• Hình ảnh chó Corgi, loài vật được Nữ hoàng Anh yêu mến, xuất hiện khắp đường phố London trước đại lễ bạch kim kỷ niệm 70 năm bà trị vì.

    Nữ hoàng Anh Elizabeth II nổi tiếng yêu động vật và rất thích Corgi, giống chó chân ngắn có vẻ ngoài dễ thương. Nữ hoàng được cho là đã nuôi hơn 30 chó Corgi trong thời gian trị vì. Chó Corgi thường xuyên có mặt trong các bức ảnh và các sự kiện quan trọng của Nữ hoàng.

    cho corgi gay sot 1
    Hai chú chó Corgi đeo cờ Anh bên ngoài quán cà phê Refinery ở London ngày 29/5. Ảnh: Reuters.

    Tình yêu của Nữ hoàng đối với loài chó này đã truyền cảm hứng cho rất nhiều gian hàng lưu niệm ở London trước thềm đại lễ bạch kim kỷ niệm 70 năm trị vì của bà. Các nhà bán lẻ đang bày bán các món đồ lưu niệm gắn liền với hình ảnh chó Corgi như chặn giấy, gối, quần áo.

    Thực phẩm hình Corgi cũng được chú ý. Nhà bán lẻ Marks & Spencer cho ra mắt nhiều loại bánh ngọt hình Corgi như bánh kem, bánh ngọt và bánh gừng. Thương hiệu trà nổi tiếng của Anh PG Tips cũng tung ra mẫu trà túi lọc phiên bản giới hạn có hộp đựng hình Corgi.

    Các tác phẩm điêu khắc Corgi cũng được lắp đặt trên khắp các đường phố ở trung tâm thủ đô London. Cung điện Buckingham thậm chí cho ra mắt biểu tượng cảm xúc nháy mắt "PJ the Corgi" để người dùng mạng xã hội có thể sử dụng.

    cho corgi gay sot 1
    Những con rối lấy cảm hứng từ đàn Corgi hoàng gia trên đường phố London, thủ đô Anh, ngày 29/5. Ảnh: AP

    Quán cà phê Refinery ở trung tâm London ngày 29/5 còn tổ chức sự kiện đặc biệt thu hút những người chủ đưa khoảng 300 con chó Corgi tới đây. Đàn chó được phép tự do đi lại và đánh hơi mọi thứ trong không gian quán. Chúng được phục vụ miễn phí bánh quy và loại cà phê thân thiện với chó.

    Pug Cafe, công ty tổ chức sự kiện này, thậm chí chỉ định một "khu vực thư giãn" dành cho những con chó già hoặc nhát người.

    "Tôi nghĩ đây là cách ăn mừng đại lễ bạch kim đúng đắn do Nữ hoàng rất yêu loài chó Corgi", phi công 58 tuổi Ian Middleton cho biết, với chú chó Corgi tên Barker trên tay. "Đây có thể là sự kiện lớn cuối cùng của Nữ hoàng, cũng là một cách để nói lời cảm ơn tới bà".

    cho corgi gay sot 1
    Nữ hoàng Anh Elizabeth II trò chuyện với các thành viên Hiệp hội chó Corgi Manitoba trong chuyến thăm Winnipeg, Canada, ngày 8/10/2002. Ảnh: AFP

    "Tôi yêu Corgi bởi chúng nhỏ nhưng lại cực kỳ chắc mập, ôm chúng rất thích", Abbie Keane, 43 tuổi, cho biết, nói thêm rằng cô có niềm "đam mê cuồng nhiệt" với giống chó này. "Đây là năm mà những người hâm mộ Corgi có thể tận hưởng".

    Đại lễ bạch kim kỷ niệm 70 năm trị vì của Nữ hoàng Anh Elizabeth II sẽ kéo dài 4 ngày, từ 2/6 đến 5/6, trong đó có các hoạt động như lễ hòa nhạc và cuộc diễu hành Trooping the Colour của quân đội hoàng gia Anh.

    VnExpress (theo Washington Post, Yahoo News)

     

  • Nữ hoàng Elizabeth II không chỉ là người trị vì lâu nhất ở Anh, mà còn giữ kỷ lục là nguyên thủ quốc gia cao tuổi nhất trên thế giới.

    Nữ hoàng Elizabeth II lên nắm quyền năm 1952, sau khi vua cha George VI qua đời. Tới nay, bà đã trị trì Vương quốc Anh trong 70 năm và gần 4 tháng, lâu hơn bất kỳ vị quân chủ nào khác trong lịch sử nước này.

    Kỷ lục trước đó thuộc về Nữ hoàng Victoria, người đã trị vì trong 63 năm, 7 tháng và hai ngày trước khi qua đời năm 1901, hưởng thọ 81 tuổi. Ở tuổi 96, Nữ hoàng Elizabeth II còn là vị quân chủ và nguyên thủ quốc gia cao tuổi nhất thế giới.

    Trên thế giới chỉ có hai vị vua có thời gian trị vì lâu hơn bà. Vua Louis XIV của Pháp nắm quyền trong 72 năm, còn Vua Bhumibol Adulyadej của Thái Lan trị vì trong 70 năm 4 tháng, trước khi ông qua đời vào tháng 10/2016.

    ky luc cua nu hoang anh

    Nữ hoàng Eliazbeth II còn giữ một kỷ lục khác về đi lại trên toàn cầu. Bà đã tới hơn 100 quốc gia trên thế giới kể từ năm 1952, cũng như thực hiện hơn 150 chuyến thăm đến các nước trong Khối Thịnh vượng chung.

    Canada là điểm đến nhiều nhất trong sự nghiệp của Nữ hoàng, với 22 lần. Tại châu Âu, Pháp là quốc gia bà tới thăm nhiều nhất với 13 lần, đồng thời Nữ hoàng cũng thông thạo tiếng Pháp. Telegraph ước tính tổng chiều dài các chuyến đi của Nữ hoàng tương đương 42 lần vòng quanh thế giới.

    Chuyến công du nước ngoài dài nhất của bà kéo dài 168 ngày từ tháng 11/1953 tới tháng 5/1954, tới tổng cộng 13 quốc gia. Đến tháng 11/2015, ở tuổi 89, bà mới dừng các chuyến công du nước ngoài.

    Bà cũng được coi là một trong những người bận rộn nhất thế giới. Khi còn là công chúa 21 tuổi, bà đã cam kết cống hiến cả cuộc đời cho sự nghiệp phục vụ Khối Thịnh vượng chung. Trên cương vị Nữ hoàng, bà đã thực hiện khoảng 21.000 cuộc gặp, thông qua 4.000 bộ luật và tiếp đón 112 chuyến thăm cấp nhà nước của các nguyên thủ nước ngoài.

    Trong số những người bà từng tiếp đón có hoàng đế Haile Selassie của Ethiopia năm 1954, Nhật hoàng Hirohito năm 1971, tổng thống Ba Lan Lech Walesa năm 1991 và tổng thống Mỹ Barack Obama năm 2011.

    Cung điện Buckingham của bà đã tổ chức hơn 180 bữa tiệc, đón tiếp hơn 1,5 triệu người tham dự.

    Trong lĩnh vực chính trị, bà cũng là người chứng kiến nhiều thay đổi nhất của chính phủ Anh, với 14 thủ tướng phục vụ dưới thời của bà. Người đầu tiên là thủ tướng Winston Churchill (từ năm 1952 đến 1955) và người gần đây nhất là Thủ tướng Boris Johnson, kể từ năm 2019.

    Nữ hoàng cũng thường xuyên tổ chức các cuộc họp riêng với thủ tướng Anh tại Điện Buckingham hàng tuần.

    Nữ hoàng Elizabeth II đã gặp 13 trong 14 tổng thống Mỹ gần đây nhất, ngoại trừ Lyndon B. Johnson. Lãnh đạo Nhà Trắng gần đây nhất mà bà tiếp đón là Tổng thống Joe Biden, người tới thăm năm 2021.

    Cuộc hôn nhân của bà kéo dài 73 năm, một kỷ lục đối với người đứng đầu hoàng gia Anh. Chồng bà là Hoàng thân Philip, người qua đời vào tháng 4 năm ngoái ở tuổi 99.

    Năm 1996, Nữ hoàng Elizabeth II trở thành người đầu tiên trong hoàng gia Anh tới thăm Trung Quốc. Bà cũng là người đầu tiên phát biểu tại Hạ viện Mỹ ở Washington.

    Vương quốc Anh đang tổ chức Đại lễ Bạch kim kỷ niệm 70 năm trị vì của bà, với các màn diễu hành hoành tráng và những bữa tiệc trên đường phố. Đây nhiều khả năng là Đại lễ Bạch kim đầu tiên và duy nhất của Anh, cũng có thể là lễ kỷ niệm lớn cuối cùng trong triều đại của Nữ hoàng.

    VnExpress (theo AFP)

  • Nhiều người quan niệm rằng Nữ hoàng Elizabeth không bao giờ khóc trước công chúng, nhưng các nhà sử học cho biết điều đó không đúng.

    Sally Bedell Smith, nhà viết tiểu sử về Nữ hoàng và các thành viên hoàng gia cấp cao khác cho biết trong 7 thập kỷ qua, Nữ hoàng Elizabeth II từng rơi nước mắt vài lần, nhưng mọi người không nhận ra hoặc ít nhớ đến.

    Nu hoang Anh khoc 1
    Nữ hoàng Elizabeth rơi nước mắt trong Ngày Tưởng niệm 2002. Ảnh: Telegraph.

    Năm 1997, Nữ hoàng rơi lệ khi chiếc du thuyền lâu năm của hoàng gia Britannia dừng hoạt động. Bà đã khóc khi đến Aberfan, Wales năm 1966 để thăm những người sống sót sau trận lở xỉ than khiến 144 người thiệt mạng, hầu hết là trẻ em. Tại đám tang của em gái là Công chúa Margaret năm 2002, những người ngồi gần Nữ hoàng nói với Bedell Smith rằng bà "khóc rất nhiều" và "đó là lần tôi thấy bà ấy buồn nhất".

    "Nữ hoàng đã khóc, nhưng vào những thời điểm thích hợp, như Ngày Tưởng niệm" (tưởng niệm người Anh tử trận trong các cuộc chiến vào tháng 11 hàng năm), Arbiter nói.

    Nhưng quan niệm của nhiều người rằng Nữ hoàng hiếm khi thể hiện cảm xúc bản thân về cơ bản là đúng. Trong 69 năm trên ngai vàng, bà rất giỏi che giấu cảm xúc của mình khi cần thiết và điều đó thật sự cần thiết.

    Nữ hoàng Elizabeth đã kìm nén nỗi buồn hôm 17/4, tại đám tang của chồng mình, Hoàng thân Philip, người qua đời vào ngày 9/4 ở tuổi 99. Nữ hoàng vẫn giữ bình tĩnh khi rời khỏi xe vào Nhà nguyện St. George ở Lâu đài Windsor. Bà mặc trang phục đen và đeo khẩu trang, ngồi trầm mặc một mình trong buổi lễ, cúi đầu và rời đi cùng người chủ trì.

    Theo quy tắc phòng chống Covid-19, tất cả 30 người dự lễ tang phải đeo khẩu trang. Máy quay truyền hình đã không quay cận cảnh khuôn mặt của các thành viên hoàng gia trong suốt buổi lễ, để thể hiện sự tôn trọng với tang gia.

    Con trai thứ hai của Nữ hoàng, Hoàng tử Andrew, đã nói về mẹ khi trò chuyện với các phóng viên hai ngày sau khi cha qua đời: "Giống như các bạn nghĩ, Nữ hoàng là người rất khắc kỷ", ông Andrew, 61 tuổi, nói. Khắc kỷ là từ dùng để mô tả người có thể chịu đựng nỗi đau hoặc khó khăn mà không thể hiện cảm xúc hay phàn nàn.

    "Bà nói rằng cái chết của ông đã để lại một khoảng trống lớn nhưng chúng tôi, gia đình, những người thân thiết, sẽ đảm bảo rằng chúng tôi ở bên để động viên bà", Hoàng tử nói thêm.

    "Nữ hoàng là người giàu cảm xúc nhưng bà rất nỗ lực thể hiện sự điềm tĩnh". Bedell Smith nói. "Một phần là do vị trí của bà, tính khí và cả cách bà đã được giáo dục từ xưa".

    Bedell Smith nói rằng khi còn là công chúa, bà Elizabeth đã được rèn giũa để không thể hiện cảm xúc trước công chúng. "Khi xem các buổi biểu diễn hoặc dự sự kiện, các bạn có thể để ý thấy Nữ hoàng không vỗ tay tán thưởng, vì nếu bà thể hiện phản ứng bằng bất kỳ hình thức nào, điều đó sẽ được coi là ủng hộ nhóm này hơn nhóm khác. Vì vậy, bà ấy đã rèn luyện để thể hiện sự trung lập".

    Nu hoang Anh khoc 1
    Nữ hoàng Anh Elizabeth II ngồi xe tới Nhà nguyện St. George, lâu đài Windsor, nơi diễn ra tang lễ của Hoàng thân Philip vào ngày 17/4. Ảnh: AFP

    Đôi khi Nữ hoàng bị chỉ trích vì có khuôn mặt "quá lạnh", Arbiter nói. "Bà ấy có thể bị chỉ trích nếu thể hiện cảm xúc, nhưng cũng có thể bị chỉ trích nếu tỏ ra thờ ơ. Lựa chọn an toàn nhất của Nữ hoàng là không phản ứng. Cách tốt nhất để tránh bị chỉ trích là không thể hiện gì cả, nhưng điều này đòi hỏi ý chí thép và nhiều năm luyện tập".

    Khác với chồng mình, người thường biểu đạt sự phật ý hoặc cảm động ra bên ngoài, Nữ hoàng luôn thể hiện sự trung lập. "Kỷ luật! Bà ấy rất kỷ luật về mọi mặt", Bedell Smith nói.

    Nữ hoàng là người thuộc thế hệ từng trải qua Thế chiến II, khi rất nhiều người phải chịu đựng khó khăn, mất mát, đau thương. Chủ nghĩa khắc kỷ là cơ chế đương đầu khó khăn của tất cả mọi người, không chỉ Nữ hoàng, Arbiter nhận xét. "Hoàng gia hiểu rằng rất nhiều người Anh đã trải qua một năm đầy khó khăn do Covid-19 và họ muốn duy trì quan điểm đó trong tang lễ".

    VnExpress (theo TNS)

  • Đại lễ Bạch kim sẽ thúc đẩy nhiều hoạt động tiệc tùng, kỷ niệm của người Anh, với 7,5 tỷ USD dự kiến được chi cho các ngành dịch vụ.

    Đại lễ Bạch kim kỷ niệm 70 năm Nữ hoàng Anh Elizabeth II trị vì sẽ kéo dài 4 ngày, từ 2/6 đến 5/6, vào thời điểm cuối tuần. Người dân Anh sẽ tổ chức nhiều bữa tiệc trên đường phố, các buổi hòa nhạc cùng như các cuộc diễu hành trong khoảng thời gian này.

    Khảo sát từ Opimium và Vouchercodes cho thấy người dân Anh sẽ chi hơn 2,5 tỷ USD cho thực phẩm, trong khi các quán rượu, quán bar, nhà hàng kỳ vọng đạt doanh thu khoảng 3,76 tỷ USD trong dịp lễ. Tổng doanh thu của ngành dịch vụ Anh trong sự kiện này có thể lên tới 7,5 tỷ USD.

    chi tieu dai le bach kim
    Một người đàn ông mặc trang phục quốc kỳ Anh đợi ở đường The Mall dẫn từ quảng trường Trafalgar tới Cung điện Buckingham ở London, ngày 2/6. Ảnh: Reuters.

    Theo Guardian, Đại lễ Bạch kim đã thúc đẩy "bầu không khí tiệc tùng" sau hơn hai năm hạn chế do đại dịch Covid-19. Khoảng 1/5 dân số Anh có kế hoạch ra đường ăn mừng và dự kiến chi 752.000 USD cho đồ trang trí, quà lưu niệm.

    Công ty nội thất Laura Ashley cho biết doanh số bán giá đỡ bánh ngọt, các bộ đồ ăn tối tăng hơn gấp 4 lần trong tuần này, khi các hộ gia đình chuẩn bị họp mặt trong 4 ngày lễ.

    Hiệp hội du lịch UKHospitality, Viện Quản lý Nhà trọ Anh (BII), Hiệp hội Bia và Quán rượu Anh và Hospitality Ulster ra một tuyên bố chung, dự báo số tiền chi cho các quán rượu, nhà hàng và khách sạn từ 2/6 đến 4/6 sẽ tăng hơn 500 triệu USD so với mức trung bình cuối tuần tại nước này.

    "Chúng tôi hiểu nhu cầu ra ngoài và tận hưởng của người dân sau khoảng thời gian bị dồn nén", tuyên bố chung của các hiệp hội cho biết, nói thêm rằng Đại lễ Bạch kim sẽ "làm nên điều kỳ diệu, tác động tích cực tới tinh thần lực lượng lao động Anh".

    VnExpress (theo Guardian)

  • bi kich cong chua alice 2
    Tranh vẽ công chúa Alice (Ảnh: Royal).

    Công chúa Alice của vương quốc Anh có cuộc đời chìm trong bi kịch kể từ sau cái chết của cha cô vào năm 1861.

    Công chúa Alice sinh ngày 25/4/1843 tại cung điện Buckingham ở London, Anh quốc. Alice là con gái thứ hai của Nữ hoàng Anh Victoria và Hoàng tử Albert của Cộng hòa Liên bang Đức.

    Tuổi thơ của công chúa Alice trôi qua khá êm đềm. Cô và các anh chị em được dạy các kỹ năng thực tế như dọn dẹp nhà cửa, nấu ăn, làm vườn và làm mộc cũng như các bài học hàng ngày bằng tiếng Anh, Pháp và Đức.

    Alice và các anh chị em có lối sống giản dị. Họ mặc quần áo của tầng lớp trung lưu, ngủ trong những phòng ngủ được trang bị nội thất đơn giản với rất ít lò sưởi. Alice bị cuốn hút với thế giới bên ngoài, cô thích đến thăm những người đang sống và làm việc trong khu đất của gia đình. Năm 11 tuổi, cô bé Alice đã cùng mẹ và chị đi thăm các bệnh viện ở London, Anh quốc và cô tỏ ra là người nhạy cảm, đồng cảm với nỗi khổ của người khác. Alice cũng là người có khả năng ăn nói cùng với tính khí dễ nổi nóng.  

    bi kich cong chua alice 2
    Tranh vẽ công chúa Alice (Ảnh: Royal).

    Lòng trắc ẩn của Alice đối với nỗi đau khổ của người khác đã khiến cô trở thành người luôn quan tâm, chăm sóc gia đình. Khi bà ngoại của cô là nữ Công tước xứ Kent ốm liệt giường, Alice đã dành nhiều thời gian ở bên bà ngoại, chơi piano cho bà nghe và chăm sóc bà ở những giai đoạn cuối. Sau khi bà ngoại qua đời, mẹ của công chúa Alice rất đau buồn và Alice đã luôn ở bên để chăm sóc, an ủi mẹ của mình. Nữ hoàng sau đó đã viết thư cho chú của mình kể rằng: "Alice rất tốt bụng, đầy dịu dàng, trìu mến đối với cháu".

    Alice đính hôn với hoàng tử Đức Louis IV vào ngày 30/4/1861 và khi đó, Nữ hoàng đã thuyết phục Thủ tướng Anh Lord Palmerston đảm bảo để Alice nhận được số của hồi môn trị giá 30,000 bảng Anh (tương đương với số tiền gần 3 triệu bảng Anh vào năm 2022).

    Sau lễ đính hôn, khi công chúa Alice và hoàng gia chuẩn bị cho đám cưới thì cha của Alice là Hoàng tử Albert đột ngột qua đời vào ngày 14/12/1861. Hoàng tử Albert qua đời khiến Nữ hoàng vô cùng đau khổ. Khi đó công chúa Alice trở thành thư ký không chính thức và người đại diện của mẹ bởi Nữ hoàng sống ẩn mình và không còn xuất hiện ở nơi công cộng.

    Dù chồng qua đời nhưng Nữ hoàng Victoria vẫn muốn con gái tổ chức đám cưới theo đúng kế hoạch. Vào ngày 7/1/1862, Alice và Louis tổ chức đám cưới trong phòng ăn của dinh thự hoàng gia Osborne House. Trong hôn lễ, công chúa Alice, 19 tuổi mặc một chiếc váy trắng đơn giản và cô bắt buộc phải mặc quần áo tang màu đen trước và sau buổi lễ. Đám cưới của Alice và Louis diễn ra rất trầm lặng và sau đó, nữ hoàng Anh Victoria nói rằng "đó là ngày buồn nhất mà tôi có thể nhớ". Buổi lễ cũng được khách mời - nam tước Gerard Noel mô tả là "đám cưới hoàng gia buồn nhất trong thời hiện đại".

    bi kich cong chua alice 2
    Công chúa Alice và chồng trong ngày cưới (Ảnh: Pinterest).

    Sau đám cưới, công chúa Alice và chồng từng có những tháng ngày hạnh phúc bên nhau. Công chúa Alice sinh 7 người con và bi kịch ập đến với công chúa vào ngày 29/5/1873, khi con trai út của cô, hoàng tử Friedrich chết sau khi ngã xuống từ cửa sổ tầng cao. Hoàng tử Friedrich khi đó mới 3 tuổi, bị bệnh máu khó đông nên dù đã tỉnh lại sau cú ngã nhưng không thể cầm máu.

    Công chúa Alice vô cùng đau khổ sau khi con qua đời và cô dồn tâm sức cho các hoạt động xã hội như gây quỹ từ thiện, ủng hộ y tế.... Trong những năm này, quan hệ của công chúa với chồng ngày càng xấu đi.

    Vào cuối năm 1876, công chúa Alice đến Anh để chữa bệnh và cô từng viết những bức thư rất buồn cho chồng với nội dung rằng: "Em khao khát có được một người bạn đồng hành thực sự. Tuy nhiên em thất vọng, cay đắng với bản thân khi nhìn lại và nhận ra rằng, hy vọng của em đã hoàn toàn tan thành mây khói.

    Những bức thư của anh rất tử tế nhưng trống rỗng và trần trụi. Vì thế, qua những bức thư đó, em có ít điều để nói với anh hơn bất kỳ người nào khác. Chúng ta ngày càng xa cách và đó là lý do tại sao em cảm thấy chúng ta không thể là bạn đồng hành. Em yêu anh rất nhiều, chồng yêu của em và đó là lý do tại sao em rất buồn khi cảm thấy cuộc sống của chúng ta không trọn vẹn dù em không đổ lỗi cho anh". Bất chấp những trục trặc trong hôn nhân, Alice vẫn thể hiện ra bên ngoài là người ủng hộ chồng mạnh mẽ khi khả năng của chồng chưa được công nhận một cách đầy đủ.

    bi kich cong chua alice 2
    Công chúa Alice bên chồng con (Ảnh: Pinterest).

    Vào tháng 11/1878, cô con gái lớn của công chúa Alice, Victoria bị bệnh bạch hầu và ngay sau đó, căn bệnh này đã lây lan sang các con của Alice là Alix, Marie, Irene và Ernest. Chồng công chúa cũng bị nhiễm bệnh. Elisabeth là đứa trẻ duy nhất không bị ốm nên được công chúa Alice gửi đến cung điện của mẹ chồng cô.

    Ngày 16/11/1878, công chúa Marie, 4 tuổi đã ốm liệt giường do bệnh bạch hầu và Alice được gọi đến bên giường bệnh của con gái nhưng khi cô đến, con của mình đã chết. Alice vô cùng suy sụp nên đã viết thư cho mẹ và nói rằng, đó là nỗi đau không thể nói thành lời.

    Alice giữ bí mật tin tức về cái chết của Marie với các con trong vài tuần nhưng cuối cùng cô đã nói với con trai Ernest. Hoàng tử Ernest đã khóc dữ dội khiến công chúa Alice phá vỡ quy tắc là không tiếp xúc cơ thể với người bị bệnh bạch hầu. Công chúa hôn con trai nhỏ và sau đó ít ngày, cô cũng lây bệnh bạch hầu từ con trai mình. 

    Công chúa Alice qua đời vào ngày 14/12/1878 khi mới 35 tuổi. Cô mất vào đúng ngày giỗ cha và sau đó, công chúa Alice được chôn cất cùng con gái Marie.

    Khi công chúa Alice qua đời, nữ hoàng Victoria đau đớn chia sẻ rằng: "Đứa con quý giá của tôi, người luôn sát cánh và hỗ trợ tôi đã qua đời bởi một căn bệnh kinh hoàng và đáng sợ. Con bé đáng yêu như cha của mình, luôn hy sinh quên mình, không sợ hãi và toàn tâm toàn ý với công việc".

    Thời báo The Times của Anh đã viết về công chúa Alice rằng: "Những người bình dân trong xã hội thường cảm thấy như thể họ có quan hệ họ hàng với công chúa, một hình mẫu của đức hạnh gia đình, một người con gái, một người chị, một người vợ và một người mẹ tuyệt vời".

    Tờ The Illustrated London thì viết rằng: "Bài học về cuộc đời của công chúa là điều dễ nhận thấy. Giá trị đạo đức quan trọng hơn nhiều so với địa vị cao quý trong xã hội".

    Dân Trí (theo royal-splendor.blogspot.com)

  • may bay cho nu hoang

    Sấm sét đã buộc máy bay chở Nữ hoàng Anh phải bay lòng vòng khoảng 15 phút trước khi hạ cánh xuống London.

    Chuyên cơ chở Nữ hoàng Anh đưa bà về nhà từ Aberdeen ở Scotland trước Đại lễ Bạch kim - lễ kỷ niệm 70 năm trị của bà vào cuối tuần này. Tuy nhiên, thời tiết sấm sét đã làm trì hoãn việc Nữ hoàng trở lại Lâu đài Windsor chỉ vài giây trước khi chuyên cơ 13 chỗ hạ cánh.

    Phi công được yêu cầu "bay vòng quanh", vòng qua phía bắc của London thêm 15 phút trước khi cố gắng hạ cánh lần nữa trong điều kiện thời tiết thuận tiện hơn. Theo The Sun, Cung điện Buckingham xác nhận sự chậm trễ nhưng nhấn mạnh không có lo ngại về an toàn.

    Một người trong cuộc nói với tờ báo: "Trong những tình huống thế này, bạn không gặp rủi ro gì và phi công đã đúng khi hủy hạ cánh do gặp sấm sét". 

    Thời tiết xấu xảy ra khi Nữ hoàng lên chuyên cơ trở về sau kỳ nghỉ 5 đêm thư giãn tại Dinh thự Balmoral. Nữ hoàng 96 tuổi sau đó được đưa lên chiếc xe 4 chỗ về lại Lâu đài Windsor sau chuyến bay. Bà dường như không quá bận tâm và trông bình tĩnh khi ngồi cạnh cún cưng trên xe.

    Bài liên quan: Mạo danh thầy tu rồi qua đêm trong trại cận vệ của Nữ hoàng Anh

    Quân đội Anh hôm 3/5 cho biết đang tiến hành một cuộc điều tra sau khi nhận được báo cáo về việc một người đàn ông tìm cách xâm nhập vào doanh trại của Coldstream Guards, trung đoàn lâu đời nhất liên tục phục vụ chính quy trong Quân đội Anh.

    Theo Reuters, kẻ này sau đó còn giao du với những người lính ưu tú bảo vệ Nữ hoàng Elizabeth II, thậm chí còn qua đêm tại Doanh trại Victoria gần Lâu đài Windsor.

    "Quân đội coi đây là hành vi vi phạm an ninh cực kỳ nghiêm trọng và sẽ ưu tiên tiến hành điều tra kỹ lưỡng", người phát ngôn Bộ Quốc phòng Anh từ chối bình luận thêm vì "vụ  việc vẫn đang trong quá trình điều tra".

    mao danh thay tu
    Coldstream Guards, trung đoàn lâu đời nhất liên tục phục vụ chính quy trong Quân đội Anh. Ảnh: The Independent

    Theo tin tức từ The Sun, người đàn ông này xuất hiện ở cổng doanh trại và xâm nhập thành công mà không cần xuất trình bất kỳ giấy tờ tùy thân hay thông tin xác thực nào. "Ông ta giới thiệu bản thân là Cha Cruise và tự nhận là bạn của Mục sư Matt, thầy cả trong tiểu đoàn Coles, sau đó được mời vào trong", The Sun đưa tin.

    Cũng theo The Sun, thầy tu giả mạo này nhanh chóng kết giao với những bảo vệ tại đây, dành nhiều giờ đồng hồ uống rượu trong quán bar với các sĩ quan, chiêu đãi họ bằng những câu chuyện khó hiểu về đồ uống, khoe khoang 'chiến tích' từng phục vụ trong Chiến tranh Iraq, thậm chí còn tuyên bố nhận được huy chương vì lòng dũng cảm.

    "Ông ta kể rất nhiều câu chuyện cao siêu và các chàng trai tỏ ra thích thú với trò đùa của hắn", The Sun khẳng định. "Chỉ tới khi ông ta chuyển sang nói về quá trình làm việc với tư cách là một phi công thử nghiệm ghế phóng và 'nhảy việc' ở một số cơ quan thì những người trong cuộc mới bắt đầu nghi ngờ".

    Tuy tỏ ra hoài nghi nhưng vị "thầy tu rởm" vẫn được mời ngủ lại tại doanh trại. Tới sáng ngày tiếp theo, kẻ mạo danh mới bị kiểm tra, sau đó bị cảnh sát "tống cổ" khỏi doanh trại. Mặc dù vậy, cho tới nay, hắn vẫn không bị bắt giữ. 

    Theo The Sun

  • Anh chiếu chân dung Nữ hoàng lên mặt bãi đá cổ Stonehenge nhân dịp kỷ niệm 70 năm trị vì của bà, nhưng hoạt động này đang gây tranh cãi.

    Quyết định chiếu ảnh của Nữ hoàng Anh Elizabeth II lên mặt bãi đá cổ Stonehenge 5.000 năm tuổi được các nhà tổ chức gọi là "sự tôn kính nhiệm màu".

    Tuy nhiên, một số người bình luận trên mạng xã hội rằng bãi đá cổ Stonehenge ở Wiltshire, Anh, nên được giữ nguyên hiện trạng vì đây là một địa điểm tôn giáo cổ đại.

    Nhiều người khác tỏ ra gay gắt hơn, nói rằng hành vi này thật "khó chịu" khi biến tượng đài thời tiền sử thành bảng quảng cáo. "Đây là điều điên rồ hoặc tôi nên nói rằng đây là hành động mất trí", một tài khoản Twitter bình luận.

    Hinh anh nu hoang o Stonehenge
    Ảnh chân dung Nữ hoàng Anh được chiếu lên mặt đá cổ Stonehenge nhân dịp kỷ niệm 70 năm trị vì của bà. Ảnh: AP.

    Tuy nhiên, cũng có nhiều người tỏ ra hào hứng với ý tưởng chiếu chân dung Nữ hoàng Anh lên mặt tượng đá cổ và mô tả nó như thể "ngai vàng". Cựu thư ký báo chí và cũng là nhà phê bình hoàng gia Dickie Arbiter khen ngợi loạt ảnh Nữ hoàng trên bãi đá cổ Stonehenge "đẹp".

    Nhiều ý kiến cho rằng bãi đá cổ Stonehenge được xây dựng trong giai đoạn năm 3000 - 1520 trước Công nguyên. Mục đích của bãi đá cổ Stonehenge chưa được làm rõ, song cơ quan di sản Anh English Heritage kết luận rằng "chắc hẳn phải có lý do tâm linh nên những người thuộc thời kỳ đồ đá và đồ đồng mới nỗ lực rất nhiều để xây dựng nó".

    English Heritage không bình luận về phản ứng của công chúng, nhưng cho biết họ đã từng chiếu ảnh chân dung lên mặt đá Stonehenge trước đây. Năm 2020, khuôn mặt của 8 người tham gia hỗ trợ các lĩnh vực nghệ thuật và di sản Anh giữa đại dịch Covid-19 được chiếu lên mặt đá Stonehenge. Hồi tháng 11/2014, hình ảnh những người lính trong Thế chiến I cũng được chiếu lên mặt đá như một phần trong lễ tưởng niệm quân đội.

    Đại lễ Bạch kim kỷ niệm 70 năm trị vì của Nữ hoàng Anh kéo dài 4 ngày, từ ngày 2/6 đến ngày 5/6, trong đó có các hoạt động như lễ hòa nhạc và cuộc diễu hành Trooping the Colour của quân đội hoàng gia Anh.

    VnExpress (theo Washington Post)

  • Hàng triệu người sẽ đánh dấu lễ kỷ niệm Bạch kim của Nữ hoàng trong kỳ nghỉ lễ ngân hàng vào cuối tuần.

    Ước tính có khoảng 16,000 bữa tiệc đường phố sẽ được tổ chức vào cuối tuần khi các hội đồng nhận được “một số lượng lớn” đơn đăng ký.

    Hiệp hội chính quyền địa phương cho biết nhiều hội đồng đã miễn phí quản lý đối với việc đóng cửa đường, trong đó có 9,500 đơn đăng ký được thông qua trong thời gian diễn ra lễ hội Jubilee Kim cương của Nữ hoàng vào năm 2012.

    Một cuộc thăm dò nhanh với hàng chục hội đồng của LGA cho thấy họ đã chấp thuận hơn 1,000 bữa tiệc đường phố. Một số bữa tiệc đường phố sẽ được tổ chức riêng trong khi những bữa tiệc khác mở cửa tự do.

    tiec dai le bach kim julibee

    Ông James Jamieson - Chủ tịch LGA, nói: “Các hội đồng đang tìm ra tất cả các điểm dừng để giúp cộng đồng kỷ niệm một ngày lịch sử của đất nước chúng ta. Cho dù đó là phê duyệt đóng cửa hàng nghìn con đường địa phương miễn phí hay tổ chức các sự kiện cộng đồng lớn, các hội đồng đang kết nối mọi người lại với nhau theo những cách sáng tạo để đánh dấu cột mốc quan trọng này. Sau hai năm khó khăn ở đỉnh điểm của đại dịch Covid-19, chúng tôi hy vọng lần này mọi người có thể nâng ly chúc mừng với những người thân yêu và hàng xóm".

    Chỉ riêng Hội đồng Hạt Hertfordshire đã nhận được kỷ lục 475 đơn đăng ký tổ chức tiệc trong khi quận Waltham Forest ở London đã phê duyệt hơn 100 sự kiện và đang tổ chức một bữa tiệc đường phố kéo dài hàng dặm.

    Hầu hết các bữa tiệc đường phố sẽ diễn ra vào Chủ nhật ngày 5 tháng 6, lễ kỷ niệm bắt đầu vào thứ Năm ngày 2/6 với cuộc diễu hành mừng sinh nhật của Nữ hoàng ở London.

    5julRất nhiều hoạt động sẽ được tổ chức vào cuối tuần này

    Vào thứ Sáu, một buổi lễ tạ ơn sẽ diễn ra tại Nhà thờ St Paul, sau đó là tiệc chiêu đãi tại Guildhall do Thị trưởng tổ chức. Lễ kỷ niệm sẽ tiếp tục vào thứ Bảy với trận Derby Epsom và tiệc bạch kim của BBC ở trung tâm London.

    Cuối tuần sẽ kết thúc với hàng ngàn sự kiện cộng đồng và cuộc thi hoa đăng ở London. Các hội đồng bao gồm Wyre Forest, Gedling và Surrey Heath đang tổ chức các sự kiện tưng bừng như ánh sáng đèn hiệu, dã ngoại và tiệc trà.

    Ở những nơi khác, hoạt động trồng cây kỷ niệm đang được tiến hành theo sáng kiến ​​Tán cây xanh của Nữ hoàng. Các thư viện cũng đang chuẩn bị cho chiến dịch Đọc sách trong đại lễ kỷ niệm, với những cuốn sách của các tác giả từ khắp Khối thịnh vượng chung được xuất bản trong vòng 7 thập kỷ trị vì của bà.

    Viethome (Theo Metro)

  • khai truong elizabeth line 2

    Hôm thứ Ba 24/5 vừa qua, tuyến đường sắt chạy ngầm lớn nhất London đã được khai trương, thu hút hàng nghìn hành khách tò mò và háo hức. Được biết, tuyến đường sắt có kinh phí xây dựng lên tới 25 tỷ USD và sẽ thay đổi bộ mặt giao thông của Thủ đô nước Anh.

    khai truong elizabeth line 2
    Người dân háo hức chờ lên chuyến tàu đầu tiên.

    Đám đông những người yêu đường sắt, hành khách thông thường và cư dân háo hức tập trung chờ đi chuyến tàu Elizabeth đầu tiên khi nó khởi hành từ ga Paddington lúc 7h kém giờ địa phương. Nhiều người đã xếp hàng suốt hàng giờ liền.

    Tuyến đường sắt vốn có tên Crossrail trước khi được đổi tên để vinh danh Nữ hoàng Anh - người vừa tới thăm nó tuần trước. Tuyến Elizabeth sẽ gia tăng đáng kể năng lực vận tải của Thủ đô London và giảm thời gian di chuyển khi hệ thống đường sắt cũ đã trở nên quá tải nửa thế kỷ qua.

    khai truong elizabeth line 2
    Nữ hoàng Anh cùng con trai út - Hoàng tử Edward - tới thăm tuyến Elizabeth hồi tuần trước.

    Quá trình xây dựng dự án gặp rất nhiều khó khăn, đến mức nó được gọi là một kỳ quan kỹ thuật. Có rất nhiều rủi ro liên quan vì lòng đất London đã tràn ngập những tuyến đường sắt ngầm từ thời Victoria, đường ống nước thải, móng nhà và các khu chôn cất cổ.

    Dự kiến được mở cửa vào năm 2018 và là dự án cơ sở hạ tầng lớn nhất châu Âu vào thời điểm đó, tuyến đường sắt này đã nhiều lần bị chậm tiến độ và đội vốn thi công. May mắn là cuối cùng dự án đã được khai trương thành công trong sự mừng rỡ của cư dân London.

    Vào ngày đầu tiên phục vụ, hành khách có vẻ khá hài lòng và tận hưởng không khí điều hòa mát mẻ trong những toa tàu rộng rãi, chạy êm ru. So sánh với những tuyến đường ngầm cũ, những bến tàu mới này có vẻ rất sạch đẹp, thoáng mát và vượt xa về trải nghiệm.

    Trong số những hành khách đầu tiên có Elizabeth Harding, nhân viên y tế 37 tuổi đến từ một thị trấn phía Bắc London. Cô đã rời nhà từ lúc 3h30 sáng và "diện" đôi giày sneaker mới tinh lấy cảm hứng từ tuyến Elizabeth.

    khai truong elizabeth line 2
    Elizabeth háo hức đi đôi giày được lấy cảm hứng từ tuyến đường sắt.

    "Tôi rất thích tàu, lại còn tên là Elizabeth. Tôi còn mua cả đôi giày này nữa, nên phải đến thôi" - cô chia sẻ với phóng viên CNN trên sân ga Farringdon rộng rãi, trong lúc những con tàu êm ru đang lướt qua bên cạnh. Cũng theo cô, có cơ hội tham gia khai trương một chuyến tàu mới mở ở London là một dịp vô cùng hiếm có.

    Elizabeth cho rằng tuyến đường sắt thực sự đáp ứng được kỳ vọng: "Tôi nghĩ rằng nó chạy êm, yên tĩnh và vô cùng dễ chịu. Tôi đặc biệt thích loại sợi bọc ghế - nó thật là đẹp".

    Will Folker, một cư dân London 24 tuổi làm trong ngành bán hàng đã dậy từ sớm để được gia nhập những hành khách đầu tiên. Anh háo hức chia sẻ: "Nó là một trong những chuyến đường sắt lớn nhất từng được khai trương ở Anh trong một khoảng thời gian dài rồi, nên tôi rất phấn khích, (nhất là) sau nhiều lần chạy thử và khó khăn".

    khai truong elizabeth line 2
    Will cũng không tiếc lời khen tuyến Elizabeth chạy êm, đúng giờ và sẽ giúp mọi người dễ dàng vào trung tâm thành phố hơn.

    Thị trưởng London Sadiq Khan cũng đã dành cả buổi sáng thứ Ba để tận hưởng niềm vui này cùng các hành khách và nhân viên trên tàu. Ông còn hào hứng chụp selfie với họ và bộc bạch: "Mọi người đều nên tự hào. Chúng ta có chuyến đường sắt công cộng tuyệt vời nhất thế giới. Lần cuối chúng ta có sự mở rộng quy mô lớn như thế này là vào năm 1969 khi tuyến Victoria khai trương".

    khai truong elizabeth line 2
    Thị trưởng London bày tỏ sự nhẹ nhõm khi tuyến đường đã khai trương thành công.

    Khi đi vào hoạt động, tuyến đường này sẽ nối Paddington ở phía Tây London với Abbey Wood ở phía Đông Nam, với nhiều trạm dừng quan trọng như trung tâm thương mại Tottenham Court Road hay quận tài chính Canary Wharf.

    Cuối cùng, tuyến Elizabeth sẽ được hoạt động hết công suất vào cuối năm nay. Mạng lưới đường sắt dài 100km này cũng sẽ kết nối thêm nhiều thị trấn ở xa, giúp thêm 1,5 triệu người tiếp cận trung tâm London và sân bay Heathrow chỉ trong 45 phút.

    Kênh 14 (Nguồn: CNN)

  • Sinh nhật lần thứ 40 của Công tước xứ Cambridge sẽ được kỷ niệm bằng đồng xu 5 bảng có hình chân dung của Ngài.

    0 267037670
    Đồng xu đặc biệt sẽ có in hình Hoàng tử William, Công tước xứ Cambridge

    Nhà sản xuất tiền xu chính thức của Anh đã công bố đồng xu trước sinh nhật của Hoàng tử William vào ngày 21 tháng 6. Đây là lần đầu tiên Công tước xuất hiện một mình trên đồng xu chính thức được đúc bởi Royal Mint.

    Đồng xu được tạo ra bởi nhà thiết kế và thợ khắc Thomas T Docherty, có chân dung của Công tước giữa chữ W và số 40. Trong khi đó, hình ảnh của Nữ hoàng Elizabeth II, do Jody Clark thiết kế, được in trên mặt còn lại của đồng xu. Dòng chữ bên cạnh đồng xu ghi “HRH The Duke of Cambridge”.

    Cùng với đồng xu 5 bảng mới, một bộ xu 2 phiên bản giới hạn sẽ được phát hành, bao gồm đồng xu kỷ niệm làm bằng vàng 0.25 oz và một đồng xu vàng đánh dấu năm 1982 - năm Công tước sinh ra.

    Bộ sưu tập cũng bao gồm một đồng xu phiên bản giới hạn làm từ vàng ròng 5oz để đánh dấu sự kiện đặc biệt, với công nghệ laze tạo ra “lớp hoàn thiện nổi cao”, khiến bức chân dung của Công tước có hình ảnh 3D nổi bật.

    Clare Maclennan - Giám đốc Phát hành Tiền xu kỷ niệm tại Royal Mint, cho biết: “Thiết kế trang nhã có hình chân dung của Công tước bên cạnh chữ viết tắt và con số 40 thể hiện sự trưởng thành và đáng mến của hoàng tử. Ngài đã trở thành thành viên cao cấp của gia đình Hoàng gia, một người chồng tận tụy và một người cha yêu thương của ba đứa con''.

    ''Đánh dấu sự kiện đặc biệt này, chúng tôi cũng sản xuất một đồng xu phiên bản giới hạn được làm bằng vàng ròng 5oz và được hoàn thiện một cách tinh xảo để nâng cao tính nghệ thuật của thiết kế. Các đồng xu kim loại quý phiên bản giới hạn kết hợp giữa sự khéo léo và độ quý hiếm, khiến chúng trở thành vật kỷ niệm hấp dẫn đối với các nhà sưu tập và nhà đầu tư”.

    4coinMặt trước của đồng xu

    Nói về thiết kế, ông Docherty cho biết: “Thiết kế tạo ra sự cân bằng giữa năng lượng tươi mới của việc Công tước là một người cha trẻ với bản chất nghi lễ kỷ niệm. Bức chân dung nghiêng góc 3/4 mang lại một vẻ năng động hơn thay vì góc nghiêng truyền thống''.

    ''Tôi đã sử dụng một số kỹ thuật điêu khắc bằng đất sét nhất định trên nền tảng kỹ thuật số để đạt được phong cách cần thiết cho thiết kế, chuyển dịch hiệu quả từ hai đến ba chiều. Sử dụng công nghệ, giờ đây chúng ta có thể tạo ra các thiết kế và tác phẩm điêu khắc với hiệu quả tốt hơn so với khi tôi bắt đầu sự nghiệp cách đây 17 năm. Cần có trình độ cao về kỹ năng và sự khéo léo để điêu khắc các thiết kế - các công cụ này khác nhau nhưng các nguyên tắc không thay đổi”.

    Viethome (Theo My London)

  • dong coin dai le bach kim 1
    Bà Clare Maclennan thuộc Xưởng đúc tiền Hoàng gia Royal Mint cho biết: "Đây là một tác phẩm nghệ thuật đặc biệt mà sẽ đưa di sản của dịp đại lễ này qua nhiều thế hệ sau"

    Một đồng coin khổng lồ đã được Xưởng đúc tiền Hoàng gia (Royal Mint) ra mắt để kỷ niệm Đại lễ Bạch kim của Nữ hoàng.

    Đồng coin nặng 15kg do một nhà sưu tập giấu tên người Anh đặt hàng với giá tiền không được tiết lộ, và thiết kế trên cả hai mặt được Nữ hoàng chuẩn thuận.

    Có đường kính 22cm, đây là đồng coin lớn nhất mà xưởng đúc tiền Royal Mint ở Llantrisant thuộc miền nam xứ Wales, đã sản xuất trong hơn 1100 năm qua.

    Đồng coin này có giá trị ước tính 15,000 bảng Anh và mất gần 400 giờ để đúc. Do nghệ sỹ đúc tiền John Bergdahl thiết kế, xưởng đúc tiền cho biết đồng coin này được "làm bằng tay với tiêu chuẩn cao nhất".

    'Tuyệt tác'

    Một mặt của đồng coin khắc họa chữ EIIR cùng vương miện, xung quanh là hoa hồng, hoa thủy tiên, cây kê và cỏ ba lá, biểu tượng của bốn xứ thuộc Vương quốc Anh. Mặt kia mang hình ảnh Nữ hoàng cưỡi ngựa.

    dong coin dai le bach kim 1
    Đồng coin vàng trên máy cắt laser

    Bà Clare Maclennan từ Xưởng đúc tiền Hoàng gia nói: "Đồng tiền xu đặc biệt này, làm bằng vàng chất lượng cao, là tuyệt tác trong bộ sưu tập Đại lễ Bạch kim, kết hợp tay nghề tinh xảo nhất và cải tiến tuyệt vời nhất bắt nguồn từ di sản truyền thống đúc coin cho các vương triều. Nó được đúc để kỷ niệm 70 năm quan trọng mà Nữ hoàng trị vì."

    Người đặt hàng đúc đồng tiền này nói: "Là một khách hàng lâu năm của Royal Mint, tôi đã đầu tư vào những đồng coin độc đáo và thú vị đánh dấu các khoảnh khắc trong suốt triều đại của Nữ hoàng. Chúng sẽ được giữ trong gia đình tôi cho nhiều thế hệ."

    Nước Anh đang chuẩn bị cho dịp cuối tuần bắt đầu sớm, từ thứ Năm 02/06 đến hết Chủ Nhật 05/06/2022.

    Trong bốn ngày này, nhiều lễ hội đường phố ở các vùng miền trên toàn Anh Quốc sẽ được tổ chức, gồm cả 'The Big Jubille Lunch'- bữa trưa trên đường phố do người dân tự lo.

    Các thành viên chính của Hoàng gia Anh đã và đang có những chuyến công du quốc tế trong khuôn khổ Năm Bạch kim của Vương triều Anh.

    dong coin dai le bach kim 1
    Từ tháng 5, nhiều phố chính ở London, gồm Đại lộ The Mall (trong hình) đã treo cờ chuẩn bị đón Lễ Bạch kim

    Bài liên quan: Từ A đến Z những điều cần biết về Đại lễ Bạch Kim của Nữ hoàng Anh

    Theo BBC Tiếng Việt

  • Sarah Forbes Bonetta 1

    Bức chân dung vẽ Công chúa châu Phi từng bị bán làm nô lệ, được trưng bày trong ngôi nhà cũ của Nữ hoàng Victoria trên Đảo Wight.

    Cô bé nô lệ trở thành món quà ngoại giao

    Khoảng năm 1850, một thuyền trưởng trẻ tuổi tên là Frederick E. Forbes đã đặt chân tới vương quốc Dahomey (Phi Châu, ngày nay là Cộng hòa Benin) để tận mắt chứng kiến Hoàng đế Ghezo hùng mạnh trong sứ mạng chống lại chế độ nô lệ từ Đế quốc Anh. Một trong các món quà đã được trao cho E. Forbes – và nó là quà trao chính thức cho Nữ hoàng Anh, Victoria – là một cô bé 7 tuổi.

    Sarah Forbes Bonetta 1
    Chân dung Sarah Forbes Bonetta.

    Chỉ 2 năm trước đó, cuộc sống của cô bé đã bị đảo lộn. Ngôi làng nơi cô bé ở là Okeadan (ngày nay thuộc Nigeria) bị đột kích, cả gia đình cô bé đã bị sát hại, bản thân cô bị bắt làm nô lệ. Nhiều nguồn tư liệu nói rằng cô bé là con gái của một vị tù trưởng hoặc có dòng dõi hoàng gia, nhưng thuyền trưởng E.Forbes viết rằng “Tiểu sử gia đình cô bé khá rối rắm”; ông phỏng đoán rằng cô bé có “xuất thân gia đình tốt” bởi vì cô được cho sống sót tại triều đình mà không phải bị bán.

    Mặc dù Vương quốc Anh là một lực lượng rất hùng hậu trong hoạt động thương mại nô lệ xuyên đại dương, nhưng vào năm 1838 dưới thời đại trị vì của Nữ hoàng Victoria, Quốc hội Anh đã tiêu hủy chế độ nô lệ trên khắp đế quốc Anh.

    Thuyền trưởng E.Forbes đã đổi tên và làm lễ rửa tội cho cô bé Phi Châu khi họ lên chiếc tàu HMSBonetta. Từ thời điểm đó trở về sau, cô gái Phi đã chính thức được mang tên là Sarah Forbes Bonetta (từ đây gọi tắt là Sarah Bonetta). 

    Nữ hoàng Victoria đã nhận được lời giải cứu của Bonetta, và vào ngày 9 tháng 11 năm 1850, thuyền trưởng E.Forbes đã dâng Sarah Bonetta cho Nữ hoàng Victoria. Tên ban đầu của nàng Công chúa mồ côi là Aina.

    Sarah Forbes Bonetta 1
    Chân dung Sarah Forbes Bonetta.

    Vào những năm thập niên 1800, lãnh địa Sierra Leone là một phần của đế quốc Anh và được quản lý bởi các nhà truyền giáo Anh nhằm mục đích sáng tạo ra một nhà nước cho những người nô lệ tự do. Tiểu Công chúa Sarah Bonetta sống cùng thời điểm với gia đình của thuyền trưởng E. Forbes, thường xuyên được đưa đến Lâu đài Windsor và có cơ hội diện kiến Nữ hoàng Victoria.

    Lọt vào “mắt xanh” của Nữ hoàng, được nuôi dưỡng trong môi trường trung lưu

    Trong cuốn nhật ký của mình, Nữ hoàng Victoria hay viết âu yếm về Sarah Bonetta, người mà thỉnh thoảng bà vẫn gọi là Sally. Nữ hoàng viết: “Sau bữa trưa, Sally Bonita đến chỗ ta và cho ta xem thứ mà con bé vẽ. 

    Đây là lần thứ 4, ta thấy rằng ở đứa trẻ nghèo khó này là một trí tuệ tuyệt vời”. Có thiện cảm với Sarah, nữ hoàng Anh nhận cô bé da đen làm con gái đỡ đầu, sắp xếp cho Sarah được nuôi dưỡng trong môi trường của tầng lớp trung lưu.

    Sarah Forbes Bonetta 1
    Chân dung Sarah Forbes Bonetta.

    Thuyền trưởng E. Forbes qua đời vào năm 1851, và Sarah Bonetta khi đó mới 8 tuổi, đã được gửi tới một trường truyền giáo ở Freetown (Sierra Leone) vào tháng 5 năm 1851. Nhưng Sarah Bonetta không thích học tại trường, và Nữ hoàng đồng ý không cho Công chúa theo học nữa.

    Về lại hoàng cung Anh, Công chúa Sarah Bonetta được bảo trợ bởi một gia đình mới, đó là nhà Schoen, sống ở Palm Cottage (Gillingham, hạt Kent, cách London khoảng 35 dặm về hướng Đông). Sarah Bonetta dường như có vẻ vui vì trong các lá thư thì tiểu Công chúa luôn gọi bà Schoen là “Mẹ”.

    Bà Annie, con gái của bà Schoen, nhớ lại rằng tiểu Công chúa Sarah Bonetta là “rất tươi tắn và thông minh, thích đi học và có tài năng âm nhạc, và chẳng mấy chốc đã ra dáng như bất kỳ thiếu nữ Anh nào trạc tuổi”.

    Sarah Forbes Bonetta 1
    Ảnh minh hoạ.

    Nữ hoàng Victoria đã bày tỏ sự quan tâm đặc biệt đến tiểu Công chúa bằng những hành động như thường xuyên mời đến lâu đài Windsor vào những ngày lễ, và trao quà tặng là một cái vòng vàng chạm khắc. Trong một bức ảnh khi đó, Sarah Bonetta khoảng 13 tuổi, tiểu Công chúa đã ra dáng một quý cô Anh thực sự, tay đeo vòng vàng, có lẽ là món quà được Nữ hoàng Victoria trao tặng. Lớn lên, Sarah trở thành một nhạc sĩ kiêm nhà ngôn ngữ học xuất sắc.

    Lấy người mình không yêu, qua đời ở tuổi 37

    Mặc dù sống ngay giữa tầng lớp quý tộc Anh giàu sang, quyền lực và nhận được chế độ giáo dục của Nữ hoàng Victoria, nhưng tiểu Công chúa Sarah Bonetta có rất ít cơ hội để tự kiểm soát số phận mình. 

    Cũng như hầu hết phụ nữ khác vào thế kỷ 19, Sarah Bonetta được đề nghị lấy chồng khi đến một độ tuổi thích hợp. Đối với Sarah Bonetta, độ tuổi đó là 19. Vị hôn phu đã được tìm thấy: Thuyền trưởng James Pinson Labulo Davies, một sĩ quan hải quân người Anh gốc Sierra Leone. Nhưng Công chúa Sarah Bonetta không hề yêu Davies.

    Sarah Forbes Bonetta 1
    Sarah Forbes Bonetta cùng chồng mình - James Davies.

    Viết thư cho “Mẹ” Schoen, Sarah Bonetta giải thích: “Con biết rằng người bình thường sẽ nói rằng ông ấy (Davies) giàu có và lấy ông ấy sẽ giúp con được độc lập, nhưng với con “Liệu con có thể đánh đổi mọi thứ chỉ để lấy tiền? Không bao giờ!”.

    Nói thì vậy, nhưng vào tháng 8 năm 1862, Sarah Bonetta đành nhắm mắt lấy Davies. Trong một loạt các ảnh danh thiếp chụp vào năm 1862 (hiện đang được trưng bày ở Phòng trưng bày ảnh chân dung quốc gia ở thủ đô London), Sarah diện chiếc váy cưới màu trắng tinh khiết đứng bên vị hôn phu.

    Vợ chồng son dọn tới Sierra Leone, rồi lại tới Lagos. Với sự cho phép của hoàng gia Anh, họ đặt tên cho con gái đầu lòng sinh vào năm 1863 là Victoria, còn Nữ hoàng Victoria trở thành mẹ đỡ đầu của đứa bé. Nữ hoàng Victoria tặng cho tiểu Công chúa Victoria mới sinh 1 chiếc tách vàng, 1 chiếc khay, 1 con dao, 1 cái nĩa và 1 cái thìa với thông điệp đầy yêu thương: “Ban cho Victoria Davies từ mẹ đỡ đầu, Victoria, Nữ hoàng của Vương quốc Anh và Ireland, năm 1863”.

    Hai vợ chồng Sarah và Davies còn có 2 người con nữa, nhưng sức khỏe của Công chúa Sarah Bonetta bắt đầu suy yếu. Công chúa tới Madeira (một hòn đảo Bồ Đào Nha) nhằm tìm thuốc đặc trị bệnh lao. 

    Buồn thay, Sarah Bonetta đã tạ thế vào năm 1880 khi chỉ mới 37 tuổi. Sững sờ khi biết tin con gái nuôi chết, Nữ hoàng Victoria đã viết trong cuốn nhật ký của bà rằng bà sẽ ban cho cháu gái đỡ đầu Victoria Matilda Davies một số tiền hàng năm là 40 bảng Anh (tương đương với số tiền ngày nay là 63.000 bảng Anh).

    Sarah Forbes Bonetta 1
    Bức chân dung về Sarah Forbes Bonetta.

    Nhiều bí ẩn vẫn còn đó về cuộc đời của Công chúa Sarah Forbes Bonetta. Trong các lá thư của mình, Sarah Bonetta không hề nhắc tới hoàn cảnh tuổi thơ của mình, mất mát gia đình hay việc được giải cứu. Công chúa cũng không đề cập đến huyết thống hoàng gia mặc dù dân gian vẫn gọi Sarah Bonetta là “Công chúa Phi châu”.

    Tại một thời đại mà chế độ nô lệ vẫn đang diễn ra ở Anh, thì sự ủng hộ và quan tâm của Nữ hoàng Victoria đối với Sarah Bonetta và gia đình của Công chúa được xem là một tuyên bố khoan dung mạnh mẽ.

    Theo Afamily

  • nu hoang dong trinh 1

    Trong thời gian bà lên ngôi (1558 - 1603), nước Anh đã đạt tới giai đoạn cực thịnh nhất. Nữ hoàng đã tạo ra kỳ tích về ngoại giao và chính trị, nhưng suốt đời không lấy chồng là vì sao?

    Tuổi thơ đầy sóng gió: mẹ bị xử tử, vua cha ghẻ lạnh không nhìn mặt

    Elizabeth đệ nhất sinh ngày 7/9/1533 ở cung điện Greenwich, là con gái vua Anh Henry VIII, mẹ của bà là Hoàng hậu Anne Boleyn, nguyên là một cung nữ. Cuộc hôn nhân này không được giáo hội thừa nhận. Henry VIII kết hôn với Borlin mới được 3 tháng thì Elizabeth đã ra đời, vì vậy Elizabeth bị coi là con riêng. Tuy vậy, bà lại được yêu thương bảo bọc ngay từ bé, thậm chí còn nằm trong danh sách đầu tiên của người kế thừa ngai vàng sau khi cha qua đời.

    nu hoang dong trinh 1
    Chân dung được phác họa của Nữ hoàng Elizabeth đệ nhất. (Nguồn ảnh: English History)

    Biến cố ập đến khi bà còn quá nhỏ, mẹ bà bị xử tử vì ngoại tình và phản quốc. Cha lại là người rất yêu thương mẹ bà nhưng sau khi hay tin người vợ của mình ngoại tình, ông liền trút nỗi căm giận vào người cô công chúa nhỏ. Thế là Elizabeth chẳng những bị tước quyền kế vị mà còn bị truất cả tước hiệu công chúa, hủy bỏ mọi quyền thừa kế. Cô bé mất mẹ này cũng bị cấm sống gần cha mình.

    Sau đó, cha bà cưới một người vợ khác, sinh ra hoàng tử Edward VI. Còn bà thì được giao cho hết người này đến người khác giám hộ, sống trong cảnh không có tình thương của gia đình nên bà chỉ biết vùi đầu vào học hành và rèn luyện cho mình tính tự lập ngay từ bé. Bà trao dồi cho mình nhiều kiến thức khác nhau và luôn giữ sự kiên định nhất định. Bà được cho là thông thạo nhiều ngoại ngữ, trong đó có tiếng Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha và Pháp.

    Chemy – nhà sử học nước Anh miêu tả: "Bà học thức uyên bác, tinh thần hoạt bát, ngoài tiếng Anh ra, còn biết tiếng Latinh, tiếng Pháp, tiếng Italia, tiếng Hy Lạp, tri thức rất rộng. Bà có tính tình hài hước, nói cười vui vẻ. Bà rất thức thời và có năng lực đối đáp, từng cử động đều mạch lạc rõ ràng không lộn xộn, cẩn thận từng chút".

    Khi vua cha Henry VIII qua đời và cậu em Edward VI lên ngôi, người vợ cuối (vợ thứ 6) của Henry VIII là Catherine Parr tái giá với Thomas Seymour, cậu của Edward VI. Ông Seymour đem Elizabeth về nhà mình nuôi dạy. 6 năm sau, vua em Edward VI, vốn ốm yếu từ nhỏ, vì bệnh mà qua đời ở tuổi 15, và sau đó Công chúa Mary, người chị cùng cha khác mẹ của Elizabeth lên ngôi Nữ hoàng.

    Cứ tưởng cha qua đời, có một người chị thân thiết yêu thương lên ngôi Nữ hoàng bên cạnh, Elizabeth sẽ có một cuộc sống đỡ tủi thân và bi thương hơn, nhưng không, vì lý do tôn giáo, Nữ hoàng Mary theo giáo La Mã, trong khi Elizabeth được giáo dục theo niềm tin Anh giáo, vì thế bà luôn bị chị gái mình bắt ép để từ bỏ đức tin.

    nu hoang dong trinh 1
    Ảnh minh họa

    Thậm chí, vì muốn bảo vệ tôn giáo mà mình tin tưởng, Nữ hoàng Mary đã bắt giam, tra tấn, thiêu sống hàng nghìn người với tội danh dị giáo, khiến vị Nữ hoàng này được dân chúng tặng cho danh hiệu "Mary ác phụ", "Nữ hoàng khát máu". Cả cô em gái Elizabeth cũng bị bắt và suýt nữa đã bị tử hình, nhưng cuối cùng cô chỉ bị giam 2 tháng rồi quản thúc tại gia. Năm 1558, Mary qua đời trong lúc sinh nở, khiến dân chúng vô cùng mừng rỡ. Công chúa Elizabeth 25 tuổi được đón lên ngai vàng trong sự ủng hộ của mọi người.

    Những cuộc tình không có cái kết và khi chết được mang tên "Nữ hoàng đồng trinh"

    Lên ngôi Nữ hoàng, Elizabeth đã làm cho nước Anh trở thành quốc gia thịnh vượng và hòa bình, có sức ảnh hưởng trên toàn thế giới trong suốt 45 năm tại vị. Nhưng điều khiến người ta luôn đặt dấu chấm hỏi rằng tại sao với quyền lực và sắc đẹp của mình, bà lại không lấy chồng mà chịu cảnh cô độc cho đến khi chết với danh hiệu "Nữ hoàng đồng trinh".

    Với dáng người mảnh dẻ, hiền dịu, mặt trái xoan, đôi mắt hào sảng long lanh, nói năng lịch sự nhã nhặn, lại đang ở độ tuổi đẹp nhất của mình, Elizabeth đệ nhất là đối tượng của các vương tôn công tử châu Âu theo đuổi và si mê.

    Các đại thần trong cung cũng yêu cầu nàng nhanh chóng kết hôn. Người ta cho rằng, cả vua Felipe II của Tây Ban Nha, vua Thụy Điển Eric và vương công nước Pháp đều say đắm Nữ hoàng, cả những người trong hoàng tộc nước Anh cũng chực chờ để có được trái tim vị Nữ hoàng này. Song Elizabeth vẫn tỏ ra hờ hững với tất cả.

    nu hoang dong trinh 1
    Ảnh minh họa

    Elizabeth nghĩ đến hôn nhân của mình là gắn liền với nhân tố chính trị. Tranh đoạt quyền bá châu Âu lúc bấy giờ là Tây Ban Nha và nước Pháp. Tránh liên minh với một nước trong các nước lớn này phù hợp với lợi ích của nước Anh. Do đó, Elizabeth suy nghĩ thấu đáo nhằm cân bằng giữa các nước lớn, lợi dụng mâu thuẫn, làm suy yếu hai nước lớn mạnh nhất để tìm ra sự lớn mạnh và phát triển của riêng nước Anh lúc đó.

    Tuy nhiên, không hẳn là bà không có cảm xúc và không ham muốn gì chuyện nam nữ thường tình. Xoay quanh bà có rất nhiều lời đồn đại về những chuyện tình của Nữ hoàng, rằng thời thiếu nữ ngây thơ, Elizabeth từng đem lòng yêu Thomas Seymour – người bảo trợ, đồng thời là chồng sau của mẹ kế.

    Còn khi Elizabeth đã ngồi lên ngai vàng, người ta cho rằng Robert Dudley là tình nhân của Nữ hoàng, rằng đó là người đàn ông có thể đi thẳng vào phòng ngủ của bà mà không cần đợi xin phép. Có điều Robert Dudley lại đã có vợ.

    Và khi vợ ông ta chết, có những lời đoán Nữ hoàng sẽ lấy ông ta, thậm chí thiên hạ còn xì xào rằng biết đâu cái chết của người vợ kia không phải là vô tình… Tuy nhiên sau đó, người đàn ông này cũng không tiến xa hơn được với Nữ hoàng.

    nu hoang dong trinh 1
    Lý do Nữ hoàng quyền lực đầu tiên của nước Anh không chồng con vẫn còn là một câu hỏi lớn. (Nguồn ảnh: English History)

    Năm 46 tuổi, Nữ hoàng có một mối tình "phi công trẻ" khi bà yêu say đắm một chàng trai 23 tuổi, công tước Alencon nước Pháp, đến nỗi hai người dám âu yếm nhau trước đám đông.

    Nhưng trái với dự đoán của mọi người, vị công tước vẫn không thể thành chồng Nữ hoàng. Thậm chí một người tình của bà là bá tước Essex, trẻ hơn bà 30 tuổi, còn bị Nữ hoàng ra lệnh chặt đầu khi phạm tội.

    Chính những cuộc tình trên lại không đi đến một cái kết tốt đẹp nào nên chuyện tình cảm và lý do cự tuyệt chuyện kết hôn của Nữ hoàng Elizabeth vẫn còn là một ẩn số đến tận ngày nay. Có giả thuyết cho rằng, bà quá lý trí, không muốn đẩy bản thân đến chỗ phải chia sẻ quyền lực bằng một cuộc hôn nhân.

    Bởi nếu lấy chồng, chắc chắn "đối tượng" của Nữ hoàng phải là một vị quý tộc lớn, hay một vị vua, một vương công nước ngoài. Việc lấy chồng ngoại quốc sẽ giúp tạo liên minh vững mạnh, nhưng cũng có thể khiến chính sự nước Anh bị ngoại bang can thiệp, chính vì vế sau khiến Nữ hoàng Elizabeth đau đầu suy nghĩ và quyết định không dám mạo hiểm.

    Cũng có ý kiến cho rằng, Elizabeth sống độc thân suốt đời vì quá sợ hãi hôn nhân, do ám ảnh về chuyện bố mẹ mình ngày trước. Mẹ của bà được sủng ái điên cuồng rồi bị thất sủng và mất đầu chỉ trong ba năm. Cha của bà cưới đến 6 bà vợ, một mặt ông là kẻ si tình, mặt khác lại là kẻ bạc tình nhẫn tâm, liên tục phản bội, đối xử độc ác với người mình từng say đắm. Có thể Nữ hoàng thấy hôn nhân quá bấp bênh và đáng sợ.

    Cuối cùng, tất cả cũng chỉ là giả thuyết mà đến bây giờ vẫn không ai dám khẳng định nhưng sự thật vẫn là như vậy, bà đã qua đời mà không chồng, không con cái với danh hiệu "Nữ hoàng đồng trinh", được cả thần dân Xứ sở sương mù tôn sùng như một vị thánh vì tất cả những gì bà đã làm cho nước Anh. Vì vậy, có thể nói, giữa 4 vị Nữ hoàng trong lịch sử nước Anh, không ai là không có vận mệnh kỳ lạ với thời thiếu niên sóng gió cay đắng như bà – Nữ hoàng Elizabeth đệ nhất.

    Theo Cafebiz

  • queen julibee 1

    Sự kiện Đại lễ Bạch Kim mừng 70 năm trị vì của Nữ hoàng Anh Elizabeth II sẽ được tổ chức vào đầu tháng 6 tới đây.

    Nữ hoàng Elizabeth II sẽ trở thành vị quân vương Anh đầu tiên trong lịch sử mừng Đại lễ Bạch Kim, đánh dấu 70 năm trị vì của mình. Đây là sự kiện đặc biệt có ý nghĩa quan trọng đối với cả Liên hiệp Anh và Khối Thịnh vượng chung.

    Nữ hoàng lên ngôi vào tuổi 26, ngay sau khi vua cha George VI băng hà vào ngày 6/2/1952. Suốt 7 thập kỷ trôi qua, Nữ hoàng đã trở thành một biểu tượng của nước Anh và được người dân Anh hết mực kính yêu.

    queen julibee 1
    Nữ hoàng Anh tại sự kiện đầu tiên mừng Đại lễ hôm 15/5.

    Vào ngày 9/5 vừa rồi, Nữ hoàng cũng đã đánh dấu một cột mốc quan trọng khi trở thành vị quân chủ tại vị lâu thứ 3 trong lịch sử, vượt qua Vương công Johann II của Liechtenstein.

    Để kỷ niệm cột mốc trọng đại chưa từng có tiền lệ này, các sự kiện và lễ hội sẽ được tổ chức xuyên suốt năm 2022, mà quan trọng nhất là dịp lễ từ ngày 2/6 đến 5/6 tới đây. Danh sách người tham dự có cả Hoàng tử Harry và công nương Meghan Markle, cùng con trai Archie và con gái Lilibet. 

    Tuy vậy, cung điện thông báo rằng vị trí trên ban công Buckingham vào buổi lễ Trooping the Colour truyền thống vào ngày 2/6 sẽ chỉ dành cho những thành viên đang phục vụ Hoàng gia.

    Đại lễ Bạch Kim diễn ra khi nào?

    Mặc dù lễ kỷ niệm đã được tổ chức vào ngày 6/2 vừa qua, phần hội và các sự kiện chính sẽ diễn ra vào đầu tháng 6. Cụ thể, sự kiện chính diễn ra trong 4 ngày 2/6 đến 5/6, được tổ chức cùng kỳ nghỉ Ngân hàng (Bank holiday) của Anh.

    Lễ hội bao gồm các sự kiện công chúng, nhiều hoạt động cộng đồng, và các buổi kỷ niệm, vinh danh 70 năm trị vì của Nữ hoàng.

    Một điều đặc biệt là ngày đầu tiên diễn ra lễ hội - 2/6 - cũng là ngày đăng quang chính thức của Nữ hoàng vào 69 năm trước, 2/6/1953.

    Đại lễ Bạch Kim gồm những sự kiện gì?

    Ngày 2/6: Lễ diễu hành của Quân đội Hoàng gia và thắp đèn hiệu

    Trong ngày đầu tiên của chuỗi sự kiện là buổi diễu hành mừng sinh nhật Nữ hoàng, hay còn gọi là Lễ Diễu hành của Quân đội Hoàng gia (Trooping the Colour). Buổi diễu hành sẽ có sự tham gia của 1.400 binh sĩ, 200 con ngựa và 400 nhạc công, xuất phát từ điện Buckingham, đi dọc đại lộ The Mall đến tổng hành dinh Horse Guards của Hộ Kỵ binh Hoàng gia Anh.

    queen julibee 1

    Công chúng sẽ có cơ hội tham gia sự kiện này. Buổi lễ cũng sẽ có sự góp mặt của các thành viên Hoàng gia tham gia diễu hành trên lưng ngựa và điều khiển xe ngựa. Kết thúc Trooping the Colour sẽ là màn bay diễu của Không quân Hoàng gia Anh.

    Các thành viên Hoàng gia sẽ chứng kiến toàn bộ sự kiện từ ban công Điện Buckingham, với sự có mặt của tất cả các thành viên đang phục vụ nghĩa vụ công chúng. 

    Sinh nhật thực tế của Nữ hoàng là vào ngày 21/4. Tuy nhiên, nước Anh có truyền thống tổ chức sinh nhật quân vương vào một ngày riêng để thuận tiện cho dân chúng tham gia

    Cũng trong tối ngày hôm đó theo giờ Anh, đèn hiệu chúc mừng Đại lễ sẽ được thắp sáng khắp Liên hiệp Anh, quần đảo Channel, đảo Man, các Lãnh thổ Hải ngoại Anh và toàn bộ Khối Thịnh vượng chung.

    Ngày 3/6: Lễ Tạ ơn tại Nhà thờ chính tòa Thánh Paul tại London

    Lễ Tạ ơn mừng sự trị vì của Nữ hoàng Anh sẽ diễn ra tại Nhà thờ chính tòa Thánh Paul tại thủ đô London. Tuy nhiên, sự kiện này sẽ không được mở cửa cho công chúng tham gia.

    Ngày 4/6: Cuộc đua ngựa The Derby và Bữa tiệc Bạch Kim

    Vào thứ bảy ngày 4/6, Nữ hoàng Elizabeth II cùng các thành viên Hoàng gia sẽ đến xem cuộc đua ngựa The Derby tại trường đua Epsom Downs ở hạt Surrey, đông nam nước Anh.

    queen julibee 1
    Nữ hoàng và một số thành viên Hoàng gia tại cuộc đua The Derby tại Đại lễ Kim Cương 10 năm trước.

    Được biết, Nữ hoàng là người rất yêu ngựa và đam mê bộ môn đua ngựa.

    Vào tối hôm đó sẽ diễn ra sự kiện Bữa tiệc Bạch Kim tại cung điện. Trong sự kiện này, đài BBC sẽ có một loạt chương trình đặc biệt mừng 70 năm trị vì của Nữ hoàng, bao gồm nhiều bộ phim tài liệu, các chương trình âm nhạc với sự hội tụ của nhiều ngôi sao giải trí hàng đầu trên thế giới. Một sự kiện đặc biệt cũng sẽ được tổ chức tại Điện Buckingham.

    Ngày 5/6: Bữa trưa Năm Thánh lớn và cuộc thi Platinum Jubilee Pageant

    Chủ nhật 5/6 sẽ là ngày lễ lớn của nước Anh, với sự kiện Big Jubilee Lunch (Bữa trưa Năm Thánh lớn) được tổ chức trên toàn quốc. Cung điện cho biết hơn 1.400 người đã đăng ký tổ chức sự kiện này trong khu dân cư của họ, và hơn 200.000 sự kiện đơn lẻ khác sẽ diễn ra khắp đất nước.

    Ngoài ra còn có cuộc thi Platinum Jubilee Pageant, với nhiều màn trình diễn khiêu vũ, diễu hành, âm nhạc đường phố, nghệ thuật sân khấu và hóa trang để tái hiện, tôn vinh thời gian trị vì của Nữ hoàng.

    Các sự kiện sau lễ hội chính

    Không khí lễ hội sẽ không chấm dứt sau những sự kiện tháng 6. Từ tháng 7, 3 cuộc triển lãm sẽ được tổ chức tại các tư trang Hoàng gia để trưng bày và kỷ niệm những khoảnh khắc quan trọng nhất trong quá trình trị vì của Nữ hoàng, từ thời điểm lên ngôi đến các Đại lễ trước.

    Vào mùa hè, phòng khánh tiết của Điện Buckingham sẽ được mở để trưng bày những bức ảnh chân dung thời trẻ của Nữ hoàng được chụp bởi nhiếp ảnh gia nổi tiếng Dorothy Wilding. Món trang sức được bà sử dụng trong những bức ảnh đó cũng sẽ được trưng bày.

    queen julibee 1
    Chân dung thời trẻ của Nữ hoàng Elizabeth II.

    Tại cung điện Windsor, người dân sẽ được chiêm ngưỡng bộ lễ phục Nữ hoàng đã sử dụng trong buổi lễ đăng quang tại tu viện Westminster năm 1953. Trong khi đó, cung điện Holyroodhouse sẽ trưng bày trang phục của Nữ hoàng tại các Đại lễ Bạc, Đại lễ Vàng và Đại lễ Kim cương.

    Đại lễ Bạch Kim của Nữ hoàng Anh có phải là độc nhất trong lịch sử?

    Dù là vị quân vương Anh đầu tiên được tổ chức Đại lễ Bạch Kim trong lịch sử, đây không phải lễ mừng 70 năm trị vì độc nhất trên thế giới.

    Trước Nữ hoàng Elizabeth II, Vương công Johann II của Liechtenstein và Vua Bhumibol Adulyadej của Thái Lan đều đã ở ngôi hơn 70 năm. Cá biệt, Louis XIV, "Vua Mặt Trời" của Pháp đã tại vị hơn 72 năm. Để phá kỷ lục của Louis XIV, Nữ hoàng sẽ cần thêm 2 năm nữa.

    Theo Trí Thức Trẻ

  • bi kich cuoc doi nu hoang Anna 1

    Trong thời gian trị vì ngắn ngủi, bà đã đưa nước Anh trở thành một quốc gia tôn sùng đạo, hoàn toàn đặt niềm tin vào tương lai “đã được định đoạt từ trước”.

    Trang The Daily Beast gần đây có đăng tải một bài viết phân tích khá chi tiết cuốn hồi ký về Nữ hoàng Anne - nhân vật cuối cùng của triều đại Stuart, từng trị vì Vương quốc Anh trong giai đoạn 1702 - 1714. Thời gian cầm quyền của Nữ hoàng Anne chỉ kéo dài 12 năm nhưng rất đáng ghi nhớ, và đánh dấu sự nổi lên của Anh là một vương quốc hùng mạnh nhưng lại chìm đắm trong những cuộc chiến vô tận về tranh quyền đoạt vị ở châu Âu. Hãy cùng tìm hiểu về vị Nữ hoàng đặc biệt này.

    bi kich cuoc doi nu hoang Anna 1
    Ảnh chân dung của Nữ hoàng Anne được vẽ bởi Michael Dahl.

    Tuổi thơ bất hạnh và mất mát

    Anne sinh ngày 6 tháng 2 năm 1665 tại Luân Đôn, là con gái thứ hai của vua James II – Công tước xứ York - anh trai của Vua Charles đệ nhị, cùng người vợ đầu tiên Anne Hyde. Bà là người con cuối cùng trong dòng tộc Stuarts. Mặc dù gia đình của Anne là một tín đồ Công giáo, nhưng từ nhỏ Anne và chị gái Mary của mình đều được hướng theo đạo.

    Ngay từ khi còn nhỏ, bà đã phải chứng kiến nỗi đau mất mát khi lần lượt nhiều người thân qua đời. Ban đầu, vào những năm còn nhỏ, Anne được gia đình cho sinh sống với bà ngoại của mình tại Pháp, nhưng đến năm Anne 4 tuổi, bà ngoại của bà qua đời. Sau đó, Anne được dì ruột của mình nuôi dưỡng, nhưng chưa tròn một năm, người dì này cũng qua đời bởi căn bệnh về dạ dày. Năm 1671, không lâu sau khi Anne trở về từ Pháp, mẹ của bà qua đời vì ung thư vú.

    bi kich cuoc doi nu hoang Anna 1
    Ảnh chân dung Nữ hoàng Anne được vẽ bởi Godfrey Kneller.

    Vua James II nhanh chóng tái giá với cô dâu 15 tuổi Maria Beatrice ở Modena. Những năm tháng sau đó, Anne phải sống trong sự thiếu thốn tình cảm của gia đình, vì thực chất sinh ra trong một gia đình cao quý đồng nghĩa với chuyện phải thường xuyên đối mặt với các cuộc tranh quyền đoạt vị, bị xoáy vào những cuộc chiến ngầm giữa những gia tộc với nhau, và cha của Anne cũng thế, ông vì mải mê tìm kiếm quyền lực mà để hai cô con gái của mình chịu cảnh cô đơn, thiếu thốn hơi ấm.

    Năm 18 tuổi, Anne được gả cho Hoàng tử George của Đan Mạch như một cuộc hôn phối chính trị như bao cuộc hôn phối khác trong giới quý tộc, hoàng tộc thời đó. Vẻ ngoài lãng tử, đẹp trai nhưng thực chất Hoàng tử George lại là kẻ nát rượu. Vì vậy, những bước tiến quyền lực của anh ta không có gì nổi bật, suốt ngày chỉ biết đắm mình trong rượu chè bê tha. 

    The History Magazine miêu tả “George là một nhân vật thô lỗ và lố bịch. Ngay cả Vua James II cũng nhận xét rằng khi tỉnh táo, anh ta cũng là một người rỗng tuếch”. Là một cuộc hôn nhân sắp đặt nhưng hai vợ chồng Anne và George khá êm ấm, hòa thuận, không có mâu thuẫn gì khác.

    bi kich cuoc doi nu hoang Anna 1
    Ảnh minh họa

    Năm 1685 cha của Anne lên ngôi trở thành Vua của nước Anh sau khi em trai Charles II (tức chú ruột của Anne) của mình thoái vị. Tuy nhiên, chỉ cầm quyền được 3 năm, cha của Anne bị chính con rể và con gái ruột Mary của mình lật đổ, sau đó họ nắm giữ ngôi báu, lên ngôi trị vì Vương quốc Anh. Đến năm 1702, sau cái chết của người anh rể là William và chị gái Mary, bà Anne chính thức trở thành Nữ vương của Anh, Scotland và Ireland ở tuổi 37. Bà cũng là nữ hoàng đầu tiên của Vương quốc Anh. 

    Tin đồn đồng tính

    Xuất phát điểm cho tin đồn đồng tính là tình bạn giữa nữ hoàng nước Anh và Sarah Churchill, nữ công tước xứ Marlborough. Tình bạn giữa Anne và Sarah Churchill cũng được ghi chép lại. Họ luôn thân thiết và sóng bước cùng nhau trong nhiều sự kiện lớn nhỏ của giới hoàng tộc. Đôi bạn còn sử dụng nhiều biệt danh “huyền ảo”. Tuy nhiên, sau này tình cảm của cả hai rạn nứt sau khi có những bất đồng quan điểm về tôn giáo.

    bi kich cuoc doi nu hoang Anna 1
    Ảnh minh họa

    Theo Tạp chí History of Royals số 17, khi cả hai trực diện đối đầu nhau, hàng loạt cuốn sách như The Rival Dutchess, Or Court Incendiary (1708), King Abigail: Or, The Secret Reign Of The She-Favourite (1715) và A New Ballad, To The Tune Of Fair Rosamond (1708) ra đời như một lời tuyên bố, nhạo báng, buộc tội Vương triều của Nữ hoàng Anne đồng tính luyến ái. Hành động này là âm mưu hạ bệ uy tín của người đứng đầu. Tuy nhiên, không có bất kỳ lời khẳng định nào về mối quan hệ đồng giới giữa Anne và Sarah Churchill.

    17 lần mang thai nhưng không có con nối dõi

    Suốt cuộc đời ngắn ngủi, Nữ hoàng Anne phải chịu đựng rất nhiều bệnh tật và những đớn đau hành hạ thể xác. Giáo sư James Anderson Winn (Đại học Boston), tác giả cuốn Queen Anne: Patroness of Arts (Nhà xuất bản Oxford University, năm 2014) cho biết lên 3 tuổi, Anne đã được gửi sang Pháp để điều trị mắt vì bệnh bẩm sinh. Một số nhà sử học đặt giả thuyết rằng bà còn bị trầm cảm sau những mất mát từ nhỏ. Không những vậy, bà còn bị gout và béo phì.

    bi kich cuoc doi nu hoang Anna 1
    Ảnh minh họa

    Bệnh tật liên miên khiến Nữ hoàng đầu tiên của nước Anh có sức khỏe rất kém. Từ 1685 đến 1700, bà mang thai 17 lần nhưng có tới 12 người con chết ngay trong bụng mẹ. Năm 1687, hai công chúa sơ sinh tử vong vì bệnh đậu mùa. Hai người con khác chỉ sống được vài phút sau khi chào đời. 

    Hoàng tử William, niềm hy vọng cuối cùng của bà sống trong cảnh bệnh tật đeo bám. Bẩm sinh hoàng tử bị tràn dịch màng não và co giật. William đã phải chịu nhiều đau đớn về thể xác và không thể đi lại. Đến năm 1700 khi mới 11 tuổi, người con duy nhất của Nữ hoàng Anne trút hơi thở cuối cùng vì bệnh não úng thủy.

    Theo History, các chuyên gia y tế hiện đại nghi ngờ Nữ hoàng Anne bị một dạng lupus ban đỏ, gây viêm khớp mạn tính và đau khớp tay, chân. Đây chính là lý do khiến bà sảy thai nhiều lần. 

    Vào khoảng 7 giờ rưỡi sáng ngày 1 tháng 8 năm 1714, Anne đã qua đời tại Cung điện Kensington vì bệnh tật, cơ thể của bà thậm chí đã béo phì đến mức phải được chôn trong một quan tài gần như là hình vuông to lớn. Bà được chôn cất bên cạnh chồng mình tại tu viện Westminster, Anh Quốc, kết thúc một cuộc đời đầy bi kịch đằng sau ánh hào quang mang tên "Nữ hoàng".

    bi kich cuoc doi nu hoang Anna 1
    Ảnh minh họa

    Có quan điểm cho rằng Nữ hoàng Anne là người thiển cận, không phân rõ đúng sai. Giáo sư Edward Gregg trong cuốn nghiên cứu Queen Anne (Đại học Yale xuất bản năm 2001) kết luận rằng Anne đã thường xuyên bị giật dây từ phía sau. Sức khỏe kém khiến bà bị Nghị viện lấn át và suy giảm quyền lực hoàng gia. Tuy nhiên, điều này vẫn là một giả thuyết gây tranh cãi. 

    Nhiều tài liệu khác khẳng định Nữ hoàng Anne tuy là một người phụ nữ chịu nhiều bi kịch và sức khỏe yếu nhưng đã đạt được nhiều thành tựu về chính trị. Bà là người thống nhất lãnh thổ giữa Anh và Scotland vào năm 1707 – điều mà các vị vua trước theo đuổi rất nhiều thế kỷ. Bà cũng là người có công giải quyết những vấn đề xung đột tôn giáo, sắc tộc và giữ hòa bình cho đất nước.

    Afamily tổng hợp

  • nu hoang anh xuat hien 1

    Nữ hoàng Anh đã xuất hiện tại sự kiện mà bà vô cùng yêu thích.

    Vào ngày 13/5, tờ Daily Mail đưa tin, Nữ hoàng Anh đã hiếm hoi xuất hiện tại một sự kiện công khai khi 3 ngày trước đó, bà vừa bỏ lỡ lễ khai mạc Quốc hội sau gần 59 năm tham dự.

    Người đứng đầu hoàng gia đã đến thăm buổi triển lãm ngựa Royal Windsor, một trong những sự kiện yêu thích của bà hàng năm, dù bản thân gặp chút bất lợi về vấn đề đi lại.

    Nữ hoàng 96 tuổi thu hút sự chú ý khi bà đeo kính râm và ăn mặc giản dị. Bà giữ tinh thần rất tốt, ngồi trong chiếc xe cá nhân và liên tục nở nụ cười vui vẻ, trò chuyện sôi nổi với những người tham gia lễ hội.

    nu hoang anh xuat hien 1
    Nữ hoàng Anh nở nụ cười vui vẻ trong sự kiện mà bà đặc biệt yêu thích.

    nu hoang anh xuat hien 1

    Sau hơn 1 tiếng đồng hồ ngồi trong xe, người đứng đầu hoàng gia sử dụng một chiếc gậy chống, di chuyển đến khán đài để theo dõi chương trình. Bà ngồi giữa con trai mình, Hoàng tử Edward và Penny Knatchbull, nữ Bá tước Mountbatten.

    Nữ hoàng Anh quàng một chiếc khăn quen thuộc, chăm chú ngồi xem buổi lễ diễu hành. Bà đã bật cười thích thú khi nhận được một chiếc cúp lưu niệm từ ban tổ chức. Cuối sự kiện, Nữ hoàng Anh di chuyển chậm rãi ra xe và trở về Lâu đài Windsor, nơi ở hiện tại của bà. Khi xe lăn bánh rời đi, bà đã nhiệt tình vẫy tay chào những người hâm mộ đứng xung quanh.

    Lần cuối cùng người đứng đầu hoàng gia xuất hiện trước công chúng khi bà dự lễ tưởng niệm của người chồng quá cố, Hoàng tế Philip, vào cuối tháng 3 mới đây cùng gia đình và hàng trăm vị khách quý. Kể từ ngày 9/5, bà đã đứng vị trí thứ 3 những vị vua trị vì lâu nhất thế giới. Sau 34 ngày nữa, Nữ hoàng Anh sẽ chiếm giữ vị trí thứ 2.

    nu hoang anh xuat hien 1
    Nữ hoàng Anh ngồi trên khán đài cùng con trai út.

    nu hoang anh xuat hien 1
    Bà nở nụ cười tươi khi nhận trước cúp kỷ niệm từ ban tổ chức.

    Trước đó, nhiều người hâm mộ đã bày tỏ sự lo lắng cho sức khỏe Nữ hoàng khi bà lần đầu tiên bỏ lỡ lễ khai mạc Quốc hội Anh sau 59 năm góp mặt. Tuy nhiên, những hình ảnh mới nhất của bà đã khiến dư luận vỡ òa cảm xúc và thở phào nhẹ nhõm.

    Họ cảm thấy rất vui mừng khi Nữ hoàng Anh có thần sắc tốt, di chuyển không quá khó khăn. Đây là một tín hiệu đáng mừng khi chỉ còn hơn nửa tháng nữa, đại lễ Bạch Kim, kỷ niệm 70 năm trị vì của Nữ hoàng Anh sẽ được tổ chức với hàng loạt sự kiện lớn nhỏ khác nhau.

    Người đứng đầu hoàng gia dự kiến sẽ xuất hiện cùng với các thành viên hoàng gia cao cấp trên ban công Cung điện tại sự kiện Trooping the Colour diễn ra vào ngày 2/6 sắp tới. Nữ hoàng Anh từng bày tỏ mong muốn rằng, các con cháu của bà sẽ quây quần và đoàn tụ bên nhau để cùng trải qua dấu mốc lịch sử này.

    Afamily (theo Dailymail)

  • Dù chỉ ở nhà bạn một ngày, Thái tử vẫn yêu cầu xe chở giường, giấy và ghế ngồi vệ sinh đến trước khi ông tới.

    Trong cuốn The Palace Papers, được xuất bản hôm 26/4, tác giả Tina Brown tiết lộ người đứng đầu danh sách thừa kế ngai vàng Anh mang theo nhiều đồ cá nhân, dù chỉ đến chơi nhà bạn ở vùng thôn quê một ngày.

    Trong sách, Brown viết Michael Fawcett, cựu phụ tá của Thái tử Charles, sẽ giám sát "các đồ dùng được chuyển đi trước của ông chủ giống như chuyến tàu chở hành lý", bao gồm chiếc giường có thể điều chỉnh nhiều chế độ, ghế ngồi nhà vệ sinh và giấy vệ sinh hiệu Kleenex Velvet mà Thái tử thường dùng.

    thai tu charles mang do dung ca nhan

    "Một ngày trước khi ông ấy đến nhà bạn bè ở vùng thôn quê, một chiếc xe tải sẽ đến trước, mang theo giường, đồ đạc, thậm chí là các bức ảnh ông vẫn treo trong phòng ngủ của mình", cuốn sách ghi rõ. Fawcett cũng chính là trợ lý nổi tiếng thường bóp kem đánh răng cho Thân vương xứ Wales.

    Charles cũng sẽ cung cấp trước cho những người bạn thực đơn mà ông sẽ dùng, không giống như Nữ hoàng - người vẫn luôn ăn những gì đầu bếp phục vụ.

    Thái tử sẽ đến dự bữa ăn tối nhưng dẫn theo nhân viên bảo vệ, người đã pha sẵn một ly rượu martini và sẵn sàng giao cho quản gia. Vị quản gia sau đó phục vụ Charles phần rượu này nhưng chuyển sang "chiếc ly ông thường dùng".

    Theo tác giả, khi Charles gặp bà Camilla Parker Bowles năm 22 tuổi, ông lập tức bị thu hút. Cả hai dành cho nhau sự yêu mến đặc biệt. Camilla lúc này có nhiều kinh nghiệm hơn trong chuyện phòng the, thậm chí đưa ra những lời khuyên bổ ích cho Thái tử.

    "'Hãy coi như em là một con ngựa bập bênh'. Bà ấy đã nói như thế để cổ vũ bạn trai vượt lên những bỡ ngỡ ban đầu trong chuyện chăn gối", Brown viết, cho biết thêm Thái tử đánh giá cao sự hưng phấn của Camilla.

    Cũng trong cuốn The Palace Papers, tác giả khẳng định Hoàng tử Andrew, con trai thứ hai của Nữ hoàng, thích phim khiêu dâm.

    Lee Annenberg, vợ cựu Đại sứ Mỹ tại Anh, Walter Annenberg, từng khẳng định khi Công tước xứ York đến chơi nhà họ ở Palm Springs năm 1993, ông "đã ở yên trong phòng ngủ suốt hai ngày, dường như chỉ để xem phim khiêu dâm".

    Ngôi Sao (Theo Page Six)

  • Trong dịp kỷ niệm 70 năm trị vì của Nữ hoàng Elizabeth II vào tháng 6 tới, Anh dự định trưng bày bên ngoài Điện Buckingham tượng điêu khắc khổng lồ ghép từ 350 loài cây bản địa.

    Kênh CNN (Mỹ) cho biết công trình điêu khắc có tên "Tree of Trees", là một khung thép khổng lồ được gắn 350 loại cây và có chiều cao lên tới 21m. Phần thân chính của "Tree of Trees" được làm từ thép mới và tái chế từ các nhà cung cấp khắp nước Anh.

    Bức tượng này phản ánh sáng kiến The Queen's Green Canopy (QGC) khuyến khích người Anh trong khoảng thời gian từ tháng 10/2021 đến tháng 3/2022 trồng thêm cây cho dịp lễ kỷ niệm. Lễ kỷ niệm Bạch kim của Nữ hoàng Elizabeth II sẽ diễn ra từ 2-5/6.

    tree of trees
    Ảnh đồ họa về "Tree of Trees". Ảnh: CNN

    Vào tháng 5/2021, Nữ hoàng Anh Elizabeth II đã phát động sáng kiến The Queen's Green Canopy. Theo trang web của QGC, đã có trên 1 triệu cây xanh được trong trong quãng thời gian từ tháng 10/2021 đến tháng 3/2022.

    Theo Heatherwick Studio, đơn vị tạo ra "Tree of Trees", tất cả 350 cây xanh sẽ được đặt trong chậu nhôm có chạm nổi ký hiệu của nữ hoàng. Đến tháng 10, tất cả số cây này sẽ được phân phát cho các tổ chức cộng đồng.

    Nữ hoàng Elizabeth II từ lâu đã ủng hộ việc trồng cây, đặc biệt trong các chuyến thăm của bà. Tờ Independent (Anh) cho biết Nữ hoàng Anh Elizabeth II đã trồng 1.500 cây trên khắp thế giới.

    Bài liên quan: Búp bê Nữ hoàng Anh cháy hàng

    Các trang bán búp bê barbie được sản xuất nhân kỷ niệm sinh nhật và 70 năm trị vì của Nữ hoàng Anh thông báo hết hàng trong vài giờ.

    Hãng đồ chơi Mattel trụ sở tại Mỹ tuần này tung ra mẫu búp bê barbie phiên bản Nữ hoàng Anh Elizabeth II. Búp bê có tóc ngắn màu bạch kim, uốn phồng, mặc váy dài tay hoa trắng, đeo trang sức bạc, găng tay trắng, ruy băng chéo màu xanh nước biển và đầu đội vương miện.

    bup be nu hoang chay hang
    Búp bê Nữ hoàng Anh Elizabeth II. Ảnh: Mattel

    Búp bê nhằm kỷ niệm sinh nhật 96 tuổi của Nữ hoàng Anh hôm 21/4 và đánh dấu 70 năm trị vì vương quốc. Nữ hoàng Elizabeth II là quốc vương tại vị lâu nhất trong lịch sử Anh, lâu hơn bà cố là Nữ hoàng Victoria, người lên ngôi năm 18 tuổi và trị vì 63 năm.

    Hãng Mattel cho hay ngoại hình của búp bê lấy cảm hứng từ màu sắc và kiểu dáng thời trang mà Nữ hoàng hay mặc khi chụp ảnh chân dung hoàng gia. Công ty đã sản xuất 20.000 sản phẩm.

    Craig Parshall, 48 tuổi, nhà thiết kế trang web ở Illinois, nhìn thấy búp bê khi xem tin thời sự và lập tức muốn mua tặng vợ, người hâm mộ lâu năm của Nữ hoàng. "Vợ tôi lúc nào cũng thần tượng bà ấy", ông nói. "Cô ấy luôn ngưỡng mộ những phụ nữ có danh vọng".

    Nhưng Parshall đã chậm tay. Búp bê giá 75 USD bán hết sạch trên trang web Mattel Creations trong 8 giờ, dù trang web hạn chế mỗi khách hàng chỉ được mua ba sản phẩm. Các nhà bán lẻ Walmart và Target cũng bán mẫu búp bê này nhưng phát ngôn viên Walmart cho hay sản phẩm chỉ được bán trực tuyến và hết hàng trong hai tiếng mở bán hôm 21/4.

    Trên Amazon, búp bê Nữ hoàng Anh là mẫu bán chạy số một hôm 21/4. Những sản phẩm còn tồn trên trang mạng tới chiều là bản trao tay "như mới" với giá thấp nhất 580 USD.

    Hãng Mattel không nói rõ lượng hàng được bán trực tuyến là bao nhiêu. Tại Anh, búp bê được bày bán tại một số cửa hàng đồ chơi nổi tiếng và trung tâm thương mại.

    "Tôi muốn nhảy lên máy bay vượt Đại Tây Dương sang Anh mua đồ nhưng chắc là không thể làm vậy chỉ để mua một con búp bê", Parshall nói.

    Theo Báo Tin Tức

  • Theo The Sun, người hâm mộ đã tinh ý phát hiện ra Công nương Kate, có một vết sẹo bí mật dài khoảng 3 inch (hơn 7cm) ở phần đầu bên trái. Nó đã được khéo léo che đi bởi mái tóc nâu của người mẹ 3 con.

    Ban đầu nhiều người cho rằng đó chỉ là phần tóc thừa khác màu, nhưng trên thực tế cung điện hoàng gia đã khẳng định đó là một vết sẹo. Đại diện hoàng gia cho biết, vết sẹo này đã xuất hiện từ thời thơ ấu của Công nương Kate chứ không phải là trong thời gian gần đây.

    vet seo tren dau kate middleton 1
    Vết sẹo dài trên đầu nằm bên trái của Công nương Kate.

    Tuy nhiên, cung điện hoàng gia từ chối nói sâu về nguyên nhân khiến Công nương Kate bị một vết sẹo dài như vậy vì nó là một vấn đề riêng tư. Một số nguồn tin thân cận cho biết vết sẹo đó bắt nguồn từ một vụ tai nạn sơ ý mà thôi.

    Trên thực tế, vết sẹo của Công nương Kate hiện nay đã bị che đi hoàn toàn nhờ dựa vào ưu điểm của các kiểu tóc khiến người hâm mộ khó có thể phát hiện ra. Và người mẹ 3 con vẫn luôn xinh đẹp, rạng ngời mỗi khi xuất hiện trước công chúng.

    Trong khi đó, chồng cô, Hoàng tử William cũng có một vết sẹo trên trán và cũng nằm ở bên trái. Nó xuất hiện khi William 13 tuổi và đang tham gia vào một câu lạc bộ golf.

    vet seo tren dau kate middleton 1
    Vết sẹo đã được che đậy khéo léo bằng những kiểu tóc tinh tế của Công nương Kate.

    vet seo tren dau kate middleton 1
    Hoàng tử William cũng có một vết sẹo.

    Giống như thầy phù thủy nổi tiếng trong bộ sách của JK Rowling, Hoàng tử William cũng có cái mà anh ấy gọi là “vết sẹo Harry Potter” trên trán và gần bên mắt trái. “Tôi gọi nó như vậy bởi vì nó thỉnh thoảng phát sáng và một số người nhận thấy nó – và một số lần khác họ lại hoàn toàn không nhận thấy nó,” anh nói với BBC’s Newsround. “Tôi bị thương khi đang chơi golf với một người bạn của mình. Chúng tôi đang ở trên một khu gôn và điều tiếp theo mà bạn biết là có một viên sắt số bảy và nó từ đâu bay ra và đập vào đầu tôi. “

    Theo Helino

  • Anh sẽ bắn đại bác trong hôm nay để mừng Nữ hoàng Elizabeth II bước sang tuổi 96, trong khi bà đang an dưỡng tại dinh thự ở nông thôn.

    Đại bác sẽ được bắn từ Tháp London và Công viên Hyde ở thủ đô nước Anh, nơi một dàn quân nhạc cũng sẽ chơi bài "Happy Birthday". Hoàng gia Anh cũng công bố bức ảnh mới chào mừng sinh nhật của Nữ hoàng.

    Bức ảnh được chụp tháng trước tại Lâu đài Windsor, cho thấy Nữ hoàng đứng cạnh hai con ngựa trắng mà bà rất thích là Bybeck Katie và Bybeck Nightingale, trước một tán cây mộc lan.

    Nữ hoàng Elizabeth II sinh ngày 21/4/1926. Tuy nhiên, theo truyền thống của hoàng gia Anh từ thế kỷ 18, Nữ hoàng sẽ có một sinh nhật chính thức lần thứ hai được tổ chức vào tháng 6, khi thời tiết ấm áp hơn.

    ban dai bac mung sinh nhat nu hoang
    Nữ hoàng Elizabeth đứng cùng những con ngựa trắng trong bức ảnh được hoàng gia Anh công bố để chào mừng sinh nhật lần thứ 96 của bà. Ảnh: Hoàng gia Anh.

    Sinh nhật chính thức năm nay của Nữ hoàng trùng với 4 ngày diễn ra các sự kiện cộng đồng từ 2/6 đến 5/6 để kỷ niệm 70 năm bà trị vì.

    Một ngày trước sinh nhật hôm nay, Nữ hoàng đã di chuyển bằng trực thăng từ Lâu đài Windsor, phía tây London, tới dinh thự vùng nông thôn Sandringham ở miền đông nước Anh vốn được Hoàng thân quá cố Philip từng rất yêu thích. Hoàng gia Anh cho biết Nữ hoàng sẽ đón sinh nhật lần thứ 96 một cách lặng lẽ tại dinh thự này.

    Tờ Daily Mirror dẫn lời một nguồn tin hoàng gia giấu tên cho biết chuyến đi được xem là "bước đi tích cực", do những vấn đề sức khỏe gần đây của Nữ hoàng. Từ khi phải nhập viện hồi tháng 10 năm ngoái, bà đã hạn chế xuất hiện trước công chúng theo khuyến cáo của bác sĩ.

    Nữ hoàng cũng hủy một số sự kiện gần đây, bao gồm sự kiện ngày Lễ Phục sinh ở nhà thờ, do vấn đề về lưng, những khó khăn khi đứng và đi lại. Trong sự kiện trực tuyến hồi đầu tháng, bà nói với các bác sĩ và bệnh nhân tại Bệnh viện Hoàng gia London rằng lần mắc Covid-19 hồi tháng 2 khiến bà "rất mệt và kiệt sức".

    Tuy nhiên, Harry, cháu nội của bà, nói với đài truyền hình NBC của Mỹ trong cuộc phỏng vấn được phát sóng hôm 20/4 rằng Nữ hoàng "có phong độ tuyệt vời" khi gặp anh tuần trước.

    Lần gần nhất Nữ hoàng Anh xuất hiện trước công chúng là tại Tu viện Westminster ở trung tâm London ngày 29/3 trong buổi lễ tưởng niệm Hoàng thân Philip, người qua đời năm ngoái ở tuổi 99.

    Theo VnExpress