Thêm 100,000 người Ukraine được cấp visa tị nạn vào Vương quốc Anh

them 100000 nguoi ti nan ukraine den anh

Vào hôm 28/2, bà Priti Patel đã từ chối cấp quyền nhập cảnh miễn thị thực cho những người Ukraine đang chạy trốn khỏi cuộc chiến tranh với Nga, vì bà lo sợ điều này sẽ cho phép quân đội Nga và những kẻ khủng bố được dịp trà trộn vào Anh. 

Nhưng do đang chịu áp lực phải cho phép nhiều người tị nạn hơn đến UK, nên bà đã đưa ra một ''lộ trình nhân đạo'' mới để cho phép 100,000 người Ukraine đến Anh an toàn.

Tuy vậy, dù luật có được nới lỏng hơn, thì bà Patel vẫn kiên quyết từ chối việc theo chân các lãnh đạo EU và từ bỏ những quy luật an ninh quốc gia. Bà Patel nói với các nghị sĩ rằng bà đang tuân theo ''những lời khuyên an ninh thận trọng nhất'' và bà phản đối việc cấp visa tùy tiện. 

''Các biện pháp kiểm tra an ninh và sinh trắc học là nền tảng của quá trình cấp visa, cũng tương tự như quá trình di tản người từ Afghanistan đến Anh. Đó là quy trình then chốt để đảm bảo công dân Anh được an toàn và đảm bảo chúng ta giúp được người thực sự cần giúp đỡ, đặc biệt khi quân đội Nga đang xâm nhập và hòa lẫn vào lực lượng Ukraine''.

''Tin tình báo cũng cho biết sự tồn tại của các băng đảng và tổ chức cực đoan không chỉ đe dọa vùng chiến sự mà cả lãnh thổ Anh. Tất cả chúng ta đều biết quá rõ những gì mà nước Nga của ông Putin dám làm, thậm chí trên lãnh thổ của chúng ta. Chúng ta đã nhìn thấy điều đó trong vụ tấn công Salisbury''.

Các nghị sĩ lão làng của Đảng Bảo Thủ, bao gồm ông Damian Green và Jeremy Hunt, vẫn không ngừng kêu gọi những nỗ lực lớn hơn nhằm giúp đỡ người tị nạn. Họ viết thư cho ông Boris Johnson yêu cầu ông ''hành động dứt khoát'' để ''chia sẻ trách nhiệm'' với các quốc gia châu Âu.

Bà Patel đã nói trước Quốc hội: ''Tôi có thể khẳng định thêm 100,000 người Ukraine nữa sẽ được cập bến an toàn tại Vương quốc Anh. Họ sẽ được tạo điều kiện làm việc cũng như nhận trợ cấp công''.

''Chúng tôi vẫn tiếp tục hỗ trợ những người quốc tịch Ukraine đang sống tại Vương quốc Anh, cho phép họ chuyển đổi miễn phí sang lộ trình nhập cư tính điểm, hoặc lộ trình nhập cư theo diện visa thân nhân''.

''Chúng tôi cũng đang mở rộng visa cho những người lao động tạm thời trong một số lĩnh vực, người mang quốc tịch Ukraine có thể ở lại UK đến ít nhất là tháng 12/2022''.

Trước đó, 38 nghị sĩ Đảng Bảo Thủ đã ký tên vào lá thư yêu cầu ông Boris Johnson có cách tiếp cận thực tế và linh hoạt hơn để người Ukraine có thể tị nạn tạm thời tại UK. 

Lá thư này viết: ''Rõ ràng đây không phải chỉ là một cuộc khủng hoảng nhập cư, đây là khủng hoảng chiến tranh. Do đó đừng đưa vấn đề kinh tế thiệt hơn vào đây, chúng ta cần phải hỗ trợ người dân Ukraine một cách nhanh chóng và chân thành''.

Người phát ngôn nội vụ bên Đảng Dân chủ Tự Do, Alistair Carmichael nói: ''Người Ukraine đang đấu tranh tìm sự sống. Họ xứng đáng được hỗ trợ nhiều hơn, còn chính phủ ta thì cứ bối rối không đưa tay giúp đỡ. Bộ trưởng Nội vụ nên khẩn cấp đưa ra một lộ trình tị nạn đầy đủ để người Ukraine tái định cư ở UK''.

Một trong những cấp phó của bà Patel, ông Kevin Foster, đã không chịu xin lỗi sau khi phát biểu rằng người Ukraine nên nộp đơn xin làm công việc thu hoạch trái cây ở UK để được cấp visa. 

Bà Patel thì khẳng định rằng Bộ Nội vụ đã liên hệ trực tiếp với từng gia đình Ukraine ở Anh và cũng đã hạ thấp rất nhiều tiêu chuẩn cũng như ngưỡng lương để họ có thể ổn định cuộc sống tại Anh. 

''Nhiều thân nhân của người quốc tịch Anh dù không đáp ứng các tiêu chuẩn theo quy định, nhưng cũng đã vượt qua vòng kiểm tra an ninh của chúng tôi. Hệ thống nhập cư sẽ cho phép họ đến Anh trong vòng 12 tháng và chúng tôi cũng ưu tiên xử lý hồ sơ cho nhóm đối tượng này''.

Mặc dù vậy, nhiều người vẫn cho rằng nỗ lực của chính phủ Anh còn quá yếu kém so với quyết định của các nước EU khi cho phép mọi công dân Ukraine được đi lại tự do không cần thị thực trong vòng 3 năm và giúp họ thoát khỏi cuộc chiến tranh. Trong khi đó, nước Anh chỉ cho thành viên gia đình (quốc tịch Ukraine) của người quốc tịch Anh được phép vào Anh. Hành động của nước Anh không thể gọi là giúp đỡ người tị nạn. 

Viethome (theo DailyMail)