Bộ Nội vụ bị kiện vì tiếp tục thuê máy bay trục xuất người về Việt Nam

Các luật sư đang thách thức chính sách của Bộ Nội vụ khi cơ quan này tiếp tục thuê máy bay thương mại để trục xuất người về Việt Nam.

Trước đó, các luật sư và tổ chức từ thiện đã bày tỏ lo ngại trước khả năng các nạn nhân buôn người có thể bị trục xuất khỏi Anh. Quá trình sai trái này thuộc hệ thống xử lý nhanh đối với người di cư bị giam giữ.

Ông Tom Nunn - thuộc hãng luật Duncan Lewis, đang đưa ra thách thức pháp lý chống lại Bộ Nội vụ trong quá trình trục xuất một số người Việt khỏi Vương quốc Anh. Ông Tom cho biết: “Điều đáng lo ngại là số lượng lớn công dân Việt Nam đang được đưa vào quy trình xử lý tị nạn cấp tốc này, mặc dù nhiều người có dấu hiệu rõ ràng là nạn nhân buôn người”.

Bốn năm trước, một thanh niên 20 tuổi được gia đình thu xếp đưa đến Vương quốc Anh để bóc lột sức lao động nhằm trả nợ. Vào tối thứ Tư tuần trước, cô gái này đã được đưa lên chuyến bay ở sân bay Birmingham để về nước. Chuyến bay của cô may mắn được hoãn lại vào phút chót. Tuy nhiên, 21 người khác được cho là đã bị trục xuất.

Chuyến bay là một phần trong "mùa hè" trục xuất của Bộ Nội vụ đến các quốc gia bao gồm Zimbabwe, Việt Nam, Jamaica, Pakistan, Ghana và Nigeria.

Nhiều nạn nhân Việt Nam bị buôn bán đến Vương quốc Anh buộc phải làm việc trong các trang trại trồng cần sa hoặc tiệm nails. Trong vài tháng gần đây, số lượng người Việt vượt eo biển Manche đến Anh đã gia tăng nhanh chóng.

3homeofficeBộ Nội vụ khẳng định họ chỉ trục xuất những người không cần sự bảo vệ của chính quyền Anh.

Chi - 20 tuổi, cho biết mình từ Việt Nam đến Anh vào tháng 1 năm 2017, đã tìm cách thoát khỏi tình trạng bị bóc lột sức lao động và hiện đang được nhận nuôi. Cô gái trẻ đang theo học khóa tiếp cận điều dưỡng.

Hồi tháng Tư, nhân viên của Bộ Nội vụ đã cố gắng bắt và giam giữ Chi trong khi cô đang ngủ để trục xuất về Việt Nam, nhưng đã bị người mẹ nuôi ngăn cản. Sau đó, Chi bị bắt giữ vào ngày 13 tháng 7 khi đến trình diện tại Bộ Nội vụ.

Chi nói: “Lúc đầu, tôi nghĩ nó giống như nhà tù và chúng tôi sẽ không có gì để ăn. Nhưng họ cho chúng tôi ăn và ở đó có một thư viện. Tôi là người Việt Nam trẻ nhất ở đó. Có những người khác lớn tuổi hơn tôi. Tất cả chúng tôi đều rất sợ hãi. Tôi đã khóc rất nhiều".

"Tôi chỉ muốn trở lại với mẹ nuôi của tôi. Lúc đó tôi rất sợ bị đưa về Việt Nam. Tôi không thể về với gia đình và tôi sợ rằng mình sẽ lại bị bán tới Anh quốc”.

Trên Facebook, một nhóm của các công dân Việt Nam tại Anh đã thảo luận về việc Bộ Nội vụ thuê máy bay thương mại để trục xuất người hồi tháng 4. Các thành viên cho biết mặc dù một số người chọn tự nguyện về nước, tương tự những người trên chuyến bay tuần trước - nhưng quá trình này không thực sự tự nguyện.

“Trong số 13 người tự nguyện hồi hương, chỉ có sáu người xin trở về. Bảy người còn lại bị giam trong trại di trú quá lâu nên đã nản chí và đồng ý ký vào đơn xin trở về Việt Nam”, một thành viên đăng tải.

Nhóm Hỗ trợ Người bị giam giữ SOAS đã kêu gọi TUI - công ty hàng không được cho là đang điều hành các chuyến bay trục xuất về Việt Nam, chấm dứt hợp tác với Bộ Nội vụ. TUI từ chối đưa ra bình luận.

Ông Phil Robertson - phó giám đốc khu vực châu Á của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền, cho biết: “Rõ ràng là nhiều người Việt Nam bị bóc lột và lạm dụng khi lên đường từ Việt Nam sang Anh. Điều đáng lo ngại là chính phủ Việt Nam rất ít quan tâm tới người dân của mình trong khi những người đang tuyệt vọng bị các đối tượng chào bán hành trình nguy hiểm tới Anh. Ngoài ra, chính phủ Anh lại muốn đưa những người này vào vòng nguy bằng cách trục xuất họ, không quan tâm tới những hành vi ngược đãi họ đã phải chịu đựng”.

Bà Bella Sankey, giám đốc của tổ chức Detention Action, cho biết: “Nhiều người Việt Nam thoát khỏi tình trạng nô lệ hiện đại và nạn buôn người nhưng lại bị đưa vào khu giam giữ do rào cản ngôn ngữ và bị tổn thương, không thể nhận được sự hỗ trợ mà họ được hưởng”.

Người phát ngôn của Bộ Nội vụ cho biết: “Chúng tôi chỉ trục xuất những người mà Bộ Nội vụ và tòa án chấp nhận là không cần sự bảo vệ của chúng tôi và không có cơ sở pháp lý để ở lại Vương quốc Anh”.

Viethome (Theo Guardian)