11 thủ đoạn bắt cóc trẻ em thường thấy, hãy dạy ngay cho bé đề phòng

Mỗi năm, có hàng nghìn trẻ em biến mất trên khắp thế giới. Những kẻ bắt cóc là những nhà tâm lý rất giỏi. Chúng có thể dễ dàng xây dựng mối quan hệ, rồi sau sẽ lợi dụng bọn trẻ.

Chúng tôi đã tìm hiểu được 11 thủ đoạn mà những kẻ bắt cóc thường sử dụng để tiếp xúc với trẻ em. Việc biết những hành vi như vậy để tránh và ngăn chặn những vụ bắt cóc là hết sức cần thiết.

Một trong những thủ đoạn phổ biến nhất mà những kẻ bắt cóc sử dụng là nhờ một đứa trẻ giúp đỡ. Nếu bạn chứng kiến tình huống như vậy, nó có thể là dấu hiệu cảnh báo vì những người trưởng thành thường không nhờ một đứa trẻ lạ giúp đỡ! Nếu một người trưởng thành gặp rắc rối nào đó (mất chó, mèo hay không mở được cửa xe, v.v..), họ sẽ luôn nhờ một người lớn giúp đỡ chứ không bao giờ là một đứa trẻ.

Nếu một đứa trẻ đang khóc, la hét hoặc cố gắng vùng tay chạy thoát, có thể bạn sẽ nghĩ đơn giản rằng đứa trẻ đó hư. Nhưng nếu tình huống quá bất bình thường, có lẽ bạn nên đến và hỏi xem mọi thứ có ổn không. Đừng ngại hỏi. Nếu đây là kẻ bắt cóc, chúng có thể sẽ chạy trốn vì bạn đã ghi nhớ khuôn mặt.

Những người đi vòng quanh sân chơi và quan sát trẻ em cũng rất đáng ngờ. Nếu nghi ngờ bạn có thể chụp ảnh và để họ nhận thấy là bạn đang giơ điện thoại lên chụp. Hành động này có thể khiến kẻ bắt cóc co vòi.

Trẻ em rất cởi mở và tin tưởng. Nếu có người bảo muốn tặng bánh kẹo hoặc đồ chơi, nhưng với điều kiện là phải theo họ vào xe ô-tô, chắc chắn đây là một kẻ bắt cóc. Người lớn thường không tặng quà cho trẻ em không quen hay mời lên xe hơi của họ.

Những kẻ bắt cóc có thể biết rất nhiều về gia đình của một đứa trẻ. Sử dụng mạng xã hội, kẻ phạm tội có thể biết được cả những chi tiết nhỏ nhất: tên của người thân hoặc đồng nghiệp của cha mẹ, đồ chơi mà đứa trẻ được tặng trong sinh nhật, phòng ngủ trông như thế nào, v.v.. Sử dụng tất cả những thông tin này, họ có thể tự giới thiệu mình là bạn bè hoặc đồng nghiệp của bố mẹ đứa trẻ. Họ có thể nói rằng mẹ đứa trẻ đang ở trong bệnh viện và đứa trẻ phải đến thăm ngay. Nếu bạn chứng kiến hành vi này, đừng bỏ qua. 90% đây là một vụ bắt cóc.

Đôi khi nhưng kẻ bắt cóc sử dụng những trẻ em khác làm mồi nhử và đưa chúng đến làm quen với nạn nhân. Điều khó khăn là trẻ em không thực sự hiểu “người lạ” có ý định gì. Hầu hết chúng đều nghĩ rằng những người bắt cóc trẻ em trông hung dữ và đeo kính râm. Nhưng thực tế ngay cả phụ nữ xinh đẹp hay trẻ em cũng có thể là những kẻ bắt cóc. Nếu bạn thấy trường hợp khả nghi, hãy tiến đến hỏi xem chúng đã quen bao lâu rồi và chúng định đi đâu.

Nếu bạn thấy một chiếc xe hơi chạy chậm dọc theo đường phố, rồi dừng lại cạnh một đứa trẻ, bạn nên biết rằng đây có thể là một dấu hiệu cảnh báo. Và nếu tài xế nhờ trẻ chỉ hướng hay mời trẻ vào trong xe, đây chắc chắn là một kẻ bắt cóc. Một tài xế bình thường sẽ chỉ nhờ người lớn, cảnh sát hoặc đơn giản là sử dụng GPS.

Đã có trường hợp trẻ em bị bắt cóc sau khi chúng được mời đi thử xe mô-tô. Rất ít bé trai nào có thể kháng cự lại lời mời như vậy. Gặp trường hợp như vậy bạn cần can thiệp ngay.

Những kẻ bắt cóc thường nói với trẻ em rằng họ là nhà sản xuất phim hoặc nhiếp ảnh gia. Thủ đoạn này có tác dụng với trẻ hơn 10-11 tuổi. Những kẻ bắt cóc chiếm được lòng tin của bọn trẻ nhờ nịnh bợ và hứa hẹn danh tiếng cùng thành công.

Thật khó cảnh giác khi những kẻ bắt cóc nói rằng chúng là cảnh sát và yêu cầu đứa trẻ đi cùng họ vì đứa trẻ đã làm điều xấu. Những người mặc đồng phục cảnh sát nhìn đáng tin cậy, ngay cả đối với người lớn. Nhưng bất kỳ cảnh sát thực sự nào cũng sẽ tìm đến bố mẹ đứa trẻ thay vì đứa trẻ. Tuy nhiên, nếu bạn can thiệp có thể lo ngại mình gặp rắc rối, ít nhất bạn hãy chụp lại ảnh chân dung của người đó. Việc này có thể khiến kẻ bắt cóc sợ hãi.

Một điều nữa bạn cần chú ý là khi vẻ ngoài của kẻ bắt cóc và đứa trẻ quá khác biệt nhau. Tất nhiên dấu hiệu này không đúng trong tất cả các trường hợp, nhưng cũng đáng để bạn lưu tâm.

Viethome (theo Brightside)