• Theo một nghiên cứu mới, nồng độ kháng sinh trung bình ở sông Thames đang cao gấp ba lần nồng độ an toàn.

    Con sông bị phát hiện nhiễm năm loại thuốc khác nhau, bao gồm Ciprofloxacin - được sử dụng để điều trị nhiễm trùng da và tiết niệu – với nồng độ được phát hiện cao gấp ba ngưỡng được coi là an toàn.

    Nghiên cứu của Đại học York đã thử nghiệm 14 loại kháng sinh phổ biến ở 72 quốc gia, tìm ra loại thuốc này ở 2/3 số địa điểm thử nghiệm.

    Các nhà nghiên cứu xác định tổng nồng độ kháng sinh tối đa là 233 nanogram mỗi lít ở sông Thames, nhưng ở Bangladesh, nồng độ cao hơn 170 lần.

    Sông Danube được kết luận là dòng sông ô nhiễm nhất Châu Âu, với 8% các địa điểm vượt quá giới hạn an toàn.

    Hơn một phần ba – 35% - các vị trí sông được thử nghiệm ở Châu Phi vượt quá giới hạn an toàn, tiếp theo là 23% ở Châu Á và 18% ở Nam Mỹ.

    Tiến sĩ John Wilkinson, một trong những tác giả của báo cáo, nói: "Giờ thì chúng tôi đã hiểu rằng có nồng độ kháng sinh trong môi trường mà nhờ vào đó vi khuẩn có thể thích nghi để hình thành khả năng kháng kháng sinh.

    “Điều đáng lo ngại nhất là những mầm bệnh này có thể trở nên kháng các loại thuốc mà chúng ta sử dụng để tiêu diệt sự lây nhiễm của chúng ở người".

    Tháng trước, Liên Hợp Quốc nói rằng kháng kháng sinh có thể gây ra 10 triệu ca tử vong mỗi năm vào năm 2050.

    Alistair Boxall, một nhà khoa học môi trường, người đồng nghiên cứu, cho biết: “Viễn cảnh khá đáng sợ và nguy hiểm. Phần lớn môi trường có khả năng chứa nồng độ kháng sinh ở mức đủ cao để ảnh hưởng đến khả năng đề kháng.”

    VietHome (Theo Evening Standard)

  • Bang Washington, Mỹ chính thức công bố luật cho phép sử dụng thi thể con người làm phân bón để bảo vệ môi trường.

    Hãng AFP ngày 22.5 đưa tin thống đốc Jay Inslee của bang Washington (Mỹ) vừa ký ban hành luật mới cho phép sử dụng cơ thể người chết để làm phân bón hữu cơ, nhằm giảm phát thải khí nhà kính từ việc chôn cất hoặc thiêu.

    Theo luật mới có hiệu lực từ tháng 5.2020, những người trước khi chết tại bang này có quyền lựa chọn việc dùng thi thể biến thành chất hữu cơ để trồng trọt.

    Ý tưởng dùng thi thể người chết làm phân bón do nhà thiết kế Katrina Spade tại Seattle đưa ra vào năm 2013 khi đang nghiên cứu thạc sĩ tại Đại học Massachusetts Amherst.

    Theo bà, quy trình cần đảm bảo an toàn bằng cách duy trì nhiệt độ khoảng 550C trong 72 giờ liên tục để diệt các mầm bệnh. Bà Spade thành lập công ty Recompose vào năm 2017 nhằm nghiên cứu và phát triển ý tưởng.

    Công ty gần đây góp phần tài trợ chương trình nghiên cứu về phương pháp này tại Đại học bang Washington. Chương trình kéo dài 5 tháng đã nghiên cứu trên 6 cơ thể hiến tặng. Kết quả cho thấy quy trình này đảm bảo an toàn.

    Tại Mỹ, phần lớn người chết đều được hỏa táng (thiêu) hoặc an táng (chôn). Tuy nhiên, nhiều người ủng hộ quy trình tăng tốc việc phân hủy thi thể thành phân bón để trao trả lại cho gia đình.

    Mục tiêu của phương pháp này là chi phí thấp và tốt hơn cho môi trường vì việc chôn xác có thể rò rỉ hóa chất xuống đất trong khi thiêu lại phát thải khí nhà kính.

    Đài NBC dẫn lời nghị sĩ Jamie Pedersen tại Washington (Mỹ) chia sẻ rằng người dân trên khắp tiểu bang viết thư cho ông bày tỏ sự phấn khích về triển vọng bản thân họ có thể trở thành một cái cây hoặc một dạng khác sau khi chết.

    Theo ông, cách này có thể tốn chi phí khoảng 5.500 USD (127,8 triệu đồng), trong khi phương pháp chôn truyền thống tốn khoảng 7.000 USD.

    Viethome (theo Thanh Niên)

  • Hơn một nửa số chim cánh cụt tại một thủy cung ở Ireland có mối quan hệ đồng giới.

    Tám trong số 14 cư dân tại Thủy cung Dunle Oceanworld ở Kerry đang sống cùng với một người bạn đồng giới. Những người trông giữ thủy cung còn cho biết nhiều chú chim cánh cụt Gentoo hiện đang nuôi chim con cùng nhau.

    Quản lý động vật của Ocean World, cô Louise Overy, cho biết họ có hai cặp đồng tính nam và hai cặp đồng tính nữ.

    Cô nói thêm: “Bạn không thể phân biệt chim cánh cụt đực và cái dựa trên cơ quan sinh dục của chúng, vì vậy cách duy nhất để biết được là khi chúng ta nhìn thấy chúng giao phối nhưng không sinh ra chim con.

    “Những cá thể cái đồng tính sẽ hành động nếu chúng có nhu cầu ấp trứng. “Chúng sẽ lạch bạch chạy sang chỗ một con đực để làm những việc cần làm và nuôi chim con cùng với bạn tình của chúng. Chúng có bản năng làm mẹ giống như con người.”

    Trước đây, đã có nhiều thông tin về chim cánh cụt đồng tính nhưng việc có một số lượng lớn như vậy trong cùng một thủy cung nhỏ là rất hiếm. Năm năm trước, họ chỉ có một cặp - Penelope và Misty.

    Kể từ khi hôn nhân đồng tính được thông qua ở Ireland, số lượng chim cánh cụt đồng tính cũng đã tăng gấp bốn lần.

    Cô Overy nói: “Ở sở thú thành phố New York, một cặp vợ chồng chim cánh cụt đồng tính đã cùng nuôi một chú chim con và điều đó đã gây chú ý cho cộng đồng quốc tế vì chúng được xem là cặp vợ chồng chim cánh cụt đồng tính duy nhất trên thế giới - nhưng chúng tôi có tận bốn cặp ở đây.”

    Cô cho biết chúng tán tỉnh nhau bằng những hòn đá để xây tổ.

    Hành vi đồng tính khá phổ biến trên khắp vương quốc động vật.

    Trong thế giới chim cánh cụt, con đực và con cái đảm nhận cùng một vai trò làm cha mẹ và chia sẻ trách nhiệm hoàn toàn công bằng.

    Đã có những chú chim cánh cụt đồng tính nổi tiếng tại các sở thú ở New York và Berlin.

    Vào năm 2004, cặp vợ chồng chim cánh cụt đồng tính Roy và Silo là chủ đề gây xôn xao khi mối quan hệ của chúng bắt đầu từ năm 1998 tại Sở thú Công viên Trung tâm New York.

    2 con chim đực này giao phối với nhau giống như các cặp đôi bình thường khác, và sau khi nhân viên sở thú thấy chúng cố gắng ấp một tảng đá, họ đã mang cho chúng một chú chim con có tên Tango. Câu chuyện đã được viết lại thành một cuốn sách thiếu nhi năm 2005 có tựa đề “And Tango Makes Three”.

    VietHome (Theo Metro)

  • Theo TTXVN, trong 10 ngày qua, tại địa bàn xã Tân Thanh, huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng, kẻ xấu đã dùng thuốc trừ cỏ hạ độc cả một cánh rừng thông gần 20 năm tuổi, làm chết hơn 3.000 cây thông. Đây được cho là vụ hủy hoại rừng lớn nhất từ trước đến nay tại địa phương để chiếm đất sản xuất.

    Cánh rừng thông tại Lâm Đồng bị hạ độc (Ảnh: TTXVN)

    Khu vực diện tích rừng thông bị hạ độc nằm tại tiểu khu 292, địa bàn xã Tân Thanh, thuộc lâm phần quản lý của Ban quản lý rừng nguyên liệu giấy Lâm Hà, Công ty cổ phần tập đoàn Tân Mai quản lý. Những cây thông tại đây được trồng cách đây gần 20 năm, hiện có đường kính gốc từ 25 đến 40cm, bao quanh là nương rẫy trồng cà phê, hoa màu của người dân trong khu vực.

    Tại hiện trường, cả cánh rừng thông rộng hơn 10 ha đã chết đứng, cành lá chuyển sang màu đỏ và bắt đầu khô rụng, không thể cứu chữa. Ước tính số lượng cây thông bị chết trong khu vực lên tới 3.000 – 4.000 cây san sát nhau.

    Mỗi gốc cây đều có các vết bị dao rựa đi rừng bạt đi phần vỏ, có 1 lỗ khoan to bằng đầu đũa, khoan sâu vào thân cây khoảng 15 – 20 cm, đang sùi nhựa trắng đục.


    Clip hơn 3,000 cây thông 17 năm tuổi bị đầu độc ở Lâm Đồng.

    Rải rác trong rừng là những chai nhựa màu trắng đục đã bị bóc đi phần nhãn mác bằng giấy, phần dập nổi có nhãn hiệu “Thanh Sơn”, giống như vỏ loại thuốc diệt cỏ vẫn được sử dụng trên thị trường.

    Tiểu khu 292 có gần 60 ha rừng trồng của Công ty cổ phần tập đoàn Tân Mai còn trụ lại được. Các diện tích rừng tự nhiên khác xung quanh đó đã bị lấn chiếm để làm nương rẫy từ nhiều năm nay, chính quyền địa phương không kiểm soát được.

    Từ đầu năm 2018 đến nay, diện tích rừng trồng của Công ty cổ phần tập đoàn Tân Mai liên tiếp bị lâm tặc tấn công để chiếm đất ở mức độ nhỏ lẻ, nhưng chưa được chính quyền địa phương và các lực lượng chức năng phối hợp xử lý dứt điểm. Khu vực trên khá bằng phẳng, đất đai màu mỡ, lại nằm gần Quốc lộ 28 và tuyến tỉnh lộ ĐT275 nên trở thành miếng mồi béo bở cho nhiều đối tượng xấu.

    Viethome (theo trithucvn)

  • Xe tải bán kem sẽ bị cấm ở một số khu vực của London do các hội đồng đang nỗ lực giải quyết vấn đề ô nhiễm không khí.

    Hầu hết những chiếc xe này đều chạy bằng diesel và giải phóng lượng carbon đen nguy hiểm, loại chất có thể kìm hãm sự phát triển của phổi ở trẻ em và gây ra các cơn hen suyễn.

    Các xe tải kem cần phải mở động cơ ngay cả khi đứng yên để cung cấp năng lượng cho máy làm đông lạnh và máy phun kem.

    Hội đồng Camden cho biết hôm 30/4 rằng đây là lần đầu tiên họ lắp đặt các biển báo “cấm bán kem” trên 40 tuyến phố, cũng như tăng số lượng nhân viên thực thi tuần tra và đưa ra các khoản phạt cho những người bán hàng vi phạm quy tắc. Hội đồng Westminster cũng sẽ thực thi luật để ngăn chặn những người bán kem hoạt động ở một số đường phố gần trường học.

    Một phát ngôn viên cho biết: “Xe tải kem khi đứng yên vẫn thải ra các hóa chất độc hại như NO2 [nitơ dioxide] và carbon đen, đó là lý do tại sao hội đồng áp dụng các biện pháp để giảm và loại bỏ lưu lượng này xung quanh trường học và các không gian công cộng khác.”

    Các xe tải hoạt động ở trung tâm London bị ảnh hưởng bởi quy định về vùng phát thải cực thấp, bắt đầu có hiệu lực vào ngày 8 tháng 4, yêu cầu các phương tiện gây ô nhiễm phải trả tới 100 bảng mỗi ngày.

    Tuy nhiên, xe tải kem lại được miễn trừ khỏi quy định này vì việc vận hành tủ lạnh buộc xe phải chạy động cơ cả khi dừng một chỗ.

    Đạo luật Chính quyền Địa phương London cho phép xe tải kem được lưu lại hoạt động tại mỗi khu vực trong vòng 15 phút, nhưng không được quay lại khu vực đó trong suốt phần còn lại của ngày để bán hàng. Hội đồng có quyền tự do thực hiện các quy tắc thậm chí chặt chẽ hơn.

    Caroline Russell, thành viên của Hội đồng Đảng Xanh London, nói: “Không ai muốn thấy mọi người mất đi công việc kinh doanh của mình. Tuy nhiên mọi người cũng không muốn xe kem của họ lại dẫn đến bệnh hen suyễn. Đây là một vấn đề sức khỏe nghiêm trọng. Khoản phí Ulez đã phần nào có tác dụng nhưng chúng tôi không thể chấp nhận việc bạn trả tiền để có quyền gây ô nhiễm. Những chiếc xe tải bán hàng trên đường phố sẽ biến mất trong vài năm tới.”

    Nhiều hội đồng đang xem xét việc lắp đặt các trạm nạp điện trong công viên và chợ để cho phép người bán hàng hoạt động mà không cần để máy xe chạy.

    Richmond và Tower Hamlets cho biết họ đang xem xét giải pháp này và Islington đã cài đặt một trạm nạp điện ở Highbury Field khoảng sáu năm trước.

    Saskia Regtering, 45 tuổi, một nhạc trưởng, đã dừng lại để ăn kem với chồng Rob Vermeulen, 57 tuổi, con trai 11 tuổi của họ Joep, và con gái Fien, tám tuổi.

    Bà Regtering nói: “Xét cho cùng, chúng ta phải suy nghĩ về tương lai của hành tinh này, nhưng tại sao không cho phép xe tải kem hoạt động ở nơi có nguồn điện. Thật sự đáng xấu hổ khi các truyền thống dần chết đi trong khi toàn bộ thành phố này được xây dựng dựa trên lịch sử và truyền thống. Hy vọng xe tải kem sẽ không biến mất.

    Vicky Sousa, 38 tuổi, bà mẹ một con đến từ Pimlico, cho biết: “Luôn là một điều rất khó khăn khi một thứ gì đó mang tính truyền thống lại không được tiếp tục và hiện đại hóa. Tôi yêu kem và con trai tôi cũng vậy. Khi thằng bé còn nhỏ, nó thường phấn khích khi nghe tiếng nhạc. Nó biết cái gì đang tới. Tuy nhiên, mọi người đều lo lắng về ô nhiễm. Nếu xe tải đang gây ra vấn đề thì cần phải làm gì đó với chúng. Tôi sẽ ủng hộ việc cấm chúng ở gần các trường học nhưng đó phải là một giải pháp vừa phải.”

    VietHome (Theo Evening Standard)

  • Có lẽ đã quá chán chường với những món đồ ở cửa hàng lưu niệm, 3 vị khách du lịch Trung Quốc này cần mang về nhà những thứ đặc biệt hơn, như là... khối thạch nhũ quý giá hàng triệu năm tuổi.

    Những khối thạch nhũ, măng đá trong hang động là những tài sản vô cùng quý giá đối với nhân loại khi mẹ thiên nhiên đã mất hàng triệu năm để ban tặng cho chúng ta. Nhưng 3 vị khách du lịch ở Trung Quốc đã dễ dàng ra tay phá huỷ nó chỉ trong vẻn vẹn chưa đầy 1 phút.

    Hành động hủy hoại thiên nhiên đáng lên án của 3 du khách tại Nghi Thuỷ, Sơn Đông, Trung Quốc.

    Theo đoạn phim được ghi lại từ camera giám sát của Phòng trưng bày tự nhiên dưới lòng đất ở Nghi Thuỷ, tỉnh Sơn Đông cho thấy, vào hôm 21/4 có ba người đàn ông trung niên đã thay phiên nhau phá một nhũ đá trong hang động, mỗi người lấy một mảnh nhỏ mang về nhà làm quà lưu niệm cho chuyến tham quan của mình.

    Nhũ đá bị 3 du khách này phá hoại là một phần của khối thạch nhũ mang tên "uyên ương". Ngay ngày hôm sau, một hướng dẫn viên du lịch phát hiện nó bị hư hại và đã nhanh chóng báo cáo với cơ quan chức năng.

    Sau khi cuộc điều tra của cảnh sát được triển khai, đã có 2 trong số 3 du khách bị bắt giữ và người còn lại vẫn đang tiếp tục được tìm kiếm.

    Người quản lý của phòng trưng bày cho biết họ không thể định lượng được thiệt hại mà bộ ba du khách đã gây ra, vì thạch nhũ trong hang động phải trải qua hàng triệu năm hình thành và sẽ mất rất nhiều thời gian để có thể phục hồi nguyên trạng.

    Clip du khách đục bẻ thạch nhũ.

    Hiện tại, vẫn chưa rõ những du khách trung niên sẽ phải đối mặt với mức phạt như thế nào, tuy nhiên có vẻ như họ sẽ không phải trả giá quá nhiều cho hành vi phá hoại của mình. 

    Bởi hồi năm 2017, một khách du lịch cũng đã chỉ bị phạt 500 nhân dân tệ (khoảng 1,7 triệu VNĐ) vì đá gãy một măng đá bên hơn 10.000 năm tuổi trong một hang động ở tỉnh Quý Châu, Trung Quốc. 

    Điều này đã dấy lên tranh cãi trong cộng đồng vì cho rằng hình phạt quá nhẹ, không đủ răn đe trong thời điểm đó.

    Viethome (theo Thế Giới Trẻ)

  • Một nhiếp ảnh gia nổi tiếng và vợ đã làm việc không mệt mỏi để trồng lại hơn hai triệu cây với hy vọng mang khu rừng nhiệt đới của quê nhà trở lại.

    Trở lại năm 1994, sau khi tốt nghiệp đại học kinh tế, Sebastião Salgad đã đến 2 nước là Mozambique và Angola để làm công việc cố vấn cho ngân hàng Thế giới. Nhưng khi sống giữa nạn diệt chủng Rwandan năm 1994, ông đã quyết định trở thành một nhiếp ảnh gia để cho thế giới thấy những gì mà ông tận mắt chứng kiến.

    Sau đó, ông trở về quê hương ở Brazil. Trong suy nghĩ của mình, Sebastião tưởng rằng sẽ gặp lại cánh rừng nhiệt đới thời thơ ấu. Nhưng ông sớm nhận ra nó đã bị phá huỷ hoàn toàn, chỉ còn 0,5% đất đai là được bao phủ bởi cây.

    Vợ ông, Lélia, đã đề nghị một ý tưởng là họ sẽ bắt đầu trồng lại toàn bộ khu rừng, với diện tích 607 ha. Nghe có vẻ lố bịch nhưng họ vẫn đang từng bước thực hiện ý tưởng của mình.

    Sebastião đồng ý cùng vợ và họ bắt đầu trồng rừng, họ đã thuê hơn 24 nhân viên. Vài năm sau, nhiều tình nguyện viên đã đăng ký đến giúp đỡ họ.

    Mặc dù thời gian chờ đợi thành quả có thể là rất lâu nhưng dần dần khung cảnh xanh mát của khu rừng nhiệt đới đã bắt đầu hiện ra một lần nữa. Kể từ năm 1998, hơn 2 triệu cây con của 293 loài cây đã được trồng. Nếu ngày đó, cặp vợ chồng không quyết định làm công việc chẳng ai ngó ngàng đến thì chúng ta sẽ không bao giờ biết được cánh rừng này từng như thế nào.


    Hình ảnh trước đây, nơi này chỉ là những quả đồi trọc và đất đai khô cằn.

    Trong buổi phỏng vấn với hãng tin Guardian, ông Sebastião đã chia sẻ về quá trình mình trồng lại mảnh rừng quê hương:''Vùng đất này gần như đã chết, mọi thứ bị phá huỷ, chỉ có khoảng 0,5% đất đai còn được cây cối bao phủ. Sau đó, vợ tôi đã có một ý tưởng tuyệt vời chính là trồng lại khu rừng này. Khi chúng tôi bắt tay vào làm, côn trùng, cá và chim chóc bắt đầu quay trở lại, nhờ sự xuất hiện của cây cối, tôi cũng như được tái sinh lần nữa.


    Giờ đây màu xanh là phủ đầy nơi đây một lần nữa.

    Gia đình ông Sebastião cũng thành lập một tổ chức phi chính phủ để bảo vệ rừng và các loài động vật, tổ chức này hoạt động trong toàn bộ lãnh thổ của Thung lũng sông Doce giữa các bang Minas Gerais và Espírito Santo.

    Khi dành nhiều năm trồng cây, ông Sebastião giải thích rằng mình đã tìm thấy câu trả lời cho biến đổi khí hậu:''Có lẽ chúng ta vẫn còn một giải pháp. Sinh vật duy nhất có thể biến CO2 thành Oxy chính là cây. Chúng ta cần trồng lại rừng.

    Bạn cần trồng rừng với những loài cây bản địa, trong quá trình đó, hãy thu thập hạt giống trong khu vực. Nếu không các loài rắn, mối, côn trùng và động vật sẽ không sinh sống trong rừng của bạn. Chỉ khi mọi thứ đều phù hợp, cánh rừng mới trở nên có sức sống.


    Vợ chồng Sebastião.

    Nhờ có những bàn tay chăm chỉ và mong muốn cứu sống Trái Đất, chúng ta mới được tận mắt nhìn thấy những câu chuyện trồng rừng, bảo vệ động vật vô cùng đáng quý như trên.

    Viethome (theo lostbird)

  • Giống như có một phép màu đã phù phép biến đổi màu sắc của hoa.

    Diphylleia grayi là tên khoa học của loài cây mọc ở các khu rừng rậm, sườn núi đất ẩm vùng khí hậu lạnh Nhật Bản, Trung Quốc, vùng núi Appalachian (Mỹ).

    Cây có lá to hình chiếc ô, hoa nở từ giữa mùa xuân đến đầu mùa hè. Cánh hoa màu trắng đục, nhụy vàng, có lẽ nhiều người sẽ dễ dàng đi lướt qua chúng và chẳng buồn để ý đến loài hoa thoạt nhìn chẳng mấy nổi bật. Nhưng đằng sau vẻ bình thường đó ẩn dấu điều kỳ diệu của tạo hóa.

    Trong điều kiện thời tiết khô ráo, cánh hoa mang màu trắng đục nhưng khi mưa xuống chúng gần như trở nên trong suốt, chúng ta có thể nhìn thấy các đường gân màu trắng bên trong trông như một khung xương. Vì thế, loài hoa lạ này còn được gọi là “hoa xương”.

    Hoa xương có khả năng thay đổi khi gặp nước không phải do sắc tố mà do cấu trúc đặc biệt của cánh hoa. Hiện tượng này tương tự như một người mặc áo thun trắng đi dưới mưa dẫn đến chiếc áo thấm nước, có thể bị nhìn xuyên thấu.

    Khi trời quang mây tạnh, hoa sẽ “biến hình” trở lại màu trắng đục. Hệt như một phép màu đã phù phép khiến chúng trông thật mong manh tựa pha lê.

    Viethome (theo lostbird)

  • Mỗi buổi tối, Chelsey Fleming (25 tuổi) cùng bạn trai Jonny đến từ Georgia, Mỹ thường hay trốn cảnh sát, lén tới phía sau các siêu thị mở thùng rác và tìm thức ăn cho con trai 8 tháng tuổi của họ - Griffin.

    Theo tờ Mirror của Anh đưa tin ngày 14/4, cặp đôi này đã tiết kiệm được khoảng 150 bảng (khoảng 200 USD) mỗi tháng nhờ vào việc lượm thức ăn từ thùng rác. Nếu bạn cho rằng họ chỉ nhặt thức ăn từ trong thùng rác thì bạn đã nhầm. Ngoài thực phẩm, họ còn tìm thấy những gói quà giáng sinh vẫn nguyên tag, cùng các đồ dùng sinh hoạt khác. Họ thậm chí còn có một kênh bán hàng riêng, bán những chiến lợi phẩm thu được cho bạn bè, người thân và những người quan tâm ở Mỹ.

    Cặp vợ chồng và con trai 8 tháng.
    Hàng tiêu dùng thu nhặt được từ trong thùng rác siêu thị.

    Chelsey nói: “Có rất nhiều đồ thực phẩm bị ném ra khỏi siêu thị hoặc các gia đình, chẳng ai có thể nói rằng họ vứt đi trong lúc đang đói cả. Một số người chế nhạo cách làm của chúng tôi, nhưng tôi và Johny hi vọng có thể tự thể hiện cách sống của chính mình.”

    Thực phẩm được tìm thấy trong thùng rác.

    Chelsey cho biết: “Chúng tôi rất tiết kiệm, bởi vậy mà chúng tôi có thể mua nhà hoàn toàn bằng tiền của mình. Những người cười nhạo chúng tôi có khi còn không thể làm như vậy.

    Chelsey nói rằng, mặc dù họ có xung đột với cảnh sát vì việc này, nhưng đồng thời họ cũng ngạc nhiên khi phát hiện ra rằng có rất nhiều người được họ truyền cảm hứng và làm tương tự.

    Tôi hi vọng sẽ có càng nhiều người làm như vậy, không chỉ vì lợi ích của họ mà còn vì môi trường sống. Có khoảng 40 triệu người Mĩ đang phải chống chọi với cái đói, nhưng thực phẩm lãng phí lại chiếm tới 30-40% chuỗi cung ứng thực phẩm, có tới hàng tỉ pound thực phẩm bị vứt trực tiếp vào bãi rác.”

    Chelsey ngồi bên "đống rác".

    Chelsey cho rằng, mặc dù số ít người thu gom rác không hề bị ảnh hưởng bởi những con số này, nhưng điều quan trọng là cần phải nâng cao nhận thức của mọi người về việc không lãng phí.

    Viethome (theo giadinh)

  • Một dòng sông mới đây đã xuất hiện trở lại tại vùng Somerset (Anh) sau 70 năm cạn khô, đem đến môi trường sống mới cho các loài động vật quý hiếm có nguy cơ tuyệt chủng.

    Các nhánh sông Chew đổ vào sông Avon đã bị ngăn lại bởi một con đập được xây dựng năm 1956, khi đập chứa nước Thung lũng Hồ Chew được xây dựng để cung cấp nước cho các vùng Bristol và Bath.

    Sông Chew tại Anh có nước trở lại sau 70 năm khô cạn.

    Việc này đã khiến khu vực hạ nguồn sông Chew cạn nước dần và hệ sinh thái nơi đây bị hủy hoại. Một dự án cải tạo mới đây đã nắn dòng sông cho nước chảy qua con đường cũ trước kia.

    Các nhà khoa học hy vọng các loài cá như cá hồi, cá chép sẽ quay trở lại sinh sống tại con sông. Các loài động vật như chim bói cá, cú mèo, rái cá và một số loài dơi hiếm đã được nhìn thấy ở các khu vực ven sông kể từ khi nước đầy trở lại. Một số loài thực vật vốn sinh sống ven sông nay cũng đã hồi sinh.

    Một dự án theo dõi số lượng ruồi trong khu vực đã được khởi động nhằm theo dõi sự phát triển của hệ sinh thái tại con sông.

    Dòng sông có nước trở lại khiến hệ sinh thái nơi đây hồi sinh.

    Chuyên gia Matthew Pitts thuộc công ty thủy lợi Bristol Water cho biết: “Đây là lần đầu tiên con sông có nước trở lại từ những năm 1950 và sẽ đem đến những lợi ích đáng kể về môi trường. Chúng ta đã có thể thấy ngay những lợi ích trước mắt khi chuyển hướng cho dòng nước chảy vào lòng sông cũ. Hiện hơn một nửa kilomet sông đã được cải tạo trở lại. Chúng ta sẽ thấy một hệ sinh thái trù phú với rất nhiều loài cá hồi sinh nơi con sông”.

    Ban đầu, dự án cải tạo con sông gặp phải nhiều ý kiến trái chiều. Truyền thuyết địa phương kể rằng nguồn gốc tên sông Chew có nghĩa là “nước chảy mạnh”, mang một ý nghĩa cảnh báo với người dân. Trong một cơn bão năm 1968, nước sông Chew dâng cao tới mức người ta sợ rằng đập chứa nước sẽ bị vỡ và lũ lụt sẽ tràn về các ngôi làng lân cận. Cảnh sát đã phải sơ tán người dân sinh sống tại thung lũng.

    Ông Pitt cho biết dự án đã phải thuyết phục người dân địa phương và tạo dựng những mô hình minh họa để chứng minh cho họ thấy việc nắn chỉnh lại dòng sông sẽ không dẫn tới nguy cơ lũ lụt. Ông Pitt cũng cho biết con sông đầy nước trở lại sẽ cung cấp nước tưới tiêu cho các cánh đồng trồng bông và lúa mỳ trên thung lũng vào mùa hè.

    Viethome (theo Dân Việt)

  • Nhắc đến Avengers là ta nghĩ ngay tới những anh hùng mang sức mạnh siêu phàm giải cứu thế giới trên màn ảnh nhưng ngoài đời thực, những phiên bản siêu anh hùng “mini” đang giải cứu hành tinh bằng chính năng lực đặc biệt là tình yêu môi trường.

    Thế giới đang đối mặt với một kẻ hủy diệt thật sự, gần gũi hơn cả Thanos, đó là “Rác” – một thế lực có thể nhấn chìm cả trái đất bất cứ lúc nào. Đây là lý do mà Wonder Woman, Superman, Batman và Aquaman quyết định gia nhập lực lượng chiến đấu. Siêu anh hùng đâu thể làm ngơ trước những tai họa quá nặng nề đến từ rác.

    Little Collector là một biệt đội tự phong mà ở đó những bạn nhỏ mặc trang phục của những siêu anh hùng và dành cả buổi chiều dọn dẹp công viên lịch sử. Việc ăn mặc như những siêu anh hùng yêu thích khiến các bạn có thêm niềm vui cho việc nhặt rác. Các bạn nhỏ này là thành viên trong chiến dịch The Great British Spring Clean nhằm chống ô nhiễm chất thải và nhựa ở Anh diễn ra trong một tháng từ 22 tháng 3 đến 23 tháng 4.

    Biệt đội Little Collector “tuyên chiến” với rác tại Công viên Birkenhead Park, Merseyside.

    Đứng đầu biệt đội và mang trọng trách “quy tụ anh tài” là bạn Elizabeth Gadsdon, 8 tuổi, một thành viên tích cực của chiến dịch Great British Spring Clean. Nhóm sau đó tổng số thành viên lên 23 bạn mà hầu hết là các học sinh tiểu học.

    Các bạn tình nguyện nhặt rác tại Công viên Birkenhead, đây là công viên dân lập đầu tiên trên thế giới và mỗi năm có khoảng hai triệu khách tham quan. Mẹ của Elizabeth, cô Faith, 43 tuổi, là một lính cứu hỏa. Cô chia sẻ: “Nhóm của Elizabeth đã đi tìm cả những thứ nhỏ như bao bì nhựa và đầu thuốc lá. Các bạn đã nhặt đầy 3 bao lớn – trong đó có phân loại túi chất thải thông thường và túi rác có thể tái chế. Tham gia chiến dịch hôm Chủ nhật có 23 bạn nhỏ và khoảng 20 người là phụ huynh hay người giám hộ.

    Đây không phải là lần đầu tiên nhóm của Elizabeth đã mặc trang phục siêu anh hùng. Các đã làm điều tương tự trong chiến dịch này vào năm 2018.

    Ava Newton, 7 tuổi và Elizabeth Gadsdon, 8 tuổi đã hóa thân vào siêu anh hùng mà các bạn yêu thích.

    Biệt đội Little Collector là ý tưởng mà Elizabeth nảy ra khi cùng bố mẹ đi dạo trong công viên. Khi bắt đầu, chỉ có một số ít bạn nhỏ tham gia nhưng thật đáng mừng là lượng thành viên đã tăng lên nhanh chóng. Cô Gadsdon nói thêm: “Những bạn nhỏ còn dọn dẹp nhiều khu vực khác quanh Wirral. Elizabeth và nhà tài trợ đã chuẩn bị những chiếc áo khoác và dụng cụ nhặt rác cho mọi người”.

    Nhân viên kiểm lâm của công viên, cô Laura Williams nói: “Elizabeth và các bạn tham gia vào công việc này chính là những hình mẫu hoàn hảo cho thế hệ tương lai. Thật tuyệt vời”.

    Chú Paul Davies, quản lý của công viên, cho biết thêm: “Những người bạn bé nhỏ đã gửi một thông điệp là “không được xả rác bừa bãi”. Họ tình nguyện luôn bên cạnh giúp đỡ các kiểm lâm viên. Các bạn mặc trang phục như vậy bởi vì các bạn chính là những siêu anh hùng. Các bạn đã thực hiện điều rất giá trị, đó là giúp bảo vệ động vật hoang dã”.

    Hiện đã có tới 535.272 người đăng ký tham gia vào chiến dịch Great British Spring Clean. Các tổ chức và cá nhân trên khắp nước Anh cũng đang nỗ lực loại bỏ rác tại những nơi như công viên, không gian mở và làm cho những nơi đó thật trong lành, sạch đẹp.

    Viethome (theo thieunien)

  • Thời tiết khô hạn bất thường đã khiến Anh lần đầu tiên phải áp dụng mô hình Ngân hàng nước nhằm điều tiết lượng nước sử dụng cho nông nghiệp.

    Ở Anh, mỗi nông trại đều được cấp một giấy phép quy định giới hạn lượng nước sử dụng. Khi bị thiếu nước, các nông trại dù muốn bỏ tiền để mua thêm cũng không được. Nếu thời tiết không bất thường, giới hạn đó đủ cho vụ mùa. Tuy nhiên, lần đầu tiên cơ quan quản lý tài nguyên nước ở Anh đã phải linh hoạt có giải pháp can thiệp.

    Ông Paul Hammett, chuyên gia tài nguyên nước, Nghiệp đoàn Nông dân Quốc gia Anh, cho biết: “Ở Anh, chúng tôi có những quy định nghiêm ngặt về sử dụng nước. Đây là lần đầu tiên quy định này phải điều chỉnh theo hướng cho phép các trang trại gần nhau có thể san sẻ nước từ nơi còn dư thừa sang nơi bị thiếu”.

    Cơ quan Môi trường của Anh cảnh báo, nước này sẽ bắt đầu đối diện nguy cơ thiếu nguồn cung nước trong vòng 25 năm tới do tác động của biến đổi khí hậu và gia tăng dân số. Vấn đề này ở phạm vi toàn cầu còn nghiêm trọng hơn nhiều khi nghiên cứu của WHO cho thấy, chỉ 5 năm nữa một nửa dân số thế giới sẽ sống ở những vùng chịu áp lực thiếu nước.

    Viethome (theo VTV)

  • Cảnh tượng đau lòng này chính là lời cảnh báo cho những ai không bảo vệ môi trường, đặc biệt là thường xuyên xả rác bừa bãi.

    Một con cá nhà táng mẹ được tìm thấy đã chết trên bãi biển với hơn 22kg rác thải nhựa trong bụng. Đây là một trong những sự kiện thu hút báo giới cũng như các tổ chức bảo vệ động vật và môi trường trên thế giới.

    Xác cá được tìm thấy tại một bãi biển tư nhân gần Porto Cervo trên đảo Sardinia của Ý.

    Con cá nhà táng dài 7,3 mét đã trôi dạt vào một bãi biển tư nhân ở Ý vào tuần trước. Nó đã được đem đi khám nghiệm bởi cần cẩu cùng với sự giúp đỡ của đội cứu hoả địa phương.

    Các quan chức tiết lộ con cá nặng khoảng 14 tấn và sau khi kiểm tra xác chết, mọi người phát hiện nó đang mang thai. Cá nhà táng con trong bụng mẹ cũng có tình trạng suy dinh dưỡng.

    Khám nghiệm tử thi cho thấy bên trọng bụng cá voi là 22kg rác thải nhựa.

    Bên trong bụng cá mẹ là rất nhiều tấm nhựa, lưới đánh cá, dây tóc, bao tải rác và một chai chất tẩy rừa còn nguyên nhãn hiệu.

    Cả đống rác hỗn hợp này lên đến 22kg, ngoài ra là 6 con cá voi nhỏ, chỉ có 1/3 dạ dày của nó là sinh vật biển.

    Rác thải có kích thước lớn, nhỏ khác nhau.
    Chỉ 1/3 dạ dày của nó là thức ăn đúng nghĩa.

    Nhà sinh vật học Mattia Leone cho biết: ''Thật đau lòng khi thấy rằng chỉ 1/3 dạ dày của con cá nhà táng là mực hoặc các loài cá nhỏ khác còn ngoài ra chỉ toàn là rác thải, những thứ mà nó không thể tiêu hoá.

    Nó không thể nuốt được bất cứ thứ gì khác vì dạ dày đã hoàn toàn tắc nghẽn. 22kg rác thải là con số không hề nhỏ và chắc chắn đã được tạo thành từ rất nhiều năm. Cá nhà táng là loài sống ở vùng biển sâu, điều đó có nghĩa có rất nhiều rác thải nhựa nằm dưới đáy biển mà chúng ta không thể đo lường được''.

    Rất nhiều sinh vật biển đang chết vì ý thức kém của loài người.

    Các nhà môi trường cảnh báo rằng cá nhà táng và vô số những động vật biển khác sẽ tiếp tục chết cho đến khi thế giới ngừng coi đại dương là một bãi rác.

    Viethome (theo lostbird)

  • Xác cá heo có dấu hiệu bị cắt xẻ, phần vây biến mất và điều khiến các nhà nghiên cứu sốc nhất là có tới 1.100 con cá heo chết như vậy trong 3 tháng.

    Theo Daily Mail, cái chết tập thể này được cho là do hoạt động đánh bắt quá mức, đã khiến các nhà hoạt động phải gióng lên hồi chuông cảnh báo.


    1.100 con cá heo chết dạt bờ biển Pháp chỉ trong vòng 3 tháng.

     “Chưa bao giờ số lượng cá heo chết lại lớn đến vậy”, Willy Daubin, nhà nghiên cứu tại Đại học La Rochelle nói.

    Chỉ trong 3 tháng, số cá voi chết dạt bờ đã vượt mức của cả năm ngoái và cao nhất trong 40 năm qua. Daubin nói có trường hợp là tai nạn khi cá heo mắc vào lưới đánh cá công nghiệp. Nhưng năm nay số lượng cá chết tăng vọt, khiến các nhà nghiên cứu không khỏi suy nghĩ.

    “Máy hay thiết bị đánh bắt cá gì mà lại gây ra cái chết hàng loạt như vậy?”, Daubin đặt câu hỏi.

    Các nhà nghiên cứu đem xác cá heo về phân tích và nhận thấy mức độ bị cắt xẻ nghiêm trọng. Để bảo vệ lưới câu, các ngư dân thường chặt xác cá cho đến khi nó tách rời khỏi lưới. 


    Các nhà nghiên cứu bày tỏ sự lo ngại về việc cá heo chết hàng loạt. 

    Bộ trưởng môi trường Francois de Rugy đã gấp rút có mặt tại Đại học La Rochelle để tìm hiểu vấn đề và đặt ra phương án giải quyết. Một trong các phương án là việc lắp đặt máy phát sóng trên các tàu đánh cá. Một khi được kích hoạt, thiết bị này sẽ tạo ra tín hiệu xua đuổi cá heo.

    Nhưng các nhà hoạt động cảnh báo giải pháp này không hiệu quả vì các ngư dân có thể không kích hoạt thiết bị khi ra khơi. Các ngư dân có thể lo rằng thiết bị xua đuổi cả các loài cá khác, làm ảnh hưởng đến năng suất đánh cá. Họ có thể chỉ bật thiết bị nếu phát hiện có tàu kiểm tra.

    Một khi số tàu đánh cá tăng lên, các thiết bị này cũng không phải là giải pháp vì làm ảnh hưởng đến môi trường sống của sinh vật biển có vú. Các nhà khoa học bày tỏ sự lo ngại rằng, với tốc độ đánh bắt như hiện nay thì cá heo sớm muộn cũng tuyệt chủng.

    Mức độ tiêu thụ hải sản của con người đã tăng gấp đôi so với cách đây 50 năm và mức độ này có thể khiến các sinh vật biển không kịp phát triển. 

    VietHome (Theo Dân Việt)

  • Một ngư dân Úc vừa tìm thấy một đầu cá mập khổng lồ ngoài khơi, làm dấy lên nỗi sợ hãi có thể có một siêu cá khác trong khu vực.

    Ngư dân Jason nhìn thấy đầu con cá mập ở vùng biển ngoài khơi Sydney, Úc, sáng 28.3 và đang rất muốn biết số phận của thân con cá mập. Jason nói đây là đầu của một cá mập mako. Và riêng cái đầu đã nặng 100kg.


    Đầu con cá mập nặng tới 100kg.

    Anh đăng ảnh đầu con cá mập lên Facebook và viết chú thích: "Đây là tất cả những gì còn lại từ một con quái vật mako. Thật không may, chúng tôi đã không nhìn thấy con gì đã ăn thịt nó, con vật đó chắc chắn rất ấn tượng!! Cái đầu nặng khoảng 100kg”.

    Cá mập mako có thể dài tới 3,8 m và nặng tới 570kg và chúng là những con cá mập nhanh nhất, bơi với tốc độ 74 km/h.

    Một con vật với kích thước này chắc chắn đã bị một sinh vật to hơn nhiều ăn thịt, có thể là cá mập trắng lớn với độ dài lên tới 6,1 m.

    Người dùng Facebook có giả thuyết riêng.

    Aaron Smith viết: "Có vẻ như nó đã bị hai con cá mập tấn công".

    Trong khi đó, Shamus Johnston nghĩ rằng “thủ phạm” là một con cá mập hổ: "Cá mập hổ to lớn chắc chắn đã ăn thịt mako!"

    Nhưng Damien nghĩ khác: "Chưa chắc đã là cá mập ăn thịt nó, có lẽ là một cá voi sát thủ”. 

    VietHome (Theo Dân Việt)

  • Giới chức Bỉ vừa có những điều chỉnh để bức tượng Manneken Pis trở thành điểm tham quan thân thiện với môi trường.

    Tới nay, bức tượng Manneken Pis "tè" ra 1.000 tới 2.500 lít nước mỗi ngày - tương đương sức dùng của 10 hộ gia đình. Theo đó, hệ thống dẫn nước sạch đổ thẳng ra đường ống nước thải của thành phố Brussels (Bỉ). 

    tuong chu be tung te
    Nằm gần Grand Place (Brussels, Bỉ), chú bé đứng tè (Manneken Pis) là một tượng đài nhỏ bằng đồng cao 61cm. Ảnh: Pinterest.

    Thông số này chỉ được phát hiện vào cuối năm 2018, khi một kỹ thuật viên năng lượng cho thành phố Brussels, Régis Callens, đã lắp đặt đồng hồ đo trên đầu ra của Manneken Pis. "Chúng tôi từng nghĩ đây là một hệ thống nước khép kín, và chú bé chẳng gây tốn kém gì. Không ai chú ý nhiều tới nó", Callens trả lời La Dernière Heure.

    Kỹ sư Callens đã báo cáo lên chính quyền về phát hiện của mình, và các nhà chức trách lập tức thực hiện giải pháp xử lý vào tháng 3 năm nay.

    Do đó, từ nay trở đi Manneken Pis sẽ không còn "tè" ra nước sạch nữa. Thay vào đó, hệ thống ống dẫn sẽ khép kín để dòng nước tuần hoàn gần như mãi mãi. Thành phố dự định lắp đặt một chu trình hoàn chỉnh hơn trong thời gian tới.

    "Chúng tôi tự hào nói rằng, lần đầu tiên trong 400 năm, Manneken Pis không tè ra nước uống được nữa", Ủy viên hội đồng thành phố Benoit Hellings (Ecolo).

    Thành phố Brussels dự định kiểm tra các đài phun nước khác tại trường học hay trung tâm thể thao trong thành phố, để đảm bảo giảm thiểu lãng phí nước uống. Giới chức hy vọng người dân ngày càng nâng cao ý thức tiết kiệm nước của người dân.

    Manneken Pis được nhiều du khách biết đến như biểu tượng của Brussels. Chú bé đứng tè là một tượng đài nhỏ bằng đồng, cao 61 cm và nằm gần Grand Place trên đường Rue de l' Etuve 31. Đây là tác phẩm của bậc thầy điêu khắc Jérome Duquesnoy, được hoàn thành vào năm 1619 nhưng đến năm 1817 thì được thay chất liệu bằng đồng.

    Khi đến Brussels, du khách sẽ được nghe nhiều dị bản về "lý lịch" bức tượng đồng này. Một trong số đó là câu chuyện rằng ngày xưa có một chú bé tên là Cherria, khoảng 7-8 tuổi, sống trên phố này. Hàng ngày, Cherria đi học thường gặp một mụ phù thủy và bị bà ta bắt nạt. Tức mình, chú đã leo lên gác hai "tè" vào đầu mụ. Mụ tóm cổ chú lôi ra góc phố bắt đứng trên bệ đá cao và phải "tè" suốt ngày. Những câu chuyện ly kỳ đã tăng phần hấp dẫn cho Manneken Pis đối với du khách và giúp nó trở thành một trong những bức tượng nổi tiếng nhất thế giới.

    VietHome (Theo VnExpress)

  • Các nhà sinh vật học hết sức bàng hoàng khi phát hiện hơn 40 kg bao tải và túi nylon trong bụng một con cá voi chết dạt lên bờ biển thành phố Davao, đảo Mindanao, Philippines.

    Theo Guardian, một con cá voi non bị dạt vào bờ biển Philippines đã chết vì "sốc dạ dày" sau khi nuốt phải 40 kg túi nhựa.

    Túi nylon cỡ lớn được lôi ra từ dạ dày của con cá voi dạt lên bờ biển. Ảnh: D'Bone Collector Museum.

    Các nhà sinh vật học hải dương và nhân viên tình nguyện của bảo tàng D'Bone Collector (tại thành phố Davao trên hòn đảo Mindanao của Philippines) hết sức bàng hoàng sau khi phát hiện nguyên nhân cái chết của con cá voi mõm khoằm Cuvier bị dạt lên bờ biển ngày 16/3.

    Trong một thông báo trên trang Facebook của bảo tàng, các chuyên gia cho biết họ phát hiện "40 kg túi nhựa trong đó có 16 bao tải gạo, 4 bao tải chuối và rất nhiều túi mua sắm" bên trong bụng con cá voi sau khi khám nghiệm tử thi.

    Các nhà hải dương học của bảo tàng D'bone Collector tham gia khám nghiệm tử thi nói rằng đây là "số lượng nhựa nhiều nhất mà chúng tôi tìm thấy bên trong một con cá voi". Những hình ảnh từ vụ khám nghiệm tử thi cho thấy hàng đống rác được lôi ra từ bên trong con vật, và nó được kết luận là đã chết vì bị "sốc dạ dày" sau khi nuốt phải số túi nylon này.

    "Thật đáng kinh tởm. Chính phủ cần phải hành động để chống lại hành vi coi đại dương là thùng rác", bảo tàng nhấn mạnh.

    Việc lạm dụng các sản phẩm nhựa dùng một lần là vấn đề nghiêm trọng ở Đông Nam Á. Một báo cáo năm 2017 của tổ chức Bảo tồn Đại dương nhận định Trung Quốc, Indonesia, Philippines, Thái Lan và Việt Nam thải ra biển số lượng rác lớn hơn tất cả các quốc gia khác trên thế giới cộng lại.

    Nhà sinh vật học hải dương Darrell Blatchley, đồng sở hữu bảo tàng D'Bone Collector, nói rằng trong 10 năm khám nghiệm rất nhiều xác cá voi và cá heo chết dạt lên bờ biển, họ phát hiện 57 trong số này chết do tích lũy rác thải và nhựa trong dạ dày.

    Vào tháng 6/2018, một con cá voi đã chết dạt lên bờ biển miền nam Thái Lan, khám nghiệm tử thi cho thấy nó nuốt phải hơn 80 túi nhựa nặng tổng cộng 8 kg. Các nhà sinh vật học hải dương ước tính mỗi năm khoảng 300 động vật có vú, bao gồm cá voi phi công, rùa biển và cá heo đã chết ở vùng biển Thái Lan do ăn phải rác thải nhựa.

    Viethome (theo Zing)

  • Câu chuyện của bà Pat Smith đã trở thành nguồn cảm hứng vô tận cho cộng đồng Zero Waste trên thế giới. Để cứu lấy Trái đất, không bao giờ là quá muộn cả.

    Sau nhiều năm khiến Trái đất phải khổ sở vì biến đổi khí hậu, giờ đây hành tinh này đang phải đối mặt với một vấn nạn mang tên "rác thải nhựa". Mỗi năm, hàng triệu tấn rác nhựa bị lọt ra các đại dương, khiến sinh vật biển chết dần chết mòn.

    Bà Pat Smith.

    Cũng thật may mắn là một bộ phận người trẻ ngày nay đang có những phản ứng khá tích cực đối với môi trường. Có thể thấy điều này từ những điều tuyệt vời như phong cách sống Zero Waste , đến mới đây nhất là phong trào "thử thách dọn rác" #Trashtag_Challenge đang gây bão cư dân mạng.

    Nhưng nếu bạn vẫn đang thờ ơ với Trái đất, tỏ ra quá lười biếng để thu dọn rác thải, thì câu chuyện của lão bà dưới đây sẽ khiến bạn phải thay đổi thái độ. 

    Lão bà năm nay đã 70 cái xuân xanh, nhưng suốt năm 2018 đã dẹp sạch rác trên 52 bãi biển tại Anh Quốc - nghĩa là mỗi tuần 1 bãi biển được dọn sạch.

    Bà là Pat Smith - một công dân sinh sống tại Cornwall (Anh Quốc). Bà Smith đã nhận ra Trái đất ô nhiễm đến mức nào sau khi xem một đoạn phim tài liệu về rác nhựa. 

    Bà thậm chí đã không ngủ được, và quyết định mình phải làm điều gì đó để góp phần giải quyết chúng. Với mong ước cháy bỏng, bà tự đặt ra thử thách cho bản thân vào đầu năm 2018: mỗi tuần dọn sạch một bãi biển. 

    Người dân tại Cornwall thì ủng hộ ý tưởng của bà, để rồi rất nhiều người đã đứng ra trợ giúp. Kết quả, bà đã hoàn thành thử thách một cách xuất sắc khi dọn dẹp sạch sẽ 52 bãi biển ngay tại Cornwall.

    Và mọi chuyện vẫn chưa kết thúc. Smith cho biết bà sẽ tiếp tục thử thách này cho đến khi không còn sức nữa, nhằm giúp thế giới trở thành một nơi tốt đẹp hơn.


    Những túi rác gom lại tại bãi biển.

    Bà Pat Smith cũng là người lập nên chiến dịch vì cộng đồng mang tên "The Final Straw" (tạm dịch: chiếc ống hút cuối cùng). Mục tiêu của chiến dịch là nâng cao ý thức của mọi người về tác hại của ống hút nhựa, và thậm chí khiến ống hút biến mất tại khắp mọi nơi trên thế giới.

    Theo bà Smith, ống hút nhựa chính là một ví dụ chuẩn xác nhất về tác hại của đồ nhựa dùng một lần đối với môi trường. Khi lọt ra các đại dương, nhiều sinh vật đã phải chết thảm vì chúng. Mà thời gian tồn tại của ống hút nhựa thì thậm chí còn hơn tuổi thọ của con người.

    Câu chuyện của Pat Smith thực sự là một nguồn cảm hứng vô tận cho giới trẻ. Đối với bà, không bao giờ là quá muộn để đứng lên làm một điều gì đó cho Trái đất. Chỉ là, bạn có muốn hay không thôi. 

    VietHome (Theo Thế Giới Trẻ)

  • London, Leeds, Doncaster và Maidstone là những nơi bị ảnh hưởng nặng nhất do ô nhiễm không khí ở Anh.

    Theo bản đồ ô nhiễm do các nhà vận động công bố, gần 2.000 địa điểm trên khắp nước Anh, xứ Wales và Bắc Ireland có mức độ ô nhiễm không khí vượt quá giới hạn an toàn. Năm 2017, địa điểm tồi tệ nhất về ô nhiễm nitơ dioxide (NO2) là Kensington và Chelsea, tiếp theo là đến Leeds và Doncaster. NO2 là một trong những loại khí gây ô nhiễm có hại nhất, kích thích phổi và có thể gây khó thở. Giao thông đường bộ là nguồn phát thải hàng đầu.

    Thị trưởng London của Anh mới đây đã ban hành cảnh báo ô nhiễm cao tại thủ đô. Ảnh: Nick Ansell / PA

    Mới đây, thị trưởng London đã đưa ra một cảnh báo ô nhiễm cao cho thủ đô khi người dân trên khắp Vương quốc Anh phải sống trong thời tiết tháng 2 ấm áp trái mùa. Tính đến thời điểm này, đây là cảnh báo đầu tiên kể từ tháng 7 năm ngoái, vào cuối một đợt nắng nóng và khô hạn.

    Giao thông và các khí thải khác từ các nguồn địa phương được cho là nguyên nhân chính gây ô nhiễm không khí trong tuần này, với gió nhẹ phân tán chúng và không khí từ lục địa kéo theo nhiều chất gây ô nhiễm.

    Vào tháng 4 tới, khu vực phát thải rất thấp đầu tiên sẽ có hiệu lực ở trung tâm London. Văn phòng thị trưởng cho biết theo dự kiến, chương trình này sẽ cắt giảm 45% lượng khí thải độc hại.

    Bộ Môi trường, Nông nghiệp và các Vấn đề Nông thôn Vương quốc Anh (DEFRA) cho biết nồng độ cao của các hạt vật chất trong không khí cũng được ghi nhận trong vài ngày qua ở Đông và Tây Midlands. Theo dự báo, các khu vực khác cũng ​​sẽ trải qua ô nhiễm cục bộ tại các điểm nóng.

    Bản đồ mới về các vi phạm giới hạn ô nhiễm NO2 trong những năm gần đây cho thấy trạm Earl’s Court ở London là tồi tệ nhất về mặt tổng thể, với 129,5 microgam/m3, so với giới hạn 40 μg/m3 được đặt ra trong các mục tiêu chất lượng không khí của chính phủ Anh.

    Bản đồ chỉ ra trạm Earl’s Court ở London là tồi tệ nhất về các vi phạm giới hạn ô nhiễm. Ảnh: Kevin Coombs / Reuters

    Một trạm giám sát gần cửa hàng Ikea ở Brent, phía Bắc London đã ghi nhận mức cao hơn 100μg/m3 trong năm 2016, trong khi Kensington High Street, Euston Road và Strand ở trung tâm London đều ở mức trên 90 μg/m3 vào năm 2017.

    Không khí gần đường Neville ở thành phố Leeds được tìm thấy chỉ dưới mức 100μg/m3, theo sau là 2 địa điểm ở Hickleton, Doncaster. Các điểm nóng khác bao gồm Brighton, Sheffield và Coventry, nơi nồng độ ở đường Holyhead Road gần gấp hai lần giới hạn khuyến cáo, vào khoảng 76 μg/m3 trong năm 2016. 

    VietHome (Theo Tài Nguyên Và Môi Trường)

  • Chùm ảnh sau đây sẽ cho chúng ta thấy Trái đất đã thay đổi thế nào trong những năm vừa qua. Thực sự, mọi thứ đang dần tệ hơn với hành tinh này.

    Thời gian gần đây, cư dân mạng trên thế giới như phát cuồng vì trào lưu #10yearChallenge. Khắp Facebook, Twitter, Instagram và vô số các trang mạng xã hội đã xuất hiện những bức hình cho thấy sự đổi khác của chúng ta qua quãng thời gian kéo dài 1 thập kỷ. Nhiều người còn xem đây là dịp để chứng minh họ... dậy thì thành công như thế nào, hoặc để khoe vẻ đẹp bất tử cùng thời gian. 

    Ở một diễn biến khác, các nhà khoa học cũng tham gia trào lưu, nhưng với đối tượng là Trái đất. Họ muốn thông qua trào lưu này để cho chúng ta thấy một sự thật, rằng qua thời gian hành tinh của chúng ta đã thay đổi theo cái cách khiến nhiều người đau lòng.

    1. Vấn nạn rõ ràng nhất: phá rừng

    Nguồn ảnh: Y4WC

    Theo thống kê năm 2017, mỗi phút chúng ta mất đi một khoảng diện tích rừng rộng bằng 40 cái sân bóng đá - tương đương hơn 15,8 triệu hecta trong năm. Còn riêng riêng rừng rậm Amazon, trong giai đoạn 2009 - 2019 đã mất khoảng 60.000 km2 diện tích rừng bao phủ.

    Dành cho những ai chưa biết, những khu rừng trên thế giới có chức năng giữ lại carbon, nhằm giảm bớt tác hại của khí nhà kính lên môi trường. Nếu rừng cứ tiếp tục biến mất, có khả năng lượng carbon được lưu giữ bấy lâu nay sẽ bùng nổ, gây biến đổi khí hậu nghiêm trọng và khiến nhiều loài vật rơi vào thảm cảnh tuyệt chủng.

    2. Trái đất nóng lên

    Ảnh: WWF UK

    Bức hình này là một trong những minh chứng rõ nhất cho thấy Trái đất ngày càng nóng lên, và nó tác động như thế nào với băng giá vùng cực. Theo dữ liệu từ NASA, lượng băng tại biển Bắc Cực đã giảm 12,8% trong vòng 10 năm gần nhất.

    Ảnh: Greenpeace

    Một bức hình khác về vấn đề biến đổi khí hậu. Đây là những gì xảy ra tại Bắc Cực trong vòng 100 năm, và bạn có thể thấy thềm băng to lớn xưa kia giờ đã biến mất.  

    Bạn có thể thấy lượng băng tại Alaska đã thay đổi như thế nào. Theo thống kê thì trong giai đoạn 2003 - 2010, Alaska đã mất 46 tỉ tấn băng.

    Biến đổi khí hậu cũng khiến cho loài vật biểu tượng của Bắc Cực trở nên thê thảm. Băng tan quá nhanh khiến cho quá trình săn mồi của gấu trắng ngày càng khó khăn hơn. Chúng phải di chuyển xa mà thức ăn thì ngày càng hiếm, khiến số lượng giảm dần. Theo thống, đến năm 2050 có lẽ số lượng gấu trắng trên thế giới sẽ chỉ còn 30% so với hiện tại mà thôi. 

    Trái đất nóng lên, nước biển cũng nóng lên, và nồng độ acid trong nước biển cũng tăng lên. Tất cả đã khiến cho các rạn san hô bị tẩy trắng và chết dần. Hiện tại, 1/2 số san hô tại rạn san hô khổng lồ Great Barrier của Australia đã bị tẩy trắng, và không có dấu hiệu phục hồi.

    3. Ô nhiễm môi trường

    Ảnh: Ghana Wildlife Society

    Bức hình trên cho thấy thảm cảnh những con sông tại Ghana đã phải gánh chịu trong 10 năm: nạn ô nhiễm do khai thác vàng trái phép.

    Người Ghana có thuật ngữ "Galamsey" để chỉ hiện tượng này. Theo thống kê, ít nhất 75% các con sông tại Ghana đã bị biến màu chỉ vì người dân muốn tìm vàng.

    Một vấn nạn rõ ràng khác là rác thải nhựa. Mỗi năm có 8 triệu tấn rác nhựa được thải ra các đại dương, nghĩa là trong 10 năm con số lên đến 80 triệu tấn. Theo các nhà khoa học thì đến năm 2050, lượng rác nhựa trên đại dương sẽ còn vượt qua số cá về mặt khối lượng. 

    4. Tuyệt chủng

    Đây là bức hình do NSPCA (Hội đồng phòng chống tàn ác đối với động vật) đăng tải, nhằm mục đích cảnh báo về thảm cảnh sẽ xảy ra với loài tê giác trong 10 năm tới. 

    Được biết, tê giác đen và tê giác trắng Nam Phi hiện là những loài đang ở mức cực kỳ dễ tuyệt chủng. Và trong năm 2018, loài tê giác trắng Bắc Phi đã được xác định là chính thức tuyệt chủng, khi cá thể đực cuối cùng trong loài là Sudan đã qua đời.

    Vẹt xanh Spix - loài cùng giống với chú vẹt Blu trong bộ phim hoạt hình "Rio" cũng chính thức tuyệt chủng trong năm 2018. Năm nay, chúng ta không còn thấy chúng tồn tại nữa rồi.

    Viethome (theo Kênh 14/ Tham khảo: IFL Science, BBC)