• princess anne 1

    Từ thời trẻ, Công chúa Anne đã nổi tiếng là một người độc lập trong phong cách làm việc, chăm chỉ trong trong thực hiện bổn phận và luôn sẵn sàng đón nhận nghĩa vụ hoàng gia.

    Trên đời này có một nghĩa vụ vĩ đại mà nhiều người con, vào một lúc nào đó, sẽ phải làm cho cha mẹ: Nghĩa vụ đưa tiễn họ đến nơi an nghỉ cuối cùng.

    Với nhiều người, họ đảm nhận nhiệm vụ đó trong thầm lặng, tránh xa ánh mắt mọi người. Nhưng với Công chúa Anne thì khác.

    Trong vài ngày gần đây, thông tin về việc Nữ hoàng Elizabeth II mong muốn con gái duy nhất của bà đóng vai trò chính trong việc hộ tống linh cữu của mình đã được lan truyền rộng rãi.

    Điều này như một sự lặp lại vai trò của chính cố nữ hoàng trong chuyến hành trình cuối cùng của vua George VI, khởi hành từ Sandringham, Norfolk vào năm 1952, theo BBC.

    Mong ước của cố nữ hoàng phản ánh niềm tin về sự cần mẫn và tinh thần trách nhiệm của công chúa. Đồng thời, điều này cũng cho thấy cả gánh nặng mà Vua Charles III phải đối mặt trong những ngày đầu trị vì.

    Trong vòng 24 giờ sau sự ra đi của Nữ hoàng Elizabeth II, cuộc đời của Vua Charles III đã xoay chuyển. Điều này đòi hỏi ông phải cân bằng giữa nỗi đau cá nhân với nghĩa vụ với quốc gia.

    princess anne 1
    Công chúa Anne nhìn linh cữu người mẹ quá cố. Ảnh: Reuters.

    Công chúa chăm chỉ

    Sau khi nữ hoàng từ trần, Công chúa Anne (72 tuổi), trẻ hơn vị tân vương 21 tháng tuổi, ở lại Lâu đài Balmoral ở Scotland, chuẩn bị hộ tống linh cữu của cố nữ hoàng bắt đầu hành trình cuối cùng quay về London

    Ở chặng đầu tiên, Công chúa Anne đã hộ tống linh cữu nữ hoàng trong cuộc hành trình kéo dài 6 giờ từ Lâu đài Balmoral đến Điện Holyroodhouse.

    Ở một chừng mực nào đó, hành trình ấy đòi hỏi công chúa giữ kín những cảm xúc đau đớn cho riêng mình. Nhưng khi Công chúa Anne khuỵu gối trước linh cữu ở Điện Holyroodhouse, gương mặt bà vẫn không giấu được cảm xúc.

    Hôm 12/9, Công chúa Anne tiếp tục nghĩa vụ. Lần này, bà đi sau đoàn rước linh cữu nữ hoàng đến Nhà thờ St. Giles. Sau đó, tại nơi đặt linh cữu cố nữ hoàng, công chúa trở thành thành viên nữ đầu tiên của hoàng gia tham gia nghi lễ đứng gác bên linh cữu.

    Việc Công chúa Anne đứng trang trọng trong bộ quân phục danh dự của Hải quân Hoàng gia Anh cho thấy bà là công chúa được nuôi dưỡng trong thời hiện đại, ngang hàng với các anh em trai của mình.

    Hôm 13/9, rời Scotland, Công chúa Anne hộ tống linh cữu Nữ hoàng Elizabeth II đến Điện Buckingham - nơi tổ chức đầy đủ các nghi thức và thủ tục của lễ tang cấp nhà nước.

    Hầu như không ai ngạc nhiên trước vai trò nổi bật của Công chúa Anne trong lễ tang nữ hoàng, bởi công chúa được biết đến là một người không lẩn tránh nghĩa vụ.

    princess anne 1
    Công chúa Anne đón linh cữu mẹ đến Điện Holyroodhouse. Ảnh: PA.

    Trong nhiều năm, Công chúa Anne và Thái tử Charles được công chúng đánh giá là người xứng đáng giữ danh hiệu thành viên hoàng gia chăm chỉ nhất.

    Vào năm 2021, bà đã thực hiện 387 sự kiện chính thức, nhiều hơn gấp hai lần so với Thái tử Charles khi đó.

    Bà đã thực hiện gần 500 chuyến thăm nước ngoài, trong đó có 49 chuyến thăm Đức. Bà cũng là người bảo trợ cho 300 tổ chức từ thiện. Công chúa Anne bắt đầu hợp tác với tổ chức Save The Children từ năm 1970, theo BBC.

    Ngay cả trong thời gian đại dịch Covid-19 diễn ra, bà vẫn làm việc, thăm và quảng bá hình ảnh cho một trung tâm xét nghiệm di động.

    Việc thoát ra khỏi hình tượng của một nàng công chúa nhu mì trong truyện cổ tích đã giúp bà vượt qua vụ bắt cóc bất thành vào năm 1974.

    Trả lời người dẫn chương trình Michael Parkinson, Công chúa Anne cho biết bà đã từ chối đi cùng kẻ bắt cóc dù nghi phạm đã nổ súng khiến cận vệ của bà cùng hai người khác bị thương.

    "Chúng tôi đã có nói chuyện về việc chúng tôi sẽ đi hay không đi những nơi đâu", bà hồi tưởng. "Tôi đã rất lịch sự vì tôi nghĩ rằng thật là ngớ ngẩn nếu hành xử quá thô lỗ trong hoàn cảnh như vậy".

    Tuy nhiên, theo báo cáo chính thức của chính phủ dựa trên hồ sơ tại Cơ quan Lưu trữ Quốc gia Anh, những lời bà đã nói với nghi phạm là: "Không đời nào".

    princess anne 1
    Công chúa Anne trong lễ rước linh cữu nữ hoàng đến Nhà thờ St. Giles. Ảnh: PA.

    Công chúa độc lập

    Ngoài sự chăm chỉ, Công chúa Anne từ lâu được biết đến là một người có tinh thần độc lập - điều thường khó thấy trong phong thái làm việc của các thành viên hoàng gia.

    Năm 1971, khi mới 21 tuổi, Công chúa Anne đã giành được huy chương vàng môn cưỡi ngựa tại giải European Eventing Championships. Cùng năm đó, bà được vinh danh là gương mặt thể thao của năm trên đài BBC.

    5 năm sau, bà đại diện Anh tham gia thế vận hội tại Montreal (Canada).

    "Tôi xem đó là một cách để chứng minh rằng bạn có điều gì đó không phụ thuộc vào gia đình. Thành công hay thất bại là do bạn", Công chúa Anne nói.

    Cách tiếp cận cuộc sống theo hướng đó cũng giúp công chúa vượt qua bài kiểm tra lái xe hạng nặng, cho phép bà lái xe ngựa mà không cần sự giúp đỡ của tùy tùng.

    Khi tuổi tác không cho phép bà tiếp tục theo đuổi môn cưỡi ngựa, bà chuyển sang quản lý trang trại Gloucestershire của mình.

    Khi làm khách mời cho tạp chí Country Life nhân dịp sinh nhật lần thứ 70, bà đã chỉ trích thực trạng đang xảy ra ở một số vùng nông thôn. Bà kêu gọi phải hành động nhiều hơn nữa để cung cấp nhà ở cho người dân địa phương, những người "không theo kịp thị trường".

    "Tất cả (những giải pháp cải thiện đời sống người dân) đều có thể tạo nên sự khác biệt", bà viết.

    princess anne 1
    Năm 1976, Công chúa Anne đại diện Anh tham gia thế vận hội tại Montreal (Canada). Ảnh: BBC.

    Đối với những người theo dõi Công chúa Anne, cuộc đời bà mang đậm dấu ấn của một người phụ nữ tập trung vào các giải pháp thực tế. Bà đã không để con mang tước vị hoàng gia với hy vọng chúng có thể có một cuộc sống bình thường.

    Thái độ luôn sẵn sàng làm việc của Công chúa Anne có thể tiếp tục được nhìn thấy trong những ngày tang lễ sắp tới. Thái độ đó vẫn sẽ được phát huy tích cực như lần đầu tiên được thể hiện vào tháng 9/1969.

    Khi đó, mới 18 tuổi, bà đã tham gia sự kiện chính thức đầu tiên của mình thay mặt Nữ hoàng Elizabeth II. Lần ấy, bà đã khai trương một trung tâm đào tạo lái xe buýt hai tầng gần Shrewsbury, Shropshire.

    Đây là nhiệm vụ đầu tiên trong số hàng nghìn nhiệm vụ mà Công chúa Anne thay mặt Nữ hoàng Elizabeth II thực hiện.

    Và nhiệm vụ cuối cùng của công chúa với người mẹ quá cố của mình đang ở trước mắt bà.

    Bản thân công chúa cho biết được đồng hành cùng mẹ trong những chặng đường cuối cùng là một "vinh dự và đặc ân".

    Và khi tang lễ kết thúc, một chương mới trong cuộc đời phụng sự của Công chúa Anne sẽ bắt đầu. Công chúa sẽ là người cố vấn và ủng hộ đức vua, cũng như tiếp tục xắn tay áo và bắt đầu những nhiệm vụ mới.

    Theo Zing

  • nen quan chu lap hien anh 1
    Ảnh: PA Media

    Cảnh sát Thames Valley đã thả một người đàn ông 45 tuổi sau khi ông này chặn xe chở Vua Charles III và hô to “Ai bầu ông ta?”.

    Ông Symon Hill đã phản đối ở Oxford, nơi diễn ra một buổi lễ hôm 12/09 mừng tân vương Anh Charles III lên ngôi, theo BBC News hôm 13/09.

    Cùng ngày ở Edinburgh một người phụ nữ 22 tuổi bị buộc tội vi phạm trật tự công cộng ngay ngoài Thánh đường St Giles, và một người đàn ông khác đã hô câu chửi nhắm vào Công tước xứ York, tức Hoàng tử Andrew. Vụ việc xảy ra khi khi Công tước xứ York đi sau quan tài Nữ hoàng Anh Elizabeth II hôm thứ Hai tuần này ở Edinburgh.

    Một số báo Anh nhắc lại dòng chữ trên tấm giấy mà người phụ nữ trẻ giơ ra khi đám rước đi qua, có chữ F*** (văng tục) nhắm vào “chủ nghĩa đế quốc” và lời kêu gọi “bỏ ngay nền quân chủ” (Abolish the monarchy).

    Cả hai người đàn ông và phụ nữ này đã được thả về và sẽ phải ra trình diện trước tòa Edinburgh Sheriff Court sau này. Nhưng các vụ cảnh sát can thiệp, tạm giữ hoặc phạt người phản đối nền quân chủ Anh bị giới vận động phê phán.

    Tại London, khi nhiều người dân xếp hàng để đặt hoa ở công viên Green Park và hàng rào Điện Buckingham từ mấy ngày qua, cảnh sát Đô thành xác nhận “người dân có quyền phản đối”.

    Phó Cảnh sát trưởng Đô thành, ông Stuart Cundy phải ra một tuyên bố nói mọi cảnh sát viên tham gia giữ trật tự cho đám đông viếng Nữ hoàng đều đã nhận được chỉ thị bảo vệ cả việc phản đối hoàng gia.

    Bà Ruth Smeeth, CEO của tổ chức chống kiểm duyệt, Index on Censorship, nói các vụ bắt giữ này “thật đáng quan ngại”.

    "Chúng ta phải chống việc coi sự kiện này (của Hoàng gia) do vô tình hay hữu ý, trở thành thứ làm xói mòn quyền tự do biểu đạt mà công dân đang được hưởng.”

    Giám đốc tổ chức Big Brother Watch, Silkie Carlo, thì nói: "cảnh sát có nghĩa vụ bảo vệ quyền của dân được phản đối, giống như bảo vệ quyền của dân muốn ủng hộ, bày tỏ nỗi đau buồn khi viếng thăm [các điểm để tang Nữ hoàng] ở Anh.”

    Còn bà Jodie Beck, quan chức hội Liberty thì chỉ trích cảnh sát Anh và nói “phản đối không phải là món quà của chính quyền, mà là một quyền căn bản”.

    nen quan chu lap hien anh 1
    Nước Úc bày tỏ lòng kính trọng đối với Nữ hoàng Elizabeth II

    Xu hướng phản đối quân chủ hoặc bỏ Hoàng gia Anh

    Dù có ý kiến nói Hoàng gia Anh đứng ngoài (hoặc đứng trên) chính trị, có các ý kiến khác cho rằng sự việc không hẳn thế và công dân có quyền phản đối vua, nữ hoàng.

    Theo nhà báo Brendan O’Neil viết trên trang The Spectator (12/09) về vụ phản đối Hoàng gia ở Edinburgh, thì “Tuyên bố lên ngôi vua là hành động chính trị, là hoạt động mang tính hiến pháp, nên công dân hoàn toàn có quyền bất đồng chính kiến trước sự kiện đó.”

    Theo báo The Guardian ở Anh trong bài hôm thứ Bảy (10/09), một ngày sau khi có tin Nữ hoàng Elizabeth II từ trần, phe Cộng hòa tại Anh tăng cường các cuộc vận động đòi xóa Hoàng gia và nền quân chủ.

    Khẩu hiệu của họ “Make Elizabeth the Last” (Hãy để Elizabeth là quốc vương cuối cùng) đã từng được dán công khai, hợp pháp trên phố từ tháng 6.

    Nhưng từ vài ngày qua, các dòng khẩu hiệu đòi bỏ nền quân chủ nổi lên nhiều hơn trên Twitter, và người ta bàn thảo trong một số giới về chuyện đó, sau khi đám tang Nữ hoàng kết thúc.

    Tờ báo Anh phỏng vấn ông Graham Smith, một nhà vận động từ nhóm Republic vốn muốn Anh bầu ra nguyên thủ quốc gia và bỏ vua, về chuyện này.

    Ông Smith than phiền rằng việc đưa tin quá nhiều về cái chết của Nữ hoàng “sẽ khiến người dân thấy là thừa thãi, đi quá xa và họ sẽ chuyển sang Netflix hoặc các kênh khác”. Theo ông, sau khi kết thúc đám tang của Nữ hoàng, "sẽ là lúc cần thảo luận về tương lai nền quân chủ”.

    Hôm 09/09, Đoàn Thanh niên Cộng sản Anh, một tổ chức nhỏ, ra tuyên bố nhắc lại các yêu sách bỏ chế độ quân chủ ở Anh.

    Tổ chức này, trên trang web có hình cờ đỏ búa liềm, gọi Nữ hoàng bằng tên trống không: Elizabeth Windsor, và cho rằng cái chết của bà là dịp xóa bỏ “tàn tích phong kiến, áp bức” của Hoàng gia Anh.

    Bên ngoài nước Anh, Thủ tướng New Zealand, bà Jacinda Ardern xác nhận sợi dây liên kết của nước bà, thành viên Khối Thịnh vượng chung, với Nữ hoàng Elizabeth II là rất bền chặt.

    Chính thức thì Nữ hoàng vừa tạ thế và bây giờ là Vua Charles III giữ chức nguyên thủ quốc gia của New Zealand và 13 nước nữa thuộc Khối Thịnh vượng chung (Commonwealth), không kể Anh.

    Tuy thế, thủ tướng New Zealand cũng nói “về lâu dài, sẽ có một ngày New Zealand thành nước cộng hòa”.

    Tin Nữ hoàng băng hà cũng khiến một số chính trị gia Úc, như lãnh đạo đảng Xanh, nghị sĩ Adam Bandt, yêu cầu có cuộc thảo luận về hiến pháp, nhằm hướng tới chỗ xóa vai trò nguyên thủ quốc gia Úc của vua Anh. Tuy thế, Thủ tướng Úc Anthony Albanese bác bỏ chuyện này và nói “đây không phải là lúc nói chuyện chính trị”.

    Tại Jamaica, theo Will Grant viết trên BBC News hôm 13/09, cái chết của Nữ hoàng và sự kiện vua Charles III lên ngôi đang làm nóng lại cuộc thảo luận về chuyện có nên bỏ Hoàng gia Anh để thành nước cộng hòa hay không.

    Bài 'Will Jamaica now seek to 'move on' from royals as a republic?' nhắc lại lời thủ tướng Jamaica Andrew Holness nói với Hoàng tử William hồi đầu năm nay rằng nước ông "sẽ đi vê ̀phía trước" (We are moving on), tách khỏi quá khứ gắn với di sản thuộc địa Anh.

    Theo BBC Tiếng Việt

  • Giá trị khối tài sản của Nữ hoàng Elizabeth II ước tính khoảng 500 triệu USD. Ngoài ra, Nữ hoàng và các thành viên hoàng tộc còn điều hành một công ty hoàng gia.

    Theo Fortune, sau khi Nữ hoàng Elizabeth II qua đời hôm 8/9 tại Lâu đài Balmoral, Thái tử Charles, nay là Vua Charles III, sẽ thừa kế khối tài sản trị giá hơn 500 triệu USD. Dẫu vậy, quá trình thừa kế tương đối phức tạp vì phần lớn tài sản của Nữ hoàng thuộc về Công ty Hoàng gia (Royal Firm), đế chế trị giá 28 tỷ USD được coi như doanh nghiệp gia đình của các thành viên hoàng gia Anh.

    "Công ty gia đình" trị giá 28 tỷ USD

    Công ty Hoàng gia còn được gọi là Monarchy PLC, gồm các thành viên cấp cao và đại diện Hoàng tộc Winsor, gia đình trị vì mà Nữ hoàng đứng đầu. Họ cùng nhau vận hành công việc kinh doanh toàn cầu và đầu tư hàng triệu bảng vào nền kinh tế Anh hàng năm thông qua sự kiện truyền hình và du lịch.

    Công ty được điều hành bởi Nữ hoàng Elizabeth II và 7 thành viên hoàng gia khác gồm vợ chồng Thái tử Charles và Nữ Công tước xứ Cornwall Camilla, vợ chồng Hoàng tử William và Nữ Công tước xứ Cambridge Kate, Công chúa Anne (con gái Nữ hoàng), Hoàng tử Edward (con trai út của Nữ hoàng) và vợ là Nữ bá tước xứ Wessex Sophie.

    doanh nghiep hoang gia anh 2
    Các bất động sản hoàng gia có giá trị lên tới 28 tỷ USD. Ảnh: Forbes.

    Theo Forbes, công ty Monarchy PLC đang nắm giữ gần 28 tỷ USD tài sản dạng bất động sản tính đến năm 2021, bao gồm tổ chức quản lý các bất động sản của Hoàng gia Anh Crown Estate (trị giá 19,5 tỷ USD), Cung điện Buckingham (trị giá 4,9 tỷ USD), Công quốc Cornwall (trị giá 1,3 tỷ USD), Công quốc Lancaster trị giá (748 triệu USD), Cung điện Kensington (trị giá 630 triệu USD) và Crown Estate ở Scotland (trị giá 592 triệu USD).

    Các thành viên không kiếm lợi nhuận cá nhân từ công việc kinh doanh. Thay vào đó, mục đích của công ty là thúc đẩy nền kinh tế Anh thông qua việc sử dụng hiệu ứng truyền thông và Royal Warrant, một loại chứng chỉ được phong tặng cho những thương nhân chuyên cung cấp hàng hóa và cung ứng dịch vụ cho Hoàng gia.

    Crown Estate là tập hợp các vùng đất và tài sản thuộc chế độ quân chủ của Anh do Nữ hoàng Elizabeth II nắm giữ. Tuy nhiên đây không phải tài sản của riêng Nữ hoàng mà được quản lý bởi một hội đồng công cộng bán độc lập.

    Tháng 6, Crown Estate thông báo lợi nhuận ròng của năm tài chính 2021-2022 đạt 312,7 triệu USD, cao hơn 43 triệu USD so với kỳ liền trước.

    Thu nhập của Nữ hoàng

    Thu nhập của Nữ hoàng Elizabeth II chủ yếu đến từ khoản thuế hàng năm cho hoàng gia có tên Sovereign Grant. Khoản này được ấn định hơn 86 triệu bảng vào năm 2021 và 2022, được phân bổ cho hoạt động di chuyển chính thức, bảo trì tài sản, chi phí vận hành hoặc bảo trì Điện Buckingham.

    Nguồn trợ cấp của Sovereign Grant đến từ tỷ lệ phần trăm lợi nhuận, ban đầu được đặt ở mức 15% theo hoàng gia. Khoản trợ cấp đã tăng lên thành 25% trong giai đoạn 2017-2018 để có kinh phí tân trang Cung điện Buckingham và dự kiến giảm xuống 15% vào năm 2028.

    Khoản trợ cấp được sử dụng để chi trả cho các chi phí chính thức bao gồm lương nhân viên, an ninh, di chuyển, dọn phòng và bảo trì. Tuy nhiên, các chi phí riêng tư của Nữ hoàng và hoàng gia được chi trả thông qua một khoản trợ cấp riêng có tên “chiếc ví bí mật” (Privy Purse).

    Về cơ bản đây là danh mục tài sản và tài sản được ủy thác từ thế kỷ 14 mang lại thu nhập cá nhân cho Nữ hoàng từ Công quốc Lancaster.

    Theo website của Công quốc Lancaster, tính đến cuối tháng 3, tài sản ròng của Công quốc đạt 652,8 triệu USD, thặng dư ròng đạt 24 triệu USD dưới dạng của cải và tài sản tài chính.

    Trong đó, 24 triệu USD thặng dư bị đánh thuế và được sử dụng để để chi trả các khoản không được Sovereign Grant trợ cấp.

    Theo Business Insider, Nữ hoàng đã tích lũy được hơn 500 triệu USD tài sản cá nhân, phần lớn thông qua các khoản đầu tư, sưu tầm nghệ thuật, trang sức và bất động sản (gồm Dinh thự Sandringham và Lâu đài Balmoral). Phần lớn tài sản cá nhân sẽ được truyền lại cho Thái tử Charles sau khi ông lên ngôi.

    Nữ hoàng cũng thừa kế gần 70 triệu USD từ Thái hậu khi bà qua đời vào năm 2002, bao gồm các khoản đầu tư vào tranh, bộ sưu tập tem, đồ sành sứ, trang sức, ngựa và thậm chí là bộ sưu tập trứng Faberge.

    Nữ hoàng trước đó không phải trả thuế kế thừa nhờ điều khoản pháp lý đặc biệt mà sau này cũng sẽ áp dụng cho Thái tử Charles nhằm tránh xói mòn tài sản của hoàng gia. Thái tử Charles, nay là Vua Charles III, sẽ không thừa kế trực tiếp đế chế 28 tỷ USD, bao gồm bất động sản ở Scotland, Crown Estate, Công quốc Lancaster, Công quốc Cornwall, Cung điện Buckingham và lâu đài Kensington. Mặt khác, ông sẽ nhận được tài sản mà Nữ hoàng chỉ định trước đó.

    (Theo Zing)

  • nhung chiec o cua nu hoang anh 1

    Ít ai chú ý rằng những chiếc ô của Nữ hoàng Anh Elizabeth II luôn có màu sắc đồng điệu với trang phục của bà.

    nhung chiec o cua nu hoang anh 1

    Phong cách thời trang của Công nương Kate Middleton và Công nương Meghan Markle gây chú ý trong thời gian gần đây nhưng Nữ hoàng Anh Elizabeth II cũng từng là một biểu tượng thời trang trong nhiều năm và đến bây giờ vẫn vậy.

    nhung chiec o cua nu hoang anh 1

    Những bộ trang phục sáng màu khiến Nữ hoàng Anh luôn nổi bật trước công chúng. Một điều thú vị nữa là ngay cả những chiếc ô cùng có màu sắc ton sur ton với trang phục của bà.

    nhung chiec o cua nu hoang anh 1

    Nữ hoàng Anh Elizabeth II thường dùng những chiếc ô của hãng Fulton. CEO của hãng này đã chia sẻ với trang Hello! rằng: "Mọi thứ chúng tôi sản xuất cho Nữ hoàng đều được thông báo. Những chi tiết thiết kế thường khác biệt một chút, màu sắc phải độc đáo và chúng sẽ không nằm trong bất kỳ bộ sưu tập thông thường nào của chúng tôi".

    nhung chiec o cua nu hoang anh 1

    Cách phối màu trang phục và phụ kiện thú vị này bắt đầu từ thời của mẹ Nữ hoàng và Nữ hoàng Elizabeth II là người đã tiếp tục truyền thống này.

    nhung chiec o cua nu hoang anh 1

    "Những người thiết kế trang phục của Nữ hoàng thường gửi cho chúng tôi mẫu vải hoặc các màu mẫu để sản xuất những chiếc ô mẫu và nếu không có gì thay đổi, chúng tôi sẽ tạo ra những chiếc ô hoàn chỉnh", Hãng Fulton chia sẻ trên trang Hello!.

    nhung chiec o cua nu hoang anh 1

    Trang phục và phụ kiện của Nữ hoàng Anh có những màu sắc độc đáo mà chúng ta không thể tìm thấy trong bất kỳ cửa hàng nào, giống như trong bức ảnh này.

    nhung chiec o cua nu hoang anh 1

    Hình ảnh Nữ hoàng Elizabeth II sang trọng và thanh lịch trong bộ đồ được phối màu hài hòa giữa hồng và đen.

    nhung chiec o cua nu hoang anh 1

    Nhà thiết kế Angela Kelly là người chịu trách nhiệm cố vấn trang phục và lựa chọn cách phối đồ cho Nữ hoàng theo từng mùa trong năm.

    nhung chiec o cua nu hoang anh 1

    Nữ hoàng Anh Elizabeth II thường là người tự cầm ô nhưng thỉnh thoảng một người phụ tá Hoàng gia sẽ cầm giúp bà.

    nhung chiec o cua nu hoang anh 1

    Nữ hoàng Anh rất yêu quý những chiêc ô. Bà và chồng mình là Hoàng thân Philip từng ghé thăm trụ sở của công ty sản xuất ô Fulton tại London, Anh.

    Theo Vietnamnet

  • Thái tử Charles đã chính thức trở thành Quốc vương của Vương quốc Anh vào ngày buồn nhất trong cuộc đời ông, khi Nữ hoàng Nữ hoàng Elizabeth II qua đời ở tuổi 96.

    Điện Clarence House ngày 8-9 xác nhận Thái tử Charles, 73 tuổi và là trưởng nam của Nữ hoàng Elizabeth II - trở thành vua mới của Vương quốc Anh, gọi là Vua Charles III. Nhà vua cũng sẽ trở thành nguyên thủ quốc gia của 14 nước khác trong khối Thịnh vượng chung. Tuy nhiên thông báo không công bố thời điểm tổ chức lễ đăng quang cho nhà vua.

    Thai tu Charles thanh Vua nuoc Anh
    Thái tử Charles đã chính thức trở thành Quốc vương của Vương quốc Anh. Ảnh: Dan Kitwood/POOL

    Thông báo trên đưa ra ngay sau khi Nữ hoàng Elizabeth II qua đời ở tuổi 96 tại lâu đài Balmoral ở Scotland. Trong thông báo trước đó của Điện Buckingham về sự qua đời của Nữ hoàng cũng đề cập danh hiệu Nhà vua và Hoàng hậu dành cho tân vương Charles và phu nhân Camilla - Nữ Công tước xứ Cornwall.

    “Nữ hoàng đã ra đi yên bình tại Balmoral vào chiều nay. Nhà vua và Hoàng hậu sẽ ở lại Balmoral trong tối nay và sẽ quay về London vào ngày mai” - thông báo cho hay.

    Sau đó không lâu, Hoàng gia Anh đăng tải tuyên bố đầu tiên của Quốc vương Charles III về sự ra đi của Nữ hoàng. Vị tân vương chia sẻ: “Sự ra đi của Người mẹ kính yêu, Nữ hoàng điện hạ, là một khoảnh khắc đau buồn nhất với tôi và tất cả thành viên gia đình".

    “Chúng tôi vô cùng thương tiếc về sự ra đi của một vị Quân chủ đáng kính và Người mẹ được nhiều người yêu mến. Tôi biết sự ra đi của bà ấy sẽ được cảm nhận sâu sắc trên khắp đất nước, các vùng lãnh thổ và Khối Thịnh vượng cũng như vô số người dân trên khắp thế giới” - ông cho hay.

    Thái tử Charles là người kế thừa ngai vàng lớn tuổi nhất trong lịch sử nước Anh.

    Trong bài phát biểu về sự ra đi của Nữ hoàng, Thủ tướng Anh Liz Truss, người được Nữ hoàng bổ nhiệm hôm 6-9, kêu gọi người dân ủng hộ tân vương.

    “Trong lúc chúng ta thương tiếc [về sự ra đi của Nữ hoàng], chúng ta cần phải đoàn kết cùng nhau để ủng hộ nhà vua, giúp ngài gánh vác trách nhiệm tuyệt vời mà ngài hiện đang nắm giữ. Chúng ta cống hiến lòng trung thành và sự tận tâm đối với ngài ấy giống như mẹ của ngài đã cống hiến trong một quãng thời gian dài" - bà Truss phát biểu.

    Nhà vua Charles III sinh vào ngày 14-11-1948 tại Cung điện Buckingham vào năm trị vì thứ 12 của Vua George VI, cha của Nữ hoàng Elizabeth II. Vào năm ba tuổi, ông đã trở thành người thừa kế ngai vàng sau khi mẹ của ông trở thành Nữ hoàng vào năm 1952.

    Theo Plo

  • Sau khi nhận được tin tức về sức khỏe của Nữ hoàng Elizabeth, các thành viên của gia đình Hoàng gia Anh đã khẩn cấp đến Scotland để ở bên cạnh bà.

    Ngày 8/9, Cung điện Buckingham cho biết, Nữ hoàng Elizabeth II đã được giám sát y tế vì các bác sĩ "quan tâm đến sức khỏe của Nữ hoàng", trong khi đó, các thành viên của gia đình hoàng gia đã khẩn cấp đến Scotland để ở bên cạnh vị nữ hoàng 96 tuổi.

    Cung điện từ chối cung cấp thêm thông tin chi tiết về tình trạng sức khỏe của nữ hoàng, nhưng có những dấu hiệu đáng lo ngại khi Thủ tướng Liz Truss cho biết, “cả đất nước sẽ vô cùng quan tâm đến tin tức này”, đồng thời các chính trị gia khác bày tỏ sự lo lắng của họ.

    suc khoe nu hoang suy yeu 1
    Chuyến bay đưa các thành viên gia đình Hoàng gia Anh bao gồm Hoàng tử Harry và Hoàng tử Andrew tới lâu đài Balmoral. Ảnh: Daily Mail

    suc khoe nu hoang suy yeu 1
    Trực thăng Hoàng gia Anh hạ cánh xuống lâu đài Balmoral ngày 8-9. Ảnh: Daily Mail

    Thông báo của cung điện được đưa ra một ngày sau khi Nữ hoàng hủy cuộc họp trực tuyến của Hội đồng Cơ mật khi các bác sĩ khuyên bà nên nghỉ ngơi sau một ngày diễn ra các sự kiện vào ngày 6/9, khi bà chính thức đề nghị bà Truss trở thành thủ tướng.

    “Sau khi đánh giá thêm vào sáng nay, các bác sĩ của Nữ hoàng quan tâm đến sức khỏe của Nữ hoàng và đã khuyến cáo bà nên tiếp tục được giám sát y tế. Nữ hoàng vẫn thoải mái và ở Balmoral”, một phát ngôn viên giấu tên của cung điện cho biết trong điều kiện phù hợp với chính sách thông lệ.

    Hàng rào được thiết lập tại lối vào cung điện Balmoral ở Scotland, nơi Nữ hoàng đang được giám sát y tế, ngày 8/9/2022.

    Thái tử Charles cùng với vợ là Công nương Camilla và em gái ông, Công chúa Anne, đã ở cùng nữ hoàng tại Lâu đài Balmoral, dinh thự mùa hè ở Scotland. Hoàng tử William, vợ chồng Hoàng tử Harry cùng Hoàng tử Andrew, Nữ bá tước xứ Wessex cũng đang trên đường đến Balmoral.

    Nữ hoàng Elizabeth ngày càng giao nhiều nhiệm vụ cho Thái tử Charles và các thành viên khác của gia đình hoàng gia trong những tháng gần đây khi bà cần hồi phục hậu Covid-19, bà bắt đầu phải sử dụng gậy và cố gắng đi lại.

    “Cả đất nước sẽ vô cùng quan tâm đến tin tức từ Cung điện Buckingham. Tâm trí của tôi và của mọi người trên khắp Vương quốc Anh là về Nữ hoàng và gia đình của Nữ hoàng vào lúc này”, Thủ tướng Truss viết trên Twitter.

    Trực thăng Hoàng gia Anh hạ cánh xuống nơi Nữ hoàng Elizabeth II đang ở

    Theo Daily Mail, ngoài chiếc trực thăng kể trên, một chuyến bay đưa các thành viên gia đình Hoàng gia Anh bao gồm Hoàng tử Harry và Hoàng tử Andrew, đã cất cánh từ Northolt, thủ đô London vào chiều 8-9 (giờ địa phương) để tới lâu đài Balmoral.

    Trong khi đó, nhiều người dân Anh đang đợi tin Nữ hoàng Elizabeth II tại lâu đài Balmoral ở Scotland sau khi bác sĩ lo ngại sức khoẻ của bà. 

    Daily Mail ngày 8-9 đưa tin cảnh sát đã dựng hàng rào bên ngoài lâu đài Balmoral để đảm bảo an ninh trật tự, trong khi những người ủng hộ Nữ hoàng Elizabeth II tập trung tại đây. Đám đông được giữ lại bên ngoài cổng lâu đài Balmoral. 

    suc khoe nu hoang suy yeu 1
    Đám đông tập trung bên ngoài lâu đài Balmoral. Ảnh: Reuters

    suc khoe nu hoang suy yeu 1
    Cảnh sát dựng rào chắn và đứng gác trước cổng lâu đài Balmoral. Ảnh: Reuters

    Các thành viên của gia đình Hoàng gia Anh đã gấp rút về thăm Nữ hoàng Elizabeth II. Bà được giám sát y tế kể từ sáng 8-9 sau khi được bác sĩ cảnh báo về sức khoẻ. Thái tử Charles và Hoàng tử William đang ở bên giường của Nữ hoàng Elizabeth II, trong khi Hoàng tử Harry và vợ Meghan Markle đang trên đường tới lâu đài Balmoral. Hoàng tử Edward và Hoàng tử Andrew cũng sắp có mặt. 

    Anh hiếm khi tuyên bố về tình trạng sức khoẻ của Nữ hoàng Elizabeth II. Điều này cho thấy đây là một tình huống nghiêm trọng. Đáng lo ngại, tất cả người con của bà và Hoàng tử William đều đã mau chóng hoặc đang trên đường trở về. 

    Nữ hoàng Elizabeth II từng ở cùng các cháu trai William và Harry tại lâu đài Balmoral khi mẹ của 2 hoàng tử - Công nương xứ Wales Diana - qua đời trong vụ tai nạn ôtô ở Paris - Pháp năm 1997.

    Theo Người Lao Động

  • Một nghi phạm bị đưa ra xét xử tại tòa án thủ đô London vào ngày 17/8 với cáo buộc âm mưu ám sát nữ hoàng Anh.

    Nghi phạm là Jaswant Singh Chail, năm nay 20 tuổi, sống tại thành phố Southampton, miền Nam nước Anh. Nghi phạm trước đó bị khởi tố tội danh phản quốc, AFP đưa tin.

    Cơ quan công tố cho biết Chail bị bắt tại Cung điện Windsor ngày 24/12/2021, đây là nơi ở của Nữ hoàng Anh Elizabeth II.

    Khi vụ việc xảy ra, nghi phạm mặc áo trùm đầu, đeo mặt nạ, mang theo cung tên. Chail đã tiến gần khu nhà ở của Nữ hoàng Elizabeth II và nói với sĩ quan bảo vệ rằng nghi phạm đến để sát hại Nữ hoàng.

    Jaswant Singh Chail crossbow man scaled
    Nghi phạm âm mưu ám sát Nữ hoàng Elizabeth II. Ảnh: Metro.

    Nghi phạm hiện đối mặt 3 cáo buộc hình sự, trong đó nghiêm trọng nhất là "cố ý làm bị thương Nữ hoàng Elizabeth II".

    Chail hiện cũng bị truy tố hai tội danh khác gồm "đe dọa giết người" và "sở hữu vũ khí sát thương trái phép".

    Nghi phạm không được bảo lãnh mà sẽ tiếp tục bị tạm giam cho đến khi tham dự phiên xét xử tiếp theo, dự kiến diễn ra ngày 14/9.

    Điều tra của nhà chức trách cho thấy nghi phạm lên kế hoạch ám sát Nữ hoàng Elizabeth II nhằm "trả thù cho cách nước Anh đối xử với người Ấn Độ".

    Nghi phạm từng tìm cách gia nhập lực lượng bảo vệ hoàng gia để có thể tiếp cận Nữ hoàng Elizabeth II nhưng không thành.

    Năm 1981, một người tên Briton Marcus Sarjeant bị truy tố tội danh tương tự khi nổ những phát súng không đạn về phía Nữ hoàng Elizabeth II khi bà tham gia một cuộc diễu hành. Người này bị kết án 5 năm tù giam.

    Theo Zing

  • charles lai nhan 1 trieu bang

    Thái tử Charles của Anh được cho là đã nhận 1 triệu bảng Anh từ Bakr và Shafiq bin Laden, anh em cùng cha khác mẹ với Osama bin Laden, Sunday Times đưa tin ngày 30/7.

    Thái tử Charles được cho là đã gặp riêng ông Bakr tại Điện Clarence House (London) vào tháng 10/2013, hai năm sau khi Osama bin laden bị bắn chết.

    Điện Clarence House phủ nhận thông tin này, nói rằng quyết định nhận khoản tiền quyên góp là do thành viên thuộc quỹ từ thiện dưới tên ông - Prince of Wales’s Charitable Fund (PWCF) - phụ trách.

    Bakr và Shafiq bin Laden là anh em cùng cha khác mẹ với Osama bin Laden, với người cha của cả 3 người là tỷ phú Mohammed bin Awad bin Laden. Không có thông tin nói rằng Bakr hay Shafig bin Laden tài trợ hoặc tham gia vào các hành động khủng bố.

    Sir Ian Cheshire, Chủ tịch PWCF, cho biết khoản tiền tài trợ được Bakr bin Laden vào năm 2013 đã được xem xét kỹ lưỡng, và hoàn toàn do các ủy viên của hội chịu trách nhiệm thẩm định và ký kết.

    "Bất kỳ phỏng đoán nào khác đều gây hiểu lầm và không chính xác", ông Cheshire nhấn mạnh. 

    Nguồn tin nói rằng Thái tử Charles - người sẽ kế vị Nữ hoàng Anh Elizabeth II - đã đích thân làm trung gian cho thỏa thuận, và đã đồng ý nhận quyên góp bất chấp sự phản đối của các cố vấn.

    Tháng trước, Thái tử Charles cũng vướng phải cáo buộc nhận tổng cộng 3 triệu euro tiền mặt trong các cuộc gặp cựu thủ tướng Qatar Sheikh Hamad bin Jassim bin Jaber al-Thani, bao gồm cuộc gặp trực tiếp tại Điện Clarence House năm 2015. Khoản tiền trên đã được chuyển vào tài khoản PWCF và không có dấu hiệu sai phạm.

    Clarence House - văn phòng của Thái tử Charles - nói rằng vị Thân vương xứ Wales đã nhận các khoản quyên góp từ thiện và tuân thủ quy trình nhận tiền.

    Tuyên bố này nhằm bác bỏ tin tức từ tờ Sunday Times của Anh về việc Thái tử Charles nhận vali tiền mặt chứa một triệu euro (1,05 triệu USD) từ chính trị gia Qatar.

    Theo Sunday Times, chiếc vali chứa hơn một triệu USD là một trong ba khoản tiền mặt mà cá nhân Thái tử nhận được. Tổng ba lần có trị giá hơn 3 triệu USD. Số tiền này được gửi bởi cựu Thủ tướng Qatar Sheikh Hamad bin Jassim bin Jaber Al Thani từ năm 2011 đến 2015. CNN cho biết hiện chưa thể kiểm chứng thông tin từ Sunday Times.

    “Các khoản quyên góp từ thiện từ Thủ tướng Sheikh Hamad bin Jassim đã được chuyển ngay lập tức đến quỹ từ thiện của Thái tử. Ông là người quản lý và đảm bảo rằng tất cả quy trình nhận tiền ủng hộ được tuân thủ”, Clarence House nói với CNN.

    Sunday Times đưa tin ông Sheikh Hamad từng đưa Thái tử Charles hơn một triệu USD. Số tiền này được cất trong túi đựng hàng hóa từ cửa hàng bách hóa hạng sang ở London, Fortnum, và Mason.

    Một lần khác, Thái tử Charles nhận một chiếc túi vải thô chứa 1,05 triệu USD trong cuộc gặp riêng tư tại Clarence House vào năm 2015, Sunday Times viết.

    Sunday Times nói rằng các khoản tiền được gửi vào tài khoản trong Quỹ từ thiện của Thái tử (PWCF). Đây là tổ chức cung cấp vốn cho các dự án tư nhân và tài sản của Thái tử ở Scotland.

    Một nguồn tin từ hoàng gia chia sẻ với CNN rằng hoàng gia hiện tranh cãi về các chi tiết trong thông tin của Sunday Times. Họ khẳng định tất cả quy trình đã được tuân thủ chính xác. Hoàng gia nói thêm rằng báo cáo này đưa ra một số thông tin sai sự thật. Luật sư của hoàng gia đang tham gia vào giải quyết vụ việc.

    Không có thông tin nào cho rằng các khoản tiền được nhận là bất hợp pháp.

    Zing (theo The Sun)

  • Chiếc vương miện có thiết kế đặc biệt và giá trị của báu vật này không thứ gì có thể đong đếm được.

    Hoàng gia Anh nổi tiếng sở hữu bộ sưu tập khổng lồ với hàng loạt trang sức và vương miện quý giá có tuổi đời lâu năm cùng thiết kế tinh xảo, làm từ những chất liệu đắt đỏ hàng đầu thế giới. Theo tờ Harpersbazaar, có một vương miện hoàng gia lâu đời nhất còn sót lại của nước Anh, tồn tại cho đến tận bây giờ với vẻ đẹp hoàn mỹ.

    Vương miện ấy có tên là Công chúa Blanche, hay còn được gọi là Vương miện Palatine, có niên đại từ năm 1370 - 1380. Báu vật này được làm bằng vàng, kim cương, ngọc lục bảo, ngọc bích hay ngọc trai với thiết kế cầu kỳ. 

    Chiếc vương miện được chế tác dưới hình dạng những bông hoa cân xứng với 12 hình lục giác trên chiếc vòng đội đầu một cách hoàn hảo. Phía trên là những thân cây bằng vàng, ở trên đầu tạo thành hình bông hoa huệ tây. Vương miện được đánh giá là một trong những thành tựu nổi bật của thợ kim hoàn theo phong cách Gothic.

    vuong mien hoang gia Anh 1
    Chiếc vương miện có thiết kế tinh xảo.

    Vương miện là của hồi môn mà Vua Henry IV dành tặng cho con gái yêu, Công chúa Blanche khi cô kết hôn với Louis III, Tuyển hầu tước Palatine. Công chúa Blanche đã được cha sắp xếp cho một mối hôn sự môn đăng hộ đối, để thắt chặt tình ngoại giao, tạo ra liên minh vững chắc. 

    Ngoài chiếc vương miện đắt giá, nhà vua còn tặng hơn 300kg vàng cho con gái làm của hồi môn. Hôn lễ được tổ chức vào năm 1402, tại Nhà thờ Cologne, nước Đức. Dù là hôn nhân sắp đặt nhưng cặp đôi vẫn sống hạnh phúc. 4 năm sau, Công chúa Anh hạ sinh một cậu con trai kháu khỉnh. Mặc dù vậy, điều không may đã xảy ra.

    vuong mien hoang gia Anh 1
    Công chúa Blanche (ở giữa).

    Vào năm 1409, khi mang thai đứa con thứ 2, Công chúa Blanche đã đột ngột qua đời vì mang bệnh nặng và bà được chôn cất tại nhà thờ Thánh ở Neustadt, thuộc Palatinate (nước Đức). Con trai của Blanche là Rupert cũng qua đời ở tuổi 19 vào năm 1426, thời điểm đó anh chưa lập gia đình.

    Chiếc vương miện về sau được gia đình nhà chồng của cố Công chúa Anh lưu giữ. Nhà Palatine thuộc phân nhánh của dòng họ Wittlesbach, nước Đức. Ngày nay chiếc vương miện được trưng bày cùng các kho báu khác của hoàng gia Đức tại Cung điện Munich.

    Vào năm 1988, chiếc vương miện từng được trưng bày trong triển lãm Age of Chivalry tại Học viện Nghệ thuật Hoàng gia ở London. Đây là lần đầu tiên nó quay trở lại Anh kể từ năm 1401 khi công chúa rời quê hương lấy chồng nơi xứ Người. Hiện tại, tuy không còn giữ được toàn bộ cấu trúc ban đầu nhưng chiếc vương miện vẫn sở hữu vẻ đẹp vương giả sau hàng trăm năm khiến người đời trầm trồ, thán phục.

    vuong mien hoang gia Anh 1
    Chiếc vương miện vẫn mang vẻ đẹp hoàn hảo sau hàng trăm năm.

    Theo Tintuconline

  • bao mau cua hoang tu 0

    Cựu bảo mẫu đã được bồi thường sau khi bị mang tiếng qua lại với chồng cố Công nương Diana khiến bà phải bật khóc.

    Cuộc hôn nhân chứa đầy bi kịch của Công nương Diana và Thái tử Charles xuất phát từ một phần những tin đồn thất thiệt luôn bủa vây lấy họ. Trong đó có một vụ lùm xùm đã gây tổn hại nghiêm trọng đến danh dự và tinh thần của những người trong cuộc.

    Đó là mối quan hệ "ngoài luồng" của Thái tử Anh với bảo mẫu hoàng gia, bà Alexandra Pettifer, người khi đó được gọi là Tiggy Legge-Bourke.

    bao mau cua hoang tu 0
    Nữ bảo mẫu Tiggy đã dính tin đồn đầy ngang trái.

    Nữ bảo mẫu hoàng gia là ai?

    Bà Tiggy bắt đầu làm việc cho Thái tử Charles vào năm 1993, ngay sau khi ông ly thân với Công nương Diana. Vào thời điểm đó, Tiggy là cô gái 28 tuổi đã bị cuốn vào "drama" do truyền thông thêu dệt lên để làm trầm trọng thêm mâu thuẫn giữa Thái tử Anh và Công nương Diana.

    Cha bà Tiggy phục vụ trong Đội Vệ binh Hoàng gia, còn mẹ bà là con gái duy nhất của Wilfred Bailey, Nam tước Glanusk thứ 3. Người mẹ có mối quan hệ thân thiết với hoàng gia, từng làm việc với Công chúa Anne, con gái Nữ hoàng Anh vào năm 1987.

    Bà từng theo học ở Thụy Sĩ sau đó đăng ký tham gia khóa đào tạo giáo viên mẫu giáo. Không lâu sau, bà Tiggy mở trường mầm non mang tên mình là Mrs Tiggywinkle's.

    Sau khi ly thân với Công nương Diana, Thái tử Chares đã thuê Tiggy làm bảo mẫu cho các con trai của mình. Đáng tiếc thay Công nương Diana không có cảm tình với Tiggy.

    bao mau cua hoang tu 0

    bao mau cua hoang tu 0
    Bà Tiggy rất gần gũi với hai hoàng tử Anh.

    Vào tháng 2/1996, Công nương Diana đã viết thư cho Thái tử và bày tỏ sự không đồng tình về hành động của nữ bảo mẫu: "Tiggy không cần phải dành thời gian quá lâu trong phòng bọn trẻ, đọc sách cho chúng vào ban đêm cũng như giám sát giờ tắm của các con".

    Theo một số nguồn tin, Hoàng tử William và Harry coi nữ bảo mẫu Tiggy là "chị cả" của họ. Nữ bảo mẫu thường xuyên góp mặt trong kỳ nghỉ của hai hoàng tử Anh.

    bao mau cua hoang tu 0
    Bà Tiggy trong một kỳ nghỉ với các hoàng tử.

    Lời nói dối đeo bám gần 30 năm

    Nữ bảo mẫu hoàng gia chẳng thể ngờ rằng, bà lại bị lôi kéo vào vòng xoáy mâu thuẫn giữa Thái tử Charles và Công nương Diana, trở thành nhân vật phản diện trong một tin đồn thất thiệt.

    Martin Henry Bashir, thời điểm đó là người dẫn chương trình Panorama của BBC, đã cáo buộc nữ bảo mẫu ngoại tình với Thái tử Charles và thậm chí bà còn phải đi phá thai để che giấu mối tình tội lỗi này.

    Người dẫn chương trình của BBC làm như vậy để "dụ dỗ" Công nương Diana nhận lời tham gia cuộc phỏng vấn độc quyền của ông vào năm 1995 với chủ đề xoay quanh sự phản bội khiến cuộc hôn nhân giữa bà với Thái tử Charles đổ vỡ.

    bao mau cua hoang tu 0
    Công nương Diana trong cuộc phỏng vấn bom tấn năm 1995.

    Vào thời điểm đó, một người bạn thân của Công nương Diana cho hay bà đã bật khóc khi hay tin chồng mình ngoại tình với nữ bảo mẫu. Bà Diana đã tức giận chất vấn bà Tiggy và nói rằng mình đang nắm giữ bức thư từ bệnh viện, xác nhận nữ bảo mẫu đã đi phá thai.

    Nữ bảo mẫu đã "vô cùng buồn bã và bối rối" trước những cáo buộc trên, thậm chí bà còn phải "cung cấp thông tin y tế có tính riêng tư và nhạy cảm cao" để bác bỏ tin đồn vô căn cứ.

    "Đáng buồn thay, Công nương Diana vẫn không tin dù được cung cấp bằng chứng xác thực nữ bảo mẫu bị oan", Louise Prince, luật sư đại diện của bà Tiggy cho hay.

    Vì lời nói dối của nhà báo Martin Henry Bashir đã khiến danh dự và lòng tự trọng của bà Tiggy bị tổn hại nặng nề. Đồng thời nó cũng khiến Công nương Diana rơi vào đau khổ về cuộc hôn nhân không như ý muốn.

    bao mau cua hoang tu 0
    Bà Tiggy mang danh "kẻ thứ 3" gần 30 năm.

    Lời xin lỗi muộn màng

    Vào tháng 11/2020, BBC thông báo rằng họ đã mở một cuộc điều tra độc lập về chương trình phỏng vấn Công nương Diana của nhà báo Bashir. Kết quả điều tra cho thấy, Bashir "đã sử dụng các phương pháp gian dối" và vi phạm những nguyên tắc của BBC để "thao túng" Công nương Diana thực hiện cuộc phỏng vấn độc quyền.

    Tháng 5/2021, Bashir đã nói lời xin lỗi và khẳng định ông không bao giờ muốn làm hại Công nương Diana. Mới đây, BBC xác nhận, thẩm phán Tòa án Tối cao London kết luận rằng bà Tiggy "không có quan hệ tình ái với Thái tử Charles, không mang thai con của ông và cũng không phá thai". Tổng giám đốc BBC Tim Davie hôm 21/7 cho biết đã đồng ý trả một khoản "bồi thường đáng kể" cho bà Tiggy và con số cụ thể không được tiết lộ.

    BBC cũng "rất lấy làm tiếc bởi sự tổn hại nghiêm trọng và lâu dài" mà những tin đồn sai sự thật đó gây ra cho bà Tiggy cùng gia đình suốt bao năm qua.

    "Tôi rất muốn nhân cơ hội này gửi lời xin lỗi công khai đến bà Tiggy, Thái tử Charles, Công tước xứ Cambridge và Công tước xứ Sussex, vì cách mà Công nương Diana đã bị lừa dối và tác động của việc này tới cuộc sống mỗi người", ông Davie nói trong một tuyên bố.

    bao mau cua hoang tu 0
    Bà Tiggy hiện tại.

    Luật sư đại diện cho hay bà Tiggy "thấy nhẹ nhõm khi BBC thừa nhận những cáo buộc đó hoàn toàn sai và không có bất cứ cơ sở nào". Tuy nhiên, bà cũng bày tỏ sự "thất vọng" vì phải thực hiện hành động pháp lý để nhận được lời xin lỗi này. Bà Tiggy cũng rất buồn khi chứng kiến tin đồn thất thiệt trên đã gây tổn hại nặng nề cho những người trong cuộc.

    "Sự đau khổ gây ra cho gia đình hoàng gia là điều khiến tôi vô cùng đau lòng. Tôi biết rõ họ đã bị ảnh hưởng ra sao vào thời điểm đó. Câu chuyện sai lệch mà nó tạo ra đã ám ảnh hoàng gia những năm sau đó như thế nào", bà Tiggy chia sẻ trên truyền thông.

    Theo PNVN

  • Những quyền miễn trừ đã được viết thành luật để bảo vệ quốc vương Anh với tư cách là một công dân bình thường và Nữ hoàng Elizabeth II được miễn trừ hơn 160 luật, theo tờ The Guardian.

    The Guardian ngày 14.7 đưa tin các trường hợp miễn trừ được được cá nhân hóa dành cho Nữ hoàng Anh Elizabeth II đã được viết thành hơn 160 luật kể từ năm 1967, cho phép bà được miễn trừ sâu rộng khỏi các luật của Anh.

    nu hoang anh duoc mien tru
    Nữ hoàng Elizabeth đứng từ ban công Điện Buckingham trong sự kiện kỷ niệm 70 năm trị vì của bà, còn gọi là Đại lễ Bạch kim, vào ngày 2.6.2022. Ảnh: AFP

    Một số thay đổi lớn?

    Những luật trên cho thấy một số thay đổi lớn đang được tiến hành trong cách các khái niệm về quyền miễn trừ được áp dụng cho Nữ hoàng Elizabeth với tư cách là một công dân bình thường. The Guardian chỉ ra trong khi quyền miễn trừ chủ quyền trước đây cho rằng Nữ hoàng không thể bị truy tố hoặc bị kiện, mà điều này không cần được nêu trong luật, thì nguyên tắc này hiện đã được viết thành luật và được mở rộng rõ ràng để bao gồm các lợi ích riêng tư cũng như hành vi của bà với tư cách là quốc vương.

    Sự thay đổi này cũng có thấy rằng Nữ hoàng không những không thể bị truy tố về hành vi hình sự, mà còn ở mức độ sâu sắc hơn, một số hành vi có thể là bất hợp pháp trên thực tế có thể được phép nếu do bà thực hiện, theo The Guardian.

    Ngoài ra, khái niệm miễn trừ rõ ràng hơn cũng đang được áp dụng cho tài sản và các khoản đầu tư của Nữ hoàng với tư cách là một công dân bình thường. Hơn 30 luật khác nhau quy định rằng cảnh sát bị cấm vào hai dinh thự Balmoral và Sandringham thuộc quyền sở hữu của Nữ hoàng Elizabeth nếu không có sự cho phép của bà để điều tra các tội phạm khả nghi, bao gồm tội phạm về động vật hoang dã và ô nhiễm môi trường, một quyền miễn trừ pháp lý không dành cho chủ đất tư nhân nào khác ở Anh.

    Cảnh sát cũng được yêu cầu phải có thỏa thuận cá nhân của Nữ hoàng Elizabeth trước khi họ có thể điều tra các hành vi vi phạm đáng nghi tại cơ sở kinh doanh đánh bắt cá hồi và cá hồi thuộc sở hữu tư nhân của bà ấy trên sông Dee ở Balmoral, nơi những người câu cá bị tính phí câu cá lên tới 630 bảng/ngày.

    Có sự đồng ý của Nữ hoàng?

    Khi được hỏi về quyền miễn trừ pháp lý của Nữ hoàng Elizabeth với tư cách là một công dân bình thường, thư ký báo chi của bà, Donal McCabe, đã chấp nhận chính phủ và Cung điện Buckingham tổ chức các cuộc thảo luận về cách thức và mức độ dự luật nên áp dụng cho Nữ hoàng Elizabeth với tư cách là công dân bình thường trong quá trình soạn thảo luật.

    Năm ngoái, The Guardian từng có bài viết về quy trình đồng ý của Nữ hoàng đã được sử dụng như thế nào để cho phép hoàng gia xem xét hơn 1.000 luật dưới thời trị vì của Nữ hoàng Elizabeth trước khi quốc hội được phép tranh luận về những luật đó. Cung điện Buckingham đã nhiều lần tuyên bố rằng sự đồng ý của Nữ hoàng là một quá trình hoàn toàn chính thức không dẫn đến những thay đổi đáng kể đối với chính sách.

    Tuy nhiên, tuyên bố đó đã bị làm suy yếu bởi những tài liệu liên quan đến nhiều luật khác nhau được thông qua trong suốt thời kỳ trị vì của Nữ hoàng Elizabeth cho thấy rằng bà hoặc người đại diện của bà đã lợi dụng quy trình này để bảo đảm những lợi ích cá nhân, theo The Guardian.

    Thanh Niên (theo Guardian)

  • Bà Carole và ông Michael, bố mẹ của Công nương Kate, được cho là đang xem xét cải tạo biệt thự ở làng Bucklebury, Berkshire để làm nơi cư trú cho người tị nạn Ukraine.

    "Bucklebury đã tiếp nhận nhiều người tị nạn và Carole đang xin lời khuyên từ dân làng cũng như tìm kiếm thông tin về quy trình này", Daily Mail ngày 10/7 dẫn nguồn thạo tin cho biết.

    "Bà Carole bày tỏ nguyện vọng để những người tị nạn cảm thấy họ có không gian riêng trong biệt thự của hai vợ chồng. Bà đang xem xét vấn đề hậu cần", nguồn tin cho biết. "Bà muốn gặp những người đang cho dân tị nạn lánh trong nhà, để hiểu họ hơn và bà muốn tự mình tìm cách giúp đỡ".

    bo me kate middleton 1
    Bà Carole và ông Michael Middleton, cha mẹ của nữ Công tước xứ Cambridge Kate Middleton. Ảnh: News Au.

    Một kế hoạch đang được xem xét là chuyển đổi một trong những phòng khách tại biệt thự trị giá 6 triệu USD, 7 phòng ngủ thành nơi ở riêng cho một gia đình. Tuy nhiên, họ đang cân nhắc vấn đề an ninh cho kế hoạch này, bởi Kate và William thường đưa các con về thăm ông bà.

    Vợ chồng bà Carole có thể được truyền cảm hứng từ hàng xóm là phát thanh viên Chris Tarrant, người đã chào đón một gia đình Ukraine tới sống tị nạn.

    "Họ thú vị và ngọt ngào. Đó là một người mẹ 30 tuổi cùng con gái khoảng 10 tháng tuổi. Hai mẹ con từng phải ngủ tại sàn sân bay ở Ba Lan. Hãy nhìn xem, một bé gái 10 tháng tuổi đang tập đi. Điều gì có thể xảy ra với bé nếu phải ở lại vùng chiến sự? Thật kinh khủng", Tarrant nói.

    bo me kate middleton 1
    Biệt thự của bà Carole và ông Michael Middleton ở Bucklebury, Berkshire, Anh. Ảnh: DianaLeagacy

    Ông Michael Middleton và bà Carole là doanh nhân, từng nhiều lần tham gia các hoạt động thiện nguyện. Hồi tháng 3, Hoàng tử William và Công nương Kate cũng chia sẻ cảm xúc về cuộc khủng hoảng tị nạn Ukraine, khi gia đình thăm Trung tâm Văn hóa Ukraine ở Công viên Holland, phía tây thủ đô London.

    "Thật kỳ lạ khi chứng kiến điều này ở châu Âu. Chúng tôi luôn ở phía sau các bạn", Hoàng tử Willam bày tỏ, nói thêm rằng hai vợ chồng muốn làm nhiều hơn để hỗ trợ dân Ukraine.

    Cao ủy LHQ về Người tị nạn (UNHCR) ghi nhận hơn 8,7 triệu lượt người đã rời Ukraine kể từ khi chiến sự bùng phát hồi cuối tháng hai. Cơ quan này ước tính có 5,6 triệu người tị nạn Ukraine trên khắp châu Âu.

    86.600 người có thị thực đã đến Anh. Chính phủ Anh đã khởi động chương trình Ngôi nhà cho Ukraine, cho phép những người không có nhân thân ở Anh định cư. Chủ nhà tiếp nhận dân tị nạn sẽ được hỗ trợ 415 USD/tháng.

    Dân tị nạn thông qua chương trình này có có thể sinh sống và làm việc tại Anh tối đa ba năm và được hưởng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, phúc lợi, giáo dục. Nhiều gia đình đã nộp đơn, song phản ánh rằng hệ thống này chậm chạp và phức tạp.

    VnExpress (Theo Mirror, TASS, BBC)

  • hoang gia giau nhat the gioi 1
    Sheikh Tamim bin Hamad Al Thani của Qatar, Nữ hoàng Elizabeth và hoàng gia Anh, Sheikh Mohammed bin Zayed Al Nahyan của Abu Dhabi và hoàng gia UAE. 

    Năm nay là một năm trọng đại đối với hoàng gia Anh, khi Nữ hoàng Elizabeth kỷ niệm 70 năm trên ngai vàng - và không quá sức tưởng tượng khi cho rằng gia đình đang hy vọng thu được một số món hàng kỷ niệm sinh lợi.

    Ở khu vực Trung Đông, gia đình hoàng gia Qatar có thể chiếm được sự chú ý vào cuối năm khi tổ chức World Cup 2022. Các hoàng gia của Doha liệu có thể so sánh với những gì mà nhà lãnh đạo của các đối thủ trong khu vực của họ tại UAE đã để lại khi qua đời vào tháng trước?

    Cùng điểm danh 5 hoàng gia giau có nhất trên thế giới trong năm 2022.

    5. Anh - 88 tỷ đô la Mỹ

    hoang gia giau nhat the gioi 1
    Hoàng gia Anh tập trung trên ban công của Cung điện Buckingham ở London trong cuộc diễu hành Trooping the Colour vào tháng 6 năm 2018.

    Nữ hoàng Elizabeth kỷ niệm Năm Thánh Bạch kim của mình trong năm nay .

    Vị vua trị vì lâu nhất thế giới là người đứng đầu duy nhất của gia đình hoàng gia giàu thứ năm trên hành tinh. Trong khi nữ hoàng có tài sản cá nhân ước tính là 470 triệu đô la Mỹ, bản thân gia đình có tổng giá trị tài sản ròng là 88 tỷ đô la Mỹ, theo Forbes .

    Phần lớn tài sản của nữ hoàng được tạo ra bởi Sovereign Grant. Cùng với việc sở hữu vương miện, nhiều tài sản của gia đình - bao gồm Sandringham ở Norfolk và Balmoral ở Scotland - giữ cho họ xếp trên các gia đình Hoàng Gia Thái Lan và Brunei, nhưng không so sánh được với các gia đình Hoàng Gia từ Trung Đông.

    4. Abu Dhabi, UAE - 150 tỷ USD

    hoang gia giau nhat the gioi 1
    Sheikh Mohammed bin Zayed Al Nahyan của Abu Dhabi và gia đình hoàng gia.

    Hoàng gia Abu Dhabi - những người xuất thân từ cùng bộ tộc với các hoàng gia ở tiểu vương quốc láng giềng Dubai, và hiện cai trị bảy Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất - trị vì trong khu vực của họ từ năm 1793. Khối tài sản ước tính 150 tỷ đô la Mỹ của gia đình chủ yếu đến từ việc bán dầu từ những năm 1970, cho phép Sheikh quá cố trở thành một trong những địa chủ giàu có nhất ở London. Để so sánh, lãnh đạo Sheikh Mohammed bin Rashid Al Maktoum của Dubai sở hữu tài sản giá trị khoảng 18 tỷ USD.

    hoang gia giau nhat the gioi 1
    Boris Johnson, Thủ tướng Vương quốc Anh gửi lời chia buồn tới Sheikh Mohammed bin Zayed Al Nahyan, tổng thống UAE và người cai trị Abu Dhabi, về sự ra đi của Sheikh Khalifa bin Zayed Al Nahyan.

    Sheikh Khalifa bin Zayed Al Nahyan - người cũng là chủ tịch của Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất từ​​năm 2004, sau khi nối ngôi người cha quá cố - sở hữu bất động sản ở London trị giá 7,1 tỷ USD. Các bất động sản mang lại hơn 200 triệu đô la Mỹ tiền thuê hàng năm, theo The Guardian . Sheikh đã tích cực tham gia vào việc xử lý các khoản tiền khổng lồ - ông cũng là chủ tịch Cơ quan Đầu tư Abu Dhabi, có giá trị khoảng 696 tỷ USD.

    Sheikh Mohammed bin Zayed Al Nahyan kế vị Sheikh Khalifa sau khi ông qua đời vào tháng 5 năm 2022.

    3. Qatar - 335 tỷ USD

    hoang gia giau nhat the gioi 1
    Sheikh Tamim bin Hamad al-Thani của Qatar có bài phát biểu trước Hội đồng Shura ở thủ đô Doha.

    Rất nhiều sự chú ý sẽ đổ dồn vào Qatar năm nay khi nước này đăng cai Fifa World Cup, khởi tranh vào tháng 11. Du lịch dự kiến ​​sẽ bùng nổ, đất nước nhỏ bé này rõ ràng đã có được sự quan tâm rộng rãi trên khắp thế giới.

    Gia đình Thani cầm quyền nắm giữ các khoản đầu tư vào bất động sản trên toàn cầu, bao gồm tòa nhà chọc trời Shard ở London, Làng Olympic và cửa hàng bách hóa Harrods, cũng như Tòa nhà Empire State ở New York. Các hoàng gia - đứng đầu là Sheikh Tamim bin Hamad Al Thani, người sỡ hữu tài sản trị giá 2 tỷ đô la Mỹ - cũng có các khoản đầu tư vào Ngân hàng Barclays, British Airways và công ty ô tô Volkswagen, nâng tổng tài sản của họ lên 335 tỷ đô la Mỹ. Ở tuổi 41, Sheikh là quốc vương trẻ nhất hiện nay trên thế giới và là một trong số 8.000 hoàng gia Qatar.

    2. Kuwait - 360 tỷ USD

    hoang gia giau nhat the gioi 1
    Shaikh Nawaf Ahmad Jaber Al-Sabah và Thái tử Shaikh Mishaal Ahmad Jaber Al-Sabah có rất nhiều điều để mỉm cười.

    Gia đình Sabah đã cai trị Kuwait từ năm 1752 và được biết đến với những khoản đầu tư khổng lồ vào các công ty blue-chip lớn ở Mỹ. Gia đình hoàng gia được cho là bao gồm khoảng 1.000 thành viên và hiện do Sheikh Nawaf Al-Ahmad Al-Sabah đứng đầu, người kế vị ngai vàng vào năm 2020 sau cái chết của người anh cùng cha khác mẹ Sheikh Sabah IV Ahmad Al-Jaber Al- Sabah. Gia đình hoàng gia Kuwait được ước tính trị giá 90 tỷ đô la Mỹ vào năm 1991 – nhưng hiện nay khi cổ phiếu của họ tăng giá, gia đình sở hữu tài sản trị giá khoảng 360 tỷ đô la Mỹ.

    1. Ả Rập Xê-út - 1,4 nghìn tỷ đô la Mỹ

    hoang gia giau nhat the gioi 1
    Quốc vương Saudi Arabia Salman và Thái tử Sheikh Mohammed bin Salman.

    Thái tử Sheikh Mohammed bin Salman gần đây đã ký hợp đồng 2 tỷ USD để góp cổ phần vào Quỹ đầu tư Ả Rập Xê Út trong công ty mới của Jared Kushner . Và đó chỉ là phần nhỏ ở Vương quốc Ả Rập Xê Út, nơi sinh sống của gia đình hoàng gia giàu có nhất hành tinh. Nhà Saud đã cai trị từ năm 1744 và thậm chí còn đặt tên đất nước theo tên mình. Vua Salman đã cầm quyền từ năm 2015 và được cho là có khối tài sản trị giá 18 tỷ USD, biến ông trở thành cá nhân hoàng gia giàu nhất hành tinh.

    hoang gia giau nhat the gioi 1
    Tỷ phú Ả Rập Saudi, Hoàng tử Alwaleed bin Talal ở Ritz-Carlton ở Riyadh, vào tháng 1 năm 2018.

    Hoàng tử Alwaleed bin Talal được cho là hoàng gia giàu có thứ hai trong gia đình với giá trị tài sản khoảng 16 tỷ USD. Hoàng tử đã tài trợ 1,9 tỷ đô la Mỹ cho việc tiếp quản Twitter của Elon Musk.

    Tổng cộng, gia đình triệu phú khổng lồ với hơn 15.000 thành viên này có tổng giá trị 1,4 nghìn tỷ USD - nhiều hơn GDP của Tây Ban Nha hoặc Australia. Khối tài sản của họ là cực kỳ ấn tượng khi top 10 gia đình hoàng gia giàu nhất thế giới cộng lại sở hữu tài sản trị giá 2,4 nghìn tỷ USD, theo BuyShares.

    Theo Lostbird

  • Một tờ báo Anh vừa đưa tin rằng Thái tử Charles đã nhận một va-li chứa 1 triệu euro (1.05 triệu USD) từ một chính trị gia Qatar. Hoàng gia Anh khẳng định việc Thân vương xứ Wales nhận tiền quyên góp từ thiện theo đúng thủ tục quy định.

    Theo báo Sunday Times, chiếc va-li chứa 1 triệu euro tiền mặt là một trong ba khoản tiền mặt mà Thái tử Charles trực tiếp nhận, với tổng số 3 triệu euro, từ cựu Thủ tướng Qatar Hamad bin Jassim bin Jaber Al Thani, trong thời gian từ năm 2011 đến 2015.

    thai tu charles nhan tien

    “Các khoản quyên góp tiếp nhận từ Sheikh Hamad bin Jassim được chuyển ngay lập tức cho các quỹ từ thiện của thái tử, người đã thực hiện đúng quy trình và bảo đảm đã áp dụng đúng thủ tục”, Hoàng gia Anh khẳng định.

    Theo Sunday Times, có lần ông Hamad đã trao cho Thái tử Charles 1 triệu euro được để trong túi đựng hàng của trung tâm thương mại Fortnum and Mason ở London.

    Trong một lần khác, Thái tử Charles nhận một chiếc túi vải thô chứa 1 triệu euro trong một cuộc gặp riêng tại cung điện Clarence House vào năm 2015.

    Cũng theo Sunday Times, những khoản tiền này được đưa vào tài khoản của quỹ từ thiện PWCF do Thái tử Charles quản lý. Đây là quỹ cấp tài chính cho các dự án tư nhân và điền trang của Thái tử ở Scotland.

    Tuy vậy, một nguồn tin từ Hoàng gia Anh nói rằng nhiều chi tiết trong bài viết của Sunday Times không chính xác. Chưa có gợi ý nào cho thấy việc quyên góp tiền theo cách này là bất hợp pháp.

    Quỹ từ thiện của Thái tử Charles ''có thể bị kiểm tra''

    Ủy ban Từ thiện Anh đang kiểm tra xem liệu có cần tiến hành xem xét các khoản đóng góp vào quỹ PWCF hay không. ''Chúng tôi sẽ xem xét thông tin để xác định xem có bất kì vai trò nào đối với ủy ban trong vấn đề này hay không'', cơ quan quản lý các tổ chức từ thiện của Anh cho biết.

    Có tên tiếng Anh là Prince of Wales's Charitable Fund, quỹ này cung cấp các khoản tài trợ cho các dự án bảo tồn, môi trường, giáo dục và hòa nhập xã hội.

    Không có gợi ý về bất kỳ hành vi sai trái nào, nhưng cựu nghị sĩ Đảng Dân chủ Tự do Norman Baker muốn cảnh sát điều tra và hỏi liệu có bất kì khoản thanh toán nào khác trong các cuộc gặp giữa Thái tử Charles và các thành viên khác của hoàng gia Trung Đông hay không. 

    Đồng tiền từ quốc gia vùng Vịnh

    Người hiến tặng, tỷ phú Sheikh Hamad từng là thủ tướng của Qatar, quốc gia giàu có ở vùng Vịnh Ba tư từ năm 2007 đến năm 2013.

    Là người đứng đầu quỹ tài sản có chủ quyền của Qatar, ông được gọi là "người đàn ông đã mua lại London" sau các khoản đầu tư vào bất động sản và doanh nghiệp nổi bật như toà nhà Shard và thương xá hạng sang Harrods.

    Người ta hiểu rằng các khoản quyên góp cũng được thực hiện bằng hối phiếu ngân hàng và có thể có một thách thức về chi tiết của số tiền và cách các khoản thanh toán được chuyển giao.

    Thêm nhiều tài khoản tài chính gần đây từ Ủy ban Từ thiện, trong khoảng thời gian 2017 - 2021, cho thấy Quỹ Từ thiện của Thái tử xứ Wales có thu nhập hàng năm từ 10 triệu đến 15 triệu bảng Anh.

    Các quy định từ thiện cho phép các khoản đóng góp được thực hiện bằng tiền mặt và các nhà tài trợ được giấu tên. Nhưng các tổ chức từ thiện sẽ phải thực hiện thẩm định để đảm bảo rằng các quỹ đến từ một nguồn hợp pháp.

    "Các khoản quyên góp từ thiện nhận được từ Sheikh Hamad bin Jassim đã được chuyển ngay lập tức cho một trong các quỹ từ thiện của thái tử, người thực hiện quản lý phù hợp và đã đảm bảo với chúng tôi rằng tất cả các quy trình chính xác đã được tuân thủ", thông báo từ dinh thự chính của Thái tử Charles, Clarence House cho biết.

    Vẫn tờ the Sunday Times nói các nghi vấn nhận tiền của Thái tử Charles có thể làm xấu danh tiếng của ông và ảnh hưởng đến uy tín của mẹ ông.

    Đầu năm nay, Ủy ban Từ thiện đã tiến hành một cuộc điều tra chính thức đối với các tổ chức từ thiện của Viateschlav Kantor, một tỷ phú tài phiệt bị Vương quốc Anh trừng phạt vì cuộc xâm lược Ukraine của Nga.

    Tổ chức từ thiện của ông Kantor đã quyên góp cho một quỹ từ thiện khác của Thái tử Charles là Prince's Foundation. Hồ sơ từ thiện cho thấy 600,000 bảng Anh đã được đóng góp cho quỹ trong hai năm, như một phần của cam kết trị giá 3 triệu bảng, dự định sẽ được đóng góp theo từng giai đoạn cho đến năm 2028.

    Prince's Foundation cho biết họ sẽ không bình luận về các khoản quyên góp cá nhân, nhưng các nhà tài trợ sẽ phải tuân theo một quá trình thẩm định, dựa trên những gì đã biết tại thời điểm đó.

    Theo Sunday Times

  • Việc bổ nhiệm một bộ trưởng tập trung vào nỗ lực loại bỏ vị trí nguyên thủ quốc gia của Nữ hoàng Anh đang tiếp thêm sức sống cho Phong trào Cộng hòa Australia.

    Trong hơn hai thập kỷ, chiến dịch cộng hòa của Australia - nhằm đưa công dân nước này thay thế vị trí nguyên thủ quốc gia của Nữ hoàng Anh Elizabeth II - vẫn được duy trì dè dặt bởi "những chiến binh mùa đông đấu tranh để giữ ngọn lửa sống sót".

    Peter FitzSimons, người đứng đầu Phong trào Cộng hòa Australia (ARM), cho biết họ đã gặp nhiều trở ngại trong việc định hình lại hướng đi sau cuộc trưng cầu dân ý năm 1999 nhằm loại bỏ vị trí nguyên thủ quốc gia của Nữ hoàng.

    Vào đầu tháng này, Tân Thủ tướng Anthony Albanese - thuộc Công đảng - đã thắp đèn hiệu kỷ niệm Đại lễ Bạch kim của Nữ hoàng Elizabeth II. Tuy nhiên, điều đó không cản trở Australia trong nỗ lực cắt đứt các liên kết thuộc địa cuối cùng với Hoàng gia Anh.

    nu hoang anh tri vi australia 1
    Nữ hoàng Elizabeth II được những người ủng hộ chào đón ở Canberra vào năm 2011, trong chuyến thăm gần nhất của bà tới Australia. Cuộc trưng cầu dân ý năm 1999 của đất nước về việc loại bỏ bà làm nguyên thủ quốc gia đã thất bại. Ảnh: Financial Times.

    Bộ trưởng đầu tiên của Phong trào Cộng hòa

    Thủ tướng Albanese, thành viên lâu năm của Phong trào Cộng hòa, đã bổ nhiệm ông Matt Thistlethwaite - một trong những "chiến binh mùa đông" - làm bộ trưởng đầu tiên của chiến dịch cộng hòa.

    “Đây là lần đầu tiên trong lịch sử Australia có một bộ trưởng đảm nhiệm việc xa rời Hoàng gia Anh. Chính phủ đã chính thức hành động mạnh tay đằng sau việc này”, ông FitzSimons nói.

    Theo Financial Times, bộ trưởng mới của Phong trào Cộng hòa đã được David Hurley, Thống đốc New South Wales đồng thời là Toàn quyền thứ 27 của Australia, chủ trì lễ tuyên thệ nhậm chức và cam kết trung thành với Nữ hoàng.

    Sự mâu thuẫn đó không thể lọt khỏi tầm mắt của những người chống đối nỗ lực loại bỏ hệ thống quân chủ lập hiến của Australia - vốn coi sinh nhật của Nữ hoàng hôm 13/6 là ngày nghỉ lễ.

    “Tôi thấy không hợp lý khi có một bộ trưởng trong chính phủ phụ trách một hệ thống chưa từng tồn tại”, Rachel Bailes, người phát ngôn của Liên đoàn Quân chủ Australia, cho biết.

    Đối với những người cộng hòa, Đại lễ Bạch kim của Nữ hoàng đại diện cho thời điểm quan trọng. Họ cho rằng nhiều người Australia sẵn sàng thay đổi hơn khi triều đại của Nữ hoàng Elizabeth II kết thúc.

    “Khi Nữ hoàng bước sang giai đoạn hoàng hôn của triều đại, người Australia - những người có bản sắc văn hóa độc đáo - bắt đầu suy nghĩ về tương lai. Một khi Nữ hoàng truyền ngôi vị hoặc qua đời, đó là cơ hội để trả lời băn khoăn đó”, ông Thistlethwaite nói.

    Cần động lực lớn để thay đổi

    Bailes, 29 tuổi và theo chủ nghĩa quân chủ từ năm 14 tuổi, cho rằng những người cộng hòa phải đối mặt với một nhiệm vụ khó khăn trong việc thuyết phục người trẻ tuổi thay đổi hệ thống.

    “Tôi không gặp những người ở độ tuổi của mình, những người tự xưng là người theo chủ nghĩa quân chủ hay cộng hòa. Không có động lực mạnh mẽ để thay đổi", Bailes cho biết.

    Một cuộc thăm dò do Ipsos thực hiện năm 2021 cho thấy khoảng một phần ba người Australia muốn có một nền cộng hòa. Tuy nhiên, khoảng 40% phản đối điều đó. Đây là mức ủng hộ thấp nhất đối với một nền cộng hòa kể từ năm 1979.

    Tại cuộc trưng cầu dân ý năm 1999, các thành viên Phong trào Cộng hòa đã chia rẽ dữ dội về việc hệ thống nào sẽ thay thế chế độ quân chủ lập hiến. Sau đó, đa số người dân đã bỏ phiếu giữ nguyên hiện trạng.

    “Lần trước là cái chết vì sự chia rẽ. Những người ủng hộ tổng thống được bầu trực tiếp đã dự đoán một cuộc trưng cầu dân ý khác trong khoảng 18 tháng. Đó là gần 25 năm trước”, FitzSimons, cựu cầu thủ quốc tế của liên đoàn bóng bầu dục, nói.

    Điều quan trọng đối với bất kỳ bước tiến nào là quyết định cách bầu chọn tổng thống trong quốc gia cộng hòa giả định của Australia. ARM đã quyên góp được 120.000 USD cho chiến dịch tranh cử của mình kể từ khi ông Albanese thắng cử. Phong trào này ủng hộ một mô hình kết hợp trong đó công chúng bỏ phiếu cho ứng cử viên từ danh sách rút gọn do Quốc hội Australia tổng hợp. Những người khác muốn một tổng thống được bầu trực tiếp.

    Chính phủ Công đảng không tính tới việc đưa vấn đề này ra bỏ phiếu cho đến sau cuộc bầu cử tiếp theo vào năm 2025. Tuy nhiên, họ muốn bắt đầu cuộc tranh luận về cách đạt được điều đó.

    “Chúng ta cần thời gian. Tôi nhận thức sâu sắc những cạm bẫy và chia rẽ xảy ra thời gian qua”, ông Thistlethwaite nói.

    Ông cũng liên lạc với các nhóm theo chủ nghĩa quân chủ trong nỗ lực xây dựng sự đồng thuận về cách tiến hành một cuộc bỏ phiếu.

    nu hoang anh tri vi australia 1
    Matt Thistlethwaite đã nhậm chức Bộ trưởng Cộng hòa Australia. Ảnh: Financial Times

    Có nguyên thủ quốc gia riêng là "phẩm giá"

    Đối với các thành viên cộng hòa, câu hỏi liệu Australia có nên có một nguyên thủ quốc gia của chính mình hay không là điều hiển nhiên.

    Nước này có quan hệ văn hóa chặt chẽ với Anh nhưng coi Mỹ là đối tác an ninh mạnh nhất ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Ngoài ra, châu Á là khu vực thương mại quan trọng nhất đối với nền kinh tế của nước này.

    Ông FitzSimons khẳng định đây là vấn đề “phẩm giá quốc gia”. “Quyền lực nên thuộc về một cơ quan được bầu cử dân chủ của Australia, không thuộc dòng máu Hoàng gia từ thời Đế chế”, ông nói.

    Ông Thistlethwaite lưu ý rằng 34 trong số 54 quốc gia trong Khối thịnh vượng chung hiện là các nước cộng hòa sau khi Barbados bỏ phiếu để loại bỏ vị trí nguyên thủ quốc gia của Nữ hoàng Anh vào năm 2021.

    Ông nói: “Australia vẫn là thành phần thiểu số”.

    Các nhóm theo chủ nghĩa quân chủ cho rằng cuộc tranh luận không nên bàn về sự độc lập của Australia mà nên nói về sự ổn định chính trị. Philip Benwell, người đứng đầu AML, nói rằng chế độ quân chủ lập hiến chống lại hệ thống mà tổng thống tuân theo ý chí của các chính trị gia.

    “Đây không phải là về chế độ quân chủ hay các cá nhân. Đây là về hệ thống bảo vệ nền dân chủ và tự do của chúng ta. Các chế độ quân chủ lập hiến mang lại sự ổn định và ngăn chặn sự can thiệp chính trị và sự thay đổi hiến pháp liên tục”, ông Benwell chia sẻ.

    Tuy nhiên, ông Thistlethwaite tin rằng gần một phần tư thế kỷ sau cuộc bỏ phiếu cuối cùng, đất nước đã sẵn sàng cho sự thay đổi.

    “Giờ đây, người Australia thấy rằng hiến pháp không phản ánh sự thật về lịch sử và nước Australia hiện đại. Nó không phản ánh con người chúng ta là ai và đã đến lúc cần cập nhật”, ông Thistlethwaite khẳng định.

    Theo Zing

  • Sau 15 năm dày công nghiên cứu, những sự thật về một con tàu ma vùi phân nửa dưới đáy biển dần được hé lộ.

    Theo Science Daily, tàu Gloucester, một con tàu chiến hoàng gia, đã mất tích ngày 6-5-1682. Mãi đến năm 2007, 3 thợ lặn - anh em Julian và Lincoln Barnwell cùng bạn họ là James Little - mới tìm thấy nó sau 4 năm theo đuổi cuộc tìm kiếm.

    Các nhà khảo cổ, khoa học hàng hải dẫn đầu bởi giáo sư Claire Jowitt từ Trường ĐH East Anglia (UEA) đã nghiên cứu xác tàu.

    tau ma gloucester 1
    Các nhà nghiên cứu đang làm việc với con tàu ma chìm ở ngoài khơi vùng biển phía Đông nước Anh - Ảnh: UEA

    Theo bản tin của UEA, tàu ma Gloucester đại diện cho sự thay đổi rất lớn của lịch sử chính trị nước Anh thời điểm đó, bởi nó đã mang theo xuống biển sâu vị vua tương lai của nước Anh - Công tước xứ York và Albany, ngài James Stuart - ngay giữa một giai đoạn căng thẳng lớn về chính trị và tôn giáo.

    "Khi chúng tôi quyết định tìm kiếm Gloucester, chúng tôi không biết nó có ý nghĩa quan trọng như thế nào trong lịch sử. Chúng tôi đã đọc rằng Công tước xứ York đã ở trên đó nhưng chỉ có vậy" - giáo sư Jowitt nói.

    Có nhiều xác tàu mang đại bác khác bủa vây khu vực nên các nhà nghiên cứu đã mất khá nhiều thời gian để xác định danh tính xem đó có thực là Gloucester hay không, đồng thời bảo vệ con tàu ma. Phát hiện này đã không được công khai suốt 15 năm qua.

    tau ma gloucester 1
    Bức tranh họa Công tước xứ York và Albany. Ảnh chụp: Independent

    Các hiện vật trong tàu ma có độ bảo tồn cao, bao gồm quần áo, giày dép, thiết bị định vị và hải quân chuyên nghiệp, nhiều tài sản cá nhân và những chai rượu.

    Quý giá nhất là một chai rượu thủy tinh có con dấu biểu trưng cho dòng họ Washington của tổng thống Mỹ đầu tiên.

    Dự án nghiên cứu lịch sử đi kèm, được tài trợ bởi Leverhulme Trust, đứng đầu bởi giáo sư Jowitt, sẽ khám phá không chỉ những sai lầm trong điều khiển tàu mà còn cả các thuyết âm mưu về nguyên nhân của thảm kịch, cũng như hậu quả chính trị của nó.

    Thảm kịch tác động sâu sắc tới những người sống sót, được coi là một dấu mốc đen tối của lịch sử nước Anh, với khoảng một nửa người đi trên tàu đã thiệt mạng.

    Theo Người Lao Động

  • Hoàng tử William của Anh tuần này được nhìn thấy bán tạp chí giúp người vô gia cư trên đường phố thủ đô London.

    Reuters đưa tin Hoàng tử William được nhìn thấy gần khu Westminster hôm 8-6. Anh đội mũ và mặc một chiếc áo màu đỏ là đồng phục của The Big Issue, trên tay là xấp tạp chí "The Big Issue" thường do những người vô gia cư bán trên đường phố.

    Trong một bài đăng kèm hình ảnh Hoàng tử William trên mạng xã hội LinkedIn, nhân viên cảnh sát về hưu Matthew Gardner cho biết em rể của mình đã phát hiện ra Hoàng tử William, 39 tuổi, "âm thầm làm việc để giúp đỡ những người khó khăn nhất".

    "Thật vinh dự khi có được khoảnh khắc riêng tư với vị vua tương lai của chúng tôi, một người khiêm tốn và làm việc lặng lẽ ở phía sau, giúp đỡ những người khó khăn nhất" - ông Gardner chia sẻ.

    hoang tu william ban bao big issue 1
    Hoàng tử William bán tạp chí giúp người vô gia cư. Ảnh: Instagram

    Cũng theo ông Gardner, Hoàng tử William hỏi em rể của ông rằng có muốn mua tạp chí "The Big Issue" hay không. Người em rể trả lời là không có tiền lẻ. Sau đó, Hoàng tử William liền chìa ra một máy đọc thẻ cầm tay, ngụ ý có thể thanh toán qua thẻ.

    Văn phòng của Hoàng tử William chưa đưa ra bình luận về thông tin trên - cũng được một số cơ quan truyền thông Anh đăng tải.

    "The Big Issue" là tạp chí được những người vô gia cư, thất nghiệp dài hạn hoặc túng bấn bán trên đường phố. Trong đó, mỗi người được tặng miễn phí 5 cuốn tạp chí, mỗi cuốn được bán ra với giá 3 bảng Anh (3,76 USD).

    Khi còn nhỏ, Hoàng tử William và em trai là Hoàng tử Harry thường được mẹ của họ - Công nương Diana quá cố - đưa đến các trung tâm dành cho người vô gia cư.

    Gần đây, Hoàng tử William cùng vợ là Công nương Kate và nhiều thành viên gia đình Hoàng gia Anh đã tham gia Đại lễ Bạch kim kỷ niệm 70 năm trị vì của Nữ hoàng Elizabeth II.

    Theo Metro

  • cong chua charlotte

    Tại các sự kiện của Đại lễ Bạch Kim, Công chúa Charlotte hết nhắc em trai Louis ngừng vẫy chào người hâm mộ, không mút tay lại chỉnh anh George đứng nghiêm chỉnh trên ban công cung điện.

    Tại sự kiện Đại lễ Bạch Kim, kéo dài 4 ngày từ 2-5/6, nữ Công tước xứ Cambridge rất vất vả trong việc để ý cậu con trai út - Hoàng tử Louis - khi cậu bé dường như luôn chân luôn tay, không chịu ngồi một chỗ và có nhiều biểu cảm tinh nghịch, thu hút ống kính.

    Tuy nhiên, những video được chia sẻ trên mạng xã hội cho thấy bà mẹ ba con cũng đã nhận được một chút sự trợ giúp từ chính con gái mình - Công chúa Charlotte.

    Trong đoạn video được người hâm mộ hoàng gia chia sẻ trên Twitter, công chúa 7 tuổi được nhìn thấy rút bàn tay của em trai Louis ra khỏi miệng để ngăn cậu bé mút tay khi ngồi trong khu vực dành cho người hoàng gia. Cô bé dường như còn nắm tay lại, giơ về phía cậu em nhỏ, dường như để cảnh báo Louis không được mút tay nữa.

    Charlotte ngăn Louis mút tay

    Thấy vậy, Kate Middleton đã can thiệp, và dường như thì thầm điều gì đó với Charlotte. Không hài lòng vì bị chị ngăn cản, Louis quay lại chế nhạo Charlotte bằng cách cũng giơ nắm đấm về phía công chúa, trước khi nữ Công tước nhìn thấy và nhẹ nhàng kéo tay con trai lại.

    Platinum Pageant, diễn ra hôm 5/6, là sự kiện cuối cùng trong chuỗi các hoạt động mừng đại lễ 70 năm trị vì của Nữ hoàng Anh mà các con nhà Cambridge tham dự.

    Cuộc trao đổi trên giữa Louis và Charlotte không phải là khoảnh khắc hài hước duy nhất của cậu bé lọt vào ống kính máy quay trong sự kiện. Hoàng tử nhí còn làm mặt xấu thè lưỡi, lấy tay bịt miệng mẹ như để ngăn cô nói. Có lúc, Louis còn chạy về phía chỗ ngồi của ông nội Charles ở cách mình mấy ghế, đòi ngồi trên đùi ông.

    Trước đó, khi ngồi trên xe ngựa cùng anh chị, mẹ Kate và nữ Công tước xứ Cornwall tới sự kiện Diễu binh Trooping the Colour hôm 2/6, Louis cũng bị Charlotte nhắc nhở. Thấy em trai vẫy tay quá nhiệt tình dù cả mình và Hoàng tử George đã dừng, công chúa hạ tay cậu bé xuống và nói gì đó, dường như yêu cầu em dừng lại. Tuy nhiên, Louis có vẻ không để ý lời khuyên của chị khi ngay lập tức vẫy tay chào người dân đứng hai bên đường thêm lần nữa.

    Charlotte nhắc George đứng thẳng thóm trên ban công và nhắc Louis ngừng vẫy tay khi ngồi xe ngựa

    Không chỉ ra dáng làm chị với Louis, Charlotte còn "chỉnh" cả nhà vua tương lai - Hoàng tử George. Sau khi dự Platinum Pageant, cả nhà Cambridge cùng xuất hiện trên ban công Điện Buckingham để bế mạc đại lễ.

    Lúc nhà Cambridge và vợ chồng Thái tử Charles đứng cạnh Nữ hoàng ở ban công, công chúa 7 tuổi vỗ vào tay anh trai yêu cầu anh duỗi thẳng hai tay dọc thân người thay vì vịn lên lan can. George lúc này ngay lập tức duỗi thẳng tay, đứng theo tư thế em gái Charlotte vừa chỉ đạo.

    Ngoài các em bé nhà William - Kate, ba con của Zara Tindall và hai con gái của Peter Phillips cũng tham gia Platinum Pageant. Công chúa Eugenie cũng thu hút chú ý khi lần đầu dẫn con trai August tới sự kiện.

    Gói biểu cảm ''tăng động'' của hoàng tử Louis, bố William đành phải nhờ Thái tử Charles trông cháu giúp

    Ngôi Sao (theo DailyMail)

  • 4 ngày Đại lễ Bạch kim kỷ niệm 70 năm Nữ hoàng Anh Elizabeth II lên ngôi hôm nay khép lại bằng màn diễu hành rực rỡ ở thủ đô London.

     dieu hanh be mac le bach kim 1

    Hàng nghìn nghệ sĩ biểu diễn diễu hành dọc theo tuyến đường dài ba km từ Tổng hành dinh Hộ Kỵ binh Hoàng gia Anh ở trung tâm thủ đô London tới Cung điện Buckingham, kể lại câu chuyện về cuộc đời Nữ hoàng bằng những điệu nhảy, những bộ trang phục sặc sỡ, âm nhạc và những con rối khổng lồ.

    Trong ảnh là xe rước vàng 260 năm tuổi xuất hiện tại buổi diễu hành bế mạc Đại lễ Bạch kim của Nữ hoàng Elizabeth II. Trên phần cửa sổ xe là màn hình trình chiếu hình ảnh Nữ hoàng.

     dieu hanh be mac le bach kim 1

    Một thành viên của đội kỵ binh cố kiểm soát con ngựa của mình trong buổi lễ.

    Nữ hoàng Elizabeth II kế vị vua cha George VI năm 1952, khi bà 25 tuổi. Bà đã góp công lớn khôi phục nước Anh sau Thế chiến II. Trải qua 70 năm trị vì, bà đã trở thành một biểu tượng lãnh đạo hoàng gia vượt qua những giai đoạn khó khăn.

     dieu hanh be mac le bach kim 1

    Các thành viên của quân đội diễu hành.

     dieu hanh be mac le bach kim 1

    Các thành viên Hoàng gia Anh tham dự lễ trao danh hiệu bạch kim, đánh dấu kết thúc chuỗi ngày kỷ niệm 7 thập kỷ trị vì của Nữ hoàng. Tuy nhiên, Nữ hoàng không tham gia theo dõi trực tiếp buổi diễu hành hôm nay.

    Nữ hoàng đã không xuất hiện trước công chúng tại các sự kiện trong khuôn khổ Đại lễ Bạch kim kể từ hôm 2/6, khi bà mỉm cười và vẫy tay với người dân trên ban công Cung điện Buckingham bên cạnh các thành viên Hoàng gia.

    Nữ hoàng cũng hạn chế xuất hiện trong những tháng gần đây do "vấn đề về di chuyển", theo mô tả của Cung điện. Bà từng mắc Covid-19 hồi mùa xuân và đã bình phục.

     dieu hanh be mac le bach kim 1

    Các nghệ sĩ biểu diễn trong trang phục là những nhân vật hoạt hình.

    Dù không xuất hiện, Nữ hoàng vẫn làm nức lòng cả nước Anh khi bà tham gia vào video hài bất ngờ mở màn một buổi hòa nhạc được tổ chức ngày 4/6 trước Cung điện Buckingham.

    Trong video, Nữ hoàng ngồi uống trà với một chú gấu Paddington mô phỏng bằng công nghệ máy tính. Bà tiết lộ rằng giống như gấu Paddington, Nữ hoàng cũng rất thích bánh sandwich mứt cam và thường để chúng trong túi xách của mình.

     dieu hanh be mac le bach kim 1

    Những chiếc xe Morris Minor xuất hiện trong lễ diễu hành hôm nay.

     dieu hanh be mac le bach kim 1

    Thủ tướng Anh Boris Johnson và vợ theo dõi buổi lễ trên khán đài.

     dieu hanh be mac le bach kim 1

    Các nghệ sĩ biểu diễn trong trang phục nhiều màu sắc diễu hành chúc mừng Nữ hoàng.

    Theo VnExpress

  • Năm binh sĩ đã ngất xỉu khi làm nhiệm vụ trong đội danh dự tại Lễ Tạ ơn Quốc gia thuộc Đại lễ Bạch kim của Nữ hoàng Anh Elizabeth II.

    b4b71550f812114c4803
    Binh sĩ Anh ngất xỉu trước Lễ Tạ ơn Quốc gia tại Nhà thờ St. Paul's hôm 3-6-2022

    Đám đông đã hò reo khi những người lính thuộc Không quân Hoàng gia Anh (RAF) đứng dậy sau cú ngã trước sự kiện Lễ Tạ ơn.

    Binh sĩ đầu tiên bị ngã là 1 thành viên của RAF, khi anh được cử tham gia đội danh dự làm nhiệm vụ tại Nhà thờ St Paul ở Thủ đô London, Anh, vào ngày 3-6.

    Không lâu sau, người lính thứ 2 gục xuống bậc thang, nhưng cố gắng đứng dậy và được dìu ra khỏi sự kiện. Ngoài 2 binh sĩ nêu trên, Sky News cho biết, 3 người lính khác cũng ngất xỉu khi làm nhiệm vụ.

    Vụ việc xảy ra khi các chính trị gia và nghị sĩ Quốc hội đến nhà thờ St Paul's để tham dự Lễ Tạ ơn Quốc gia thuộc Đại lễ Bạch kim của Nữ hoàng Anh Elizabeth II vào sáng 3-6.

    Một binh sĩ RAF dường như ngã gục ngay trước khi Ngoại trưởng Anh Liz Truss bước lên các bậc thang vào nhà thờ làm lễ.

    Hiện chưa rõ vì sao các thành viên đội tiêu binh danh dự bị ngất xỉu. Vào thời điểm đó, thời tiết tương đối ấm áp tại London, với nhiệt độ khoảng 20 độ C trước Lễ Tạ ơn Quốc gia vào lúc 11h.

    Lễ Tạ ơn Quốc gia tại Nhà thờ St Paul’s là sự kiện thứ hai trong chuỗi sự kiện Đại lễ Bạch kim của Nữ hoàng Elizabeth II sau lễ diễu hành hoành tráng 1 ngày trước đó. Nữ hoàng Anh Elizabeth II không tham dự lễ này vì sức khỏe, bà theo dõi sự kiện từ lâu đài Windsor.

    Theo The Sun/AP