Kế hoạch ''vô nhân đạo'' của Priti Patel bị chính nhân viên UKBA chống đối

Bộ trưởng Nội vụ đang chịu nhiều sức ép khi chính nhân viên của bà đoàn kết với nhau để chống lại chính sách xua đuổi người băng qua eo biển.

Liên đoàn đại diện cho Lực lượng Biên phòng UKBA thông báo họ sẽ tiến hành một thách thức pháp lý chống lại kế hoạch đẩy lùi thuyền di cư của bà Priti Patel. 

Bị chính nhân viên của mình ngáng chân, đây chắc hẳn sẽ là một cú sốc lớn đối với bà Patel. Hiện bà cũng đang bị các đồng minh Bảo thủ chỉ trích nặng nề vì đã không thể xử lý tốt cuộc khủng hoảng di cư. 

Liên đoàn Thương mại và Công cộng (Public and Commercial Services union - PCS) đã hợp tác với Care4Calais và một tổ chức khác để tiến hành thách thức pháp lý, nhằm ngăn chặn kế hoạch xua đuổi thuyền của bà Patel. 

ba pritil patel bi phan doi chinh sach nhap cu

Sự kiện 27 người chết trên eo biển Manche đang gây sức ép lớn, buộc chính phủ phải cân nhắc kế hoạch xua đuổi những chiếc xuồng yếu ớt quay trở về điểm xuất phát ở Pháp. 

Ngày hôm nay (29/11) chính phủ sẽ phải đưa ra câu trả lời. Nếu chính quyền vẫn kiên quyết triển khai chính sách này, PCS và các tổ chức từ thiện khác sẽ tiến hành lôi vụ này ra tòa án pháp lý. Các tổ chức Channel Rescue và Freedom from Torture cũng đã tiến hành những thách thức pháp lý riêng lẽ nhằm chống lại đạo luật. 

Khả năng chiến thắng của một thánh thức pháp lý là dưới 30%, tuy nhiên nếu nhiều bên cùng phối hợp đệ đơn thì chưa biết kết quả sẽ như thế nào.

Thứ Bảy vừa rồi, bà Patel cảnh báo sự thất bại trong việc hợp tác với EU sẽ khiến nhiều người phải chết trên biển hơn. Bà thề sẽ tiếp tục tiến hành việc xua đuổi tàu thuyền, dù Pháp đã không thèm mời bà đến dự cuộc họp với EU để bàn về cuộc khủng hoảng di cư. 

Bộ trưởng Nội vụ các nước Pháp, Hà Lan, Bỉ và Ủy ban châu Âu đã gặp nhau vào hôm Chủ Nhật. Tại đây, Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu Margaritis Schinas tuyên bố nước Anh phải tự giải quyết các vấn đề liên quan đến người di cư sau khi nước này đã rời khỏi Liên minh châu Âu (EU), hay còn gọi là Brexit.

Phát biểu với báo chí trên đảo Kos ở Tây Nam Hy Lạp nhân sự kiện mở lại một trại tập trung người di cư, ông Margaritis Schinas nói: “Anh đã rời khỏi EU. Nên từ giờ Anh phải tự quyết định việc tổ chức kiểm soát, quản lý biên giới của mình như thế nào. Như tôi nhớ không lầm thì khẩu hiệu chính cho chiến dịch trưng cầu ý dân (về Brexit) là ‘chúng ta giành lại quyền kiểm soát’.”

Trước đó, ngày 24/11, 27 người di cư, trong đó có 3 trẻ em, đã thiệt mạng trong một vụ lật thuyền trên vùng biển giữa Anh và Pháp. Đây là thảm kịch tồi tệ nhất kể từ khi eo biển Manche trở thành một tuyến đường của người di cư trốn chạy khỏi nghèo đói và xung đột tại Afghanistan, Iraq và nhiều quốc gia khác khi họ tìm cách sang Anh.

Thảm kịch này đang làm leo thang căng thẳng giữa Anh và Pháp tại thời điểm hai nước vẫn đang bất đồng trong các quy định thương mại và các quyền đánh bắt cá hậu Brexit.

Căng thẳng lại được "đổ thêm dầu vào lửa" khi Tổng thống Pháp Emanuel Macron nhận được bức thư của Thủ tướng Anh Boris Johnson trong ngày 25/11. Phía Pháp cho rằng nội dung bức thư đổ lỗi cho Paris trong thảm kịch 27 người di cư chết đuối nói trên. Tổng thống Emmanuel Macron chỉ trích Thủ tướng Anh là “thiếu nghiêm túc”.

Tuy nhiên, Thủ tướng Anh cho biết trong thư, ông nêu 5 bước mà hai nước có thể thực hiện để tránh có thêm người di cư thiệt mạng khi cố tìm cách vượt eo biển Manche, đồng thời đề nghị Pháp tiếp nhận lại tất cả những người di cư đã vượt qua eo biển này.

Phản ứng với bức thư của ông Johnson, Bộ trưởng Nội vụ Pháp Gerald Darmanin đã hủy các cuộc thảo luận với người đồng cấp Anh Priti Patel được lên lịch vào ngày hôm nay (28/11) và thông báo Bộ trưởng Nội vụ Anh không còn được mời tham dự cuộc họp với các bộ trưởng EU khác.

Trả lời phỏng vấn BBC News, Bộ trưởng Giao thông Anh Grant Shapps nhấn mạnh không quốc gia nào có thể đơn phương giải quyết vấn đề người di cư bất hợp pháp, do đó London hy vọng Paris cân nhắc lại việc hủy lời mời Bộ trưởng Nội vụ Priti Patel tham dự một cuộc họp trên.

Viethome (theo Guardian)