• Thủ tướng Anh Boris Johnson tuyên bố rằng “không đảm bảo” là chúng ta sẽ tìm thấy vaccine ngừa COVID-19.

    “Tôi thấy những gì đang diễn ra tại Oxford để phát triển vaccine là một điều đáng khích lệ, tuy nhiên, không có gì đảm bảo cho điều này. Tôi tin là mình đúng vì sau 18 năm xảy ra dịch SARS chúng ta vẫn chưa có vaccine ngừa dịch bệnh này. Những gì tôi có thể nói là Anh luôn đi đầu trong các hoạt động quốc tế để cố gắng cung cấp vaccine” - tờ Metro dẫn lại lời Thủ tướng Boris Johnson phát biểu tại cuộc họp trên phố Downing vào tối ngày 11.5.

    boris johnson vaccine 8

    Ngoài ra, Thủ tướng thông tin chính phủ đã đầu tư một khoản tiền lớn để tìm kiếm một loại vaccine ngừa COVID-19. Nước Anh cam kết sẽ giải quyết thông minh, linh hoạt hơn không chỉ trong dịch bệnh này mà còn cả dịch bệnh khác trong tương lai.

    Cố vấn y tế trưởng của chính phủ Anh, ông Patrick Vallance, nhấn mạnh thêm rằng không bao giờ có thể đảm bảo được việc tìm ra vaccine ngừa COVID-19. Ông cho biết, các chương trình trị liệu, phát triển thuốc đang được tiến hành và sẽ rất ngạc nhiên nếu như kết thúc quá trình này mà không gặt hái được điều gì.

    Oxford hiện đang thử nghiệm một loại vaccine và một công ty dược phẩm sẵn sàng sản xuất hàng loạt liều vaccine nếu được cấp phép.

    Theo SCMP, viện Serum Ấn Độ hiện là đối tác duy nhất của Đại học Oxford, Anh trong sản xuất vaccine ngừa Covid-19 và hiện là nhà sản xuất vaccine lớn nhất thế giới.

    Hôm 28.4, viện Serum Ấn Độ thông báo sản xuất tới 60 triệu liều vaccine ngừa Covid-19 tiềm năng do Đại học Oxford phát triển.

    Serum quyết định sản xuất đại trà vaccine ngay khi thử nghiệm trên động vật cho kết quả thành công và thử nghiệm trên người cũng khá tích cực, giám đốc Serum, Adar Poonawalla nói.

    Ở thời điểm điểm hiện tại, vaccine đang được thử nghiệm trên 100 tình nguyện viên và dự kiến sẽ cho kết quả cuối cùng vào tháng 9 năm nay. Poonawalla hi vọng thử nghiệm vaccine sẽ có kết quả thành công.

    Nếu mọi chuyện suôn sẻ, công ty sẽ mở rộng sản xuất vaccine ngừa Covid-19, đạt sản lượng tới 400 triệu liều vào năm sau.

    Mỗi liều vaccine ước tính có giá khoảng 14,7 USD. Ở thời điểm hiện tại, Serum có năng lực sản xuất 3-5 triệu liều vaccine ngừa Covid-19 mỗi tháng, tiêu tốn khoảng 5 triệu USD. 

    Theo Sky News

  • Chloe Nguyen và chồng cùng mắc Covid-19. Cô bị nhẹ còn chồng phải thở máy. Và đó là khi Chloe chạy đua tìm cách cứu mạng chồng trong tuyệt vọng.

    Chuỗi hạt bình an treo trên kính chiếu hậu của Chloe Nguyen lắc lư khi cô rời khỏi xa lộ I-15 ở Lake Elsinore, California (Mỹ) hướng đến một trung tâm xét nghiệm Covid-19 ở sân vận động Diamond. Các nhân viên y tế đứng trước những dãy lều trắng, mặc trang phục phòng hộ kín mít, trong khi những chiếc xe xếp hàng, vào ngày 16/4.

    Chloe tắt nhạc những bài hát tiếng Việt. Cô dí sát giấy phép lái xe vào cửa kính xe để người bên ngoài có thể ghi tên cô. Chloe biết thủ tục vì đã 2 lần trải qua quá trình này và cả hai lần đều cho kết quả dương tính.

    Cách đó 65 km, Ted Le, 32 tuổi, chồng cô đang phải thở máy. Anh bất tỉnh trong phòng chăm sóc đặc biệt tại Bệnh viện thung lũng Pomona, hạt Los Angeles kể từ 24/3. Không được vào giường bệnh, Chloe đã 24 ngày chưa chạm vào chồng.

    Từ đầu tháng tư, Chloe đã bắt đầu đọc liệu pháp dùng huyết tương của bệnh nhân Covid-19 đã hồi phục để cứu người bệnh nặng. Trên khắp đất nước, các bệnh viện và ngân hàng máu kêu gọi người hồi phục hiến huyết tương.

    Không đủ huyết tương cho tất cả các bệnh nhân vì có những người tái dương tính. Những người đã khỏi bệnh như Chloe muốn hiến huyết tương phải chờ đợi hoặc bị từ chối vì không đáp ứng các điều kiện, trong khi có những người không thể quyên góp vì chưa đủ tạo ra kháng thể. Quy định cũng không cho phép người đồng tính nam tặng huyết tương.

    Ở thời điểm này, các triệu chứng của Chloe từ sốt, sổ mũi, mệt mỏi, mất vị giác... đã chấm dứt. Cô đã dương tính 19 ngày trước, có nghĩa chỉ cần 9 ngày nữa có thể hiến huyết tương. Nhưng nhờ kết quả âm tính này, cô có thể quyên góp sớm hơn để cứu chồng.

    anh Ted Le Covid
    Chloe, chồng và con trai hơn 2 tuổi. Ảnh: The Atlantic.

    Chỉ một ngày trước xét nghiệm lần 3 của Chloe, Bệnh viện Pomona được phép dùng huyết tương điều trị, chỉ có điều họ chưa có một người hiến nào khả thi. Thực tế có nhiều người hồi phục đã đăng ký, song các trung tâm máu vẫn đang rà soát những người đủ điều kiện, sau đó mới thiết lập cuộc hẹn với họ. Chloe cũng đăng lời cầu xin lên các mạng truyền thông xã hội, kêu gọi những người đã dương tính một tháng trở lại đây giúp đỡ chồng mình.

    Khi Chloe dừng trước một nhân viên y tế trong bãi đậu xe sân vận động Diamond, cô hạ cửa và tháo khẩu trang. "Ok, ngửa cổ bạn ra phía sau", nhân viên y tế nói. "Tôi sẽ đặt nó vào mũi, xoay tròn khoảng 5 lần. Sẽ khó chịu một chút". 

    Chloe ngửa cổ ra phía sau, dây an toàn vẫn đeo ngang ngực. "Thở bằng miệng bạn". Cằm Chloe há miệng. Cô cau mày. "Một, hai, ba, bốn. Bạn làm đúng rồi đó", nhân viên y tế nói.

    Đôi mắt Chloe ươn ướt. Cô đặt tay lên vô lăng, khẩu trang lủng lẳng bên tai trái.
    "Bạn sẽ nhận được một cuộc gọi nếu dương tính. Một email nếu âm tính". Sẽ mất từ 3-10 ngày mới có kết quả. Chloe không biết chồng mình có sống được tới lúc đó không.

    Chloe luôn nghĩ chồng mình không thể bị Covid-19 đánh bại. Anh không có vấn đề sức khỏe nào, không hút thuốc, không nghiện thứ gì. Vào ngày 17/3, khi Ted, làm trong một tiệm nail trở về nhà, anh bị sổ mũi. Tối đó anh sốt 38,5 độ. Sáng hôm sau sốt lên 39,5 độ.

    Ted, còn làm thêm nghề chạy taxi công nghệ và thợ xăm. Anh không muốn tới bệnh viện vì bảo hiểm đã hết hạn. Bốn ngày trôi qua, anh nằm trên giường rên rỉ vì đau nhức cơ thể và đau đầu khủng khiếp, đôi mắt đỏ ngầu. Chloe năn nỉ chồng đi bác sĩ. Đến ngày 23/3, Ted hầu như không thể đi bộ hay ăn uống. Anh mất vị giác, khó thở.

    Chloe thuyết phục không ngừng, cuối cùng Ted cũng đồng ý. Cô chở chồng đến Bệnh viện Pomona, nơi cô đang làm việc ca đêm như một thư ký sắp xếp lịch hẹn cho bác sĩ. Cô thả chồng trước phòng cấp cứu. Những người thường không được phép vào khu vực có bệnh nhân nghi ngờ hoặc được xác nhận Covid-19.

    "Nhắn tin cho em. Cho em biết khi họ khám xong", cô nói với chồng. Cô không nghĩ anh phải ở đây lâu.

    "Họ đã lấy 20 ống máu'", anh nhắn vài giờ sau khi nhập viện, gửi một bức ảnh đeo khẩu trang.

    Một ngày sau Ted nhắn cho vợ: "Họ sẽ chuyển anh vào phòng cấp cứu". Đây là tin nhắn cuối cùng cô nhận trước khi chồng đặt nội khí quản.

    Cùng ngày hôm đó Chloe lái xe đến địa điểm xét nghiệm ở hồ Alsinore lần đầu tiên, cùng với cha mẹ cô và con trai Kendrick. Không ai trong số họ có triệu chứng, nhưng Chloe muốn tất cả được kiểm tra. Vợ chồng cô sống cùng nhà với bố mẹ cô. Kết quả cho thấy Chloe và người cha 74 tuổi dương tính. Từ hôm đó, mẹ của Chloe dẫn theo cháu sang nhà mẹ của Ted.

    Các triệu chứng của Chloe mãi 5 ngày sau mới xuất hiện và rất nhẹ, hầu như không ho và đau họng. Cha cô cũng tương tự. Nếu không phải vì mức độ của Ted nặng, có lẽ họ không bao giờ đi xét nghiệm hoặc nhận ra mình nhiễm virus này.

    Ngày qua ngày trôi qua trong thời gian tự cách ly tại nhà, Chloe lướt mạng và chờ điện thoại từ y bác sĩ. Ông chủ của cô đã bỏ mật ong, trà, yến mạch, cam, giấy vệ sinh trước nhà cho Chloe. Chị dâu cô nấu súp gà, bún, phở đặt trước hiên. Bên ngoài cửa sổ, cô thấy hàng xóm đang đi dạo. Cô thấy những người bán dong trong khu phố không đeo khẩu trang.

    Vào ngày 11/4, trong khi nhiều người đang chuẩn bị ăn mừng lễ Phục sinh thì Ted bị viêm phổi. Bác sĩ cập nhật thông tin hàng ngày cho Chloe qua FaceTime, khi đứng cạnh giường bệnh. "Bác sĩ không thể cho tôi hi vọng viển vông và tôi hiểu điều đó", Chloe nói.

    Cô hiểu rằng Ted sẽ là trường hợp được ưu tiên hàng đầu trong điều trị huyết tương. Bác sĩ hứa sẽ "làm mọi thứ trong khả năng để đảm bảo chồng tôi được huyết tương. Ông ấy hứa với tôi và tôi tin ông", Chloe nói.

    Chloe biết không có cách nào chắc chắn về liệu pháp này. Phức tạp hơn, Ted có nhóm máu B, còn cô nhóm máu A. Chỉ khi không có lựa chọn thích hợp thì mới thử sang nhóm máu không khớp, điều hiếm gặp nhưng không phải không thể có hiệu quả về mặt y tế. Chloe gạt đi bất đồng này. Bởi đây là điều mà cô thấy mình có một chút khả năng kiểm soát. 

    Chloe năm nay 31 tuổi. Cô sinh ra ở Việt Nam và đến Mỹ năm 2010, khi được dì bảo trợ. Ba năm sau cô gặp Ted. Họ kết hôn năm 2015.

    Hai năm sau Chloe hạ sinh Kendrick. "Con trai tôi yêu bố. Hai bố con như hình với bóng. Bất cứ lúc nào chồng tôi đi làm về, thằng bé chạy đến ôm cổ bố và bám bố cả đêm", cô kể. Mỗi tuần, Ted có một ngày nghỉ làm. Riêng Chloe, ngoài bệnh viện, cô cũng đang làm công việc thứ 2 tại một phòng khám mắt, nhiệm vụ là làm hóa đơn y tế.

    Hai lần, Kendrick thấy cha qua FaceTime của bà nội. Bố bất tỉnh với mớ dây dợ quanh mũi miệng. "Bố ơi. Bệnh viện", thằng bé hét lên sợ hãi.

    Trong một cuộc trò chuyện khác, Chloe nói với chồng: "Anh phải chiến đấu bởi vì cả nhà đang chiến đấu vì anh. Tất cả các y bác sĩ đang giúp đỡ, làm mọi thứ họ có thể. Con trai nhớ anh. Anh phải kiên trì và mạnh mẽ".

    Vào tuần Chloe có kết quả lần 3, cô là một trong 500 người hoàn thành khảo sát trực tuyến để hiến huyết tương qua Ngân hàng máu San Diego. Chỉ có 10 người trong số họ đáp ứng các tiêu chí cơ bản.

    Các cuộc hẹn lấy hiến huyết tương đang được tiến hành nhưng chưa có mẫu nào được gửi đến bệnh nhân Covid-19. Đến ngày 15/4, Hội chữ thập đỏ Mỹ, nơi Chloe cũng điền đơn hiến tặng, đã thu thập đủ huyết tương cho 80-100 bệnh nhân, trong khi có khoảng 400 bệnh nhân nguy kịch đang cần. "Chúng tôi không thể đáp ứng đủ các nhu cầu. Tôi nghĩ hầu hết các ngân hàng máu trên cả nước cũng trong tình trạng tương tự", Pampee Young, giám đốc Hội chữ thập đỏ Mỹ cho biết.

    Trong thời gian cách ly, Chloe theo dõi tin tức từng phút. Cô đăng một bài viết về xét nghiệm kháng thể ở Los Angeles lên Facebook mình. "Sẽ rất hữu ích nếu chúng ta xét nghiệm kháng thể nhanh chóng để xác định ai có thể trở thành người hiến tặng", cô viết.

    Chỉ một ngày sau xét nghiệm lần 3, Chloe nhận được kết quả âm tính. Hôm đó cô cũng biết mình có thể quay lại bệnh viện làm việc. Công việc có thể giúp mình bớt đau khổ, cô đã nghĩ vậy.

    Chloe lái xe thẳng đến bệnh viện đưa ra các giấy tờ cần thiết để có thể trở lại làm. Cô đi đến khu Hồi sức cấp cứu. Các nhân viên y tá có vẻ ngạc nhiên khi nhìn thấy Chloe nhưng không ai ngăn cản. Chloe nhìn chằm chằm chồng qua cửa sổ. Một y tá mang đến chiếc ghế, nhưng cô chỉ muốn đứng. 

    Chồng cô nằm đó trông thoải mái, cô nghĩ, nhưng hoàn toàn không biết chuyện gì đang xảy ra. Sau khoảng 15 phút, bác sĩ của Ted đã tìm thấy cô. "Anh ấy đang bị suy thận", ông nói. 

    Suốt thời gian qua Chloe đã cố bám vào phương pháp điều trị huyết tương, mong một phép màu nào đó. Bây giờ cô cảm thấy suy sụp. "Vô vọng rồi", cô nói.

    Không có cách nào để ôm anh, để an ủi hay xoa dịu nỗi đau cho anh. "Tại thời điểm này tôi không thể làm gì được nữa". Cô rệu rã trở về nhà và cố ngủ thiếp đi.

    Một giờ sáng hôm sau, một y tá gọi Chloe. Độ bão hòa oxy của chồng cô giảm xuống mức thấp nhất. "Anh ấy có thể có thể không qua được đêm nay", nhân viên y tế nói.

    "Làm ơn cứu anh ấy", Chloe năn nỉ.

    Không lâu sau cô nhận cuộc gọi khác. "Chúng tôi không thể cứu được anh ấy. Tim anh ấy rất yếu. Không có oxy trong máu, da tái xanh...".

    Hai ngày trôi qua kể từ khi bệnh viện này được chấp thuận thử nghiệm điều trị huyết tương, một ngày trôi qua kể từ khi Chloe có kết quả xét nghiệm âm tính, bây giờ, Ted không còn nữa. Khóc lóc một mình, Chloe bám lấy điện thoại như thể nó có thể cho cô một đáp án khác. Bên ngoài mặt trời bắt đầu mọc.

    Vài ngày sau khi Ted mất, 6 bệnh nhân tại bệnh viện này đã nhận được huyết tương. Chưa có báo cáo họ cải thiện, nhưng một phát ngôn viên xác định tất cả các bệnh nhân điều trị phương pháp này vẫn còn sống.

    Khi có kết quả âm tính, cuối cùng Chloe cũng được gặp con trai. Cuối tuần đó, cô bế Kendrick và vẫn chưa nói với bé bố đã đi rồi.

    Chủ nhật ngày 19/4, Chloe lên kế hoạch tang lễ cho chồng. Xong xuôi, cô nhìn quanh phòng ngủ. Quần áo của chồng treo trong tủ, ảnh cưới trên tường. "Tôi không muốn ở trong căn phòng này nữa", cô nói và tính sẽ chuyển đi nơi khác.

    Chloe vẫn lên kế hoạch hiến huyết tương để trao tặng hi vọng cho người khác. Gần đây cô lái xe đến một ngân hàng máu ở hạt Ventura, bang California. Sau khi kiểm tra, nhân viên y tế bảo cô thiếu máu do thiếu sắt.

    Các nhân viên y tế lo cô có thể không hồi phục an toàn sau khi hiến nên bảo cô cố gắng tăng mức huyết sắc tố bằng thực phẩm hay thuốc bổ sung nhiều sắt. Điều này có nghĩa Chloe phải mất thêm vài tuần nữa. Thật khó để cô chấp nhận mình vẫn bị từ chối. 

    Cô biết, với các gia đình và bệnh nhân Covid-19 mỗi ngày là rất quan trọng. Cuộc hẹn hiến huyết tương tiếp theo của Chloe là ngày 13/5.

    VnExpress (Theo The Atlantic)

  • "Phần lớn" các bệnh nhân đã hồi phục sau coronavirus đều tạo ra kháng thể - nhưng vẫn còn quá sớm để kết luận họ đã được miễn dịch, phó giám đốc y tế của Anh cho biết.

    Giáo sư Jonathan Van-Tam phát biểu tại cuộc họp báo hàng ngày trên Phố Downing rằng "con người trên hành tinh này chưa mắc căn bệnh này đủ lâu" để biết liệu những người đã hồi phục có được miễn dịch hay không.

    Ông nói rằng các kháng thể được tạo ra để đáp ứng với các loại coronavirus khác ở người "không hẳn sẽ tồn tại trong nhiều năm", mặc dù không biết điều gì sẽ xảy ra trong trường hợp của COVID-19.

    Giáo sư Van-Tam nói: "Giống như mọi người khác trên thế giới, chúng ta chỉ cần kiên nhẫn và thận trọng cho đến khi biết được những câu trả lời đó."

    skynews tests serological test 4971469

    Ông nói thêm rằng những bệnh nhân đã hồi phục sau khi nhiễm coronavirus đang được yêu cầu tham gia một chương trình lấy huyết tương chứa kháng thể phục vụ thử nghiệm các phương pháp điều trị tiềm năng.

    Bộ trưởng Y tế Matt Hancock, người đã khỏi COVID-19 và đang tham gia một thử nghiệm để phân tích kháng thể của bệnh nhân, thừa nhận ông "chưa" cảm thấy an tâm khi ở trong một căn phòng đông người.

    Ông nói tại cuộc họp ngắn ở Số 10 Downing rằng ông không thể "thoải mái" khi ở giữa một đám đông vì "điều đó có thể gây ra sự gia tăng số lượng lây nhiễm nếu các kết luận khoa học không đúng".

    Ông nói rằng có những tín hiệu "rất tích cực" về thí nghiệm kháng thể mới từ công ty Roche của Thụy Sĩ và chính phủ đã thảo luận với công ty "về một cuộc thử nghiệm kháng thể quy mô rất lớn".

    Nhưng bộ trưởng y tế thừa nhận đã có vấn đề với thí nghiệm kháng thể trước đó khi Anh đặt hàng 17,5 triệu bộ dụng cụ xét nghiệm tại nhà chỉ để nhận ra chúng không hề hoạt động.

    "Trước đây, đã có hy vọng sai lầm về thử nghiệm kháng thể, vì vậy chúng tôi sẽ đưa ra thông báo khi chúng tôi hoàn toàn sẵn sàng", ông Hancock nói.

    Ông cũng đưa ra những gợi ý rằng chính phủ có thể phải áp dụng tiêm chủng bắt buộc một khi vắc-xin đặc hiệu được sản xuất.

    Ông Hancock nói thêm: "Tôi nghĩ rằng mức độ phản ứng của công chúng sau khi phong tỏa cho thấy chúng tôi sẽ có thể đạt được tỷ lệ tiêm chủng rất, rất cao mà không cần cưỡng chế."

    Ông cũng cảnh báo rằng không có gì đảm bảo chúng ta sẽ tìm ra vắc-xin.

    "Chúng ta không thể chắc chắn sẽ có vắc-xin", ông Hancock nói trong cuộc họp.

    "Chưa có vắc-xin coronavirus cho bất kỳ loại coronavirus nào hiện có và đây là suy đoán khoa học không chắc chắn."

    Mới đây, các nhà khoa học đã tiết lộ một loại kháng thể ngăn chặn coronavirus lây nhiễm vào tế bào người trong một "nghiên cứu đột phá".

    Các nhà khoa học từ Đại học Utrecht ở Hà Lan đã xác định một phương pháp tiềm năng để vô hiệu hóa COVID-19 và phát hiện này có thể là tiền đề phát triển các phương pháp điều trị mới.

    Họ nhận thấy một kháng thể ngăn chặn virus SARS lây nhiễm vào tế bào người cũng có thể ngăn chặn coronavirus mới, theo một nghiên cứu được đăng trên tạp chí Nature Communications.

    VietHome (Theo Sky News)

  • Đại học Oxford vừa công bố thỏa thuận sản xuất và phân phối vaccine Covid-19 với công ty dược phẩm sinh học toàn cầu AstraZeneca.

    Vaccine này có tên gọi ChAdOx1 nCoV-19, được phát triển bởi Viện Jenner cùng nhóm Vaccine Oxford tại Đại học Oxford, và hiện đang được thử nghiệm trên người. Theo thỏa thuận, AstraZeneca sẽ chịu trách nhiệm phát triển, sản xuất và phân phối vaccine, thông cáo của Đại sứ quán Anh tại Hà Nội cho biết.

    Các quốc gia trên thế giới đang rất nỗ lực trong cuộc đua tìm ra vaccine điều trị Covid-19. Ngoài vaccine ChAdOx1 nCoV-19 của Anh, các vắc-xin được phát triển ở Trung Quốc, Đức, Mỹ cũng bắt đầu bước vào giai đoạn thử nghiệm lâm sàng.

    Theo ông Alok Sharma, Bộ trưởng phụ trách Kinh doanh Anh, sự hợp tác để phát triển ChAdOx1 nCoV-19 là một bước quan trọng trong việc nhanh chóng thúc đẩy sản xuất vaccine Covid-19.

    AstraZeneca cũng sẽ làm việc với các đối tác toàn cầu để các nước thu nhập thấp và trung bình cũng có thể tiếp cận được loại vaccine này sau khi thuốc được phân phối cho các nhóm ưu tiên ở Anh.

    Cả hai bên đối tác đã đồng ý hoạt động trên cơ sở phi lợi nhuận, chỉ chi trả chi phí sản xuất và phân phối. Đại học Oxford sẽ không nhận tiền bản quyền từ loại vaccine này trong đại dịch. Bất kỳ khoản tiền bản quyền nào mà họ nhận được sau đó sẽ được tái đầu tư trực tiếp vào nghiên cứu y tế.

    e891ff97 f703 40d1 9fe6 b79038a2db6a
    Vaccine ChAdOx1 nCoV-19 đang được thử nghiệm trên người tại Anh. Ảnh: Đại sứ quán Anh

    Pascal Soriot, giám đốc điều hành AstraZeneca, cho biết: “Chúng tôi hy vọng có thể đẩy nhanh quá trình toàn cầu hóa vaccine để chống lại virus và bảo vệ con người khỏi đại dịch nguy hiểm nhất trong thế hệ này".

    Vaccine ChAdOx1 nCoV-19 sử dụng một vec-tơ chuyển gen có nguồn gốc từ adenovirus gây cảm lạnh thông thường bị suy yếu chứa vật chất di truyền của protein gai của SARS-CoV-2. Sau khi tiêm vắc-xin, protein gai bề mặt được sinh ra và làm mồi dẫn cho hệ thống miễn dịch của cơ thể tấn công Covid-19 nếu sau đó cơ thể bị lây nhiễm.

    Vec-tơ tái tổ hợp adenovirus (ChAdOx1) đã được chọn để tạo ra đáp ứng miễn dịch mạnh mẽ từ một liều duy nhất và nó không nhân lên, do đó không thể gây nhiễm liên tục ở người được tiêm chủng. Vaccine này đã được dùng ở hơn 320 người và những người này dung nạp tốt. Tuy nhiên, vaccine có thể gây ra tác dụng phụ tạm thời như sốt, triệu chứng giống cúm, đau đầu hoặc đau cánh tay.

    Zing (theo Reuters)

  • Kathrine Dawson nhiễm nCoV nên phải sinh mổ, con gái chào đời cũng nhiễm virus và cùng mẹ chiến đấu với Covid-19 tại bệnh viện ở Lancashire.

    Kathrine, 36 tuổi, hôm 4/5 ôm con gái Ruby rời bệnh viện Blackpool Victoria ở Lancashire, tây bắc nước Anh để đoàn tụ với chồng là Stuart. Hai mẹ con đã trải qua những giây phút thập tử nhất sinh sau khi nhiễm nCoV.

    Cô xuất hiện triệu chứng nhiễm nCoV khi mang thai ở tuần thứ 32 nên được đưa vào bệnh viện kiểm tra. Kết quả xét nghiệm cho thấy cô dương tính với nCoV.

    Bác sĩ quyết định mổ lấy con cho Kathrine. Bé Ruby ra đời hôm 1/4 và trở thành một trong những bệnh nhân Covid-19 nhỏ tuổi nhất thế giới.

    Tuy nhiên, tình trạng của Kathrine ngày càng xấu đi. Cô thậm chí từng gọi video từ biệt chồng và hai con gái Grace, 5 tuổi và Ava, 11 tháng tuổi. "Cuộc gọi đó như lời vĩnh biệt, có thể là cuộc gọi cuối cùng", Stuart nhớ lại.

    Cô sau đó hôn mê và phải dùng máy thở, trong khi bác sĩ tiên liệu cơ hội sống của cô là 50%. "Đó là một ca nặng, chúng tôi đã rất lo cô ấy có thể không vượt qua", bác sĩ Jason Cupitt, khoa Hồi sức Tích cực, nói. "Sau 5 ngày, ảnh sáng cuối đường hầm mở ra khi mức oxy của cô ấy bắt đầu tốt lên".

    me con thoat covid
    Gia đình Dawson ra viện hôm 4/5. Ảnh: Bệnh viện Blackpool Victoria.

    "Tôi nợ y bác sĩ bệnh viện Blackpool Victoria. Tôi suýt góa vợ, thành gà trống nuôi con nhưng họ đã cứu sống Kahtrine và Ruby", Stuart nói. "Tôi không thể vào thăm hai mẹ con vì nCoV và phải chờ đợi trong lo lắng và căng thẳng suốt 26 ngày".

    Dawson và con gái được xuất viện sau 37 ngày điều trị. Y bác sĩ khoa sơ sinh, khoa điều trị tích cực, đã vỗ tay chúc mừng và tiễn họ.

    "Mọi người đều đặc biệt xúc động trước ca bệnh này. Tôi sẽ luôn nhớ mãi cô ấy", bác sĩ Cupitt nói.

    Covid-19 xuất hiện ở 212 quốc gia và vùng lãnh thổ, khiến hơn 3,89 triệu người nhiễm và hơn 264.000 người tử vong. Anh đang là vùng dịch chết chóc thứ hai thế giới sau Mỹ, với 32.313 người tử vong vì Covid-19 và hơn 300.000 ca nhiễm. 

    VnExpress (theo Sky News)

  • Bệnh viện NHS Nightingale ở London sẽ chuyển sang "chế độ chờ" vì không có trường hợp nhập viện mới nào, Downing Street cho biết.

    Bệnh viện dã chiến này được khai trương vào ngày 3 tháng 4 tại trung tâm triển lãm ExCel của London và có sức chứa 4.000 bệnh nhân.

    Được xây dựng chỉ trong vòng chín ngày, đây là một trong những cơ sở điều trị các ca mắc COVID-19 nghiêm trọng nhất được chuyển đến từ các bệnh viện khác.

    Tuy nhiên, số người nhiễm virus tại các bệnh viện London đã giảm hơn một nửa trong tháng vừa qua xuống còn khoảng 2.000 ca.

    skynews nhs nightingale hospital 4958545

    Người phát ngôn của thủ tướng nói: "Trong những ngày tới London Nightingale có khả năng sẽ không phải tiếp nhận bệnh nhân khi coronavirus ở thủ đô vẫn nằm trong tầm kiểm soát.

    "Đó rõ ràng là một tín hiệu rất tích cực và chúng tôi luôn biết ơn mọi người ở London vì đã làm theo lời khuyên của chính phủ để giúp bảo vệ NHS.

    " Nightingale sẽ được chuyển sang chế độ chờ một cách hiệu quả để sẵn sàng tiếp nhận bệnh nhân nếu cần, nhưng chúng tôi dự đoán chuyện đó sẽ không xảy ra."

    Người phát ngôn cho biết việc xây dựng các bệnh viện Nightingale trên khắp Vương quốc Anh "hoàn toàn không" lãng phí tiền bạc.

    Ông cho biết thực tế rằng chúng không được sử dụng nhiều lại là "điều tích cực" và cho thấy NHS đã không bị quá tải.

    Giám đốc điều hành của Nightingale, Giáo sư Charles Knight, nói với nhân viên rằng họ sẽ "sẵn sàng" nếu số lượng ca bệnh tăng trở lại.

    "Sau khi lượt bệnh nhân đầu tiên của chúng tôi rời đi, bệnh viện sẽ được đặt ở chế độ chờ, sẵn sàng tiếp tục hoạt động khi cần thiết trong vài tuần và có khả năng trong vài tháng tới", ông nói.

    Số lượng bệnh nhân đang được điều trị tại mỗi bệnh viện Nightingale trên cả nước không được công bố rõ ràng - nhưng nhu cầu dường như đã giảm rất nhiều.

    Người phát ngôn của Thủ tướng nói: "Manchester đã tiếp nhận một số bệnh nhân; Birmingham, Harrogate và Bristol sẵn sàng nhận bệnh nhân nếu cần.

    “Hai bệnh viện còn lại ở Sunderland và Exeter sẽ sớm mở cửa.”

    Nhân viên NHS, nhà thầu và khoảng 200 binh lính quân đội đã chung tay xây dựng London Nightingale và bệnh nhân đầu tiên nhập viện vào ngày 7 tháng Tư.

    Ước tính sẽ cần hơn 16.000 nhân viên làm việc nếu bệnh viện đạt đến công suất tối đa.

    VietHome (Theo Sky News)

  • Một người cha ba con may mắn sống sót sau khi mắc COVID-19 đã tiết lộ các y tá cho anh 15 phút để gọi điện cho những người thân yêu đề phòng trường hợp anh không qua khỏi.

    Darren Buttrick, đến từ Coven ở Staffordshire, cho biết việc nghe chia sẻ về quá trình hồi phục của ông Boris Johnson đã cứu sống anh.

    Anh kể lại: "Tôi phải vật lộn để ấn số trên điện thoại của mình, cố gắng lục lọi bộ nhớ, chọn số của mọi người, gọi cho gia đình, gọi cho bạn bè - thật là khủng khiếp khi phải giải thích.

    "Tôi đã khóc và cầu xin các bác sĩ và y tá đừng để tôi chết. Tôi đã van lơn, tôi đã cầu xin.

    "Và sau đó tôi phải nói với Angela, bố mẹ tôi, anh em tôi, chị gái, gia đình, bạn bè của tôi, rằng đây có thể là cuộc trò chuyện cuối cùng giữa chúng tôi. Tôi yêu họ, rất xúc động, rất đau khổ và tôi chỉ ngồi đó khóc."

    skynews darren buttrick coronavirus 4982472

    Vợ anh Angela cho rằng việc chồng cô phải vào phòng điều trị tích cực là một cú sốc đối với cô và ba cô con gái tuổi teen của họ.

    "Tôi ngã xuống sàn, tôi không thể nhúc nhích được. Ngay sau khi tôi kết thúc cuộc gọi với anh ấy... tôi sẽ gọi lại và giống như tôi cần nói chuyện với anh ấy liên tục trước khi anh ấy ra đi."

    Darren, 48 tuổi, bị hôn mê sau đó phải dùng máy thở tại Bệnh viện New Cross của Wolverhampton.

    Anh bị sốt trên 40C (104F) và nói rằng cảm giác như bị bóp nghẹt.

    Anh không có bệnh lý nền khi bắt đầu nhiễm virus vào ngày 11 tháng 3. Anh mô tả những người chăm sóc mình là những "thiên thần".

    "Một y tá, cô ấy nhìn thẳng vào mắt tôi và cô ấy nói, ‘đừng lo lắng, chúng tôi sẽ cứu anh,’ và cô ấy vuốt ve cánh tay tôi.

    "Tôi nhớ cô ấy nói với tôi, 'Đếm đến 10'. Tôi nghĩ rằng tôi đã đếm đến ba và tôi nghĩ rằng tôi có thể không bao giờ thức dậy nữa – tôi có thể ra đi. May mắn thay tôi đã làm được và tôi đã quay trở lại từ phía bên kia thế giới."

    Anh Buttrick, người làm việc cho một công ty viễn thông lớn, đã phục hồi hoàn toàn nhưng cho biết anh gặp khó khăn khi cố quên đi những gì mình đã chứng kiến.

    "Chứng kiến những người khác được chăm sóc đặc biệt trong hai ngày khi tôi nửa tỉnh nửa mê, nghe tiếng máy móc, thấy những người chỉ nằm đó với dây rợ, máy thở, máy móc giữ họ sống, thật kinh khủng khi nhìn thấy và có lẽ đó là những hình ảnh tôi sẽ không thể nào quên."

    VietHome (Theo Sky News)

  • Bộ trưởng Quốc phòng Anh Ben Wallace cho hay ông may mắn hồi phục sau khi bị Covid-19 bòn rút sức lực và ý chí đến mức "khủng khiếp".

    "Nếu các bạn muốn biết sự thật thì đó là trải nghiệm vô cùng khủng khiếp", ông Wallace trả lời trong cuộc phỏng vấn với Sky News, khi được hỏi ông cảm thấy ra sao khi mắc Covid-19.  

    Wallace, 50 tuổi, nhiễm nCoV hồi cuối tháng ba và đã tự cách ly trong căn hộ ở London 8 ngày. "Tình trạng không nghiêm trọng nhưng nó bào mòn ý chí của bạn. Nó không giống cúm, vì nó cứ đến rồi đi, như thủy triều rút xuống rồi lại dâng lên", ông kể. "Tôi bị mất vị giác và khứu giác, đó là một kiểu bòn rút sức lực khiến bạn nhụt chí". 

    Wallace cảnh báo thậm chí cả khi người bệnh nghĩ mình đã hồi phục, Covid-19 vẫn có thể quay trở lại.  

    "Tôi nhớ một ngày nọ, tôi cảm thấy sức lực đã hồi phục bình thường và nghĩ 'tốt rồi, mình đã vượt qua'. Và khi tôi ngủ gật trên sofa vào giờ ăn trưa, cơn đau lan đến ngực, cảm giác bị bóp nghẹt đó kéo dài 6-7 giờ", ông kể.

    bo truong quoc phong
    Bộ trưởng Quốc phòng Anh Ben Wallace. Ảnh: Getty

    Wallace nói rằng mình "rất, rất may mắn" khi bệnh tình không trở nên tồi tệ như hàng chục nghìn người khác phải nhập viện. Sau khi các triệu chứng biến mất, ông vẫn thực hiện thêm một số biện pháp đề phòng và cuối cùng quay lại làm việc.

    Wallace thừa nhận sẽ ít người tử vong vì Covid-19 hơn nếu chính phủ Anh chuẩn bị việc xét nghiệm tốt hơn. 

    "Tôi nghĩ nếu ngay từ đầu, chúng ta biết rõ hơn về virus, sẽ có nhiều mạng sống được cứu hơn. Nhưng tôi không nghĩ đó là vấn đề của từng quốc gia, mà là cách chúng ta chia sẻ thông tin tình báo về virus và nhanh chóng học hỏi".

    Thủ tướng Anh Boris Johson, 55 tuổi, hồi cuối tháng ba cũng thông báo nhiễm nCoV và phải nhập viện điều trị 10 ngày sau đó, rồi được chuyển vào phòng chăm sóc tích cực.  

    Johnson cho biết ông phải dùng đến "hàng lít oxy" và đã có lúc các bác sĩ cân nhắc phương án đặt ống nội khí quản, cho ông sử dụng máy thở. Hôm 12/4, ông ra viện và 27/4 trở lại làm việc.

    Johnson khẳng định trải nghiệm khi nhiễm nCoV khiến ông quyết tâm hơn trong cuộc chiến chống đại dịch để đưa nước Anh quay trở lại bình thường. Anh hiện là vùng dịch có số ca tử vong lớn thứ ba toàn cầu, với gần 28.500 người chết trên tổng số gần 190.000 ca nhiễm.

    VnExpress (theo Sky News)

  • Bản đồ tương tác này cho biết có bao nhiêu người chết do coronavirus theo từng khu vực mã bưu điện.

    Nó được xây dựng dựa trên dữ liệu từ Văn phòng Thống kê Quốc gia.

    Bản đồ bao gồm những ca tử vong xảy ra trong khoảng thời gian từ ngày 1 đến ngày 17 tháng 4 và được ghi vào sổ thống kê trước ngày 18 tháng 4.

    0 deaths in huddJPG

    Một ca tử vong sẽ được tính đến nếu 'coronavirus là nguyên nhân cơ bản hoặc được đề cập trong giấy chứng tử như một yếu tố góp phần'.

    Để tìm hiểu có bao nhiêu ca tử vong trong khu phố của bạn, bạn có thể nhấp vào bản đồ bên dưới:

    Nếu bạn coi trên Mobile Phone thì click vào đây xem to Hơn : https://www.ons.gov.uk/visualisations/dvc811/msoamap/index.html

     

    Cách sử dụng bản đồ:

    - Di chuyển con trỏ zoom vào khu vực mà bạn muốn xem, chấm tròn càng lớn nghĩa là số người tử vong càng nhiều. Điểm chấm trên bản đồ không hiển thị chính xác vị trí của người tử vong mà nó chỉ được đặt ở trung tâm của khu vực.

    - Để bảo vệ danh tính người đã khuất, một số trường hợp đã được phân bổ lại vào các khu phố lân cận.

    - Số liệu thống kê không bao gồm những người không cư trú, và dựa vào biên giới hành chính tính tới tháng 2/2020.

    Ông Johnson khẳng định Vương quốc Anh đã 'vượt qua đỉnh dịch' và chúng ta đang bước vào giai đoạn ‘xuống dốc'. "Chúng ta đã qua đỉnh và đang ở phía bên kia con dốc. Chúng ta giờ có thể thấy ánh sáng mặt trời và đồng cỏ xanh ở phía trước", Thủ tướng Johnson ngày 30/4 nói trong cuộc họp báo về Covid-19 đầu tiên kể từ khi bình phục do nhiễm nCoV.   

    Ông Johnson nói thêm rằng sẽ đưa ra một "kế hoạch toàn diện" vào tuần tới về tái khởi động nền kinh tế, mở cửa trường học về cho phép người Anh quay lại làm việc sau thời gian phong tỏa. Nhiều khả năng người dân sẽ phải đeo khẩu trang nơi công cộng, nhằm giúp công chúng tự tin hơn khi ra ngoài đường.

    Tuy nhiên, ông không ủng hộ ý tưởng nới lỏng hạn chế quá sớm, bởi nó có thể gây ra đợt bùng phát thứ hai và nâng tỷ lệ lây nhiễm vượt qua một, tức là trung bình một người nhiễm nCoV lây virus cho một người khác.    

    Đầu tuần này, chính phủ thông báo những ca tử vong liên quan đến Covid-19 tại các nhà dưỡng lão và môi trường cộng đồng sẽ được đưa vào số liệu hàng ngày.

    Các số liệu hàng ngày do Bộ Y tế đưa ra trước đây chỉ bao gồm các trường hợp tử vong trong bệnh viện. 

    VietHome (Theo Manchester Evening News)

  • Nhật Bản sẽ cung cấp thuốc trị cúm Avigan miễn phí cho 43 quốc gia để nghiên cứu lâm sàng về hiệu quả của thuốc này trong điều trị COVID-19, Ngoại trưởng Toshimitsu Motegi thông tin ngày 1.5.

    Thuốc Avigan dự kiến sẽ được Nhật Bản chuyển đi sau kỳ nghỉ Tuần lễ Vàng kéo dài tới 6.5 ở Nhật Bản, Kyodo dẫn lời Ngoại trưởng Motegi. Trước đó, ông dự tính việc chuyển các lô thuốc sẽ bắt đầu trong tuần này. 

    Khoảng 80 quốc gia đã thể hiện sự quan tâm đến Avigan.  Ngoại trưởng Motegi tiết lộ trước đó rằng đã có các thỏa thuận để gửi thuốc tới 38 quốc gia. Bangladesh, Cộng hòa Dominican, Lào, Qatar và Uzbekistan đã được thêm vào danh sách các nước nhận thuốc này, theo Bộ Ngoại giao Nhật Bản.

    0 nhat ban gui thuoc

    Theo Kyodo, Nhật Bản đang chi trả cho sáng kiến này thông qua khoản tài trợ trị giá 1 triệu USD cho văn phòng của Liên Hợp Quốc về các dịch vụ dự án -  nơi sẽ mua và phân phối thuốc.

    Ngoại trưởng Nhật Bản cho hay, mỗi quốc gia sẽ nhận đủ thuốc để điều trị cho từ 20 đến 100 người để phục vụ mục đích nghiên cứu. 

    "Chúng tôi sẽ hợp tác với khu vực tư nhân cũng như cộng đồng quốc tế để phát triển một phương pháp điều trị" COVID-19, ông nêu trong cuộc họp báo. 

    Nhật Bản đã tiến hành các nghiên cứu lâm sàng với Avigan sau khi các nhà khoa học Trung Quốc cho rằng loại thuốc này có hiệu quả trong điều trị cho bệnh nhân COVID-19, đặc biệt là những người có triệu chứng nhẹ.

    Avigan còn được gọi là favipiravir do một công ty con của Fujifilm Holdings Corp phát triển. 

    Nhật Bản có kế hoạch tăng gấp ba kho dự trữ Avigan, đủ để điều trị cho 2 triệu người, trong khi Trung Quốc cho biết sẽ chính thức sử dụng thuốc này trong hướng dẫn điều trị COVID-19. Do có lo ngại thuốc có thể gây dị tật bẩm sinh nên Avigan không được sử dụng cho phụ nữ mang thai.

    Trong diễn biến liên quan tình hình COVID-19 ở Nhật Bản, Thủ tướng Abe Shinzo cho biết hôm 1.5 rằng, ông đang tìm cách gia hạn tình trạng khẩn cấp trên toàn quốc với dịch COVID-19 khoảng một tháng. Quyết định cuối cùng của thủ tướng Nhật Bản sẽ được đưa ra ngày 4.5. Ông Abe dự kiến sẽ tổ chức một cuộc họp báo cùng ngày sau khi có quyết định chính thức. 

    Tình trạng khẩn cấp hiện đang áp dụng trên toàn Nhật Bản sẽ hết hiệu lực ngày 6.5, ngày cuối cùng của kỳ nghỉ Tuần lễ Vàng tại Nhật Bản.

    Cho đến nay, Nhật Bản đã xác nhận hơn 15.000 ca mắc COVID-19, trong đó có khoảng 700 ca từ tàu du lịch Diamond Princess đã bị cách ly gần Tokyo hồi tháng 2 năm nay.

    Theo Lao Động

  • Nhiều bác sĩ Anh viết thư cho giới chức y tế, cảnh báo 250 máy thở mua từ Trung Quốc có thể gây tử vong nếu dùng trong bệnh viện.

    "Chúng tôi tin rằng nếu được sử dụng, những máy thở này có thể gây tổn hại đáng kể cho bệnh nhân, bao gồm tử vong", theo bức thư đề ngày 13/4 của một bác sĩ gây mê cấp cao và chăm sóc tích cực, đại diện cho nhóm bác sĩ và quản lý cấp cao làm việc trong và quanh Birmingham, thành phố lớn thứ hai của Anh và là một trong những khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất do Covid-19. Phóng viên của NBC News tiếp cận được nội dung lá thư gần đây và công bố hôm nay.

    Từ tháng 3, chính phủ Anh và nhiều quốc gia hối hả mua thêm thiết bị y tế, phần lớn từ Trung Quốc, để bù đắp thiếu hụt trong nguồn cung. Ngày 4/4, các bộ trưởng Anh hân hoan tuyên bố đã mua được 300 máy thở từ Trung Quốc.

    "Tôi muốn cảm ơn chính phủ Trung Quốc vì đã hỗ trợ chúng tôi mua được số máy thở này", Michael Gove, quan chức cấp cao trong chính phủ Thủ tướng Boris Johnson, phát biểu trong cuộc họp báo hôm đó.

    Tuy nhiên, chỉ 9 ngày sau đó, các bác sĩ ở Birmingham viết thư cảnh báo về 250 máy thở mẫu Shangrila 510 được sản xuất tại công ty Bắc Kinh Aeonmed, một trong những nhà sản xuất máy thở lớn của Trung Quốc.

    Các bác sĩ nói rằng nguồn cung oxy của các máy thở Trung Quốc "thường xuyên thay đổi và không đáng tin cậy", trong khi chất lượng chế tạo của chúng chỉ ở mức "cơ bản". Bộ lọc của các máy này không thể được làm sạch đúng cách, điều vốn rất cần thiết khi chống lại loại virus có khả năng lây nhiễm cao, trong khi ống cấp oxy không theo tiêu chuẩn EU.

    Bên cạnh những lo ngại nghiêm trọng về chất lượng máy thở, các bác sĩ cho biết một lý do nữa khiến chúng không an toàn là các thiết bị do Trung Quốc sản xuất này xa lạ với các bác sĩ Anh và không phù hợp để sử dụng trong cuộc khủng hoảng Covid-19 hiện nay.

    Họ còn chỉ ra rằng loại máy thở này được thiết kế để sử dụng trong xe cứu thương, không phải loại được đặt bên cạnh giường bệnh. Các bác sĩ cho biết họ đã phải tự chế một giá đỡ tạm thời cho thiết bị này từ xe đẩy trong bệnh viện.

    "Chúng tôi mong mỏi những máy thở này bị thu hồi và được thay thế bằng các thiết bị có khả năng thông đường thở tốt hơn cho các bệnh nhân điều trị tích cực", nhóm bác sĩ viết trong bức thư gửi cho quan chức y tế Anh.

    may tho gay tu vong
    Nhân viên y tế di chuyển bệnh nhân Covid-19 tại Bệnh viện Hoàng gia London ở phía đông London, Anh hôm 21/4. Ảnh: AFP.

    Chính phủ Anh từng bị chỉ trích nặng nề về cách phản ứng với Covid-19, dịch bệnh đã khiến hơn 26.000 người chết tại nước này. Các nhà phê bình cho rằng chính phủ không cung cấp đủ thiết bị bảo hộ cho nhân viên y tế tuyến đầu và không xét nghiệm rộng rãi.

    Bác sĩ viết thư chưa cho biết những biện pháp nào đã được thực hiện để giải quyết lo ngại về máy thở. Không rõ bộ phận nào trong hệ thống chăm sóc sức khỏe của Anh nhận được thư, nhưng Bộ Y tế và Chăm sóc Xã hội, cơ quan giám sát Dịch vụ Y tế Quốc gia và việc mua máy thở từ nước ngoài, cho biết trong một email rằng họ biết "mối lo ngại của các bác sĩ và đã đề cập với nhà sản xuất".

    Bộ này từ chối trả lời một số câu hỏi chi tiết về bức thư, bao gồm bao nhiêu máy thở kiểu này đã được mua, tại sao mẫu đó được chọn và liệu các bác sĩ tuyến đầu có được tư vấn trước. Bộ cho biết không máy thở nào trong số này đang được sử dụng tại bệnh viện.

    Giám đốc bán hàng quốc tế của Bắc Kinh Aeonmed nói "không biết" khi được hỏi liệu công ty có nắm được những lo ngại của các bác sĩ Anh về sản phẩm của mình hay không. Công ty cũng không trả lời các câu hỏi chi tiết về mẫu máy thở Shangrila 510 cũng như loại máy này đã được xuất khẩu tới những quốc gia nào.

    Hồi cuối tháng 3, Hà Lan buộc phải thu hồi 600.000 khẩu trang mua từ Trung Quốc sau khi Bộ Y tế nước này phát hiện chúng không đạt tiêu chuẩn. Đầu tháng này, người đứng đầu cơ quan cung cấp y tế khẩn cấp Phần Lan từ chức sau khi lô khẩu trang trị giá hàng triệu euro từ Trung Quốc bị phát hiện không đạt tiêu chuẩn.

    Không chỉ khẩu trang, chính phủ Tây Ban Nha đã phải thu hồi và trả lại 50.000 bộ xét nghiệm nCoV có nguồn gốc từ Trung Quốc vì chúng chỉ chính xác 30%. Anh đã đặt hàng 3,5 triệu bộ xét nghiệm Trung Quốc nhưng không bộ nào đủ tốt để sử dụng rộng rãi. Chính phủ Anh cho biết họ đang yêu cầu nhà cung cấp hoàn tiền.

    Trước những lo ngại của các nước về chất lượng thiết bị y tế xuất khẩu, chính phủ Trung Quốc cam kết "truy quét hàng giả, hàng kém chất lượng" và sẽ trừng phạt nghiêm khắc những công ty bị phát hiện xuất khẩu thiết bị không đạt chuẩn, Triệu Lập Kiên, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết trong cuộc họp báo hôm 15/4.

    Bộ Thương mại Trung Quốc hồi đầu tháng cũng thu hồi giấy phép xuất khẩu của hai công ty, cảnh báo việc xuất khẩu thiết bị y tế kém chất lượng "làm ảnh hưởng nghiêm trọng hình ảnh đất nước". Cảnh Sảng, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc, cũng cho rằng một số phàn nàn từ các nước có thể là do "khác biệt trong tiêu chuẩn sản xuất" hoặc các bác sĩ châu Âu "không quen với cách sử dụng sản phẩm, thậm chí mắc sai sót".

    Covid-19 khởi phát từ Vũ Hán, Trung Quốc hồi tháng 12/2019, đã xuất hiện tại 210 quốc gia và vùng lãnh thổ, với tâm điểm đại dịch hiện nay là Mỹ và châu Âu. Toàn cầu ghi nhận gần 3,2 triệu ca nhiễm nCoV, gần 228.000 người chết và hơn 981.000 trường hợp bình phục. 

    (Theo NBC News)

  • Bệnh nhân nhiễm Covid-19 được xuất viện vẫn có thể còn virus sâu trong bộ phận cơ thể mà các phương pháp xét nghiệm thông thường không phát hiện được.

    Theo SCMP, nghiên cứu được đăng ngày 28.4 trên tạp chí Cell Research, có thể giải thích lý do ngày càng nhiều người khỏi bệnh dương tính trở lại.

     “Nghiên cứu của chúng tôi chỉ ra bằng chứng bệnh lý đầu tiên về việc virus còn tồn tại trong phổi người bệnh đã xét nghiệm âm tính 3 lần liên tiếp”, tác giả nghiên cứu, bác sĩ Bian Xiuwu, công tác tại Đại học Quân y ở Trùng Khánh, phía tây nam Trung Quốc, nói.

    Nghiên cứu dựa trên khám nghiệm đối với một phụ nữ 78 tuổi tử vong vì Covid-19. Bệnh nhân này đã xét nghiệm âm tính ba lần, triệu chứng đã cải thiện và kết quả chụp CT cũng khả quan và sắp được ra viện.

    Nhưng chỉ một ngày sau, bệnh tình của bệnh nhân này xấu đi nhanh chóng. Bà qua đời sau một cơn đau tim.

    duong tinh tro lai
    Các bác sĩ kiểm tra lá phổi người nhiễm Covid-19.

    Các nhà nghiên cứu phát hiện những virus SARS-CoV-2 hoàn chỉnh bên trong mô sâu dưới phổi của bệnh nhân. Họ đặt mô dưới kính hiển vi và xác nhận sự tồn tại của virus.

    Virus tìm thấy sâu trong phổi của bệnh nhân không gây ra triệu chứng nào rõ rệt. Mô phổi có dấu hiệu hư hại do virus, nhưng các cơ quan khác trong cơ thể không có dấu hiệu của virus, khiến việc phát hiện virus trở nên khó khăn hơn.

    Xét nghiệm thông thường không lấy mẫu từ sâu bên trong phổi. Nhóm nghiên cứu của bác sĩ Bian đề xuất phải có xét nghiệm sâu hơn đến các phế nang trong phổi, trước khi cho bệnh nhân ra viện.

    Những kỹ thuật này cần đến máy móc chuyên dụng và rất tốn kém. “Như vậy không khả thi”, một bác sĩ tại một bệnh viện điều trị bệnh nhân Covid-19 tại Bắc Kinh, nói trên SCMP. “Cũng không có gì đảm bảo chính xác 100%”.

    Hơn 160 người Hàn Quốc được xác định dương tính trở lại với Covid-19. Hiện tượng trên cũng được ghi nhận ở nhiều quốc gia khác.

    Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đang xác minh lý do một số bệnh nhân hồi phục dương tính trở lại. Tuần trước, WHO cảnh báo rằng chưa có bằng chứng cho thấy người từng nhiễm virus sẽ không tái nhiễm.

    The SCMP

  • Một trong những vaccine ngừa Covid-19 hứa hẹn nhất do Đại học Oxford ở Anh phát triển đã cho kết quả tích cực khi thử nghiệm trên động vật.

    Theo SCMP, viện Serum Ấn Độ hiện là đối tác duy nhất của Đại học Oxford, Anh trong sản xuất vaccine ngừa Covid-19 và hiện là nhà sản xuất vaccine lớn nhất thế giới.

    Hôm 28.4, viện Serum Ấn Độ thông báo sản xuất tới 60 triệu liều vaccine ngừa Covid-19 tiềm năng do Đại học Oxford phát triển.

    Serum quyết định sản xuất đại trà vaccine ngay khi thử nghiệm trên động vật cho kết quả thành công và thử nghiệm trên người cũng khá tích cực, giám đốc Serum, Adar Poonawalla nói.

    Thử nghiệm trên 6 con khỉ vàng diễn ra hồi tháng trước tại phòng thí nghiệm núi Rocky của Viện Y tế Quốc gia, Mỹ tại Montana. 6 con khỉ được tiêm vaccine do Đại học Oxford phát triển, sau đó được cho phơi nhiễm Covid-19.

    an do phat trien vaccine
    Nhà vi trùng học Elisa Granato tham gia thử nghiệm vaccine ngừa Covid-19 do Đại học Oxford ở Anh phát triển.

    Hơn 28 ngày sau, tất cả khỉ tiêm chủng đều khỏe mạnh, Vincent Munster, nhà nghiên cứu có vai trò trong thử nghiệm, nói. Khỉ vàng có những yếu tố rất giống người nên thường được chọn để thử nghiệm vaccine trên động vật.

    Ở thời điểm điểm hiện tại, vaccine đang được thử nghiệm trên 100 tình nguyện viên và dự kiến sẽ cho kết quả cuối cùng vào tháng 9 năm nay. Poonawalla hi vọng thử nghiệm vaccine sẽ có kết quả thành công.

    Tuần trước, các nhà nghiên cứu tại Đại học Oxford nói vấn đề không phải là vaccine có hiệu quả trên người hay không mà thử nghiệm trên người để đánh giá các tác dụng phụ nếu có.

    Trả lời phỏng vấn trên Reuters, Poonawalla nói: “Đại học Oxford có các chuyên gia hàng đầu, rất có kinh nghiệm. Chúng tôi tin tưởng vào họ và rất tự tin vào dự án này”.

    Poonawalla nói Serum là công ty tư nhân, không phụ thuộc vào nhà đầu tư nên mọi rủi ro đều do ông chịu trách nhiệm.

    Cha của Poonawalla là người sáng lập viện Serum và ông hiện đang sở hữu khối tài sản 8,5 tỉ USD.

    Poonawalla nói nếu mọi chuyện suôn sẻ, công ty sẽ mở rộng sản xuất vaccine ngừa Covid-19, đạt sản lượng tới 400 triệu liều vào năm sau.

    Mỗi liều vaccine ước tính có giá khoảng 14,7 USD (khoảng 345.000 đồng). Poonawalla nói chính phủ Ấn Độ sẽ tiêm vaccine miễn phí cho người dân và ông hi vọng chính phủ có thể trang trải chi phí sản xuất vaccine.

    Ở thời điểm hiện tại, Serum có năng lực sản xuất 3-5 triệu liều vaccine ngừa Covid-19 mỗi tháng, tiêu tốn khoảng 5 triệu USD. “Chính phủ đã thể hiện quan điểm sẵn sàng hỗ trợ, nhưng chúng tôi chưa ký kết bất kỳ hợp đồng nào ở thời điểm hiện tại”, Poonawalla nói.

    Theo Reuters

  • Dự án vắcxin của ĐH Oxford (Anh), liên danh giữa Viện Jenner và Nhóm Vắcxin Oxford, đang có những bước nhảy vọt trong cuộc đua điều chế vắcxin chống Covid-19.

    Trong khi nhiều dự án đang “loay hoay” với các cuộc thử nghiệm quy mô nhỏ thì dự án vắcxin của ĐH Oxford đã được phép thử nghiệm lâm sàng trên 6.000 người vào cuối tháng 5, theo The New York Times.

    Mới đây, một nghiên cứu tại Mỹ cũng cho thấy loại vắcxin này điều trị Covid-19 thành công trên loài khỉ vàng Rêzut (rheus macaque).

    Cụ thể, các nhà khoa học tại Viện Y tế Quốc gia Rocky Moutain (Mỹ) đã tiêm loại vắcxin này cho 6 con khỉ vàng Rêzut. Trước đó, những con khỉ này bị phơi nhiễm với một lượng lớn virus corona.

    vaccine trials hpMain 20200423 054919 16x9 992

    Theo nhà nghiên cứu Vincent Munster, cả 6 con khỉ đều hồi phục và khoẻ mạnh sau 28 ngày kể từ khi được tiêm vắcxin. “Khỉ vàng Rêzut là loài có nhiều đặc điểm giống người nhất”, tiến sĩ Munster nhận định.

    Nếu chứng minh được dự án vắcxin an toàn và hiệu quả trên cơ thể người, ĐH Oxford có thể tung ra thị trường hàng triệu chế phẩm vào tháng 9 tới.

    Những thành công bước đầu này đã đưa dự án của ĐH Oxford dẫn đầu trong cuộc đua điều chế vắcxin nhưng vẫn chưa thể đảm bảo hiệu quả tương tự trên con người.

    Giám đốc chương trình vắcxin của Quỹ Bill và Melinda Gates, tiến sĩ Emilio Emini cho biết: “Thế giới chưa thể xác định được loại vắcxin phù hợp cho đến khi có kết quả thử nghiệm lâm sàng”.

    Cũng theo ông Emini, cần nhiều hơn một loại vắcxin trong cuộc chiến chống dịch Covid-19 vì mỗi chế phẩm có mức độ hiệu quả, liều lượng và chi phí sản xuất khác nhau. Bên cạnh đó, điều chế được nhiều loại vắcxin cũng sẽ giảm bớt gánh nặng trong công tác phân phối về sau.

    Dù thành công hay thất bại, dự án của ĐH Oxford chắc chắn sẽ mang đến nhiều bài học cho các nhà sản xuất dược phẩm và giới khoa học, tiến sĩ Emini nhận định.

    Báo Huffington Post dẫn thông tin từ Trường Y nhiệt đới và vệ sinh London, thế giới đang có khoảng 100 nghiên cứu về vắcxin phòng chống dịch Covid-19. Song chỉ có 7 dự án trong số đó đã tiến đến giai đoạn thử nghiệm lâm sàng trên người.

    Theo New York Times

  • Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern hôm 27-4 cho biết đại dịch Covid-19 “không còn lây lan trong cộng đồng” và quốc gia của bà đã “thắng trận chiến này”.

    Theo hãng tin AAP, bà Ardern bày tỏ sự lạc quan rằng New Zealand có thể "tiếp tục con đường thành công". "Chúng tôi đã cùng nhau làm điều này. Không còn sự lây nhiễm (virus SARS-CoV-2) rộng rãi trong cộng đồng. Chúng tôi đã thắng trận chiến đó" – bà Ardern nói.

    Tuy nhiên, nữ thủ tướng New Zealand cảnh báo dù "loại bỏ" Covid-19 nhưng thách thức tiếp theo đối với chính phủ là số ca mắc Covid-19 có nguy cơ tăng trở lại.

    chienthangcovid
    Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern. Ảnh: AP

    Bà Ardern giải thích: "Loại bỏ có nghĩa là chúng tôi có thể đạt đến mức 0 (ca nhiễm) nhưng chúng tôi có thể ghi nhận một số lượng nhỏ trường hợp mắc bệnh trở lại. Điều đó không có nghĩa là chúng tôi thất bại mà chỉ có nghĩa là chúng tôi đang ở vị thế kiểm soát những trường hợp đó, đồng thời giữ những con số (ca nhiễm và tử vong) ở mức thấp và giảm dần".

    Cũng theo bà Ardern, khoảng 400.000 người sẽ quay trở lại làm việc sau khi New Zealand hạ cấp lệnh phong tỏa từ cấp 4 xuống cấp 3 hôm 28-4.

    Bà Ardern không quên gửi lời cảm ơn người dân vì kiên trì thực hiện lệnh phong tỏa kéo dài 1 tháng, bao gồm "những hạn chế nghiêm ngặt nhất đối với người dân New Zealand trong lịch sử hiện đại".

    "Khi tôi đi dạo, tôi tận mắt nhìn thấy những quán cafe và nhiều địa điểm bị đóng cửa trong một vài tuần. Điều mà tôi thực sự mong đợi là có cơ hội hỗ trợ một số doanh nghiệp nhỏ" – bà Ardern cho biết thêm.

    Hôm 27-4, New Zealand báo cáo ca tử vong thứ 19 do Covid-19, trong khi số ca nhiễm là 1.469 ca. Tất cả những người thiệt mạng đều là người già, phần lớn đến từ viện dưỡng lão St Margaret's.

    Tỉ lệ bệnh nhân nhập viện cho thấy phản ứng y tế công cộng của New Zealand phát huy hiệu quả: chưa đến 90 trường hợp mắc bệnh phải tới bệnh viện.

    Theo AAP, Stuff

  • Hành động nhổ sạch cỏ dại trong thị trấn của chàng thanh niên 21 tuổi người Anh đang được ngợi ca là 'chàng trai có trái tim vàng'.

    0 lam co 1
    Alex Russell cặm cụi nhổ cỏ mỗi ngày kể từ khi ở nhà tránh dịch - Ảnh: BBC

    Alex Russell (hạt Cornwall, Anh) bị mắc chứng rối loạn lo âu, một dạng rối loạn tâm lý khiến cho Alex luôn cảm thấy lo lắng, bất an.

    Dịch COVID-19 xuất hiện khiến tình trạng bệnh xuất hiện nhiều hơn nhưng chàng trai 21 tuổi này đã tìm ra cách vừa điều trị tâm lý bản thân, vừa hữu ích cho cộng đồng.

    Thay vì giống như bao người khác dành phần lớn thời gian để xem phim, đọc sách, Alex sắm cho mình một bộ dụng cụ làm vườn và... ra đường nhổ cỏ.

    0 lam co 1
    Với mong muốn giữ cho thị trấn sạch và đẹp, Alex xắn tay áo, đi ủng, đeo găng tay và khẩu trang, bắt đầu nhổ cỏ từ vỉa hè trước của nhà mình rồi dần dần ra cả khu phố ở thị trấn Newquay - Ảnh: BBC

    Những ngày đầu tiên, lực lượng cảnh sát địa phương tiến đến khi thấy Alex lúi húi nhổ cỏ mà không ở trong nhà. Sau khi biết ý định, tất cả đều vui vẻ đồng ý với điều kiện anh tuân thủ quy định an toàn giãn cách xã hội.

    Alex nhận được rất nhiều lời khen ngợi từ người dân địa phương. Họ gọi anh là "chàng trai có trái tim vàng".

    Đặc biệt khi Alex bị bệnh tâm lý, thường bị bạn bè trêu chọc nhưng đã biết làm việc có ích cho xã hội trong khi những người khỏe mạnh và hay trêu đùa anh thì lại chỉ biết than vãn về thời gian buồn tẻ trong nhà.

    Không chỉ nhổ sạch cỏ dại ở khu phố nhà mình, Alex còn kéo xe đến dọn cỏ tại các khu vực ngoài trời xung quanh tòa nhà của Quân đoàn Hoàng gia Anh.

    "Tôi muốn thể hiện sự ủng hộ của mình đối với đội ngũ y tế và nhân viên chủ chốt của đất nước bằng cách cho mọi người thấy chúng tôi sống ở một nơi sạch đẹp", Alex chia sẻ.

    0 lam co 1
    Alex nhận được rất nhiều lời khen ngợi từ người dân địa phương - Ảnh: BBC

    Cảnh sát hạt Devon và Cornwall tỏ ra rất hài lòng với thiện chí này của chàng trai trẻ khi dọn sạch 4 con phố và luôn đeo khẩu trang, găng tay, giữ cách xa người khác ít nhất 2m, với một lọ thuốc khử trùng lúc nào cũng đặt trên xe.

    Alex cũng cho biết người thân ủng hộ anh thực hiện ý tưởng của mình. Ngay cả những người hàng xóm ban đầu xì xào bàn tán nhưng rồi cũng nhiệt tình cổ vũ và cho mượn dụng cụ làm vườn. Kế hoạch của anh là dọn sạch cỏ dại từ phố này sang phố khác, cho đến khi toàn bộ thị trấn không còn cọng cỏ nào.

    "Tôi cảm thấy khá thoải mái. Tập trung nhổ cỏ, làm sạch đường phố và giúp ích cho cộng đồng khiến tinh thần dễ chịu hơn, cảm giác đặc biệt "tự do". Ai nói gì không còn quan trọng nữa", Alex bộc bạch.

    Văn phòng Quân đoàn Hoàng gia Anh tại Newquay chia sẻ hoạt động của Alex trên Facebook và khen ngợi anh là nguồn cảm hứng cho nhiều người.

    Vương quốc Anh hiện đang đứng thứ 6 về tổng số ca nhiễm COVID-19, với 138.087 ca nhiễm, 18.738 ca tử vong.

    Theo BBC

  • Những ngày qua, nhiều nơi trên khắp thế giới đã bắt đầu dỡ bỏ một phần lệnh phong tỏa khi nhận thấy dịch COVID-19 có dấu hiệu ‘hạ nhiệt’.

    cat toc lam dep 1
    Thợ làm móng bắt đầu làm việc trở lại. Hiện nay, Georgia cho phép các loại hình kinh doanh như phòng gym, salon, phòng xăm… hoạt động giữa đại dịch nhưng phải đảm bảo những quy tắc an toàn - Ảnh: GETTY IMAGES

    Theo CNN, tại Hàn Quốc, dù gia hạn giãn cách xã hội thêm 15 ngày nhưng chính quyền nới lỏng hơn, cho phép các cơ sở tôn giáo, sự kiện thể thao ở một số nơi hoạt động trở lại.

    Thủ tướng Hàn Quốc Chung Sye Kyun cho biết nếu tình hình tích cực đến ngày 6-5, Hàn Quốc có thể về nhịp sống thông thường.

    Ấn Độ, Israel cũng nới lỏng phong tỏa, cho phép nhiều cửa hàng ở những thành phố lớn mở cửa trở lại, nhưng cho biết sẽ tái phong tỏa nếu số ca bệnh tăng.

    Chính phủ Paskistan chuyển sang hình thức "phong tỏa thông minh" trên cả nước từ 25-4 đến 9-5, cho phép nhiều hoạt động dịch vụ và sản xuất công nghiệp hoạt động sau khi COVID-19 qua đỉnh.

    cat toc lam dep 1
    Tommy Thomas cắt tóc cho vị khách "mối ruột" sau thời gian phong tỏa tại Atlanta, Georgia (Mỹ). Dù gặp nhiều ý kiến trái chiều nhưng Thống đốc bang Georgia Brian Kemp vẫn cho phép các cửa hiệu cắt tóc và một số dịch vụ không thiết yếu khác hoạt động trở lại - Ảnh: REUTERS

    Ở châu Âu, Ý, Áo, Đức… cũng cho mở cửa lại những cửa hàng nhỏ như hiệu sách, tiệm giặt ủi, một số hàng quán…

    Trong khi đó, Pháp cho biết sẽ triển khai các phương án dỡ bỏ phong tỏa dần dần cho đến ngày 11-5. Tây Ban Nha cũng sẽ phong tỏa linh hoạt hơn đến ngày 9-5 nhằm dần tái khởi động nền kinh tế.

    cat toc lam dep 1
    Cô Jessica King tranh thủ đi làm tóc trong giai đoạn nới lỏng phong tỏa tại Marietta, Georgia ngày 24-4 (Mỹ) - Ảnh: REUTERS

    Tại Mỹ, dù số ca nhiễm và tử vong vẫn tăng, một số bang như Texas, Vermont, Georgia… "bật đèn xanh" cho các hoạt động dịch vụ, sản xuất trở lại.

    Dẫu vậy, dỡ bỏ cách ly sớm vấp phải những ý kiến trái chiều từ các chuyên gia.

    Tổ chức Y tế thế giới (WHO) lên tiếng cảnh báo các nước nên thận trọng khi nới lỏng cách ly xã hội giữa lúc COVID-19 vẫn còn phức tạp.

    Thủ tướng Đức Angela Merkel cũng nhấn mạnh với lãnh đạo các bang: "Những thành công chống dịch đến nay có nguy cơ ảnh hưởng nếu các địa phương không thận trọng khi ban lệnh hạn chế phong tỏa".

    cat toc lam dep 1
    Bãi biển ở Jacksonville, Florida (Mỹ) đông du khách khi thành phố mở cửa trở lại vào ngày 17-4 - Ảnh: GETTY IMAGES

    cat toc lam dep 1
    Công nhân ở nhà máy xe Dongfeng Honda tại Vũ Hán vào sáng 8-4. Đây cũng là ngày đầu tiên sau khi Vũ Hán dỡ bỏ phong tỏa sau thời gian kỷ lục 76 ngày - Ảnh: AP

    cat toc lam dep 1
    Cha dẫn con đến mua sắm đồ chơi tại Berlin (Đức) vào ngày đầu tiên thành phố cho phép các cửa hàng mở cửa trở lại (22-4) - Ảnh: GETTY IMAGES

    cat toc lam dep 1
    Du khách đeo khẩu trang leo Vạn lý trường thành ngày đầu mở cửa thời kỳ “hậu đại dịch” (14-4). Quan chức Trung Quốc cho biết sẽ giới hạn 30% số lượng khách tham quan đến nhiều khu du lịch so với lượng trung bình hằng năm - Ảnh: AP

    cat toc lam dep 1
    Tại Vejle (Đan Mạch), nha sĩ Torben Schoenwaldt (trái) và thực tập sinh Rebecka Erichsen chăm sóc răng cho khách hàng vào ngày đầu "khai trương" sau dịch (20-4) - Ảnh: AFP

    cat toc lam dep 1
    Du khách vẫn giữ khoảng cách khi tham quan vườn thú Bergzoo Halle ở Saxony-Anhalt (Đức) ngày 23-4. Sau nhiều tuần tạm đóng cửa vì COVID-19, các vườn thú ở Saxony-Anhalt được cho phép hoạt động trở lại - Ảnh: AP

    cat toc lam dep 1
    Một số khu vực ở Ý đã cho phép các cửa hàng như tiệm sách, giặt ủi, quần áo trẻ em hoạt động trở lại. Trong ảnh, một phụ nữ mua hàng ở hiệu sách tại Rome ngày 20-4 - Ảnh: EPA

    cat toc lam dep 1
    Chó cũng được mang đi… làm đẹp giai đoạn nới lỏng phong tỏa ở Prague, Czech - Ảnh: REUTERS

    cat toc lam dep 1
    Từ 16-4, học sinh tiểu học ở Logumkloster (Đan Mạch) bắt đầu trở lại trường nhưng vẫn phải giữ khoảng cách 2m. Trước đó, Đan Mạch cũng là một trong những nước đầu tiên đóng cửa biên giới, cửa hàng, trường học, nhà hàng khi dịch COVID-19 mới xuất hiện ở châu Âu - Ảnh: REDUX

    cat toc lam dep 1
    Thợ cắt tóc Yang Guangyu ở Vũ Hán (Trung Quốc) vừa làm việc vừa đeo bộ dưỡng khí tự chế bằng bình nước, ống nhựa, khẩu trang. Vũ Hán là tâm dịch đầu tiên phát tán COVID-19, cũng là một trong những thành phố đầu tiên áp đặt lệnh phong tỏa - Ảnh: REUTERS

    cat toc lam dep 1
    Sau 3 tuần phong tỏa tạm thời, người dân bắt đầu tập trung đông đúc ở Accra (Ghana) ngày 20-4 - Ảnh: AFP

    Theo Tuổi Trẻ

  • Anh sẽ tổ chức "Hội nghị thượng đỉnh về vaccine toàn cầu" vào ngày 3-4 tháng 6 nhằm nỗ lực khuyến khích cộng đồng quốc tế cùng phối hợp hỗ trợ phát triển vaccine COVID-19.

    vaccine toan cau

    "Dịch bệnh không có biên giới, vì vậy chúng ta phải cùng nhau đảm bảo rằng Liên minh vaccine và Tiêm chủng Toàn cầu (GAVI) được tài trợ đầy đủ. Chuyên môn của GAVI là trung tâm cho những nỗ lực đảm bảo quyền tiếp cận rộng rãi với bất kỳ loại vacicne COVID-19 nào", CNN dẫn tin từ thông báo của Ngoại trưởng Anh Dominic Raab.

    "Hội nghị thượng đỉnh về vaccine toàn cầu" sẽ được Anh tổ chức vào ngày 3-4 tháng 6 với nỗ lực gắn kết cộng đồng quốc tế cùng phối hợp tìm ra vaccine COVID-19", Ngoại trưởng Raab nói.

    Trong 1 chia sẻ trên mạng xã hội Twitter sau đó, Ngoại trưởng Anh cũng cho hay nước này sẽ đồng tổ chức "Hội nghị Thượng đỉnh về Ứng phó Toàn cầu với coronavirus" vào ngày 4-6 cùng với các đối tác quốc tế, bao gồm Liên minh Châu Âu, Nhật Bản, Saudi Arabia, Na Uy và Nam Phi.

    "Anh đang đi đầu trong nỗ lực phát triển vaccine COVID-19 và triển khai thử nghiệm. Chúng tôi rất vui mừng được tổ chức "Hội nghị thượng đỉnh về Ứng phó Toàn cầu với virus Corona" vào ngày 4.6 cùng các đối tác...", Ngoại trưởng viết.

    Thông báo trên được đưa ra trong bối cảnh vaccine COVID-19 do Đại học Oxford Anh nghiên cứu đã được tiến hành thử nghiệm trên cơ thể người từ 23.4.

    Loại vaccine này có tên gọi là "ChAdOx1 nCoV-19" và được thử nghiệm cho 510 người trong số 1.112 tình nguyện viên có độ tuổi từ 18 đến 55 - được tuyển từ London, Bristol và Southampton.

    Tính đến sáng 25.4, Anh đã ghi nhận 143.464 ca mắc COVID-19 và 19.506 người tử vong.

    Theo GAVI

  • Virus Corona mới gây dịch Covid-19 bị tiêu diệt nhanh nhất dưới ánh nắng, nghiên cứu mới do các nhà khoa học của chính phủ Mỹ công bố.

    William Bryan, cố vấn khoa học và công nghệ của Bộ An ninh Nội địa Mỹ nói với các phóng viên tại Nhà Trắng rằng các nhà khoa học của chính phủ đã phát hiện tia cực tím có tác động rất mạnh đến virus.

    Tuyên bố mới từ Nhà Trắng một lần nữa mở ra hi vọng rằng dịch bệnh sẽ sớm biến mất vào mùa hè.

    ”Phát hiện nổi bật nhất của chúng tôi đến nay là ánh nắng dường như có tác động mạnh trong việc tiêu diệt virus, cả trên các bề mặt và trong không khí”, Bryan nói.

    “Chúng tôi cũng tìm thấy điều tương tự xảy ra với nhiệt độ và độ ẩm cao, tăng nhiệt độ và độ ẩm sẽ tạo ra điều kiện bất lợi cho virus”, Byran nói thêm.

    0 chien luoc chong dich moi
    Tia cực tím có nguồn gốc từ ánh nắng Mặt trời có thể dễ dàng phá hủy cấu trúc di truyền của virus.

    Tổng thống Mỹ Donald Trump nói cần phải hết sức cẩn trọng với phát hiện mới. “Tôi từng nói rằng virus có thể sẽ biến mất khi có ánh nắng và nhiệt độ cao. Mọi người có vẻ không thích tuyên bố đó cho lắm”, ông Trump nói.

    Các nhà nghiên cứu cũng phát hiện cồn hóa học (IPA) có tác dụng khử trùng tốt hơn là chất tẩy, Bryan nói.

    Tia cực tím từ lâu được biết đến rằng có tác dụng khử trùng tốt, do làm hỏng vật chất di truyền của virus, làm mất khả năng virus nhân bản. Vấn đề là sử dụng tia cực tím trong phòng thí nghiệm có giống với môi trường ánh nắng ngoài trời hay không.

    Byran chia sẻ kết quả thí nghiệm được thực hiện tại Trung tâm phân tích và đối phó sinh học quốc gia ở Maryland.

    Kết quả cho thấy số lượng virus có thể giảm một nửa trong 18 giờ với điều kiện nhiệt độ từ 21-24 độ C và độ ẩm 20% trên các bề mặt như tay nắm cửa và thép không rỉ. Cùng điều kiện này, số lượng virus trong không khí sẽ giảm một nửa trong 1 giờ.

    Trong điều kiện độ ẩm 80% và có ánh nắng, số lượng virus giảm một nửa trong chưa đầy 2 phút.

    Bryan kết luận rằng điều kiện khí hậu giống mùa hè “có thể là cơ sở làm giảm sự lây truyền của virus”. Tuy nhiên, Byran thừa nhận điều này không có nghĩa là virus sẽ biến mất hoàn toàn và do đó cần có các biện pháp phòng dịch phù hợp.

    0 chien luoc chong dich moi
    Ông William Bryan phát biểu bên cạnh TT Trump.

    “Sẽ là thiếu trách nhiệm nếu chúng ta nói virus sẽ biến mất hoàn toàn vào mùa hè và mọi người có thể không cần quan tâm đến các quy định giãn cách xã hội”, Bryan nói.

    Các nghiên cứu trước đây đều chỉ ra rằng virus Corona mới ưa điều kiện khí hậu khô lạnh hơn. Bằng chứng là mùa hè ở các nước nam bán cầu khiến virus lây lan chậm hơn.

    Giới chức Mỹ để ngỏ khả năng ngay cả khi lây lan chậm vào mùa hè, virus vẫn có thể trỗi dậy vào mùa thu và mà đông, giống như cúm mùa.

    Nguồn: USNews

  • Giáo sư hàng đầu Israel gây tranh cãi sau khi tuyên bố nCoV sẽ tự phát triển và biến mất sau 70 ngày bất kể mọi biện pháp phong tỏa hay hạn chế.

    Isaac Ben-Israel, người đứng đầu chương trình nghiên cứu bí mật tại Đại học Tel Aviv kiêm Chủ tịch Hội đồng Nghiên cứu và Phát triển Quốc gia Israel, hôm 16/4 công bố phân tích chứng minh Covid-19 đạt đỉnh vào ngày thứ 40 trước khi suy yếu nhanh.

    virus chet sau 70 ngay
    Giáo sư Ben-Israel. Ảnh: Times of Israel.

    Thiếu tướng Ben-Israel cũng là trưởng phòng phân tích và đánh giá của Tổng cục Tình báo Không quân Israel, đồng thời là cựu cố vấn trưởng điều khiển học cho Thủ tướng Benjamin Netanyahu, cho rằng việc đóng cửa các nền kinh tế lớn đang gây hậu quả lớn mà chỉ thu được lợi ích nhỏ.

    Các tính toán của ông cho thấy biểu đồ % tỷ lệ lây nhiễm mới hàng ngày bắt đầu ở mức 30% rồi giảm xuống 10% sau 6 tuần và chưa đầy 5% sau một tuần nữa.

    "Phân tích của chúng tôi cho thấy biểu đồ này không đổi ở mọi quốc gia", ông viết trong báo cáo khoa học tự công bố trong tuần này. "Điều đáng ngạc nhiên là biểu đồ này cũng phổ biến ở những quốc gia áp dụng lệnh phong tỏa nghiêm ngặt mà nền kinh tế bị tê liệt, cũng như những nước thực hiện chính sách mềm mỏng hơn và cuộc sống vẫn tiếp diễn bình thường".

    Rất khó để kiểm chứng tính toán của Ben-Israel, bởi không thể căn cứ vào tình hình ở bất kỳ quốc gia nào làm dữ liệu cơ sở. Ngay cả Thụy Điển, nơi thực thi ít lệnh hạn chế nhất, vẫn thực hiện một số biện pháp ngăn chặn Covid-19.

    Cũng không có hai quốc gia nào giống nhau hoàn toàn khi áp dụng các biện pháp giãn cách xã hội, cách ly, xét nghiệm, truy vết tiếp xúc và phong tỏa, vì vậy rất khó để đưa ra so sánh.

    Nhóm phân tích dữ liệu của Telegraph đã xem xét các số liệu thống kê và rất khó để so sánh các nước do biến số cao. Một số nước áp dụng biện pháp xét nghiệm nghiêm ngặt, dịch vẫn lây lan theo cấp số nhân trong thời gian dài, trong khi một số khác cũng áp dụng biện pháp phong tỏa, dịch lại nhanh chóng giảm tốc độ. Việc thống kê dữ liệu giữa các quốc gia cũng không đồng nhất, ca nhiễm đầu tiên được xác nhận cũng có thể không phải là ca đầu tiên xuất hiện.

    Đỉnh dịch xuất hiện gần thời điểm 60 ngày ở 20 quốc gia chứ không phải thời điểm 40 ngày, trước khi đi xuống. Mỹ là một ngoại lệ, với mức tăng cao và đỉnh dịch xuất hiện ở ngày thứ 80.

    Khi được hỏi tại sao dịch tự hết mà không cần can thiệp, Ben-Israel trả lời: "Tôi không thể giải thích, có nhiều suy đoán. Có thể do khí hậu hoặc virus có vòng đời riêng".

    Một số loại bệnh sẽ tự thoái lui như ở một số vùng virus gây bệnh tả sẽ tự chết đi khi trong môi trường gia tăng một số loại virus khác giết chết nó, hoặc bệnh cúm mùa, virus sẽ chết dần khi thời tiết quá nóng làm tan lớp màng bảo vệ bằng chất béo của nó. Các loại virus corona gây bệnh cảm lạnh thông thường cũng xuất hiện theo mùa, đạt đỉnh vào mùa thu và mùa đông.

    Các nhà khoa học chưa rõ nguyên nhân gây ra hiện tượng này. Có thể do virus chỉ thích nhiệt độ lạnh, hoặc có thể nhiệt độ lạnh làm hệ hô hấp của con người thay đổi.

    Khác biệt theo mùa cũng có thể do con người dành nhiều thời gian ở trong nhà hơn và gần gũi người nhiễm virus. Một số nghiên cứu cho thấy giảm thân nhiệt có thể ngăn hệ miễn dịch chống lại lây nhiễm.

    Dựa trên dữ liệu mới, nhóm nghiên cứu của đại học Tel Aviv kêu gọi chính phủ Israel dỡ bỏ dần các quy định hạn chế trong khi vẫn duy trì giãn cách xã hội.

    "Bằng chứng cho thấy đồ thị đi xuống ngay cả khi không thực hiện lệnh phong tỏa toàn diện, do đó nên thay đổi chính sách hiện thời và dỡ phong tỏa", các nhà nghiên cứu nói. "Đồng thời nên tiếp tục các biện pháp ngăn ngừa chi phí thấp như đeo khẩu trang, mở rộng xét nghiệm cụm dân cư xác định và cấm tụ họp đông người".

    Tuy nhiên, các nhà khoa học Anh cho rằng thật sai lầm khi nói giãn cách xã hội và biện pháp phong tỏa không làm thay đổi tiến trình virus lây lan. 

    "Ý kiến rằng các biện pháp ngăn ngừa Covid-19 không liên quan tới đồ thị lây của nCoV đã không tính đến khái niệm hệ số lây nhiễm cơ bản của bệnh truyền nhiễm. Hệ số này bị ảnh hưởng bởi một số yếu tố bao gồm thời gian lây nhiễm, sự lây nhiễm và số người dễ lây nhiễm trong khu dân cư mà bệnh nhân tiếp xúc", giáo sư Babak Javid, chuyên gia tư vấn các bệnh truyền nhiễm ở Bệnh viện Đại học Cambridge, nói.   

    "Họ đúng khi phỏng đoán nếu không khống chế được đồ thị tăng, nó sẽ tự giảm xuống. Nhưng cái đó chỉ xảy ra trong trường hợp phần lớn dân số bị nhiễm. Phân tích của họ không đúng nếu những biện pháp ngăn ngừa nCoV làm giảm số lượng người bị nhiễm ban đầu".

    "Singapore là một ví dụ rõ ràng: Đã ba tháng (90) ngày từ khi xuất hiện ca nhiễm đầu tiên. Sau chiến lược ngăn chặn thành công ban đầu, do không thể ngăn chặn nCoV lây trong những khu nhà ở công nhân chật chội, con số nhiễm tăng đột biến trong quần thể dân cư mà trước đây chưa phát hiện người nhiễm", Javid nói. 

    Theo Telegraph