• Cơ Quan Điều Tra Hình Sự Đài Loan xác nhận bảy trong số 20 thi thể trôi dạt trên vùng biển nước này là người Việt Nam, trang tin Focus Taiwan của hãng Thông Tấn Trung Ương Đài Loan (CNA) cho hay.

    Theo bản tin hôm 30 Tháng Ba, ông Lee Yang-chi, giới chức đại diện Cơ Quan Điều Tra Hình Sự Đài Loan, xác nhận bảy người Việt Nam xấu số gồm năm nam và hai nữ, bị nghi là thuyền nhân di cư bất hợp pháp.

    nguoi viet chet duoi o dai loan
    Từ ngày 18 Tháng Hai đến ngày 29 Tháng Ba, có tổng cộng 20 thi thể được phát giác trôi dạt ngoài khơi Đài Loan gồm Đào Viên, Đài Nam, Gia Nghĩa, Chương Hóa, Cao Hùng, Đài Đông… (Hình: Google Maps)

    Ông Lee nói rằng bảy người Việt Nam “có thể đã rơi xuống biển khi cố gắng nhập cảnh vào Đài Loan bất hợp pháp bằng tàu.” Người thân của họ ở Việt Nam cũng cung cấp thông tin giúp nhà chức trách Đài Loan nhận dạng các nạn nhân.

    Danh tính và quê quán ở Việt Nam của những người xấu số không được công bố. Tuy vậy, giới chức cho biết thêm, trong số các nạn nhân người Việt Nam, có một số người từng có thời gian làm việc tại Đài Loan và họ có quen biết với nhau.

    Cũng theo Focus Taiwan, từ ngày 18 Tháng Hai đến ngày 29 Tháng Ba, có tổng cộng 20 thi thể được phát giác trôi dạt ngoài khơi Đào Viên, Đài Nam, Vân Lâm, Gia Nghĩa, Chương Hóa, Cơ Long, Cao Hùng, Tân Trúc và Đài Đông.

    Ngoài bảy thi thể người Việt Nam, chín người trong số đó là người Đài Loan, bốn người còn lại vẫn chưa được xác định quốc tịch và danh tính. Chín thi thể người Đài Loan được cho là không liên quan đến vấn đề di cư bất hợp pháp, mà có thể là do tự sát hoặc chết đuối do tai nạn.

    Ông Lee Yang-chi cho biết các cơ quan thực thi pháp luật của Đài Loan và Văn Phòng Kinh Tế-Văn Hóa Việt Nam tại Đài Bắc đang phối hợp điều tra sự việc, và nỗ lực của họ bao gồm việc truy tìm những kẻ môi giới, chủ tàu và buôn người.

    Cùng thời điểm, trang tin Taiwan News cho hay, bảy thi thể người Việt nhiều khả năng thuộc nhóm 14 người khởi hành từ Việt Nam, lên kế hoạch nhập cảnh vào Đài Loan bất hợp pháp vào hồi giữa Tháng Hai.

    Bảy người trong số họ đã chết, trong lúc vẫn chưa có thông tin nào về số phận của bảy người còn lại.

    Hôm 31 Tháng Ba, các báo ở Việt Nam dẫn lời bà Phạm Thu Hằng, phó phát ngôn Bộ Ngoại Giao, xác nhận sự việc và cho biết chung chung rằng Văn Phòng Kinh Tế-Văn Hóa Việt Nam tại Đài Bắc “sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng Đài Loan, thân nhân những người được cho là mất tích, tiến hành các thủ tục xác minh nhân thân và triển khai các biện pháp bảo hộ công dân cần thiết.” 

    Theo Người Việt

  • 45 năm trước, Vu Lieberman chào đời trên con tàu chết máy và trôi giạt giữa biển. Hai trực thăng của Không quân Anh đã lên đường giải cứu cô bé một ngày tuổi này.

    7h18 phút, ngày 2/5/1975, thuyền trưởng Anton Martin Olsen của tàu Clara Maersk (Đan Mạch), nhận được tín hiệu cầu cứu từ một tàu buôn Việt Nam mang tên Trường Xuân đang trôi dạt trên biển Đông.

    Trên tàu có khoảng 3.600 người từ Sài Gòn ra đi. Họ đang đói khát, còn động cơ tàu thì ngừng hoạt động. Ông Olsen lập tức ra lệnh cho con tàu chở hàng của mình chuyển hướng và đến giữa trưa, bắt đầu cuộc giải cứu.

    thuyen nhan so sinh 1
    Không quân hoàng gia Anh giải cứu cô bé sơ sinh. Ảnh: SCMP.

    Sau khi chuyển người từ Trường Xuân lên tàu mình, thuyền trưởng Olsen đưa tàu Clara Maersk cập cảng Hong Kong. Hai ngày sau, ông thông báo một công điện khẩn cấp yêu cầu đón 4 người tị nạn: một đứa trẻ sơ sinh ốm yếu, anh trai 2 tuổi,  người mẹ và một phụ nữ bị vỡ ruột thừa. Không quân Hoàng gia Anh đã cử hai chiếc trực thăng đến giải cứu.

    Cô bé - với đôi vai cong hình chữ U và xương cổ bị gãy, mắt bịt kín do bị nhiễm trùng - và ba người đồng hương của cô đã bay đến Bệnh viện quân đội ở Hong Kong. 

    "Chúng tôi được cảnh báo nhưng tại thời điểm đó chúng tôi không biết có bao nhiêu người trên tàu", ông Jones, 68 tuổi, nói với tờ SCMP qua Zoom, từ Anh.

    Ngày ấy Jones là một trung sĩ trong phi đội 28 của Không quân Hoàng gia Anh, đóng tại sân bay quốc tế Kai Tak Hong Kong. Đến giờ Jones vẫn còn ký ức rõ ràng về sự nguy hiểm, khó khăn trong nhiệm vụ không vận bốn người này. "Không có đủ thời gian để đánh giá về những gì xung quanh", Jones nói.

    Trong khi trực thăng của anh thả dây đón người phụ nữ Việt bị vỡ ruột thừa thì đồng nghiệp của anh, Tim Bailey, trên chiếc trực thăng thứ hai đón bé sơ sinh và hai người thân của bé từ boong tàu Clara Maersk.

    Họ không có thiết bị mang theo cho bé sơ sinh, điều này có nghĩa Bailey phải bế cô bé trên tay. "Đó chắc chắn là một phút khiến bạn nín thở", Jones nói.

    Trong cuốn nhật ký của Jones đã ghi lại chuyến khứ hồi 2h50 phút từ căn cứ Kai Tak đến tàu Clara Maersk và trở lại. "Thông thường chúng tôi không đi ra biển như vậy", ông nói. Chiếc trực thăng có lượng nhiên liệu hoạt động trong khoảng hai tiếng rưỡi.

    Ngay sau khi trở về Hong Kong, hai chiếc trực thăng này được làm sạch và chuẩn bị tham gia hộ tống Nữ hoàng Elizabeth cuối ngày hôm đó. "Phi đội 28 của chúng tôi sau đó được biết đến với tên "28 nick of time" vì chúng tôi luôn luôn đi về đúng thời gian", Jones nói.

    Mới đây, Duc Nguyen, nhà sản xuất phim tài liệu người Mỹ gốc Việt ở California đã tổ chức một triển lãm về những thuyền nhân tị nạn. Người lính không quân Jones đã liên lạc với Duc Nguyen, qua đó nhờ kết nối với đứa trẻ sơ sinh ốm yếu mà ông đã hỗ trợ giải cứu.

    Ngày 2/5 vừa qua, ngày sinh nhật thứ 45 của Chieu Anh Vu Lieberman, cô và Jones lần đầu tiên nói chuyện qua Zoom. "Tôi đã nhìn thấy bạn 45 năm trước. Bạn đã không nhìn thấy tôi, nhưng đây là những bức ảnh bạn được chuyển đến bệnh viện", Jones nói với Vu-Lieberman.

    Họ đã chia sẻ những hình ảnh, thông tin - những thứ được cho là mảnh ghép còn thiếu để hoàn chỉnh "bức tranh cuộc đời" mình. "Đây là món quà sinh nhật tuyệt vời nhất. Tôi có một cảm giác ớn lạnh chạy qua trong người", Vu-Lieberman nói.

    thuyen nhan so sinh 1
    Vu-Lieberman - cô bé sinh ra 2h sáng ngày 2/5 giữa biển Đông trên con tàu tị nạn - giờ là một nhà thiết kế thời trang nổi tiếng. Ảnh: SCMP.

    Hiện là một nhà thiết kế và điều hành thời trang thành công, Vu-Lieberman sống ở quận Cam, California. Cô kể, mẹ đã không chia sẻ nhiều về ký ức đó. Khi rời khỏi Việt Nam bà đang trong những ngày cuối cùng của thai kỳ. Khoảng 2h sáng ngày 2/5, bà đã hạ sinh Vu-Lieberman ngay trên tàu. Không sữa, không nước, không cơm cháo, một người dúi vào tay sản phụ miếng cam thảo. Bà nhai ra rồi lấy nước miếng bôi vào miệng con gái. 

    Cô bé ấy về sau đã nỗ lực giành được học bổng để theo ngành sáng tạo thời trang tại đại học hàng đầu New York. Đến giờ cô có một sự nghiệp rực rỡ với các hãng thời trang nổi tiếng tại Paris, New York và San Francisco. Cô cũng viết blog Truong Xuan baby để mãi nhớ mình là một đứa trẻ sinh ra trên con tàu tị nạn.

    Đối với người lính không quân Jones, được tham gia nhiệm vụ giải cứu người tị nạn đến nơi an toàn là một trong những khoảnh khắc quan trọng nhất đời ông. Giờ đây ở tuổi 68 nhìn lại ngày hôm đó, ông nói: "Tuyệt! vào ngày đó, tôi đã tạo ra thay đổi cho cuộc đời một con người".

    VnExpress (Theo SCMP)

  • Câu chuyện về năm người chạy khỏi đất nước quê hương mình và tìm được nơi chốn an toàn ở xứ Wales đã được kể lại tại một triển lãm thực tế ảo ở Cardiff.

    Hạnh Trần là một trong hàng ngàn người Việt Nam đã vượt biên bằng thuyền sau khi Quân đội Nhân dân Việt Nam giành lại quyền kiểm soát miền Nam từ tay chính quyền Việt Nam Cộng Hòa. Dưới đây là câu chuyện về chuyến đi tìm nơi trú ngụ của người đàn ông tha hương.

    Khi Hạnh Trần lội qua bùn sâu ở cửa sông để lên một chiếc thuyền đang chờ trong một đêm tối tháng 7 năm 1979, ông không thể tưởng tượng được những thử thách mà bản thân sắp phải đương đầu.

    Ông là một trong số 800.000 người đã bước chân lên những chiếc thuyền đủ kích cỡ để chạy trốn khỏi một đất nước bị tàn phá bởi nhiều năm xung đột và bất ổn. Họ được biết đến với tên gọi ‘thuyền nhân Việt Nam.’

    Khi Quân đội Nhân dân Việt Nam hành quân vào Sài Gòn vào tháng 4 năm 1975, một số người cảm thấy hoang mang về sự thay đổi chính quyền, nhưng ông Hạnh thì nghĩ rằng mình biết rõ điều gì đang chờ đợi bởi cha ông đã rời khỏi miền Bắc nhiều năm trước.

    Vì sợ hãi, ông Hạnh và một trong những anh em của mình đã chạy trốn rồi quyết định rời khỏi đất nước.

    Ông cùng em trai bị nhồi nhét vào một chiếc thuyền dài 11 mét với 86 người khác. Hạnh bị say sóng dữ dội và trải qua hai ngày đầu trong cơn quay cuồng. Khi ông thấy đỡ hơn, chiếc thuyền giờ đã ở trong vùng biển bao la không có đất liền xung quanh. Sau đó, bốn chiếc thuyền lớn hơn xuất hiện khiến mọi người đều reo hò mừng vui.

    "Mọi người đều rất hạnh phúc, vì chúng tôi nghĩ rằng họ sẽ giải cứu chúng tôi", ông nói. Nhưng không.

    Ông Hạnh Trần và cuộc vượt biên hãi hùng cách đây 40 năm.

    Những chiếc thuyền đó được chỉ huy bởi cướp biển Thái Lan. Chúng bao vây thuyền tị nạn, chĩa súng vào những con người kinh hoàng trên chiếc thuyền nhỏ. Những thanh niên trẻ như Hạnh bị tách ra khỏi những người khác. Nhẫn cưới của ông đã bị cướp, và ông bắt đầu lo sợ điều tồi tệ nhất.

    "Đó là khoảnh khắc đáng sợ nhất trong cuộc đời tôi. Khi họ chia cắt chúng tôi, chúng tôi nghĩ rằng họ sẽ giết chúng tôi - không nghi ngờ gì về điều đó", ông nói.

    Tuy nhiên, những tên cướp biển đã không giết họ. Chúng cướp bóc của thuyền nhân nhưng vẫn cho phép họ tiếp tục cuộc hành trình. Đêm đó, những người tị nạn nhận ra những kẻ cầm súng có kế hoạch dành cho mình.

    Khoảng nửa đêm, họ thấy ánh đèn ở phía trước. Càng đến gần, họ dần nhận ra đó là những con tàu cướp biển đang chờ họ. Sau này, Hạnh được nghe nhiều câu chuyện về những người bị giết hoặc bị bắt cóc, và tin rằng những tên cướp biển sẽ tấn công một lần nữa trong bóng tối.

    Những người khốn khổ không nghĩ rằng họ có thể sống sót vào đến đất liền.

    "Mọi người trên thuyền đều im lặng và chúng tôi tắt đèn và động cơ. Ngay sau khi chúng tôi làm điều đó, ánh đèn phía trước bắt đầu soi rọi. Chúng biết rằng bọn tôi đã nhận ra chúng là ai và chúng tiến hành lùng sục chúng tôi."

    Họ đã xoay sở để trốn những tên cướp biển trong bóng đêm, và ngày hôm sau, đất liền Malaysia hiện ra, cùng với hai chiếc thuyền quân sự, những người trên thuyền ngay lập tức nổ súng cảnh cáo.

    "Chúng tôi càng đến gần họ, họ càng bắn nhiều hơn", Hạnh nhớ lại. "Vì vậy, chúng tôi quay thuyền chạy vòng quanh."

    Bị Malaysia từ chối, hy vọng cứu rỗi tiếp theo xuất hiện dưới hình thức một giàn khoan dầu. Khi thuyền đến gần công trình giữa biển này, một số người trên thuyền đã thảo luận về việc cố tình đánh chìm thuyền của mình ​​và buộc các công nhân giàn khoan dầu phải cứu họ.

    Kế hoạch đã bị hủy bỏ, nhưng được đề xuất một lần nữa vào ngày hôm sau, khi họ đến gần Singapore, con đường bị chặn bởi những chiếc thuyền quân sự và máy bay trực thăng. Hải quân Singapore đã kéo chiếc thuyền tị nạn ra khỏi đất liền trong bảy giờ để đảm bảo họ không thể quay lại.

    Thiên nhiên sau đó cũng quay lưng lại với những người tị nạn khi một cơn bão khổng lồ biến đại dương thành một khối nước đục ngầu dữ tợn.

    Hạnh nhớ lại: "Trong cơn bão, nước cao hơn thuyền bốn mét, và rồi chỉ phút sau, thuyền sẽ bị đẩy lên cao trên đỉnh sóng.

    "Mọi người đều nghĩ đó là dấu chấm hết. Tôi nghĩ đến vợ và con gái mới chỉ tám tháng tuổi. Tôi đã cầu Chúa và nói Ngài có thể làm bất cứ điều gì Ngài muốn. Khi tôi lên boong thuyền, tôi nghe thấy mọi người cũng đang cầu nguyện."

    Nhưng rồi cơn bão cũng qua đi. Không ai rơi xuống biển, và thậm chí còn có cá heo bơi bên cạnh chúng tôi. Đó là một khoảnh khắc vui vẻ ngắn ngủi.

    "Chúng tôi đã đến gần Indonesia," Hạnh nói. "Hai chiếc tàu rất lớn tiến về phía chúng tôi và bắt đầu nổ súng. Bạn có thể thấy những viên đạn rơi xuống nước và nghe thấy chúng bay sượt qua đầu."

    Ông Hạnh Trần hạnh phúc khi gia đình mình đã thoát khỏi cửa tử.

    Bị từ chối một lần nữa, lần này Hạnh và đồng đội của mình gặp may mắn khi dòng nước đưa họ tới một hòn đảo hoang vắng gần đó.

    "Chúng tôi đã rất, rất hạnh phúc khi đến được đất liền", Hạnh nói. "Chiếc thuyền đã bị tàn phá nên không ai có thể buộc chúng tôi quay trở lại."

    Khi chủ sở hữu của hòn đảo đến vào mười ngày sau đó để thu hoạch dừa, người này đã liên lạc với đất liền và hành trình của Hạnh đến với cuộc sống mới ở Anh bắt đầu.

    Khi Hạnh đi về phía tây, ông nhận được tin vui rằng những người còn lại trong gia đình ông đã đến Singapore sau khi đi khỏi Việt Nam.

    Vào tháng 4 năm 1980, Hạnh đoàn tụ cùng gia đình tại một trung tâm tị nạn ở Hastings, Kent. Vì các gia đình Việt Nam thích ở cùng nhau, Hạnh, chín anh chị em và bố mẹ ông đã được cấp một ngôi nhà lớn ở Newport, miền nam xứ Wales.

    "Lần đầu tiên nhìn thấy Newport, tôi cảm thấy như mình đang ở vùng nông thôn", Hạnh nói. "Thật là xanh tươi, đáng yêu và yên bình.

    "Lúc đó nơi đây chưa phát triển nhiều nên nó giống như một thị trấn nhỏ. Mọi người rất tốt và giúp đỡ chúng tôi rất nhiều. Mặc dù có rào cản ngôn ngữ, bạn luôn nhận được sự giúp đỡ ngay khi bạn rời khỏi nhà."

    Anh chị em của ông dần di chuyển đến sống ở những vùng khác nhưng ông Hạnh là người ở lại lâu nhất.

    Hiện ông sống ở London, là một phần của cộng đồng người Việt, nơi ông tiếp tục được sống lại những câu chuyện về cuộc hành trình trên đại dương 40 năm trước.

    Hình ảnh này khiến bao nhiêu con người phải rơi lệ.

    Viethome (Theo BBC)