• Ngày 6/12, Rwanda cho biết nước này có thể rút khỏi hiệp ước di cư vừa đạt được với Anh nếu London không tôn trọng luật pháp quốc tế. Cảnh báo trên được đưa ra trong bối cảnh những người theo đường lối cứng rắn ở Anh đang phản đối chính sách của Thủ tướng Rishi Sunak.

    rwanda hiep uoc
    Bộ trưởng Nội vụ Anh James Cleverly (trái) và Ngoại trưởng Rwanda Vincent Biruta ký hiệp ước di cư mới tại Kigali, ngày 5/12/2023. Ảnh: AFP

    Trước đó cùng ngày, cựu Bộ trưởng Nội vụ Anh, bà Suella Braverman, đã đưa ra tối hậu thư yêu cầu Thủ tướng Rishi Sunak - lãnh đạo đảng Bảo thủ, có biện pháp cứng rắn hơn trong vấn đề nhập cư nếu không muốn gặp bất lợi trong cuộc tổng tuyển cử dự kiến diễn ra năm 2024. Tối hậu thư kêu gọi Thủ tướng Sunak dỡ bỏ tất cả rào cản pháp lý để mở đường cho các chuyến bay đưa người di cư đến Rwanda trước thời điểm diễn ra tổng tuyển cử, đồng thời ban hành các quy định về giam giữ và trục xuất người di cư.

    Trước diễn biến này, Ngoại trưởng Rwanda Vincent Biruta - người vừa ký hiệp ước di cư mới với Anh trong tuần này, tuyên bố nước này sẽ rút khỏi hiệp ước nếu Anh vi phạm các công ước quốc tế. Ông nhấn mạnh: “Nếu Vương quốc Anh không tuân thủ luật pháp quốc tế, Rwanda sẽ không thể tiếp tục tham gia thỏa thuận Sáng kiến đối tác phát triển kinh tế và di cư Rwanda-Anh”.

    Ngày 5/12, Anh và Rwanda đã ký hiệp ước di cư mới nhằm khôi phục thỏa thuận song phương đạt được hồi tháng 4/2022, theo đó những người nhập cư bất hợp pháp và những người xin tị nạn tại Anh sẽ được gửi đến quốc gia Đông Phi này. Yêu cầu của những người nhập cư và xin tị nạn sẽ được xử lý tại Rwanda. Chính phủ Anh hy vọng hiệp ước di cư sẽ giúp ngăn chặn người di cư thực hiện hành trình mạo hiểm qua eo biển Manche.

    Theo dữ liệu chính thức, từ đầu năm đến nay, hơn 30.000 người di cư đã vượt eo biển Manche để đến Vương quốc Anh trên những chiếc thuyền nhỏ.

    Tuy nhiên, hiệp ước di cư mới với Rwanda đang gây tranh cãi tại Anh. Hôm 15/11, hội đồng gồm 5 thẩm phán tại Tòa án Tối cao Anh (SCUK) đã giữ nguyên phán quyết hồi tháng 6 năm nay của Tòa phúc thẩm, trong đó khẳng định chính sách này không phù hợp với nghĩa vụ của Anh theo quy định của các hiệp ước quốc tế. Hội đồng cảnh báo nguy cơ hiện hữu về việc biện pháp “tái định cư” này có thể sẽ buộc Rwanda phải gửi trả lại những người xin tị nạn và người tị nạn về một quốc gia nơi họ có thể phải đối mặt với nhiều rủi ro.

    Ngày 6/12, Bộ trưởng Nội vụ James Cleverly - người kế nhiệm bà Suella Braverman, đã công bố dự luật khẩn cấp mang tên “Dự luật về sự an toàn của Rwanda”, trong đó tuyên bố Rwanda là quốc gia an toàn đối với người di cư, nhằm xúc tiến kế hoạch đưa người di cư tới quốc gia Đông Phi. Sau đó cùng ngày, Bộ trưởng Nhập cư Robert Jenrick xác nhận ông đã từ chức do dự luật khẩn cấp này “không đạt yêu cầu”.

    Theo TTXVN

  • Ngày 20/11, Thủ tướng Anh Rishi Sunak cho biết ông 'hoàn toàn cam kết' với kế hoạch của chính phủ chuyển những người xin tị nạn đến Rwanda mặc dù các thẩm phán Tòa án Tối cao Vương quốc Anh ra phán quyết bác bỏ tính hợp pháp của kế hoạch này vào tuần trước.

    Trả lời báo giới sau bài phát biểu ở London, Thủ tướng Sunak khẳng định cam kết sẽ làm tất cả những biện pháp cần thiết để đảm bảo kế hoạch trên sẽ tiếp tục được triển khai.

    Ngày 15/11 vừa qua, hội đồng gồm 5 thẩm phán tại Tòa án Tối cao Anh đã giữ nguyên phán quyết hồi tháng 6 năm nay của Tòa phúc thẩm, trong đó khẳng định chính sách này không phù hợp với các nghĩa vụ của Anh theo các hiệp ước quốc tế. Hội đồng cảnh báo nguy cơ hiện hữu về việc biện pháp "tái định cư này" có thể sẽ buộc Rwanda phải gửi trả lại những người xin tị nạn và người tị nạn về một quốc gia nơi họ có thể phải đối mặt nhiều rủi ro.

    rishi sunak cam ket

    Thủ tướng Sunak đã bày tỏ thất vọng về phán quyết nói trên. Thủ tướng Sunak tuyên bố London sẽ tìm cách nâng cấp kế hoạch di cư Rwanda thành hiệp ước mang tính ràng buộc pháp lý với Kigali nhằm xua tan những lo ngại của Tòa án Tối cao, sau đó sẽ thông qua luật tuyên bố Rwanda là quốc gia an toàn.

    Trong khi đó, Chính phủ Rwanda ngày 15/11 cho biết họ không đồng tình với việc Tòa án Tối cao Anh bác bỏ kế hoạch của London đưa người di cư đến quốc gia Đông Phi này với lý do "đây không phải là điểm đến an toàn cho những người xin tị nạn".

    Theo TTXVN

  • Người phát ngôn của Chính phủ Rwanda nói rằng phán quyết của Tòa án Tối cao chỉ hoàn toàn dựa trên những đánh giá "không trung thực" và "đạo đức giả" của Ủy ban Tị nạn Liên Hiệp Quốc.

    rwanda chinh sach
    Khách sạn Hope ở thủ đô Kigali, Rwanda, đã được chuyển đổi thành nơi ở cho người xin tị nạn. 

    Chính phủ Rwanda đã công kích phán quyết đáng thất vọng của Tòa án Tối cao Anh quốc. Tòa này nói rằng kế hoạch đưa người xin tị nạn đến Rwanda là trái pháp luật.

    Thế nhưng Rwanda phản đối ý kiến cho rằng quốc gia của họ không an toàn với người tị nạn, và rằng quy trình xử lý hồ sơ xin tị nạn ở đất nước họ hoàn toàn minh bạch, công bằng.

    Người phát ngôn của Chính phủ Rwanda, bà Yolande Makolo, nói rằng phán quyết của tòa chỉ dựa trên những đánh giá "không trung thực" và "đạo đức giả" của Ủy ban Tị nạn Liên Hiệp Quốc (UNHCR). 

    "Chúng tôi có bề dày thành tích về việc chào đón và tổ chức sinh sống cho người nhập cư và người tị nạn ở đất nước này", bà nói. Rwanda vẫn kiên định với kế hoạch và sẵn sàng tiếp nhận người xin tị nạn. 

    Vào hôm 15/11, Tòa án Tối cao tuyên bố rằng những người bị đưa đến Rwanda sẽ có nguy cơ cao bị trục xuất trở về quê nhà, dù hồ sơ xin tị nạn của họ có hợp lệ hay không. Cuối cùng tòa án cho rằng kế hoạch Rwanda là trái với pháp luật quốc tế.

    Bà Makolo cho biết Rwanda đã làm việc với UNHCR trong thời gian dài và chưa từng trục xuất bất kì ai trở về quê nhà của họ. Cũng không có chuyện Rwanda bác bỏ 8% hồ sơ xin tị nạn mà không có lý do chính đáng hoặc không cho họ quyền kháng cáo. 

    Bà Makolo nói rằng UNHCR lại một lần nữa đưa ra những ví dụ "dối trá" về đất nước của bà mà không đặt nó vào ngữ cảnh cụ thể. "Bất cứ thiếu sót nào mà họ chỉ ra đều đã được chúng tôi xử lý xong từ năm ngoái", bà nói. 

    Bà cho rằng phán quyến của Tòa án Tối cao mang tính chính trị và thiếu công bằng. "Rwanda không có tội, đừng phán xét chúng tôi", bà nói.

    Dù vấp phải trở ngại lớn nhưng Thủ tướng Rishi Sunak vẫn cương quyết sẽ thúc đẩy kế hoạch. Ông nói sẽ đưa ra luật để tuyên bố Rwanda là quốc gia an toàn.

    Viethome (theo ITV News)

  • Sau khi Tòa án Tối cao (Supreme Court) đưa ra phán quyết bác bỏ kế hoạch Rwanda vào ngày 15/11, Thủ tướng Rishi Sunak đã thề rằng ông sẽ tìm mọi cách để thực thi kế hoạch. 

    Kế hoạch Rwanda lần đầu tiên được đệ trình vào tháng 4/2022 dưới thời ông Boris Johnson, lúc này chính phủ đang chịu nhiều sức ép phải giải quyết vấn đề xuồng nhỏ lũ lượt vượt qua eo biển Anh. Ông Johnson lúc đó vạch ra kế hoạch rằng, bất cứ ai đến Anh quốc bất hợp pháp sẽ bị trục xuất đến quốc gia đông Phi.

    Tại đó, họ sẽ nộp hồ sơ xin tị nạn và nếu hồ sơ được duyệt, sẽ được cấp quyền ở lại Rwanda, chứ không phải quay trở lại Anh. Còn những người bị từ chối hồ sơ tị nạn, thì họ sẽ bị trục xuất về quốc gia nguyên quán của họ.

    Kế hoạch này được Bộ trưởng Nội vụ lúc bấy giờ là bà Priti Patel ký tên đồng ý. 120 triệu bảng đã được chính phủ Anh chi cho Rwanda để tiến hành kế hoạch này. 

    Tuy nhiên, các đảng đối thủ và các tổ chức từ thiện cho rằng kế hoạch là "tàn nhẫn và kinh tởm". Họ cho rằng kế hoạch này có thể vi phạm các luật nhân quyền quốc tế. Có báo cáo cho rằng Vua Charles III (tức Thái tử Charles lúc bấy giờ) đã phê phán nó.

    Nhưng chính phủ vẫn cương quyết tiến hành, và chuyến bay đầu tiên đến thủ đô Kigali của Rwanda đã được hoạch định vào tháng 6/2022. Chỉ có 7 người xin tị nạn bị đưa lên máy bay, trong đó có 1 người Việt Nam

    Bài liên quan: Cảm giác của người tị nạn khi suýt bị đưa tới Rwanda

    toa an toi cao rwanda

    Nhưng các tổ chức từ thiện đã thưa chuyến bay này ra tòa. Những người phản đối cũng tìm cách chặn chuyến bay, họ dùng các ống kim loại để chặn các lối ra của Trung tâm Giam giữ Nhập cư Colnbrook tại Heathrow, nơi 7 người này đang bị giam giữ chờ đưa lên máy bay.

    Tuy nhiên, các thẩm phán phán quyết rằng 7 người này đủ điều kiện bị trục xuất, bởi vì chính phủ đã "trấn an" rằng nếu sau này kế hoạch bị cho là phi pháp, thì chính phủ hứa sẽ đưa những người này quay trở lại Anh.

    Dù vậy, các tổ chức từ thiện vẫn kiên trì kháng cáo. Và vào những phút nghẹt thở cuối cùng, Tòa án Nhân quyền châu Âu (ECHR) đã ra lệnh cấm trục xuất cả 7 người, khiến chiếc máy bay phải chôn chân trên đường băng của Sân bay Quốc phòng.

    Chính phủ nói sẽ kháng cáo. Các nghị sĩ Bảo thủ tức giận khi thấy một tòa án châu Âu có thẩm quyền bác phán quyết của các tòa án Anh. 

    Những tháng tiếp theo, nội các có nhiều thay đổi. Bà Liz Truss lên làm Thủ tướng và Suella Braverman làm Bộ trưởng Nội vụ. Hai người phụ nữ này vẫn ủng hộ kế hoạch Rwanda. Dù bà Truss bị bay chức vài tuần sau đó, thì người kế nhiệm là ông Rishi Sunak cũng vẫn giữ nguyên lập trường của kế hoạch. 

    Một số ít các nghị sĩ Bảo Thủ đã kêu gọi Vương quốc Anh rút khỏi Công ước Nhân quyền châu Âu, tuy nhiên thông tin mới nhất cho thấy ông Rishi Sunak sẽ không làm vậy vì không muốn gây bất hòa với các đồng minh Mỹ và châu Âu.

    Kế hoạch Rwanda lại bị các tổ chức từ thiện thưa ra tòa, cho rằng Rwanda không phải là quốc gia thứ 3 an toàn như Bộ Nội Vụ nói. 

    Tại một hội nghị của Đảng Bảo Thủ, bà Braverman nói rằng giấc mơ của bà là nhìn thấy chuyến bay cất cánh. Và giấc mơ ấy đã suýt chút nữa thành hiện thực vào tháng 12/2022, khi Tòa Thượng Thẩm (High Court) phán quyết nghiêng về các bộ trưởng. Tòa này tuyên bố rằng kế hoạch Rwanda không vi phạm Công ước Người tị nạn của Liên Hiệp Quốc, cũng không vi phạm bất cứ luật nhân quyền nào, và Rwanda là quốc gia thứ 3 an toàn cho người nhập cư. 

    Tuy nhiên cuộc chiến vẫn chưa kết thúc. Các tổ chức từ thiện đã kháng cáo lên Tòa Phúc Thẩm (Court of Appeal). Và 3 vị thẩm phán đã đảo ngược phán quyết của Tòa Thượng Thẩm. 

    Tòa Phúc Thẩm kết luận rằng Rwanda không phải là quốc gia an toàn cho người xin tị nạn, do đó việc trục xuất họ tới đó là vi phạm pháp luật.

    Chính phủ lại nổi giận, Thủ tướng Anh nói rằng ông không đồng ý với phán quyết của Tòa Phúc Thẩm, và sẽ làm mọi việc cần thiết để chuyến bay trục xuất được tiến hành. 

    Sự giận dữ của bà Braverman và những người ủng hộ cánh hữu cũng leo thang. Ngày càng nhiều yêu cầu đòi Anh quốc rời ECHR, một số khác đòi chính phủ sửa luật nhân quyền.

    Chính phủ Anh đã gởi đơn kháng cáo lên Tòa án Tối cao (Supreme Court). Và vào ngày hôm qua 15/11, Thẩm phán Lord Rees của Tòa án Tối cao đã tuyên bố tán đồng phán quyết của Tòa Phúc Thẩm. Ông nói rằng những người bị đưa đến Rwanda sẽ có nguy cơ cao bị trục xuất trở về quốc gia nguyên quán, nơi họ có nguy cơ bị áp bức và tra tấn. Ông cho rằng kế hoạch Rwanda không chỉ vi phạm Công ước Nhân quyền châu Âu, mà còn vi phạm rất nhiều hiệp ước quốc tế khác.

    Ngay cả trước khi có phán quyết của Tòa án Tối cao, Thủ tướng Rishi Sunak đã khẳng định vào hôm 14/11 rằng ông sẽ đưa ra "luật khẩn cấp" để đảm bảo chuyến bay không bị chặn lần nữa, và khẳng định các chuyến bay sẽ được tiến hành vào mùa xuân tới.

    Thủ tướng nói ông đang thảo luận một hiệp ước quốc tế mới với Rwanda để giải quyết những vướng mắc của tòa án và đảm bảo kế hoạch này là an toàn. 

    Dù chính phủ Anh sẽ tiếp tục phải đối mặt với các thánh thức pháp lý, nhưng ông sẽ "không cho phép một tòa án ngoại quốc" ngăn chặn chuyến bay đến Rwanda. 

    Nhưng khi được hỏi liệu Anh quốc có rút khỏi Tòa án Nhân quyền châu Âu hay không, thì ông ngừng trả lời. 

    Viethome (theo Sky News)

  • Các bộ trưởng đang cân nhắc khả năng sửa lại luật nếu Tòa án Tối cao phán quyết chống lại kế hoạch Rwanda vào tuần tới.

    Những người nhập cư bất hợp pháp có thể không được viện cớ Luật Nhân Quyền để ở lại Anh quốc. Đây là kế hoạch được các bộ trưởng cân nhắc trong trường hợp Tòa án Tối cao bác bỏ chính sách Rwanda. 

    Các bộ trưởng đang cân nhắc đến việc chỉnh sửa Luật Nhân quyền của Anh, trong đó loại bỏ những áp đặt của Công ước Châu âu về Nhân quyền. Mục đích của các bộ trưởng là muốn luật này không còn áp dụng cho người nhập cư bất hợp pháp nữa.

    Đây là một phần trong Kế hoạch B, dùng để đối phó nếu Tòa án Tối cáo chống lại kế hoạch trục xuất người xin tị nạn tới Rwanda. 

    Các chuyến bay đến Rwanda đã bị đình trệ từ tháng 6, khi Tòa án châu Âu về Nhân quyền ra phán quyết ngăn chặn việc trục xuất người xin tị nạn cho đến khi các tòa án Anh công nhập tính hợp pháp của chính sách này.

    Vào thứ Tư tới, Tòa án Tối cao sẽ thông báo liệu họ có tán thành phán quyết của Tòa Phúc thẩm hay không. Tòa Phúc thẩm nói rằng chính sách Rwanda là bất hợp pháp vì nguy cơ người xin tị nạn Rwanda sẽ bị trả về quốc gia của họ và đối mặt việc bị áp bức. Tòa Phúc thẩm cho rằng chính sách Rwanda đã vi phạm quyền con người của người xin tị nạn.

    Các bộ trưởng khá bi quan về phán quyết của Tòa án Tối cao sắp tới, và tin rằng Tòa án Tối cao sẽ tán thành phán quyết của Tòa Phúc thẩm. 

    sua luat nhan quyen

    Cựu Bộ trưởng Nội vụ Suella Braverman từng tuyên bố ủng hộ Vương quốc Anh rút khỏi Công ước châu Âu về Nhân quyền. Bà nói rằng các thẩm phán châu Âu bị chính trị hóa và đã giẫm đạp lên quyền tự trị của một quốc gia. 

    Ít nhất 8 nghị sĩ quốc hội ủng hộ việc rút khỏi Công ước Nhân quyền châu Âu, đa phần là nghị sĩ Đảng Bảo Thủ. Tuy nhiên Thủ tướng Rishi Sunak sẽ không làm vậy vì ông không muốn gây họa lên mối quan hệ với các đồng minh then chốt là Mỹ và châu Âu. 

    Vì thế, các nghị sĩ Bảo Thủ đang vận động Thủ tướng chọn một phương án khác, đó là sửa đổi Luật Nhân quyền của Anh, trong đó sẽ loại bỏ các điều khoản liên quan tới người nhập cư bất hợp pháp. Bằng cách này sẽ cho phép chính phủ Anh quyền bỏ qua phán quyết của các thẩm phán châu Âu.

    Với tình trạng khủng hoảng nhập cư nghiêm trọng như hiện nay, các nước châu Âu cũng phải công nhận chính sách Rwanda chính là một hình mẫu hiệu quả để làm nản lòng những người nhập cư liều lĩnh. 

    Hiện tại các nghị sĩ đang rất nóng lòng muốn thông qua việc sửa luật, để các chuyến bay đến Rwanda có thể tiến hành càng sớm càng tốt. 

    Viethome (theo Telegraph)

  • duc rwanda
    Biên giới Đức thành điểm quá cảnh của hàng vạn người từ Trung Đông, châu Phi và châu Á tới EU để rồi ở lại xin tỵ nạn hoặc sang Pháp và Anh

    Chính phủ Đức vừa nói họ muốn xem xét cách xử lý đơn tỵ nạn ở nước ngoài như Anh muốn làm ở Rwanda.

    Thủ tướng Đức Olaf Scholz trong phát biểu trên truyền thông vào đêm 06/11 đã nêu cam kết sẽ “xem xét cách thức cứu xét đơn tỵ nạn ở nước ngoài”, thay vì làm trên lãnh thổ Đức.

    Đây là dấu hiệu thái độ của Đức thay đổi, trở nên cứng rắn hơn trước vấn đề người nhập cư lậu nhưng chính phủ của ông Scholz chưa hề nói nước thứ ba nào sẽ được chọn để người xin tỵ nạn "tạm cư".

    Bối cảnh chính trị chung là các đảng ở Đức đều phải bận tâm tới chuyện di dân và một số đảng cực hữu ở các tiểu bang tìm cách giành phiếu trong bầu cử bằng lá bài chống di dân.

    Tuy thế, ông Scholz chưa tỏ ra muốn đi con đường của Anh mà chỉ tỏ ra quan tâm đến cách Anh thời Boris Johnson đề xuất.

    Đó là quy chế chuyển ngay bất cứ ai vào Anh bất hợp pháp và xin tỵ nạn sang nước châu Phi, Rwanda trong khi chờ xét đơn.

    Nếu bị bác đơn, họ có quyền ra khỏi trung tâm tạm cư và đi đâu thì đi ở châu Phi. Đổi lại, Anh trả cho Rwanda hàng trăm triệu đô.

    Phương án Rwanda cũng chưa đi tới đâu

    Nhưng hiện nay, thỏa thuận ký năm 2022 bị toà án tại Anh ách lại vì lý do nhân quyền.

    Trong số các nguyên đơn kiện chính phủ Anh bắt họ đi Rwanda có một người Việt Nam.

    Ông ta nói vì mắc nợ và bị xã hội đen ở Việt Nam đe dọa tính mạng nên phải được quyền tỵ nạn tại Anh.

    Dù Anh chưa làm được gì với phương án Rwanda, tại Đức và châu Âu hiện các chính trị gia đều nghiên cứu cách dùng trung tâm thanh lọc tỵ nạn ở nước thứ ba để tìm cách hạn chế người vào nước họ xin tỵ nạn rồi ở luôn lại.

    Gần đây EU muốn tăng cường các biện pháp cho hồi hương di dân trái phép như chính sách chung nhưng các nước thành viên vẫn phải tự lo việc của mình.

    Hôm 06/11, Thủ tướng Ý, bà Giorhia Meloni tuyên bố đã ký được với Albania hợp đồng lập hai trung tâm xử lý đơn tỵ nạn.

    Theo thỏa thuận này, người vào Ý (rất đông từ châu Phi), sẽ được chuyển sang Albania chờ xét đơn tỵ nạn.

    Còn tại Đức, chỉ trong 9 tháng đầu năm nay, 230 nghìn người nhập cư nộp đơn xin tỵ nạn.

    Trong 10 ngày tổ chức kiểm tra thử, đột xuất ở biên giới phía Đông của Đức với CH Czech, Ba Lan tháng 10 vừa qua, cảnh sát liên bang Đức đã phát hiện ra trên ba nghìn ca người nhập cư lậu chui trong xe thùng đi vào lãnh thổ nước họ.

    Một số lái xe người Lithuania và Ukraine đã bị bắt và phạt tiền.

    Hoạt động khám xe, chặn bắt người di cư của Bộ Nội vụ Đức tuy thế đã bị bang Brandenburg và thành phố Berlin phản đối vì họ không còn chỗ ở cho những người Syria, Afghanistan...bị bắt từ xe tải.

    Chỉ trong tháng 9 năm nay, thủ đô Berlin của Đức nhận được đơn xin tỵ nạn từ hơn 12 nghìn người. Trong cả năm nay, Berlin mới cứu xét xong chừng 3000 đơn và các trung tâm tạm cư cho người tỵ nạn hoặc chờ xét đơn đã chật cứng.

    Theo BBC News Tiếng Việt

  • Các nghị sĩ yêu cầu những chuyến bay chở người nhập cư bất hợp pháp đến Rwanda phải khởi hành trong vòng 24h sau khi có phán quyết của Tòa án Tối cao.

    cai cach cong uoc nhan quyen chau au
    Kế hoạch Rwanda đã liên tục gặp nhiều thách thức. Ảnh: Getty

    Những lãnh đạo cấp cao của Đảng Bảo Thủ cảnh báo chính sách chống di dân quan trọng hàng đầu hiện nay là Kế hoạch Rwanda, tốt nhất không nên bị trì hoãn nữa. 

    Hiện tại, chính phủ phải chờ tới ít nhất là tháng 12 này thì Tòa án Tối cao (Supreme Court) mới công bố phán quyết về tính hợp pháp của Kế hoạch. Đây được xem là cột mốc quan trọng mà ai cũng trông chờ, nhưng hiện Đảng Bảo Thủ đang yêu cầu phải có hành động dứt khoát để tiến hành chuyến bay bất chấp việc Tòa án có chống lại Kế hoạch này hay không. 

    Đảng Bảo Thủ muốn Chính phủ Anh làm việc với các quốc gia Châu Âu khác về vấn nạn buôn người, để đi tới việc thay đổi Công ước Châu Âu về Nhân quyền. Từ đó, các quốc gia muốn bảo vệ biên giới của họ sẽ không bị cản trở nữa. Ông Rishi Sunak hiện đang phải chịu áp lực phải thay đổi luật của Anh quốc, để UK có thể kiên quyết với Kế hoạch Rwanda. 

    Bộ trưởng Nhập cư Robert Jenrick khẳng định Kế hoạch Rwanda sẽ khuyến khích người nhập cư ở lại quốc gia an toàn là Pháp, thay vì đến Anh. 

    Các nghị sĩ Bảo Thủ muốn các chuyến bay được tiến hành trước kì bầu cử năm 2024. Cựu Bộ trưởng Brexit, ông David Jones, cho biết nhập cư bất hợp pháp là "vấn đề quốc gia quan trọng duy nhất" mà khu vực cử tri của ông quan tâm. 

    Ông yêu cầu chuyến bay phải cất cánh ngay lập tức sau khi Tòa án Tối cao ra phán quyết tán thành. "Chuyến bay phải diễn ra trong ngày hôm đó, điều này là cực kì quan trọng", ông nói, "Nếu họ biết họ sẽ không được ở lại UK và sẽ bị đưa tới một quốc gia châu Phi, vậy thì ngay từ đầu họ sẽ không lên xuồng nữa".

    Một cuộc khảo sát trên trang tham mưu WeThink cho thấy mức độ ủng hộ đối với việc cấp chỗ ở cho người nhập cư đang ngày càng giảm. Chỉ 31% cho rằng nước Anh nên cung cấp chỗ ở cho người xin tị nạn trưởng thành, 47% cho rằng nước Anh không cần phải cấp chỗ ở cho họ.

    37% tin rằng các băng đảng buôn người chính là thủ phạm gây ra cuộc khủng hoảng di cư bằng xuồng nhỏ, 26% tin rằng trách nhiệm thuộc về Chính phủ, 7% cho rằng các luật sư nhân quyền là thủ phạm, 29% tin rằng tất cả 3 đối tượng này là thủ phạm gây ra cuộc khủng hoảng.

    1/5 người dân tin rằng nhập cư sẽ là vấn đề quan trọng nhất trong cuộc bầu cử sắp tới. 

    Bản thân ông David Jones là một luật sư. Ông muốn UK quyết liệt vận động để đại tu Công ước châu Âu về Nhân quyền. Ông nói: "Công ước này đã 70 tuổi. Vào thời điểm kí kết vấn đề buôn người chưa nghiêm trọng như bây giờ. Công ước này không chỉ ngăn cản Anh mà còn ngăn cản các quốc gia khác - đặc biệt là Italy - quyền bảo vệ biên giới của mình. 

    Thủ tướng Áo cũng đề xuất quan điểm trục xuất người nhập cư đến Rwanda, và Đan Mạch cũng đang tiến hành thương lượng với Rwanda về ý định đưa người nhập cư tới đây. Tháng này Thủ tướng Italy đã gặp ông Sunak để tăng cường hợp tác xử lý vấn đề nhập cư. 

    Thị trưởng đảo Lampedusa (Italy) cho biết khoảng 7,000 người nhập cư đã đến hòn đảo này trong vòng 48 giờ, tình thế của hòn đảo có thể nói là "cùng đường". 

    Hiện các nghị sĩ cho rằng UK và các nước châu Âu nên lên minh để đưa vấn đề cải cách Công ước Nhân quyền lên Hội đồng châu Âu, Tòa án châu Âu về Nhân quyền...

    Viethome (theo Express.co.uk)

  • Tòa Phúc Thẩm (Court of Appeal) phán quyết rằng Rwanda không phải là một quốc gia thứ 3 an toàn để trục xuất người nhập cư.

    Thủ tướng Anh Rishi Sunak tuyên bố ông "không đồng ý" khi tòa án nói rằng kế hoạch trục xuất đến Rwanda là phi pháp, và ông sẽ kháng cáo lên Tòa án Tối cao (Supreme Court). Ông Sunak nói sẽ "làm mọi thứ cần thiết" để thực hiện các chuyến bay trục xuất sau khi các nhà vận động ngăn cản thành công kế hoạch này tại Tòa phúc Thẩm. 

    "Tôi hoàn toàn tin rằng chính quyền Rwanda đã cung cấp những đảm bảo cần thiết để chắc chắn rằng không có hiểm nguy nào đối với người xin tị nạn ở đất nước này. Rwanda là một quốc gia an toàn. Tòa Thượng Thẩm đã phán quyết như vậy. Cao Ủy Liên Hiệp Quốc về Người Tị Nạn cũng đã có kế hoạch cho người tị nạn Lybia đến ở tại Rwanda. Vì thế chúng tôi sẽ kháng cáo lên Tòa Tối Cao", ông nói.

    Vào sáng ngày 29/6/2023, ba vị thẩm phán đã đảo ngược phán quyết của Tòa Thượng Thẩm (High Court), tòa này từng nói rằng Rwanda có thể được xem là một quốc gia thứ 3 an toàn để trục xuất người nhập cư. 

    truc xuat den rwanda la phi phap
    Tòa Phúc Thẩm không đồng ý đưa người nhập cư đến Rwanda

    Bài liên quan: Việt Nam trao tặng lúa giống cho Rwanda

    Nhân dịp Hội nghị toàn cầu lần thứ 4 Hệ thống lương thực thực phẩm bền vững, chiều 26/4/2023 tại Hà Nội, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Lộc Trời, ông Huỳnh Văn Thòn đã trao tặng 4 giống lúa chất lượng cao gồm OM 18, OM 5451, Lộc Trời 28 và IR 50404 cho Rwanda. 

    Đây là 4 giống lúa chất lượng cao được Tập đoàn Lộc Trời tuyển chọn kỹ lưỡng, cho năng suất cao, phòng trừ sâu bệnh tốt và thích hợp với nhiều điều kiện canh tác. 

    Đón nhận 4 giống lúa trên tay, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp Rwanda, ông Ildepphonse Musafiri cảm ơn tấm lòng của Tập đoàn Lộc Trời với ngành nông nghiệp và người dân Rwanda. Người đứng đầu ngành nông nghiệp Rwanda hy vọng, 4 giống lúa sẽ sinh trưởng và cho năng suất tốt khi được gieo trồng tại Rwanda, qua đó có thể tiếp cận nhiều hơn tới các giống lúa của Việt Nam nói chung và giống lúa do Tập đoàn Lộc Trời nghiên cứu nói riêng. 

    Viethome (theo Sky News)

  • Số liệu mới đây cho thấy chính phủ sẽ phải chi tới 1.8 tỉ bảng để trục xuất tất cả 11,000 người vừa mới cập bến UK trong năm nay. 

    Điều này đồng nghĩa, mỗi người nhập cư bất hợp pháp sẽ tiêu tốn của chính phủ Anh £169,000 để đưa họ đến các quốc gia như Rwanda. Tuy nhiên, việc đưa họ tới châu Phi sẽ giúp người dân Anh tiết kiệm được từ £106,000 - 165,000 / người. 

    Nếu chính phủ muốn hòa vốn, vậy phải giảm 37% số người vượt biển thành công. Chi phí này chỉ phát sinh khi người nhập cư đến được UK. Nếu họ không đến được đất UK, vậy chi phí sẽ không phát sinh.

    Hiện tại, UK đã chi cho Rwanda 140 triệu bảng nhưng vẫn chưa có ai bị trục xuất tới đây. Đây mới chỉ là tiền thiết lập cơ sở vật chất và trại tị nạn ở Rwanda, chứ không bao gồm khoản tiền £169,000 kia. 

    Trong khoản tiền £169,000 này:

    - Rwanda sẽ nhận được £105,000

    - Bộ Nội Vụ nhận được £18,000

    - Chi phí vé máy bay và phí hộ tống là £22,000

    - Phí giam giữ là £7,000

    - Phí cho Bộ Tư Pháp là £1,000

    Ngoài ra còn có một khoản phí 9% gọi là "ước tính lạc quan", nâng tổng số chi phí để đưa một người sang Rwanda lên £169,000.

    Vì trẻ em không người thân sẽ không bị trục xuất, cho nên có rất nhiều người xi tịn nạn khai báo mình là trẻ em. Dự luật Illegal Migration Bill được biên soạn nhằm mục đích ngăn người nhập cư bất hợp pháp xin tị nạn, đồng thời giam giữ họ trước khi trục xuất. Hiện luật này đang được Thượng Viện xem xét trước khi trả lại Hạ Viện. 

    chi phi dua nguoi den rwanda
    Bộ trưởng Nội vụ Suella Braverman đã đến Rwanda vào đầu năm nay.

    Viethome (theo Sky News)

  • Dưới đây là bức thư của Giáo sư Elspeth Webb gửi cho Guardian, bày tỏ sự lo ngại có thể xảy đến với những người tị nạn bị trục xuất đến Rwanda. Họ có thể nhiễm các ký sinh trùng gây bệnh sốt rét và có thể không nhận được sự giúp đỡ.

    sot ret o rwanda
    Bà Suella Braverman và các chính trị gia dường như không quan tâm đến sức khỏe của người tị nạn. Ảnh: Wiki

    Theo Giáo sư Elspeth Webb, việc trục xuất người xin tị nạn đến Rwanda là sai trái ở nhiều cấp độ khác nhau (UK đã phớt lờ phán quyết của Tòa án Nhân quyền châu Âu về vấn đề người di cư bằng xuồng nhỏ. Trong số những khía cạnh về nhân đạo, có một vấn đề chưa được đề cập đúng mức, thậm chí không hề nhắc tới.

    Ở Rwanda tồn tại dịch sốt rét. Nghĩa là người dân ở bất kì nơi đâu cũng dễ dàng bị nhiễm biến thể sốt rét chết người vào tất cả mọi mùa trong năm. Người trưởng thành ở Rwanda có khả năng miễn dịch tương đối ổn. Dù họ có bị sốt rét và bị ốm, nhưng hệ miễn dịch của họ đã được rèn luyện sau nhiều lần nhiễm bệnh không quá khứ, nên họ vẫn chống chọi được. Tuy nhiên có rất nhiều đứa trẻ đã không qua khỏi. 

    Giáo sư Elspeth Webb đã từng là bác sĩ nhi khoa làm việc tại Kenya, ở khu vực có dịch bệnh sốt rét. "Tôi có thể chứng thực rằng đó là 1 căn bệnh chết người", ông nói.

    UK đang có kế hoạch gửi người xin tị nạn ra nước ngoài, bao gồm châu Phi, Albani, Trung Đông, Afghanistan và Pakistan. Hầu hết những nơi này có tỉ lệ nhiễm sốt rét thấp hoặc không có. Đất nước duy nhất có tỉ lệ lây nhiễm sốt rét cao là Pakistan, dù biến thể sốt rét ở đây không nguy hiểm bằng. Vậy mà bà Suella Braveman lại muốn gửi người xin tị nạn đến vùng đất có dịch bệnh sốt rét quanh năm.

    Người xin tị nạn cần mang theo thuốc phòng ngừa sốt rét, mùn chống côn trùng, và phải dễ dàng di chuyển nhanh đến bệnh viện khi các biện pháp phòng ngừa không hiệu quả.

    Rwanda thậm chí cũng không đáp ứng được nhu cầu khám chữa bệnh của người dân bản xứ, do đó việc họ đáp ứng nhu cầu sức khỏe của người xin tị nạn là không khả thi. 

    Thiết nghĩ, sẽ là bất hợp pháp nếu trục xuất người xin tị nạn tới một nơi mà họ dễ dàng nhiễm dịch bệnh chết người

    Nguồn: Giáo sư Elspeth Webb

    Viethome (theo Guardian)

  • Bộ trưởng Nội vụ Suella Braverman đã đáp chuyến bay đến Rwanda vào hôm thứ Bảy, ngày 18-3-2023 để bàn về thỏa thuận trục xuất người xin tị nạn đến quốc gia châu Phi.

    Kế hoạch này vẫn sa lầy trong tranh cãi vì những vấn đề pháp lý. Hiện chưa có ai bị trục xuất. Chuyến đi của bà Braverman bị chỉ trích vì bà mời những nhà báo cánh hữu đi cùng, nhưng không mời các nhà báo bên Đảng Tự do.

    Chào đón bà tại thủ đô Kigali là Thư ký thường trực Bộ Ngoại giao Rwanda, bà Clementine Mukeka, và Cao ủy Anh tại Rwanda, ông Omar Daair. Sau đó, bà Braverman đến thăm một dãy nhà được chỉ định làm nơi mà người xin tị nạn sẽ cư trú trong tương lai.

    Đã 11 tháng kể từ khi chính quyền Anh vẽ ra kế hoạch đưa hàng ngàn người nhập cư bất hợp pháp đến Rwanda, nơi mà đơn xin tị nạn của họ sẽ được xem xét.

    Chính phủ khẳng định rằng kế hoạch này là nhằm ngăn chặn mạng lưới buôn người, đồng thời ngăn ngừa người di cư bất chấp thực hiện những chuyến hải trình nguy hiểm từ Pháp đến Anh. 

    Theo kế hoạch, Anh sẽ trả cho Rwanda 145 triệu bảng (120 triệu USD) trong vòng 5 năm tới để thực thi ý định. Kế hoạch đã bị chỉ trích bởi các tổ chức từ thiện, các liên đoàn bảo vệ người xin tị nạn. Họ chất vấn tính hợp pháp của kế hoạch này, do đó đến nay chính phủ vẫn chưa tổ chức được chuyến bay nào thành công.

    bo truong noi vu anh den rwanda
    Bộ trưởng Nội vụ Anh đến Rwanda vào ngày hôm qua, 18-3-2023.

    Chưa có chuyến bay nào cất cánh, sau khi chuyến bay đầu tiên được lên lịch đến Rwanda vào tháng 6-2022, bị Tòa án Nhân quyền châu Âu (European Court of Human Rights - ECHR) ra lệnh ngừng vào giờ thứ 11. Sau đó là hàng tháng trời Bộ Nội vụ phải đối mặt với các thánh thức pháp lý liên quan. 

    Trước cuộc gặp mặt với Rwanda, bà Braverman đã tái khẳng định sự kiên quyết của mình với kế hoạch, nói rằng đây là biện pháp răn đe các đối tượng nhập cư bất hợp pháp. Nhưng Sonya Sceats, CEO của tổ chức từ thiện Freedom from Torture, lại nói rằng các biện pháp răn đe không thể áp dụng với những người đang chạy trốn tiến tranh, sự tra tấn và áp bức ở quê hương mình. 

    Bài liên quan: Có 1 người Việt nằm trong số 7 người suýt bị đưa tới Rwanda

    Bà Sonya Sceats nói rằng quyết định chỉ mời bên báo chí thân chính phủ tháp tùng chuyến đi đến Rwanda, đã lộ liễu khẳng định rằng chính phủ Anh giờ đây chẳng thèm giả vờ là mình đang bàn luận với toàn thể người dân về vấn đề này.

    Chính phủ Anh đã chọn vấn đề người di cư là ưu tiên cần giải quyết số một trong thời gian tới. Dự luật nhập cư bất hợp pháp Illegal Migration Bill vẫn đang được tranh cãi ở Quốc hội. Nếu được thông qua, dự luật này sẽ cho phép Chính phủ quyền trục xuất bất kì ai đến UK bất hợp pháp. Trong nhiều trường hợp, không có con đường an toàn và hợp pháp nào đến UK, nghĩa là người xin tị nạn chỉ có thể chọn con đường bất hợp pháp. 

    Theo dự luật này, người đến UK bằng xuồng nhỏ sẽ không được xem xét xin tị nạn dù họ là dân chạy nạn từ các quốc gia có chiến tranh. Thay vào đó, họ sẽ đối mặt với quyết định trục xuất ngay lập tức về quốc gia của mình, hoặc đến một nước thứ 3 như Rwanda.

    Nhưng hành động trục xuất này có thể không hợp pháp. Ông Alexander Betts, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Người tị nạn Oxford, nói rằng: "Khi bạn mở dự luật này ra, ngay trang đầu tiên đã có một "cảnh báo đỏ" đập vào mắt, nói rằng Luật này có thể vi phạm Công ước Luật Nhân quyền châu Âu".

    Tòa án Nhân quyền Liên Hiệp Quốc đã cảnh báo việc thực thi dự luật là vi phạm nghiêm trọng Công ước về Người tị nạn (Refugee Convention).

    Huống chi, dự luật có thể không đem lại hiệu quả như Chính phủ Anh mong muốn. Chính phủ Rwanda đã nói rằng họ chỉ có thể tiếp nhận tối đa 1,000 người xin tị nạn trong 5 năm tới. 

    Trong khi đó, đã có 45,755 người đến UK bằng xuồng nhỏ chỉ tính riêng trong năm 2022.

    Bài liên quan: Người tị nạn tới Rwanda sẽ ở resort 3 sao có hồ bơi, sân golf, sân tennis và spa

    Viethome (theo CNN)

  • ti nan rwanda 2
    Một đồ họa của BBC News mô tả các tuyến đường đưa người lậu từ VN và châu Á vào Anh qua châu Âu

    Trong phán quyết ngay lập tức bị một số tổ chức nhân quyền phê phán, Tòa Thượng thẩm ở Anh nói kế hoạch của chính phủ Anh gửi người xin tỵ nạn sang Rwanda và họ phải chờ cứu xét đơn xin tỵ nạn bên đó là “hợp pháp”.

    Bộ trưởng Nội vụ Anh, bà Suella Braverman vui mừng chia sẻ trên mạng xã hội rằng “chính quyền ngay từ đầu đã tin rằng kế hoạch của mình là hợp pháp”.

    Từ Tòa Thượng thẩm, Thẩm phán (Lord Justice) Lewis nói: "Chúng tôi kết luận rằng đó là điều hợp pháp để chính phủ bố trí các kế hoạch đưa người xin tỵ nạn sang Rwanda và đơn xin tỵ nạn của họ sẽ được cứu xét bên đó.”

    Ngài thẩm phán cũng trích phán quyết Tòa Thượng phẩm cho rằng các kế hoạch đưa người sang Rwanda “không vi phạm Hiến chương LHQ về người tỵ nạn”, và cũng không “vi phạm nhân quyền”.

    Thế nhưng các thẩm phán cũng nói cụ thể về tám trường hợp người nhập cư vào Anh xin tỵ nạn thì đã không được Bộ trưởng Nội vụ Anh xem xét đúng đắn, khi họ được “chọn để đưa lên máy bay sang Rwanda”.

    Tức là trên nguyên tắc, việc mở chương trình cứu xét đơn tỵ nạn của người vào Anh bằng đường biển không thị thực, gồm một số người Việt Nam, là đúng pháp luật và có thể được thực hiện.

    Toà chỉ yêu cầu Bộ Nội vụ cứu xét lại tám trường hợp chờ lên máy bay. Giữa năm 2022, vụ việc bị kiện nên các chuyến bay phải dừng lại.

    Tranh cãi về nhân quyền

    Chuyến bay chở "tám người đầu tiên" sang trại cứu xét tỵ nạn ở Rwanda bị ngưng lại vì các vụ kiện, coi đây là chuyện “vi phạm nhân quyền”.

    Cùng lúc, một số tờ báo thiên hữu ở Anh ủng hộ chương trình này, coi đó là cách gửi ra thông điệp để “những đường dây buôn người nguy hiểm” phải chùn tay.

    Vì nếu hàng nghìn người vào Anh bằng thuyền nhỏ từ châu Âu biết rằng họ sẽ được chuyển sang Rwanda ở châu Phi để chờ xét đơn tỵ nạn chứ không thể chờ ở Anh, thì khả năng cố sang Anh bằng mọi giá sẽ giảm, theo cách lập luận trên.

    Tuy thế, các tổ chức nhân quyền đã tiếp tục phê phán phán quyết của tòa án Anh. Ông Steve Valdez-Symonds thuộc Ân xá Quốc tế ở Anh (Amnesty International UK) nói “chương trình Rwanda phải bị bỏ ngay lập tức và bỏ toàn bộ”.

    Chính phủ Rwanda đã hoan nghênh phán quyết của toà án Anh. Anh Quốc trả tiền cho Rwanda để nhận mở các trung tâm tạm cư cho người tới Anh xin tỵ nạn.

    Gần đây, chính phủ của Thủ tướng Rishi Sunak đã tỏ ra cứng rắn về vấn đề di dân. Tin mới nhất cho hay ông Sunak "rất vui về giải pháp Rwanda" được tòa án bật đèn xanh.

    Người Albania và người Việt Nam

    Chính phủ Anh muốn mọi công dân Albania vào Anh xin tỵ nạn sẽ bị trả về Albania ngay. Anh Quốc nói Albania là nước châu Âu, đã lâu không còn chiến tranh và không có dấu hiệu hàng nghìn người "bị đàn áp", nên họ không có lý do gì tới Anh xin tỵ nạn.

    Hàng nghìn người Albania đã bơi thuyền qua eo biển giữa Anh và Pháp để tới Anh. Từ tháng 6/2021 đến hết tháng 6/2022, 7.627 công dân Albania, một nước châu Âu không còn chiến tranh, đã tới Anh xin tỵ nạn.

    Số liệu của Bộ Nội vụ Anh nói chỉ tính đến hết tháng 10/2022, chừng 38 nghìn người đã vượt biên bằng thuyền vào Anh trong năm đó.

    Từ tháng 1/2018 đên hết tháng 6/2022, số người vào Anh bằng thuyền nhỏ, không giấy tờ gồm 28% người Iran, 20% Iraq, ngoài ra là dân Albania, Afghanistan. Con số người từ Pakistan, Sri Lanla, Việt Nam cũng có nhưng ít hơn.

    Theo BBC Tiếng Việt

  • Chính phủ đang hy vọng Rwanda sẽ trở thành ''quốc gia thế giới thứ 3'' an toàn cho người xin tị nạn sau khi thất bại trong những cuộc thương lượng với EU sau Brexit.

    tau tuan duong
    Tàu tuần dương Defender chở một nhóm người nhập cư đến Dover, Kent, sau khi xuồng của họ bị chìm trên eo biển Anh. Ảnh chụp ngày 23-8-2022. (Gareth Fuller/PA)

    Chính phủ Anh chỉ trục xuất được 21 người xin tị nạn đến ''các quốc gia thuộc thế giới thứ 3'' trong vòng 18 tháng kể từ khi Brexit đi vào thực thi. Số liệu mới nhất cho thấy kế hoạch Rwanda đang rơi vào bế tắc.

    Hơn 16,000 người xin tị nạn đang được xem xét để trục xuất vì chính phủ tuyên bố rằng hồ sơ của họ là ''không thể chấp nhận được''. Các hồ sơ này được nộp trong giai đoạn từ tháng 1-2021 đến tháng 6-2022.

    Chỉ 21 người bị trục xuất khỏi UK sau Brexit. Các quốc gia bị gửi đến bao gồm Ireland, Đức, Ý, Tây Ban Nha... Hiện không thể xúc tiến một đàm phán song phương nào về vấn đế trục xuất người tị nạn đến các quốc gia châu Âu.

    Hiện giờ các nước thứ 3 như Rwanda là lựa chọn hàng đầu, nhưng việc trục xuất đã bị dừng lại giữa hàng loạt các cuộc chiến pháp lý. 

    Người tị nạn Afghanistan và Ukraina cũng không thoát khỏi nguy cơ bị đẩy đến Rwanda. Chính phủ Anh hiện không xem xét việc họ có phải người tị nạn hay không, mà chỉ căn cứ vào cách thức họ đến UK. 

    Theo luật nhập cư của Anh, hồ sơ xin tị nạn của một người sẽ bị tuyên bố là “inadmissible” (Không chấp nhận) nếu họ đã đi qua hoặc đã sống ở các quốc gia thứ 3 an toàn. Vì đó là nơi họ có thể xin tị nạn thay vì đến UK. 

    Hướng dẫn của Bộ Nội Vụ nói rõ, một người xin tị nạn ''đã sống vài tuần tại nhà bạn bè ở Brussels trong lúc tìm băng nhóm đưa họ đến UK bất hợp pháp'' thì sẽ bị tuyên bố là ''“inadmissible”. Do đó nhân viên Bộ Nội Vụ sẽ kiểm tra đồ đạc của người xin tị nạn, chẳng hạn ''biên nhận và vé'' từ các cửa hàng và phương tiện công cộng. 

    Người tị nạn sẽ bị trục xuất đến Rwanda nếu điều đó tốt với họ hơn là trục xuất về quốc gia mà họ có gốc gác.

    Số liệu cho thấy từ đầu năm tính đến cuối tháng 6-2022, đã có 63,089 hồ sơ xin tị nạn. Đây là con số cao nhất trong 2 thập kỷ qua. Hồ sơ tồn đọng ở Bộ Nội Vụ đang rất cao, với 166,000 hồ sơ đang ''trong quá trình xử lý''. 

    Hơn 3/4 hồ sơ đã được duyệt trong 6 tháng đầu năm, một nửa các hồ sơ bị từ chối đã kháng cáo thành công. 

    Nhóm người xin tị nạn đông nhất là người Iran và Albani. 

    Từ năm 2018, 94% người băng qua eo biển Anh đã nộp đơn xin tị nạn. Một nửa số này được cấp thị thực tị nạn, 43% bị tuyên bố ''inadmissible'' vì họ đã từng sống ở quốc gia thứ 3 an toàn. Chỉ 8% hồ sơ bị từ chối.

    Viethome (theo Independent)

  • Cả 2 ứng cử viên cho chiếc ghế thủ tướng Anh là ông Rishi Sunak và bà Liz Truss đều đưa ra đề xuất mở rộng kế hoạch Rwanda. Họ đã bị kết tội là ''độc ác, vô nhân tính'' khi tán đồng chính sách đuổi người xin tị nạn khỏi nước Anh. 

    Tổ chức từ thiện Amnesty International đã đi đầu trong việc chỉ trích các kế hoạch nhập cư do 2 ứng viên của Đảng Bảo Thủ đề xuất, cho rằng chính sách này sẽ gây tốn kém chi phí rất lớn và đe dọa tính mạng, cuộc sống của người xin tị nạn. Các tổ chức nhân quyền, các đảng đối lập và thành viên Viện chiến lược cánh hữu Adam Smith cũng không tán thành kế hoạch này.

    truc xuat nguoi den rwanda

    Chính sách thù địch đã dâng cao vào cuối tuần qua khi 2 ứng cử viên chuẩn bị cho cuộc tranh luận trên đài BBC vào tối hôm nay 25/7, các lá phiếu bầu cũng sẽ được gửi tới hòm thư của các cử tri trong tuần tới. 

    Tranh luận xung quanh vấn đề nhập cư dường như đã làm lu mờ những tuyên bố trước đó của các ứng cử viên, trong đó ông Sunak nói rằng sẽ xóa sổ các Viện Khổng Tử của Trung Quốc, còn bà Truss lên kế hoạch cắt bỏ những quy định lằng nhằng ở các cảng hàng hóa miễn thuế và tạo ra những ''đặc khu đầu tư'' với ít thủ tục hành chính.

    Cả hai đều nhất trí sẽ gửi hàng trăm người xin tị nạn đến Rwanda. Kế hoạch này đã bị hoãn vào tháng trước sau khi Tòa án nhân quyền châu Âu can thiệp.

    Sunak nói ông sẽ làm bất cứ điều gì để biến kế hoạch Rwanda thành hiện thực, và sẽ kiên trì kết hợp với các quốc gia khác để giải quyết tình trạng khủng hoảng nhập cư. 

    Trong bảng kế hoạch nhập cư gồm 10 điểm, Sunak cho biết ông sẽ giới hạn số người tị nạn được phép vào UK mỗi năm, thắt chặt các tiêu chuẩn đối với người được phép xin tị nạn, cắt viện trợ đối với các quốc gia không chịu nhận lại người bị từ chối tị nạn và tội phạm nhập cư. 

    Ông Sunak sẽ cho người nhập cư ở trên các du thuyền (cruise ship) thay vì cho họ ở trong khách sạn nhằm tiết kiệm chi phí. Tuy nhiên đề xuất này của ông đã bị bà Truss chỉ tích. Bà cho rằng ý tưởng này chỉ khiến việc giam giữ người nhập cư trở nên tùy tiện, vi phạm luật quốc tế và luật quốc gia. Khi truyền thông hỏi ý tưởng này của ông có hợp pháp không, ông Sunak không đưa được câu trả lời rõ ràng, nhưng cho rằng ''ý tưởng nào cũng đáng để cân nhắc''.

    Ngoài Rwanda, bà Truss cũng sẽ tìm kiếm những quốc gia khác, nơi Anh quốc có thể xây dựng các mối quan hệ đối tác để trục xuất người di cư tới đó. Lực lượng biên phòng sẽ được tăng cường nhân lực 20% nếu bà trở thành thủ tướng, nhờ đó mà UK sẽ có thêm nhiều đội tuần tra ở eo biển nhằm ngăn chặn các xuồng chở người di cư cập bến. 

    Tuy nhiên, chi phí có thể là vấn đề đau đầu, bởi vì chỉ trục xuất 200 người xin tị nạn đến Rwanda đã tốn đến 120 triệu bảng. 

    Viethome (theo Guardian)

  • Một nhà nghỉ ở thủ đô Kigali đang xây dựng các sân bóng mini và khu vui chơi ngoài trời cho trẻ em tị nạn từ Anh đến đất nước này.

    Một nhà nghỉ đã được chính phủ Rwanda thuê lại dùng làm chỗ ở cho người xin tị nạn từ UK. Hiện khách sạn này đang tu sửa để cung cấp tiện nghi cho trẻ em. 

    Nhà nghỉ Hope ở Kigali đang xây dựng khu vui chơi ngoài trời, bao gồm sân bóng đá, sân bóng rổ, các thiết bị đồ chơi trẻ em... Giám đốc nhà nghỉ 3 sao 50 phòng ở quận Kagugu thuộc thủ đô Kigali, ông Elisee Kalyango, xác nhận rằng ông đang tăng cường tiện ích cho trẻ nhỏ, và đảm bảo khách sạn Hope thích hợp với mọi lứa tuổi.

    tien ich cho nguoi ti nan o rwanda
    Công nhân đang xây dựng một sân bóng rổ gần nhà nghỉ Hope ở Kigali. Ảnh: Victoria Jones/PA

    Theo kế hoạch của Thủ tướng Anh Boris Johnson, Uk sẽ gửi hàng chục ngàn người xin tị nạn đến Rwanda, nơi họ sẽ bắt đầu cuộc đời mới. Chính phủ Anh đã trả 120 triệu bảng cho chính quyền Rwanda. Một phần tiền được dùng chi trả cho các chủ khách sạn với thời hạn thuê là 1 năm. 

    Nhà nghỉ Hope hiện đang trống phòng sau khi tòa án châu Âu ngăn chặn chuyến bay trục xuất đầu tiên đến Rwanda. Bên ngoài, các công nhân đang xây dựng các sân bóng cho người lớn và trẻ em.

    Họ đang xây một sân bóng đá và bóng rổ mini, có thể chuyển đồi thành sân bóng chuyền. Các thiết bị trò chơi được bố trí trên bãi cỏ. 

    Chính quyền Rwanda đã rất niềm nở giới thiệu nhà nghỉ Hope đến giới truyền thông, khẳng định đó là một nơi cư trú hiện đại và sạch sẽ, có cả phòng cầu nguyện và bàn chơi bida.

    Tuy nhiên, đây là khách sạn duy nhất được kí kết để chứa người xin tị nạn. Chính quyền Rwanda khẳng định bất kì ai đến cũng sẽ được cung cấp từ A-Z, bao gồm chỗ ở, chăm sóc sức khỏe và sự hỗ trợ trong 5 năm hoặc cho đến khi người tị nạn có thể tự chủ cuộc sống. 

    Bài liên quan: Người tị nạn tới Rwanda sẽ ở resort 3 sao có hồ bơi, sân golf, sân tennis và spa

    khach san desir resort hotel cho nguoi ti nan rwanda 1

    MailOnline cho biết người bị gửi đến Rwanda sẽ được đưa vào khách sạn có hồ bơi, tiện nghi spa, WIFI miễn phí, TV màn hình phẳng với các kênh truyền hình vệ tinh, sân tennis, phòng tập thể dục và quyền sử dụng sân golf, quyền đăng ký khóa học đào tạo - tất cả được chi trả bằng tiền thuế.

    11rwandaPhòng đơn cho người tị nạn bị gửi tới Rwanda

    “Kỳ nghỉ trọn gói” này đang chờ đợi những người cố gắng vượt biển Manche bằng thuyền - một phần kế hoạch gây tranh cãi của bà Patel. Có tới 100 người di cư dự kiến ​​sẽ được đưa đến quốc gia Đông Phi vào tháng 6 - trong một nỗ lực của chính phủ nhằm đối phó với tình trạng số lượng người tới Anh bất hợp pháp tăng vọt.

    khach san desir resort hotel cho nguoi ti nan rwanda 3
    Desir Resort Hotel nhìn từ bên ngoài.

    11rwandaKhách sạn cũng có hồ bơi

    Những người may mắn nhất sẽ được gửi đến khách sạn Desir Resort Hotel. Nằm ở vùng ngoại ô yên tĩnh của thủ đô Kigali, Desir có hồ bơi, quầy bar bên ngoài, nhà hàng và tiện nghi spa.

    Ngoài ra còn có WIFI miễn phí, sân tennis, phòng tập thể dục và sân golf. Tất cả các phòng đều có phòng tắm riêng với vòi sen. Tất cả 72 phòng của khách sạn đều được trang bị TV màn hình phẳng với các kênh truyền hình vệ tinh cũng như tiện nghi là ủi.

    11rwandaNằm ở vùng ngoại ô yên tĩnh ở ngoại ô thủ đô Kigali, Desir Resort Hotel có hồ bơi, quầy bar bên ngoài, nhà hàng và spa

    Đối với khách đặt phòng thông thường, các phòng VIP có tiện nghi nhà bếp với giá 46 bảng một đêm. Phòng đơn có giá 23 bảng mỗi đêm và phòng 2 giường là 46 bảng - cả hai đều bao gồm bữa sáng.

    Nhà hàng tại Desir Resort Hotel ba sao cung cấp các món ăn địa phương và phương Tây, bao gồm cá rô phi nướng, bánh mì kẹp thịt bò và bánh pizza.

    Du khách có thể thưởng thức bia Heineken nhập khẩu cũng như bia Primus và Skol được ủ tại địa phương. Quầy bar có rượu vang đỏ và trắng và nhiều loại rượu mạnh.

    11rwandaPhòng đôi có giá 46 bảng một ngày

    Nhân viên lễ tân tại khách sạn từ chối thảo luận về sự liên quan của họ với dự án nhập cư của Anh. Nhưng Giám đốc quản lý Jackie Uwamungu đã hoan nghênh thỏa thuận này.

    Bà Jackie nói: “Công việc kinh doanh chỉ mới phục hồi sau những gián đoạn kéo dài do đại dịch Covid-19. Vì vậy, thỏa thuận về người di cư là sự cứu trợ đáng hoan nghênh. Nó sẽ thúc đẩy hoạt động kinh doanh của chúng tôi. Chúng tôi có các phòng VIP, phòng đôi và phòng 2 giường đơn, hồ bơi và hội trường".

    Các điểm tham quan gần đó đến Desir bao gồm Phòng trưng bày Nghệ thuật Niyo. Trung tâm thành phố Kigali cách đó khoảng 2.5 dặm nhưng đi xe ôm chỉ mất mười phút và chi phí chưa đến 2 bảng.

     khach san desir resort hotel cho nguoi ti nan rwanda 3
    Các dịch vụ tại khách sạn Desir Resort Hotel.

    Ngược lại, hầu hết người dân Rwanda sống trong những ngôi nhà cơ bản làm từ gạch đất và tôn - họ có mức lương dưới 3 bảng mỗi ngày.

    Một cư dân của Kigali nói: “Những người tị nạn này sẽ sống xa hoa trong khi chúng tôi sống trong điều kiện tồi tệ. Những người bình thường ở Rwanda không có khả năng qua đêm tại khách sạn. Nhiều người phải vật lộn chỉ để có cái ăn. Chúng tôi không có cơ hội đi đến bể bơi, chơi quần vợt hoặc chơi golf".

    khach san desir resort hotel cho nguoi ti nan rwanda 3
    Hình ảnh Tổng thống Rwanda, ông Paul Kagame tại sảnh của khách sạn.

    khach san desir resort hotel cho nguoi ti nan rwanda 3
    Cổng dò kim loại ở khách sạn.

    11rwandaNhà hàng ở Desir Resort Hotel phục vụ các món địa phương và phương Tây.

    khach san desir resort hotel cho nguoi ti nan rwanda 1
    Nhà hàng ngoài trời ở Desir Resort Hotel.

    11rwandaMột góc phòng hạng deluxe của khách sạn

    khach san desir resort hotel cho nguoi ti nan rwanda 3Bàn ghế trong phòng.

    khach san desir resort hotel cho nguoi ti nan rwanda 3
    Khách có thể gọi bia Heineken hoặc uống bia địa phương.

    khach san desir resort hotel cho nguoi ti nan rwanda 3
    Nhà vệ sinh.

    khach san desir resort hotel cho nguoi ti nan rwanda 3
    Bồn rửa mặt.

    Các địa điểm khác trong danh sách dành cho người di cư có ít tiện nghi hơn Desir. Nhà nghỉ Hope Guest House là một trong những địa điểm kém sang trọng và giống nhà trọ của khách du lịch.

    Nằm cạnh bến xe buýt quốc tế nhộn nhịp của Kigali, du khách có thể nghe thấy tiếng ồn ào từ ban công khách sạn. Phòng ốc cơ bản nhưng sạch sẽ. 

    Một hành lang tối dẫn qua phòng tắm chung và phòng vệ sinh thông qua các phòng nghỉ riêng biệt. Một phòng đôi với phòng tắm riêng có giá chỉ 11.50 bảng mỗi đêm. Một phòng đơn với phòng tắm riêng có giá 9.25 bảng một đêm. Trong khi đó, một phòng đơn sử dụng phòng tắm chung của nhà trọ có giá chỉ 6.20 bảng một đêm.

    Người di cư cũng sẽ được đưa vào một trại trẻ mồ côi ban đầu được thành lập để làm nơi ở cho các nạn nhân của cuộc diệt chủng năm 1994. “One Dollar Campaign” đã gây quỹ để xây dựng và làm nhà cho trẻ mồ côi trong khu phức hợp rộng lớn ở ngoại ô thành phố.

    Các nhà báo Anh đã được hướng dẫn tham quan tòa nhà này vào tháng trước nhưng sau đó mới biết mục đích sử dụng ban đầu là trại trẻ mồ côi.

    Một người phụ nữ sống gần đó nói: “Chúng tôi nghe nói những người nước ngoài sẽ đến từ châu Âu và được đưa vào trại trẻ mồ côi ở đây. Nhưng vẫn chưa có ai đến”.

    Việc trục xuất đến Rwanda sẽ tiêu tốn 120 triệu bảng tiền thuế, nhằm ngăn chặn hàng chục nghìn người di cư cố gắng đến Anh bằng thuyền nhỏ từ bên kia eo biển Manche.

    Các nhân vật đối lập ở quốc gia Đông Phi đã cáo buộc chính phủ Anh phản bội các giá trị dân chủ của Khối Thịnh Vượng Chung bằng cách trục xuất người xin tị nạn đến đây.

    Rwanda có diện tích chỉ nhỏ như đảo Sicily, nhưng là một trong những quốc gia đông dân nhất ở châu Phi. Có khoảng 127,000 người tị nạn và xin tị nạn đang sinh sống ở đây, theo Liên Hợp Quốc.

    Khoảng 38% dân số sống dưới mức nghèo và 35% trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng mãn tính - theo Chương trình Lương thực Thế giới.

    Viethome (theo Guardian)

  • Phó thủ tướng muốn áp dụng dự luật Nhân quyền để bỏ qua các phán quyết của tòa án Nhân quyền Châu Âu nhằm thúc đẩy việc đưa người tới Rwanda.

    Ông Dominic Raab đang giới thiệu luật lên quốc hội hôm thứ Tư 22/6 sau khi tòa án ở Strasbourg phản bác chính sách đưa người xin tị nạn tới Rwanda.

    Phó thủ tướng muốn bộ luật kế nhiệm của Đạo luật Nhân quyền khẳng định các tòa án Anh không phải lúc nào cũng cần tuân theo Tòa án Nhân quyền châu Âu. Thay vào đó, luật quy định Tòa án Tối cao London là bên ra quyết định cuối cùng về các vấn đề nhân quyền.

    Dự luật sẽ tạo ra một quy định tại tòa án trong đó người xin tị nạn phải chứng minh họ bị hại trước khi đơn xin tị nạn được tiếp tục đánh giá, nhằm giảm số vụ việc "không quan trọng".

    Dự luật cũng sẽ tìm cách hạn chế các trường hợp người sinh ra ở nước ngoài bị kết tội hình sự sử dụng quyền được sống với gia đình của họ ở Anh để ngăn cản quyết định trục xuất. Những người này phải chứng minh con của họ sẽ bị tổn hại nặng nề và không thể tránh khỏi nếu họ bị trục xuất.

    2rabbTòa án Nhân quyền đã ra quyết định hoãn chuyến bay

    Ông Raab nói: "Tuyên ngôn Nhân quyền sẽ củng cố truyền thống tự do của Anh đồng thời đưa một lượng lý trí vừa đủ vào hệ thống pháp luật. Những cải cách sẽ củng cố quyền tự do ngôn luận, cho phép chúng ta trục xuất tội phạm nước ngoài và bảo vệ công chúng tốt hơn”.

    Ông Raab đã từ chối yêu cầu rút khỏi Công ước Châu Âu về Nhân quyền của một số nghị sĩ đảng Bảo thủ. Chuyến bay đầu tiên chở người xin tị nạn đến Rwanda được lên lịch cất cánh vào tuần trước, với dự kiến ​​khoảng 130 người bị trục xuất, nhưng những thách thức pháp lý đã cắt giảm con số này xuống chỉ còn 7.

    Tòa án châu Âu sau đó ban hành lệnh tạm thời cấm trục xuất một người xin tị nạn Iraq cho đến khi quyết định về tính hợp pháp của chính sách được đưa ra tại tòa án của Anh.

    Các thẩm phán ở Strasbourg đã loại hai người khác khỏi chuyến bay, trong khi Tòa án Tối cao ban hành lệnh ngừng trục xuất ngay lập tức ba người khác.

    Luật của ông Raab sẽ xác nhận các biện pháp tạm thời từ tòa án châu Âu không thể lấn át các tòa án của Vương quốc Anh.

    Viethome (Theo Sky News)

  • Cảnh sát Rwanda cho biết ngày 18/6, đã có 2 người thiệt mạng và 6 người bị thương khi các tay súng nghi là phiến quân nổ súng từ biên giới Burundi nhằm vào một xe buýt tại Tây Nam Rwanda.

    Theo Cảnh sát quốc gia Rwanda, vụ tấn công do Mặt trận Giải phóng quốc gia (FLN), nhánh vũ trang của Phong trào Thay đổi Dân chủ (MRCD) chống chính phủ, thực hiện. Các tay súng bị nghi là tàn dư của FLN hoạt động qua biên giới.

    Vụ việc xảy ra trên đường Nyambage-Rusizi ở rừng Nyungwe, khiến lái xe và một hành khách thiệt mạng. Cảnh sát đang nỗ lực truy tìm các thủ phạm.

    Chính phủ Rwanda cho biết FLN đã tiến hành các vụ tấn công từ khu vực rừng Nyungwe gần biên giới Burundi vào năm 2018. Vào tháng 4, Chính phủ Rwanda đã giữ nguyên mức án 25 năm tù đối với Paul Rusesabagina do mối liên hệ với MRCD. Trước đó, đối tượng đã bị kết án với 8 tội danh khủng bố vào tháng 9/2021.

    phien quan rwanda

    Bài liên quan: Pháp nhận trách nhiệm trong thảm họa diệt chủng tại Rwanda

    Ngày 27/5/2021, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã thừa nhận vai trò của nước này trong vụ thảm sát người sắc tộc Tutsi tại Rwanda năm 1994, bao gồm việc ủng hộ chế độ diệt chủng và phớt lờ những cảnh báo về nguy cơ xảy ra thảm sát.

    Phát biểu khi tới thăm Đài tưởng niệm các nạn nhân diệt chủng Kigali ở Rwanda, Tổng thống Macron nói: “Đứng đây ngày hôm nay, với sự khiêm tốn và lòng tôn trọng, tôi thừa nhận chúng tôi (Pháp) có trách nhiệm”. Ông Macron nhận trách nhiệm của Pháp vì đã gây đau khổ cho người dân Rwanda khi phải rất lâu sau mới mở cuộc điều tra để làm sáng tỏ vai trò của Pháp. Theo ông, chỉ có người dân Rwanda mới có thể tha thứ cho Pháp vì vai trò của nước này trong nạn diệt chủng. Tuy nhiên, nhà lãnh đạo Pháp khẳng định nước này “không phải đồng phạm” trong nạn diêt chủng tại Rwanda. 

    Tổng thống Macron là nhà lãnh đạo đầu tiên của Pháp thăm Rwanda trong 11 năm qua.

    Vụ diệt chủng xảy ra giữa hai sắc tộc Tutsi và Hutu từ tháng 4-7/1994, tại tỉnh Gikongoro, Rwanda. Chỉ trong vòng 100 ngày, có tới trên 800.000 người Tutsi ôn hòa và một số ít người Hutu bị giết, ghi dấu ấn vào một trong những nạn diệt chủng kinh hoàng nhất trong lịch sử nhân loại. Sau này, Liên hợp quốc chọn ngày 7/4 hằng năm là "Ngày quốc tế tưởng niệm các nạn nhân của vụ diệt chủng ở Rwanda".

    Năm 2019, đúng 25 năm sau vụ thảm sát, Tổng thống Macron đã chỉ thị thành lập một ủy ban điều tra nhằm làm sáng tỏ vai trò của Pháp trong vụ này. Quyết định được đưa ra trong bối cảnh người dân Rwanda liên tục cáo buộc Pháp hỗ trợ các lực lượng của người sắc tộc Hutu gây ra vụ thảm sát trên.

    Theo TTXVN

  • Abu Ali là một người Sudan. Anh từng bị bỏ tù, bị đánh đập ở Sudan vì tội tham gia vào cuộc biểu tình khiến chế độ cầm quyền Omar al-Bashir sụp đổ vào năm 2019. Anh tin rằng Anh quốc có thể cho anh một nơi trú ngụ an toàn. 

    ''Khi rời bỏ Sudan, ước mơ của tôi là không bao giờ bị giam giữ vô cớ nữa. Tôi nghĩ chuyện bắt người vô cớ sẽ không xảy ra ở UK'', chàng trai 22 tuổi nói qua điện thoại từ trại giam giữ Colnbrook ở Heathrow. 

    Abu Ali (không phải tên thật) là 1 trong hơn 130 người xin tị nạn bị bắt giữ ở Kent hồi tháng 5 và bị tạm giam chờ trục xuất tới châu Phi. 

    Theo Ủy ban Người tị nạn Liên Hiệp Quốc UNHCR, những người đi xuồng nhỏ tới Anh không phải vì mục đích kinh tế, điều này trái ngược với quan điểm của Bộ Nội Vụ. Giống như Abu Ali, họ có lý do chính đáng để xin tị nạn. Tuy nhiên chính phủ Anh chỉ ưu tiên cho người Ukraine và Afghanistan, những đối tượng khác rất khó được bảo vệ ở UK.

    Một người đại diện phát ngôn của UNHCR nói: ''Bạn thấy đấy, không có con đường hợp pháp và an toàn nào dành cho những người xin tị nạn này. Chúng tôi cho rằng chính phủ Anh đang đẩy trách nhiệm của mình cho một nước khác, và trừng phạt người xin tị nạn chỉ vì họ đi theo một lộ trình vốn không bị Công ước Người tị nạn (Refugee Convention) cấm đoán''. 

    nguoi viet truc xuat toi rwanda
    Trong số 7 người bị đưa lên chuyến bay đầu tiên đến Rwanda, có 3 người Iran, 2 Iraq, 1 người Việt Nam và 1 người Albani. Ảnh: Henry Nicholls/Reuters

    Abu Ali hoảng sợ với ý nghĩ bị đưa đến Rwanda. Anh sẽ chẳng bao giờ trốn khỏi Sudan nếu biết mình sẽ rơi vào tình cảnh này. Rwanda cũng đàn áp chẳng kém gì Sudan. Lịch sử cho thấy chính quyền Rwanda từng nhiều lần vi phạm luật nhân quyền, gần đây là áp chế quyền tự do ngôn luận. 

    Các tổ chức tị nạn và nhân quyền đang lo lắng cho sức khỏe tinh thần của những người giống như Abu Ali. Vào hôm thứ Ba vừa rồi, khi chuyến bay đến Rwanda bị hủy, 2 trong số 7 người đã giàn giụa nước mắt kể lại nỗi sợ của họ khi chuyến bay suýt thì cất cánh. Họ bị tịch thu điện thoại, bị cách ly khỏi nhau, và bị tách ra để đưa tới một căn cứ quân sự.

    Trong chiếc xe van, mỗi người tị nạn bị 3-4 người đàn ông kèm chặt. Người tị nạn bị cột tay vào thắt lưng bằng khóa dán Velcro. Tại khu căn cứ, họ bị bỏ mặc suốt nhiều giờ đồng hồ. Cuối cùng, khi bị đưa lên máy bay, một người tị nạn đã hoảng loạn và khóc lớn. ''Tôi không thể kiểm soát được mình'', người đàn ông nói. 

    Trong khoang máy bay, có một người Việt Nam. Anh này đang cắn lưỡi để ngăn bản thân không la hét. Một người Iran khác thì đang khóc. Cuối cùng, khi một quan chức tới thông báo rằng anh sẽ không bị đưa tới Rwanda vào ngày hôm đó, anh cũng òa khóc. 

    Trước khi chuyến bay bị hủy, có 3 người Iran, 2 Iraq, 1 người Việt Nam và 1 người Albani được đưa lên máy bay. Nhưng một số tổ chức tị nạn đang cảm thấy khó hiểu về số lượng người Sudan đông đảo trong số 130 người đang bị tạm giam chờ đưa đến Rwanda. Có tới 1/3 trong số này là người Sudan. 

    Bà Clare Moseley, đại diện của tổ chức từ thiện Care4Calais, thắc mắc: ''Người Sudan chỉ chiếm tỉ lệ nhỏ trong số những người vượt Pháp đến UK. Vậy tại sao họ lại chiếm phần đông trong số những người sắp bị trục xuất đến Rwanda?''.

    Bộ Nội Vụ không trả lời. 

    Một người Sudan khác ở Colnbrook cho biết mình mới 17 tuổi, nhưng lại không được nhân viên nào hỗ trợ trong suốt 10 ngày bị giam ở đây. Cậu trốn khỏi Sudan do bị bỏ tù và ngược đãi lúc 13 tuổi. Sau đó cậu phải làm nô lệ suốt 2 năm trong trại dân quân ở Lybia. Sau đó cậu đã can đảm băng qua Địa Trung Hải trên một chiếc xuồng, vượt qua dãy núi Alps (bằng chân). ''Em không hiểu chuyện gì đang diễn ra. Em chỉ muốn một nơi an toàn'', cậu thiếu niên nói. 

    Viethome (theo Financial Times)

  • chuyen bay truc xuat bi tri hoan
    Một chiếc máy bay Boeing 767 tại bãi thử máy bay quân sự MoD Boscombe Down, gần Salisbury, được cho là chiếc máy bay đưa những người xin tị nạn từ Anh đến Rwanda

    Chuyến bay đầu tiên chở những người xin tị nạn từ Anh đến Rwanda đã bị hủy vài phút trước giờ cất cánh sau các phán quyết của một tòa án vào tối 14/6.

    Theo kế hoạch, có 7 người lẽ ra sẽ được đưa đến quốc gia nằm phía đông châu Phi. Nhưng chuyến bay đã bị hủy sau sự can thiệp muộn của Tòa án Nhân quyền Châu Âu (ECtHR), dẫn đến những thách thức mới tại các tòa án ở Anh.

    Bộ trưởng Nội vụ Anh Priti Patel nói rằng bà "thất vọng", nhưng bổ sung: "Việc chuẩn bị cho chuyến bay tiếp theo bắt đầu ngay bây giờ."

    Tuy nhiên, James Wilson từ nhóm vận động vì quyền của người tỵ nạn Detention Action cho biết sự can thiệp hiếm hoi từ ECtHR "cho thấy mức độ nguy hiểm tiềm tàng" của việc chuyển người xin tị nạn đến Rwanda.

    Ông cho biết tòa án đã công nhận rằng không một ai nên bị ép lên máy bay cho đến khi chính sách này được xem xét kỹ lưỡng trong một phiên điều trần của Tòa án Tối cao vào tháng sau.

    Việc hủy bỏ chuyến bay diễn ra sau nhiều ngày tranh cãi tại các tòa án ở Anh, kết thúc bằng việc Bộ trưởng Nội Vụ được phép bắt đầu vận chuyển một số người xin tị nạn.

    Một chiếc Boeing 767, được thuê với chi phí ước tính khoảng 500,000 bảng Anh, dự kiến cất cánh lúc 22:30 tối ngày 14/6 từ một sân bay quân sự ở Wiltshire.

    Nhưng mãi đến 19:30, phán quyết từ ECtHR (ở Strasbourg) đã ngăn chặn việc trục xuất một trong số 7 người xin tị nạn này, đồng thời gây ra một loạt thách thức pháp lý tại các tòa án London. Đến 22:15, tất cả các hành khách đã được đưa ra khỏi máy bay, sau đó máy bay này trở về Tây Ban Nha.

    Tòa án nhân quyền Strasbourg - thuộc Hội đồng châu Âu, vẫn coi Anh là một thành viên, không như Liên minh châu Âu - cho biết một người đàn ông Iraq được gọi là KN phải đối mặt với "nguy cơ bị tổn hại không thể phục hồi" nếu anh ta vẫn ở trên chuyến bay.

    Trong khi Tòa án cấp cao ở London cho rằng KN có thể được đưa lại Anh nếu nỗ lực kháng cáo của anh ta nhắm vào chính sách Rwanda thành công, ECtHR cho biết không có cơ chế thực thi pháp lý nào đảm bảo KN có thể quay trở lại từ Đông Phi.

    Phân tích của Domic Casciani - Phóng viên chuyên về An ninh Quốc nội của BBC

    Chỉ mất hơn một giờ để toàn bộ kế hoạch đưa những người xin tị nạn đến Rwanda vào đêm 14/6 sụp đổ như một ngôi nhà xây bằng những lá bài - nhờ một loạt các quyết định liên quan, tất cả xảy ra bởi một phán quyết từ Tòa án Nhân quyền Châu Âu.

    Bảy hành khách còn lại có lệnh lên chiếc Boeing 767 đang khởi động tại MoD Boscombe Down (một bãi thử máy bay quân sự ở Wiltshire) trông có vẻ như họ đã không còn sự lựa chọn - nhưng tòa án Strasbourg, nơi có tiếng nói cuối cùng trong các vấn đề nhân quyền, đã phán quyết rằng một nguyên đơn đã nêu ra những lo ngại thực sự về kế hoạch, và thực tế là các thẩm phán Anh đã không xem xét đúng các điều kiện ở Rwanda.

    Quyết định đó, dù chỉ dành cho một người xin tị nạn, nhưng cũng đủ khiến những người đàn ông còn lại kháng cáo - một số đệ đơn lên các thẩm phán ở London. Cuối cùng, tất cả các lệnh trục xuất đã bị hủy bỏ.

    Tuy nhiên, chính sách chuyển những người xin tị nạn từ Anh sang Rwanda vẫn chưa "chết". Điều chúng ta không biết lúc này là cuối cùng các thẩm phán sẽ ra phán quyết như thế nào khi họ xem xét toàn bộ chính sách Rwanda vào tháng tới.

    Trận chiến này - giữa các Bộ trưởng, và các luật sư mà họ coi là kẻ thù, và bây giờ là Tòa án châu Âu - chỉ mới bắt đầu.

    Tòa án Strasbourg cũng cho biết Liên Hiệp Quốc đã đưa ra quan ngại rằng những người xin tị nạn ở Anh được chuyển đến Rwanda sẽ không được tiếp cận với các thủ tục "công bằng và hiệu quả" để xác định tình trạng tị nạn của họ.

    Và Liên Hiệp Quốc lưu ý rằng Tòa án Tối cao đã thừa nhận có những vấn đề nghiêm trọng liên quan đến việc liệu Rwanda có được đánh giá chính xác là một quốc gia thứ ba an toàn hay không.

    Bộ trưởng Nội vụ cho biết "những rào cản pháp lý lặp đi lặp lại" này tương tự như những rào cản mà chính phủ Anh phải đối mặt trong các vụ trục xuất khác, đồng thời nói thêm rằng "nhiều người trong số những người được đưa khỏi chuyến bay này sẽ được sắp xếp vào chuyến bay tiếp theo".

    Bộ trưởng Priti Patel cho biết bà cương quyết duy trì chính sách "không dễ thực hiện" này, nhưng nói thêm rằng điều "rất bất ngờ" là Tòa án châu Âu đã can thiệp sau khi chính phủ Anh được các tòa án trong nước cho phép tiến hành các chuyến bay.

    "Đội ngũ pháp lý của chúng tôi đang xem xét mọi quyết định được đưa ra về chuyến bay này và việc chuẩn bị cho chuyến bay tiếp theo bắt đầu ngay bây giờ," bà Patel nói.

    Chính phủ Rwanda cho biết họ vẫn cam kết thực hiện thỏa thuận với Anh và "không bị nhụt chí" khi chuyến bay đầu tiên khởi hành không thành công.

    Người phát ngôn Yolande Makolo cho biết: "Rwanda sẵn sàng tiếp nhận những người di cư và mang đến cho họ sự an toàn và cơ hội ở đất nước của chúng tôi."

    Trước đó, hôm 14/6, Thủ tướng Anh Boris Johnson nói với nội các của mình rằng những người đánh giá thấp chính sách Rwanda đang "tiếp tay cho hoạt động của các băng nhóm tội phạm" và nói rằng chính phủ sẽ không nản lòng.

    Khi các phóng viên hỏi liệu nước Anh có rút khỏi Công ước Châu Âu về Nhân quyền, vốn được tòa án Strasbourg ủng hộ hay không, ông Johnson nói rằng "rất có thể" cần phải thay đổi luật.

    Nhưng các nhóm ủng hộ những người xin tị nạn đã thúc giục chính phủ thay đổi quyết định và đưa ra một con đường công bằng cho những người chạy trốn cuộc đàn áp đi tìm nơi tị nạn ở Anh.

    Giám đốc Hội đồng Tị nạn Enver Solomon nói việc chuyến bay không thể cất cánh là "dấu hiệu cho thấy kế hoạch vô nhân đạo" và cho rằng chính phủ phải suy nghĩ lại kế hoạch của mình bằng cách có "cuộc trò chuyện lớn hơn với Pháp" về việc người di cư vượt Eo biển Manche.

    Ông Wilson từ nhóm vận động Detention Action cho biết Tòa án Nhân quyền châu Âu, được thành lập sau nạn diệt chủng Holocaust, đã "làm những gì họ được thành lập để làm", gọi đây là "một đêm của sử sách".

    Theo BBC News Tiếng Việt

  • chuyen bay dau tien den rwanda 10

    Sau khi 2 đơn thách thức pháp lý bị thất bại, một chuyến bay đã được lên lịch tới Rwanda vào ngày hôm nay, 14/6. 

    Theo Sky News, 7 người xin tị nạn sẽ bị đưa lên chuyến bay đầu tiên đến Rwanda. Bộ trưởng Bộ ngoại giao cũng khẳng định rằng ''nếu 7 người này không có mặt trên chuyến bay đầu tiên, thì họ sẽ phải lên chuyến bay kế tiếp''.

    Bà Liz Truss nói với Sky News rằng, bà không thể nói rõ có bao nhiêu người nhập cư bị đưa lên chuyến bay đầu tiên cất cánh vào tối nay, 14/6. Nhưng bà cho rằng nước Anh chẳng có gì phải xấu hổ khi thực thi hành động này.

    Hai đơn thách thức pháp lý đã thất bại, nhưng cũng chỉ có 7 người bị chắc suất lên máy bay. Báo cáo cho thấy chi phí của chuyến bay này lên tới £500,000. Bà Liz Truss tuyên bố chuyến bay ''đáng tiền''.

    Bên cạnh đó, luật sư đại diện cho gần 100 người nhập cư đã nộp đơn thách thức pháp lý để đòi quyền ở lại UK. Các nhà hoạt động nói rằng chính sách của chính phủ là ''không an toàn'' và họ thề sẽ tiếp tục đấu tranh, cho rằng việc ép buộc trục xuất có thể khiến người tị nạn bị phát bệnh tâm thần và không còn tương lai. 

    Bộ Nội Vụ khẳng định chính sách này sẽ dập tắt hoạt động đưa người qua eo biển của bọn buôn người. Giới chức tin rằng kế hoạch này phản ánh mong mỏi của nhân dân và do đó, không thể dừng lại được.

    Tán thành phán quyết của tòa án, Thủ tướng Boris Johnson tweet: ''Chúng ta không thể cho phép bọn buôn người đặt tính mạng của người khác vào nguy hiểm, và chính sách Rwanda sẽ phá vỡ mô hình kinh doanh độc ác này''.

    Bộ trưởng Nội vụ Priti Patel khẳng định Rwanda là một quốc gia an toàn, và trước đó đã được công nhận là nơi trú ẩn an toàn cho người tị nạn. Tính đến nay, đã có 130 người nhận được thông báo trục xuất. Bộ Nội Vụ sẽ tổ chức thêm nhiều chuyến bay tương tự trong năm nay. 

    Có 92 người lớn và 12 trẻ em đã được Lực lượng Biên phòng đưa lên bờ vào sáng nay sau khi cố gắng vượt eo biển Anh. Khi được hỏi họ từ đâu đến, họ nói từ Syria, Iraq và Afghanistan. 

    Viethome (theo Sky News)