• ca viet xuat khau 1
    Giám đốc Hợp tác xã Sinh vật cảnh Sài Gòn Nguyễn Văn Thủy và 2 loại cá dĩa (trên), buồm dạ quang xuất khẩu có giá trị cao - Ảnh: CÔNG TRIỆU

    Trong câu chuyện hồi phục kỷ lục của ngành xuất khẩu thủy sản khi thu về 6,7 tỉ USD trong bảy tháng đầu năm có sự đóng góp thầm lặng của những trại cá cảnh. 2/3 trại cá ở Việt Nam đang đặt tại TP.HCM.

    Liên tục lên máy bay

    Tại trại cá cảnh rộng hơn 10.000m2 của Hợp tác xã Sinh vật cảnh Sài Gòn (huyện Củ Chi, TP.HCM), ông Nguyễn Văn Thủy, giám đốc hợp tác xã, cho biết hiện trang trại đang tập trung nuôi chăm và xuất ra thị trường khoảng vài chục loài cá khác nhau.

    Bên cạnh một số loài "cá cỏ" giá trị thấp (chỉ từ vài trăm đồng đến vài ngàn đồng/con) thường thấy như bảy màu, hồng kim, hà lan, trân châu, neon, tứ vân..., trang trại cũng đang sản xuất và ngày ngày cung cấp ra thị trường các dòng cá có giá trị cao như cá dĩa, la hán, ông tiên, ba đuôi...

    Được thành lập từ năm 2013, đến nay hợp tác xã có 33 thành viên. Số lượng công nhân làm việc thường xuyên tại trang trại khoảng 60 - 80 người, hưởng mức lương bình quân 7 - 10 triệu đồng/tháng.

    Ông Thủy cho biết hiện nay bình quân mỗi tháng hợp tác xã đều xuất khẩu khoảng hơn 1 triệu con với đủ chủng loài, doanh thu khoảng 2,5 tỉ đồng.

    Tại khu vực đóng gói, vận chuyện hàng có phần đông đúc, nhộn nhịp hơn. "Manchester 38 thùng, còn Osaka 19 thùng...", một tràng dài các địa chỉ và số lượng hàng cần phải chuẩn bị trong ngày hôm nay được một nhân viên đọc lớn trên loa. Các dòng cá đạt yêu cầu sau khi được tuyển lựa, phân loại tại trại cá sẽ được chuyển đến đây.

    "Đa phần ở đây ngày nào chúng tôi cũng có đơn chuyến xuất đi nước này, nước kia cả. Thị trường lớn thì vẫn phải châu Âu và Mỹ, châu Á thì có Nhật, Hàn, Singapore, rồi UAE, Nam Phi, Ấn Độ... Các nước như Đức, Anh mê cá Việt mình lắm", ông Thủy chia sẻ.

    ca viet xuat khau 1
    Tại một trang trại nuôi cá cảnh xuất khẩu ở TP.HCM - Ảnh: CÔNG TRIỆU

    Nỗ lực tìm đơn hàng mới

    Theo Chi cục Thủy sản TP.HCM, các năm trước xuất khẩu cá cảnh từng đem về 23 - 25 triệu USD, trong hai năm dịch vừa qua dù có giảm nhưng vẫn duy trì ở mức 15 - 17 triệu USD/năm (khoảng 400 tỉ đồng).

    Năm nay dự báo khó khăn, tuy nhiên vẫn có tín hiệu vui khi sáu tháng đầu năm xuất khẩu cá cảnh vẫn thu về 6,5 triệu USD và điều bất ngờ với không ít người là Việt Nam đã vươn lên nằm trong nhóm 20 nước xuất khẩu cá cảnh lớn trên thế giới.

    Để phục hồi doanh thu như trước dịch, các doanh nghiệp xuất khẩu cá cảnh đang phải nỗ lực tìm thị trường mới, chắt chiu từng đơn hàng và mở rộng dòng sản phẩm.

    Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Trịnh Ngọc Hùng, phó giám đốc Công ty cổ phần Sài Gòn Cá Kiểng (huyện Củ Chi, TP.HCM), cho biết đây hiện là thời điểm quan trọng để các trại cá lẫn doanh nghiệp xuất khẩu cá tập trung gom hàng, chuẩn bị cho mùa vụ cao điểm nhất trong năm.

    "Cá trong ba tháng hè thường sẽ ít xuất khẩu vì nghỉ hè người Tây sẽ đi du lịch. Đến cuối tháng 8 dương lịch là cao điểm bởi người dân các nước sẽ mua cá rất nhiều để chơi trong dịp Noel, chơi Tết Dương lịch sắp tới", ông Hùng thông tin.

    Để có những đơn hàng quốc tế ngay thời điểm hậu COVID-19, Công ty cổ phần Sài Gòn Cá Kiểng phải linh động rất nhiều. Thêm tiêu đề tiếng Anh trên website của công ty, ông Hùng chia sẻ công ty không ngại khó ngại khổ tìm đến các nước để chào hàng, tham gia các hội chợ, triển lãm chuyên ngành để giới thiệu sản phẩm.

    Ngành tiềm năng lớn, lợi nhuận cao

    Theo bà Võ Thị Mộng Thu - chi cục trưởng Chi cục Thủy sản TP.HCM, xuất khẩu cá cảnh là một ngành tiềm năng khi có tỉ suất lợi nhuận lớn, đã và đang mang về kim ngạch xuất khẩu hằng năm đáng kể cho ngành thủy sản.

    Thị phần sản xuất cá cảnh tuy không lớn so với cá thịt nhưng có giá trị gia tăng và với linh phụ kiện đi kèm, tạo thành ngành dịch vụ và nông nghiệp đô thị quan trọng.

    "Giá trị xuất khẩu cá cảnh của TP nhìn chung từ năm 2012 đến trước thời điểm dịch COVID-19 đều tăng 16%/năm, xuất khẩu đều khắp các châu lục. Giai đoạn xuất khẩu cá cảnh tốt nhất là năm 2015 - 2016, với tỉ lệ tăng trên 28%/năm. Đến năm 2021, giá trị xuất khẩu lại giảm so với năm 2019 do dịch bệnh", bà Thu cho biết.

    Theo PGS.TS Vũ Cẩm Lương (khoa thủy sản, Trường ĐH Nông lâm TP.HCM), Việt Nam có lợi thế cơ bản khi nằm trong khu vực trung tâm sản xuất cá cảnh nước ngọt nhiệt đới lớn nhất thế giới. Nam Bộ lại có lợi thế về điều kiện tự nhiên.

    Tuy nhiên, ông Lương cho rằng sản xuất cá cảnh ở TP.HCM và các tỉnh phụ cận đa phần ở quy mô nhỏ, thiếu định hướng và chiến lược để cạnh tranh ở tầm khu vực và thế giới. Cần hình thành những công ty quy mô lớn có vai trò dẫn dắt thị trường và tạo đột phá xuất khẩu.

    Ngoài ra, ông Lương cho rằng để phát triển ngành này, cần có kho lưu trữ dữ liệu thông tin về giống loài, kỹ thuật, thị trường để dẫn dắt doanh nghiệp, tạo lợi thế cạnh tranh.

    ca viet xuat khau 1
    Mỗi tháng có hơn 1 triệu con cá được hợp tác xã do ông Nguyễn Văn Thủy làm giám đốc xuất ra năm châu - Ảnh: CÔNG TRIỆU

    Gặp khó vì vận chuyển

    Anh Lâm Diệu Tài, quản lý trang trại cá cảnh chuyên xuất khẩu tại tỉnh Long An, cho biết xuất khẩu cá cảnh đang gặp nhiều khó khăn mà chủ yếu đến từ việc không tìm được chuyến bay và giá cước vận chuyển tăng mạnh.

    Trong hai năm dịch bệnh, chuyện không thể tìm được chuyến bay để gửi hàng ra nước ngoài, cụ thể là khu vực châu Âu và Mỹ, với các công ty như anh Tài là không hiếm.

    "Doanh nghiệp cũng quen với việc đơn xuất kho, thậm chí ra gần tới tàu bay vẫn phải quay đầu về kho và nằm chờ tiếp. Cứ kéo dài thế này thì rất khó vì hiện đơn hàng khá dày mà thị trường sắp sửa vào vụ", anh Tài nói.

    Chi phí vận chuyển tăng cao, mỗi kg hàng gửi đi Mỹ trước năm 2020 chỉ khoảng 4 USD nhưng hiện đã tăng lên gần 16 USD.

    Đặc biệt, việc khan hiếm chuyến bay khiến việc ghép đơn hàng hoàn toàn vắng bóng, thay vào đó doanh nghiệp muốn gửi hàng thì bắt buộc phải mua nguyên kệ (730kg/kệ) cho dù đơn hàng có thể chỉ cần khoảng một nửa số đó.

     

  • Từng một thời khan hiếm, nhưng hiện nay ẩm thực Việt đã hiện diện khắp các con phố lớn. Nhà báo Josh Barrie của tờ Evening Standard đã gặp gỡ người đàn ông tiên phong đưa ẩm thực Việt lên mặt bàn London.

    Cách đây 20 năm ở London, ẩm thực Việt là một cái gì đó rất lạ lẫm. Chỉ những thanh niên đeo ba-lô JanSport và những người am hiểu các quán cafe trên đường Kingsland Road mới biết về những bát phở bốc khói. Cách người Anh phát âm từ "phở" đến giờ vẫn còn là một vấn đề gây tranh cãi. 

    Người London thật sự yêu thích các món ăn Việt Nam. Vào thời điểm đầu thiên niên kỷ, chỉ có một vài nhà hàng Việt tập trung chủ yếu ở phía đông và đông nam London. Nhưng hiện nay rong ruổi bất cứ ngõ ngách nào ở thủ đô, vào bất cứ quán mì chính thống nào, bạn đều có thể bắt gặp phở Việt.

    Chuỗi nhà hàng Pho, có thể được xem là PizzaExpress phong cách Việt, đã có 30 chi nhánh ở UK. Một chuỗi khác là Hop, cũng đã có 4 địa điểm ở UK. 

    Ông Hieu Bui có thể được xem là người tiên phong trong cuộc cách mạng ẩm thực Việt ở London. Ông sinh ra ở Hà Nội, lớn lên ở Sài Gòn. Tại UK này, ông thành lập thương hiệu Kêu và đã có 3 chi nhánh bán bánh mì. Ông còn mở 2 chi nhánh nhà hàng Cây Tre và Viet Grill, cùng một số địa điểm khác sắp ra mắt.

    cay tre 1
    Ảnh: Ông Hieu Bui, người sáng lập Nhà hàng Cây Tre

    Các địa điểm đó là:

    - Banh Mi Kêu (banhmikeu.co.uk W1F, EC1V, EC2M)

    - Nhà hàng Cây Tre (caytrerestaurant.co.uk EC1V, W1D),

    - Nhà hàng Viet Grillở khu thượng lưu (58 Kingsland Road, vietgrillrestaurant.co.uk, E2).

    Ông Bui đã có một hành trình dài trước khi có được những thương hiệu vững vàng như hiện nay. "Khi tôi bắt đầu cách đây 20 năm, hầu hết người ta không phân biệt được món Việt và món Tàu. Chúng tôi có phục vụ một vài món Việt, nhưng hầu hết vẫn phải bán vịt quay, gà quay ăn với tương đen. Bạn phải nấu mấy món mà người ta quen ăn, nếu không họ sẽ không tới", ông kể. 

    Nhà hàng đầu tiên của ông Bui là Cây Tre, khai trương vào năm 2003. Người London đã đón nhận món Việt một cách nhiệt tình và ẩm thực Việt dần tìm được chỗ đứng. 

    "Lúc đó có những hội chợ nơi người chơi sẽ thắng được 5 đồng nếu họ có thể dùng đũa gắp 1 viên kẹo. Ngày này tôi sẽ rất ngạc nhiên nếu ai đó bước vào nhà hàng mà không biết dùng đũa. Thời điểm mới khai trương, tôi phải đặt nĩa lên bàn, thực khách chật vật gặm xương gà và mỡ bụng heo. Đề phòng khách không ăn được nước mắm, tôi luôn chuẩn bị sẵn một loại nước chấm khác thay thế. Giờ đây người ta sẵn sàng cởi mở tiếp nhận cái mới. Họ thích trải nghiệm hơn", ông Bui cho biết. 

    cay tre 1
    Ẩm thực Việt dần tìm được chỗ đứng trên đất Anh.

    Ông Hieu Bui đến Anh quốc vào năm 1999 với tư cách sinh viên. Ông nhanh chóng xin vào làm việc tại nhà hàng Viet Hoa nổi tiếng trên đường Kingsland Road (70-72 Kingsland Road, viethoa.co.uk, E2). Một nhà hàng nổi tiếng khác là Huong Viet (94 Curtain Road, huongvietrestaurant.co.uk, EC2A), lúc đó cũng đang kinh doanh phát triển.

    "Sau khi kết thúc chiến tranh có một làn sóng người Việt Nam di cư. Rồi thêm một đợt di cư khác vào những năm 80. Đa phần họ tập trung ở Deptford. Tôi nghĩ một số người đi theo dạng buôn người".

    Bui phải học cách thích nghi với cuộc sống mới. Khi mới tới Anh, ông chỉ nói được rất ít tiếng Anh và cũng không biết nhiều về bếp núc. Nhưng từ một sinh viên, ông đã luyện tập đứng bếp, rồi trở thành một doanh nhân tháo vát.

    "Tôi từng xem thực đơn của Jamie Oliver tại nhà hàng Fifteen, từ đó xây dựng menu cho nhà hàng của riêng mình. Lúc đó tôi chưa biết lên thực đơn, tôi chỉ biết nấu ăn. Tôi đã định đặt những cái tên như Vietnamese pizza cho món ăn của mình. Tôi nói cháo Việt giống như cháo ngô (polenta). Giờ tôi phục vụ cá nướng Hà Nội ăn với rau thơm và nhiều hương vị truyền thống. Giờ họ quen ăn rồi", ông Bui nói.

    cay tre 1
    Đã qua rồi cái thời người Anh không biết cầm đũa. Ảnh: NIC CRILLY HARGRAVES

    Ông Bui cho biết dù việc kinh doanh ở London đang gặp khó khăn, nhưng ông tin rằng ẩm thực Việt vẫn thắng thế, một phần nhờ vào ngành du lịch phát triển từ những năm 90, một phần khác do người London đang thiên về xu hướng ăn uống chữa lành. "Ẩm thực Việt rất lành mạnh, không chế biến quá nhiều. Người ta quay lại nhiều lần vì họ mê hương vị món Việt. Hương vị truyền thống Việt chính là công thức chiến thắng", ông nói.

    Ông Bui nhắc đến Cafe Mama Pho (24 Evelyn Street, cafemamapho.co.uk, SE8), một nhà hàng món Việt nổi tiếng khác. Ở đây thực khách được phục vụ mực chiên giòn, bánh xèo, gỏi cuốn (món ăn được yêu thích nhất sau phở).

    Các nhà hàng Việt đáng chú ý khác là Sen Viet (119 King's Cross Road, senviet.has.restaurant, WC1X); Viet Garden (207 Liverpool Road, vietgarden.co.uk, N1); nhà hàng Hoa Phuongở Elephant and Castle (Hampton Street, 07832 999573); và Pho Thuy Tay gần đường Old Kent Road (1B Rotherhithe Old Road,  phothuytay.co.uk, SE16). 

    "Thật hạnh phúc khi nhìn thấy sự phát triển của ẩm thực Việt. Tôi tin rằng món Việt sẽ tiếp tục được yêu thích trên đất Anh", ông Hieu Bui chia sẻ.

    Viethome (theo Evening Standard)

  • Chuỗi cà phê Việt cho biết cửa hàng mới khai trương trong tháng này sẽ mang đến trải nghiệm cà phê ‘cực chất’ và ‘thắp sáng nền cà phê Việt Nam’.

    Chuỗi Cộng Cà phê mới đây vừa thông báo kế hoạch khai trương cửa hàng đầu tiên tại Toronto (Canada), đánh dấu thị trường quốc tế thứ ba mà thương hiệu này đặt chân tới sau Hàn Quốc và Malaysia.

    cong caphe 1

    Cửa hàng tại Canada sẽ là chi nhánh thứ 20 của Cộng Cà phê tại thị trường nước ngoài.

    Kể từ khi mở cửa hàng đầu tiên tại xứ sở kim chi vào tháng 7/2018, đến nay Cộng Cà phê đã mở được tới 16 chi nhánh ở Hàn Quốc. Trong đó riêng tỉnh Busan có 6 cửa hàng, Seoul và Geyonggi mỗi nơi có 3 của hàng.

    Tháng 11/2019, Cộng Cà phê khai trương cửa hàng đầu tiên tại Kuala Lumpur, Malaysia. Do dịch bệnh nên kế hoạch mở thêm 3 cửa hàng mới của thương hiệu cafe này đã phải hoãn lại. Hiện tại Cộng cafe đã có 2 cửa hàng vô cùng đông khách tại Malaysia.

    Có thể thấy, thời điểm hiện tại đã có một số chuỗi cà phê Việt Nam thực hiện kế hoạch xuất ngoại, tuy nhiên số lượng cửa hàng chưa đáng kể.

    Chuỗi trà và cà phê Phúc Long, sau khi về tay Masan, đã mở cửa hàng đầu tiên tại Mỹ. Đó cũng là cửa hàng quốc tế duy nhất của Phúc Long tính đến thời điểm hiện tại.

    Chuỗi Trung Nguyên Legend của ông Đặng Lê Nguyên Vũ đã bắt đầu có những động thái phát triển tại nước ngoài từ năm 2022 với khởi đầu là Trung Quốc. Hiện Trung Nguyên Legend có hai cửa hàng tại Thượng Hải. Ông cũng có kế hoạch mở rộng qua hình thức hợp tác đầu tư (nhượng quyền), đặc mục tiêu phát triển 1.000 quán tại khắp các tỉnh thành Trung Quốc. Gần đây nhất, Trung Nguyên Legend Cafe đã khai trương cửa hàng đầu tiên ở Mỹ tại Westminster tại 9039 Đại lộ Bolsa vào ngày 21/9, đánh dấu thị trường tiếp theo mà mô hình cửa hàng Trung Nguyên Legend Cafe đang nhắm tới.

    cong caphe 1

    Thuận lợi và khó khăn trên hành trình "xuất ngoại"

    Thuận lợi đầu tiên là chất lượng của cà phê Việt Nam. Nổi tiếng với hương vị thơm ngon, đặc trưng nên cà phê nước ta được người dân ở các quốc gia trên thế giới yêu thích. Nhiều năm qua, sản lượng cà phê xuất khẩu của Việt Nam luôn đứng hàng đầu thế giới, chủ yếu là sang thị trường châu Âu, Mỹ, Trung Quốc,...

    Ngoài ra, ẩm thực Việt với nhiều món ngon và bổ dưỡng so với các loại fast food khác đang hiện diện trên thị trường. Vì vậy nếu thực đơn có kèm những món như bánh mỳ, phở, bún... sẽ giúp tăng khả năng cạnh tranh với các chuỗi đối thủ và thu hút khách hàng.

    Tuy nhiên, việc điều chỉnh, đáp ứng theo khẩu vị của khách và cạnh tranh với các thương hiệu của người Việt có từ trước đó là điều không dễ dàng.

    Ngoài ra, các chuỗi cà phê Việt Nam còn phải tuân thủ pháp luật cùng hàng loạt các quy định về xuất - nhập khẩu, vệ sinh an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường,...của người dân tại các quốc gia này.

    Theo Nguoiquansat

  • Với giá rẻ nhất 100.000 đồng/tô, một quán hủ tiếu người Hoa có thâm niên hơn 50 năm tuổi ở TP.HCM vẫn hút khách nhờ món hủ tiếu cá bớp độc lạ.

    Đó là quán ăn được truyền qua 3 thế hệ của gia đình anh Trần Vĩnh Thành (46 tuổi) nằm bên hông Bưu điện Chợ Lớn (Q.5, TP.HCM). Với giá mỗi tô hủ tiếu mì dao động từ 100.000 - 150.000 đồng, hoặc hơn tùy nhu cầu, khách vẫn gọi vui đây là "hủ tiếu nhà giàu".

    4 chị em cùng bán

    Sáng cuối tuần, TP.HCM mát mẻ đến lạ. Tôi lấy xe máy chạy đến quán hủ tiếu mì quen thuộc gần nhà, nằm trên đường Nguyễn Thi (Q.5). Đó là quán của gia đình anh Vĩnh Thành.

    hu tieu 100k 1
    Sáng sáng, quán hủ tiếu của gia đình anh Thành đều đặn khách. Ảnh: CAO AN BIÊN

    Lúc nào cũng vậy, vừa đến đây, tôi lập tức phải ghé mắt vào tấm biển hiệu cũ với dòng chữ “Hủ tiếu Lâm Huê Viên”, được viết một cách cổ điển. 6 giờ, quán bắt đầu mở cửa. Khách ghé ăn đều đặn, hết lượt khách này đến lượt khách khác.

    Trong quán, bốn anh chị em gốc Hoa trong gia đình của anh Thành mỗi người một việc, làm nhanh nhất, tỉ mỉ nhất những phần hủ tiếu, mì, bánh canh… mang ra bàn cho khách để không ai phải chờ đợi lâu. Tiếng cười, nói chuyện trong quán nhộn nhịp.

    Tâm sự với tôi, anh Thành cho biết quán ăn của gia đình mình đã được truyền qua ba đời, từ đời của ông bà anh. Quán được mở trước năm 1975, trước còn bán nhiều loại nước bên cạnh các món ăn đặc trưng, truyền thống của người Hoa.

    "Ngoài 20 tuổi, tôi đã bắt đầu phụ bán. Lúc đó, có mẹ tôi bán cùng với các anh chị em. Năm 2021, mẹ mất vì tuổi cao, sức yếu. Nhà tôi có bảy anh chị em, thì có bốn chị em cùng kế thừa quán ăn này, sắp tới chắc là đời thứ tư, vì các cháu trong nhà vẫn ra phụ bán...", anh Trần Vĩnh Thành, chủ quán cho biết.

    hu tieu 100k 1
    Phần hủ tiếu đầy đủ giá 100.000 đồng. Ảnh: CAO AN BIÊN

    hu tieu 100k 1
    Phần hủ tiếu giá 150.000 đồng. Ảnh: CAO AN BIÊN

    Quán ăn được nhiều người biết tới khi bán với mức giá không phải thấp, tô rẻ nhất cũng đã 100.000 đồng. Nói về điều này, bà Trần Vĩnh Diệp (58 tuổi), là chị anh Thành và cũng là chị cả trong gia đình cùng các em điều hành quán cho biết mức giá này là hợp lý.

    Theo đó, mỗi tô hủ tiếu mì thập cẩm sẽ có cật, tim, gan, tôm viên, cá viên, tôm, thịt nạc heo, cá bớp có giá 100.000 đồng.Theo bà Diệp, tất cả những nguyên liệu được quán chọn đều là những nguyên liệu tươi ngon nhất, là “hàng tuyển" được chế biến theo công thức gia truyền của gia đình, nguyên liệu đều được dùng trong ngày… nên mới có giá này. 

    “Tiền nào của nấy”, khi khách ăn, sẽ cảm nhận được điều đó và cũng không phải ngẫu nhiên, quán được khách ủng hộ suốt nhiều đời qua, theo lời bà chủ.

    Có ngon như lời đồn?

    Món khoái khẩu của tôi ở quán này chính là tô mì thập cẩm, có thêm phần cá bớp. Với tôi, hương vị tô mì ở đây xứng đáng đạt điểm 9/10, xứng đáng với giá tiền bỏ ra. Tôi ấn tượng nhất trong tô hủ tiếu mì ở đây là phần tôm sú tươi rói, giòn ngọt.

    hu tieu 100k 1

    hu tieu 100k 1

    hu tieu 100k 1
    Chủ quán tự hào về độ tươi ngon, chất lượng của nguyên liệu. Ảnh: CAO AN BIÊN

    Thêm nữa, miếng cật heo khá lớn, xẻ sọc ca rô, ăn vào giòn mà không có mùi khó chịu, chứng tỏ được chế biến rất khéo, dù cật vốn là nguyên liệu không dễ ăn với tôi. Sự phối hợp giữa nước lèo thanh, ngọt dịu, cùng sợi mì truyền thống bắt miệng và các nguyên liệu tươi ngon kể trên chính là lý do mà tôi là "khách ruột" của quán.

    Anh Hứa Thanh (46 tuổi, ngụ Q.11) cho biết mình và gia đình là khách quen của quán suốt mấy chục năm, anh ăn ở đây từ hồi còn trẻ. Vì thích hương vị hủ tiếu mì ở đây mà hầu như tuần nào anh cũng ghé ít nhất một hoặc hai lần, thường là vào cuối tuần.

    “Mẹ tôi mỗi lần thăm tôi cũng đều kêu tôi mua mì ở đây, mẹ thích ăn. Hôm nay tôi đi mua về cho hai mẹ con cùng ăn sáng. Quán bán từ 6 giờ sáng tới 1 giờ chiều là nghỉ, nên cũng tranh thủ", anh nói, rồi mang hai phần mì thập cẩm về nhà.

    hu tieu 100k 1
    4 chị em trong gia đình anh Thành. Ảnh: CAO AN BIÊN

    Còn chị Như Lê (28 tuổi, ngụ TP.Thủ Đức) cho biết trong một lần vô tình ghé quán ăn hồi 3 năm trước, khi có công việc ghé qua Bưu điện Chợ Lớn, chị đã thích luôn món ở đây.

    Kể từ đó, mỗi lần có dịp sang Q.5, chị đều ghé ủng hộ quán. Vị khách cho biết chị thích nhất là sự phối hợp nguyên liệu cá bớp trong phần hủ tiếu mì, điều mà chị chưa thấy ở những quán khác chị từng ăn qua. Đó cũng là một trong những lý do chị đặc biệt ấn tượng với quán ăn này.

    Qua bao thăng trầm, biến thiên, quán ăn vẫn ở đó trong khu Chợ Lớn, mỗi ngày vẫn mang những phần ăn với công thức nấu được truyền qua nhiều thế hệ trong gia đình gốc Hoa đến với khách.

    Theo Thanh Niên

  • Ngày 13/10, đoàn công tác của tỉnh Hòa Bình do đồng chí Bùi Văn Khánh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh làm trưởng đoàn đã có buổi làm việc với Tập đoàn Longdan. Tiếp và làm việc với đoàn có ông Huỳnh Xuân Long, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Longdan. Đây cũng là hoạt động kết thúc chương trình xúc tiến đầu tư, thương mại của tỉnh Hòa Bình tại Vương quốc Anh.

    sieu thi longdan 1
    Đồng chí Bùi Văn Khánh, Chủ tịch UBND tỉnh và lãnh đạo Tập đoàn Longdan ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác. Ảnh: Tuấn Anh, Trung tâm XTĐTM&DL tỉnh.

    Tập đoàn Longdan là một trong những tập đoàn hàng đầu của người Việt Nam tại Vương quốc Anh trong nhập khẩu hàng Việt Nam phân phối ở Anh và Châu Âu. Longdan đã giúp các nhà xuất khẩu Việt Nam quảng bá và đưa các sản phẩm vào thị trường Vương quốc Anh thông qua chuổi Siêu thị Longdan.

    Đồng chí Bùi Văn Khánh, Chủ tịch UBND tỉnh mong Tập đoàn Longdan sẽ là cầu nối quan trọng, tư vấn, hỗ trợ, giúp đỡ tỉnh Hòa Bình tìm hiểu nắm vững thông tin, quy định mới nhất về an toàn thực phẩm, đóng gói bao bì, quy chuẩn sản phẩm hàng hóa, chiến lược Marketing… để giúp tỉnh xuất khẩu nhiều hơn nữa các nông sản, sản phẩm OCOP vào thị trường Vương quốc Anh, Châu Âu thông qua hệ thống phân phối tại chuỗi siêu thị của Longdan. Mong Tập đoàn Longdan hỗ trợ việc quảng bá, giới thiệu tiềm năng, lợi thế và các cơ hội hợp tác đầu tư tại tỉnh Hòa Bình đến các doanh nghiệp, nhà đầu tư tại Vương quốc Anh và trong khối EU biết, đến nghiên cứu hợp tác đầu tư, tham quan du lịch tại tỉnh Hòa Bình trong tương lai.

    Đại diện Tập đoàn Longdan khẳng định sẽ tiếp tục hỗ trợ tỉnh trong giới thiệu, xuất khẩu các loại hàng hóa, nông sản chất lượng tại thị trường Vương quốc Anh. Đồng thời, đề nghị tỉnh cần quan tâm nâng cao chất lượng, đa dạng hóa các loại nông sản chất lượng cao, mở rộng vùng trồng, cấp mã số vùng trồng, xây dựng thương hiệu cho nông sản để tiếp cận với thị trường Anh quốc và các nước khối EU.

    Trên cơ sở trao đổi, thống nhất, UBND tỉnh và Tập đoàn Longdan đã ký kết bản ghi nhớ chương trình làm việc. Mục tiêu hợp tác: Tỉnh Hòa Bình và Tập đoàn Longdan cam kết xây dựng mối quan hệ hợp tác bền vững, lâu dài, tạo ra lợi ích và cơ hội phát triển cho cả hai bên. Biên bản ghi nhớ nêu rõ: Mục tiêu chung là thúc đẩy thương mại, xuất khẩu các sản phẩm OCOP và sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu của tỉnh Hòa Bình đến thị trường Vương quốc Anh và các thị trường khác hiện nay Tập đoàn Longdan đang kinh doanh và hợp tác.

    Tập đoàn Longdan trong khả năng của mình sẽ hỗ trợ tỉnh Hòa Bình các nội dung: Tư vấn hỗ trợ giúp đỡ tỉnh Hòa Bình và các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, xuất nhập khẩu các thông tin, quy định mới nhất về an toàn thực phẩm, quy cách đóng gói bao bì, quy chuẩn sản phẩm hàng hóa, chiến lược marketing các sản phẩm OCOP và sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu của tỉnh Hòa Bình vào thị trường Vương quốc Anh. Hỗ trợ giúp đỡ tỉnh Hòa Bình đẩy mạnh hơn nữa việc xuất khẩu, tiêu thụ các sản phẩm OCOP và sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu thông qua các doanh nghiệp xuất nhập khẩu vào thị trường Vương quốc Anh nói riêng và thị trường EU nói chung theo đúng quy định của nước sở tại. Hỗ trợ cung cấp thông tin, quảng bá giới thiệu các tiềm năng, lợi thế, cảnh quan thiên nhiên và cơ hội hợp tác đầu tư của tỉnh đến các doanh nghiệp, nhà đầu tư, người dân Vương quốc Anh biết thông qua các tờ rơi, ấn phẩm… do tỉnh cung cấp tại chuỗi siêu thị của Tập đoàn Longdan. Kêu gọi và thực hiện các chương trình từ thiện, an sinh xã hội khác trên địa bàn tỉnh Hòa Bình (nếu có).

    sieu thi longdan 1
    Đoàn công tác của tỉnh thăm quan chuỗi siêu thị của Tập đoàn Longdan tại Vương quốc Anh. Ảnh: Tuấn Anh, Trung tâm XTĐTM&DL tỉnh.

    UBND tỉnh Hòa Bình trong phạm vi quyền hạn của mình và trong khuôn khổ pháp luật của Việt Nam cam kết sẽ thực hiện các nội dung: Chỉ đạo các cơ quan chức năng chuyên môn hướng dẫn các doanh nghiệp, hợp tác xã, người dân sản xuất, chế biến các sản phẩm OCOP và sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu của tỉnh theo các thông tin quy định về an toàn thực phẩm, quy cách đóng gói bao bì, quy chuẩn sản phẩm hàng hóa… theo tiểu chuẩn của Tập đoàn Longdan và đối tác yêu cầu. Cung cấp danh sách các sản phẩm OCOP, sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh Hòa Bình đã xuất khẩu hay có tiềm năng xuất khẩu sang thị trường Châu Âu cùng với mẫu của các sản phẩm này tới Tập đoàn Longdan trong năm 2023 để Tập đoàn đánh giá khả năng cạnh tranh và tư vấn phát triển sản phẩm. Tạo điều kiện thuận lợi để hỗ trợ các doanh nghiệp, doanh nhân xuất nhập khẩu là đối tác của Tập đoàn Longdan giải quyết các thủ tục hành chính liên quan xuất nhập khẩu hàng hóa nhanh chóng, hiệu quả. Giao Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch tỉnh là đầu mối phối hợp cùng các cơ quan liên quan cung cấp các thông tin, hỗ trợ tư vấn, thu xếp các buổi làm việc, đồng hành đi khảo sát thực tế cùng các doanh nghiệp, doanh nhân do Tập đoàn Longdan giới thiệu cùng nghiên cứu, tìm hiểu thêm các sản phẩm hàng hóa của tỉnh Hòa Bình đáp ứng được các điều kiện, tiêu chuẩn của Vương quốc Anh ngoài các khác sản phẩm hiện nay đang được Tập đoàn Longdan nhập khẩu tiêu thụ. Qua đó nhằm đẩy mạnh hơn nữa việc xuất khẩu, tiêu thụ các các sản phẩm hàng hóa có nguồn gốc xuất xứ từ tỉnh Hòa Bình đến thị trường Vương quốc Anh.

    Nhân dịp này, Tập đoàn Longdan đã ký kết hợp đồng xuất khẩu 1 container bưởi diễn với Công ty Cổ phần RYB (Hòa Bình) sang thị trường Anh quốc niên vụ bưởi 2023 tới đây.

    Theo Baohoabinh

  • chi pu ban pho thuong hai 1

    Vào những ngày cuối tháng 9, thông tin quán phở của Chi Pu mở cửa nhận được sự quan tâm của cộng đồng mạng cả trong lẫn ngoài nước. Nhiều fan quốc tế của cô nàng đã tới tận quán ở Thượng Hải để trở thành những vị khách đầu tiên, thậm chí, còn được đích thân giọng ca Anh Ơi Ở Lại phục vụ. Còn tại Việt Nam, dân tình cũng xôn xao không kém bởi cô cũng là một trong những nghệ sĩ hiếm hoi của Việt Nam mở quán ăn ở quốc gia tỉ dân, chọn kinh doanh một món ăn mang đậm dấu ấn quê hương.

    Thế nhưng, với mức giá gần 200.000 VNĐ cho một bát phở đã xảy ra không ít tranh cãi. Với các bình luận của cư dân mạng tại Việt Nam đa phần đều cho rằng quá đắt. Tuy nhiên, việc kinh doanh tại một quốc gia khác sẽ mang đến nhiều sự khác biệt, nên thay vì so sánh với các hàng phở tại Việt Nam thì chúng tôi đã có một cuộc thăm dò và khảo sát từ cư dân mạng tại Trung Quốc, những người đã trực tiếp đến quán phở của Chi Pu thưởng thức để xem họ có nhận xét như thế nào.

    Quán phở được khen có "vị Hà Nội"

    Được biết, hiện tại quán phở của Chi Pu đang trong thời gian chạy thử nên mới chỉ phục vụ một combo bao gồm phở bò, quẩy và trứng chần.

    chi pu ban pho thuong hai 2

    Cảm quan thì thấy phở được đựng trong một bát tô cao, bánh phở trắng, miếng thịt bò được thái to bản, hành lá nhiều. Ngoài quẩy, quán phở của Chi Pu phục vụ thêm cả trứng chần. Chưa kể, khay gia vị cũng được giữ nguyên bản với giấm tỏi, ớt tươi và tương ớt.

    chi pu ban pho thuong hai 2

    chi pu ban pho thuong hai 2

    Một điểm được lòng các tín đồ đam mê phở Việt nữa là giữa rất nhiều hàng phở ở Trung Quốc phục vụ kiểu phở miền Nam thì quán của Chi Pu lại được nấu theo kiểu miền Bắc. Song, phần nước dùng có lẽ cũng đã được thay đổi đi một chút, có thêm mỡ khá nhiều để phù hợp với khẩu vị địa phương.

    chi pu ban pho thuong hai 2

    chi pu ban pho thuong hai 2

    chi pu ban pho thuong hai 2

    Cư dân mạng xứ Trung đã review cực kỳ chi tiết như sau:

    "Mục đích là đi dạo phố và tình cờ đi qua nên ghé vào quán phở mới mở của Chi Pu. Quán đang hoạt động thử nên chỉ phục vụ một suất ăn cố định nhưng rất ngon, phục vụ dễ thương, họ chỉ cho tôi cách ăn và quan tâm xem có hợp với khẩu vị của tôi không".

    "Một suất ăn giá 59 NDT. Có nhiều loại thịt và lượng thịt cũng nhiều. Thêm 2 thìa giấm tỏi ớt và tương ớt vào phở là chuẩn hương vị Việt Nam. Trà sen siêu đặc biệt, uống rất sảng khoái".

    "Tôi đã từng ăn phở ở Hà Nội, Việt Nam và xác nhận rất giống với vị phở ở đó. Nhưng nước dùng của phở bò ở Hà Nội mà tôi ăn ít mỡ hơn và tôi thích ăn trong bát sứ trắng".

    chi pu ban pho thuong hai 2

    chi pu ban pho thuong hai 2

    chi pu ban pho thuong hai 2

    200.000đ cho bát phở có phải là một cái giá quá đắt ở Trung Quốc?

    Theo như một số tài khoản trên Weibo thì họ trả 59 NDT (~200.000 VNĐ) cho combo phở nói trên, còn trà sen sẽ được tính tiền riêng.

    Sau khi có thông tin bát phở ở quán của Chi Pu được bán với giá 200.000 VNĐ, mạng xã hội Việt Nam cũng nổ ra nhiều tranh cãi. Có ý kiến cho biết họ không ngờ một bát phở trông giống như ngày thường vẫn hay ăn lại có giá cao như vậy. Nhiều người thậm chí còn so sánh bát phở ở đây thực chất không thể nhiều bánh phở lẫn thịt như một số hàng phở bò được cho là giá nhỉnh hơn ở Hà Nội.

    Thế nhưng, nếu xét thêm các yếu tố liên quan thì không ít ý kiến cho rằng nếu như chất lượng ổn định và chuẩn vị phở Việt thì đây không phải con số quá lớn. Bởi quán phở của Chi Pu hoạt động ở Thượng Hải - một trong những thành phố đắt đỏ bậc nhất Trung Quốc. Đương nhiên, giá thuê mặt bằng hay các chi phí phát sinh không hề rẻ.

    chi pu ban pho thuong hai 2

    Hơn thế nữa, hãy so sánh với một số quán ăn bán phở và các món đặc sản Việt Nam ở thành phố Thượng Hải. Như chuỗi cà phê Trung Nguyên, trong menu các món phở thì bát phở bò có giá thấp nhất là 68 NDT (~230.000 VNĐ) hay một số cửa hàng như Saigon Mama, La Pho K11... giá bán cũng từ 54 NDT (~182.000 VNĐ) trở lên.

    "Kể cả 300.000 VNĐ thì ở Thượng Hải quá là bình thường nếu ngon. Mình đi Phuket đã ăn bát không ngon mà 200.000 VNĐ".

    "10 năm trước bên này đã ăn đĩa cơm tấm giá 100.000 VNĐ. Nếu so với hàng bình dân ở Việt Nam thì giá vẫn cao, nhưng cảm giác được ăn đặc sản quê hương ở nước ngoài vẫn tuyệt lắm!", một số bình luận của cư dân mạng.

    Dựa vào thông tin trên trang Weibo chính thức thì quán phở tọa lạc trên đường Diên Bình, Thượng Hải, có tên "La Ganh" với logo đơn giản, mở cửa hàng ngày từ 11 giờ sáng đến 21 giờ đêm.

    chi pu ban pho thuong hai 2

    chi pu ban pho thuong hai 2

    chi pu ban pho thuong hai 2

    chi pu ban pho thuong hai 2

    Quán phở tuy có không gian nhỏ nhưng ấm cúng, được trang trí như những quán cà phê ở Thượng Hải.

    Còn bạn nhận thấy món phở của Chi Pu bán tại Thượng Hải như thế nào?

    Trí Thức Trẻ (Ảnh: Weibo, Xiaohongshu)

  • Vietcentric là địa chỉ quen thuộc của những người dân bản xứ yêu mến nền văn hóa và ẩm thực Việt Nam cũng như của những kiều bào xa xứ một lòng hướng về quê hương.

    Thành lập năm 2017, Vietcentric nhằm bảo tồn và lan tỏa văn hóa Việt Nam tới cộng đồng bản địa thông qua ẩm thực, nghệ thuật và kết nối người dân hai nước. Người sáng lập và Giám đốc Vietcentric là Lều Thị Kim Liên, một Việt kiều sống tại Anh hơn 30 năm.

    Chị Liên cho biết Vietcentric được thiết kế để trở thành nơi mọi người có thể kết nối, khám phá và trao đổi những nét đặc sắc của hai nền văn hóa Việt Nam và Anh.

    vietcentric 4

    Ý tưởng thành lập Vietcentric hình thành sau khi mẹ của Lều Thị Kim Liên qua đời năm 2013. Nhiều năm bươn chải nơi đất khách với mong mỏi tạo dựng tương lai tốt đẹp cho các con, chị không có nhiều thời gian dành cho gia đình. Mẹ mất sau một thời gian ngắn lâm trọng bệnh trong khi chị tối ngày vất vả mưu sinh, không có thời gian chăm sóc mẹ cũng như hai con, những đứa trẻ lớn lên như những người bản xứ thực sự với rất ít hiểu biết về cội nguồn. Mất mát lớn khiến chị hiểu ra điều thực sự quan trọng trong cuộc sống: đó là gia đình, truyền thống và mái ấm. Và mái ấm, với chị Kim Liên, là Việt Nam, nơi chôn rau cắt rốn của chị.

    Vậy là Vietcentric ra đời, như sự tri ân của Lều Thị Kim Liên với người mẹ đã khuất, là một nơi để nhắc nhở những người con xa xứ rằng mái ấm Việt Nam đang ở ngay trong lòng nước Anh, đồng thời lan tỏa hình ảnh mái ấm này trong cộng đồng sở tại.

    vietcentric 4

    Nằm tại khu vực Sneinton Market nhộn nhịp thuộc trung tâm thành phố Nottingham ở miền Đông vùng trung du nước Anh, căn nhà hai tầng xinh xắn của Vietcentric được thiết kế giản dị, song mang đậm nét văn hóa Việt với những bức tranh phong cảnh Việt Nam, những chiếc nón lá, áo dài, đèn lồng và đồ gỗ nội thất truyền thống, tạo nên cảm giác thân quen với mọi du khách Việt tới thăm trung tâm văn hóa này.

    Theo chị Lều Thị Kim Liên, căn bếp chính là biểu tượng của mái ấm gia đình, nơi những giây phút hạnh phúc nhất thường gắn với niềm vui được thưởng thức món ăn mẹ nấu. Vì vậy, chị đã chọn ẩm thực như cách để Vietcentric quảng bá tinh hoa văn hóa Việt tại nước Anh.

    Vietcentric giới thiệu nền ẩm thực phong phú, độc đáo của Việt Nam qua những lớp học nấu ăn, nơi học viên học cách sử dụng các gia vị thuần Việt để nấu những món ăn truyền thống và món ăn đường phố nổi tiếng thế giới của Việt Nam như phở, bún bò, bún chả, nem rán, nem cuốn, bánh mì…

    vietcentric 4

    Học viên sẽ thưởng thức bữa ăn do chính tay mình nấu và chia sẻ những trải nghiệm về Việt Nam cùng các giáo viên của trung tâm. Kết thúc lớp học sẽ là tiệc trà nơi học viên được thưởng thức các loại trà truyền thống và tìm hiểu về trà đạo Việt Nam.

    Chị Kim Liên cho biết chương trình dạy nấu ăn của Vietcentric được thiết kế tỉ mỉ tới từng chi tiết, từ nguyên liệu, gia vị chế biến cho tới kỹ thuật nấu, đảm bảo món ăn mang hương vị thuần Việt, giúp học viên hiểu được sự tinh tế của nghệ thuật ẩm thực Việt Nam, ẩn sau đó là nền văn hóa độc đáo của đất nước. Chị đã nghiên cứu, tìm hiểu và tạo ra công thức cho 4 loại gia vị: gia vị phở, gia vị nướng, gia vị hải sản và ngũ vị hương, sử dụng hoàn toàn các nguyên liệu, thảo dược của Việt Nam để giới thiệu trong chương trình nấu ăn như cách để quảng bá nét đặc sắc của nền ẩm thực Việt.

    vietcentric 4

    Các lớp dạy nấu ăn của Vietcentric đã nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của người dân bản địa. Bà Maddy đến từ Nottingham cho biết, vợ chồng bà tham gia một lớp nấu ăn tại Vietcentric vào cuối tuần và đã có một trải nghiệm tuyệt vời. Bà chia sẻ, không chỉ học được cách nấu những món ngon của Việt Nam, vợ chồng bà còn học được nhiều điều về văn hóa và ngôn ngữ Việt Nam, đặc biệt là trà đạo Việt. Bà Maddy cũng rất ấn tượng với những nhân viên của Vietcentric, những người rất nhiệt tình, tận tụy, với kiến thức rộng về văn hóa và ẩm thực vùng miền của Việt Nam.

    Ngoài các lớp dạy nấu ăn, Vietcentric tổ chức các hoạt động văn hóa như lễ hội Trung thu, trình diễn áo dài, biểu diễn nhạc cụ dân tộc, dạy tiếng Việt cho các thế hệ người Việt thứ hai, thứ ba tại Anh.

    Điểm đặc biệt là các thành viên của Vietcentric, gồm các giáo viên nấu ăn, đều là những sinh viên Việt Nam đang theo học tại các trường đại học ở Nottingham.

    Với trình độ tiếng Anh lưu loát và hiểu biết về Việt Nam, cùng sự năng động, nhiệt tình, các sinh viên này là những sứ giả hoàn hảo để lan tỏa các giá trị văn hóa Việt. Chị Kim Liên chia sẻ chị đã đào tạo kỹ năng nấu ăn cho hàng trăm lượt sinh viên để các em có thể truyền lại cho các học viên bản xứ. Họ cũng cũng là những giáo viên lý tưởng để dạy tiếng Việt và truyền bá văn hóa Việt trong các sự kiện văn hóa do Vietcentric tổ chức.

    Chị Kim Liên cho biết đây cũng là một mục tiêu của chị khi thành lập Vietcentric, đó là tạo một sân chơi để thế hệ trẻ Việt Nam thể hiện bản thân và xây dựng hình ảnh con người Việt Nam năng động, thân thiện, giàu tri thức và văn hóa trong con mắt người dân sở tại.

    Vũ Song Hòa, sinh viên thạc sĩ ngành Kế toán - Tài chính tại Đại học Nottingham Trent University, một giáo viên hướng dẫn nấu ăn tại Vietcentric, cho biết trung tâm là mô hình quảng bá văn hóa Việt Nam sáng tạo và hiệu quả, là nơi giúp những người con xa quê hương tìm hiểu về cội nguồn, đồng thời quảng bá văn hóa Việt tới cộng đồng bản xứ. Song Hòa cho biết cô coi Vietcentric là ngôi nhà thứ hai tại Anh, nơi tạo cơ hội cho cô kết nối với những người bạn Việt và giúp cô khám phá bản thân thông qua việc truyền bá những giá trị tốt đẹp của văn hóa Việt Nam tới bạn bè Anh. Hòa mong rằng những mô hình như Vietcentric sẽ nhân rộng trên khắp nước Anh và châu Âu như cách để xây dựng cộng đồng người Việt tại nước ngoài ngày một vững mạnh.

    Là một trung tâm nhỏ hoạt động không vì lợi nhuận, Vietcentric đã góp phần hỗ trợ người Việt sinh ra tại Anh tìm hiểu, duy trì và phát triển văn hóa Việt Nam, cũng như truyền bá văn hóa, kết nối cộng đồng người Việt với cộng đồng bản địa.

    Theo Baoquocte

  • Những món ăn Việt Nam, đặc biệt là bún đậu mắm tôm, được bán tại thành phố New York đã thu hút sự chú ý của nhiều tín đồ ẩm thực.

    "Món ăn Việt Nam thú vị nhất trong thành phố vào thời điểm này đến từ một nhà hàng nhỏ nhưng đặc biệt và chỉ mở vào cuối tuần (từ tối thứ 6 đến Chủ nhật). Rất khó để nói chính xác quán ăn có tên là ‘Mắm’ sẽ mang đến cho bạn món ăn gì. Mùa hè năm ngoái, Jerald Head và vợ, chị Nhung Dao Head, chuyên chế biến món bún đậu mắm tôm - một bữa ăn trưa kiểu Hà Nội gồm đậu phụ tự làm, bún lá, dồi và các món ăn khác chấm với nước mắm tôm lên men với mùi hương mạnh - đã bắt đầu mở quán ăn này.

    Gần đây, họ bắt đầu chuyển sang những món như bún hến. Các món chính được giới thiệu và đặt bàn trước vài ngày, nhưng hãy để ý đến các món khai vị bất ngờ".

    Đây là những lời giới thiệu mà tờ New York Times dành cho quán ăn Việt Nam với vị trí thứ 26 trong bảng xếp hạng top 100 nhà hàng ngon nhất thành phố New York. Sự xuất hiện của nhà hàng Mắm đã khiến nhiều tín đồ món ngon Việt Nam ở Mỹ cảm thấy thích thú.

    bun dau mam tom o my 1
    Bàn ghế được nhập từ Việt Nam.

    Nhà hàng này ra đời sau khi đầu bếp Jerald Head giới thiệu món bún đậu mắm tôm trong thực đơn ở nhà hàng khác có tên "Đi ăn đi" ở Greenpoint, Brooklyn vào năm 2019. Kể từ đó, anh Head và vợ, chị Nhung Dao, đã không ngừng cải thiện chất lượng món ăn và quyết định mở nhà hàng mới có tên Mắm, xuất phát từ cụm "bún đậu mắm tôm".

    "Làm như thế này ổn hơn rất, rất nhiều," anh Head nói.

    Chị Nhung Dao và chồng Jerald Head làm mắm tôm bằng sản phẩm nhập khẩu từ Việt Nam, pha với đường, nước cốt chanh và ớt Thái. Sau đó, món ăn được bày biện theo cách truyền thống, bắt đầu với chiếc lá tre và các thành phần được xếp thành hình tròn. Đậu phụ được làm từ chiếc máy nặng 27kg mà 2 vợ chồng mang về từ Việt Nam còn dồi lợn được làm theo công thức mà Head học từ bố vợ.

    Đĩa bún đậu cơ bản được bán với giá 14 USD (khoảng 320 nghìn VNĐ), nhưng thực khách có thể thêm nhiều đồ ăn kèm tùy thích. Chị Nhung Dao và chồng cũng đang điều chỉnh thực đơn để thêm các món đặc sản khác, chẳng hạn như ốc nhồi, cá nướng nguyên con và một số món nổi tiếng khác. Nhưng hiện tại, món nổi tiếng nhất vẫn là bún đậu. Theo New York Times, phần bún đậu "cao cấp nhất" có giá 35 USD (khoảng 820 nghìn VNĐ) và đủ lớn để chia cho mọi người cùng ăn.

    Điểm đến ưa thích của thực khách

    Trên Instagram của nhà hàng, thực đơn các món ngon liên tục được cập nhật để khách hàng đặt trước. Tới thời điểm hiện tại, các món bún hến, bún riêu ốc chả, cháo lòng, bún bò huế, lẩu gà lá é, ốc bươu... được bán tại quán đều thu hút sự chú ý của thực khách.

    bun dau mam tom o my 1

    bun dau mam tom o my 1

    bun dau mam tom o my 1
    Một số món ăn khác được bán tại quán.

    Rất nhiều người để lại bình luận trong các bài viết, ví dụ nhiều tài khoản đã kêu gọi nhà hàng "Mang món cháo lòng quay trở lại" sau khi nhà hàng ngừng kinh doanh vì đã bán hết.

    Trong bài đăng về bún bò Huế, các bình luận viết: "Đây là món khoái khẩu nhất của tôi" hoặc "Thật tuyệt vời, không thể đợi thêm được nữa".

    bun dau mam tom o my 1
    Một không gian "đậm chất Hà Nội" ngay giữa New York.

    Gần đây nhất, khi các bài viết về quán Mắm được đăng tải trên New York Times, chủ nhà hàng viết:

    "Đối với chúng tôi, tập trung vào từng món ăn Việt Nam là cách chúng tôi bảo vệ chất lượng và nền tảng làm nên ẩm thực Việt. Đây là một chiến thắng cho Việt Nam cũng như cho tất cả chúng tôi. Chúng tôi tự hào là người góp phần đưa ẩm thực và văn hóa Việt vượt qua mọi ranh giới để đến với thế giới".

    Đáp lại thông tin này, các thực khách từng đến ăn nhà hàng đều chúc mừng và khẳng định "Đây là phần thưởng xứng đáng, đồ ăn của các bạn rất tuyệt vời", "Trên cả xứng đáng, xin chúc mừng" hay "Chúng tôi nóng lòng muốn đến ăn thử! Chúng tôi đã đến Việt Nam vào tháng 2 và đã phải lòng đất nước, con người và ẩm thực nơi đây".

    Theo Thể thao & Văn hóa

  • Một chuỗi nhà hàng street food món Việt vừa mở chi nhánh đầu tiên tại Kent. Họ đã chọn một địa điểm vô cùng đắc địa, nơi trước đây là cửa hàng burger 7Bone ở Canterbury. 

    Pho đã lấy lại tòa nhà trên đường Burgate đang để trống gần Nhà thờ, sau khi Nhà hàng burger 7Bone chia tay địa điểm này. Các giấy tờ nộp hội đồng thành phố cho thấy Nhà hàng Pho sẽ có những chỗ ngồi bên trong và bên ngoài, và mở cửa từ 11h sáng đến 11h tối, 7 ngày trong tuần.

    nha hang pho vietnamese street food 1
    Pho có 36 chi nhánh trên toàn quốc, bao gồm 1 chi nhánh ở Battersea, London. Ảnh: Google

    Thông tin lộ ra chỉ vài ngày sau khi 7Bone đột ngột thông báo đóng cửa chi nhánh hồi tháng 3, do "yếu tố ngoài tầm kiểm soát". Hiện Pho đã có mặt và vừa khai trương tại địa chỉ 45 Burgate, Canterbury, Kent, CTI 2HW.

    Pho Vietnamese Street Food được Juliette Wall thành lập vào năm 2005 sau khi bị hấp dẫn bởi món phở trong chuyến đi về VN. Phở là một món súp bao gồm nước dùng, bún gạo, rau thơm và thịt. Phở là món ăn quốc gia mang tầm quốc tế, có nguồn gốc từ đầu những năm 1900. 

    Pho đã hoạt động suốt 18 năm, có chi nhánh tại 36 địa điểm, bao gồm Bristol, Edinburgh, Cardiff và Manchester, chưa kể 9 chi nhánh ở London. 

    Thực đơn của nhà hàng bao gồm món cà ri, miến, mì xào, 9 loại phở khác nhau và các món chay. Đây là chi nhánh đầu tiên của họ ở Kent. 

    Bên cạnh Pho, tháng 9 tới chuỗi nhà hàng món Latin - Las Iguanas - cũng mở cửa tại địa điểm từng là quán Cafe Rouge ở trung tâm thành phố. 

    325644397 844282603318379 8812183132981891514 n

    nha hang pho vietnamese street food 1

    nha hang pho vietnamese street food 1

    nha hang pho vietnamese street food 1

    nha hang pho vietnamese street food 1
    Một số món trong thực đơn của Phở.

    Một số thông tin về Pho:

    - Nước dùng được ninh 12 tiếng trước khi phục vụ thực khách

    - 1/2 thực đơn là món chay

    - Sinh viên được giảm 15% tại một số chi nhánh.

    Địa chỉ: 45 Burgate, Canterbury, Kent, CTI 2HW

    Website: https://www.phocafe.co.uk/

    Ins: https://www.instagram.com/phorestaurant/

    Viethome (theo KentOnline)

  • Chuỗi nhà hàng đường phố món Việt, Hộp Vietnamese, sẽ mở thêm 2 chi nhánh mới ở London và Manchster trong mùa hè này. 

    Chi nhánh đầu tiên nằm ở Bond Street, như vậy chỉ tính riêng khu vực thủ đô, Hộp Vietnamese đã có 3 chi nhánh (ở Moorgate và St Pauls). Ngoài ra tại Trafford Center ở Manchester cũng sẽ có thêm một chi nhánh nữa.

    Hộp Vietnamese đã chứng kiến giai đoạn tăng trưởng khá nhanh sau khi đại dịch kết thúc, từ nay đến cuối năm và sang năm, một số chi nhánh khác cũng đang được cân nhắc. Những địa điểm mới giúp tạo ra 50 việc làm cho người dân địa phương. 

    Hộp Vietnamese là một trong những chuỗi nhà hàng nhanh đầu tiên ứng dụng kĩ thuật số vào năm 2021. Thực khách sẽ giao dịch sử dụng các ki-ốt ảo trong nhà hàng, hoặc bạn có thể gọi món online bằng dịch vụ "click and collect", hoặc đặt hàng qua các app đặt đồ ăn.

    hop nha hang 1

    Việc ứng dụng công nghệ vào gọi món cho phép thực khách trải nghiệm cảm giác cá nhân hóa. Hộp Vietnamese hoàn toàn được số hóa và sẽ hiển thị thời gian chuẩn bị món ăn cũng như thời gian thực khách phải chờ. 

    Hình thức quản lý này giúp tối đa hóa quá trình chuẩn bị và giao món ăn, mục tiêu là mỗi phần ăn đều tươi ngon, nóng sốt và thực khách chỉ mất không tới 3 phút gọi món. 

    Chi nhánh mới đã khai trương tại Trung tâm mua sắm West One Shopping Centre trên đường Bond Street ở London. Và chi nhánh còn lại dự kiến sẽ khai trương tại The Trafford Centre ở Manchester trong tháng 8. Đây cũng là nhà hàng đầu tiên mở cửa 7 ngày/tuần.

    Anh Paul Hopper, người sáng lập Hộp Vietnamese, cho biết: "Chúng tôi vô cùng hạnh phúc khi có thể nhân đôi số lượng cửa hàng trong những tuần tới, trong đó có nhà hàng đầu tiên bên ngoài London. Chúng tôi rất mong ngóng được giới thiệu những món ăn nhanh tươi mới, hấp dẫn đến thực khách ở London và Manchester. Tôi tin rằng hình thức gọi món của Hộp Vietnamese vô cùng thích hợp với những người mua sắm bận rộn muốn tìm một sự thay đổi so với hình thức gọi fast food thông thường trong các trung tâm ăn uống".

    hop nha hang 1

    hop nha hang 1

    hop nha hang 1

    hop nha hang 1

    hop nha hang 1

    hop nha hang 1

    hop nha hang 1

    Địa chỉ:

    - Unit G12, Bond Street, West One Shopping Center, London W1K 5JN. 

    - Kiosk Unit 2, Lower Level, The Orient, The Trafford Centre, Manchester. 

    Cả hai chi nhánh đều cung cấp dịch vụ "click and collect" và giao hàng qua Deliveroo. 

    Instagram Hộp Vietnamese: https://www.instagram.com/hopvietnamese/

    Viethome (theo Manchester Evening News)

  • Ngày 25/7, Sở NN&PTNT tỉnh Hòa Bình phối hợp tổ chức Lễ xuất hàng sản phẩm OCOP 'Tinh bột nghệ và trà chanh đào mật ong' sang Vương quốc Anh, đánh dấu lần đầu tiên tỉnh xuất khẩu các mặt hàng này sang nước bạn.

    Hai sản phẩm OCOP là tinh bột nghệ của công ty TNHH Tinh bột nghệ Nhưng Vần (huyện Lạc Sơn) và trà chanh đào mật ong của hợp tác xã Hà Phong (huyện Cao Phong).

    Tổng số lượng xuất khẩu lần này là 60 thùng, tương đương 1.080 hũ, trọng lượng từ 200-500g/ hũ. Các sản phẩm được đóng thùng theo quy cách đảm bảo tiêu chuẩn xuất khẩu và được vận chuyển sang thị trường Anh bởi CTCP R.Y.B.

    tinh bot nghe nhung van 1
    Sản phẩm trà chanh đào mật ong xuất sang Anh.

    Tại buổi lễ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình Đinh Công Sứ cho biết, lễ xuất hàng sản phẩm OCOP “Tinh bột nghệ và trà chanh đào mật ong” ra thị trường nước ngoài cho thấy các sản phẩm nông sản của Hòa Bình còn rất nhiều tiềm năng và lợi thế. Sản phẩm có khả năng đáp ứng yêu cầu thị trường nội địa và nước ngoài, bao gồm các thị trường khó tính với yêu cầu cao về chất lượng và đảm bảo an toàn thực phẩm nghiêm ngặt.

    Ông Sứ nhấn mạnh, thời gian tới tỉnh Hòa Bình sẽ tiếp tục tăng cường chỉ đạo sản xuất, tạo ra các vùng nguyên liệu đảm bảo chất lượng, đáp ứng quá trình chế biến sản phẩm. Bên cạnh đó, tỉnh sẽ hỗ trợ việc chứng nhận an toàn thực phẩm cho vùng nguyên liệu; hỗ trợ người sản xuất nâng cao chất lượng, mẫu mã bao bì sản phẩm, tem truy xuất nguồn gốc, được tham gia các chương trình xúc tiến thương mại.

    Đồng thời, các sở, ngành, chính quyền địa phương sẽ là cầu nối cho người sản xuất với doanh nghiệp thu mua sản phẩm, để các bên thường xuyên gặp gỡ, trao đổi thông tin, từ đó đáp ứng được các yêu cầu sản phẩm của thị trường. Các sở, ngành, địa phương cũng sẽ nắm bắt kịp thời những vướng mắc, khó khăn của các bên để có những chính sách hỗ trợ, giải quyết, tháo gỡ khó khăn; tiếp tục mời gọi, hỗ trợ doanh nghiệp trong đầu tư và thu mua sản phẩm...

    Liên quan đến sản phẩm OCOP, Giám đốc Sở NN&PTNT Hòa Bình Nguyễn Huy Nhuận cho biết, thời gian qua Sở đã tham mưu trình UBND tỉnh Hòa Bình công nhận cho 123 sản phẩm của 101 chủ thể đạt sản phẩm OCOP từ ba sao trở lên, gồm 24 sản phẩm 4 sao và 99 sản phẩm 3 sao, đa số là sản phẩm thuộc ngành nông nghiệp (96 sản phẩm của 82 chủ thể).

    Qua thời gian thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), các sở, ban, ngành và chính quyền địa phương đã nỗ lực hỗ trợ các cơ sở sản xuất, kinh doanh xây dựng thương hiệu sản phẩm. Chương trình có sự hưởng ứng nhiệt tình của các chủ thể OCOP khi đã không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm, phát huy thế mạnh các sản phẩm đặc thù của địa phương.

    6 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu nông sản tỉnh Hòa Bình đã có nhiều tín hiệu tích cực. Đến nay đã có 20 tấn quả sấu cấp đông được xuất sang thị trường Nhật Bản; 43 tấn rau cải sang thị trường Anh; 6 tấn phở sang châu Âu; 300 tấn mía trắng, mía tím cấp đông sang thị trường các nước Mỹ, Canada, Hàn Quốc, Nhật Bản…; 350 tấn chuối sang thị trường Trung Quốc; 56 tấn măng đã qua chế biến sang các thị trường châu Âu, Nhật Bản; 3.500 tấn sản phẩm chế biến sang thị trường châu Âu, Mỹ, Nhật Bản.

    Theo Mekongasian

  • Trong khuôn khổ Vương quốc Anh gia nhập Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Vương quốc Anh sẽ công nhận các ngành sản xuất của Việt Nam hoạt động theo các điều kiện kinh tế thị trường. Điều này sẽ tạo thuận lợi cho hàng Việt khi xuất khẩu vào thị trường Anh.

    Cụ thể, Bộ Công thương cho biết, khi công nhận Việt Nam hoạt động trên điều kiện kinh tế thị trường, Vương quốc Anh sẽ không áp dụng các quy định bất lợi đối với hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam trong trường hợp tiến hành điều tra các vụ việc phòng vệ thương mại.

    Lý giải quyết định sự việc nêu trên, theo Bộ Công thương, nền kinh tế thị trường là một khái niệm được một số nước sử dụng khi tiến hành điều tra phòng vệ thương mại đối với hàng hóa nhập khẩu từ các nước khác.

    hang hoa viet nam
    Gia công hàng may mặc xuất khẩu tại Bình Định. Ảnh: Hải Anh

    Việc xác định một nước có nền kinh tế thị trường thường dựa trên đánh giá về mức độ can thiệp của nhà nước đối với các quyết định kinh doanh của doanh nghiệp cũng như mức độ kiểm soát và can thiệp của nhà nước đối với các yếu tố sản xuất như vốn, lao động. Một quốc gia có sự can thiệp quá sâu của nhà nước có thể không được xem là một nền kinh tế thị trường.

    Nếu nước xuất khẩu hàng hóa không được coi là một nền kinh tế thị trường, thay vì sử dụng các thông tin về chi phí và giá thành của chính doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu để tính toán biên độ phá giá, nước nhập khẩu sẽ sử dụng các thông tin có tính đại diện của doanh nghiệp một nước thứ ba thay thế được coi là có nền kinh tế thị trường. Hậu quả là biên độ phá giá thường được xác định cao hơn, dẫn đến mức thuế phòng vệ thương mại cũng cao hơn nhiều so với các nước được coi là nền kinh tế thị trường.

    Trong một số trường hợp, mức thuế phòng vệ thương mại đối với các doanh nghiệp đến từ các nước không được coi là nền kinh tế thị trường có thể lên đến trên 100%.

    Tính đến nay, Việt Nam đã được 71 quốc gia và vùng lãnh thổ công nhận là một nền kinh tế thị trường thông qua nhiều hình thức khác nhau, trong đó có nhiều đối tác thương mại quan trọng.

    Được công nhận nền kinh tế thị trường tạo điều kiện cho hàng hóa xuất khẩu được đối xử công bằng hơn, có điều kiện thâm nhập và mở rộng thị trường tốt hơn, hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp ổn định hơn. Môi trường ổn định và minh bạch sẽ thu hút được nguồn vốn đầu tư, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế.

    Theo thoibaotaichinhvietnam

  • tuong ot sriracha 1

    Tương ớt Sriracha (sản xuất tại Mỹ) bán ở Việt Nam giá 165.000 đồng nhưng được bán trên eBay, Amazon 60 USD, tương đương 1,5 triệu đồng, tăng 8 lần so với trước.

    Theo CNN, giá tương ớt Sriracha tại thị trường Mỹ tăng vọt do hạn hán ở miền Bắc Mexico đang khiến ớt jalapeños - nguyên liệu chính của tương ớt Sriracha - khan hiếm. Tương ớt Sriracha là sản phẩm thuộc Công ty Huy Fong Foods (doanh nghiệp Mỹ) của tỷ phú gốc Việt David Tran.

    Ghi nhận trên eBay cho thấy các chai loại gần 500 gram có giá bình quân từ 40 USD (947.000 đồng), trước đây chỉ 5 USD, tức tăng gấp 8 lần. Với loại chai gần 800 gram có giá bình quân gần 60 USD (khoảng 1,5 triệu đồng). Cả hai trường hợp giá sản phẩm chưa tính chi phí vận chuyển. Số lượng hàng có sẵn trên các gian hàng nhỏ ở eBay cũng rất ít, chỉ khoảng 10-20 chai.

    tuong ot sriracha 1
    Giá chai tương ớt Sriracha rao bán trên eBay. Ảnh: Hồng Châu

    Khảo sát tại Việt Nam cho thấy một số đơn vị có bán mặt hàng này với mức giá khá thấp, khoảng 165.000 đồng chai gần 800 gram, còn chai 500 gram là 89.000 đồng.

    Chủ một cửa hàng online trên Shopee cho biết mỗi năm nhập mấy nghìn chai tương ớt loại này để bán tại thị trường Việt Nam. Từ đầu tháng 4 đến nay, Sriracha trở nên đắt đỏ và khan hiếm nên cửa hàng chỉ bán sản phẩm nhập từ đầu năm và không thể lấy thêm nguồn mới.

    "Giá bán hiện tại là giá của lô hàng cũ", chủ cửa hàng nói và cho biết hiện chỉ còn loại 500 gram và 255 gram. Các loại có trọng lượng lớn đã hết hàng.

    tuong ot sriracha 1
    Tương ớt Sriracha bán tại Shopee Việt Nam. Ảnh: Hồng Châu

    Đại diện Huy Fong Food tại California (Mỹ) nói với CNN rằng họ vẫn đang trong tình trạng thiếu nguyên liệu thô.

    "Mùa thu hoạch vừa qua, công ty đã hoạt động liên tục nhưng nguồn cung vẫn hạn chế làm ảnh hưởng đến sản xuất của công ty. Lúc này, chúng tôi không dự đoán được khi nào nguồn cung sẽ tăng lại," người phát ngôn của Huy Fong chia sẻ.

    Theo doanh nghiệp này, tình trạng thiếu hụt nguyên liệu ớt jalapeños đã diễn ra ba năm qua. Năm ngoái, công ty cũng đã tạm dừng các đơn đặt hàng vì không đủ nguồn cung.

    Chia sẻ trên báo Guardian, Stephanie Walker - nhà khoa học về cây trồng tại Đại học bang New Mexico (Mỹ), kiêm cố vấn của Viện ớt Chile cho biết, việc trồng ớt Jalapeños đòi hỏi nhiều công sức. Loại này yêu cầu phải được hái bằng tay trước khi đến bước chế biến.

    Chúng dễ bị hư hỏng trước điều kiện thời tiết khắc nghiệt như hạn hán kéo dài ở miền Bắc Mexico khi nguồn cung là sông Colorado cạn nước. Nguồn cung nước giảm và không có lượng nước tối thiểu cho việc tưới tiêu (nếu trời không mưa), người trồng sẽ không có ớt thu hoạch.

    Có 5 loại ớt phân bố rộng khắp châu Mỹ, từ Mexico đến Bolivia, có độ cay phù hợp cho loại tương ớt này. Tuy nhiên, giống ớt jalapeños có hương vị đặc biệt nhất mà người tiêu dùng ưa chuộng.

    Sriracha của Huy Fong, do David Tran tạo ra từ năm 1980, đã có mặt trên kệ hàng của các nhà bán lẻ lớn như Target và Whole Foods.

    Theo VnExpress

  • Tin từ nước Mỹ báo về: Món bún đậu mắm tôm đã có mặt trên đường phố New York. Hơn thế nữa, quán được xếp hạng hẳn hoi trong bảng "phong thần" của The New York Times.

    bun dau mam tom le duong 1
    Thực khách đang ngồi bên hàng rào công viên Sara D. Roosevelt. Cảnh người Hà Nội đang ăn bún đậu mắm tôm trên... vỉa hè Manhattan? - Ảnh: D.TRƯỜNG

    Quán món bún đậu mắm tôm hạng thứ 26 trong 100 nhà hàng ngon nhất thành phố New York năm 2023! Tiếc là chỉ có mỗi một cái tên Việt này trong danh sách ấy.

    Quán tên chính thức và đầy đủ là... Mắm. Tấm bảng địa chỉ ghi rõ bằng tiếng nước ta: "70 Forsyth, Phố Tàu - Nữu Ước - 10002".

    Cảnh Hà Nội trên phố Manhattan

    Nhìn sang bên kia đường, chính là công viên mang tên một người phụ nữ, mẹ ngài tổng thống Franklin Roosevelt.

    Công viên này xem ra rất hào phóng, dành hẳn một cái vỉa hè khá rộng để cho thực khách của quán được ngồi dọc theo hàng rào mà thưởng thức cái món ăn có thứ nước chấm "có thể gây chia rẽ người trong một nước" - mắm tôm.

    Và thực tế, không ai phải chạy tứ tán vì lý do trật tự lòng lề đường.

    Quán mở một tuần ba bận: chiều thứ sáu (17h - 20h30), xế trưa thứ bảy và chủ nhật (12h - 16h). Quán hẹp. Bề ngang chừng 3m. Số lượng khách tính đúng tính đủ chỉ có thể được 19 người bên trong.

    Hình như người ăn vẫn thích ngồi bên ngoài hơn, chỗ trước quán hay phía bên công viên, để cho cái mùi mắm tôm có thể bay cao, lan xa... Khi gặp cái lạnh của thành phố bờ Đông nước Mỹ này, hương mắm sẽ cô lại, sánh lại, sẽ quyện vào không khí, vào đầu tóc, vào áo quần, vào bàn ghế: ngon hơn chăng?

    Thực khách ngồi bàn nhựa, ghế nhựa, màu xanh và màu đỏ - made in Việt Nam. Ghế cao đặt trong nhà. Ghế thấp để ngoài phố. Lúc này, có khi ghế cao dùng thành bàn. Trên bàn là một cái mâm sắt. Trên cái mâm sắt là một mẹt "bún đậu đặc biệt".

    Nhìn từ xa, đúng là cảnh người Hà Nội đang ngồi ghế đẩu ăn bún đậu mắm tôm trên phố... Manhattan!

    Thực đơn của quán rất... mắm, nghĩa là rất đơn giản. Thức uống có ba loại, là sữa đậu nành, nước sâm và trà quất, cùng giá 6 USD một ly. Không bia không bọt gì cả. Thức ăn có ba món ăn chơi: chả ốc cuốn lá lốt nướng, gỏi nghêu và cà tím nướng chấm trứng lòng đào dầm nước tương, cũng đồng giá mỗi phần 12 USD.

    Tất cả dồn mọi sự chú ý dành cho món chính: một cái mẹt tre lá chuối giá 32 USD (gần 800.000 VND) dành cho một người ăn!

    bun dau mam tom le duong 1
    Một nữ du khách Việt hào hứng bên “bức tường thành tích” của Mắm - Ảnh: D.TRƯỜNG

    Ngon đúng vị - Vị đúng ngon!

    Một ngày cuối tháng 5-2023, chúng tôi bước vào bên trong Mắm.

    Từ cái bàn làm bằng gỗ lướt ván, nhìn lên tường thấy ngay ba cái khung gỗ treo ảnh chụp phóng to mấy trang báo của The New York Times công bố "The 100 Best Restaurants in NYC/ 2023", và bài báo "Keeping You on the Edge of Your Seat" của Pete Wells, viết về Mắm!

    Phía dưới là dãy bàn dài xếp những cái ống đựng đũa bằng nhựa. Và bạn sẽ thấy khắp nơi, tất thảy bát đũa, ly uống nước, bình trà đá... đều từ mang từ Việt Nam sang.

    Liền kề là một dãy kệ, chứa đầy các hũ có dán nhãn với những chữ viết tay: Quế. Hoa hồi. Kỷ tử. Táo đỏ. Thảo quả. Hạt điều. Hạt ngò. Tiêu đen. Tiêu xanh. Nấm mèo. Nấm tuyết. Sấu ngâm. Mắc khén. Lá mắc mật...

    Rồi là những cà phê, muối hột, giấm nuôi, hạt nêm, đường phèn, bột ngọt... Trên cùng, thành dãy thành hàng là những chai mắm tôm đã được nút chặt. Phía dưới là các loại nước tương, nước chấm xứ mình... Và cả những phin cà phê Việt nữa!

    Ngăn phòng ăn với gian bếp là một cái quầy nhỏ. Trên quầy có một bàn thờ vừa có thần tài, vừa có ông địa... Bên trái bàn thờ, trên tường là mấy bức tranh dân gian Đông Hồ...

    Và hôm đó, chúng tôi vừa ăn, vừa được chiêu đãi một trích đoạn cải lương với giọng ca một thời của Minh Cảnh và Phượng Liên từ cái điện thoại của một anh nhân viên "ba trong một" vừa quản lý, vừa làm bếp, vừa bưng bê.

    Mẹt "bún đậu đặc biệt" được dọn ra rất đúng điệu, với bún, đậu rán, chả cốm, lòng nướng, dồi huyết, thịt lợn, rau thơm và mắm tôm.

    Bún, là bún khô được luộc lên, ép sợi bún rối thành bìa, cắt vuông theo kiểu "bún lá" xứ mình. Đậu, là đậu hũ tự làm, từng ngày một - xay hạt, nấu chín, ép thành miếng, với cái máy cũng từ Việt Nam đưa sang.

    Dồi, là lòng rửa sạch, nhồi tiết heo, mỡ heo, và luộc chứ không rán, theo công thức "gia truyền" nhà họ Đào. Chả cốm, cũng là tự làm từ cốm tươi Hà Nội trộn với giò sống và rán lên trong chảo dầu nóng...

    Tất cả nhằm "mang lại hương vị chuẩn Việt nhất", như lời chị Nhung Đào, chủ quán, khẳng định.

    Một cuộc chinh phục ngoạn mục

    Rất nhiều người nước ngoài, đã đến đây và đã "phải lòng" với Mắm. Trên mạng xã hội, bạn sẽ tìm thấy rất nhiều những chia sẻ:

    Anh Richard Burda (231 đánh giá và 2.165 bức hình góp cho Google) đã cho điểm - Thức ăn: 5/5, Phục vụ: 5/5, Không khí: 5/5 kèm dòng nhận xét súc tích: Thức ăn tuyệt vời trong một khung cảnh đậm chất Việt.

    Anh Mike Fung (168 đánh giá, 1.925 bức hình góp cho Google) đã khẳng định: 5/5, sẵn sàng tới lần sau, và nhiều lần sau nữa.

    Chị Silvie (Brooklyn, New York, có 415 đánh giá và 1.021 tấm ảnh góp cho Yelp - một ứng dụng đánh giá về nhà hàng, quán ăn) đã bỏ phiếu cho quán 5 sao, và viết: Mắm là một quán ăn đậm chất Việt một cách điên rồ!

    Chị kể, những người bạn Việt của chị đã nói rằng hương vị mắm tôm này gợi nhớ cho họ về ký ức tuổi thơ.

    Còn dưới đây, là "nhật ký ẩm thực" của anh Nguyên Khang, người đã sinh sống và làm việc 5 năm tại New York, là một khách hàng thân quen của Mắm:

    "Vũ Bằng đã từng viết: "Người sành ăn, người biết ăn ngon cũng thế, ăn một miếng ngon của đất nước thấy bừng lên ở trong lòng một mối hạnh phúc, vì đã được ăn vào trong mình một chút gì đó của đất nước, một tinh túy truyền từ năm, tháng nọ sang tháng, năm kia".

    Không dám nhận là người sành ăn, nhưng những hương vị tưởng chừng rất đơn giản của Mắm, từ đậu rán cho tới thịt luộc, quyện cùng vị mặn nồng của mắm tôm, đi cùng với rau thơm lại gợi lên một tình yêu nồng nàn. Một thứ tình yêu xộc qua cánh mũi, lướt trên đầu lưỡi, và trôi xuống cuống họng...

    Mà không chỉ là hương vị, Mắm làm sống lại "tâm hồn" ta, biến một vùng đất cách xa nơi ta ở hơn vạn cây số trở nên thật gần gũi. Cái cảm giác khi ngồi trên chiếc ghế nhựa làm ta nhớ lại vỉa hè Hà Nội.

    Cơn gió thoảng qua, mang hơi hướm ồn ào và tấp nập nơi phố thị làm ta nhớ tới Sài Gòn. Cái xe Vespa bạn ta đậu trước cửa quán lại càng làm sống dậy hình ảnh thân thuộc trên mọi ngả đường Việt Nam. Những câu nói, con chữ tiếng Việt "bập" vào tai làm ta nhớ tới mâm cơmbên gia đình.

    Dám đòi hỏi cảm giác gì Việt Nam hơn những giây phút ấy?".

    Theo Tuổi Trẻ

  • Giá bán lẻ trái vải không hạt vào Anh đạt 16-18 bảng Anh/kg (khoảng 480.000-540.000 đồng) và cao hơn vải thường từ 3-4 bảng Anh.

    Ngày 16/6, lô vải không hạt đầu tiên của Việt Nam đã ra mắt tại thị trường Anh, trở thành loại quả đặc sản Việt Nam thứ 4, sau bưởi đỏ Tân Lạc, bưởi Diễn Yên Thủy và cam Cao Phong (Hòa Bình), xuất khẩu chính ngạch sang thị trường khó tính này trong năm nay.

    vai khong hat xuat sang anh
    Trái vải không hạt được xuất khẩu vào thị trường Anh.

    Lô vải không hạt nói trên do Công ty Trách nhiệm hữu hạn Nông nghiệp Công nghệ cao Hồ Gươm-Sông Âm trồng tại Ngọc Lặc (Thanh Hóa) và được công ty TT Meridian nhập khẩu vào Anh.

    TT Meridian là doanh nghiệp chuyên phân phối vải thiều và nông sản Việt Nam tại Anh. Ông Thái Trần, Giám đốc điều hành TT Meridian, cho biết mặc dù giá bán lẻ vải không hạt vào khoảng 16-18 bảng Anh/kg (khoảng 480.000-540.000 VND) và cao hơn vải thường từ 3-4 bảng Anh nhưng công ty vẫn quyết định thử nghiệm nhập loại trái cây đặc sản này để đánh giá nhu cầu thị trường, sau khi đã có kết quả kiểm định chất lượng cho thấy sản phẩm có vị ngọt đặc trưng của vải thiều, cùi mọng, giòn và đặc biệt là không có hạt, phù hợp với người tiêu dùng Anh và châu Âu.

    Nếu chất lượng và mức giá của vải không hạt Việt Nam được thị trường Anh đón nhận, công ty TT Meridian sẽ nhập khoảng 1 tấn quả mỗi tuần trong tháng 6 và tháng 7, thời điểm vào mùa vải thiều ở Việt Nam.

    Để giữ chất lượng vải, lô vải không hạt lần này được thu hoạch và đóng gói ở Ngọc Lặc (Thanh Hóa) vào chiều tối ngày 14/6 và giữ lạnh trong 36-48 tiếng. Lô hàng hoàn thành thủ tục kiểm dịch bay tại sân bay Nội Bài và vận chuyển trên chuyến bay thẳng Hà Nội-London của Hãng hàng không Vietnam Airlines đến London chiều ngày 15/6 theo giờ địa phương. Sau đó, hàng được thông quan và về kho của TT Meridian vào sáng 16/6.

    Lô vải không hạt nói trên do Công ty TNHH Nông nghiệp công nghệ cao Hồ Gươm-Sông Âm trồng tại Ngọc Lặc (Thanh Hóa) và được công ty TT Meridian nhập khẩu vào Anh.

    Vải không hạt là giống được nhập khẩu từ nước ngoài, khi chín vải màu đỏ rực, cùi mọng, giòn, vị ngọt đậm đà. Ưu điểm của giống vải này là giảm công chăm sóc, không sâu cuống, bảo quản tốt, đem lại giá trị kinh tế cao. Bắt đầu từ năm thứ 4 cây đã cho thu hoạch.

    Sản phẩm có vị ngọt đặc trưng của vải thiều, cùi mọng, giòn và đặc biệt là không có hạt, phù hợp với người tiêu dùng Anh và châu Âu.

    Theo Cổng thông tin điện tử tỉnh Thanh Hóa, vải không hạt Ngọc Lặc được sản xuất theo quy trình VietGAP, GlobalGAP, đạt chứng chỉ hữu cơ, đủ tiêu chuẩn xuất khẩu đi Nhật Bản, Canada, châu Âu…

    Quả vải chín có màu đỏ rực, cùi giòn, vị ngọt nhẹ, thanh, vỏ quả không bị cháy rám khi gặp nắng và dễ bảo quản.

    Đây là giống vải nhập khẩu từ Nhật Bản, được công ty Trách nhiệm hữu hạn Nông nghiệp Công nghệ cao Hồ Gươm-Sông Âm phối hợp Viện Di truyền Nông nghiệp chọn tạo và trồng thử nghiệm từ năm 2019 tại huyện Ngọc Lặc trên diện tích khoảng 30ha.

    Đây là năm đầu tiên vải được thu hoạch với sản lượng ước đạt hơn 20 tấn.

    Theo Zing

     

  • Ngày 16/6, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thanh Hóa cho biết, 1 tấn vải không hạt được Công ty TNHH Nông nghiệp công nghệ cao Hồ Gươm - Sông Âm trồng thử nghiệm tại huyện miền núi Ngọc Lặc, vừa được xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản và Vương quốc Anh.

    Ngày 16/6, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thanh Hóa cho biết, 1 tấn vải không hạt được Công ty TNHH Nông nghiệp công nghệ cao Hồ Gươm - Sông Âm trồng thử nghiệm tại huyện miền núi Ngọc Lặc, vừa được xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản và Vương quốc Anh.

    thanh hoa xuat khau vai thieu

    Ông Nguyễn Văn Huệ - Giám đốc Công ty TNHH Nông nghiệp công nghệ cao Hồ Gươm - Sông Âm - cho biết, ngày 14/6, công ty vừa hoàn tất các thủ tục xuất khẩu 6 tạ quả vải không hạt sang Nhật Bản và 5 tạ sang Vương quốc Anh bằng đường hàng không. Số quả vải vừa được xuất khẩu được công ty tuyển chọn kỹ theo các tiêu chí vỏ mỏng, căng mọng, không sâu đầu, ăn thơm, ngọt đậm, đưa vào dây chuyền xông hơi khử trùng, rồi đóng hộp xuất khẩu.

    "Vải có thời gian thu hoạch một lần/năm đối với cây từ 4 năm tuổi trở lên. Năm 2023 là năm đầu tiên công ty thu hoạch vải để bán ra thị trường. Ước tính sản lượng thu hoạch khoảng 20 tấn, với giá bán buôn tại vườn là 170.000 đồng/kg. Hiện nay vải không hạt của công ty đã có mặt tại nhiều thị trường lớn trong nước như: Hà Nội, TPHCM…" - ông Nguyễn Văn Huệ cho biết thêm.

    Hiện nay, công ty đã ươm hơn 20.000 cây vải không hạt để ghép giống vải quý dự kiến sẽ tiếp tục nhân rộng trong những năm tới, cung cấp cho người tiêu dùng sản phẩm nông sản chất lượng cao và xuất khẩu đi các nước trên thế giới.

    Việc xuất khẩu hơn 1 tấn vải không hạt đầu tiên sang thị trường Nhật Bản và Vương quốc Anh đã đánh dấu mốc quan trọng của ngành nông nghiệp tỉnh Thanh Hóa, khi cây ăn quả được trồng theo quy trình VietGAP, GlobalGAP, mở ra cơ hội cho trong việc xuất khẩu nhiều sản phẩm nông nghiệp của tỉnh Thanh Hóa trong thời gian tới.

    Theo Tienphong

  • Vương Phạm được xem như một hình tượng trong lòng giới trẻ vì tài năng và tính cách thân thiện của mình. Chàng doanh nhân trẻ này tên đầy đủ là Phạm Đình Quốc Vương, anh sinh năm 1991 tại Củ Chi, TP.HCM. Từ năm 16 tuổi, Vương Phạm đã đặt chân lên đất Mỹ để du học.

    vuong pham 1
    Vương Phạm chia sẻ trong video về việc dẹp tiệm trà sữa. (Ảnh: cắt từ clip NV)

    5 năm sau khi tập tành kinh doanh, Vương Phạm đã bỏ dở việc học, từng hai lần thất bại và bị đuổi về nước. Tuy nhiên, sau những nỗ lực, cố gắng không ngừng nghỉ của mình, đến năm 2019, công ty Marketing của anh chàng đã lọt top 800 doanh nghiệp phát triển nhanh nhất nước Mỹ với doanh thu luôn đạt gần 1 triệu USD/ tháng (khoảng 23 tỷ đồng).

    Hiện tại, Vương Phạm đang sở hữu cho mình một doanh nghiệp với gần 200 nhân viên, đồng thời anh cũng sở hữu nhiều căn nhà triệu đô trên đất Mỹ và một trang trại rộng gần 120 hecta. Đặc biệt, vị triệu phú đô la này còn sở hữu nguyên một sở thú chỉ để “ngắm cho vui”.

    vuong pham 1
    Vương Phạm bên biệt thự triệu đô sang trọng của mình trên đất Mỹ. (Ảnh: FBNV)

    Sở hữu khối tài sản lớn như vậy nhiều người lầm tưởng rằng anh chàng là một ông trùm bất động sản. Thu nhập của anh rất đa dạng từ nhiều nguồn khác nhau. Điều này được anh chia sẻ trên kênh YouTube của mình.

    Mới đây nhất, trong một lần ăn mừng Trâm Tôn - thành viên trong công ty - mở kênh YouTube của riêng mình, Vương Phạm đã hào phóng tặng ngay một chiếc máy quay với đầy đủ các phụ kiện đi kèm. Đặc biệt, khi chia sẻ về lý do “dẹp tiệm trà sữa”, Vương Phạm vui vẻ kể:

    “Trâm bán trà sữa được 1 tháng thì tôi dẹp công ty luôn vì... quá đông khách, bán không nổi. Chiếc xe bán hàng bình thường đậu trong khu vui chơi giải trí bán một ngày được 5 ngàn đô (hơn 100 triệu đồng), còn tôi đậu ở cây xăng cũng bán một ngày được 5 ngàn đô. Nhưng tôi đậu ở cây xăng ngay ngã tư, người ta mua nhiều quá nên bị kẹt xe.

    Trên uỷ ban thành phố xuống nhắc nhở là khách tôi đông quá gây kẹt xe, chủ cây xăng cũng "ngứa mắt" vì khách tôi đông hơn khách họ. Tôi đậu chỗ khác rồi dẹp tiệm luôn".

    vuong pham 1
    Vương Phạm, Khoa Pug và Johnny Đặng đều là những người Việt thành công trên đất Mỹ. (Ảnh: cắt từ clip Khoa Pug)

    Chia sẻ của anh chàng nhanh chóng nhận được phản hồi quan tâm của cộng đồng mạng, netizen đã dành nhiều lời khen ngợi cho cách dẫn dắt câu chuyện đầy thú vị của anh. Đặc biệt, lý do dẹp tiệm của chàng doanh nhân trẻ cũng khiến nhiều người bất ngờ.

    - “Vương Phạm đúng là có năng khiếu dẫn dắt câu chuyện cuốn quá không thể rời đi , chúc mấy anh em đặc biệt Trâm phát triển mạnh mẽ”.

    - “Ta nói ông chia sẻ thất bại mà hài hước, vui vẻ dễ sợ."

    - "Anh Vương Phạm và các anh chị trong công ty đều có tố chất vui vẻ hoạt bát, suy nghĩ tích cực".

    - "Dẹp tiệm vì bán không nổi, khách đông quá... Ôi đúng là suy nghĩ của người giàu."

    Ngoài ra, Vương Phạm cũng tận tình chia sẻ cho nhân viên Trâm Tôn rằng việc làm YouTuber quan trọng nhất vẫn là nội dung, vì thế “làm video càng hay thì sẽ càng đi lên”. Anh cũng không quên khuyên mọi người nên làm YouTube cho vui vì số tiền kiếm được không đáng với những công sức mà mình bỏ ra.

    Khởi nghiệp từ kinh doanh online, Vương Phạm nhận được nhiều sự cảm mến từ ý chí, nghị lực và tích cách thân thiện của mình. Anh luôn xuất hiện với vẻ ngoài giản dị, cách nói chuyện thu hút cùng những chia sẻ chân thành về cuộc sống cá nhân..

    Không chỉ Vương Phạm, cộng đồng người Việt thành công trên đất Mỹ không phải là hiếm, nổi bật nhất trong số đó ta phải kể đến như ông vua kim hoàn Johnny Đặng, giáo sư toán học Ngô Bảo Châu, tỷ phú Hoàng Kiều, YouTuber Khoa Pug,… Thế mới thấy người Việt mình thật ưu tú phải không nào!

    Theo YAN

  • Một nhà hàng Ấn Độ ở Essex đã không chút nhượng bộ khi bị thực khách đánh giá 1 sao. 

    nha hang an do
    Nhà hàng Garden of India đã "ăn miếng trả miếng" khi bị đánh giá 1 sao. Ảnh: Google Maps

    Một nhà hàng Ấn Độ nổi tiếng ở Harlow (tây Essex) đã mắng nhiếc thậm tệ vị khách để lại đánh giá 1 sao trên mạng. Nhà hàng Garden of India tọa lạc tại Trung tâm thương mại House Bush Fair ở Harlow đã phản ứng gay gắt trước nhận xét của thực khách.

    Theo trang web xếp hạng TripAdvisor, nhà hàng Garden of India được xếp thứ 4 trong top các nhà hàng ở Harlow với tổng điểm 4.5 trên 5 sao, dựa trên 400 nhận xét.

    Nhưng gần đây một thực khách đã không hài lòng khi đến ăn tại nhà hàng này. Vị khách này chấm điểm 1 sao và để lại đánh giá: "Khăn trải bàn bẩn thỉu, thức ăn dở ẹt, bầu không khí tệ hại, mở nhạc rap điếc tai".

    Thay vì tiếp thu và rút kinh nghiệm, nhà hàng này lại tỏ ra vô cùng tức giận và phản pháo lại từng ý kiến chỉ trích của khách hàng. Nguyên văn nhà hàng đáp trả: 

    " - Khăn bàn bẩn: Bạn than phiền khăn trải bàn bẩn thỉu, thực tế là bạn đã trét bẩn cái khăn.

    - Thức ăn dở: Vậy sao bạn lại cố liếm sạch cái đĩa thế?

    - Bầu không khí tệ hại: Bầu không khí đã phản ánh chính con người bạn. Nếu bạn vui vẻ thoải mái thì bữa tối của bạn đã ngon miệng rồi.

    - Nhạc rap điếc tai: Thế sao bạn không bảo chúng tôi mở nhạc Whitney Houston? Nhắn thêm là... I will always love you".

    Garden of India mô tả bản thân là một "nhà hàng Ấn lý tưởng cho buổi tối thứ giãn và bữa trưa tươm tất". Trên Tripadvisor chủ yếu đều là đánh giá tốt về nhà hàng này. Một thực khách nói nhà hàng "là nơi nhất định phải đến". Người khác cho biết thức ăn được nấu chín vừa miệng và giá cả phải chăng. 

    Một nhận xét chi tiết vào tháng 11/2022 ghi: "Thật tuyệt vời. Dịch vụ hoàn hảo, thức ăn hảo hạng, nhân viên nhiệt tình, đây là một trải nghiệm không thể nào quên. Nhân viên rất chu đáo, phục vụ nhanh và chắc chắn chúng tôi sẽ quay lại. Cả gia đình tôi đều nhất trí rằng đây là nhà hàng tốt nhất ở Harlow và thức ăn vô cùng xuất sắc. Cảm ơn tất cả những nhân viên đã phục vụ chúng tôi tối nay. Chúng tôi rất háo hức muốn quay lại".

    Viethome (theo EssexLive)

  • Một tấn vải u hồng Việt Nam (vải chín sớm) vừa được Công ty TT Meridian nhập khẩu vào Anh, trở thành lô vải xuất chính ngạch đầu tiên của Việt Nam đến Anh trong năm nay.

    vai u hong nhap khau anh quoc
    Vải u hồng với thương hiệu nhận diện cờ Việt Nam. (Nguồn: TTXVN)

    Ông Thái Trần, Giám đốc điều hành Công ty TT Meridian, doanh nghiệp chuyên phân phối vải thiều và nông sản Việt Nam tại Anh cho biết, năm nay, công ty lần đầu tiên nhập vải u hồng nhằm tận dụng lợi thế của giống vải này là chín sớm hơn vải thiều khoảng 1 tháng để cạnh tranh với vải Mexico và Trung Quốc hiện có bán tại thị trường Anh.

    Lô vải u hồng sẽ được phân phối cho các siêu thị châu Á và bản địa. Dự kiến, mỗi tuần công ty sẽ nhập từ 3-5 tấn vải sang Anh tùy theo nhu cầu tiêu thụ.

    Theo ông Thái, TT Meridian nhập khẩu vải u hồng trước khi vải Mexico và Trung Quốc được thu hoạch và nhập khẩu sang Anh nhằm khai thác thị thường sớm, tạo cơ hội để vải Việt Nam với chất lượng tốt, vị ngọt và thơm, tiếp cận và chinh phục người tiêu dùng tại Anh.

    Đặc biệt, sản phẩm vải u hồng phân phối tại thị trường Anh năm nay có bao bì mang hình ảnh cờ đỏ sao vàng Việt Nam nhằm giúp người tiêu dùng Anh nhận diện thương hiệu quốc gia, tạo ấn tượng trái vải là một đặc sản riêng của Việt Nam.

    Ông Thái chia sẻ: "Bắt đầu từ năm nay, TT Meridian sẽ sử dụng bao bì sản phẩm Việt Nam phân phối tại Anh với hình ảnh cờ đỏ sao vàng nhằm xây dựng và quảng bá thương hiệu Việt Nam như một nhà sản xuất và xuất khẩu nông sản lớn của thế giới, giúp người tiêu dùng dễ dàng và nhanh chóng nhận diện sản phẩm Việt Nam trên kệ hàng siêu thị tại Anh.

    Sáng kiến nhận diện thương hiệu Việt Nam qua hình ảnh cờ đỏ sao vàng là một trong những nỗ lực của TT Meridian và các đối tác tại Việt Nam, trong đó có Hợp tác xã Chế biến Hoa quả Kim Biên (Bắc Giang), nhằm đổi mới, sáng tạo, đáp ứng nhu cầu liên tục thay đổi của thị trường cũng như thói quen và hành vi người tiêu dùng".

    Theo ông Nguyễn Cảnh Cường, Tham tán Thương mại, Thương vụ Việt Nam tại Anh cho rằng, một thách thức lớn đối với xuất khẩu vải Việt Nam sang Anh là việc bảo quản sản phẩm do đặc thù của trái vải phải tiêu thụ trong vòng 3 ngày kể từ lúc thu hoạch để đảm bảo độ tươi ngon, vì vậy các doanh nghiệp xuất khẩu cần làm chủ công nghệ bảo quản sau thu hoạch.

    So với sản phẩm nhập khẩu cùng loại cũng như các loại trái cây nhập khẩu khác, vải Việt Nam hiện có giá bán khá cao tại Anh (15 bảng/kg, tương đương 435,000 VND).

    Theo ông Cường, giá vải cao một phần do loại quả này phải vận chuyển bằng đường hàng không với cước phí 3-4 bảng/kg để đảm bảo độ tươi. Ông Cường cho rằng việc làm chủ công nghệ bảo quản sẽ cho phép các doanh nghiệp xuất khẩu vận chuyển vải bằng đường biển, giúp giảm giá sản phẩm.

    Theo TTXVN

  • Nữ quản lý Nguyet Le tử vong sau khi bị mắc kẹt trong kho đông lạnh của nhà hàng bà làm việc tại thành phố New Iberia, bang Louisiana.

    ket trong kho dong lanh 1

    Nguyet Le, 63 tuổi, quản lý một nhà hàng của hệ thống chuỗi nhà hàng đồ ăn nhanh Arby's, được phát hiện tử vong trong kho đông lạnh vào ngày 11/5. Người phát hiện thi thể là Nguyen Le, con trai bà Nguyet Le.

    Không rõ Le đã ở trong kho đông lạnh bao lâu trước khi được tìm thấy. Nguyên nhân tử vong là hạ thân nhiệt. Khi được tìm thấy, bà "trong tư thế co người, tay ôm đầu, nằm úp mặt xuống sàn nhà đóng băng", theo tài liệu của tòa án.

    Bà Le làm việc tại một cửa hàng Arby's ở thành phố Houston, bang Texas, nhưng được cấp trên yêu cầu chuyển đến cửa hàng ở New Iberia hồi tháng 2. Nguyen cũng làm việc tại Arby's và chuyển đến New Iberia cùng mẹ. Bà lẽ ra ở New Iberia 4 tuần, nhưng sau đó phải làm thêm hai tuần.

    Luật sư của gia đình Le cho biết dường như không có hành vi phạm tội liên quan cái chết của bà, lưu ý nhiệt độ bên trong kho đông lạnh có thể dao động từ -20 đến 5 độ C. Cảnh sát nói rằng nhiều khả năng đó là tai nạn.

    Một cựu nhân viên Arby's nói với gia đình bà Le rằng chốt cửa kho đông lạnh đã bị hỏng nhiều tháng qua và người ta thường dùng tuốc nơ vít để mở cửa. Chi tiết này khiến gia đình bà Le tuần này đệ đơn kiện 4 thực thể gồm Arby's; Inspire Brands, công ty mẹ của Arby's; Turbo Restaurant, nhà điều hành địa điểm xảy ra tai nạn; và công ty quản lý nhượng quyền thương mại Sun Holdings, chủ sở hữu Turbo Restaurant.

    "Bà đi vào kho đông lạnh rồi cánh cửa đóng lại sau lưng, khiến bà mắc kẹt trong đó. Tay bà đẫm máu trong lúc cố gắng thoát khỏi nhà kho hoặc thu hút sự chú ý của người bên ngoài", đơn kiện của gia đình cho hay.

    Theo đơn kiện, gia đình bà Le yêu cầu được bồi thường một triệu USD.

    ket trong kho dong lanh 1
    Bà Nguyet Le và con trai Nguyen Le. Ảnh: NY Post

    Luật sư của gia đình cho biết khi cảnh sát đến hiện trường, một sĩ quan vào kho đông lạnh kiểm tra và cũng bị mắc kẹt trong đó, song được giải thoát kịp thời.

    Cục Quản lý An toàn và Sức khỏe Nghề nghiệp Mỹ (OSHA) khuyến nghị những người vào kho đông lạnh nên mặc quần áo ấm, đi giày chống trượt và các doanh nghiệp phải đảm bảo sàn của những kho này không bị trơn trượt. Nhân viên nên kiểm tra kho đông lạnh thường xuyên để đảm bảo không ai ở bên trong và doanh nghiệp nên bố trí phương thức để mở cửa từ bên trong. Theo hướng dẫn của OSHA, nhân viên dưới 16 tuổi không được làm việc trong các kho đông lạnh này.

    VnExpress (theo CBS, NY Post, ABC)