Nga và Ukraine nhất trí ngồi vào bàn đàm phán từ hôm nay

nga va ukraine dam phan 2

Vào lúc 12h trưa hôm nay 28-2 (giờ Matxcơva), phái đoàn Nga và Ukraine đã bắt đầu đàm phán tại Belarus. Sau những ngày giao tranh quân sự, đây là tín hiệu đáng mừng không chỉ cho các quốc gia có liên quan.

Cuộc đàm phán giữa hai phái đoàn của Nga và Ukraine diễn ra tại Belarus sau 4 ngày đụng độ quân sự. Phái đoàn Ukraine đã đến địa điểm đàm phán với Nga bằng trực thăng, hãng tin Sputnik đưa tin.

Cuộc đàm phán bắt đầu muộn hơn vài giờ vì lý do hậu cần từ phía đoàn Ukraine sau một hành trình dài. Tại cuộc đàm phán, Kiev yêu cầu Nga rút tất cả quân đội bao gồm cả ở Crimea và khu vực Donbass, theo hãng tin Nga Sputnik.

nga va ukraine dam phan 2
Hai phái đoàn Ukraine và Nga tại vòng đàm phán - Ảnh: REUTERS

Văn phòng Tổng thống Ukraine nói mục tiêu chính của cuộc đàm phán với Nga là ngừng bắn ngay lập tức và Nga phải rút quân, theo Reuters. 

Trước đó, trưởng đoàn đàm phán của Nga Vladimir Medinsky cho biết Nga mong muốn "đạt được một thỏa thuận nào đó" với Ukraine càng sớm càng tốt.

Trước khi diễn ra đàm phán, Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba tuyên bố Ukraine sẽ không "đầu hàng" Nga. "Nếu kết quả của các cuộc đàm phán này là hòa bình thì điều đó nên được hoan nghênh. Nhưng chúng tôi sẽ không từ bỏ một tấc đất nào trên lãnh thổ của mình", ngoại trưởng Ukraine nói.

Donbass là khu vực ở phía đông Ukraine, gồm hai tỉnh Donetsk và Lugansk. Khu vực này trở thành điểm nóng giao tranh từ năm 2014 sau khi người dân ở đây đòi tăng quyền tự trị bất thành và tổ chức phong trào phản kháng vũ trang.

Các lực lượng ly khai trong hai vùng này đã tự thành lập hai thiết chế chính trị tách biệt khỏi Kiev, có tên gọi là Cộng hòa Nhân dân Donetsk (DPR) và Cộng hòa Nhân dân Lugansk (LPR).

Ngày 22-2, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã công nhận độc lập đối với Donbass. Sáng 24-2, ông tuyên bố mở chiến dịch quân sự ở Donbass nhằm bảo vệ người dân tại khu vực này.

Crimea là bán đảo thuộc Ukraine. Tháng 3-2014, Nga đã sáp nhập Crimea thông qua các cuộc trưng cầu ý dân ở vùng lãnh thổ này.

nga va ukraine dam phan 2
Đoàn đàm phán của Nga và Ukraine - Ảnh: CGTN

Để có được cuộc đàm phán mặt đối mặt của ngày hôm nay, cả hai bên đều đã trải qua những mặc cả căng thẳng.

Như hôm 27-2, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky vẫn còn từ chối việc tổ chức đàm phán với Nga tại Belarus, đồng thời đề xuất một số địa điểm thay thế trong đó có Budapest (Hungary) và Warsaw (Ba Lan).

Tuyên bố trên được ông Zelensky đưa ra trong đoạn video được đăng trên trang mạng Telegram của ông, không lâu sau khi Điện Kremlin thông báo phái đoàn của Nga đã đến Belarus và sẵn sàng bắt đầu đàm phán với Ukraine tại thành phố Gomel.

Tổng thống Zelensky nêu rõ: "Chúng tôi không đồng ý với địa điểm Minsk. Hai bên có thể gặp nhau ở các thành phố khác. Tất nhiên chúng tôi muốn hòa bình, chúng tôi muốn đối thoại và chấm dứt giao tranh. Chúng tôi đã đề xuất những địa điểm như Warsaw, Bratislava, Budapest, Istanbul, Baku".

Sau đó thậm chí Trưởng phái đoàn đàm phán của Nga, ông Vladimir Medinsky đã ra "tối hậu thư" về thời gian chờ đợi phản hồi từ phía Ukraine cho việc đàm phán. Ông nhấn mạnh rằng trong trường hợp Ukraine từ chối đàm phán, nước này “sẽ phải chịu trách nhiệm về bất kỳ thương vong nào".

* Trong khi đó theo báo Tages-Anzeiger của Thụy Sĩ, tổng thống Ignazio Cassis của Thụy Sĩ đã nhận được đề nghị từ tổng thống Volodymyr Zelensky của Ukraine làm trung gian tìm kiếm "khả năng ngưng bắn".

Tổng thống Cassis cũng đã giữ liên lạc với Ngoại trưởng Sergey Lavrov của Nga, người dự kiến có mặt tại thủ đô Geneva của Thụy Sĩ vào ngày 28-2 cho phiên họp của Hội đồng nhân quyền.

Theo nhật báo Thụy Sĩ, cuộc gặp đầu tiên giữa ông Cassis và ông Lavrov có thể diễn ra trong ngày 28-2 này.

Theo Tuổi Trẻ