• Theo thông tin rò rỉ từ Bộ Nội vụ, những người di cư mới chuyển đến Anh để làm việc sau Brexit sẽ được cung cấp thông tin tùy thân kỹ thuật số (digital ID) và đơn xin thị thực của họ sẽ được lọc bằng thiết bị "kiểm tra tự động".

    Mỗi người di cư sẽ được cấp chứng nhận "nhập cư cá nhân" kể từ thời điểm họ xin phép đến Vương quốc Anh, và sẽ được "đóng dấu kỹ thuật số" khi họ đi qua biên giới".

    Chứng nhận nhập cư cá nhân, thay thế cho loại giấy phép cư trú sinh trắc học hiện tại, sẽ được "kiểm tra bởi người thuê lao động và các nhà cung cấp dịch vụ công cộng nhằm xác định quyền làm việc và tiếp cận các dịch vụ và phúc lợi tại Vương quốc Anh".

    Những người đã được xem qua bản trình bày kế hoạch dài 16 trang của Bộ Nội vụ, trong đó nêu quy trình xử lý các vấn đề nảy sinh sau khi Anh rời khỏi Liên minh châu Âu, cho biết hệ thống này giống như một dạng "thẻ ID kỹ thuật số".

    "Hiện người đến từ Châu Âu đã được cấp nhận dạng kỹ thuật số nhưng hình thức này sẽ được sử dụng phổ biến hơn cho những người khác đến sống ở đây trong thời gian tới", theo ông Ian Robinson, người làm việc cho Bộ Nội vụ trong tám năm trước khi trở thành đối tác tại công ty luật Fragomen, nơi ông đứng đầu bộ phận nhập cư và chiến lược chính phủ.

    Các nghị sĩ và nhóm chiến dịch cảnh báo digital ID có thể được sử dụng để giúp chính phủ giám sát người dân.

    "Thẻ ID kỹ thuật số đã bị người dân đất nước này từ chối", Nghị sĩ Lao động Chi Onwurah nói. "Bạn có cơ hội điều khiển, theo dõi, và tạo điều kiện cho người ta hack nó - nhưng còn có cả những vấn đề khác liên quan đến dữ liệu đang được sử dụng để tạo ra nó và liệu các dữ liệu đó có bị sai lệch hay không."

    "Có vẻ như Bộ Nội vụ đã từ bỏ ý tưởng về loại thẻ ID dạng thường , nhưng vẫn giữ lại cơ sở dữ liệu khổng lồ đằng sau nó", Phil Booth, người đứng đầu NO2ID, nhóm chiến dịch được thành lập năm 2004 để phản đối kế hoạch giới thiệu thẻ ID điện tử của chính phủ.

    "Nếu chủ nhà và người thuê lao động phải đối mặt với các hình phạt nghiêm khắc vì đã cho thuê hoặc thuê ‘sai người’, sẽ mất bao lâu trước khi mọi người đều bị ràng buộc vào hệ thống nếu họ muốn thuê hoặc mua nhà, hoặc xin việc?"

    Biện pháp này là một phần của kế hoạch cải cách công nghệ sâu rộng áp dụng cho hệ thống nhập cư, được thiết kế để giảm bớt khối lượng công việc khổng lồ mà Bộ Nội vụ phải đối mặt khi quyền tự do di chuyển trong Liên minh châu Âu chấm dứt sau Brexit.

    Theo ông Robinson, thiết bị kiểm tra sẽ sử dụng dữ liệu của người nộp đơn xin thị thực để tự động đánh giá hồ sơ.

    "Nó sẽ tập trung vào các đặc điểm tiểu sử cụ thể của người xin thị thực: tuổi, quốc tịch của họ, cho dù họ có làm việc hay không và loại công việc họ đang làm và mức lương họ được trả," ông nói.

    "Nếu bạn có một vị khách đến từ một quốc gia kém phát triển về kinh tế nhưng bản thân họ là một người rất thành công về kinh tế, ví dụ như một doanh nhân từ Trung Quốc hoặc Ấn Độ, họ có thể sẽ bị đánh dấu để kiểm tra thêm nhưng ngay khi [Bộ Nội vụ] xác định rằng họ có việc làm, họ có nhà cửa, gia đình, người đó sẽ không bị coi là có vấn đề nữa.

    "Nếu bạn xem xét một người đàn ông độc thân đến từ một quốc gia có nền kinh tế hoàn toàn chưa phát triển hoặc nền kinh tế kém phát triển, người đó sẽ bị đánh dấu theo dõi."

    Theo thông tin rò rỉ, hệ thống này sẽ là nhân tố được cân nhắc trong các thỏa thuận thương mại của Anh hậu Brexit. Trong một phần có tiêu đề "Nguyên tắc chính", nội dung được đưa ra là: "Không phải tất cả các quốc tịch sẽ được đối xử như nhau. Hiện tại, chúng tôi sẽ phân biệt các rủi ro và / hoặc các loại giao dịch thương mại."

    Hệ thống kiểm tra cũng sẽ sử dụng dữ liệu của chính phủ về thuế và phúc lợi để xác định xem người nộp đơn có đáp ứng các tiêu chí cho phép ở lại Anh hay không - chẳng hạn như yêu cầu người di cư phải có tay nghề cao và kiếm được hơn 30.000 bảng mỗi năm.

    Theo kế hoạch, những thay đổi này sẽ giúp giảm thời gian xử lý "phần lớn các hồ sơ của các đối tượng lành nghề" cần xin thị thực từ sáu tháng đến hai - ba tuần.”

    Tháng trước, tờ Financial Times tiết lộ rằng Bộ Nội vụ đang bí mật xử lý các đơn xin thị thực bằng thuật toán trực tuyến, giúp phân loại các đơn xin thị thực thành các màu đỏ, hổ phách hoặc xanh lục tùy theo mức độ rủi ro của chúng. Kết quả này sau đó được chuyển đến một nhân viên phụ trách nhập cư.

    Chương trình mới này dự kiến ​​sẽ là một phiên bản tinh vi hơn của cùng hệ thống đó, gây nên những lo ngại rằng nó có thể đưa ra quyết định thị thực sai lệch đối với một số người nộp đơn dựa trên quốc tịch hoặc chủng tộc của họ.

    "Tôi nghĩ nó thực sự khủng khiếp", bà Onwurah, chủ tịch của nhóm liên minh cho người châu Phi nói.

    "Con người có thể đưa ra đánh giá về tính hợp lệ của dữ liệu, nhưng thuật toán thì không thể và đó là điểm khác biệt chính."

    Phát biểu tại Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Di trú Caroline Nokes cho biết thuật toán trực tuyến "chỉ được sử dụng để phân bổ các hồ sơ chứ không phải để quyết định chúng".

    VietHome (Theo Sky News)

  • Theo số liệu của chính phủ, hơn một nửa các quyết định nhập cư của Bộ Nội vụ đã bị đảo ngược khi được đưa ra tòa.

    Dữ liệu cho thấy 52% kháng cáo nhập cư và tị nạn đã được thông qua trong năm tính đến tháng 3 năm 2019, với 23.514 quyết định từ chối được đảo ngược. Tỷ lệ này chỉ là 39%, tương đương 20.306 trường hợp, trong ba năm trước đó.

    Các nhà vận động cho biết các số liệu nêu bật chất lượng yếu kém của các quyết định nhập cư - và cảnh báo hậu quả đè nặng lên những người bị buộc phải chờ đợi hàng năm trong tình trạng tê liệt, thường bị tách khỏi gia đình, bị giam giữ hoặc thậm chí bị trục xuất.

    Thông tin xuất hiện giữa một loạt các trường hợp được báo cáo bởi The Independent, trong đó những người có quyền lưu lại Vương quốc Anh rất rõ ràng lại bị từ chối tư cách, từ chối nhập cảnh vào Vương quốc Anh hoặc bị đe dọa trục xuất, gây ra sự phẫn nộ trong công chúng.

    Trong nhiều trường hợp, các quyết định đã được Bộ Nội vụ lật ngược sau khi bị công khai, khiến giờ đây các luật sư di trú cho rằng công bố trên truyền thông thường là cách duy nhất để có được một giải pháp kịp thời và công bằng.

    Chai Patel, giám đốc chính sách pháp lý của Hội đồng chung về phúc lợi của người nhập cư (JCWI), cho biết: “Các trường hợp bạn thấy trên phương tiện truyền thông đều liên quan đến một người nào đó đã bị Bộ Nội vụ hủy hoại cuộc đời, tuy nhiên còn có hàng ngàn trường hợp tương tự sẽ không bao giờ nhận được bất kỳ sự chú ý nào. Những con số này đã chỉ ra thực tế đó.

    “Khi Bộ Nội vụ chọn cách chống lại kháng cáo, bộ thường xuyên sai hơn là đúng, và tất cả các hậu quả đều đè nặng lên những người phải chờ đợi nhiều năm trong tình trạng lấp lửng, tách khỏi gia đình hoặc bị giam giữ hoặc là bị trục xuất.

    “Ông Sajid Javid lại có thể yêu cầu chúng ta tin rằng ông ấy phù hợp để trở thành thủ tướng, trong khi cho phép Bộ Nội vụ giữ nguyên tình trạng hỗn loạn như vậy.”

    Các chuyên gia pháp lý cũng nêu lên mối lo ngại về việc thiếu trợ giúp pháp lý cho những người muốn kháng cáo và thực tế chính phủ tuyên bố tư vấn pháp lý là không cần thiết cho các đơn xin nhập cư – coi những cáo buộc này là “một trò đùa” dù rất nhiều quyết định đã được chứng minh là sai phạm về pháp lý.

    CJ McKinney, chuyên gia luật di trú và là phó tổng biên tập của Free Movement, cho biết: “Đây là những quyết định đã hủy hoại cuộc sống của nhiều người, nhưng hiện nay các quan tòa đã liên tục đảo ngược hơn một nửa số quyết định từ chối đưa tới tòa án di trú. "

    Bà Diane Abbott, Bộ trưởng Nội vụ đảng đối lập, cho biết tỷ lệ thành công cao đối với các kháng cáo nhập cư là hệ quả tất yếu đối với chính sách đặt mục tiêu trục xuất lên hàng đầu và chính sách môi trường thù địch.

    “Những dữ liệu này cho thấy rõ ràng rằng dưới thời chính phủ này, hầu hết các quyết định nhập cư ban đầu bị đưa ra kháng cáo đều sai, kể cả khi hầu như không có bất kỳ trợ giúp pháp lý nào dành cho người khiếu nại,” bà nói thêm.

    Các trường hợp nhập cư gần đây đã gây ra sự phẫn nộ bao gồm vụ việc của Bhavani Espathi, người bị đe dọa trục xuất trong khi hôn mê và được cấp thị thực 12 tháng sau khi tờ Independent tiết lộ hoàn cảnh của cô, và Craig Pedzai, một người xin tị nạn ở Zimbabwe bị giam giữ bốn năm rưỡi rồi rơi vào tình trạng vô gia cư.

    Phát ngôn viên của Bộ Nội vụ cho biết: “Mỗi đơn xin tị nạn và đơn xin nhập cư được xem xét dựa trên giá trị phù hợp với các quy tắc nhập cư.

    “Các nhân viên giải quyết hồ sơ đều được đào tạo và tư vấn nghiêm túc để đảm bảo họ có thể giải quyết các vấn đề phức tạp mà họ gặp phải, và có những người quản lý và cán bộ cao cấp sẵn sàng giúp đỡ nếu họ cần tư vấn hoặc hướng dẫn thêm.

    “Kháng cáo được thông qua vì nhiều lý do, thường là vì bằng chứng mới được đưa ra trước tòa án mà trước đó chưa được trình cho người ra quyết định.

    “Chúng tôi cam kết liên tục cải thiện chất lượng và độ chính xác của việc ra quyết định để đảm bảo chúng tôi có được quyết định đúng đắn ngay từ lần đầu tiên và tất cả các kháng cáo được thông qua đều sẽ được xem xét để đảm bảo chúng tôi học được các bài học liên quan.”

    VietHome (Theo Independent)

  • Chính phủ liên bang thông báo sẽ cấp thêm 113 triệu đô-la để cải thiện các dịch vụ hỗ trợ chuẩn bị trước khi nhập cư dành cho các di dân tương lai của Canada.

    Bộ trưởng di trú Ahmed Hussen đưa ra thông báo này sáng 3/1/2019 tại văn phòng Chương trình Định cư và Hội nhập cho Di dân S.U.C.C.E.S.S. ở Vancouver. Ông cũng thông báo rằng chương trình S.U.C.C.E.S.S. sẽ nhận được 22.4 triệu đô-la trong số kinh phí mới đó.

    Chương trình ở Vancouver là một trong bốn cơ sở hoạt động cung cấp dịch vụ thông tin, hướng dẫn và giới thiệu cho các di dân diện kinh tế và diện đoàn tụ gia đình trên toàn Canada. Tổng số kinh phí 113 triệu đô-la sẽ tài trợ cho 16 tổ chức cung cấp dịch vụ, phần lớn là hoạt động tại địa phương. Canada đã có dịch vụ hỗ trợ chuẩn bị trước khi nhập cư cho di dân mới trong 20 năm qua.

    Số tiền này sẽ được dùng để kết nối di dân với các nguồn thông tin và dịch vụ, cung cấp các dịch vụ việc làm theo vùng và tổng quát, khuyến khích di dân thực hiện các bước cần thiết để chuyển đổi các giấy phép việc làm trước khi họ nhập cư, và kết nối họ với các dịch vụ định cư liên bang và tỉnh bang sau khi họ tới Canada.

    Số tiền này sẽ lấy từ phần giúp di dân định cư trong ngân sách 2018 của chính phủ liên bang, theo xác nhận của một phát ngôn viên cho văn phòng bộ trưởng di trú. Chính phủ liên bang dành ra 875 triệu đô-la trong 6 năm tới cho kế hoạch di trú nhiều năm.

    Các dịch vụ hỗ trợ chuẩn bị trước khi nhập cư nhằm mục đích giúp di dân mới hiểu được cuộc sống ở Canada, và giảm thiểu các trở ngại mà họ có thể gặp trước khi tới Canada để có thể hội nhập thành công.

    Số tiền mới này sẽ cấp kinh phí cho chương trình hỗ trợ chuẩn bị trước khi nhập cư trong 4 năm tới, cho tới năm 2023.

    Chương trình này sẽ dành cho di dân trong ba diện: kinh tế và đoàn tụ gia đình, di dân Pháp ngữ và người tị nạn.

    Các dịch vụ trực tiếp cho di dân sẽ được cung cấp ở Trung Quốc, Ấn Độ, và Philippines, và các dịch vụ qua mạng cũng sẽ được cung cấp ở các nước khác.

    Viethome (theo canadainfo)

  • Dân số đang dần già hóa đe họa tăng trưởng kinh tế đã thúc đẩy chính phủ Đức nới lỏng luật nhập cư nhằm thu hút nhiều lao động lành nghề nước ngoài.

    Nội các của Thủ tướng Angela Merkel ngày 19/12 đã thông qua dự luật nhập cư mới, tập trung vào việc thu hút lao động lành nghề nước ngoài, kể cả người không phải công dân Liên minh châu Âu (EU), để bổ sung cho lực lượng lao động đang dần già hóa. Dự luật mới này dự kiến được Quốc hội phê chuẩn vào năm tới.

    Theo đó, dự thảo đã đề xuất nới lỏng các thủ tục cấp thị thực cho lao động nước ngoài. Những người muốn làm các công việc như nấu ăn, luyện kim hoặc trong ngành công nghệ thông tin, sẽ được phép lưu lại tại nền kinh tế lớn nhất EU trong 6 tháng để tìm việc và thử việc, với điều kiện họ có thể tự trang trải chi phí cho cuộc sống. 

    Một điều khoản gây tranh cãi là cho phép một chỗ ở cố định đối với những người đã bị từ chối đơn xin tị nạn nếu họ tìm được một công việc toàn thời gian trong vòng 18 tháng, nói tiếng Đức ít nhất ở trình độ trung cấp, hòa nhập tốt với xã hội, không có tiền án tiền sự, và có thể chứng minh được danh tính.

    Luật mới ra đời cũng đồng nghĩa với việc những người xin tị nạn hiện tại đã tìm được việc làm sẽ phải đối mặt với việc bị trục xuất vì không đủ đáp ứng những tiêu chuẩn trong lao động. 

    Bộ trường Kinh tế Đức Peter Altmaier đã ca ngợi đây là “một ngày lịch sử”. Ông Altmaier nhận định dự luật này sẽ đặc biệt giúp ích cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa, vốn trước đây phải chịu sự cạnh tranh với các doanh nghiệp lớn, thường hút hết các lao động lành nghề. 

    Trong khi đó, Bộ trưởng Nội vụ Đức Horst Seehofer cho biết: “Nước Đức cần nhân lực từ các nước thứ ba để đảm bảo sự thịnh vượng của mình và có thể bổ sung vào những công việc chưa có người làm”.

    Nhập cư là một vấn đề chính trị “nóng bỏng” tại Đức sau khi nước này đã “hấp thụ” hơn 1 triệu người tị nạn và người di cư, chủ yếu là người Hồi giáo từ năm 2015.

    Với tỷ lệ thất nghiệp ở mức 5%, con số thấp kỷ lục kể từ khi nước Đức thống nhất vào năm 1990, các doanh nghiệp trong nền kinh tế đông dân nhất châu Âu từ lâu đã vận động chính phủ nước này hạ bớt tiêu chuẩn trong luật nhập cư vì tình trạng thiếu lao động kinh niên đang kìm hãm tốc độ tăng trưởng kinh tế. 

    Trong các lĩnh vực toán học, điện toán, khoa học tự nhiên và công nghệ đã có tới 339.000 chỗ trống không được “lấp đầy“. Ngoài ra, theo Văn phòng Lao động Đức, nước này đang thiếu khoảng 1,2 triệu lao động trong các lĩnh vực như lái xe tải, làm mộc và điều dưỡng.

    Viethome (theo Công luận)

  • Một chính sách mới rõ ràng và có lợi hơn về việc cung cấp kết quả xét nghiệm DNA (minh chứng DNA) cho các hồ sơ xin nhập cư đã được Bộ Nội vụ công bố sau bê bối hồi năm ngoái. Nội dung cụ thể như sau:

    Bộ Nội vụ không có quyền yêu cầu nộp minh chứng DNA cho hồ sơ xin nhập cư. Điều này phản ánh ở thực tế rằng cơ quan này không có quyền lực cụ thể nào cho phép họ yêu cầu xem minh chứng DNA.

    Các nhân viên của bộ có thể cho người xin nhập cư cơ hội được cung cấp DNA như một cách chứng minh mối quan hệ, nhưng việc này phải dựa trên cơ sở tự nguyện, và người xin nhập cư có quyền lựa chọn nộp DNA để hỗ trợ hồ sơ của mình hoặc không.

    Nếu một người nộp hồ sơ từ chối cung cấp minh chứng DNA, điều này sẽ không gây ra bất cứ ảnh hưởng tiêu cực nào đối với hồ sơ của anh ta. Nếu không có minh chứng DNA, kết quả hồ sơ sẽ được quyết định dựa trên các minh chứng sẵn có.

    Chính sách này nêu rõ chỉ trong trường hợp có nghi ngờ về một mối quan hệ, người nộp hồ sơ từ chối nộp DNA và Bộ Nội vụ kết luận mối quan hệ không được chứng minh, thì hồ sơ mới có thể bị từ chối.

    Scandal bắt buộc kiểm tra DNA

    Trong số các scandal liên quan đến việc bắt buộc kiểm tra DNA, có vụ Văn phòng hộ chiếu đã từ chối gia hạn hộ chiếu Anh cho ít nhất hai trẻ em vì không có bằng chứng quan hệ với cha mẹ và các luật sư tin rằng điều này chỉ có thể chứng minh qua thử DNA.

    Ở trong cả hai trường hợp, mẹ của các em bé đều không phải là công dân Anh, nhưng con của họ đã được cấp hộ chiếu Anh nhờ vào quốc tịch Anh của người cha. Những trường hợp này cho thấy Bộ Nội vụ đang thực sự quá nghiêm khắc với vấn đề quyền lưu trú của người mẹ phụ thuộc vào quốc tịch Anh của con.

    Thông tin được tiết lộ sau khi Bộ Nội vụ yêu cầu rà soát lý do tại sao các nhân viên di trú lại đòi người nhập cư kiểm tra DNA bất chấp các quy trình hướng dẫn đều chỉ rõ việc này không phải là bắt buộc. Những lá thư từ Văn phòng Hộ chiếu Hoàng gia, một cơ quan của Bộ Nội vụ, đã được gửi tới hai người phụ nữ vào ngày 11 tháng Sáu và 2 tháng Bảy năm 2018.

    Cô Nguyen, 26 tuổi, một phụ nữ Việt Nam sống ở Staines, gần London, bị từ chối gia hạn hộ chiếu cho con trai cô là Andy, sáu tuổi, sinh ra ở Anh và có cha là người Anh. Văn phòng hộ chiếu yêu cầu “hồ sơ cụ thể” chứng minh quan hệ huyết thống mặc dù mẹ cậu bé trình bày rằng cha em đã tái hôn với người phụ nữ khác và không sẵn sàng cung cấp mẫu. Người cha vẫn gửi tiền trợ cấp và thường xuyên thăm nom cậu bé. Anh cũng nhận khoản trợ cấp cho trẻ nhỏ nhờ vào quan hệ với Andy và được ghi tên trong khai sinh của cậu.

    “Tôi thực sự lo lắng và buồn bực vì Andy được sinh ra ở đây, cha thằng bé là một công dân Anh,” cô Nguyen phát biểu thông qua một phiên dịch. “Thằng bé được nhận hộ chiếu nhưng giờ đây họ lại từ chối nó.” Quyết định từ chối này khiến cô Nguyen buộc phải hủy bỏ kế hoạch đưa Andy về thăm họ hàng ở Việt Nam vào dịp Tết trong tháng Hai tới.

    Người phụ nữ thứ hai, một công dân Grenada, cho biết cô được yêu cầu kiểm tra DNA khi gia hạn hộ chiếu cho con trai chín tuổi của mình, người được sinh ra ở Anh và có cha là công dân Anh gốc Sri Lanka. “Tôi đã bị sốc,” cô bày tỏ, nói thêm rằng cô có thể không thể về Grenada cùng con để thăm một người thân bị ốm.

    Văn phòng Hộ chiếu giải thích rằng dù người bạn đời của cô được xác định là cha cậu bé trên giấy khai sinh, nhưng việc đăng ký mãi đến hơn một năm sau ngày cậu bé ra đời mới được thực hiện. Người mẹ giải thích việc trậm chễ này là do cha cậu bé buộc phải ở lại Sri Lanka vì việc gia đình.

    Jacqui McKenzie, luật sư đại diện cho người mẹ này, cho rằng cách thân chủ cô bị đối xử cho thấy Bộ Nội vụ dường như chẳng có thay đổi gì sau vụ bê bối Windrush. “Chúng tôi tưởng chúng ta đã cởi mở và lý trí hơn sau bê bối đó, nhưng thực tế cho thấy điều hoàn toàn ngược lại,” cô McKenzie nhấn mạnh.

    Bộ Nội vụ phát biểu rằng tất cả các hồ sơ xin cấp hộ chiếu, bao gồm hồ sơ gia hạn, đều được dựa trên những bằng chứng có được tại thời điểm nộp hồ sơ. “Một hồ sơ xin hộ chiếu thành công trước đó không thể ngăn cản Cơ quan Hộ chiếu yêu cầu thêm bằng chứng nếu xuất hiện thông tin mà người đưa ra quyết định trước đó không nắm dược,” bộ cho biết.

    Bộ cũng nhấn mạnh họ không bao giờ yêu cầu nộp mẫu DNA, mặc dù các luật sư có liên quan trong hai trường hợp trên đều cho biết họ hiểu rằng đó là cách duy nhất để đáp ứng yêu cầu của văn phòng hộ chiếu.

    Solange Valdez-Symonds, giám đốc của Dự án Đăng ký cho Trẻ em trở thành Công dân Anh, cho biết tổ chức của bà đã nhận được nhiều phản ánh về những đòi hỏi kiểm tra DNA vô lý từ năm 2014. Rất nhiều trong số những chính sách môi trường thiếu thân thiện của Bộ Nội vụ xúc phạm đến người nhập cư và cố gắng đẩy người nhập cư trái phép ra khỏi Anh đều bắt đầu từ năm đó.

    “Tôi đã nhận được rất nhiều câu hỏi về việc này từ những người trẻ tuổi và các bậc phụ huynh đang vô cùng tuyệt vọng,” bà Valdez-Symonds nói. Bà kể lại bà đã từng phản đối Văn phòng Hộ chiếu trước nhiều phiên tòa khi cơ quan này liên tục từ chối cấp hộ chiếu cho một em bé sinh ra ở Anh có người cha từ chối làm xét nghiệm huyết thống. Tuy nhiên, một cuộc kiểm tra thực hiện bởi Dịch vụ Hỗ trợ Trẻ em, một cơ quan chính phủ khác, đã chứng minh đó là cha của đứa trẻ từ trước đó. Vụ việc này đã kéo dài trong suốt hai năm.

    Afzal Khan, bộ trưởng nhập cư đảng đối lập, khẳng định chính sách của Bộ Nội vụ là hoàn toàn sai lầm, chưa kể đến việc tốn thời gian và nhân lực, khi họ yêu cầu người dân chứng minh những mối quan hệ mà chính bộ từng thừa nhận. “Dường như Bộ Nội vụ không thể dừng việc yêu cầu người dân thực hiện những việc kỳ quái và gây rắc rối,” ông Khan nhận xét.

    VietHome (Theo Free Movement)

  • Muốn sống và làm việc ở Canada? Đây là ước mơ có thể trở thành hiện thực sau khi chính quyền Ottawa công bố kế hoạch tiếp nhận hơn 1 triệu di dân trong giai đoạn 2019-2021, theo Business Insider.

    Bộ trưởng Hussen, vốn là một người tỵ nạn Somalia nhập cư vào Canada, đã nói: "Người nhập cư và hậu duệ của họ đã đóng góp rất lớn cho Canada. Trong tương lai, thành công của Canada phụ thuộc vào việc tiếp tục đảm bảo rằng những người nhập cư luôn được chào đón và hòa nhập".

    Theo báo cáo này, cứ 5 người sống tại Canada thì có 1 người được sinh ra tại bên ngoài nước này. Kể từ năm 1990, đã có hơn 6 triệu người nhập cư vào Canada. 

    Nhập cư được coi là giải pháp để củng cố nền kinh tế Canada. Với những người nhập cư còn trẻ sẽ giúp cho đất nước này giải quyết những thách thức từ dân số già gây nên. Tỷ lệ giữa người trong độ tuổi lao động và người về hưu được dự đoán là 2/1 vào khoảng năm 2036, so với tỷ lệ 4,2/1 vào năm 2012, báo cáo cho hay.

    Mục tiêu tiếp nhận người nhập cư cao nhất vào năm 2021 là 370.000 người và chỉ dưới một nửa (48%) số lượng này sẽ thuộc các chương trình phát triển kinh tế để lấp đầy những lỗ hổng kỹ năng trong thị trường lao động.

    "Tỷ lệ nhập cư ngày càng gia tăng đặc biệt là trong tầng lớp kinh tế, sẽ giúp chúng tôi (Canada) duy trì lực lượng lao động, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế và thúc đẩy phát triển". 

    "Với dân số đang già hóa và tỷ lệ sinh thấp, nhập cư đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo dân số và lực lượng lao động tiếp tục tăng cho Canada". 

    Trong báo cáo về Cạnh tranh Toàn cầu của Diễn đàn kinh tế Thế giới 2018, Canada hiện xếp thứ 12 với số điểm hoàn hảo là 100 cho sự ổn định về kinh tế vĩ mô, cũng như đứng đầu các quốc gia trên Thế giới về sự đa dạng các nguồn lực lao động. 

    Hơn một nửa số người nhập cư được tiếp nhận trong năm 2017 theo các chương trình phát triển kinh tế, trong khi chỉ có 44.000 người là những người tị nạn do các chính sách nhân đạo và chính sách công.

    Kế hoạch nhập cư giai đoạn 2019 đến 2021 bao gồm các mục tiêu lớn hơn cho những người tị nạn và những người di cư, từ 43.000 người trong năm 2019 đến 64.500 người vào năm 2021

    Canada được coi là quốc gia đi đầu trên Thế giới về các chính sách nhập cư. Ông Filippo Grandi, trưởng Cao Ủy Liên Hợp Quốc về người tỵ nạn (UNHCR), đã ca ngợi Canada vì "sự hào phóng, cởi mở và sự sẵn lòng" giúp đỡ những người di cư.

    Tuy nhiên, kế hoạch tiếp nhận nhập cư mới này của Canada chỉ là một giọt nước trong đại dương so với số người di cư trên toàn thế giới. UNHCR cho biết, có khoảng 68,5 triệu người bị buộc vào hoàn cảnh phải di cư trong năm 2017. Đến cuối năm 2017, số người tị nạn tăng lên đến 1,19 triệu người./.

    Viethome (theo Thanh Niên)

  • Chính quyền của Tổng thống Donald Trump vừa thông báo hủy bỏ chính sách cho phép cha mẹ nhập cư trái phép có con sinh ra ở Mỹ được ở lại nước này.

    Chính sách được ban hành năm 2014 cho phép cha mẹ nhâp cư trái phép vào Mỹ và sinh con tại Mỹ được ở lại, giờ bị chính quyền Trump bãi bỏ.

    Chính sách này được ban hành thời Tổng thống Barack Obama, vào năm 2014, có tên gọi DAPA (Tạm hoãn thi hành lệnh trục xuất cha-mẹ công dân Mỹ và thường trú nhân) quy định các đối tượng nhập cư trái phép vào Mỹ nếu sinh con tại Mỹ sẽ được phép ở lại Mỹ mà không bị trục xuất.

    Chính sách này được cho là nhằm mục đích nhân đạo bởi không thể chia cắt đứa trẻ sinh ra trên đất Mỹ (tức nghiễm nhiên có quốc tịch Mỹ) với cha mẹ của bé.

    Một cuộc biểu tình của người nhập cư đòi thực thi chính sách DAPA

    Tuy nhiên, chính sách DAPA được cho là có liên đới đến 4 triệu người nhập cư có con sinh ra tại Mỹ trước năm 2010, mặc dù trong thực tế DAPA chưa bao giờ được thực thi tại Mỹ sau khi bị 26 bang phong tỏa thành công bằng đơn kiện tại một tòa án địa hạt ở bang Texas. Tòa án tối cao Mỹ sau đó đã giữ nguyên phán quyết của tòa án địa hạt nói trên.

    Đến giờ, chính sách nhân đạo này chính thức bị khai tử

    Đến giờ, chính quyền của Tổng thống Donald Trump chính thức hủy bỏ chính sách này với sự ủng hộ của Bộ Tư pháp. Tuy nhiên chính sách DACA (Tạm hoãn thi hành lệnh trục xuất những người đến Mỹ bất hợp pháp từ thời thơ ấu) của ông Obama ban hành vào năm 2012 vẫn được tiếp tục duy trì. Chính sách này cho phép những người tới Mỹ không có giấy tờ hợp pháp khi còn là trẻ em được ở lại để học tập và làm việc với khả năng gia hạn 2 năm một lần. Chính sách này cho phép khoảng 1-2 triệu thanh thiếu niên đã đến Mỹ bất hợp pháp có thể ở lại đến khi hoàn tất việc học tập.

    Hiện vẫn chưa biết liệu chính quyền mới có thay thế DAPA bằng một biện pháp khác cho phép các gia đình nhập cư bất hợp pháp đã sinh sống tại Mỹ hàng chục năm mà không bị trục xuất hay không.

    Viethome (theo Người Việt USA)

  • Vương quốc Anh có chính sách nhập cư công bằng nhưng cứng rắn. Chúng tôi chào đón tất cả những du khách thực thụ của Việt Nam. Số lượng khách du lịch, thương gia, sinh viên và những du khách hợp pháp của Việt Nam đến nước Anh ngày càng tăng đóng góp một phần quan trọng cho một xã hội đa văn hoá và một nền kinh tế phát triển năng động của Vương quốc Anh.

    Tất cả những người có quốc tịch Việt Nam cần phải có thị thực nhập cảnh (visa) còn hiệu lực để tới Vương quốc Anh. Hiện nay, Vương quốc Anh đang đơn giản hoá quy trình xin cấp thị thực. Chúng tôi hiện đang áp dụng một hệ thống cho điểm mới công bằng và minh bạch hơn.

    Đồng thời, Vương quốc Anh cũng sẽ tiếp tục tăng cường quản lý việc nhập cư một cách công bằng và quyết liệt. Chúng tôi hy vọng mọi người vào nước Anh bằng con đường hợp pháp và tuân thủ các điều kiện. Những ai vi phạm sẽ bị trục xuất ra khỏi nước Anh.

    Việc ngăn chặn người nhập cư trái phép vào nước Anh sẽ được tiến hành tốt hơn với trang thiết bị và kỹ thuật hiện đại và tinh vi. Một hệ thống thị thực sinh trắc học mới cùng với đội ngũ được đào tạo đặc biệt của Đại Sứ quán Anh tại Hà Nội sẽ giúp sàng lọc ra những trường hợp có vấn đề. Chúng tôi cũng sử dụng các phương tiện kiểm tra và sàng lọc với công nghệ cao đặt tại các trạm kiểm tra ở biên giới của vương quốc Anh để đảm bảo ngăn chặn và buộc hồi hương những người di cư bất hợp pháp.

    Hơn nữa, sự hợp tác quốc tế chặt chẽ hơn cũng đang giúp trấn áp từ xa các đường dây di cư và buôn người bất hợp pháp. Các cơ quan về nhập cư và cảnh sát Anh đang tăng cường hợp tác với các cơ quan có trách nhiệm của Việt Nam về vấn đề này. Chúng tôi đã cùng nhau không ngừng ngăn chặn tất cả các dạng cư trú bất hợp pháp và các tội phạm liên quan khác của những người mang quốc tịch Việt Nam. Giờ đây, những người nhập cư trái phép phạm tội ở Anh sẽ bị bắt và nhanh chóng bị trục xuất.

    Các câu hỏi thường gặp

    Tôi nghe nói rằng những người nhập cư trái phép có thể sống sung túc ở Anh. Điều này có đúng không?

    Không. Triển vọng kinh tế dành cho những người nhập cư trái phép ở Anh là rất thấp. Họ sẽ không thể tìm được một công việc hợp pháp, lương cao hay một cuộc sống tốt hơn. Thay vào đó, họ có thể bị bọn tội phạm (về ma tuý, mại dâm) bắt làm các công việc với đồng tiền rẻ mạt và không hề được bảo vệ hợp pháp. Bọn buôn người sẽ đòi hỏi một khoản tiền lớn trong khi đó các công việc bất hợp pháp chỉ đem lại thu nhập rất ít. Họ có thể bị bỏ lại trong tình trạng không một xu dính túi hoặc sẽ phải chịu những món nợ lớn nếu bị bắt và bị trục xuất.

    Việc đi du lịch và xâm nhập bất hợp pháp vào nước Anh dễ dàng như thế nào?

    Việc này cực kỳ khó khăn và nguy hiểm. Bọn buôn người thì không thèm đếm xỉa gì đến “hàng hoá” của chúng còn những người nhập cư trái phép phải đối mặt với những nguy hiểm đe doạ đến tính mạng của họ trong hành trình đến nước Anh. Các trạm kiểm soát ở biên giới Anh ngày càng tinh vi và hiệu quả hơn với công nghệ cao. Rất nhiều người đã bị chặn lại và bị buộc phải quay về tại biên giới với nước Anh trong tình trạng không một xu dính túi và tồi tệ hơn là mắc nợ bọn buôn người những khoản tiền lớn.

    Những người nhập cư trái phép ở Anh có được hưởng phúc lợi xã hội không?

    Không. Những người này không được hưởng phúc lợi xã hội và cũng không được nhận trợ cấp tài chính từ chính phủ Anh.

    Liệu những người nhập cư trái phép có thể hợp pháp hoá tình trạng của họ ở Anh không?

    Không. Không hề có triển vọng nào cho những người này về việc được định cư dài hạn ở Anh hay trở thành công dân Anh.

    Có cơ hội gì cho những người nhập cư trái phép ở Anh bị bắt và bị trục xuất?

    Những người Việt Nam nhập cư trái phép tại Anh hiện đang có cơ hội tốt để trình diện và được đưa trở lại Việt Nam. Các cơ quan chức năng về nhập cư của hai nước đang hợp tác rất chặt chẽ. Rất nhiều người Việt Nam nhập cư trái phép đã bị trục xuất về nước

    Những người Việt Nam bị trục xuất có được bồi thường tài chính không?

    Không. Những người bị buộc phải trục xuất không được nhận bồi thường về tài chính. Họ chỉ được giúp đỡ thu xếp để trở về nhà.

    Những người đã nhập cư trái phép vào nước Anh nên làm gì bây giờ?

    Chúng tôi khuyên họ nên tự nguyện trở về. Nếu tự nguyện, họ có thể được Tổ chức Di cư quốc tế IOM (một tổ chức liên chính phủ độc lập) giúp đỡ trở về nhà và tái hoà nhập. Nếu không, họ sẽ bị cưỡng chế buộc phải dời đi và chỉ được giúp đỡ thu xếp để trở về nhà. Tự nguyện quay trở về là một cách đàng hoàng để dời nước Anh hơn là bị cưỡng chế.

    Theo DSQ Anh