• Những quy tắc nhập cư chặt chẽ hơn sẽ được áp dụng trong những tuần tới. Bộ trưởng Nội Vụ James Cleverly cho biết những thay đổi này sẽ bắt đầu áp dụng từ tháng sau. 

    Tháng 2: phí khám sức khỏe tăng

    Phụ phí khám sức khỏe (immigration health surcharge - IHS) sẽ tăng 66% đối với những người nộp đơn xin visa kể từ sau ngày 06/02/2024. Mức phí sẽ tăng từ £624 lên £1,035/năm.

    Đối với sinh viên (những người dưới 18 tuổi và người theo chính sách youth mobility scheme - Tier 5), thì phụ phí sức khỏe sẽ tăng 65%, từ £470 lên £776/năm.

    Hầu hết những người muốn xin visa ở lại Anh nhiều hơn 6 tháng thì đều phải đóng phụ phí khám sức khỏe. Bạn sẽ có quyền sử dụng các dịch vụ của NHS trong suốt quá trình ở lại UK. Tuy nhiên, phí này không bao gồm tất cả dịch vụ, chẳng hạn như điều trị nha khoa, khám mắt và kê toa.

    Nhiều người đang làm việc tại UK đã chỉ trích loại phụ phí này, vì họ cho rằng họ đã đóng góp cho NHS dưới dạng tiền thuế hàng tháng, nhiều người đã đóng thuế suốt nhiều năm. 

    Nhưng bộ trưởng phụ trách pháp lý nhập cư, ông Tom Pursglove lại cho rằng những người nhập cư đến Anh cần phải "đóng góp một khoản tài chính đáng kể" để bù đắp cho các tiện ích dịch vụ công, bao gồm NHS.

    luat visa moi ap dung trong thang toi
    Từ tháng 2, phụ phí sức khỏe sẽ tăng. Ảnh: PA

    Tháng 3: Lao động trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe bị hạn chế mang theo người thân

    Từ ngày 11/3/2024, những lao động nhập cư trong lĩnh vực sức khỏe sẽ bị hạn chế mang theo người phụ thuộc đến UK. Những đơn vị thuê lao động trong lĩnh vực này cũng phải đăng ký với Ủy ban Chất lượng dịch vụ Chăm sóc (Care Quality Commission - CQC) nếu họ muốn tài trợ cho người nhập cư tới UK làm việc.

    Thay đổi này làm dấy lên lo ngại, vì nó có thể khiến người lao động nước ngoài không muốn đến UK nữa. Tuy nhiên, Bộ trưởng Chăm sóc sức khỏe Helen Whately lại cho rằng: "Chúng ta biết ơn sự giúp sức của những người lao động nước ngoài, nhưng tôi phải nói rõ rằng lao động nhập cư không phải là câu trả lời dài hạn cho lĩnh vực chăm sóc sức khỏe. Do đó bên cạnh việc thắt chặt visa, chúng ta còn phải tập trung vào đào tạo lực lượng lao động trong nước".

    Bộ Nội Vụ cho rằng phương pháp này giúp chấm dứt tình trạng lợi dụng lộ trình visa trong lĩnh vực sức khỏe để đến UK, nhiều người được tuyển đến đây để làm những công việc không hề có thực, một số được trả lương thấp hơn nhiều so với mức lương yêu cầu đối với loại visa này. 

    Tháng 4: Tăng ngưỡng lương tối thiểu đối với Skilled Worker visa

    Từ ngày 04/04/2024, mức lương tối thiểu đối với người tới UK theo diện skilled worker visa là £38,700. Nghĩa là đã tăng từ £26,200 lên £38,700.

    Hiện tại, đối với những ngành nghề nằm trong danh sách thiếu hụt lao động, thì mức phí nộp đơn xin visa có thấp hơn một chút. 

    Động thái tăng lương tối thiểu này cũng góp phần làm thay đổi danh sách ngành nghề thiếu hụt - Shortage Occupation List (SOL). Nếu bạn có kĩ năng trong một ngành nghề thuộc diện SOL, thì bạn có khả năng được cấp visa skilled worker. Từ trước tới nay, những công việc này có ngưỡng lương yêu cầu thấp hơn, và ngưỡng lương đối với lao động dạng này chỉ bằng 80% so với ngưỡng lương yêu cầu để xin skilled worker visa. 

    Tuy nhiên, từ ngày 14/4/2024, chính phụ cũng loại bỏ luôn việc "giảm giá" 20% này. Nghĩa là từ tháng 4, danh sách SOL này sẽ bị dẹp bỏ để thay bằng một "danh sách ngưỡng lương nhập cư mới". Ngưỡng lương mới do Ủy ban Tham mưu Nhập cư (Migration Advisory Committee - MAC) đề xuất.

    Tháng 4: Tăng ngưỡng thu nhập tối thiểu đối với Family visa

    Sự thay đổi bị chỉ trích nhiều nhất đó là yêu cầu cao đối với family visa. Để xin family visa, người nộp đơn phải chứng minh được họ và vợ/chồng có thu nhập tổng cộng trên ngưỡng thu nhập yêu cầu. Tuy nhiên, ngưỡng thu nhập này sẽ tăng nếu họ cũng xin visa cho con cái hoặc người phụ thuộc khác.

    Từ ngày 11/4/2024, ngưỡng thu nhập yêu cầu sẽ tăng lên £29,000 /năm. Vào đầu năm 2025, con số này sẽ tăng lên tới £38,700.

    Ban đầu, Bộ Nội Vụ định tăng ngưỡng thu nhập yêu cầu từ £18,600 lên tới £38,700 - tức nhảy một lần tới hơn £20,000. Sau khi vấp phải phản đối kịch liệt, chính phủ mới làm dịu tình hình bằng cách tăng dần theo giai đoạn để tạo điều kiện cho các gia đình chuẩn bị.

    Viethome (theo ITV News)

  • Từ 1/1/2024, chính phủ Anh chính thức cấm các sinh viên quốc tế bậc cử nhân đưa người thân đến nước này. Đây là động thái mới nhất của chính phủ của Thủ tướng Rishi Sunak nhằm hạn chế người nhập cư - vấn đề vốn đang nóng bỏng trên chính trường.

    Tuy nhiên, bước đi này đang vấp phải những quan điểm trái chiều khi được cho sẽ ảnh hưởng đến vị thế và sức cạnh tranh của nền giáo dục Anh.

    Quyết định gây tranh cãi của chính phủ Anh

    Theo con số chính thức được chính phủ Anh công bố, năm 2022, nước này đã cho phép nhập cảnh tổng cộng gần 1,2 triệu người di cư, một con số kỷ lục trong những năm gần đây. Đại đa số những người nhập cư (khoảng hơn 900.000) đến từ các quốc gia không thuộc Liên minh châu Âu.

    Số lượng thị thực của các sinh viên nước ngoài tại Anh đã đạt mốc 486.000 thị thực vào cuối năm 2022, tăng hơn 44% so với năm 2019, khi con số này chỉ ở mức 269.000. Trong khi đó, số thị thực được cấp cho những người phụ thuộc vào các sinh viên nước ngoài trong năm 2022 tại Anh cũng tăng đáng kể, chạm mốc 136.000 thị thực, tăng gần 8 lần so với con số 16.000 ở năm 2019.

    that chat nhap cu chinh sach
    Số thị thực được cấp cho những người phụ thuộc vào các sinh viên nước ngoài trong năm 2022 tại Anh chạm mốc 136.000 thị thực. Ảnh: Euractiv

    Vấn đề di cư là một trong những thách thức lớn mà chính phủ của Thủ tướng Anh Rishi Sunak phải giải quyết kể từ khi ông lên nắm quyền hồi tháng 7/2022. Trước tình hình di cư tăng đột biến, ông Rishi Sunak buộc phải có những biện pháp mới cứng rắn hơn để hạn chế vấn đề này trong đó có dự luật cho phép trục xuất người di cư về Rwanda, mới được Hạ viện Anh thông qua hồi tháng trước. Tuy nhiên, ngay từ khi công bố, dự luật của ông Rishi Sunak đã vấp phải những ý kiến phản đối gay gắt. Các nghị sĩ cánh hữu của Đảng Bảo thủ nhận thấy văn bản này quá mềm mỏng trong khi những người theo chủ nghĩa trung dung của Đảng và phe đối lập cho rằng nó quá cực đoan và có nguy cơ đi ngược lại các cam kết quốc tế về nhân quyền. Hiện dự luật vẫn đang tiếp tục được các phe liên quan “cân nhắc” và hoàn toàn có thể bị “từ chối” nếu không có những sửa đổi mang tính đột phá trong tháng 1 này.

    Trước bối cảnh dự luật còn đang được xem xét trong khi người dân vẫn chờ đợi những kết quả cụ thể, nhất là khi cuộc tổng tuyển cử đang gần kề, chính phủ của ông Sunak không thể chỉ dừng lại ở vấn đề người tị nạn mà cần phải tấn công mọi mặt trận liên quan đến di cư, trong đó có vấn đề của các sinh viên quốc tế và gia đình có liên quan.

    Theo một quy định mới, kể từ ngày 1/1/2024, các sinh viên nước ngoài sẽ không còn được phép đưa người thân hay gia đình đến đoàn tụ tại Vương quốc Anh. Biện pháp này áp dụng cho hầu hết sinh viên quốc tế, ngoại trừ những sinh viên đăng ký các khóa học nghiên cứu sau đại học hoặc có học bổng do chính phủ tài trợ. Trước đó, chính phủ Anh cho phép sinh viên tham gia các khóa học kéo dài ít nhất 9 tháng được đưa vợ hoặc chồng và con cái của họ đến nước này trong quá trình theo học. Những quy định mới này dự kiến sẽ giúp giảm khoảng 140.000 người di cư vào Vương quốc Anh mỗi năm.

    Không như những biện pháp khác, việc hạn chế sinh viên đưa người thân đến Anh sẽ đem đến những kết quả khả quan trong thời gian ngắn. Và đó là điều mà chính phủ của ông Sunak đang kỳ vọng lúc này. Việc có những con số làm hài lòng người dân và phe ủng hộ sẽ là một trong những yếu tố then chốt cho cuộc tổng tuyển cử sắp tới, dự kiến sẽ diễn ra vào nửa cuối năm 2024. Tuy nhiên, phe đối lập cho rằng biện pháp này sẽ chỉ giải quyết được một số vấn đề bề nổi và nhiều khả năng sẽ gây nên một cuộc khủng hoảng cho thị trường lạo động Anh.

    Những tác động trước mắt

    Có ý kiến cho rằng, chính sách mới này sẽ ảnh hưởng lớn đến các trường đại học phụ thuộc vào học phí của sinh viên nước ngoài, cũng như vị thế của Anh trên bản đồ giáo dục và cả du lịch của châu Âu và thế giới. Đảng Lao động đối lập tại nước này cũng cho rằng, đây chỉ là giải pháp tạm thời, không thể giải quyết các vấn đề của thị trường lao động, thậm chí cản trở tăng trưởng kinh tế.

    Có một sự thật là phần lớn những sinh viên quyết định đến Anh du học đều là những sinh viên thuộc gia đình khá giả hoặc đã đi làm và để dành được một số vốn nhất định. Anh là một trong những quốc gia có nền giáo dục đắt nhất trên thế giới, không chỉ thế, cuộc sống ở Anh cũng cực kỳ đắt đỏ. Thông thường, những gia đình có thu nhập ở mức trung bình sẽ ưu tiên các quốc gia khác như Australia, Singapore, Pháp, Đức hay Hà Lan… để đi du học.

    Mục tiêu chủ yếu của những sinh viên quốc tế đến Anh, ngoài việc du học chất lượng cao thì họ sẽ nhắm đến cơ hội được ở lại làm việc và định cư. Với những sinh viên có người thân thì điều này lại càng bức thiết hơn. Đây có thể coi là một cơ hội đổi đời. Thế nên với việc chọn du học Anh, các sinh viên cũng như gia đình của họ đều đã xác định rõ ràng con đường cần đi. Họ sẽ bằng một cách nào đó, hòa nhập được vào cuộc sống ở Anh và quan trọng nhất là đại đa số sẽ rất tuân thủ luật pháp nước sở tại để hướng đến việc có thể định cư lâu dài.

    Đây có thể nói là lực lượng di cư “tốt” cho nước Anh. Và trong quá trình sống, họ và người thân sẽ phải làm việc để có tiền trang trải chi phí sinh hoạt. Thậm chí, trong thời gian đầu, họ sẽ là một nguồn ngoại hối đáng kể cho chính phủ Anh và đóng góp cho ngành thương mại, du lịch hay kinh tế của nước này.

    Ngoài ra, với mục tiêu định cư tại Anh, đại đa số sinh viên có thể ở lại đều đã qua sàng lọc và có một trình độ nhất định. Điều này cũng là một trong những nhân tố quan trọng góp phần bổ sung thiếu hụt của thị trường lao động Anh. Tất nhiên là sẽ có những sinh viên đến với mục đích khác nhưng những thành phần này sẽ bị loại bỏ theo chọn lọc tự nhiên. Việc ở lại Anh một cách bất hợp pháp sau khi đã tiêu tốn một khoản kinh tế đáng kể là điều mà không phải ai cũng có thể hoặc dám làm, chưa kể đến nếu họ còn có thêm gia đình. Thế nên về cơ bản, đây sẽ là lực lượng lao động cần thiết cho thị trường Anh.

    Thực tế cũng đúng như vậy, chính lực lượng này đã giúp ngành y tá và điều dưỡng ở Anh không phải trải qua thời kỳ thiếu thốn nghiêm trọng người lao động trong những năm gần đây mặc dù số lượng người bản địa nghỉ việc hoặc đổi việc trong ngành này là khoảng 20.000 người mỗi năm. Anh cũng đã trải qua cuộc đình công tập thể của các bác sĩ, y tá hồi cuối năm 2022 khi họ cho rằng mức lương hiện tại không đủ để trang trải cuộc sống của mình. Một trong những ngành khác được hưởng lợi từ nguồn lực này là ngành công nghệ thông tin hay xây dựng cầu đường.

    Tóm lại, với những quy định mới không cho phép sinh viên nước ngoài mang theo người thân đến Anh, nước này sẽ chỉ đạt được những số liệu phù phiếm liên quan đến vấn đề người di cư nhưng về thực chất, Vương quốc Anh sẽ mất một khoản thu nhập đáng kể đến từ những gia đình sinh viên này, cũng như đứng trước nguy cơ thiếu hụt lao động có tay nghề ở một số ngành đã và đang thiếu hụt lực lượng lao động. Chưa kể đến điều này sẽ đẩy Anh vào vị trí kém cạnh tranh so với một số quốc gia khác trong việc thu hút nguồn sinh viên nước ngoài như Mỹ, Pháp, Đức, Canada…

    Giải pháp của chính phủ Thủ tướng Rishi Sunak

    Với những quy định mới này, Anh sẽ đứng trước nguy cơ thiếu hụt nguồn lao động có tay nghề, thậm chí là bị ảnh hưởng ở một mức nào đó đối với nền kinh tế nội địa. Chưa kể đến đây còn là một lực lượng di cư có lợi cho nước Anh khi đại đa số sẽ cố gắng tuân thủ luật pháp cũng như đóng góp đầy đủ cho các quy định về thuế quan hay bảo hiểm ở nước này.

    Thế nên điều cần nhất lúc này với chính phủ Anh, đó là dành thời gian để có thể xem xét lại quy định này một cách cụ thể. Dành thời gian để nghiên cứu và làm việc với các trường đại học sở tại để tìm ra lỗ hổng thị thực nằm ở đâu, liên quan chủ yếu đến ngành học nào. Từ đó đưa ra một quy định có phần cụ thể hơn, thay vì vơ đũa cả nắm như hiện nay. Chính phủ Anh hoàn toàn có thể đưa ra một lộ trình “siết chặt” việc di cư theo từng giai đoạn, để những lực lượng di cư “tốt” có thời gian thích nghi và ra những quyết định phù hợp. Bởi một khi đã có trình độ, thì cho dù đi đến đâu lực lượng này cũng sẽ được chào đón.

    Trong khi một số nước Bắc Âu hay Đức đang có những quy định khuyến khích người lao động có tay nghề đến nước mình, thì quyết định này của Anh dường như đang đi ngược lại xu hướng. Thực tế sẽ cho thấy dòng người di cư không phải vì quyết định này mà sẽ giảm bớt. Số người di cư đến miền đất hứa sẽ chỉ thay đổi từ những người có trình độ sang những người không có trình độ. Khi đó, các vấn đề mà Anh đang gặp phải sẽ mệt mỏi hơn bây giờ gấp nhiều lần. Có lẽ Anh sẽ cần học theo Đức, thay vì phải chấp nhận dòng người di cư một cách miễn cưỡng thì họ nên tiến hành sàng lọc ngay từ đầu vào, tại những nước có nguồn nhân lực chất lượng, cũng như tập trung sức lực vào cuộc chiến ngăn chặn người di cư bất hợp pháp.

    Tuy nhiên trong bối cảnh cuộc tổng tuyển cử đang đến gần, chính phủ của ông Sunak vẫn sẽ ưu tiên những kết quả ngắn hạn nhằm đạt được niềm tin của người dân cũng như phe ủng hộ. Các điều chỉnh sẽ có thể được đưa ra sau sự kiện này hoặc một khi Anh lại vấp phải những vấn đề có liên quan đến thị trường lao động hay xã hội tương tự.

    Theo VOV-Paris

  • Pháp cho rằng Anh không cung cấp đủ thông tin về hoạt động di cư trái phép bằng thuyền nhỏ qua eo biển Manche. Trong khi đó, Bộ Nội vụ Anh phản bác đánh giá trên.

    hddctp
    Thuyền chở người di cư vượt eo biển Manche hướng đến bờ biển miền Nam nước Anh, ngày 5/4/2023. (Ảnh: AFP/TTXVN)

    Theo phóng viên TTXVN tại London, một báo cáo của Pháp đã kết luận rằng Anh không cung cấp đủ thông tin về hoạt động di cư trái phép bằng thuyền nhỏ qua eo biển Manche.

    Tòa Thẩm kế, cơ quan kiểm toán nhà nước ở Pháp, cho biết thông tin tình báo cung cấp cho cảnh sát nước này thường ở mức "sơ sơ" và "rất chung chung."

    Cơ quan này khẳng định Pháp cần thêm thông tin chi tiết về những chiếc thuyền và động cơ được các băng nhóm tội phạm sử dụng để buôn người.

    Trong khi đó, Bộ Nội vụ Anh phản bác đánh giá trên, cho rằng báo cáo sử dụng thông tin lỗi thời và không phản ánh mối quan hệ hiện tại giữa hai nước.

    Cơ quan phòng chống tội phạm quốc gia Anh (NCA) cho biết họ có mối quan hệ chặt chẽ với các cơ quan thực thi pháp luật và quản lý biên giới của Pháp.

    Tuy nhiên, báo cáo của Tòa Thẩm kế về cuộc chiến chống di cư bất hợp pháp kết luận rằng giữa Pháp và Anh "không có sự bình đẳng trong việc trao đổi thông tin tình báo."

    Anh đã cung cấp gần 500 triệu bảng Anh để Pháp chi cho việc tăng cường lực lượng an ninh tại các cồn cát và bãi biển dọc theo bờ biển Calais ở miền Bắc nước Pháp.

    Đây là nơi những kẻ buôn người đưa người di cư lên thuyền vào sáng sớm để bắt đầu cuộc vượt biển đầy nguy hiểm.

    Báo cáo cho biết khoản tài trợ này đã giúp Pháp triển khai 54 nhân viên cảnh sát, với sự hỗ trợ của 135 quân nhân dự bị, cho hoạt động tuần tra hàng đêm.

    Theo TTXVN

  • Theo phóng viên TTXVN tại London, từ ngày 16-21/9, đoàn đại biểu cấp cao Bộ Công an do Trung tướng Lê Quốc Hùng - Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng dẫn đầu - đã thăm và làm việc với các cơ quan thực thi pháp luật Anh.

    Trong khuôn khổ chuyến công tác, đoàn đã hội đàm với Thứ trưởng Bộ Nội vụ nước chủ nhà Robert Jenrick; thăm làm việc với Cơ quan Phòng, chống Tội phạm Quốc gia Anh (NCA); làm việc với Cảnh sát đô thành Anh (Metropolitan Police) và thăm một số đơn vị trực thuộc Cảnh sát đô thành Anh, bao gồm lực lượng Cảnh sát Bảo vệ yếu nhân Hoàng gia Anh, Trung tâm điều hành Cảnh sát khu vực Lambeth và Bảo tàng phòng, chống tội phạm; thăm Đại sứ quán Việt Nam tại Anh.

    phai doan vn tai london 1
    Phiên hội đàm giữa Đoàn đại biểu cấp cao Bộ Công an Việt Nam và Bộ Nội vụ Anh. Ảnh: TTXVN

    Chuyến công tác tại Anh của đoàn đại biểu Bộ Công an Việt Nam có ý nghĩa rất quan trọng trong bối cảnh hai nước đang tổ chức các hoạt động kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao (1973 - 2023).

    Trong khuôn khổ chuyến thăm, Thứ trưởng Lê Quốc Hùng đã hội đàm với Thứ trưởng Bộ Nội Vụ Anh Robert Jenrick, với sự tham dự của Đại sứ Việt Nam tại Anh Nguyễn Hoàng Long. Hai bên đánh giá cao sự hợp tác chặt chẽ trong công tác phòng, chống tội phạm, góp phần bảo đảm an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội của mỗi nước. Một số lĩnh vực hợp tác ngày càng đi vào chiều sâu, trở thành trọng tâm trong hợp tác thực thi pháp luật giữa hai nước gồm hợp tác quản lý xuất nhập cảnh, phòng, chống tội phạm mua bán người và đưa người di cư trái phép, nâng cao năng lực và hỗ trợ trang thiết bị. Hai bên đã thường xuyên trao đổi thông tin và phối hợp triển khai có hiệu quả Bản ghi nhớ (MoU) về các vấn đề di cư năm 2004, Bản ghi nhớ về chia sẻ thông tin xuất nhập cảnh năm 2013, tổ chức thành công Đối thoại Di cư, Xuất nhập cảnh Việt Nam - Anh lần thứ nhất vào tháng 8/2022 tại Việt Nam. Tháng 7/2023, hai bên đã đồng tổ chức Hội nghị đánh giá kết quả thực hiện MoU giữa chính phủ hai nước về hợp tác phòng, chống buôn người lần thứ nhất tại Việt Nam. Đây là những tiền đề quan trọng, góp phần thúc đẩy hơn nữa hoạt động hợp tác thực thi pháp luật nói riêng và quan hệ đối tác chiến lược giữa hai nước nói chung.

    Tại hội đàm, hai bên nhất trí đẩy mạnh phát triển quan hệ hợp tác đi vào chiều sâu, hiệu quả, thực chất, góp phần xây dựng lòng tin chính trị, làm sâu sắc hơn mối quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam - Vương quốc Anh. Hai bên sẽ tiếp tục duy trì, triển khai hoạt động trao đổi đoàn các cấp; chia sẻ kinh nghiệm công tác, thông tin nghiệp vụ, hợp tác hiệu quả trên lĩnh vực di trú, hồi hương và xuất nhập cảnh, phối hợp điều tra trên các lĩnh vực phòng, chống tội phạm buôn người và đưa người di cư trái phép, tội phạm sử dụng công nghệ cao, lừa đảo chiếm đoạt tài sản, tội phạm tài chính, ngân hàng, rửa tiền...; triển khai hiệu quả, đồng thời rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung các văn bản hợp tác đã ký kết. Thứ trưởng Lê Quốc Hùng đề nghị hai bên sớm nghiên cứu đàm phán và ký kết Hiệp định về dẫn độ tội phạm để hoàn thiện hành lang pháp lý, tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động hợp tác trong tương lai.

    phai doan vn tai london 1
    Phiên hội đàm giữa Đoàn đại biểu cấp cao Bộ Công an Việt Nam và Bộ Nội vụ Anh. Ảnh: TTXVN

    Sau phiên hội đàm chính thức, hai bên đã tiến hành các phiên họp thảo luận cấp chuyên viên về một số lĩnh vực hợp tác hai nước cùng quan tâm, cụ thể: vấn đề nhận trở lại công dân; phòng, chống giả mạo giấy tờ xin thị thực; truyền thông về di cư an toàn; tổ chức Đối thoại Di cư, Xuất nhập cảnh Việt Nam - Anh lần thứ 2 tại London; xem xét tổ chức phiên tòa kháng cáo trực tuyến cho các công dân Việt Nam bị phía Anh từ chối cho tị nạn; phòng, chống buôn người… Để tăng cường hiệu quả trao đổi thông tin, phục vụ công tác điều tra, xác minh, Bộ Nội vụ Anh đề xuất hai bên nghiên cứu xây dựng, đàm phán và ký kết Thỏa thuận về chia sẻ hồ sơ tội phạm trong thời gian tới.

    Đoàn đại biểu Bộ Công an cũng đã thăm và làm việc với Cơ quan Phòng, chống Tội phạm Quốc gia Anh (NCA). Thay mặt đoàn, Thứ trưởng Lê Quốc Hùng trân trọng cảm ơn ông Rob Jones - Tổng Giám đốc NCA phụ trách tác chiến - cùng các đồng nghiệp Anh đã dành cho đoàn sự đón tiếp trọng thị, chu đáo.

    Hai bên đánh giá cùng với việc quan hệ giữa Việt Nam - Vương quốc Anh ngày càng được củng cố mạnh mẽ, quan hệ phối hợp giữa Bộ Công an Việt Nam và các cơ quan thực thi pháp luật Anh, đặc biệt là NCA, đã ngày càng phát triển sâu rộng, thực chất trên nhiều lĩnh vực trong bối cảnh tình hình khu vực và thế giới diễn biến nhanh chóng, tình hình tội phạm ngày càng phức tạp với nhiều phương thức, thủ đoạn mới và tinh vi. Hai bên cam kết hợp tác chặt chẽ trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm công tác, thông tin nghiệp vụ trên các lĩnh vực phòng, chống tội phạm, đặc biệt là tội phạm đưa người di cư trái phép, tội phạm mạng, tội phạm sử dụng công nghệ cao, lừa đảo chiếm đoạt tài sản, tội phạm tài chính, ngân hàng, rửa tiền v.v.., phối hợp tổ chức hội thảo, tập huấn, đào tạo nâng cao năng lực trên các lĩnh vực kỹ thuật hình sự, điều tra tội phạm mạng, kỹ thuật phòng, chống tấn công mạng và hỗ trợ trang thiết bị kỹ thuật góp phần nâng cao hiệu quả hợp tác phòng, chống tội phạm giữa hai nước.

    Cũng trong khuôn khổ chuyến công tác, đoàn đã tiến hành các phiên làm việc với Cảnh sát đô thành Anh và thăm một số đơn vị trực thuộc Cảnh sát đô thành Anh, bao gồm lực lượng Cảnh sát Bảo vệ yếu nhân Hoàng gia Anh, Trung tâm điều hành cảnh sát khu vực Lambeth và Bảo tàng phòng, chống tội phạm. Tại các cuộc tiếp xúc, làm việc, Thứ trưởng Lê Quốc Hùng đề nghị hai bên đẩy mạnh phối hợp công tác, trao đổi tình hình và chia sẻ kinh nghiệm về bảo đảm an ninh, trật tự, đặc biệt là công tác đảm bảo an ninh, an toàn cho các đoàn cấp cao, sự kiện đặc biệt quan trọng, mục tiêu trọng yếu của mỗi nước,đề nghị phía Anh tổ chức đào tạo, nâng cao năng lực cho cán bộ chiến sĩ Bộ Công an, chia sẻ kinh nghiệm về xây dựng cơ sở dữ liệu tội phạm; nghiên cứu khả năng thiết lập quan hệ hợp tác giữa Cảnh sát đô thành Anh và Công an thành phố Hà Nội.

    Trong thời gian làm việc tại Anh, đoàn công tác đã thăm và gặp mặt cán bộ Đại sứ quán Việt Nam tại Vương quốc Anh. Tại buổi gặp mặt, đồng chí Thứ trưởng Lê Quốc Hùng đã thông báo một số tình hình trong nước, đặc biệt là các sự kiện chính trị, đối ngoại quan trọng của đất nước, kết quả nổi bật về đảm bảo an ninh trật tự của lực lượng Công an Nhân dân và tình hình hợp tác giữa Bộ Công an với các cơ quan thực thi pháp luật của Anh. Thứ trưởng Lê Quốc Hùng đánh giá cao vai trò của đại sứ quán và Đại sứ Nguyễn Hoàng Long trong việc kết nối Bộ Công an Việt Nam với các cơ quan thực thi pháp luật tại Vương quốc Anh, bảo hộ công dân và cầu nối quan trọng trong góp phần thúc đẩy quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam và Anh ngày càng phát triển tốt đẹp.

    Đại sứ Nguyễn Hoàng Long bày tỏ vui mừng và vinh dự đón đoàn đại biểu cấp cao của Bộ Công an thăm và làm việc tại Anh đúng vào thời điểm hai nước kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao. Đại sứ đã báo cáo với đoàn tình hình địa bàn Anh và quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Anh thời gian gần đây về chính trị, ngoại giao, kinh tế, thực thi pháp luật, đặc biệt là kết quả hợp tác giữa Đại sứ quán với các cơ quan chức năng của Anh thời gian qua. Đại sứ Nguyễn Hoàng Long nhấn mạnh hợp tác thực thi pháp luật là bộ phận quan trọng, thể hiện niềm tin chiến lược và góp phần củng cố quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam - Anh.

    Theo Baotintuc

  • Người nhập cư sẽ được khuyến khích lấp những vị trí còn trống trên thị trường lao động ở Anh, đây là ý kiến của Bộ trưởng Việc làm và Lương hưu.

    Bà Chloe Smith cho rằng người nhập cư nước ngoài có kĩ năng sẽ giúp giải quyết tình trạng thiếu hụt 1.2 triệu lao động ở Vương quốc Anh, đây là con số kỉ lục đáng báo động.

    viec lam cho nguoi nhap cu
    Bộ trưởng Việc làm và Lương hưu Chloe Smith muốn tận dụng lao động nhập cư có kĩ năng. Ảnh: Getty

    Tuy nhiên, bà vẫn khẳng định rằng bà ưu tiên các vị trí trống chỗ cho người Anh, bằng cách thúc giục người đang thất nghiệp hãy rời khỏi chiếc ghế nệm êm ái ở nhà và đi làm việc. 

    Bà Smith phân tích: "Điều này là hợp lý... chúng ta phải tập trung thúc giục người Anh đi làm. Tuy nhiên cũng có những công việc đòi hỏi kỹ năng mà lực lượng lao động trong nước chưa đáp ứng được, muốn làm được phải qua đào tạo. Đó là lý do ta cần người nhập cư giải quyết tình hình thiếu hụt trước mắt'.

    Nội Các Anh vẫn đang cãi nhau về chính sách nhập cư. Trái ngược với bà Chole Smith, Bộ trưởng Nội vụ Suella Braverman lại muốn giảm số lượng người nhập cư đến Anh. 

    Bà Braverman đang đối diện áp lực leo thang vì phải giải quyết vấn đề người di cư ồ ạt dùng xuồng nhỏ băng qua eo biển để đến Anh. Con số thống kê mới nhất cho thấy trong 4 năm qua, đã có 75,000 người cập đất liền Vương quốc Anh. 

    Mới hôm thứ Tư tuần này đã có thêm 856 người trên 19 thuyền nhỏ vượt biển đến Anh. Trẻ con được bọc trong những tấm chăn, được đội tuần dương cứu hộ tại bãi biển Dungeness ở Kent. 

    Một thống kê khác cho thấy số lượng người di cư đã nhiều hơn 50 lần so với cách đây một thập kỷ. Hơn 230,000 người đã được tái định cư ở UK tính đến tháng 6/2022, cao gấp 56 lần so với con số bình quân là 4,200 người/năm trong giai đoạn 2015-2020.

    Trong khi đó, các bộ trưởng lại tiếp tục cuộc chiến pháp lý chống lại kế hoạch đưa đến người Rwanda. Tổ chức từ thiện Asylum Aid mới đây tiếp tục khiếu nạo lên Tòa án tối cao vì cho rằng kế hoạch này là phạm luật. Vẫn chưa có chuyến bay nào cất cánh đến Rwanda.

    Bài liên quan: Anh tăng cường tuyển lao động thời vụ nhập cư, tăng nguy cơ nô lệ hiện đại

    Sẽ ngày càng nhiều người có nguy cơ trở thành nô lệ hiện đại trong các nông trại ở Anh nếu giới hạn tuyển dụng lao động mùa vụ được mở rộng, các chuyên gia về quyền của người lao động cảnh báo.

    visa lao dong Anh lam gia tang nguy co
    Những lao động người Indonesia đến Uk theo diện visa lao động thời vụ. Họ phải gánh khoản nợ lên tới £5,000 cho mỗi mùa thu hoạch hoa quả ở Kent. Ảnh: Maureen McLean/REX/Shutterstock
     

    Thủ tướng Liz Truss đang có ý định nới rộng số lượng lao động nước ngoài được tuyển đến UK để làm việc trong các vụ mùa nông nghiệp. Đây là một phần trong chính sách visa mà chính phủ đang xem xét để giải quyết tình trạng thiếu hụt lao động.

    Ý định này xuất hiện tại thời điểm mà nước Anh vẫn chưa có ủy viên chống nô lệ hiện đại, nhằm đánh giá các bất lợi đối với người lao động trong đường lối của chính phủ.

    Bà Sara Thornton từng là ủy viên chống nô lệ hiện đại, nhưng đến tháng 4/2022 bà đã thôi chức này. Bà cho biết chính phủ ''cần phải giải quyết nguy cơ người lao động bị lạm dụng, và nguy cơ nợ nần đối với họ'', trước khi mở rộng chính sách tuyển dụng lao động nước ngoài.

    Bà Thornton hiện là giáo sư về chính sách nô lệ hiện đại tại Đại học Nottingham, nói: ''Chúng ta phải thật thận trọng. Tôi hiểu rằng nước Anh cần lao động nhập cư, nhưng chính sách này chỉ đẩy những người nhập cư vào con đường bất lợi. Chính phủ cần đảm bảo họ không phải đóng các khoản phí tuyển dụng đắt đỏ. Chính phủ phải đảm bảo họ không lâm vào cảnh nợ nần chồng chất để đến được đây. Và họ phải được ký một hợp đồng bằng chính ngôn ngữ của họ. Và họ phải được tạo điều kiện để phản ánh môi trường làm việc của mình''.

    Chính sách cấp visa cho lao động mùa vụ đã được mở rộng nhanh chóng. Trong năm 2022 có 40,000 visa được cấp. Vào năm 2019 chỉ có 2,500 visa thí điểm được cấp.

    Brexit và chiến sự Ukraine khiến cho Vương quốc Anh buộc phải tuyển dụng lao động từ các quốc gia xa xôi hơn. Những quốc gia này có chính sách bảo vệ lao động yếu kém hơn so với châu Âu. Các chuyên gia cho biết sự gia tăng chi phí vé máy bay và visa cũng đủ khiến cho các lao động rơi vào cảnh nợ nần, chưa nói đến các khoản phí bóc lột khác.

    Guardian cho biết vào tháng 8-2022, các lao động Indonesia đến UK theo visa lao động thời vụ đều phải gánh khoản nợ lên tới £5,000 cho 1 mùa hái trái cây ở Kent. Một cuộc điều tra đang được Cơ quan chống Lạm dụng Lao động (Gangmasters and Labour Abuse Authority - GLAA) tiến hành.

    Tuy nhiên GLAA hiện đang đối mặt với việc cắt giảm ngân sách nghiêm trọng. Đến tháng 8 năm nay, họ chỉ mới kiểm tra được 12 trong số hơn 1,000 cơ sở tuyển dụng. Và họ phải mất hơn 10 tháng mới đánh giá được một doanh nghiệp có bóc lột lao động hay không. 

    Dù nạn bóc lột lao động ngày càng trầm trọng ở UK, nhưng ngân sách dành cho GLAA ngàng càng thu hẹp, từ 7 triệu bảng xuống chỉ còn £300,000 trong 5 năm qua. Với tình hình lạm phát hiện tại, ngân sách được tăng lên £500,000, nhưng vẫn không đủ để giải quyết vấn đề thiếu thốn nhân sự của chính cơ quan này.

    Ngoài ra, GLAA còn làm nhiệm vụ cấp phép cho các doanh nghiệp tuyển dụng lao động nước ngoài. Nếu không có giấy phép từ GLAA, doanh nghiệp sẽ không được phép tuyển lao động nước ngoài để đưa tới các nông trại, nhà máy...

    Do đó nếu chính phủ mở rộng chính sách tuyển dụng lao động nước ngoài, thì nguy cơ sẽ có nhiều người hơn rơi vào tình trạng nô lệ lao động, đặc biệt là lâm vào cảnh nợ nần. Do đó, chính phủ cần phải tăng nhân lực cho đội ngũ giám sát doanh nghiệp.

    Người phát ngôn chính phủ nói: ''Lộ trình tăng cường tuyển dụng lao động nước ngoài đã vận hành được 3 năm và mỗi năm đều có cải thiện để ngăn ngừa nạn bóc lột lao động, nâng cao điều kiện lao động cho người có visa vào Anh. Chính phủ Anh rất chú trọng bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động nhập cư''.

    Viethome (theo The Sun)

  • Chặng đường lấy quốc tịch đã đi một nữa, nhưng người phụ nữ tên Kate Ng nhận ra rằng những thay đổi trong luật nhập cư đồng nghĩa với việc hành trình này còn lâu mới đến đích.

    Mỗi khi tôi kể với một người Anh nào đó về kế hoạch 5 năm lấy quốc tịch của mình, họ đều mở to mắt kinh ngạc, lắc đầu và thắc mắc: ''Tôi nghĩ bạn sẽ tự động có quốc tịch nếu lấy một người Anh?''

    Chuyện này đã không còn đúng kể từ năm 1981, khi Luật quốc tịch Anh (British Nationality Act) ra đời và ghi rõ, hôn nhân không còn là con đường tự động có quốc tịch. Từ đó, hành trình để có được tấm visa vĩnh viễn ở UK ngày càng khó khăn và đắt đỏ.

    Và mấy ngày trước, Hạ Viện đã bỏ phiếu thông qua Luật Biên giới và Quốc tịch (Nationality and Borders Bill). Điều đó khiến Kate Ng cảm thấy cô đang leo lên một vách núi, nhìn xuống vực thẳm. 

    Nếu luật này tiếp tục được Thượng Viện thông qua, đồng nghĩa chính quyền UK có thể tước quốc tịch Anh của những người nhập cư mà không cần thông báo (zero notice), nghĩa là họ không được quyền kháng nghị. Dù bạn đang sở hữu 2 quốc tịch hay chỉ 1 quốc tịch, bạn vẫn có thể bị tước quốc tịch Anh nếu chính phủ cảm thấy bạn có thể được cấp quốc tịch ở một quốc gia khác.

    Trong trường hợp của Kate Ng, trong khoảng thời gian 3 năm (5 năm sau khi có spouse visa, và phải renew spouse visa cứ mỗi 2.5 năm), một khi cô đã vượt qua hàng rào cuối cùng để có quốc tịch Anh, thì quốc tịch này vẫn có thể bị tước khỏi tay cô bất cứ lúc nào, không cần báo trước. Dù cô có là công dân Anh suốt nửa thế kỷ qua hay chỉ mới nhập tịch 10 tháng, luật mới này chính là nghiệt ngã như vậy.

    Bài liên quan: Cô gái có nguy cơ bị tước quốc tịch dù sinh ra và lớn lên ở Anh

    thay doi luat nhap cu anh quoc
    Bộ Nội vụ có thể tước quốc tịch mà không cần thông báo trước.

    Càng đau đớn khi nghĩ tới hàng ngàn bản Anh mà cô đã phải chi ra để được ở nơi đây vĩnh viễn. Các giá của hành trình nhập cư vào UK không hề rẻ. Tính năm 2021, phí nộp đơn xin spouse visa là £1,523 nếu bạn đang ở nước ngoài. Nếu nộp đơn từ UK thì phí này là £1,033. 

    Thế nhưng khoản phí này lại không bao gồm Bảo hiểm Y tế cho người nhập cư (Immigration Health Surcharge hay còn gọi là NHS surcharge). Đây là một khoản phụ phí bắt buộc nếu bạn muốn sử dụng dịch vụ của NHS. Khoản phí £624/năm này không áp dụng với visa ngắn hạn (chẳng hạn visa du lịch), nhưng lại áp dụng với tất cả các đơn xin visa và đơn xin nhập cư khác.

    Đó là còn chưa kể các khoản phí phát sinh nếu bạn có con hoặc phải thi bằng tiếng Anh English Language Test, hoặc thi bài kỹ năng Life Skill Test, hoặc làm xét nghiệm bệnh lao nếu muốn nhập cảnh, hoặc trả tiền dịch thuật và in ấn. Nếu muốn hồ sơ được xử lý nhanh hơn, bạn có thể trả thêm £573 hoặc lên tới £800 nếu bạn đang ở UK và muốn nhận được kết quả ngay trong ngày. Nếu Bộ Nội vụ từ chối đơn xin visa, bạn sẽ không được trả lại đồng nào kể cả nếu phía họ mắc lỗi xử lý hồ sơ.

    Các khoản phí này cứ mỗi 2 năm lại tăng một lần. Năm 2018, phí bảo hiểm y tế chỉ là £200/năm. Nó tăng gấp đôi vào năm 2019, và tăng một lần nữa hồi tháng 10/2020. Nghĩa là tổng chi phí để nộp đơn xin spouse visa đã tăng 69%, từ £1,533 vào năm 2018 lên £2,593 trong năm 2020.

    Nghĩa là vào năm sau khi Kate Ng renew spouse visa của mình, cô có thể phải tốn nhiều tiền hơn mức đã nói ở trên. Và ai biết mức phí năm 2023 sẽ như thế nào? Người nhập cư chẳng khác gì một con bò để chính quyền Anh vắt sữa.

    Bài liên quan: Cô gái có nguy cơ bị tước quốc tịch dù sinh ra và lớn lên ở Anh

    Do đó, thật kinh tởm nếu một ngày nào đó Bộ Nội vụ quyết định tước đoạt tất cả mọi thứ trong tay bạn. Đó là một vòng lẩn quẩn không lối thoát, bao nhiêu năm lo lắng chuyện tiền nong, bao nhiều thời gian cẩn thận thu thập bằng chứng về mối quan hệ hôn nhân. Những tưởng bạn có thể vứt bỏ hết những gánh nặng này một khi về đích. Nhưng đích đến không phải là mái nhà vĩnh viễn, mà lại là mép vực.

    Chính sách môi trường thù địch của chính phủ Anh ngày càng trầm trọng. Dự đoán, nhóm dân tộc thiểu số không phải người da trắng (non-white) sẽ chịu thiệt thòi nhiều nhất. Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, khoảng 6 triệu người có thể bị tước quốc tịch mà không cần báo trước. 

    Báo cáo này cho thấy, 41% những người thuộc nhóm dân tộc thiểu số không phải da trắng, có nguy cơ bị tước quốc tịch. Trong khi đó chỉ 5% người da trắng có nguy cơ bị tước quốc tịch. Cụ thể, nhóm người Ấn Độ và Pakistan là dễ bị tước quốc tịch nhất. Đây cũng là nhóm dân nhập cư đông đảo nhất UK.

    Bộ Nội vụ vẫn luôn nói rằng họ chỉ tước quốc tịch đối với những thành phần nguy hiểm, gây hại an ninh an toàn quốc gia. Tuy nhiên chúng ta vẫn chưa quên vụ Windrush, khi có ít nhất 83 người lương thiện bị trục xuất ''nhầm'' khỏi UK. 

    Người đại diện của Bộ Nội vụ thì trấn an rằng: Đừng lo, đây chỉ là vấn đề thông báo hay không thông báo. Nếu bạn đang ở vùng chiến tranh thì dĩ nhiên Bộ không thông báo tới được, hoặc dã việc thông báo có thể tiết lộ ''vẫn đề cơ mật nhạy cảm''.

    Sự mơ hồ của luật mới khiến người ta hoang mang. Và khái niệm tước quốc tịch mà không cần thông báo sẽ thiết lập một tiền đề đầy rủi ro đối với người nhập cư. Kate Ng luôn tin rằng chỉ cần cô tuân theo lộ trình nhập cư, đóng tất cả phí, sống tuân thủ pháp luật thì cuối cùng cô sẽ được an toàn ở Anh. Nhưng dường như cô đã nhầm mất rồi.

    Bài liên quan: Cô gái có nguy cơ bị tước quốc tịch dù sinh ra và lớn lên ở Anh

    Viethome (theo Guardian)

  • Bộ trưởng Nội vụ đang chịu nhiều sức ép khi chính nhân viên của bà đoàn kết với nhau để chống lại chính sách xua đuổi người băng qua eo biển.

    Liên đoàn đại diện cho Lực lượng Biên phòng UKBA thông báo họ sẽ tiến hành một thách thức pháp lý chống lại kế hoạch đẩy lùi thuyền di cư của bà Priti Patel. 

    Bị chính nhân viên của mình ngáng chân, đây chắc hẳn sẽ là một cú sốc lớn đối với bà Patel. Hiện bà cũng đang bị các đồng minh Bảo thủ chỉ trích nặng nề vì đã không thể xử lý tốt cuộc khủng hoảng di cư. 

    Liên đoàn Thương mại và Công cộng (Public and Commercial Services union - PCS) đã hợp tác với Care4Calais và một tổ chức khác để tiến hành thách thức pháp lý, nhằm ngăn chặn kế hoạch xua đuổi thuyền của bà Patel. 

    ba pritil patel bi phan doi chinh sach nhap cu

    Sự kiện 27 người chết trên eo biển Manche đang gây sức ép lớn, buộc chính phủ phải cân nhắc kế hoạch xua đuổi những chiếc xuồng yếu ớt quay trở về điểm xuất phát ở Pháp. 

    Ngày hôm nay (29/11) chính phủ sẽ phải đưa ra câu trả lời. Nếu chính quyền vẫn kiên quyết triển khai chính sách này, PCS và các tổ chức từ thiện khác sẽ tiến hành lôi vụ này ra tòa án pháp lý. Các tổ chức Channel Rescue và Freedom from Torture cũng đã tiến hành những thách thức pháp lý riêng lẽ nhằm chống lại đạo luật. 

    Khả năng chiến thắng của một thánh thức pháp lý là dưới 30%, tuy nhiên nếu nhiều bên cùng phối hợp đệ đơn thì chưa biết kết quả sẽ như thế nào.

    Thứ Bảy vừa rồi, bà Patel cảnh báo sự thất bại trong việc hợp tác với EU sẽ khiến nhiều người phải chết trên biển hơn. Bà thề sẽ tiếp tục tiến hành việc xua đuổi tàu thuyền, dù Pháp đã không thèm mời bà đến dự cuộc họp với EU để bàn về cuộc khủng hoảng di cư. 

    Bộ trưởng Nội vụ các nước Pháp, Hà Lan, Bỉ và Ủy ban châu Âu đã gặp nhau vào hôm Chủ Nhật. Tại đây, Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu Margaritis Schinas tuyên bố nước Anh phải tự giải quyết các vấn đề liên quan đến người di cư sau khi nước này đã rời khỏi Liên minh châu Âu (EU), hay còn gọi là Brexit.

    Phát biểu với báo chí trên đảo Kos ở Tây Nam Hy Lạp nhân sự kiện mở lại một trại tập trung người di cư, ông Margaritis Schinas nói: “Anh đã rời khỏi EU. Nên từ giờ Anh phải tự quyết định việc tổ chức kiểm soát, quản lý biên giới của mình như thế nào. Như tôi nhớ không lầm thì khẩu hiệu chính cho chiến dịch trưng cầu ý dân (về Brexit) là ‘chúng ta giành lại quyền kiểm soát’.”

    Trước đó, ngày 24/11, 27 người di cư, trong đó có 3 trẻ em, đã thiệt mạng trong một vụ lật thuyền trên vùng biển giữa Anh và Pháp. Đây là thảm kịch tồi tệ nhất kể từ khi eo biển Manche trở thành một tuyến đường của người di cư trốn chạy khỏi nghèo đói và xung đột tại Afghanistan, Iraq và nhiều quốc gia khác khi họ tìm cách sang Anh.

    Thảm kịch này đang làm leo thang căng thẳng giữa Anh và Pháp tại thời điểm hai nước vẫn đang bất đồng trong các quy định thương mại và các quyền đánh bắt cá hậu Brexit.

    Căng thẳng lại được "đổ thêm dầu vào lửa" khi Tổng thống Pháp Emanuel Macron nhận được bức thư của Thủ tướng Anh Boris Johnson trong ngày 25/11. Phía Pháp cho rằng nội dung bức thư đổ lỗi cho Paris trong thảm kịch 27 người di cư chết đuối nói trên. Tổng thống Emmanuel Macron chỉ trích Thủ tướng Anh là “thiếu nghiêm túc”.

    Tuy nhiên, Thủ tướng Anh cho biết trong thư, ông nêu 5 bước mà hai nước có thể thực hiện để tránh có thêm người di cư thiệt mạng khi cố tìm cách vượt eo biển Manche, đồng thời đề nghị Pháp tiếp nhận lại tất cả những người di cư đã vượt qua eo biển này.

    Phản ứng với bức thư của ông Johnson, Bộ trưởng Nội vụ Pháp Gerald Darmanin đã hủy các cuộc thảo luận với người đồng cấp Anh Priti Patel được lên lịch vào ngày hôm nay (28/11) và thông báo Bộ trưởng Nội vụ Anh không còn được mời tham dự cuộc họp với các bộ trưởng EU khác.

    Trả lời phỏng vấn BBC News, Bộ trưởng Giao thông Anh Grant Shapps nhấn mạnh không quốc gia nào có thể đơn phương giải quyết vấn đề người di cư bất hợp pháp, do đó London hy vọng Paris cân nhắc lại việc hủy lời mời Bộ trưởng Nội vụ Priti Patel tham dự một cuộc họp trên.

    Viethome (theo Guardian)

  • Cùng nghe chia sẻ của Beatrix E. Groves-McDaniel về hoàn cảnh bị chia cắt với người bạn đời Roxanne do luật nhập cư của Vương quốc Anh:

    "Vào năm 2013, người bạn đời từng gắn bó với tôi hơn 26 năm đột ngột qua đời vì ung thư. Đây là sự kiện kinh hoàng nhất trong cuộc đời tôi. Tôi cảm thấy đau khổ và phải mất nhiều tháng để dần quen với cuộc sống đơn độc. Nhiều đến mức tôi không mong đợi mình sẽ lại có một mối quan hệ nào nữa.

    Tôi là người chuyển giới (từ nam sang nữ), và cảm thấy - nhờ kinh nghiệm của bản thân và những kỳ vọng về văn hóa của người chuyển giới - đối với tôi, việc tìm được người bạn đời khác là khả năng rất mong manh.

    Vào thời điểm đó, tương lai của tôi coi như đã khép lại. Nhưng sau đó, tôi đã gặp Roxanne. Trong khoảng thời gian bị cô lập, tôi sử dụng Facebook để kết nối với những người khác - đó là "cửa sổ" của tôi vào thế giới, từ sự đơn độc trong căn hộ ở Tyneside (England).

    20roxanneBeatrix E. Groves-McDaniel (trái) và người bạn đời Roxanne

    Cô ấy là một người dùng Facebook ở Mỹ. Cô ấy cũng đã chuyển giới. Cô ấy trẻ hơn tôi. Cô ấy là một nhạc sĩ. Và cô ấy rất đẹp. Tuy nhiên, tôi sống ở Newcastle upon Tyne. trong khi cô ấy ở thành phố Johnson, Tennessee, Mỹ.

    Mọi chuyện không quá hứa hẹn: 4,000 dặm và năm giờ chênh lệch dễ dàng ngăn cản mối quan hệ tiến triển. Ngoài ra, tôi không có đủ tài chính để đi lại. Nhưng chúng tôi vẫn giữ liên lạc.

    Chúng tôi làm quen và chia sẻ rất nhiều. Chúng tôi nhanh chóng nhận ra hai người có cùng khiếu hài hước kỳ quặc. Cô ấy cũng bị cuốn hút bởi chính trị và triết học - những thứ tôi dạy.

    Sự tự tin và hỗ trợ của cô ấy ngay lập tức khiến cuộc sống trở nên đơn giản hơn rất nhiều. Lần đầu tiên chúng tôi trò chuyện qua video, tôi cảm thấy tò mò, quen thuộc và lo lắng.

    Tôi đã nhắn tin cho cô ấy trong nhiều tháng, và biết cô ấy qua những bức ảnh. Chúng tôi nói chuyện hàng giờ liền, và cô ấy sẽ chơi nhạc (tôi rất thích nhạc của cô ấy, đặc biệt là tiếng hát). Tôi đã yêu. Và không giống như lần trước, lần này đã khác.

    Chúng tôi gặp nhau lần đầu tiên khi cô ấy đến thăm tôi vào mùa hè năm 2016 - đó là lần đầu tiên cô ấy rời Hoa Kỳ và tôi đã cầu hôn trong một chuyến du lịch bằng ô tô.

    Tôi không lên kế hoạch trước, điều này nảy ra khi chúng tôi đang lái xe qua vùng nông thôn Northumberland vào một buổi chiều. Thật kỳ quặc khi chúng tôi đang nói về giá cà rốt và tôi hỏi: “Em muốn kết hôn chứ?” Cô ấy trả lời: "Ok”.

    Chúng tôi thích ý tưởng kết hôn. Đối với cả hai, đây là bước tiến trong cuộc sống của chúng tôi: được chấp nhận là hợp pháp trong một mối quan hệ quan trọng.

    Roxanne phải về nhà vào cuối mùa hè năm đó. Chúng tôi bắt đầu lên kế hoạch cho cô ấy trở lại vào năm sau để cả hai kết hôn. Chúng tôi phải xin thị thực kết hôn, trả tiền máy bay và chi phí, v.v.

    Chúng tôi kết hôn vào tháng 7 năm 2017, tại Gretna, Scotland, với năm người bạn thân làm chứng. Chúng tôi phải đến Scotland vì thời gian chờ đợi để kết hôn với người không có quốc tịch Anh là rất lâu, và thị thực của Roxanne có thời hạn nhất định.

    Tôi không sùng đạo, nhưng tôi cảm thấy thật sự may mắn. Chính quan niệm về hôn nhân là chức năng của môi trường tự do chúng ta đang sống ngày nay.

    Nhưng hai tháng sau đám cưới, Roxanne phải trở lại Tennessee, vì cô ấy phải hoàn thành khóa học đại học - và thị thực của cô ấy sắp hết hạn. Đây là một trong những ngày buồn nhất trong cuộc đời chúng tôi.

    20roxanne1Hai người đã không gặp nhau trong 5 năm

    Cả hai đều quyết định Roxanne sẽ chuyển đến Vương quốc Anh càng sớm càng tốt và nghĩ về việc sống chung cùng nhau, hạnh phúc như một cặp vợ chồng. Điều quan trọng là ở bên nhau.

    Tuy nhiên, hy vọng nhanh chóng bị tiêu tan khi chính trị phá hủy kế hoạch của chúng tôi. Cho đến khi gặp, yêu và kết hôn với một cư dân Hoa Kỳ, tôi - giống như nhiều người, tôi cho rằng có thể kết hôn và đưa bạn đời tới Anh quốc.

    Tất nhiên, điều này là sai. Chính sách "môi trường thù địch" hà khắc của (Thủ tướng) Theresa May về nhập cư khiến cơ hội tôi và Roxanne có thể ở bên nhau gần như bằng 0.

    Chính sách nhập cư đã thắt chặt quy định đối với những người có thể và không thể đến sống ở Vương quốc Anh, được đưa ra lần đầu tiên vào năm 2012-14.

    Chúng tôi chưa bao giờ nghe nói về nó cho đến khi đau đớn nhận ra những vấn đề chính sách gây ra - không chỉ chúng tôi, mà rất nhiều những người khác cũng đang bị mắc kẹt.

    Chúng tôi có thể đã kết hôn hợp pháp, nhưng Roxanne vẫn không có quyền sống ở Anh. Và tôi cũng không thể chuyển đến Hoa Kỳ - người chuyển giới ít được bảo vệ theo luật pháp Hoa Kỳ, và viễn cảnh tôi tìm được một công việc, được chăm sóc sức khỏe và một nơi để sống ở Hoa Kỳ là rất mong manh.

    Ngoài ra, quá trình cho người di cư đến Vương quốc Anh cũng có trở ngại về thu nhập. Công dân Anh quốc bảo trợ cho vợ chồng nhập cư phải kiếm được hơn 18,600 bảng mỗi năm.

    Đây là điều rất khó đối với tôi - một giáo viên đại học đã lớn tuổi, công việc thường là các hợp đồng ngắn hạn và được trả lương thấp. 

    Điều này có công bằng không? Không, theo bất kỳ tiêu chuẩn đạo đức nào mà tôi biết. Vì vậy, chúng tôi phải rời xa nhau. Bị đày ải. Phải gặp nhau qua internet. VIệc này đã diễn ra được năm năm.

    Có cảm giác chúng tôi không được đối xử như những con người ở đây - một đất nước ủng hộ “các giá trị của Anh” về gia đình và hôn nhân, mặt khác lại phủ nhận quyền được chia sẻ những giá trị đó của nhiều người bất hạnh.

    Chúng tôi không phải trường hợp duy nhất. Chúng tôi là lời nhắc nhở về số lượng rất lớn các cặp vợ chồng và gia đình bị chia rẽ bởi hệ thống pháp luật của Vương quốc Anh.

    Ước tính của Đài quan sát di cư độc lập cho thấy số lượng gia đình bị chia cắt bởi hành động của Theresa May lên tới 60,000 người. Điều chúng tôi muốn là quyền được ở đây cùng nhau, vĩnh viễn. Cũng giống như bất kỳ cặp đôi yêu nhau bình thường nào. Nhưng chúng tôi không từ bỏ hy vọng.

    Roxanne muốn đến với tôi trong dịp Giáng sinh, và vì chi phí chuyến bay cao (v.v.), chúng tôi đã viết một bài trên “Gofundme” để gây quỹ, trang trải cho chuyến đi và cho phép chúng tôi trở thành một cặp đôi một lần nữa, trong năm hoặc sáu tuần - sẽ rất vui khi gặp lại cô ấy!

    Thực sự được chạm vào cô ấy là điều tôi đã không làm trong hai năm. Nó sẽ giống như được ra tù. Nhưng tôi luôn bị ám ảnh bởi việc cô ấy sẽ phải quay trở lại Hoa Kỳ. Tôi sẽ cố gắng quên nó đi. Cô ấy cũng vậy.

    Chúng tôi sẽ hành động như thể chúng tôi có một tương lai rộng mở và tự thuyết phục mình đây không chỉ là một kỳ nghỉ mà là "cuộc sống thực".

    Mặc dù vậy, cả hai chúng tôi đều biết chúng tôi sẽ phải chia tay nhau. Khi ngày đó đến, chúng tôi sẽ làm việc bình thường để kiếm tiền cho một cuộc đoàn tụ trong tương lai. Lần tiếp theo sẽ là vĩnh viễn. Như chúng tôi đã nói từ năm 2017. Chúng tôi đang sống bằng hy vọng rất yếu ớt đó.

    Sau đó, chúng tôi có thể bắt đầu phần đời còn lại của mình như một cặp vợ chồng ở đông bắc nước Anh. Cô ấy sẽ làm việc và biểu diễn, tôi sẽ dạy. Chúng tôi sẽ đi nghỉ và đến xứ Wales. Chúng tôi sẽ đi gặp bạn bè. Bạn biết đấy… giống như các cặp đôi bình thường.

    Để điều đó xảy ra, chúng tôi cần sự hỗ trợ từ mọi người, những người biết khó khăn chúng tôi (và tất cả những người khác) đang phải đối mặt.

    Chúng ta cần một chính sách nhân ái hơn về nhập cư cho các cặp vợ chồng và gia đình bị chia cách. Và chúng ta cần gây áp lực lên các nghị sĩ và bộ trưởng trên toàn chính trường, để họ có lập trường nhân ái đối với cuộc sống của người dân và ngừng coi họ là thiệt hại phát sinh trong cuộc chiến chính sách nhập cư.

    Chúng tôi (cả tôi và Roxanne) không chỉ ngồi đợi một cách thụ động. Tôi đang tìm kiếm công việc để vượt qua rào cản thu nhập nhập cư và hy vọng điều này sẽ sớm xảy ra. Nhưng sự giúp đỡ về chính trị là cần thiết.

    Tương tự như vậy, một lời đề nghị làm việc trong ngành công nghiệp âm nhạc của Anh cho Roxanne sẽ giúp giải quyết vấn đề của chúng tôi một cách lâu dài.

    Trong khi đó, chúng tôi sẽ có Giáng sinh cùng nhau, và quên đi những muộn phiền. Trong một thời gian.

    Viethome (Theo Metro)

  • Có không ít người nhập cư bị bạo lực gia đình. Họ không có trợ cấp, và cũng không dám trình báo với cảnh sát vì sợ thông tin của mình sẽ bị phía cảnh sát chuyển cho Bộ Nội vụ. Những kẻ bạo hành lợi dụng nỗi sợ đó của họ, chúng đe dọa rằng họ sẽ bị trục xuất nếu dám trình báo với cảnh sát. 

    Cô Nicole Jacobs, Ủy viên phòng chống Bạo hành Gia đình, cho biết: ''Tôi đã làm việc suốt 20 năm ở tuyến đầu. Tôi đã ngồi nói chuyện với rất nhiều nạn nhân, những người sống sót và con nhỏ của họ. Họ rất tuyệt vọng và mong mỏi tìm kiếm một nơi cư trú an toàn. Nhưng tình trạng pháp lý (không giấy tờ) khiến họ không có nơi nào để đi. Việc này không nên tiếp tục nữa''.

    Luật chống Bạo hành Gia đình

    Đầu năm 2021, Quốc hội đã thông qua luật chống bạo hành gia đình Domestic Abuse Act mà Nicole Jacobs cho là một bước đi đáng chỉ trích. Bởi vì những người bị bạo hành gia đình vẫn tiếp tục bị bỏ rơi và không được tiếp cận trợ cấp công (NRPF - No recourse to public funds).

    Jacobs khẩn thiết yêu cầu chính phủ cấp cho mỗi địa phương 18.7 triệu bảng trong 3 năm tới để giúp người bị bạo hành gia đình có thể nhận được trợ cấp NRPF. Ngoài ra, cô cũng kêu gọi một khoản tiền 262.9 triệu bảng để cung cấp dịch vụ đặc biệt cho những nạn nhân người da đen và cộng đồng thiểu số.

    Theo Jacobs, nhiều nạn nhân nhập cư buộc phải tiếp tục sống với kẻ bạo hành mình, hoặc đối diện với cảnh túng quẫn bần cùng vì không tiếp cận được trợ cấp. Trong khi đó, nhiều kẻ bạo hành (mà họ gọi là chồng, là bố của con...) lại cố tình phá hủy hoặc cất giấu giấy tờ nhập cư của nạn nhân để ép nạn nhân phải lệ thuộc mình.

    nguoi nhap cu bi bao hanh gia dinh

    Bức tường lửa

    Jacobs đang kêu gọi các bên thiết lập một bức tường lửa, nghĩa là trao cho nạn nhân cơ hội được ra trình báo mà không sợ thông tin của họ sẽ bị chuyển lên Bộ Nội vụ. Cô cũng muốn khái niệm ''bạo hành nhập cư'' được thêm vào định nghĩa ''bạo lực gia đình'', để những nạn nhân này được thừa nhận trong các chính sách của nhà nước. 

    Đại học Suffolk đã thực hiện một bảng báo cáo tên Safety Before Status, trong đó có liệt kê nghiên cứu của Trung tâm Angelou Center và một review của Bộ Nội vụ. Trong báo cáo này, một nạn nhân của bạo hành gia đình kể rằng: ''Tôi không thể chịu được tình trạng bị bạo hành, nhưng tôi không dám báo cảnh sát''.

    Một người khác nói: ''Tôi nói với anh ta và gia đình của anh ta rằng tôi muốn đi, và họ nói nếu tôi bỏ đi, tôi sẽ chết đói vì tôi không có giấy tờ. Tôi không được quyền sống ở Anh. Anh ta cứ ném tấm thẻ visa vào mặt tôi và bảo tôi đọc nội dung ở mặt sau tấm thẻ, trong đó nói rằng tôi sẽ không được hỗ trợ hay trợ cấp''.

    Không có gì đảm bảo

    Theo một báo cáo được cơ quan truyền thông LBC đăng tải, một tổ chức có nói rằng: ''Chúng tôi phải thú nhận với những phụ nữ đã đánh đổi tất cả để tìm kiếm sự giúp đỡ, rằng chúng tôi không thể đảm bảo thông tin của các bạn sẽ không bị chuyển cho bên thứ 3, và chúng tôi cũng không đảm bảo rằng các bạn sẽ không bị trục xuất''.

    Vậy thì làm sao có ai dám liều cả tính mạng để ra trình báo. Đó là lý do hầu hết phụ nữ bị bạo hành vẫn phải nhẫn nhục sống trong câm lặng. 

    Nicole Jacobs cho biết một số khảo sát đang được tiến hành để tính toán số nạn nhân bạo hành gia đình không được tiếp cận trợ cấp. Các báo cáo này sẽ được xuất bản trong năm 2022. 

    Viethome (theo workpermit)

  • Người cha có con tật nguyền từng cầu xin các dịch vụ xã hội giúp đỡ trong suốt một năm đã cảnh báo hệ thống nhập cư mới của chính phủ sẽ “phá nát” các gia đình đang phải chăm sóc người thân bị bệnh và tàn tật.

    Dan White, 47 tuổi, là người chăm sóc toàn thời gian cho con gái Emily, 13 tuổi. Cô bé phải sử dụng xe lăn sau khi được chẩn đoán mắc bệnh gai cột sống, một khuyết tật bẩm sinh khi cột sống và tủy sống của thai nhi không phát triển đúng cách.

    Người cha, người cũng đang phải chăm sóc vợ Aimee, 44 tuổi, khi cô đang chờ ca phẫu thuật thoát vị đĩa đệm, nói rằng họ được xếp vào loại “gia đình đang gặp khủng hoảng” - nhưng Dịch vụ Xã hội Hampshire đã nói với họ rằng không ai có thể đến hỗ trợ họ.

    Các chuyên gia đã tuyên bố hệ thống nhập cư dựa trên tính điểm sẽ dẫn đến tình trạng thiếu hụt trầm trọng nhân viên chăm sóc, trong đó nhiều người không thể đáp ứng ngưỡng thu nhập 25,600 bảng và những người khác tự động được phân loại là “không có kỹ năng và không đủ điều kiện để nhập cảnh.”

    Với số lượng người nước ngoài chiếm một phần sáu trong tổng số 840.000 nhân viên chăm sóc ở Anh và còn rất nhiều vị trí bị thiếu người, Dan cảnh báo rằng các gia đình Anh “không được trang bị” để chăm sóc người thân bị bệnh và sẽ dẫn đến “những hậu quả nghiêm trọng.”

    Anh bày tỏ: “Trong một tình huống lý tưởng, biên giới nhập cư cho những người lao động có tay nghề thấp sẽ rộng mở, chúng tôi sẽ có nhiều người chăm sóc hơn mức cần thiết và ai đó sẽ gõ cửa nhà tôi nói rằng ‘Hôm nay chúng tôi có thể giúp gì? Làm thế nào chúng tôi có thể ổn định tâm lý cho bạn? Làm thế nào chúng tôi có thể giúp bạn đi đúng hướng?’

    “Nhưng quy định này sẽ không làm điều đó. Nó sẽ càng khiến chúng tôi chật vật hơn. Những gia đình như chúng tôi không bao giờ được nghĩ tới, chúng tôi sống trong bóng tối, chúng tôi bị cô lập, cuộc sống của chúng tôi không bao giờ được coi trọng, cuộc sống của con cái chúng tôi không bao giờ được nhắc đến.

    “Đó là nỗi xấu hổ cho cả quốc gia. Nếu tất cả chúng ta đột nhiên ngừng làm những gì chúng ta cần làm, hệ thống y tế sẽ nổ tung. Chúng tôi cần sự giúp đỡ. Chúng tôi cần người nhập cư EU. Chúng tôi cần, như họ nói, những người lao động có tay nghề thấp.”

    Sau khi chăm sóc hai thành viên gia đình 24/7, bên cạnh công việc bán thời gian cho tổ chức từ thiện của trẻ em, Dan đã phải vật lộn với sức khỏe tâm thần của chính mình và nói rằng chính phủ không biết gì về các kỹ năng cần thiết cho công việc chăm sóc.

    Anh nói: “Mọi người dường như luôn nghĩ rằng công việc chăm sóc cũng kéo dài trong tám tiếng. Không hề. Nó trải dài suốt 24 giờ. Bạn phải ngủ với một mắt mở, đặc biệt là với một đứa trẻ hoặc người già có nhu cầu thể chất phức tạp.

    “Mặt nạ oxy Emily có thể tắt, báo thức có thể tắt, bạn phải hỗ trợ uống thuốc, bạn phải hỗ trợ vật lý trị liệu, bạn phải sẵn sàng 24/7 để cho họ ăn uống. Ngay cả những điều nhỏ nhặt như giữ ấm hoặc giúp họ đi vệ sinh, giữ cho tinh thần của họ lạc quan.

    “Đồng thời, bạn phải giữ cho tinh thần của chính mình hoạt động. Nó là một tình huống dễ gây bùng nổ và nó không dừng lại ở đó.”

    Người cha này không phải là người duy nhất tin rằng gia đình anh sẽ phải vật lộn để chăm sóc người thân.

    Nhân viên chăm sóc Dave Jacomb, 65 tuổi, làm việc bán thời gian với người già và những người mắc chứng mất trí nhớ, tin rằng “gánh nặng sẽ quay trở lại với xã hội” - nhưng ông không biết liệu các gia đình có thể đáp ứng nổi không vì họ không biết "điều gì đang chờ họ ở nhà".

    Cựu hiệu trưởng, đến từ Newcastle Upon Tyne, nói: “Đó là một trong những vấn đề nan giải lớn, ai sẽ chăm sóc những người này? Nếu gia đình không chăm sóc người thân của họ, ai sẽ làm việc đó?”

    “Một số người cần chăm sóc ở giai đoạn cuối đời, trong những ngày và giờ cuối cùng trong cuộc đời họ, vì vậy bạn có thể phải thực hiện rất nhiều quy trình phức tạp và khá nhạy cảm. Bạn phải chịu rất nhiều trách nhiệm và tiền lương chắc chắn không phản ánh điều đó.”

    Với hệ thống nhập cư mới bắt đầu có hiệu lực vào đầu năm 2021, Dale Maskell, CEO của Age UK Cheshire, nói rằng đất nước rất cần phải “có một cuộc thảo luận về tương lai của hệ thống chăm sóc xã hội.”

    Anh nói: “Tôi nghĩ rằng các cơ sở chăm sóc không phải là vấn đề duy nhất mà chúng ta cần phải suy nghĩ bởi vì rất nhiều sự chăm sóc cần được cung cấp trong cộng đồng từ những người chăm sóc tại nhà hay trong các khu nhà ở được hỗ trợ. Nó là một lĩnh vực hoàn chỉnh.

    “Nếu chúng ta không tuyển người vào các vai trò đó, các thành viên trong gia đình có thể phải đảm nhận nhiều vai trò hơn. Nhưng thực ra, điều đó có thể không? Đó có phải là thực tế cho mọi người?

    “Có rất nhiều người có cuộc sống rất bận rộn và liệu họ có sẵn sàng nhận thêm trách nhiệm? Và họ có nên nhận hay không?”

    Hội đồng hạt Hampshire cho biết: “Chúng tôi cung cấp nhiều hỗ trợ để đáp ứng nhu cầu của cả trẻ em và người lớn. Những hỗ trợ này được phân phối thông qua sự kết hợp giữa nhân viên nội bộ của chúng tôi và các đơn vị cung cấp tư nhân độc lập mà chúng tôi ủy thác.

    “Chúng tôi sẽ tiếp tục đầu tư vào tuyển dụng và giữ chân nhân viên để đảm bảo chúng tôi có khả năng cung cấp sự hỗ trợ mà trẻ em và người lớn dễ bị tổn thương ở Hampshire cần. Chúng tôi liên hệ với các gia đình liên quan để xác định các lựa chọn hỗ trợ phù hợp nhất đáp ứng nhu cầu cụ thể của họ. Ngoài ra, bất cứ ai chăm sóc người bệnh và cần hỗ trợ đều có thể yêu cầu tìm người chăm sóc và thông tin về quy trình này có sẵn trên trang web của chúng tôi..”

    Bộ Nội vụ chưa đưa ra bình luận về vấn đề này nhưng cho biết nhân viên chăm sóc cấp cao đạt tiêu chuẩn sẽ được nhập cư vào Anh.

    Bộ cũng cho hay họ đang làm việc cùng các nhà tuyển dụng trong lĩnh vực chăm sóc để đảm bảo số lượng nhân viên đáp ứng được nhu cầu ngày càng tăng, đồng thời cấp cho các hội đồng thêm 1.5 tỷ bảng chi phí chăm sóc xã hội trong năm 2020-21.

    VietHome (Theo Metro)

  • Bộ trưởng Nội vụ đã thừa nhận rằng cha mẹ bà sẽ không được phép vào Anh theo các quy tắc nhập cư mới của chính bà.

    Bà Priti Patel đã cố gắng né tránh câu hỏi trong một cuộc phỏng vấn trên đài phát thanh khi bà cố gắng nhấn mạnh vào quan điểm của Đảng Bảo thủ cho rằng Vương quốc Anh muốn “lấy lại quyền kiểm soát” và cắt giảm lao động “giá rẻ” từ EU.

    Gia đình Patel đã đến Vương quốc Anh từ Uganda trong những năm 1960 và thiết lập một chuỗi các công ty báo chí.

    Họ đến trước sự kiện nhà độc tài Idi Amin trục xuất người châu Á ở Uganda xảy ra vào năm 1972, khiến 60.000 người di cư đến Vương quốc Anh.

    Trong cuộc phỏng vấn với MC Nick Ferrari trên LBC, vị MC này nhấn mạnh cha ông cũng là người nhập cư và sẽ không thể đến được Anh nếu tính theo thang điểm mới của bà Patel.

    Ông nói rằng theo các quy tắc được đề xuất, “bà cũng không thể có mặt ở đây để rồi trở thành Bộ trưởng Nội vụ.”

    Bà đáp: "Vâng, nhưng cũng đừng quên chúng tôi không thay đổi cách tiếp nhận người tị nạn và người xin tị nạn, rất khác với hệ thống tính điểm dành cho người muốn làm việc."

    Ông Ferrari, một người Anh gốc Ý, nói gia đình của cha ông đang hoạt động trong lĩnh vực cung cấp thực phẩm và có lẽ không đạt được 70 điểm cần thiết để đủ điều kiện đến Vương quốc Anh từ tháng 1 năm sau.

    Ông nói: “Tôi không biết liệu tôi có thể đến được đất nước này theo những quy tắc mới. Bà thì sao, cả cha mẹ của bà nữa?”

    Bà Patel trả lời: “Đây không phải là vấn đề về gốc gác của tôi hoặc bố mẹ tôi.”

    Nhưng ông Ferrari tiếp tục nói thêm: “Nhưng chuyện này khá thú vị, liệu họ có đủ điều kiện không? Cha mẹ của bà, theo tôi được biết, đến từ Uganda và rất thành công trong lĩnh vực tin tức. Họ hẳn có đủ điều kiện, phải không?”

    Bà Patel tiếp tục cố gắng chỉ ra rằng chương trình mới sẽ cho điểm bổ sung đối với các lĩnh vực đang thiếu hụt lao động có trình độ.

    Nhưng ông Ferrari đã kết luận: “Nó rất thú vị, phải không? Theo hệ thống của bà, tôi sẽ không thể ngồi trong phòng thu của mình còn bà sẽ không làm Bộ trưởng Nội vụ, tại một trong những văn phòng lớn nhất trên đất nước này.”

    Chính phủ đã phải đối mặt với phản ứng dữ dội liên quan đến kế hoạch nhập cư mới hậu Brexit, kế hoạch được coi là có mục đích "lấy lại quyền kiểm soát biên giới của chúng ta."

    Kế hoạch này là thay đổi chính sách lớn nhất trong 50 năm qua và được xây dựng dựa trên hệ thống kiểu Úc, tính điểm dựa trên kỹ năng ngôn ngữ, trình độ học vấn, lương và lĩnh vực thiếu hụt lao động.

    Một loạt các nhà lãnh đạo doanh nghiệp cáo buộc đảng Bảo thủ đã không đánh giá được tác động của những cải cách này đối với nền kinh tế.

    Có những lo ngại đặc biệt về ảnh hưởng của nó đối với các ngành chăm sóc sức khỏe, vận chuyển và nông nghiệp, những lĩnh vực đang phải phụ thuộc vào nguồn nhân lực EU.

    Các đề xuất yêu cầu mỗi lao động nước ngoài phải đạt được 70 điểm để đủ điều kiện ở lại và một số điểm nhất định cho mỗi trình độ hoặc kỹ năng.

    Những người có khả năng kiếm được ít nhất 25.600 bảng sẽ được tính 20 điểm còn những người chỉ kiếm được số tiền tối thiểu 20.480 bảng sẽ không được tặng thêm điểm nào.

    Hai mươi điểm cũng được dành cho những người có “cấp độ kỹ năng phù hợp” và 20 điểm khác cho những người nói tiếng Anh “ở cấp độ bắt buộc.”

    Ngưỡng lương hiện tại của Anh cho những người di cư có tay nghề từ bên ngoài EU là 30.000 bảng.

    Những người có việc làm trong lĩnh vực thiếu hụt lao động cũng sẽ kiếm được 20 điểm và người có bằng tiến sĩ trong các lĩnh vực khác nhau sẽ có 10 hoặc 20 điểm.

    “Ứng viên sẽ có thể ‘đánh đổi’ các lợi thế như có lời mời làm việc cụ thể và bằng cấp để bù cho mức lương thấp hơn,” chính phủ đề xuất.

    Bà Patel đã bác bỏ những lo ngại về tình trạng thiếu hụt, nói rằng đã đến lúc các doanh nghiệp Anh đầu tư vào việc đào tạo “một trong số 8 triệu người” trong độ tuổi lao động đang không làm ra kinh tế ở Anh.

    Con số đó bao gồm hàng triệu sinh viên, những người đã nghỉ hưu sớm, những người bệnh lâu năm và những người chịu trách nhiệm chăm sóc gia đình.

    Bài liên quan: Kiểm tra xem bạn có đạt được thang điểm của nội vụ

    VietHome (Theo Metro)

  • Sau Brexit, Anh sẽ áp dụng luật đặt thang bậc 70 điểm nhận lao động có tay nghề nhập cư với trình độ tiếng Anh được 10 điểm.

    Anh sẽ không cấp giấy phép lao động cho nghề phục vụ.

    Dù luật về lao động nhập cư đã được nêu trong Diễn văn khai mạc Nghị viện Anh hồi tháng 12/2019, chính phủ Anh nay mới chính thức công bố văn bản về chính sách nhập cư hậu Brexit.

    Quy chế mới này, áp dụng từ 2021, khi Anh hết thời kỳ chuyển tiếp năm nay đã học theo cách tính điểm của Úc, Canada và New Zealand nhưng không giống hẳn.

    Anh sẽ đề ra bảng 70 điểm, gồm cả điểm cho trình độ nói và sử dụng tiếng Anh trong ngành nghề mà Anh cần.

    Cho tới nay, công dân EU vào Anh có thể làm việc mà không cần chứng nhận biết nói tiếng Anh vì mọi ngôn ngữ của các nước thành viên EU được công nhận bình đẳng.

    Hệ thống điểm sốmới để cấp visa lao động vào Anh gồm ba phần:

    - Phần bắt buộc gồm:

    Giấy mời và hợp đồng lao động từ chủ lao động: 20 điểm
    Tay nghề được công nhận: 20 điểm
    Tiếng Anh ở trình độ cần thiết cho nghề đó: 10 điểm

    - Phần về thu nhập tối thiểu:

    £20,480 - £23,039 bảng Anh/năm: 0 điểm
    £23,040 - £25,599 bảng Anh/năm: 10 điểm
    Từ £25,600 bảng Anh/năm trở lên: 20 điểm

    - Phần cho thêm điểm:

    Nghề trong lĩnh vực Anh đang thiếu: 20 điểm
    Bằng tiến sĩ (PhD) cho nghề cần tuyển: 10 điểm
    Bằng tiến sĩ trong bộ môn STEM: 20 điểm

    Một ví dụ về cách tính điểm theo bảng điểm nhập cư vào Anh.

    Nhìn chung, có ba nhóm điểm chuẩn chính là trình độ tay nghề, mức lương trong giấy mời tới Anh làm việc, và nhu cầu công việc cụ thể trên thị trường lao động tại Anh.

    Nói ngắn gọn thì Anh Quốc muốn giảm số lao động phổ thông, tay nghề thấp (lower-skilled workers), và hướng tới nhân công có tay nghề cao.

    Theo báo Times ở London, chính phủ Anh muốn "8 triệu người đang không hoạt động kinh tế gì" (economically inactive) ở nước này nhận các công việc thay cho nhân công từ EU".

    Bộ Nội vụ Anh, cơ quan phụ trách Cục di trú, áp dụng quan điểm rằng sau khi chấm dứt tự do đi lại, cư trú với công dân EU, các doanh nghiệp Anh cần tự thích ứng vì sẽ không còn nguồn lao động thu nhập thấp từ EU nữa.

    Bộ trưởng Nội vụ, bà Priti Patel nói "hệ thống mới này nhằm mời gọi các tài năng sáng nhất, tốt nhất đến cho nước Anh".

    Theo Bộ Nội vụ, công ty tuyển lao động cần tránh phụ thuộc vào nguồn nhập cư, mà phải đầu tư vào nhân công đã tuyển dụng để giữ chân họ, cũng như đầu tư vào công nghệ cao, tự động hóa.

    Ngoài ra, chừng 3,2 triệu công dân EU đã xin ở lại Anh sẽ giúp bổ sung nhân công vào thị trường lao động, theo cách nhìn nhận của chính phủ Anh.

    Quan điểm này hiện gặp phải ít nhiều chỉ trích từ các giới.

    Còn về nhu cầu lao động vụ mùa, chủ yếu trong thu hoạch rau quả, chính phủ Anh tăng quota lên 10 nghìn giấy phép một năm, và đưa ra thỏa thuận "di chuyển cho thanh niên" (youth mobility arrangements) để chừng 20 nghìn người trẻ có thể tới Anh làm việc mỗi năm.

    Việc cần có hệ thống thang điểm rõ ràng không chỉ giúp Anh đủ nhân công cho nền kinh tế mà còn gián tiếp làm giảm dòng người nhập cư lậu, theo các nhà quan sát.

    Vụ 39 người Việt chết trong xe thùng trên đường vào Anh hồi tháng 10/2019 đã gây ra cuộc tranh luận tại Anh, kể cả trong Quốc hội, về hành lang pháp lý cho lao động vào Anh chính thức, hợp pháp.

    Một chính sách nhập cư rõ ràng cho người ngoài EU có thể giúp tránh thảm họa di cư trái phép, vừa nguy hiểm, vừa gây ra các vấn đề thuế, hình sự cho Anh.

    Đối với người từ ngoài EU, thì quy chế tuyển dụng lao động vào Anh là dễ dãi hơn trước, theo Danny Shaw, phóng viên chuyên về nội vụ của BBC News.

    Nhưng với công dân EU sang Anh thì chế độ mới này sẽ "là cú sốc", ông Danny Shaw viết.

    "Họ vốn đã quen di chuyển tự do giữa Anh và lục địa châu Âu, nên quy chế mới này là cú sốc".

    Theo ông Danny Shaw, luật mới cho người EU sang thăm viếng Anh tới sáu tháng nhưng nếu muốn ở lại làm việc thì họ phải xin giấy phép lao động bình thường và phải đạt 70 điểm trong thang bậc đánh giá của Cục di trú.

    "Sẽ không có giấy phép lao động cấp cho các nghề phục vụ, tay chân như làm dọn dẹp nhà hành, khách sạn, nhà dưỡng lão, chế biến nông sản."

    Tuy thế, quy chế mới cũng cho vào hạng mục 'lao động có tay nghề' (skilled workers) các nghề như thợ mộc, thợ nề và trông trẻ.

    Vấn đề là quy chế mới này có đủ để bù vào thiếu hụt của thị trường lao động, hay sẽ buộc các công ty "phải dọn đi làm ăn nơi khác?", ông Shaw đặt câu hỏi.

    Theo BBC Tiếng Việt

  • Nghiên cứu mới ước tính rằng hơn 100.000 trẻ em đang sống ở London mà không có tình trạng nhập cư ổn định, mặc dù hơn một nửa trong số các em được sinh ra ở Anh.

    Trẻ em không có giấy tờ có thể phải đối mặt với các vấn đề liên quan đến tiếp cận giáo dục đại học, chăm sóc sức khỏe, mở tài khoản ngân hàng, xin giấy phép lái xe, nhà ở và công việc. Phát hiện này đã bị thị trưởng London, Sadiq Khan lên án, là một sự ô nhục đối với quốc gia.

    Nghiên cứu, được ủy quyền bởi thị trưởng và thực hiện bởi Đại học Wolverhampton, ước tính rằng có khoảng 107.000 trẻ em và 26.000 người từ 18 đến 24 tuổi ở London không có giấy tờ. Khi một đứa trẻ không có giấy tờ bước sang tuổi 18, các em phải đối mặt với nguy cơ bị trục xuất tới một đất nước mà các em có thể chưa bao giờ đặt chân đến.

    Những người không có giấy tờ có thể bao gồm những người đến Vương quốc Anh với các tài liệu phù hợp nhưng lưu lại quá thời gian được phép, những người nhập cảnh mà không có giấy tờ phù hợp, trẻ em bị buôn bán, trẻ vị thành niên không có người thân tạm thời bị rút quyền lưu trú cho đến tuổi trưởng thành và những người trẻ tuổi sinh ra bởi cha mẹ không có giấy tờ.

    Nghiên cứu cho thấy hơn một nửa số trong số 674.000 người lớn và trẻ em không có giấy tờ đang sống ở London. Chưa kể số lượng thanh niên không giấy tờ có thể tăng đáng kể nếu tính cả 350.000 thanh niên quốc tịch châu Âu ở Anh không được hỗ trợ để đăng ký EU Settlement Scheme, cho phép họ ở lại sau Brexit.

    Đánh giá quy mô dân số Anh không có giấy tờ chắc chắn là một quá trình đầy thách thức, vì không có dữ liệu chính thức và việc này yêu cầu phải tính đến những người nằm bên ngoài hầu hết các hệ thống chính thức. Thay vào đó, báo cáo đã xem xét nghiên cứu trước đó và phân tích tất cả các dữ liệu có sẵn để đưa ra một ước tính tương đối chính xác. Nghiên cứu cho thấy rằng số lượng trẻ em di cư không có giấy tờ đã tăng 56% trong khoảng thời gian từ tháng 3 năm 2011 đến tháng 3 năm 2017.

    Báo cáo nhấn mạnh chi phí cao của quy trình hợp pháp hóa tình trạng nhập cư. Vụ bê bối Windrush đã vạch trần những rào cản đối với những người sống ở Anh trong nhiều năm, bao gồm một quy trình nộp đơn phức tạp, thiếu nhận thức về hệ thống, cắt giảm trợ giúp pháp lý và chi phí nộp hồ sơ cao - mà tòa án tối cao đã phán quyết là "bất hợp pháp", báo cáo cho biết. Từ năm 2012, chỉ có 10% gia đình có trẻ em không có giấy tờ ở Anh nộp đơn xin bảo đảm tình trạng nhập cư của họ.

    Phát hiện này trùng với kết quả nghiên cứu của nhóm chiến dịch Let us Learn được công bố năm ngoái, cho thấy chi phí gia hạn hồ sơ xin cư trú có thời hạn tăng 238% trong năm năm - từ £601 mỗi người năm 2014 lên £2.033 vào tháng 1 năm 2019. Tổ chức đã chứng kiến ​​các trường hợp cha mẹ bị buộc phải chọn một loại tình trạng nhập cư trẻ em nhất định mà họ có đủ khả năng để chi trả, và họ không có đủ tiền để trả phí cho cả gia đình.

    Ông Khan nói: “Thật là một sự ô nhục của quốc gia khi có hàng trăm ngàn thanh thiếu niên London bị từ chối cơ hội tìm đến một tương lai an toàn trong thành phố của chúng ta và luôn phải sống trong nỗi sợ hãi bị trục xuất do chính sách nhập cư thù địch của chính phủ. Những người trẻ tuổi này, nhiều người sinh ra ở Anh, thường không thể tiếp cận với giáo dục đại học hoặc công việc, thuê nhà hoặc mở tài khoản ngân hàng, và những con số này sẽ tăng lên đáng kể khi Anh rời khỏi EU.”

    Kamena Dorling, người đứng đầu mảng chính sách của tổ chức từ thiện trẻ em Coram, cho biết: “Chính sách nhập cư và quốc tịch của Vương quốc Anh đang làm tổn hại đến một số lượng đáng kể trẻ em lớn lên ở Anh. Những đứa trẻ này lớn lên trong tình trạng lấp lửng thay vì trở thành công dân hợp pháp tại quốc gia mà các em coi là nhà. Không có hệ thống công dân và nhập cư nào có thể được coi là thành công nếu loại trừ nhiều trẻ em và thanh thiếu niên khỏi tình trạng nhập cư hợp pháp.”

    Người phát ngôn của Bộ Nội vụ cho biết: “Chúng tôi không công nhận số liệu được trích dẫn trong báo cáo. Có một loạt các phương án và các tùy chọn có sẵn cho mọi người ở mọi lứa tuổi để hợp pháp hóa tình trạng nhập cư của họ, bao gồm cả những đứa trẻ đã sống ở Anh trong phần lớn cuộc đời mình.

    “Chúng tôi không đồng ý với quan điểm cho rằng việc rời khỏi EU sẽ làm tăng số lượng trẻ em không có giấy tờ. Chương trình EU Settlement Schome cho phép mọi người, bao gồm cả trẻ em, nộp đơn mà không cần giấy tờ tùy thân nếu họ có lý do ngoài tầm kiểm soát của bản thân.”

    VietHome (Theo Guardian)

  • Nữ hoàng Elizabeth II vừa đọc diễn khai mạc nhiệm kỳ Quốc hội Anh, đề ra các luật gồm hệ thống chấm điểm để nhận di dân có tay nghề.

    Lễ khai mạc Quốc hội Anh tại Điện Westminster, London hôm 19/12/2019 đã gồm nhíều nghi lễ cổ xưa.

    Nữ hoàng đi từ Điện Buckingham, trụ sở tại London của bà, tới Quốc hội bằng xe hơi, không đi xe ngựa như các kỳ trước.

    Năm nay, Nữ hoàng Elizabeth II và con trai trưởng, thái tử Charles làm lễ khai mạc Quốc hội Anh nhiệm kỳ 2019-24. 

    Các năm trước, chồng của Nữ hoàng là Hoàng tế Philip dự lễ nhưng gần đây ông đã rút khỏi các hoạt động công vì tuổi cao.

    Nữ hoàng Elizabeth II và con trai trưởng, thái tử Charles trong lễ khai mạc Quốc hội Anh nhiệm kỳ 2019-24. Ảnh: Getty

    Sau lễ trọng thể với các vị thành viên Thượng viện được bổ nhiệm và Hạ viện (trúng cử), vị nguyên thủ quốc gia Anh đã đọc bài diễn văn, gọi là 'Queen's Speech'.

    Đây là văn bản nêu nghị trình do chính phủ đương nhiệm của đảng Bảo thủ Anh và thủ tướng Boris Johnson đề ra.

    Vương miện Anh được chuyển đến Điện Westminster trước lễ khai mạc nghị viện. Ảnh: PA Media

    Y tế, y tế và di dân

    Diễn văn nêu ra cam kết bằng luật về khoản đầu tư 33,9 tỷ bảng Anh cho Hệ thống Y tế Quốc gia (NHS) trong các năm 2023-24.

    Ngoài ra là bảy luật liên quan đến quá trình Anh rút khỏi Liên hiệp châu Âu (Brexit).

    Dự kiến ngay ngày hôm sau, 20/12, Quốc hội Anh sẽ bỏ phiếu thông quan luật Brexit để Anh rời EU ngày 31/01/2020.

    Nhưng diễn văn của Nữ hoàng còn nêu 30 dự luật nữa để Quốc hội lần lượt bỏ phiếu trong những tuần tới.

    Về di dân, Anh sẽ có luật định ra hệ thống nhập cư theo thang điểm (points-based immigration system), nhằm đón nhận công nhân viên có tay nghề.

    Trong hàng chục ngành nghề Anh đang cần nhân công thì y tế luôn đứng đầu danh sách.

    Chế độ thị thực mới sẽ đảm bảo để ngành y tế, "nhận được bác sĩ, y tá, chuyên gia y tế có tay nghề" qua thủ tục nhanh gọn (fast-track entry).

    Thời gian qua, bất ổn liên quan đến Brexit tạo mối lo rằng công nhân viên có tay nghề, nhất là chuyên gia y tế từ các nước EU sẽ bỏ về, hoặc không đến Anh nữa.

    Thủ tướng Boris Johnson nêu ra một loạt chương trình đầu tư cải tổ, gồm cả hệ thống thang điểm cho người nhập cư có tay nghề. Ảnh: Getty

    Chính sách mới này nêu ra thông điệp và biện pháp để tiếp tục đảm bảo ngành y tế Anh không thiếu nhân viên.

    Mặt khác, nạn di dân lậu vẫn xảy ra, với người từ Việt Nam, Iran, Iraq, Afghanistan, châu Phi...vào Anh bằng các tuyến đường nguy hiểm.

    Điều này đặt ra nhu cầu chọn lọc để người có tay nghề vẫn vào Anh làm việc hợp pháp, và người không có tay nghề thì khó vào hơn.

    Về môi trường, chính phủ Anh cũng cam kết đạt mục tiêu không cân bằng khí thải CO2 vào năm 2050.

    Theo BBC Tiếng Việt

  • Thủ tướng Anh Boris Johnson hứa sẽ giảm tỷ lệ nhập cư nếu đảng của ông giành chiến thắng trong cuộc bầu cử diễn ra ngày 12/12 tới.

    Theo Reuters, trong sự kiện công bố chiến dịch tranh cử ở Kent, Thủ tướng Johnson cam kết sẽ siết chặt tỷ lệ nhập cư vào Anh nếu ông đắc cử, và đưa nước Anh rời khỏi EU.

    "Số người nhập cư sẽ giảm xuống, chúng ta sẽ kiểm soát hệ thống theo cách đó. (Cần dừng) cách tiếp cận không kiểm soát và không hạn chế với vấn đề này", ông Johnson cho biết.

    Trọng tâm của chiến lược này, theo ông Johnson, là cắt giảm nhập cư đối với lao động trình độ thấp hoặc không có kỹ năng, nhưng mở rộng phạm vi cho lao động có trình độ và nhân công tay nghề cao đến Anh làm việc.

    Tuy nhiên, ông Johnson cũng khẳng định sẽ không có thái độ thù địch với việc nhập cư nói chung.

    Thủ tướng Anh Boris Johnson trong sự kiện công bố chiến dịch tranh cử của ông và đảng Bảo thủ cho cuộc bầu cử sắp tới, slogan của chiến dịch lần này là "Đưa nước Anh rời khỏi số N". Ảnh: Reuters.

    "Tôi không thù ghét việc nhập cư... Tôi là một người tin vào việc cho phép mọi người đến đất nước này, và tôi nghĩ rằng nếu họ có những tài năng phù hợp, để kiếm sống ở Vương quốc Anh và đóng góp cho nước ta, đó là điều tuyệt vời", ông Johnson nói.

    Đối thủ chính của ông Johnson trong cuộc bầu cử hôm 12/12 tới sẽ là lãnh đạo Công đảng Jeremy Corbyn, mới đây ông Corbyn đã công bố tài liệu mật cho thấy chính quyền của ông Johnson đã có đàm phán sơ bộ với chính quyền ông Trump về một thỏa thuận thương mại Mỹ - Anh hậu Brexit, trong đó có tin về việc NHS - dịch vụ y tế quốc gia cho toàn bộ người dân Anh - vốn được coi là tốt nhất thế giới - sẽ được tư nhân hoá. Điều này khiến mọi người lo ngại về sự tham gia của các công ty dược Mỹ làm giá thuốc và dịch vụ y tế gia tăng.

    Tuy nhiên, trong các thăm dò mới nhất, đảng Bảo thủ và ông Johnson vẫn đang dẫn trước ông Corbyn và Công đảng về tỷ lệ ủng hộ, dù khoảng cách đang có xu hướng thu hẹp dần.

    Cũng trong sự kiện ở Kent hôm 8/12, khi được hỏi về điều tội lỗi nhất mình từng làm, ông Johnson thú nhận từng đi xe đạp trên vỉa hè.

    Theo Zing

  • Số lượng người di cư có thể sẽ tăng vọt lên gấp ba lần mức hiện tại nếu chính sách biên giới mở của đảng Lao động được áp dụng, đảng Bảo thủ cho biết.

    Bà Priti Patel đã cảnh báo các cử tri rằng “số lượng người nhập cư sẽ tăng mạnh” nếu đảng Lao động cầm quyền vì ông Jeremy Corbyn không đưa ra được kế hoạch đáng tin cậy.

    Đảng Bảo thủ tuyên bố nếu đảng Lao động tăng cường quyền tự do di chuyển đối với phần còn lại của thế giới thì số lượng người di cư hàng năm sẽ tăng vọt lên mức 840.000 người mỗi năm trong thập kỷ tới.

    Con số này tương đương với dân số của Manchester và Newcastle.

    Bà Patel, Bộ trưởng Nội vụ, nói: “Jeremy Corbyn không có kế hoạch đáng tin cậy để giải quyết hậu quả của chính sách biên giới mở. Rủi ro lớn nhất đối với NHS chính là kế hoạch cho việc nhập cư không kiểm soát và không giới hạn của ông Corbyn.

    "Chúng tôi sẽ giảm mức nhập cư nói chung trong khi cởi mở và linh hoạt hơn với những lao động có tay nghề cao mà chúng ta cần, chẳng hạn như các nhà khoa học và bác sĩ.

    "Điều này chỉ có thể xảy ra nếu mọi người bỏ phiếu cho một chính phủ Bảo thủ chiếm đa số, để chúng ta có thể rời khỏi EU với một thỏa thuận.”

    Theo phía Bảo thủ, những người nhập cư sẽ được phép vào Vương quốc Anh theo một hệ thống tính điểm như của nước Úc – trong đó quyền tự do di chuyển sẽ bị loại bỏ hoàn toàn.

    Bộ trưởng Nội vụ Priti Patel

    Bà Patel trình bày trước hội nghị của đảng hồi tháng trước rằng điều này sẽ cho phép Anh "lấy lại quyền kiểm soát".

    Giám đốc công đoàn Len McClusky đã cảnh báo ông Corbyn rằng ông phải từ bỏ chính sách biên giới mở nếu ông có bất kỳ cơ hội nào để giành chiến thắng trong cuộc bầu cử.

    Ông McClusky cho biết đây không phải là “một cách tiếp cận hợp lý”.

    Ông bày tỏ: "Theo quan điểm của tôi, việc gia tăng quyền tự do di chuyển là hoàn toàn sai lầm, trừ khi bạn có quy định thị trường lao động chặt chẽ hơn".

    Nhưng ông Corbyn đã đáp trả và tiếp tục bảo vệ quyền tự do di chuyển của EU, khẳng định cần phải khắc phục tình trạng thiếu việc làm trong NHS và các ngành nghề khác.

    Và trong cuộc nội chiến gay gắt về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Y tế đảng đối lập Jon Ashworth nói rằng tự do di chuyển nên được duy trì vì nguồn nhân lực của NHS đã luôn phụ thuộc và tình hình di cư.

    Phân tích của đảng Bảo thủ về tác động của tự do di chuyển đối với tăng trưởng dân số hậu Brexit cho biết lượng di cư ròng từ EU sẽ tiếp tục tăng theo mức hiện tại, tương đương khoảng 260.000 người mỗi năm – ngang mức dân số của Brighton.

    Nhưng phân tích cũng chỉ ra rằng chính việc mở rộng tự do di chuyển sẽ tạo ra tác động lớn nhất đến tăng trưởng dân số của Vương quốc Anh.

    Đảng Bảo thủ cho biết họ đã sử dụng các số liệu và phương pháp của chính phủ để tính toán rằng dựa trên các xu hướng hiện tại, việc mở rộng tự do di chuyển cho tất cả người di cư sẽ tăng tổng số người tới Anh lên mức 840.000 - tăng gấp ba lần mức hiện tại.

    Đảng này khẳng định phân tích của họ là “vô cùng thận trọng” và dựa trên giả định thấp nhất về dòng người di cư.

    VietHome (Theo The Sun)

  • Vương quốc Anh đang tiếp tục trình bày các kế hoạch chuẩn bị cho việc rời Liên minh châu Âu (EU), Brexit, trong đó có vấn đề nhập cư Anh.

    Theo lời Bộ trưởng Nội các Gove ngày 17-11, chính quyền Bảo thủ sẽ giới thiệu một bộ phương pháp siết chặt hệ thống nhập cư, bao gồm dịch vụ y tế du lịch.

    Ông Gove cam kết sẽ "khiến luật nhập cư hiệu quả cho mọi người" bằng một cuộc cải tổ các chốt kiểm soát sau khi luật tự do đi lại với châu Âu chấm dứt sau Brexit.

    Theo đó nếu đảng của ông Gove thắng vào ngày 12-12, ưu tiên lớn nhất là sẽ tác động lên các dịch vụ của Hệ thống Y tế công (NHS) đối với du khách nước ngoài, những người vốn bị xem đang sử dụng dịch vụ của NHS bằng tiền thuế trung bình 625 bảng/lần của công dân Anh, tức gần 15 triệu đồng tiền Việt Nam.

    Bộ trưởng Nội các Anh Michael Gove - Ảnh: REUTERS 

    Hiện người ngoài EU tới Anh có nhiệm vụ phải trả 400 bảng tiền phí. Tuy nhiên, dân EU ở Anh thì được điều trị y tế miễn phí.

    Theo kế hoạch của Đảng Bảo thủ tới đây, sau Brexit tất cả người nước ngoài bao gồm công dân EU đều phải trả 625 bảng/lần sử dụng, và việc này có thể giúp NHS thu thêm 500 triệu bảng/năm.

    Viết trên Daily Mail ngày 17-11, ông Gove cho rằng thật không đúng đắn nếu những công dân châu Âu như Bulgaria và Slovenia có thể không bị kiểm soát biên giới và được tự động hưởng quyền lợi khi đến Anh, còn công dân Bangladesh hay Singapore lại không.

    "Tạo ra sự tiếp cận công bằng hơn đối với dịch vụ của NHS là một phần giúp hệ thống nhập cư công bằng hơn trên tổng thể. Đất nước của chúng ta được vững mạnh bằng việc chào đón công dân tài năng trên toàn cầu", ông Gove viết.

    Theo vị bộ trưởng này, nước Anh chào đón lợi ích mà nhập cư mang lại, nhưng việc nhập cư cũng phải được quản lý nếu nó hiệu quả đối với lợi ích của mọi người.

    Theo Tuổi Trẻ

  • Vào ngày 11 tháng 9 năm 2019, Chính phủ Vương quốc Anh đã công bố một lộ trình nhập cư mới cho phép sinh viên quốc tế ở lại Vương quốc Anh trong hai năm sau khi hoàn thành việc học.

    Những điểm chính:

    Lộ trình Nhập cư sau Tốt nghiệp (Graduate Immigration Route) sẽ được áp dụng cho sinh viên quốc tế đã hoàn thành cấp đại học trở lên tại các cơ sở cung cấp giáo dục đại học (Higher Education Provider) và không vi phạm gì trong quá trình học và thi cử. Sinh viên cần có visa Tier 4 hợp lệ tại thời điểm nộp đơn.

    Những ứng viên thành công theo lộ trình này có thể ở lại và làm việc, hoặc tìm kiếm công việc ở Anh ở bất kỳ cấp độ kỹ năng nào trong thời gian tối đa hai năm. Sinh viên tốt nghiệp sẽ có thể chuyển sang dạng visa lao động lành nghề một khi họ đã tìm được công việc phù hợp.

    Lộ trình mới sẽ được ra mắt vào mùa hè năm 2021, có nghĩa là bất kỳ sinh viên đủ điều kiện nào tốt nghiệp vào mùa hè năm 2021 hoặc sau đó đều có thể đăng ký. Các đối tượng bao gồm những sinh viên hiện đã bắt đầu các khóa học. Các trường đại học cũng sẽ có thể thu hút sinh viên bắt đầu từ năm học 2020/21 bằng cách công bố lợi ích này.

    Việc ra mắt lộ trình mới thể hiện sự hỗ trợ của chính phủ đối với ngành giáo dục và cam kết bám sát Chiến lược giáo dục quốc tế với tham vọng tăng giá trị xuất khẩu giáo dục lên 35 tỷ bảng và tăng số lượng sinh viên quốc tế ở cấp đại học lên tới 600.000 người vào năm 2030.

    Lộ trình nhập cư sau tốt nghiệp sẽ yêu cầu sinh viên phải nộp hồ sơ đăng ký mới.

    Quá trình nộp hồ sơ sẽ bao gồm thanh toán lệ phí thị thực và Phụ phí khám sức khỏe nhập cư. Lệ phí chính xác sẽ được công bố trong tương lai gần.

    Những người tốt nghiệp và có visa Tier 4 hết hạn trước khi lộ trình mới được áp dụng sẽ không đủ điều kiện tham gia, tuy nhiên, hầu hết những sinh viên này vốn đã không có ý định hưởng lợi từ lộ trình này khi ban đầu nộp đơn xin học ở Anh.

    Các câu hỏi thường gặp:

    Tại sao lộ trình không được áp dụng sớm hơn?

    Việc phát triển một lộ trình nhập cư mới cần đến thời gian và khuôn khổ đảm bảo để lộ trình có thể hoạt động thành công. Giới thiệu lộ trình vào mùa hè năm 2021 đồng nghĩa với việc tất cả các sinh viên tốt nghiệp vào mùa hè năm 2021 hoặc sau đó sẽ được hưởng lợi, bất kể họ bắt đầu khóa học từ khi nào. Lộ trình này đã được công bố vào tháng 9 năm 2019 để đảm bảo rằng các trường đại học và các bên liên quan có thể thúc đẩy công tác tuyên truyền thu hút sinh viên mới. Nó sẽ cho phép sinh viên quyết định học ở đâu trên cơ sở hiểu rằng họ có thể ở lại Anh để làm việc sau khi hoàn thành việc học.

    Các sinh viên đã đến Anh có thể được hưởng lợi?

    Bất kỳ sinh viên nào hoàn thành khóa học có cấp bằng tại một tổ chức đủ điều kiện vào mùa hè năm 2021 hoặc sau đó đều được nộp đơn. Như vậy, quy định sẽ bao gồm cả các sinh viên đang theo học. Những người có visa Tier 4 hết hạn trước khi lộ trình được áp dụng sẽ không đủ điều kiện, tuy nhiên, những sinh viên này vẫn có thể hưởng lợi từ các điều khoản hào phóng cho phép họ chuyển đổi sang dạng visa lao động lành nghề.

    Các trường đại học sẽ là đơn vị bảo lãnh cho sinh viên muốn xin visa nhập cư sau tốt nghiệp?

    Các cá nhân nộp đơn xin theo Lộ trình Nhập cư sau Tốt nghiệp sẽ không cần người bảo lãnh. Các bên bảo lãnh cho visa Tier 4 trước đó sẽ không cần phải hoàn thành thêm bất kỳ nghĩa vụ bảo lãnh nào cho sinh viên nếu họ chuyển sang Lộ trình Nhập cư sau Tốt nghiệp, và sinh viên sẽ không cần Giấy chứng nhận bão lãnh (CoS) để nộp đơn theo lộ trình này. 

    Lộ trình này có thể dẫn đến định cư?

    Lộ trình này không thể mở rộng và không dẫn đến mục tiêu định cư. Tuy nhiên, sinh viên tốt nghiệp tìm được một công việc phù hợp và đáp ứng các yêu cầu có thể chuyển sang dạng visa lao động lành nghề, một con đường hướng tới định cư.

    VietHome (Theo Home Office Media)

  • Bà Priti Patel cho biết chỉ những người lao động giỏi và biết nói tiếng Anh mới được chào đón sau Brexit.

    Tân bộ trưởng Nội vụ đã đưa ra kế hoạch xây dựng một hệ thống nhập cư tính điểm mới để sử dụng khi Anh rời Liên minh châu Âu.

    Bà nói rằng các quyết định sẽ được đưa ra dựa trên khả năng đóng góp của người xin nhập cư thay vì nguồn gốc xuất xứ của họ và cam kết rằng bà sẽ cứng rắn hơn đối với những người lợi dụng lòng hiếu khách của nước Anh.

    “Chúng tôi ưu tiên hàng đầu những người có kỹ năng tốt nhất và tài năng xuất sắc nhất - để thu hút những người có thể tạo ra giá trị cao nhất cho nền kinh tế của chúng ta.

    “Những người lao động lành nghề đó sẽ chỉ có thể đến đây nếu họ nhận được lời mời làm việc từ một chủ lao động đã đăng ký với Bộ Nội vụ và nếu họ có thể nói tiếng Anh.”

    Nhưng công chúng đã nhanh chóng chỉ ra những thiếu sót của chính sách này.

    Nếu các nước EU như Tây Ban Nha và Pháp cũng chấp nhận lập trường tương tự, hàng triệu người Anh có thể đối mặt với nguy cơ phải trở về nước.

    Một nghiên cứu gần đây của Ủy ban châu Âu dành cho Ngày ngôn ngữ châu Âu cho thấy khả năng sử dụng ngoại ngữ của người dân Vương quốc Anh bị xếp hạng chót.

    Trung bình, gần hai phần ba công dân EU cho biết họ có thể nói ít nhất một ngoại ngữ, nhưng chỉ 34% người Anh có khả năng tương tự.

    Ở đầu kia của bảng xếp hạng, tổng cộng 97% người Thụy Điển và 96% người dân các nước Latvia, Đan Mạch và Lithuania nói rằng họ có thể sử dụng một ngoại ngữ.

    Thậm chí, 45% người dân Phần Lan có thể nói đến ba ngoại ngữ khác nhau.

    VietHome (Theo The London Economic)

     

  • Theo một liên minh của các cơ quan kinh doanh và giáo dục, thủ tướng mới nên hạ thấp ngưỡng lương cho lao động nhập cư từ 30.000 xuống còn 20.000 bảng để tránh tình trạng thiếu lao động có tay nghề.

    Liên minh này bao gồm Hiệp hội Bán lẻ Anh, nhóm vận động kinh doanh London First và Đại học Vương quốc Anh, đã viết thư gửi đến cả ông Boris Johnson và ông Jeremy Hunt để kêu gọi họ cam kết hành động tích cực đối với hệ thống nhập cư nếu họ đắc cử.

    Cùng với việc hạ thấp ngưỡng lương, họ muốn Chính phủ mở rộng lộ trình làm việc tạm thời cho lao động nước ngoài từ một năm lên hai năm và sửa đổi mô hình tài trợ để giúp các công ty thu hút được nguồn nhân lực ngoài nước.

    Họ cũng đang kêu gọi phục hồi chương trình gia hạn visa ở lại làm việc hai năm sau tốt nghiệp cho sinh viên quốc tế.

    Bức thư chung của chiến dịch #FullStrength có đoạn: “Đất nước chúng ta cần một hệ thống nhập cư công bằng và được quản lý tốt, mở cửa đón chào tất cả người lao động đủ trình độ mà nền kinh tế và dịch vụ địa phương của chúng ta rất cần.

    “Hệ thống này cần phải nhận ra lợi ích của các tài năng quốc tế trong khi vẫn đảm bảo kiểm soát đúng đắn để quản lý nhập cư hiệu quả hơn. Đây là yếu tố cần thiết để đảm bảo niềm tin của cộng đồng.

    “Nếu không có khả năng tiếp cận nhân tài quốc tế, nhiều lĩnh vực tầm cỡ thế giới của chúng ta có nguy cơ gặp bất lợi.

    “Trong bối cảnh Anh chuẩn bị rời khỏi EU trong tương lai gần, chính phủ buộc phải đưa ra các biện pháp giúp các nhà tuyển dụng tránh gặp phải khó khăn trong công tác tuyển dụng, và hướng tới xây dựng một nền kinh tế thành công, cởi mở và hấp dẫn.”

    Ủy ban Tư vấn Di cư (MAC) khuyến nghị các ngưỡng lương tối thiểu hiện có vẫn nên được giữ nguyên trong hệ thống nhập cư tiếp theo, bao gồm mức lương ít nhất 30.000 bảng cho người lao động có kinh nghiệm.

    Tháng trước, Bộ trưởng Nội vụ Sajid Javid cho biết ông đã yêu cầu MAC xem xét và tư vấn về ngưỡng lương trước khi những thay đổi có hiệu lực từ năm 2021.

    Liên minh cảnh báo rằng hơn 60% việc làm ở Anh chưa đạt tới ngưỡng lương 30.000 bảng, trong đó có khoảng 30% công việc trong lĩnh vực sản xuất và 23,2% công việc bán lẻ nằm trong khoảng 20.000 - 30.000 bảng.

    Jasmine Whitbread, giám đốc điều hành tại London First, cho biết: “Điều quan trọng là Chính phủ phải làm tất cả những gì có thể để giữ cho đất nước có đầy đủ sức mạnh vào thời điểm bất ổn. Hàng ngàn doanh nghiệp mà chúng tôi đại diện đều hiểu rõ rằng nếu bây giờ chúng ta không có một bước đi táo bạo nào trong việc cải cách nhập cư, tình trạng thiếu hụt tay nghề mà nhiều công ty đang phải đối mặt sẽ trở nên nghiêm trọng hơn.

    VietHome (Theo Leader)