Người mẹ bị trục xuất vì Bộ Nội vụ không chịu thụ lý giấy tờ đầy đủ

Gia đình Russell đã trải qua bảy năm với mối đe dọa thường trực rằng họ có thể không được phép sống cùng nhau tại Vương quốc Anh.

Andy Russell người Anh, người vợ gốc Hoa của ông, cô Lili Shao và các con của họ đã phải sống xa nhau cả năm trời sau khi các quy định nhập cư được thay đổi, yêu cầu mức thu nhập tối thiểu cho các cặp vợ chồng.

Các con trai của họ đã bắt đầu gọi Lili – còn được biết đến với cái tên Molly ở Anh - là “người mẹ máy tính” khi cô chỉ có thể quan sát các con mở quà sinh nhật và Giáng sinh qua Skype từ nơi cách xa hàng ngàn dặm ở Trung Quốc.

Đó là tình cảnh của năm 2012, và gần đây hơn - khi Molly được phép quay lại Vương quốc Anh tạm thời - gia đình này lại lo sợ bị chia cắt một lần nữa sau khi đơn xin lưu lại Anh của cô bị từ chối.


Gia đình ông Andy Russell

Bộ Nội vụ cho biết thu nhập của Andy thấp hơn 104 bảng so với yêu cầu tối thiểu. Nhưng ông khẳng định rằng ông đã cung cấp bằng chứng về việc thu nhập của ông vượt quá ngưỡng 6,000 bảng Anh, và rằng một số hóa đơn thanh toán của ông đã bị thất lạc.

Giờ đây, chỉ hơn một tuần sau khi tờ i đăng tải câu chuyện về gia đình khốn khổ này, các nhà chức trách đã thay đổi hoàn toàn quyết định và gia đình Russell đã bị sốc khi nhận được giấy tờ cho phép Molly lưu lại Anh vĩnh viễn qua đường bưu điện.

Ông Andy nói: “Chúng tôi đã hoàn toàn cạn kiệt nhưng đó thực sự là một tin tốt tới đáng kinh ngạc. Thật tuyệt vời khi chúng tôi có thể bắt tay vào lập kế hoạch cho tương lai ngay bây giờ.

“Chúng tôi có thể tự do sống và làm những gì chúng tôi muốn như một gia đình mà không có đám mây đen này lơ lửng trên đầu. Chúng tôi muốn gửi lời cảm ơn đến tờ i và thông tin mà họ đã lan tỏa, đó là yếu tố quan trọng khiến Bộ Nội vụ phải xem xét lại vụ việc.”


Tội nghiệp cho 3 anh em phải đùm bọc lẫn nhau khi thiếu vòng tay mẹ chăm sóc.

Trước đó, ông kể với tờ báo này rằng ông đã cung cấp các giấy tờ chứng minh ông kiếm được gần 25,000 bảng trong giai đoạn từ tháng Chín năm 2017 đến tháng Chín năm 2018, nhưng Bộ Nội vụ chỉ công nhận các chứng từ trong vòng năm tháng của năm tài khóa này. Nói cách khác, một số chứng từ đã biến mất không rõ nguyên nhân.

Ước tính có khoảng 15.000 trẻ em ở Anh lớn lên trong cái gọi là ‘gia đình Skype’, và có những lo ngại cho rằng Brexit sẽ tạo ra nhiều gia đình phải chia cách hơn nữa.

Andy nói rằng ông rất buồn trước cách người nhập cư hiện đang bị đối xử ở Anh.

“Những người thuộc phe Bảo thủ dường như rất muốn tạo ra một môi trường thù địch đối với bất kỳ ai không đến từ Vương quốc Anh,” ông nhận xét.

Andy nói rằng lệ phí xin visa cho đến nay đã tiêu tốn của họ 10,000 bảng. Một người bạn của gia đình đã gây quỹ trên GoFundMe để giúp đỡ họ trong cuộc chiến pháp lý trị giá 4,000 bảng.

Ông cũng cho biết gia đình có kế hoạch hoàn trả các khoản đóng góp, và bất kỳ khoản tiền nào không được trả lại sẽ được dùng để chi trả chi phí 2,400 bảng cho hồ sơ xin lưu trú vĩnh viễn của Molly.

Phát ngôn viên của Bộ Nội vụ cho biết: “Tất cả các đơn xin thị thực ở Vương quốc Anh đều được xem xét dựa trên giá trị cá nhân của người nộp đơn cũng như trên cơ sở bằng chứng có sẵn và phù hợp với các quy tắc nhập cư của Vương quốc Anh.”

VietHome (Theo i)