• cang hang khong quoc te noi bai

    Cục Hàng không Việt Nam vừa có văn bản gửi các hãng hàng không yêu cầu chuẩn bị nguồn lực và xây dựng phương án khai thác các chuyến bay đưa công dân Việt Nam tại Ukraine về nước.

    Phó Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam Đinh Việt Sơn vừa ký văn bản gửi các hãng hàng không: Vietnam Airlines, Vietjet Air, Bamboo Airways… yêu cầu chuẩn bị nguồn lực (tàu bay, phi công, tiếp viên) và xây dựng phương án khai thác các chuyến bay đưa công dân Việt Nam tại Ukraine về nước.

    "Các hãng hàng không có trách nhiệm báo cáo phương án khai thác về Cục Hàng không Việt Nam trước ngày 2/3/2022. Cục Hàng không Việt Nam sẽ có thông báo đến các hãng hàng không về việc thực hiện các chuyến bay nêu trên khi có chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Giao thông Vận tải", Phó Cục trưởng Đinh Việt Sơn yêu cầu.

    Trước đó, trong Công điện gửi các Bộ trưởng, Thủ trưởng Cơ quan ngang Bộ, Cơ quan trực thuộc Chính phủ; Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về bảo hộ công dân Việt Nam tại Ukraine, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu Bộ Giao thông Vận tải chỉ đạo các hãng hàng không của Việt Nam chuẩn bị sẵn sàng kế hoạch đưa người Việt và thành viên gia đình về nước theo chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền được giao và kiến nghị biện pháp phù hợp đối với những vấn đề vượt thẩm quyền.

    Đến thời điểm hiện tại, hãng hàng không Bamboo Airways công bố đã chuẩn bị các phương án để vận chuyển công dân Việt tại Ukraine hồi hương theo chỉ đạo từ cơ quan chức năng.

    Bà Hương Trần Kiều Dung, Phó Chủ tịch Thường trực FLC kiêm Phó Chủ tịch Bamboo Airways cho hay, Bamboo Airways đã dự trù phương án để tham gia vận chuyển công dân Việt hồi hương ngay khi có các chỉ đạo và phân công từ phía Chính phủ và các bộ, ngành, đặc biệt là Bộ Ngoại giao, Bộ Giao thông Vận tải và Cục Hàng không Việt Nam.

    Công tác này tiếp tục được khẩn trương xúc tiến sau khi công điện của Thủ tướng Chính phủ về việc bảo hộ công dân, pháp nhân Việt Nam và một số vấn đề cần lưu ý trước tình hình tại Ukraine được ban hành trong ngày 26/2./.

    Theo BNews

  • Quyết định loại Nga khỏi hệ thống tài chính toàn cầu SWIFT được cho là một đòn giáng mạnh với nền kinh tế lớn thứ 12 thế giới này.

    Tuyên bố chung giữa Mỹ, Ủy ban châu Âu, Pháp, Đức, Italy, Anh và Canada ngày 26/2 cho biết loại một số ngân hàng Nga khỏi Hiệp hội Viễn thông Tài chính Liên ngân hàng Toàn cầu (SWIFT).

    Được thành lập năm 1973, Hiệp hội Viễn thông Tài chính Liên ngân hàng Toàn cầu (SWIFT), có trụ sở ở Bỉ, là mạng lưới bảo mật cao kết nối 11.000 ngân hàng và tổ chức tài chính tại hơn 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó có Nga. Hiệp hội này xử lý khoảng 42 triệu tin nhắn mỗi ngày, tạo điều kiện cho các giao dịch lên tới hàng nghìn tỷ USD. Nga chiếm khoảng 1,5% giao dịch của SWIFT trong năm 2020, theo Financial Times.

    "Điều này sẽ đảm bảo rằng các ngân hàng Nga bị ngắt kết nối với hệ thống tài chính quốc tế và làm tổn hại khả năng hoạt động của họ trên toàn cầu", tuyên bố của Nhà Trắng có đoạn. Nhà Trắng thêm rằng Liên minh châu Âu sẽ lập danh sách những ngân hàng Nga bị loại khỏi SWIFT.

    nga bi loai khoi swift

    Edward Fishman, chuyên gia về biện pháp trừng phạt kinh tế tại Trung tâm Á-Âu thuộc Hội đồng Atlantic, cho rằng nếu danh sách này bao gồm các ngân hàng lớn nhất của Nga như Sberbank, VTB, Gazprombank, nó sẽ là vấn đề "thực sự rất lớn".

    "Đó thực sự là dao găm đâm vào trái tim của các ngân hàng Nga", Kim Manchester, người sở hữu công ty chuyên cung cấp các chương trình đào tạo tình báo tài chính, cho hay.

    Giới quan sát nhận định biện pháp trừng phạt này có thể sẽ tàn phá nền kinh tế và thị trường Nga. Nó có thể ảnh hưởng nặng nề đến đồng ruble, dẫn tới sự biến mất của nhiều hàng hóa nhập khẩu vào Nga, theo Sergey Aleksashenko, cựu phó chủ tịch ngân hàng trung ương Nga và hiện sống ở Mỹ.

    "Đây là dấu chấm hết cho một phần quan trọng trong nền kinh tế", Aleksashenko nói. "Nửa thị trường tiêu thụ sẽ biến mất. Những hàng hóa này biến mất khi không thể thanh toán".

    Biện pháp trừng phạt này cũng sẽ cắt đứt các giao dịch tài chính quốc tế liên quan tới ngành công nghiệp dầu và khí đốt của Nga, chiếm hơn 40% doanh thu của đất nước.

    Tùy thuộc vào số lượng ngân hàng bị loại khỏi SWIFT, biện pháp trừng phạt này có thể gây khó khăn hơn cho các thực thể Nga trong các xử lý giao dịch và có thể cản trở khả năng kinh doanh của nền kinh tế Nga bên ngoài biên giới.

    Khoảng 300 ngân hàng và tổ chức hàng đầu Nga đang sử dụng SWIFT, hơn một nửa tổ chức tín dụng Nga có đại diện trong SWIFT và Nga được xếp thứ hai về số lượng người dùng nền tảng này, chỉ sau Mỹ, theo Hiệp hội SWIFT quốc gia Nga.

    Markos Zachariadis, giáo sư về hệ thống thông tin và công nghệ tài chính thuộc Đại học Manchester, mô tả loại Nga khỏi SWIFT giống như cắt internet của một quốc gia.

    "Hãy tưởng tượng tất cả các tổ chức này đang hoạt động trực tuyến. Họ có khách hàng để gửi thông tin và giao dịch, nhưng đột nhiên không có quyền truy cập vào cơ sở hạ tầng này", Zachariadis nói.

    Năm 2014, khi phương Tây đe dọa sử dụng biện pháp trừng phạt này với Nga vì sáp nhập bán đảo Crimea, cựu bộ trưởng tài chính Alexei Kudrin nói Nga có thể bị giảm 5% GDP trong vòng một năm. GDP của Nga năm ngoái đạt 1.700 tỷ USD, trở thành nền kinh tế lớn thứ 12 thế giới.

    Maria Shagina, chuyên gia về biện pháp trừng phạt quốc tế ở Helsinki, từng nói cấm Nga khỏi SWIFT có thể mang tới tác động tàn khốc như đối với Iran.

    Vào năm 2012, SWIFT từng ngắt kết nối với các ngân hàng Iran trong khuôn khổ các biện pháp trừng phạt quốc tế đối với Tehran vì chương trình hạt nhân. Iran đã mất một nửa doanh thu xuất khẩu dầu và 30% doanh thu ngoại thương, theo Trung tâm Carnegie Moskva.

    Nga đã phát triển một hệ thống thanh toán thay thế có thể được mở rộng cho các ngân hàng ở thị trường nước ngoài có quan hệ thân thiện hơn với Moskva. Nó được phát triển sau khi có những lời kêu gọi cắt quyền truy cập SWIFT với Nga vào năm 2014. Song hệ thống này đã gặp khó khăn để tiến hành các giao dịch quốc tế. Đến cuối năm 2020, hệ thống này chỉ có 400 người tham gia từ 23 quốc gia.

    Tuy nhiên, giới quan sát cũng cảnh báo không chỉ có Nga chịu thiệt hại khi bị loại khỏi hệ thống SWIFT.

    "Tất cả quốc gia khác có giao dịch với Nga, bao gồm cả những nước Liên minh châu Âu và nhiều nước khác nhận nguồn cung năng lượng từ Nga, cũng như các doanh nghiệp có giao dịch với tổ chức Nga cũng bị ảnh hưởng", Zachariadis nói.

    VnExpress (theo Reuters, Washington Post, CBC)

  • Vận tải cơ lớn nhất thế giới An-225 bị phá hủy sau các cuộc không kích của Nga vào sân bay Antonov, cách Kiev 7 km về phía tây bắc.

    Tập đoàn hàng không và quốc phòng Ukroboronprom ngày 27/2 cho biết vận tải cơ An-225 bị phá hủy tại sân bay ở thị trấn Hostomel, tỉnh Kiev, khu vực bao quanh nhưng không bao gồm thủ đô Kiev.

    Đây là chiếc An-225 đầu tiên và duy nhất được sản xuất, mang biệt danh Mriya, nghĩa là "giấc mơ" trong tiếng Ukraine. An-225 có chiều dài 84 m, có thể vận chuyển tới 250 tấn hàng hóa với tốc độ tới 850 km/h.

    "Nga đã phá hủy Mriya, nhưng họ sẽ không bao giờ có thể phá hủy giấc mơ của chúng tôi về một quốc gia châu Âu mạnh mẽ, tự do và dân chủ", Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba cho hay.

    van tai co lon nhat the gioi 1
    Hình ảnh vệ tinh cho thấy hư hại đáng kể đối với một phần nhà chứa vận tải cơ AN-225 tại căn cứ không quân Hostomel. Ảnh: Maxar.

    Hình ảnh vệ tinh của Maxar Technologies cho thấy một phần nhà chứa máy bay AN-225 bị hư hại đáng kể. Hệ thống quản lý tài nguyên thông tin cháy của NASA phát hiện nhiều đám cháy tại sân bay, bao gồm cả tại nhà chứa. Theo dữ liệu của NASA, đám cháy được phát hiện vào lúc 11h13 ngày 27/2.

    Ukroboronprom ước tính sẽ mất khoảng 5 năm để khôi phục vận tải cơ An-225 với chi phí có thể lên đến ba tỷ USD. Tập đoàn này cho biết sẽ buộc Nga phải trả khoản chi phí này vì "gây thiệt hại cho ngành hàng không Ukraine".

    Giao tranh dữ dội diễn ra ở khu vực sân bay Hostomel sau khi Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine. Quân đội Nga ngày 25/2 thông báo đã giành quyền kiểm soát sân bay này.

    An-225 là vận tải cơ chiến lược do Phòng thiết kế Antonov phát triển cuối thập niên 1980, nhằm phục vụ chương trình tàu vũ trụ con thoi Buran và hoạt động vận tải quy mô lớn của không quân Liên Xô. Chiếc đầu tiên mang biệt danh "Mriya" (Giấc mơ) cất cánh thử nghiệm năm 1988 và nằm trong biên chế Ukraine tới nay. Đây cũng là máy bay An-225 duy nhất được hoàn thiện và đưa vào sử dụng.

    Máy bay cao 18 m và có sải cánh 88,4 m, khối lượng rỗng 285 tấn và khối lượng cất cánh tối đa 640 tấn. Phi cơ được lắp 6 động cơ turbine phản lực D-18T với tổng sức đẩy gần 141 tấn. Khoang chứa hàng của máy bay dài 43 m, rộng 6,4 m và cao 4,4 m, với thể tích lên tới 1.300 mét khối.

    An-225 đang giữ 240 kỷ lục hàng không thế giới, trong đó bao gồm kỷ lục về chở khối hàng hóa đơn lẻ nặng tới gần 190 tấn, cũng như tổng tải trọng hàng hóa 253,8 tấn. Nó cũng là máy bay nặng nhất và có sải cánh lớn nhất trong lịch sử.

    van tai co lon nhat the gioi 1
    Các mũi quân Nga tiến vào Ukraine. Đồ họa: NY Times

    Theo VnExpress

    .

  • Trong mấy ngày qua khi chiến sự Nga-Ukraine căng thẳng, rất nhiều người Việt ở các thành phố của Ukraine, đặc biệt là ở Kiev đã tìm cách di tản ra khỏi thành phố hướng đến phía Tây để sang Ba Lan. Trong tình cảnh khó khăn của người Việt ở Ukraine, cộng đồng người Việt ở Ba Lan đã phát huy tinh thần tương thân tương ái, tinh thần đùm bọc yêu thương tuyệt vời của những người con cùng chung dòng máu Việt.

    can leu cua chung ta 1

    Những hình ảnh về "Căn lều của chúng ta" ở biên giới Ba Lan và lương thực thực phẩm chờ đón người Việt từ Ukraine di tản sang. Ảnh Phan Châu Thành

    can leu cua chung ta 1

    can leu cua chung ta 1

    can leu cua chung ta 1

    can leu cua chung ta 1

    Căn "lều của chúng ta" đã được lập ngay sau thanh chắn biên giới Ba Lan, tại cửa khẩu Zosin-Uscilug, một cửa khẩu hẻo lánh, nhưng cũng tại hẻo lánh nên cái gì cũng thiếu. Gọi là "lều của chúng ta" vì để có được nó, đó là sự phối hợp của 3 dân tộc: "Ukraina - Ba Lan - Việt Nam". Tình nguyện viên hiện nay gồm có 2 bạn Ukraine, 2 bạn Ba Lan, 2 bạn Việt Nam. 

    Theo thông tin từ anh Phan Châu Thành, quản trị viên của Uwaga- Hội Người Việt tại Ba Lan: "Xếp hàng chờ nhập cảnh ở đây đã khoảng 20 giờ, đa số là người già và trẻ con. Họ cần giúp. Trong bán kính 16 km cách cửa khẩu không có gì. Điều kiện trên đó rất khổ, đêm lạnh, làm việc liên tục nên mọi người phải chia ca để nghỉ ngơi, sẽ cần thêm các tình nguyện viên mới để lên lịch thay nhau lên chia lửa".

    Anh Phan Châu Thành cũng thông tin thêm: "Nếu bạn nào có thể, muốn đi thì đăng ký với mình nhé, nhưng cần phải có sức khỏe tốt, chịu được thiếu thốn, có đủ đồ ấm vì ban đêm nhiệt độ có thể xuống tới -2 độ. Mọi chuyện di chuyển, ăn ở mình sẽ cố gắng lo, 1 ca chắc khoảng 48 giờ là ổn. Mình cần các bạn đăng ký càng sớm càng tốt để lên kế hoạch thay đổi cho đỡ cực. Việc cứu trợ này chắc phải 7-8 ngày nữa mới hết, rất cần các bạn khỏe mạnh chung tay, trên đó mạng khá phập phù, mạng điện thoại kém".

    "Không có hào quang, danh tiếng gì, chỉ có khổ và mệt nên cần những tấm lòng thực sự", anh Phan Châu Thành nhắn nhủ với những tình nguyện viên. 

     Nhiều người Việt ở Ba Lan cũng chung tay góp tiền mua lương thực để chuyển đến "Lều của chúng ta" hỗ trợ bà con người Việt ở Ukraine đi lánh nạn, nhiều người nhắn nhủ với đồng bào mình họ sẵn sàng dành nơi cư trú để đón bà con từ Ukraine sang Ba Lan thành công.

    Nhiều người Việt ở Ukraine chưa kịp di tản nhưng cũng rất trân trọng tấm lòng của đồng bào mình ở Ba Lan, có những người xúc động không nói nên lời với sự đùm bọc trong những giờ phút đầy thử thách.

    Theo Dân Việt

  • Trong khi xung đột tại nhiều thành phố lớn ở Ukraine diễn biến phức tạp, người Việt sống ở vùng Donbass chia sẻ tình hình vẫn ổn định.

    "Điểm nóng nhất lại là điểm ít tiếng súng hơn các nơi khác", ông Văn Thủy, người Việt đang sống tại thành phố Mariupol của Ukraine, ngày 25/2 cho biết.

    Thành phố Mariupol nằm bên bờ biển Azov, phía đông nam Ukraine và thuộc vùng Donbass. Ông Thủy cho biết thành phố nằm trong tỉnh Donetsk trước khi chiến sự năm 2014 bùng phát. Mariupol từng là một trong những điểm giao tranh "nóng nhất" giữa lực lượng chính phủ và phe ly khai. Từ thành phố đi thêm khoảng 30 km là đến giới tuyến hiện nay giữa hai lực lượng.

    Ông kể khu vực sân bay Mariupol là mục tiêu bắn phá vào sáng 24/2, không lâu sau khi Tổng thống Nga Vladimir Putin thông báo mở chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine với lý do bảo vệ hai vùng ly khai ở Donetsk và Lugansk. Một nhà cao tầng ở rìa thành phố cũng chịu thiệt hại. Người dân ban đầu bảo nhau đi mua đồ dự trữ, nhưng từ chiều cùng ngày tình hình đã yên ắng trở lại.

    nguoi viet van chua muon roi ukraine 1
    Người dân trú ẩn trong một ga tàu điện ngầm ở Kiev, Ukraine ngày 24/2. Ảnh: AFP.

    "Chúng tôi ngồi ở nhà, hạn chế ra đường. Bà con đêm qua vẫn ngủ yên, không nghe tiếng súng. Hôm nay tôi ra trung tâm thành phố có việc, cũng không thấy diễn biến nào bất thường. Vùng chiến sự quyết liệt gần đây nhất là thành phố Kherson, nhưng cũng cách khá xa", ông nói.

    Theo cảm nhận của ông Thủy, dường như quân đội Nga tập trung hơn vào những thành phố lớn có hạ tầng quân sự then chốt của Ukraine như Odessa, Kherson, Kharkiv và Kiev. Riêng thành phố của ông đến chiều 25/2 vẫn chưa có báo động an ninh hay sơ tán, chỉ áp dụng biện pháp giới nghiêm từ 22h đến 6h hôm sau. Lệnh giới nghiêm có hiệu lực ngay khi xung đột bắt đầu.

    "Tôi thức từ sáng sớm, khoảng 2h, nhưng không ngủ được vì người nhà từ Việt Nam gọi sang hỏi thăm. Mọi người cũng thúc giục tôi trở về, nhưng tình hình rối loạn như thế này thì về làm sao được", ông Thủy chia sẻ, đồng thời cho biết Đại sứ quán Việt Nam tại Ukraine thường xuyên hỏi thăm. Nhưng người ở đây "thực chất cũng không có kế hoạch rời đi".

    Ông nói trong nhà có sẵn hầm trú ẩn, nếu có chuyển biến hay báo động tránh bom vẫn có nơi an toàn. Gia đình ông cũng đã chuẩn bị đủ thuốc men, lương thực và nhu yếu phẩm cần thiết.

    Trong thông cáo ngày 25/2, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng cho biết Việt Nam quan ngại trước xung đột ở Ukraine. Bà kêu gọi các bên liên quan kiềm chế, tăng cường đối thoại, thúc đẩy các biện pháp ngoại giao nhằm giải quyết những bất đồng trên cơ sở tôn trọng Hiến chương Liên Hợp Quốc và luật pháp quốc tế.

    "Việt Nam rất quan tâm đến tình hình cộng đồng người Việt Nam tại Ukraine, yêu cầu bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, cũng như doanh nghiệp Việt Nam tại địa bàn", bà nhấn mạnh.

    nguoi viet van chua muon roi ukraine 1
    Vị trí thành phố Mariupol, gần giới tuyến hai khu vực chính phủ và phe ly khai kiểm soát ở miền đông Ukraine, và Kharkiv gần biên giới Nga. Đồ họa: NY Times.

    Ngô Linh, một người Việt đang sinh sống ở thành phố Donetsk nằm trong vùng do lực lượng ly khai Ukraine kiểm soát, chia sẻ ấn tượng tương tự. "Chỗ tôi là trung tâm vùng chiến sự, cách ranh giới từ 15 đến 20 km, nhưng tình hình vẫn bình yên", ông nói.

    Khi được hỏi về thông báo sơ tán dân thường từ lực lượng ly khai vào đầu tuần này, ông Linh cho biết bà con người Việt hầu như không ai rời đi vì "trong thành phố vẫn bình an". Mọi người vẫn bám trụ lại chợ để làm ăn. Hiện khu vực Donetsk có khoảng 40 gia đình với hơn 100 người Việt đang sinh sống.

    Sáng 25/2, Đại sứ Việt Nam tại Ukraine Nguyễn Hồng Thạch cho biết trên Facebook rằng "tình hình hiện nay tốt nhất là ở đâu ở đấy", lưu ý rằng sơ tán vào thời điểm này là không an toàn. Ông thông báo Đại sứ quán Việt Nam đã liên lạc với cộng đồng tại Donetsk, Kherson, Kharkov, Odessa và tình hình bà con người Việt tại Ukraine vẫn ổn.

    Bộ Quốc phòng Nga khẳng định các lực lượng chỉ nhắm vào hạ tầng quân sự then chốt của Ukraine, đồng thời hạn chế tối đa ảnh hưởng đến dân thường. Trong khi đó, phía Kiev cùng các lãnh đạo phương Tây cáo buộc Nga mở chiến dịch quân sự vô cớ. Mỹ và các nước phương Tây cũng áp thêm nhiều lệnh trừng phạt kinh tế với Nga.

    nguoi viet van chua muon roi ukraine 1
    Các mũi quân Nga tiến vào Ukraine. Đồ họa: NY Times.

    Ông Nguyễn Hoàng, một người Việt sống tại Ukraine hơn 11 năm qua, cho biết tình hình tại thành phố Kiev nơi ông sống đang ngày một tăng nhiệt. Ông cho biết ngày 24 đến 25/2, có khoảng 3-4 lần báo động. Vợ con ông phải xuống hầm xe của tòa nhà để trú ẩn.

    "Những lần trước tôi vẫn ở lại trong căn hộ, theo khuyến cáo tránh xa cửa sổ và trú trong bồn tắm lớn cũng đảm bảo an toàn. Đến hôm nay, sau khi có còi báo động buổi trưa, ban quản lý tòa nhà mới yêu cầu tất cả mọi người sơ tán xuống hầm xe. Vì có khả năng đánh lớn nên tôi mới xuống cùng cả nhà", ông cho biết.

    Xung đột tại Ukraine tiếp tục diễn biến căng thẳng trong hai ngày qua. Quân đội Nga sau khi triển khai các đợt không kích phủ đầu đã mở các mũi tiến quân hướng đến thủ đô. Bộ Quốc phòng Ukraine chiều 25/2 thông báo một số đơn vị Nga đã xâm nhập vào thành phố và giao tranh với lực lượng phòng vệ.

    Ông Hoàng nói gia đình sống xa trung tâm thành phố, khu vực tập trung nhiều dân cư nên cũng không phải là điểm nóng giao tranh. Các hạ tầng quan trọng như điện, nước và khí đốt không bị cắt. Khi đến siêu thị cách nhà khoảng 100 m vào ngày thứ hai sau khi xung đột bùng phát, ông thấy nhu yếu phẩm vẫn đầy đủ và giá cả vẫn như trước xung đột.

    Gia đình ông giữ bình tĩnh theo dõi tin tức thời sự. Công việc kinh doanh của gia đình vốn bị ảnh hưởng bởi tình hình chiến sự ở Donbass những năm qua, nay thêm gián đoạn.

    "Gia đình cũng có phần lo lắng và các con tâm sự khá thất vọng về tình hình hiện nay. Cuộc sống bỗng dưng đảo lộn vì tên bay đạn lạc suốt hai ngày qua", ông nói.

    * Tên nhân vật đã được thay đổi

    Theo VnExpress

  • em be chao doi o ham tru an ukraine 1

    Bé Mia chào đời dưới hầm trú bom trong hệ thống tàu điện ngầm Kiev, khi quân đội Nga mở chiến dịch quân sự vào thành phố.

    Bé Mia cất tiếng khóc chào đời giữa rất nhiều người lạ đang trú ẩn dưới nhà ga tàu điện ngầm được thiết kế thành hầm tránh bom ở thủ đô Kiev vào khoảng 20h30 ngày 25/2. Hình ảnh cô bé nằm trong vòng tay mẹ giữa hầm được ca ngợi là tia sáng hy vọng trong thời khắc đen tối nhất của đất nước Ukraine.

    "Mia sinh ra trong hầm đêm nay, giữa hoàn cảnh vô cùng căng thẳng, khi Kiev đang bị không kích", Hannah Hopko, chủ tịch Hội nghị Dân chủ Hành động Ukraine, thông báo. "Mẹ bé rất vui sau ca sinh nở đầy thử thách này".

    em be chao doi o ham tru an ukraine 1
    Bé Mia nằm trong vòng tay mẹ. Ảnh: Twitter/Hannah Hopko

    "Mia thân mến, con chào đời mang tới hy vọng trong thời khắc ảm đạm này. Cô cầu nguyện cho con lớn lên bình yên, mạnh khỏe trong một thế giới tốt đẹp hơn", một người có tên Victoria Lundsford viết dưới bài đăng của Hopko Hanna.

    Một bác sĩ sản khoa khác cho hay một bé trai khác cũng được sinh ra đêm qua trong hầm trú ẩn, nhưng danh tính của mẹ và bé chưa được công bố.

    Sau khi Tổng thống Nga Vladimir Putin mở chiến dịch quân sự vào Ukraine ngày 24/2, nhiều người dân đã sơ tán tới các thành phố ở phía tây, sang những nước láng giềng như Ba Lan, Hungary, hay thu dọn hành lý xuống ga tàu điện ngầm trú ẩn.

    Các lực lượng vũ trang Ukraine hôm nay thông báo giao tranh ác liệt đang xảy ra xung quanh Vasylkiv, thành phố cách Kiev khoảng 28 km về phía nam. Các lực lượng Nga đang tiến về Kiev từ cả phía bắc và phía đông. Quân đội Ukraine đã cấp phát vũ khí cho dân thường ở Kiev, đồng thời phá hủy các cây cầu xung quanh thủ đô để ngăn đà tiến của lực lượng Nga.

    Tổng thống Putin tuyên bố chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine nhằm "phi quân sự hóa và phi phát xít hóa Ukraine". Ông nói Nga "không thể cảm thấy an toàn, không thể phát triển hay tồn tại với mối đe dọa thường trực từ Ukraine".

    Mỹ cùng các đồng minh, trong đó có Liên minh châu Âu (EU), gần đây áp đặt loạt biện pháp trừng phạt mới đối với Nga. Giới quan sát đánh giá tác động của các biện pháp này còn hạn chế, trong khi Nga cảnh báo họ sẽ đáp trả mạnh mẽ.

    VnExpress (theo DailyMail)

  • Anh đã thất bại trong việc thiết lập các lộ trình mới cho những người tị nạn Ukraine không có gia đình ở Vương quốc Anh.

    Bất chấp cuộc xâm lược toàn diện của Nga, chính phủ Anh đã ngừng nhận đơn xin thị thực của công dân thủ đô Kiev đang mắc kẹt tại Ukraine. Theo báo cáo, 137 người Ukraine đã tử vong sau các cuộc không kích của Nga, bao gồm các vụ nổ ở thủ đô Kiev.

    Bộ trưởng bộ Nội vụ Priti Patel đã thông báo kéo dài thời hạn thị thực cho người Ukraine đến Vương quốc Anh để làm việc, học tập và du lịch. Tuy nhiên, hiện vẫn không có kế hoạch tái định cư cho người tị nạn chạy trốn từ Ukraine.

    Trong bối cảnh cuộc xâm lược, Hoa Kỳ ước tính năm triệu người có thể phải di tản, trong khi chỉ riêng Ba Lan đã chuẩn bị sẵn sàng đón một triệu người. Cơ quan Tị nạn LHQ đã cảnh báo về “hậu quả nhân đạo tàn khốc".

    27rusBiểu tình phản đối cuộc tấn công của Nga

    Ông Boris Johnson cho biết 1000 binh sĩ đã được đặt trong tình trạng “sẵn sàng trợ giúp cuộc di cư nhân đạo ở các nước láng giềng” và cho biết chính phủ đang giúp đỡ các công dân Vương quốc Anh.

    Tuy nhiên, Bộ Nội vụ cho biết: “Công dân Ukraine ở Ukraine (không có thành viên gia đình là công dân Anh sống ở Ukraine hoặc Anh), hiện không thể làm đơn xin thị thực để tới thăm, làm việc, học tập hoặc ở cùng gia đình ở Anh".

    Trung tâm tiếp nhận hồ sơ xin thị thực của Anh tại Kyiv hiện đã đóng cửa và tất cả các dịch vụ liên quan ở thủ đô Ukraine. Người phụ thuộc của công dân Vương quốc Anh có thể nộp đơn tại thành phố Lviv.

    Tuy nhiên, người ở Ukraine không có người thân tại Anh chỉ có thể xin thị thực Anh nếu đến được các trung tâm ở Ba Lan, Romania, Hungary hoặc Moldova.

    Tin tức được công bố trong bối cảnh dòng người bắt đầu hình thành tại các cửa khẩu biên giới từ thứ Năm 24/2. Trước đó vài giờ, xe tăng Nga vượt qua biên giới phía đông Ukraine.

    Người phát ngôn của ông Johnson cho biết: “Về vấn đề tị nạn, rõ ràng là thời điểm hiện tại còn khá sớm. Tuy nhiên, chúng tôi đã cung cấp hỗ trợ ở biên giới nếu nhận thấy dấu hiệu của một cuộc khủng hoảng nhân đạo, và rõ ràng là chúng tôi đã sẵn sàng triển khai giúp đỡ”.

    Đảng quốc gia Scotland SNP kêu gọi chính phủ Vương quốc Anh đặt ra kế hoạch "phản ứng nhân đạo", bao gồm các tuyến đường hợp pháp và an toàn hơn đến Vương quốc Anh.

    Nghị sĩ Stuart McDonald nói: "Việc này phải bao gồm nhiều quyền hơn để giúp công dân Ukraine được ở cùng các thành viên là người Anh và Ukraine ở Anh - thay vì phải xin tị nạn ở Ba Lan và phải xa gia đình. Cũng phải làm rõ rằng chúng ta sẵn sàng và chuẩn bị tiếp nhận người tị nạn Ukraine tới đây theo kế hoạch Tái định cư Toàn cầu, nếu điều đó được cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn UNHCR khuyến nghị và các đồng minh châu Âu yêu cầu. Cuối cùng, chính phủ phải từ bỏ cuộc tấn công vào công ước Người tị nạn thông qua dự luật Quốc tịch và Biên giới. Dự luật này sẽ hình sự hóa và xem nhẹ những người chạy trốn khỏi chiến tranh - bao gồm những người Ukraine chạy trốn cuộc xâm lược của ông Putin".

    Người phát ngôn của chính phủ Anh cho biết: “Ưu tiên của chúng tôi vẫn là hỗ trợ công dân Anh đang cư trú tại Ukraine và người phụ thuộc của họ muốn rời khỏi Ukraine. Chúng tôi đang làm việc 24/7 để xử lý đơn xin thị thực. Trung tâm tiếp nhận thị thực chính ở Kyiv đã đóng cửa sau cuộc xâm lược của Nga nhưng trung tâm ở Lviv vẫn mở cửa cho các thành viên gia đình của công dân Anh cư trú tại Ukraine. Chúng tôi đã tăng cường nhân viên đến các trung tâm xin thị thực ở các quốc gia lân cận, bao gồm Ba Lan, Moldova, Romania và Hungary. Công dân Ukraine có thể nộp đơn xin thị thực từ các trung tâm này và chúng tôi đã thông báo kéo dài thị thực cho người Ukraine hiện đang ở Anh. Chúng tôi đang làm việc với các quốc gia châu Âu khác để đảm bảo phản ứng kịp thời đối với mọi vấn đề di cư mang tính thiết thực và vì lợi ích tốt nhất của người dân Ukraine”.

    Viethome (Theo National)

  • Ông Volodymyr Zelensky đã đóng vai tổng thống Ukraine trên một chương trình hài kịch truyền hình mang tên “Đầy tớ của nhân dân”. Đến năm 2018, ông tuyên bố muốn đưa nhân vật trong màn ảnh trở thành hiện thực.

    tong thong ukraine dien vien hai 1
    Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky. (Ảnh: AP)

    Những video mà trong đó Tổng thống Zelensky ca ngợi những nỗ lực “anh hùng” của đất nước trong việc chống lại lực lượng Nga đang được phát trên khắp thế giới. Ông xuất hiện trong các clip đăng lên mạng xã hội với khuôn mặt chưa cạo râu, mặc chiếc áo phông xanh quân đội và tự gọi mình là “mục tiêu số một của kẻ thù”.

    Trong khi chỉ trích phương Tây không hỗ trợ quân sự, ông cũng chụp ảnh cùng diễn viên Hollywood Sean Penn, người đang làm phim tài liệu về “chiến dịch quân sự đặc biệt” của Nga. Ông Zelensky không phải gương mặt xa lạ với làng giải trí thế giới.

    Nhà lãnh đạo 44 tuổi (sinh năm 1978) tại khu vực nói tiếng Nga Kryvyi Rih, một vùng đông nam Liên Xô cũ mà ngày nay trở thành Ukraine. Ông đang ở tuổi 12 khi Liên Xô tan rã và Ukraine trở thành quốc gia độc lập.

    Có bố mẹ là người Do Thái nên ông được trao cơ hội du học ở Israel từ tuổi thiếu niên, nhưng vẫn ở lại Ukraine vì bố ông không cho đi. Ông học luật tại ĐH Kinh tế Kiev, nhưng luôn hứng thú với hài kịch hơn. Ông tham gia đoàn kịch KVN TV của Ukraine từ năm 17 tuổi rồi sau đó tự lập một đoàn kịch riêng mang tên Kvartal 95.

    Sau mấy năm thành công với các chuyến lưu diễn ở Mátxcơva và nhiều nước từng thuộc Liên Xô cũ, đoàn kịch Kvartal 95 thành lập công ty sản xuất riêng để làm các chương trình cho kênh truyền hình 1+1. Rất nổi tiếng vào thời gian đó, ông Zelensky đóng vai chính trong một số phim như Tình yêu trong thành phố lớn, 8 cuộc hẹn mới

    Vai tổng thống

    Vào năm 2015, vai diễn một giáo viên được đưa lên làm tổng thống Ukraine đã thay đổi cuộc đời ông vĩnh viễn.

    Trong vở Đầy tớ của nhân dân, ông Zelensky đóng nhân vật Vasyl Petrovych Holoborodko, người bất ngờ trở thành lãnh đạo đất nước sau khi một video ghi lại cảnh ông này hạ bệ các chính trị gia tham nhũng thu hút nhiều hàng triệu người xem trên mạng.

    Vở kịch trở nên rất nổi tiếng, trong bối cảnh Ukraine đang chật vật đối phó với nạn tham nhũng và giới tài phiệt. Ông Zelensky diễn trong đêm truyền hình lúc giao thừa năm 2018. Sau đó, ông tuyên bố kế hoạch sẽ làm theo nhân vật của mình và chạy đua vào vị trí tổng thống.

    Giống như nhân vật trong màn ảnh, ông Zelensky và đảng mới thành lập mang tên Đầy tớ của nhân dân đã không vận động bầu cử theo cách truyền thống mà triển khai chương trình vận động chủ yếu trên mạng xã hội, bằng cách tiếp tục lưu diễn với đoàn Kvartal 95 và chế nhạo các đối thủ bằng những video gây sốt.

    Tuyên ngôn của ông chủ yếu tập trung vào việc chống tham nhũng trong chính trị và cuộc chiến với lực lượng ly khai ở vùng Donbass ở miền đông. Năm 2019, ông đắc cử với tỷ lệ cao vút: 73%, rồi tuyên thệ nhậm chức vào tháng 5 năm đó.

    Giới quan sát cho rằng chiến thắng khó tin của ông Zelensky một phần là do hệ quả từ phong trào biểu tình năm 2014 khiến cựu Tổng thống Viktor Yanukovich bị lật đổ và sự kiện Nga sáp nhập bán đảo Crimea. Ông Zelensky là người ủng hộ ra mặt phong trào biểu tình năm 2014. Ông cũng quyên tiền cho binh lính Ukraine để chiến đấu với lực lượng ly khai ở Donbass.

    tong thong ukraine dien vien hai 1
    Ông Zelensky thăm vùng Donbass trong một dịp vào năm 2021. (Ảnh: AP)

    Những bê bối

    Dù hứa sẽ tiếp tục chống tham nhũng, một số người hoài nghi về động cơ của ông Zelensky, cho rằng ông cố gắng giành quyền lực từ các tài phiệt chỉ để tập trung họ quanh mình. Mối quan hệ của ông với tỷ phú Igor Kolomoisky, người sở hữu 75% cổ phần kênh 1+1 cũng bị “soi”.

    Chỉ trong vòng 1 tháng sau khi nhậm chức, ông Zelensky đối mặt với những cáo buộc tham nhũng xung quanh vụ bê bối dẫn đến việc cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump bị đưa ra luận tội.

    Ông Trump bị cáo buộc đã tìm cách hối lộ ở Ukraine để giúp hai luật sư Rudy Giuliani và William Barr, người sau này trở thành bộ trưởng tư pháp Mỹ, điều tra con trai của Tổng thống Mỹ Joe Biden khi hai người còn đang chạy đua cho cuộc bầu cử tổng thống.

    Trong năm tiếp theo, ông Zelensky chật vật đối phó với đại dịch COVID-19 và những hậu quả kinh tế nghiêm trọng.

    Khi áp lực đại dịch giảm xuống, vào tháng 10/2021, ông Zelensky vấp phải một bê bối nữa khi Tài liệu Pandora tiết lộ ông và 2 cố vấn thân cận nhất có các công ty ở quần đảo Virgin của Anh, đảo Síp và Belize. Ông nói rằng một số tài sản của ông ở nước ngoài đã được công bố trước bầu cử, nhưng một cuộc điều tra cho thấy ông đã chuyển cổ phần cho bạn chỉ vài tuần trước khi đắc cử để che giấu sự liên quan.

    Quan hệ với Nga

    Để đối phó với những chỉ trích về thất bại trong đối phó với đại dịch COVID-19 và tham nhũng, ông Zelensky càng thể hiện quan điểm cứng rắn với Nga hơn, bao gồm việc trừng phạt ông Viktor Medvedchuk, một nhân vật được gọi là “người của Nga ở Ukraine”. Ông Medvedchuk là chủ tịch một tổ chức chính trị thân Nga ở Ukraine và phản đối ý tưởng Ukraine gia nhập Liên minh cháu Âu (EU).

    Vào cuối năm 2021, hình ảnh vệ tinh bắt đầu cho thấy binh lính và phương tiện quân sự của Nga tập hợp ở nhiều điểm dọc biên giới giữa hai nước. Ông Zelensky kêu gọi lãnh đạo Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và EU xúc tiến đề nghị của Ukraine về việc gia nhập 2 tổ chức này, khiến Điện Kremlin càng giận dữ.

    Ngày 24/2 vừa qua, ông Zelensky trở thành vị tổng thống chênh vênh nhất của châu Âu, khi Nga triển khai một “chiến dịch quân sự đặc biệt” bằng đường bộ, đường không và đường biển vào quốc gia láng giềng.

    Ông Zelensky tự xác định mình là “mục tiêu số một” của Nga, nhưng khẳng định ông và gia đình vẫn ở lại Ukraine.

    Vị tổng thống 44 tuổi cũng chỉ trích các đồng minh của Ukraine không đưa binh lính đến giúp đỡ, mà chỉ ủng hộ bằng lời nói, hỗ trợ về tài chính và ngoại giao.

    “Chúng tôi chỉ có một mình để bảo vệ nhà nước của mình. Ai sẵn sàng chiến đấu với chúng tôi? Tôi không thấy ai cả. Ai sẵn sàng bảo đảm để Ukraine trở thành thành viên NATO? Ai cũng e sợ”, ông Zelensky phát biểu trong video gửi đến cả nước trong đêm 24/2.

    Một số cư dân mạng bày tỏ cảm thông, gọi ông là “người đàn ông cô đơn”.

    Theo Tiền Phong

  • Cuộc tấn công của Nga là một bài học đau đớn không chỉ với Ukraine mà cả với những ai vẫn trông chờ, tin tưởng vào những lời hứa. Không ai xả thân vì Ukraine khi chiến tranh xảy ra. Cuộc chiến có thể kéo dài đến khi Nga đạt được những mục tiêu của mình.

    Đó là đánh giá của ông Phạm Phú Phúc, một chuyên gia bình luận quốc tế từng có thời gian công tác tại Nam Tư, trong cuộc trao đổi với phóng viên Tiền Phong về xung đột vũ trang ở Ukraine hiện nay.

    Lý do an ninh và kinh tế

    Theo dõi những diễn biến xung đột Nga-Ukraine thời gian qua và các bài phát biểu của Tổng thống Nga Vladimir Putin, ông nhận xét gì về lý do Nga tấn công Ukraine?

    Ông Phạm Phú Phúc: Chúng ta đều biết rất rõ qua những phát biểu của Tổng thống Nga Vladimir Putin và những chính khách lớn ở Nga. Chúng ta cũng cần nhớ lại bản yêu cầu mà Nga gửi cho NATO và Mỹ vào ngày 17/12/2021, trong đó nêu ra những lo lắng về an ninh của Nga nếu NATO kết nạp Ukraine, nếu NATO tiếp tục tiến về phía đông để có thể kết nạp thêm Gruzia (Georgia) và Moldova, tiếp tục tiến hành những cuộc tập trận sát biên giới của Nga. Mátxcơva yêu cầu NATO không kết nạp những nước ấy, và nếu tập trận thì phải hỏi ý kiến của Nga. Nhưng Nga không nhận được câu trả lời mà họ cần từ Mỹ và NATO.

    Sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, đã có hiệp định giữa Mỹ và Liên Xô về việc NATO không được mở rộng về phía đông, nhất là không gian hậu Xô Viết. Nhưng NATO không chấp hành hiệp định đó, mà liên tục kết nạp các nước Hungary, Bulgaria, Romania, Latvia, Estonia. Nga thấy rằng giờ họ chỉ còn mỗi cửa ngõ Ukraine, nếu quân NATO cũng đến đó nữa thì không ổn cho Nga chút nào.

    vi sao nga phai danh ukraine 1
    Bà Natali Sevriukova, một cư dân thủ đô Kiev của Ukraine, òa khóc sau khi căn hộ của mình đổ nát vì giao tranh sáng 25/2. Ảnh: AP

    Lý do thứ hai là những bất ổn dai dẳng ở vùng Donbass, khi giao tranh giữa lực lượng ly khai và quân chính phủ Ukraine kéo dài nhiều năm qua, khiến an ninh ở biên giới của Nga không bảo đảm.

    Những điều đó khiến Nga mở chiến dịch quân sự vào Ukraine để bảo vệ chính mình. Tất nhiên, trước khi làm như vậy, ông Putin đã công nhận độc lập cho 2 nước cộng hoà Donetsk và Lugansk rồi ký hiệp ước tay ba với họ, sau đó Nga nhận được yêu cầu giúp đỡ từ 2 vùng ly khai này. Vì thế, Nga có thể hợp pháp hoá việc tiến quân vào thể theo yêu cầu của Donestk và Lugansk. Mátxcơva nói rằng lực lượng của họ đến đó để “gìn giữ hoà bình”, để giúp những người bạn ở Donetsk và Lugansk.

    Theo ông, ngoài lý do an ninh, còn lý do gì khiến Nga thực hiện chiến dịch quân sự lần này?

    Thực sự cuộc chiến này không chỉ giữa Nga với Ukraine mà cả với Mỹ và phương Tây. Ở đây có cả lý do kinh tế. Vì Ukraine gây khó dễ, không cho Nga chuyển dầu khí sang châu Âu, Nga buộc phải làm tuyến đường ống Dòng chảy phương Bắc 2, giờ xong rồi cũng không được cấp phép. Với chiến dịch lần này, Nga có vẻ cũng muốn “dằn mặt” Mỹ và phương Tây trong vấn đề kinh tế.

    Mátxcơva cảm thấy phương Tây đã chèn ép họ quá nên mới quyết định làm như vậy, chứ người Nga rất hiểu rằng chiến tranh sẽ hao tiền tốn của kinh khủng.

    vi sao nga phai danh ukraine 1
    Chuyên gia Phạm Phú Phúc

    “Tọa sơn quan hổ đấu”

    Ông đánh giá như thế nào về cách phản ứng của Mỹ và NATO tính đến thời điểm này?

    Đây là một bài học đau đớn nữa không chỉ với Ukraine mà cả những ai vẫn trông chờ, tin tưởng vào những lời hứa. Ai là người sẽ xả thân vì Ukraine nếu chiến tranh xảy ra? Tôi trả lời luôn rằng, không có ai cả. Các chính quyền ở Ukraine từ năm 2014 đã nhận được bao nhiêu lời hứa hẹn từ Mỹ và phương Tây. Nhưng Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky vừa nói rằng “hoá ra chúng tôi chỉ có một mình”. Đó cũng là câu tôi muốn dùng để trả lời cho câu hỏi này. Mỹ và phương Tây phản ứng quá yếu ớt, khác hẳn những gì đã hứa. Đây là bài học cho những ai không dựa vào chính mình mà cứ tin lời hứa bên ngoài. Một số tờ báo nói rằng người Ukraine đã rơi vào một cái bẫy, bị Mỹ và phương Tây dùng để chống Nga. Nếu cứ chiến tranh như thế này, Ukraine sẽ thiệt hại nhiều hơn cả.

    Theo ông, xung đột hiện nay sẽ kéo dài đến khi nào?

    Theo như những gì ông Putin tuyên bố mấy hôm nay, an ninh ở sườn phía Tây của Nga, từ hướng Ukraine, phải được bảo đảm.

    Thứ hai, cộng đồng người Nga sinh sống ở phía đông Ukraine, cụ thể là vùng Donbass phải được bảo đảm. Tôi đã ở Nam Tư nhiều năm, thấy rằng người Xla-vơ rất lo lắng cho nhau, không bao giờ muốn thấy lại cảnh Kiev nhắm vào người Nga ở Odessa như hồi năm 2014.

    Thứ ba, phải có cam kết bằng văn bản rằng Ukraine không xin gia nhập NATO, cam kết bằng văn bản của Mỹ và phương Tây rằng sẽ không kết nạp Ukraine cũng như một số nước cộng hoà khác trong không gian hậu Xô Viết, cụ thể là Moldova và Gruzia.

    Theo tôi, một khi ông Putin đã xuất quân thì phải đạt được những mục tiêu này. Phía Ukraine phải chủ động đối thoại, trên cơ sở đáp ứng như yêu cầu an ninh của Nga, trên cơ sở thoả thuận hoà bình Minsk ký năm 2015. Nghĩa là Ukraine phải công nhận tự trị của Donetsk và Lugansk và phải thân thiện với Nga. Thật ra, ông Putin muốn một chính quyền Ukraine thân thiện với Nga chứ không phải như hiện nay.

    Cuộc chiến sẽ tiếp tục đến khi Nga đạt được những mục tiêu của mình, hoặc chí ít an ninh cũng phải được bảo đảm ở mức tương đối. Nếu không, tôi sợ rằng cuộc chiến ấy sẽ còn như thế hoặc đường biên giới giữa Nga và Ukraine sẽ tiếp tục bất ổn. Khi đó, thiệt hại đầu tiên là Ukraine. Mỹ và phương Tây có thể vẫn “toạ sơn quan hổ đấu”, thỉnh thoảng lại viện trợ cho Ukraine tiền và vũ khí.

    Cảm ơn ông.

    Theo Tiền Phong

  • ''Putin sẽ bị lên án trước mắt thế giới và lịch sử: ông ta sẽ không bao giờ có thể rửa sạch máu Ukraine khỏi tay mình.

    Chúng tôi sẽ tiếp tục thực hiện sứ mệnh không hối tiếc nhằm loại bỏ Nga khỏi nền kinh tế toàn cầu từng mảnh, từng ngày và từng tuần'' - [ Thủ tướng ANH ]

    boris johnson len an putin

    Dưới đây là toàn văn phát biểu nảy lửa rất đã tai của Thủ tướng Anh Boris Johnson tại Hạ viện VƯƠNG QUỐC ANH ngày 24/2:

    ''Thưa Chủ tịch Quốc hội, tôi vừa đến đây từ một cuộc họp của các nhà lãnh đạo G7, với sự tham gia của Tổng thư ký Stoltenberg của NATO.

    Tôi sẽ cập nhật cho Hạ viện về phản ứng của chúng tôi trước cuộc tấn công dữ dội của Tổng thống Putin nhằm vào một quốc gia châu Âu tự do và có chủ quyền.

    Ngay sau 4 giờ sáng nay, tôi đã nói chuyện với Tổng thống Zelenskyy của Ukraine khi những quả tên lửa đầu tiên tấn công đất nước xinh đẹp và vô tội của ông ấy và những con người dũng cảm, và tôi đảm bảo với ông ấy về sự ủng hộ vững chắc của Vương quốc Anh.

    Và tôi có thể nói rằng ở giai đoạn này, người Ukraine đang bảo vệ quyết liệt vì gia đình và đất nước của họ và tôi biết rằng mọi thành viên Hạ viện chúng ta sẽ chia sẻ sự ngưỡng mộ của tôi đối với quyết tâm của họ.

    Đầu ngày hôm nay, Putin đã phát biểu trên truyền hình và đưa ra lý do ngớ ngẩn rằng ông tìm cách "phi quân sự hóa và giải trừ chủ nghĩa quốc xã ở Ukraine".

    Trên thực tế, ông ta đang dùng cỗ máy quân sự của mình chống lại một nước láng giềng tự do và hòa bình, vi phạm cam kết rõ ràng của chính ông ta và mọi nguyên tắc ứng xử văn minh giữa các quốc gia, cản trở những nỗ lực tốt nhất của đất nước này và các đồng minh của chúng ta để tránh đổ máu.

    Vì điều này, Putin sẽ bị lên án trước mắt thế giới và lịch sử: ông ta sẽ không bao giờ có thể rửa sạch máu Ukraine khỏi tay mình.

    Và mặc dù Vương quốc Anh và các đồng minh đã cố gắng mọi con đường ngoại giao cho đến giờ cuối cùng, tôi bị buộc phải kết luận rằng Putin luôn quyết tâm tấn công người hàng xóm của mình, bất kể chúng tôi đã làm gì.

    Bây giờ chúng ta thấy bản chất của ông ta: một kẻ xâm lược đẫm máu, người tin vào cuộc chinh phục của đế quốc.

    Tôi tự hào rằng Anh đã làm mọi thứ trong khả năng để giúp Ukraine chuẩn bị cho cuộc tấn công dữ dội này, và chúng tôi sẽ cố gắng hết sức để giúp đỡ nhiều hơn nữa khi những người bạn dũng cảm của chúng tôi bảo vệ quê hương của họ.

    Các điểm tấn công Kyiv

    Đại sứ quán của chúng tôi đã đề phòng vào ngày 18 tháng 2 khi di dời từ Kyiv đến thành phố Lviv ở miền tây Ukraine, nơi Đại sứ của chúng tôi, Melinda Simmons, tiếp tục làm việc với nhà chức trách Ukraine và hỗ trợ công dân Anh.

    Bây giờ chúng tôi có một nhiệm vụ rõ ràng: về mặt ngoại giao, chính trị, kinh tế - và cuối cùng, quân sự - cuộc phiêu lưu ghê tởm và man rợ này của Vladimir Putin phải kết thúc trong thất bại.

    Tại cuộc họp G7 chiều nay, chúng tôi nhất trí làm việc đoàn kết để tối đa hóa cái giá kinh tế mà Putin sẽ phải trả cho hành động gây hấn của mình.

    Và điều này phải bao gồm việc chấm dứt sự phụ thuộc tập thể của châu Âu vào dầu khí của Nga, đã giúp trao quyền cho Putin quá lâu. Vì vậy, tôi hoan nghênh một lần nữa quyết định tuyệt vời của Thủ tướng Scholz trong việc tạm dừng chứng nhận Nord Stream 2.

    Các quốc gia chiếm khoảng một nửa nền kinh tế thế giới hiện đang tham gia vào việc tối đa hóa áp lực, áp lực kinh tế, đối với một quốc gia chỉ chiếm 2%.

    Về phần mình, hôm nay Vương quốc Anh công bố gói trừng phạt kinh tế lớn nhất và nghiêm khắc nhất mà Nga từng chứng kiến.

    Với các biện pháp tài chính mới, chúng tôi đang sử dụng các quyền lực mới để nhắm mục tiêu tài chính Nga. Ngoài các ngân hàng mà chúng tôi đã xử phạt trong tuần này, hôm nay - cùng với Hoa Kỳ - chúng tôi sẽ áp dụng việc đóng băng toàn bộ tài sản đối với VTB.

    Nói rộng hơn, những quyền hạn này sẽ cho phép chúng tôi loại trừ hoàn toàn các ngân hàng Nga khỏi hệ thống tài chính của Vương quốc Anh, lớn nhất ở châu Âu, ngăn họ truy cập Sterling và thanh toán bù trừ qua Vương quốc Anh.

    Và với khoảng một nửa giao dịch thương mại của Nga hiện bằng đô la Mỹ và đồng bảng Anh, tôi vui mừng thông báo với Hạ viện rằng Hoa Kỳ đang thực hiện các biện pháp tương tự.

    Những quyền hạn này cũng sẽ cho phép chúng tôi cấm các công ty nhà nước và tư nhân của Nga gây quỹ ở Anh, cấm giao dịch chứng khoán của họ và cho vay.

    Chúng tôi sẽ giới hạn số tiền mà công dân Nga có thể gửi vào tài khoản ngân hàng ở Vương quốc Anh của họ. Và các biện pháp trừng phạt cũng sẽ được áp dụng đối với Belarus vì vai trò của nước này trong cuộc tấn công Ukraine.

    Nhìn chung, chúng tôi sẽ áp đặt việc đóng băng tài sản đối với hơn 100 tổ chức và cá nhân mới, ngoài hàng trăm địa chỉ mà chúng tôi đã công bố.

    Điều này bao gồm tất cả các nhà sản xuất lớn hỗ trợ cỗ máy chiến tranh của Putin. Hơn nữa, chúng tôi cũng sẽ cấm Aeroflot bay vào Vương quốc Anh.

    Tiếp theo - bên cạnh các biện pháp tài chính này và kết hợp đầy đủ với Hoa Kỳ và EU - chúng tôi sẽ đưa ra các hạn chế thương mại mới và kiểm soát xuất khẩu nghiêm ngặt, tương tự như những biện pháp mà họ đang thực hiện ở Mỹ.

    Chúng tôi sẽ đưa ra luật mới để cấm xuất khẩu tất cả các mặt hàng lưỡng dụng sang Nga, bao gồm một loạt các thiết bị và linh kiện công nghệ cao cấp và quan trọng trong các lĩnh vực bao gồm điện tử, viễn thông và hàng không vũ trụ.

    Luật pháp để thực hiện điều này sẽ được ban hành vào đầu tuần tới. Các biện pháp trừng phạt thương mại này sẽ hạn chế khả năng quân sự-công nghiệp và công nghệ của Nga trong nhiều năm tới. Chúng tôi sẽ đưa ra các biện pháp đối với các tài sản giàu có không giải thích được.

    Và chúng tôi sẽ trình bày chi tiết hơn trước Lễ Phục sinh về một loạt các chính sách sẽ được đưa vào Dự luật đầy đủ trong phiên họp tiếp theo - bao gồm các cải cách đối với công ty và sổ đăng ký sở hữu tài sản ở nước ngoài.

    Chúng tôi sẽ thành lập một phòng chuyên dụng mới trong Cơ quan Tội phạm Quốc gia để nhắm mục tiêu biện pháp trừng phạt trốn tránh và tham nhũng tài sản của Nga được cất giấu ở Vương quốc Anh và điều đó có nghĩa là các nhà tài phiệt ở London không có nơi nào để ẩn náu.

    Và thưa ông Chủ tịch, tôi biết Hạ viện này sẽ rất quan tâm đến tiềm năng loại bỏ Nga khỏi SWIFT. Và tôi có thể khẳng định - như tôi đã luôn nói - rằng chuyện gì cũng có thể xảy ra.

    Nhưng để tất cả các biện pháp này thành công, điều quan trọng là chúng ta phải có sự đoàn kết của các đối tác, sự đoàn kết trong G7 và các diễn đàn khác.

    Các nhà đầu tư Nga đã đưa ra phán quyết của họ về sự khôn ngoan trong các hành động của Putin. Chứng khoán Nga giảm tới 45%, xóa sổ 250 tỷ USD, trong mức giảm kỷ lục trong một ngày.

    Sberbank - nhà cho vay lớn nhất của Nga - giảm tới 45%, và Gazprom giảm tới 39%, trong khi đồng rúp đã giảm mạnh xuống mức thấp kỷ lục so với đồng đô la.

    Chúng tôi sẽ tiếp tục thực hiện sứ mệnh không hối tiếc nhằm loại bỏ Nga khỏi nền kinh tế toàn cầu từng mảnh, từng ngày và từng tuần.

    Và tất nhiên chúng tôi sẽ sử dụng vị trí của Anh trong mọi diễn đàn quốc tế để lên án cuộc tấn công dữ dội chống lại Ukraine và chúng tôi sẽ chống lại cơn bão dối trá và thông tin sai lệch của Điện Kremlin bằng cách nói sự thật về cuộc chiến lựa chọn và cuộc chiến xâm lược của Putin.

    Và chúng tôi sẽ làm việc với các đồng minh của mình về nhu cầu cấp thiết để bảo vệ các quốc gia châu Âu khác không phải là thành viên của NATO và có thể trở thành mục tiêu của Putin về sự lật đổ và gây hấn.

    Và chúng tôi sẽ chống lại bất kỳ sự cám dỗ đáng sợ nào để chấp nhận những gì Putin đang làm hôm nay. Không thể có sự bình thường hóa leo thang, không phải bây giờ, không phải trong vài tháng tới, không phải nhiều năm.

    Chúng ta vẫn phải tăng cường khả năng phòng thủ của NATO hơn nữa, vì vậy hôm nay tôi đã kêu gọi một cuộc họp của các nhà lãnh đạo NATO sẽ diễn ra vào ngày mai.

    Và tôi sẽ triệu tập các quốc gia đóng góp vào Lực lượng viễn chinh chung, do Vương quốc Anh dẫn đầu và bao gồm cả các thành viên NATO và không thuộc NATO.

    Thứ Bảy tuần trước, tôi đã cảnh báo rằng cuộc xâm lược này sẽ gây ra hậu quả kinh tế toàn cầu và sáng nay giá dầu đã tăng mạnh.

    Chính phủ sẽ làm mọi thứ có thể để bảo vệ người dân của chúng ta khỏi những hậu quả đối với chi phí sinh hoạt, và tất nhiên chúng tôi luôn sẵn sàng bảo vệ đất nước mình khỏi bất kỳ mối đe dọa nào, kể cả trong không gian mạng.

    Trên tất cả, Hạ viện sẽ nhận ra sự thật khó khăn và nặng nề rằng chúng ta hiện đang sống trong một lục địa nơi một cường quốc bành trướng, triển khai một trong những cỗ máy quân sự đáng gờm nhất thế giới, đang cố gắng vẽ lại bản đồ Châu Âu bằng máu, và chinh phục một quốc gia độc lập bằng vũ lực.

    Điều quan trọng đối với sự an toàn của mọi quốc gia là cuối cùng dự án tốn kém của Putin sẽ phải thất bại và bị coi là thất bại.

    Dù dài lâu ra sao, đó sẽ là mục tiêu kiên định và không nao núng của Vương quốc Anh.

    Tôi hy vọng mọi thành viên Hạ viện và mọi đồng minh lớn của chúng ta, chắc chắn rằng cùng nhau, chúng ta có sức mạnh và ý chí để bảo vệ hòa bình và công lý, như chúng ta đã luôn làm.

    Và tôi nói với người dân Nga, nơi mà Tổng thống vừa cho phép một cuộc tấn công dữ dội nhằm vào một dân tộc Slavic đồng bào. Tôi không thể tin rằng điều kinh dị này đang được thực hiện dưới danh nghĩa của bạn hoặc bạn thực sự muốn tình trạng cô lập mà những hành động này sẽ mang lại cho chế độ Putin.

    Và với những người bạn Ukraine của chúng tôi trong thời khắc đau đớn này, tôi nói rằng chúng tôi đang ở bên các bạn.

    Quyền lựa chọn số phận của bạn là quyền mà Vương quốc Anh và các đồng minh của chúng tôi sẽ luôn bảo vệ''.

    Nguồn: FB Luu Tu Chung (Nguồn: Guardian)

  • nga trung phat anh

    Moskva cấm tất cả máy bay liên quan tới Anh, kể cả bay quá cảnh, đi qua không phận Nga sau động thái trừng phạt của Anh.

    "Giới chức Nga ban hành lệnh cấm bay qua không phận Nga với các chuyến bay thuộc hãng bay do một tổ chức có liên kết hoặc đăng ký tại Anh là chủ sở hữu, cho thuê hoặc vận hành", Cơ quan Vận tải Hàng không Liên bang Nga Rosaviatsia hôm nay tuyên bố.

    Một máy bay của hãng hàng không Anh British Airways. Ảnh: AFP

    Lệnh cấm có hiệu lực từ 8h ngày 25/2 và bao gồm các chuyến bay quá cảnh tới Anh qua không phận Nga. Giới chức Nga cho hay quyết định đưa ra "nhằm đáp trả quyết định không hữu hảo của giới chức hàng không Anh".

    London hôm 24/2 cấm hãng hàng không Aeroflot bay qua không phận Anh. Giới chức Anh cũng tuyên bố đóng băng tài sản tại Anh của các ngân hàng và nhà sản xuất vũ khí lớn của Nga.

    Rosaviatsia cho hay đã gửi đề nghị "tổ chức tham vấn" tới giới chức hàng không Anh hôm 24/2 nhưng nhận được "phản hồi tiêu cực" hôm nay.

    Mỹ, Anh và hàng loạt nước phương Tây áp lệnh trừng phạt lên Moskva sau khi Tổng thống Nga Vladimir Putin phát động chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine hôm 24/2 trong "nỗ lực phi quân sự hóa và phi phát xít hóa Ukraine". Tổng thống Putin nói Nga "không thể cảm thấy an toàn, không thể phát triển hay tồn tại với mối đe dọa thường trực từ Ukraine".

    Lãnh đạo các nước phương Tây, trong đó có Tổng thống Mỹ Joe Biden, chỉ trích Nga phát động "cuộc tấn công vô cớ và phi lý" gây thiệt hại về người và của cho Ukraine. Tuy nhiên, Mỹ và đồng minh NATO khẳng định sẽ không tới Ukraine tham chiến.

    Theo VnExpress

  • cam tai san cua ong putin

    Anh, Mỹ và EU đã nhất trí đóng băng tài sản ở châu Âu liên quan đến Tổng thống Nga Putin và Ngoại trưởng Lavrov.

    Quyết định được giới lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) thông qua hôm nay sau cuộc thảo luận suốt đêm về gói trừng phạt mới với Nga. Đức và Italy do dự áp dụng biện pháp này, nhưng hầu hết các nước EU đều ủng hộ, hai quan chức giấu tên cho biết.

    Hiện không rõ ông Putin có bao nhiêu tài sản. Theo dữ liệu chính thức, ông có rất ít tài sản. Thu nhập hàng năm của Tổng thống Nga là 10 triệu ruble (120.850 USD). Ông sở hữu ba ôtô và một căn hộ, theo báo cáo tài chính mới nhất.

    Cả ông Putin và Lavrov đều không bị EU cấm đi lại vì EU muốn giữ con đường ngoại giao mở. Tổng thống Pháp nhấn mạnh gói trừng phạt mới nhất của EU nhằm vào "các quan chức cấp cao nhất" của Nga.

    Ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian cho hay EU có thể sẽ áp đặt thêm biện pháp trừng phạt nếu Nga tiếp tục chiến dịch quân sự tại Ukraine. "Gói trừng phạt mới nhất là không đủ. Chúng tôi cần phải bóp nghẹt hệ thống của Nga và đặc biệt là nhằm mục tiêu sâu hơn vào giới tài phiệt", ông nói.

    "Mỹ phối hợp với đồng minh và đối tác, tiếp tục đáp trả mạnh mẽ hành động tấn công vô cớ và phi lý của Nga nhằm vào Ukraine", Bộ Tài chính Mỹ ngày 25/2 cho biết trong quyết định áp lệnh trừng phạt với một loạt lãnh đạo và quan chức Nga, trong đó có Tổng thống Nga Vladimir Putin, Ngoại trưởng Sergey Lavrov, Bộ trưởng Quốc phòng Sergei Shoigu và Tổng tham mưu trưởng Valery Gerasimov.

    Bộ Tài chính Mỹ cho biết toàn bộ tài sản và lợi ích tại Mỹ của ông Putin và các quan chức sẽ bị phong tỏa. Bất cứ tài sản nào thuộc sở hữu trực tiếp hoặc gián tiếp, từ mức 50% trở lên, đều thuộc diện phong tỏa.

    Tất cả giao dịch của công dân Mỹ liên quan đến ông Putin và các quan chức trong danh sách hoặc tài sản của họ đều bị cấm, trừ khi được cấp phép đặc biệt.

    "Các biện pháp trừng phạt nhằm vào tổng thống và ngoại trưởng của một quốc gia là ví dụ minh chứng cho sự bất lực hoàn toàn trong chính sách đối ngoại", phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova phản ứng.

    Bà nhận định quan hệ giữa Moskva và phương Tây đang gần tới mức "không thể quay đầu" sau khi loạt quốc gia ban hành lệnh trừng phạt nhằm vào Nga.

    Theo VnExpress

  • chien su cang thang ukraine 1

    "5 giờ sáng, nghe tiếng gió đập cửa sổ, tôi không tin vào tai mình. Tôi đứng mà cảm nhận được cả nền nhà rung", chị Hồng Anh nhớ lại thời điểm nghe tiếng pháo kích ở Kharkov.

    "Không ai ngờ mọi chuyện nhanh và bất ngờ như vậy!"

    Chị Thảo Nguyễn, sống tại Kharkov, Ukraine cho biết, chị và mọi người đã xuống trú ẩn từ đêm qua tại các bến tàu điện ngầm. Cùng với chị còn có một số gia đình người Việt sống ở đây.

    Nhà chị Thảo gần metro nên lúc cần chạy về, xong lại chạy ra trú. Cả đêm qua thì thành phố yên ắng, không thấy có tiếng nổ lớn nhưng thấy bảo hôm nay sẽ có chiến sự ở Kharkov nên tạm thời thì không vấn đề nhưng lâu dài thì có thể nguy hiểm, chị Thảo lo lắng nói.

    Chia sẻ về tình hình cuộc sống tại Kharkov, chị cho biết, từ hôm qua, sau khi có thông tin Nga tuyên bố chiến dịch quân sự đặc biệt ở miền đông Ukraine, mọi người đã bắt đầu đi mua hàng tại các siêu thị. Hôm qua chen nhau rất đông nhưng không có tình trạng xô đẩy cướp bóc, chị Thảo cho hay.

    "Giờ chỉ biết cố thủ vì cũng không biết làm gì hơn. Ukraine đã giới nghiêm trên toàn quốc nên cũng không thể đi đâu", chị chia sẻ trong cuộc trò chuyện lúc khoảng 5 giờ sáng ở Kharkov.

    Cũng sống ở Kharkov, chị Nguyễn Hồng Anh vẫn nhớ chị không thể tin vào tai mình khi nghe thấy tiếng pháo kích ở thành phố vào lúc 5 giờ sáng. Không một ai có thể ngờ mọi chuyện xảy ra nhanh và bất ngờ như vậy!

    chien su cang thang ukraine 1

    "Giờ này tối hôm qua, tôi còn nằm trằn trọc kêu khó ngủ. Đọc xong chút tin tức, yên tâm nhắm mắt ngủ vậy mà 5 giờ sáng, nghe tiếng gió đập cửa sổ, tôi không tin vào tai mình. Tôi và chồng đứng mà cảm nhận được cả nền nhà rung", chị Hồng Anh nhớ lại thời điểm nghe tiếng pháo kích ở Kharkov.

    Sau những phút giây lo lắng, chị bình tĩnh thu xếp đồ đạc và xuống hầm trú ẩn. Dưới hầm trú ẩn rất đông người, có cả trẻ em. Cuộc trao đổi giữa chị và phóng viên đôi khi bị ngắt quãng do tín hiệu dưới hầm trú ẩn không ổn định.

    "Nghe tiếng trẻ con khóc như tiếng dao cứa vào lòng. Bất lực và xót xa nhưng buộc lòng phải bình tĩnh và lạc quan. Không muốn tin nhưng phải chấp nhận sự thật và đối đầu!", chị nói.

    Trên các diễn đàn người Việt ở Ukraine, mọi người luôn nhắc nhở nhau chuẩn bị sẵn các giấy tờ và vật dụng cần thiết, đồng thời giữ liên lạc luôn cập nhật tình hình với nhau.

    Thủ đô Kiev: Tình hình đỡ căng thẳng hơn

    Trong khi đó, ở thủ đô Kiev, tình hình có vẻ đỡ căng thẳng hơn. Sống ở thủ đô Kiev, anh Nguyễn Quốc Hoàng cho biết, mọi người cũng đã chuẩn bị đồ đạc, sử dụng hầm để xe làm nơi trú ẩn nhưng tình hình cơ bản vẫn ổn.

    chien su cang thang ukraine 1
    Người dân ở Kiev sử dụng hầm để xe làm nơi trú ẩn. Ảnh: Nguyễn Quốc Hoàng.

    Riêng ngày hôm nay thành phố Kiev báo động 4 lần nhưng mọi người ai muốn xuống hầm xe thì xuống, không thì có thể ở trên nhà, trú tạm tại nơi nào đó để phòng đạn lạc, tên bay, anh Hoàng nói.

    So với sáng hôm 24/2, khi Nga bắt đầu hoạt động quân sự ở miền đông Ukraine, thì anh "không sợ và lo lắng". Ở nơi anh sống, các siêu thị đến tối qua vẫn mở cửa bình thường.

    chien su cang thang ukraine 1
    Thủ đô Kiev vắng vẻ vì lệnh giới nghiêm. Ảnh: Nguyễn Sỹ Tuyên.

    Anh Nguyễn Sỹ Tuyên ở quận Solomenskii, cách trung tâm thủ đô Kiev khoảng 3 km cho biết, ở các cửa hàng tuy hơi đông vì người dân tích trữ nhưng việc mua sắm vẫn bình thường.

    Chính quyền luôn theo dõi sát sao tình hình và phổ biến các biện pháp trú ẩn an toàn, ra sắc lệnh giới nghiêm. Đường phố hiện giờ vắng vẻ vì có lệnh giới nghiêm, ban ngày thì phương tiện giao thông công cộng hoạt động bình thường, hoàn toàn miễn phí, các siêu thị mở cửa sau 8 giờ. Dân thường thì đương nhiên lo âu, cuộc sống cũng bị xáo trộn ít nhiều, anh cho biết.

    Ở Kiev mọi người cũng bắt đầu chuẩn bị các phương án trú ẩn. "Nhà tôi vẫn có hầm để trữ rau quả mùa đông nên cũng sẵn sàng cho phương án này", anh Tuyên nói.

    Theo thông tin đăng tải trên Facebook cá nhân của đại sứ Việt Nam tại Ukraine Nguyễn Hồng Thạch, Đại sứ quán (ĐSQ) đã liên lạc với cộng đồng người Việt tại Donetsk, Kherson, Kharkov, Odessa. Đây là các khu vực xảy ra chiến sự sau khi Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố có hoạt động quân sự đặc biệt ở miền đông Ukraine.

    "Tình hình bà con ổn, đều thấy sơ tán tại chỗ là an toàn nhất", đại sứ Thạch cho biết. Sáng 25-2, đại sứ Nguyễn Hồng Thạch cho biết Đại sứ quán Việt Nam tại Ukraine và nhân viên ở các địa điểm khác nhau đều nghe rõ tiếng nổ lớn, có vẻ là của tên lửa. Hiện các nhân viên Đại sứ quán Việt Nam đã xuống tầng hầm.

    "Tình hình hiện nay tốt nhất là ở đâu ở đấy. Sơ tán giờ này là không an toàn", ông Thạch khuyến cáo.

    Theo Soha

  • Những âm thanh lớn khiến Minh Hoàng giật mình thức giấc trong phòng ký túc xá, trước khi mở cửa sổ nhìn thấy chớp pháo gần biên giới Ukraine-Nga.

    "Vừa có thông báo đi trú ẩn ở tòa nhà chính của trường đại học, nhưng tôi và các bạn vẫn nán lại ký túc xá. Thông tin lúc này khá loạn nên chúng tôi vẫn giữ bình tĩnh xem xét tình hình thế nào", Minh Hoàng, du học sinh Việt Nam tại Kharkiv, trả lời VnExpress vào khoảng 6h sáng nay ở Ukraine (11h giờ Hà Nội).

    Trước đó gần vài tiếng, Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố mở chiến dịch quân sự ở miền đông Ukraine với mục tiêu bảo vệ hai khu vực ly khai ở Donbass, gồm hai tỉnh Donetsk và Lugansk ở phía nước láng giềng.

    "Khoảng hơn 5h sáng, tôi nghe thấy tiếng ầm ầm ở ngoài phòng. Tôi giật mình tỉnh giấc và nghĩ rằng sinh viên đang đùa nghịch vì hôm qua có ngày lễ tại Ukraine, hoặc ai tự bắn pháo hoa mừng sinh nhật. Tôi nhìn ra cửa sổ thấy ánh chớp sáng nên mở xem thử thì nghe tiếng 'bùm' rất lớn", Hoàng nói pháo nổ không quá gần ký túc xá nhưng vẫn đủ để anh nghe rõ.

    nguoi viet trong chien su o ukraine 1
    Pháo phản lực Grad BM-21 được ghi nhận ở ngoại ô thành phố Donetsk, trong khu vực do phe ly khai kiểm soát, thuộc vùng Donbass phía đông Ukraine ngày 23/2. Ảnh: Reuters.

    Theo Minh Hoàng, ký túc xá của anh nằm trên khu đất cao nên có thể nhìn thấy được chớp sáng, dường như là pháo của Nga khai hỏa phía bên kia biên giới. Anh cho biết lúc này cảm thấy rất hoang mang và không biết tương lai sẽ diễn biến thế nào.

    Trong những ngày qua, Hoàng thường xuyên theo dõi diễn biến căng thẳng Ukraine và Nga do thành phố Kharkiv nằm gần biên giới. Anh nhận thấy tình hình leo thang nhưng đã hy vọng các bên có thể kiềm chế, tìm kiếm giải pháp hòa bình cho bất đồng. Dù phía chính phủ Nga khẳng định chỉ nhắm đến các mục tiêu quân sự ở Ukraine, anh cho rằng "bom rơi đạn lạc thì cũng không ai nói trước được điều gì".

    "Chuyện học của tôi đang dở dang nên rất lo lắng. Tôi cũng gọi điện cho thầy. Ông động viên tôi và được khuyên tốt nhất nên rời đi vì chiến tranh đã bắt đầu, nhưng thật sự lúc này tôi chưa nghĩ mình có thể đi đâu", anh nói.

    Trong khi đó, ông Văn Thủy, người Việt sống tại Ukraine được 35 năm qua, chia sẻ tình hình ở Mariupol vẫn ổn định. Ông được bạn bè gọi điện từ khoảng 5h thông báo phía Nga đã nổ súng, nhưng trong thành phố không nghe thấy tiếng còi báo động hay thông báo ở yên trong nhà.

    Mariupol từng là một trong những điểm giao tranh "nóng nhất" giữa lực lượng chính phủ và phe ly khai khi chiến sự bùng phát vào năm 2014. Ông Thứ kể lại có giai đoạn lực lượng hai bên thay nhau tiến vào kiểm soát thành phố.

    "Giai đoạn đó, ngày hôm trước họ còn treo cờ của phe ly khai, ngày hôm sau đã thấy treo cờ của Ukraine. Xe tăng bắn nát cả tòa nhà ủy ban hành chính, đến nay thành phố vẫn chưa hoàn tất sửa chữa tòa nhà", ông nói.

    Vì từng trải qua giai đoạn chiến sự khốc liệt nhất, ông cảm thấy tình hình thời gian qua chưa đến mức nguy hiểm như trước. Vào năm 2014, sau sự kiện Maidan và có thông tin chiến sự bùng phát, người dân thành phố còn đổ xô mua hàng tích trữ, nhưng lần này mọi người "bình chân như vại như không có điều gì xảy ra".

    Ông Thủy cho biết ý định ra chợ làm việc vào sáng nay cùng bạn bè như bình thường, nhưng vẫn sẽ theo dõi sát sao các diễn biến. "Tôi tin rằng phía Nga chỉ tấn công vào những mục tiêu quân sự. Tại Ukraine cũng có rất nhiều người gốc Nga sinh sống, chẳng lẽ họ lại tấn công cả người mình", ông chia sẻ.

    nguoi viet trong chien su o ukraine 1
    Vị trí thành phố Mariupol, gần giới tuyến hai khu vực chính phủ và phe ly khai kiểm soát ở miền đông Ukraine, và Kharkiv gần biên giới Nga. Đồ họa: NY Times.

    Những tuần qua ông Thủy và bạn bè vẫn chạy xe lấy hàng ở những tỉnh khác và không gặp khó khăn nào. Cá nhân ông vẫn theo dõi và cập nhật tin tức thời sự những ngày qua, nhưng không quá tâm tư đến những vấn đề chính trị.

    Ông tin rằng chiến sự sẽ không tái diễn khốc liệt như năm 2014 và chỉ mong mỏi các bên giải quyết hòa bình các bất đồng, đảm bảo cho dân thường ở Ukraine cùng cộng đồng người Việt nói riêng được yên ổn làm ăn.

    Đại sứ Việt Nam tại Ukraine Nguyễn Hồng Thạch cho biết ông đã liên hệ với các cộng đồng người Việt ở Ukraine sau khi Nga mở chiến dịch quân sự. "Bà con trao đổi vẫn bình tĩnh, chưa ai có ý định sơ tán", Đại sứ nói vào rạng sáng ngày 24/2 (10h48 tại Việt Nam).

    Trong phiên họp khẩn của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc ngày 22/2, Mỹ và các nước phương Tây lên án động thái của Nga. Trong khi đó, Nga cáo buộc Ukraine phá hoại thỏa thuận Minsk và chỉ trích phương Tây đẩy Ukraine về phía xung đột. Tuy nhiên, phía Nga nhấn mạnh vẫn để mở cánh cửa ngoại giao trong khủng hoảng Ukraine.

    Trong cuộc họp khẩn của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc sau thông báo của Tổng thống Putin, Đại sứ Nga Vasily Alekseevich Nebenzya khẳng định Moskva đang tiến hành chiến dịch quân sự, không phải cuộc tấn công.

    "Căn nguyên của cuộc khủng hoảng Ukraine hiện nay xuất phát từ chính Ukraine, những người trong nhiều năm đã không tuân thủ nghĩa vụ trong thỏa thuận Minsk. Hành động của Nga chỉ nhằm bảo vệ cư dân ở các khu vực ly khai tại miền đông Ukraine, những người suốt 8 năm phải chống chọi các cuộc pháo kích từ Ukraine", Đại sứ Nga tại Liên Hợp Quốc nhấn mạnh.

    Nebenzya nói thêm "hành động khiêu khích của Ukraine đối với những người ở Donbass không những không dừng lại mà còn gia tăng", khiến lãnh đạo ly khai ở các khu vực Luhansk và Donetsk yêu cầu Nga trợ giúp.

    Đại sứ Ukraine tại Liên Hợp Quốc Sergiy Kyslytsya nói rằng đã "quá muộn" để giảm leo thang căng thẳng và kêu gọi các nước khác giúp ngăn chặn xung đột. "Đã quá muộn, quá muộn để xuống thang rồi các đồng nghiệp của tôi. Tổng thống Nga đã tuyên chiến", Kyslytsya nói. Đại sứ Ukraine dẫn hiến chương Liên Hợp Quốc rằng "chỉ các nước yêu chuộng hòa bình mới được gia nhập Hội đồng Bảo an" và yêu cầu Đại sứ Nga rời vị trí chủ tịch hội đồng.

    Còn với những người Việt như Hoàng, anh nói sẽ cố gắng giữ bình tĩnh và chờ thông báo tiếp theo từ Đại sứ quán Việt Nam ở Ukraine, cũng như Hội người Việt tại thành phố Kharkiv để thu xếp việc riêng trong thời gian tới.

    Hoàng cho biết ngay sau khi có pháo nổ, chính quyền thành phố đã khuyến cáo người dân bình tĩnh và không nên ra khỏi nhà.

    "Nếu việc học của tôi dang dở thì cũng đành chấp nhận. Chiến tranh là chuyện không ai mong muốn cả, quan trọng lúc này là giữ an toàn cho bản thân", Hoàng nói.

    * Tên nhân vật đã được thay đổi.

    Nguồn: Thanh Danh / Theo VnExpress

  • Sau tuyên bố sẽ trừng phạt các cá nhân, thực thể có lợi cho 'cỗ máy chiến tranh của Nga', Thủ tướng Anh Boris Johnson khởi động bằng việc nhắm vào 5 ngân hàng, 3 nhà tài phiệt Nga được cho là thân cận Tổng thống Putin.

    anh trung phat nga
    Các nhà tài phiệt Nga nằm trong danh sách trừng phạt của Anh (từ trái qua): Gennady Timchenko, Igor Rotenberg và Boris Rotenberg - Ảnh chụp màn hình

    "Đây là đợt trừng phạt đầu tiên mà nước Anh chuẩn bị áp đặt", Thủ tướng Johnson nói trước Quốc hội Anh ngày 22-2. Trước đó cùng ngày, ông Johnson tuyên bố sẽ trừng phạt những cá nhân và thực thể hỗ trợ "cỗ máy chiến tranh của Nga", theo Hãng thông tấn Tass.

    Theo danh sách được Chính phủ Anh công bố, 5 ngân hàng Nga bị trừng phạt gồm Rossiya, IS, Genbank, Promsvyazbank và Ngân hàng Biển Đen.

    London nêu cụ thể lý do trừng phạt các ngân hàng này là hỗ trợ việc sáp nhập bán đảo Crimea vào Liên bang Nga. 

    Một số ngân hàng có liên quan đến các cá nhân được cho là có quan hệ mật thiết với giới lãnh đạo cấp cao hoặc cấp vốn cho các tổ hợp công nghiệp quân sự của Nga.

    Gennady Timchenko, Boris Rotenberg và Igor Rotenberg - các tỉ phú bị cáo buộc "thân thiết" với Tổng thống Nga Vladimir Putin - cũng bị đưa vào danh sách trừng phạt.

    Chẳng hạn theo phía Anh, ông Timchenko là một cổ đông lớn của Ngân hàng Rossiya bị cáo buộc đang ủng hộ "các chính sách gây bất ổn của Nga ở bán đảo Crimea".

    Tỉ phú Rotenberg thì "có quan hệ gia đình thân thiết với Tổng thống Putin" và nằm trong ban quản trị một tập đoàn vận tải có ý nghĩa chiến lược với Chính phủ Nga. 

    Theo Thủ tướng Johnson, tài sản của những người bị trừng phạt sẽ bị đóng băng và cấm nhập cảnh Anh. Một số nhà lập pháp Anh yêu cầu ông Johnson cứng rắn hơn với dòng tiền từ Nga, theo Hãng tin Reuters. Họ thậm chí yêu cầu trục xuất các nhà tài phiệt khác có quốc tịch Nga và chấm dứt dòng tiền đổ vào London.

    Khi được hỏi liệu có trục xuất con của những nhà tài phiệt Nga, ông Johnson lập tức bác bỏ và tuyên bố sẽ không vội đi xa đến như vậy.

    Phương Tây đang khởi động đợt trừng phạt Nga theo sau việc Tổng thống Putin công nhận độc lập của hai vùng ly khai ở miền đông Ukraine là Donetsk và Lugansk (hay Luhansk).

    Ở chiều ngược lại, Matxcơva giải thích việc công nhận là do chính quyền Kiev đã leo thang căng thẳng, vi phạm thỏa thuận ngừng bắn. Điện Kremlin cũng bác bỏ cáo buộc Nga đã đưa quân tới miền đông Ukraine như một số nhà ngoại giao Mỹ nêu.

    Theo Tuổi trẻ

  • Đại sứ Việt Nam tại Ukraine Nguyễn Hồng Thạch cho biết tình hình người Việt tại Ukraine nói chung và vùng Donbass nói riêng vẫn ổn, chỉ khuyến cáo cẩn thận vào buổi đêm hôm 21.2.

    Chia sẻ với Thanh Niên trưa 22.2, Đại sứ Việt Nam tại Ukraine, ông Nguyễn Hồng Thạch cho hay bà con người Việt tại Ukraine vẫn yên tâm, yên ổn làm ăn và đại sứ quán vẫn thường xuyên giữ liên lạc với cộng đồng người Việt.

    Ông Thạch cho biết sau quyết định của Tổng thống Nga Vladimir Putin về việc công nhận độc lập đối với hai vùng đòi ly khai là Donetsk và Luhansk, đại sứ quán có khuyến cáo người Việt nên cẩn thận đi lại vào đêm qua.

    nguoi viet ukraine

    Đại sứ Việt Nam tại Ukraine thông tin thêm với Thanh Niên rằng ở khu vực Donbass nơi gồm hai vùng Donetsk và Luhansk hiện có khoảng 40 hộ gia đình người Việt sinh sống. Ông cho hay bà con người Việt ở Donbass vẫn sinh hoạt, đi chợ và làm ăn bình thường.

    Đại sứ quán Việt Nam tại Ukraine sẽ tiếp tục giữ liên hệ thường xuyên với cộng đồng người Việt và đảm bảo hoạt động của sứ quán.

    Trước đó tại cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao ngày 17.2, trả lời câu hỏi về công tác bảo hộ công dân trong bối cảnh tình hình ở Ukraine hiện nay, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng nêu rõ: “Chúng tôi luôn quan tâm, theo dõi sát tình hình tại Ukraine cũng như công tác bảo hộ công dân, bảo hộ người Việt Nam đang sinh sống và làm việc tại đây.

    Với tinh thần đó, Bộ Ngoại giao đã chỉ đạo Đại sứ quán Việt Nam tại Ukraine theo dõi sát tình hình, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan sở tại đồng thời giữ liên hệ với đầu mối cộng đồng, hội đoàn người Việt và thông báo đường dây nóng bảo hộ công dân để kịp thời hỗ trợ bà con trong trường hợp cần thiết. Đại sứ Việt Nam tại Ukraine cũng đã trực tiếp đến một số nơi có cộng đồng người Việt sinh sống để thăm hỏi bà con, tìm hiểu tình hình thực tế. Cho đến nay, tình hình người Việt Nam tại Ukraine không có xáo động lớn”.

    Theo Thanh Niên

  • bieu tinh chong nga xam luoc ukraine 1

    Những người phản đối chiến tranh đã tụ tập khắp nơi trên toàn thế giới để biểu tình chống lại cuộc xâm lược của Vladimir Putin vào nước Nga.

    Hàng trăm ngàn người, có thể lên tới cả triệu người đã biểu tình từ Berlin đến Copenhagen, Baghdad và Quito (Ecuador). Đông Âu rầm rập các cuộc biểu tình, bao gồm cả những người hoạt động dũng cảm trong lòng nước Nga

    Tại London, hàng ngàn người đã tụ tập ở Trafalgar Square vào ngày 27/2 sau khi biểu tình bên ngoài Đại sứ quán Nga ở Kensington vào hôm 26/2. Một người đàn ông mang cờ Nga đã bị "ăn đấm".

    Các cuộc biểu tình rầm rộ cũng diễn ra ở Prague, Madrid và Amsterdam cùng nhiều thành phố khác. Mặc trang phục màu vàng và xanh dương tượng trưng cho quốc kỳ Ukraine, cầm những tấm poster ghi dòng chữ "No World War 3 / Nói không với Thế chiến thứ 3", những người biểu tình đã xuống đường để chỉ trích cuộc xâm lược của Nga. 

    Những người biểu tình gọi Putin và sự ô nhục, những người khác giương cao banner với slogan "Kẻ giết người Putin" và "Hãy ngăn chặn quỷ dữ".

    bieu tinh chong nga xam luoc ukraine 1
    Những người biểu tình tụ tập ở Quảng trường Trafalgar Square vào ngày 27/2. (Ảnh: Getty Images)

    bieu tinh chong nga xam luoc ukraine 1
    Những người tổ chức biểu tình cho rằng đã có nửa triệu người tham gia biểu tình ở Berlin. (Ảnh: Getty Images)

    bieu tinh chong nga xam luoc ukraine 1
    Một người đàn ông ở Prague (Cộng hòa Séc), so sánh Putin với Hitler. (Ảnh: AFP)

    Tại thủ đô nước Đức, cảnh sát Đức ước tính có ít nhất 100,000 người biểu tình, trong khi ở Prague thu hút 70,000 người và Amsterdam là 15,000 người. 

    Những người tổ chức ở Berlin tin rằng con số thực tế phải lớn gấp 5 lần con số thống kê của cảnh sát. Đoàn người khổng lồ đã diễu hành qua cổng Brandenburg Gate, ngay gần đó chính là Đại sứ quán Nga. 

    Hans Georg Kieler, 49 tuổi, giải thích: ''Nước Đức chúng tôi muốn đứng lên vì dân chủ ở châu Âu''. Ông kêu gọi chính quyền Đức viện trợ vũ khí cho Ukraine, đồng thời nói rằng ''chúng tôi có thể giúp đỡ nhiều hơn''.

    Trong khi đó, tại thành phố lớn thứ 2 của Nga là St Petersburg, khoảng 400 người đã tụ tập bất chấp các luật cấm biểu tình nghiêm ngặt. Họ giương các poster với khẩu ngữ "No to war / Nói không với chiến tranh'', ''Russians go home / Lính Nga về nhà đi'', ''Peace to Ukraine / Hòa bình cho Ukraine''.

    bieu tinh chong nga xam luoc ukraine 1
    Hàng ngàn người thể hiện tinh thần đoàn kết với Ukraine tại Quảng trường Dam Square, Amsterdam ở Hà Lan. Ảnh: Getty Images

    bieu tinh chong nga xam luoc ukraine 1
    Người Ukraine và người Tây Ban Nha đoàn kết với nhau ở Madrid. Ảnh: Getty Images

    bieu tinh chong nga xam luoc ukraine 1
    Người dân lên án Putin và kêu gọi hòa bình tại thủ đô Tây Ban Nha. Ảnh: Getty Images

    Hơn 2,000 người (tại Nga) đã bị giam giữ vì tham gia biểu tình vào hôm Chủ nhật 27/2, sau khi có hàng ngàn người khác bị bắt giữ trong tuần này, tuy nhiên họ vẫn kiên định với hoạt động của mình. 

    Cảnh sát với đầy đủ ''đồ nghề chống bạo động'' đã khống chế những người chống đối và đã giải một số lên xe cảnh sát mặc dù hoạt động biểu tình diễn ra trong yên bình. Những đoạn clip từ Moscow cho thấy cảnh sát ném vài phụ nữ xuống đất trước khi lôi họ đi. Tính đến tối Chủ nhật, cảnh sát Nga đã bắt giữ ít nhất 1,474 người tại 45 thành phố.

    ''Thật đáng hổ thẹn khi chỉ có vài trăm người, có lẽ là hàng ngàn, nhưng không được hàng triệu người tham gia biểu tình'', kỹ sư Vladimir Vilokhonov, 35 tuổi, nói trong cuộc biểu tình ở St Petersburg.

    Một người khác, anh Dmitri Maltsev 48 tuổi, cho biết: ''Tôi có 2 con trai và tôi không muốn giao chúng cho tên quỷ khát máu đó. Chiến tranh là bi kịch với tất cả chúng ta''. 

    Điện Kremlin đã tìm cách làm suy yếu các cuộc biểu tình, cố tình nói rằng đa số mọi người đều ủng hộ hoạt động quân sự của Nga tại Ukraine. 

    bieu tinh chong nga xam luoc ukraine 1
    Những người biểu tình ở Prague, Cộng hòa Séc. Nga cũng từng xâm lược Séc vào năm 1968. Ảnh: AFP

    >

    bieu tinh chong nga xam luoc ukraine 1
    Tại St Petersburg vào hôm Chủ nhật 27/2, cảnh sát Nga đã giam giữ một số người chống đối. Ảnh: EPA

    bieu tinh chong nga xam luoc ukraine 1
    Hàng trăm người ở Nga bị bắt mỗi ngày giữa những cuộc biểu tình. Ảnh: AFP

    Tại những nơi khác, hàng ngàn người đã tụ tập ở trung tâm thành Rome để ung hộ lời kêu gọi từ cộng đồng 235,000 người Ukraine ở Italy. 

    Tại Prague, hàng chục ngàn người đã tập hợp tại Quảng trường Wenceslas Square, trong đó có cả Roman Novotny, anh này đã di chuyển 300 cây số từ miền đông nam đất nước để tham gia cuộc biểu tình. 

    "Chúng ta phải làm mọi thứ có thể'', anh nói, ''Đây là một tình huống khó khăn vì kẻ điên kia (Putin) có vũ khí hạt nhân. Tôi nghĩ ông ta đã tự biến mình thành kẻ thù của cả thế giới''.

    Trong khi đó tại Lithuania, lãnh đạo Đảng đối lập của Belarus là bà Svetlana Tikhanovskaya, đã dẫn dắt hàng trăm người tham gia biểu tình chống chế độ Minsk vì đã cho phép quân đội Putin dùng Belarus làm bàn đạp để tấn công Ukraine. 

    Những người biểu tình muốn thế giới hiểu rằng người dân Belarus chưa bao giờ ủng hộ việc tấn công Ukraine. ''Những người anh em Ukraine sẽ không bao giờ tha thứ cho sự im lặng của chúng ta'', bà Tikhanovskaya nói. 

    Tại Đan Mạch, Thủ tướng Mette Frederiksen đã cùng với 10,000 người biểu tình trước Đại sứ quán Nga ở Copenhagen. Bà nói với đám đông: ''Tất cả các bạn (người Ukraine) và toàn thể châu Âu đều bị Nga đe dọa. Chúng tôi sẽ sát cánh cùng các bạn''.

    Viethome (theo Metro)

  • Ukraine là quê hương của một loạt điểm đến đẹp với những thành phố sôi động, lâu đài cổ kính, vùng nông thôn yên bình và sự đa dạng cảnh quan.

    ukraine xinh dep 1
    Lviv. Ảnh: Dreamtimes.com

    Lviv, thành phố lớn nhất nằm ở phía tây và được mệnh danh là “thủ đô văn hóa” của Ukraine với kiến trúc cổ kính, hương vị cà phê ngon, quán bar với rượu tự làm… Thành phố có Phòng trưng bày Nghệ thuật Quốc gia, nơi chưa hơn 60.000 tác phẩm.

    ukraine xinh dep 1
    Nhà hát Opera và Ballet Lviv. Ảnh: Pixabay

    Nhà hát Opera và Ballet Lviv được xây dựng từ năm 1897 đến năm 1990 và là một trong những công trình kiến trúc nổi bật ở Ukraine. 

    ukraine xinh dep 1
    Bảo tàng Kiến trúc Dân gian và Dân tộc học Ukraine. Ảnh: Pixabay

    Thủ đô Kiev của Ukraine là một trong những thành phố nổi bật nhất ở Đông Âu. Nơi đây có những công trình cổ kính như nhà thờ mái vòm bằng vàng, những tu viện lớn rêu phong. Bảo tàng Kiến trúc Dân gian và Dân tộc học Ukraine cũng được coi là một trong những bảo tàng ngoài trời lớn nhất châu Âu.

    ukraine xinh dep 1
    Ngôi nhà theo phong cách Art Nouveau ở Kiev. Ảnh: Flickr

    Kiev cũng nổi tiếng với các buổi biểu diễn âm nhạc. Sau đó là những quán bar, quán cà phê vỉa hè cùng một con đường lát đá cuộc với những ngôi nhà theo phong cách Art Nouveau thịnh hành từ thập niên cuối cùng của thế kỷ 19 đến đầu Thế chiến II.

    ukraine xinh dep 1
    Sân vận động Olympic ở Kiev. Ảnh: Getty Image

    Sân vận động Olympic ở Kiev là một trong những địa điểm thể thao hàng đầu ở Ukraine. 

    ukraine xinh dep 1
    Kharkiv. Ảnh: Flickr

    Kharkiv từng là thủ đô của Ukraine. Nơi đây có nhà ga được mệnh danh là viên ngọc quý của thành phố. 

    ukraine xinh dep 1
    Quảng trường tự do ở Kharkiv. Ảnh: Getty Image

    Quảng trường tự do ở Kharkiv là nơi đặt bức tượng Lenin và tòa nhà phía sau đó là một trong những ví dụ nổi tiếng nhất về kiến trúc trường phái kiến tạo phát triển mạnh mẽ ở Liên Xô vào những năm 1920 và đầu những năm 1930.

    ukraine xinh dep 1
    Odessa. Ảnh: Getty Image

    Odessa là một thành phố hiện đại, nằm ở bờ tây bắc của Biển Đen. Thành phố cũng có những công trình kiến trúc phong cách Art Nouveau với nhà hát, nhà máy rượu vang, quán cà phê và cuộc sống về đêm sầm uất.

    ukraine xinh dep 1
    Thánh địa mua sắm Odessa Passag. Ảnh: Pixabay

    Thánh địa mua sắm Odessa Passag là nơi có nhiều cửa hàng, nhà hàng và khách sạn. 

    ukraine xinh dep 1
    Dãy núi Carpathian. Ảnh: Getty Image

    Dãy núi Carpathian là một vùng đồi núi có rừng, sông chảy xiết và hồ trên núi. Không khí trong lành của những cánh rừng thông rậm rạp và những ngôi làng trên núi cao thu hút du khách từ khắp nơi trên thế giới. 

    ukraine xinh dep 1
    Khu bảo tồn Carpathian. Ảnh: Getty Image

    Mỗi tháng 5, thung lũng hoa thủy tiên trong khu bảo tồn Carpathian được phủ trắng sắc hoa tạo nên khung cảnh nên thơ, hữu tình. 

    ukraine xinh dep 1
    Hồ Maricheika. Ảnh: Flickr

    Hồ Maricheika đẹp như tranh vẽ nằm sâu trong dãy núi Carpathian này là một trong những địa điểm du lịch nổi tiếng ở Ukraine.

    ukraine xinh dep 1
    Pháo đài Kamianets-Podilskyi. Ảnh: Flickr

    Pháo đài Kamianets-Podilskyi nằm trên một hòn đảo bao quanh bởi hẻm núi và sông Smotrych. 

    ukraine xinh dep 1
    Pháo đài Khotyn. Ảnh: Flickr

    Pháo đài Khotyn từng là bối cảnh cho nhiều bộ phim lịch sử của Liên Xô và Ukraine vì không gian chân thực và quang cảnh hùng vĩ.

    Nguồn: Người Đồng Hành

  • Những giờ đầu tiên của ngày mới 27/2, trang Facebook của Đại sứ Việt Nam tại Ukraine Nguyễn Ngọc Thạch đăng tin: "Sau rất nhiều khó khăn đã sơ tán được nhóm cộng đồng đầu tiên đến Lviv rồi sang Ba Lan".

    nguoi viet so tan khoi ukraine 1
    Đạn pháo ở khu vực Nikolaev. Ảnh Korrespondent

    Ngoài ra, theo thông tin từ anh Hồ Sĩ Trúc, chủ biên trang tin NguoixungheKiev,  những người Việt Nam đang sống ở thành phố Kiev, muốn đăng ký về Việt Nam liên hệ qua số điện thoại của anh Phạm Văn Núi- phó Chủ tịch Hội người Việt sẽ lên danh sách, sau đó danh sách này sẽ được gửi về Việt Nam để xin máy bay giải cứu. 

    Anh Hồ Sĩ Trúc cho biết, sau hai ngày gia đình anh cùng một nhóm người Việt khoảng 50 người tá túc trong tầm hầm của một gia đình người quen, thì đến chiều hôm qua 26/2 theo giờ địa phương gia đình anh đã di chuyển bằng xe ô tô để đi về vùng ngoại ô. Anh Trúc cũng cho biết, mặc dù tình hình ở Kiev vẫn đang kiểm soát được, nhưng tiếng bom đạn đã khiến cho thế hệ con em người Việt còn nhỏ quá sợ hãi ám ảnh, đó là lý do anh quyết định đưa gia đình về vùng nông thôn.

    Tuy nhiên đến 8 giờ sáng nay theo giờ Việt Nam (3 giờ sáng theo giờ Kiev) gia đình anh Trúc vẫn chưa đến nơi được bởi dòng xe xếp hàng chờ được vào thành phố quá dài.

    Anh Đặng Nam đang sống ở thành phố Odessa cũng cho biết, việc di chuyển sơ tán hiện giờ là quá khó khăn vì khắp nơi đều đang có lệnh giới nghiêm. Tại Odessa, nơi có Làng Sen của người Việt, bắt đầu từ ngày 26/2, trên địa bàn tỉnh Odessa và trong thành phố Odessa đã áp dụng giờ giới nghiêm từ 19:00 đến 06:00. Ngày 27/2, cấm các hoạt động của các phương tiện giao thông trên địa bàn tỉnh Odessa, trong đó có thành phố Odessa, trừ các xe cấp cứu y tế, các phương tiện giao thông chuyên dụng, thực hiện các nhiệm vụ công, bật các còi hiệu, tín hiệu chuyên khi đi lại và các xe có giấy phép chuyên mới được đi lại.

    nguoi viet so tan khoi ukraine 1
    Người Việt ở Làng Sen trú ẩn trong tầng hầm của tòa nhà. Ảnh Đặng Nam

    Anh Xuân ở Kherson cho biết, hiện tại người Việt ở Kherson vẫn đang ở trong hầm trú ẩn, như gia đình anh chưa có kế hoạch di tản mà đang kiên trì sơ tán tại chỗ.

    Ngày 26/2, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký Công điện số 201/CĐ-TTg ngày 26/2/2022 về việc bảo hộ công dân và pháp nhân Việt Nam và một số vấn đề cần lưu ý trước tình hình tại Ukraine.

    Công điện gửi các Bộ trưởng, Thủ trưởng Cơ quan ngang Bộ, Cơ quan trực thuộc Chính phủ; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, nêu rõ:

    Từ ngày 24/2/2022, tình hình xung đột vũ trang ở Ukraine diễn biến phức tạp, nhanh chóng lan rộng trên lãnh thổ Ukraine, đe dọa trực tiếp đến an toàn tính mạng, tài sản của người dân, doanh nghiệp trong đó có khoảng 7.000 người Việt Nam đang cư trú tại Ukraine, chủ yếu là Kharkiv, Odessa và thủ đô Kyiv và một số nơi khác...

    Trong tình hình phức tạp hiện nay tại Ukraine, với mong muốn hòa bình, ổn định và cuộc sống bình thường sẽ sớm trở lại tại Ukraine, một trong những quan tâm hàng đầu của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ là bảo đảm an ninh và an toàn cao nhất về tính mạng, tài sản, lợi ích hợp pháp, chính đáng cho công dân và pháp nhân Việt Nam ở Ukraine và các nơi có liên quan.

    Trước tình hình trên, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu, Bộ Ngoại giao xây dựng Phương án đảm bảo an ninh, an toàn; sơ tán công dân và thành viên cơ quan đại diện khi cần thiết và triển khai hỗ trợ về nơi ở, lương thực, thực phẩm thiết yếu và các điều kiện cần thiết khác;  Chỉ đạo các Cơ quan đại diện Việt Nam tại Ukraine và các nước lân cận lập danh sách công dân Việt Nam đang ở trong khu vực chiến sự, tiếp tục thực hiện các biện pháp hỗ trợ, nhanh chóng đưa công dân rời khỏi các khu vực nguy hiểm, lánh nạn ở các nước láng giềng khi cần thiết và có phương án đưa những người có nhu cầu về Việt Nam theo đề nghị.

    Trong trường hợp cần sự hỗ trợ, đề nghị liên hệ theo đường dây nóng bảo hộ công dân: Đại sứ quán Việt Nam tại Ukraine (+380 (63) 8638999); Đại sứ quán Việt Nam tại Liên bang Nga (+79916821617) hoặc Bộ Ngoại giao (+84 965411118, +84 981848484; Email baohocongdan@gmail.com).

    Theo Dân Việt

  • Sau khi rời Afghanistan, Ajmal Rahmani tưởng mình đã có cuộc sống bình yên ở Ukraine. Giờ đây, anh lại phải tiếp tục chạy trốn cuộc giao tranh khác khi quân Nga đổ bộ vào Ukraine.

    Sau khi rời Afghanistan một năm trước, Ajmal Rahmani tin rằng anh đã tìm thấy "thiên đường bình yên" ở Ukraine. Thế nhưng, trong tuần này, anh và gia đình lại phải đi lánh nạn. Lần này cả nhà đến tới Ba Lan để tránh những tiếng pháo đạn ở Ukraine.

    "Tôi chạy trốn khỏi một cuộc chiến, đến đất nước mới và một cuộc chiến khác lại bắt đầu. Thật xui xẻo", Rahmani nói với AFP ngay sau khi sang Ba Lan. Cô con gái bảy tuổi Marwa ôm chặt món đồ chơi hình cún con màu be khi Rahmani chia sẻ.

    Cùng với Marwa, vợ Mina và con trai Omar (11 tuổi), gia đình đã đi bộ 30 km cuối cùng đến nơi vượt biên do tình trạng tắc nghẽn ở biên giới Ukraine. Sau khi đến Medyka ở phía Ba Lan, gia đình cùng với những người tị nạn khác đợi một chiếc xe buýt sẽ đưa họ đến thành phố Przemysl gần đó.

    Hàng trăm nghìn người đã chạy trốn khỏi Ukraine trong 4 ngày xung đột, sang các nước láng giềng, chủ yếu là Ba Lan, Hungary và Romania.

    Trong khi hầu hết người tị nạn là người Ukraine, trong số đó có cả sinh viên và công nhân nhập cư từ những nơi xa hơn, bao gồm Afghanistan, Cộng hòa Dân chủ Congo, Ấn Độ và Nepal.

    nguoi afghanistan trong sang ukraine
    Ajmal Rahmani đã chạy trốn khỏi tiếng súng ở Afghanistan cùng các con, nay một lần nữa lại di tản sang đất nước mới để tránh bom đạn ở Ukraine. Ảnh: AFP.

    Rahmani, ở tuổi 40, cho biết anh đã làm việc cho NATO ở Afghanistan 18 năm tại sân bay Kabul. Anh quyết định rời khỏi đất nước 4 tháng trước khi Mỹ rút quân vì nhận được những lời đe dọa. Vì quá sợ hãi, anh đã phải cho con nghỉ học.

    Trước đó, "tôi đã có một cuộc sống tốt đẹp ở Afghanistan, tôi có nhà riêng, ôtô và mức lương cao", Rahmani nói.

    Nhưng giờ đây, "tôi đã bán xe hơi, nhà cửa, mọi thứ. Tôi đã mất tất cả", anh nói. Nhưng anh cũng chia sẻ rằng "không có gì tốt hơn tình yêu của tôi, mà ở đây là cuộc sống của gia đình tôi".

    Rahmani cho biết anh đã phải vật lộn để có được thị thực rời Afghanistan và quyết định đến Ukraine vì đây là quốc gia duy nhất anh có thể tới. Họ chọn ở lại Odessa - thành phố cảng ở biển Đen.

    Bốn ngày trước, khi Nga bắt đầu đưa quân vào Ukraine, họ phải bỏ lại mọi thứ và vượt quãng đường 1.110 km tới khu vực biên giới. Các nhà chức trách Ba Lan cho biết gần 213.000 người đã từ Ukraine sang Ba Lan kể từ hôm 24/2.

    Tomasz Pietrzak - luật sư của Ocalenie (Salvation) Foundation, tổ chức từ thiện dành cho người di cư - cho biết Rahmani và gia đình của anh, giống như những người không có thị thực Ba Lan, hiện có 15 ngày để đăng ký.

    Rahmani cho biết anh lo lắng về tương lai của cả gia đình, nhưng cảm thấy ấm áp bởi sự chào đón nồng nhiệt mà anh nhận được từ các tình nguyện viên và quan chức hỗ trợ dòng người tị nạn ở phía biên giới Ba Lan.

    “Họ đã tiếp thêm năng lượng cho chúng tôi”, anh nói.

    Theo Zing