• Trong bối cảnh bất ổn toàn cầu leo thang, người dân Mỹ đang đẩy mạnh mua sắm các mặt hàng như mặt nạ phòng độc, gói lương thực dự trữ và sạc dự phòng – một "liệu pháp mua sắm" để xoa dịu nỗi lo về tương lai bất định.

    Sau vụ không kích của Mỹ nhằm vào Iran cuối tuần qua, dữ liệu từ Google cho thấy lượng tìm kiếm các cụm từ như 'bộ dụng cụ sinh tồn' và 'phóng xạ hạt nhân' tại Mỹ tăng vọt – đạt mức cao nhất kể từ thời điểm xung đột Nga-Ukraine nổ ra hồi tháng 2/2022.

    Trên nền tảng Amazon, công ty phân tích thị trường Jungle Scout ghi nhận lượng tìm kiếm và mua sắm các sản phẩm như mặt nạ phòng độc, bộ sơ cứu và đèn pin năng lượng mặt trời tăng đáng kể trong 30 ngày qua. Các cụm từ như "trang bị chống bạo động" và "bộ ứng phó bão lũ" cũng xuất hiện nhiều hơn.

    Mặt hàng có mức tăng tìm kiếm cao nhất là tấm chắn mặt Uvex Bionic – từng lan truyền trên mạng sau các cuộc biểu tình phản đối cơ quan Di trú Mỹ tại Los Angeles. Theo ông Tom Werle, Giám đốc điều hành Jungle Scout, mức độ quan tâm không nhất thiết đồng nghĩa với nhu cầu thực tế, nhưng nó phản ánh nỗi lo lắng lan rộng.

    Bên cạnh nguy cơ xung đột, người Mỹ còn lo ngại chuỗi cung ứng gián đoạn do xung đột thương mại, bất ổn dân sự liên quan đến di trú, hay các thảm họa thiên nhiên như cháy rừng, lốc xoáy và bão ngày càng nghiêm trọng.

    Chad Huddleston, Giáo sư nhân học tại Đại học Southern Illinois Edwardsville – người nghiên cứu cộng đồng “prepper” (chuẩn bị đối phó thảm họa) hơn một thập kỷ, cho rằng tâm lý "mọi thứ vượt ngoài tầm kiểm soát" đang lan rộng trong xã hội Mỹ. “Mọi người nhìn quanh và tự hỏi: 'Tôi nên lo về điều gì trước tiên?’”, ông nói.

    Điều thú vị là, phần lớn người theo đuổi lối sống "prepper" không bị tác động bởi sự kiện lớn như 11/9 hay các cuộc xung đột ở Trung Đông, mà bởi thảm họa gần nhà hơn – cụ thể là siêu bão Katrina năm 2005. “Họ chứng kiến nỗi khổ của người dân qua truyền hình và nghĩ: ‘Chuyện đó có thể xảy ra ở đây’”.

    Trên TikTok, xu hướng "chuẩn bị cho Thế chiến III" cũng bùng phát. Một người dùng chia sẻ cách chuẩn bị bộ sinh tồn chỉ với 20 USD từ Dollar Tree, gồm đèn pin đeo đầu, dây thừng, pin, đồ hộp, nước và sữa tắm – những món đồ nhỏ nhưng mang lại cảm giác an tâm.

    Tuy nhiên, theo Huddleston, việc mua sắm đơn thuần không thể thay thế sự chuẩn bị thực sự. “Nhiều người chỉ mua xô đồ ăn ở Costco, thêm cái ba lô trên Amazon rồi cất vào tủ, nghĩ là xong”, ông nói. Với những người thật sự nghiêm túc, kỹ năng và kế hoạch còn quan trọng hơn cả vật dụng. “Bạn biết càng nhiều thì cần mang theo càng ít”.

    anh minh hoa
    Ảnh minh họa

    Với một số người có điều kiện, sự an tâm đến từ việc đầu tư vào các phòng an toàn, hầm ngầm hoặc căn hộ chung cư – được quảng cáo là có thể chống chọi từ thiên tai đến xung đột. Một số công ty xây dựng cho biết họ thường nhận được nhiều cuộc gọi hơn sau các sự kiện như vụ không kích Iran, nhưng tuần qua chưa thấy sự đột biến rõ rệt.

    Dù vậy, so với một căn hầm trị giá hàng trăm nghìn USD, túi đựng đồ khẩn cấp may sẵn trên Amazon có vẻ là lựa chọn hợp lý và dễ tiếp cận hơn. “Những món thiết thực, dễ mua mới là thứ người ta nghĩ đến đầu tiên – và thuật toán cũng thế”, Huddleston nhận định.

    Sự chuẩn bị ứng phó thảm họa tại Mỹ mang đậm tính cá nhân và tiêu dùng – trái ngược hoàn toàn với các mô hình phòng thủ cộng đồng tại Thụy Sĩ hay Phần Lan, nơi người dân được hướng dẫn sơ tán vào các boong-ke kiên cố dưới sân bóng hay hầm gửi xe khi còi báo động vang lên.

    “Người Mỹ không biết một hầm trú bom thực sự trông như thế nào”, chuyên gia tư vấn Paul Seyfried ở Utah nhận xét. Ông đã xây dựng hầm trú ẩn theo tiêu chuẩn châu Âu và cho rằng phần lớn các sản phẩm sinh tồn được quảng cáo hiện nay đều không hiệu quả.

    Theo Business Insider, người dân Mỹ thường phải tự lo chuyện phòng thân – từ xây hầm trú ẩn đến tích trữ nhu yếu phẩm – trong khi niềm tin vào Chính phủ vẫn ở mức thấp kỷ lục. Khảo sát của Pew Research và FEMA cho thấy chỉ khoảng một nửa dân số kỳ vọng chính quyền có thể hỗ trợ khi xảy ra khẩn cấp và phần lớn vẫn lo lắng về sức khỏe và tài chính hơn là thiên tai.

    Nguoiquansat (theo Business Insider)

  • Chính quyền Donald Trump cắt ngắn thời khóa biểu gia nhập bảo hiểm sức khỏe ObamaCare hằng năm và chấm dứt giúp đỡ bảo hiểm cho di dân vào Hoa Kỳ không giấy tờ từ tuổi nhỏ, theo một quyết định hành pháp công bố hôm Thứ Sáu, 20 Tháng Sáu, theo The Hill.

    Chính quyền Joe Biden từng tạo điều kiện cho người dân ghi danh dễ dàng hơn cho các chương trình bảo hiểm sức khỏe chiếu theo Đạo Luật Chăm Sóc Giá Phải Chăng (Affordable Care Act), khiến cho số lượng người mua được bảo hiểm tăng cao nhất từ trước tới nay. Chính quyền Trump cho rằng những biện pháp đó tạo ra kẽ hở cho kẻ gian lợi dụng, làm hao tổn hàng tỷ đô la tiền thuế của dân.

    obamacare
    Một nơi bán bảo hiểm ObamaCare. (Hình minh họa: Joe Raedle/Getty Images)

    Theo luật mới ban hành, thời hạn gia nhập Obamacare chỉ từ 1 Tháng Mười Một tới 31 Tháng Mười Hai hằng năm, trong khi trước đó là tới 15 Tháng Giêng.

    Các tiểu bang có thị trường bảo hiểm sức khỏe riêng sẽ có thể tự hoạch định thời hạn gia nhập bảo hiểm, miễn là không kéo dài quá chín tuần giữa Tháng Mười Một và Tháng Mười Hai.

    Ngoài việc rút ngắn thời gian cho phép ghi danh bảo hiểm sức khỏe do chính phủ tài trợ, chính quyền Trump cũng chấm dứt bao trả cho những di dân tới Hoa Kỳ không có giấy tờ hợp pháp từ lúc còn nhỏ, thường được biết với danh xưng “Dreamers.”

    Điều này hủy một biện pháp thời Biden cho phép khoảng 147,000 di dân được mua bảo hiểm sức khỏe do chính phủ tài trợ. Một chánh án liên bang từng chặn biện pháp này ở 19 tiểu bang, và tiến trình tranh tụng vẫn đang tiếp diễn.

    Từ năm 2026, chính quyền Trump cũng cấm bảo hiểm ObamaCare chi trả cho những “thay đổi về giới tính,” áp dụng cho năm tiểu bang hiện có cho phép bảo hiểm trả cho những chi phí y tế này, cũng như trong các tiểu bang còn lại.

    Một số thay đổi nhất thời khác, chỉ kéo dài khoảng một năm, được công bố hôm Thứ Sáu, bao gồm các yêu cầu cung cấp chứng từ xác nhận lợi tức cho những ai mua bảo hiểm sức khỏe có chính phủ tài trợ.

    Theo Trung Tâm Dịch Vụ Medicare và Medicaid (CMS), luật này dự trù sẽ tiết kiệm ngân sách liên bang $12 tỷ vào năm 2026.

    Luật đòi buộc các thị trường bảo hiểm do chính phủ liên bang trợ giúp phải xem kỹ người mua có hội đủ điều kiện và buộc người mua phải cung cấp thêm chứng từ mỗi lần gia hạn, còn không sẽ bị tính thêm $5 lệ phí mỗi tháng cho tới khi nào cung cấp đủ chứng từ.

    Đồng thời, luật mới cũng chấm dứt khoảng thời gian riêng biệt cho phép ghi danh bảo hiểm đối với thành phần lợi tức 150% dưới mức nghèo, mà CMS cho là “đã bị lợi dụng để tự động đưa người vào chương trình bảo hiểm hoặc thay đổi bảo hiểm mà không có sự đồng thuận của họ.” 

    Theo Người-Việt

  • Chính quyền của Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump đang cân nhắc mở rộng đáng kể lệnh cấm đi lại bằng cách có khả năng cấm công dân của 36 quốc gia khác nhập cảnh vào Hoa Kỳ, theo một bức điện nội bộ của Bộ Ngoại giao mà Reuters có được.

    cam nhap canh my
    Người dân tham gia cuộc biểu tình phản đối lệnh cấm đi lại toàn diện mới tại Sân bay Quốc tế Los Angeles vào ngày 9-6.

    Đầu tháng 6, Tổng thống đảng Cộng hòa đã ký một tuyên bố cấm công dân từ 12 quốc gia nhập cảnh , nói rằng động thái này là cần thiết để bảo vệ Hoa Kỳ khỏi "những kẻ khủng bố nước ngoài" và các mối đe dọa an ninh quốc gia khác.

    Chỉ thị này là một phần trong chiến dịch trấn áp nhập cư mà ông Trump phát động vào năm 2025 khi bắt đầu nhiệm kỳ thứ hai, bao gồm việc trục xuất hàng trăm người Venezuela bị tình nghi là thành viên băng đảng sang El Salvador, cũng như các nỗ lực từ chối tuyển sinh một số sinh viên nước ngoài tại các trường đại học Hoa Kỳ và trục xuất những người khác.

    Trong một bức điện ngoại giao nội bộ do Ngoại trưởng Hoa Kỳ Marco Rubio ký, Bộ Ngoại giao đã nêu ra hàng chục mối quan ngại về các quốc gia có liên quan và tìm kiếm hành động khắc phục.

    Bức điện được gửi đi vào cuối tuần cho biết: "Bộ đã xác định 36 quốc gia đáng lo ngại có thể bị khuyến nghị đình chỉ nhập cảnh toàn bộ hoặc một phần nếu họ không đáp ứng các tiêu chuẩn và yêu cầu đã đặt ra trong vòng 60 ngày".

    Bức điện tín này được tờ Washington Post đưa tin đầu tiên.

    Trong số những mối quan ngại mà Bộ Ngoại giao nêu ra là việc thiếu một chính phủ có năng lực hoặc hợp tác của một số quốc gia được đề cập để xuất trình các giấy tờ tùy thân đáng tin cậy, theo điện tín cho biết. Một mối quan ngại khác là "tính bảo mật đáng ngờ" của hộ chiếu của quốc gia đó.

    Một số quốc gia, theo bức điện tín, đã không hợp tác trong việc tạo điều kiện cho việc trục xuất công dân của mình khỏi Hoa Kỳ, những người đã được lệnh phải trục xuất. Một số quốc gia đã quá hạn thị thực Hoa Kỳ mà công dân của họ được cấp.

    Những lý do khác gây lo ngại là công dân các nước này có liên quan đến các hành động khủng bố ở Hoa Kỳ hoặc hoạt động bài Do Thái và bài Mỹ.

    Bức điện lưu ý rằng không phải tất cả những mối quan ngại này đều liên quan đến mọi quốc gia được liệt kê.

    Một quan chức cấp cao của Bộ Ngoại giao cho biết: "Chúng tôi liên tục đánh giá lại các chính sách để đảm bảo an toàn cho người Mỹ và công dân nước ngoài tuân thủ luật pháp của chúng tôi", đồng thời từ chối bình luận về các cuộc thảo luận và thông tin liên lạc nội bộ cụ thể.

    Các quốc gia có thể phải đối mặt với lệnh cấm toàn bộ hoặc một phần nếu họ không giải quyết những lo ngại này trong vòng 60 ngày tới là: Angola, Antigua và Barbuda, Benin, Bhutan, Burkina Faso, Cabo Verde, Campuchia, Cameroon, Bờ Biển Ngà, Cộng hòa Dân chủ Congo, Djibouti, Dominica, Ethiopia, Ai Cập, Gabon, Gambia, Ghana, Kyrgyzstan, Liberia, Malawi, Mauritania, Niger, Nigeria, Saint Kitts và Nevis, Saint Lucia, Sao Tome và Principe, Senegal, Nam Sudan, Syria, Tanzania, Tonga, Tuvalu, Uganda, Vanuatu, Zambia và Zimbabwe.

    Đó sẽ là sự mở rộng đáng kể lệnh cấm có hiệu lực vào đầu tháng 6. Các quốc gia bị ảnh hưởng là Afghanistan, Myanmar, Chad, Cộng hòa Congo, Guinea Xích Đạo, Eritrea, Haiti, Iran, Libya, Somalia, Sudan và Yemen.

    Việc nhập cảnh của người dân từ 7 quốc gia khác – Burundi, Cuba, Lào, Sierra Leone, Togo, Turkmenistan và Venezuela – cũng đã bị hạn chế một phần.

    Trong nhiệm kỳ đầu tiên tại nhiệm, ông Trump đã tuyên bố lệnh cấm du khách từ 7 quốc gia có đa số dân theo đạo Hồi, một chính sách đã trải qua nhiều lần thay đổi trước khi được Tòa án Tối cao duy trì vào năm 2018.

    Theo Sggp

  • Hai vị khách bị bọ rệp cắn trong khách sạn được tòa tuyên thắng kiện 2 triệu USD, khoản bồi thường lớn nhất được ghi nhận trong các vụ kiện kiểu này.

    Phán quyết được Tòa án California tuyên tuần trước trong vụ kiện giữa hai nam du khách và bị đơn là khách sạn The Shores Inn ở Ventura, bang California.

    Theo đơn kiện được đệ trình vào tháng 12/2021, hai người đặt phòng tại khách sạn này trong kỳ nghỉ xuân, ngày 7/2/2020. Họ "ngay lập tức bị bọ rệp cắn đầy đau đớn", khiến phát ban da nghiêm trọng, phản ứng dị ứng... Họ phàn nàn với quản lý khách sạn và được chuyển đến một phòng khác. Hai người "tiếp tục làm mồi cho rệp giường".

    rep can
    Phòng khách sạn The Shores Inn. Ảnh: Google Review

    Đêm lưu trú tại Shores Inn khiến họ trải qua "đau đớn, bệnh tật và đau khổ về mặt cảm xúc và tinh thần". Do rệp giường, hai người đã rời khỏi khách sạn chỉ sau một đêm, dù đã đặt phòng cho một tuần lưu trú.

    Đơn kiện nêu trên các đánh giá trên Google và ứng dụng đánh giá doanh nghiệp lưu trú, những vị khách trước đó cũng phàn nàn vấn đề y hệt.

    Theo nguyên đơn, quản lý khách sạn rõ ràng đã biết về điều này và nhận thức được sự nguy hại với khách nhưng không giải quyết.

    Trong phán quyết, tòa đã quyết định tuyên số tiền bồi thường kỷ lục cho hai vị khách, 2 triệu USD. Bị đơn chưa phản hồi chính thức về phán quyết song luật sư của họ cho hay thân chủ sẽ kháng cáo.

    The Shores Inn là khách sạn 2 sao sát bờ biển, giá thuê phòng ở mức trên dưới 4 triệu đồng/phòng/đêm. Dựa trên 412 đánh giá trên Google review, khách sạn được chấm trung bình 3,6/5 sao.

    VnExpress (Theo LA Times)

  • Ngày 4-6, Tổng thống Trump đã ký sắc lệnh cấm nhập cảnh với công dân từ 12 quốc gia và hạn chế với 7 nước khác nhằm mục đích bảo vệ nước Mỹ.

    Theo Hãng tin Reuters, Tổng thống Mỹ Donald Trump tối 4-6 (giờ địa phương) đã ký sắc lệnh cấm nhập cảnh hoàn toàn với công dân đến từ 12 quốc gia gồm Afghanistan, Myanmar, Chad, Congo, Guinea Xích đạo, Eritrea, Haiti, Iran, Libya, Somalia, Sudan và Yemen.

    Bên cạnh đó, công dân từ 7 quốc gia là Burundi, Cuba, Lào, Sierra Leone, Togo, Turkmenistan và Venezuela cũng sẽ bị hạn chế nhập cảnh một phần.

    Ngoài ra, bản tuyên bố còn nêu ra các ngoại lệ đối với thường trú nhân hợp pháp, người hiện sở hữu thị thực, một số loại thị thực nhất định và những cá nhân có mục đích nhập cảnh phục vụ lợi ích quốc gia của Mỹ.

    Theo Tổng thống Trump, đây là động thái cần thiết để bảo vệ người Mỹ trước "những kẻ khủng bố nước ngoài" và các mối đe dọa an ninh khác.

    "Chúng tôi sẽ không cho phép những người muốn gây hại cho nước Mỹ nhập cảnh", ông Trump đăng tải trên nền tảng X.

    Tổng thống còn thông tin rằng "danh sách này có thể được sửa đổi dựa trên việc tình hình có cải thiện đáng kể hay không".

    Tương tự, "các quốc gia mới có thể bị thêm vào khi các mối đe dọa xuất hiện trên khắp thế giới".

    Theo Reuters, lệnh cấm sẽ có hiệu lực vào ngày 9-6 theo giờ Mỹ. Tuy nhiên, các thị thực được cấp trước ngày đó sẽ không bị thu hồi.

    Được biết, Tổng thống Trump đưa ra quyết định ban hành lệnh cấm này nhằm phản ứng với cuộc tấn công bằng bom xăng ở thành phố Boulder thuộc bang Colorado hôm 1-6, nhằm vào những người tham gia cuộc tuần hành ủng hộ các con tin Israel bị Hamas bắt ở Dải Gaza.

    "Sự việc cho thấy rõ những mối nguy hiểm cực độ đối với đất nước khi việc nhập cảnh của công dân nước ngoài không được kiểm tra kỹ lưỡng", ông Trump cho hay.

    Trong nhiệm kỳ đầu tiên, Tổng thống Trump từng công bố lệnh cấm nhập cảnh đối với công dân từ 7 quốc gia, trong đó quốc gia có người Hồi giáo chiếm đa số. Chính sách này đã trải qua nhiều lần sửa đổi trước khi được Tòa án tối cao Mỹ giữ nguyên vào năm 2018.

    Cựu tổng thống Joe Biden bãi bỏ lệnh cấm vào năm 2021, gọi đó là "vết nhơ trên lương tâm quốc gia".

    cam nhap canh
    Tổng thống Trump tại Nhà Trắng ngày 7-5 - Ảnh: REUTERS

    Theo Tuổi Trẻ

  • Tổng thống Trump tuyên bố sẽ giảm 59% giá thuốc để "giảm lạm phát", sau khi công bố chính sách mới về dược phẩm trong nước.

    "Giá thuốc sẽ giảm 59%. Giá xăng, năng lượng, nhu yếu phẩm và tất cả chi phí khác cũng đều giảm. Không còn lạm phát!", Tổng thống Mỹ Donald Trump đăng trên mạng xã hội Truth Social ngày 12/5.

    Thông báo được đưa ra sau khi ông chủ Nhà Trắng cho biết ông có kế hoạch ký sắc lệnh hành pháp giúp giảm giá thuốc kê toa trong nước "gần như ngay lập tức", trong khoảng 30-80%. Ông Trump nói thêm sắc lệnh hành pháp này sẽ giúp chính sách mới có hiệu lực từ 9h ngày 12/5.

    giam gia thuoc
    Tổng thống Mỹ Donald Trump tại Phòng Bầu dục, Nhà Trắng, ngày 26/3. Ảnh: AFP

    Tổng thống Mỹ nói rằng ông có kế hoạch xây dựng chính sách "tối huệ quốc" nhằm định giá thuốc Mỹ ở mức thấp nhất so với các nước khác. Ông nói thêm việc giảm giá thuốc ở Mỹ sẽ được cân bằng nhờ thuốc được bán với giá cao hơn ở các quốc gia khác.

    Quy chế "tối huệ quốc" là một quy tắc của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) nhằm ngăn chặn phân biệt đối xử giữa một quốc gia và các đối tác thương mại của quốc gia đó, tạo ra thị trường bình đẳng cho thương mại quốc tế.

    Đây không phải là lần đầu Tổng thống Trump tìm cách hạ giá thuốc ở Mỹ. Trong nhiệm kỳ đầu tiên, ông từng công bố đề xuất tương tự nhưng không thành công do vấp phải sự phản đối mạnh mẽ từ ngành dược.

    Ông chủ Nhà Trắng tháng trước cũng ký một sắc lệnh hành pháp nhằm hạ giá thuốc bằng cách trao cho các bang nhiều quyền hơn để tìm nguồn hàng giá rẻ ở nước ngoài và cải thiện quy trình đàm phán giá.

    VnExpress (Theo AFP)

  • California tuyên bố trở thành nền kinh tế lớn thứ 4 thế giới, sau khi GDP danh nghĩa của bang này đạt 4.100 tỷ USD, vượt qua Nhật Bản ở mức 4.020 tỷ USD, chỉ xếp sau Mỹ, Trung Quốc và Đức.

    Trong tuyên bố đăng trên trang web của mình ngày 24/4, Thống đốc bang California Gavin Newsom dẫn dữ liệu từ Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Cơ quan Phân tích Kinh tế Mỹ (BEA), cho thấy GDP danh nghĩa của bang California đạt 4.100 tỷ USD, vượt mức 4.020 tỷ USD của Nhật Bản.

    California hiện xếp sau Mỹ (29.180 tỷ USD), Trung Quốc (18.740 tỷ USD) và Đức (4.650 tỷ USD).

    "California đã trở thành nền kinh tế lớn thứ 4 thế giới. California không chỉ theo kịp thế giới, chúng tôi còn đang dẫn nhịp phát triển. Thành quả của nền kinh tế California đến từ đầu tư con người, ưu tiên tính bền vững và tin vào sức mạnh của đổi mới", ông Newsom cho biết trong tuyên bố.

    cali nen kinh te lon thu 4
    GDP danh nghĩa của California trong bảng xếp hạng các nền kinh tế lớn nhất thế giới. Đồ họa: Governor Gavin Newsom

    California, với dân số gần 40 triệu người, là thủ phủ ngành công nghệ và giải trí, cũng là trung tâm sản xuất của Mỹ và là bang có sản lượng nông nghiệp lớn nhất cả nước.

    Ông Newsom lưu ý các chính sách mới của chính quyền Trump đang "gây nguy hiểm đến lợi ích kinh tế của California". Bang miền tây nước Mỹ là bang đầu tiên kiện chính phủ liên bang về chính sách thuế quan.

    "Không có bang nào đối mặt nguy cơ thiệt hại lớn hơn California", ông Newsom phát biểu trong họp báo công bố vụ kiện. "Đây là thời điểm căng thẳng, cần tỉnh táo. Sẽ là nói dối nếu tôi cho rằng điều này có thể nhanh chóng đảo ngược".

    California là một trong những bang đầu tàu kinh tế Mỹ, đóng góp cho ngân sách liên bang nhiều hơn khoản nhận lại tới 83 tỷ USD. Dân số bang tăng trong những năm gần đây, dù tình trạng thiếu hụt nhà ở giá rẻ nghiêm trọng đang góp phần gây ra khủng hoảng vô gia cư.

    VnExpress (theo Guardian, AP)

  • Quyết định áp thuế nặng với nhiều hàng hóa Trung Quốc của ông Trump khiến các tiểu thương gốc Hoa tại Mỹ nơm nớp lo mất khách, thiếu hàng.

    Tuần trước, gói bánh gạo tại cửa hàng tạp hóa Sun Vin trên phố Mulberry, khu Chinatown ở thành phố New York, có giá 4,99 USD. Nhưng tuần này, sau khi mức thuế mới của Mỹ lên hàng hóa Trung Quốc có hiệu lực, giá của nó tăng lên 6,99 USD.

    tieu thuong goc my thue quan 1
    Jasmine Bai, chủ cửa hàng Sun Vin, giới thiệu hàng hóa nhập khẩu từ châu Á trong cửa tiệm ở khu phố Chinatown, thành phố New York, ngày 16/4. Ảnh: Reuters

    Trong khi Tổng thống Mỹ Donald Trump hoãn áp thuế đối ứng đối với hầu hết các đối tác trong vòng 90 ngày, cuộc chiến thương mại ăn miếng trả miếng của ông với Trung Quốc đã dẫn tới quyết định áp thuế 145% lên toàn bộ sản phẩm Trung Quốc và 245% với một số mặt hàng, ảnh hưởng tới tất cả doanh nghiệp quy mô gia đình ở các khu phố người Hoa tại Mỹ.

    Nhiều cộng đồng người Trung Quốc nhập cư dựa vào các khu phố người Hoa (Chinatown) khắp đất nước để mua bán những mặt hàng quan trọng trong văn hóa Trung Quốc và có rất ít lựa chọn thay thế.

    "Cuộc chiến này sẽ gây tác động rất lớn", Jasmine Bai, quản lý Sun Vin, cửa hàng nhỏ chủ yếu bán sản phẩm nhập khẩu từ Trung Quốc, trong đó có những sản phẩm đặc thù khó tìm ở nơi khác như miến đậu xanh, bột củ sen, nói. "Sau này, có lẽ chúng tôi sẽ ít khách hơn, khách cũng mua ít thực phẩm hơn".

    Các đòn áp thuế trả đũa giữa hai nước đã làm chao đảo việc kinh doanh của các tiểu thương Chinatown, trong đó có Eva Sam, chủ cửa hàng Popular Jewelry ở New York, doanh nghiệp gia đình kinh doanh các mặt hàng dây chuyền gắn đá được giới nghệ sĩ hiphop ưa chuộng.

    "Những thay đổi đột ngột và mức thuế leo thang khiến chúng tôi không thể ổn định giá cả hoặc thông báo giá nhất quán cho khách hàng", bà nói.

    tieu thuong goc my thue quan 1
    Eva Sam và con trai William Wong trong cửa hàng trang sức Popular Jewelry tại Chinatown, New York, ngày 16/4. Ảnh: Reuters

    Popular Jewelry nhập vàng 24 cara, đá ngọc bích được cắt và đánh bóng từ Trung Quốc. Sam cho hay cửa hàng đã phải tăng giá 10% đối với trang sức nhập khẩu.

    "Rất khó để đưa ra quyết định cả trong dài hạn lẫn ngắn hạn, bởi không thể biết được mức thuế này có áp dụng lâu dài hay không, hoặc liệu ông Trump sẽ áp thuế hay dỡ thuế với mặt hàng nào", William Wong, con trai của Sam đang giúp mẹ làm việc trong cửa hàng, nói.

    Cư dân Chinatown ở khu vực Manhattan mỗi năm chi 1,15 tỷ USD cho hàng hóa và dịch vụ bán lẻ, khoảng 80% doanh nghiệp địa phương trong khu phố phục vụ trực tiếp cho cộng đồng người Hoa, theo cơ quan Dịch vụ Doanh nghiệp Nhỏ của thành phố New York.

    Tổng thống Trump bày tỏ Mỹ có thể đạt được thỏa thuận thương mại với Trung Quốc, nhưng vẫn cáo buộc Bắc Kinh đã "tước đoạt" của Washington trong thời gian dài. "Đại diện mọi quốc gia, kể cả Trung Quốc, đều muốn gặp tôi", ông chia sẻ trong bài đăng trên mạng xã hội Truth Social ngày 17/4.

    Bắc Kinh chưa thông báo có kế hoạch đàm phán thương mại với Washington hay không. Trung Quốc đã trả đũa bằng cách áp thuế 125% lên hàng hóa nhập khẩu Mỹ. Bộ Thương mại Trung Quốc đã kêu gọi Mỹ ngừng "gây áp lực cực đoan" lên Trung Quốc và tuyên bố hai nước vẫn chưa quyết định bên nào sẽ mở lời đàm phán thương mại.

    Theo Welcome to Chinatown, tổ chức phi lợi nhuận hỗ trợ các doanh nghiệp trong khu phố người Hoa ở New York, đa số cửa hàng chỉ còn đủ hàng dự trữ cho một hoặc hai tháng nữa. Daniel Dellaratta, dược sĩ của hiệu thuốc Villy KX Pharmacy, người đã làm việc 30 năm trong Chinatown, cho biết không tích trữ nhiều hàng.

    "Chúng tôi dự kiến trong vòng 90 ngày, giá cả của đa số mặt hàng sẽ tăng đáng kể", ông nói.

    Eliz Digital Inc, tiệm ảnh trong Chinatown New York, cho biết giá vật tư như giấy, hóa chất từ Trung Quốc dùng để tráng ảnh, cũng tăng lên. Dù đã lâu cửa hàng không tăng giá, mức thuế mới có thể buộc họ phải thay đổi.

    "Tôi nghĩ cuối cùng chúng tôi sẽ phải tăng giá bởi vì mọi thứ đều tăng, giá nguyên liệu đầu vào chắc chắc cũng tăng rất nhiều", Kesh, chủ cửa hàng, nói.

    Các tiểu thương khu Chinatown ở San Francisco cũng đang trải qua giai đoạn bất ổn. Họ hy vọng các cuộc đàm phán giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ có hiệu quả, theo Edward Siu, chủ tịch Hiệp hội thương nhân Chinatown San Francisco.

    "Nhiều người không biết sắp tới tình hình thế nào. Họ đang lo lắng và thất vọng", Siu, người điều hành công ty du lịch 40 năm trong khu phố, nói.

    Khu Chinatown ở San Francisco nằm dọc 30 dãy nhà, là cộng đồng người Mỹ gốc Hoa lâu đời nhất nước Mỹ. Mạng lưới gắn kết chặt chẽ giữa cư dân và doanh nghiệp gốc Hoa giúp họ vượt qua nhiều khó khăn hậu Covid-19, như khủng hoảng chuỗi cung ứng và đà phục hồi kinh tế chậm chạp ở thành phố.

    Selena Lee, chủ cửa hàng bán ngọc Linda Boutique trên phố Grant Avenue của Chinatown, cho biết giá lô hàng mới nhất đã tăng gấp ba từ sau khi mức thuế mới có hiệu lực. Ngọc bích của cửa hàng được khai thác từ Myanmar, nhưng được cắt gọt và đánh bóng ở Trung Quốc.

    "Nếu muốn thay đổi, chúng tôi phải chuyển đổi hoàn toàn mô hình kinh doanh, việc vốn không dễ dàng chút nào", cô nói.

    tieu thuong goc my thue quan 1
    Bên trong khu phố người Hoa tại New York hôm 14/4. Ảnh: Reuters

    Mei Zhu, chủ cửa hàng tạp hóa nhỏ trên phố Stockton, cho biết hàng tồn kho đã hết vì khách hàng đã tích trữ sản phẩm đề phòng tăng giá.

    "Không còn gì để bán", Zhu nói, chỉ vào thùng bìa các tông rỗng ghi nhãn "muối", cho biết nhiều khách hàng mua tới 10 lọ muối dù đây không phải mặt hàng nhập từ Trung Quốc.

    Siu kêu gọi chính phủ Mỹ và Trung Quốc quan tâm tới những người bị ảnh hưởng do chính sách như ông và những chủ doanh nghiệp người Mỹ gốc Hoa khác.

    "Chúng tôi bây giờ đang trong vùng nguy hiểm", ông nói. "Tôi không muốn chiến tranh thương mại leo thang".

    VnExpress (Theo Reuters)

  • Thống kê của kênh NBC News công bố ngày 20/4 cho thấy trên 800 người ở Mỹ đã mắc bệnh sởi kể từ đầu năm nay. Phần lớn các trường hợp là ở Tây Texas, nơi một đợt bùng phát không có dấu hiệu thuyên giảm bắt đầu vào tháng 1.

    soi o my
    Một điểm tiêm chủng cho trẻ em ở Texas, Mỹ

    Hầu hết các trường hợp bị sởi đều nằm trong số những người chưa được tiêm vaccine phòng bệnh. Tuy nhiên, có khoảng 3% các trường hợp được xác định là các ca nhiễm đột phá, mặc dù bệnh nhân đã được tiêm vaccine phối hợp MMR (sởi, quai bị và rubella) đầy đủ hoặc chưa đầy đủ.

    Các bác sĩ chuyên khoa bệnh truyền nhiễm luôn nhấn mạnh rằng MMR là một trong những loại vaccine hiệu quả nhất trên thị trường, nhưng như Giáo sư Rodney Rohde tại Đại học bang Texas giải thích, một số ít người đã được tiêm vaccine đầy đủ vẫn có thể bị bệnh trong một đợt bùng phát lớn. Một liều vaccine MMR có hiệu quả ngăn ngừa bệnh sởi là 93%, liều thứ hai có thể tăng hiệu quả lên 97%.

    Theo Giáo sư Rohde, vaccine có hiệu quả cao, nhưng điều đó có nghĩa là sau 2 liều, trong khi 97 trong số 100 người sẽ phát triển khả năng miễn dịch mạnh mẽ và được bảo vệ nếu tiếp xúc với bệnh sởi, thì 3 trong số 100 người còn lại vẫn có thể dễ bị tổn thương. Mặc dù vậy, nếu một người đã tiêm vaccine mà mắc bệnh sởi, thì đó thường là một phiên bản nhẹ hơn, đôi khi được gọi là "sởi biến thể".

    Sau khi bệnh sởi được tuyên bố đã bị loại bỏ ở Mỹ vào năm 2000 và không còn được coi là mối đe dọa đối với sức khỏe cộng đồng, quá trình nghiên cứu về loại virus gây bệnh đã chậm lại. Với sự do dự về vaccine ngày càng tăng và việc nước Mỹ sắp mất đi thành tích đã xóa sổ bệnh sởi, một số nhà khoa học nhận thấy cần phải nghiên cứu và theo dõi các trường hợp nhiễm bệnh đột phá hiếm gặp.

    Alexis Robert, một nhà nghiên cứu tại Trường Vệ sinh và Y học Nhiệt đới London, nhận xét mặc dù mô hình lây truyền cho thấy các đợt bùng phát bệnh sởi xuất phát từ nhóm người chưa tiêm vaccine, đặc biệt là ở trẻ em, nhưng nguy cơ nhiễm bệnh tiềm ẩn nhiều năm sau khi tiêm vaccine vẫn ảnh hưởng đến chiến lược hiệu quả nhất và phạm vi bao phủ cần thiết để xóa sổ bệnh sởi.

    Sau ca tử vong thứ 2 liên quan đến bệnh sởi ở Texas đầu tháng này, Bộ trưởng Y tế và Dịch vụ Nhân sinh Robert Kennedy đã đảo ngược một số bình luận trước đây của ông về vaccine và bệnh sởi và kêu gọi người dân đi tiêm phòng. Ông Robert Kennedy viết trên một bài đăng trên mạng xã hội X rằng cách hiệu quả nhất để ngăn ngừa sự lây lan của bệnh sởi là tiêm vaccine MMR, đồng thời cho biết ông đã chỉ thị cho Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh "cung cấp vaccine MMR cần thiết cho các hiệu thuốc và phòng khám do tiểu bang Texas điều hành cùng với các vật tư y tế khác".

    Theo báo cáo từ tổ chức thống kê dữ liệu y tế Truveta (Mỹ), trong năm 2024, chỉ 68,5% trẻ em Mỹ được tiêm mũi vaccine (MMR) đầu tiên trước 15 tháng tuổi. Con số này giảm đáng kể so với tỷ lệ 77% vào năm 2020 và thấp hơn mục tiêu liên bang là 95% trẻ mẫu giáo đều tiêm 2 mũi. Nhiều khu vực ghi nhận tỷ lệ tiêm chủng thấp nghiêm trọng, trong đó hạt Gaines (Texas), nơi hiện có hơn 350 ca mắc, có gần 1/5 trẻ em nhập học chưa được tiêm vaccine. Tình trạng này khiến các chuyên gia y tế lo ngại virus gây bệnh này sẽ lây lan sang các cộng đồng khác của Mỹ có tỷ lệ tiêm chủng thấp và tình trạng lây lan có thể kéo dài trong một năm. Bác sĩ Nina Masters, nhà khoa học cấp cao thuộc Truveta, cho rằng tỷ lệ tiêm vaccine sởi hiện nay “thực sự là tiếng chuông báo động”.

    Cần đầu tư nhiều hơn vào y tế dự phòng

    Theo quy định ở Mỹ, bùng phát dịch được coi là xuất hiện khi cơ quan y tế ghi nhận từ 3 ca bệnh liên quan trở lên. Như vậy, hiện các bang ở Mỹ được coi là chưa kiểm soát được dịch sởi gồm có Indiana, Kansas, Michigan, Oklahoma, Ohio, Pennsylvania và New Mexico. Trước việc dịch sởi lan rộng, Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) đã phải cảnh báo các bác sĩ lâm sàng và cán bộ y tế công cộng về biện pháp ngăn chặn sự lây lan của bệnh sởi, trong đó có việc cảnh giác với các ca bệnh phát ban có sốt đáp ứng định nghĩa bệnh sởi và chia sẻ các chiến lược phòng ngừa hiệu quả, bao gồm hướng dẫn tiêm chủng cho người dân.

    Điều này một lần nữa cho thấy tầm quan trọng của y tế dự phòng, nhất là trong bối cảnh sự phát triển và biến đổi không ngừng của thế giới đặt ra nhiều thách thức mới về an ninh phi truyền thống, trong đó có dịch bệnh. Để giải quyết thách thức trong ứng phó dịch bệnh, không cách nào khác là các quốc gia phải tăng cường đầu tư vào hệ thống y tế dự phòng để chuẩn bị tốt hơn trong dự báo, phát hiện và ứng phó kịp thời dịch bệnh. Bài học từ đại dịch Covid-19 khẳng định vai trò quan trọng của y tế dự phòng. Các biện pháp như giãn cách xã hội, đeo khẩu trang, tiêm vaccine đã giúp kiểm soát dịch bệnh, giảm số ca tử vong.

    Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), chính phủ các nước cần tập trung đầu tư nhiều hơn hơn vào lĩnh vực y tế dự phòng. Theo đánh giá của các chuyên gia y tế, một USD cho chăm sóc y tế dự phòng và có chất lượng cao mang lại lợi ích cao hơn đáng kể so với một USD chi cho chăm sóc chữa bệnh. Ngày nay, ngay cả các công ty bảo hiểm sức khỏe và nhân thọ cũng hướng các dịch vụ và hoạt động của họ vào công tác y tế dự phòng, cụ thể là theo dõi tình hình sức khỏe và chăm sóc sức khỏe khách hàng, thay vì chỉ cung cấp bảo hiểm về tài chính.

    Chức năng chính của ngành y học dự phòng là phát hiện, xác định, giám sát các vấn đề về sức khỏe cộng đồng. Đồng thời, ngành này cũng thực hiện việc dự báo kiểm soát, khống chế bệnh dịch và các tác nhân truyền nhiễm gây dịch. Việc thực hiện công tác y tế dự phòng và có chất lượng cao cho phép các chính phủ cải thiện chất lượng công tác chăm sóc y tế trong khi giảm bớt các chi phí phát sinh. Đó là thắng lợi chung cho cả người dân, chính phủ cũng như tất cả các bên có liên quan khác.

    Trong buổi làm việc với Bộ Y tế nhân dịp kỷ niệm 70 năm Ngày Thầy thuốc Việt Nam hồi tháng 2-2025, Tổng Bí thư Tô Lâm đã nhấn mạnh sự cần thiết của đổi mới tư duy về lĩnh vực y tế. Theo Tổng Bí thư, y tế không chỉ là khám bệnh, chữa trị cho người bệnh, mà cần hơn, đó là chăm sóc sức khỏe cho người dân để hạn chế bệnh tật; cần tập trung nghiên cứu các biện pháp phòng bệnh, tăng cường sức khỏe, kéo dài tuổi thọ… Đây là nền tảng để hướng tới hệ thống y tế bền vững, đáp ứng tốt hơn nhu cầu chăm sóc sức khỏe nhân dân.

    Theo TTXVN

  • Chính quyền Mỹ đang xem xét đóng cửa gần 30 đại sứ quán và lãnh sự quán ở nước ngoài, theo CNN.

    Chính quyền Mỹ cũng được cho là khuyến nghị thu hẹp sự hiện diện tại các phái bộ ngoại giao ở Somalia và Iraq, hai quốc gia đóng vai trò chủ chốt trong nỗ lực chống khủng bố của Mỹ, đồng thời “thay đổi quy mô” các tiền đồn ngoại giao khác.

    Những thay đổi được đề xuất diễn ra trong bối cảnh dự kiến sẽ có một cuộc cải tổ lớn đối với cơ quan ngoại giao của Mỹ khi chính quyền Tổng thống Donald Trump, được thúc đẩy bởi Bộ Hiệu quả Chính phủ do Elon Musk hậu thuẫn, đang nỗ lực đáng kể để thu hẹp chính phủ liên bang.

    Theo đó, Mỹ khuyến nghị đóng cửa 10 đại sứ quán và 17 lãnh sự quán ở châu Âu, châu Phi, châu Á và vùng Caribe. Danh sách dự kiến bao gồm các đại sứ quán ở Malta, Luxembourg, Lesotho, Cộng hòa Congo, Cộng hòa Trung Phi và Nam Sudan; 5 lãnh sự quán ở Pháp, 2 ở Đức, 2 ở Bosnia và Herzegovina, 1 ở Vương quốc Anh, 1 ở Nam Phi và 1 ở Hàn Quốc.

    Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Tammy Bruce không bình luận vế kế hoạch.

    Vào tháng 3, CNN cũng đưa tin Bộ Ngoại Mỹ giao đang tiến hành đóng cửa một số lãnh sự quán được liệt kê trong tài liệu nội bộ.

    Đại sứ quán và lãnh sự Mỹ quán đóng vai trò là tiền đồn quan trọng của Bộ Ngoại giao, cung cấp các dịch vụ như xử lý thị thực và hỗ trợ cho công dân khi cần. Các cơ sở này cũng thu thập thông tin để gửi về Washington, là một công cụ ngoại giao quan trọng của Mỹ.

    Văn phòng Quản lý và Ngân sách (OMB) đề xuất giảm ngân sách Bộ Ngoại giao từ 54,4 tỉ USD (năm tài khóa hiện tại) xuống còn 28,4 tỉ USD vào năm 2026.

    OMB còn đề nghị sáp nhập Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ (USAID) vào Bộ Ngoại giao, đồng thời dừng các chương trình trùng lặp hoặc không phù hợp với ưu tiên của Mỹ. Đáng chú ý, chương trình Fulbright (hoạt động từ năm 1946) và nhiều dự án giáo dục, văn hóa khác có thể bị loại bỏ.

    Viện trợ nước ngoài cũng dự kiến giảm từ 38,3 tỉ USD xuống 16,9 tỉ USD.

    cat giam dai su quan

    Theo Thanhnien

  • Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 2-4 công bố kế hoạch áp thuế đối ứng quy mô lớn lên hầu hết nền kinh tế toàn cầu, song một số nước không có tên trong danh sách trong đó có Nga, Belarus, Triều Tiên và Cuba. Việc Nga được miễn khỏi danh sách khiến nhiều người bất ngờ, sau khi ông Trump đe dọa sẽ trừng phạt thêm dầu mỏ nước này nếu không chấm dứt chiến tranh với Ukraine.

    Nhà Trắng hôm 2/4 công bố mức thuế cơ bản 10% đối với tất cả hàng nhập khẩu vào Mỹ, có hiệu lực từ ngày 5/4. Đồng thời, các mức thuế cao hơn sẽ áp dụng cho những quốc gia đang đánh thuế cao đối với hàng hóa Mỹ.

    Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng xác nhận rằng, từ nửa đêm tại Washington, mức thuế 25% sẽ được áp dụng đối với tất cả ô tô nhập khẩu vào Mỹ.

    Trong bài phát biểu tại Nhà Trắng, ông Trump giơ một biểu đồ minh họa các mức thuế mới: Trung Quốc: 34%, Liên minh Châu Âu: 20%, Hàn Quốc: 25%, Nhật Bản: 24%, Đài Loan: 32%. Ông Trump sử dụng ngôn từ mạnh mẽ khi mô tả hệ thống thương mại toàn cầu mà Mỹ góp phần xây dựng sau Thế chiến II, cho rằng Mỹ "bị cướp bóc". Tổng thống cũng tuyên bố tình trạng khẩn cấp kinh tế quốc gia để triển khai chính sách thuế quan này, dự kiến các chương trình sẽ tạo ra hàng trăm tỷ USD doanh thu hàng năm.

    trump danh thue toan cau
    Tổng thống Mỹ Donald Trump.

    Tuy nhiên, trong khi Mỹ đánh thuế mới lên hàng chục quốc gia, một số cái tên đáng chú ý không xuất hiện trong danh sách là Mexico, Canada, Cuba, Triều Tiên, Nga và Belarus.

    Thư ký báo chí Karoline Leavitt nói với Axios rằng Nga không có trong danh sách áp thuế vì các lệnh trừng phạt của Mỹ đã "ngăn cản mọi hoạt động thương mại có ý nghĩa" giữa hai quốc gia. 

    Tuy nhiên, theo Axios, Mỹ vẫn giao dịch với Nga nhiều hơn so với các quốc gia nhỏ như Mauritius hay Brunei, và ngay cả các quốc gia này còn nằm trong danh sách bị áp thuế của ông Trump.

    Giá trị thương mại giữa Mỹ và Nga giảm mạnh từ khoảng 35 tỷ USD vào năm 2021 xuống còn 3,5 tỷ USD vào năm ngoái, chủ yếu do các lệnh trừng phạt liên quan đến cuộc chiến Ukraine. Nga yêu cầu ông Trump dỡ bỏ một số lệnh trừng phạt này như một phần của các cuộc đàm phán ngừng bắn do Mỹ làm trung gian, nhưng quá trình đàm phán đang đình trệ.

    Ông Trump gần đây đe dọa áp thuế thứ cấp đối với dầu của Nga, đồng thời bày tỏ sự bất đồng với ông Putin về những bình luận liên quan đến Ukraine. Bên cạnh đó, bà Leavitt nhấn mạnh rằng Nga vẫn có thể đối mặt với các lệnh trừng phạt bổ sung trong tương lai.

    Đến các vùng lãnh thổ xa xôi như Tokelau (dân số 1.500) ở Nam Thái Bình Dương và Svalbard (dân số 2.500) ở Vòng Bắc Cực - thuộc New Zealand và Na Uy - cũng được liệt kê chịu thuế quan.

    Bà Leavitt cũng lưu ý rằng Cuba, Belarus và Triều Tiên không có tên trong danh sách vì các mức thuế và lệnh trừng phạt hiện hành đối với họ đã quá cao.

    Hai nền kinh tế lớn khác không có trong danh sách là Canada và Mexico. Tuy nhiên, theo bà Leavitt, điều này là do ông Trump đã áp mức thuế riêng 25% đối với cả hai quốc gia này.

    Mức thuế quan lớn nhất sẽ đánh vào Lesotho ở châu Phi, với 50%.

    VTC News (Nguồn: Fox News, Daily Mail)

  • Ngày 22/3, Tổng Lãnh sự Việt Nam tại San Francisco Hoàng Anh Tuấn đã khuyến cáo những thông tin quan trọng liên quan đến du học sinh, nhà nghiên cứu, và những người đang cư trú tại Mỹ (kể cả những người có thẻ xanh), bị từ chối nhập cảnh, hủy thị thực, thậm chí bị trục xuất.

    Trong thời gian qua, Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại San Francisco ghi nhận một số vụ việc đáng tiếc liên quan đến du học sinh, nhà nghiên cứu, và những người đang cư trú tại Mỹ (kể cả những người có thẻ xanh), bị từ chối nhập cảnh, hủy thị thực, thậm chí bị trục xuất, chỉ vì những hành vi tưởng chừng nhỏ, nhưng lại vi phạm quy định nhập cư, luật pháp, hay chạm đến các vấn đề nhạy cảm về an ninh quốc gia của Mỹ.

    khuyen cao nhap canh my
    Một sân bay quốc tế ở Mỹ. Ảnh: Flight

    Trường hợp điển hình là một nhà nghiên cứu không gian làm việc tại Trung tâm Nghiên cứu Khoa học Quốc gia Pháp (CNRS), hôm 9/3 bị nhân viên an ninh tại sân bay kiểm tra ngẫu nhiên điện thoại khi ông chuẩn bị nhập cảnh vào Mỹ để dự hội thảo khoa học tại Houston.

    Nhân viên an ninh phát hiện trong tin nhắn cá nhân của ông có những ý kiến chỉ trích chính sách nghiên cứu khoa học của chính phủ Mỹ. Dù đó là những tin nhắn riêng tư, giới chức Mỹ vẫn coi đây là dấu hiệu "thù địch", có thể quy kết thành "ủng hộ tư tưởng cực đoan", nên đã từ chối cho ông nhập cảnh.

    Giới chức Mỹ đã mở cuộc điều tra liên bang, sau đó rút lại các cáo buộc với nhà khoa học này, nhưng ông khi đó đã bị trục xuất, làm gián đoạn sự nghiệp và tổn hại danh dự.

    Một trường hợp khác là một bác sĩ chuyên khoa ghép thận gốc Lebanon, được cấp visa H1B để giảng dạy tại Đại học Brown, bị trục xuất ngay tại sân bay Boston vì liên quan đến một người bị coi là có liên hệ với tổ chức bị liệt vào danh sách khủng bố.

    Dù cô có hồ sơ công tác sạch, từng làm việc nhiều năm tại Mỹ, và được cộng đồng y tế địa phương bảo vệ, nữ bác sĩ vẫn bị từ chối nhập cảnh và trục xuất khẩn cấp.

    Từ những trường hợp trên, Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại San Francisco đưa ra một số lưu ý với người Việt Nam đang học tập, làm việc, hay cư trú tại Mỹ để tránh gặp rắc rối về visa, thẻ xanh hoặc nhập cảnh.

    1. Không để thẻ xanh (Permanent Resident Card) hết hạn: Hãy gia hạn đúng hạn. Nếu không, việc quay trở lại Mỹ có thể bị từ chối ngay tại sân bay.

    2. Dù thẻ xanh còn hạn, không nên ra khỏi lãnh thổ Mỹ nếu không thật sự cần thiết: Nhất là trong bối cảnh chính trị nhạy cảm, bất kỳ thông tin nào trong hồ sơ, hành vi trên mạng hay điện thoại có thể bị kiểm tra và sử dụng làm lý do từ chối tái nhập cảnh.

    3. Tuyệt đối tránh đăng tải, chia sẻ hay viết các nội dung mang tính nhạy cảm chính trị, phân biệt sắc tộc, tôn giáo hoặc có thể bị hiểu nhầm là cực đoan.

    4. Không tham gia hoặc thể hiện quan điểm (trực tiếp hay gián tiếp) liên quan đến các phong trào bị chính quyền Mỹ coi là nhạy cảm, cực đoan, hoặc gây chia rẽ cộng đồng.

    5. Không đăng bài, bình luận hoặc chia sẻ các nội dung như vậy trên mạng xã hội, kể cả Facebook, X (Twitter), TikTok, Instagram hay các diễn đàn ẩn danh.

    6. Không tham gia thảo luận các chủ đề nhạy cảm trong các nhóm kín, nhóm bạn bè hoặc hội sinh viên, vì những nội dung này có thể bị trích xuất hoặc báo cáo.

    7. Tuyệt đối không ở lại quá hạn visa dù chỉ một ngày. Hậu quả có thể là cấm nhập cảnh 5 năm hoặc hơn.

    8. Tuân thủ luật pháp sở tại: Từ luật giao thông, thuê nhà, đến quy định visa – bất kỳ hành vi vi phạm nào cũng có thể bị ghi lại và ảnh hưởng đến việc gia hạn visa hoặc nhập cảnh.

    9. Không xóa dữ liệu trong điện thoại, máy tính trước khi nhập cảnh nếu có nội dung nhạy cảm: Việc xóa dữ liệu ngay trước chuyến bay có thể bị nghi ngờ là "che giấu chứng cứ", làm tăng rủi ro bị điều tra.

    10. Tránh tham gia các hoạt động biểu tình, mít-tinh, ký thỉnh nguyện thư... nếu bạn không phải công dân Mỹ. Những hành động này có thể bị xem là vượt quá quyền hạn của người mang visa hay thẻ xanh.

    Hiện nay, với sự hỗ trợ của trí tuệ nhân tạo và công nghệ dữ liệu lớn, các cơ quan an ninh Mỹ có thể rà soát thông tin cá nhân cực kỳ nhanh và chính xác, kể cả dữ liệu bị xóa hay tin nhắn trong nhóm kín. Khi xảy ra sự việc, quá trình giải trình, thuê luật sư, kháng cáo có thể kéo dài, tốn kém, và ảnh hưởng nghiêm trọng đến tương lai học tập, công việc và định cư của bạn.

    Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại San Francisco cũng cảnh báo tránh tham gia các hoạt động biểu tình, mít tinh, ký thỉnh nguyện thư... nếu không phải công dân Mỹ. Những hành động này có thể bị xem là vượt quá quyền hạn của người mang visa hay thẻ xanh.

    Sinh viên, người lao động, nhà khoa học, các phụ huynh du học sinh hoặc bất kỳ ai có ý định nhập cảnh vào Mỹ thời gian tới được đề nghị "cẩn trọng, tỉnh táo, và có trách nhiệm trong mọi lời nói, hành vi, và hoạt động cá nhân".

    Trong trường hợp đã phòng tránh tối đa nhưng vẫn gặp những rủi ro pháp lý ngoài mong muốn, người thân cần liên hệ sớm nhất với các cơ quan đại diện ngoại giao Việt Nam tại Mỹ hoặc các cơ quan hữu quan trong nước để nhận tư vấn, bảo hộ công dân.

    Theo VOV

  • Hôm Thứ Bảy, 15 Tháng Ba, hàng trăm người biểu tình tập trung bên ngoài các đại lý Tesla trong phong trào phản đối tổng giám đốc Elon Musk và các hành động do ông và Bộ Hiệu Quả Chính Phủ DOGE ban hành nhằm giảm bớt ngân sách liên bang.

    Phong trào “Tesla Takedown” (Hạ Bệ Tesla) khơi mào cho hàng loạt cuộc biểu tình diễn ra tại Washington DC, Boston và các địa điểm khác nhằm kêu gọi các nhà đầu tư thoái vốn khỏi cổ phiếu Tesla và buộc chủ sở hữu phải tẩy chay xe điện Tesla. Chỉ riêng Thứ Bảy đã có khoảng 80 cuộc biểu tình, theo CNN.

    “Bán xe Tesla, bán luôn cả cổ phiếu Tesla và tham gia tuần hành. Tẩy chay Tesla là ngăn chặn Musk,” trang mạng phong trào “Tesla Takedown” cho biết trong một tuyên bố. 

    bieu tinh chong tesla
    Người biểu tình chống Elon Musk và công ty Tesla trước đại lý xe ở Boston, Massachusetts ngày 15 Tháng Ba, 2025. (Hình: JOSEPH PREZIOSO/AFP/Getty Images)

    Thượng Nghị Sĩ Mark Kelly (Dân Chủ-Arizona) cho biết ông đang tìm kiếm một “chiếc xe mới” sau khi bán chiếc Tesla, ông cho rằng “một thằng khốn đã chế tạo và thiết kế chiếc xe đó.”

    “Mới đây, chừng 60 ngày đổ lại, mỗi lần tôi bước vào chiếc xe này là tôi nhớ tới những thứ Elon Musk và Donald Trump áp đặt lên đất nước chúng ta. Cắt An Sinh Xã Hội, phúc lợi chăm sóc sức khỏe cho người nghèo khó, cho người cao niên là những thứ vô cùng tồi tệ,” Kelly nói trong một đoạn phim đăng trên X.

    Musk cũng ủng hộ các nỗ lực giải thể Cơ Quan Phát Triển Quốc Tế Hoa Kỳ USAID và Cơ Quan Bảo Vệ Tài Chánh Người Tiêu Thụ CFPB với tư cách cố vấn cao cấp cho Tổng Thống Trump.

    Nhà tài phiệt kỹ nghệ thường xuyên xuất hiện tại khu vực South Lawn ở Tòa Bạch Ốc cùng Trump và hôm Thứ Ba thậm chí còn chỉ cho Trump biết các kỹ thuật tân tiến của Tesla bằng ba chiếc xe đậu tại Tòa Bạch Ốc, làm một số người đặt câu hỏi rằng liệu các hành động của Musk có đúng phép tắc hay không.

    “Điều tôi muốn nói là đâu có ai thành lập một công ty xe hơi mà thành công trong 30 năm qua, thật đó chứ,” Trump nói với các phóng viên.

    “Nhưng Musk đã vạch trần những thứ khủng khiếp chống lại Hoa Kỳ. Và tôi nghĩ thật bất công nếu Musk bị trừng phạt trên phương diện kinh tế. Nên tôi muốn mua một chiếc Tesla ngay bây giờ.”

    Theo Người-Việt

  • Mỹ được cho là đã liên hệ với "hầu hết quốc gia châu Âu", yêu cầu tăng xuất khẩu trứng giữa lúc nước này thiếu hụt trứng nghiêm trọng.

    Hiệp hội Gia cầm Đan Mạch tuần trước cho biết Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) liên hệ nước này cùng nhiều nước châu Âu khác, yêu cầu tăng xuất khẩu trứng sang Mỹ.

    "USDA tiếp cận, hỏi chúng tôi có thể cung cấp bao nhiêu trứng. Họ cũng viết thư gửi tới Hà Lan, Thụy Điển, Phần Lan, tới gần như mọi quốc gia ở châu Âu từ cuối tháng 2 đến nay", Nyberg Larsen, lãnh đạo Hiệp hội, cho biết.

    Hãng tin châu Âu Euractiv đưa tin giới chức quản lý gia cầm, sản xuất trứng ở Đức, Tây Ban Nha, Pháp, Italy và các nước Bắc Âu đã nhận được yêu cầu từ USDA.

    Trong nhiều tháng qua, Mỹ đã phải tiêu hủy hàng trăm triệu con gà, gà tây và các loài gia cầm do dịch cúm gia cầm hoành hành. Nguồn cung trứng do đó khan hiếm, khiến giá trứng biến động mạnh.

    USDA không xác nhận thông tin "cầu cứu" châu Âu, song cho biết Bộ trưởng Nông nghiệp Brooke Rollins cam kết hạ giá trứng cho người tiêu dùng Mỹ và đang tích cực cân nhắc mọi lựa chọn, trong đó có các cơ hội thương mại.

    nuoc my thieu trung
    Ghi chú lưu ý chỉ được mua tối đa ba vỉ trứng do thiếu nguồn cung ở quầy trứng tại một siêu thị ở bang Colorado, Mỹ, ngày 13/3. Ảnh: AP

    Hiệp hội Gia cầm Phần Lan xác nhận thông tin Mỹ tiếp cận và cho biết đã từ chối lời đề nghị. "Xuất khẩu vốn là quá trình kéo dài và không đơn giản. Hai nước chưa có cuộc đàm phán, chưa thống nhất bất kỳ quy tắc nào", lãnh đạo Hiệp hội Veera Lehtila cho biết.

    Kể cả khi sắp xếp được bài toán logistic, Phần Lan cũng không đủ gia cầm để cải thiện nạn thiếu trứng của Mỹ. "Chúng tôi chỉ có 4 triệu gà mái đẻ. Thương vụ xuất khẩu này có thể sẽ không tác động đáng kể đến tình trạng ở Mỹ", bà Lehtila nói.

    Hiệp hội Trứng Đan Mạch nói sẽ xem xét yêu cầu của USDA, nhưng cho biết châu Âu cũng không thừa trứng. "Tình trạng thiếu trứng diễn ra khắp nơi trên toàn cầu do dịch cúm gia cầm và nhu cầu tăng cao", Hiệp hội cho biết.

    Thông tin về yêu cầu của USDA gửi tới các nước châu Âu xuất hiện giữa lúc chính quyền Tổng thống Donald Trump dọa áp thuế quan đối với nhiều quốc gia ở châu lục này.

    Thổ Nhĩ Kỳ đã đồng ý xuất khẩu 15.000 tấn trứng sang Mỹ từ tháng 2 đến tháng 7.

    VnExpress (Theo Newsweek, Guardian, Reuters)

  • Tổng thống Mỹ Donald Trump ra sắc lệnh về việc giải thể Đài Tiếng nói Mỹ (VOA) với hơn 1.300 nhân sự, với cáo buộc 'không đồng điệu với nước Mỹ trong nhiều năm'.

    voa
    Cánh cửa đã khóa tại tòa nhà của VOA ở Washington DC hôm 16.3. ẢNH: REUTERS

    Đài Fox News ngày 17.3 đưa tin Tổng thống Mỹ Donald Trump chỉ đạo giải thể Đài Tiếng nói Mỹ (VOA), cơ quan truyền thông nhà nước mà ông chỉ trích về việc quảng bá những bản tin thiên vị.

    "VOA đã không đồng điệu với nước Mỹ trong nhiều năm", một quan chức Nhà Trắng cho biết và nói thêm rằng VOA đã thúc đẩy tuyên truyền gây chia rẽ trong nhiều năm nay.

    Hôm 14.3, ông Trump ký sắc lệnh chỉ đạo giải thể 7 cơ quan chính phủ, trong đó có Cơ quan Truyền thông toàn cầu Mỹ, cơ quan chủ quản của VOA và RFE.

    "Các thành phần và chức năng phi pháp định của các thực thể chính phủ sau đây sẽ bị loại bỏ ở mức tối đa theo luật hiện hành và các thực thể đó sẽ giảm việc thực hiện các chức năng theo luật định và nhân sự liên quan xuống mức tối thiểu về sự hiện diện và chức năng theo yêu cầu của luật", sắc lệnh nêu rõ.

    Bà Kari Lake, người được ông Trump bổ nhiệm làm giám đốc tiếp theo của VOA vào tháng 12.2024, hiện đang giữ chức cố vấn cấp cao tại Cơ quan Truyền thông toàn cầu Mỹ. Bà đã yêu cầu nhân viên "kiểm tra email" để biết thêm thông tin về tương lai việc làm của họ.

    Tờ Wall Street Journal đưa tin các nhân viên đã nhận được email hôm 15.3 thông báo chi tiết rằng việc làm của họ đã bị chấm dứt, mặc dù chưa rõ có bao nhiêu nhân viên bị ảnh hưởng.

    VOA được thành lập vào Thế chiến 2 để đối phó tuyên truyền của Đức Quốc xã. Giám đốc VOA Mike Abramowitz cho biết ông và hầu như toàn bộ 1.300 nhân viên của đài đã được cho nghỉ phép có lương, theo BBC.

    Theo tờ Politico dẫn lời một nhà báo VOA, một số nhân viên nhận email khi họ đang trên đường đến phòng thu để chuẩn bị cho chương trình buổi sáng 15.3. Nhiều nhà báo phải loay hoay tìm cách lấp đầy thời lượng phát sóng, bằng cách phát lại các chương trình cũ hoặc chỉ đơn giản là phát nhạc.

    Thanhnien (theo Fox News)

  • Một chiếc máy bay đã buộc phải quay trở lại cổng sau khi một hành khách nữ cởi đồ rồi đi lại trước mặt nhiều người.

    Theo Republicworld, một chuyến bay của Southwest Airlines từ Houston đến Phoenix, Mỹ, đã buộc phải quay lại cổng sau khi một người phụ nữ gây ra sự xáo trộn trên máy bay. 

    Sự cố xảy ra khi máy bay đang lăn bánh, thì một nữ hành khách đi đến phía trước khoang và cởi đồ trước mặt những hành khách khác, bao gồm cả trẻ em.

    kt di lai
    Nhiều hành khách đã sốc khi thấy người phụ nữ cởi đồ rồi đi lại trên máy bay.

    Người phụ nữ này cũng hét lớn, quấy rối tiếp viên hàng không và thậm chí đập vào cửa buồng lái. Chuyến bay cuối cùng đã phải quay trở lại cổng, nơi cô bị áp giải ra khỏi máy bay.

    Một đoạn clip ghi lại vụ việc đã lan truyền trên mạng xã hội, trong đó cho thấy cảnh người phụ nữ khỏa thân hét lớn rồi đi lại trên máy bay, phớt lờ những hành khách khác.

    Người phát ngôn của Sở Cảnh sát Houston nói rằng người phụ nữ đã bị bắt giữ sau đó. Cuối cùng, cô được đưa đến bệnh viện để đánh giá y tế. Người phát ngôn xác nhận rằng tại thời điểm này, người phụ nữ sẽ không phải đối mặt với bất kỳ cáo buộc nào.

    Southwest Airlines đã đưa ra tuyên bố xin lỗi vì sự chậm trễ và cảm ơn hành khách đã kiên nhẫn trong khi phi hành đoàn nỗ lực giải quyết tình hình và tiếp tục chuyến bay đến đích.

    Theo Nguoiduatin

  • Tổng thống Mỹ Donald Trump cân nhắc phân phối 5.000 USD cho mỗi hộ gia đình từ số tiền tiết kiệm ngân sách.

    Tổng thống Mỹ Donald Trump đang xem xét một đề xuất mang tên “Cổ tức DOGE”, theo đó một phần ngân sách tiết kiệm được từ chương trình cắt giảm chi tiêu liên bang có thể được phân phối trực tiếp cho người dân.

    Nếu được thông qua, mỗi hộ gia đình Mỹ có thể nhận được khoản tiền khoảng 5.000 USD.

    Ông Trump muốn phân phát nguồn tiền nào?

    Chương trình này được xây dựng dựa trên sáng kiến của Bộ Hiệu suất Chính phủ (DOGE), một cơ quan do chính quyền Trump thành lập nhằm cắt giảm lãng phí và tinh giản bộ máy hành chính. DOGE, do tỷ phú Elon Musk đứng đầu, đặt mục tiêu tiết kiệm 1.000 tỷ USD thông qua việc giảm nhân sự, hủy bỏ các hợp đồng không cần thiết và bán tài sản công.

    Tổng thống Trump hiện đang cân nhắc phương án phân bổ 20% số tiền tiết kiệm được cho người dân Mỹ, và 20% khác để giảm nợ công. Nếu DOGE đạt mức tiết kiệm 2.000 tỷ USD, khoản tiền chia cho người dân sẽ lên tới 400 tỷ USD.

    Ông Trump chưa đưa ra quyết định chính thức nhưng đã thể hiện sự quan tâm đến đề xuất này. Trong một cuộc phỏng vấn gần đây, ông cho biết chính quyền đang nghiên cứu tính khả thi của việc chia tiền trực tiếp từ ngân sách tiết kiệm được. Theo ông, đây là một cách để "đưa chính phủ về tay người dân" và bù đắp phần nào gánh nặng tài chính của các hộ gia đình Mỹ.

    trump chia tien cho dan
    Ông Elon Musk và Tổng thống Mỹ Donald Trump tại phòng Bầu dục, Nhà Trắng.

    Lo ngại về tính khả thi

    Dù ý tưởng này nhận được sự ủng hộ từ một số người, song cũng có những lo ngại về khả năng thực hiện và tác động kinh tế.

    Tính đến nay, DOGE mới tiết kiệm được 55 tỷ USD, con số vẫn còn xa so với mục tiêu 2.000 tỷ USD. Một số chuyên gia kinh tế cho rằng việc đạt được khoản tiết kiệm lớn như vậy là không dễ dàng.

    Trong khi đó, một số nhà kinh tế cảnh báo rằng việc bơm tiền trực tiếp vào nền kinh tế có thể làm gia tăng lạm phát, đặc biệt là trong bối cảnh giá cả vẫn đang ở mức cao.

    Hơn nữa, nếu kế hoạch được triển khai, việc xác định ai đủ điều kiện nhận tiền cũng có thể trở thành một vấn đề gây tranh cãi.

    Nhiều người Mỹ bày tỏ sự quan tâm đến khả năng nhận được khoản hỗ trợ tài chính từ chính phủ. Một số người cho rằng đây là cách hiệu quả để giúp đỡ các gia đình đang gặp khó khăn, trong khi những người khác lo ngại rằng chính sách này có thể làm gia tăng nợ công hoặc tác động tiêu cực đến nền kinh tế.

    Chính quyền Trump dự kiến sẽ tiếp tục xem xét đề xuất này trong thời gian tới. Hiện tại, chưa có thời gian cụ thể cho việc thực hiện “Cổ tức DOGE”, và Tổng thống Trump vẫn đang cân nhắc các yếu tố kinh tế trước khi đưa ra quyết định cuối cùng.

    Dù kế hoạch này có được triển khai hay không, nó vẫn cho thấy một hướng tiếp cận mới của chính quyền Trump trong việc sử dụng nguồn ngân sách tiết kiệm được để hỗ trợ trực tiếp cho người dân Mỹ.

    SaoStar (Nguồn: AP, NYTimes)

  • Bác sĩ tại các bệnh viện ở California cho biết nhiều cơ sở y tế đang đứng trước bờ vực quá tải, khi lượng bệnh nhân cúm tăng cao.

    California đang phải đối mặt với một mùa cúm nghiêm trọng bất thường trong năm khi số ca nhiễm gia tăng. Các chuyên gia lo ngại dịch bệnh có thể kéo dài trong nhiều tuần. Tình hình đặc biệt nghiêm trọng ở khu vực Bay Area.

    Tiến sĩ Peter Chin-Hong, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm tại Đại học California San Francisco (UCSF), gọi 2025 là "năm của cúm ở Bay Area" và nhấn mạnh ca dương tính tràn vào bệnh viện ảnh hưởng đến các khoa cấp cứu. Tại các phòng khám địa phương, hơn 70% xét nghiệm virus đường hô hấp cho kết quả dương tính với cúm, vượt xa tổng số ca RSV, Covid-19 và cảm lạnh thông thường cộng lại.

    "Chúng tôi liên tục nhận được thông báo rằng bệnh viện đã quá tải. Cúm dường như ở khắp mọi nơi", tiến sĩ Chin-Hong nói.

    Theo Sở Y tế Công cộng California, tỷ lệ xét nghiệm cúm dương tính tăng vọt lên 27,8% vào ngày 1/2, trong khi tỷ lệ RSV giảm xuống 5% và Covid-19 giữ ở mức 2,4%. Giới chức California chưa phát hiện ca cúm gia cầm ở người trong báo cáo tuần mới nhất. Tuy nhiên, cả nước có 68 ca dương tính cúm gia cầm. Trước đó, bang cũng ghi nhận 38 ca nhiễm, hầu hết do tiếp xúc với gia cầm hoặc gia súc mắc bệnh.

    Khi số ca nhập viện do cúm ngày càng tăng, đặc biệt ở các nhóm dân dễ tổn thương như người già và trẻ nhỏ, các chuyên gia y tế kêu gọi hành động khẩn cấp.

    "Hãy tiêm vaccine phòng cúm nếu bạn chưa tiêm - vẫn còn thời gian", Chin-Hong nói.

    Mùa cúm thường kéo dài đến tháng 5, song vaccine cần vài tuần mới phát huy hết tác dụng. Việc tiêm chủng có thể giúp ngăn ngừa nguy cơ nhập viện và giảm các triệu chứng. Vaccine hiện có bảo vệ người dùng trước ba chủng cúm, trong đó có hai chủng nặng là H1N1 và H3N2.

    "Covid-19 ảnh hưởng đặc biệt nghiêm trọng đến người già. Tuy nhiên, cúm khiến trẻ em mắc bệnh nặng, thậm chí tử vong", tiến sĩ Chin-Hong nói.

    cum california
    Một người dân được tiêm vaccine phòng bệnh cúm. Ảnh: Christina House

    California đã báo cáo ít nhất 10 ca tử vong do cúm ở trẻ em trong mùa này, bao gồm ba ca ở Quận San Diego.

    Tiến sĩ Ankita Kadakia, cán bộ y tế công cộng lâm thời của Quận San Diego nhận định các ca tử vong do cúm gần đây ở thanh thiếu niên là một "thảm kịch và đáng lo ngại".

    Nguyên nhân khiến Mỹ đối mặt đợt cúm mùa tồi tệ nhất 15 năm qua là khí hậu lạnh kéo dài và làn sóng thứ hai của virus cúm. Làn sóng đầu tiên khởi từ tháng 9. Trong khi đó, tỷ lệ tiêm chủng vẫn ở mức thấp đáng lo ngại. Trên toàn quốc, chỉ 44,5% trẻ em và 46% người lớn đã tiêm vaccine phòng cúm, thấp hơn nhiều so với mức cần thiết để duy trì miễn dịch trong cộng đồng. Các chuyên gia tin rằng, những ảnh hưởng kéo dài từ đại dịch Covid-19, thay đổi trong hành vi và giảm cảm giác cấp bách về phòng ngừa cúm, có thể là nguyên nhân dẫn đến việc giảm tỷ lệ tiêm chủng.

    Để giảm nguy cơ mắc cúm, các bác sĩ khuyến nghị thực hiện biện pháp phòng ngừa đơn giản như rửa tay thường xuyên và đeo khẩu trang ở những nơi đông người, thông gió kém.

    Cúm lây lan qua các giọt nhỏ li ti, được giải phóng khi người nhiễm nói chuyện, hắt hơi, ho hoặc cười. Giọt bắn dễ rơi trên các bề mặt như tay nắm cửa, truyền sang người khác khi họ chạm vào chúng rồi đưa tay lên mặt. Đối với những người có triệu chứng nhiễm cúm, bác sĩ khuyến nghị chủ động tránh tiếp xúc với người khác và đi khám tại bệnh viện.

    Các triệu chứng cúm thường xuất hiện trong vòng một đến 4 ngày sau khi tiếp xúc, lây nhiễm cho người khác trước khi các triệu chứng xuất hiện. Biểu hiện thường gặp bao gồm sốt, ớn lạnh, ho, đau đầu, đau cơ và mệt mỏi. Thời gian lây nhiễm là khoảng một tuần.

    Đối với những người mắc bệnh cúm, tiến sĩ Chin-Hong khuyến nghị sử dụng các loại thuốc kháng virus, chẳng hạn như Tamiflu. Ông lưu ý, chúng hiệu quả nhất nếu được dùng trong vòng 48 giờ đầu tiên xuất hiện triệu chứng.

    Trên toàn quốc, số lượt đến phòng cấp cứu do cúm ở mức cao, các trường hợp RSV vẫn ở mức trung bình và ca mắc Covid-19 ở mức thấp, theo dữ liệu mới nhất từ Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC).

    Kể từ tháng 10, Mỹ đã báo cáo ít nhất 24 triệu người bệnh cúm, tối đa 650.000 ca nhập viện, mức cao nhất kể từ năm 2017, hàng chục nghìn người tử vong. Nhiều nơi trên cả nước ghi nhận mức dịch cúm "cao" hoặc "rất cao". Ít nhất 10 bang tạm thời đóng cửa trường học do bùng phát dịch bệnh.

    VnExpress (Theo San Francisco Chronicle)

  • Tổng thống Trump cuối tuần trước chỉ đạo Bộ Tài chính Mỹ dừng đúc xu 1 cent, do chi phí đúc lớn hơn giá trị đồng tiền và nhiều người dân không thực sự sử dụng chúng.

    "Suốt thời gian dài, Mỹ đã đúc xu 1 cent với chi phí hơn 2 cent. Việc này quá lãng phí! Tôi đã chỉ đạo Bộ trưởng Tài chính dừng sản xuất xu mới. Hãy loại bỏ sự lãng phí ra khỏi ngân sách tuyệt vời của chúng ta, dù chỉ từng cent một", Tổng thống Donald Trump viết trên mạng xã hội Truth Social ngày 9/2.

    Đây không phải lần đầu tiên giới chức Mỹ muốn cải cách đồng 1 cent. Tranh luận xoay quanh việc giữ hay bỏ xu mệnh giá nhỏ nhất đã kéo dài nhiều thập kỷ. Ông Barack Obama khi đương nhiệm năm 2013 cũng bày tỏ ủng hộ loại bỏ đồng xu mệnh giá thấp.

    "Chính phủ không hẳn sẽ tiết kiệm được một khoản lớn, nhưng bất cứ khi nào chúng ta chi nhiều tiền hơn cho thứ mà người dân không thực sự sử dụng, thì điều đó cần điều chỉnh", ông Obama nói.

    loai bo dong cent 1
    em>Các đồng 1 cent được chụp tại New York ngày 10/2. Ảnh: AFP

    Những đồng xu đầu tiên ở Mỹ được đúc năm 1793, do Sở Đúc tiền thuộc Bộ Tài chính phụ trách, một năm sau khi quốc hội thông qua Đạo luật Tiền xu. Đạo luật nhằm chuẩn hóa tiền tệ tại Mỹ, khi đó sử dụng hỗn hợp cả xu trong nước lẫn nước ngoài sau giai đoạn thuộc địa và Chiến tranh Cách mạng.

    Quốc hội Mỹ chọn đúc xu nửa cent và 1 cent bằng đồng, 5 cent, 10 cent, 25 cent, 50 cent và 1 USD bằng bạc. Xu 2,5 USD, 5 USD và 10 USD bằng vàng. Xu nửa cent bị loại bỏ năm 1857, tiếp đó là xu 2,5 USD và 5 USD vào năm 1929. Xu 10 USD bị loại bỏ năm 1933. Năm 2011, phó tổng thống Joe Biden thông báo Mỹ dừng đúc xu 1 USD.

    Theo danh sách của Sở Đúc tiền, Mỹ hiện lưu hành các xu 1 cent (penny), 5 cent (nickel), 10 cent (dime), 25 cent (quarter), 50 cent (half) và 1 USD. Nguyên liệu sản xuất cũng thay đổi theo thời gian.

    Đồng 1 cent ngày xưa lớn hơn và được làm hoàn toàn bằng đồng, trong khi xu ngày nay nhỏ hơn và được làm bằng kẽm mạ đồng. Các đồng xu còn lại được đúc bằng hợp kim đồng nickel.

    Penny là xu có số lượng nhiều nhất. Một bài viết trên New York Times tháng 9/2024 ước tính có khoảng 240 tỷ đồng 1 cent tại Mỹ. Năm 2024, Sở Đúc tiền sản xuất 3,2 tỷ đồng 1 cent, chiếm 57% trong tổng 5,61 tỷ xu đúc ra.

    Nỗ lực bỏ đồng 1 cent đáng chú ý đầu tiên là từ nghị sĩ Cộng hòa bang Arizona Jim Kolbe cuối những năm 1980. Ông Kolbe vận động loại bỏ tiền giấy 1 USD và chuyển sang thành xu 1 USD bằng đồng nhằm hỗ trợ cho ngành khai thác đồng tại bang. Ông theo dõi các thăm dò và nhận thấy có xu hướng ủng hộ bỏ đồng 1 cent nên đã kết hợp hai ý tưởng với nhau.

    Dần dần, việc Kolbe muốn loại bỏ đồng 1 cent không còn liên quan ngành khai thác đồng. "Đó là cải cách hợp lý, giúp chính phủ Mỹ tiết kiệm lượng lớn tiền", ông nói.

    Những năm 1990, Kolbe liên tục trình dự luật loại bỏ đồng 1 cent tại mỗi kỳ họp của quốc hội, nhưng vấp phải sự phản đối, như từ chủ tịch Hạ viện Dennis Hastert, đại diện bang Illinois. Illinois là quê nhà tổng thống Abraham Lincoln, người được in hình trên đồng 1 cent. Các thợ mỏ kẽm và công ty cung ứng phôi đúc cũng không đồng tình.

    Trước khi qua đời năm 2022, Kolbe chia sẻ rằng ông "cảm thấy bối rối" khi cầm thêm một penny mỗi lần rời cửa hàng.

    Theo Cơ quan Nghiên cứu Quốc hội (CRS), nhiều nghị sĩ đã tìm cách dừng đúc đồng 1 cent, loại bỏ xu khỏi lưu thông hoặc giải quyết bài toán chi phí. Năm 2017, nghị sĩ Cộng hòa bang Arizona John McCain đồng soạn thảo dự luật đình chỉ sản xuất đồng 1 cent trong 10 năm và chỉ đạo Văn phòng Kiểm toán Chính phủ nghiên cứu tác động. Tuy nhiên, chưa có biện pháp nào trong số này được triển khai.

    Báo cáo năm 2024 của Sở Đúc tiền cho biết chi phí đúc một đồng 1 cent là hơn 3,69 cent, và tình trạng chi phí vượt mệnh giá này đã kéo dài 19 năm. Báo cáo năm 2014 nhấn mạnh "không có hợp kim thay thế nào có thể giúp giảm chi phí sản xuất đồng 1 cent thấp hơn mệnh giá của nó".

    loai bo dong cent 1
    em>Chi phí sản xuất một số đồng xu ở Mỹ qua các năm. Đồ họa: CNN

    Phe phản đối đồng 1 cent còn có lý do khác để nhắm vào đồng xu này. Họ hy vọng loại bỏ penny sẽ giúp Sở Đúc tiền có thêm nguồn lực dành cho những xu có mức độ lưu hành cao hơn. Penny giờ đây không được sử dụng nhiều, bởi hầu hết giao dịch được thực hiện qua thanh toán điện tử. CapitalOne Shopping Research ước tính 86,9% tổng giao dịch ở Mỹ năm 2024 là phi tiền mặt.

    Ngoài ra, họ còn lo ngại về tác động đến môi trường từ việc đúc đồng 1 cent, do quá trình khai thác, tinh luyện kẽm và đồng phát thải lượng lớn CO2. Một lập luận nữa là khi tính đến lạm phát, penny quá nhỏ để hữu dụng.

    "Giá trị penny giảm đến mức nếu có thu nhập trên mức lương tối thiểu, bạn sẽ mất thêm tiền nếu như chọn dừng lại để nhặt một penny trên vỉa hè", Philip Diehl, giám đốc Sở Đúc tiền dưới thời tổng thống Bill Clinton, nhận định năm 2015. Khi đương chức, ông ủng hộ loại bỏ xu này.

    Một lý do chính phủ Mỹ phải đúc lượng lớn đồng 1 cent mỗi năm là phần lớn chúng không được lưu thông, mà nằm trong các lọ hoặc bị vứt bỏ đâu đó. Nhiều người thường gom đồng 1 cent để đổi lấy xu mệnh giá cao hơn, thường là sang 5 cent.

    loai bo dong cent 1
    em>Bát đựng xu lẻ tại một căn hộ ở New York tháng 11/2020. Ảnh: Reuters

    Trong khi đó, phe ủng hộ cho rằng loại bỏ đồng 1 cent sẽ dẫn đến các giao dịch bị áp thêm thuế, do được làm tròn lên mức gần nhất là 5 cent, khiến người Mỹ tốn thêm chi phí. Một số kinh tế gia lưu ý nhóm người nghèo sẽ chịu tác động chính từ tình trạng này.

    Americans for Common Cents, đại diện cho lợi ích của các nhà sản xuất kẽm, tiền xu và sưu tập, nói kế hoạch dừng đúc đồng 1 cent của chính quyền Tổng thống Trump "có sai sót cơ bản", vì sẽ khiến Sở Đúc tiền thêm tổn thất khi dồn lực sang đồng 5 cent, cũng gặp tình trạng chi phí cao hơn mệnh giá nhiều lần.

    Duy trì penny có lợi cho các quỹ từ thiện, bởi mọi người sẵn sàng quyên góp những xu nhỏ này hơn. Ngoài ra, hoài niệm cũng có thể là một yếu tố.

    "Tôi nghĩ mọi người có cảm xúc gắn liền với những điều quen thuộc", ông Obama nói năm 2013. "Chúng ta nhớ đến lợn đất, ngồi đếm từng penny rồi đổi sang vài USD. Đó có thể là lý do khiến mọi người vẫn ủng hộ penny".

    VnExpress (Theo CNN, NPR, TIME)

  • Theo tin từ đài CBS News, ngày 6-2, Cục Quản lý đường bộ liên bang Mỹ (FHA) đã yêu cầu các bang tạm dừng đầu tư vào hạ tầng trạm sạc xe điện cho đến khi có hướng dẫn mới.

    Đây là một phần trong nỗ lực rộng lớn hơn nhằm thực hiện sắc lệnh được Tổng thống Mỹ Donald Trump ký vào hôm 20-1. Theo đó ông Trump đã chặn hàng tỉ USD tài trợ từ chương trình Công thức cơ sở hạ tầng xe điện quốc gia (NEVI).

    Chương trình NEVI cấp 5 tỉ USD cho các tiểu bang trong vòng 5 năm nhằm đẩy nhanh quá trình đầu tư và xây dựng hệ thống trạm sạc xe điện.

    Theo ước tính, 3,3 tỉ USD từ NEVI đã được phân bổ cho các bang để hoàn trả chi phí các dự án xây dựng trạm sạc trong thời gian qua.

    Chính quyền bối rối

    Hiện yêu cầu của FHA sẽ buộc các dự án xây dựng đang triển khai hoặc đang trong giai đoạn ký hợp đồng dừng ngay lập tức.

    Điều này được cho là sẽ ảnh hưởng đến các bang vẫn còn đang triển khai các dự án, bởi họ sẽ không được hoàn trả số tiền bỏ ra để đầu tư xây dựng các trạm sạc, theo CBS News.

    Trước tình hình này, ông Ryan Gallentine, giám đốc điều hành tại hiệp hội doanh nghiệp Advanced Energy United, kêu gọi cơ quan quản lý giao thông của các bang "tiếp tục thực hiện chương trình này cho đến khi có hướng dẫn mới được hoàn thiện".

    tram sac xe dien
    Một chiếc xe điện đang sạc tại trạm sạc ngoài trời ở bang California (Mỹ) - Ảnh: REUTERS

    Bà Andrew Wishnia, người đã giúp biên soạn chương trình NEVI, cho biết chính quyền ông Trump "không có cơ sở pháp lý" để dừng các kế hoạch đã được phê duyệt và tài trợ.

    Để chặn hoàn toàn đầu tư xây dựng trạm sạc xe điện của các tiểu bang, chính quyền của ông Trump sẽ phải cần đến Quốc hội Mỹ thông qua một đạo luật mới.

    Ảnh hưởng doanh số

    Một số chuyên gia cho rằng dù có NEVI hay không, nhu cầu lớn đối với trạm sạc xe điện sẽ thúc đẩy các công ty tư nhân tự xây dựng.

    "Tôi nghĩ xu hướng này sẽ tiếp tục. Có thể nó sẽ chậm lại trong bốn năm tới... nhưng nó sẽ tiếp tục", ông Bassem Ammouri, giám đốc điều hành tại công ty cung cấp dịch vụ trạm sạc xe điện EV Connect, nhận xét với CBS News.

    Tuy nhiên một số người lo ngại rằng chỉ đạo mới từ chính quyền ông Trump có thể làm trì hoãn quá trình phát triển cơ sở hạ tầng sạc quan trọng cho xe điện.

    Điều này có thể làm gia tăng lo ngại về phạm vi di chuyển đường dài của xe điện, trở thành rào cản tâm lý đối với người lái, từ đó ảnh hưởng đến doanh số bán xe và quá trình chuyển đổi sang xe điện tại Mỹ.

    "Nếu bạn không thể di chuyển thuận tiện từ nơi ở, nơi làm việc hoặc bất kỳ điểm nào trên hành trình của mình, tại sao lại mua xe điện? Điều đó thật vô lý", ông Loren McDonald, nhà phân tích trưởng tại công ty theo dõi dữ liệu sạc xe điện Paren, nhấn mạnh.

    Theo Tuổi Trẻ