• Khoảng 2 triệu hộ gia đình Anh bị buộc phải rút phích cắm tủ lạnh hoặc tủ đông vì không còn tiền để mua thực phẩm tươi do chi phí sinh hoạt tăng cao.

    chi phi sinh hoat tang
    Ngày càng có nhiều người Anh không thể giữ nguyên liệu nấu ăn tươi vì chi phí sinh hoạt tăng cao. Ảnh: SHUTTERSTOCK

    Tờ The Guardian hôm nay 14.11 dẫn số liệu của tổ chức từ thiện Quỹ Joseph Rowntree (JRF) trụ sở tại Anh cho thấy gần 50% số hộ gia đình Anh trong số khoảng 2 triệu hộ được đề cập buộc phải ngưng sử dụng tủ lạnh hoặc tủ đông lần đầu tiên từ tháng 5.

    Đây là dấu hiệu phản ánh chi phí sinh hoạt tăng cao dẫn đến cuộc khủng hoảng ở những hộ gia đình thu nhập thấp ở Anh, theo JRF.

    Hàng triệu gia đình hiện vẫn tiếp tục áp dụng các "biện pháp tuyệt vọng" để trả tiền hóa đơn điện nước, tiền nhà và chi phí thực phẩm gia tăng. Cứ 5 hộ gia đình trong diện khó khăn ở Anh lại có 4 hộ tiếp tục ăn uống tằn tiện, không đủ tiền mua thực phẩm, tắt máy sưởi và không thay quần áo đã cũ nát.

    Cuộc khảo sát về khủng hoảng chi phí sinh hoạt do JRF thực hiện cho thấy, vào tháng 10, ¼ số hộ gia đình (2,8 triệu) thu nhập thấp phải vay tiền để chi trả cho các bữa ăn trong gia đình, 1/3 số hộ phải bán đồ đạc để lấy tiền sinh hoạt, và 1/6 số hộ phải sử dụng phòng sưởi dành cho cộng đồng.

    Phát hiện trên được công bố trong sự lo ngại của các tổ chức từ thiện, vì nội các Anh đang tìm cách giảm sự hỗ trợ tài chính cho những gia đình thu nhập thấp.

    JRF cho hay dù chính phủ Anh chi hơn 12 tỉ bảng Anh cho nỗ lực hỗ trợ chi phí sinh hoạt của người dân và tỷ lệ lạm phát bắt đầu giảm, vẫn có đến 7,3 triệu hộ gia đình của nước này phải chịu đựng cảnh không có thức ăn hoặc nhu yếu phẩm trong 6 tháng qua.

    Và tổ chức này cảnh báo cuộc khủng hoảng trên còn lâu mới đến hồi kết thúc.

    Theo Thanh Niên

  • Theo một nghiên cứu được công bố trên tạp BMJ Public Health ngày 25/9, cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt do lạm phát gây ra ở Anh có thể sẽ 'cắt giảm tuổi thọ' và 'làm gia tăng đáng kể khoảng cách giàu nghèo và khoảng cách về sức khỏe'.

    Mô hình được thực hiện cho nghiên cứu này dự đoán rằng tỷ lệ người “chết trước tuổi” (dưới 75 tuổi) sẽ tăng gần 6,5% do giá cả tăng cao kéo dài trong thời gian dài. Dự báo, những hộ gia đình thiếu thốn nhất sẽ có số người tử vong tăng cao gấp 4 lần so với những hộ gia đình giàu có nhất, trong đó những hộ nghèo nhất phải chi một tỷ lệ lớn trong thu nhập của họ cho năng lượng - khoản chi phí vốn đã tăng vọt trong thời gian qua.

    Các nhà nghiên cứu đã xem xét các tác động của lạm phát đến tỷ lệ tử vong ở Scotland trong khoảng thời gian từ năm 2022 đến năm 2023, trong điều kiện có và không có các biện pháp giảm nhẹ, như sự hỗ trợ của chính phủ để giúp cắt giảm hóa đơn hộ gia đình. Dữ liệu thu thập được sau đó được sử dụng để mô hình hóa các kết quả tiềm năng khác nhau trong tương lai về tuổi thọ và sự bất bình đẳng đối với toàn nước Anh, nếu các chính sách giảm nhẹ khác nhau được thực hiện.

    khung hoang chi phi song 10
    Lạm phát ở Anh đã giảm nhẹ trong tháng 8, nhưng vẫn ở mức cao nhất trong Nhóm G7. 

    Nếu không có bất kỳ biện pháp giảm nhẹ nào, mô hình cho thấy lạm phát có thể làm tăng tỷ lệ tử vong lên 5% ở những khu vực ít thiếu thốn nhất và 23% ở những khu vực túng quẫn nhất. Tỷ lệ này sẽ giảm xuống lần lượt còn 2% và 8% trong điều kiện có các biện pháp giảm nhẹ, và tỷ lệ chung là khoảng 6,5%. Đồng thời, tuổi thọ chung cũng sẽ giảm trong từng trường hợp.

    “Phân tích của chúng tôi góp phần đưa ra bằng chứng cho thấy nền kinh tế có vai trò quan trọng đối với sức khỏe người dân”, các nhà nghiên cứu khẳng định, và nói thêm rằng lạm phát và giảm thu nhập thực tế có thể gây ra những tác động lớn và tiêu cực đến tỷ lệ tử vong, với sự bất bình đẳng rõ rệt trong cách đối diện với những vấn đề nói trên. Cũng theo các nhà nghiên cứu, các phản ứng chính sách công được thực hiện hiện không đủ để bảo vệ sức khỏe và ngăn chặn sự bất bình đẳng đang ngày càng gia tăng.

    Lạm phát ở Anh đã bất ngờ chậm lại trong tháng 8 khi giảm xuống còn 6,7% từ mức cao 11,1%, nhưng vẫn là mức cao nhất trong Nhóm G7, do tác động từ các biện pháp phong tỏa vì COVID-19, Brexit và cuộc xung đột ở Ukraine.

    Baotintuc (theo Reuters)

  • 7% dân số Anh phải tìm kiếm hỗ trợ từ các quỹ từ thiện, bao gồm các ngân hàng thực phẩm, trong khi 71% số người lâm vào cảnh thiếu ăn không tiếp cận được bất kỳ kênh hỗ trợ thực phẩm từ thiện nào.

    khung hoang lam phat o anh
    Người dân mua sắm tại một chợ ở London, Anh. (Ảnh: AFP/TTXVN)

    Trong năm 2022, cứ 7 người ở Anh thì có 1 người lâm vào cảnh thiếu ăn trong bối cảnh lạm phát kéo dài. Đây là ước tính của Trussell Trust - mạng lưới ngân hàng thực phẩm lớn nhất nước Anh - đưa ra trong báo cáo công bố ngày 28/6.

    Trong báo cáo, Trussell Trust ước tính có tới 11,3 triệu người ở Anh thiếu ăn trong năm 2022, gấp hơn 2 lần dân số hiện tại ở Scotland.

    Đáng chú ý, 7% dân số Anh phải tìm kiếm hỗ trợ từ các quỹ từ thiện, bao gồm các ngân hàng thực phẩm, trong khi 71% số người lâm vào cảnh thiếu ăn không tiếp cận được bất kỳ kênh hỗ trợ thực phẩm từ thiện nào.

    Cũng theo báo cáo, trong một năm tính đến tháng 3/2023, tổ chức Trussell Trust với hơn 1.300 trung tâm cung cấp thực phẩm trên cả nước đã phân phát hơn 3 triệu gói thực phẩm, tăng 37% và gấp hơn 2 lần so với 5 năm trước đây.

    Theo Trussell Trust, thực trạng này đã bộc lộ những điểm yếu trong hệ thống an sinh xã hội ở Anh hơn là khủng hoảng chi phí sinh hoạt hay hệ lụy của đại dịch COVID-19. Tổ chức này kêu gọi Chính phủ Anh đảm bảo hệ thống phúc lợi có khả năng chi trả cho các chi phí sinh hoạt thiết yếu.

    Trong hơn 1 năm qua, người dân Anh chịu nhiều sức ép từ lạm phát dù Anh là nền kinh tế lớn thứ 6 thế giới. Tiền lương chi trả cho người lao động ở Anh không theo kịp tốc độ lạm phát.

    Dữ liệu chính thức mới đây nhất cho thấy lạm phát thực phẩm và đồ uống tiếp tục ở mức cao, 18,3% trong tháng 5 và 14,6% trong tháng 6. Chính phủ Anh ước tính, trong 2 năm qua, các hộ gia đình nước này đã phải sống trong điều kiện eo hẹp nhất kể từ những năm 1950.

    Nhằm đối phó với tình trạng trên, một người phát ngôn cơ quan của Bộ Lao động và Lương hưu của Anh cho biết chính phủ đã triển khai hàng loạt biện pháp hỗ trợ người dân như tăng trợ cấp và lương hưu theo kịp lạm phát, tăng mức lương tối thiểu, hỗ trợ các hộ gia đình giải quyết vấn đề thực phẩm, năng lượng và nhiều chi phí thiết yếu khác.

    Trong số đó, Chính phủ Anh đang duy trì mức hỗ trợ tài chính kỷ lục trung bình 3.300 bảng Anh (4.206 USD) cho mỗi hộ gia đình.

    Thủ tướng Anh Rishi Sunak trước đây đã cam kết giảm 50% lạm phát vào năm 2023, tạo tiền đề hướng tới cuộc tổng tuyển trong năm 2024.

    Tuy nhiên, giới phân tích nhận định khó có thể đạt được mục tiêu trên do lạm phát lương thực chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, vượt xa tỷ lệ lạm phát chung của toàn bộ nền kinh tế, gây áp lực lớn đối với ngân sách hộ gia đình vốn đã chịu nhiều sức ép từ các khoản thuế và vay thế chấp tăng cao.

    Theo TTXVN

  • Để có thể trang trải các khoản chi phí thuê nhà và lãi vay mua nhà cao ngất ngưởng, nhiều hộ gia đình tại Anh đã phải cắt giảm các nhu yếu phẩm, chuyển sang tiết kiệm, bán tài sản hoặc vay mượn.

    Ngày 9-5, Which? - cơ quan đánh giá độc lập về người tiêu dùng và sản phẩm của Vương quốc Anh - cho biết có khoảng 700.000 hộ gia đình tại Anh đã bị chậm hoặc không có khả năng trả tiền thuê nhà, cũng như các khoản thanh toán lãi vay mua nhà của tháng 4-2023.

    gia nha o stockwell

    1/20 hộ gia đình lâm vào cảnh “hết tiền”

    Which? nhận định các khoản phải trả đối với người vay mua nhà hoặc người thuê nhà hiện đang ở ngưỡng “đặc biệt cao”. Trung bình cứ 20 hộ gia đình tại Anh sẽ có một hộ gia đình lâm vào tình cảnh “hết tiền”.

    Cuộc khảo sát do Which? thực hiện được công bố ngay trước thời điểm Ngân hàng Trung ương Anh (BoA) dự kiến tiếp tục tăng lãi suất, gây ảnh hưởng trực tiếp đến lãi suất vay của các ngân hàng.

    Theo kế hoạch, BoA sẽ có cuộc họp thường kỳ vào ngày 11-5 tới. Nhiều chuyên gia tin rằng, sau cuộc họp này, lãi suất sẽ tiếp tục tăng lần thứ 12 liên tiếp.

    Các thị trường tài chính dự đoán, mức tăng dự kiến là 0,25 điểm phần trăm, đưa lãi suất lên mặt bằng mới là 4,5%. Động thái này sẽ khiến giá thuê nhà trung bình của Anh bị đẩy lên ngưỡng cao kỷ lục, dựa trên dữ liệu giá mặt bằng thuê nhà do Công ty bất động sản Rightmove công bố vào tháng trước.

    Which? đã tiến hành thăm dò trực tuyến khoảng 2.000 hộ gia đình đang sinh sống tại Anh. Với kết quả khảo sát thu thập được, các chuyên gia của Which? kết luận tỉ lệ thanh toán bị chậm, liên quan tới thuê nhà hoặc chi phí lãi vay mua nhà, chiếm khoảng 7,3% tổng số các khoản phải trả của các hộ gia đình tại Anh trong tháng 4-2023.

    Tỉ lệ này không đổi so với cùng thời điểm vào năm ngoái, nhưng cao hơn đáng kể so với cùng thời điểm của các năm 2020 và 2021.

    Tuy nhiên, so với tháng trước, tỉ lệ các khoản thanh toán quá hạn đã giảm đi 1,5%, do số người vay mua nhà hoặc thuê nhà đang giảm đi nhanh chóng.

    Tiết kiệm, bán tài sản hoặc vay mượn

    Để có thể trang trải các khoản chi phí thuê nhà và lãi vay mua nhà cao “ngất ngưởng”, các hộ gia đình tham gia khảo sát với Which? cho biết họ đã phải điều chỉnh chi tiêu theo hướng cắt giảm các nhu yếu phẩm, chuyển sang tiết kiệm, bán tài sản hoặc vay mượn.

    Giám đốc chính sách và tư vấn chính sách công của Which?, ông Rocio Concha, cho biết “rất đáng lo ngại” khi có quá nhiều hộ gia đình không trả được tiền thuê nhà và các khoản lãi vay mua nhà.

    Ông Concha kêu gọi người dân nên tìm kiếm lời khuyên, tư vấn miễn phí về vấn đề nợ, cũng như nên liên hệ trực tiếp với nhà cung cấp dịch vụ thế chấp ngân hàng hoặc chủ nhà của họ để được giúp đỡ khi gặp khó khăn.

    Theo Tuổi Trẻ

  • Các chuyên gia tài chính nhận xét cuộc sống hiện tại đang đắt gấp đôi so với 40 năm trước. Những cặp vợ chồng có thu nhập 200.000 bảng Anh/năm không còn sống dư dả như xưa.

    Kết hôn, sinh con, gửi chúng đến trường tư thục, sống trong một ngôi nhà đẹp, nghỉ mát ở nước ngoài 2 lần/năm, mua sắm tại siêu thị Waitrose. Những điều đó chỉ khả thi khi cả hai vợ chồng đều kiếm được hơn 200.000 bảng Anh (khoảng 252.780 USD) mỗi năm.

    Phần lớn người dân trong độ tuổi 30 thuộc tầng lớp trung lưu tại xứ sở sương mù tin rằng cuộc sống ngày càng đắt đỏ hơn so với thời cha mẹ của họ.

    chi phi song dat do o anh
    Tầng lớp trung lưu ở Anh đang khá chật vật khi cuộc sống trở nên đắt đỏ. Ảnh: iStock

    Lối sống xa hoa biến mất

    Các cố vấn tài chính tại Chancery Lane (London) đã tính toán thu nhập cần thiết để một gia đình có thể tận hưởng một lối sống thoải mái, The Times đưa tin.

    Nghiên cứu của họ chỉ ra rằng mỗi người cần kiếm được 102.850 bảng Anh (129.992 USD)/năm để tận hưởng những nhu cầu tương đương với một cặp vợ chồng chỉ kiếm được hơn 16.000 bảng Anh (20.222 USD)/mỗi người vào năm 1985.

    Khác với giới siêu giàu - những người bay vé hạng thương gia, sở hữu nhiều bất động sản, lấp đầy ngôi nhà của mình bằng tác phẩm nghệ thuật, đồ cổ, có quản gia, thợ làm vườn - mức lương đó chỉ giúp họ sống tạm.

    Nhưng không đồng nghĩa với việc có tên trong danh sách người giàu hoặc đủ khả năng tiêu xài xa hoa như nhân vật Kendall Roy trong bộ phim Succession.

    “Trong suốt 40 năm làm cố vấn và lập kế hoạch tài chính của tôi, có vẻ nhu cầu đối với ngân sách của tầng lớp trung lưu đã tăng lên, trong khi thu nhập thực tế sau thuế dường như không theo kịp, đặc biệt là gần đây”, Mike Francis, làm việc tại công ty quản lý tài sản Evelyn Partners, nói.

    Nhóm độc thân hoặc gia đình chỉ có một người kiếm tiền giờ đây sẽ cần mức lương 239.000 bảng Anh (302.072 USD) để duy trì lối sống thoải mái giống như lúc trước.

    Nhiều người cho rằng những cá nhân tương đối giàu có, có nhà và ít phải lo lắng về hóa đơn điện nước, thực phẩm không thực sự đáng được thông cảm.

    Trong khi đó, không ít hộ dân đang vật lộn với tiền sinh hoạt phí tăng gần 20% trong một năm và cảm thấy may mắn nếu có được một kỳ nghỉ.

    Tuy nhiên, một số người có lương thưởng cao cho biết họ cũng đang cảm thấy khó khăn với việc nộp thuế theo tỷ lệ bổ sung. Theo đó, những ai có thu nhập trên 125.140 bảng Anh (158.164 USD) sẽ áp dụng mức 45%, con số đã giảm từ 150.000 bảng Anh (189.585 USD) vào tháng 4/2023.

    “Thêm vào tình trạng lạm phát tăng vọt trong 18 tháng qua, không có gì ngạc nhiên khi họ phải cắt giảm một số lựa chọn trong cuộc sống. Điều này có thể tạo ra cản trở nghiêm trọng đối với sự thăng tiến trong sự nghiệp và tiền lương. Tại sao phải làm việc chăm chỉ hơn khi gánh nặng thuế quá lớn và thứ họ khao khát trở nên xa vời?”, Francis nhận định.

    Đối với nhiều người, lối sống mà các thế hệ cũ yêu thích giờ đây khó có thể đạt được nếu không có sự hỗ trợ tài chính từ cha mẹ hoặc tài sản thừa kế của ông bà.

    “Sự khác biệt giữa những năm 1980, 1990 và ngày nay là các bậc cha mẹ có con trong độ tuổi đi học phải đối phó với chi phí tài sản và học phí cao hơn đáng kể. Đồng thời, họ cũng trả nhiều tiền hơn vào lương hưu để có được một khoản hưu trí xứng đáng”, Doug Brodie, Giám đốc điều hành của Chancery Lane, chia sẻ.

    Cắt giảm để tồn tại

    Một cặp vợ chồng làm nha sĩ và bác sĩ nhãn khoa tại NHS cho biết họ đã phải cắt giảm mặc dù có tổng thu nhập là 205.000 bảng Anh. Học phí mỗi tháng cho 2 đứa con 14 và 16 tuổi là 3.100 bảng Anh, sẽ tăng lên 3.400 bảng Anh vào tháng 9/2023. Năm ngoái, con số này chỉ nằm ở mức 3.000 bảng Anh/tháng.

    “Không còn chỗ nào để luồn lách nữa. Chúng tôi quen với một lối sống dư dả và giờ buộc phải thay đổi”, bác sĩ nhãn khoa bày tỏ.

    Họ đã loại bỏ các ngày nghỉ, chỉ chừa khoảng 7.000 bảng Anh/năm để đi du lịch. Dù rất muốn đổi chiếc ôtô đã sử dụng gần 10 năm, cả hai vẫn không thể mua mới. Thậm chí, bọn trẻ cũng phải mang cơm hộp đến trường.

    Các nhà nghiên cứu cho hay lối sống mơ ước của tầng lớp trung lưu đang trở nên xa vời với tất cả, trừ giới thượng lưu, vì hóa đơn và gánh nặng thuế ngày càng tăng.

    Lãi suất có thể đã đạt đến hai con số vào những năm 1980, nhưng giá trung bình của một bất động sản đã tăng gần gấp 10 lần kể từ đó.

    Ngôi nhà điển hình ở phía đông nam nước Anh có giá 33.898 bảng Anh vào năm 1983 nhưng hiện tại là 395.103 bảng Anh - tăng 1,165%. Lạm phát kể từ thời điểm đó là 225%.

    Để sở hữu một ngôi nhà trị giá 100.000 bảng vào năm 1990, người mua chịu lệ phí trước bạ là 700 bảng - 0,7%. Nhưng hiện tại, họ sẽ phải trả thuế 25.000 bảng để mua căn nhà tương đương với giá 750.000 bảng - 3,3%.

    Học phí ngày nay dao động 3.000-5.500 bảng Anh/kỳ nhưng vào năm 1985 chỉ từ 325 đến 1.400 bảng Anh cho trường nam sinh và 490-1.120 bảng Anh với cơ sở giáo dục nữ sinh. Thật khó để so sánh trực tiếp nhưng đó là mức tăng ít nhất 300%.

    “Các thế hệ trước cũng được hưởng giảm lãi suất thế chấp, cho phép yêu cầu giảm thuế đối với các khoản thanh toán có lãi. Tuy nhiên, nó đã bị dừng lại vào năm 2000. Ngoài ra, sinh viên thời đó được trả tiền để đi học đại học thông qua chương trình trợ cấp, trong khi thanh niên ngày nay phải gánh một khoản nợ khổng lồ”, Brodie nói thêm.

    Theo Zing News

  • nhuong thuc an cho meo 1
    Yasemn Kaptan 46 tuổi, uống trà bạc hà thay cho bữa sáng, trưa và cả tối. Ảnh: Yasemn Kaptan/ SWNS

    Một người phụ nữ cho biết cô buộc phải nhịn đói vì quá tốn tiền cho việc nuôi 6 con mèo. Yasemn Kaptan 46 tuổi, cho biết mình chỉ ăn 1 bữa mỗi tuần. Bữa ăn cũng đơn giản chỉ gồm thịt nướng và tiêu, hành và salad. 

    Những lúc còn lại cô chỉ uống trà bạc hà thay cho bữa sáng, bữa trưa và cả bữa tối để khỏa lấp cơn đói. Cô đã sụt tới 31kg trong năm ngoái. 

    Yasemn đến từ Tottenham ở bắc London. Cô cho biết: "Tôi không còn tiền để tiêu, nhưng tôi không thể bỏ mấy con mèo được. Chúng đã lớn lên cùng tôi. Tôi nuôi từ khi chúng còn chút xíu. Tôi đã chi rất nhiều tiền để nuôi chúng. Chúng đã già, sống không được bao lâu nữa. Thật không công bằng khi bỏ rơi chúng".

    "Nếu tôi cho phép mình ăn thì đó cũng chỉ là sữa chua hoặc rau. Ngày nào tôi cũng khóc. Tôi cố gắng hài lòng với chính mình nhưng thực tế là tôi suy sụp và mệt mỏi. Có những tuần tôi chẳng ăn gì cả, tôi chỉ uống trà để cầm hơi", cô cho biết. 

    nhuong thuc an cho meo 1
    Yasemn không có ý định từ bỏ lũ mèo. Ảnh: Yasemn Kaptan/SWNS

    Yasemn nhận nuôi những con mèo khi làm công việc personal shopper (tư vấn mua sắm cá nhân). Lúc đó cô dư tiền để nuôi chúng. Nhưng năm ngoái cô phải nghỉ việc sau khi được chẩn đoán mắc bệnh loãng xương. 

    Cô nhận trợ cấp khuyết tật £400/tháng vì mắc bệnh loãng xương, và tiền này dùng để trả chi phí thuê nhà và hóa đơn. 

    Cô cũng nhận được trợ cấp £69/tuần vì làm người chăm sóc tại gia cho chồng, anh Erdinc Hassain 46 tuổi, bị mắc bệnh đa xơ cứng. Cô dùng £60 trong số này để trả chi phí nuôi mèo. 

    "Tôi dùng trợ cấp người chăm sóc để mua thức ăn cho mèo, bánh quy và sữa đặc biệt. Tất cả tiêu tốn hết tiền của tôi. Tôi chỉ còn đủ tiền để trả hóa đơn điện thoại. Chồng tôi khá lo lắng cho sức khỏe của tôi nhưng giờ tôi cũng quen rồi. Tôi sẽ ổn, mọi việc sẽ tốt hơn. Tôi không thể làm gì khác, tôi không thể bỏ rơi chúng. Chúng đã ở bên tôi suốt 17 năm. Chúng là thiên thần giúp tôi vượt qua mỗi ngày", cô nói. 

    Bài liên quan: Cô gái 27 tuổi tự sát vì phải nhịn ăn, không đủ tiền thuê nhà ở Anh

    Một cô gái 27 tuổi chăm chỉ, thông minh, đã tự kết thúc cuộc đời sau khi phải chật vật với khoản tiền thuê nhà £900/tháng trong một căn hộ thuê chung ở South West, London. 

    Yee-King Ho, còn được gọi là Fion, đã từ Hong Kong chuyển đến sống tại London vào tháng 4/2022. Khi cô dọn vào một căn hộ tại Richmond, gia đình đã hy vọng đây là một chương mới thú vị trong cuộc đời cô. 

    Nhưng anh của cô, Tommy Ho Yiu Hang, sống tại Hong Kong, nhận ra những dấu hiệu cảnh báo khi em gái tiết lộ cô đang mắc chứng đau nửa đầu, rụng tóc và chật vật kiếm £900 để đóng tiền thuê chung một căn hộ "dơ bẩn". Sau đó Tommy phát hiện một quyển sổ ghi chép chi tiết những gì cô ăn hàng ngày để tiết kiệm tiền.

    khung hoang chi phi song 100
    Yee-King Ho còn có tên gọi là Fion. Cô làm việc tại Tổ chức từ thiện quốc tế CAMFED.

    Khi Fion không xuất hiện tại văn phòng, và cũng không trả lời điện thoại, Tommy đã nhờ 1 trong 3 người thuê chung nhà kiểm tra tình hình của cô. Họ phát hiện Fion đã chết. Thông tin sau đó cho rằng cô đã chết vào ngày 3/11/2022. Vào ngày 24-1-2023, bác sĩ pháp y Anton van Dellen khẳng định cái chết của cô là do tự sát.

    Tommy sau đó mới biết toàn bộ quá trình đấu tranh của cô. Chỉ 4 ngày trước khi chết, cô đã đặt hẹn với bác sĩ tâm lý vì mắc các triệu chứng trầm cảm. Từ tháng 7-2022, cô đã lo lắng về thu nhập của mình và không đủ khả năng để duy trì cuộc sống ở UK. 

    khung hoang chi phi song 100
    Yee-King Ho đã không ngừng học tập vươn lên trong cuộc sống.

    Tình trạng bẩn thỉu của nhà vệ sinh cũng khiến cô khổ sở. Nó khiến cô cảm thấy áp lực, không muốn làm việc tại nhà hay sống ở nhà. Cô ít khi rời căn phòng của mình. 

    "Em tôi sợ sẽ bị tụt hậu tại văn phòng vì quá stress. Năng lực làm việc giảm cũng khiến thu nhập của em giảm. Vì không có đủ tiền nên em tôi phải nhịn ăn. Tôi cảm thấy rất đau lòng vì những nỗi đau mà em tôi phải chịu đựng. Tôi chỉ biết về điều đó sau khi em qua đời", Tommy nói. 

    Fion đã hoàn thành bằng cử nhân ở Học viện Asian and International Studies tại Hong Kong vào năm 2017. Sau đó cô hoàn thành bậc thạc sĩ tại Văn phòng Quan hệ Quốc tế ở Geneva vào năm 2019.

    Cô làm việc tại Jordan với vai trò là thẩm định viên từ tháng 9-2019 đến tháng 10-2020. Sau đó cô trở thành Nhân viên cứu trợ quốc tế tại Hội chữ Thập đỏ Hong Kong từ tháng 12-2020 đến tháng 3-2022.

    Fion chuyển đến sống tại UK vào tháng 4-2022 với tấm visa hải ngoại của Anh (BNO - British National Overseas Visa cấp cho người dân Hong Kong). Cô đã lên kế hoạch sống và làm việc ở đây trong 5 năm, rồi sẽ nộp đơn xin visa vĩnh viễn. Cô làm việc tại Tổ chức từ thiện quốc tế CAMFED, phụ trách mảng giáo dục phụ nữ.

    Fion có 1 CV tốt, không ngừng học tập và nỗ lực vươn lên. Thật đáng tiếc quãng thời gian ngắn ngủi của cô ở Anh quốc đã không được như ý.

    Viethome (theo Metro)

  • Hè năm ngoái, Harrison Marshall, bắt đầu tìm kiếm chỗ trọ mới ở London. Nhưng giá thuê quá cao khiến chàng trai 28 tuổi chùn bước.

    chang trai o thung rac 1

    "Khi tôi thấy tin rao cho thuê giá rẻ nghĩa là hàng trăm người khác có nhu cầu cũng biết và căn hộ có khách chỉ sau 5 phút", thanh niên 28 tuổi, là kiến trúc sư nói.

    Điều này khiến anh nảy ý tưởng sẽ biến một thùng rác cỡ lớn thành ngôi nhà đủ cho một người ở. Yêu cầu, mọi thứ bên trong phải tiện nghi, ấm cúng.

    Với 7 năm kinh nghiệm làm việc cho các dự án thiết kế và xây dựng công trình cho các tổ chức từ thiện ở nước ngoài, Marshall bắt tay thực hiện.

    chang trai o thung rac 1
    Chiếc thùng rác lớn được Marshall thuê hàng tháng để dựng nhà. Ảnh: @Marshall

    Sau khi làm sạch thùng rác, anh dự định sẽ cơi nới bên trên bằng gỗ cứng, lắp mái kim loại để tránh nước. Căn nhà dự kiến có chiều cao hơn 2 mét.

    Marshall cho biết, nơi ở được chia làm hai phần. Một nửa được thiết kế gác lửng đặt giường ngủ, bên dưới được lắp bồn rửa, nhà bếp có đường ống dẫn từ một bể chứa nước nhỏ bên ngoài. Ở phía đối diện sẽ thiết kế các hộc treo quần áo và dụng cụ cá nhân. Căn hộ không lắp đặt phòng tắm vì diện tích hẹp. Marshall sẽ tắm giặt ở chỗ làm hoặc phòng tập gym và sử dụng nhà vệ sinh công cộng.

    chang trai o thung rac 1
    Không gian bên trong chiếc thùng rác sau khi được cải tạo và lắp đặt. Ảnh: @Marshall

    Do bận rộn, chàng trai 28 tuổi tận dụng thời gian buổi tối để thiết kế và thi công cùng sự giúp đỡ từ bạn bè. Tháng 1, anh chuyển về nhà mới dù căn hộ vẫn chưa có điện.

    Để khắc phục, Marshall buộc phải dùng đèn tích điện, đắp nhiều chăn bông để giữ ấm vào ban đêm. "Căn nhà cách nhiệt rất tốt, khi tôi đã chui vào trong chăn, mọi thứ trở nên thoải mái hơn, dù bên ngoài tuyết vẫn rơi", anh nói.

    chang trai o thung rac 5

    chang trai o thung rac 5
    Marshall và chiếc nhà cải tạo từ thùng đựng rác sau nhiều tháng thi công. Ảnh: @Marshall

    Tổng chi phí mua nguyên vật liệu là 4.800 USD. Chi phí phát sinh mỗi tháng là 60 USD cho tiền thuê thùng rác.

    Marshall nói rằng dự định sống trong ngôi nhà nhỏ trong một năm hoặc lâu hơn để tiết tiệm chi phí. "Giá thuê nhà cao là một vấn đề lớn, gây ảnh hưởng đến hàng triệu người và đây là cách đối ứng phó với tình thế khó khăn", Marshall nói.

    VnExpress (Theo Insider)

  • Phóng viên tờ MyLondon đã đến một địa điểm gần cầu vượt đường A406 ở Barking, nơi nhân công được chọn ngay trên đường phố để làm những công việc lao động chân tay.

    tim viec lam luong thap o Anh quoc
    Người đàn ông chờ việc cả ngày giữa thời tiết giá rét. Ảnh: Facundo Arrizabalaga/MyLondon

    Gương mặt của David* run rẩy vì lạnh. Nhiệt độ đã xuống mức âm và anh đã ngồi chờ ở đường cao tốc từ 7h sáng. Chiếc quần jean rách và áo khoác chống thấm không đủ bảo vệ anh khỏi giá rét và những đợt gió lùa từ dòng xe chạy qua.

    Phải gần cuối buổi chiều chúng tôi mới tới được địa điểm bên chân cầu vượt A406, nơi David đứng chờ việc mỗi ngày. Đây là bùng binh nơi các tài xế thường đi ngang qua để tới siêu thị DIY Wickes ở Barking. Đây là một trong vài địa điểm ở London nơi người lao động phổ thông được chọn ngay bên đường.

    Vào thời điểm chúng tôi nhìn thấy David, cơ hội tìm việc của anh đã bốc hơi hết nhưng anh vẫn tiếp tục đợi với hy vọng ai đó sẽ bỗng nhiên cần một nhân công.

    Các đối thủ cạnh tranh của anh cũng đang tụ tập trên vỉa hè, dọc bãi cỏ đối diện bãi đỗ xe. Dù họ dường như không nói cùng một ngôn ngữ, nhưng giữa họ không có sự thù địch khi tất cả đều chờ mong một chiếc xe chở hàng hay xe tải xây dựng dừng chân.

    "Chúng tôi ổn", một người nói, giơ ngón tay cái với phóng viên tờ MyLondon. Anh này thân thiện bá vai David và cười lớn "không có vấn đề gì".

    Nhưng những người đàn ông này có thể gặp một số vấn đề với những người chọn thuê họ. Họ lên một chiếc xe tải không quen biết, đến một địa điểm không rõ, đều này ẩn chứa nhiều rủi ro, khả năng cao là họ sẽ bị bóc lột. "Đôi khi họ không trả tiền", một người nói với MyLondon, "hoặc chỉ trả £20-30".

    Vì vài bảng mỗi ngày, những người đàn ông này phải làm những công việc khá nặng nhọc. Chẳng hạn như đào hố trong vườn hay khuân vác nặng. Những công việc ít người muốn làm, đặc biệt giữa thời tiết đóng băng.

    Nhưng họ không có sự lựa chọn nào khác ngoài việc chấp nhận điều kiện làm việc tồi tệ và lương thấp. Bởi vì họ đều không có giấy tờ để được phép làm việc ở UK.

    David sống trong một khách sạn dành cho người xin tị nạn, anh đến đây bất hợp pháp và không được làm việc. Thức ăn được khách sạn cung cấp, nhưng David nói thức ăn rất tệ nó khiến bệnh thận của anh trở nặng. 

    "Nếu quê hương tôi không bị chiến tranh tôi đã không tới đây", David mệt mỏi giải thích. Anh đã một mình vượt qua hành trình dài từ South Sudan đến UK. Cuộc nội chiến ở quê hương anh đã kéo dài cả thập kỷ.

    Hầu hết mỗi ngày anh đều đến bệnh viện để xin thuốc giảm đau thận. Nhưng các bác sĩ không giúp được gì. Anh cảm thấy ra đường chờ việc còn tốt hơn. "Dù chỉ kiếm được £20, chút tiền này cũng giúp tôi mua được đồ ăn tươm tất hơn một chút", anh nói.

    Đôi khi một số người may mắn được một nhà thầu xây dựng chọn và trả lương công bằng. Ngoài lao động phổ thông, những người có kỹ năng vượt trội có thể kiếm được tới £120/ngày. Sự khác biệt giữa một ngày làm việc bình đẳng và một ngày bị bóc lột đều tùy thuộc vào ai sẽ mở cửa cho họ lên xe.

    *Tên của nhân vật đã được thay đổi.

    Viethome (theo MyLondon)

  • khung hoang chi phi song 100
    Yee-King Ho còn có tên gọi là Fion. Cô làm việc tại Tổ chức từ thiện quốc tế CAMFED.

    Một cô gái 27 tuổi chăm chỉ, thông minh, đã tự kết thúc cuộc đời sau khi phải chật vật với khoản tiền thuê nhà £900/tháng trong một căn hộ thuê chung ở South West, London. 

    Yee-King Ho, còn được gọi là Fion, đã từ Hong Kong chuyển đến sống tại London vào tháng 4/2022. Khi cô dọn vào một căn hộ tại Richmond, gia đình đã hy vọng đây là một chương mới thú vị trong cuộc đời cô. 

    Nhưng anh của cô, Tommy Ho Yiu Hang, sống tại Hong Kong, nhận ra những dấu hiệu cảnh báo khi em gái tiết lộ cô đang mắc chứng đau nửa đầu, rụng tóc và chật vật kiếm £900 để đóng tiền thuê chung một căn hộ "dơ bẩn". Sau đó Tommy phát hiện một quyển sổ ghi chép chi tiết những gì cô ăn hàng ngày để tiết kiệm tiền.

    Khi Fion không xuất hiện tại văn phòng, và cũng không trả lời điện thoại, Tommy đã nhờ 1 trong 3 người thuê chung nhà kiểm tra tình hình của cô. Họ phát hiện Fion đã chết. Thông tin sau đó cho rằng cô đã chết vào ngày 3/11/2022. Vào ngày 24-1-2023, bác sĩ pháp y Anton van Dellen khẳng định cái chết của cô là do tự sát.

    Tommy sau đó mới biết toàn bộ quá trình đấu tranh của cô. Chỉ 4 ngày trước khi chết, cô đã đặt hẹn với bác sĩ tâm lý vì mắc các triệu chứng trầm cảm. Từ tháng 7-2022, cô đã lo lắng về thu nhập của mình và không đủ khả năng để duy trì cuộc sống ở UK. 

    khung hoang chi phi song 100
    Yee-King Ho đã không ngừng học tập vươn lên trong cuộc sống.

    Tình trạng bẩn thỉu của nhà vệ sinh cũng khiến cô khổ sở. Nó khiến cô cảm thấy áp lực, không muốn làm việc tại nhà hay sống ở nhà. Cô ít khi rời căn phòng của mình. 

    "Em tôi sợ sẽ bị tụt hậu tại văn phòng vì quá stress. Năng lực làm việc giảm cũng khiến thu nhập của em giảm. Vì không có đủ tiền nên em tôi phải nhịn ăn. Tôi cảm thấy rất đau lòng vì những nỗi đau mà em tôi phải chịu đựng. Tôi chỉ biết về điều đó sau khi em qua đời", Tommy nói. 

    Fion đã hoàn thành bằng cử nhân ở Học viện Asian and International Studies tại Hong Kong vào năm 2017. Sau đó cô hoàn thành bậc thạc sĩ tại Văn phòng Quan hệ Quốc tế ở Geneva vào năm 2019.

    Cô làm việc tại Jordan với vai trò là thẩm định viên từ tháng 9-2019 đến tháng 10-2020. Sau đó cô trở thành Nhân viên cứu trợ quốc tế tại Hội chữ Thập đỏ Hong Kong từ tháng 12-2020 đến tháng 3-2022.

    Fion chuyển đến sống tại UK vào tháng 4-2022 với tấm visa hải ngoại của Anh (BNO - British National Overseas Visa cấp cho người dân Hong Kong). Cô đã lên kế hoạch sống và làm việc ở đây trong 5 năm, rồi sẽ nộp đơn xin visa vĩnh viễn. Cô làm việc tại Tổ chức từ thiện quốc tế CAMFED, phụ trách mảng giáo dục phụ nữ.

    Fion có 1 CV tốt, không ngừng học tập và nỗ lực vươn lên. Thật đáng tiếc quãng thời gian ngắn ngủi cô ở Anh quốc đã không được như ý.

    Viethome (theo MyLondon)

  • tre phai an chao 1
    Các tổ chức từ thiện đang kêu gọi chính phủ hỗ trợ nhiều hơn cho các gia đình trẻ khó khăn. Ảnh: Getty

    Các tổ chức từ thiện cho  biết, một số bậc phụ huynh đang giảm mua sữa bột và cho con mình ăn cháo vì họ không còn đủ tiền mua sữa.

    Giá cả đã tăng rất nhanh trong năm qua, ngay cả các thương hiệu sữa rẻ nhất cũng đã tăng giá 22%. Hiện tại, các voucher Healthy Start mà chính phủ cấp cho phụ nữ mang theo và mẹ mới sinh là £8.50/tuần để mua thực phẩm dinh dưỡng. Tuy nhiên, giá cả leo thang đồng nghĩa số tiền này không còn đủ để mua đầy đủ lượng sữa công thức đáp ứng nhu cầu của trẻ dưới 6 tháng.

    NHS khuyến nghị trẻ nên được bú mẹ trong năm đầu đời, nhưng số liệu cho thấy hầu hết trẻ sơ sinh đều phụ thuộc một phần hoặc hoàn toàn vào sữa công thức từ lúc lọt lòng cho đến 6-8 tuần tuổi. 

    Tổ chức từ thiện Feed cho biết giá cả tăng đang khiến trẻ em đứng trước nguy cơ suy dinh dưỡng hoặc mắc các bệnh nghiêm trọng khác. 

    Mặc dù các ngân hàng thực phẩm đang được hỗ trợ các nguồn cung sữa bột khác nhau, tuy nhiên chính sách hiện tại lại gây khó khăn cho họ trong việc phân phát. Cụ thể, Unicef cảnh báo việc phân phát sữa công thức có thể vô tình gây hại. Có rất nhiều loại sữa trên thị trường, và ngân hàng thực phẩm không thể đảm bảo việc phân phát loại sữa phù hợp tới từng đứa trẻ.

    tre phai an chao 1
    Ngay cả những dòng sữa bột rẻ nhất cũng đã tăng giá hơn 1/5. Ảnh: Getty

    Các tổ chức từ thiện đang kêu gọi chính phủ nâng trợ cấp Healthy Start lên £10/tuần cho trẻ sơ sinh. Cơ quan Tư vấn Thai kỳ (British Pregnancy Advisory Service - BPAS) cho biết: "Các gia đình đang trải qua tình trạng khan hiếm thực phẩm an toàn, dẫn tới việc bố mẹ giãn cách bữa ăn của trẻ và cho trẻ ăn cháo thay vì uống sữa bột".

    "Chính phủ không thể chần chừ vì trẻ sơ sinh có nguy cơ bị suy dinh dưỡng hoặc mắc bệnh nặng do khủng hoảng chi phí sống và do sữa bột tăng giá mạnh. Chính phủ phải tăng trợ cấp Healthy Start để bảo vệ thế hệ mầm non - những thành viên dễ bị tổn thương nhất trong xã hội".

    Michelle Herd, đồng sáng lập ngân hàng trẻ em AberNecessities, cho biết: "Chính phủ phải điều tra vụ giá cả tăng, đặc biệt đối với các thực phẩm thiết yếu như sữa bột. Nếu thiếu sữa bột, bệnh viện nhi có nguy cơ quá tải do ngày càng nhiều trẻ em bị suy dinh dưỡng, mắc bệnh".

    Viethome (theo Metro)

  • Gần 95.000 cư dân của Burnley (Lancashire) phải đối mặt với những cú sốc kinh tế vào mùa Đông này, khi giá tiêu dùng đã tăng 11,7% là mức tăng cao nhất so với các địa phương khác.

    Nước Anh đã rơi vào thời kỳ suy thoái kinh tế, với lạm phát đạt mức kỷ lục trong hơn 40 năm. Hàng triệu người Anh phải đối mặt với khó khăn trong sinh hoạt hàng ngày khi mùa Đông cận kề. Nhưng chỉ khi đến Burnley - khu vực thiếu thốn nhất, cũng là nơi có tỷ lệ lạm phát cao nhất ở Anh mới cảm nhận hết cuộc sống khó khăn trong cơn bão giá.

    Bỏ bữa trưa mỗi ngày và xem tivi trong chăn để giữ ấm không phải là cách mà ông bà Ann và Keith Hartley dự tính khi về hưu. Họ là cư dân ở Burnley, thị trấn phía Bắc nước Anh bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt.

    khung hoang o Burnley
    Hàng triệu người Anh phải đối mặt với khó khăn trong sinh hoạt hàng ngày khi mùa Đông cận kề. Ảnh minh họa: Reuters

    Ở độ tuổi 70, gia đình ông bà Hartley thậm chí còn phải giảm bớt các tách trà khi đối mặt với hóa đơn năng lượng tăng cao và lạm phát 2 con số trong các cửa hàng.

    “Tôi nhận thấy sự khác biệt lớn về chi phí sinh hoạt ở Burnley, điều đó thật điên rồ. Giá cả đang vượt khỏi tầm kiểm soát. Hệ thống nước nóng trong nhà bị ngắt khi mà chúng tôi cần, bởi không đủ khả năng chi trả. Chúng tôi đã cắt giảm xuống còn khoảng 2 bữa một ngày. Chúng tôi không có 1 bữa ăn trưa. Chúng tôi cũng không có hệ thống sưởi trong khi thời tiết lạnh kinh khủng”, ông bà Hartleys chia sẻ.

    Chị Wendy Pollard, 42 tuổi, một người bán sách tự do và là bà mẹ của 2 con cũng tỏ ra bất an, khi biết rằng giờ đây cô phải trả tiền mua bánh mì và sữa bằng tiền tiết kiệm định dùng vào việc đưa các con đi nghỉ mát.

    Nhóm chuyên gia tư vấn của Centre for Cities cho biết, gần 95.000 cư dân của Burnley phải đối mặt nhiều nhất với những cú sốc kinh tế vào mùa Đông này. Với những dãy nhà có từ Thế kỷ XIX, các khu nhà dân ở đây ngốn năng lượng nhiều nhất nước Anh. Giá tiêu dùng ở Burnley đã tăng 11,7% - mức tăng cao nhất so với các địa phương khác. Lý do là người dân phải chi tiêu nhiều hơn cho những mặt hàng thiết yếu vốn có giá tăng mạnh nhất so với những nơi khác.

    Ở một số vùng của Burnley, 50% trẻ em sống trong cảnh nghèo đói - được định nghĩa là hộ gia đình có thu nhập dưới 60% thu nhập trung bình đã điều chỉnh lạm phát trong năm 2010/2011.

    Trên thực tế nhiều người dân phải đối mặt với cảnh túng quẫn, dù vị thế của nước Anh với tư cách là nền kinh tế lớn thứ 6 thế giới. Tình trạng thiếu đầu tư kinh niên vào các dịch vụ xã hội, sự phát triển không đông đều giữa các vùng miền và mạng lưới đường sắt không hoạt động, đặc biệt là bên ngoài London đã tạo thêm cảm giác bất an cho người dân.

    Việc Anh rời Liên minh châu Âu cho đến nay không mang lại lợi ích kinh tế cho những nơi như Burnley. Khoảng 69% người Anh được thăm dò vào tháng trước cho biết đất nước đang đi sai hướng. Ngân hàng Anh dự đoán một cuộc suy thoái kéo dài và Anh là nền kinh tế duy nhất của Nhóm G7 chưa phục hồi hoàn toàn sau đại dịch Covid.

    Theo VOV

  • don len xe hoi song 1
    Anh Gareth Ward 48 tuổi, đã ngừng trả tiền thuê nhà và đang chờ bị đuổi khỏi nhà hội đồng. Ảnh: SWNS

    Một nhân viên chăm sóc sức khỏe đang chuẩn bị một cuộc sống mới trên chiếc xe của mình, vì anh không còn đủ khả năng trả tiền thuê căn hộ của hội đồng.

    Anh Gareth Ward, đến từ Norwich, Norfolk, sẽ sớm gia nhập hội "vô gia cư tiềm ẩn - hidden homeless". Cụm từ này ám chỉ những người chỉ có chỗ ở tạm bợ.

    Người đàn ông 48 tuổi không còn đủ sức trả tiền thuê nhà khi mức lương hàng tháng chỉ có £1,000. Riêng tiền thuê căn hộ đã là £700 và tiền thuế hội đồng là £120. Cùng với chi phí nhiên liệu đang tăng giá phi mã, anh hầu như không còn đồng nào trong túi để mua thức ăn.

    Hiện tại anh đã quyết định ngừng trả tiền thuê nhà và đang chờ bị đuổi khỏi căn hộ đang sống. Cuối năm nay, anh sẽ dọn lên sống trên chiếc xe Vauxhall Zafira 15 tuổi đời.

    Anh nói: "Đây là một bộ phim kinh dị, một sự thay đổi lớn trong đời. Nhưng may là tôi không bị ràng buộc gì, hiện sếp tôi đã biết hoàn cảnh của tôi. Kế sách này vẫn có nhiều ưu điểm hơn nhược điểm".

    don len xe hoi song 1
    Anh Gareth bên chiếc xe 15 tuổi đời Vauxhall Zafira. (Ảnh: SWNS)

    don len xe hoi song 1
    Anh đã từng bước chuyển đổi chiếc xe thành nơi ăn ở tạm bợ. (Ảnh: SWNS)

    "Tôi sẽ được tự do khỏi gánh nặng nợ nần và hóa đơn tiền điện. Cuộc sống của tôi sẽ dễ chịu hơn", anh cho biết. Đối với một quốc gia có giá nhà cao chót vót như Anh quốc thì Gareth không hề cô đơn. Anh cũng giống như hàng triệu người thuê khác phải chịu tác động mạnh của nền kinh tế bất ổn và suy thoái.

    Gareth đã tham khảo các video DIY trên mạng để dần dần chuyển đổi chiếc xe của mình, đảm bảo nó giúp anh chống chọi qua mùa đông lạnh giá.

    Anh cũng đã gắn kính chống đập và chống nhìn trộm, mua thêm 1 bếp ga mini, 1 siêu đun nước và gắn thêm ngăn trữ đồ. Chu đáo hơn, anh còn mua thẻ thành viên PureGym để có thể tắm và sử dụng các tiện ích ở phòng gym.

    don len xe hoi song 1
    Anh đã gắn kính chống đập phá và che cửa sổ. Ảnh: SWNS

    "Suốt 3 năm qua, tôi đã chật vật trả tiền thuê cho 1 căn hộ bé tí 1 phòng ngủ, chưa hết tôi còn phải trả tiền mua xe. Tôi đã quá mệt mỏi, cuộc đời tôi chỉ có làm việc và ngủ, không đủ tiền ăn uống. Tôi bị mắc chứng lo lắng. Nhưng với kế hoạch mới, tôi không còn phải sống khốn khổ nữa và đủ tiền để có một bữa ăn ấm nóng".

    Gareth hy vọng có thể tiết kiệm hơn £700 khi dọn lên sống trong xe hơi. Anh còn có thể đi thăm thú nơi này nơi kia và cải thiện sức khỏe tinh thần của mình.

    Hiện tại anh vẫn sống trong căn hộ đi thuê, chờ đợi Hội đồng Thành phố Norwich đến tiễn khỏi cửa.

    Một người đại diện chính quyền địa phương cho biết: "Chúng tôi luôn có kế hoạch giải quyết tình trạng thiếu nhà ở xã hội và nhà ở giá rẻ. Chúng tôi thường xuyên thương lượng với các chủ nhà nhằm cung cấp nhà thuê với giá rẻ hơn mặt bằng chung. Nếu ai gặp khó khăn về nhà ở, đừng ngại ngần liên hệ với chúng tôi để được tư vấn miễn phí".

    Viethome (theo Metro)

  • qua nhieu nguoi o Anh phai bo bua 1
    Các ngân hàng lương thực cho biết sự hỗ trợ hiện tại từ Chính phủ là không đủ. Ảnh: PA

    Cứ 10 người hưởng trợ cấp Universal Credit thì có 4 người thừa nhận họ phải bỏ bữa trong suốt mùa hè để có tiền đối phó với chi phí sinh hoạt tăng cao.

    Khoảng 41% người hưởng Universal Credit đã phải bỏ bữa suốt 3 tháng qua, 38% chỉ ăn 1 bữa hoặc không ăn cả ngày vì họ không đủ tiền mua thức ăn.

    Khảo sát do Tổ chức từ thiện ngân hàng thực phẩm lớn nhất nước Anh, The Trussell Trust, thực hiện. Tổ chức này đã khảo sát 1,846 người trưởng thành hưởng trợ cấp thông qua YouGov. 

    Food bank (ngân hàng thực phẩm) đang bị quá tải và có thể không đủ thức ăn cho mọi người, khi mà nhu cầu xin thực phẩm miễn phí ngày càng tăng.

    Giám đốc tại một chi nhánh food bank cho biết người dân ''vừa đi vừa khóc'' vì đã cạn tiền và lần đầu tiên phải ''muối mặt'' đi xin thực phẩm miễn phí.

    Khảo sát cũng cho thấy 21% người dân không thể nấu ăn vào mùa hè vì không đủ tiền đóng hóa đơn khí đốt, 23% người dân không thể đi làm hoặc đi tới các cuộc hẹn quan trọng vì không đủ tiền mua vé tàu xe.

    Theo The Trussell Trust, những con số này cho thấy sự hỗ trợ hiện tại là không đủ. Tổ chức này kêu gọi tân Thủ tướng Liz Truss phải nhanh chóng hành động.

    Gần 2/3 (64%) người được khảo sát cho biết họ đã tiêu khoản cứu trợ đầu tiên của Chính phủ hồi tháng 7 cho việc mua thực phẩm. 34% nói rằng họ đã mắc nợ trong 3 tháng qua vì không thể trả chi phí thiết yếu.

    qua nhieu nguoi o Anh phai bo bua 1
    Ngày càng nhiều người tìm đến ngân hàng thực phẩm vì các khoản trợ cấp không đủ sống. Ảnh: Getty

    The Trussel Trust cho biết họ đang phải giúp đỡ nhiều người hơn so với trước đại dịch. CEO Emma Revie nói: ''Thật không đúng khi người ta phải bỏ bữa, không dám nấu nướng bởi vì họ bị bệnh hoặc là người khuyết tật, hoặc phải chăm sóc cho ai đó. Chính phủ không thể nói cho chúng tôi biết chuyện này khi nào thì kết thúc. Universal Credit khiến người hưởng trợ cấp - 41% số này có việc làm - không đủ tiền để sưởi ấm và ăn uống. Nó đẩy người ta đến ngân hàng thực phẩm''.

    ''Chính phủ phải hành động ngay. Ít nhất là phải tăng gấp đôi số tiền trợ cấp cho người có thu nhập thấp nhất, và ngừng khấu trừ các khoản tiền mà họ được nhận'', bà nói.

    Viethome (theo Metro)

  • Tỷ lệ trộm cắp vặt tại cửa hàng ở Anh đã tăng vọt, giữa lúc nhiều người tiêu dùng cảm thấy “tuyệt vọng” khi phải đối mặt với lạm phát cao kỷ lục trong nhiều thập kỷ.

    trom vat tang vot 1
    Người tiêu dùng ở Anh đang chật vật giữa lúc lạm phát cao kỷ lục. Ảnh: New York Times

    Những nhãn an ninh màu vàng sáng và các sản phẩm được đóng trong bao bì khó che giấu trên kệ siêu thị ở Anh đã nói lên một điều: Trộm cắp tại nước này đang gia tăng cùng với chi phí sinh hoạt, theo Bloomberg.

    Các vụ trộm cắp ở Anh đã tăng 18% trong khoảng thời gian 12 tháng tính đến tháng 6, do lạm phát, vốn cao kỷ lục trong 4 thập kỷ, đã đẩy giá các mặt hàng từ bánh mì đến mì ống lên cao. Điều đó khiến người tiêu dùng thêm khó khăn trong việc mua các hàng hóa cơ bản.

    Cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt ở Anh trở nên sâu sắc hơn vào tháng 10, khi giá tiêu dùng tăng 11,1% so với một năm trước đó, mức cao nhất trong hơn 40 năm. Điều đó khiến người Anh phải vật lộn để theo kịp mức tăng của chi phí sinh hoạt, theo New York Times.

    Cảnh giác ngay cả với những mặt hàng giá trị thấp

    Khi mức lạm phát cao hơn có thể xảy ra trong thời gian tới, hành vi trộm cắp có thể lan rộng hơn. Các nhà bán lẻ cũng đã trở nên cảnh giác hơn đối với hành vi trộm vặt.

    Tỷ lệ lạm phát tại Anh đã tăng lên mức cao nhất trong 41 năm vào tháng 10, khiến nhiều người kêu gọi chính phủ làm nhiều hơn để xoa dịu cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt của quốc gia này, AP đưa tin.

    trom vat tang vot 1
    Một người mua sản phẩm từ một quầy bán rau quả ở trung tâm London (Anh) vào ngày 19/8. Ảnh:Reuters

    Các cửa hàng từng gắn thiết bị chống trộm vào những mặt hàng đắt tiền như rượu đã chuyển sang bảo vệ cả những sản phẩm ít có khả năng bị trộm hơn như bơ, pho mát, bột giặt và thanh protein. Giá bán lẻ của vài sản phẩm trong số đó chỉ khoảng hơn 2 USD.

    Eoin Tonge, Giám đốc Chiến lược và Tài chính của Tập đoàn Marks & Spencer, khẳng định đó chắc chắn là vấn đề chính trong năm nay.

    “Khi thời kỳ lạm phát ập đến, chúng tôi thấy phần còn lại của thị trường ngày càng cảnh giác. Gần như tất cả nhà bán lẻ đã áp dụng nhiều biện pháp hơn, cho dù đó là bảo vệ hay gắn nhãn”, ông cho biết.

    Tesco và J Sainsbury nằm trong số hơn 100 nhà bán lẻ đã kêu gọi cảnh sát Anh tập trung vào tội phạm bán lẻ trong tháng 8 vì chi phí sinh hoạt đè nặng lên người tiêu dùng.

    Tesco đã tăng cường các biện pháp an ninh vào đầu năm nay, bao gồm cả nhân viên trong cửa hàng, Chủ tịch John Allan nói với Times Radio.

    “Tôi không thông cảm với những người ăn cắp vặt, nhưng tôi có thể hiểu rằng những người tuyệt vọng đang thực hiện các biện pháp tuyệt vọng”, ông Allan nói.

    Áp lực tài chính nặng nề

    Lạm phát giá hàng tạp hóa đã đạt mức kỷ lục 14,7% vào tháng trước, khiến hóa đơn mua sắm trung bình hàng năm tăng thêm 682 bảng Anh, tương đương hơn 800 USD.

    Hơn 25% hộ gia đình ở Anh cho biết họ đang gặp khó khăn về tài chính - gấp đôi so với năm ngoái. Đại đa số cũng khẳng định giá thực phẩm và đồ uống cao hơn là mối quan ngại lớn.

    Trộm cắp tại cửa hàng chắc chắn thường gia tăng trong thời kỳ khó khăn về tài chính. Những nhà bán lẻ ghi nhận nhiều vụ trộm hơn trong cuộc khủng hoảng tài chính. Hóa đơn năng lượng tăng đột biến và lãi suất thế chấp tăng trong thời gian tới dự kiến ​​gây căng thẳng nghiêm trọng cho người tiêu dùng trên cả nước Anh.

    Khoảng 16% hộ gia đình cho biết vào tháng 4 rằng họ đã phải bỏ bữa và nhiều người đã tìm đến ngân hàng thực phẩm để được hỗ trợ.

    trom vat tang vot 1
    Nhiều mặt hàng ở Anh đã tăng vọt trong thời gian qua. Ảnh: Bloomberg.

    Richard Lim, Giám đốc điều hành của công ty nghiên cứu tư vấn Retail Economics, cho biết có áp lực đối với các gia đình và ngân sách cá nhân, đồng thời cũng có áp lực về việc phải tặng quà vào dịp Giáng sinh”.

    “Tất cả điều này là những yếu tố có thể khiến nạn trộm cắp gia tăng trong tương lai gần”, ông nói thêm.

    Việc mua sắm trực tiếp tại cửa hàng sau thời gian phong tỏa và giãn cách xã hội cũng là một yếu tố góp phần làm gia tăng tình trạng trộm vặt trong cửa hàng.

    Morleys Group gần đây đã đầu tư khoảng 750.000 bảng Anh (khoảng 890.000 USD) vào cửa hàng bách hóa Upminster của mình, bao gồm cả việc thiết kế lại nơi bày bán nước hoa nước hoa để giữ sản phẩm trong tủ và ngăn kéo có khóa.

    Cửa hàng Brixton của công ty này, vừa được tân trang lại với giá 4 triệu bảng Anh, cũng sử dụng ngăn kéo có khóa cho hàng hóa đến từ thương hiệu như Dior và Jo Malone.

    Bernard Dreesmann, Chủ tịch của Morleys, cho biết: “Trộm vặt tại cửa hàng chắc chắn đang gia tăng. Túi tiền đã trở nên eo hẹp hơn”.

    Bên cạnh đó, giá cả tăng đột biến cũng đang buộc những người trẻ ở Anh phải quay trở lại sống với gia đình, kèm theo nhiều lo ngại về tài chính.

    Nhiều thanh niên Anh đã hy vọng rằng sau hai năm của đại dịch Covid-19, cuối cùng họ cũng có thể bắt đầu tận hưởng cuộc sống của mình. Tuy nhiên, nhiều người hiện vẫn nhà với lý do tài chính, khi họ phải đối mặt với chi phí gia tăng và nền kinh tế đang chậm lại.

    Theo Zing