Một số đối tượng ở Anh muốn bỏ nền quân chủ, chặn xe chở Vua Charles III

nen quan chu lap hien anh 1
Ảnh: PA Media

Cảnh sát Thames Valley đã thả một người đàn ông 45 tuổi sau khi ông này chặn xe chở Vua Charles III và hô to “Ai bầu ông ta?”.

Ông Symon Hill đã phản đối ở Oxford, nơi diễn ra một buổi lễ hôm 12/09 mừng tân vương Anh Charles III lên ngôi, theo BBC News hôm 13/09.

Cùng ngày ở Edinburgh một người phụ nữ 22 tuổi bị buộc tội vi phạm trật tự công cộng ngay ngoài Thánh đường St Giles, và một người đàn ông khác đã hô câu chửi nhắm vào Công tước xứ York, tức Hoàng tử Andrew. Vụ việc xảy ra khi khi Công tước xứ York đi sau quan tài Nữ hoàng Anh Elizabeth II hôm thứ Hai tuần này ở Edinburgh.

Một số báo Anh nhắc lại dòng chữ trên tấm giấy mà người phụ nữ trẻ giơ ra khi đám rước đi qua, có chữ F*** (văng tục) nhắm vào “chủ nghĩa đế quốc” và lời kêu gọi “bỏ ngay nền quân chủ” (Abolish the monarchy).

Cả hai người đàn ông và phụ nữ này đã được thả về và sẽ phải ra trình diện trước tòa Edinburgh Sheriff Court sau này. Nhưng các vụ cảnh sát can thiệp, tạm giữ hoặc phạt người phản đối nền quân chủ Anh bị giới vận động phê phán.

Tại London, khi nhiều người dân xếp hàng để đặt hoa ở công viên Green Park và hàng rào Điện Buckingham từ mấy ngày qua, cảnh sát Đô thành xác nhận “người dân có quyền phản đối”.

Phó Cảnh sát trưởng Đô thành, ông Stuart Cundy phải ra một tuyên bố nói mọi cảnh sát viên tham gia giữ trật tự cho đám đông viếng Nữ hoàng đều đã nhận được chỉ thị bảo vệ cả việc phản đối hoàng gia.

Bà Ruth Smeeth, CEO của tổ chức chống kiểm duyệt, Index on Censorship, nói các vụ bắt giữ này “thật đáng quan ngại”.

"Chúng ta phải chống việc coi sự kiện này (của Hoàng gia) do vô tình hay hữu ý, trở thành thứ làm xói mòn quyền tự do biểu đạt mà công dân đang được hưởng.”

Giám đốc tổ chức Big Brother Watch, Silkie Carlo, thì nói: "cảnh sát có nghĩa vụ bảo vệ quyền của dân được phản đối, giống như bảo vệ quyền của dân muốn ủng hộ, bày tỏ nỗi đau buồn khi viếng thăm [các điểm để tang Nữ hoàng] ở Anh.”

Còn bà Jodie Beck, quan chức hội Liberty thì chỉ trích cảnh sát Anh và nói “phản đối không phải là món quà của chính quyền, mà là một quyền căn bản”.

nen quan chu lap hien anh 1
Nước Úc bày tỏ lòng kính trọng đối với Nữ hoàng Elizabeth II

Xu hướng phản đối quân chủ hoặc bỏ Hoàng gia Anh

Dù có ý kiến nói Hoàng gia Anh đứng ngoài (hoặc đứng trên) chính trị, có các ý kiến khác cho rằng sự việc không hẳn thế và công dân có quyền phản đối vua, nữ hoàng.

Theo nhà báo Brendan O’Neil viết trên trang The Spectator (12/09) về vụ phản đối Hoàng gia ở Edinburgh, thì “Tuyên bố lên ngôi vua là hành động chính trị, là hoạt động mang tính hiến pháp, nên công dân hoàn toàn có quyền bất đồng chính kiến trước sự kiện đó.”

Theo báo The Guardian ở Anh trong bài hôm thứ Bảy (10/09), một ngày sau khi có tin Nữ hoàng Elizabeth II từ trần, phe Cộng hòa tại Anh tăng cường các cuộc vận động đòi xóa Hoàng gia và nền quân chủ.

Khẩu hiệu của họ “Make Elizabeth the Last” (Hãy để Elizabeth là quốc vương cuối cùng) đã từng được dán công khai, hợp pháp trên phố từ tháng 6.

Nhưng từ vài ngày qua, các dòng khẩu hiệu đòi bỏ nền quân chủ nổi lên nhiều hơn trên Twitter, và người ta bàn thảo trong một số giới về chuyện đó, sau khi đám tang Nữ hoàng kết thúc.

Tờ báo Anh phỏng vấn ông Graham Smith, một nhà vận động từ nhóm Republic vốn muốn Anh bầu ra nguyên thủ quốc gia và bỏ vua, về chuyện này.

Ông Smith than phiền rằng việc đưa tin quá nhiều về cái chết của Nữ hoàng “sẽ khiến người dân thấy là thừa thãi, đi quá xa và họ sẽ chuyển sang Netflix hoặc các kênh khác”. Theo ông, sau khi kết thúc đám tang của Nữ hoàng, "sẽ là lúc cần thảo luận về tương lai nền quân chủ”.

Hôm 09/09, Đoàn Thanh niên Cộng sản Anh, một tổ chức nhỏ, ra tuyên bố nhắc lại các yêu sách bỏ chế độ quân chủ ở Anh.

Tổ chức này, trên trang web có hình cờ đỏ búa liềm, gọi Nữ hoàng bằng tên trống không: Elizabeth Windsor, và cho rằng cái chết của bà là dịp xóa bỏ “tàn tích phong kiến, áp bức” của Hoàng gia Anh.

Bên ngoài nước Anh, Thủ tướng New Zealand, bà Jacinda Ardern xác nhận sợi dây liên kết của nước bà, thành viên Khối Thịnh vượng chung, với Nữ hoàng Elizabeth II là rất bền chặt.

Chính thức thì Nữ hoàng vừa tạ thế và bây giờ là Vua Charles III giữ chức nguyên thủ quốc gia của New Zealand và 13 nước nữa thuộc Khối Thịnh vượng chung (Commonwealth), không kể Anh.

Tuy thế, thủ tướng New Zealand cũng nói “về lâu dài, sẽ có một ngày New Zealand thành nước cộng hòa”.

Tin Nữ hoàng băng hà cũng khiến một số chính trị gia Úc, như lãnh đạo đảng Xanh, nghị sĩ Adam Bandt, yêu cầu có cuộc thảo luận về hiến pháp, nhằm hướng tới chỗ xóa vai trò nguyên thủ quốc gia Úc của vua Anh. Tuy thế, Thủ tướng Úc Anthony Albanese bác bỏ chuyện này và nói “đây không phải là lúc nói chuyện chính trị”.

Tại Jamaica, theo Will Grant viết trên BBC News hôm 13/09, cái chết của Nữ hoàng và sự kiện vua Charles III lên ngôi đang làm nóng lại cuộc thảo luận về chuyện có nên bỏ Hoàng gia Anh để thành nước cộng hòa hay không.

Bài 'Will Jamaica now seek to 'move on' from royals as a republic?' nhắc lại lời thủ tướng Jamaica Andrew Holness nói với Hoàng tử William hồi đầu năm nay rằng nước ông "sẽ đi vê ̀phía trước" (We are moving on), tách khỏi quá khứ gắn với di sản thuộc địa Anh.

Theo BBC Tiếng Việt