Phi công người Anh và 'chuyến bay' đặc biệt từ cõi chết

Vài ngày trước, bệnh nhân 91 phi công người Anh đã nhận được quà từ quê hương: chiếc khăn có ghi tên đội bóng mà anh yêu thích. Tên người nhận trên bưu phẩm từ Anh chỉ ghi chữ 'bệnh nhân 91', anh phi công đã nổi tiếng cả ở Anh quốc.

benh nhan 91 hoi phuc
Ông Lương Ngọc Khuê (bên phải) và bệnh nhân 91 cùng nâng chiếc khăn mới được gửi từ Anh sang cho anh ngày 16-6 - Ảnh: THÚY ANH

Theo ông Lương Ngọc Khuê - cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh, hiện phổi bệnh nhân 91 đã hồi phục được 90%, thận, tim, gan, men tụy hồi phục như bình thường. Tay anh đã sử dụng được như bình thường, đã dùng được điện thoại di động từ 1 tuần nay, chân đã hồi phục được 4/5.

"Với những thông số này, tôi cho rằng bệnh nhân không cần phải ghép phổi" - ông Khuê nói.

Ông Khuê cũng cho biết ngày 16-6, ông đã có cuộc trò chuyện dài với bệnh nhân. "Anh ấy đã nói rất nhiều, cảm ơn các y bác sĩ Việt Nam đã chăm sóc anh ấy tận tình những ngày qua. Anh ấy có đủ bảo hiểm để chi trả phí điều trị, nhưng vấn đề ở chỗ các y bác sĩ đã chăm sóc rất tốt từ khi bảo hiểm còn chưa chi trả" - ông Khuê cho hay.

Bệnh nhân 91 nhập viện ngày 18-3, nhưng anh bắt đầu có biểu hiện sốt từ 17-3. Vừa đến làm việc tại mảnh đất hình chữ S, với anh, Việt Nam là đất nước xa lạ. Ngay những ngày đầu tiên vào viện, anh đã ăn ít, thở khó và bệnh chuyển nặng nhanh chóng, trở thành bệnh nhân nặng nhất mùa dịch.

"Ngày 5-4, bệnh nhân được cho thở máy xâm lấn, từ 6-4 bắt đầu sử dụng thiết bị tim phổi ngoài cơ thể - ECMO, nhưng hơn 1 tháng sau đó diễn biến vẫn rất xấu, phổi đông đặc dần, ngày 13-5 cả hai phổi xơ hóa, chỉ còn 10% hoạt động. Bệnh nhân cũng nhiễm loại vi khuẩn gây viêm phổi khó điều trị, nhiễm nấm, rối loạn đông máu. Chúng tôi đã tổ chức hội chẩn 3 miền và phương án ghép phổi cho bệnh nhân đã được tính đến" - ông Khuê cho biết.

Có 59 người đăng ký tình nguyện hiến tặng một phần phổi cho bệnh nhân 91, họ từ 21-76 tuổi, đều mong muốn có thể cứu được anh. Nhưng phi công người Anh với thể trạng cao 1m80 và nặng 100kg trước khi bị bệnh, nếu ghép phổi cần phải ghép cả 2 lá, tức là nếu ghép phổi từ người hiến còn sống thì cần tới 2 người hiến tặng. Phương án ghép phổi từ người cho chết não được ưu tiên, bên cạnh đó có thể phải ghép cả thận.

Thật may mắn những phương pháp điều trị mà hội đồng chuyên môn đưa ra đều phát huy hiệu quả. Tổng cộng đã có 4 phiên hội chẩn liên viện 3 miền tính từ giữa tháng 5 đến nay. Ngày 18-5, kết quả chụp phổi cho thấy phổi bệnh nhân bắt đầu hồi phục 20-30%, ngày 22-5 bệnh nhân được chuyển sang Bệnh viện Chợ Rẫy. 

Từ ngày 22-5, tình trạng bệnh nhân đã tốt dần lên, 25-5 được ngưng lọc máu toàn bộ, 27-5 có dấu hiệu tỉnh dần, 29-5 thông khí phổi tăng lên 40%, 2-6 thực hiện được y lệnh của bác sĩ: cầm ly uống nước, xoay đầu, sau đó là hàng loạt tiến bộ như 3-6 mỉm cười lần đầu tiên, tỉnh táo hoàn toàn.

Ngày 4-6, bệnh nhân ngưng được ECMO và 9 ngày sau đó ngưng được thở máy dù bác sĩ đã dự đoán bệnh nhân phải mất nhiều ngày mới cai được máy thở. Ngày 15-6, bệnh nhân bắt đầu đứng được và tập đi với sự hướng dẫn của bác sĩ.

"Một tháng trước chúng tôi không dám nghĩ đến kết quả này, vẫn dự đoán rằng bệnh nhân chỉ có thể tốt lên nếu can thiệp ngoại khoa, vì phổi bệnh nhân khi đó đã xơ hóa và là ổ vi khuẩn, nhưng giờ bệnh nhân đã hồi phục, chỉ còn chờ tập luyện để đi lại trở lại. Tôi có nói với bệnh nhân mức độ hồi phục phụ thuộc vào chính bệnh nhân, vào việc tập luyện và tuân thủ y lệnh của thầy thuốc. Nếu tích cực, bệnh nhân có thể trở lại buồng lái và bầu trời" - ông Khuê dự đoán.

Ngày mai 18-6 là tròn 3 tháng bệnh nhân 91 vào điều trị tại bệnh viện. 3 tháng dài với buồng bệnh, với kim tiêm, máy thở, máy hỗ trợ tim phổi ngoài cơ thể, với những y bác sĩ mặc trang phục bảo hộ màu xanh... có lúc tưởng như bệnh nhân sẽ khó có thể tỉnh lại.

Nếu mắc bệnh ở quốc gia khác có đông bệnh nhân hơn, bệnh nhân 91 có thể sẽ gặp khó khăn, nhưng ở Việt Nam, nơi đến nay chỉ có 335 bệnh nhân, người Việt và y bác sĩ Việt đã nỗ lực hết sức mình để đưa anh phi công từ cõi chết trở về. 

Bệnh nhân đã đi một chuyến bay đặc biệt của cuộc đời mình, và anh đã hạ cánh an toàn. Giờ anh đang chờ ngày trở lại quê hương, và buồng lái, bầu trời...

Bệnh nhân 91 phi công người Anh

Ngày 18-3: nhập viện Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM

25-3: Bắt đầu thở oxy qua mặt nạ

5-4: Thở máy xâm lấn

6-4: Bắt đầu sử dụng ECMO

13-5: Cả hai phổi xơ hóa, chỉ còn 10% hoạt động

18-5: Phổi bắt đầu phục hồi

22-5: Chuyển sang Bệnh viện Chợ Rẫy

27-5: Có dấu hiệu tỉnh

2-6: Bắt đầu thực hiện được y lệnh của bác sĩ

4-6: Ngưng dùng ECMO

9-6: Tự ngồi dậy được

13-6: Ngưng thở máy, tự thở hoàn toàn trong 24 giờ

15-6: Bắt đầu đứng được và tập đi

Theo Tuổi Trẻ