• Đại dịch Covid-19 còn nhiều điều bí ẩn mà các nhà khoa học chưa hiểu rõ và do đó, dù ở lứa tuổi nào cũng không thể chủ quan.

    Khi Ben Luderer, 30 tuổi, bị ốm và biết mình nhiễm Covid-19, anh không tỏ ra ngạc nhiên. Vài ngày trước, người vợ của Ben, Brandy có kết quả xét nghiệm dương tính với Covid-19.

    Brandy chỉ bị nhiễm virus ở dạng nhẹ, gần như không bị sốt. Cặp vợ chồng trẻ không mấy lo lắng vì cả hai trước khi nhiễm bệnh đều khỏe mạnh.

    Nhưng đối với Ben, tình trạng sức khỏe của người đàn ông này xấu đi nhanh chóng. Ben thường xuyên bị khó thở, phải nhập viện khẩn cấp.

    Tại bệnh viện, các bác sĩ cho Ben thở oxy, cho uống thuốc và cho về nhà nghỉ ngơi. “Hãy cố gắng hồi phục khi ở nhà”, các bác sĩ nói.

    Brandy kể rằng mỗi đêm là quãng thời gian khó khăn nhất vì chồng cô thường xuyên cảm thấy khó thở.

    tre khoe va covid 1
    Ben và Brandy quen nhau từ khi còn học chung một trường ở New Jersey, Mỹ.

    Một đêm nọ, Ben ngủ trong phòng còn Brandy ở ngoài phòng khách. Cả hai trao đổi qua tin nhắn. Ben nói rằng mình cảm thấy mệt mỏi nhưng không chắc có cần nhập viện khẩn cấp hay không.

    “Lần cuối tôi kiểm tra là lúc 2 giờ sáng, anh ấy vẫn bình thường”, Brandy nói. 6 giờ sáng tỉnh dậy, Brandy thấy chồng mình nằm bất động, ngừng thở từ lâu.

    Brandy không hiểu tại sao chồng mình chưa từng có bệnh nền, hoàn toàn khỏe mạnh mà khi nhiễm Covid-19 thì sức khỏe lại xuống dốc nhanh như vậy.

    Thông thường, người già là nhóm dễ tổn thương vì Covid-19 nhất do hệ miễn dịch đã suy yếu và thường người già hay mắc bệnh về hô hấp, tim mạch.

    Những người trẻ thường có nguy cơ tử vong vì Covid-19 thấp, nhưng những ca bệnh nặng với người trẻ đôi khi vẫn xảy ra. Bác sĩ  Anthony Fauci, thành viên nhóm chống dịch Covid-19 của Nhà Trắng mô tả đó là lý do Covid-19 là dịch bệnh “khác thường”.

    “Nó khác thường bởi không tuân theo bất kì quy luật nào cả. Nhiều người đang khỏe mạnh rồi bỗng nhiên ở mất khả năng hô hấp, phải phụ thuộc vào các thiết bị hỗ trợ sự sống”, ông Fauci nói.

    Các nhà khoa học cho rằng câu trả lời có thể nằm ở kiểu gene của mỗi người. Một khả năng là sự khác biệt giữa các thụ thể ACE2 mà virus Corona dùng để làm cầu nối xâm nhập vào tế bào phổi ở người.

    tre khoe va covid 1
    Virus Corona dùng thụ thể ACE2 để xâm nhập vào tế bào người.

    Nhà miễn dịch học Philip Murphy, công tác tại Viện Dị ứng và Truyền nhiễm Quốc gia Mỹ, nói “những thụ thể ACE2 khác nhau dù chỉ một phần nhỏ cũng có thể khiến virus xâm nhập dễ hơn hoặc khó hơn”.

    Một khả năng khác nằm ở chất nhầy giúp phổi mở rộng và co bóp tốt hơn. Không có chất nhầy, phổi dần dần bị xơ cứng, không thể hoạt động như bình thường.

    Một số người nhiễm Covid-19 có thể bị tác động đến chức năng sản sinh chất nhầy, dẫn đến khó thở ngay cả khi có máy móc trợ giúp.

    Ngoài ra, hệ miễn dịch quá yếu không thể ngăn được virus nhưng nếu quá mạnh cũng sẽ phản tác dụng. Ở một số người trẻ, hệ miễn dịch phản ứng quá mức không chỉ giết chết tế bào nhiễm virus mà còn hủy hoại cả tế bào khỏe mạnh, dẫn đến tổn thương phổi vĩnh viễn.

    Một số bác sĩ lâm sàng ở tuyến đầu chống dịch Covid-19 nhắc đến việc một số bệnh nhân dùng thuốc ức chế hệ miễn dịch lại duy trì được sức khỏe tốt hơn.

    Cuối cùng, có thể những người trẻ nghĩ rằng mình miễn nhiễm với virus nên không có biện pháp phòng ngừa. Kết quả là họ bị nhiễm virus với mật độ dày hơn những người khác.

    Theo CNN, ở thời điểm hiện tại, dù ở độ tuổi nào và tình trạng sức khỏe ra sao, cần hết sức thận trọng, tuân theo khuyến cáo của nhà chức trách. Đó là ở nhà, thực hành giãn cách xã hội và rửa tay thường xuyên.  Cần đến ngay cơ sở y tế khi có triệu chứng nhiễm virus vì sự khó thở có thể quyết định sự sống vài chết trong tích tắc.

    Về phần Brandy, cô đã hỏi các bác sĩ chữa trị cho chồng mình nhưng không ai biết nguyên nhân chính xác. “Chúng tôi không biết. Không hiểu tại sao tình trạng anh ấy xuống dốc nhanh như vậy”, các bác sĩ nói.

    Dân Việt (dịch từ CNN)

  • Cụ bà Rita Reynold, 99 tuổi là người già nhất ở Anh đã khỏi bệnh do virus corona chủng mới gây ra. Người thân của bà đã chia sẻ bí mật bất ngờ.

    Khi cuộc khủng hoảng virus corona tiếp diễn, nó không chỉ gây ra không khí tiêu cực mà ở đó còn cả những điều kỳ diệu nhất xung quanh chúng ta. Và dưới đây là một trong những điều kỳ diệu mới xảy ra nhất.

    Sắp bước sang tuổi 100

    Cụ bà 99 tuổi được cho là người già nhất nước Anh đã khỏi bệnh Covid-19. Gia đình của cụ Rita Reynold chia sẻ một cách hài hước rằng bí quyết của cụ là sự hết lòng với tình yêu móni bánh mì kẹp mứt.

    Bà Rita Reynold đến từ vùng ngoại ô Bramhall ở Stockport, Anh, đã ngã bệnh vì Covid-19 vào ngày 25/3. Gia đình đã chuẩn bị tâm lý cho điều tồi tệ nhất khi tình trạng của bà ngày một xấu đi.

    Nhân viên của viện dưỡng lão Abbeyfield đã giúp bà phấn chấn tinh thần và cho bà uống những “liều thuốc cuối đời”. Các y tá của hạt tin rằng bà sẽ hồi phục.

    Ngày 2/4, các y tá hạt cho biết bà đã hồi phục và đang được theo dõi thêm.

    cu ba chien thang covid 1
    Cụ bà Rita Reynold. Ảnh: SWNS.

    Henry Phillips, một trong những người cháu của bà Reynold, nói đùa rằng chế độ ăn đã giúp bà hồi phục: “Cụ bà đã 99 tuổi nên rõ ràng là bà rất yếu ớt. Tôi không nghĩ có cách nào khiến bà hồi phục khỏi virus. Nhưng bà dường như đã làm được”.

    “Tôi không biết bà đã vượt qua bằng cách nào. Tôi không nghĩ rằng bà đã từng ăn rau hoặc trái cây. Bà sống bằng bánh quy và sandwich kẹp mứt. Nhưng bà không bao giờ hút thuốc và uống rượu”.

    “Ngày nào bà cũng chỉ muốn ăn sandwich kẹp mứt”, người cháu nói về món ăn sở trường của bà Reynold và cho biết có lẽ nó đã giúp bà khỏi bệnh.

    Bà Reynold từng là người lái xe trong Thế chiến II. Bà đã sống qua tuổi 21 với một quả bom rơi xuống bên ngoài nhà mình ở Liverpool nhờ chui xuống gầm bàn. Bà đã không chịu xuống hầm trú ẩn vì muốn đọc một cuốn sách.

    Bà đang mong chờ bước sang tuổi 100 vào tháng 7.

    Hồi phục thần kỳ

    Bà Reynold sinh ra ở Isle of Man, vùng đất tự trị ở ở biển Ireland. Người chồng quá cố của bà là một nhà khoa học. Họ có với nhau 3 người con, 4 cháu và 2 chắt.

    Nhân viên chăm sóc ở viện dưỡng lão đã gọi cho bác sĩ khi bà Rita khó thở, không muốn ăn uống và rời khỏi giường, theo Metro.

    Bà Cindy Phillips, mẹ của ông Henry, đến thăm mẹ mỗi ngày và luôn cầu nguyện bên giường của bà. Bà cũng đã nghĩ đến điều tồi tệ nhất.

    “Tình trạng của bà không tốt lắm. Họ đã kê liều thuốc cuối đời cho bà, song bà đã không uống nó”, ông Henry tiếp tục.

    “Mẹ tôi bị suy sụp. Mẹ đến gặp cụ Reynold mỗi ngày và rất lo sợ cụ sẽ không qua khỏi. Mẹ không thể ở bên cụ lúc đó”.

    cu ba chien thang covid 1
    Bà Rita Reynold bên con cháu trong sinh nhật lần thứ 97. Ảnh: SWNS

    “Nhưng đến ngày 29/3, nhân viên chăm sóc nói bà có tiến triển. Bà có thể ăn một chút. Đến ngày 2/4 thì họ tin chắc rằng bà đã hồi phục”.

    Ông Henry không ngần ngại nói: “Tôi không nghĩ rằng họ phải xét nghiệm lại vì không có bất cứ dấu hiệu đáng ngại nào. Có vẻ như bà đã hồi phục một cách thần kỳ”.

    Hành động đẹp theo hiệu ứng domino

    Được truyền cảm hứng từ sự bình phục của bà Reynold, trên khắp đất nước, người dân đã nỗ lực làm những điều tích cực để xua tan không khí ảm đạm vì đại dịch. Họ để lại quà và lời nhắn trên nắp thùng rác của nhà mình để cảm ơn những nhân viên thu gom rác mỗi tuần.

    Thậm chí, có người ở Hounslow, phía tây London, đã để lại cả chai champagne cùng một tờ giấy nhắn cảm ơn. “Cư dân của Hounslow luôn ở phía sau những nhân viên quan trọng (trong đại dịch). Chúng tôi để lại những món quà và giấy nhắn cho các nhân viên của chúng ta”, một người dùng Twitter viết kèm bức ảnh chụp chai rượu trên nắp thùng rác.

    cu ba chien thang covid 1
    Chai champagne kèm lời nhắn trên một thùng rác ở Hounslow, Anh. Ảnh: Twitter

    Người dân ở Maidstone, hạt Kent, cũng gửi đi ngập tràn những thông điệp cùng bức tranh đầy màu sắc. “Các bạn thân mến, cảm ơn vì đã làm việc trong thời gian đáng sợ này”, một lời nhắn viết.

    “Cảm ơn vì tất cả những gì các bạn đã làm! Các bạn thật sự là những nhân viên quan trọng của chúng tôi”, người khác viết.

    Để cổ động cho các nhân viên Dịch vụ Y tế Quốc gia (NHS) tại bệnh viện ở Northumberland, một đoàn xe cảnh sát đã xếp hàng bên ngoài vào tối 2/4 và réo đèn báo hiệu màu xanh.

    Đến 20h, họ cùng các sĩ quan cảnh sát trên cả nước đã vỗ tay cổ động theo chương trình “Clap cho Carers”.

    Theo Zing

  • Vương quốc Anh cho biết số lượng lớn tình nguyện viên đã đăng ký giúp đỡ Dịch vụ Y tế Quốc gia (NHS) trong cuộc chiến chống dịch Covid-19.

    Bộ trưởng Y tế Anh Matt Hancock ngày 26/3 cho biết 560.000 người đã ứng cử làm tình nguyện viên để đồng hành cùng Dịch vụ Y tế Quốc gia (NHS) trong cuộc khủng hoảng dịch virus corona. Con số này cao gấp đôi số lượng mà ông Hancock mong đợi, theo Reuters.

    Trước đó, ngày 24/3, nước này đã kêu gọi 250.000 tình nguyện viên đăng ký giúp đỡ NHS và những người dễ bị tổn thương do đại dịch Covid-19 gây ra.

    Viết trên Twitter, bộ trường nói điều này thật “tuyệt vời”.

    Bạn có thể đăng ký tại đây: https://www.goodsamapp.org/NHS

    Đường phố Anh vắng vẻ hôm 24/3.

    Các tình nguyện viên phải từ 18 tuổi trở lên, khỏe mạnh và không có triệu chứng Covid-19. Những người trên 70 tuổi và mắc bệnh nền có thể hỗ trợ qua điện thoại.

    Nhiệm vụ của các tình nguyện viên bao gồm: trợ giúp cộng đồng (mua sắm thuốc men, nhu yếu phẩm cho những người tự cách ly), vận chuyển bệnh nhân, vận chuyển cho NHS (thiết bị, vật tư y tế, thuốc men từ chỗ NHS đến tay bệnh nhân, hỗ trợ các nhà thuốc), tư vấn, hỗ trợ qua điện thoại…

    “Các tình nguyện viên của NHS được thành lập để hỗ trợ NHS trong đợt dịch Covid-19 bùng phát”, thông báo vận động tình nguyện viên trên trang web của NHS. “Chúng tôi cần một đội quân để có thể hỗ trợ 1,5 triệu người ở Anh, những người có nguy cơ cao nhất trước virus”.

    Đến nay, Vương quốc Anh có khoảng 11.658 ca nhiễm và 578 người chết vì virus corona chủng mới này.

    Bạn có thể đăng ký tại đây: https://www.goodsamapp.org/NHS

    Bệnh viện London đối mặt 'sóng thần' Covid-19

    Các bệnh viện ở thủ đô nước Anh đang bị quá tải bệnh nhân Covid-19 và sự thiếu hụt nghiêm trọng nhân viên y tế, theo quan chức NHS.

    Chris Hopson, giám đốc điều hành NHS Provider, tổ chức đại diện cho các quan chức thuộc Cơ quan Y tế Quốc gia Anh (NHS), hôm nay cho biết các bệnh viện London đang chứng kiến "sự bùng nổ nhu cầu của những người bệnh nặng" với số người nhập viện được dự đoán sẽ tăng mạnh trong nửa tháng tới.

    "Họ nói về những đợt sóng tiếp nối nhau. Từ tôi thường được nghe là chuỗi sóng thần", ông nói, đề cập đến làn sóng bệnh nhân nhiễm nCoV đổ tới các bệnh viện ở London.

    Chính phủ Anh đang xây dựng bệnh viện dã chiến 4.000 giường ở trung tâm triển lãm tại London. Truyền thông Anh cho biết 10 cơ sở tương tự cũng sẽ được dựng lên trên khắp cả nước.

    Hopson cho biết vấn đề quá tải bệnh nhân của các bệnh viện ở London càng trở nên trầm trọng hơn bởi "tỷ lệ nghỉ ốm chưa từng thấy" của nhân viên y tế. "Chúng tôi hiện chứng kiến 30, 40 và thậm chí một số nơi tỷ lệ nhân viên y tế nhiễm bệnh lên tới 50%", ông nói, thêm rằng các bệnh viện cũng đang đối mặt tình trạng thiếu máy thở.

    Bình luận của Hopson được đưa ra khi chính phủ Anh tuyên bố đã đặt hàng 10.000 máy thở để đối phó đại dịch. Trước đó, Bộ trưởng Y tế Anh Matt Hancock kêu gọi mọi người đoàn kết và ở yên trong nhà để giảm số người chết vì dịch bệnh.

    Theo Zing

  • Cách đây ít giờ, bạn Do Ha sống ở London đã chia sẻ hành trình nhiễm coronavirus của mình trên trang cá nhân. Viethome xin đăng lại để mọi người cùng tham khảo và bình tĩnh chiến đấu nhé:

    ''Mình bị nhiễm corona

    Triệu chứng:

    1: 4 ngày đầu rát họng, húng hắng ho, nhưng có thể nhịn được. Chẳng khác cúm bình thường. Mà mình vốn viêm họng đi viêm họng lại cả 2 tháng nay chưa hết. Vẫn ngồi hóng hớt chuyện corona quanh vũ trụ mà không nghĩ mình bị. Vì mình chuẩn bị nai nịt tỷ tỷ thứ để cách ly dịch bệnh bên ngoài, không ra ngoài khi thấy dịch bắt đầu bùng mạnh ở Anh. Không sợ tí nào.

    2: 3 ngày sau đau nửa đầu bên phải. Mắt muốn rụng ra ngoài vì đau. Đau dã man. Chưa từng bị như thế. Xem triệu chứng của mấy người từng bị, họ bảo đau đầu thôi, chứ chưa ai nhấn mạnh là nó khủng khiếp thế. Có bà bác sĩ Anh kể kinh nghiệm, ví nó như đau đẻ, mình chưa đẻ nên cũng không hình dung ra. :((, mà ai nghĩ giống đau đẻ nhưng ở trên mắt trên đầu.:((

    Thực sự rất rất đau, nhưng 3 ngày này cổ họng mình lại không rát và mình không hề ho, nên nghĩ không phải bị corona đâu. Đến ngày thứ 3 đau đầu mình không chịu được nên đi hỏi xung quanh 2 bạn từng bị corona ở Thuỵ sĩ và ở Anh. 2 bạn đều bảo dấu hiệu giống hệt. Sau 3 ngày sẽ đỡ, nên mình tưởng là mình có bị thì cũng qua ải rồi. Vẫn bình tĩnh ngồi mắt nhắm mắt mở chém gió Facebook với chị em, dù đầu đau như búa bổ. Đau ở hốc mắt phải, đỉnh đầu, sau gáy, 3 điểm này cứ nhấp nháy thay nhau đau. Có lúc cả 3 điểm cùng nháy, thốn kinh khủng khiếp. Mình có sốt và uống giảm đau. Mấy ngày này sốt buổi sáng thôi.

    3: Ngày hôm qua là ngày đáng sợ nhất. Mình không thở được bình thường. Không thể nằm xuống vì nằm là không thể thở được. Bật hệ thống thông khí rồi mở cửa sổ nhưng trong suốt 2 tiếng sốt cao nhất ý, mình như bị nhốt trong phòng kín yếm khí, cố hít lấy hít để mà không đủ. Đầu bớt đau nhưng thêm vào đó là đau ở tim và phổi, 2 quả thận tê tái đau buốt. Sốt rất cao và liên tục.

    Lúc này bắt đầu lo lắng hoảng loạn vì không thể thở được, mình nhắn tin cho con bạn đang là bác sĩ tuyến đầu chữa corona ở Vietnam. Nó bảo không ổn rồi, tuần thứ 2 là tuần nguy hiểm nhất, mà triệu chứng của mình là phải chụp phổi với điều trị ngay rồi. Thế là gọi 999 cấp cứu. Mềnh tưởng được nhấc đi ngay nhưng 6 tiếng sau mới có người gọi lại để xác nhận triệu chứng xem còn nặng như lúc đầu gọi không. Cách đây 2 tiếng họ mới cử 2 bác sĩ đến lấy máu và đo nhiệt độ.

    Mềnh rơm rớm nước mắt kể không thở được và đau phổi đau tim, nhưng họ bảo tình trạng của mình vẫn tốt hơn rất nhiều người nên ở nhà cách li và uống giảm sốt thôi. Họ ngồi vỗ về cho mình bình tĩnh lại rồi 1 tiếng sau mang kết quả đến và tình nguyện viên liên lạc để cung cấp nhu yếu phẩm. Ai cần chứ, mì tôm với gạo tôi tích đầy kho từ hồi dịch bùng ở China cơ :(((

    Vấn đề ở đây là cách chữa trị. Mình là người Việt Nam, từ bé cứ sốt cứ ốm là téng viên thuốc kháng sinh liều cao thì khỏi. Nên cơ thể cứ ốm phải uống kháng sinh mới khá hơn. Trong khi ở tây, như thằng cháu David, nó mà ốm là mẹ nó lột trần chỉ cho mặc si líp, rồi uống siro ho cho cơ thể tự đề kháng. Hôm trước hôm sau nó lại nghịch như giặc. Không giống mình bé mà ốm là lăn lóc cả tuần. Nên lần này tên chồng mình chữa cho mình đúng bằng cách uống giảm sốt với ăn súp gà, nước chanh như bác sĩ bên này khuyên :(((. Rõ ràng hắn mang bệnh về mà chả bị đau ốm gì, trong khi mình không thở được.

    Vì vậy mình quyết định nghe theo bạn mình uống kháng sinh và vỗ cho long đờm ở phổi. Quả nhiên ẹo ra được 1 ít, thấy hít thở cũng thông thoáng hơn. Hiện tại mình như cây thông noel, :(( mỗi phút lại nháy đau ở 1 chỗ, nhưng không đau kinh khủng như trước và thở tốt hơn.

    Nghĩ lại ngày hôm qua mà sợ, thảo nào có ông già ở bên Anh bị corona khóc tu tu livestream chào tạm biệt mọi người. Vừa đau vừa không thở được, cảm giác teo đến nơi rồi ý :(((''

    Mặc dù rất đau nhưng bạn Do Ha vẫn kiên nhẫn chia sẻ cho chúng ta một kinh nghiệm rất đáng để tham khảo.

    Một bạn đọc cũng chia sẻ với Viethome rằng tới ngày thứ 5 và thứ 6 phát bệnh, bạn bắt đầu mất vị giác và khứu giác. Nhân viên NHS dặn dò nếu không đi tiểu được hoặc không uống được thì mới gọi cấp cứu. 

    Ai muốn chia sẻ câu chuyện của mình để giúp đỡ cộng đồng thì hãy inbox cho Viethome nhé. Chúc các bạn khỏe mạnh.

    Từ Facebook Do Ha

  • Bond Girl - Olga Kurylenko nổi tiếng nhờ tập phim James Bond: Quantum Of Solace - Định mức khuây khỏa năm 2008. Người đẹp nay đã 40 tuổi và vừa trải qua một tuần tự cách ly ở London để trị bệnh. 

    Triệu chứng của cô bao gồm sốt và mệt mỏi, nhưng đã khỏe hơn sau khi tự chữa bệnh. 

    Chia sẻ về tình trạng của mình trên Instagram, Olga nói: ''Sau khi nhận được kết quả xét nghiệm dương tính, bác sĩ không kê cho tôi loại thuốc nào cả mà chỉ khuyên uống paracetamol nếu bị sốt cao hoặc bị đau''. 

    Olga đeo khẩu trang tự cách ly ở nhà.

    Bên cạnh đó, Olga tự giác bổ sung vitamin và khoáng chất để đẩy nhanh quá trình hồi phục. Cô uống vitamin B5 để tăng cường năng lượng, uống vitamin E và bổ sung kẽm để tăng cường sức đề kháng, uống vitamin C để chống viêm nhiễm. 

    Cô nhắn nhủ: ''Xin hãy nhớ rằng các vitamin này không diệt được virus mà chỉ giúp hệ miễn dịch khỏe hơn để đủ sức chiến đấu''.

    Olga xinh đẹp khi khỏe mạnh.

    Cách phòng chống virus corona tốt nhất là nâng cao sức đề kháng của cơ thể, các chuyên gia khuyên bạn hãy tăng cường bồi bổ các thực phẩm sau:

    Ăn trái cây họ cam, quýt: Vitamin C là chất dinh dưỡng tăng cường hệ miễn dịch của cơ thể bởi dưỡng chất này giúp làm tăng khả năng sản sinh của bạch cầu trong máu. Tuy nhiên, cơ thể con người lại không thể tự sản sinh hoặc tổng hợp vitamin C mà cần phải được cung cấp thông qua các loại thực phẩm để duy trì sức khỏe. Các loại trái cây họ cam quýt như bưởi, cam, chanh... là những nguồn rất giàu vitamin C.

    Bông cải xanh: Là loại thực phẩm có chứa rất nhiều vitamin và khoáng chất tốt cho sức khỏe, bao gồm: vitamin A, C, E, chất xơ và các chất chống oxy hóa khác. Đây là một trong những loại rau tốt cho sức khỏe, có thể đưa vào chế độ ăn mỗi ngày.

    Tỏi: Theo các nghiên cứu y khoa, việc tiêu thụ tỏi có thể giúp giảm huyết áp, làm chậm quá trình xơ cứng động mạch. Ngoài ra, tỏi còn chứa rất nhiều vitamin C, giúp tăng cường sức đề kháng cho cơ thể, từ đó giúp nâng cao sức đề kháng da.

    Gừng: Là thực phẩm có tác dụng tăng cường hệ miễn dịch cơ thể. Ngoài ra gừng giúp giảm viêm, giảm đau, giúp ngăn ngừa, điều trị các bệnh viêm nhiễm khác.

    Nghệ: Có tác dụng kháng viêm trong rất nhiều bài thuốc. Ngoài ra, hàm lượng curcumin cao có trong nghệ còn giúp chống cảm cúm.

    Cải bó xôi (rau chân vịt): Cải bó xôi nằm trong danh sách các loại thực phẩm giúp tăng sức đề kháng bởi loại rau này không chỉ giàu vitamin C mà còn có chứa rất nhiều chất chống oxy hóa và beta carotene. Đây là những chất có tác dụng giúp tăng khả năng chống viêm cho hệ miễn dịch và tăng sức đề kháng cho cơ thể, từ đó làm tăng sức đề kháng da. 

    Ớt chuông đỏ: Ngoài các loại trái cây họ cam quýt, ớt chuông cũng là một nguồn cung cấp vitamin C rất dồi dào. Thậm chí, lượng vitamin C có trong ớt chuông đỏ nhiều hơn gấp đôi so với lượng vitamin C có trong các loại trái cây họ cam, quýt. 

    Không những vậy, ớt chuông còn rất giàu beta carotene, một dưỡng chất không chỉ giúp tăng cường hệ miễn dịch cho cơ thể mà còn giúp tăng sức đề kháng tự nhiên của da - lớp áo giáp đặc biệt của cơ thể giúp chống lại các tác nhân gây hại, đặc biệt là vi khuẩn gây bệnh.

    Đu đủ: Cũng là một loại trái cây chứa rất nhiều vitamin C. Theo nhiều nghiên cứu, loại trái cây này chứa đến 224% lượng vitamin C được khuyến nghị mỗi ngày. 

    Không những vậy, đu đủ còn có chứa papain, một loại enzyme tiêu hóa có tác dụng chống viêm. Ngoài ra, đây còn là nguồn cung cấp kali, vitamin B và axit folic, những dưỡng chất có vai trò rất quan trọng trong việc tăng cường hệ miễn dịch cho cơ thể.

    Các loại thủy hải sản có vỏ: Là nhóm thực phẩm được nhiều người nghĩ đến nhất khi muốn tìm cách tăng cường hệ miễn dịch cho cơ thể bởi chúng thường có chứa rất nhiều kẽm. Kẽm là vi chất mà cơ thể chúng ta rất cần để các tế bào miễn dịch có thể hoạt động tối ưu. 

    Một số loài động vật có vỏ có chứa nhiều kẽm mà bạn nên thêm vào chế độ ăn là cua, sò, tôm hùm, hàu... Dù kẽm rất quan trọng nhưng mỗi ngày chỉ nên bổ sung một lượng vừa phải.

    Song song với việc ăn uống các thực phẩm nêu trên còn cần phải thực hiện các biện pháp phòng ngừa mà Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và Bộ Y tế Anh đã ra khuyến cáo. 

    Theo Mirror

  • Kim là một học sinh phổ thông vô cùng khỏe mạnh sống ở một thành phố nằm ở phía đông nam Hàn Quốc và cũng là nơi bùng phát dịch Covid-19 ở xứ kim chi, Daegu. Ngày 20/2, cô được một người truyền giáo tiếp cận tại ga tàu điện ngầm.

    Sau khi trở về nhà, Kim mới nhận ra người mình tiếp xúc là một tín đồ của Tân Thiên Địa, giáo phái có liên quan đến 50% bệnh nhân nhiễm Covid-19 tại Hàn Quốc. Điều này đã gây ra tranh cãi và phẫn nộ của người dân Hàn Quốc.

    Thế nhưng, Kim không hề biết gì về phương thức truyền giáo của Tân Thiên Địa. Tại ga tàu điện ngầm, cô cảm thấy thật là bất lịch sự khi một người nhỏ tuổi như mình lại đeo khẩu trang khi nói chuyện với người lớn tuổi. Chính vì lẽ đó nên suốt 10 phút của cuộc trò chuyện, Kim đã tháo khẩu trang ra để giao tiếp.

    "Tôi chưa từng tưởng tượng được rằng bản thân có thể bị lây nhiễm Covid-19 chỉ trong một thời gian ngắn như vậy", Kim viết trên Twitter.

    Nhiều nơi công cộng được khử trùng cẩn thận.

    Kim bắt đầu có dấu hiệu nhiễm bệnh vào khoảng 10 ngày sau khi gặp tín đồ Tân Thiên Địa. Ngày 2/3, cô đi xét nghiệm và kết quả 2 ngày sau xác định Kim dương tính với virus SARS-CoV-2 và được yêu cầu cách ly tại nhà trong 5 ngày tiếp theo bởi vì khi đó, thành phố Daegu đang quá tải với số lượng bệnh nhân nhiễm Covid-19.

    Ngày 5/3, cơn sốt và ho của Kim trở nên nghiêm trọng và 2 ngày sau là trở nặng nhất. Trong thời gian tự cách ly tại nhà, thức ăn được đặt bên ngoài cửa phòng của Kim. Cô phải tự ra lấy vào và ăn để tránh tiếp xúc gần với các thành viên khác trong gia đình.

    Nhân viên y tế di chuyển người nhiễm Covid-19 trong lồng kính.

    Mỗi khi đi vệ sinh xong, Kim phải lau bệ bồn cầu với dung dịch khử trùng được cung cấp bởi chính quyền thành phố. Ngoài ra, cô còn được cơ quan y tế gọi điện nhiều lần mỗi ngày để kiểm tra tình trạng sức khỏe, số lượng khẩu trang cũng như các vật dụng cần thiết khác để họ có thể hỗ trợ một cách kịp thời nhất và bệnh nhân không phải tốn phí.

    Theo hệ thống bảo hiểm y tế của Hàn Quốc, chính phủ sẽ chi trả các khoản tiền như phí nhập viện và chữa trị đối với những người đã bị xác định nhiễm bệnh. Ngoài ra, thức ăn, dụng cụ khử trùng và khẩu trang cũng được trang bị cho người bệnh miễn phí.

    Ngày 9/3, Kim được chuyển từ nhà đến một khu tập trung ở thành phố Gumi gần Daegu, một trong những trung tâm chữa trị Covid-19.

    Dù tình trạng bệnh được phân loại là nhẹ nhưng Kim bị sốt cao, đổ mồ hôi liên tục và khó thở vào ban đêm.

    "Mỗi lần hít vào, tôi thấy đau nhói ở phổi và khi ho, ống phế quản của tôi bị tắc nghẽn bởi đờm khiến tôi cảm giác như thể mình đang bị nghẹn đến chết. Tôi bị đau dạ dày dữ dội, đến nỗi thấy như ruột bị xé toạc ra. Khi tất cả những cơn đau này qua đi, tôi mệt mỏi vô cùng", Kim viết.

    "Tôi nghĩ căn bệnh này sẽ vô cùng khó khăn với người lớn tuổi với nhiều bệnh nền".

    Vào ngày thứ 10 điều trị, tất cả những triệu chứng của Kim đã biến mất như chưa từng có chuyện gì xảy ra. Kết quả xét nghiệm xác nhận cô đã hoàn toàn khoẻ mạnh.

    "Tôi chỉ nhận ra mình khỏi bệnh khi mà tôi được tận hưởng bầu không khí trong lành bên ngoài trung tâm điều trị", Kim viết.

    Ngoài ra, Kim cũng gửi lời cảm ơn đến cơ quan y tế cho "sự nỗ lực tận tình" của họ đã giúp cô vượt qua khỏi bệnh tật. 

    "Tôi hy vọng mọi người luôn khỏe mạnh và có cái nhìn thiện cảm hơn đối với bệnh nhân nhiễm bệnh", Kim cho hay.

    Theo Trí Thức Trẻ

  • Dương tính với nCoV nhưng bệnh viện từ chối chữa trị, Bùi Phi Long tự cách ly trong nhà, uống paracetamol khi sốt và tập thể dục để chống chọi với Covid-19.

    Với tay mở rộng cửa sổ, luồng không khí buổi sớm tràn tới, phả vào mặt khiến Phi Long tỉnh táo hẳn. Nhiệt kế treo trên tường chỉ 5 độ C, chàng thanh niên 19 tuổi vươn ra ngoài hít một hơi thật dài, thật sâu. Bỗng chuông điện thoại reo, phía bên kia mẹ cậu hỏi: "Hôm nay ổn không con? Có sốt lại không? Mẹ mang đồ ăn qua nhé". Buông điện thoại  xuống, Phi Long tự kẹp thân nhiệt cho mình. "37 độ 5, mọi thứ đều ổn", cậu tự nói.

    Đã một tuần, kể từ ngày nhận kết quả dương tính với nCoV, Bùi Phi Long (hiện đang ở Vacsava, Ba Lan), phải tự cách ly trong phòng. Những dấu hiệu đầu tiên của căn bệnh Covid-19 xuất hiện với Long khoảng nửa tháng trước, khi cậu vẫn đang đi học ở London. "Tôi bị tiêu chảy. Có thể đó là triệu chứng đầu tiên", chàng sinh viên năm thứ nhất cho biết. Khi đó, không ai nghĩ Long có thể trở thành nạn nhân của bệnh dịch đang gây ra nỗi sợ hãi trên toàn thế giới này. Cậu không ho, không sốt hay tức ngực.

    Những ngày tiếp theo, hơi thở của Long bắt đầu thở nặng dần lên. "Nó giống như bạn hút quá nhiều shisha vào đêm hôm trước", cậu ví von. Nhưng triệu chứng này cũng không thực sự rõ ràng nên bị bỏ qua. Ngày 14/3, trước tình hình Covid-19 bùng lên mạnh ở Anh, Long quyết định trở về nhà ở Ba Lan, đúng một ngày trước khi biên giới nước này đóng cửa, dù giá vé đã tăng gấp 10 lần, từ 60 lên tới 600 bảng. Xuống sân bay, được kiểm tra sức khỏe, cậu vẫn thông quan khi không có triệu chứng nhiễm virus.

    Bùi Phi Long, 19 tuổi, sinh viên năm nhất trường King's College London. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

    Biết mình về từ tâm dịch, dù đi qua các cửa kiểm soát ở sân bay một cách dễ dàng do không có biểu hiện gì đáng kể, Long vẫn tự động cách ly trong phòng. Video chat trở thành công cụ giao tiếp chính với mọi người trong gia đình. Cậu thường xuyên nói chuyện với mẹ để báo cáo tình hình sức khỏe, ra khỏi phòng đeo khẩu trang, trong túi lúc nào cũng có bình rửa tay khô.

    Triệu chứng tiêu chảy của Long về đến Ba Lan đã thuyên giảm nhưng cơ thể bắt đầu nặng nề, lồng ngực nhói đau mỗi khi hít sâu. Đêm 17/3, thấy sức khỏe có vẻ không ổn, Long gọi cho bố đưa đến bệnh viện truyền nhiễm cách nhà 7 km làm xét nghiệm. "Tôi muốn chắc chắn mình có mắc bệnh hay không bởi còn một em trai 2 tuổi ở nhà", cậu nói.

    Ở Ba Lan, Covid -19 diễn tiến phức tạp, số người đi xét nghiệm ngày càng đông. Long chọn đến viện vào ban đêm vì nghĩ khi đó ít người, mọi việc sẽ nhanh chóng hơn. Đến nơi, chàng trai 19 tuổi không được vào khám ngay mà phải chờ trong một chiếc lều dã chiến dựng bên ngoài. Ở phía trong, bệnh viện đã quá tải. Khi đến lượt khám vì không có triệu chứng chính như sốt, ho hay thở dốc nên các bác sĩ khuyên không cần xét nghiệm. Tuy nhiên, Long vẫn khẩn cầu được xét nghiệm.

    20h ngày 17/3, Long nhận được kết quả qua email của bệnh viện. Nhìn thấy chữ "dương tính" hiện trên màn hình, mắt Long bỗng nhòe đi, tay run run bấm số gọi mẹ. Nghe thấy tiếng mẹ khóc ở đầu bên kia, Long trấn an: "Con còn trẻ không sao đâu. Mai bố mẹ đi xét nghiệm nhé". Ngày hôm sau, nhận được kết quả âm tính từ cả nhà, Long thở hắt, trút được đá tảng đè nặng trong lòng.

    Thời gian cách ly trong phòng, Long chủ yếu là tự học. Lúc rảnh rỗi cậu tập thể dục đều đặn để nâng cao sức khỏe. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

    Dù dương tính với nCoV, hàng ngày Long vẫn học tập và tập thể dục đều đặn. Chỉ khác mọi hoạt động đều diễn ra trong căn phòng 15m2.

    Sau khi có kết quả, năm người trong gia đình Long đều tự cách ly ở nhà, nội bất xuất ngoại bất nhập, mọi thứ được đặt mua trên mạng. Ngày ba bữa mẹ Long mang đồ ăn lên tận phòng cho con trai. Sau tiếng gọi "Thức ăn Long nhé", 5 phút sau cậu mới ra ngoài lấy đồ. Hàng ngày, cứ mỗi ba tiếng Long lại đo thân nhiệt rồi gọi điện báo cho mẹ.

    Trong phòng được trang bị thêm một chiếc máy lọc không khí. Ngoài cửa, mẹ Long đặt một nồi cơm điện to, trong đổ nước, giấm, rượu và vỏ bưởi rồi đun sôi. "Hơi nước bốc lên từ hỗn hợp này vừa làm ẩm không khí, vừa có thể ngăn ngừa virus lây lan. Đây là cách tôi được người bạn bày cho", chị Thanh Hương - mẹ Long chia sẻ.

    Được bố trí một nhà vệ sinh riêng nhưng chỉ có toilet và bồn rửa tay, nên hàng ngày Long lấy khăn nhúng nước rồi lau người. Cậu cũng phải cúi đầu vào bồn rửa tay rồi xả nước mỗi khi muốn gội đầu. "Chỉ 14 ngày thôi con. Mọi việc rồi sẽ ổn", chị Hương an ủi con.

    Ngày thứ hai chống chọi với Covid-19, hơi thở của Long vẫn khá nặng. Đến đêm, hai mắt bỗng nhiên cay xè, cậu liên tục kiểm tra nhiệt độ, mức cao nhất chỉ 37,5 độ. "Đó chưa phải cơn sốt, cần 38 độ để sốt", nói lời an ủi mình nhưng Long đã dùng thuốc hạ sốt. Đây là lần đầu tiên cũng là duy nhất đến thời điểm hiện tại, cậu phải dùng đến loại thuốc này.

    Ngày thứ ba nhiệt độ cơ thể bắt đầu giảm. Chàng thanh niên 19 tuổi vẫn có thể học tập bình thường và mỉm cười khi được hỏi thăm. "Tôi vẫn đang tập thể dục", Long chia sẻ trên Intarsgram. Thay vì tập gym như trước, mỗi ngày cậu chống đẩy 100 cái, chia làm 5 lần. Các triệu chứng chính như sốt, ho, chưa thấy xuất hiện.

    Ngày thứ tư, bệnh viện gọi đến nhà để nhắc nhở bệnh nhân phải tự cách ly mà không có hướng dẫn chữa bệnh cụ thể. Lần này, Long nói muốn được nhập viên để chữa trị nhưng bị từ chối. Bệnh viện chỉ nhận những người trên 65 tuổi.

    Gia đình Phi Long có 5 người, hiện đang sinh sống tại thủ đô Vacsava của Ba Lan. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

    Ngay khi có kết quả dương tính với Covid-19, Long thông báo lên nhóm lưu học sinh đang ở khu ký túc xá tại Anh. 

    "Tôi đã bị dính Covid-19, đừng nghĩ thanh niên không thể mắc bệnh. Thời gian này mọi người nên tự cách ly ở nhà, đừng ra ngoài tụ tập nơi đông người nữa", cậu viết lời cảnh báo.

    Trong số 600 sinh viên của nhóm, nhiều lời cảm ơn gửi tới Long nhưng không ít người lại gửi ảnh đi chơi tại các quán bar hay câu lạc bộ đông đúc. Trong lớp cũng đã có 4 bạn nhiễm nCoV nhưng có bạn học vẫn nói: "Đây là cúm thường thôi, nhiễm rồi tự khắc sẽ khỏi".  

    Trước thái độ dửng dưng của bạn bè với Covid-19, ngày 19/3, Long quyết định quay video và đăng trên Istargram thông báo về bệnh tình của mình nhằm cảnh báo tới người khác.

    "Covid-19 có thể chưa có triệu chứng, nhưng chúng có thể lây lan cho người thân và những người sức khỏe yếu hơn chúng ta", Long nói trong video. Trong một ngày video này đã nhận được hàng nghìn lượt xem và hàng trăm lượt chia sẻ trên các trang mạng xã hội.

    Trước khi quay video vài tiếng, Long bàn về ý định này với mẹ. Hai ngày trước đó ở Ba Lan, một bác sĩ đã phải tự tử vì không chịu được chỉ trích từ dư luận khi mắc nCoV. Chị Hương sợ nếu công khai bệnh tình, Long sẽ phải chịu những áp lực lớn từ dư luận, nhưng thấy con quyết tâm, chị không ngăn cản nữa. 

    "Long muốn kêu gọi mọi người bình tĩnh đối phó nếu chẳng may mắc bệnh", chị Hương nói. Theo người phụ nữ này, hiện ở Ba Lan có rất nhiều thông tin sai lệch về Covid-19. Rất nhiều người hoảng loạn về dịch bệnh và nghĩ rằng họ sẽ chết nếu chẳng may mắc phải.

    Khi video được đăng tải, nó tạo ra cơn địa chấn mạnh bởi Long là người đầu tiên dám công khai mắc bệnh trong cộng đồng người Việt ở Ba Lan. Nhiều người biết tin đã yêu cầu phải nêu rõ danh tính cũng như địa chỉ gia đình để phòng tránh. Thậm chí có người còn tung tin nhà bạn gái Long ở cùng thành phố cũng bị nhiễm virus. "Có người khẳng định rằng tự cách ly ở nhà thì 90% là chết, điều này rất nguy hiểm cho các cơ sở y tế đang quá tải", Long nhận định.

    Ngoài những bình luận không hay, chàng sinh viên năm nhất nhận được rất nhiều sự ủng hộ của người thân và bạn bè, thậm chí cả những người không quen biết. Nhiều người trong số này còn nhắn tin học hỏi kinh nghiệm từ Long khi họ bắt đầu có triệu chứng nhiễm bệnh. 

    Những ngày qua, sức khỏe Long vẫn ổn định, không ho, không sốt, vẫn ăn uống và tập thể dục đều đặn. Cậu cho biết, tinh thần hiện rất lạc quan, rảnh rỗi là lên mạng tìm kiếm những tour du lịch giá rẻ khắp nơi trên thế giới. "Khi nào có kết quả âm tính, con sẽ đi du lịch khắp nơi. Nhưng việc đầu tiên khi khỏi bệnh là sẽ ra ngoài đi tắm và cắt tóc", Long tâm sự với mẹ và cho biết những việc trước đây cứ nghĩ là bình thường thì giờ lại trở nên xa xỉ.

    Sáng ngày 23/3, tròn một tuần con trai nhận kết quả dương tính với Covid-19, thay vì cuộc gọi hỏi thăm như thường ngày, chị Hương gửi một tin nhắn: "Bảy ngày qua con đã rất dũng cảm chiến đấu với dịch bệnh. Cố lên con, rồi mọi việc sẽ ổn cả thôi".

    Theo VnExpress

  • Anh không thu phí chẩn đoán hay chữa trị Covid-19 với tất cả mọi người, gồm cả những người sống ở Anh trái phép.

    Trang web của chính quyền thủ đô London của Anh ghi rõ, Anh miễn phí xét nghiệm Covid-19, kể cả những trường hợp âm tính, cũng như chữa miễn phí cho bất cứ người nào nhiễm bệnh. Người nước ngoài sẽ không bị kiểm tra về tình trạng nhập cư khi làm xét nghiệm và chữa trị Covid-19.

    Trong trường hợp có vấn đề khẩn cấp về sức khoẻ và không biết phải làm gì, bạn có thể liên lạc với Dịch vụ y tế quốc gia (NHS).

    Với phần lớn mọi người, virus corona chủng mới chỉ gây ra các triệu chứng từ nhẹ tới bình thường, như ho và sốt. Tuy nhiên, với một số người, đặc biệt là người lớn tuổi và những người có bệnh nền, Covid-19 sẽ gây ra các bệnh nặng hơn, gồm cả viêm phổi. Phần lớn những người nhiễm Covid-19 đều bình phục.

    Một trong những cách ngăn ngừa sự lây lan của virus là rửa tay bằng xà phòng và nước. Trung tâm ngăn ngừa và kiểm soát bệnh Mỹ khuyến cao, đầu tiên hãy rửa tay bằng nước ấm hoặc nước lạnh, sau đó rửa tay với xà phòng trong 20 giây.

    Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới và các cơ quan y tế, tổng số người nhiễm Covid-19 ở Anh hiện là 5.683 trường hợp, có 281 ca tử vong.

    Nói về triệu chứng nhiễm Covid-19 ở trẻ em, bác sĩ Yevgeny Komarovsky cho rằng, cơ thể trẻ em, thông thường dễ dàng mang virus hơn và Covid-19 ở trẻ em biểu hiện giống với cúm. Bác sỹ Komarovsky cho biết khi bị nhiễm Covid-19, bệnh nhân thường bị nôn mửa và tiêu chảy. Điều nguy hiểm nằm ở chỗ các tác nhân gây bệnh được bài tiết ra ngoài trong một thời gian dài theo phân.

    "Trẻ em trong vùng ổ dịch cần được kiểm tra xem có bất kỳ triệu chứng bất thường nào, thay đổi tần số hoặc nhịp thở, bất kỳ vấn đề nào với phân", bác sĩ nhấn mạnh.

    Ông lưu ý hầu hết các trường hợp trẻ em tử vong vì Covid-19 đều liên quan đến các bệnh lý nghiêm trọng không liên quan đến virus corona.

    Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus cũng cảnh báo “đây là căn bệnh nguy hiểm. Dù chúng tôi nắm chứng cứ cho thấy những người trên 60 đối mặt nguy cơ cao nhất, người trẻ tuổi, bao gồm trẻ em, vẫn thiệt mạng vì Covid-19".

    Vietnamnet

  • Nhóm nhà khoa học ở Đại học Oxford tạo ra vaccine ngừa nCoV phản ứng miễn dịch mạnh chỉ với một liều tiêm vào cơ, dự kiến đưa vào sử dụng trong tháng 6 - 7.

    Anh sẽ thử nghiệm vaccine ngừa COVID-19 trên người vào tháng sau. Ảnh: Guardian.

    Các nhà nghiên cứu đến từ Viện Jenner và Tổ chức vaccine Oxford bao gồm giáo sư Sarah Gilbert, giáo sư Andrew Pollard, giáo sư Teresa Lambe, tiến sĩ Sandy Douglas và giáo sư Adrian Hill, bắt tay vào thiết kế vaccine Covid-19 từ ngày 10/1.

    Ngày 18/3, Viện Jenner thông báo nhóm nghiên cứu đã tìm ra một loại vaccine tiềm năng và đang chuẩn bị cho giai đoạn thử nghiệm lâm sàng đầu tiên.

    Vaccine thử nghiệm dựa trên adenovirus tái tổ hợp (ChAdOx1), có thể tạo ra phản ứng miễn dịch mạnh chỉ với một liều tiêm vào cơ. Vaccine này sử dụng virus vô hại không nhân lên để mang ADN của nCoV vào tế bào trong cơ thể.

    Sau đó, các tế bào sử dụng ADN của nCoV để sản xuất với số lượng lớn bản sao của các protein hình gai bao phủ bề mặt virus, thúc đẩy phản ứng miễn dịch của cơ thể, chống lại lây nhiễm.

    Theo nhóm nghiên cứu, cơ chế này giúp vaccine trở nên an toàn hơn đối với trẻ nhỏ, người già và những người mắc bệnh nền như tiểu đường. Những vaccine hoạt động theo cơ chế này đã được sử dụng trên hàng nghìn người trong độ tuổi từ 1 tới 90, để phòng nhiều bệnh như sốt rét, lao, MERS và Ebola.

    Các nhà nghiên cứu sẽ thử nghiệm vaccine mới trên động vật vào tuần tới ở Phòng thí nghiệm Y tế công cộng Anh (PHE) ở khu Porton Down gần Salisbury.

    Thông thường, thử nghiệm trên động vật cần hoàn tất trước khi bắt đầu thử nghiệm ở người, nhưng do những vaccine tương tự hoạt động hiệu quả trong thử nghiệm với các bệnh khác, nhóm nghiên cứu có thể đẩy nhanh tốc độ.

    Nhóm nghiên cứu lên kế hoạch thử nghiệm ở người vào tháng tới. Nếu tất cả diễn ra thuận lợi, họ sẽ tiến hành thử nghiệm trên quy mô rộng hơn để đánh giá mức độ hiệu quả của vaccine.

    Thử nghiệm lâm sàng sẽ tuyển người ở nhiều độ tuổi, nhưng các nhà nghiên cứu đặc biệt quan tâm tới tác động của vaccine với người cao tuổi. Họ là nhóm dễ nhiễm virus nhất nhưng phản ứng kém trước vaccine do hệ miễn dịch yếu.

    Các nhà nghiên cứu hy vọng có thể cung cấp vaccine vào khoảng tháng 6 - 7 khi số ca tử vong ở mức cao vào đầu mùa hè, theo giáo sư Hill, giám đốc Viện Jenner ở Oxford. Nhóm nghiên cứu có thể tự sản xuất vaccine với số lượng nhỏ để thử nghiệm nhưng họ sẽ cần làm việc với công ty sản xuất vaccine để cung cấp trên quy mô lớn.

    Theo VnExpress

  • Phóng viên chính trị của tờ Mirror, anh Mikey Smith đã chia sẻ trải nghiệm tự cách ly của mình khi tình nghi nhiễm corona virus.

    Hôm nay là Thứ tư

    Trong vài ngày qua, tôi luôn thức dậy với cảm giác như vừa hút 20 điếu thuốc vào đêm hôm trước.

    Hôm qua tôi thức dậy với cảm giác như đã hút 60 điếu trong một giờ. Thỉnh thoảng - nhưng không liên tục – tôi có những cơn ho, cảm thấy đau đầu và đau nhứcc cơ bắp. Đã đến lúc phải tự cách ly.

    Tôi đã làm việc tại nhà từ Chủ nhật và đã thực sự không bước chân ra ngoài kể từ thứ Sáu.

    Nhóm của chúng tôi bắt đầu ‘cách ly xã hội’ vào cuối tuần trước, cắt giảm số lượng nhân viên trong văn phòng của chúng tôi tại Tòa nhà Quốc hội xuống mức tối thiểu để tránh lây lan không cần thiết.

    Tôi từng làm việc tại nhà trước đây, vì vậy tôi cho rằng tôi biết rất nhiều mánh khóe:

    - Hãy ăn mặc chỉnh tề như khi đi làm

    - Đừng làm việc trên giường – hãy dọn dẹp bàn làm việc, ngay cả khi nó là bàn bếp.

    - Đặt ra thời điểm bắt đầu và kết thúc cố định cho ngày làm việc của bạn.

    Nhưng ngày hôm qua, tôi đã không vượt qua nổi bước một.

    Vợ tôi - cho đến nay - không có triệu chứng, nhưng đã tự cách ly cùng tôi. Chúng tôi cùng sống trong một ngôi nhà cực kỳ nhỏ - London là thế đấy - vì vậy cô ấy chắc chắn sẽ phát bệnh sau tôi vài ngày.

    Cả hai chúng tôi đều thống nhất quan điểm không dự trữ đồ đạc. Chúng tôi đã có đủ vật dụng cá nhân để sống một vài tuần, nhưng đó là những thứ chúng tôi vẫn thường trữ trong nhà.

    Những thứ duy nhất mà chúng tôi tích trữ nhiều hơn bình thường là những món đồ liên quan đến ‘chất lượng cuộc sống’, như một vài túi cà phê ngon. Những thứ xa xỉ nhỏ bé khiến vài tuần bị mắc kẹt trong nhà bớt tù túng hơn.

    Vấn đề lớn nhất là tôi không có nhiệt kế, vì vậy tôi cũng không rõ là mình có sốt hay không.

    Ngực của tôi có cảm giác như bị nghiền nát dưới một tảng đá, đó là bằng chứng rõ ràng tôi bị sốt, nhưng có một chiếc nhiệt kế vẫn tốt hơn.

    Amazon cung cấp nhiệt kế £6,99 giao hàng miễn phí trong một tháng - hoặc £37 nếu bạn muốn có nó trong tuần này. Quá tuyệt.

    Tôi uống nhiều nước, nghỉ ngơi trên giường và làm quen với bốn bức tường mà tôi sẽ phải nhìn chằm chằm trong tuần tới.

    - Triệu chứng: Ho, khó thở và tức ngực, nhức đầu, đau cơ.

    - Giải trí: Phần 3 của Star Trek: Deep Space Nine trên Netflix. Fire Emblem: Three Houses trên Nintendo Switch

    Bước sang thứ Năm

    Không có gì xấu hổ hơn là bị người qua đường phát hiện đi đổ rác với một túi giao hàng McDonalds chứa đầy giấy gói thức ăn, trong bộ đồ ngủ màu tím và quần thể thao trắng.

    Hôm nay là ngày thứ 2 cách ly và chúng tôi đã gọi takeaway.

    Và nếu có một ngành công nghiệp nào thực sự kiếm lời nhờ cơ chế cách ly này, thì đó chính là ngành kinh doanh giao hàng.

    Có một tiếng gõ cửa, bạn đợi vài giây, mở cửa và những gì bạn yêu cầu đã nằm trên tấm thảm chùi chân. Mọi người đều vui vẻ và an toàn. 

    Một món hàng cũng được giao ngày hôm qua là một chiếc bàn gấp - tôi đã đặt nó khi dự định làm việc ở nhà một thời gian.

    Sống trong một ngôi nhà nhỏ ở London đồng nghĩa với việc rất nhiều đồ nội thất của bạn về cơ bản là đồ nội thất trên một chiếc caravan. Nếu nó không thể xếp lại hoặc gập đôi, thì đó chỉ là một sự lãng phí không gian.

    Vì vậy, bàn bếp của tôi dài và mỏng, chỉ rộng hơn một chút so với một chiếc đĩa ăn tối lớn - và những chiếc ghế nằm khít bên dưới giống như một trò chơi ghép hình 3D. Và mặc dù về mặt kỹ thuật, tôi có thể làm việc trên chiếc bàn này, nhưng thật tuyệt khi có thêm chỗ để đặt một tách cà phê bên cạnh máy tính xách tay của bạn.

    Đáng buồn thay, chiếc bàn sẽ phải ở nguyên trong hộp một thời gian nữa - vì các triệu chứng khởi phát vào thứ Tư vẫn còn nguyên. Tôi thực sự không muốn lắp ghép thứ gì ngày hôm nay.

    Nói về các triệu chứng, tôi rất chắc chắn rằng bên cạnh ho, khó thở và đau đầu, tôi có thể bị sốt. Những cơn nóng lạnh đan xen mà mọi người thường nhắc đến đang xuất hiện.

    Nhưng nói một cách tương đối thì tôi có sức khỏe khá tốt. Mặc dù khá mệt mỏi, tôi cho rằng mình chỉ là một ca bệnh khá nhẹ và không có biến chứng.

    Tôi rất vui khi được ngồi ở nhà và chờ nó qua đi – và tôi đã không phải gây thêm bất kỳ căng thẳng hay áp lực nào nào cho NHS tuyệt vời của chúng ta.

    Nói về huân chương, hãy đánh bóng và sẵn sàng trao chúng cho các nhân viên y tế đang ngày ngày đối mặt với hiểm nguy để giúp đỡ mọi người.

    VietHome (Theo Mirror)

  • Laura Jacobs, 31 tuổi, nhiễm virus Covid-19 sau khi bố mẹ cố trở về từ Italy hồi giữa tháng Hai. Ảnh: Liverpool Echo WS

    Một nhân viên NHS đã chia sẻ câu chuyện của mình sau khi trở thành nạn nhân của đại dịch. Laura Jacobs, 31 tuổi, nhiễm virus sau khi bố mẹ cô từ Italy trở về hồi giữa tháng Hai. Cô đã trải qua các triệu chứng cơ bản như sốt cao, đau họng, ho, đau nhức, khó thở và mệt mỏi.

    Cô hy vọng mọi người không nên xem thường căn bệnh này, hãy tuân theo hướng dẫn của chính phủ nhưng cũng đừng quá lo lắng như tận thế.

    Laura, đến từ Wales, đăng trên Facebook: ''Tôi nghĩ mình nên chia sẻ câu chuyện này giữa lúc tin tức về đại dịch dường như không ngơi nghỉ, khiến mọi người hoảng loạn''.

    ''Các triệu chứng của tôi xuất hiện bất thình lình. Tôi đang đi làm rất bình thường, rồi đùng một cái, tất cả các triệu chứng ập đến cùng lúc. Tôi bị sốt cao, run như cầy sấy, đau lưng và đau cổ khủng khiếp, đau họng, đau thắt ngực và vô cùng mệt mỏi''.

    Cô và chồng Matthew, cùng con gái 5 tuổi Ava và con trai Miles 10 tháng tuổi, đã được một y tá cho xét nghiệm tại nhà vào ngày 9/3, một ngày sau khi mẹ cô được xét nghiệm.  

    Mẹ của Laura, bà Melissa Powell và chồng cô đều cho kết quả dương tính với virus corona. Ảnh: Image: Liverpool Echo WS

    Cô nói với tờ Wales Online: ''Bố mẹ tôi đã đến Ý, đến một vùng mà lúc đó chưa có dịch xuất hiện, không có một trường hợp nào được báo cáo ở đó. Bố mẹ trở về vào ngày 22/2, và 3 ngày sau thì mẹ tôi bắt đầu xuất hiện triệu chứng, và rồi tôi lây từ mẹ. Mẹ tôi bị nặng hơn vì bà có tiền sử viêm phổi''. 

    Laura khuyên mọi người nên bình tĩnh đối phó với dịch bệnh và đừng nên bi quan. Ảnh: Liverpool Echo WS

    ''Lúc đầu tôi tưởng mình bị cúm, tôi biết đó không phải là cảm lạnh. Tôi đã không tiêm phòng cúm trong 2 năm gần đây. Nhưng lúc này tin tức về các trường hợp nhiễm cúm ở Italy bắt đầu xuất hiện, và chúng tôi cảm thấy nghi ngờ mẹ đã nhiễm Covid-19 từ đó. Lúc này ở Wales chỉ có vài trường hợp được khẳng định nhiễm bệnh''.  

    ''May mắn các con tôi không nhiễm bệnh, chúng tôi rất ngạc nhiên vì các con quanh quẩn, ôm hôn bố mẹ cả ngày''.

    ''Tôi cảm thấy mình ốm nặng, không gì có thể so sánh được, tôi chưa từng bị như vậy''.

    ''Tệ nhất là những trận sốt kéo dài vài ngày, run rẩy toàn thân, đau nhức lưng và cổ, tôi kiệt sức không thể nhúc nhích nỗi''.

    ''Sau khi cơn sốt qua đi, tôi cảm thấy khá hơn một chút. Nhưng tôi lại bị đau họng khủng khiếp và ho khan nhiều hơn, giờ tôi vẫn ho. Nhưng may mắn là đã không còn sốt''. 

    ''Tuy nhiên, chồng tôi Matthew lại bị nặng hơn. Anh ấy 35 tuổi và có tiền sử hen suyển. Do đó anh bị viêm phổi nặng và phải nhập viện tại Morriston Hospital. Anh ấy vẫn đang trong quá trình hồi phục nhưng đã ăn được nhiều hơn''. 

    ''Chuyên gia tư vấn khuyên chúng tôi nên cách ly với bọn trẻ hết mức có thể, nhưng thật khó vì các con còn quá bé. Vì thế tôi đã liên tục rửa tay trước khi cho con ăn hay thay quần áo, khử trùng các tay nắm cửa, remote và tránh ôm hôn. Mọi thứ dùng cho Miles đều phải được khử trùng''.

    ''Rất khó, con gái 5 tuổi của tôi rất sợ. Đột nhiên con bé không được đến trường, không được ra khỏi nhà, không được đến công viên, bố phải vào viện và có y tá đến thăm''. 

    Laura tâm sự: ''Chẳng có ai là bệnh mãi, rồi chúng ta sẽ khỏe lên. Tôi nghĩ mọi người đều sợ hãi, vì họ không biết virus này là gì và mình sẽ mắc bệnh trong bao lâu, liệu mình có bị nặng hơn, có bị biến chứng... Rồi lại có rất nhiều thông tin về số người chết, số ca nhiễm tăng gấp đôi, giường bệnh không còn chỗ... Nhưng bạn nên tìm đọc nhiều hơn các thông tin tích cực, tin về những người đã hồi phục, bạn sẽ thấy lạc quan hơn''.

    Laura muốn trở lại làm việc, nhưng lúc này thì chưa được. Cô phải hạn chế giao tiếp vì vẫn còn ho.

    ''Chuyên gia tư vấn của tôi tin rằng một khi bạn đã nhiễm bệnh, bạn sẽ không bị tái lại nữa''. 

    Viethome (theo Mirror)

  • Xét nghiệm RT-PCR để đi tìm RNA của virus khác hẳn với xét nghiệm nhanh Covid-19 mà một số nước như Hàn Quốc đang triển khai.

    Trong khi dịch Covid-19 đang bùng phát mạnh ở Anh, các nhà khoa học nước này cho biết họ đã cải tiến thành công một phương pháp xét nghiệm RT-PCR mới dành cho virus corona. Phương pháp được nghiên cứu bởi Đại học Oxford có thể cho kết quả nhanh gấp ba lần so với phương pháp xét nghiệm RT-PCR virus nhanh nhất hiện nay.

    Tuyệt vời hơn nữa là nó chỉ đòi hỏi một số dụng cụ kỹ thuật thương đối đơn giản, hứa hẹn có thể trang bị cho người dân dùng tại nhà. Các nhà khoa học cũng nói rằng xét nghiệm này còn có thể phát hiện sớm những bệnh nhân nhiễm Covid-19 ngay trong thời kỳ đầu của bệnh, điều mà nhiều xét nghiệm khác không làm được.

    Xét nghiệm RT-PCR là gì?

    Để có thể xét nghiệm Covid-19 một cách đặc hiệu với độ chính xác 100%, hiện nay, các nhà khoa học phải dùng đến một phương pháp gọi là Phản ứng tổng hợp chuỗi phiên mã ngược (RT-PCR). Trong đó, dịch họng của bệnh nhân Covid-19 sẽ được thu thập tại chỗ, rồi đưa vào thùng chứa lạnh để đem tới phòng thí nghiệm.

    Tại đây, các kỹ thuật viên y sinh sẽ thực hiện công việc đầu tiên của họ, phân lập RNA từ mẫu bệnh phẩm này. Thông thường, họ sẽ phải pha nó vào một số dung dịch và hóa chất, sau đó quay ly tâm để cuộn những đoạn RNA bị văng ra khỏi virus thành một đám với nhau.

    Đám RNA này gọi là RNA tinh chế. Chúng sẽ được rút ra ngoài hỗn hợp ly tâm để thêm vào các enzyme phiên mã ngược. Quá trình phiên mã ngược sẽ biến các RNA đơn thành DNA với hai chuỗi xoắn kép.

    Kế tiếp các DNA này được đưa vào một ống nghiệm chứa hỗn hợp nucleotide dạng lỏng, enzyme xây dựng DNA và các đoạn DNA ngắn được gọi là mồi. Những đoạn mồi này đã được các nhà khoa học thiết kế để tìm và liên kết tới những phân đoạn cụ thể của virus corona mới. Trong môi trường nuôi, các đoạn DNA đó sẽ tự động nhân lên hàng trăm triệu lần, đến độ có thể phát hiện được.

    Toàn bộ quá trình phiên mã ngược và khuyếch đại được thực hiện trong một máy PCR, cần kỹ thuật viên có chuyên môn đảm nhận.

    Toàn bộ quá trình phiên mã ngược và khuyếch đại này được thực hiện trong một máy PCR, với các chu trình nhiệt độ thay đổi liên tục và phải được cài đặt sẵn để tối ưu. Sẽ mất khoảng vài chục phút để một chuỗi DNA nhân lên thành hai. Và sau 30-40 chu trình, các nhà khoa học mới đọc được kết quả xét nghiệm, nhanh nhất là khoảng 1 tiếng rưỡi, chậm thì tới vài ngày.

    Một phương pháp cải tiến, nhanh gấp 3 lần

    Bây giờ, các nhà khoa học Oxford cho biết họ đã cải tiến được một công đoạn rất mất thời gian của kỹ thuật RT-PCR, đó là bước gia nhiệt và khyếch đại DNA. Chu trình PCR thông thường đòi hỏi nhiều giai đoạn gia nhiệt với các nhiệt độ khác nhau để đẩy nhanh tốc độ phản ứng.

    Tuy nhiên, nhóm đại học Oxford tiết lộ rằng họ đã tìm ra cách để chỉ cần sử dụng một mức nhiệt duy nhất, trong một giai đoạn duy nhất để giúp DNA nhân lên hàng triệu lần. Quá trình này sẽ rút ngắn thời gian xét nghiệm xuống chỉ còn 30 phút, so với thời gian nhanh nhất là 1 tiếng rưỡi như hiện nay.

    "Vẻ đẹp của phương pháp xét nghiệm mới này nằm ở việc nó có thể phát hiện các đoạn và phân mảnh RNA của virus SARS-CoV-2", Giáo sư Wei Huang, một thành viên nhóm nghiên cứu ở Oxford cho biết. "Xét nghiệm này được thiết kế để có thể ngăn ngừa kết quả dương tính hoặc âm tính giả, nó cho độ chính xác cao".

    Hiện tại, phương pháp mới của Đại học Oxford mới chỉ được thử nghiệm trên 16 mẫu bệnh phẩm được thu thập từ Bệnh viện Nhân dân Thâm Quyến ở Trung Quốc. Nhưng tập mẫu bệnh phẩm này có đủ các mẫu dương tính và âm tính. Và xét nghiệm mới đã cho kết quả chính xác 100%.

    Thay thế các kit xét nghiệm nhanh có độ chính xác thấp hơn

    Cần phải nói rằng, xét nghiệm RT-PCR để đi tìm RNA của virus khác hẳn với xét nghiệm nhanh Covid-19 mà một số nước như Hàn Quốc đang triển khai. Các kit xét nghiệm nhanh thường nhắm đến việc phát hiện gián tiếp sự hiện diện của virus trong các mẫu bệnh phẩm như nước mũi hoặc máu, qua các kháng thể hoặc protein chứ không phải chúng tìm được chính RNA của virus.

    Mặc dù có thể cho kết quả nhanh trong vòng 10-15 phút, nhưng các xét nghiệm này có độ chính xác không cao, thường chỉ ở khoảng 85%. Kit xét nghiệm nhanh thường được lựa chọn khi chính phủ có kế hoạch sàng lọc bệnh trên diện rộng, ví dụ như ở Hàn Quốc, để khoanh vùng được tập lây nhiễm và cách ly những trường hợp cần thiết.

    Xét nghiệm RT-PCR để đi tìm RNA của virus khác hẳn với xét nghiệm nhanh Covid-19 mà một số nước như Hàn Quốc đang triển khai.

    Bây giờ, nếu phương pháp xét nghiệm mới của Đại học Oxford, với độ chính xác 100% và thời gian tiệm cận với kit xét nghiệm nhanh, nó có thể trở thành một lựa chọn mới trong dịch bệnh. Các nhà khoa học cho biết họ đang phát triển một phiên bản di động cho xét nghiệm của mình, để giải phóng sự phụ thuộc vào thao tác máy PCR và trình độ của các kỹ thuật viên trong phòng thí nghiệm.

    Điều đó có nghĩa là bất cứ ai cũng có thể tự thực hiện một xét nghiệm như vậy tại nhà. Các cỗ máy nhỏ gọn cũng có thể được trang bị tại mọi phòng khám lâm sàng, các cửa sân bay và địa điểm công cộng.

    Câu chuyện của tương lai

    Cũng phải nói rằng một công nghệ mới ra đời từ phòng thí nghiệm của một trường đại học sẽ còn phải mất nhiều bước nữa để chinh phục được cộng đồng khoa học, các nhà quản lý y tế cho đến thị trường. Vì vậy, có lẽ phương pháp mới của các nhà khoa học Oxford sẽ chưa thể xuất hiện ngay để phục vụ rộng rãi trong dịch Covid-19.

    Tuy nhiên, với các ưu điểm mà nó đang thể hiện được, đây sẽ là một hướng nghiên cứu đáng đầu tư trong tương lai. Bởi nó có thể thay thế và đẩy nhanh tiến độ của RT-PCR, phương pháp này không phải chỉ có ứng dụng tiềm năng để phát hiện virus SARS-CoV-2. Nó có thể xác định được mọi trình tự di truyền cụ thể, để nghiên cứu mọi căn bệnh, cả các trình tự gen bình thường của sinh vật.

    Cỗ máy này có thể được trang bị ở mọi phòng thí nghiệm y tế cộng đồng, các bệnh viện, cơ sở nghiên cứu và thậm chí các công ty thương mại làm việc trong lĩnh vực sinh học. Cải tiến được RT-PCR chính là cải tiến được một trụ cột trong lĩnh vực nghiên cứu sinh học.

    Trí Thức Trẻ (dịch từ Oxford, Wired)

  • Virus corona khiến cả thế giới lâm vào trạng thái hoang mang. Trong khi đó, tin tức về đại dịch dường như cứ liên tu bất tận.

    Rất dễ hiểu là trong tình cảnh này, hầu như tất cả mọi người đều quan tâm đến những tin tức liên quan dến đại dịch. Nhưng với nhiều người, những thông tin dồn dập như vậy có thể làm các vấn đề sức khỏe tâm thần mà họ đang dối diện trở nên tồi tệ hơn.

    Vậy làm thế nào để có thể bảo vệ sức khỏe tâm thần của chúng ta?

    Hạn chế đọc tin và cẩn trọng với những gì đọc được

    Đọc quá nhiều tin về virus corona đã khiến Nick - cha của hai đứa con nhỏ đến từ Kent - hoảng loạn. Nick vốn đang sống trong tình trạng đầy lo âu.

    "Khi lo lắng, suy nghĩ của tôi có thể vượt khỏi tầm kiểm soát và tôi bắt đầu nghĩ về những hậu quả thảm khốc sẽ xảy đến", anh nói. Nick rất lo lắng về cha mẹ và những người cao niên khác mà anh biết.

    "Thông thường, khi chịu đựng điều gì đó, tôi có thể tránh xa tình huống đó. Nhưng lần này lại vượt ngoài tầm kiểm soát của tôi", anh nói.

    • Ngưng đọc tin tức trên web và phương tiện truyền thông xã hội một thời gian dài đã giúp Nick trở nên bình tâm hơn. Anh cũng đã tìm được số điện thoại của các đường dây tư vấn hỗ trợ rất hữu ích, do các tổ chức từ thiện về sức khỏe tâm thần như Anxiety UK điều hành.

    • Hạn chế thời gian đọc hoặc xem những tin tức mà chúng không khiến ta cảm thấy tốt hơn lên. Có lẽ, bạn chỉ nên đặt một thời điểm cụ thể nhất định trong ngày để xem tin tức.

    • Có rất nhiều thông tin sai lệch. Hãy tiếp nhận thông tin từ các nguồn đáng tin cậy như các trang web của chính phủ và cơ quan y tế quốc gia.

    Ngưng truy cập mạng xã hội, tắt các thông báo cập nhật

    Alison, 24 tuổi, đến từ Manchester, sống trong tâm trạng lo âu về tình hình sức khỏe của mình và luôn thấy có nhu cầu được cập nhật thông tin về vấn đề này. Cô cũng biết rằng, mạng xã hội có thể là một nguồn kích hoạt cho tâm trạng ấy.

    "Một tháng trước, tôi đã nhấp vào hashtag và nhìn thấy những thuyết âm mưu rác rưởi, chưa được kiểm chứng. Chúng khiến tôi thực sự lo lắng. Tôi thấy tuyệt vọng và đã khóc", cô nói.

    Bây giờ, cô đã cẩn trọng hơn khi cài đặt tài khoản mạng xã hội của mình, tránh nhấp vào hashtags 'coronavirus'. Cô cũng cố gắng hết sức để có những khoảng thời gian không truy cập vào mạng xã hội, thay vào đó là xem truyền hình hay đọc sách.

    • Tắt các từ khóa có thể được kích hoạt trên Twitter; hủy theo dõi hoặc bỏ nhận thông báo về việc cập nhật.

    • Tắt âm báo từ các nhóm WhatsApp, ẩn các bài đăng và nguồn cấp dữ liệu trên Facebook nếu thấy nó quá nhiều.

    Kết nối và làm điều gì đó mới mẻ

    Ngày càng có nhiều người phải tự cách ly. Bởi vậy, giờ có thể là thời điểm tốt để bảo đảm rằng bạn có số điện thoại và địa chỉ email của những người mà bạn quan tâm, quen biết.

    "Hãy kiểm tra chúng thường xuyên để cảm thấy được kết nối với những người xung quanh," Weatherley nói.

    Nếu bạn phải tự cách ly, hãy cân bằng giữa việc duy trì những thói quen, với việc bảo đảm rằng mỗi ngày qua đi, bạn lại làm được điều gì đó mới mẻ hơn.

    Điều đó có thể thực sự sẽ khiến bạn cảm thấy như mình vừa có hai tuần làm việc hiệu quả.

    Bạn có thể tạo ra danh sách những việc cần làm và làm theo đó; hay bỏ thời gian đọc một cuốn sách mà bạn muốn đọc.

    Hãy đừng để mình bị kiệt sức

    Dịch sẽ còn tiếp diễn trong hàng tuần hay hàng tháng nữa, nên điều quan trọng là hãy sống chậm lại.

    Và bất cứ lúc nào có thể, hãy đến với thiên nhiên và tiếp xúc với ánh sáng mặt trời.

    Hãy tập thể dục, ăn uống điều độ và uống nước.

    Để đối phó với sự lo âu và sợ hãi, Anxiety UK đề nghị mọi người thực hành kỹ thuật mà họ gọi là "Apple" - từ tạo thành từ chữ cái đầu tiên của các từ sau:

    • Acknowledg(Công nhận): Để ý và ghi nhận mỗi khi có sự hoang mang xuất hiện trong tâm trí bạn.

    • Pause (Tạm dừng): Không phản ứng như bình thường. Đừng phản ứng gì cả. Chỉ tạm dừng và thở.

    • Pull back (Kéo lại): Hãy tự nói với bản thân rằng, đây chỉ là nỗi lo âu mà thôi. Lo lắng như vậy là không ích lợi gì và không cần thiết. Đó chỉ là một ý nghĩ hay cảm giác. Đừng tin vào tất cả những gì bạn nghĩ. Và suy nghĩ không đồng nghĩa với việc điều đó thực sự điều hiện hữu.

    • Let go (Buông bỏ): Hãy buông bỏ những suy nghĩ hoặc cảm giác. Nó sẽ đi qua. Bạn không cần phải phản ứng lại với chúng. Bạn có thể tưởng tượng như chúng đang bay đi như bong bóng hoặc trôi qua như đám mây.

    • Explore(Khám phá): Khám phá hiện tại trong từng phút giây, bởi ngay trong thời khắc hiện tại, tất cả đều ổn. Hãy chú ý đến hơi thở và cảm giác của hơi thở của bạn. Hãy nhìn mặt đất dưới chân, hãy nhìn ra xung quanh và chú ý đến những gì bạn thấy, những thanh âm bạn nghe, những gì bạn có thể chạm vào, hay những gì bạn ngửi thấy. Hiện tại. Sau đó, chuyển sự tập trung chú ý của bạn sang thứ khác - như những gì bạn cần làm, những gì bạn đang làm - trước khi để cho sự lo lắng xâm chiếm tâm trí bạn. Tỉnh thức trong phút giây hiện tại.

    Theo BBC News Tiếng Việt

  • Trần Vũ Kiều Phương chia sẻ với BBC News Tiếng Việt hành trình cô bị nhiễm Covid-19 và bình phục sau khi được giới chức y tế Thụy Sỹ cho cách ly tại gia.

    Virus corona: 'Tôi hồi phục sau khi nhiễm Covid sau khi tự cách ly ở nhà'. Ảnh: TVKP

    Việc bình phục nhanh chóng với Trần Vũ Kiều Phương, 28 tuổi, một du học sinh ở Thụy Sỹ, người mới đây được chẩn đoán dương tính với Covid-19, vẫn còn là điều làm chính cô ngạc nhiên.

    Phương cho hay: "Mới đây tôi đã nhận kết quả xét nghiệm âm tính. Hiện giờ tôi vẫn ở nhà để đảm bảo an toàn cho mọi người nhưng tôi đã khỏe lên rất nhiều. Thật kỳ diệu."

    Phương nói "kỳ diệu" do cô hồi phục nhanh ngoài trông đợi của chính mình. Nhưng điều mà cô muốn chia sẻ hơn cả là việc tự cách ly tại gia đối với những trường hợp còn trẻ, không có tiền sử bệnh, như cô, có thể là một biện pháp khá hữu hiệu cho chính phủ.

    Khẩu trang và dung dịch rửa tay là thứ duy nhất Phương được bệnh viện cấp sau khi được chẩn đoán dương tính với Covid-19. Ảnh: TVKP

    Ngày 29/2: Phương qua Pháp thăm một người bạn. Khi đó người bạn này kêu mệt nhưng cả nhóm không nghĩ gì khác nên vẫn chào hỏi, ôm hôn, đi chơi cùng.

    Vài ngày sau khi về lại Thụy Sỹ, Phương được tin cô bạn người Pháp đã nhập viện do nhiễm virus corona. Khi đó Phương khá hoảng sợ vì cô cũng đang cảm thấy rất mệt. Trước đó cô chỉ nghĩ có lẽ do mình học nhiều quá nên vẫn mệt như mọi khi. Cô cũng bị chảy mũi, nhưng ban đầu nghĩ do trời lạnh.

    Ngày 4/3: Phương gọi điện cho bác sỹ gia đình và được sắp xếp khám vào ngày hôm sau.

    Ngày 5/3: Sau khi khám cho Phương, bác sỹ gia đình kê cho cô thuốc giảm đau cổ họng, thuốc xịt mũi, thuốc ho, hạ sốt. Nhưng sau khi Phương cho hay mình từng tiếp xúc với người nhiễm Covid, bác sỹ lập tức gọi điện cho bệnh viện của thành phố và hỏi các thủ tục làm xét nghiệm.

    Chỉ có một vài nơi trong thành phố nơi Phương sống có thể làm xét nghiệm Covid-19, và quy định thường sau 14 ngày kể từ khi tiếp xúc với nguồn bệnh mới xét nghiệm. Phương mới được 5 ngày nhưng do cô đã có triệu chứng khá rõ nên được chấp thuận cho làm xét nghiệm ở một trung tâm y tế.

    "Ngay khi tôi nói mình tới để xét nghiệm virus corona, nhân viên y tế lập tức phát cho tôi khẩu trang và dung dịch rửa tay. Sau đó họ đưa tôi ra một lều cách ly bên ngoài để chờ, nơi đã có một số người cũng đang ngồi chờ tới lượt. Tôi phải chờ 4 tiếng mới được khám do có khoảng 4 - 5 người trước mình."

    "Nhân viên y tế mặc đồ bảo hộ kín từ đầu tới chân, hỏi tôi rất cặn kẽ về lịch trình tiếp xúc với người bệnh, tiểu sử bệnh tật, có bị sốt không. Sau đó họ lấy hai mũi dung dịch họng và mũi, cấp giấy hướng dẫn cách ly, yêu cầu tôi đeo khẩu trang và trở về nhà lập tức."

    Hành trình cách ly tại gia

    Thùng đồ ăn do bạn bè gửi cho Phương. Ảnh: TVKP

    Ngày 6/3: Chỉ 24 giờ sau khi làm xét nghiệm, Phương nhận kết quả: Dương tính.

    "Các bác sỹ nói tôi đừng lo lắng quá, sẽ có người chăm sóc tôi. Họ nói tôi còn trẻ, đây không phải bệnh chết người, nó chỉ nguy hiểm với người già và có tiền sử bệnh nền, nên tôi hãy yên tâm."

    "Tôi chỉ biết có vậy, cũng không được cấp phát thuốc gì, không nhập viện, không có thêm thông tin nào hết."

    "Trong những ngày ở nhà, người ở trung tâm y tế gọi điện ngày hai lần để kiểm tra tình trạng của tôi, phòng khi bệnh tôi trở nặng thì sẽ phải nhập viện ngay lập tức. Bác sỹ gia đình cũng gọi điện liên tục."

    "Cũng trong ngày nhận kết quả dương tính từ bệnh viện, tôi bắt đầu đau nhức toàn thân, mệt rã rời. Tôi có hỏi bác sỹ cho tôi thuốc và rằng tôi có cần nhập viện không, nhưng họ nói không. Họ chỉ nói tôi uống thuốc giảm đau hạ sốt và yêu cầu thường xuyên đo nhiệt độ cơ thể."

    "Cơn đau nhức lan khắp người, tới mức tôi đứng lên mà chỉ muốn té ngã. Có lúc tôi cảm thấy mình không thể thở nổi. Nhưng tôi không hề sốt."

    Kết quả xét nghiệm của bệnh viện cho hay Phương âm tính với Covid-19 sau khi cách ly tự điều trị tại gia. Ảnh: TVKP

    "Tôi là người theo Tin Lành, nên tôi thường xuyên cầu nguyện mong Chúa chữa lành và bảo vệ cho tôi. Lúc đó, tôi có niềm tin rất mạnh liệt rằng chắc chắn tôi sẽ khỏi bệnh, do đó dù mệt mỏi nhưng tôi thấy rất bình an."

    "Tôi cũng không cho phép mình lo lắng quá nhiều, vì có thể sự lo lắng khiến bệnh tình trở nặng hơn. Lúc quá mệt, đau, tôi cũng cố để không nằm bẹp một chỗ mà đi lại dọn dẹp, ăn trái cây, làm bài tập, hay tranh thủ ngủ thật nhiều. Cứ thế, tôi làm mọi cách để quên đi sự mệt mỏi, đau nhức."

    "Hàng xóm và các bạn biết tôi bị bệnh nên đã chung tay giúp đỡ. Họ mua đồ ăn mang đến đặt trước cửa. Có bạn còn kho cá gửi qua thùng thư.

    Ngày 9/3: Theo đề nghị của bác sỹ, Phương tới bệnh viện làm xét nghiệm lần hai.

    Các thủ tục xét nghiệm lần này cũng giống hệt lần một, chỉ khác là nhân viên y tế chỉ lấy dung dịch mũi để xét nghiệm.

    Kết quả: Âm tính.

    "Tôi có niềm tin mãnh liệt rằng mình không được quỵ ngã, mình sẽ khỏi bệnh, nhưng tôi cũng không ngờ là mình hồi phục nhanh đến thế,"Trần Vũ Kiều Phương chia sẻ với BBC News Tiếng Việt.

    "Bên này thông tin người nhiễm virus được bảo mật rất kỹ. Ngay cả bác sỹ gia đình gọi điện đến trung tâm y tế nơi làm xét nghiệm Covid-19 cho tôi cũng không được cung cấp thông tin. Tôi mới là người có quyền quyết định sẽ thông báo tin này hay không."

    "Để đảm bảo sự an toàn cho cộng đồng, đặc biệt do tính chất công việc tôi phải tiếp xúc với trẻ em, nên tôi đã quyết định thông báo ngay cho nhà trường và bạn bè là mình bị nhiễm virus."

    "Trường cũng ngay lập tức email trong toàn hệ thống cho sinh viên, thông báo trong khoa có người nhiễm bệnh, yêu cầu sinh viên trong khoa học online, hoặc với những người vẫn muốn đến lớp thì phải ngồi cách nhau 2m và không tiếp xúc gần."

    "Trong trường cũng có trang web riêng về vấn đề virus corona và hướng dẫn chăm sóc sức khỏe thế nào."

    "Ở đây không phải muốn đòi nhập viện là được. Những ca nhiễm virus ở Thụy Sỹ đang ngày càng nhiều lên nên chính phủ tập trung chữa cho người già và trẻ em bởi họ là đối tượng có nguy cơ cao và khi nhiễm bệnh thường bị nặng."

    "Ở Thụy Sỹ mọi người không đeo khẩu trang. Khi có ai đó đeo khẩu trang thì mọi người mặc định người đó đang bị bệnh."

    Ở đây dù có nhiễm bệnh thì vẫn điều trị ở nhà. Bác sỹ nói bệnh này nguy hiểm nhưng người trẻ, khỏe, không có tiền sử bệnh, thì chống chọi được. Quan trọng là phải cách ly, đừng để nhiễm cho cộng đồng, đặc biệt cho người già và trẻ em."

    "Cái khó là phải tự ý thức rất cao. Bởi lẽ có người không thể chịu được việc phải ở nhà một mình trong một khoảng thời gian."

    "Ở đây chỉ xét nghiệm một lần, lần hai là rất hiếm. Họ phải bàn bạc với bên bảo hiểm. Bảo hiểm của tôi chi trả hết tiền xét nghiệm, nhưng việc tôi tự điều trị ở nhà, ăn uống ra sao thì tự lo hết."

    "Ở Thụy Sỹ người dân cũng lo sợ. Chính phủ đã cho đóng cửa trường học, cấm hội họp đông người. Nhưng không đến nỗi hoảng loạn. Người nhiễm bệnh vẫn được bảo mật thông tin, không lo bị xa lánh, kỳ thị, truy tìm. Người nhiễm bệnh có trách nhiệm báo với người tiếp xúc với mình. Cuộc sống vẫn tiếp diễn."

    "Tôi mong rằng qua việc tôi chia sẻ về trường hợp của mình, sẽ thắp lên hi vọng cho cộng đồng về việc chúng ta có thể vượt qua bệnh dịch như thế nào," Trần Vũ Kiều Phương nói.

    Theo BBC News Tiếng Việt

  • Vượt qua sóng gió nhờ sự lạc quan của bản thân và sự cứu chữa tận tình của đội ngũ y tế, bác sĩ Angelo gửi lời nhắn nhủ đến những bệnh nhân nhiễm Covid-19 rằng: "Đừng sợ hãi, hãy bình tĩnh và tin tưởng vào bác sĩ. Họ sẽ giúp bạn thoát khỏi cơn viêm phổi tồi tệ đó".

    Từ một bác sĩ cứu chữa cho những bệnh nhân nhiễm virus SARS-CoV-2, bác sĩ Angelo Vavassori (53 tuổi), làm việc tại khoa hồi sức của Bệnh viện Bergamo, đã trở thành bệnh nhân nhiễm Covid-19 chỉ trong một thời gian ngắn. Ông đã trải qua những giây phút giành giật sự sống để rồi rút ra bài học đắt giá giúp mọi người thêm vững tin trong cuộc chiến chống "giặc" Covid-19.

    Phóng viên tờ Repubblica (Italy) đã có cuộc phỏng vấn với bác sĩ Angelo để nghe ông kể lại hành trình chống chọi với những con virus mà theo ông vẫn nhiều người chủ quan và coi thường nó.

    Bác sĩ Angelo Vavassori (53 tuổi) đã vượt qua tử thần để ở lại với đời sau khi chiến đấu với virus SARS-CoV-2.

    "Tôi cảm giác như không thể thở được, tôi sợ mình sẽ không bao giờ gặp lại vợ và 4 đứa con thân yêu của tôi nữa. Cho đến thời điểm đó, tôi đã chữa khỏi cho một vài bệnh nhân khác nhưng tôi cũng phải chứng kiến bệnh nhân chết, tôi biết sự hung hãn của con virus ấy. Nhưng với những người đang chiến đấu, tôi muốn nhắn nhủ rằng bạn không nên bỏ cuộc vì sợ hãi.

    Chỉ trong vài tiếng đồng hồ, nhịp thở của tôi đã tăng từ 15 lên 40 trong 1 phút, tôi đã không thể thở nổi và tưởng như sắp chết. Dường như không có không khí lọt vào phổi và tôi gần như mất thị lực. Nếu tôi vẫn còn ở đây vào lúc này chính là nhờ những người đồng nghiệp của tôi. Câu chuyện của tôi trong những phút giây đen tối nhất có lẽ sẽ giúp nhiều người không từ bỏ hy vọng", ông Angelo nói và nhớ lại cuộc chiến giành giật sự sống của mình bắt đầu như thế nào...

    Các y bác sĩ bên trong một bệnh viện Italy.

    Angelo kể rằng ngày 22 tháng 2, ông đã chữa khỏi cho bệnh nhân nhiễm virus SARS-CoV-2 đầu tiên. Vào thứ Bảy (ngày 29 tháng 2), ông bị sốt, sáng thứ 2, ông vẫn ổn, nhưng đến chiều thì cơn sốt lên tới 38,9 độ. Ông không đến bệnh viện vì biết rằng mình đã nhiễm virus rồi. Ông tự giác cách ly tại nhà.

    "Trong 2 ngày tiếp đó, gia đình tôi sẽ để thức ăn cho tôi trước cánh cửa đóng kín. Tôi phải đeo găng tay và khẩu trang liên tục, sau đó khử trùng mọi thứ. Mọi người liên lạc với tôi qua điện thoại. Vậy mà cẩn thận như thế vẫn chưa ăn thua, vợ tôi và đứa con trai lớn nhất 18 tuổi đã nhiễm virus SARS-CoV-2. Chỉ có cặp song sinh 14 tuổi và con gái út 10 tuổi là chưa bị".

    Đến ngày thứ tư, tôi bắt đầu cảm thấy khó thở. Chỉ trong vài phút, tôi mất vị giác và khứu giác, mắt thì mờ đi. Do thiếu oxy, tôi bị đau đầu và tiêu chảy. Tôi gọi cho bệnh viện, nhưng không còn giường trống nữa. Tôi biết tôi không thể chống chọi được trong một thời gian dài. Tôi đang cố gắng thở, nhưng oxy không còn vào phổi nữa. Tôi bất tỉnh và thời điểm khó khăn nhất bắt đầu.

    Các đồng nghiệp kể lại rằng họ gắn cho tôi mũ áp suất Peep để có thể thở tích cực. Tôi đã cố gắng thở mà không cần gây mê để đặt nội khí quản nhưng không hề dễ dàng vì tôi đã mất nhận thức. Tôi cảm nhận được tiếng ồn điếc tai và dòng oxy nóng hổi. Tôi toát mồ hôi và thậm chí còn cảm thấy khó thở hơn trước. Nhưng chỉ sau vài phút, tôi bắt đầu cảm thấy như được sống trở lại vì không khí đã đi vào phổi. Tôi là bác sĩ hồi sức và tôi đã trải qua nhiều ngày chăm sóc các bệnh nhân lây nhiễm nên tôi biết được những triệu chứng của họ và điều này đã giúp tôi trụ lại được.

    Tôi đã bị mất nhận thức trong vài ngày nhưng khi hôn mê tôi vẫn cảm nhận được các bác sĩ và máy móc đang truyền oxy, bù nước cho tôi. Thời gian đọng lại trong một khoảnh khắc: Đó chính là khi tôi biết rằng chính sự tăng tốc này đã xóa bỏ quá khứ và hiện tại, xóa bỏ ranh giới giữa sự sống và cái chết.

    Tôi đã nghĩ rằng mình đang ở nhà và chỉ vừa mới chợp mắt ngủ một lát thôi. Nhưng không phải, bên cạnh giường của tôi là một bệnh nhân nhiễm Covid-19. Mọi thứ xuất hiện thật mới mẻ và tuyệt diệu. Câu chuyện này dạy chúng ta biết trân trọng giá trị của những điều nhỏ nhặt nhất."

    Hiện tại, tôi thở bằng mặt nạ với 70% oxy, khoảng 12 lít trong 1 phút".

    Vượt qua sóng gió nhờ sự lạc quan của bản thân và sự cứu chữa tận tình của các bác sĩ, bác sĩ Angelo gửi lời nhắn nhủ đến những bệnh nhân nhiễm Covid-19 rằng: "Đừng sợ hãi, hãy bình tĩnh và tin tưởng vào bác sĩ. Họ sẽ giúp bạn thoát khỏi cơn viêm phổi tồi tệ đó".

    Theo Nhịp Sống Việt

  • Từ một người khỏe mạnh, thường xuyên tập gym lại phải thở oxy vì nhiễm Covid-19, vị giáo sư tỏ ra hối hận và hi vọng mọi người đừng phạm vào sai lầm như mình.

    Park Hyan là giáo sư 48 tuổi ở một trường đại học thuộc thành phố Busan, Hàn Quốc. Ông thường đến phòng gym 5 ngày/tuần và duy trì thói quen vệ sinh rất tốt, bao gồm rửa tay thường xuyên và "dùng hơi quá" nước sát khuẩn. Do vậy, ông không nghĩ mình sẽ nhiễm Covid-19. Park nói bản thân "đã quá ngây thơ và dại dột khi cho rằng dịch bệnh này không thành vấn đề đối với mình".

    "Phải, như thường lệ, tôi đã chủ quan một cách ngu ngốc" - giáo sư Park chia sẻ trên Facebook ngày 8/3 sau khi đã bình phục, với hi vọng có thể giúp bạn bè và người thân phòng chống virus corona một cách chủ động hơn.

    Giáo sư Park Hyun từng nằm trong phòng điều trị tích cực vì nhiễm Covid-19 (Ảnh: Facebook)

    Thành phố Busan - nơi sinh sống của Park - đã ghi nhận ca nhiễm Covid-19 đầu tiên vào ngày 21/2. Cùng hôm đó, ông bắt đầu đau họng và ho dù các triệu chứng rất nhẹ.

    Trong 2 ngày sau, ông cảm thấy mệt mỏi, tức ngực và quyết định ở nhà, không đi tập gym như thường lệ. Lí do không chỉ vì sức khỏe suy yếu mà do đã có nhiều bệnh nhân nhiễm Covid-19 được xác nhận gần khu nhà của Park.

    Đến sáng sớm ngày 24/2, Park cảm thấy khó thở, lại càng lo sợ khi biết thông tin về ổ dịch nhà thờ Oncheon cách nhà mình không xa. Ông gọi điện cho cơ quan y tế nhưng được khuyên nên ở nhà vì các điểm xét nghiệm Covid-19 tại Busan hiện đang đông đúc, dễ tạo ra nguy cơ lây nhiễm chéo.

    Tuy vậy, Park không cảm thấy khỏe hơn chút nào. Sau 3 cuộc điện thoại, giới chức quyết định cho ông đi làm xét nghiệm. Park đến viện ngay vào sáng hôm đó nhưng thấy rất nhiều người đã xếp hàng từ trước. Ông được thông báo phải chờ khoảng 4 tiếng đồng hồ.

    "Sau khoảng 30 phút xếp hàng, tôi lại thấy khó thở và ngã đập đầu xuống sàn" - Park kể lại. Kế đó, ông được băng bó vết thương, ưu tiên cho làm xét nghiệm trước rồi về nhà chờ kết quả.

    Là người có sức khỏe tốt, Park không nghĩ mình sẽ mắc bệnh dù cư ngụ gần một ổ dịch của thành phố Busan (Ảnh: Facebook)

    Qua hôm sau, Park được xác nhận dương tính với virus, tình trạng nghiêm trọng nên phải nhập viện. Đến tối 25/2, ông được chuyển vào phòng áp lực âm thuộc khoa điều trị tích cực của Bệnh viện Gospel.

    Park được chụp CT và cho thở oxy. Nhờ đó, ông cảm thấy khá hơn vào ngày 26/2, nhưng tình trạng đau tức ngực vẫn rất nghiêm trọng. "Tôi cảm thấy đau rát ở ngực và bụng, dù không biết đó là do virus hay do thuốc" - Park nói.

    Ông cũng bị sốt nhẹ và tình trạng bệnh thay đổi liên tục. "Ban đầu tôi cảm thấy như có một cục sắt đè lên ngực. Cơn đau kinh khủng đó chỉ được xoa dịu khi dường như ai đó đang ép mạnh lên ngực mình... Đôi khi tôi lại cảm thấy đói bụng. Tôi cũng biết mình cần ăn để sống sót, nhưng rất khó để nuốt thức ăn vì tình trạng khó thở".

    May mắn là giáo sư Park đã bình phục và được cho xuất viện sau 9 ngày điều trị. Ngoài ra, những người từng tiếp xúc với ông cũng có kết quả âm tính với virus.

    Trong bài viết của mình, Park cho rằng mọi người không bao giờ được chủ quan, "phải vô cùng cảnh giác trước dịch bệnh nhưng cũng tránh hoảng loạn". Ngoài ra, vị giáo sư gửi lời cảm ơn đến y bác sĩ đã chăm sóc mình "như người thân ruột thịt". Ông ca ngợi những anh hùng áo trắng "luôn cố gắng để giảm thiểu cơn đau khi tiêm thuốc, ngoài ra họ còn tự tay mang thức ăn và dọn vệ sinh cho các bệnh nhân của mình".

    Hiện tại, Hàn Quốc đã có tổng cộng 8.086 ca nhiễm Covid-19 và 72 người tử vong. Tình hình dịch đã bắt đầu được kiểm soát nhưng giới chức vẫn cảnh giác với một số ổ dịch trên cả nước.

    Theo Báo Dân Sinh