặng. Phương án ghép phổi từ người cho chết não được ưu tiên, bên cạnh đó có thể phải ghép cả thận.

    Thật may mắn những phương pháp điều trị mà hội đồng chuyên môn đưa ra đều phát huy hiệu quả. Tổng cộng đã có 4 phiên hội chẩn liên viện 3 miền tính từ giữa tháng 5 đến nay. Ngày 18-5, kết quả chụp phổi cho thấy phổi bệnh nhân bắt đầu hồi phục 20-30%, ngày 22-5 bệnh nhân được chuyển sang Bệnh viện Chợ Rẫy. 

    Từ ngày 22-5, tình trạng bệnh nhân đã tốt dần lên, 25-5 được ngưng lọc máu toàn bộ, 27-5 có dấu hiệu tỉnh dần, 29-5 thông khí phổi tăng lên 40%, 2-6 thực hiện được y lệnh của bác sĩ: cầm ly uống nước, xoay đầu, sau đó là hàng loạt tiến bộ như 3-6 mỉm cười lần đầu tiên, tỉnh táo hoàn toàn.

    Ngày 4-6, bệnh nhân ngưng được ECMO và 9 ngày sau đó ngưng được thở máy dù bác sĩ đã dự đoán bệnh nhân phải mất nhiều ngày mới cai được máy thở. Ngày 15-6, bệnh nhân bắt đầu đứng được và tập đi với sự hướng dẫn của bác sĩ.

    "Một tháng trước chúng tôi không dám nghĩ đến kết quả này, vẫn dự đoán rằng bệnh nhân chỉ có thể tốt lên nếu can thiệp ngoại khoa, vì phổi bệnh nhân khi đó đã xơ hóa và là ổ vi khuẩn, nhưng giờ bệnh nhân đã hồi phục, chỉ còn chờ tập luyện để đi lại trở lại. Tôi có nói với bệnh nhân mức độ hồi phục phụ thuộc vào chính bệnh nhân, vào việc tập luyện và tuân thủ y lệnh của thầy thuốc. Nếu tích cực, bệnh nhân có thể trở lại buồng lái và bầu trời" - ông Khuê dự đoán.

    Ngày mai 18-6 là tròn 3 tháng bệnh nhân 91 vào điều trị tại bệnh viện. 3 tháng dài với buồng bệnh, với kim tiêm, máy thở, máy hỗ trợ tim phổi ngoài cơ thể, với những y bác sĩ mặc trang phục bảo hộ màu xanh... có lúc tưởng như bệnh nhân sẽ khó có thể tỉnh lại.

    Nếu mắc bệnh ở quốc gia khác có đông bệnh nhân hơn, bệnh nhân 91 có thể sẽ gặp khó khăn, nhưng ở Việt Nam, nơi đến nay chỉ có 335 bệnh nhân, người Việt và y bác sĩ Việt đã nỗ lực hết sức mình để đưa anh phi công từ cõi chết trở về. 

    Bệnh nhân đã đi một chuyến bay đặc biệt của cuộc đời mình, và anh đã hạ cánh an toàn. Giờ anh đang chờ ngày trở lại quê hương, và buồng lái, bầu trời...

    Bệnh nhân 91 phi công người Anh

    Ngày 18-3: nhập viện Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM

    25-3: Bắt đầu thở oxy qua mặt nạ

    5-4: Thở máy xâm lấn

    6-4: Bắt đầu sử dụng ECMO

    13-5: Cả hai phổi xơ hóa, chỉ còn 10% hoạt động

    18-5: Phổi bắt đầu phục hồi

    22-5: Chuyển sang Bệnh viện Chợ Rẫy

    27-5: Có dấu hiệu tỉnh

    2-6: Bắt đầu thực hiện được y lệnh của bác sĩ

    4-6: Ngưng dùng ECMO

    9-6: Tự ngồi dậy được

    13-6: Ngưng thở máy, tự thở hoàn toàn trong 24 giờ

    15-6: Bắt đầu đứng được và tập đi

    Theo Tuổi Trẻ

  • BBC hôm 16/6 dẫn lời các chuyên gia y tế Anh cho biết thuốc dexamethasone liều thấp là bước đột phá trong điều trị bệnh nhân nhiễm Covid-19. 

    Thử nghiệm lâm sàng đã được các nhà khoa học của Đại học Oxford tiến hành trên 2.000 bệnh nhân sử dụng thuốc dexamethasone so với 4.000 bệnh nhân không sử dụng loại thuốc nêu trên.

    Kết quả cho thấy tỷ lệ tử vong của bệnh nhân phải sử dụng máy trợ thở đã giảm từ 40% xuống còn 28% khi tiếp nhận điều trị bằng dexamethasone. Trong khi đó, bệnh nhân thở oxy có tỷ lệ tử vong giảm từ 25% xuống 20% khi sử dụng loại thuốc này.

    thuoc dot pha
    Các nhà khoa học Anh cho biết dexamethasone liều thấp có hiệu quả trong điều trị Covid-19. Ảnh: AP

    Giáo sư Peter Horby, điều tra viên trưởng Đại học Oxford, cho biết dexamethasone là loại thuốc duy nhất tới nay "cho thấy khả năng giảm tỷ lệ tử vong". Ông Horby cho biết tỷ lệ tử vong giảm đáng kể khi bệnh nhân sử dụng thuốc dexamethasone là một bước "đột phá lớn".

    Các nhà khoa học Anh cho biết dexamethasone đã được sử dụng để giảm viêm trong điều trị một số căn bệnh khác. Do đó, loại thuốc này phát huy hiệu quả làm giảm thiệt hại trong "bão cytokine", hiện tượng khi hệ miễn dịch cơ thể phản ứng chống lại virus corona.

    "Có lợi ích rất rõ ràng với phát hiện này. Việc điều trị kéo dài trong 10 ngày với dexamethasone, chi phí khoảng 7USD mỗi bệnh nhân. Như vậy, về cơ bản chi phí cứu sống một người là khoảng 50USD. Đây là loại thuốc có trên toàn thế giới", Giáo sư Martin Landray, trưởng nhóm nghiên cứu Đại học Oxford, nói.

    Các nhà khoa học cho biết dexamethasone có tác dụng rõ rệt nhất với các bệnh nhân có triệu chứng nặng, phải sử dụng máy trợ thở hoặc thở oxygen. Tuy nhiên, loại thuốc này không có nhiều tác dụng với các bệnh nhân Covid-19 có triệu chứng nhẹ.

    Dexamethasone đã được sử dụng từ thập niên 1960 để điều trị một số tình trạng bệnh lý như viêm khớp dạng thấp và hen suyễn. Ngoài dexamethasone, loại thuốc duy nhất tới nay được chứng minh có hiệu quả trong điều trị Covid-19 là remdesivir, một loại kháng sinh từng được sử dụng cho bệnh nhân nhiễm Ebola.

    Theo BBC

  • Có đến 1,7 triệu loại virus còn chưa được biết tới đang tồn tại trong cơ thể các loài động vật, trong đó hơn 500.000 loài có thể gây bệnh trên người.

    Covid-19 là đại dịch thứ 3 được gây ra bởi chủng virus corona đột biến, lây từ động vật sang người trong thế kỷ 21. Khoa học, với tất cả những công cụ sẵn có, đang tìm cách chống lại và xây dựng hệ thống phòng thủ mới. Tuy nhiên, những virus này mới chỉ là một phần trong số hàng ngàn mầm bệnh tiềm tàng trong tương lai.   

    Việc động vật là nguồn lưu trữ rất nhiều  chủng virus không còn mới lạ với các nhà nghiên cứu khoa học. Điều đáng lo ngại là những hành vi xã hội và kinh tế của con người đang tấn công đoàn quân cư trú trên động vật này.

    Việc chặt phá rừng, lấy đất làm nông nghiệp để cung cấp thức ăn và phục vụ nhu cầu con người là một trong số những nguyên nhân khiến các dịch bệnh truyền nhiễm xuất hiện với tốc độ nhanh chóng, theo Tổ chức Y tế Thế giới WHO. Ba đại dịch của thế kỷ 21 do virus corona gây ra chính là ví dụ. 

    mam hoa virus 1
    Một khu chợ buôn bán động vật hoang dã tại Trung Quốc. Ảnh: SCMP

    Mặc dù nguồn bệnh xuất phát từ động vật, đại dịch bùng phát là do một mạng lưới phức tạp của cơ sở hạ tầng và hệ thống giao thông toàn cầu hoá, khiến cho virus dễ dàng càn quét và lây lan xa.

    Chuyên gia dịch tễ động vật của Đại học Thành phố Hong Kong, Dirk Pfeiffer, cho biết: "Việc virus lây lan là tự nhiên, nhưng những hoạt động của con người khiến điều này thay đổi nhanh chóng. Chúng ta đang tạo ra sự mất cân bằng bằng việc vào rừng và xâm phạm môi trường sống tự nhiên của động vật và các mầm bệnh mà chúng ta không hiểu rõ". Tất cả những điều này góp phần thu ngắn khoảng cách tiếp xúc giữa con người và vật nuôi với tự nhiên và các loại virus.

    Vấn đề thêm trầm trọng khi kết hợp với sự phát triển những siêu đô thị và hoạt động thương mại du lịch quốc tế. Đây là nguyên nhân khiến dịch bệnh lây lan nhanh chóng, tiến sĩ Pfeiffer nói.

    Tiến sĩ Peter Daszak, chủ tịch tổ chức phi lợi nhuận EcoHealth tại New York và là nhà tư vấn cho WHO, cho biết: "Chúng ta nên suy nghĩ về những đại dịch giống như việc thay đổi khí hậu. Chúng là mối nguy hại đến sự tồn vong của loài người nhưng hoàn toàn có thể kiểm soát vì con người chính là nguyên nhân."

    Nhóm nghiên cứu của tiến sĩ Daszak và các chuyên gia dịch tễ quốc tế đã ước tính có đến 1,7 triệu loại virus còn chưa được biết tới đang tồn tại trong cơ thể các loài động vật. Trong số đó có khoảng hơn 500.000 loài có thể gây bệnh trên người.

    Nhiều nỗ lực được thực hiện để tìm kiếm và phân loại những loài virus này. Tuy nhiên đây mới chỉ là một trong số những cách nhân loại có thể chuẩn bị cho sự tấn công của binh đoàn virus trong tương lai.

    Các chuyên gia cho rằng cần đầu tư nhiều hơn vào các dịch vụ y tế công cộng và phát triển cách thức theo dõi bệnh tật trong cộng đồng. Điều này có thể được thực hiện bằng việc sử dụng Big Data (Dữ liệu lớn) để tập hợp hồ sơ y tế, dữ liệu điện thoại và lịch trình bay, dự đoán dịch bệnh sẽ bùng phát như thế nào và có biện pháp can thiệp.

    Các nhà nghiên cứu cũng đang cố gắng hợp tác, tìm hiểu với quy mô toàn cầu, phát hiện ra các chủng virus, đã biết hoặc chưa biết, tồn tại trong tự nhiên bằng cách so sánh chúng với những họ virus đã biết về mặt di truyền.

    Những thông tin này giúp các nhà khoa học phát hiện những loại virus đang ẩn nấp trong môi trường tự nhiên và nguy cơ đối với con người, vật nuôi ở xung quanh đó.

    mam hoa virus 1
    Nhân viên y tế tại Toronto trong đợt dịch SARS vào năm 2003. Ảnh: Reuters

    Chuyên gia dịch tễ học và thú y Tierra Smiley Evans cho rằng việc yêu cầu cộng đồng thay đổi môi trường hoặc lối sống của họ là không thực tế thậm chí không có hiệu quả. Việc cần làm là theo dõi và đảm bảo nếu có biểu hiện của sự lây lan ở những khu vực nguy cơ cao, cộng đồng xung quanh đó có thể nhận biết và thông báo cho toàn thế giới.

    Một việc quan trọng không kém là xét nghiệm hoàng loạt để tìm kháng thể, phân biệt các họ virus để biết chúng có thể gây bệnh trên người hay không. Đây là phương án phòng vệ quan trọng để ngăn virus gây ra đại dịch.

    Tuy nhiên, việc biết chính xác khi nào một mầm bệnh tiềm tàng có thể trở thành đại dịch là điều không thể, theo lời tiến sĩ Sam Scarpino, trợ lý giáo sư tại đại học Northeastern. Việc xác định khu vực nào có nguy cơ lớn nhất cho một bệnh cụ thể là "vô cùng thách thức", ông cho hay.

    Một phần là do sự thiếu cân bằng và thành kiến tập trung vào khu vực Trung Quốc và Đông Nam Á như là nơi khởi nguồn của các dịch bệnh. Điều này dẫn tới việc bỏ lỡ những khu vực khác trên thế giới có các đặc điểm môi trường và nguy cơ tương đương, tiến sĩ Scarpino cho biết.

    Scarpino và nhóm của ông có thể dựa trên những thông tin từ việc theo dõi dịch bệnh trên toàn thế giới và sử dụng những dữ liệu về các khu vực môi trường bị phá hoại, hoạt động nông nghiệp quá mức và buôn bán động vật hoang dã để có thể đón đầu những đợt bùng phát. Tuy nhiên hiện tại, không có có cách nào để thu thập hết tất cả những thông tin đó.

    VnExpress (Theo SCMP)

  • Theo lãnh đạo Bệnh viện Chợ Rẫy TP.HCM phi công người Anh nhiễm Covid-19 tỉnh táo hoàn toàn. Đây là ca nhiễm Covid-19 nặng nhất ở VN và phải trải qua nhiều tháng liền điều trị, với chi phí hàng tỉ đồng do nhà nước VN chi trả.

    Lúc 19 giờ ngày 2.6, lãnh đạo Bệnh viện Chợ Rẫy TP.HCM cho biết phi công người Anh nhiễm Covid-19 - bệnh nhân (BN) 91 đã tỉnh táo hoàn toàn, có thể tiếp xúc, thực hiện được đầy đủ các y lệnh của nhân viên y tế. Đặc biệt, BN91 có thể mỉm cười, lắc đầu và bắt tay với nhân viên y tế…

    phi cong nguoi anh nhiem virus
    Bệnh nhân 91 có thể mỉm cười với nhân viên y tế. Ảnh: BVCC

    Theo các bác sĩ, chức năng hô hấp của BN đã cải thiện dần, ô xy máu ổn định. Các thông số về nhiễm trùng dần dần trở về mức gần bình thường và chức năng thận hoàn toàn bình thường. Các kết quả cấy gần nhất về vi trùng (vi khuẩn) Burkholderia cepacia dù vẫn còn vi trùng ở trong đàm nhưng số lượng đã giảm. 

    BN91 đã được cai ECMO (ô xy hóa máu màng ngoài cơ thể) 2 ngày qua. Về phổi, 1/2 phổi bên trái BN91 đã cải thiện gần như hoàn toàn. Đặc biệt, phổi phải bắt đầu có cải thiện về mặt chức năng hô hấp.

    Theo lãnh đạo Bệnh viện Chợ Rẫy, BN91 sẽ tiếp tục được sử dụng kháng sinh điều trị nhiễm trùng của vi khuẩn Burkholderia cepacia và phòng ngừa những nguy cơ có thể nhiễm khuẩn mới.

    Song song đó, BN91 sẽ được tập vật lý trị liệu tích cực, dinh dưỡng cũng phải đảm bảo trong giai đoạn hồi phục. Tuy nhiên, BN91 hiện phải phụ thuộc vào thở máy, có thể cần thời gian 1 tháng hoặc dài hơn nữa.

    Tính đến 18 giờ ngày 2.6, 47 ngày Việt Nam không có ca lây nhiễm trong cộng đồng; có tổng cộng 188 ca nhiễm nhập cảnh được cách ly ngay. Tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly) là 8.333 người.

    Theo báo cáo của Tiểu ban điều trị Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19, trong ngày 2.6 có 5 BN được công bố khỏi bệnh: BN278, BN294, BN299, BN307, BN311.

    Theo Thanh Niên

  • Rất ít ca nhiễm được ghi nhận ở khu vực cao nguyên khiến nhiều người suy đoán rằng virus corona đến đây sẽ bị “soroche”, một từ trong ngữ hệ Quechua chỉ bệnh sợ độ cao.

    Khi khách du lịch từ Mexico, Trung Quốc và Anh là những ca tử vong đầu tiên vì Covid-19 ở Cusco, Peru, thủ đô một thời của Đế chế Inca đã dự kiến hứng chịu một đợt bùng phát nghiêm trọng.

    Ẩn mình trong một thung lũng đẹp như tranh vẽ bên dãy Andes, thành phố cao nguyên với 420.000 cư dân, cửa ngõ vào Machu Picchu, đón hơn 3 triệu du khách quốc tế mỗi năm, nhiều người từ các tâm dịch lớn như Mỹ, Italy và Tây Ban Nha.

    Tuy nhiên, kể từ ba trường hợp tử vong đó, trong khoảng thời gian từ 23/3 đến 3/4, khi Peru phong toả toàn quốc nghiêm ngặt, không có thêm bất kỳ một trường hợp tử vong vì Covid-19 nào khác xảy ra ở Cusco, ngay cả khi căn bệnh này đã cướp đi hơn 4.000 sinh mạng trên cả đất nước.

    Tỷ lệ lây nhiễm cũng rất thấp. Chỉ 916 trong số 141.000 trường hợp của Peru đến từ khu vực Cusco, có nghĩa là tỷ lệ lây nhiễm của nó thấp hơn khoảng 80% so với mức trung bình quốc gia.

    virus so do cao 1Đàn ông ăn mặc như Andean Ukukus hoặc Pabluchas, những nhân vật truyền thống đóng vai trò canh gác, áp đặt trật tự xã hội, vung roi như một mối đe dọa để buộc mọi người phải duy trì khoảng cách, nhắc nhở họ đeo khẩu trang và găng tay gần thành phố Cusco, Peru. Ảnh: Getty Images.

    Càng lên cao, virus corona càng khó sống?

    Con số ít ỏi các trường hợp mắc bệnh và tử vong ở khu vực cao nguyên thu hút số lượng lớn khách du lịch quốc tế này đã khiến nhiều người suy đoán rằng virus corona đến đây sẽ bị “soroche”, một từ trong ngữ hệ Quechua chỉ bệnh sợ độ cao.

    Điều tương tự cũng xảy ra ở những nơi khác trong khu vực dãy Andes và Tây Tạng.

    Các nhà khoa học cảnh báo tình hình đó có thể không kéo dài, nhưng hiện tượng chưa lý giải được này khiến họ tò mò. Họ đang bắt đầu nghiên cứu mối quan hệ tiềm năng giữa virus corona và độ cao.

    Trong một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Respiratory Physiology & Neurobiology, các nhà nghiên cứu từ Australia, Bolivia, Canada và Thụy Sĩ xem xét dữ liệu dịch tễ học từ Bolivia, Ecuador và Tây Tạng đã nhận thấy các nhóm người sống ở độ cao trên 3.000 mét ghi nhận số trường hợp lây nhiễm thấp hơn hẳn so với người sống ở khu vực thấp.

    Họ phát hiện ra rằng tỷ lệ lây nhiễm ở Tây Tạng là rất nhỏ so với vùng thấp của Trung Quốc, tỷ lệ lây lan tại khu vực dãy Andes ở Bolivia thấp hơn gấp ba lần so với so với phần còn lại của đất nước và khu vực dãy Andes ở Ecuador còn thấp hơn gấp bốn lần.

    Theo số liệu chính thức, Ecuador đã phải hứng chịu ảnh hưởng tồi tệ nhất ở Mỹ Latinh, với hơn 38.000 ca nhiễm và hơn 3.300 trường hợp tử vong, nhưng tập trung tại cảng Guayaquil ở Thái Bình Dương. 8.387 trường hợp của Bolivia tập trung phần lớn tại Santa Cruz, chỉ cao vài trăm mét so với mực nước biển. La Paz, nơi có thủ đô cao nhất thế giới, chỉ ghi nhận 410 trường hợp.

    virus so do cao 1Một chú chó đứng trước khung cảnh bao trùm La Paz nhìn từ El Alto, Bolivia. Ảnh: Getty Images.

    Các nhà nghiên cứu đưa ra giả thuyết rằng các nhóm người sống ở vùng núi cao có lợi thế nhờ sự kết hợp giữa khả năng đối phó với tình trạng thiếu oxy (nồng độ oxy trong máu thấp) và môi trường tự nhiên bất lợi đối với virus - bao gồm không khí núi khô, mức độ bức xạ UV cao và khả năng áp suất khí quyển thấp hơn làm giảm khả năng tồn tại của virus trong không khí.

    Các chuyên gia khác đặt câu hỏi về vai trò của các yếu tố môi trường, đề cập đến việc hầu hết trường hợp lây nhiễm virus xảy ra trong nhà, do đó có thể loại bỏ yếu tố mức độ tia UV. Nhưng họ đề nghị nghiên cứu sâu hơn về phản ứng của những người sống ở khu vực cao với Covid-19, bao gồm việc khi bị nhiễm bệnh, các triệu chứng của họ nhẹ hơn và do đó hạn chế điều trị hoặc xét nghiệm y tế.

    “Virus thích con người. Chúng chẳng quan tâm đến độ cao”, Peter Chin-Hong, một nhà nghiên cứu các bệnh truyền nhiễm tại Đại học California ở San Francisco, nói. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn đang tìm hiểu sâu về căn bệnh, và điều này cũng cung cấp cho chúng tôi một số manh mối tốt để thử nghiệm và tìm hiểu sự tiến triển của nó”.

    Liên quan chặt chẽ đến việc thích nghi với khí hậu?

    Chỉ có ba nhóm người trên thế giới có sự thích nghi với độ cao xảy ra trong gene: người Himalaya, người miền núi ở Ethiopia và khu vực dãy Andes. Tuy nhiên, Clayton Cowl, một bác sĩ phổi tại Mayo Clinic và là nguyên hiệu trưởng của Trường Bác sĩ Phẫu thuật Lồng ngực Mỹ, nghi ngờ xu hướng này liên quan chặt chẽ đến việc thích nghi với khí hậu, cụ thể là khả năng điều chỉnh cơ thể tạm thời theo độ cao, hơn là biến đổi thích nghi từ trong ADN.

    Điều đó có thể giải thích tại sao Covid-19 đang hoành hành ở bờ biển Thái Bình Dương ở Peru, đặc biệt là Lima, trong khi cộng đồng người miền núi ở đất nước này lại tránh được điều tồi tệ nhất.

    Bác sĩ Cowl giải thích rằng việc tiếp xúc với độ cao kéo dài sẽ gây ra phản ứng dây chuyền trong phổi liên quan đến một loại protein tên là ACE2 có thể ngăn ngừa shunt phổi, một vấn đề phổ biến ở bệnh nhân Covid-19.

    virus so do cao 1Anh chị em Jimmy và Dolores Centeno giữ một bức ảnh của cha họ, Cerafin Centeno. Họ không thể tìm thấy thi thể ông kể từ khi ông qua đời vì Covid-19 hai tháng trước tại Guayaquil, Ecuador. Ảnh: Reuters.

    Thông thường, khi một phần phổi bị tổn thương, cơ thể sẽ chuyển hướng dòng máu đến nuôi các khu vực khỏe mạnh hơn có khả năng hấp thụ oxy tốt hơn. Shunt phổi là việc quá trình chuyển hướng này bị dừng, dẫn đến thiếu oxy. Theo bác sĩ Cowl, đây là một yếu tố phổ biến trong số khoảng 30% bệnh nhân Covid-19 có triệu chứng nhẹ nhưng có lượng oxy trong máu thấp bất thường khiến tình trạng bệnh diễn biến xấu.

    Nhưng bất kỳ ưu thế nào có được từ yếu tố độ cao để đối phó với virus, các chuyên gia Chin-Hong và Cowl nói, chỉ có được khi con người thích khi hoàn toàn với khí hậu, thông thường mất tới ba tháng. Cả hai đều nhấn mạnh rằng bất cứ ai nhiễm Covid-19 di chuyển đến vùng núi sẽ chỉ thấy các triệu chứng của họ trở nên tồi tệ hơn.

    “Từ quan điểm dịch tễ học, thật khó để biết điều này có nghĩa là gì. Có thể có nhiều yếu tố khác nhau, nhưng nó thực sự thú vị”, bác sĩ Cowl nói.

    Zing biên dịch, tham khảo https://www.washingtonpost.com/world/the_americas/coronavirus-andes-peru-ecuador-bolivia-tibet-high-altitude/2020/05/31/0b2fbf98-a10d-11ea-be06-af5514ee0385_story.html

  • Giáo sư Nikolai Petrovsky, nhà nghiên cứu vắc-xin hàng đầu đứng đầu nhóm nghiên cứu về virus corona của Úc tuyên bố có bằng chứng cho thấy virus corona thích nghi một cách "dị thường" với người nhiễm bệnh mà không cần tiến hóa, theo Daily Mail.

    Các nhà khoa học đã đưa ra bằng chứng cho thấy SARS-CoV-2 gây đại dịch Covid-19 có khả năng "thích nghi dị thường" với vật chủ là con người".

    Tuyên bố của ông Petrovsky đã đặt ra những câu hỏi mới về nguồn gốc của virus corona chủng mới (SARS-CoV-2) gây bệnh viêm phổi cấp (Covid-19) là tự nhiên hay nó có thể đã được tạo ra trong phòng thí nghiệm.

    Theo Daily Mail, ông Petrovsky cho biết, virus này "không phải là trường hợp điển hình của virus lây nhiễm từ động vật sang người bình thường vì nó có khả năng "đặc biệt" để xâm nhập vào cơ thể người ngay từ khi nó xuất hiện.

    Ông Petrovsky, giáo sư y khoa tại Đại học Flinder ở Adelaide đồng thời điều hành một đơn vị nghiên cứu công nghệ sinh học nói rằng, SARS-CoV-2 đáng ra xuất hiện từ một loài động vật thông qua "một sự kiện kỳ lạ của tự nhiên" nhưng không loại trừ khả năng nó bị rò rỉ từ phòng thí nghiệm.

    covid tien hoa kho luong
    Các nhà khoa học đã đưa ra bằng chứng cho thấy SARS-CoV-2 gây đại dịch Covid-19 có khả năng "thích nghi dị thường" với vât chủ là con người".

    Theo ông Petrovsky, virus mới lây truyền từ động vật thường phải đột biến để thích nghi với vật chủ là con người, nhưng vì lý do chưa giải thích được, SARS-CoV-2 dường như thích nghi hoàn hảo với việc lây nhiễm cho con người mà không cần phải tiến hóa. Nhóm của vị giáo sư này sẽ bắt đầu thử nghiệm trên người đối với vắc-xin Covid-19 vào tháng tới.

    "Hiện tại không có bằng chứng về việc virus rò rỉ (từ phòng thí nghiệm) nhưng nó vẫn là một khả năng cho đến khi nó được loại trừ", giáo sư Petrovsky nhấn mạnh.

    Ông Richard Ebright, một trong những chuyên gia an toàn sinh học hàng đầu thế giới cũng bình luận rằng việc virus mới có các tính năng bất thường như vậy và xảy ra một cách tự nhiên là "có thể" - nhưng thực tế khó xảy ra.

    Trước đó, các nhà nghiên cứu Úc đã công bố kết quả nghiên cứu chứng minh khả năng liên kết với các tế bào của con người của SARS-CoV-2 vượt xa các loài khác. "Điều này cho thấy SARS-CoV-2 là mầm bệnh thích nghi cao ở người", các nhà nghiên cứu nhấn mạnh và đặt ra câu hỏi liệu virus mới phát sinh trong tự nhiên bởi một sự kiện hiếm gặp hay "nguồn gốc của nó nằm ở nơi khác".

    Dân Việt (tham khảohttps://www.dailymail.co.uk/news/article-8351091/Top-vaccine-scientist-says-coronavirus-come-animal-freak-nature.html)

  • Một bộ xét nghiệm coronavirus trị giá £40 cho kết quả chỉ sau hơn một giờ đã được áp dụng tại một số bệnh viện ở London. Bộ test không cần phòng thí nghiệm này, cho phép xét nghiệm nhanh trên diện rộng, được tung ra trong bối cảnh nước Anh cố gắng tăng cường xét nghiệm.

    Nước Anh vẫn chủ yếu sử dụng các xét nghiệm trong phòng thí nghiệm, cho kết quả trong vòng 48 giờ và yêu cầu mọi người phải di chuyển khá xa đến các trạm xét nghiệm trong vùng hoặc nhận kết quả tại nhà qua đường bưu điện.

    Việc xét nghiệm nhanh hơn sẽ giúp mọi người nhận biết được tình trạng của mình mà không phải chờ đợi và cho phép tăng tần suất xét nghiệm. Nó cũng giúp Thủ tướng Boris Johnson đạt được mục tiêu 200.000 lượt xét nghiệm mỗi ngày vào cuối tháng này.

    Bộ xét nghiệm mới này dựa trên mô hình xét nghiệm DNA, do một giáo sư tại trường Imperial College London phát triển. Nó đã được Cơ quan quản lý thuốc và sản phẩm chăm sóc sức khỏe (MHRA) phê duyệt áp dụng lâm sàng vào cuối tháng 4 sau khi thử nghiệm thành công.

    PRI 148801830GS Chris Toumazou, Đại học Hoàng gia Luân Đôn, chủ nhiệm chương trình và đồng tác giả của DnaNudge, cùng với bộ xét nghiệm

    Với độ chính xác trên 98% và độ đặc hiệu 100%, xét nghiệm DnaNudge đang được triển khai tại các khoa ung thư, tai nạn - cấp cứu và khoa sản, trước khi phổ biến trên diện rộng.

    Bộ y tế cho biết đây là một chương trình thí điểm và các loại hình xét nghiệm trong phòng thí nghiệm khác cũng vẫn được áp dụng để xem xét lợi ích và tính năng của từng loại. NHS cũng đang sử dụng các thiết bị test nhanh tại giường bệnh (point-of-care machines) để xét nghiệm Covid-19.

    Nước Anh đã đặt hàng trước 10.000 hộp xét nghiệm DnaNudge vào tháng 3 và kể từ đó, tiếp tục mua thêm 70.000 bộ nữa.

     bo xet nghiem nhanh hieu qua
    Bộ xét nghiệm cho ra kết quả mà không cần phòng thí nghiệm.

    Chris Toumazou, giáo sư công nghệ tại trường Imperial, người đã phát triển bộ xét nghiệm, giải thích: "Đây là một phòng thí nghiệm thu nhỏ hoàn hảo trong một chiếc hộp. Điểm mấu chốt là với xét nghiệm này, bạn đặt trực tiếp vật chứa dịch tiết hoặc gạc mũi vào chiếc hộp mà không phải chuyển đi đâu và không cần phòng thí nghiệm”. Ông tiếp tục: “Bạn thậm chí có thể quan sát những mảnh nhỏ của RNA (Axit Ribonucleic) để xác định xem một bệnh nhân có nhiễm Covid hay không”.

    Bộ xét nghiệm chỉ cần một mẫu gạc mũi của bệnh nhân, đang được áp dụng tại Bệnh viện Chelsea và Westminster, Bệnh viện Đại học West Middlesex, St Mary's, và Bệnh viện Queen Charlotte's and Chelsea.

    Bác sĩ Gary Davies, giám đốc chuyên môn của Bệnh viện Chelsea và Westminster, nhận xét: “Bộ xét nghiệm này có hiệu quả và thực sự chính xác hơn một số bộ xét nghiệm trong phòng thí nghiệm”. Ông cho biết bộ xét nghiệm này đang được sử dụng cho bệnh nhân khi nhập viện để giúp phân khoa phù hợp.

    VietHome (Theo Metro)

  • Nghiên cứu mới cho thấy khả năng miễn dịch đối với Covid-19 có thể chỉ kéo dài 6 tháng, khi kháng thể bắt đầu giảm dần.

    Hãng Sputnik ngày 24.5 dẫn nghiên cứu của Đại học Amsterdam (Hà Lan) cho thấy khả năng miễn dịch Covid-19 ở người chỉ kéo dài 6 tháng, cho thấy bệnh nhân hồi phục vẫn có khả năng mắc bệnh trở lại.

    Trong giai đoạn từ năm 1985-2020, các nhà khoa học xét nghiệm 4 chủng virus Corona gây cúm thông thường đối với 10 người từ 27-66 tuổi, thực hiện cách khoảng 3 hoặc 6 tháng.

    Kết quả cho thấy phần lớn những người tham gia đều bị nhiễm virus trở lại trong vòng 3 năm, cho thấy khả năng miễn dịch đối với virus Corona chỉ kéo dài trong thời gian ngắn và mức kháng thể không được duy trì khi virus tấn công trở lại.

    mien dich keo dai 6 thang
    Các mẫu máu để xét nghiệm kháng thể.

    “Chúng tôi nhận thấy sau khi nhiễm lần đầu, mức kháng thể giảm dần sau 6 tháng và việc tái nhiễm diễn ra thường xuyên sau 12 tháng”, theo nhóm nghiên cứu.

    Các tác giả nhắc lại việc một số người đề xuất phát hành “hộ chiếu miễn dịch” cho những bệnh nhân đã hồi phục và cho phép họ không phải tuân thủ các quy định giới hạn trong phòng chống dịch Covid-19.

    Tuy nhiên, miễn dịch bảo vệ có thể mất sau 6 tháng nên khả năng có được miễn dịch cộng đồng thông qua lây nhiễm tự nhiên khó xảy ra, theo nghiên cứu.

    Tổ chức Y tế thế giới (WHO) trước đó kêu gọi các nước không sử dụng “hộ chiếu miễn dịch” để nới lỏng phong tỏa chỉ vì họ có kháng thể.

    Tuy nhiên, Bộ trưởng Y tế Anh Matt Hancock hôm 21.5 công bố kế hoạch cấp chứng nhận kháng thể dựa trên kết quả nghiên cứu về việc ít nhất 5% người dân Anh đã có kháng thể Covid-19, trong đó tỷ lệ người dân London có khả năng miễn dịch là 17%.

    Thanh Niên (tham khảo https://nypost.com/2020/05/23/coronavirus-immunity-could-disappear-after-six-months-study/)

  • Cuộc thử nghiệm lâm sàng vắc xin Covid-19 của Đại học Oxford (Anh) chỉ có 50% cơ hội thành công vì tỷ lệ lây nhiễm virus Corona chủng mới (SARS-CoV-2) trong cộng đồng thấp.

    Viện nghiên cứu Jenner của Đại học Oxford hợp tác với công ty dược phẩm đa quốc gia AstraZeneca Plc (trụ sở ở Anh) để phát triển và thử nghiệm lâm sàng vắc xin phòng Covid-19.

    Giáo sư Adrian Hill, giám đốc Viện nghiên cứu Jenner, cho biết cuộc thử nghiệm lâm sàng sắp tới với 10.000 tình nguyện viên ở Anh có thể không gặt hái được kết quả gì vì tỷ lệ lây nhiễm SARS-CoV-2 trong cộng đồng thấp.

    "Đây là cuộc đua với thời gian, chống lại virus đang dần biến mất. Hiện chỉ có 50% cơ hội thành công đối với vắc xin thử nghiệm ChAdOx1 nCoV-19", ông Hill nói với tờ The Telegraph ngày 23.5.

    ChAdOx1 nCoV-19 là một trong những sản phẩm tiên phong trong cuộc đua phát triển vắc xin phòng Covid-19 trên thế giới. Đại dịch Covid-19 đến nay làm chết hơn 342.000 người khắp thế giới, với hơn 5,3 triệu ca nhiễm. Hồi tháng 4, Viện nghiên cứu Jenner bắt đầu thử nghiệm lâm sàng vắc xin giai đoạn đầu.

    vaccine 50 phan tram thanh cong
    Giáo sư Adrian Hill, giám đốc Viện nghiên cứu Jenner, đưa ra dự đoán ảm đạm về vắc xin phòng Covid-19. Ảnh: REUTERS

    Trong khi đó, một loại vắc xin Covid-19 do Viện Hàn lâm Khoa học Quân y Trung Quốc và công ty CanSino Biologics (Trung Quốc) phối hợp phát triển có kết quả đầy hứa hẹn sau một đợt thử nghiệm lâm sàng, kích hoạt thành công phản ứng của hệ miễn dịch ở hơn 100 người trưởng thành khỏe mạnh. Kết quả thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 1 vừa được công bố trên tạp chí y khoa The Lancet.

    Những tình nguyện viên ở Trung Quốc không biểu hiệu phản ứng bất lợi nghiêm trọng nhưng các nhà nghiên cứu cảnh báo cần phải tiến hành thêm cuộc thử nghiệm lâm sàng vắc xin để xác định mức độ hiệu quả.

    Tại Thái Lan, Bộ trưởng Giáo dục đại học, Khoa học, Nghiên cứu và Đổi mới, Suvit Maesincee, ngày 23.5 thông báo các nhà nghiên cứu nước này bắt đầu thử nghiệm vắc xin phòng Covid-19 trên khỉ sau khi thử nghiệm thành công với chuột. Ông Suvit bày tỏ hy vọng đến tháng 9 cuộc thử nghiệm sẽ có "kết quả rõ ràng hơn" về hiệu quả của vắc xin Covid-19.

    Link gốc: https://www.telegraph.co.uk/news/2020/05/23/oxford-university-covid-19-vaccine-trial-has-50-per-cent-chance/?

    Viethome (theo Telegraph)

  • Kể từ đầu tháng 6/2020 quy định cách ly 14 ngày sẽ được áp dụng với tất cả các hành khách nhập cảnh vào Anh, kể cả công dân Anh hồi hương.

    Theo kế hoạch của chính phủ Anh, tất cả hành khách quốc tế nhập cảnh vào Anh từ đầu tháng 6/2020 sẽ phải cách ly 14 ngày và sẽ phải nhận mức phạt lên tới 1.000 bảng Anh nếu vi phạm.

    heathrow expansion
    Các nhân viên khử trùng chiếc xe cấp cứu chở bệnh nhân Covid-19 tại Anh. Ảnh: AFP.

    Theo thông tin được Bộ trưởng Phụ trách Bắc Ireland trong chính phủ Anh, Brandon Lewis đưa ra trên đài BBC sáng ngày 22/05, kể từ đầu tháng 6 quy định cách ly 14 ngày sẽ được áp dụng với tất cả các hành khách nhập cảnh vào Anh, kể cả công dân Anh hồi hương. Công dân Pháp cũng sẽ phải bị cách ly, sau khi chính phủ Anh từ bỏ thoả thuận gây tranh cãi với chính phủ Pháp tuần trước.

    Chỉ có những nhân viên y tế hay lái xe tải đường dài là không phải cách ly 14 ngày. Quy định này cũng sẽ không áp dụng đối với các công dân đến từ Cộng hòa Ireland. Những người nhập cảnh sẽ phải khai một tờ đơn, trong đó ghi rõ thông tin về nơi cư trú hay nơi dự định sẽ tiến hành tự cách ly trong vòng 14 ngày.

    Các nhân viên y tế Anh sẽ kiểm tra thường xuyên việc tuân thủ quy định của những người bị cách ly và ai vi phạm sẽ phải đối mặt mức phạt lên tới 1 ngàn bảng Anh.

    Theo ông Brandon Lewis, quy định về việc cách ly 14 ngày này sẽ được xem xét lại 3 tuần một lần. Chi tiết cụ thể của kế hoạch này sẽ được Bộ trưởng Nội vụ Anh Priti Patel công bố trong buổi họp báo thường nhật về dịch Covid-19 tại Anh vào chiều tối nay theo giờ địa phương.

    Trên thực tế, thông tin về kế hoạch cách ly 14 ngày đã gây ra nhiều tranh cãi tại Anh trong những ngày gần đây. Đại diện các hãng hàng không và công ty du lịch Anh phản đối gay gắt vì cho rằng quy định cách ly 14 ngày này sẽ “giết chết” ngành du lịch khi khiến mọi du khách tránh xa nước Anh.

    Tuy nhiên, bảo vệ cho quyết định của Chính phủ Anh, Bộ trưởng Brandon Lewis cho rằng hiện tại hệ số lây nhiễm (R) của virus SARS-CoV-2 tại Anh đã giảm nên nước Anh cần cách ly những người đến từ bên ngoài để tránh nguy cơ dịch tái bùng phát.

    Ngoài Anh, tại châu Âu một số nước như Tây Ban Nha cũng ra quy định tương tự, buộc các hành khách nhập cảnh phải cách ly 14 ngày.

    Hiện tại, tính đến hết ngày 21/05, nước Anh đã có 36.042 ca tử vong và trên 250.000 ca nhiễm Covid-19, là nước có số nạn nhân cao nhất châu Âu và cao thứ hai thế giới, sau Mỹ./.

    VOV (theo Sky)

     

  • Jack McMorrow, học lớp 9 tại thành phố Queens (New York, Mỹ), là một trường hợp giúp giới y học hiểu thêm về sự nguy hiểm của virus corona.

    Vào những ngày giữa tháng 4, cậu bé 14 tuổi Jack McMorrow phát hiện nhiều nốt mẩn đỏ trên tay, cảm thấy mắt mờ đi và bị đau bụng dữ dội. Bố mẹ Jack chỉ xem đó là những vấn đề thông thường mà một đứa trẻ nghịch ngợm thường gặp phải.

    Chỉ 10 ngày sau, Jack đối mặt với nhiều triệu chứng nghiêm trọng hơn. Bố mẹ Jack đành hỏi ý kiến của bác sĩ nhi thông qua hình thức gọi video trực tuyến. Đến cuối tuần, Jack được đưa đến một phòng khám khẩn cấp.

    Một buổi sáng nọ, cậu bé thức dậy và không thể cử động được nữa. Jack liên tục sốt cao, tăng nhịp tim, giảm huyết áp và nổi hạch. “Những cơn đau nhói chạy xuyên qua tĩnh mạch”, Jack miêu tả về ký ức kinh hoàng.

    Hội chứng bí ẩn

    Cậu bé Jack, từng hoàn toàn khoẻ mạnh, nay phải nhập viện vì nhiều triệu chứng của bệnh suy tim. Jack là một trường hợp mắc Hội chứng viêm đa hệ ở trẻ em, hội chứng nguy hiểm và có liên quan đến virus corona.

    cau be jack kawasaki 1
    Sau khi bị bệnh, Jack mong muốn trở thành một bác sĩ. Ảnh: The New York Times

    Theo The New York Times, hội chứng này đã được phát hiện ở khoảng 200 trẻ em tại Mỹ và châu Âu, nhiều trường hợp trong số đó đã tử vong. Các biểu hiện của hội chứng bao gồm sốt cao, gặp vấn đề về tiêu hoá, viêm động mạch vành cấp máu cho tim, thiếu máu cục bộ,…

    Các chuyên gia đang nghiên cứu theo phương pháp đối chiếu giữa Hội chứng viêm đa hệ ở trẻ em và bệnh Kawasaki. Giới chuyên gia tin rằng hội chứng hiếm gặp này thường xuất hiện ở trẻ đang trong độ tuổi đi học, thay vì trẻ sơ sinh.

    Sự xuất hiện của Hội chứng viêm đa hệ đã phá vỡ quan điểm cho rằng virus corona thường không ảnh hưởng đến trẻ nhỏ. Chuyên gia dịch tễ học hàng đầu của Mỹ, tiến sĩ Anthony S. Fauci cảnh báo: “Chúng ta không được chủ quan và cho rằng trẻ em miễn nhiễm với dịch bệnh”.

    Bác sĩ lâu năm cho gia đình Jack, Gheorghe Ganea nhận định: “Một khi hệ tim mạch suy yếu, những cơ quan nội tạng khác cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Cậu bé hoàn toàn có thể tử vong”.

    Bố mẹ của Jack, ông John McMorrow và bà Doris Stroman, không biết tại sao con trai mình nhiễm virus corona. Sau ngày 18/3, cậu bé Jack chỉ học trực tuyến ở nhà và hiếm khi ra ngoài. Cả bố mẹ và chị gái Jack đều xét nghiệm âm tính với virus corona.

    Những ngày không quên

    Gia đình McMorrow đã đưa Jack tới bệnh viện nhi Morgan Stanley, cơ sở chuyên điều trị các trường hợp nhiễm virus corona. Jack kể lại: “Cháu van xin để được về nhà. Nhưng bác sĩ bảo nếu quay về, cháu sẽ chết. Câu nói đó khiến cháu muốn chiến đấu và chiến thắng căn bệnh”.

    cau be jack kawasaki 1
    Jack hôn mê trên giường bệnh viện. Ảnh: The New York Times

    Khi nhập viện, nhịp tim của Jack cao gấp đôi bình thường để chống chọi lại mức huyết áp thấp. Bác sĩ Steven Kernie của ĐH Columbia nhận xét Jack bị suy tim khá nghiêm trọng, khiến việc lưu thông máu và oxy trong cơ thể gặp nhiều khó khăn.

    Các bác sĩ không hiểu tại sao Jack đột ngột bị suy tim dù các chỉ số hoàn toàn bình thường. Song họ chú ý đến hiện tượng viêm mạch máu ở khắp cơ thể, từ đó phỏng đoán về chứng viêm cơ tim nghiêm trọng.

    Bệnh viện nhi Morgan Stanley đã tiếp nhận hàng chục trường hợp có triệu chứng tương tự với Jack McMorrow. Song Jack là bệnh nhân duy nhất xét nghiệm dương tính với virus corona và là “manh mối” giúp giới y khoa nghiên cứu thêm về hội chứng hiếm gặp này.

    Đến ngày điều trị tích cực thứ 3, thuốc huyết áp đường uống không có tác dụng nên các bác sĩ đành phải đặt ống thông để bơm trực tiếp thuốc vào cơ thể cậu bé. Bệnh viện cũng chuẩn bị thêm máy thở phòng trường hợp tim Jack suy giảm chức năng nghiêm trọng.

    cau be jack kawasaki 1
    Bệnh viện nhi Morgan Stanley, nơi Jack được điều trị. Ảnh: The New York Times

    Sau thất bại của hàng loạt phương pháp thử nghiệm, các bác sĩ quyết định kê thuốc steroid tăng cơ bắp để chống viêm nhiễm và ức chế hệ miễn dịch. Thật bất ngờ, Jack dần bình phục và chỉ cần đến thuốc huyết áp sau vài giờ.

    Các bác sĩ không chắc thuốc steroid là phương pháp điều trị hiệu quả Hội chứng viêm đa hệ ở trẻ em. Song loại thuốc này bắt đầu được ứng dụng và ghi nhận nhiều kết quả khả quan.

    Truyền lửa cho ước mơ

    Sau một tuần, Jack hoàn toàn bình phục và có thể gửi email cho giáo viên từ giường bệnh. Jack vẫn phải đi kiểm tra tim mạch định kỳ và uống thuốc steroid trong vài tuần tới. Các bác sĩ hy vọng một vài tổn thương tim mạch còn sót lại sẽ tự lành và không tái phát.

    cau be jack kawasaki 1
    Cậu bé Jack McMorrow và bố mẹ tại căn hộ ở Queens. Ảnh: The New York Times

    Cậu bé chia sẻ: “Trước khi bị bệnh, cháu đã suy nghĩ về việc theo học ngành y. Sau khi sống sót qua cửa tử, cháu thật sự say mê và mong muốn trở thành một bác sĩ. Có thêm cơ hội sống làm cháu muốn cống hiến nhiều hơn cho cuộc đời”.

    Các nhà nghiên cứu vẫn đang xem xét liệu hội chứng này có nguồn gốc từ gene di truyền hay không. Nhiều ca bệnh tương tự với Jack McMorrow đã được ghi nhận tại Anh, Pháp, Italy và Tây Ban Nha.

    Zing (theo New York Times)

  • Anh đang đặt mua số lượng lớn hydroxychloroquine, một loại thuốc chống sốt rét, khi dự đoán đây có thể là cách điều trị Covid-19 hiệu quả.

    Chính phủ Anh bày tỏ mong muốn mua 16 triệu viên hydroxychloroquine ở dạng 220 mg hoặc 250 mg như một phần trong hợp đồng mời thầu trị giá 35 triệu bảng đăng trên website hôm 15/5. Hợp đồng này là "cơ hội mở" cho các hãng dược phẩm cung cấp hơn 33 triệu viên gồm các loại thuốc khác nhau, trong đó có thuốc trị HIV lopinavir-ritonavir, từ tháng 6/2020 đến tháng 1/2021.

    Giới chức y tế Anh cho biết hydroxychloroquine đang được các nhà khoa học của chính phủ thử nghiệm. Họ muốn bổ sung nguồn cung để dự phòng khả năng hydroxychloroquine được chứng minh là có hiệu quả trong điều trị Covid-19 và đáp ứng nhu cầu trong người dân khi cần thiết.

    "Toàn bộ số thuốc đang mua cũng có thể được sử dụng cho điều trị các bệnh khác để tránh lãng phí nếu chúng không chứng minh được tác dụng với Covid-19", một nguồn tin thông thạo vấn đề tiết lộ.

    thuoc tri sot ret
    Nhân viên Bộ Y tế Salvador chuẩn bị thuốc hydroxyChloroquine để phân phối tới các bệnh viện ở San Salvador hôm 21/4. Ảnh: AFP

    Hiện chưa có bằng chứng cho thấy hydroxychloroquine có thể ngăn chặn nCoV và các nhà quản lý cảnh báo loại thuốc này có thể gây ra các vấn đề về tim mạch. Tuy nhiên, có những lo ngại rằng việc Tổng thống Mỹ Donald Trump ca ngợi công dụng của hydroxychloroquine sẽ dẫn tới tình trạng thiếu hụt thuốc trên toàn cầu.

    Trong cuộc họp báo tại Nhà Trắng hôm 18/5, Trump bất ngờ tiết lộ ông đang dùng hydroxychloroquine để ngừa nCoV.

    "Đúng vậy đấy, tôi bắt đầu dùng vài tuần trước. Tôi uống một viên thuốc mỗi ngày", Trump nói, thêm rằng ông kết hợp thuốc với viên kẽm và việc sử dụng thuốc đã được bác sĩ Nhà Trắng chấp thuận. 

    Các nghiên cứu đang được tiến hành ở Anh, châu Âu và Mỹ để kiểm nghiệm xem liệu hydroxychloroquine và chloroquine, một loại thuốc tương tự, có hiệu quả điều trị nCoV hay không.

    Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã bày tỏ lo ngại trước thông tin các cá nhân tự ý sử dụng thuốc hydroxychloroquine để chữa bệnh và gây nguy hại cho bản thân. Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) cũng cảnh báo không nên sử dụng hydroxychloroquine để phòng ngừa hoặc điều trị Covid-19, lưu ý tác dụng phụ được báo cáo bao gồm "các vấn đề nghiêm trọng về nhịp tim ở bệnh nhân Covid-19".

    Covid-19 đã xuất hiện tại hơn 210 quốc gia và vùng lãnh thổ, khiến gần 5 triệu người nhiễm, trong đó hơn 324.000 người chết. 

    VnExpress (Theo Guardian)

    Bài gốc: https://www.theguardian.com/world/2020/may/19/uk-to-test-hydroxychloroqine-as-coronavirus-treatment

  • Bất cứ ai từ năm tuổi trở lên có triệu chứng coronavirus đều được làm xét nghiệm để kiểm tra xem có mắc bệnh hay không, Bộ trưởng Y tế vừa thông báo.

    Ông Matt Hancock nói thêm rằng chính phủ đã tuyển dụng 21.000 nhân viên làm việc cho hệ thống truy tìm, được thiết kế để lần theo dấu những người đã tiếp xúc với bệnh nhân mắc COVID-19.

    Chương trình xét nghiệm mở rộng và hệ thống truy tìm là những phần quan trọng trong kế hoạch đưa Anh trở lại trạng thái bình thường, sau khi dịch bệnh đã giết chết ít nhất 34.000 người trên cả nước.

    covid test

    Ông Hancock nói với Hạ viện: "Tôi có thể công bố rằng mọi người dân từ năm tuổi trở lên có triệu chứng Covid-19 đều đủ điều kiện để được xét nghiệm.

    "Quy định áp dụng ở cả bốn quốc gia thuộc Vương quốc Anh kể từ bây giờ."

    Ông nói thêm: "Bây giờ chúng tôi đã có các hạ tầng cần thiết để triển khai dịch vụ kiểm tra và theo dõi quốc gia - năng lực xét nghiệm, khả năng truy tìm và công nghệ.

    "Xây dựng hệ thống này là việc vô cùng quan trọng."

    Trước đây chỉ những nhân viên thiết yếu, những người trên 65 tuổi và những người sống cùng họ mới có thể đăng ký xét nghiệm coronavirus trên trang web NHS - nếu có biểu hiện triệu chứng.

    Thủ hiến Nicola Sturgeon cũng đã tuyên bố mở rộng xét nghiệm cho bất kỳ ai từ năm tuổi trở lên có triệu chứng coronavirus ở Scotland.

    Bà nói thêm rằng đất nước có thể bắt đầu nới lỏng các biện pháp phong tỏa coronavirus từ cuối tháng Năm.

    Chính phủ Anh đã nới lỏng một số hạn chế ở Anh, nhưng vẫn cảnh giác cao trong trường hợp tốc độ lây bệnh bắt đầu tăng.

    Phố Downing hy vọng sẽ bắt đầu mở lại trường học và các bộ phận khác của nền kinh tế trong những tuần và tháng tới nếu số trường hợp dương tính tiếp tục giảm.

    Chính quyền Scotland, Wales và Bắc Ireland khẳng định họ sẽ đi theo con đường của chính họ trong quá trình nới lỏng phong tỏa.

    Thông báo của ông Hancock tại Hạ viện được đưa ra sau khi các chuyên gia y tế bổ sung thêm việc mất vị giác và khứu giác vào danh sách các triệu chứng coronavirus của NHS.

    Sự thay đổi đáng kể về khẩu vị và hương vị cũng được coi là một triệu chứng.

    Thay đổi về quy định xét nghiệm được công bố sau khi các chuyên gia lần đầu tiên nêu lên mối lo ngại rằng nhiều ca bệnh đã bị bỏ qua.

    Bất cứ ai bị các triệu chứng nên tự cách ly trong bảy ngày để giảm nguy cơ lây nhiễm.

    Bất cứ ai sống cùng người có triệu chứng cũng nên ở nhà trong 14 ngày.

    VietHome (Theo Sky News)

  • Một bé trai 8 tháng tuổi đã tử vong sau khi xuất hiện các triệu chứng viêm có liên quan đến Covid-19.

    Bé Alexander Parsons được tin là nạn nhân nhỏ tuổi nhất của chứng bệnh giống như bệnh Kawasaki, khiến tim bị sưng. Được biết, bé Alex không hề có triệu chứng bệnh tim nền. 

    Khoảng 100 trẻ em đã nhiễm bệnh này ở UK. Nguyên nhân của căn bệnh này được cho là do sự phản ứng của cơ thể với chủng coronavirus mới. 

    Căn bệnh này đã được đặt tên là PIMS-TS.

    be 8 thang kawasaki 1
    Bé Alex chào đời khỏe mạnh nhưng em đã ra đi quá sớm.

    Mẹ của bé, cô Kathryn Rowlands 29 tuổi, nói: “Tôi sẽ đau khổ cả đời. Và nhiều bậc phụ huynh nữa sẽ rơi vào tình huống giống như tôi nếu chính quyền không làm theo lời khuyên của các nhà khoa học và ngừng đánh cược mạng sống của người khác''.

    ''Những y tá bác sĩ điều trị cho con tôi đều rất tuyệt vời, nhưng nếu họ biết rõ hơn về loại Covid-Kawasaki này, có thể họ đã cứu được con tôi''. 

    Những triệu chứng đầu tiên của bé Alex là phát ban giống như bị cháy nắng, đó là những hạch bạch huyết bị sưng. Sau đó bé bị ốm nặng, tay và lòng bàn chân tấy đỏ. 

    ''Chúng tôi nghĩ con bị nhiễm một loại virus nào đó'', cô Kathryn nói. 

    ''Chúng tôi gọi 111 và họ nói có thể đó là bệnh quai bị. Khi con bắt đầu nôn ói, chúng tôi gọi lại''.

    Alex được đưa vào bệnh viện Derriford ở Plymouth vào ngày 6 tháng 4, và được chuẩn đoán mắc bệnh Kawasaki vào ngày hôm sau. Căn bệnh này thường xuất hiện ở trẻ dưới 5 tuổi, nhưng từ khi đại dịch corona tấn công châu Âu, hơn 200 trường hợp nhiễm bệnh là trẻ em dưới 14 tuổi. 

    Khi tình trạng của Alex diễn biến xấu hơn, em được chuyển lên bệnh viện nhi đồng Bristol Royal Hospital for Children. Hình ảnh chụp tim cho thấy em bị phình động mạch vành, động mạch mở rộng và bị tràn dịch. Em qua đời vào hôm sau.

    be 8 thang kawasaki 1
    Hình ảnh ngây thơ của con sẽ ở mãi trong tim chúng ta.

    ''Tôi định đặt con xuống giường nhưng con quá đau đớn'', cô Kathryn nói, ''Con chưa từng khóc như thế. Tôi ôm con và hát cho con nghe, nhưng rồi đầu con ngửa ra sau. Con mềm nhũn trên tay tôi''. 

    ''Khi họ cố hồi sức cho con, tôi đứng ở góc phòng như sợ con nghĩ tôi sẽ bỏ rơi con. Rồi tôi ra ngoài ngồi. Tôi nhìn thấy con trên giường và sự sống của con hiện trên màn hình. Tôi cứ nhìn chằm chằm hy vọng điều kỳ diệu xảy ra. Nhưng khi bác sĩ bước ra và nói một động mạch đã bị phình vỡ và họ không thể cứu sống con. Tôi như tê dại bước vào nằm cạnh con'', cô Kathryn nói trong nước mắt. 

    Đau đớn hơn, luật cách ly khiến bố của bé là anh Jon không kịp nhìn mặt con lần cuối. 

    ''Bệnh viện cách nhà chúng tôi khoảng 2 giờ rưỡi đi xe, và chỉ 1 người trong chúng tôi được ở lại cùng con. Vì thế tôi ở bên con 1 ngày và hôm sau về nhà ngủ'', anh Jon kể, ''Khi tôi chuẩn bị lên giường thì nhận được cuộc gọi kích động của Kath. Tôi không thể nghe cô ấy nói gì nên một y tá đã giữ máy và nói rằng con tôi lên cơn đau tim''. 

    Cảnh sát khu vực Devon và Cornwall bật đèn xanh hộ tống Jon đến Bristol. Nhưng quá trễ. 

    ''Tôi nhận ra đã quá trễ. Y tá đưa tôi đến căn phòng nơi Kath và Alex đang nằm đó. Tôi ôm vợ con tôi''.

    Vợ chồng anh Jon đang chờ đợi báo cáo khám nghiệm tử thi và chuẩn bị làm đám tang cho đứa con duy nhất của họ. ''Tôi muốn bật bản nhạc A Thousand Years của Chirstina Perri khi tôi hát cho con nghe'', Kathryn nói. 

    ''Con là điều tốt đẹp nhất trong cuộc đời này của tôi. Con được sinh ra là một đứa trẻ khỏe mạnh, hạnh phúc. Con là thành tựu lớn nhất cuộc đời tôi. Lẽ ra con sẽ có được tất cả trong cuộc sống. Nhưng con đã dừng lại cuộc đời mãi mãi là một đứa trẻ 8 tháng''.

    be 8 thang kawasaki 1
    Gia đình anh Jon đã từng rất hạnh phúc.

    ''Chính phủ phải tìm ra mối liên hệ giữa Covid và Kawasaki để nói cho mọi người biết thay vì cứ im lặng. Họ thật điên rồ khi muốn bọn trẻ đi học vào ngày 1 tháng Sáu. Nhiều trẻ em nữa sẽ chết'', cô Kathryn nói.

    Bài liên quan: Cậu bé đầu tiên ở Anh tử vong vì bệnh lạ nghi do biến chứng của Covid-19

    Nhiều trẻ em ở Anh nhập viện với triệu chứng viêm bí ẩn

    Viethome (theo lancs.live)

  • Giới chức cho biết một phần tư số người chết vì coronavirus tại các bệnh viện ở Anh mắc bệnh tiểu đường.

    Những người mắc chứng mất trí nhớ hoặc có các vấn đề về phổi cũng nằm trong số những người có nguy cơ tử vong cao nhất sau khi mắc COVID-19, theo số liệu mới của NHS.

    Thống kê từ NHS England cho thấy trong số 22.332 người đã chết kể từ ngày 31 tháng 3 thì 5.873 người (26%) trong số này bị tiểu đường.

    Tỷ lệ tử vong của những bệnh nhân mắc tiểu đường type 1 và type 2 vẫn chưa được công bố. Theo trang diabetes.co.uk, 6% dân số UK mắc bệnh tiểu đường.

    skynews ambulance coronvirus 4987485

    Ngoài ra, 18% số người chết sau khi có xét nghiệm dương tính với COVID-19 – tương đương 4.048 trường hợp tử vong - mắc chứng mất trí và 15% (3.254 trường hợp tử vong) mắc bệnh phổi mãn tính.

    Khoảng 14% (3.214 ca tử vong) mắc bệnh thận mãn tính.

    Đây là lần đầu tiên NHS England công bố số liệu cụ thể về số ca tử vong theo tình trạng bệnh lý nền.

    Trong khi đó, ước tính mới nhất từ ​​Văn phòng Thống kê Quốc gia cho thấy trung bình 148.000 người ở Anh bị nhiễm coronavirus tại bất kỳ thời điểm nào trong khoảng thời gian từ 27 tháng 4 đến 10 tháng 5.

    Một nghiên cứu thử nghiệm cũng cho thấy trung bình 0.27% dân số cộng đồng - tương đương 1 trên 370 người - không bao gồm nhân viên y tế và nhân viên chăm sóc - đã bị nhiễm virus trong giai đoạn này.

    Dường như có rất ít sự khác biệt trong tỷ lệ những người trẻ tuổi và người già mắc COVID-19, mặc dù các báo cáo cho rằng người cao tuổi dễ bị nhiễm virus hơn.

    Trong nghiên cứu, tỷ lệ phần trăm dương tính với COVID-19 được chia theo độ tuổi là: 2-19 tuổi: 0.32%; 20-40 tuổi: 0.26%; 50 đến 69 tuổi: 0.32%; 70 tuổi trở lên: 0.23%.

    Trong số những người làm việc với vai trò chăm sóc y tế và chăm sóc xã hội tiếp xúc trực tiếp với bệnh nhân, 1.33% cho kết quả dương tính.

    Giáo sư Partha Kar, cố vấn chuyên khoa quốc gia về bệnh tiểu đường cho NHS, nói: "Rõ ràng là những người mắc bệnh tiểu đường có nhiều nguy cơ tử vong vì COVID-19.

    "Và phân tích chi tiết hơn hiện đang được tiến hành để hiểu mối liên kết giữa hai căn bệnh mặc dù những phát hiện ban đầu cho thấy nguy cơ ở những người dưới 40 tuổi vẫn tương đối thấp.

    "NHS đã áp dụng các biện pháp bổ sung để những người mắc bệnh tiểu đường có thể kiểm soát tình trạng của họ tốt hơn trong đại dịch, bao gồm một loạt các dịch vụ trực tuyến, tư vấn video với đội ngũ phòng khám địa phương và một đường dây trợ giúp dành riêng cho những người cần tư vấn."

    VietHome (Theo Sky News)

  • Chính phủ đã kêu gọi người dân cả nước đeo khẩu trang ở một số địa điểm công cộng nhất định, nhưng không phải ai cũng được khuyên nên làm như vậy.

    Mặc dù đeo khẩu trang sẽ không bảo vệ được bản thân bạn, nhưng nó sẽ giúp bảo vệ những người khác mà bạn tiếp xúc gần trong trường hợp bạn bị nhiễm bệnh mà không nhận ra.

    Hướng dẫn chính thức hiện tại nêu rõ: "Nếu có thể, hãy che mặt khi ở trong không gian kín, nơi không thể giữ khoảng cách xã hội và nơi bạn sẽ tiếp xúc với những người bạn thường không gặp.

    "Lời khuyên này có ích nhất khi bạn ở những khu vực kín, đông người trong một thời gian ngắn, ví dụ, trên phương tiện giao thông công cộng hoặc trong một số cửa hàng."

    Người London đang được khuyến khích đeo khẩu trang trên phương tiện giao thông công cộng, trong đó TfL nhấn mạnh những người phải tiếp tục đi làm bằng xe buýt, tàu hoặc tàu điện ngầm cần che mặt, mang theo chất khử trùng tay, rửa tay trước và sau khi đi trên tàu xe và duy trì khoảng cách hai mét nếu có thể.

    0 JS211543901

    Trong khi hầu hết người dân có thể đeo khẩu trang một cách an toàn, một số người được khuyên không nên che mặt.

    Chính phủ Anh nói gì?

    Hướng dẫn của chính phủ hiện quy định những người cảm thấy khó khăn khi đeo khẩu trang không nên làm việc này. Các đối tượng này bao gôm:

    • Trẻ em dưới hai tuổi
    • Trẻ em trong độ tuổi tiểu học không biết sử dụng khẩu trang nếu không có người giúp
    • Những người bị khó thở khi đeo khẩu trang

    Hướng dẫn của chính phủ hiện quy định rằng không cần phải đeo khẩu trang trong các trường hợp:

    • Ở ngoài trời
    • Trong khi tập thể dục
    • Ở trường
    • Tại nơi làm việc như văn phòng và cửa hàng bán lẻ

    Tổ chức Y tế Thế giới nói gì?

    Theo Tổ chức Y tế Thế giới, "nếu bạn khỏe mạnh, bạn chỉ cần đeo khẩu trang nếu bạn đang chăm sóc một người mắc bệnh Covid-19".

    Tổ chức khuyên bạn nên đeo khẩu trang nếu bạn đang bị ho hoặc hắt hơi.

    Hướng dẫn của WHO nêu rõ: "Khẩu trang chỉ có hiệu quả khi được sử dụng kết hợp với việc rửa tay thường xuyên bằng cồn hoặc xà phòng và nước sạch.

    "Nếu bạn đeo khẩu trang, bạn cần phải biết cách sử dụng và vứt nó đúng cách."

    Nếu bạn chọn đeo khẩu trang

    Đối với những người chọn đeo khẩu trang, điều quan trọng cần nhớ là khẩu trang không thay thế biện pháp giữ khoảng cách xã hội.

    Vệ sinh tay cũng cực kỳ quan trọng, vì các giọt bắn có thể dính từ các bề mặt khi bạn chạm và đưa tay lên mặt. Hãy chắc chắn sử dụng khẩu trang đúng cách, và rửa tay trước khi đeo và tháo chúng ra.

    Những người có triệu chứng Covid-19 cũng như các thành viên trong gia đình họ vẫn cần phải cách ly. Đeo khẩu trang không thay đổi điều này.

    Bạn không nên mua khẩu trang phẫu thuật hay mặt nạ phòng độc, vì chúng phải được ưu tiên cho người lao động có nguy cơ cao hơn.

    Giáo sư Chris Whitty, Giám đốc Y khoa cho biết: "Đeo khẩu trang là một biện pháp phòng ngừa bổ sung có thể có một số lợi ích trong việc giảm khả năng lây nhiễm.

    "Các biện pháp hiệu quả nhất để ngăn chặn sự lây lan của virus này vẫn là tuân theo các quy tắc giãn cách xã hội và rửa tay thường xuyên. Nó cũng không thể thay thế yêu cầu tự cách ly nếu bạn có triệu chứng."

    VietHome (Theo My London)

  • Các nhà nghiên cứu Anh cho biết nhiều bệnh nhân Covid-19 có triệu chứng lạ và kéo dài đến vài tháng, cho thấy còn nhiều điều bí ẩn chưa được khám phá về căn bệnh mới này.

    Vào giữa tháng 3, Paul Garner cứ nghĩ ông bị ho nhẹ. Là một giáo sư về bệnh truyền nhiễm tại Trường Y học Nhiệt đới Liverpool, ngày hôm đó ông đã thảo luận về dịch Covid-19 với David Nabarro, đặc phái viên của Vương quốc Anh về đại dịch. Khi kết thúc cuộc gọi trực tuyến, ông Nabarro khuyên ông Garner nên ngay lập tức về nhà và tự cách ly.

    Vị giáo sư đã nghe theo lời khuyên của ông Nabarro dù ông cảm thấy "chỉ hơi mệt một chút", theo Guardian.

    Nhiều ngày sau đó, ông có những biểu hiện kỳ lạ. Người đau nhức "như bị ai đánh", đầu đau như búa bổ. "Những triệu chứng rất kỳ cục", ông nói. Ngoài ra, giáo sư Garner còn bị mất khứu giác, tức ngực và tim đập nhanh. Đã có lúc ông nghĩ rằng mình sắp chết. Ông cố gắng lên mạng tra cứu triệu chứng của bệnh viêm cơ tim, nhưng ông quá mệt đến nỗi không thể sử dụng máy tính.

    Hàng loạt triệu chứng kỳ lạ

    Giáo sư Garner gượng gạo thừa nhận mình là thành viên của "nhóm miễn dịch bầy đàn". Đây là cụm bệnh nhân đã nhiễm Covid-19 trước khi Anh tuyên bố phong tỏa. Ông cho rằng bệnh tình của mình sẽ chóng khỏi. Tuy nhiên, tình trạng của ông trở nên tồi tệ hơn, sức khỏe giảm sút rõ rệt, tinh thần lao dốc và cơ thể hoàn toàn kiệt sức.

    0 trieu chung la covid 1
    Nhiều bệnh nhân Covid-19 có triệu chứng lạ và thời gian biểu hiện triệu chứng kéo dài. Ảnh: AFP.

    Ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy virus corona chủng mới gây ra một loạt các triệu chứng nặng hơn nhiều so với trước đây. Thời gian biểu hiện triệu chứng cũng có thể dài hơn khiến người bệnh rất khổ sở. Trong trường hợp của giáo sư Garner là 7 tuần.

    Giáo sư tại Trường Y học Nhiệt đới Liverpool cho biết từ kinh nghiệm của mình, ông nhận thấy mỗi ngày Covid-19 lại có thêm triệu chứng mới. Ông bị đau đầu, đau bụng, ù tai, khó thở, chóng mặt và viêm khớp ở tay. Mỗi lần ông Garner nghĩ rằng mình đã đỡ hơn thì sau đó bệnh lại trở nặng hơn.

    "Rất tuyệt vọng. Nhiều người bắt đầu nghi ngờ chính bản thân mình. Người thân thiết của bệnh nhân thậm chí còn bắt đầu tự hỏi là người bệnh liệu có vấn đề tâm lý hay không", ông viết trên tạp chí British Medical Journal.

    Kể từ khi bài viết được xuất bản, giáo sư Garner đã nhận được email và những cuộc điện thoại đẫm nước mắt từ những độc giả. Họ biết ơn ông vì họ cứ nghĩ rằng họ đang phát điên.

    "Tôi là người làm trong lĩnh vực sức khỏe cộng đồng. Virus chắc chắn gây ra nhiều thay đổi đối với hệ miễn dịch trong cơ thể, rất nhiều bệnh lý kỳ lạ mà chúng ta chưa hiểu. Đây là một căn bệnh mới lạ, và nguy hiểm. Sách giáo khoa chưa hề đề cập đến những điều này", ông nói.

    Theo nghiên cứu mới nhất, khoảng 1/20 bệnh nhân Covid-19 có biểu hiện triệu chứng thất thường trong thời gian dài. Thời gian dài ở đây có thể là hai tháng, ba tháng hoặc lâu hơn. Theo ông Garner, triệu chứng có thể rất giống sốt xuất huyết.

    0 trieu chung la covid 1
    Bệnh viện Đại học King ở phía nam thủ đô London được mở rộng quy mô để chữa trị bệnh nhân Covid-19. Ảnh: Getty.

    Covid-19 là "bệnh đa hệ thống"?

    Giáo sư Tim Spector, thuộc Đại học King ở London, ước tính rằng một số lượng đáng kể bệnh nhân nhiễm phải virus corona chủng mới dạng "đuôi dài". Theo ông Spector, khoảng 200.000 bệnh nhân được ghi nhận có triệu chứng kéo dài trong suốt thời gian nghiên cứu, khoảng 6 tuần.

    Cho đến nay, chính phủ không thu thập thông tin về những ca bệnh nhẹ lây nhiễm trong cộng đồng, nhưng họ thường biểu hiện các triệu chứng "suy nhược".

    "Những người này có thể sẽ quay trở lại làm việc nhưng không thể làm việc hết sức được. Nhiều vấn đề của Covid-19 đã bị bỏ qua vì mọi người nghĩ rằng 'nếu vẫn chưa chết thì bạn vẫn ổn'", ông Spector nói.

    "Chúng tôi là quốc gia phát minh ra dịch tễ học. Chúng tôi đã tạo ra mọi loại nghiên cứu dịch tễ học, nhưng không ứng dụng được. Thật xấu hổ", ông nói thêm.

    Nhiều bệnh nhân Covid không bị sốt và ho. Thay vào đó họ bị đau cơ, đau họng và đau đầu. Ứng dụng do nhóm nghiên cứu của giáo sư Spector phát minh đã theo dõi 15 loại triệu chứng khác nhau. "Tôi đã nghiên cứu 100 loại bệnh. Covid-19 là bệnh kỳ lạ nhất trong sự nghiệp nghiên cứu y học của tôi", ông Spector cho biết.

    Hiện mới chỉ có thông tin khoa học đơn giản cho Covid-19. Lynne Turner-Stokes, giáo sư tại Đại học King, cho biết Covid-19 là "bệnh đa hệ thống" có khả năng ảnh hưởng đến bất kỳ cơ quan nào. Nó gây ra các vấn đề vi mạch và cục máu đông. Phổi, não, da, thận và hệ thần kinh có thể bị ảnh hưởng. Các triệu chứng thần kinh có thể nhẹ (nhức đầu) hoặc nghiêm trọng (nhầm lẫn, mê sảng, hôn mê).

    0 trieu chung la covid 1
    Trung tâm triển lãm và hội nghị quốc tế Excel London biến thành bệnh viện dã chiến chống Covid-19. Ảnh: AP.

    Giáo sư Turner-Stokes cho rằng hiện vẫn chưa rõ tại sao căn bệnh này đôi khi lại kéo dài như vậy. Một giả thuyết là khi nhiễm bệnh, hệ thống miễn dịch cơ thể của bệnh nhân rơi vào tình trạng quá tải. Một giả thuyết khác là những triệu chứng đó do virus gây ra.

    Các nhà nghiên cứu từ nhiều quốc gia đang hợp tác với nhau để nghiên cứu dữ liệu mới nhất từ ​​các nước châu Âu bùng phát dịch trước Vương quốc Anh, như Italy và Tây Ban Nha, cũng như Trung Quốc. Họ đang nỗ lực tìm ra biện pháp hỗ trợ cho bệnh nhân có triệu chứng nặng hay mắc bệnh nền. Giờ đây, Covid-19 đang đặt ra thách thức tương tự như HIV/AIDS trong quá khứ.

    Trong khi đó, những người nhiễm Covid-19 có biểu hiện triệu chứng trong thời gian dài đang so sánh tình trạng bệnh của mình thông qua một nhóm hỗ trợ trực tuyến. Người bệnh có thể trao đổi trong nhóm chat và hầu hết họ đều cảm thấy nhẹ nhõm khi nhận ra nhiều người khác cũng ở trong tình trạng bệnh nặng tương tự, có nghĩa họ không tự tưởng tượng ra bệnh của mình.

    Zing (theo Guardian)

  • Sau khi tiếp nhận và điều trị khỏi cho một nam bệnh nhân lớn tuổi bị nhiễm COVID-19, vị bác sĩ này mới bất ngờ khi nhận ra danh tính của ông.

    Bác sĩ Shakil Rahman là một chuyên gia về bệnh đường hô hấp, đang làm việc tại Bệnh viện Đại học Epsom and St Helier, nước Anh. Từ sau khi đại dịch COVID-19 bùng phát, công việc của bác sĩ Shakil lại càng bận rộn hơn. Ông cùng các đồng nghiệp của mình không có giờ phút nào được nghỉ ngơi mà luôn phải túc trực tại khu cách ly để cứu chữa cho người bệnh. Và mới đây, vị bác sĩ này đã nhận được một điều vô cùng bất ngờ.

    o hien gap lanh 1
    Bác sĩ Shakil vừa bất ngờ vừa hạnh phúc khi chữa khỏi bệnh cho người đã từng cứu mình.

    Ngày 5/5 vừa qua, bác sĩ Shakil đã tiếp nhận một ca bệnh. Đó là một bệnh nhân nam lớn tuổi, bị nhiễm COVID-19 và có bệnh lý nền viêm phổi. Bác sĩ Shakil được giao nhiệm vụ điều trị cho nam bệnh nhân này và sau 10 ngày, bệnh tình của ông đã thuyên giảm. Sau những cuộc kiểm tra và xét nghiệm để xác nhận không còn virus trong người, nam bệnh nhân này đã được xuất viện. 

    Tuy nhiên trong quá trình điều trị, bác sĩ Shakil đã nhận ra một điều vô cùng bất ngờ, có thể nói là định mệnh đối với ông. Hóa ra, nam bệnh nhân mà bác sĩ Shakil chữa trị cũng từng là một bác sĩ. Ông tên là Venkatachalam Chandrasekaran, thường được gọi với cái tên Chandra, là một cựu bác sĩ phẫu thuật tim từng làm việc tại Bệnh viện St George ở thành phố London, nước Anh.

    Năm 1999, ông Shakil được đưa vào bệnh viện trong tình trạng tắc nghẽn động mạch đột ngột, suýt nữa là mất mạng nếu không gặp được vị bác sĩ tài giỏi Chandra. Ông Chandra đã tiến hành cuộc phẫu thuật bắc cầu động mạch xâm lấn tối thiểu để cứu sống ông Shakil. Chẳng ai có thể ngờ 21 năm sau, ông Shakil lại trở thành một bác sĩ và cứu sống ngược lại vị ân nhân đã từng chữa trị cho mình.

    o hien gap lanh 1
    Bác sĩ Shakil (áo xanh) vui mừng khi bệnh nhân của mình được xuất viện.

    Hai vị bác sĩ đã vô cùng bất ngờ khi nhận ra nhau. Nhờ sự giúp đỡ kịp thời của bác sĩ Shakil, ông Chandra mới nhanh khỏe mạnh. Vào ngày ông Chandra được xuất viện, bác sĩ Shakil đã vô cùng vui mừng và hạnh phúc vì được trả ơn cho vị ân nhân của mình.

    Chia sẻ trên tờ The Standard Standard, bác sĩ Shakil nói: "Thật là một cảm giác tuyệt vời khi nhìn thấy ông Chandra rời khỏi bệnh viện sau khi được chữa khỏi COVID-19. Tôi đã từng được ông ấy cứu sống. Ông ấy là một bác sĩ cực kỳ tốt bụng, một người đàn ông nổi tiếng, một bác sĩ phẫu thuật tim với đôi bàn tay vô cùng tài năng. Thật vui mừng khi tôi và các đồng nghiệp được điều trị cho ông ấy trong giờ khắc quan trọng, giúp ông ấy khỏe lại. Ông ấy đã rời bệnh viện trong tiếng vỗ tay chúc mừng không ngớt của gia đình và các nhân viên bệnh viện".

    Theo DailyMail

  • Các nhà khoa học đang tiến hành điều tra xem những loại nước súc miệng đang có sẵn ngoài quầy có ngăn cản được virus corona sinh sôi hay không?

    Nước súc miệng có thể làm giảm sự lây lan Covid-19, cách đây vài tháng khoa học đã từng công bố điều này. Và mới đây, các nhà khoa học tiếp tục kêu gọi khẩn cấp nghiên cứu việc các loại nước súc miệng thông thường đang được bày bán, có thực sự hiệu quả trong việc giảm sự sinh sôi của virus ở giai đoạn đầu mới nhiễm hay không.

    Nghiên cứu do Đại học Cardiff dẫn đầu, phân tích xem nước súc miệng có thể phá hủy lớp màng lipid ngoài (lớp chất béo) bao bọc virus hay không, và từ đó khiến chúng ngừng hoạt động.

    Các nghiên cứu trước đây cho thấy nước súc miệng có chứa hàm lượng thấp ethanol, povidone-iodine (thành phần trong thuốc sát trùng), hoặc cetylpyridinium có thể xâm nhập vào lớp màng béo bao bọc virus.

    0 nuoc suc mieng

    Nghiên cứu mới nhất khẳng định rằng virus corona có thể bị ảnh hưởng tương tự, và khuyến khích các nhà khoa học nghiên cứu sâu hơn. Các bước bao gồm kiểm tra các công thức nước súc miệng đang bán trên thị trường, cũng như các công thức mới trong phòng thí nghiệm, trong các thử nghiệm lâm sàng, và kiểm tra tính hiệu quả trên người.

    Tác giả nghiên cứu, Giáo sư Valerie O'Donnell, đồng giám đốc Viện nghiên cứu Hệ miễn dịch của Đại học Cardiff, cho biết: ''Việc sử dụng nước súc miệng - cũng như ăn tỏi - trước giờ không được các cơ quan y tế ở Anh khuyến khích''.

    ''Trong phòng thí nghiệm, một số loại nước súc miệng có chứa vừa đủ các thành phần diệt virus có thể tấn công lớp màng lipid bao bọc chúng. Tuy nhiên, chúng ta chưa biết liệu các thành phần này có tác động được tớp lớp màng bao bọc virus SARS-CoV-2 hay không''.

    Giáo sư O'Donnell khuyên người dân tiếp tục tuân thủ các biện pháp cách ly và giữ vệ sinh do chính phủ hướng dẫn, bao gồm rửa tay thường xuyên và giãn cách xã hội. Bà cũng nhấn mạnh là tính hiệu quả của nước súc miệng mới được chứng minh về mặt lý thuyết, và cần khảo sát nhiều hơn. 

    Tuyên bố này vừa được đăng trên tờ Function, do Trường Dược của Đại học Cardiff và các đại học Nottingham, Colorado, Ottawa, Barcelona và Viện Babraham của Đại học Cambridge tiến hành. 

    Một nghiên cứu trong phòng thí nghiệm gần đây của Đức, do một nhà sản xuất dung dịch súc miệng Povidone-iodin tài trợ, đã cho thấy, giải pháp súc miệng có thể loại bỏ hơn 99% các chủng virus corona gây bệnh SARS và MERS - họ hàng rất gần với virus SARS-CoV-2 gây bệnh Covid-19 hiện nay.

    Trước đây, một nghiên cứu trong phòng thí nghiệm của Nhật Bản cũng đã chứng minh rằng, các sản phẩm có  Povidone-iodin vượt trội hơn các loại thuốc sát trùng thông thường khác như chlorhexidine gluconate và benzalkonium clorua, trong việc vô hiệu hóa nhiều loại virus phổ biến khác, như coxsackie, rhovovirus, adenovirus, rotavirus. Tuy nhiên, các thử nghiệm lâm sàng ở người sẽ vẫn rất cần thiết để xác định mức độ phù hợp đối với bệnh nhân.

    Từ Anh, một nghiên cứu lâm sàng gần đây trên 66 bệnh nhân đã cho thấy hiệu quả rất đáng quan tâm, việc sử dụng dung dịch muối tự chế để rửa mũi và súc miệng đã làm giảm đáng kể tỷ lệ mắc cúm và cảm lạnh. Dung dịch súc miệng trong nghiên cứu gồm 1 muỗng cà phê muối hòa tan trong một cốc nước để tạo ra dung dịch muối xấp xỉ 3%, súc miệng 6 lần một ngày.

    Một nghiên cứu khác trong phòng thí nghiệm của cùng một nhóm các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra cơ chế hoạt động tiềm năng của dung dịch muối. Theo đó, các tế bào ở cổ họng đã lấy thêm clo từ dung dịch muối để tạo ra một hợp chất có đặc tính kháng virus khá hữu hiệu.

    Các nghiên cứu nhỏ khác đã đề xuất phương pháp phòng chống virus bằng súc miệng với trà xanh hoặc dung dịch chứa catechin, hoạt chất của trà xanh hoặc với giấm táo. Những nghiên cứu này đã được thực hiện trong phòng thí nghiệm, tuy nhiên vẫn chưa rõ sự liên quan về lâm sàng đối với bệnh nhân và hiện cũng chưa có nghiên cứu cụ thể nào đối với việc kháng virus corona. 

    Viethome (theo Sky News)