• Chuh A, gốc ở Tây Nguyên, là một trong số những người Việt Nam đầu tiên bị trục xuất theo lệnh của chính quyền Tổng thống Trump.

    Lần đầu tiên Chuh A nhìn thấy Rex Ny gần 20 năm trước, anh biết ngay rằng mình đã trúng tiếng sét ái tình. Năm đó Chuh A 14 tuổi, Ny 12 tuổi. Gia đình Chuh A và Rex Ny có một mối liên hệ đặc biệt, họ đều đến từ tỉnh Kontum, Tây Nguyên, di cư đến thành phố Greensboro, bang Bắc Carolina, Mỹ. Theo thống kê, khoảng 3.000 người Thượng định cư ở Mỹ sau chiến tranh, phần lớn tập trung ở bang Bắc Carolina.

    "Mắt tôi lóa đi vì cô ấy", A nói với New York Times. Ny ban đầu không chú ý đến A. "Đối với tôi, lúc đó chỉ là hai đứa trẻ chơi đùa cùng nhau", người phụ nữ năm nay 31 tuổi nhắc lại kỷ niệm tình đầu. "Chúng chơi đuổi bắt, trèo cây và rồi đi bơi". "Cô ấy không để ý đến tôi", A ở tuổi 33 kể rằng ba lần rủ Ny đi chơi tiếp theo, anh đều bị cô từ chối.

    Sau một năm không liên lạc, cậu thanh niên A bắt đầu gửi cho tình đầu của mình những chiếc thiệp điện tử sến súa và những tin nhắn qua mạng. Lần này, sự kiên trì đã mang lại thành công. Ny đồng ý hẹn hò. Lúc đó, A 16 tuổi còn Ny mới 14 tuổi. Họ chính thức yêu nhau từ đó.

    Năm 2005, khi Ny học lớp 12, cô mang bầu con gái đầu lòng Nyan. Cùng năm, hai người đính hôn. "Sau đó, chúng tôi đơn giản là ở bên cạnh nhau mãi mãi", Ny nói. Hiện hai vợ chồng có thêm ba cô con gái nữa: Ly-Yhang, 12 tuổi; Jolie, 8 tuổi; và Evangeline, 6 tuổi.

    Để vun vén cho gia đình 6 người, A làm công việc dịch vụ cho nhiều hãng thực phẩm, còn Ny làm móng theo mùa vụ. Họ vừa kiếm tiền để nuôi sống gia đình ở Mỹ vừa thường xuyên gửi tiền về quê nhà cho họ hàng. Tuy nhiên, gánh nặng tài chính không những khiến họ trì hoãn việc kết hôn mà còn đã đẩy A đi tới một quyết định sai lầm trong đời.

    Năm 2013, A bị kết án và đi tù ba năm vì tội vận chuyển ma t úy tổng hợp sau hành động nhất thời "làm một cái gì đó đánh nhanh, thắng nhanh". Dù là lần đầu tiên phạm tội, sai lầm đó tước đi của A chiếc thẻ xanh thường trú ở Mỹ đồng thời anh bị liệt vào danh sách chờ bị trục xuất. Tuy nhiên, A vẫn tin rằng sau khi hết hạn tù, anh sẽ quay trở lại cuộc sống bình thường ở Mỹ.

    Trước sự ngỡ ngàng của A và gia đình, vào tháng 6/2016, Cơ quan Di trú và Nhập cư Mỹ (ICE) ra lệnh bắt A. Sau 13 tháng tạm giam, vào tháng 7/2017, A bị trục xuất về Việt Nam, bỏ lại Ny và 4 con gái ở Mỹ.

    Bất chấp sự khuyên can của người thân và bạn bè, hai người kết hôn tại một nhà thờ Công giáo ở tỉnh Kontum vào ngày 26/1 vừa qua. Trong không khí dịu mát và lộng gió trên Tây Nguyên, hơn 200 khách mời đã có mặt chúc phúc cho đôi vợ chồng mới cưới. Sau lễ nhà thờ là một bữa tiệc tưng bừng được tổ chức tại nhà anh họ của Ny ở ngoại ô thành phố Kontum.

    Kể từ sau khi A bị trục xuất, hai vợ chồng cố gắng vượt qua sự cách biệt về múi giờ và địa lý. Họ hàng ngày chuyện trò với nhau qua mạng, không chỉ để A có thể nhìn thấy khuôn mặt của Ny mà còn để anh không bỏ lỡ quãng thời gian lớn lên của 4 cô con gái. Và họ chưa từng bao giờ nghĩ tới một tương lai như thế này.

    Chính quyền Washington dưới thời Trump siết chặt luật nhập cư, muốn gửi trả tất cả những cá nhân không phải công dân Mỹ và từng phạm tội trên đất Mỹ về quê hương của họ. "Chúng tôi chưa bao giờ chứng kiến các chính quyền trước có hành động ép các nước khác nhận lại công dân đến mức độ này", Jenny Zhao, một luật sư của Asian Americans Advancing Justice, nói. A là một trong số những người đầu tiên bị trục xuất về Việt Nam.


    Rex Ny và Chuh A chụp ảnh cùng 4 cô con gái trong ngày cưới ở Việt Nam. Ảnh: NYT

    Khi hỏi về lý do tại sao A không xin nhập quốc tịch Mỹ như cha mẹ mình, A nói: "Tôi đang cố gắng. Lúc đó tôi không có đủ tiền, tôi không suy nghĩ thấu đáo. Tôi bị phân tâm vì những chuyện khác như công việc và nuôi sống gia đình".

    Ny nhớ lại cuộc điện thoại với bố mẹ chồng ngay sau khi A bị trục xuất. "Cha mẹ anh ấy nói với tôi: 'Con trai chúng ta gặp rắc rối rồi. Con không cần phải chung thủy với nó. Con có thể sống tiếp cuộc sống của mình'. Nhưng làm sao tôi có thể làm vậy cơ chứ?", Ny nói. "Nếu tôi yêu ai, tôi sẽ ở bên cạnh người đó qua mọi phải trái, đúng sai; khi sống cũng như đến lúc chết, trong lúc ốm đau và khỏe mạnh. Chúng ta ở bên cạnh người chúng ta yêu. Đó là điều tôi tin".

    Nhưng không phải ai cũng ủng hộ niềm tin của Ny, ngoài 5 mẹ con trở về Việt Nam cho đám cưới, chỉ có mẹ của A, năm nay 72 tuổi và bố của Ny, năm nay 71 tuổi. Hai ông bà thông gia còn lại hoặc không thấy cần thiết bỏ ra một số tiền lớn và đi một quãng đường dài để dự một đám cưới hoặc đơn giản không muốn quay trở về quê nhà.

    Cô dâu, chú rể rạng ngời hạnh phúc trong ngày cưới. Họ mời cả làng đến dự tiệc cưới, không kể thân sơ, như một cơ hội để đền đáp nối tiếp những người cùng dân tộc. Bàn tiệc cưới đầy ắp những món ăn chế biến từ thịt bò và thịt lợn còn tươi cùng đủ mọi loại rau củ quả.

    Sau màn chào đón khách mời theo đúng truyền thống, bạn bè và gia đình cô dâu chú rể ngồi bên hiên nhà, xếp thành hình tròn xung quanh các hũ rượu cần. Cô dâu chú rể cùng nhau uống một vòng từng hũ rượu. Khi cả hai không thể uống thêm được nữa, các khách mời ùa vào giúp họ.

    Dù lớn lên ở Mỹ, A và Ny đều nói được tiếng dân tộc Thượng, ngoài thành thạo tiếng Anh và tiếng Việt phổ thông. "Đây là văn hóa và cội nguồn của chúng tôi", Ny nói. "Khi các con tôi lớn lên, chúng thấy điều này và hiểu rằng đây là gốc rễ của chúng, chúng thuộc về nơi này".

    Dù không nói được tiếng Thượng, hai con gái lớn của Ny và A cảm thấy hạnh phúc khi chứng kiến cha mẹ đoàn tụ tại nơi họ sinh ra. "Con háo hức vì cha mẹ giờ được sống gần nhau rồi", Ly-yhang ngừng một chút nhận ra sự nhầm lẫn. "Ý con là cha mẹ sắp được sống cùng nhau mãi mãi rồi".

    Sau lễ cưới, Ny và các con trở về Mỹ vào hôm 31/1 còn A hiện sống ở TP HCM và làm việc trong một nhà hàng. Theo các luật sư, A khó có cơ hội được đặt chân đến Mỹ lần nữa. "Cơ hội trở về Mỹ của anh ấy là mong manh", Tin Thanh Nguyen, một luật sư ở bang Bắc Carolina, nói. "Lựa chọn duy nhất lúc này là chúng ta cần một lệnh ân xá sau khi bị kết án của chính quyền hạt Wake, bang Bắc Carolina để xoay ngược lại án hình sự trước đây". Ny và A tạm phải sống xa nhau. "Không sao cả", Ny nói. "Nhưng tôi nhớ chồng mình".

    Viethome (Theo VnExpress)

  • Một người cha có ba con nhỏ đã được sắp xếp trục xuất về Jamaica, nhưng giờ đây anh không còn phải đối mặt với mối đe dọa bị trục xuất tức thời nữa. 

    DJ Owen Haisley, 45 tuổi, rất “vui mừng được thả và có thể gặp lại các con,” Nghị sĩ khu vực Manchester Central, cô Lucy Powell, thông báo trên Tweeter.

    Owen Haisley, một DJ kiêm MC nổi tiếng ở Manchester

    Anh Haisley, người đến Anh từ một trong những thuộc địa cũ của Anh khi mới bốn tuổi, đã được sắp xếp lên một ‘chuyến bay trục xuất’ hồi tháng trước. Nhạc sĩ đang sống ở Manchester này đã được trao quyền lưu lại Anh không giới hạn khi mới đặt chân đến quốc gia này vào năm 1977.

    Anh bi buộc tội liên quan đến bạo hành gia đình vào năm 2015 và phải ngồi tù một năm ở HMP Risley.

    Chính vào thời điểm đó, vấn đề liên quan đến tình trạng nhập cư của anh bắt đầu nảy sinh.  Anh được thông báo phải nộp hồ sơ xin quyền lưu lại Anh.

    Anh bị bắt giữ và tạm giam tại một trung tâm nhập cư vào tháng Một và được thông báo sẽ bị trục xuất về Jamaica với 49 người khác.

    Nhưng quyết định này đã được hoãn thi hành vào phút chót ngay trong ngày 6/2, ngày mà lẽ ra anh sẽ phải lên máy bay. Đây là kết quả nhờ vào những động thái phản đối từ phía người dân.

    Kể từ đó, anh tiếp tục phải chờ đợi quyết định tại trung tâm nhập cư Harmondsworth gần sân bay Heathrow.

    Nghị sĩ khu vực anh sinh sống, cô Lucy Powell, đã đưa trường hợp này ra trước nghị viện. Vào ngày thứ Sáu (1/3), cuối cùng anh đã nhận được thông báo được thả nhờ bảo lãnh.

    Cô Powell cho biết tên anh không còn nằm trong danh sách trục xuất lập tức.

    Gần 100,000 người đã ký vào một bản kiến nghị trên change.org để kêu gọi Bộ Nội vụ cho phép Owen cùng một số hành khách khác trên chuyến bay được ở lại Anh.

    Owen là một tay trống và guitar bass kiêm DJ và MC. Anh hoạt động với nghệ anh Madrush MC.

    Sau khi sống ở London một thời gian, anh chuyển tới Manchester 30 năm trước để sống cùng bà dì, một cư dân thuộc thế hệ Windrush.

    Phát ngôn viên của Bộ Nội vụ cho biết: “Chúng tôi không bình luận các trường hợp cá nhân.”

    VietHome (Theo Manchester Evening News)

  • Một người đàn ông Việt Nam từng bị đưa lậu đến Anh hai lần liền đã bị trục xuất mà chưa kịp gặp luật sư. Thông tin cho biết anh chỉ nhận được lịch hẹn với luật sư sau khi đã rời khỏi Anh.

    Người đàn ông được giấu tên này đã được đưa đến trung tâm Trục xuất Nhập cư Colnbrook vào ngày 28 tháng Một và rời khỏi Anh vào ngày 7 tháng Hai.

    Trung tâm Trục xuất Nhập cư Colnbrook

    “Theo như tôi hiểu, việc phải chờ đợi luật sư ở các trung tâm thực sự khó khăn,” ông Fay Howard, một chủ tịch hội đồng từ Swindon, cho biết. “Thời gian chờ có thể lên đến vài tuần và cho đến lúc được xếp lịch, anh ấy đã bị trục xuất mất rồi.”

    Những người bị tạm giữ tại các trung tâm chờ trục xuất đều được phép nhận tư vấn pháp lý miễn phí theo chương trình Detention Duty Advice nhưng nhu cầu hẹn gặp rất cao.

    “Họ có thể phải chờ đợi đến hai tuần hoặc lâu hơn trước khi có thể gặp những người tư vấn pháp lý,” một báo cáo gần đây của nghị viện cho biết.

    Người đàn ông ở độ tuổi trên 20 này đã bị đưa lậu vào Anh hai lần bởi các băng nhóm và đã nộp đơn xin tị nạn.

    Anh được hỗ trợ một phần bởi một chương trình của Swindon City of Sanctuary, một nhóm vận động giúp liên hệ những người tị nạn và xin tị nạn với chủ nhà địa phương sẵn lòng cho họ ở nhờ.

    Thanh niên người Việt đã sống cùng bà Howard và gia đình bà trong khoảng thời gian từ tháng Bảy tới tháng Mười năm 2018.

    “Cậu ấy rất đáng yêu,” bà bày tỏ. “Cậu ấy có tình cảnh khó khăn nhưng rất dễ bảo. Cậu ấy giúp làm nhiều việc nhà – thậm chí là quá nhiều. Cậu ấy tỏ vẻ rất cảnh giác nhưng thích nấu ăn. Cậu ấy cũng thích chơi bóng bàn với con trai tôi.”

    Bà Howard nói chồng và các con bà đã ghé thăm chàng trai này ở trung tâm tạm giữ vào đêm trước khi anh bị trục xuất.

    “Cậu ấy đã rất sợ hãi,” bà nói. “Các nạn nhân nam không được nhận hỗ trợ tương tự như nạn nhân nữ. Họ thực sự rất khó khăn.”

    Bà Nicola, giám đốc điều hành City of Sanctuary, cho rằng “hệ thống hiện thời không bảo vệ được những người bị đẩy vào cảnh nô lệ hiện đại.”

    Bà nói thêm: “Bộ Nội vụ đã từ chối một thanh niên trẻ, người đã phải chịu đựng nhiều khó khăn và cuối cùng cũng tìm được sự hỗ trợ, tình bạn và tình yêu thương ở Swindon. Cậu ấy đang trải qua quy trình pháp lý. Nhưng giờ đây cậu ấy đã bị đưa đi mà chẳng được giải thích gì nhiều. Cậu ấy đã bị hệ thống chối từ, một hệ thống lẽ ra phải chịu trách nhiệm bảo vệ cậu ấy khỏi lâm vào cảnh trở thành nạn nhân buôn người một lần nữa.

    “Để lấy lại lòng tin của công chúng, Bộ Nội vụ cần nhanh chóng khôi phục lại hỗ trợ pháp lý cho các trường hợp nhập cư và chấm dứt chế độ tạm giữ nhập cư.”

    Hiện Bộ Nội vụ chưa đưa ra bình luận về vụ việc này.

    VietHome (Theo Independent)

  • Nữ tình nguyện viên Chennan Fei đến Anh hoàn toàn hợp pháp và đã sống ở đất nước này đến 16 năm. Nhưng trong suốt 5 năm vừa qua, cô đã phải chiến đấu quyết luyệt với Bộ Nội vụ vì cơ quan này đe dọa trục xuất cô quay lại Trung Quốc.

    Theo kế hoạch ban đầu, người phụ nữ 30 tuổi này sẽ phải dự một phiên tòa nhập cư ở Glasgow vào tháng Mười hai năm ngoái, tuy nhiên cơ quan chức năng quyết định từ bỏ vụ xét xử này.

    Cô Chennan Fei và luật sư của mình

    Ông Usman Aslan, luật sư của cô Fei, cho biết: “Bộ Nội vụ đã xem xét các chứng cứ và hồ sơ chúng tôi nộp cho buổi xét xử lớn đã được rút lại bởi lẽ tòa án không chỉ muốn xem xét lại vụ việc mà còn mong muốn đưa ra quyết định về tình trạng nhập cư cho Chennan.

    “Công ty luật của chúng tôi thực sự vui mừng trước kết quả này bởi lẽ chúng tôi đã làm việc vô cùng nghiêm túc để chống lại sự bất công. Tôi rất vui khi cuối cùng công lý đã chiến thắng.

    “Sự hỗ trợ mà cô Chennan nhận được từ công chúng, từ nhân viên hội đồng SNP Annette Christie và nghị sĩ khu vực cô sinh sống thật đáng hoan nghênh.”

    Cô Fei đến Scotland cùng cha mẹ từ khi mới 13 tuổi vì cha mẹ cô đến học ở Đại học Glasgow.

    Mặc dù đã xây dựng cuộc sống lâu dài ở Anh, nhận bằng cử nhân ở Đại học Edinburgh và đính hôn với một người Scotland, cô vẫn bị đe dọa trục xuất vì cha mẹ cô không báo cáo gia hạn tình trạng nhập cư với Chính phủ.

    Hồi năm ngoái, một quan tòa ở Edinburgh đã đưa ra phán quyết rằng các hành động nhằm trục xuất cô Fei về Trung Quốc không phù hợp với pháp luật.

    Hơn 139,000 người dân cũng ký vào một bản kiến nghị yêu cầu Bộ trưởng Nội vụ can thiệp để cho phép cô Fei ở lại Scotland.

    Nhân viên hội đồng SNP, cô Annette Christie, người đã khởi xướng bản kiến nghị, rất vui vì quyết định cuối cùng này.

    Cô bày tỏ: “Tôi rất vui mừng cho Chennan và chồng chưa cưới của cô ấy Ducan, đây quả là một phép màu cho dịp Giáng sinh.”

    Cô cũng cho biết thêm: “Hiện có gần 140,000 chữ ký cho bản kiến nghị yêu cầu Bộ Nội vụ xem xét lại trường hợp của Chenna và nếu không có sự hỗ trợ này, tôi nghĩ sẽ không thể có kết quả tích cực như vậy.

    “Lời kêu gọi của người dân đã được lắng nghe và thông điệp đã được truyền tải rất rõ ràng – không chỉ việc Chennan thuộc về xứ sở Scotland mà đây còn là bằng chứng cho thấy những kiến nghị của người dân thực sự có giá trị.”

    Phát ngôn viên của Bộ Nội vụ cho biết: “Thủ tục pháp luật vẫn đang được thực hiện và vì thế, không thích hợp để chúng tôi đưa ra lời bình luận.”

    VietHome (Theo STV)

  • Một mình nuôi con, bị liệt sau một tai nạn, Khanh Hung Le nay đối mặt với thử thách lớn hơn - có thể bị trục xuất khỏi nước Mỹ.

    Gương mặt của ông Khanh Hung Le bừng sáng khi vừa nhác thấy bóng con gái 7 tuổi đi học về. Cô bé tháo giày, cười ngoác miệng và lao về phía cha. Hai cha con ôm nhau thật chặt dù chiếc xe lăn chật hẹp khiến người đàn ông Việt Nam này không thể ôm trọn con gái nhỏ vào lòng, Houston Chronicle đưa tin.

    "Nếu bị gửi về nước tôi sẽ không có đường sống, chỉ còn đường chết", ông Hung đợi con gái đi khỏi mới thì thầm nói. Ông Hung lo sợ trước viễn cảnh bị trục xuất về Việt Nam. 

    Theo các nhóm hoạt động xã hội và nhiều nguồn tin, đại diện chính quyền Mỹ và Việt Nam đã gặp nhau hôm 10/12 để bàn bạc về việc sửa đổi thỏa thuận ký kết năm 2008. Theo thỏa thuận đã ký giữa Washington và Hà Nội, những người nhập cư gốc Việt đến Mỹ trước ngày 12/7/1995, thời điểm hai nước bình thường hóa quan hệ, sẽ không bị gửi trả về quê nhà kể cả những trường hợp từng phạm tội trên đất Mỹ. Nếu Mỹ thay đổi thỏa thuận trên, khoảng 9.000 người nhập cư gốc Việt, bao gồm gần 1.500 người sống ở Texas, sẽ có nguy cơ bị trục xuất vào đầu năm 2019.

    Từng phạm tội hồi cuối những năm 1990, ông Hung lo sợ mình sẽ là một trong số đó. 

    Nhiều luật sư và các nhà hoạt động vì quyền của người nhập cư cho rằng bước đi cứng rắn này của chính quyền Tổng thống Donald Trump là một đòn giáng mạnh vào cộng đồng những người nhập cư yếu thế. Không ít người Việt di cư tới Mỹ sau chiến tranh bị đẩy vào cảnh sống vật lộn với đầy rẫy khó khăn. Ra đi với hai bàn tay trắng, không nói được tiếng Anh, cảm giác bơ vơ và lạc lõng khiến họ sa chân vào các băng đảng tội phạm. 

    Khanh Hung Le, 47 tuổi, hôn lên trán con gái Tonya, 7 tuổi. Ảnh: Houston Chronicle. 

    "Thỏa thuận cũ đối với chúng tôi vô cùng quan trọng vì nhờ đó những người Mỹ gốc Việt tị nạn được bảo vệ và bảo trợ nhân đạo, kể cả những người không may phạm tội và lĩnh án, thậm chí có những án tù lên đến một chục năm", Quyen Dinh, giám đốc điều hành của trung tâm Southeast Asian Resource Action, nhận xét. 

    Cô Dinh cho rằng sau lần cải cách luật nhập cư năm 1996, chính quyền Mỹ đã trầm trọng hóa vấn đề phạm tội của những người nhập cư chưa có quốc tịch Mỹ. Luật cải cách "đã mở rộng định nghĩa về những hành động được coi là phạm tội bằng cách áp đặt thêm hàng loạt điều kiện, do vậy, kể cả những tội nhẹ cũng bị phân loại vào nhóm tội nghiêm trọng", chuyên gia này nói. 

    Theo luật sư Khanh Pham chuyên hỗ trợ pháp lý cho những người tị nạn, những người đến Mỹ bất hợp pháp trước năm 1995 hoặc những người ở quá hạn thị thực đều có thể bị ảnh hưởng. 

    Vào mùa xuân năm ngoái, chính quyền của Tổng thống Trump có động thái thay đổi thỏa thuận 2008 bằng cách tuyên bố Mỹ sẽ không bảo vệ những người gốc Việt từng có tiền án tiền sự. Khi đến trình diện định kỳ tại Cơ quan Di trú và Nhập tịch Mỹ (ICE), những người thuộc diện trục xuất theo lệnh của tòa án bắt đầu bị bắt giam.

    Không thể gửi trả tất cả về Việt Nam, chính quyền Trump đối mặt với phản ứng ở trong nước. Các nhóm hoạt động dân sự cho rằng hành động giam giữ người vô thời hạn của ICE là trái pháp luật. Dưới áp lực các tổ chức nhân quyền, ICE buộc phải thả người.

    Tưởng chừng sự việc lắng dịu. Nhưng vào ngày 8/12, một nguồn tin thông báo đại diện Washington và Hà Nội chuẩn bị gặp mặt để đi đến thống nhất sửa đổi thỏa thuận cũ. Tạp chí Atlantic dẫn lời một người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Mỹ xác nhận quan chức Bộ An ninh Nội địa Mỹ đã gặp một số đại diện Việt Nam ở thủ đô Washington D.C., nhưng từ chối cung cấp thêm thông tin về nội dung cuộc gặp. 

    Khanh Hung Le ngồi trên xe lăn trong căn bếp ở nhà chị gái, nơi anh và con gái 7 tuổi đang nương nhờ. Ảnh: Houston Chronicle.

    "Tôi cảm thấy bức xúc vì (chính sách này) nhắm vào cộng đồng chúng tôi, những người Mỹ gốc Việt đã góp công lớn xây dựng những khu dân cư sống động, đa dạng và mạnh mẽ ở Houston và trên khắp nước Mỹ", Lan Anh Nguyen, một nhà hoạt động địa phương ở Houston, bang Texas nói. "Nước Mỹ là một nơi tuyệt vời, đa sắc tộc, đa văn hóa. Tôi cảm tưởng như chúng ta đang thụt lùi". Cô Dinh cho biết kể từ 1998 đến 2016, Việt Nam đã tiếp nhận khoảng 30 người gốc Việt bị trục xuất khỏi Mỹ mỗi năm. Con số này tăng hơn gấp đôi lên 71 vào năm 2017. 

    Thị trưởng thành phố Houston, ông Sylvester Turner, ra thông cáo chính thức hôm 10/12, phản đối mạnh mẽ chính sách của chính quyền. Lãnh đạo này cho biết 91.000 người Việt sống ở Houston "đã làm giàu cho thành phố về mặt kinh tế, văn hóa, tôn giáo và tri thức".

    "Viễn cảnh trục xuất hàng nghìn người nhập cư (gốc Việt) giáng một đòn mạnh vào trái tim của Houston và tâm hồn của nước Mỹ", ông Turner nói. 

    Nhà hoạt động Quyen Dinh cho biết nhiều người hoảng loạn đã tìm đến các tổ chức dân sự để cầu cứu sự trợ giúp. Họ lo sợ về tương lai gia đình ly tán. "Chúng tôi không biết liệu họ có thay đổi thỏa thuận cũ hay không, nhưng chúng tôi phải chuẩn bị cho các gia đình tình huống xấu nhất", cô nói. 

    Các tổ chức dân sự khuyên nhiều người nên tìm thuê luật sư chuyên tranh tụng các vụ liên quan đến nhập cư để chuẩn bị hồ sơ nộp lên thống đốc bang xin ân xá.

    Còn đối với một người cha đơn thân như ông Hung, viễn cảnh chia lìa cô con gái nhỏ quá đau lòng. Hơn nữa, việc bị trục xuất còn liên quan đến sự sống chết của bản thân ông. Hai năm trước, sau một vụ tai nạn xe hơi, ông Hung bị liệt hoàn toàn từ phần ngực trở xuống. "Với tình trạng sức khỏe hiện nay, tôi sẽ không có đường sống nếu quay trở về", ông nói. "Tôi cần dùng thuốc đến hết đời, cần dụng cụ trợ giúp khi đi tiểu tiện, tôi không sống như người bình thường. Tối đa, tôi chỉ trụ được 4 tháng". 

    Viethome (theo Dân Trí)