• Chủ của cửa hàng bán xuồng lo sợ những kẻ buôn người sẽ trả đũa nếu ông tiết lộ nhiều thông tin hơn.

    Một chiếc xuồng dùng để chở 13 người băng qua eo biển Anh đã bị phóng viên Sky News truy vết hàng trăm cây số và tìm được gốc gác của nó ở Hà Lan. Người chủ cửa hàng bán xuồng lo sợ những kẻ buôn người sẽ ''làm thịt'' ông và gia đình nếu ông tiết lộ thông tin của những kẻ mua xuồng.

    Bộ trưởng Nội vụ Priti Patel hiện đang sử dụng chính sách mới, đó là ''lùa'' những chiếc xuồng chở người di cư quay ngược trở lại Pháp. Một nhà phân tích nói rằng việc truy dấu xuất xứ những chiếc xuồng này sẽ là một phương pháp hiệu quả trong việc ngăn chặn nạn buôn người.

    Vào ngày 20/7/2021, một đoạn video do trực thăng quay được cho thấy một chiếc xuồng nhỏ màu cam chở đầy người đã cập bến Dungeness (Kent, England). Đây chỉ là một vài trong số 13.000 người di cư đã đi theo tour đường biển này trong năm nay.

    truy vet xuong nhap cu 1
    Chiếc xuồng chở 13 người cập cảng Dungeness.

    Truy vết những chiếc xuồng chở người nhập cư thường rất khó. Bởi vì chúng thường xuất bến vào đêm khuya sau khi bị đánh cắp từ các bến du thuyền hoặc xưởng sản xuất thuyền ở bắc Âu. Tuy nhiên chiếc xuồng bị phát hiện hôm 20/7 lại có 2 đặc điểm khác biệt: đó là màu cam nổi bật của nó, và số đăng ký in bên mạn xuồng cùng tên thương hiệu xuồng là LodeStar. 

    Phóng viên Sky News bèn lên trang web bán tàu thuyền nổi tiếng ở châu Âu tên là boatshop24.com. Mở tới trang thứ 16 của chuyên mục xuồng cao su, họ đã tìm thấy một chiếc xuồng giống y chiếc đã cập bến ở Dungeness. Truy cập vào profile của người bán xuồng này, họ phát hiện đó là một cửa hiệu ở Rotterdam, Hà Lan. 

    Chiếc xuồng vẫn còn nằm trong danh sách hàng đăng bán, vì website vẫn chưa cập nhật tình trạng ''hết hàng'' của nó. Sau khi được mua, bảng điều khiển trên xuồng đã bị gỡ để có thể nhét thêm người vào.

    truy vet xuong nhap cu 1
    Hình ảnh chiếc xuồng trên website bán hàng.

    truy vet xuong nhap cu 1
    Biển số trên xuồng giống như biển số đăng ký.

    Ông Hans, chủ của cơ sở bán xuồng, tiết lộ rằng chiếc xuồng này đã được một cặp đôi khoảng 35 tuổi mua cách đó 2 tuần trước khi nó được hạ thủy. Người mua là một phụ nữ dường như đến từ Bỉ, và một nam giới nói chuyện bằng thứ ngôn ngữ mà Hans không hiểu.

    Họ đã trả 700 euro cho chiếc xuồng, và cung cấp 1 địa chỉ ở Antwerp (Bỉ) sau khi hoàn tất thanh toán. Giá của chiếc xuồng này chỉ là một con số lẻ so với hàng ngàn euro mà những kẻ buôn người tính phí trên mỗi người di cư.

    Hans không hề biết chiếc xuồng này được sử dụng cho mục đích buôn người, nhưng ông cũng không ngạc nhiên lắm. Đây là lần thứ 3 trong 2 năm qua, những chiếc xuồng do ông bán có dính líu tới tội phạm nhập cư.

    Thường thì những kẻ buôn người ở bắc Âu nói cùng một ngôn ngữ với những người di cư, nhằm giúp họ tổ chức hành trình băng qua eo biển. Hiện giờ Hans đã ra một chính sách tuyên bố rõ ông sẽ không bán cho những khách hàng nói thứ tiếng mà ông không nhận ra. 

    Hans không muốn cung cấp thêm thông tin nữa vì sợ bọn buôn người trả đũa, nên Sky News quyết định không nêu đầy đủ tên họ của Hans cũng như cửa hiệu của ông.

    truy vet xuong nhap cu 1
    Ông Hans tại cửa hàng của mình.

    Trong một vụ việc trước đó vào năm 2019, 3 người đàn ông mà Hans đoán là người Syria, đã mua một chiếc xuồng, 9 áo phao và một động cơ gắn ngoài từ cửa hiệu của ông. Sau khi giúp họ chất con xuồng lên một chiếc xe van, 3 người đàn ông lái xe đi mất mà không trả tiền. Hình ảnh từ CCTV của tiệm cho thấy rõ hình ảnh của những gã này và chiếc xe của chúng, nhưng cảnh sát Hà Lan cũng không bắt được bọn ăn cướp.

    truy vet xuong nhap cu 1
    Ông Hans nói chuyện với 3 gã đàn ông trước khi bị cướp.

    Lực lượng Biên phòng Hà Lan nói rằng họ không biết về chiếc xuồng được mua ở Rotterdam hồi tháng 7 đã được sử dụng cho mục đích vượt biên. Hành trình vượt biên đến UK thường phải đi qua 3 nước khác, mỗi nước đều có rất nhiều chốt biên giới và lực lượng biên phòng riêng.

    Việc hợp tác giữa các quốc gia là cần thiết nếu muốn ngăn chặn tội phạm buôn người. Hồi đầu năm, bên phía UK đã cung cấp cho Pháp 54 triệu bảng để yêu cầu Pháp hỗ trợ kìm hãm người di cư tới eo biển. Thế nhưng các chuyên gia lại lo rằng chủ trương của hai bên chính phủ liệu có tới tai của các lực lượng biên phòng địa phương. 

    Chuyên gia về tệ nạn buôn người Roxane de Massol de Rebetz thuộc Đại học Leiden cho biết: "Nhập cư là một vấn đề liên quốc gia, đó không phải là chủ trương của riêng cảnh sát địa phương. Cảnh sát địa phương còn phải lo đủ loại tội phạm trộm cướp chứ nhiệm vụ chính không phải là chặn người di cư. Huống chi nhiều thành viên châu Âu còn thấy mừng thầm vì đã tống được người di cư ra khỏi lãnh thổ''.

    Hơn nữa, cho dù là cảnh sát địa phương có cố gắng, thì việc truy vết những chiếc xuồng nhỏ rẻ tiền cũng không hề dễ. Việc đăng ký xuồng chẳng có quy định nào cả. Mà dù có, thì số đăng ký cũng rất dễ thay đổi. Chiếc xuồng màu cam cặp bến Anh hôm 20/7 đã bị thiếu mất một ký tự trên số đăng ký, có thể do đã vô tình rơi mất hoặc cố ý bị gỡ đi.

    truy vet xuong nhap cu 1
    Những chiếc xuồng của người di cư chất đống tại một kho bãi ở Dover, Kent. Rất ít chiếc có in thông tin đăng ký.

    Cơ quan Cấp biển số Phương tiện Hà Lan xác nhận rằng biển số đầy đủ của chiếc xuồng này là 76-77-YN, nhưng họ không thể tiết lộ thông tin về chủ (tức người đã mua) chiếc xuồng này. Sự khó khăn này đòi hỏi phải có những chế tài hiệu quả hơn để giúp truy bắt những kẻ đầu sỏ. 

    Bởi nếu không truy bắt những kẻ đầu sỏ mà chỉ nhắm vào người di cư thì chỉ khiến họ liều lĩnh tìm kiếm những hành trình nguy hiểm hơn, nơi mà không bị cảnh sát biển phát hiện.

    Bởi nếu chỉ chi tiền để tăng cường cảnh sát truy bắt người di cư thì cũng giống như bạn chặn đầu này, họ đi đầu khác. Điều này đã diễn ra suốt những năm qua, khiến chặng đường của người di cư ngày càng xa xôi và phức tạp.

    Viethome (theo Sky News)

  • Báo cáo của Tổ chức di cư quốc tế (IOM) công bố ngày 14/7 cho thấy, số người di cư và tị nạn thiệt mạng trong khi cố gắng đến châu Âu bằng đường biển đã tăng hơn gấp đôi trong nửa đầu năm nay so với cùng kỳ năm 2020.

    Theo IOM, có ít nhất 1.146 người di cư đã thiệt mạng trên biển kể từ tháng 1-6/2021 khi cố gắng đến châu Âu, trong khi số người di cư tìm cách vượt biển Địa Trung Hải để đến châu Âu tăng 58%. Số người thiệt mạng có thể cao hơn nhiều vì một số vụ đắm tàu thường không được báo cáo.

    GettyImages 1228313810 765x540

    Báo cáo của IOM cũng cho biết hầu hết các trường hợp tử vong xảy ra ở biển Địa Trung Hải, với 896 trường hợp được báo cáo kể từ tháng 1-6/2021, tăng 130% so với cùng kỳ năm ngoái.

    Trong đó, tuyến đường biển từ Libya đến Italy là nguy hiểm nhất, cướp đi sinh mạng của ít nhất 751 người, tiếp theo là tuyến đường biển phía Tây đến Tây Ban Nha, với 149 người thiệt mạng và ít nhất 6 người chết trên tuyến đường biển đến Hy Lạp. Trong khi đó, tại Đại Tây Dương, có 250 người di cư đã thiệt mạng khi vượt biển từ Tây Phi đến quần đảo Canary.

    Theo báo cáo, tác động của đại dịch COVID-19 và những biện pháp hạn chế để ngăn chặn sự lây lan của đại dịch có thể giải thích cho số lượng người cố gắng di cư trên các tuyến đường biển đến châu Âu trong năm ngoái. Tổng số người di cư trong năm 2020 giảm xuống mức thấp nhất kể từ năm 2015, thời điểm mà nhiều người tị nạn chạy trốn khỏi cuộc chiến ở Syria.

    Người phát ngôn của IOM, bà Safa Msehli cho rằng có một số lý do để lý giải cho sự gia tăng số người di cư, tị nạn bị thiệt mạng trên tuyến đường biển trong năm nay.

    Đó là do “sự thiếu vắng các hoạt động tìm kiếm và cứu nạn chủ động do nhà nước lãnh đạo trong các vùng biển quốc tế, kết hợp với các hạn chế đối với các tổ chức phi chính phủ”. Đồng thời, bà Safa Msehli nhấn mạnh “những người này không thể bị bỏ rơi trong một cuộc hành trình nguy hiểm như vậy”.

    Theo Báo Tin Tức

  • Artin, cậu bé người Kurd đi cùng gia đình, từng bị báo cáo mất tích khi thuyền của họ chìm vào tháng 10/2020 ở eo biển Manche.

    Một thi thể được tìm thấy cách đây vài tháng trên bờ biển Na Uy đã được xác định là của em bé 15 tháng tuổi tên Artin. Theo cảnh sát địa phương, em đã thiệt mạng cùng người thân của mình khi họ cố gắng vượt qua eo biển Manche (chia cắt phía nam nước Anh và phía bắc của Pháp) để bắt đầu cuộc sống mới ở Anh vào tháng 10/2020.

    Thi thể được tìm thấy gần Karmøy ở tây nam Na Uy vào ngày đầu năm 2021 - hơn hai tháng sau khi con tàu chở một gia đình người Kurd ở Iran - gồm Rasul Iran Nezhad, Shiva Mohammad Panahi và ba đứa con - bị chìm.

    Lực lượng cứu hộ tìm thấy Nezhad bị chết đuối, trong khi vợ và hai con của anh ta chết ngay sau khi được kéo lên khỏi mặt nước. Thi thể Artin không được tìm thấy ngay lúc đó, do vậy cậu bé bị cho vào danh sách mất tích.

    cau be di dan mat tich 1
    Gia đình của Artin đã cố gắng đến Anh bằng tàu hỏa hai lần trước khi cố gắng băng qua eo biển Manche trên một chiếc thuyền đánh cá. Ảnh: Guardian.

    ."Chúng tôi không thấy báo cáo về một em bé mất tích nào ở Na Uy và cũng không có gia đình nào liên hệ với cảnh sát", Camilla Tjelle Waage, người đứng đầu cuộc điều tra của cảnh sát, trả lời BBC News. Nhiều dấu hiệu cho thấy em bé này không đến từ Na Uy.

    Cảnh sát Na Uy chia sẻ với đài truyền hình: "Các chuyên gia lành nghề trong khoa học pháp y tại bệnh viện Đại học Oslo đã cố gắng để truy xuất các cấu hình ADN phù hợp"

    Gia đình của cậu bé đã được thông báo và hài cốt của em sẽ được đưa về Iran để an táng.

    Gia đình Artin đã cố gắng đến Anh trên một chiếc thuyền đánh cá nhỏ. Họ có thể đã trả cho một kẻ buôn lậu ít nhất 6.000 USD và vượt biển cùng 23 người khác trên con tàu quá tải, sau khi đến Anh bằng tàu hỏa hai lần nhưng đều thất bại.

    Một quan chức người Pháp cho biết 19 người đã được tìm thấy dưới nước, bao gồm cả người thân của Artin, sau khi con thuyền bị lật. Song, tổ chức nhân quyền người Kurd ở Iran cho biết đã có 28 người trên thuyền, cho thấy có thể vẫn còn nhiều người chưa được tìm thấy.

    Anh trai của Rasul Iran Nezhad, Khalil cho biết anh đã nghe tin từ em mình lần cuối ngay trước khi họ cố gắng vượt biên. Họ đã vượt từ Iran sang Thổ Nhĩ Kỳ trong mùa hè năm 2020, trước khi tiếp tục qua châu Âu để đến Pháp.

    cau be di dan mat tich 1
    Cả gia đình Artin. Ảnh: Aida Ghajar

    Khalil Iran Nezhad cho biết em trai anh đã cố gắng đưa cả gia đình đến Anh để họ có thể có cuộc sống tốt đẹp hơn. Rasul làm một công việc được trả lương bèo bọt trong khi vợ anh thất nghiệp. Rasul nghe nói rằng anh có thể kiếm được ít nhất 140 USD một ngày và tìm được nơi nào đó để sống ở Anh.

    Từ đầu năm 2021, giới chức Pháp đã ngăn được 5.000 người tìm cách nhập cư bất hợp pháp vào Anh. Hàng trăm người, trong đó có cả trẻ em đã bị bắt khi đang trên đường tới Anh trên những chiếc xuồng cao su vượt biển. Nhiều người đã chết trong quá trình di cư nguy hiểm này.

    Theo Zing

  • Những bức ảnh chụp thi thể trẻ sơ sinh và trẻ mới biết đi dạt vào bãi biển ở Libya đang làm nổi bật thảm kịch nhân đạo trong cuộc khủng hoảng di cư tại biên giới châu Âu.

    Bà Nancy Porsia, một nhà báo Italy và chuyên gia về Libya, cho biết thi thể trẻ em được phát hiện trên bãi biển ở Zuwara hôm 22/5.

    Quân đội Libya sau đó đã thu thập và chôn cất các thi thể tại nghĩa trang ở Abu Qamash gần đó, Guardian đưa tin.

    tre di cu troi dat
    Thi thể một đứa trẻ trên bãi biển ở Zuwara, Libya. Ảnh: Guardian.

    “Tôi bị sốc vì sự kinh hoàng trong bức ảnh này”, ông Oscar Camps, người sáng lập Proactiva Open Arms cho biết.Theo tổ chức từ thiện đăng ảnh trên Twitter, những đứa trẻ xấu số đã cùng cha mẹ mình thực hiện chuyến di cư nguy hiểm trên thuyền cao su, khởi hành từ Libya trong những ngày gần đây.

    Người phát ngôn của cơ quan di cư Liên Hợp Quốc tại Italy cho hay không rõ các nạn nhân đã khởi hành từ Libya khi nào và điều gì đã xảy ra trên biển.

    “Chúng tôi đang cố gắng tìm lời giải thích cho vụ việc cùng các đồng nghiệp ở Libya. Có rất nhiều vụ đắm thuyền xảy ra ​​không bao giờ được ghi lại, không thể loại trừ nguyên nhân này”, ông Flavio Di Giacomo nói.

    “Hình ảnh thi thể trẻ sơ sinh và trẻ mới biết đi bị trôi dạt vào bãi biển ở Libya là không thể chấp nhận được”, Thủ tướng Italy Mario Draghi cho biết.

    Tuyên bố của ông được đưa ra trong bối cảnh ông sẽ gặp Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tại Brussels để thảo luận về việc tăng cường giúp đỡ quản lý người nhập cư ở Libya và Trung Phi.

    Libya là điểm xuất phát “quen thuộc” của người di cư muốn vượt Địa Trung Hải tới châu Âu trong thời gian biển lặng gần đây. Tuy nhiên, hành trình của họ được ví như “hành trình chết”, khi những kẻ buôn người nhồi nhét người di cư trên những chiếc thuyền không đảm bảo.

    Theo cơ quan di cư của Liên Hợp Quốc, khoảng 630 người đã thiệt mạng ở biển Địa Trung Hải trong năm nay khi cố gắng đến châu Âu.

    Theo Zing

  • Hàng nghìn người vượt biên từ Morocco sang Tây Ban Nha tuần qua, nhưng lập tức bị trục xuất, thậm chí mất mạng, ngay khi đặt chân tới "thiên đường châu Âu".

     guc truoc cua thien duong 1

    Một người đàn ông da màu mặc quần short màu cam, dường như kiệt sức khi đặt chân lên bãi biển Ceuta thuộc Tây Ban Nha hôm 18/5. Anh mệt tới nỗi không thể nhấc chân khỏi con sóng, nằm úp mặt xuống bãi biển, tay nắm chặt bờ cát.

    Sau những bãi biển ở Hy Lạp, Italy và những nơi khác, một vùng lãnh thổ của Tây Ban Nha trên bờ biển phía bắc châu Phi trong tuần này trở thành tâm điểm chết chóc mới trong giấc mộng di cư tới miền đất hứa châu Âu của những người trốn chạy xung đột, đói nghèo và khổ đau.

    Ceuta, thành phố 85.000 dân của Tây Ban Nha giáp biên giới với Morocco ở Bắc Phi, đang đối mặt khủng hoảng nhân đạo sau khi hàng nghìn người Morocco lợi dụng tình trạng quản lý biên giới lỏng lẻo để bơi hoặc chèo xuồng vào lãnh thổ châu Âu.

     guc truoc cua thien duong 1

    Một nam thanh niên Morocco đi đôi giày thể thao đế đỏ trắng gục chết trên hành trình tới Ceuta hôm 20/5. Các nhân viên cứu hộ Tây Ban Nha bọc thi thể bất động của anh vào tấm chăn giữ nhiệt màu vàng, chèn thêm đá cuội để sóng không cuốn trôi.

    Hai nhân viên sau đó đưa thi thể anh vào túi đựng xác để mang đi. Đây là một nạn nhân nữa gục ngã khi vừa đặt chân tới "cửa thiên đường" châu Âu.

     guc truoc cua thien duong 1

    Người di cư mặc quần short màu cam hồi tỉnh sau khi dạt vào bãi biển Ceuta. Anh bật khóc khi được một thành viên Hội Chữ thập đỏ an ủi.

     guc truoc cua thien duong 1

    Binh sĩ Tây Ban Nha và lực lượng Phòng vệ Dân sự làm nhiệm vụ ở hàng rào dọc biên giới Morocco - Tây Ban Nha tại vùng Ceuta hôm 18/5. Họ theo dõi những người di cư ở phía bên kia, trên bờ kè và những ngọn đồi khô cằn nhìn ra Ceuta.

     guc truoc cua thien duong 1

    Một người di cư được sĩ quan quân đội Tây Ban Nha hỗ trợ ở Ceuta hôm 18/5.

    Hơn 8.000 người Morocco vây quanh hàng rào biên giới và bơi từ Morocco sang Ceuta trong vòng 48 tiếng, khiến lực lượng chức năng Tây Ban Nha bị quá tải. Nhà chức trách đã vớt được hai thi thể trôi dạt trên biển, đều là người đến từ Morocco.

     guc truoc cua thien duong 1

    Người di cư băng qua khu rừng gần thị trấn biên giới Fnideq ở phía bắc Morocco trên đường tới Ceuta hôm 18/5.

     guc truoc cua thien duong 1

    Binh sĩ quân đội Tây Ban Nha trục xuất một người di cư khỏi vùng Ceuta hôm 18/5. Hơn 7.000 người đã nhanh chóng bị trục xuất về Morocco sau khi đặt chân tới Ceuta.

     guc truoc cua thien duong 1

    Người vượt biên trèo qua hàng rào biên giới Morocco và Tây Ban Nha, bên ngoài Ceuta, hôm 18/5.

     guc truoc cua thien duong 1

    Hai trẻ em ngủ trong nhà kho được trưng dụng làm trung tâm cư trú tạm thời cho trẻ vị thành niên nhập cư tại Ceuta ngày 19/5.

     guc truoc cua thien duong 1

    Người di cư ngồi xuồng tới Ceuta hôm 19/5.

    Nhiều người di cư tới Tây Ban Nha trên những chiếc xuồng mong manh. Một chiếc xuồng nhỏ chở 14 người và họ đang tìm cách tát nước khi nước biển tràn vào. Một người bơi phía sau, bám chặt đuôi xuồng.

     guc truoc cua thien duong 1

    Một binh sĩ Tây Ban Nha cầm súng đợi người di cư bơi lên bờ Ceuta hôm 19/5.

    Một số người đã quỳ góc cầu nguyện khi đặt chân lên đất Tây Ban Nha, với hy vọng về cuộc sống mới trên lục địa châu Âu. Có người mang theo đồ đạc, những người bơi yếu phải vật lộn trong sóng biển và hải lưu.

     guc truoc cua thien duong 1

    Trẻ vị thành niên không có người lớn đi cùng vượt biên sang Tây Ban Nha tập trung bên ngoài một nhà kho trưng dụng làm nơi trú ẩn tạm thời trong lúc chờ xét nghiệm Covid-19 ở Ceuta hôm 19/5.

    Làn sóng người di cư vào Tây Ban Nha gần đây tăng mạnh trong bối cảnh căng thẳng leo thang giữa nước này và Morocco về số phận của Brahim Ghali, lãnh đạo Mặt trận Polisario, một phong trào muốn khu vực Tây Sahara trở thành quốc gia độc lập thay vì thuộc lãnh thổ Morocco.

    Tây Ban Nha cáo buộc Morocco cố tình "làm ngơ" cho người tị nạn tràn vào nước này, nhằm gây sức ép chính trị trong vấn đề Brahim Ghali.

    VnExpress (theo AP)

  • 438 trẻ em và thanh thiếu niên bị "nhồi nhét" vào các nhà kho hoặc phải ngủ vùi ở công viên tại Ceuta, Tây Ban Nha trong cuộc di cư đến thành phố này từ Marocco.

    Tuần trước, sau khi Morocco nới lỏng kiểm soát biên giới, hơn 8.000 người di cư đã vượt biên bằng cách bơi hoặc dùng bè để đến Tây Ban Nha. Ít nhất đã có hai người chết trong hành trình đó.

    Theo giới chức Tây Ban Nha, khoảng 7.000 người đã bị đưa trở lại biên giới. Dù vậy, có khoảng 438 trẻ em và thanh thiếu niên đang phải tá túc tạm thời ở thành phố Ceuta, theo Guardian.

    tre di cu
    Hàng trăm trẻ em đang phải tá túc trong các nhà kho ở Ceuta. Ảnh: AP.

    Các em đã bị đưa vào nhà kho để hoàn thành 10 ngày phòng dịch Covid-19 với sự giám sát của cảnh sát.Bộ trưởng phụ trách quyền xã hội của Tây Ban Nha Ione Belarra cho biết: “Chúng tôi đang giải quyết vấn đề. Những đứa trẻ nhỏ hơn nhiều so với bình thường - chúng chỉ mới 7, 8, hoặc 9 tuổi”.

    Một số em đã tìm cách trốn ra khỏi nhà kho. Các em nói rằng cơ sở vật chất tại đó thiếu thốn trong khi người lại đông đúc. Nhiều em phải sống sót qua ngày bằng táo, lê và bánh mì, thay vì những bữa ăn nóng. Một số còn phải ngủ trên sàn nhà.

    Trong một đoạn video được đăng tải, một đứa trẻ nói lớn: "Tôi muốn ra khỏi đây", còn ống kính máy quay hướng đến sàn nhà tắm phủ đầy phân do nhà vệ sinh đã ngừng hoạt động.

    Các quan chức ở Ceuta chưa phản hồi khi được hỏi về vấn đề này.

    Trong khi đó, nhiều đứa trẻ khác phải ngủ lại trong công viên và trên các đường phố ở Ceuta. Tai đây, các em không nhận được bất kỳ sự hỗ trợ về tài chính nào hay được giám sát.

    Ông Carlos Rontome, một lãnh đạo ở Ceuta, cho biết: “Chúng tôi không thể giải quyết được (tình trạng này). Có quá nhiều trẻ em".

    Còn Bà Mabel Deu, một vị lãnh đạo khác, cho biết hôm 22/5 rằng đường dây nóng để gia đình liên lạc với các em đã quá tải với 4.400 cuộc điện thoại trong ngày đầu tiên. Các nhân viên đang làm việc “sáng, trưa và tối” để giúp các em liên hệ với thân nhân, bà cho biết.

    Theo luật Tây Ban Nha, trẻ vị thành niên vẫn được chính quyền khu vực chăm sóc tới khi các em đến tuổi trưởng thành, hoặc khi có thể xác định được người thân.

    Bà Deu nói rằng trong khi một số trẻ em háo hức về nhà, nhiều người khác lại hy vọng ở lại Tây Ban Nha.

    “Bố mẹ thấy rằng nếu em đến đây, em có thể có tương lai (tốt hơn)”, một đứa trẻ 14 tuổi cho biết.

    Tổ chức Cứu trợ Trẻ em đã kêu gọi xem xét hoàn cảnh cụ thể của từng đứa trẻ. “Trước khi việc hồi hương diễn ra, các cơ quan chức năng phải đảm bảo việc đó an toàn và phù hợp với sự phát triển cũng như quyền lợi của trẻ em”, đại diện cơ quan này cho biết.

    Trong khi đó, Tổ chức Ân xá Quốc tế (AI) nhấn mạnh rằng giới chức Tây Ban Nha đã thiếu các thủ tục cần thiết khi đưa trẻ em trở lại biên giới. “Lợi ích của trẻ em cần được bảo vệ trong mọi trường hợp", đại diện tổ chức này khẳng định.

    Bà Virginia Álvarez, thành viên của Tổ chức Ân xá quốc tế, nói rằng: “Marocco đang đùa giỡn với mạng sống con người. Họ không được sử dụng công dân để làm con tốt thí trong một ván bài chính trị".

    Các quan chức ở Rabat cho rằng việc kiểm soát biên giới lỏng lẻo có liên quan đến quyết định gần đây của chính quyền Madrid. Quyết định này bí mật cho phép một lãnh đạo ở khu vực Tây Sahara đến Tây Ban Nha để điều trị Covid-19. Đáp lại, Madrid khẳng định quyết định trên có "lý do nhân đạo nghiêm ngặt".

    Trong khi đó, giới phân tích cho rằng hành động của Marocco có mục đích thúc đẩy các quốc gia châu Âu công nhận yêu sách của nước này đối với Tây Sahara. Khu vực trên đang có tranh chấp giữa Marocco và Tây Ban Nha.

    Trước đó, tháng 12/2020, chính quyền Tổng thống Donald Trump đưa Mỹ trở thành quốc gia phương Tây đầu tiên công nhận chủ quyền của Marocco đối với phần lãnh thổ này.

    Theo Zing

  • Tại những khu bị chính phủ coi là "ổ chuột" ở Đan Mạch, nhiều cư dân nhập cư cảm thấy họ bị phân biệt đối xử và tách biệt khỏi xã hội.

    Đan Mạch không chỉ là đất nước của truyện cổ tích Andersen mà còn là quốc gia duy nhất chính thức phân loại một số khu dân cư là “ổ chuột”, qua các tiêu chí như có hơn nửa cư dân không đến từ các nước phương Tây hoặc có tỷ lệ thất nghiệp trên 40%.

    Ông El-Chahabi, gốc Palestine, hiện là người điều phối thanh niên tại Mjolnerparken cảm thấy sự phân loại của chính phủ khiến dư luận có cái nhìn không chính xác về họ. “Khi các nhà báo đến đây, tôi muốn nói về những điều tốt đẹp. Nhưng họ không quan tâm và chỉ muốn biết về các băng đảng hoặc những mâu thuẫn. Điều này khiến tôi cảm thấy rất buồn”, ông El-Chahabi chia sẻ.

    Việc có đông dân nhập cư sinh sống không biến một khu phố trở nên nguy hiểm. Batul và Jenan luôn cảm thấy vui vẻ và an toàn khi dạo chơi tại công viên trong Mimersparken vào mỗi buổi chiều. “Ở đây chỉ có một số thành phần nổi loạn, các cư dân còn lại đều là những người tử tế và hòa nhã. Thật đáng tiếc khi một số người đã làm hỏng mọi thứ cho chúng tôi”, ông Salim El-Chahabi nói.

    Những khó khăn mà Zaynab (ngồi giữa) và các bạn cô phải đối mặt không đến từ khía cạnh vật chất trong cuộc sống mà đến từ ánh mắt kỳ thị của những người xung quanh. Đảng Nhân dân Đan Mạch, được biết đến với chủ trương chống đối người nhập cư, đã trở thành đảng lớn thứ hai trong quốc hội sau cuộc bầu cử vào năm 2015.

    Sau các vụ xả súng hàng loạt và khủng bố tại thủ đô Copenhagen, cảnh sát liên tục đi tuần tại những khu vực có đông dân nhập cư sinh sống. Tháng 3/2015, Thủ tướng Lars Lokke Rasmussen thuộc đảng Dân chủ thông báo kế hoạch loại bỏ các "khu ổ chuột" và hợp nhất người nhập cư vào cộng đồng Đan Mạch vào năm 2030.

    Kế hoạch loại bỏ những khu phố "hỗn loạn" đã nhận được phản hồi trái chiều từ cư dân khu Mjolnerparken tại trung tâm thủ đô Copenhagen. Một số cho rằng các biện pháp trên sẽ góp phần cải thiện cộng đồng bằng cách giảm thiểu tội phạm và thúc đẩy các cơ hội việc làm. Số khác lại lo sợ chúng sẽ dẫn tới sự gia tăng trong phân biệt đối xử đối với người nhập cư hoặc dân tị nạn. Thực chất, những khu vực như Mjolnerparken tương đối văn minh với lớp học zumba và những tòa nhà được thiết kế riêng cho người cao tuổi.

    Trẻ em đến từ các quốc gia không phải phương Tây cũng bị ảnh hưởng bởi sự phân biệt đến từ chính phủ. “Sự mô tả của quan chức khiến những đứa trẻ tự bó buộc mình vào cuộc sống tội phạm và đồng tiền bất hợp pháp”, Khosrow Bayet, trưởng câu lạc bộ Sjakket dành cho trẻ em cho biết. 

    Theo sự diễn tả của chính phủ Đan Mạch về "khu ổ chuột", nhiều người sẽ tưởng tượng ra một khu dân cư với những ngôi nhà lụp xụp, bẩn thỉu, và là ổ chứa của các tệ nạn xã hội. Tuy nhiên, niềm vui trên những gương mặt của nhóm phụ nữ trẻ gốc Somalia khi đang chơi thể thao đã chứng minh họ đang sinh sống trong một môi trường trong lành và sạch đẹp. Chính sự kỳ thị dành cho người nhập cư đã khiến một bộ phận trong chính phủ có cái nhìn không đúng về những khu phố của họ.

    “Tôi từng phải đến gặp bác sĩ để trị chứng đau lưng. Bác sĩ liền hỏi tôi có bị chồng đánh không. Tôi lập tức trả lời 'Không!'”, bà mẹ 2 con Umm-Meyounah nói. Tuy cô là người Đan Mạch, chồng của Umm-Meyounnah là một người nhập cư đến từ Trung Đông. “Đây là những vấn đề tôi phải liên tục đối mặt. Bạn dành tất cả thời gian chỉ để giải thích với mọi người rằng bạn không bị ai đánh và không phải là kẻ khủng bố”, cô nói.

    Theo Zing

  • Cơ quan quản lý nhập cư Mexico cho biết chiếc xe tải chở 366 người di cư, bao gồm những người đến từ Bangladesh, Ấn Độ, Nepal, Yemen, Uzbekistan và Nam Phi. Ngoài ra còn có những người trên tàu từ Cuba, Cộng hòa Dominica, Ecuador, Bolivia, Peru, Guatemala, Honduras, Nicaragua, El Salvador và Venezuela.

    366 nguoi di cu tren xe tai
    (Ảnh minh họa/ AP)

    Các nhân viên phát hiện chiếc xe tải đậu bên lề đường ở bang Chiapas, miền nam giáp Guatemala. Có rất nhiều người di cư đang treo chân lên khỏi nóc của các container hàng hóa. Những người di cư đã tuyệt vọng rời khỏi Tapachula, một thành phố khác gần Guatemala hơn, nơi chính quyền bắt họ phải chờ thị thực. Vì vậy, nhiều người di cư thử đi bộ, hoặc đi xe ôm, hướng về phía bắc.

    Hồi tháng 11/2021, nhà chức trách đã phát hiện 600 người di cư từ 12 nước đang chen chúc trong 2 chiếc xe tải ở Mexico, trên đường đến Mỹ. Cụ thể, Reuters dẫn nguồn tin từ Viện Di cư Quốc gia Mexico (INM) ngày 20/11/2021 cho biết đã phát hiện người di cư đến từ 12 quốc gia với tổng cộng 600 người được giấu sau 2 chiếc xe tải ở bang Veracruz, miền đông Mexico, hầu hết đến từ nước láng giềng Guatemala.

    Theo thông tin từ Viện Di cư Quốc gia Mexico, có 401 người đến từ Guatemala, 53 người từ Honduras, 40 người từ Cộng hòa Dominica, 37 người từ Bangladesh, 27 người từ Nicaragua, 18 người từ El Salvador và 8 người từ Cuba. Ngoài ra, còn có 6 người đàn ông đến từ Ghana, 4 người đến từ Venezuela, 4 người đàn ông đến từ Ecuador, 1 người đàn ông Ấn Độ và 1 người đàn ông Cameroon cũng được tìm thấy trong hai chiếc xe đầu kéo ở Veracruz.

    Hầu hết người di cư từ Trung Mỹ và một số nơi trên thế giới đến Mexico đều hướng tới Mỹ. Số trẻ em di cư đến Mỹ qua Mexico cao nhất trong 10 năm. 

    Số lượng trẻ em di cư trung chuyển qua Mexico đã gia tăng trong giai đoạn 2015-2016, sau đó là các năm 2019 và 2021, với con số kỷ lục là 59.562 trẻ em.

    Nhà chức trách Mexico trong năm 2021 đã phát hiện gần 60.000 trẻ vị thành niên trung chuyển qua quốc gia này trên hành trình di cư từ Tam giác Bắc Trung Mỹ (bao gồm El Salvador, Honduras và Guatemala) đến Mỹ.

    Đây là con số cao nhất được ghi nhận trong 10 năm qua.

    Thống kê trên tạp chí điện tử Contexts do Đơn vị Chính sách Di cư, Đăng ký và Nhận dạng (UPMRIP) thuộc Bộ Nội vụ Mexico phát hành cho thấy số lượng trẻ em di cư trung chuyển qua nước này đã gia tăng trong giai đoạn 2015-2016, sau đó là các năm 2019 và 2021, với con số kỷ lục là 59.562 trẻ em. UPMRIP cho biết trong số này có gần 14.000 trẻ vị thành niên không có người lớn đi cùng.

    Tuy nhiên, UPMRIP cũng cho hay số liệu của Cơ quan Tuần tra Biên giới Mỹ ghi nhận tới 377.096 trẻ vị thành niên nhập cảnh qua biên giới phía Nam, cao gấp 6 lần so với thống kê của nhà chức trách Mexico. Đây là con số cao thứ hai sau năm 2019. Trong số này có gần 113.800 trẻ vị thành niên không có người lớn đi cùng.

    UPMRIP nhận định một trong những yếu tố thúc đẩy tình trạng di cư ở trẻ vị thành niên là do đại dịch COVID-19 đã tác động tiêu cực đến thị trường lao động, đặc biệt là đối với phụ nữ và người trẻ tuổi.

    Do các đợt phong tỏa kéo dài, người lao động trong khu vực phi chính thức bị ảnh hưởng do không thể bán hàng hoặc cung cấp dịch vụ, cũng như không được hưởng các dịch vụ an sinh xã hội.

    Những yếu tố khác bao gồm bạo lực ở một số quốc gia Trung Mỹ, và 2 siêu bão Eta và Iota đổ bộ vào cuối năm 2020 đã ảnh hưởng đến 3,5 triệu trẻ vị thành niên.

    Trước tình trạng này, UPMRIP đã kêu gọi Chính phủ Mexico tăng cường hệ thống chăm sóc sức khỏe cho trẻ em di cư và cân nhắc khả năng xây dựng các chương trình hợp tác song phương trong lĩnh vực này./.

    Viethome tổng hợp