• Chín người thiệt mạng đêm 21/6 khi máy bay hai động cơ chở người nhảy dù rơi tại sân bay Dillingham Airfield trên đảo Oahu, Hawaii.

    Theo Hawaii News Now, chiếc máy bay dường như rơi khi cất cánh.

    Giới chức trách tại Sở cứu hỏa Honolulu cho biết những báo cáo ban đầu cho thấy chiếc máy bay rơi vào khoảng 18h30, theo giờ địa phương. Khi lực lượng cứu hỏa tới hiện trường, họ nhìn thấy xác máy bay chìm trong biển lửa.

    Hình ảnh từ hiện trường cho thấy khói bốc lên từ đám cháy có thể nhìn thấy từ cách xa hàng kilomet.

    Khoảng 1 giờ sau khi máy bay gặp nạn, người đứng đầu cơ quan cứu hỏa địa phương có tên Manuel Neves nói với báo giới: “Ngay lúc này, báo cáo ban đầu cho thấy có 9 nạn nhân trên máy bay. Không có ai sống sót”.

    Ông Neves cho biết thêm các thành viên gia đình của những người trên máy bay có mặt dưới mặt đất khi vụ tai nạn xảy ra nên có thể họ đã tận mắt chứng kiến cảnh tượng máy bay rơi.

    “Việc này thật sự khó khăn. Trong sự nghiệp cứu hỏa 40 năm của tôi ở Hawaii, đây là vụ rơi máy bay bi kịch nhất tôi từng chứng kiến”, ông Neves nói.

    Sau khi rơi, chiếc máy bay bốc cháy ngùn ngụt. Ảnh: AP.

    Trên Twitter, Thị trưởng Kirk Caldwell chia sẻ rằng ông đang theo dõi diễn biến vụ rơi máy bay. “Lúc này, tôi dành tâm trí và lời cầu nguyện của mình cho gia đình và bạn bè những nạn nhân”, ông Caldwell viết.

    Theo người phát ngôn Cơ quan Dịch vụ Khẩn cấp Honolulu Shayne Enright, toàn bộ 9 người trên máy bay gặp nạn tử vong tại hiện trường.

    Đây là một trong những vụ rơi máy bay dân sự chết chóc nhất trong lịch sử hiện đại của Hawaii.

    Năm 1994, chín người thiệt mạng khi một chiếc máy bay du lịch cất cánh từ sân bay Hilo đâm vào khu vực địa hình đồi núi ở Haleakala, theo Cơ quan An toàn Giao thông Quốc gia Mỹ (NTSB).

    Trước đó 5 năm, 8 người thiệt mạng khi một chiếc máy bay dịch vụ rơi xuống nước trên đường tới Molokai.

    Gần đây hơn, một phi công cùng bốn hành khách nhảy dù đã thiệt mạng năm 2016 khi chiếc máy bay Cessna 182H rơi tại sân bay Port Allen ở Kauai.

    Viethome (theo Zing)

  • Tất cả 13 người thiệt mạng khi một máy bay tư nhân rơi ở khu vực giữa thành phố Las Vegas (Mỹ) và Monterrey ở miền bắc Mexico, nhà chức trách cho biết hôm 6/5.

    Đống đổ nát của chiếc máy bay được tìm thấy qua camera giám sát trên không ở một vùng núi hẻo lánh, phía bắc Ocampo, bang Coahuila, chính quyền bang cho biết trong một tuyên bố.

    Một bức ảnh được công bố trên truyền hình địa phương Milenio cho thấy những gì còn lại của chiếc máy bay là những mảnh vỡ rải rác trên đất cháy. Chính quyền Coahuila cho biết, theo thông tin ghi nhận trong kế hoạch bay, có 13 người trên máy bay lúc xảy ra tai nạn.

    Thông tin không cho biết có ai sống sót được tìm thấy.

    Truyền thông Mexico đưa tin, các hành khách đã đến xem trận đấu quyền anh giữa võ sĩ người Mexico Saul "Canelo" Alvarez và võ sĩ người Mỹ Daniel Jacobs ở Las Vegas hôm 5/5. Quốc tịch của các nạn nhân chưa được làm rõ.


    Máy bay rơi ở 1 vùng quê của Mexico.


    Hình ảnh 1 chiếc Challenger 601.

    Tuy nhiên thông tin từ chính quyền bang Coahuila, tên họ của ba thành viên phi hành đoàn và 10 hành khách đều là người gốc Tây Ban Nha. Các nạn nhân ở độ tuổi từ 19 đến 57. 

    Theo thông tin từ nhà sản xuất máy bay Bombardier Inc của Canada, đây là chiếc máy bay phản lực Challenger 601 và cho biết chiếc máy bay đã mất tích cách thành phố Monclova phía bắc Mexico 150 hải lý. 


    Danh sách hành khách và phi hành đoàn.

    Bombardier gửi lời chia buồn tới gia đình các nạn nhân. Công ty này cho biết họ đã liên lạc với ban an toàn giao thông của Canada và sẽ làm việc với cơ quan điều tra để giải quyết sự việc.

    Đài truyền hình Mexico Televisa đưa tin máy bay phản lực hai động cơ bị mất liên lạc hôm Chủ nhật. Trước đó, phi công đã thông báo với các kiểm soát viên không lưu vào lúc khoảng 5h20 chiều (giờ địa phương) về việc hạ cánh để tránh bão.


    Các hành khách đi xem trận đấu quyền anh giữa Saul 'Canelo' Alvarez's và Daniel Jacobs, trong đó Saul đã giành chiến thắng.

    Francisco Martinez, một quan chức dịch vụ khẩn cấp ở Coahuila, cho biết điều kiện thời tiết bất lợi có thể là một trong những nguyên nhân gây ra vụ tai nạn.

    Viethome (theo VTC)

  • Chiếc Sukhoi Superjet 100 của Nga gặp trục trặc khi hạ cánh tại sân bay quốc tế Sheremetyevo, ngoại ô Moscow, chiều 5/5 gây ra vụ cháy lớn và khiến ít nhất 41 hành khách tử nạn.


    Hành khách hoảng loạn chạy khỏi máy bay Nga đang bốc cháy. Vụ cháy máy bay chiều 5/5 tại sân bay quốc tế Sheremetyevo, ngoại ô thủ đô Moscow, khiến ít nhất 41 người thiệt mạng. Chiếc máy bay của Aeroflot bị phá hủy hoàn toàn sau vụ cháy.

    Trong số 41 nạn nhân tử nạn trong vụ cháy máy bay Sukhoi Superjet 100 trên đường băng sân bay Sherremetyevo có hai trẻ em, AFP dẫn thông tin từ cơ quan điều tra Nga.

    Trong đoạn video được công bố trên truyền hình Nga, chiếc Sukhoi Superjet 100 đã rung lắc khi hạ cánh, bật bánh trên đường băng trước khi phần hông máy bay bốc cháy dữ dội, theo AP.

    Chiếc Sukhoi Superjet 100 bốc cháy dữ dội trên đường băng sân bay ngoại ô Moscow. Ảnh: AP.

    Chuyến bay số hiệu SU 1492 có 73 hành khách và phi hành đoàn năm người, theo cơ quan quản lý hàng không Nga.

    Svetlana Petrenko, người phát ngôn Ủy ban Điều tra Nga, thông báo chỉ có 37 trong số 78 người có mặt trên chuyến bay của hãng Aeroflot sống sót. Giới chức Nga chưa công bố nguyên nhân chính thức dẫn đến vụ việc thương tâm.

    Xe cứu hỏa nỗ lực tìm cách dập đám cháy. Ảnh: Sputnik. 

    Ủy ban Điều tra thông báo đã tiếp nhận vụ việc và đang cân nhắc khả năng phi công vi phạm các quy chuẩn an toàn hàng không. Một số hành khách sống sót kể máy bay gặp thời tiết xấu và sấm chớp sau khi rời Moscow đi Murmansk.

    "Máy bay bị sét đánh trúng sau khi cất cánh. Nó phải quay về và hạ cánh khẩn cấp. Chúng tôi sợ hãi đến suýt bất tỉnh. Máy bay bật lên như cào cào khi hạ cánh rồi bốc cháy trên đường băng", hành khách Pyotr Egorov trả lời nhật báo Komsomolskaya Pravda.

    Tổng thống Nga Vladimir Putin và Thủ tướng Dmitry Medvedev đều gửi lời chia buồn đến gia đình các nạn nhân, yêu cầu quyết liệt điều tra nguyên nhân thảm kịch của chuyến bay Aeroflot.

    Chính quyền vùng Murmansk, điểm đến dự kiến của chuyến bay SU 1492, cũng thông báo để tang ba ngày cho những nạn nhân thiệt mạng trong thảm họa.

    Dẫn nguồn thạo tin, Interfax cho biết việc sơ tán hành khách trên máy bay bị trì hoãn khi nhiều hành khách nằng nặc đòi lấy hành lý mà không di chuyển nhanh hơn. 

    Những tình tiết mới hé lộ cho thấy việc sơ tán hành khách khỏi chiếc Sukhoi bốc cháy tại Nga chỉ tốn 55 giây. Tuy nhiên, việc triển khai hoạt động sơ tán lại bị chậm trễ do một số khách cố lấy hành lý của mình. 

    Theo News.com.au, một quan chức tại sân bay cho biết "nhiều hành khách đã khiến việc sơ tán bị trì hoãn vì không tuân theo hướng dẫn. Họ vẫn cố lấy hành lý từ ngăn đựng xuống".

    Thông thường, các hướng dẫn an toàn trên máy bay thường cảnh báo hành khách bỏ lại hành lý khi sơ tán khỏi máy bay. 

    Theo CBS News, một số xe cứu hộ đã có mặt tại hiện trường để giúp sơ tán hành khách. Trong đoạn video ghi lại, một số hành khách vẫn còn cầm theo hành lý của mình.

    Tổng thống Putin ra lệnh điều tra kỹ

    Ngày 6-5, Ủy ban điều tra Nga đã khởi tố vụ án hình sự theo khoản 3 điều 263 bộ luật hình sự về "vi phạm quy định an toàn hàng không làm chết từ hai người trở lên" sau vụ máy bay Sukhoi bốc cháy.

    Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev đã yêu cầu thành lập ủy ban quốc gia để điều tra vụ tai nạn này, đồng thời chỉ đạo Bộ trưởng Bộ Y tế Veronika Skvortsovoi hỗ trợ tất cả những gì cần thiết cho các nạn nhân.

    Vụ hỏa hoạn đã gây thiệt hại lớn đối với chiếc máy bay. Nhà chức trách đang tiến hành điều tra nguyên nhân theo nhiều hướng khác nhau, tuy nhiên hiện vẫn còn quá sớm để có thể đưa ra bất kỳ kết luận nào.

    Trước đó, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã gửi lời chia buồn về sự cố máy bay khiến 41 người thiệt mạng cũng như ra lệnh điều tra kỹ nguyên nhân sự việc.

    Thư ký báo chí của tổng thống, ông Dmitry Peskov, ngày 5-5 cho biết: "Tổng thống đã được thông tin về tai nạn. Tổng thống gửi lời chia buồn sâu sắc của ông đến những người đã mất người thân trong vụ tai nạn này".

    Ngoài ra, như Hãng tin TASS của Nga đưa tin, ông Peskov cũng nói thêm rằng Tổng thống Putin đã ra lệnh tiến hành cuộc điều tra kỹ lưỡng nhất nhằm tìm ra nguyên nhân của thảm họa này.

    Hãng tin TASS cho biết theo luật, Nga sẽ mở một cuộc điều tra hình sự sau một vụ tai nạn với các cáo buộc vi phạm quy tắc an toàn bay liên quan đến vụ tai nạn máy bay Sukhoi.

    Trong khi đó Hãng thông tấn Interfax ngày 6-5 dẫn nguồn tin cho biết đến nay các nhà chức trách hàng không Nga vẫn chưa đưa ra quyết định ngừng khai thác các chuyến bay liên quan đến mẫu máy bay Sukhoi Superjet 100 tại Nga.

    Viethome (theo Zing/Tuổi Trẻ)

  • Bakari vẫn tưởng mình bị văng ra ngoài máy bay là do em “tì đầu vào cửa sổ mạnh quá”.

    Người sống sót duy nhất trong vụ tai nạn máy bay năm 2009 ngoài khơi quần đảo Comoros cướp đi sinh mạng của 152 người đã kể lại những phút cuối cùng trước khi máy bay đâm xuống biển trước một tòa án ở Paris.

    Rơi xuống biển trong đêm tối

    Bahia Bakari, năm nay 25 tuổi, nhớ lại thử thách khủng khiếp mà cô phải đối mặt khi còn là một cô bé 12 tuổi. Đêm ấy, chuyến bay có vẻ êm ả cho đến lúc gần hạ cánh. "Đột nhiên tôi cảm thấy một cú điện giật khiến toàn thân tê liệt và cả cơ thể bay lên. Tôi không có cơ hội để phản ứng".

    song chan 1
    Cô bé Bakari là người duy nhất trên chuyến bay Yemenia 626 sống sót

    Cô chỉ trích hãng hàng không Yemen Airways, hiện nay được gọi là Yemenia, vì đã không cử đại diện đến phiên tòa. "Tôi muốn họ lắng nghe chúng tôi, lắng nghe tôi, để cảm thấy mình được tôn trọng", cô nói. Bakari nhớ lại việc cô đã tỉnh lại như thế nào dưới biển, nơi cô bám vào một mảnh vỡ. "Tôi kêu cứu nhưng không thấy ai đáp lại. Lúc đó tôi hoàn toàn đơn độc", Bakari nhớ lại. Cô bé 12 tuổi đã trải qua 10 giờ trên biển trước khi được giải cứu.

    Cô bé hy vọng rằng mẹ cô, người đi cùng chuyến bay, cũng sống sót, để rồi khi đã được đưa vào bệnh viện, cô mới biết là mẹ mình đã ra đi mãi mãi. Cuộc sống với ba đứa em khi mẹ đã mất thật không dễ dàng. Bakari nói: “Tôi biết các em mình cần mẹ nhưng tôi không thể thay thế mẹ”.

    song chan 1
    Bakari nay đã 25 tuổi

    Một số người thân của những nạn nhân vụ tai nạn đã rời phiên tòa với sự xúc động thấy rõ. Trong hai tuần, tòa án đã xem xét liệu nhà điều hành bay của Yemenia có phải chịu trách nhiệm về tội ngộ sát và gây thương tích không chủ ý hay không.

    Các nạn nhân - 65 người trong số này là người Pháp - đã khởi hành từ Paris hoặc Marseilles trước khi hạ cánh xuống thủ đô Sanaa của Yemen để thực hiện chuyến bay nối chuyến tới Comoros, một quần đảo ngoài khơi bờ biển phía đông châu Phi. Ngay trước khi hạ cánh xuống thủ đô Moroni, chiếc máy bay Airbus đã lao xuống Ấn Độ Dương trong điều kiện thời tiết xấu.

    Cơ quan an toàn hàng không dân dụng Pháp (BEA) xác định rằng sai lầm của phi công đã gây ra vụ tai nạn. Một câu hỏi đặt ra là liệu anh ta đã được đào tạo đầy đủ hay do đường băng đã bị chiếu sáng sai cách. Kết luận cuối cùng được đưa ra là các phi công đã thao tác sai dẫn đến việc máy bay bị thất tốc và rơi. Phi công cũng bị cho là đã không phản ứng đầy đủ trước các cảnh báo do hệ thống máy tính của máy bay phát đi.

    Bakari, người tự mô tả mình là "một người Comoros kiêu hãnh", đứng cùng với hơn 250 nguyên đơn, hầu hết đến từ Comoros, trong phòng xử án chật kín người.

    Phiên tòa được truyền hình trực tiếp tại một phòng xử án ở Marseille, quê hương của nhiều nạn nhân vụ tai nạn. Bakari và mẹ rời Paris vào ngày 29/6/2009 để dự đám cưới của ông nội cô ở Comoros, đổi máy bay ở thủ đô Sanaa của Yemen để bay đến Comoros.

    “Đó là một chiếc máy bay nhỏ hơn, có ruồi bên trong và bốc mùi nồng nặc như mùi phòng tắm”, cô nói, nhưng “chuyến bay vẫn diễn ra bình thường”, cho đến khi máy bay bắt đầu hạ cánh. Trong quá trình tiếp cận đường băng vào ban đêm của chuyến bay Yemenia 626 đến Moroni, thủ đô của quần đảo Comoros, nằm giữa Mozambique và Madagascar, chiếc Airbus A310 đã lao xuống Ấn Độ Dương với động cơ đang hoạt động hết công suất.

    Một mình giữa đại dương

    Cô bé 12 tuổi bắn ra ra khỏi máy bay khi nó rơi và thấy mình trôi nổi giữa các mảnh vỡ. Bakari cho biết khi ấy cô không có áo phao và chỉ có kỹ năng bơi lội rất hạn chế, nhưng đã cố gắng bám được vào một mảnh vỡ máy bay. Một đêm trôi qua trước khi cô bé được giải cứu. Bakari sau này kể rằng ban đầu hẳn phải có những người sống sót khác, vì em có thể nghe thấy tiếng của họ sau vụ va chạm nhưng sau đó không còn nghe thấy tiếng người nữa. Sáng hôm sau, Bakari nhận ra em đang một mình trên biển, đã trôi dạt hàng giờ mà không có thức ăn và nước uống. Em đã nhìn thấy một con tàu ở phía chân trời. Nhưng nó quá xa, khó mà phát hiện được Bakari.

    Vì chính phủ Comoros không có tàu riêng, họ đã yêu cầu tất cả các tàu thương mại và tư nhân giúp đỡ trong nỗ lực tìm kiếm và cứu hộ. Vào lúc 11h giờ địa phương, khoảng 9 giờ sau vụ tai nạn, Sima Com 2 - một con tàu thuộc sở hữu tư nhân thường chở hành khách qua lại giữa Comoros và hòn đảo lân cận Madagascar - đã đến địa điểm xảy ra vụ tai nạn và phát hiện ra Bakari, người sống sót duy nhất trong đống đổ nát trôi nổi.

    Ngay khi nhìn thấy Bakari, một thành viên của đội cứu hộ đã ném cho cô một chiếc phao cứu sinh, nhưng cô bé đã quá kiệt sức, không thể với tới phao. Trong khi đó, biển đang có sóng lớn. Rất có thể cô bé sẽ bị nước cuốn đi ngay trước mắt những người cứu hộ. Khi đó, một thủy thủ tên là Maturaffi Sélémane Libounah đã nhảy xuống nước, đưa cho cô bé một thiết bị nổi, sau đó cả hai được kéo lên tàu Sima Com 2 một cách an toàn. Cô bé được phát chăn khô và đồ uống nóng.

    Ibrahim Abdallah, một thủy thủ khác trên tàu Sima Com 2, nhớ lại khoảnh khắc đầy nguy hiểm, mạng sống như ngàn cân treo sợi tóc: “Khi cô bé nhìn thấy chúng tôi đến gần, em buông mảnh vỡ mà mình đã dùng làm phao cứu sinh. Đột nhiên, một con sóng lớn lật cô bé lên và nhấn chìm, cho đến khi em trồi lên vài phút sau đó. Chính vào lúc này, Maturaffi đã nhảy xuống nước để cứu cô bé”.

    Con tàu cập cảng Moroni lúc 19h25 giờ địa phương, nơi Bakari được bàn giao cho cơ quan y tế và đưa đến bệnh viện.

    Ngày hôm sau, Bakari được đưa trở lại Paris trên một chiếc chuyên cơ phản lực Falcon-900 của chính phủ Pháp, đi cùng là Bộ trưởng Hợp tác Alain Joyandet, người gọi sự sống sót của cô bé là "một phép màu thực sự".

    song chan 1
    Một mảnh xác chiếc Airbus A310

    Khi về Paris, cô bé đoàn tụ với cha mình và các thành viên khác trong gia đình, rồi được đưa đến bệnh viện nhi Armand-Trousseau ở phía đông Paris. Các bác sỹ nói cô bé bị gãy xương chậu và xương đòn, bỏng ở đầu gối, chịu nhiều vết cắt, bầm tím và kiệt sức. Một trong những vị khách đầu tiên của cô bé trong bệnh viện là Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy. Ngay sau đó, cô bé được thông báo về cái chết của mẹ mình. Ba tuần sau, Bakari được xuất viện sau khi trải qua quá trình điều trị và phẫu thuật.

    Trong một buổi lễ tưởng niệm các nạn nhân được tổ chức tại Comoros, Tổng thống Ahmed Abdallah Mohamed Sambi đã tuyên bố một tháng quốc tang và vinh danh Maturaffi Sélémane Libounah, thủy thủ đã cứu Bahia Bakari, nói với ông rằng: "Bạn đã cứu mạng người khác trước nguy cơ đánh mất mạng mình".

    Tháng 1/2010, Bakari đã kể lại biến cố đời mình trong một cuốn hồi ký bằng tiếng Pháp, "Moi Bahia, la miraculée" (Tôi là Bahia, cô gái kỳ diệu). Trong cuốn sách, Bakari cung cấp chi tiết về việc cô đã sống sót và được giải cứu ra sao. Cô tiết lộ rằng ngay sau khi máy bay rơi xuống biến, cô bé, khi ấy 12 tuổi, nghĩ rằng mình đã rơi khỏi máy bay do tì trán quá mạnh vào cửa sổ, và mẹ cô bé - người mà Bakari tin rằng đã hạ cánh an toàn xuống sân bay mà không có cô - sẽ mắng cô vì đã không thắt dây an toàn.

    Sau đó, trôi nổi cùng các mảnh vỡ giữa một vũng xăng máy bay trào ra từ các thùng nhiên liệu bị vỡ, cô nhớ lại mình đã cảm thấy mùi xăng trong miệng, trộn lẫn với muối, làm bỏng cổ họng, phổi và dạ dày...

    Bakari viết cô chỉ nhận ra rằng máy bay đã bị rơi và cô là người sống sót duy nhất khi ở trong bệnh viện, cho đến lúc đó cô bé 12 tuổi vẫn tin rằng mình chỉ đơn giản là rơi xuống biển Có tin nói rằng đạo diễn lừng danh của Hollywood Steven Spielberg đã tiếp cận Bakari để đề nghị làm một bộ phim dựa trên cuốn sách của cô, nhưng Bakari đã từ chối.

    Kênh 14 (theo Guardian)