Nga bị loại khỏi hệ thống tài chính toàn cầu SWIFT

Quyết định loại Nga khỏi hệ thống tài chính toàn cầu SWIFT được cho là một đòn giáng mạnh với nền kinh tế lớn thứ 12 thế giới này.

Tuyên bố chung giữa Mỹ, Ủy ban châu Âu, Pháp, Đức, Italy, Anh và Canada ngày 26/2 cho biết loại một số ngân hàng Nga khỏi Hiệp hội Viễn thông Tài chính Liên ngân hàng Toàn cầu (SWIFT).

Được thành lập năm 1973, Hiệp hội Viễn thông Tài chính Liên ngân hàng Toàn cầu (SWIFT), có trụ sở ở Bỉ, là mạng lưới bảo mật cao kết nối 11.000 ngân hàng và tổ chức tài chính tại hơn 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó có Nga. Hiệp hội này xử lý khoảng 42 triệu tin nhắn mỗi ngày, tạo điều kiện cho các giao dịch lên tới hàng nghìn tỷ USD. Nga chiếm khoảng 1,5% giao dịch của SWIFT trong năm 2020, theo Financial Times.

"Điều này sẽ đảm bảo rằng các ngân hàng Nga bị ngắt kết nối với hệ thống tài chính quốc tế và làm tổn hại khả năng hoạt động của họ trên toàn cầu", tuyên bố của Nhà Trắng có đoạn. Nhà Trắng thêm rằng Liên minh châu Âu sẽ lập danh sách những ngân hàng Nga bị loại khỏi SWIFT.

nga bi loai khoi swift

Edward Fishman, chuyên gia về biện pháp trừng phạt kinh tế tại Trung tâm Á-Âu thuộc Hội đồng Atlantic, cho rằng nếu danh sách này bao gồm các ngân hàng lớn nhất của Nga như Sberbank, VTB, Gazprombank, nó sẽ là vấn đề "thực sự rất lớn".

"Đó thực sự là dao găm đâm vào trái tim của các ngân hàng Nga", Kim Manchester, người sở hữu công ty chuyên cung cấp các chương trình đào tạo tình báo tài chính, cho hay.

Giới quan sát nhận định biện pháp trừng phạt này có thể sẽ tàn phá nền kinh tế và thị trường Nga. Nó có thể ảnh hưởng nặng nề đến đồng ruble, dẫn tới sự biến mất của nhiều hàng hóa nhập khẩu vào Nga, theo Sergey Aleksashenko, cựu phó chủ tịch ngân hàng trung ương Nga và hiện sống ở Mỹ.

"Đây là dấu chấm hết cho một phần quan trọng trong nền kinh tế", Aleksashenko nói. "Nửa thị trường tiêu thụ sẽ biến mất. Những hàng hóa này biến mất khi không thể thanh toán".

Biện pháp trừng phạt này cũng sẽ cắt đứt các giao dịch tài chính quốc tế liên quan tới ngành công nghiệp dầu và khí đốt của Nga, chiếm hơn 40% doanh thu của đất nước.

Tùy thuộc vào số lượng ngân hàng bị loại khỏi SWIFT, biện pháp trừng phạt này có thể gây khó khăn hơn cho các thực thể Nga trong các xử lý giao dịch và có thể cản trở khả năng kinh doanh của nền kinh tế Nga bên ngoài biên giới.

Khoảng 300 ngân hàng và tổ chức hàng đầu Nga đang sử dụng SWIFT, hơn một nửa tổ chức tín dụng Nga có đại diện trong SWIFT và Nga được xếp thứ hai về số lượng người dùng nền tảng này, chỉ sau Mỹ, theo Hiệp hội SWIFT quốc gia Nga.

Markos Zachariadis, giáo sư về hệ thống thông tin và công nghệ tài chính thuộc Đại học Manchester, mô tả loại Nga khỏi SWIFT giống như cắt internet của một quốc gia.

"Hãy tưởng tượng tất cả các tổ chức này đang hoạt động trực tuyến. Họ có khách hàng để gửi thông tin và giao dịch, nhưng đột nhiên không có quyền truy cập vào cơ sở hạ tầng này", Zachariadis nói.

Năm 2014, khi phương Tây đe dọa sử dụng biện pháp trừng phạt này với Nga vì sáp nhập bán đảo Crimea, cựu bộ trưởng tài chính Alexei Kudrin nói Nga có thể bị giảm 5% GDP trong vòng một năm. GDP của Nga năm ngoái đạt 1.700 tỷ USD, trở thành nền kinh tế lớn thứ 12 thế giới.

Maria Shagina, chuyên gia về biện pháp trừng phạt quốc tế ở Helsinki, từng nói cấm Nga khỏi SWIFT có thể mang tới tác động tàn khốc như đối với Iran.

Vào năm 2012, SWIFT từng ngắt kết nối với các ngân hàng Iran trong khuôn khổ các biện pháp trừng phạt quốc tế đối với Tehran vì chương trình hạt nhân. Iran đã mất một nửa doanh thu xuất khẩu dầu và 30% doanh thu ngoại thương, theo Trung tâm Carnegie Moskva.

Nga đã phát triển một hệ thống thanh toán thay thế có thể được mở rộng cho các ngân hàng ở thị trường nước ngoài có quan hệ thân thiện hơn với Moskva. Nó được phát triển sau khi có những lời kêu gọi cắt quyền truy cập SWIFT với Nga vào năm 2014. Song hệ thống này đã gặp khó khăn để tiến hành các giao dịch quốc tế. Đến cuối năm 2020, hệ thống này chỉ có 400 người tham gia từ 23 quốc gia.

Tuy nhiên, giới quan sát cũng cảnh báo không chỉ có Nga chịu thiệt hại khi bị loại khỏi hệ thống SWIFT.

"Tất cả quốc gia khác có giao dịch với Nga, bao gồm cả những nước Liên minh châu Âu và nhiều nước khác nhận nguồn cung năng lượng từ Nga, cũng như các doanh nghiệp có giao dịch với tổ chức Nga cũng bị ảnh hưởng", Zachariadis nói.

VnExpress (theo Reuters, Washington Post, CBC)