• Truyền thông Anh đưa tin Vua Charles "dặn dò" Harry không đưa vợ Meghan đến lâu đài Balmoral, khi các thành viên hoàng gia tề tựu bên Nữ hoàng lúc lâm chung.

    "Vua Charles nói với Harry rằng việc Meghan ở lâu đài Balmoral vào thời điểm vô cùng đau buồn như vậy là không đúng hoặc không thích hợp", tờ Sun hôm 9/9 dẫn một nguồn tin cho hay.

    "Ông chỉ ra rằng Công nương Kate cũng không tới và số lượng người nên được giới hạn ở những thành viên thân thiết nhất", nguồn tin nói thêm, đề cập vợ của Hoàng tử William. "Vua Charles đã nói rất rõ ràng Meghan sẽ không được chào đón".

    harry khong ve kip 1
    Harry trên đường tới lâu đài Balmoral hôm 8/9 sau khi Nữ hoàng Elizabeth II qua đời. Ảnh: Guardian.

    Vợ chồng Harry và Meghan chuyển sang Mỹ sinh sống vài năm qua, song họ đang ở Anh khi sức khỏe Nữ hoàng Elizabeth II chuyển biến xấu. Theo Sun, Harry đang ở ngôi nhà Frogmore Cottage, món quà cưới Nữ hoàng tặng vợ chồng anh, thì nhận được cuộc gọi từ cha.

    Trong khi đó, Telegraph đưa tin không như anh trai William, Harry ban đầu không được triệu tập khi các thành viên cấp cao hoàng gia lên đường đến Balmoral. Phần lớn mọi người cho rằng Công nương Kate ở lại London do đó là ngày đầu các con đến trường, song một số chỉ ra cô hiểu khoảnh khắc cuối đời Nữ hoàng nên dành cho những người cùng máu mủ với bà.

    Truyền thông Anh cũng tiết lộ chỉ có hai người con lớn của Nữ hoàng là Vua Charles và Công chúa Anne có mặt khi bà qua đời. Những người con khác của bà là hai Hoàng tử Andrew, Edward, cùng cháu nội William đến ngay sau đó.

    harry khong ve kip 1
    Hoàng tử Harry đến lâu đài Balmoral sau khi Nữ hoàng Elizabeth II băng hà. Ảnh: TheImageDirect.

    Căng thẳng giữa Harry - Meghan và hoàng gia Anh dâng cao sau khi hai người tiết lộ nhiều chuyện "thâm cung bí sử" của hoàng gia trong cuộc phỏng vấn với nhà đài Mỹ hồi tháng 3/2021. Hai vợ chồng thậm chí tố một thành viên hoàng gia phân biệt chủng tộc với con trai họ là Archie, làm dấy lên cuộc khủng hoảng hoàng gia lớn nhất 7 thập kỷ Nữ hoàng Elizabeth II trị vì.

    Bất chấp những vấn đề gây tranh cãi với hoàng gia, Harry có mối quan hệ thân tình, đầy yêu thương với Nữ hoàng. Hình ảnh được chia sẻ cho thấy gương mặt anh buồn bã, tay chống lên đầu trên đường tới lâu đài Balmoral, gần hai giờ sau khi Cung điện Buckingham thông báo Nữ hoàng qua đời.

    Nữ hoàng Elizabeth II ra đi ở tuổi 96 tại lâu đài Balmoral, Scotland. Thái tử Charles, 73 tuổi, kế thừa ngôi vị, trở thành Vua Charles III, trong khi Hoàng tử William, với tư cách người thừa kế ngai vàng, nhận tước hiệu mới là Thân vương xứ Wales.

    Trong bài phát biểu đầu tiên trước công chúng Anh, Vua Charles nói rằng ông muốn "bày tỏ tình yêu" đối với con trai Harry và con dâu Meghan khi hai người "tiếp tục xây dựng cuộc sống ở nước ngoài".

    VnExpress (Theo Sun, Daily Mail)

  • Cảnh sát khắp nước Anh đang được huy động tới London phục vụ chiến dịch an ninh lớn nhất lịch sử, bảo vệ tang lễ Nữ hoàng Elizabeth II.

    Hàng chục nguyên thủ, lãnh đạo thế giới sẽ tập trung ở Tu viện Westminster, London tham dự tang lễ Nữ hoàng Elizabeth II vào tuần sau, trong lúc giới chức Anh đang chuẩn bị cho "hoạt động bảo vệ và trị an lớn nhất mà Vương quốc từng thực hiện".

    an ninh that chat tang le nu hoang 1
    Một người bị cảnh sát quật ngã sau khi nhảy qua rào chắn trước mặt Vua Charles III ở London ngày 10/9. Ảnh AFP

    Linh cữu Nữ hoàng sẽ được quàn tại Đại sảnh Westminster, tòa nhà lâu đời nhất trong khuôn viên tòa nhà quốc hội Anh, từ ngày 14/9, trước khi được rước về Tu viện Westminster sáng 19/9, nơi an nghỉ cuối cùng của bà.

    Nick Aldworth, người từng tham gia xây dựng chính sách chống khủng bố quốc gia của Anh trước khi nghỉ hưu hồi tháng 5/2019, cho biết các sự kiện trong lễ tang Nữ hoàng sẽ diễn ra trong "một thế giới có mối đe dọa khác hẳn" thời Công nương Diana qua đời.

    "Đây sẽ là chiến dịch an ninh lớn nhất mà Vương quốc Anh từng thực hiện", ông nói. "Chỉ cần một chiếc ôtô, một người nào đó làm điều cực kỳ xấu xa, lễ tang không chỉ có nguy cơ bị gián đoạn, mà còn có khả năng gây ra thương vong".

    Vài tháng trước, một người đàn ông cầm cung tên được cho là đã áp sát Lâu đài Windsor và đe dọa giết Nữ hoàng. Năm 2017, một phần tử ủng hộ phiến quân Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng từng âm mưu tấn công khủng bố Điện Buckingham, trong khi hai thành viên một nhóm khủng bố tân phát xít bị kết án tù vì kích động tấn công Hoàng tử Harry năm 2019.

    Owen West, một chuyên gia an ninh đã nghỉ hưu, nhận định cảnh sát Anh sẽ hoạt động tích cực để đảm bảo người dân tham gia các sự kiện tưởng niệm Nữ hoàng một cách an toàn.

    "Công tác an ninh sẽ tập trung vào đối thoại và tiếp xúc với người dân, chia sẻ thông tin hữu ích, đảm bảo các tuyến đường chính được thông thoáng", West nói. "Đám đông lớn ngày nay luôn tiềm ẩn mối đe dọa. Do đó, sẽ luôn có người để mắt, đánh giá rủi ro và các biện pháp bảo vệ đám đông".

    an ninh that chat tang le nu hoang 1
    Một sĩ quan đứng gác tại The Mall, khu vực quảng trường bên ngoài Điện Buckingham ở London ngày 10/9. Ảnh AFP

    Nhiều tuyến đường đã được đóng cửa để tạo hành lang an ninh xung quanh những địa điểm đông người, với các rào chắn và biện pháp ngăn chặn "phương tiện thù địch" được triển khai. Chính quyền sẽ triển khai một chiến dịch lớn với để bảo vệ tang lễ, trong đó có bố trí lính bắn tỉa trên mái nhà nơi linh cữu Nữ hoàng đi qua, cũng như triển khai lực lượng tuần tra trên mặt đất.

    Scotland Yard, sở cảnh sát thủ đô London, cho hay đã đưa ra "kế hoạch trị an được diễn tập kỹ lưỡng" để bảo vệ sự kiện. Một phát ngôn viên cảnh sát Anh cho biết yêu cầu "hỗ trợ lẫn nhau" gần như chắc chắn sẽ được đưa ra trong những ngày tới. Trung tâm Điều phối Cảnh sát Quốc gia sẽ sắp xếp quá trình điều động sĩ quan từ các nơi khác tới London phục vụ chiến dịch an ninh.

    "Trong Chiến dịch Cầu London, nhiệm vụ của lực lượng cảnh sát dự kiến kéo dài 10-14 ngày, với sự hỗ trợ từ các lực lượng khắp vương quốc Anh và sử dụng nhiều đơn vị có năng lực khác nhau", phát ngôn viên nói thêm.

    "Do tính chất của sự kiện, chiến dịch phải đảm bảo an ninh cho một lượng lớn quan chức nước ngoài và dân chúng, nên nhiều đơn vị cảnh sát và đặc nhiệm sẽ được huy động để hỗ trợ Sở cảnh sát Thủ đô", người này cho biết.

    "Chiến dịch Cầu London" là tên một kế hoạch được xây dựng từ năm 1960 để chuẩn bị cho kịch bản Nữ hoàng Anh qua đời. Nó bao gồm tất cả mọi thứ, từ điều gì sẽ xảy ra với thi thể Nữ hoàng, cho đến cách thức tang lễ được tổ chức hay truyền thông sẽ phản ứng ra sao và được cập nhật suốt nhiều thập kỷ.

    Ông Aldworth cho hay lần đầu xem Chiến dịch Cầu London hơn 20 năm trước và bây giờ, "các cách thức gây đe dọa" đã thay đổi. Mối đe dọa chính bây giờ là "những con sói đơn độc" khủng bố bằng lao xe hoặc đâm dao, thay vì đánh bom hay tiến hành các âm mưu tấn công phức tạp.

    an ninh that chat tang le nu hoang 1
    Một sĩ quan nhận hoa của người dân để đặt trước Điện Buckingham ngày 9/9. Ảnh AFP

    Theo Aldworth, trong đám đông chen chúc, cảnh sát "không có cơ hội phân biệt tốt hay xấu" khi có người tới quá gần đám tang hay các lãnh đạo nước ngoài.

    Trước lễ tang, cảnh sát được triển khai tới những địa điểm quan trọng ở vòng ngoài, bao gồm các nhà ga chính, công viên hoàng gia, bên ngoài dinh thự hoàng gia ở London.

    "Đây sẽ là thời khắc trọng đại với đất nước. Tôi biết người dân muốn bày tỏ lòng kính trọng và ca ngợi cống hiến của Nữ hoàng với người dân", Stuart Cundy, phó trợ lý cảnh sát trưởng London, nói.

    Ông cho hay lực lượng cảnh sát thủ đô đang điều phối kế hoạch đảm bảo an ninh với Cảnh sát Giao thông Anh và Cảnh sát Thành phố London để bảo vệ cho sự kiện trọng đại này.

    "Cảnh sát sẽ hiện diện khắp nơi, đặc biệt ở Westminster và các khu vực xung quanh Điện Buckingham và công viên St James", Cundy thông báo. "Một lượng lớn cảnh sát sẽ ứng trực trong thời gian này để đảm bảo an toàn cho những người tới London và ngăn chặn bất kỳ hành vi phạm tội tiềm tàng nào".

    VnExpress (theo Independent)

  • linh cuu nu hoang anh 1
    Người dân Scotland xếp hàng ở Ballater vào ngày 11/9. Ảnh: AFP

    Linh cữu Nữ hoàng Elizabeth II hôm nay được di chuyển từ lâu đài Balmoral tới Edinburgh ở Scotland, bắt đầu hành trình về nơi an nghỉ cuối cùng.

    Cỗ xe chở linh cữu Nữ hoàng Anh đã khởi hành vào 10h hôm nay từ lâu đài Balmoral tới Edinburgh, đánh dấu sự khởi đầu của loạt nghi lễ quốc tang, với tang lễ được tổ chức vào ngày 19/9. Hàng nghìn người ở Scotland sẽ tập trung dọc theo tuyến đường dài 290 km để đưa tiễn bà.

    Thủ hiến Scotland Nicola Sturgeon cho biết đây sẽ là hành trình đầy thương tiếc và người dân sẽ được nhìn thấy linh cữu của Nữ hoàng, giúp mọi người xích lại gần nhau hơn trong thời khắc đất nước chịu nỗi mất mát chung.

    Vòng hoa được đặt trên linh cữu Nữ hoàng là những bông hoa được cắt từ trong lâu đài của bà. Theo sau xe chở linh cữu Nữ hoàng là Vương nữ Vương thất Anne, con gái bà.

    linh cuu nu hoang anh 1
    Hàng ngàn người Scotland xếp hàng tiễn đưa linh cữu Nữ hoàng Anh. Ảnh: AP.

    Cỗ xe chở linh cữu Nữ hoàng đã thực hiện hành trình kéo dài 6 giờ qua các thị trấn của Scotland trước khi về cung điện Holyroodhouse tại Edinburgh. Linh cữu Nữ hoàng sẽ được đặt tại đây trước khi chuyển tới quàn tại nhà thờ St Giles vào ngày 12/9.

    Vua Charles III sẽ đến Edinburgh ngày 12/9 để làm lễ cầu nguyện. Linh cữu của Nữ hoàng sau đó sẽ được chở bằng máy bay đến London ngày 13/9.

    Tại ngôi làng Ballater gần lâu đài Balmoral, nhiều người đã tập trung dọc con đường trước nhà thờ Glenmuick, nơi xe chở linh cữu Nữ hoàng sẽ đi qua. Họ đứng chờ từ sáng sớm giữa tiết trời se lạnh, để có thể bày tỏ lòng thương tiếc với Nữ hoàng.

    linh cuu nu hoang anh 1
    Đoàn xe chở linh cữu Nữ hoàng Anh rời lâu đài Balmoral. Ảnh chụp màn hình video của Telegraph.

    Claire Green, 44 tuổi, cho rằng việc tới làng Ballater để tiễn đưa Nữ hoàng là rất quan trọng. "Đó là nỗi buồn đau lớn của tất cả mọi người", cô nói. "Nữ hoàng trong suốt những năm qua không phạm phải bất cứ sai lầm nào, là một con người độc nhất vô nhị trên thế giới".

    "Chúng ta đang sống trong thời khắc lịch sử. Đó là bầu không khí rất trang nghiêm", Laura Burns, 49 tuổi, người dự định xem lễ tiễn đưa linh cữu Nữ hoàng Anh qua Edinburgh, chia sẻ.

    linh cuu nu hoang anh 1
    Hành trình di chuyển dự kiến của xe chở linh cữu Nữ hoàng từ lâu đài Balmoral tới Holyroodhouse ở Edinburgh. Đồ họa: Telegraph.

    Nữ hoàng Elizabeth II qua đời hôm 8/9, hưởng thọ 96 tuổi, sau hơn 70 năm trị vì. Loạt sự kiện trong lễ quốc tang của Nữ hoàng sẽ diễn ra trong 10 ngày, kết thúc bằng tang lễ tại Tu viện Westminster ở London vào ngày 19/9.

    Trước khi Nữ hoàng qua đời, truyền thông Anh lan truyền rộng rãi kế hoạch tổ chức tang lễ của bà mang tên "Chiến dịch Cầu London". Tuy nhiên, vài sự kiện và lịch trình thực tế đã thay đổi so với nội dung trong "Chiến dịch Cầu London", trong đó linh cữu của bà không được đưa về thủ đô bằng tàu, mà chuyển bằng máy bay.

    Hành trình dài 290 km kéo dài 6 giờ có lịch trình như sau:

    10h, tại Balmoral, quan tài của nữ hoàng đã được phủ cờ hoàng gia Scotland và một vòng hoa, kể từ khi bà qua đời vào hôm 8/9 ở tuổi 96.

    10h12, sau khi 6 phụ tá đưa quan tài lên xe tang, họ sẽ hướng đến thị trấn Ballater gần đó. Các quan chức từ Aberdeenshire sẽ đến viếng.

    Bá tước Dalhousie và bộ mục sư của nhà thờ Crathie Kirk - một nhà thờ mà nữ hoàng thường cầu nguyện khi cư trú tại Balmoral - sẽ tháp tùng nữ hoàng.

    11h, linh cữu sẽ đi vào Aberdeen, thành phố lớn thứ 3 của Scotland và là trung tâm công nghiệp dầu mỏ lớn, nổi tiếng với các tòa nhà bằng đá granite màu xám.

    Sau một lễ tưởng niệm khác của các quan chức địa phương, công chúng sẽ được phép đến viếng tại Công viên Duthie lịch sử của thành phố.

    14h15, đoàn rước sẽ đến Dundee trên bờ biển phía đông, thành phố thứ 4 của Scotland. Quan chức thành phố sẽ đứng trên bục cao để thực hiện nghi thức vĩnh biệt nữ hoàng.

    Trên đường đến Edinburgh, đoàn rước sẽ đi qua một cây cầu song song với cầu Forth mang tính biểu tượng, nơi có các chuyến tàu qua cửa sông Firth of Forth khổng lồ.

    16h, linh cữu của nữ hoàng sẽ được chuyển đến cung điện Holyroodhouse 500 năm tuổi, dưới chân đồi Arthur's Seat ở Edinburgh, nơi bà sẽ được một vệ binh danh dự chào đón.

    Dự kiến người dân sẽ xếp hàng dài dọc tuyến đường từ phía bắc thành phố vào trung tâm. Lãnh đạo Scotland Nicola Sturgeon và các lãnh đạo đảng sẽ tập trung tại tòa nhà nghị viện để tiễn đưa linh cữu.

    Vào ngày 12/9, quan tài sẽ được đưa đi dọc theo đường Royal Mile đến Nhà thờ St Giles, nơi nữ hoàng sẽ nghỉ ngơi trong 24 giờ sau khi làm lễ, trước lúc được đưa đến London vào ngày 13.

    VnExpress (theo AFP, Telegraph, Guardian)

  • Hình ảnh của Nữ hoàng Anh trong lòng dân chúng thế giới luôn tốt đẹp, do đó việc một số bộ phận netizen Việt chì chiết một người phụ nữ vừa qua đời đã gây ra ảnh hưởng vô cùng phản cảm. Đừng vì sự thiếu hiểu biết mà tiếp tay cho những kẻ xấu xỏ mũi mình.

    tin khong dung ve nu hoang

    Theo cựu Đại sứ Anh, Vũ Quang Minh: ''Làm sao mà có người lại tin Nữ hoàng Anh Elizabeth II từng ủng hộ Pháp xâm lược Việt Nam mà tận hai lần, hay cổ vũ ai đó nữa oánh Việt Nam sau này.

    Chả lẽ có ai quên vụ Hội đồng Cơ mật Hoàng gia Anh Quốc cho thực dân Pháp leo cây ở Hương Cảng năm 1931, tha bổng Hồ Chí Minh theo bào chữa của Luật sư Loseby?

    Thứ nhất là Chính phủ Anh đã từng từ chối trợ giúp Pháp ngay cả khi Pháp đang khốn đốn tại Điện Biên phủ 1954 (hai năm sau khi Nữ hoàng lên ngôi năm 1952), xin các bạn xem tạm vài thông tin lịch sử chụp trong ảnh và trong các link sau, kể cả khi Mỹ gây sức ép.

    Thứ hai, dù ở một vị trí cao quý, nhưng Hoàng gia Anh chủ yếu đóng vai trò biểu tượng chứ không trực tiếp hành pháp và lãnh đạo Vương Quốc Anh. Đây là một thể chế Quân chủ Lập hiến các bạn ạ.

    Hơn nữa, nếu kết tội Nữ hoàng với tư cách Người đứng đầu đất nước, thì khéo bà phải chịu trách nhiệm không chỉ vì các chính sách của Anh Quốc, mà của ít nhất là 15 nước trong Khối Thịnh vượng chung, theo đó Nữ hoàng là Nguyên thủ Quốc gia - bao gồm cả Australia, Canada, New Zealand và rất nhìu nước khác, xin xem ảnh (cuối bài) và link kèm theo. Trách nhiệm của người đứng đầu thế thì thiệt vô tận.

    Nếu có việc gì mà Hoàng gia Anh có liên quan Việt Nam, thì ta nên quay lại 7/1931, khi Hồ Chí Minh, lúc đó dưới tên Tống Văn Sơ, được luật sư Anh Quốc ông Loseby bào chữa và đấu tranh thành công, lên tới quyết định của Hội đồng Cơ mật Hoàng gia Anh (the Privy Council), để tha bổng Tống Văn Sơ, không cho thực dân Pháp đưa về Đông Dương xử tử theo bản án 1929.

    Nếu không có hệ thống pháp luật chuẩn mực, sự thượng tôn pháp luật của Anh Quốc, không chịu chiều theo yêu cầu của thực dân Pháp tháng 7/1931, thì lịch sử có thể đã rẽ sang ngả khác, dù trong lịch sử khó có chữ nếu các bạn ạ''.

    Ngoài ra, một bà con người Việt đang sống ở Anh là bạn Wendy Ngo cũng đưa ra các dẫn chứng về sự trong sạch của Nữ hoàng Anh trước những cáo buộc thiếu hiểu biết của cộng đồng mạng trong thời gian qua:

    ''Lần đầu Pháp xâm lược Việt Nam là năm 1885 khi đó Nữ hoàng còn chưa ra đời vì bà sinh năm 1926. Lần thứ 2 Pháp xâm lược Việt Nam năm 1946 thì khi đó bố bà là Vua George còn sống. Ông ấy ủng hộ hay không thì không biết nhưng bà vẫn chỉ là 1 công chúa thì bà đã có quyền và có tiếng nói gì đâu mà bảo ủng hộ hay không.

    Bà lên nắm quyền năm 1952 mà khi đó Hoàng gia mất quyền lực rất nhiều rồi. Việc ủng hộ chiến tranh là do Thủ tướng Anh Churchill lúc bấy giờ, chứ Hoàng gia luôn giữ trung lập với chính trị. Hoàng gia không có quyền quyết định về chính trị và luôn phải giữ trung lập. Bà có là Nữ hoàng của các quốc gia khối Thịnh vượng chung đi chăng nữa nhưng bà không có quyền can thiệp vào chính trị, cụ thể là chiến tranh. Chỉ thấy buồn cười những con người không hiểu lịch sử mà a dua theo những TikToker không thèm tìm hiểu lịch sử mà phán xét như đúng rồi.

    Mình rất tự tôn về dân tộc Việt Nam và sẽ phản đối bất cứ ai có ý định xâm lược Việt Nam. Nhưng bà Queen là 1 người phụ nữ tuyệt vời, bà cống hiến cả đời mình tới trước khi bà mất vẫn làm việc. Hình ảnh của bà đã là biểu tượng của nước Anh suốt 70 năm trị vì. Người ta du lịch tới Anh là cũng muốn tìm hiểu về Hoàng gia, về Nữ hoàng, cung điện vv…Bà mất đi là cả 1 mất mát lớn của cả nước Anh. Không cần phải đau buồn nhưng cũng không nên xỉa xói một người vừa mới mất. Đặc biệt là một phụ nữ huyền thoại như bà.

    Link dẫn chứng: https://en.wikipedia.org/wiki/Commonwealth_realm

    https://en.wikipedia.org/wiki/Battle_of_Dien_Bien_Phu

    https://www.jcs.mil/Portals/36/Documents/History/Vietnam/Vietnam_1947-1954.pdf

    https://cand.com.vn/Phong-su-tu-lieu/Chuyen-ve-vi-an-nhan-cua-Bac-Ho-qua-loi-ke-cua-nguoi-phien-dich-i236678/

    nu hoang anh bx 1

    nu hoang anh bx 1

    nu hoang anh bx 1

    nu hoang anh bx 1

    Viethome (theo FB Vu Quang Minh / Wendy Ngo)

  • bo suu tap xe hoi cua nu hoang anh 00

    Dù không đa dạng thương hiệu như các bộ sưu tập ô tô lớn khác nhưng dàn xe của Nữ hoàng Anh cực "chất" khi hội tụ những sản phẩm được đặt làm riêng.

    Nữ hoàng Elizabeth II đã qua đời ở tuổi 96, sau 70 năm tại vị - thời gian trị vì lâu nhất trong lịch sử Vương quốc Anh. Là Nữ hoàng, lại có niềm yêu thích xe cộ, bà sở hữu bộ sưu tập ô tô đồ sộ và đáng giá, trong đó chủ yếu là xe thương hiệu Anh quốc.

    Bentley

    Trong thời gian tại vị, Nữ hoàng thường xuyên di chuyển trên xe Bentley State Limousine. Được đặt làm riêng, chỉ có hai chiếc Bentley như vậy trên thế giới, dành tặng Nữ hoàng nhân kỷ niệm 50 tại vị của bà.

    bo suu tap xe hoi cua nu hoang anh 00
    Chiếc xe được định giá khoảng 10 triệu bảng Anh, tương đương 273 tỷ đồng. Ảnh: GQ

    Bentley State Limousine được phát triển từ mẫu Arnage R, nới chiều dài và chiều cao so với nguyên bản. Xe dài 6,2m, rộng 2m, nặng 3,3 tấn và có dung tích bình xăng lên tới 100 lít.

    Thân xe được bọc thép và lắp kính chống đạn, lốp được gia cố bằng vật liệu Kevlar có khả năng chống đâm thủng.

    Để có thể phục vụ Nữ hoàng Anh trong các buổi diễu hành, chiếc xe được nâng trần và nâng cả hàng ghế sau theo kiểu "đo ni đóng giày", cùng với việc trang bị cửa sổ trời cỡ lớn.

    Bentley cho biết, khoang để túi xách tay cũng được thiết kế theo kích thước những chiếc túi yêu thích của Nữ hoàng. Theo yêu cầu của người đứng đầu Hoàng gia Anh, ghế ngồi được bọc vải lông cừu ấm áp màu xám, chứ không phải bằng da, phù hợp với thời tiết ở Anh, trong khi thảm sàn phía sau màu xanh nhạt, phía trước màu xanh đậm.

    Về sức mạnh, xe dùng động cơ V8 tăng áp kép, dung tích 6.75L, cho công suất 400 mã lực và mô-men xoắn 835 Nm. Bentley đã trang bị cho xe một hộp số đặc biệt, cho phép xe duy trì tốc độ chậm, nhằm phục vụ các cuộc diễu hành - trung bình chỉ 15 km/h.

    Bộ sưu tập xe Bentley của Nữ hoàng Anh còn từng có một chiếc Mulsanne, nhưng đã được cho "nghỉ hưu" từ năm 2014.

    bo suu tap xe hoi cua nu hoang anh 00
    Sau khi rời đội xe của Hoàng gia Anh, chiếc Bentley Mulsanne này đã được đem bán đấu giá. Ảnh: Bramley Motor Cars/PA Wire

    Rolls-Royce

    Vào những năm 1950, Rolls-Royce đã giới thiệu dòng Phantom IV State Landaulet cực hiếm - chỉ có 18 chiếc, dành cho các nguyên thủ quốc gia. Xe được trang bị động cơ L8 5.7L, với sức chứa lên tới 7 người. Hoàng gia Anh đã mua 2 chiếc và đó là sự khởi đầu cho truyền thống dùng xe Rolls-Royce Phantom của họ.

    Đến nay, gia đình Hoàng gia Anh có cả chục chiếc Rolls-Royce Phantom, gồm dòng IV, V và VI.

    bo suu tap xe hoi cua nu hoang anh 00
    Nữ hoàng Anh đã dùng chiếc Rolls-Royce Phantom IV State Landaulet 1955 làm xe chính thức đến năm 2002. Ảnh: CQ

    Năm 2018, chiếc xe này đã được đem bán đấu giá, còn chiếc chở cô dâu Meghan Markle tới Lâu đài Windsor trong đám cưới Hoàng tử Harry là một chiếc khác.

    Hoàng gia Anh còn sở hữu một chiếc Rolls-Royce Phantom VI với điểm độc đáo là mang biểu tượng riêng của Nữ hoàng, để kỷ niệm 25 năm trị vì của bà. Đó là lần đầu tiên Rolls-Royce tháo biểu tượng Spirit of Ecstasy của hãng để thay bằng hình rồng - biểu tượng của Thánh Georges.

    Xe được trang bị động cơ V8 6,2L, cho công suất 170 mã lực. Đây cũng là chiếc xe được dùng trong đám cưới của Hoàng tử William và công nương Catherine Middleton vào năm 2011.

    Land Rover

    Theo tờ Sunday Times, Nữ hoàng Anh sở hữu khoảng 30 chiếc Land Rover các loại, trong đó được "sủng ái" nhất là chiếc Defender 110 phiên bản 2002 với động cơ diesel TD5. Hệ thống treo của xe đã được nâng lên, ghế ngồi có sưởi. Chiếc xe này thường được dùng trong các cuộc đi săn của hoàng gia.

    Một mẫu xe khác đến từ thương hiệu Land Rover cũng hay xuất hiện cùng Nữ hoàng Anh là Range Rover, trong đó có một chiếc ở trên mũi xe có gắn hình chú chó săn ngậm gà.

    Ngoài ra, còn có một chiếc Range Rover LWB Landaulet 2015 với thiết kế mui trần, để Nữ hoàng có thể đứng và vẫy tay chào công chúng trong các buổi diễu hành hoặc sự kiện lớn.

    bo suu tap xe hoi cua nu hoang anh 00
    Nữ hoàng Anh Elizabeth II và Hoàng thân Philip đứng vẫy chào công chúng trên chiếc Range Rover mui trần trong lễ kỷ niệm sinh nhật lần thứ 90 của Nữ hoàng vào năm 2016. Ảnh: Land Rover

    Một số thương hiệu khác

    Ngoài dàn xe hay được dùng trong các sự kiện của hoàng gia, Nữ hoàng Anh còn sử dụng một số xe cá nhân, gồm Jaguar X-Type Estate, Daimler V8 Super LWB, Rover P5B, Vauxhall Cresta Estate, Bentley Bentayga...

    bo suu tap xe hoi cua nu hoang anh 00
    Nữ hoàng Elizabeth II tự mình lái chiếc Jaguar X-Type Estate. Ảnh: Telegraph

    Jaguar X-Type Estate có thể không "sang chảnh" như các xe khác của Hoàng gia Anh nhưng nó tiện dụng, phù hợp với việc đi lại hàng ngày. Xe có cả bản chạy xăng và chạy dầu.

    Theo baonghean

  • Ngay từ thời trẻ, Nữ hoàng Elizabeth II đã ghi dấu ấn trong lòng công chúng với phong cách thời trang cổ điển. Bà nổi tiếng với các bộ cánh màu sắc sặc sỡ, song hầu như luôn đi kèm với một túi xách đen từ cùng một công ty đồ da của London trong suốt hơn 70 năm qua...

    bo suu tap tui xach cua nu hoang anh 1
    Ảnh: News Week

    Mỗi khi xuất hiện bên ngoài cung điện, Nữ hoàng Anh Elizabeth II không bao giờ thiếu chiếc túi xách, đó là một chi tiết làm nên sự hoàn hảo, tinh tế cho diện mạo của người đứng đầu Hoàng gia Anh. Nữ hoàng rất thích những chiếc túi màu đen, đây cũng là màu ưa chuộng nhất đối với thời trang túi của bà. Nhưng trong vài năm trở lại đây, Nữ hoàng bắt đầu dùng nhiều màu sắc tươi sáng hơn như màu be hay màu bạc.

    Từ năm 1968 đến nay, hầu hết túi xách được Nữ hoàng sử dụng đều thuộc về thương hiệu yêu thích của bà – Launer. Thương hiệu đến từ London này cũng là nhà cung cấp lâu đời của Hoàng gia Anh. Kiểu dáng thanh lịch, đường may tinh xảo. Chiếc túi xách của Nữ hoàng Anh đem đến sự sang trọng tuyệt đối. Giá một chiếc túi Launer tùy kích cỡ và chất liệu da dao động từ 700 bảng - 17.000 bảng.

    Theo Telegraph, Nữ hoàng Elizabeth II sở hữu hơn 200 túi xách, giá mỗi chiếc trung bình 2.376 USD. Tất cả được làm thủ công bằng da bê loại tốt nhất với lớp lót bằng da dê mềm, kiểu dáng cổ điển, cỡ trung bình với size 23 cm đổ lại. Trong đó, có 2 mẫu thiết kế được Nữ hoàng ưa thích hơn cả. Đầu tiên là mẫu túi Traviata có giá 2.060 USD, được lót bằng da lộn và có một chiếc gương nhỏ đi kèm. Mẫu túi thứ hai có tên là Royale, với giá 2.242 USD. Với sức hút của Nữ hoàng, không khó hiểu khi mẫu túi Traviata nhanh chóng trở thành best seller của Launer.

    bo suu tap tui xach cua nu hoang anh 1

    bo suu tap tui xach cua nu hoang anh 1

    bo suu tap tui xach cua nu hoang anh 1

    Mối quan hệ giữa hoàng gia Anh và thương hiệu Launer bắt nguồn từ những năm 1950, khi thái hậu lần đầu tiên mua một chiếc túi của hãng. Sau đó, bà đã tặng lại cho con gái - Nữ hoàng Elizabeth sau này. Trong thập niên 1960, nhà thiết kế Sam Launer gửi tặng nữ hoàng một chiếc túi và bà lập tức yêu thích món đồ. Năm 1968, nữ hoàng đã trao chứng nhận hoàng gia cho Launer, cho phép công ty cung cấp sản phẩm cho hoàng gia trong ít nhất 5 năm. Theo Glamour, từ đó tới nay, bà không ngừng mang túi xách của họ, thể hiện sự yêu mến với thương hiệu.

    Sam Launer là người đã sáng lập thương hiệu túi xách trong khoảng năm 1941 tại London. Tiêu chí của hãng là những sản phẩm làm hoàn toàn bằng tay bởi nghệ nhân lành nghề với chất lượng da tốt nhất và phom dáng thanh lịch. Ngoài nữ hoàng Anh, nhiều nhân vật hoàng gia yêu thích túi Launer như Nữ công tước Cornwall, "Bà đầm thép" - Nam tước quá cố Thatcher và Công chúa Nhật Bản Masako. Tên của minh tinh gạo cội Judi Dench còn được đặt cho một dòng túi xách Hè 2014.

    Bởi vì Nữ hoàng Anh là khách hàng VIP nên công ty Launer London dành vài ngày, hoặc 1 tuần để sản xuất nhằm đảm bảo chất lượng tốt nhất. Theo Reuters, việc các công ty cạnh tranh để sản xuất hàng hóa cho hoàng gia là truyền thống có từ thế kỷ 12. Họ coi đó là vinh dự, giúp thúc đẩy công việc kinh doanh. Trong suốt bảy thập niên, ngoài Launer, nữ hoàng còn trao chứng nhận cho các thương hiệu Elizabeth Arden, Cadbury và Office Depot.

    bo suu tap tui xach cua nu hoang anh 1

    bo suu tap tui xach cua nu hoang anh 1

    bo suu tap tui xach cua nu hoang anh 1

    bo suu tap tui xach cua nu hoang anh 1

    Về cơ bản, cấu trúc một chiếc túi xách của Nữ hoàng đã được bà thống nhất với nhà sản xuất từ lâu. Mỗi năm, Hoàng gia Anh sẽ đặt 5 chiếc túi cho Nữ hoàng. Thường thì bà sẽ có một vài thay đổi nhất định trên thiết kế có phần cổ điển. Ngoài ra, Nữ hoàng Elizabeth luôn có những yêu cầu nhất định đối với mẫu túi sản xuất riêng, chẳng hạn như phần lót túi được làm bằng vải lụa, không có ngăn nhỏ, không dây đeo hay khoá kéo…

    Sở hữu bộ sưu tập túi xách khổng lồ, nhưng Nữ hoàng Anh hoàn toàn không phải là người phung phí. Mỗi chiếc túi sẽ được chăm sóc, bảo quản cẩn thận để Nữ hoàng sử dụng lại nhiều lần. Nếu một chiếc túi có chi tiết bị hỏng, nó sẽ được gửi tới nhà sản xuất để sửa lại.

    Được coi là “vũ khí bí mật”, Nữ hoàng Anh Elizabeth II dùng chiếc túi trên tay để “ra dấu” cho các nhân viên thân cận. Theo sử gia Hoàng gia Hugo Vickers, nếu bà chuyển túi xách từ tay này sang tay kia, điều đó có nghĩa bà muốn dừng cuộc gặp gỡ, chuyện trò... Trong trường hợp chiếc túi xách được đặt lên bàn, dường như bà muốn gửi lời đến các nhân viên hỗ trợ để rời khỏi chỗ ngồi trong vòng 5 phút...

    bo suu tap tui xach cua nu hoang anh 1

    bo suu tap tui xach cua nu hoang anh 1

    Thông thường Nữ hoàng Anh có thói quen đeo túi về bên trái để tay phải bà dễ bắt tay chào hỏi người đối diện. Những chiếc túi xách Launer dành cho Nữ hoàng Anh luôn được thiết kế với phần quai túi dài hơn bình thường để tránh gây cản trở trong quá trình bắt tay. Bên cạnh đó, vì muốn dễ sử dụng, nên một trong những đặc trưng của túi xách dành cho Nữ hoàng Elizabeth II là không có khóa kéo.

    Bên trong mỗi chiếc túi, ngoài son môi của Clarins, túi xách của nữ hoàng luôn có kính, viên ngậm bạc hà, lược, một cây bút, những tấm bùa cầu may, ảnh gia đình. Vào ngày chủ nhật, khi đến nhà thờ, nữ hoàng mang thêm tờ tiền 5 bảng hoặc 10 bảng phẳng phiu. Ngoài những món đồ này, đội trợ lý của nữ hoàng luôn mang theo găng tay, quần tất và đồ may vá phòng trường hợp cần đến.

    Theo VnEconomy

  • Nữ hoàng Elizabeth II qua đời tối 8/9 có thể khiến nhiều hoạt động xã hội tại xứ sở sương mù phải đình hoãn vì quốc tang, trong đó có giải Ngoại hạng Anh. Hiện tại, giới hâm mộ cũng đang chờ đón các thông tin về London Fashion Week Xuân – Hè 2023…

    london fashion week 1
    Nữ hoàng Elizabeth II và bà Anna Wintour tại London Fashion Week 2018. Ảnh: AP

    Hoàng gia Anh đã thông qua kế hoạch "London Bridge" bao gồm những chỉ thị cụ thể cho mọi hoạt động trên toàn lãnh thổ trong thời gian tổ chức quốc tang dự kiến kéo dài 10 ngày. Người ta sẽ phải đối mặt với khả năng các giải đấu bóng đá cùng với những sự kiện thể thao bị đình hoãn trong thời gian đó, bao gồm giải Ngoại hạng, các giải đấu hạng dưới tại Anh, các giải VĐQG ở Scotland, Bắc Ireland và Xứ Wales.

    Cho đến thời điểm hiện tại, Hội đồng Thời trang Anh (BFC) đã nhanh chóng cập nhật lịch trình của Tuần lễ thời trang London, kéo dài từ ngày 16 đến 20/9. Theo Business of Fashion, các buổi trình diễn vẫn sẽ được diễn ra bình thường. Tuy nhiên, những sự kiện không quan trọng như tiệc tùng và khai trương bị hủy bỏ. Ngoài ra, những show diễn ra vào ngày tang lễ (chưa được công bố) của nữ hoàng sẽ bị dời lại.

    Trong một tuyên bố được đưa ra vào tối thứ Năm, ngay sau khi Nữ hoàng Anh qua đời, Hội đồng Thời trang Anh (BFC) cho biết: “Tuần lễ thời trang London là một sự kiện giữa doanh nghiệp và doanh nghiệp, và là thời điểm quan trọng để các nhà thiết kế trình diễn bộ sưu tập của họ tại một thời điểm cụ thể trong lịch thời trang. Do đó, các buổi trình diễn và giới thiệu bộ sưu tập có thể tiếp tục, nhưng chúng tôi yêu cầu các nhà thiết kế tôn trọng tâm trạng của quốc gia và thời kỳ quốc tang bằng cách xem xét thời điểm phát hành hình ảnh của họ”.

    london fashion week 1
    London đang chuẩn bị cho tuần lễ thời trang lớn nhất trong ba năm trở lại đây, sau những gián đoạn liên quan đến đại dịch.

    BFC đã khuyến nghị hoãn hoặc hủy các sự kiện “không thiết yếu” như tiệc tùng và khai mạc như một biểu hiện của sự tôn trọng, đồng thời sẽ tạm dừng các kênh liên lạc của riêng mình hoặc dành tặng chúng cho Nữ hoàng, cho đến sau khoảng thời gian 10 ngày để tang. BFC cũng khuyên rằng các nhà thiết kế có cửa hàng bán lẻ “có thể muốn xem xét khả năng đóng cửa trong vòng 24 giờ ngay lập tức, cùng với kế hoạch đeo băng tay đen cho nhân viên và đóng cửa vào ngày diễn ra tang lễ”.

    Đặc biệt, thương hiệu Burberry đã phát đi thông báo hủy bỏ buổi biểu diễn dự định diễn ra vào ngày 17/9 như “dấu hiệu của sự tôn trọng” dành cho Nữ hoàng, theo Vogue Business. Hồi tháng 5 năm nay, nhân dịp kỷ niệm 70 năm trị vì của Nữ hoàng Anh Elizabeth II (Platinum Jubilee), thương hiệu thời trang di sản của Anh quốc đã tham gia với hàng loạt hoạt động. Burberry là thương hiệu thời trang cao cấp đã được nữ hoàng Anh Elizabeth II phong tặng chứng chỉ hoàng gia.

    Ngày tang lễ của Nữ hoàng hiện vẫn chưa được công bố chính thức. Dự kiến, lễ tang có thể ​​sẽ diễn ra khoảng 10 ngày sau khi Nữ hoàng qua đời, tức vào ngày 18 hoặc 19/9. Các nhà thiết kế hiện dự kiến ​​có show diễn vào khoảng ngày 18/9 bao gồm Nensi Dojaka, 16 Arlington, Rejina Pyo, Halpern, Simone Rocha, Erdem, Stefan Cooke và Richard Quinn. Còn lịch trình dự kiến ​​vào ngày 19/9 bao gồm Christopher Kane, Roksanda và Chopova Lowena. Một đại diện của Purple PR, công ty giám sát các buổi diễn của Yuhan Wang và David Koma vào ngày 18/9, cho biết các buổi biểu diễn sẽ không diễn ra nếu quốc tang được lên kế hoạch vào cùng ngày.

    Trước khi Nữ hoàng qua đời, London đang chuẩn bị cho tuần lễ thời trang lớn nhất trong ba năm trở lại đây, với sự tham gia của các thương hiệu thiết kế lâu đời và mới nổi đều quay trở lại lịch trình sau những gián đoạn liên quan đến đại dịch.

    london fashion week 1
    Nữ hoàng Anh dự một show diễn của nhà thiết kế Richard Quinn tại Tuần lễ thời trang London năm 2018.

    Sau khi Nữ hoàng qua đời, những lời tưởng nhớ bao phủ cả ngành công nghiệp thời trang, trên trang chủ của các thương hiệu như BFC, Burberry và Christopher Kane. Trang web của Tuần lễ thời trang London đã được cập nhật với thông điệp: “Thật là một vinh dự lớn trong năm 2018 khi tổ chức Her Majesty tại Tuần lễ thời trang London đã khởi động Giải thưởng QEII dành cho Thiết kế của Anh, giải thưởng công nhận sự xuất sắc và tác động tích cực của thiết kế. Phong cách nỗ lực, sự quyến rũ và cảm giác vui vẻ của Nữ hoàng đã thể hiện rõ và niềm đam mê của bà trong việc hỗ trợ các sáng tạo trẻ sẽ tiếp tục truyền cảm hứng cho thế hệ tiếp theo”.

    Theo VnEconomy

  • Từ năm 1960 đến nay, nữ hoàng Elizabeth II luôn giữ vị trí độc tôn trên mọi tờ tiền của Anh. Ngoài ra, những quốc gia có in hình Nữ hoàng Elizabeth II trên tiền tệ đều thuộc Khối thịnh vượng chung và các nước thuộc địa cũ của Anh…

    phat hanh tien te 1
    Ảnh: Banknote World

    Sau khi Nữ hoàng Elizabeth II qua đời và Vua Charles III lên ngôi kế vị, nước Anh sẽ có một sự thay đổi lớn đối với tiền tệ. Sắp tới, chân dung của Vua Charles III sẽ được in và đúc trên tiền xu và tiền giấy trong tương lai. Các loại tiền giấy và tiền xu cũ có in hình Nữ hoàng Elizabeth II sẽ từ từ bị loại bỏ khỏi lưu thông trong quá trình tiền giấy và tiền xu mới có hình Vua Charles được đưa vào thay thế.

    Sự xuất hiện của Nữ hoàng trên tờ tiền không chỉ thể hiện sự uy quyền, sự quyền lực mà là một nghệ thuật chân dung, ẩn dấu đằng sau những hàm ý của từng thời kỳ mà bà được xuất hiện. Tờ tiền mệnh giá 20 đô la của Canada là tờ tiền đầu tiên in hình Nữ hoàng lên tiền giấy, khi đó bà mới 8 tuổi. Tờ tiền này được đánh giá là tiền có hình nữ Hoàng lâu nhất mà Vương quốc Anh đã cho in có hình ảnh Nữ hoàng. Khi đó công chúa Elizabeth đã được định vị sẽ kế vị cha mình – người khi đó vừa lên ngôi Vua George VI. Cũng là Canada, lúc Nữ hoàng 25 tuổi, đã phát hành tờ tiền Canada mệnh giá 1 đô la seri 1954, 1954 – 1987 có in chân dung bà.

    phat hanh tien te 1
    Tờ tiền mệnh giá 20 đô la của Canada là tờ tiền đầu tiên in hình Nữ hoàng lên tiền giấy, khi đó bà mới 8 tuổi.

    Trên tờ tiền 1 pound của Jamaica là bức chân dung Nữ hoàng năm 26 tuổi. Lúc này bà đã chính thức là Nữ hoàng các xứ Anh và bảo hộ Anh toàn thế giới. Lúc này, Jamacia vẫn còn là thuộc địa của Anh, do đó họ cũng đổi tiền với hình bà trên đó. Tiếp theo là Australia, với tờ tiền giấy mệnh giá 1 đô la, in bức chân dung lúc bà 38 tuổi. Tuy vậy, đây là bức chân dung ít được công chúng thích nhất trong số các chân dung vẽ Nữ hoàng in trên các tờ tiền giấy, bởi trông bà có vẻ nghiêm khắc hơn so với vẻ đẹp mềm mại bình thường.

    phat hanh tien te 1
    Tờ tiền mệnh giá 1 đô la của Australia in bức chân dung Nữ hoàng năm 38 tuổi.

    Theo thống kê năm 2020 của Guinness World Records, hình ảnh của Nữ hoàng Elizabeth II xuất hiện trên đồng tiền của 35 quốc gia và vùng lãnh thổ như là Canada, Bahamas, Belize, Bermuda, British Virgin Islands, Cayman Islands, Dominica, East Caribbean States, Jamaica, Turks Caicos, Falkland Islands, St. Helena, Tristan da Cunha, Nam Phi... Từ giờ, ở những quốc gia này, những tờ tiền in hình Nữ hoàng cũng sẽ phải được nới lỏng ra khỏi lưu hành và thay thế bằng những tờ tiền có hình Vua Charles III.

    Còn tại Anh, đồng xu của Anh có hình Nữ hoàng Elizabeth II lần đầu tiên xuất hiện là vào năm 1953, một năm sau khi bà lên ngôi, theo nhà cung cấp tiền xu quốc gia, Royal Mint. Năm 1960, Nữ hoàng Elizabeth II trở thành Nữ hoàng Anh đầu tiên có hình chân dung xuất hiện trên tiền giấy. Từ đó đến nay, Nữ hoàng Elizabeth II là bộ mặt của tiền tệ ở Anh. Có khoảng 4.7 tỷ tờ tiền của Ngân hàng Trung ương Anh đang được lưu hành, có giá trị lên tới 82 tỷ bảng.

    phat hanh tien te 1

    phat hanh tien te 1

    phat hanh tien te 1

    Việc sản xuất tiền giấy hiện tại được công ty De La Rue phụ trách để đảm bảo về mặt chất lượng, chi phí sản xuất mỗi tờ tiền dao động từ 7 đến 8 pence (0,8-0,9 USD). Trong khi đó, Royal Mint đảm nhận việc đúc và phân phối tiền xu ở Vương quốc Anh nhưng không tiết lộ chính xác chi phí để tạo ra những đồng tiền cụ thể là bao nhiêu vì để phòng tránh sự cạnh tranh từ đối thủ.

    Theo The Mirror, trong thời gian này, hai đơn vị chịu trách nhiệm sản xuất và phát hành tiền của Vương quốc Anh sẽ gửi các đề xuất đến Thủ tướng và nhận được sự chấp thuận của hoàng gia. Các lựa chọn cuối cùng sau đó sẽ được chấp thuận bởi Thủ tướng và Nhà vua.

    Thay đổi toàn bộ số tiền tệ của Anh với hình ảnh Vua Charles III được cho là cần một quá trình dài ít nhất 2 năm. Khi tờ tiền 50 bảng gần nhất được phát hành, Ngân hàng Anh đã mất 16 tháng để thu hồi và thay thế chúng. Tuy nhiên, những tờ tiền cũ sẽ vẫn có giá trị pháp lý bình thường. Điện Buckingham sẽ duyệt bức chân dung mới của Vua Charles III và hình ảnh này sẽ quay về hướng đối lập so với chân dung cũ của Nữ hoàng.

    phat hanh tien te 1
    Nữ hoàng Elizabeth II là bộ mặt của tiền tệ ở Anh.

    Theo ABC News, trong một tuyên bố hôm thứ Năm, Ngân hàng Trung ương Anh xác nhận rằng tiền giấy có in hình Nữ hoàng Elizabeth II sẽ tiếp tục là đồng tiền hợp pháp trong thời gian tới. "Là quốc vương đầu tiên xuất hiện trên tiền giấy của Ngân hàng Anh, những bức chân dung mang tính biểu tượng của Nữ hoàng đồng nghĩa với một số công việc quan trọng nhất mà chúng tôi làm", Thống đốc Ngân hàng Trung ương Anh Andrew Bailey cho biết. Dự kiến sẽ có thêm thông tin chi tiết về những thay đổi tiền tệ trong những ngày tới và Ngân hàng Trung ương Anh sẽ đưa ra thông báo sau khi khoảng thời gian 10 ngày quốc tang kết thúc.

    Trong khi đó, ông Paul Badertscher, phát ngôn viên của Ngân hàng Canada cũng cho biết, quốc gia này không có kế hoạch thay đổi tiền giấy. Ông Badertscher nói: "Tờ tiền polymer 20 CND hiện tại dự định sẽ lưu hành trong nhiều năm tới. Không có yêu cầu lập pháp nào để thay đổi thiết kế trong một khoảng thời gian dưới thời Bộ trưởng Tài chính. Như mọi khi, Bộ trưởng Bộ Tài chính chịu trách nhiệm phê duyệt hình thức và chất liệu của bất kỳ tờ tiền mới nào, bao gồm cả chủ đề chân dung”.

    Theo Ngân hàng Trung ương Úc, nước này có kế hoạch "không đổi tiền giấy Úc ngay lập tức" mà dự kiến sẽ phát hành tờ 5 AUD mới có hình Vua Charles III, do đó số tiền có in hình Nữ hoàng Anh sẽ vẫn được lưu hành. Tương tự, ở New Zealand, tờ 20 NZD cũng như các tờ tiền khác có hình Nữ hoàng Elizabeth II sẽ vẫn được sử dụng nhưng quốc gia này dự kiến sẽ phát hành tờ tiền thay thế bằng hình Vua Charles III vào một ngày nào đó chưa được ấn định.

    Theo VnEconomy

  • Chuyên gia tài chính cho biết các thành viên gia đình hoàng gia Anh không phải là tỷ phú. Nữ hoàng có khối tài sản lớn nhất nhưng có thể không như nhiều người nghĩ, theo Insider.

    Nữ hoàng Elizabeth II, lên ngôi cách đây 70 năm và băng hà ở tuổi 96 hôm 8/9 (giờ địa phương), có giá trị tài sản ròng 340 triệu bảng Anh (442,92 triệu USD), The Sunday Times ước tính năm 2016.

    Con số này nhiều hơn mọi thành viên của gia đình hoàng gia, bao gồm Công tước và Nữ công tước xứ Sussex - có khối tài sản chung trị giá 30 triệu USD, theo Insider.

    Sau khi nữ hoàng qua đời, Thái tử Charles trở thành Vua Charles III và thay thế mẹ trở thành người trị vì và chủ sở hữu của Tài sản Hoàng gia (Crown Estate) - khối tài sản gồm các dinh thự và đất đai rải rác khắp Vương quốc Anh.

    nu hoang anh khong gia
    Nhà hát Con Sò ở Sydney, Australia chiếu hình tưởng niệm Nữ hoàng Anh Elizabeth II. Ảnh: AP

    Hàng năm, gia đình hoàng gia nhận được khoản tiền được gọi là Trợ cấp Hoàng gia (Sovereign Grant) đến từ quỹ đóng thuế, theo BBC.

    Thỏa thuận cơ bản là gia đình hoàng gia được trợ cấp để đổi lại toàn bộ lợi nhuận từ Tài sản Hoàng gia cho chính phủ. Hàng năm, người trị vì được chia khoản tiền tương đương 25% lợi nhuận của Tài sản Hoàng gia.

    The Wall Street Journal đưa tin khoản này đạt tổng cộng 82,2 triệu bảng Anh (107,1 triệu USD) năm 2019.

    Theo báo cáo tài chính của gia đình hoàng gia, Trợ cấp Hoàng gia chi trả cho việc bảo trì tài sản và các tiện ích, chuyện đi lại của các thành viên và tiền lương của những người phục vụ hoàng gia. Tuy nhiên, The Telegraph lưu ý khoản này không bao gồm chi phí an ninh và các nghi lễ hoàng gia vì số tiền đó đến từ một số nguồn khác.

    Thu nhập cá nhân của người trị vì được gọi là Ví cơ mật (Privy Purse)

    Số tiền này đến từ Công quốc Lancaster (The Duchy of Lancaster) hay danh mục đất đai và các tài sản khác thuộc về gia đình hoàng gia trong hàng trăm năm. Nó bao gồm 548,6 triệu bảng Anh (715 triệu USD) giá trị tài sản ròng (bao gồm 18.433 ha đất) và được tạo thành từ các tài sản dân cư, thương mại và nông nghiệp, theo The Wall Street Journal.

    Năm 2019, Công quốc Lancaster mang lại 20,7 triệu bảng Anh (27 triệu USD). Theo đó, số tiền này giúp thanh toán các chi phí không được bao trả bởi Trợ cấp Hoàng gia. Cụ thể là nó được sử dụng để trang trải chi phí phát sinh của các thành viên trong gia đình hoàng gia.

    nu hoang anh khong giau 2
    Khách sạn Savoy ở London nằm trên đất đai do Công quốc Lancaster kiểm soát. Ảnh: Michaelpuche/Shutterstock.

    Cố Nữ hoàng Anh có nhiều tài sản quý giá bổ sung vào giá trị tài sản ròng

    Nữ hoàng Elizabeth II sở hữu Lâu đài Balmoral và Sandringham Estates - bộ sưu tập nghệ thuật đồ sộ cùng các tài sản quý giá khác được truyền lại từ những đời vua trước đó, theo The Wall Street Journal.

    Tổng giá trị tài sản của cố Nữ hoàng Anh không được biết đến khiến việc ước tính tổng giá trị tài sản ròng của bà trở nên khó khăn. Một chuyên gia tài chính hoàng gia nói rằng các thành viên gia đình hoàng gia là “triệu phú, không phải tỷ phú”.

    nu hoang anh khong giau 2
    Lâu đài Balmoral thuộc sở hữu của cố Nữ hoàng Anh. Ảnh: Andrew Milligan/WPA Pool/Getty.

    Vua Charles III có nguồn thu nhập riêng khi còn là thái tử

    Công quốc Cornwall (The Duchy of Cornwall), quỹ bất động sản khác thuộc sở hữu của gia đình hoàng gia Anh, đã chi trả các chi phí của Thái tử Charles và những người thừa kế của ông.

    Điều đó có nghĩa là Hoàng tử Harry và vợ Meghan Markle, Hoàng tử William và Công nương Kate cũng như con cái của họ đều được bảo trợ bởi Công quốc Cornwall. Thái tử Charles đã chi trả cho họ tổng cộng 5 triệu bảng Anh (6,5 triệu USD) vào năm 2019.

    Tổng giá trị của Công quốc Cornwall là 923,8 triệu bảng Anh (1,2 tỷ USD).

    Trước khi băng hà, Nữ hoàng Elizabeth II đã kiểm soát hiệu quả phần lớn tài sản của gia đình hoàng gia và chia nhỏ các khoản thanh toán để hỗ trợ mọi thành viên trong gia đình.

    Các thành viên hoàng gia không được phép kiếm tiền từ nguồn bên ngoài

    Quy tắc đó không áp dụng cho Hoàng tử Harry và vợ Meghan Markle vì họ đã rời khỏi gia đình hoàng gia. Các nhà bình luận nói rằng cặp đôi này có thể sử dụng các giao dịch sách và cuộc trò chuyện để trang trải cuộc sống xa hoa trong tương lai.

    Hoàng tử Harry chưa bao giờ có việc làm ngoài nghĩa vụ hoàng gia nhưng có lẽ sẽ không mất nhiều công sức để vợ chồng anh bắt đầu kiếm được những khoản thu nhập hàng triệu USD.

    Năm 2021, Hoàng tử Harry được cho là đồng ý thỏa thuận để viết hồi ký của mình. Vanity Fair đưa tin vào tháng 2 rằng cặp đôi đã thực sự ký hợp đồng trị giá 20 triệu USD cho một số cuốn sách.

    nu hoang anh khong giau 2
    Hoàng tử Harry và vợ cũng ký hợp đồng sản xuất với Netflix và Spotify được cho là trị giá hàng triệu USD.

    Theo Zing

  • Nữ hoàng Anh trải qua mùa hè cuối cùng ở lâu đài Balmoral, nơi đầy kỷ niệm về cuộc sống vợ chồng với Hoàng thân Philip.

    Một nguồn tin thân cận với Hoàng gia Anh cho hay Nữ hoàng Elizabeth II đã trải qua những tháng vui vẻ, hạnh phúc, khi chiêu đãi nhiều thành viên gia đình và bạn bè trước khi qua đời tại lâu đài Balmoral ở Scotland, nơi nghỉ hè truyền thống của bà.

    mua he ky niem 1
    Lâu đài Balmoral, Scotland. Ảnh: PA

    Lâu đài đầy hoa tím cùng kỷ niệm về Hoàng thân Philip là nguồn an ủi to lớn cho Nữ hoàng sau khoảng thời gian khó khăn nhất. Sự ra đi của người chồng gắn bó 73 năm cùng những rắc rối mà vợ chồng cháu nội Harry - Meghan đem tới sau khi từ bỏ nghĩa vụ hoàng gia, bê bối quanh con trai là Hoàng tử Andrew, khiến bà "vô cùng đau lòng" trong hai năm qua, nguồn tin cho biết.

    "Bệ hạ luôn kín đáo nhưng có thể nhìn ra được những gì đã qua khiến bà đau lòng thế nào. Bà đã rất buồn và trải qua quãng thời gian không hề dễ dàng", nguồn tin cho hay.

    Khi Nữ hoàng đến Balmoral cuối tháng 7, ban đầu bà chuyển vào dinh thự Craigowan nhỏ hơn với 7 phòng ngủ, sau đó chuyển đến lâu đài Balmoral cách đó hơn 1 km vào ngày 9/8. Không khí cao nguyên dường như đem tới cảm giác thoải mái và nhẹ nhàng hơn.

    mua he ky niem 1
    Nữ hoàng Elizabeth II cùng Hoàng thân Philip tại lâu đài Balmoral vào tháng 9/1976. Ảnh: PA

    Tháp tùng Nữ hoàng là một số nhân viên trung thành, trong đó có đại quản gia Paul Whybrew, nổi bật với chiều cao gần 2 mét, cùng Barry Mitford, cận vệ của bà. Hai phụ tá là bạn đồng hành của Nữ hoàng, mang cho bà tờ báo Racing Post chuyên về đua ngựa mỗi ngày và ngồi cùng bà xem đua ngựa trên tivi.

    Bên cạnh Nữ hoàng còn có Angela Kelly, người đảm nhận vị trí trợ lý riêng, cố vấn kiêm quản lý cho Nữ hoàng. Angela còn được gọi vui là "AK47", người luôn quyết liệt trong các vấn đề bảo vệ Nữ hoàng.

    Nữ hoàng đã dành vài tuần cuối đời tận hưởng cuộc sống đồng quê mà bà yêu thích. Bà và Hoàng thân Philip, đã trải qua những quãng thời gian hạnh phúc nhất ở đây như một cặp vợ chồng bình thường, khi không phải thực hiện các nhiệm vụ hoàng gia. Nữ hoàng từng công bố ảnh chụp cùng Hoàng thân ở Balmoral sau khi ông qua đời.

    Bà thường đi dạo chậm rãi trong vườn, tận hưởng không khí trong lành. Nhiều thành viên hoàng gia đã tới thăm bà, gần đây nhất là gia đình William - Kate. Hoàng tử Edward, con trai út của Nữ hoàng và Công nương Sophie, con dâu mà Nữ hoàng yêu quý và coi như con gái thứ hai, cùng hai cháu gái gọi Nữ hoàng là bác, cũng thường xuyên có mặt.

    mua he ky niem 1
    Nữ hoàng và Hoàng thân Philip đi nghỉ tại Balmoral, trong bức ảnh được công bố hồi tháng 4/2021, khi Hoàng thân qua đời. Ảnh: Hoàng gia Anh.

    Nguồn tin cho biết Nữ hoàng không mắc bệnh mạn tính, nhưng gần đây sụt cân và đau nhức người. Hoàng gia thông báo Nữ hoàng ra đi một cách yên bình tại cung điện Balmoral chiều ngày 8/9, thọ 96 tuổi. Nước Anh sẽ tổ chức quốc tang trong 10 ngày để tưởng nhớ Nữ hoàng.

    "Đó là một mùa hè vui vẻ ở Balmoral, với nhiều cuộc dạo chơi và dã ngoại, tiệc nướng ngoài trời, giống như thời Nữ hoàng và Hoàng thân còn trẻ. Không phải lúc nào Nữ hoàng cũng hiện diện ở các cuộc vui nhưng bà có tham gia một số", nguồn tin cho hay.

    VnExpress (theo Daily Mail)

  • Camilla, vợ của Vua Charles III, có thể chưa bao giờ hoàn toàn chinh phục được công chúng nhưng giờ đây, bà đã là tân hoàng hậu, điều ít ai có thể tưởng tượng cách đây 25 năm.

    Khi Công nương Diana, người vợ đầu nổi tiếng của Vua Charles III, qua đời ở tuổi 36 trong vụ tai nạn ôtô tại Paris (Pháp) năm 1997, bà Camilla bị giới truyền thông mô tả là người phụ nữ gây tranh cãi ở Anh và không bao giờ có thể kết hôn với ông Charles, chứ chưa nói đến việc trở thành hoàng hậu, theo Reuters.

    Thái tử Charles và Công nương Diana ly thân năm 1992 rồi ly hôn 4 năm sau đó. Khi ấy, Công nương Diana đổ lỗi cho bà Camilla phá hỏng cuộc hôn nhân của mình.

    Suốt nhiều năm, bà Camilla luôn bị đem ra so sánh, thậm chí gọi là cái bóng của Công nương Diana.

    Thái tử Charles và bà Camilla kết hôn năm 2005. Kể từ đó, bà được một số người công nhận, mặc dù vẫn còn ác cảm, như là thành viên chủ chốt của gia đình hoàng gia Anh và có thể hỗ trợ chồng.

    cuoc tinh cua vua charles 1
    Thái tử Charles kết hôn với bà Camilla Parker Bowles vào tháng 4/2005. Ảnh: Getty.

    Mọi hoài nghi về địa vị tương lai của bà Camilla cuối cùng được xóa tan vào dịp kỷ niệm 70 năm ngày Nữ hoàng Elizabeth II lên ngôi hồi tháng 2. Khi đó, cố Nữ hoàng Anh dành lời chúc phúc và bày tỏ mong muốn chân thành của mình là bà Camilla trở thành hoàng hậu.

    “Vợ chồng tôi luôn phụng sự và hỗ trợ Nữ hoàng cũng như người dân. Người vợ yêu dấu là chỗ dựa vững chắc của tôi trong suốt thời gian đó”, Thái tử Charles cho biết.

    Mối duyên đứt đoạn

    Bà Camilla Shand sinh năm 1947 trong gia đình giàu có. Cha bà là thiếu tá quân đội kiêm thương gia buôn rượu kết hôn với quý tộc. Bà lớn lên trong điền trang ở nông thôn và được giáo dục tại London trước khi sang Thụy Sĩ học trường Mon Fertile, sau đó là Học viện Britannique ở Pháp.

    Bà Camilla gặp Thái tử Charles tại sân chơi polo đầu những năm 1970.

    “Thế giới của ông ấy đảo lộn và có thể không bao giờ trở lại như trước”, Christopher Wilson, tác giả cuốn sách về mối quan hệ của vợ chồng họ, cho biết.

    cuoc tinh cua vua charles 1
    Thái tử Charles và bà Camilla vào năm 1979. Ảnh: Tim Graham/Getty.

    Trong những ngày đầu tiên, bà Camilla nhắc ông Charles rằng bà cố của mình, Alice Keppel, từng hẹn hò lâu năm với Hoàng tử xứ Wales, người sau này trở thành Vua Edward VII. Sau đó, bà dường như nói: “Vậy thì sao chứ?”

    Cặp đôi hẹn hò một thời gian và Thái tử Charles cũng từng nghĩ đến hôn nhân. Nhưng sau cùng, ông cảm thấy mình còn quá trẻ để thực hiện việc hệ trọng này.

    Trong khi Thái tử Charles cống hiến cho sự nghiệp hải quân, bà Camilla kết hôn với sĩ quan kỵ binh Andrew Parker Bowles. Họ có với nhau 2 con và ly hôn năm 1995.

    “3 người trong cuộc hôn nhân”

    Thái tử Charles kết hôn với Công nương Diana trong lễ cưới năm 1981 khiến cả nước Anh và thế giới ngưỡng mộ. Tuy nhiên, dù đã có 2 con chung là Hoàng tử William và Harry, mối quan hệ của họ trở nên chua chát vài năm sau đó.

    Trong thời gian này, Thái tử Charles đã lén lút qua lại với bà Camilla. Mối quan hệ giữa 2 người bị phơi bày trước công chúng vào năm 1993, khi bản ghi âm cuộc trò chuyện bí mật của họ xuất hiện trên mặt báo.

    Trong cuộc phỏng vấn trên truyền hình vào năm sau, Thái tử Charles thừa nhận đã nối lại tình xưa với bà Camilla chưa đầy 6 năm sau khi kết hôn với Công nương Diana. Ông khẳng định chỉ làm điều này sau khi hôn nhân đầu tiên không thể cứu vãn.

    Tuy nhiên, Công nương Diana đổ lỗi cho bà Camilla về cuộc chia tay.

    “Có 3 người trong cuộc hôn nhân này nên hơi chật chội”, bà nói trên truyền hình năm 1995.

    cuoc tinh cua vua charles 1
    Bà Camilla từng hứng chịu nhiều chỉ trích là người phá hỏng cuộc hôn nhân của Thái tử Charles và Công nương Diana. Ảnh: Timothy A. Clary/Getty.

    Trong khi Công nương Diana nổi tiếng quyến rũ với những chiếc váy thời thượng, nhiều người Anh không thể hiểu vì sao Thái tử Charles lại mê mẩn bà Camilla có vẻ ngoài giản dị.

    Tuy nhiên, những người thân cận với Thái tử Charles nói rằng bà Camilla đã giúp ông thoát khỏi các nhiệm vụ hoàng gia nghiêm ngặt và việc được nuôi dạy trong cung điện.

    Sau khi chia tay Công nương Diana, Thái tử Charles được cho là mua tặng người tình cũ chiếc nhẫn kim cương, một con ngựa và gửi hoa hồng đỏ mỗi ngày.

    Cuốn tiểu sử về Thái tử Charles có đề cập tới mối tình này. Ở bên cạnh Camilla Parker Bowles, ông tìm thấy hơi ấm, sự thấu hiểu, vững vàng mà bản thân luôn khao khát và chưa bao giờ có thể tìm thấy ở bất kỳ ai khác.

    Mối quan hệ của họ sau đó được mô tả đơn thuần là cuộc tình vụng trộm. Tuy nhiên, đối với Thái tử Charles, đó là nguồn sức mạnh quan trọng đối với người đàn ông luôn đau buồn.

    Xây dựng lại hình ảnh

    Sau cái chết của Công nương Diana, các trợ lý hoàng gia được giao nhiệm vụ lấy lại danh tiếng của hoàng gia, vốn bị vùi dập bởi những câu chuyện tiêu cực trên truyền thông về sự không chung thủy của thái tử. Họ bắt đầu nhiệm vụ đưa bà Camilla vào vai trò công khai hơn.

    Kể từ khi kết hôn với Thái tử Charles vào năm 2005, những lời chỉ trích bà Camilla trên báo chí dần biến mất. Bà trở thành thành viên trụ cột của gia đình. Những người theo dõi hoàng gia nói rằng khiếu hài hước đã giúp bà chiếm được cảm tình của mọi người.

    “Họ dường như là cặp đôi rất hạnh phúc khi đồng hành cùng nhau”, Simon Lewis, thư ký truyền thông của nữ hoàng từ năm 1998 đến năm 2001, nói với Reuters.

    Năm 2013, bà Camilla cùng chồng tham dự lễ khai mạc kỳ họp mới của Quốc hội Anh bên cạnh Nữ hoàng Elizabeth II và Hoàng thân Philip, trong khi đội vương miện. Các chuyên gia quan hệ công chúng cho rằng đó là kết quả của quá trình làm việc chăm chỉ và cẩn thận của đội ngũ trợ lý của thái tử nhưng họ lại cho rằng đó là nhờ phẩm chất mà bà Camilla có.

    “Đó không phải chiến dịch PR hình ảnh cho bà Camilla. Bà ấy thực sự đang làm rất tốt công việc của mình”, một cựu trợ lý nói.

    cuoc tinh cua vua charles 1
    Cố Nữ hoàng Elizabeth II và bà Camilla tại lễ hội Diamond Jubilee năm 2012. Ảnh: Lefteris Pitarakis/AP.

    Các tờ báo lá cải từng chỉ trích bà Camilla thậm tệ giờ đây cũng dành lời khen ngợi cho bà.

    “Không ai giả vờ rằng Nữ Công tước xứ Cornwall dễ dàng vượt qua cái bóng của Công nương Diana. Nhưng với tính cách hài hước, điềm đạm và lòng trắc ẩn, bà ấy đã vượt qua thử thách. Bà ấy đơn giản là chỗ dựa của Thái tử Charles”, Daily Mail viết trong bài bài xã luận vào tháng 2/2022.

    Tuy nhiên, nhiều con số nói nên rằng bà Camilla chưa thực sự giành được tình cảm rộng rãi của công chúng.

    Theo công cụ theo dõi của YouGov, vào tháng 5/2022, chỉ 20% người được hỏi nghĩ rằng bà Camilla nên trở thành hoàng hậu, trong khi 39% cho là bà nên nhận danh hiệu công nương. Tuy nhiên, cuộc thăm dò sau khi Nữ hoàng Elizabeth công khai muốn bà Camilla trở thành hoàng hậu cho thấy 55% ủng hộ so với 28% phản đối.

    Trong khi nhiều người Anh tỏ ra không khoan nhượng với bà Camilla vì cuộc hôn nhân tan vỡ của Thái tử Charles và Công nương Diana, Hoàng tử Harry cho biết anh và anh trai không nghĩ vậy.

    “Thành thật mà nói, bà ấy luôn rất thân thiết với tôi và William. Bà ấy không phải là người mẹ kế độc ác như nhiều người đang cố tô vẽ”, Hoàng tử Harry nói trong cuộc phỏng vấn vào sinh nhật thứ 21 năm 2005.

    Theo Zing

  • Nữ hoàng là người kế thừa ngai vàng và trị vì quốc gia. Khi Thái tử Charles khi lên ngôi vua, vợ của ông được gọi là "queen consort", khác với cách gọi "queen" dành cho nữ hoàng.

    Sau sự ra đi của nữ hoàng, Thái tử Charles, nay là Vua Charles III, trở thành người đứng đầu chế độ quân chủ của Anh. Người sánh vai cùng ngài chính là Vương hậu Camilla.

    Vào tháng 2/2021, trong lễ hội đánh dấu bảy thập kỷ trị vì, Nữ hoàng Elizabeth ra sắc lệnh gọi Nữ công tước xứ Cornwall là "Vương hậu" thay cho "Vương phi" khi Charles lên ngôi.

    queen camilla gty er 220205 1644094279665 hpMain 16x9 992 1
    Nữ hoàng Elizabeth và Vương hậu Camilla. Ảnh: Getty.

    VƯƠNG HẬU LÀ GÌ?

    “Vương hậu” (queen consort trong tiếng Anh) là tên thường gọi cho vợ của vị vua trị vì. Vương quốc Anh không có cách gọi này kể từ năm 1952, khi Vua George VI qua đời và vợ của ông, Nữ hoàng Elizabeth, trở thành Hoàng thái hậu.

    Tất cả những người vợ trước của vua nước Anh đều là gọi là Vương hậu (bao gồm 6 người vợ của vua Henry VIII, ít nhất là khi họ đã kết hôn với ông). Vào thế kỷ 20, có 2 người được gọi như vậy là Vương hậu Mary, vợ của Vua George V và Vương hậu Alexandra, vợ của Vua Edward VII (tương ứng là bà nội và bà cố của Nữ hoàng Elizabeth).

    Trong khi đó, một nữ hoàng (queen, hoặc cách gọi chính xác nhất là queen regnant) chỉ người phụ nữ kế vị ngai vàng thông qua một thứ tự thừa kế đã có từ trước. Nữ hoàng Elizabeth lên ngôi do thừa kế ngai vàng từ cha bà sau khi Vua George VI qua đời năm 1952, trong khi đó Camilla trở thành vương hậu thông qua hôn nhân.

    VAI TRÒ CỦA VƯƠNG HẬU LÀ GÌ?

    Vị trí này không có mô tả công việc, không có nhiệm vụ chính thức và không có lương, nhưng một vương hậu sẽ xuất hiện nhiều, đối mặt với áp lực cao và kỳ vọng lớn từ công chúng, những người đóng thuế nuôi chế độ quân chủ.

    Từ trước khi Charles lên ngôi, bà Camilla đã và đang làm những gì mà một vương hậu sẽ làm. Bà là người đại diện hoàng gia tham dự rất nhiều tổ chức từ thiện và những sự kiện chính đáng khác. Bà sánh vai cùng chồng trong các chuyến công du của hoàng gia, gặp gỡ hàng nghìn người hàng năm.

    queen
    Vương hậu sẽ luôn sánh bước cùng Vua trong mọi hoạt động của Hoàng gia. Ảnh: Marthastewart

    AI CÓ THỂ LÀ HÌNH MẪU CHO VƯƠNG HẬU CAMILLA?

    Chính là Hoàng thái hậu Elizabeth, mẹ của nữ hoàng vừa qua đời và là người trở thành vương hậu sau khi Vua Edward VIII, anh chồng của bà, thoái vị vào năm 1936 và chồng bà trở thành Vua George VI. Bà đã cứu chế độ quân chủ Anh bằng cách “uốn nắn” người chồng nói lắp của mình, người phải đối mặt với áp lực bất ngờ khi trở thành một vị vua giữa Thế chiến II.

    Bà đã cùng ông khắp nơi, đến thăm những người dân London bị đánh bom ở East End và giữ gìn hình ảnh hoàng gia. Khi Cung điện Buckingham bị đánh bom vào năm 1940, nhà vua và vương hậu suýt mất tích, bà nói rằng bà rất vui vì điều đó “khiến tôi cảm thấy mình có thể nhìn thẳng vào East End”.

    Khi bà qua đời vào năm 2002 ở tuổi 101, trong vòng 3 ngày có khoảng 200.000 người xếp thành một hàng dài đến tận sông Thames để viếng bà tại cung điện Westminster.

    TẠI SAO CAMILLA KHÔNG PHẢI LÀ CÔNG CHÚA XỨ WALES?

    Vì Diana, cố Công nương xứ Wales được yêu mến, đã đổ lỗi cho Camilla về sự tan vỡ trong cuộc hôn nhân của Diana với Charles (mặc dù điều đó không hoàn toàn là do Camilla). Bên cạnh đó là sự giận dữ của công chúng đối với Camilla vẫn còn khi bà và Charles kết hôn vào năm 2005, 8 năm sau cái chết của Diana trong một vụ tai nạn xe hơi ở Paris.

    Vào thời điểm đó, người ta quyết định rằng Camilla sẽ nhận một trong những tước vị thấp hơn của Charles, Nữ công tước xứ Cornwall, để giúp xoa dịu cảm xúc của công chúng.

    TẠI SAO NHỮNG NGƯỜI ĐÀN ÔNG KẾT HÔN VỚI NỮ HOÀNG LẠI KHÔNG ĐƯỢC GỌI LÀ "VUA"?

    Bởi vì theo định nghĩa phân biệt giới tính, địa vị của vua cao hơn nữ hoàng. Nếu nữ hoàng là con gái lớn của vua và không có anh trai như trường hợp của Elizabeth, thì bà là người có quyền lực chứ không phải 

    chồng bà. Ông ấy phải đi sau bà vài bước trong suốt cuộc hôn nhân.

    Điều này đặc biệt đúng nếu người đàn ông sinh ra ở nước ngoài, như trường hợp của Hoàng thân Philip.

    LIỆU VƯƠNG HẬU CAMILLA SẼ ĐĂNG QUANG?

    Nếu chồng bà đăng quang vị trí quyền lực cao nhất thì bà cũng sẽ được trao vương miện.

    Theo The Mail on Sunday, Camilla sẽ được trao vương miện bằng bạch kim và kim cương của Thái hậu, được làm ra cho sự đăng quang của George VI vào năm 1937. Vương miện đính hàng nghìn viên kim cương, bao gồm cả viên kim cương Koh-i-noor 105 carat tai tiếng từ Ấn Độ. Viên kim cương này đến tay người Anh và Crown Jewels bằng những cách mờ ám trong thời kỳ thuộc địa.

    Trái lại, khi Elizabeth đăng quang tại Tu viện Westminster vào tháng 6 năm 1953, bà một mình ngồi trên Đá Đăng quang (Stone of Scone) và tự nhận Vương miện của Thánh Edward từ Tổng giám mục Canterbury.

    Theo Zing

  • Hình ảnh và tên của Nữ hoàng Elizabeth II trên tiền, hàng loạt vật dụng và các loại văn bản, nghi lễ, sẽ được thay thế bằng tên và hình ảnh của tân vương.

    nu hoang anh qua doi 2
    Ảnh: Royal.uk

    Khi vua George VI qua đời trong giấc ngủ tại Sandringham vào rạng sáng 6/2/1952, con gái lớn của ông, Công chúa Elizabeth, khi đó đang thăm Kenya cùng chồng, ngay lập tức trở thành Nữ hoàng Elizabeth II.

    Robert Blackburn, giáo sư luật hiến pháp tại Đại học King’s College London, nói với quốc hội: “Quá trình tương tự sẽ diễn ra, khi Nữ hoàng Elizabeth II qua đời cũng là lúc Thái tử Charles III lên ngôi vua”.

    Tuy nhiên, sau triều đại dài kỷ lục của Nữ hoàng, việc bóc tách tên, hình ảnh và biểu tượng của bà khỏi cấu trúc đời sống quốc gia ở Anh và trên toàn Khối Thịnh vượng chung sẽ mất nhiều thời gian hơn. Dưới đây là một số điều sẽ cần phải thay đổi.

    1. Cờ

    Từ những lá cờ treo bên ngoài đồn cảnh sát trên khắp nước Anh cho đến cờ hoàng gia được sử dụng trên tàu hải quân, hàng nghìn lá cờ có ký hiệu EIIR (viết tắt của “Nữ hoàng Elizabeth II”) sẽ cần phải được thay thế.

    Các trung đoàn quân sự, một số đội cứu hỏa, và các nước mà Nữ hoàng Elizabeth II được công nhận là nguyên thủ quốc gia, bao gồm Australia, Canada và New Zealand, họ đều có loại cờ mà các chuyên gia gọi “cờ E” - cờ cá nhân dành cho nữ hoàng, được sử dụng khi bà đến thăm. Chúng sẽ được thay thế bằng cờ có ký hiệu của tân vương.

    Theo Guardian, rất có khả năng lá cờ 4 ô được treo bất cứ nơi nào quốc vương Anh có mặt cũng có thể được thay đổi.

    Phiên bản trong triều đại của Nữ hoàng Elizabeth II bao gồm 1/4 đại diện cho Scotland (sư tử), 1/4 cho Ireland (đàn hạc) và 2/4 đại diện cho Anh (3 con sư tử), nhưng không có phần đại diện cho xứ Wales. Lá cờ này đã được sử dụng từ rất lâu trước khi Wales có cờ riêng, được công nhận vào năm 1959. Quốc vương tiếp theo có thể kết hợp yếu tố Wales vào trong lá cờ mới.

    2. Tiền giấy và tiền xu

    Có 4,5 tỷ đồng bảng Anh đang được lưu hành có khắc hoặc in hình nữ hoàng, trị giá tổng cộng 80 tỷ bảng Anh. Việc thay thế chúng bằng phiên bản khắc hoặc in hình người trị vì mới có thể mất ít nhất 2 năm. Khi tờ 50 bảng Anh mới nhất được phát hành, Ngân hàng Trung ương Anh đã mất 16 tháng để thu hồi và thay thế.

    Khi Nữ hoàng Elizabeth lên ngôi vào năm 1952, quốc vương trước đó không còn được in trên tiền tệ của đất nước. Đến năm 1960, khuôn mặt của Elizabeth II bắt đầu xuất hiện trên tờ 1 bảng Anh.

    Hình ảnh của nữ hoàng cũng xuất hiện trên một số tờ tiền 20 CAD ở Canada, trên tiền xu ở New Zealand và trên tất cả loại tiền xu và tiền giấy do ngân hàng trung ương Eastern Caribbean cũng như các khu vực khác của Khối thịnh vượng chung phát hành.

    Các thiết kế tiền xu có thể được thay đổi chậm hơn. Thông thường việc chuyển đổi tiền xu diễn ra tự nhiên chứ không phải thông qua việc thu hồi.

    3. Quốc ca

    Về lý thuyết, một trong những thay đổi đơn giản nhất sẽ là chuyển lời của bài quốc ca từ " God save our gracious Queen" thành "God save our gracious King". Bài hát với phiên bản “Queen” đã được sử dụng từ năm 1745, chuyển đổi từ phiên bản "God save great George our king, Long live our noble king, God save the king".

    4. Lời cầu nguyện

    Nữ hoàng là "người bảo vệ đức tin và là lãnh đạo tối cao" của Giáo hội Anh, và vì vậy có những lời cầu nguyện cho bà trong Sách Cầu nguyện chung, có từ năm 1662. Một lời cầu nguyện trong số đó cầu xin chúa "cho bà ân điển Thánh Linh của ngài, cho bà có thể nương mình theo ý muốn của ngài và bước đi theo đường lối của ngài”.

    Những điều này dự kiến ​​được sửa đổi để trở thành lời cầu nguyện cho tân vương. Việc này phải được thực hiện theo quy định của pháp luật hoặc lệnh của hoàng gia. Các linh mục cũng có thể điều chỉnh lời cầu nguyện để sử dụng cho phù hợp với người bảo vệ đức tin mới, trong các buổi lễ ngày Chủ nhật và lễ chiều.

    5. Vũ khí hoàng gia

    Trên các khiên của binh sĩ hoàng gia có hình một con sư tử và một con kỳ lân. Hình ảnh này cũng được sử dụng rộng rãi trong các cơ quan chính phủ và văn phòng phẩm. Bất kỳ thay đổi nào cũng sẽ rất tốn kém, và dường như không cần thiết.

    Tuy nhiên, những biểu tượng này sẽ cần phải thay đổi nếu quốc vương mới quyết định thêm yếu tố đại diện cho xứ Wales trên tấm khiên để phù hợp với bất kỳ thay đổi nào đối với cờ hoàng gia.

    6. Giấy chứng nhận của hoàng gia

    Giấy chứng nhận hoàng gia của nữ hoàng hiện áp dụng cho hơn 600 doanh nghiệp có lịch sử cung cấp đồ gia dụng hoàng gia. Các thương hiệu thích sử dụng hình chứng nhận của nữ hoàng trên các tài liệu tiếp thị của họ, bao gồm đàn piano Steinway, ngũ cốc Jordans, rượu gin của Gordon, trang sức Swarovski, đến các dịch vụ sửa ống nước, làm vườn,...

    Sau cái chết của nữ hoàng, giấy chứng nhận của họ sẽ mất giá trị, trừ khi họ được người kế vị hoặc một thành viên khác của hoàng gia có quyền hạn ban cho một giấy chứng nhận mới.

    Điều này có thể không xảy ra nhanh chóng. Khi Hoàng thân Philip qua đời, những người có giấy chứng nhận hoàng gia từ ông được ân hạn hai năm. Một quốc vương mới có thể quyết định điều chỉnh các tiêu chí cần đáp ứng để được hoàng gia cấp chứng nhận.

    7. Hòm thư và tem

    Các hòm thư hoàng gia có ký hiệu ER của Nữ hoàng Elizabeth khó có thể bị xóa. Một số hòm thư có in ký hiệu GR của Vua George VI vẫn được sử dụng cho đến ngày nay, sau 70 năm. Tuy nhiên, bưu điện sẽ thay đổi tem, sử dụng hình ảnh của nhà vua mới.

    8. Lời cam kết trung thành

    Các nghị sĩ không được phép ngồi trong nghị viện, phát biểu trong các cuộc tranh luận, bỏ phiếu, hoặc nhận lương trừ khi họ cam kết trung thành với quốc vương. Kể từ năm 1952, lời tuyên thệ trung thành là: “Tôi (tên người tuyên thệ) thề trước Chúa toàn năng rằng tôi sẽ tận tâm và hết lòng trung thành với Nữ hoàng Elizabeth, những người thừa kế và người kế vị bà, theo luật pháp. Xin giúp đỡ, thưa Chúa”.

    Các công dân mới của Anh cũng được yêu cầu tuyên thệ “trung thành hết lòng với Nữ hoàng Elizabeth Đệ nhị, những người thừa kế và kế vị của bà”, và Bộ Nội vụ có khả năng sẽ thay đổi lời tuyên thệ đó.

    9. Khối Thịnh vượng chung

    Nữ hoàng từ trần là một thời khắc bấp bênh đối với một số quốc gia thuộc Khối Thịnh vượng chung rộng lớn của Anh, 14 quốc gia trong số đó công nhận quốc vương của Anh là nguyên thủ quốc gia của họ.

    Trong nhiều trường hợp, hiến pháp của họ quy định rằng Nữ hoàng Elizabeth II là nguyên thủ quốc gia. Ở những nước này, hiến pháp sẽ cần được sửa đổi để đề cập đến người kế nhiệm bà. Tại các quốc gia như Jamaica, những thay đổi hiến pháp này cũng sẽ yêu cầu một cuộc trưng cầu dân ý, theo các chuyên gia của Khối Thịnh vượng chung.

    Ở Papua New Guinea, Quần đảo Solomon, Tuvalu, Antigua và Barbuda, Bahamas, Grenada, Saint Kitts và Nevis, Saint Lucia và Saint Vincent và Grenadines, câu hỏi đặt ra xung quanh việc liệu quốc vương mới có thể bổ nhiệm hợp pháp một Toàn quyền hay không, trong trường hợp hiến pháp của quốc gia đó không được thay đổi để công nhận tân vương là nguyên thủ quốc gia thay cho nữ hoàng.

    Rất nhiều điều luật khác có chứa tên của nữ hoàng cũng sẽ cần được soạn thảo lại. Đây được xem là một quá trình phức tạp và tốn kém, đặc biệt là với các quốc gia nhỏ không có soạn giả luật pháp riêng.

    Ở một số quốc gia khác như Australia, Canada và New Zealand, tân vương sẽ tự động trở thành nguyên thủ quốc gia.

    Theo Zing

  • Ngày 8/9 tại nước Anh, nhiều dấu hiệu chẳng lành kéo tới, và tiếp sau đó một thông báo không ai ở đất nước sương mù chờ đợi: Nữ hoàng Elizabeth II đã từ trần.

    Ngay sau buổi trưa 8/9, chủ nhiệm Văn phòng Nội các Anh Nadhim Zahawi vội vã đi vào cuộc họp của Hạ viện để chuyển cho tân Thủ tướng Liz Truss một bức thư.

    Ông đã nán lại để thì thầm với nữ thủ tướng trong khi lãnh đạo Công đảng Anh Keir Starmer phát biểu, theo Guardian.

    Một lúc sau, bà Angela Rayner, phó lãnh đạo Công đảng Anh cũng nhận được một tờ giấy. Bà đọc hết nội dung của tờ giấy trước khi ngước mắt lên với thái độ nghi ngờ và lo lắng.

    Cuộc tranh luận về giá năng lượng vẫn tiếp tục, nhưng đột nhiên gói cứu trợ trị giá 150 tỷ bảng Anh của chính phủ không còn là câu chuyện quan trọng nhất trong ngày.

    giay phut truoc khi nu hoang anh qua doi 1
    Người dân nín lặng chờ tin trước Điện Buckingham.

    Các phóng viên có mặt đã nhanh chóng nhận ra sự bất thường này. Họ biết rằng đó phải là một vấn đề gì đó quan trọng nên diễn biến mới khác thường như vậy.

    Các suy đoán nhanh chóng chuyển sang tình trạng sức khỏe của Nữ hoàng Elizabeth II.

    Vị quân vương 96 tuổi trông có vẻ không khỏe với vết thâm tím trên tay phải khi làm lễ bổ nhiệm chức thủ tướng cho bà Liz Truss tại lâu đài Balmoral hai ngày trước đó.

    Không cần phải đợi lâu, ngay sau 12h30, Điện Buckingham đưa ra một tuyên bố bất thường. "Các bác sĩ của Nữ hoàng quan ngại sức khỏe của bà và khuyến cáo rằng bà nên tiếp tục được giám sát y tế".

    Thông báo từ nơi ở chính thức của Nữ hoàng Elizabeth II cho biết thêm rằng: “Nữ hoàng vẫn cảm thấy thoải mái” nhưng không có gì chứng tỏ điều tích cực hơn về tình trạng sức khỏe của bà.

    Vài phút sau, cuộc tranh luận tại Hạ viện bị gián đoạn một thời gian ngắn khi Chủ tịch Hạ viện Lindsay Hoyle lên tiếng.

    Theo thông lệ, Hạ viện Anh thường không tranh luận hoặc thậm chí là đề cập đến nữ hoàng, nhưng tiền lệ lần này đã bị phá vỡ. Ông Hoyle gửi đến Nữ hoàng Elizabeth II "lời chúc tốt đẹp nhất của chúng tôi" trong một phát biểu ngắn trước khi yêu cầu nghị sĩ Ian Blackford tiếp tục phần trình bày.

    Những thông điệp được đưa ra sau đó đều đề cập đến tình trạng sức khỏe của Nữ hoàng Elizabeth II. Bà Truss cho biết bà “quan tâm sâu sắc”, trong khi ông Starmer bày tỏ “lo lắng chân thành” đến Nữ hoàng Elizabeth II.

    Trên Twitter, Giám mục trưởng Giáo hội Anh Justin Welby viết: "Cầu mong sự hiện diện của Chúa sẽ tiếp thêm sức mạnh và phù hộ cho Nữ hoàng, gia đình của bà và những người đang chăm sóc bà tại lâu đài Balmoral".

    Tại tòa nhà Quốc hội Anh, nhiều nguồn tin cho biết “những người có vai trò trong hiến pháp” được yêu cầu chuẩn bị cho điều tồi tệ nhất xảy ra.

    Một trợ lý của một trong những người trên cho biết họ đã phải trả lời một loạt "cuộc gọi khẩn cấp" vào giờ ăn trưa khi các cơ quan chính thức tiến hành công tác chuẩn bị cho “Chiến dịch Cầu London”.

    “Chiến dịch Cầu London” là kế hoạch liệt kê những sự kiện sẽ xảy ra tại Vương quốc Anh sau khi Nữ hoàng Elizabeth II băng hà. Theo đó, nước Anh sẽ bắt đầu với 10 ngày tang lễ.

    Một cựu lãnh đạo của phe đối lập cho biết cảnh báo chính thức từ cung điện và các tuyên bố sau đó phù hợp với giao thức mà ông đã từng được thông báo trước đó, theo Guardian.

    Trong lúc đó, các phóng viên hoàng gia nhận được thông báo "cây cầu không bị sập" - có nghĩa là dù tình huống nghiêm trọng xảy ra, Nữ hoàng Elizabeth II vẫn còn sống trong lâu đài tại Scotland.

    Lúc này, đài BBC đã đột ngột tạm dừng chương trình Bargain Hunt vào khoảng 12h40. Màn hình trong phút chốc chuyển sang màu đen trước khi người dẫn chương trình thời sự Joanna Gosling xuất hiện và đọc tuyên bố của Điện Buckingham.

    Đài BBC chuyển sang đưa tin chính thức, người dẫn chương trình Huw Edwards, đeo cà vạt đen, sau đó đưa tin về các sự kiện.

    Gia đình của Nữ hoàng Elizabeth II bắt đầu tập hợp tại lâu đài Balmoral.

    Thái tử Charles cùng vợ là Công nương Camilla trước đó ở tòa nhà Birkhall gần đó, trong điền trang Aberdeenshire. Theo nhiều nguồn tin, ông thường xuyên đến thăm Nữ hoàng Elizabeth II vào buổi sáng trong suốt mùa hè.

    Công chúa Anne đang ở Scotland cũng nhanh chóng đi đến lâu đài Balmoral. Chẳng bao lâu sau đó, những người con cháu của Nữ hoàng cũng lên đường hướng về lâu đài.

    Hoàng tử William cùng với Hoàng tử Andrew và những người khác đã đáp một chiếc máy bay đặc biệt từ Northolt ở phía tây bắc London đến Aberdeen, sau đó đến Balmoral trên một đoàn xe sau 17h.

    Hoàng tử Harry đã hủy bỏ việc tham dự sự kiện trao giải của một tổ chức từ thiện và đến lâu đài Balmoral. Công nương Meghan không đi cùng Hoàng tử khi đó.

    Công nương Kate - vợ Hoàng tử William cũng vẫn còn ở Windsor.

    Thời tiết dù khắc nghiệt nhưng các nhóm người bắt đầu tập trung tại Cung điện Buckingham và ở lâu đài Balmoral khi trời chập tối.

    Trong cuộc họp qua video với tân Thủ tướng Liz Truss, Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết ông và phu nhân “hướng về Nữ hoàng Elizabeth II và gia đình của bà trong từng suy nghĩ của họ”.

    Vài giờ trước, mọi người vẫn mơ hồ không biết chuyện gì đã xảy ra. Nhưng giờ đây, truyền thông đã tràn ngập tin tức về điều tồi tệ nhất: Nữ hoàng Anh đã băng hà.

    Người trị vì triều đại kéo dài 70 năm đã qua đời sau một trận ốm ngắn.

    Thư ký nội các Simon Case nói cho Thủ tướng Liz Truss biết tin dữ vào lúc 16h30 và phải hai giờ nữa tin tức mới được công bố khắp cả nước.

    Như thông lệ của Điện Buckingham, các phóng viên hoàng gia nhận được một cảnh báo ngay trước khi có một thông báo quan trọng. Và các phóng viên nhận được thông báo ngay trước 18h30. Tiếp theo là tuyên bố mà mọi người đã hy vọng không nghe được.

    “Nữ hoàng qua đời trong yên bình tại Balmoral vào chiều nay”, Điện Buckingham cho biết.

    Điện Buckingham cũng cho hay: "Vua và Hoàng hậu sẽ ở lại Balmoral vào tối nay và sẽ trở lại London vào ngày mai".

    Đài BBC cho lên hình lá cờ tại Điện Buckingham được treo rủ. Người dẫn chương trình Edwards sau đó đưa ra thông báo xúc động nhất trong sự nghiệp phát sóng của mình. Lúc đó, dường như ông gần rơi nước mắt.

    Ông nói: “Một vài phút trước, Điện Buckingham đã ra thông báo về sự qua đời của Nữ hoàng Elizabeth II”. Ông nhắc đi nhắc lại thông báo đó như thể nếu chỉ nghe một lần thì người ta sẽ không thể tiếp nhận nổi.

    Sau đó, bài quốc ca vang lên và tiếp sau là một vài khoảnh khắc để người xem tin tức lắng đọng.

    Khoảng 20 phút sau, Quốc vương Charles III phát biểu: “Sự hiểu biết, tôn trọng và tình cảm sâu sắc mà nhiều người dành cho Nữ hoàng sẽ giúp tôi được an ủi và có thể tiếp tục công việc của mình”.

    Bà Liz Truss sau đó cũng có bài phát biểu tại Phố Downing.

    “Sự ra đi của nữ hoàng là một cú sốc lớn đối với nước Anh và toàn thế giới. Nữ hoàng Elizabeth II là nền móng của nước Anh hiện đại. Đất nước Anh đã phát triển mạnh mẽ dưới triều đại của nữ hoàng”, bà Truss nói trước công chúng.

    Kết thúc bài phát biểu, vị tân thủ tướng cũng kêu gọi người dân ủng hộ Vua Charles III. “Chúa phù hộ quốc vương”, bà nói.

    Đám đông lên đến hàng nghìn người bắt đầu tập trung tại Điện Buckingham và lâu đài Balmoral.

    Trong khi đó, phía ngoài sân thượng của lâu đài Windsor, trong một vài khoảnh khắc, máy quay của đài BBC đã đứng yên, ghi lại hình ảnh cầu vồng đôi xuất hiện trên bầu trời nước Anh giữa một ngày ảm đạm.

    Theo Zing

  • Một loạt quy trình trên khắp nước Anh được kích hoạt sau khi thông báo 'Cầu London sập rồi' được phát đi, ám chỉ Nữ hoàng Elizabeth II qua đời.

    "Hôm nay, tôi đang làm nhiệm vụ thì bất ngờ nhận thông báo qua radio: 'Tất cả đơn vị chú ý, Cầu London sập rồi. Cầu London sập rồi. Chờ đợi chỉ thị tiếp theo. Hết'. Nó làm tôi xúc động", một sĩ quan cảnh sát thủ đô London kể lại, Sky News đưa tin.

    Sau khi Nữ hoàng Elizabeth II qua đời, mật mã "Cầu London đã sập" (London Bridge is down) được thư ký riêng của nữ hoàng thông báo đến các thành viên trong hoàng tộc, nhà ngoại giao nước ngoài và quan chức hàng đầu.

    Chính phủ Anh sau đó lập tức kích hoạt "Chiến dịch Cầu London" trong 10 ngày với một loạt sự kiện và nghi lễ cho tang lễ nữ hoàng Anh. Năm 2021, Anh đã kích hoạt "Chiến dịch Cầu Forth" sau khi Hoàng thân Philip từ trần.

    a0f19c715633bf6de622
    Cảnh sát thủ đô được bố trí trước Cung điện Buckingham ngày 9/9. Ảnh: Reuters.

    "Chiến dịch Cầu London" đã được lên kế hoạch từ những năm 1960 và được tiết lộ trong phóng sự của Guardianvào năm 2017.

    Việc đặt mã hiệu cho sự ra đi của hoàng gia bắt nguồn từ sự kiện vua George VI, cha của Nữ hoàng Elizabeth II, băng hà vào năm 1952 - được đặt mã hiệu "Hyde Park Corner".

    Kế hoạch tang lễ cho nữ hoàng đã được xây dựng chi tiết và cẩn thận, từ tiếng súng chào, hồi chuông vang khắp đất nước đến nơi tập trung hàng triệu người để tỏ lòng thành kính. NBCnhận định đây là một sự kiện rất ít người từng được chứng kiến từ bất kỳ nơi nào trên thế giới.

    Vua Charles III đã đến Cung điện Buckingham vào chiều 9/9, và lần đầu tiên lá cờ hoàng gia Royal Standard tung bay dưới sự trị vì của ông. Ông Charles III sẽ gặp Thủ tướng Anh Liz Truss và phát biểu trước toàn quốc sau đó.

    Theo Zing

  • [Đại sứ Vũ Quang Minh hiện là Đại sứ Việt Nam tại Cộng hòa Liên bang Đức. Ông từng là Đại sứ Việt Nam tại Vương quốc Anh từ năm 2011 đến 2014.]

    Lần đầu tiên tôi gặp Nữ hoàng Anh là năm 2011 khi tôi trình Quốc thư lên Nữ hoàng, chính thức bắt đầu nhiệm kỳ Đại sứ ở Anh, bà thân tình và ân cần hỏi tôi: "Sao Đại sứ đến trình Quốc thư mà không có phu nhân đi cùng?".

    Ngày hôm nay, khi mở trang BBC, đập vào mắt tôi đầu tiên là dòng thông báo Nữ hoàng Elizabeth II qua đời ở tuổi 96, sau 70 năm trị vì.

    Từ nước Đức, gia đình tôi đã cùng nhau ngồi nhớ lại những kỷ niệm của chúng tôi với Nữ hoàng Anh trong 3 lần mà chúng tôi có vinh hạnh được diện kiến Nữ hoàng trong nhiệm kỳ Đại sứ của tôi tại Anh (2011-2014) và cùng chia sẻ nỗi mất mát không gì bù đắp được với người dân Anh lúc này.

    dai su vu quang minh nu hoang 1
    Đại sứ Vũ Quang Minh trình quốc thư lên Nữ hoàng Anh Elizabeth II vào năm 2011 (Ảnh: Getty).

    dai su vu quang minh nu hoang 1

    Dù biết sức khỏe bà đã yếu dần đi trong thời gian qua và cả thế giới đều cầu nguyện cho bà khi nghe tin tình trạng của bà có dấu hiệu chuyển biến xấu, nhưng gia đình tôi vẫn không khỏi bàng hoàng khi đọc tin về sự ra đi của bà. Bà có một cuộc hôn nhân tuyệt vời và đáng ngưỡng mộ với Hoàng thân Philip. Khi ông mất, tôi đã nghĩ bà khó mà có thể sống xa ông lâu…

    Tôi bắt đầu học những từ Tiếng Anh đầu tiên cùng các bạn sinh viên Liên Xô tại Moscow đầu những năm 1980. Khi ấy giấc mơ của tôi là được đến London và ghé thăm Tháp đồng hồ Big Ben. Gần 20 năm sau đó, tôi trở thành Đại sứ Việt Nam tại Anh Quốc, cũng là Đại sứ trẻ nhất trong Ngoại giao đoàn ở London. Không chỉ được ngắm Big Ben như trong giấc mơ thời trẻ, tôi đã có cơ hội diện kiến Nữ hoàng Anh.

    Lần đầu tiên tôi gặp Nữ hoàng Elizabeth II là vào ngày 8/6/2011, ngày tôi trình Quốc thư lên Nữ hoàng, bắt đầu nhiệm kỳ Đại sứ của mình.

    Năm đó bà đã 85 tuổi, cực kỳ minh mẫn, thông tuệ. Dù sở hữu khí chất hoàng gia cao quý được bồi đắp suốt mấy chục năm trị vì, nhưng Nữ hoàng lại cho tôi có cảm giác giống như tôi đang nói chuyện với bà mình.

    Trong buổi gặp đầu tiên, bà thân tình và ân cần hỏi tôi: "Vì sao Đại sứ đến trình Quốc thư mà không có phu nhân đi cùng?".

    Tôi trả lời: "Phu nhân của tôi đang làm việc tại Đại sứ quán Việt Nam ở Canada nên không thể có mặt trong sự kiện này. Tuy nhiên, phu nhân và con trai tôi vẫn đang dưới sự trị vì của Nữ hoàng (vì Canada thuộc khối Thịnh vượng chung, Nữ hoàng Anh vẫn là Nguyên thủ Quốc gia trị vì ở Canada, về nguyên tắc)".

    Bà cười lớn khi nghe tôi nói và hào hứng kể: "Các hoàng tử và công chúa con tôi đều rất yêu Việt Nam và có nhiều chuyến đi tới Việt Nam. Riêng Hoàng tử Andrew còn đặc biệt thích mua các món đồ Việt Nam từ tranh vẽ, gốm sứ trang trí… và đem về treo khắp cung điện. Có cả một bộ sưu tập tranh Việt Nam trong Hoàng gia Anh".

    Bà đặc biệt hiểu về quan hệ giữa hai nước Anh - Việt và hy vọng tôi sẽ nỗ lực để làm mối quan hệ đối tác chiến lược vừa hình thành giữa hai nước tiếp tục phát triển.

    Lần thứ 2 diện kiến Nữ hoàng trong buổi chiêu đãi tại Lễ hội Mùa hè trong vườn Cung điện Buckingham, vừa nhìn thấy vợ tôi, bà cười: "Đây chính là Phu nhân Đại sứ mới từ Canada sang đúng không?". Tôi rất ngạc nhiên vì bà còn nhớ…

    Lần thứ 3 gặp bà là trong Quốc yến của Vương quốc Anh do Nữ hoàng tổ chức. Cả hai lần gặp sau này, chúng tôi đã được có nhiều thời gian trò chuyện với cả bà và Hoàng thân Phillip cũng như Thái tử Charles và vợ chồng Hoàng tử William - Kate.

    Không chỉ Nữ hoàng Elizabeth thân thiện, Hoàng thân Phillip cũng là một người cực kỳ đáng mến và lịch lãm. Nữ hoàng và Hoàng thân dừng lại nói chuyện với từng khách, và đã dành đặc biệt nhiều thời gian trò chuyện với  chúng tôi về Việt Nam, về các tác phẩm nghệ thuật, tranh của Việt Nam được các thành viên Hoàng gia Anh sưu tập.

    Trước khi đến nước Anh, nhiều người nói với tôi người Anh rất lạnh lùng, kiêu kỳ. Nhưng 3 lần tiếp kiến Nữ hoàng Elizabeth II, tôi chỉ cảm thấy bà tôn quý nhưng ấm áp, hiền hậu. Trong mắt tôi, bà đại diện cho tất cả những gì đẹp đẽ và hoàn hảo nhất của nước Anh.

    Với tôi, nước Anh là một nơi để lại cho tôi những hồi ức đặc biệt.

    Trong nhiệm kỳ của tôi, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã thăm Vương quốc Anh vào năm 2013. Đó là chuyến thăm đầu tiên của Tổng Bí thư đến một cường quốc có thể chế chính trị khác. Chuyến thăm đó, Nữ hoàng Elizabeth II rất tiếc không đón chính thức được (vì đã có các cuộc thăm cấp Nhà nước lên kế hoạch từ trước theo quy định lễ tân Hoàng gia), nhưng bà đã ủy quyền cho Thái tử Charles - vị Vua tương lai của nước Anh, trân trọng đón và hội đàm với Tổng Bí thư ta. Sau này mỗi lần gặp lại, Thái tử Charles và Thủ tướng Anh lúc đó (David Cameron) đều nhắc lại cuộc gặp với những lời ấm áp. Cả hai đều nói, họ bất ngờ vì họ có thể tìm được nhiều giá trị chung đến thế với một Tổng Bí thư Đảng Cộng sản.

    Cũng trong nhiệm kỳ của tôi ở Anh, tôi đã chứng kiến đám cưới Hoàng gia Anh của Hoàng tử William và Công nương Kate. Người dân Anh tràn ra đường phố, tự tổ chức tiệc ăn mừng, vui như ngày hội của Vương quốc. Họ không chỉ vui vì chứng kiến một đám cưới Hoàng gia sau nhiều năm chờ đợi. Sự ăn mừng của họ thể hiện sự kính trọng mà họ dành cho Hoàng gia Anh nói chung và Nữ hoàng Elizabeth II nói riêng. Mấy chục năm trị vì, bà đã được người dân yêu quý và tôn kính đến gần như tuyệt đối.

    Hôm nay, tôi có đọc được một nhà bình luận chính trị viết trên BBC rằng: "Giữa một thế giới đang thay đổi với tốc độ chóng mặt, Nữ hoàng Elizabeth II là một hằng số, là một giá trị bất biến đại diện cho tất cả những điều đẹp đẽ nhất của Vương quốc Anh". Bà là biểu tượng không thể thay thế, là điểm tựa bình an không chỉ cho Hoàng gia mà cả Vương quốc Anh, là người mà 70 năm trị vì, chưa từng "bước hụt" bước chân nào.

    Xin vĩnh biệt Nữ hoàng!

    Theo Dân Trí

  • Trên khắp nước Anh, lực lượng vũ trang quốc gia này đã bắn 96 phát đại bác, đúng bằng tuổi thọ của Nữ hoàng Elizabeth II, để tưởng nhớ bà.

    anh ban dai bac 1
    Quân nhân Anh bắn đại bác tưởng nhớ Nữ hoàng Elizabeth II tại Wales hôm 9/9 (Ảnh: PA).

    Theo Independent, lực lượng vũ trang Anh hôm nay đã tưởng nhớ Nữ hoàng Elizabeth II - người qua đời ngày 8/9 - bằng cách bắn 96 phát đại bác.

    Quân đội Anh chọn con số 96 nhằm tượng trưng cho số năm tuổi thọ của Nữ hoàng. Các khẩu đại bác khai hỏa tại London, Woolwich, Cardiff, Belfast, Plymouth, York, Gibraltar…

    Vào buổi trưa, tiếng chuông đã vang lên tại Tu viện Westminster, Nhà thờ St Paul và Lâu đài Windsor để đánh dấu ngày mất của Nữ hoàng Elizabeth II.

    Thi hài của Nữ hoàng sẽ được đặt ở nhà thờ St Giles ở Edinburgh, Scotland trong 24 giờ, trước khi được đưa về Cung điện Buckingham.

    anh ban dai bac 1
    Vua Charles III lặng người trước biển hoa tưởng nhớ Nữ hoàng bên ngoài Cung điện Buckingham ngày 9/9 (Ảnh: Guardian).

    Con trai Nữ hoàng, Vua Charles III, hôm nay đã di chuyển từ lâu đài Balmoral, Scotland về London - nơi ông dự kiến sẽ gặp tân Thủ tướng Anh Liz Truss. Ông sẽ có bài phát biểu trên sóng truyền hình vào 18h ngày 9/9 (giờ địa phương).

    Tại Anh, hàng loạt các sự kiện văn hóa, thể thao đã bị hoãn lại nhằm bày tỏ sự tôn kính tới Nữ hoàng.  

    Theo truyền thông Anh, ngày 10/9, Vua Charles III dự kiến sẽ gặp gỡ Hội đồng Đăng cơ. Cơ quan này sau đó sẽ đưa ra tuyên bố chính thức về việc đăng quang của Vua Charles III. 

    Theo Independent

  • chiec bentley cua nu hoang anh 1

    Nhà sản xuất xe hơi Anh Bentley đã cho ra đời chiếc xe cấp nhà nước – Bentley State Limousine đắt nhất thế giới trị giá hơn 15 triệu USD và là chiếc Bentley đắt nhất mọi thời đại.

    chiec bentley cua nu hoang anh 1

    Vào năm 2002, hãng Bentley đã cho ra đời chiếc xe cấp nhà nước đắt nhất thế giới nhân dịp Nữ hoàng Elizabeth kỷ niệm 50 năm trị vì. Chiếc xe có tên Bentley State Limousine trị giá hơn 15 triệu USD và là chiếc Bentley đắt nhất mọi thời đại.

    chiec bentley cua nu hoang anh 1

    Không chỉ có giá đắt đỏ mà chiếc Bentley State Limousine là mẫu thiết kế duy nhất, được sản xuất 2 chiếc do hãng độ Mulliner của Bentley thực hiện và chỉ dành riêng cho Nữ hoàng Elizabeth II.

    Chiếc xe có chiều dài 6.324 mm, rộng 2.006 mm và cao 1.778 mm, đồng thời nặng tới gần 4 tấn do áp dụng các công nghệ bọc thép chống đạn ở vỏ. Chiếc xe này còn lớn hơn so với chiếc Mulsanne sedan sản xuất sau này của Bentley.

    chiec bentley cua nu hoang anh 1
    Trên thế giới chỉ có 2 chiếc Bentley State Limousine và chúng đều phục vụ nữ hoàng Anh

    Mái của Bentley State Limousine được đặt cao để nữ hoàng dễ dàng đứng vẫy tay chào. Ngoài thân xe bọc thép thì cabin kín khí giúp chống các cuộc tấn công hóa học, lốp xe chống nổ.

    Cửa xe có thể mở theo góc 90 độ, để người trong xe có thể ra vào dễ dàng. Một vách ngăn khoang hành khách và người lái có thể chuyển mờ đục nhằm tăng sự riêng tư.

    chiec bentley cua nu hoang anh 1
    Nước sơn đặc biệt trên Bentley State Limousine cũng không hề đụng hàng.

    Thân vỏ chiếc Bentley State Limousine được sơn màu đỏ tía nhưng sẽ nhìn thành màu đen ở những góc độ nhất định.

    Lớp kính có cảm giác trong suốt khi nhìn từ ngoài vào giúp người dân dễ dàng nhìn thấy Nữ hoàng nhưng được chế tác đặc biệt để chống được đạn súng trường, súng máy.

    chiec bentley cua nu hoang anh 1
    Trên logo Bentley là biểu tượng linh vật của hoàng gia Anh.

    Khi Nữ hoàng ở trên xe, logo Bentley được thay thế bằng linh vật cá nhân của Nữ hoàng như “Thánh George giết rồng” hoặc biểu tượng sư tử. Chiếc xe cũng không có biển số bởi ai đi cùng xe luôn là một đội hộ tống hùng hậu.

    Nội thất của Bentley State Limousine không được tiết lộ nhằm bảo vệ an toàn cho Nữ hoàng, nhưng các chi tiết đều được làm lớn hơn so với bình thường để tạo cảm giác thoải mái cho người dùng. Ghế sau được bọc bằng vải lambswool sateen, mềm mại và rất thoải mái.

    chiec bentley cua nu hoang anh 1
    Hàng ghế sau của Bentley State Limousine được thiết kế đặc biệt để phù hợp người lớn tuổi như nữ hoàng Anh.

    Bentley State Limousine sử dụng động cơ V8 tăng áp kép, dung tích 6.75 lít, cho công suất 400 mã lực, mô-men xoắn 835 Nm. Tốc độ tối đa 210 km/h. Máy phát điện cho xe được chế tạo riêng để có thể tạo nhiều điện năng hơn cho nhu cầu trên xe.

    Năm 2009, Bentley State Limo được tinh chỉnh động cơ để chuyển đổi dùng nhiên liệu sinh học giúp giảm lượng khí thải độc hại ra môi trường.

    Theo Vietnamnet

  • Trong hơn 70 năm trị vì, Nữ hoàng Elizabeth II dẫn dắt hoàng gia cùng người dân qua nhiều giai đoạn sóng gió, trở thành điểm tựa cho ổn định của nước Anh.

    Trong diễn văn đầu tiên trước công chúng Anh năm 1940, Elizabeth, cô công chúa 14 tuổi của Thái tử Albert và Công nương Elizabeth Bowes - Lyon, đã gửi thông điệp về "niềm hạnh phúc và lòng dũng cảm" đến trẻ em đất nước. Công chúa đặc biệt quan tâm đến những người bạn đồng trang lứa phải đi sơ tán, khi châu Âu sục sôi với khói lửa chiến tranh trong giai đoạn đầu của Thế chiến II.

    Ít ai khi đó đoán trước được rằng, giọng nói hôm ấy trên sóng vô tuyến Anh sẽ dần trở thành âm thanh quen thuộc với hầu hết người dân trên đảo quốc và hàng triệu người trên khắp thế giới trong hơn 80 năm sau.

    linh hon elizabeth II
    Nữ hoàng Elizabeth II trong bức ảnh chân dung chụp gần lâu đài Balmoral ở Scotland. Ảnh: Julian Calder.

    Khi Nữ hoàng 96 tuổi trút hơi thở cuối cùng hôm 8/9 ở lâu đài Balmoral tại Scotland, triều đại Elizabeth II khép lại sau hơn 70 năm trị vì, kỷ lục chưa từng có trong lịch sử nước Anh. Trong hơn 7 thập kỷ, bà đã dẫn dắt hoàng gia Anh và đất nước bước qua nhiều giai đoạn thăng trầm, sóng gió của lịch sử.

    Bà đã bổ nhiệm 15 đời thủ tướng Anh, đón rất nhiều thượng khách từ các nước, từ vua chúa, tổng thống đến lãnh đạo tôn giáo. Suốt thời gian trị vì, Nữ hoàng luôn tận tụy thực hiện nhiệm vụ nguyên thủ quốc gia của một cường quốc châu Âu chuyển mình theo biến động của thời đại.

    Truyền thông Anh ca ngợi bà là "biểu tượng ổn định" của đất nước suốt hơn 7 thập kỷ qua, khi hoàng gia và người dân cần một điểm tựa tinh thần giữa các biến cố.

    "Bà luôn đặt nhiệm vụ làm ưu tiên hàng đầu, dù những người cùng thế hệ với bà từ lâu đã cho phép mình được nghỉ ngơi. Khi bà lên ngôi, người dân đã đặt kỳ vọng vào một kỷ nguyên Elizabeth của hòa bình và thịnh vượng. Điều đó đã trở thành hiện thực, chúng ta chứng kiến những thập kỷ của thay đổi vượt bậc và mức sống của hầu hết người dân đều được nâng cao", nhà sử học Elizabeth Norton bình luận.

    Theo Norton, Nữ hoàng Elizabeth II đã trải qua nhiều sóng gió trong 96 năm cuộc đời, nhưng bà đều vượt qua một cách kiên định, vững vàng.

    "Nữ hoàng Elizabeth II đứng ngoài hầu hết những nội tình hoàng gia gây tranh cãi, đặc biệt là những năm cuối đời. Bà sẽ được nhớ đến trong ký ức người Anh với hình ảnh một trong những vị quân chủ được yêu mến nhất thời hiện đại", Norton nhận định.

    Khi Elizabeth chào đời vào năm 1926, vương vị không nằm trong kế hoạch mà Thái tử Albert cùng công nương Elizabeth Bowes - Lyon muốn dành cho công chúa.

    Cuộc sống của gia đình đảo lộn khi Vua Edward VIII, anh trai Albert, bất ngờ thoái vị để theo đuổi tình yêu cùng một phụ nữ Mỹ vào năm 1936. Albert đăng cơ, lấy hiệu là Vua George VI, và Elizabeth được xếp vào danh sách kế vị trực tiếp.

    Vua George VI băng hà ở tuổi 56, sau gần hai thập kỷ trị vì. Bà nối ngôi vua cha, chính thức đăng cơ năm 1953 và trở thành Nữ hoàng Elizabeth II.

    Nữ hoàng Elizabeth II trong 96 năm cuộc đời đã chứng kiến vô số thay đổi của thời cuộc. Trong giai đoạn đầu trị vì, bà cho chuyển các buổi tiệc thường niên dành cho giới thượng lưu giàu có khỏi Điện Buckingham, mở cửa khu vườn mùa hè cho y tá, thợ hồ và những người lao động bình dân khác đến tham quan. Đó là giai đoạn nước Anh từng bước thoát khỏi cấu trúc phân tầng xã hội cứng nhắc của mình.

    Năm 1949, Elizabeth từng chỉ trích ly hôn và ly thân là "những tội ác đen tối nhất". Đến thập niên 1990, bà lại phải chấp nhận không can thiệp vào những cuộc hôn nhân đổ vỡ của con cháu mình, từ Thái tử Charles đến Công nương Diana. Năm 1998, bà cũng công khai ủng hộ những kế hoạch chấm dứt tình trạng phân biệt giới tính về quyền thừa kế ngai vàng hoàng gia Anh.

    Không chỉ ở góc độ thay đổi văn hóa, kỷ nguyên Elizabeth II còn gắn liền với những bước tiến vượt bậc về công nghệ thông tin của thế giới. Nữ hoàng là vị quân chủ Anh cuối cùng gửi điện tín và là người đầu tiên đăng thông điệp trên Twitter.

    Bà cũng là vị quân chủ đầu tiên trong lịch sử Anh gửi lời chúc mừng Giáng sinh đến người dân qua truyền hình. Trang mạng của hoàng gia Anh kết nối Internet vào năm 1997, mở kênh YouTube một thập kỷ sau, lên Twitter năm 2009 và mở tài khoản Facebook cùng Flickr một năm sau.

    "Bà thể hiện tính cách điềm đạm trước công chúng. Phong cách cá nhân cũng không thay đổi nhiều. Điều đó tạo nên trong tâm trí người dân Anh hình ảnh một nguyên thủ kiên định và ổn định giữa tốc độ thay đổi chưa từng có tiền lệ về công nghệ và văn hóa. Tuy nhiên, bà vẫn âm thầm không để mình bị lạc hậu giữa dòng chảy thời cuộc", Eloise Parker, biên tập viên trang HelloMagazine.com, chia sẻ.

    Christopher Warwick, một người viết tiểu sử cho hoàng gia, nhận định Nữ hoàng Elizabeth II đã có tác động lớn đối với nỗ lực cải cách quy tắc và định kiến cũ kỹ. Bà vừa không thay đổi quá nhiều, vừa sẵn sàng thay đổi để phù hợp hơn với thời cuộc.

    Ông ca ngợi nữ hoàng, phía sau cánh cửa hào nhoáng của cung điện và trách nhiệm nặng nề của người đứng đầu hoàng gia, thực chất là một phụ nữ khiêm nhường và bình dị như bao người dân Anh khác.

    Thay đổi không phải lúc nào cũng là quyết định dễ dàng. Hoàng gia trong kỷ nguyên Elizabeth II đã chịu vô số đàm tiếu trên truyền thông, đặc biệt từ khi đế chế báo lá cải của tỷ phú Mỹ Rupert Murdoch đổ bộ đảo quốc. Khi công nương Diana qua đời vào năm 1997, Nữ hoàng còn bị truyền thông chỉ trích là quá lạnh nhạt và xa cách.

    Dù vậy, Nữ hoàng Elizabeth II luôn theo sát các diễn biến chính trị và quan điểm công chúng. Công chức Anh thường gọi bà là "Người đọc số Một", vì bà đọc rất kỹ mọi thông tin và tài liệu mà chính phủ gửi đến.

    Các đời thủ tướng Anh đều đánh giá Nữ hoàng Elizabeth II là một người am hiểu rộng về các vấn đề trong nước lẫn quốc tế.

    Trong hồi kỳ của mình, "bà đầm thép" Margaret Thatcher cho hay bà luôn nhận thấy thái độ của Nữ hoàng với công việc của chính phủ "hoàn toàn chính xác". "Bệ hạ có sự hiểu biết đáng kinh ngạc về các vấn đề đương đại và kinh nghiệm phong phú", Thatcher viết.

    Cựu thủ tướng Tony Blair cũng khẳng định ông có thể thảo luận mọi vấn đề với Nữ hoàng.

    "Nữ hoàng duy trì sự điềm đạm và trung lập trong bầu không khí chính trị, kinh tế thay đổi không ngừng tại Anh. Kỷ nguyên trị vì của bà có thể được tóm gọn trong khẩu hiệu quen thuộc mang sắc thái thời chiến 'Bình tĩnh và bước tiếp' trong những ngày đầu định hình sự nghiệp", bình luận viên Eloise Parker nhận định.

    VnExpress (theo Al Jazerra, Guardian)

  • Đại sứ quán và Tổng lãnh sự quán Anh tại Việt Nam mở sổ tang tưởng niệm Nữ hoàng Elizabeth II trong hôm nay và 5 ngày làm việc tuần sau.

    Đại sứ quán và Tổng lãnh sự quán Anh tại Việt Nam hôm nay thông báo trên Facebook về việc treo cờ rủ và mở sổ tang để tưởng niệm Nữ hoàng Elizabeth II, người qua đời chiều 8/9, hưởng thọ 96 tuổi.

    Theo thông báo, sổ tang được mở tại trụ sở Đại sứ quán Anh ở tầng 4, số 31 phố Hai Bà Trưng, Hoàn Kiếm, Hà Nội, và trụ sở Tổng lãnh sự quán Anh tại số 25 đường Lê Duẩn, Quận 1, TP HCM cho đến 16h hôm nay và 9-16h từ ngày 12/9 đến 16/9.

    Một đại diện của Đại sứ quán Anh tại Hà Nội nói rằng người dân tới ghi sổ tang tại Đại sứ quán, Tổng lãnh sự quán cần xuất trình chứng minh thư nhân dân hoặc căn cước công dân.

    so tang nu hoang anh
    Nữ hoàng Anh Elizabeth II tại Cung điện Buckingham, London, hồi đầu năm. Ảnh: AFP.

    Nữ hoàng Elizabeth II - điểm tựa cho linh hồn nước Anh

    Trong diễn văn đầu tiên trước công chúng Anh năm 1940, Elizabeth, cô công chúa 14 tuổi của Thái tử Albert và Công nương Elizabeth Bowes - Lyon, đã gửi thông điệp về "niềm hạnh phúc và lòng dũng cảm" đến trẻ em đất nước. Công chúa đặc biệt quan tâm đến những người bạn đồng trang lứa phải đi sơ tán, khi châu Âu sục sôi với khói lửa chiến tranh trong giai đoạn đầu của Thế chiến II.

    Ít ai khi đó đoán trước được rằng, giọng nói hôm ấy trên sóng vô tuyến Anh sẽ dần trở thành âm thanh quen thuộc với hầu hết người dân trên đảo quốc và hàng triệu người trên khắp thế giới trong hơn 80 năm sau.

    linh hon elizabeth II
    Nữ hoàng Elizabeth II trong bức ảnh chân dung chụp gần lâu đài Balmoral ở Scotland. Ảnh: Julian Calder.

    Khi Nữ hoàng 96 tuổi trút hơi thở cuối cùng hôm 8/9 ở lâu đài Balmoral tại Scotland, triều đại Elizabeth II khép lại sau hơn 70 năm trị vì, kỷ lục chưa từng có trong lịch sử nước Anh. Trong hơn 7 thập kỷ, bà đã dẫn dắt hoàng gia Anh và đất nước bước qua nhiều giai đoạn thăng trầm, sóng gió của lịch sử.

    Bà đã bổ nhiệm 15 đời thủ tướng Anh, đón rất nhiều thượng khách từ các nước, từ vua chúa, tổng thống đến lãnh đạo tôn giáo. Suốt thời gian trị vì, Nữ hoàng luôn tận tụy thực hiện nhiệm vụ nguyên thủ quốc gia của một cường quốc châu Âu chuyển mình theo biến động của thời đại.

    Truyền thông Anh ca ngợi bà là "biểu tượng ổn định" của đất nước suốt hơn 7 thập kỷ qua, khi hoàng gia và người dân cần một điểm tựa tinh thần giữa các biến cố.

    "Bà luôn đặt nhiệm vụ làm ưu tiên hàng đầu, dù những người cùng thế hệ với bà từ lâu đã cho phép mình được nghỉ ngơi. Khi bà lên ngôi, người dân đã đặt kỳ vọng vào một kỷ nguyên Elizabeth của hòa bình và thịnh vượng. Điều đó đã trở thành hiện thực, chúng ta chứng kiến những thập kỷ của thay đổi vượt bậc và mức sống của hầu hết người dân đều được nâng cao", nhà sử học Elizabeth Norton bình luận.

    Theo Norton, Nữ hoàng Elizabeth II đã trải qua nhiều sóng gió trong 96 năm cuộc đời, nhưng bà đều vượt qua một cách kiên định, vững vàng.

    "Nữ hoàng Elizabeth II đứng ngoài hầu hết những nội tình hoàng gia gây tranh cãi, đặc biệt là những năm cuối đời. Bà sẽ được nhớ đến trong ký ức người Anh với hình ảnh một trong những vị quân chủ được yêu mến nhất thời hiện đại", Norton nhận định.

    Khi Elizabeth chào đời vào năm 1926, vương vị không nằm trong kế hoạch mà Thái tử Albert cùng công nương Elizabeth Bowes - Lyon muốn dành cho công chúa.

    Cuộc sống của gia đình đảo lộn khi Vua Edward VIII, anh trai Albert, bất ngờ thoái vị để theo đuổi tình yêu cùng một phụ nữ Mỹ vào năm 1936. Albert đăng cơ, lấy hiệu là Vua George VI, và Elizabeth được xếp vào danh sách kế vị trực tiếp.

    Vua George VI băng hà ở tuổi 56, sau gần hai thập kỷ trị vì. Bà nối ngôi vua cha, chính thức đăng cơ năm 1953 và trở thành Nữ hoàng Elizabeth II.

    Nữ hoàng Elizabeth II trong 96 năm cuộc đời đã chứng kiến vô số thay đổi của thời cuộc. Trong giai đoạn đầu trị vì, bà cho chuyển các buổi tiệc thường niên dành cho giới thượng lưu giàu có khỏi Điện Buckingham, mở cửa khu vườn mùa hè cho y tá, thợ hồ và những người lao động bình dân khác đến tham quan. Đó là giai đoạn nước Anh từng bước thoát khỏi cấu trúc phân tầng xã hội cứng nhắc của mình.

    Năm 1949, Elizabeth từng chỉ trích ly hôn và ly thân là "những tội ác đen tối nhất". Đến thập niên 1990, bà lại phải chấp nhận không can thiệp vào những cuộc hôn nhân đổ vỡ của con cháu mình, từ Thái tử Charles đến Công nương Diana. Năm 1998, bà cũng công khai ủng hộ những kế hoạch chấm dứt tình trạng phân biệt giới tính về quyền thừa kế ngai vàng hoàng gia Anh.

    Không chỉ ở góc độ thay đổi văn hóa, kỷ nguyên Elizabeth II còn gắn liền với những bước tiến vượt bậc về công nghệ thông tin của thế giới. Nữ hoàng là vị quân chủ Anh cuối cùng gửi điện tín và là người đầu tiên đăng thông điệp trên Twitter.

    Bà cũng là vị quân chủ đầu tiên trong lịch sử Anh gửi lời chúc mừng Giáng sinh đến người dân qua truyền hình. Trang mạng của hoàng gia Anh kết nối Internet vào năm 1997, mở kênh YouTube một thập kỷ sau, lên Twitter năm 2009 và mở tài khoản Facebook cùng Flickr một năm sau.

    "Bà thể hiện tính cách điềm đạm trước công chúng. Phong cách cá nhân cũng không thay đổi nhiều. Điều đó tạo nên trong tâm trí người dân Anh hình ảnh một nguyên thủ kiên định và ổn định giữa tốc độ thay đổi chưa từng có tiền lệ về công nghệ và văn hóa. Tuy nhiên, bà vẫn âm thầm không để mình bị lạc hậu giữa dòng chảy thời cuộc", Eloise Parker, biên tập viên trang HelloMagazine.com, chia sẻ.

    Christopher Warwick, một người viết tiểu sử cho hoàng gia, nhận định Nữ hoàng Elizabeth II đã có tác động lớn đối với nỗ lực cải cách quy tắc và định kiến cũ kỹ. Bà vừa không thay đổi quá nhiều, vừa sẵn sàng thay đổi để phù hợp hơn với thời cuộc.

    Ông ca ngợi nữ hoàng, phía sau cánh cửa hào nhoáng của cung điện và trách nhiệm nặng nề của người đứng đầu hoàng gia, thực chất là một phụ nữ khiêm nhường và bình dị như bao người dân Anh khác.

    Thay đổi không phải lúc nào cũng là quyết định dễ dàng. Hoàng gia trong kỷ nguyên Elizabeth II đã chịu vô số đàm tiếu trên truyền thông, đặc biệt từ khi đế chế báo lá cải của tỷ phú Mỹ Rupert Murdoch đổ bộ đảo quốc. Khi công nương Diana qua đời vào năm 1997, Nữ hoàng còn bị truyền thông chỉ trích là quá lạnh nhạt và xa cách.

    Dù vậy, Nữ hoàng Elizabeth II luôn theo sát các diễn biến chính trị và quan điểm công chúng. Công chức Anh thường gọi bà là "Người đọc số Một", vì bà đọc rất kỹ mọi thông tin và tài liệu mà chính phủ gửi đến.

    Các đời thủ tướng Anh đều đánh giá Nữ hoàng Elizabeth II là một người am hiểu rộng về các vấn đề trong nước lẫn quốc tế.

    Trong hồi kỳ của mình, "bà đầm thép" Margaret Thatcher cho hay bà luôn nhận thấy thái độ của Nữ hoàng với công việc của chính phủ "hoàn toàn chính xác". "Bệ hạ có sự hiểu biết đáng kinh ngạc về các vấn đề đương đại và kinh nghiệm phong phú", Thatcher viết.

    Cựu thủ tướng Tony Blair cũng khẳng định ông có thể thảo luận mọi vấn đề với Nữ hoàng.

    "Nữ hoàng duy trì sự điềm đạm và trung lập trong bầu không khí chính trị, kinh tế thay đổi không ngừng tại Anh. Kỷ nguyên trị vì của bà có thể được tóm gọn trong khẩu hiệu quen thuộc mang sắc thái thời chiến 'Bình tĩnh và bước tiếp' trong những ngày đầu định hình sự nghiệp", bình luận viên Eloise Parker nhận định.

    VnExpress (theo Al Jazerra, Guardian)