53 thi thể trên xe container và ngành công nghiệp tỷ USD bùng nổ ở Mỹ

Việc buôn lậu người nhập cư xuyên biên giới đã trở thành lĩnh vực kinh doanh trị giá hàng tỷ USD ở Mỹ, khi số lượng người tìm cách vượt biên đến nước này ngày càng tăng.

Nhìn từ đường phố, ngôi nhà nhỏ màu nâu không có gì nổi bật nhưng lại tạo cảm giác dễ chịu. Tuy nhiên, ở sân sau của nó là một ngôi nhà di động mà sau này, một công tố viên đã mô tả là “ngôi nhà kinh hoàng”, theo New York Times.

Nó được phát hiện vào năm 2014, khi một người đàn ông gọi đến báo rằng ông Moises Ferrera, cha dượng của anh, một người di cư từ Honduras, đang bị giam giữ ở đó và bị tra tấn bởi những tội phạm buôn người đã đưa ông vào Mỹ.

Người đàn ông cho biết những kẻ bắt giữ cha dượng của anh muốn có nhiều tiền hơn. Họ dùng búa đập liên tục vào tay ông Ferrera, đe dọa sẽ tiếp tục cho đến khi gia đình ông gửi tiền.

buon nguoi o my 1
Các công tố viên cho biết lãnh đạo của một băng nhóm buôn người đã ra lệnh tra tấn người di cư phía sau ngôi nhà này. Ảnh: New York Times

Ngành kinh doanh tỷ USD tại Mỹ

Khi các đặc vụ liên bang và cảnh sát trưởng đến ngôi nhà này, họ phát hiện ông Ferrara không phải là nạn nhân duy nhất. Điều tra cho thấy những tội phạm buôn người đã bắt giữ hàng trăm người di cư để đòi tiền chuộc ở đó. Họ dùng những cách tra tấn tàn bạo như cắt tứ chi của người di cư và hãm hiếp phụ nữ.

“Những gì đã xảy ra ở đó là chủ đề khoa học viễn tưởng, phim kinh dị - và một thứ mà chúng tôi đơn giản sẽ không thấy ở Mỹ”, công tố viên Matthew Watters nói với bồi thẩm đoàn. Ông cho rằng các băng đảng tội phạm có tổ chức đã đưa nỗi kinh hoàng này qua biên giới.

Tuy nhiên, nếu đó là một trong những trường hợp đầu tiên, nó không phải là trường hợp cuối cùng. Hoạt động buôn người di cư ở biên giới phía nam nước Mỹ đã bùng nổ trong 10 năm qua, từ một mạng lưới rải rác của những “chó sói đồng cỏ” tự do thành ngành kinh doanh quốc tế trị giá hàng tỷ USD do tội phạm có tổ chức kiểm soát.

Cái chết của 53 người di cư ở San Antonio vào tháng trước là vụ buôn người chết chóc nhất ở quốc gia này cho đến nay. Vụ việc xảy ra khi các hạn chế biên giới của Mỹ bị thắt chặt, từ đó thúc đẩy người di cư tìm kiếm sự hỗ trợ của những tội phạm buôn người để vào Mỹ.

Trong khi những người di cư từ lâu đã phải đối mặt với nhiều vụ bắt cóc và tống tiền tại các thành phố biên giới ở Mexico, những vụ việc như vậy đang gia tăng ở phía Mỹ, theo các nhà chức trách liên bang.

Trong năm qua, các đặc vụ liên bang đã đột kích các ngôi nhà tạm giữ hàng chục người di cư gần như hàng ngày.

Theo Guadalupe Correa-Cabrera, một chuyên gia về buôn lậu tại Đại học George Mason, mức phí người di cư phải trả thường dao động trong khoảng 4.000 USD nếu họ đến từ Mỹ Latin, và lên tới 20.000 USD nếu họ phải di chuyển từ châu Phi, Đông Âu hoặc châu Á.

Trong nhiều năm, những "chó sói đồng cỏ" độc lập đã trả cho các băng đảng khoản thuế để đưa người di cư qua lãnh thổ mà họ kiểm soát dọc theo biên giới. Các tổ chức tội phạm vẫn gắn chặt với đường dây kinh doanh truyền thống của chúng - buôn lậu ma túy - vốn mang lại lợi nhuận lớn hơn nhiều.

Điều đó bắt đầu thay đổi vào khoảng năm 2019, Patrick Lechleitner, quyền Phó giám đốc Cơ quan Thực thi Di trú và Hải quan Mỹ, nói. Theo ông, số lượng lớn người tìm cách vượt biên đã khiến cho việc buôn lậu người nhập cư trở thành một kênh kiếm tiền không thể cưỡng lại được đối với một số băng đảng.

Các tổ chức kinh doanh có những đội ngũ phụ trách những vấn đề riêng biệt, và tất cả đều hỗ trợ một ngành công nghiệp có doanh thu đã tăng từ 500 triệu USD vào năm 2018 lên khoảng 13 tỷ USD ngày nay, theo Cơ quan Điều tra An ninh Nội địa.

Tiền mất, tật mang

Những người di cư được di chuyển bằng máy bay, xe buýt và các phương tiện cá nhân. Phương tiện chở người di cư hòa cùng 20.000 xe tải di chuyển hàng ngày trên xa lộ I-35 đến và đi từ Laredo, cảng đất liền nhộn nhịp nhất của Mỹ.

Các nhân viên Tuần tra Biên giới được bố trí tại các trạm kiểm soát chỉ kiểm tra một phần nhỏ các phương tiện để đảm bảo giao thông được ổn định.

Chiếc container được phát hiện vào ngày 27/6 ở Texas đã đi qua một trạm kiểm soát mà không gây ra nghi ngờ gì. Vào thời điểm nó dừng lại trên một con đường hẻo lánh ở San Antonio, hầu hết trong số 64 người bên trong đã chết.

buon nguoi o my 1
Những phương tiện chở người di cư bất hợp pháp thường hòa cùng hàng chục nghìn chiếc xe khác lưu thông trên đường. Ảnh: New York Times.

Trước đó, vụ việc xảy ra tại ngôi nhà ở Texas năm 2014 cũng đã khiến thủ phạm bị bắt giữ. Một phiên tòa sau đó đã cung cấp cái nhìn sống động bất thường về các thủ đoạn tàn bạo của hoạt động buôn lậu.

Giới chức thực thi pháp luật liên bang cho biết mặc dù bắt cóc và tống tiền xảy ra với tần suất nhất định, các phiên tòa với nhân chứng hợp tác là tương đối hiếm. Lo sợ bị trục xuất và do không có giấy tờ, người thân của những người di cư bị bắt cóc hiếm khi gọi điện báo chính quyền.

Ông Ferrera, 54 tuổi, nạn nhân bị tra tấn, lần đầu tiên di cư đến Mỹ vào năm 1993. Ông đi tới các công trường xây dựng ở Los Angeles và San Francisco, nơi ông kiếm được số tiền gấp 10 lần khi ở Honduras. Ông đã trở về nhà vài năm sau đó.

“Vào những ngày đó, bạn không cần một con sói đồng cỏ”, ông nói.

Khi lên đường vào đầu năm 2014, ông Ferrera biết rằng mình sẽ phải thuê một kẻ buôn lậu để đi qua biên giới. Ở Piedras Negras (Mexico), một người đàn ông hứa sẽ hướng dẫn ông đến tận Houston. Mario Pena, con trai của ông Ferrera, cho biết ông đã chuyển khoản 1.500 USD để thanh toán.

Sau khi đến Texas, ông Ferrera và một số người di cư khác được đưa đến xe kéo ở Carrizo Springs. Không lâu sau, con của ông Ferrera nhận được một cuộc gọi yêu cầu trả thêm 3.500 USD.

Pena nhớ lại rằng các cuộc gọi trở nên thường xuyên và đầy tính đe dọa. Những tội phạm buôn người để cho anh nghe thấy tiếng thét và rên rỉ của người cha dượng, mỗi khi một chiếc búa giáng xuống ngón tay ông.

Anh Pena đã xoay sở để chuyển được 2.000 USD qua Western Union, nhưng khi những kẻ bắt giữ nhận ra rằng họ không thể thu tiền vì đó là ngày chủ nhật, chúng đã tăng cường tấn công.

Anh Pena đã gọi 911.

Theo Jonathan Bonds - một trong những đặc vụ, các nhân viên thực thi pháp luật đã tìm thấy ông Ferrera trong tình trạng “bị tổn hại nghiêm trọng về thể chất, với rất nhiều máu trên người".

Sau khi ra làm chứng và hỗ trợ lực lượng thực thi pháp luật, ông Ferrera được phép ở lại Mỹ. Tuy nhiên, ông đã phải trả giá cho cuộc sống mới của mình bằng một đôi tay không còn sức sống.

Theo Zing