Bố mẹ Bộ trưởng Nội vụ Pritil Patel cũng không thể đáp ứng quy định nhập cư mới của bà

Bộ trưởng Nội vụ đã thừa nhận rằng cha mẹ bà sẽ không được phép vào Anh theo các quy tắc nhập cư mới của chính bà.

Bà Priti Patel đã cố gắng né tránh câu hỏi trong một cuộc phỏng vấn trên đài phát thanh khi bà cố gắng nhấn mạnh vào quan điểm của Đảng Bảo thủ cho rằng Vương quốc Anh muốn “lấy lại quyền kiểm soát” và cắt giảm lao động “giá rẻ” từ EU.

Gia đình Patel đã đến Vương quốc Anh từ Uganda trong những năm 1960 và thiết lập một chuỗi các công ty báo chí.

Họ đến trước sự kiện nhà độc tài Idi Amin trục xuất người châu Á ở Uganda xảy ra vào năm 1972, khiến 60.000 người di cư đến Vương quốc Anh.

Trong cuộc phỏng vấn với MC Nick Ferrari trên LBC, vị MC này nhấn mạnh cha ông cũng là người nhập cư và sẽ không thể đến được Anh nếu tính theo thang điểm mới của bà Patel.

Ông nói rằng theo các quy tắc được đề xuất, “bà cũng không thể có mặt ở đây để rồi trở thành Bộ trưởng Nội vụ.”

Bà đáp: "Vâng, nhưng cũng đừng quên chúng tôi không thay đổi cách tiếp nhận người tị nạn và người xin tị nạn, rất khác với hệ thống tính điểm dành cho người muốn làm việc."

Ông Ferrari, một người Anh gốc Ý, nói gia đình của cha ông đang hoạt động trong lĩnh vực cung cấp thực phẩm và có lẽ không đạt được 70 điểm cần thiết để đủ điều kiện đến Vương quốc Anh từ tháng 1 năm sau.

Ông nói: “Tôi không biết liệu tôi có thể đến được đất nước này theo những quy tắc mới. Bà thì sao, cả cha mẹ của bà nữa?”

Bà Patel trả lời: “Đây không phải là vấn đề về gốc gác của tôi hoặc bố mẹ tôi.”

Nhưng ông Ferrari tiếp tục nói thêm: “Nhưng chuyện này khá thú vị, liệu họ có đủ điều kiện không? Cha mẹ của bà, theo tôi được biết, đến từ Uganda và rất thành công trong lĩnh vực tin tức. Họ hẳn có đủ điều kiện, phải không?”

Bà Patel tiếp tục cố gắng chỉ ra rằng chương trình mới sẽ cho điểm bổ sung đối với các lĩnh vực đang thiếu hụt lao động có trình độ.

Nhưng ông Ferrari đã kết luận: “Nó rất thú vị, phải không? Theo hệ thống của bà, tôi sẽ không thể ngồi trong phòng thu của mình còn bà sẽ không làm Bộ trưởng Nội vụ, tại một trong những văn phòng lớn nhất trên đất nước này.”

Chính phủ đã phải đối mặt với phản ứng dữ dội liên quan đến kế hoạch nhập cư mới hậu Brexit, kế hoạch được coi là có mục đích "lấy lại quyền kiểm soát biên giới của chúng ta."

Kế hoạch này là thay đổi chính sách lớn nhất trong 50 năm qua và được xây dựng dựa trên hệ thống kiểu Úc, tính điểm dựa trên kỹ năng ngôn ngữ, trình độ học vấn, lương và lĩnh vực thiếu hụt lao động.

Một loạt các nhà lãnh đạo doanh nghiệp cáo buộc đảng Bảo thủ đã không đánh giá được tác động của những cải cách này đối với nền kinh tế.

Có những lo ngại đặc biệt về ảnh hưởng của nó đối với các ngành chăm sóc sức khỏe, vận chuyển và nông nghiệp, những lĩnh vực đang phải phụ thuộc vào nguồn nhân lực EU.

Các đề xuất yêu cầu mỗi lao động nước ngoài phải đạt được 70 điểm để đủ điều kiện ở lại và một số điểm nhất định cho mỗi trình độ hoặc kỹ năng.

Những người có khả năng kiếm được ít nhất 25.600 bảng sẽ được tính 20 điểm còn những người chỉ kiếm được số tiền tối thiểu 20.480 bảng sẽ không được tặng thêm điểm nào.

Hai mươi điểm cũng được dành cho những người có “cấp độ kỹ năng phù hợp” và 20 điểm khác cho những người nói tiếng Anh “ở cấp độ bắt buộc.”

Ngưỡng lương hiện tại của Anh cho những người di cư có tay nghề từ bên ngoài EU là 30.000 bảng.

Những người có việc làm trong lĩnh vực thiếu hụt lao động cũng sẽ kiếm được 20 điểm và người có bằng tiến sĩ trong các lĩnh vực khác nhau sẽ có 10 hoặc 20 điểm.

“Ứng viên sẽ có thể ‘đánh đổi’ các lợi thế như có lời mời làm việc cụ thể và bằng cấp để bù cho mức lương thấp hơn,” chính phủ đề xuất.

Bà Patel đã bác bỏ những lo ngại về tình trạng thiếu hụt, nói rằng đã đến lúc các doanh nghiệp Anh đầu tư vào việc đào tạo “một trong số 8 triệu người” trong độ tuổi lao động đang không làm ra kinh tế ở Anh.

Con số đó bao gồm hàng triệu sinh viên, những người đã nghỉ hưu sớm, những người bệnh lâu năm và những người chịu trách nhiệm chăm sóc gia đình.

Bài liên quan: Kiểm tra xem bạn có đạt được thang điểm của nội vụ

VietHome (Theo Metro)