• Văn phòng tư vấn du học của chúng tôi thi thoảng nhận được thư từ Sở Di trú (Bộ Nội vụ) Australia thông báo có sinh viên quá hạn visa, đề nghị ra trình báo hoặc tìm giải pháp hợp pháp hóa tình trạng cư trú.

    Nhưng, như có thể dự đoán, mọi thông tin liên lạc mà chúng tôi từng lưu trữ đều không còn được họ sử dụng.

    Dù vì nguyên do gì, tôi cũng thực sự tiếc cho cả quá trình cố gắng đã qua khi cuối cùng, họ lại lựa chọn trở thành một người không giấy tờ, vô thừa nhận, đối mặt với một cuộc sống trong bóng tối. Thống kê của Bộ Nội vụ Australia từ năm 2016 đến nay cho thấy, nước này có trên dưới 70.000 người cư trú bất hợp pháp - thường gọi là "người rơm".

    Để giải tỏa cho trăn trở cá nhân, tôi đã thử cố gắng lý giải cho quyết định trở thành "người rơm" của những du học sinh mà chúng tôi hiểu đủ rõ về hồ sơ của họ. Tôi tạm phân loại thành hai nhóm chính:

    Nhóm thứ nhất là các bạn có gia cảnh đặc biệt khó khăn về tài chính ở quê nhà, hy vọng cố gắng làm mọi việc để kiếm tiền gởi về cho gia đình. Với chính sách tiền lương tối thiểu và mức sống thuộc hàng cao nhất thế giới, ở Australia, du học sinh không phải bận tâm nhiều về tài chính. Một công việc làm thêm bình thường nhất, ví dụ bồi bàn hoặc nhân viên dọn dẹp vệ sinh, vẫn có thể mang đến thu nhập thoải mái cho các du học sinh độc thân. Nhưng nếu mang một khoản nợ, hoặc gánh nặng tài chính cho cả đại gia đình, các bạn phải bỏ học để dành toàn thời gian kiếm tiền và trở thành người cư trú bất hợp pháp.

    Nhóm thứ hai là những người không có khả năng hoặc lười nhác học tập, chỉ muốn định cư nhanh và dễ. Các bạn này thường xuất thân từ gia đình trung lưu, không khó khăn về tài chính, nhưng cũng chưa đủ giàu để định cư theo diện đầu tư kinh doanh, và không đủ năng lực chuyên môn để xin visa định cư diện tay nghề.

    Còn một nhóm nữa - những người quá hạn visa vì những lý do bất khả kháng hoặc do vô ý không để tâm đến ngày tháng - thường rất cầu thị để tìm cách gỡ bỏ tình trạng bất hợp pháp ngay khi có thể, và cũng không gặp quá nhiều rắc rối sau khi đã được hợp pháp hóa thành công.

    nguoi rom viet o australia

    Nhóm thứ nhất là đối tượng rất dễ bị bóc lột sức lao động. Do cư trú bất hợp pháp, họ chỉ có thể sống chui nhủi, làm những công việc nặng nhọc với mức lương bèo bọt dưới mức quy định, thậm chí phải làm những việc phạm pháp như trồng cần sa. Những "người rơm" này cũng không được hưởng bảo hiểm cũng như các quyền lợi hợp pháp của người lao động. Lúc đau ốm họ không dám đi khám chữa vì sợ bị phát hiện. Số tiền kiếm được muốn gửi về quê nhà, họ phải gửi qua những phương thức không chính thống, chấp nhận mức tỷ giá thấp hơn thị trường, kèm theo rủi ro mất tiền hoặc bị lừa gạt, thậm chí là nguy hiểm đến tính mạng khi giao dịch số tiền lớn bằng tiền mặt.

    Với nhóm thứ hai, phương thức khá phổ biến là tham gia vào các đường dây môi giới kết hôn giả. Họ chi trả số tiền theo thỏa thuận để nhận được sự bảo lãnh từ đối tượng đồng ý làm hồ sơ kết hôn.

    Vài năm trước, phụ huynh của một nữ sinh tham khảo tôi về giá thị trường làm hồ sơ kết hôn giả cho con gái. Cô bé đã tốt nghiệp phổ thông, vừa sang Australia được 6 tháng nhưng không muốn tiếp tục đi học, mà gia đình thì không muốn em về nước. Em được giới thiệu cho một người đồng ý kết hôn giả với mức phí 100.000 AUD (gần 1,6 tỷ đồng). Gia đình họ kinh doanh khá thành công ở Việt Nam, số tiền này không phải là vấn đề lớn.

    Tôi dùng một câu hỏi thay cho câu trả lời: số tiền 100.000 AUD đủ để con gái anh chị học hết đại học, tốt nghiệp xong, em có thể chuyển qua visa tốt nghiệp, được đi làm việc hợp pháp ít nhất hai năm nữa, với mức thu nhập tối thiểu khoảng 50.000 AUD/năm. Như vậy, hai năm sau tốt nghiệp em đã thu hồi chi phí du học, lãi thêm tấm bằng đại học được công nhận quốc tế, cùng kinh nghiệm sống lẫn nghề nghiệp chuyên môn. Anh chị mong con mình sống một cuộc đời tự chủ hay tự mua dây buộc mình vào một cuộc hôn nhân giả, phạm pháp và không có tình yêu?

    Tôi đã chứng kiến đủ nhiều bi kịch từ những cuộc kết hôn giả tương tự, và không mong bất cứ ai sa vào con đường này. Kết hôn giả, nhưng bi kịch là thật.

    Khi viết bài này, tôi nhớ đến gia đình anh Chính (đã đổi tên). Anh và vợ sống bất hợp pháp ở Australia gần chục năm, dành dụm gửi tiền về cho hai bên gia đình. Khi có con, con của họ không được đi học ở trường chính quy mà chỉ có thể gửi cho một bà gần nhà giữ hộ. Bà không có bằng cấp hay kỹ năng giáo dục, chỉ chăm trẻ theo bản năng và kinh nghiệm, cho ăn uống, tắm rửa và chờ cha mẹ đến đón sau khi đi làm về. Anh chị ngày ngày đi làm, tối về nhà, không dám giao du với ai hay hưởng thụ gì, đúng nghĩa sống mòn. Anh nhiều lần tính ra trình báo, để có cơ hội về nước nhưng không đủ can đảm. Cho đến khi bị cảnh sát bắt, anh như trút được gánh nặng, "về nhà để con được đi học, anh chị còn có thể được làm người".

    Mới đây, trong khoảng tháng 12/2023 đến tháng 1/2024, 4 học sinh Việt đến học tại Trường trung học Hamilton (Adelaide, Nam Australia) theo diện trao đổi đều lần lượt biến mất. Cảnh sát Australia tin rằng bốn em có thể đang "chủ động lẩn trốn khỏi chính quyền".

    Sở Giáo dục bang Nam Australia đã tạm dừng nhận đơn đăng ký của học sinh ba tỉnh ở Việt Nam (Nghệ An, Hà Tĩnh và Quảng Bình) vào các trường phổ thông công lập, sau khi xem xét quê quán của một số học sinh rời nhà trọ mà không được phép.

    Cư trú bất hợp pháp là một lựa chọn phải trả giá đắt. Nhưng nếu đủ can đảm và quyết tâm, bạn hoàn toàn có thể chọn lại, để chủ động thoát khỏi kiếp "người rơm".

    Theo VnExpress / Huỳnh Thị Ngọc Hân

  • Từ giữa năm 2022, thị trường bất động sản trầm lắng do lãi suất ngân hàng được điều chỉnh lên mức cao làm cho nhiều nhà đầu tư vón mỏng gặp áp lực. Nhiều nhà đầu tư cuối năm 2021, nhà đầu tư đã dồn hết để mua bất động sản nhưng đến nay phải cắt lỗ để lấy lại vốn.

    Anh Thái (Dương Nội – Hà Đông) cho biết đầu cuối năm 2021 đã chi gần 4 tỷ đồng để mua lô đất thuộc vị trí góc với diện tích gần 50m2 tại khu dịch vụ tại Phường Đồng Mai với mong muốn giá BĐS sẽ tiếp tục tăng để lướt sóng. Đầu năm 2022, giá vẫn còn sốt giúp lô đất của anh tăng lên 4,5 tỷ đồng.

    Tuy nhiên, thị trường BĐS đóng băng kể từ quý 2/2022 đến nay khiến kế hoạch “lướt sóng” của anh không thành công. Hiện tại, nhiều môi giới cho cho rằng, nếu bán ngay thì anh sẽ phải chịu số tiền lỗ lên tới vài trăm triệu đồng.

    Không muốn bán rẻ mảnh đất của mình, anh Thái cho biết đã xoay sở nguồn tiền để tất toán khoản vay ngân hàng. Nhà đầu tư này chia sẻ đang có kế hoạch dựng tạm căn nhà cấp 4 để cho thuê thay vì để đất trống như hiện nay.

    Không đến nỗi phải bán đất để lấy tiền tiêu Tết, tuy nhiên chị Hạnh một nhà đầu tư BĐS khác tại Hà Đông cũng thừa nhận khá bất ngờ với đà lao dốc của thị trường BĐS kể từ giữa năm 2022 đến nay.

    mat xe mua cuoi nam

    “Bây giờ tiền của tôi đã nằm hết ở đất nên thấy thị trường BĐS trầm lắng thời gian qua cũng thấy buồn. Tuy nhiên, so với nhiều người tôi vẫn còn may mắn khi không sử dụng vốn vay ngân hàng. Nhiều nhà đầu tư tôi quen đang rao bán cắt lỗ sâu một số khoản đầu tư để lấy tiền trang trải lãi vay ngân hàng và tiêu Tết”, chị Hạnh chia sẻ.

    Nhiều lô đất đã giảm giá từ vài trăm triệu đến cả tỷ đồng chỉ sau 1 năm

    Theo anh Thức – chủ một văn phòng BĐS tại Hà Đông cho biết thanh khoản trên thị trường càng về cuối năm sụt giảm càng sâu. Do vậy, nhiều nhà đầu tư sử dụng đòn bẩy tài chính cao tiếp tục giảm giá để thoát hàng sớm.

    “Cũng không ít người trước đó đã tất tay vào bất động sản, đến bây giờ thanh khoản khó họ phải giảm giá sâu. Đặc biệt, thời điểm cuối năm là lúc tất toán nhiều khoản tiền, nên áp lực của các nhà đầu tư lại càng lớn. Đây cũng là cơ hội cho một số nhà đầu tư có tiềm lực ép giá vào lúc này”, anh Thức cho biết.

    Anh Thức chia sẻ, chỉ tính tại khu vực dịch vụ Đồng Mai, cuối năm 2021, đầu năm 2022 những lô đất ở vị trí đẹp được rao bán với giá lên tới 4,3 đến 4,5 tỷ đồng. Tuy nhiên, đến nay những lô đất này giá giảm đã lên tới cả tỷ đồng chỉ còn khoảng 3,3 đến 3,5 tỷ đồng, tương đương với việc nhà đầu tư bị “bốc hơi” cả chiếc SUV tiền tỷ.

    Trong khi đó, những lô đất ở vị trí phía trong mức giá giảm cũng từ 400 đến 500 triệu đồng. “Giờ có khoảng 2,5 đến 3 tỷ đồng thì các nhà đầu tư có rất nhiều sự lựa chọn ở khu vực này”, anh Thức cho biết thêm.

    Với những người đang có nhu cầu tìm mua BĐS để đầu tư, anh Thức cho biết người nào chấp nhận rủi ro có thể mua ngay trong tháng 12 nếu tìm được những sản phẩm phù hợp với những tiêu chí đặt ra. Còn nếu chờ đợi các chính sách và sự điều tiết của Nhà nước,… thì có thể chờ đến tháng 3 đến tháng 6 năm sau.

    Trong một hội nghị về đầu tư BĐS mới đây, ông Nguyễn Quốc Anh – Phó tổng giám đốc Batdongsan cho biết sau thời gian dài trầm lắng thị trường cũng đón nhận những thông tin tích cực như việc ban hành Nghị định 65 sửa đổi Nghị định 153 quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ. Ngoài ra, Thủ tướng cũng có quyết định thành lập Tổ công tác tháo gỡ khó khăn cho các dự án và doanh nghiệp bất động sản.

    “Ở thời điểm hiện tại, Chính phủ đang phát tín hiệu tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản. Trong năm nay, chưa có một sự hỗ trợ cụ thể nào đối với lĩnh vực này. Tuy nhiên, chúng ta có thể kỳ vọng tín hiệu đảo chiều sẽ diễn ra vào cuối năm 2023”, ông Nguyễn Quốc Anh cho biết.

    Bên cạnh đó, ông Quốc Anh còn khuyến nghị người mua nhà nên cập nhật thông tin vĩ mô – tài chính  một cách cách thường xuyên.

    “Trước khi đưa ra quyết định mua, người mua BĐS cần thận trọng lựa chọn chủ đầu tư có nội lực tốt và dự án tốt. Ngoài ra, khách hàng cũng phải cân nhắc các phương án đòn bẩy tài chính phù hợp và lựa chọn bất động sản có giá trị thực để không gặp phải các rủi ro tiềm ẩn”, ông bổ sung thêm.

    Nguồn: 24h

  • 4 thợ nail nhập cư bất hợp pháp đã bị bắt trong cuộc đột kích 3 tiệm nail tại West Dumbartonshire.

    Cảnh sát Scotland và Lực lượng Di trú Bộ Nội vụ đã kết hợp thực hiện chuyên án đột kích các tiệm nail ở Dumbarton và Clydebank vào sáng ngày 14/11. 

    Cảnh sát đã đổ bộ tiệm H. Nail Spa trên phố Alexander ở Clydebank, tiệm F.S Nails and Spa trên phố High ở Dumbarton và tiệm tóc móng V.H-U Nails ở Trung tâm Mua sắm Clyde trên đường Carintha Way, Clydebank.

    Tại H. Nail Spa, lực lượng di trú đã phát hiện một người đàn ông 39 tuổi nhập cư bất hợp pháp và không được phép làm việc. Người này đang bị giam giữ chờ trục xuất về VN. 

    Tại tiệm F.S Nails and Spa, một phụ nữ 42 tuổi đã bị phát hiện nhập cư bất hợp pháp vào Anh. Người này được yêu cầu phải thường xuyên trình diện văn phòng nhập cư và hồ sơ của cô đang được xem xét. 

    Tại tiệm tóc móng V.H-U Nails, hai nam giới 22 và 23 tuổi đã bị phát hiện nhập cư bất hợp pháp vào Anh và không được cấp phép làm việc. Hai người này cũng phải thường xuyên trình diện văn phòng di trú.

    Tất cả những người này đều đến từ Việt Nam. 

    Đại diện Bộ Nội vụ xác nhận cả 2 tiệm V.H-U Nails và F.S Nails and Spa có thể đối mặt với khoảng phạt lên tới 20,000 bảng trên mỗi nhân viên bất hợp pháp bị phát hiện, trừ khi họ có thể xuất trình các bằng chứng cho thấy họ đã kiểm tra giấy tờ hợp lệ của những người này trước khi nhận vào làm. 

    Đại diện Cảnh sát Scotland cho biết: ''Cảnh sát đã tiến hành một chuyên án trong khu vực Clydebank vào hôm thứ Năm ngày 14/11 với nhiều đơn vị khác, bao gồm Bộ Nội vụ. Công tác điều tra đang được tiến hành. 

    Được biết các nhà chức trách cũng đã tiến hành kiểm tra tiệm R. Nails nằm trong Trung tâm Mua sắm Clyde vào đầu giờ chiều cùng ngày. Tuy nhiên, cảnh sát không phát hiện được điều gì bất thường ở đây.

    Viethome (theo eveningtimes)

  • Mới đây, Bộ Nội vụ đã tiết lộ thêm nhiều thông tin về một cuộc truy bắt người nhập cư bất hợp pháp tại một tiệm nail ở Worthing. 

    Các xe công vụ của Lực lượng Di trú Bộ Nội vụ đã có mặt tại một tiệm nail ở West Buildings, Worthing vào sáng thứ Năm ngày 15/8. Dựa vào tin tình báo, các nhân viên di trú đã bất ngờ ập vào tiệm lúc 11h sáng.  

    Nhân viên di trú bất ngờ có mặt tại một tiệm nail ở West Buildings, Worthing.

    Hai người đàn ông Việt Nam, 26 và 30 tuổi, đã bị bắt vì nhập cư bất hợp pháp vào UK và không được phép làm việc. Hai người đang bị giam giữ chờ trục xuất khỏi Anh. 

    Tiệm nail nhận một thông báo phạt dân sự với khoản phạt tài chính lên tới 20,000 bảng cho mỗi một người thợ không giấy tờ, trừ khi chủ tiệm có thể chứng minh mình đã kiểm tra đầy đủ giấy tờ làm việc hợp pháp của người này, chẳng hạn như đã kiểm tra và lưu lại bản sao hộ chiếu hoặc giấy tờ từ Bộ Nội vụ cho phép những người này làm việc. Nếu không thể chứng minh, chủ tiệm có khả năng bị phạt tổng cộng tới 40,000 bảng.

    Vậy các chủ tiệm nên kiểm tra những giấy tờ gì trước khi nhận thợ: 

    Chứng minh nhân thân:

    - Họ có hộ chiếu đầy đủ không? Hộ chiếu có ảnh thật của họ và có dấu hiệu bị làm giả không?

    - Họ có thẻ chứng minh thư nhân dân không ( National Identity Card) , hoặc giấy khai sinh cùng với giấy tờ có ghi số báo thuế NI?

    - Hoặc họ có giấy chấp nhận được làm Công Dân Anh Quốc không ? ( Certificate of Registration or Naturalisation as a British Citizen)

    Chứng minh quyền được đi làm hợp pháp:

    - Trên hộ chiếu hoặc thẻ visa (Biometric Residence Permit) có ghi quyền được đi làm hợp pháp ở Anh Quốc không?

    - Thời gian được phép đi làm có bị giới hạn không? ( ví dụ: sinh viên nhiều trường có visa nhưng không được đi làm, hoặc chỉ được làm tối đa 10 tiếng hoặc 20 tiếng hàng tuần)

    - Hoặc giấy thông báo xác nhận của Bộ Nội Vụ (Positive Verification Notice) cho phép người đó được quyền đi làm ở Anh Quốc. 

    Lưu ý với số báo thuế National Insurance number:

    Số NI không được chính thức công nhận dùng để chứng minh nhân thân hoặc chứng minh quyền được đi làm. Thường thì số NI phải đi kèm với các giấy tờ khác để xác định các thông tin này. ( ví dụ: có một số người nhập cư khi vào Anh thì hợp pháp, nhưng sau này ở quá hạn visa và không còn được quyền đi làm. Nhưng số NI của họ vẫn tồn tại vì mục đích thuế)

    Kiểm tra giấy tờ thật giả:

    - Rất nhiều người có thể làm giả giấy tờ, hoặc ăn cắp giấy tờ của người khác để đi xin việc và lĩnh lương. Bạn nên kiểm tra: 

    - Ảnh trên các loại giấy tờ có giống nhau và giống với người đang xin việc?

    - Ngày tháng năm sinh có đồng nhất?

    - Ngày hết hạn của giấy tờ ( ví dụ: visa có hạn đến tháng 9 năm 2020, thì đến lúc đó bạn cần phải kiểm tra lại visa mới của  người lao động đó )

    - Copy lại các loại giấy tờ để bảo lưu sau này.

    Theo luật mới ở Anh Quốc, các doanh nghiệp sẽ bị phạt tới £20,000 nếu thuê người lao động không có giấy tờ đi làm hợp pháp, nhập cư trái phép vào Anh Quốc. Đồng thời, nếu cố tình lặp lại thì có thể bị phạt tù lên tới 2 năm. 

    Viethome (theo worthingherald)

  • Khi bạn sinh sống ở Anh, dù là bất hợp pháp hay là công dân nước ngoài thì bạn vẫn có rất nhiều quyền lợi giống như người Anh. Một trong số những quyền lợi mà nhiều người sống ở Anh ít biết đó là... quyền được im lặng khi bị cảnh sát bắt giữ và thẩm vấn.

    Cảnh sát Anh có quyền bắt người và tạm giam 36 giờ đồng hồ, cũng như thẩm vấn có ghi âm để làm bằng chứng. Ngược lại, một trong số những quyền cơ bản nhất của người bị cảnh sát Anh bắt giữ và tạm giam là "im lặng" trong suốt thời gian này, nhất là khi bị thẩm vấn đã được nhắc nhở/cảnh báo: Interview under caution. Nếu khi bị bắt hoặc thẩm tra, bất cứ điều gì bạn nói ra đều bị ghi lại và có thể sẽ được đưa ra tòa để chống lại bạn. Vì vậy bạn nên cẩn thận với những lời nói ra.

    bat tam giam ss

    Trước hết, khi bị cảnh sát bắt vào đồn và đặc biệt là trước khi bị thẩm vấn làm bằng chứng bạn có quyền tư vấn với luật sư. Bất kể là nói chuyện qua điện thoại hay gặp trực tiếp thì hai người đều được nói chuyện riêng tư. Khu vực tạm giam ở đồn cảnh sát luôn có một phòng kính để đứng hoặc ngồi nói chuyện điện thoại với luật sư hoặc gia đình, cùng một số phòng đủ rộng để luật sư ngồi làm việc với thân chủ, và cả phiên dịch trong trường hợp cần thiết.

    Lúc bị bắt về đồn và đưa vào phòng giam bạn có quyền gọi điện thoại thông báo cho người thân biết mình đang ở đâu. Trong trường hợp thân nhân ở Việt Nam thì đồn cảnh sát thường không cho phép bạn gọi vì ngân sách không cho phép. Khi đó bạn có thể đề nghị được gọi bằng chính điện thoại cầm tay của mình vừa bị thu giữ hoặc dùng thẻ điện thoại quốc tế để tự chịu phí nước ngoài.

    Trong trường hợp bạn được gặp luật sư thì có thể nhờ luật sư báo cho người thân bằng điện thoại hoặc email. Nên nhớ rằng bất kể bạn có luật sư riêng để tư vấn hay không thì bạn luôn có quyền chọn một luật sư miễn phí vào giúp đỡ. Đây là luật sư độc lập đăng ký trên danh sách quốc gia và ăn lương của chính phủ làm việc theo vụ việc và giờ giấc. Mặc dù họ do cảnh sát gọi điện mời đến nhưng hoàn toàn độc lập với cảnh sát.

    Tương tự như vậy với phiên dịch. Bạn có thể yêu cầu phiên dịch qua điện thoại hoặc trong trường hợp gặp luật sư là đến tận nơi. Cần nhớ đây là quyền lợi của bạn khi bị cảnh sát bắt, bạn hãy đòi hỏi mà không sợ cảnh sát vì mất lòng mà tăng án của bạn, vì mỗi người làm phận sự của mình. 

    Người quản lý trại giam có nhiệm vụ mang cơm khi bạn đói, mang nước khi bạn khát và mang chăn khi bạn lạnh, mang quần áo tạm cho bạn thay, khám bệnh và cho thuốc (dù chỉ là thuốc giảm đau hay một số thuốc cơ bản) khi bạn ốm. Nếu bạn ốm nặng cần điều trị chuyên môn thì họ sẽ phải đưa bạn đến bệnh viện và nhất là nếu không thể thẩm vấn để thu thập chứng cứ và ra quyết định kịp thời trước hạn 36 giờ tạm giam thì họ sẽ phải thả bạn ra.

    Bạn cũng cần nhớ bài viết này không phải là hướng dẫn tư pháp, chỉ là một số thông tin để bạn có khái niệm và tìm hướng xử lý khi gặp rắc rối với cảnh sát. Lúc gặp chuyện thì bạn nên tìm đến tư vấn chuyên nghiệp và nhiều trường hợp là miễn phí.

    Viethome

  • Các nhân viên di trú đã đột kích vào khu vực công trường xây dựng của một tòa nhà tại Circus Street (thuộc Central Brighton) vào sáng ngày 7/5 trong một nỗ lực triệt phá một đường dây buôn người Albania.

    Những người biểu tình chống hành vi đột kích nhập cư đã đụng độ với cảnh sát khi Bộ Nội vụ tiến hành vây bắt những người bị nghi ngờ nhập cư bất hợp pháp.

    Trước đó, người dân đã báo cáo về tình trạng nhiều thợ xây ngủ qua đêm tại địa điểm này. Các nhân viên di trú của Bộ Nội vụ và Cảnh sát Sussex đã có mặt tại công trường vào sáng nay.

    Người dân cho biết họ được thông báo rằng một nhóm tội phạm có tổ chức đã đưa lậu người Albania tới địa điểm này.

    Adrian Hart, chủ tịch của Diễn đàn hành động khu vực Amex, cho biết: “Có nhiều cảnh sát với chó nghiệp vụ ở trên tầng cao nhất của công trình, nơi những người bị tình nghi nhập cư trái phép đang ẩn náu.

    “Các cư dân của Milner Flats đã trình báo việc nhiều công nhân ngủ lại công trường hồi tháng 3 nhưng công ty Henry Construction đã phủ nhận việc này. Tôi cảm thấy tiếc cho những công nhân này.”

    Một phát ngôn viên của Bộ Nội vụ cho biết: “Hành động theo tin tình báo nhận được, các nhân viên của Cục Di trú đang tiến hành một loạt cuộc kiểm tra tại Brighton. Chúng tôi sẽ không đưa thêm bình luận về một chiến dịch đang tiến hành.

    “Thông tin chi tiết sẽ được cung cấp thêm vào thời điểm thích hợp.”

    Người phát ngôn của tập đoàn bất động sản U+I cho biết: “U+I cam kết tuân thủ các nguyên tắc đạo đức, hợp đồng của chúng tôi với các nhà thầu xây dựng yêu cầu họ phải tuân thủ luật lao động và luật nhập cư. Tất cả nhân viên tại công trường đều phải đáp ứng được các yêu cầu để có mặt ở đây.

    “Chúng tôi biết việc nhân viên Bộ Nội vụ có mặt tại công trường vào sáng nay và chúng tôi không thể cung cấp thêm thông tin chi tiết nào cho đến khi cuộc điều tra của họ hoàn tất.”

    VietHome (theo Brighton & Hove News)

  • Tại Anh, thỉnh thoảng lại có tin một số trẻ em mất tích ở vùng Đông Nam, mà đáng chú ý là tới phân nửa các trường hợp đều mang quốc tịch Việt Nam.

    Vào tháng 11/2018, bốn trẻ Việt Nam bị thông báo mất tích chỉ vài ngày sau khi được địa phương nhận chăm sóc.

    Phóng viên BBC Glen Campbell đã lần theo hành trình vào Anh bất hợp pháp của các em, và của người Việt nhập cư lậu nói chung, từ "điểm tập kết" của họ tại Pháp, và tìm hiểu lý do những người Việt này thường bỏ trốn khi được đưa vào trung tâm bảo trợ xã hội, cũng như nguyện vọng của họ nếu tới được Anh.

    Từ làng Vietnam City đến Vietnam City mới

    Điểm bắt đầu của phóng viên Campbell là một thị trấn khai thác than cổ ở miền Bắc nước Pháp - Angres, nơi có khu lán trại được gọi là 'Vietnam City'.

    Vào năm 2010, người dân địa phương khi đi bộ qua đã phát hiện thấy một số người Việt sống trong khu lán trại bỏ hoang của khu khai mỏ, nằm trong rừng.

    'Vietnam City' tồn tại tám năm tại khu lán trại bỏ hoang trong rừng, trước khi bị chính quyền địa phương phá bỏ vào 2018.

    Nơi này được biết đến với tên gọi Vietnam City, và những người trú ngụ ở đó được dân địa phương giúp đỡ. Họ được cho quần áo, thức ăn và các nhu yếu phẩm khác.

    Tuy nhiên, hồi cuối 2018, nơi này đã bị chính quyền địa phương phá bỏ.

    Benoit Decq, đại diện cho một chuyên giúp đỡ những người Việt này, nói rằng tại Vietnam City, luôn có khoảng từ 20 đến 200 người trú ngụ trong suốt thời gian tám năm tồn tại.

    Trước khi bị phá bỏ, nơi đó có một ngôi nhà, một nhà kho, khu vệ sinh, một vài nhà tắm, thậm chí một vườn rau nơi họ trồng trọt và nuôi vài con gà để thịt.

    Dân địa phương nói tại trại Vietnam City luôn có từ 20 đến 200 người trú ngụ, tất cả đều là di dân người Việt và đều là nam giới.

    Sau khi bị phá bỏ, các di dân bất hợp pháp người Việt chuyển tới một nơi ở mới, nằm cách chỗ cũ 45km, nằm gần đường cao tốc.

    Ở chỗ mới, phóng viên BBC thấy mọi thứ trông tươm tất, ngăn nắp. Khu Vietnam City mới có khu bếp, khu ở, nhà vệ sinh và chỗ tắm.

    Lucille Vallin, một trong những người dân địa phương giúp đỡ các di dân Việt Nam, nói rằng "Vietnam City mới xuất hiện rất nhanh chóng", và chỉ trong hai tuần đã xong việc dựng nhà.

    Điều đặc biệt là tại đây chỉ toàn người Việt, và tất cả đều là nam giới, khác với các trại di dân khác ở miền bắc nước Pháp.

    'Cơ ngơi' hiện nay của các di dân Việt, Vietnam City mới, nằm gần đường cao tốc và cách một bãi đỗ xe tải khoảng 2km.

    Vào Anh bằng cách chui vào xe tải

    Đây là trạm trung chuyển cuối cùng trước khi họ đến điểm cuối là Anh, và nó nằm gần bãi đỗ xe tải, phương tiện chính để người Việt vào lậu nước Anh.

    Một trong những thanh niên có mặt tại khu trại nói với BBC rằng anh đã trả 16 ngàn đô la Mỹ để được đưa tới đây.

    Hoàng từng tìm cách vào Anh nhưng đến nay vẫn thất bại.

    Anh nói anh quyết tâm bằng được.

    "Tôi từng đến Bỉ và nghĩ đó là Anh. Tôi bị bắt sau khi nhảy ra khỏi xe tải," Hoàng nói.

    "Tôi sẽ không bao giờ bỏ cuộc, ngày nào cũng sẽ tìm cách."

    Tại bãi xe tải cách đó 2km, 'mục tiêu công thành' của những người này, phóng viên BBC nhận thấy đó là nơi thiếu giám sát an ninh, không có bảo vệ, không có camera giám sát và tương đối tối tăm.

    Khi đi quanh bãi xe, phóng viên Campbell nhận thấy nhiều xe đã bị phá khóa. Nếu lọt được vào thùng xe, các di dân sẽ theo hành trình tới bến phà Calais của Pháp, từ đó sang các bến phà của Anh.

    Phóng viên Glen Campbell đứng tại trại Vietnam City đã bị phá.

    Clip Hành trình đi lậu từ Vietnam City ở Pháp đến Anh Quốc - BBC News Tiếng Việt

    ''Trẻ vị thành niên Việt mất tích''

    Trong trường hợp bị giới chức phát hiện, bắt giữ khi đã vào tới lãnh thổ Anh, các di dân nếu dưới 18 tuổi sẽ được đưa vào các trung tâm bảo trợ xã hội địa phương.

    Tuy nhiên, hiện tượng chung là họ đều biến mất chỉ vài ngày sau đó.

    Debbie Beadle từ ECPAT, tổ chức từ thiện bảo vệ trẻ em khỏi nạn buôn người, cho biết:

    "Dù đã được đưa vào trung tâm chăm sóc tại địa phương, nhiều em đã quay lại với kẻ buôn người vì các em sợ những hậu quả khi không trả nợ."

    "Từ nhiều năm trở lại đây, trẻ em Việt mất tích là một vấn nạn lớn. Chúng tôi có thể khẳng định nhiều trong số các em là nạn nhân của hoạt động buôn người."

    "Các em khi tới được đây là đã mắc nợ những kẻ buôn người. Các em sẽ bị bắt trả nợ. Đó là một áp lực lớn. Rõ ràng nếu không trả hết nợ, bản thân các em hoặc gia đình sẽ gặp rắc rối."

    Phóng viên BBC nói chuyện với các di dân người Việt (thông qua phiên dịch) tại trại Vietnam City mới.

    Ước mơ

    Khi BBC nói chuyện với những người trú tại trại Vietnam City mới ở Pháp, tất cả họ đều nói thông qua phiên dịch viên rằng họ muốn làm việc trong tiệm móng tay sau khi tới Anh.

    Nhưng vì sao lại là tiệm móng tay?

    "Có một mạng lưới tiệm móng tay to lớn của người Việt ở Anh, cho nên có vẻ họ sẽ dễ tiếp cận được mảng thị trường đó. Và đây là điều bọn buôn người dễ dàng lợi dụng khai thác," bà Debbie Beadle giải thích.

    Năm 2016, cảnh sát nghi ngờ một tiệm móng tay của chủ người Việt bóc lột lao động trẻ em. Vụ này dẫn tới việc truy tố thành công đầu tiên dựa theo Đạo luật Nô lệ Hiện đại 2015 liên quan tới trẻ em.

    Bà Eran Cutliffe, công tố viên chính trong vụ án trên nói rằng buôn người là một loại tội phạm hình sự có tổ chức, và liên quan tới rất nhiều tiền.

    "Con người bị hoa mắt bởi lợi nhuận từ tội ác này," bà nói.

    "Những nạn nhân bị coi là món hàng. Dù là những món hàng đắt giá, nhưng vẫn chỉ là những món hàng. Việc đối xử với con người như vậy là tội ác nghiêm trọng."

    Phóng sự đã được phát trong chương trình Inside Out của BBC hồi 2/2019.

    Viethome (theo BBC)

  • Dang Nguyen Sinh Nhat, một công dân Việt Nam bị tòa kết án 5 tháng tù và phạt 4 roi, do cư trú bất hợp pháp hơn 10 năm ở Singapore sau khi hết hạn visa du học (từ tháng 7/2008 đến nay).

    Theo Yahoo News Singapore đưa tin ngày 2/4, Dang Nguyen Sinh Nhat được cấp visa sinh viên để theo học tại Học viện Mỹ thuật Nanyang (NAFA) nhưng không thể trả tiền học phí.

    Dang Nguyen Sinh Nhat (38 tuổi) bị phạt tù và 4 roi vì sống chui 10 năm ở Singapore.

    Thay vì rời Singapore sau khi visa hết hạn vào tháng 7/2008, nam sinh này đã ở lại đảo quốc sư tử “sống chui” trái phép trong hơn 10 năm.

    Công dân 38 tuổi ra trình diện trước Cơ quan quản lý xuất nhập cảnh và kiểm tra Singapore (ICA) vào ngày 23/2. Tại tòa án quốc gia hôm 2/4 vừa qua, Dang Nguyen Sinh Nhat bị kết án 5 tháng tù giam cùng hình phạt 4 roi.

    Dang đến Singapore để học khiêu vũ tại NAFA vào giữa năm 2006 và được cấp visa du học có giá trị đến tháng 4/2009. Anh cũng được cấp visa tạm trú (visit pass) có cùng thời hạn với visa du học.

    Ngày 14/4/2008, visa du học của Dang bị hủy bởi ICA theo yêu cầu của phía NAFA vì người này không thể trả học phí.

    ICA sau đó đã cấp visa tạm trú cho Dang có hiệu lực đến ngày 14/5 cùng năm theo yêu cầu của nhà trường, để sinh viên này có thời gian trả học phí. ICA cũng gia hạn visa tạm trú cho Dang một vài lần nhưng anh ta vẫn không thể trả tiền học phí.

    Khi visa tạm trú hết hạn vào 1/7/2008, Dang không nộp đơn xin gia hạn thêm nhưng cũng không rời khỏi quốc đảo sư tử. Từ đó đến nay, tổng cộng Dang đã lưu trú trái phép trong khoảng thời gian 10 năm, 7 tháng và 22 ngày.

    Theo tờ The New Paper (Singapore), tại tòa, Dang Nguyen Sinh Nhat cho biết anh trốn visa ở lại Singapore để có thể kiếm tiền gửi về phụ giúp gia đình ở Việt Nam.

    “Trong thời gian ở lại Singapore, tôi đã làm việc để kiếm tiền phụ giúp gia đình tôi. Tôi hy vọng sẽ sớm được thả để trở về Việt Nam”, The New Paper trích lời Dang nói tại tòa.

    Hình phạt tối đa cho việc ở lại Singapore bất hợp pháp trong thời gian hơn 90 ngày có thể lên tới 6 tháng tù giam cùng ít nhất là 3 roi.

    Theo Corpun, đánh phạt bằng roi mây gần như không bao giờ là hình phạt duy nhất trong bản án mà phải đi kèm án phạt tù.

    Khi một tù nhân nhận hình phạt roi, họ sẽ được báo trước về thời điểm thi hành án và cần được chuyên gia y tế xác định xem họ có đủ thể lực để chịu đòn hay không.

    Loại roi dùng để xử phạt được làm từ cây mây, quy cách của roi phạt được pháp luật quy định rõ. Đối với nam giới trưởng thành, cây roi dài 1,2 m, dày 1,3 cm. Đối với người dưới 16 tuổi, người ta dùng loại roi mây nhỏ hơn và nhẹ hơn.

    Trước khi xử phạt, roi mây sẽ được ngâm qua đêm trong nước để tăng độ dẻo, tránh bị rạn nứt trong quá trình sử dụng và không để lại dằm trên da, được bôi thuốc sát khuẩn để không làm vết thương nhiễm trùng.

    Người thực thi hình phạt được tuyển chọn và huấn luyện đặc biệt, thường là những võ sư chuyên nghiệp. Những người nhận từ ba roi trở lên có thể rơi vào trạng thái sốc vì quá đau đớn.

    Hơn 40 tội danh ở Singapore bắt buộc đi kèm phạt roi, bao gồm: phá hoại của công (vẽ bậy), hiếp dâm, kinh doanh dịch vụ cho vay tiền không có giấy phép, trộm cắp tài sản có chuẩn bị trước, cướp tài sản, tàng trữ vũ khí nguy hiểm, bán ma túy, buôn bán nhập khẩu pháo hoa... Nam giới nhập cư trái phép vào Singapore hoặc ở quá hạn thị thực hơn 90 ngày cũng bị phạt ít nhất 3 roi.

    Với một số tội danh, phạt roi là hình phạt bổ sung và do tòa quyết định và chỉ dành cho những nam giới từ 18 đến 50 tuổi, được cán bộ y tế xác định có tình trạng thể chất khỏe mạnh. Người dưới 18 tuổi vẫn có thể bị phạt roi nhưng chỉ tòa cấp cao mới có thẩm quyền này. Người chịu án tử hình sẽ không bị phạt roi.

    Theo Bộ luật Tố tụng Hình sự Singapore, người bị đánh chỉ phải chịu tối đa 24 roi trong một lần đánh. Tuy vậy, một người vẫn có thể bị phạt hơn 24 roi nếu anh ta bị kết tội trong nhiều phiên xét xử khác nhau và bản án được thực thi riêng biệt. Với nam giới dưới 18 tuổi, số roi tối đa là 10.

    Ngoài ra, bản án phạt roi phải được thực hiện liên tục trong một lượt, không bị gián đoạn. Nếu bị cáo bị tuyên phạt roi nhưng sau đó không đủ sức khỏe để chịu phạt, tòa án sẽ kéo dài án tù thêm tối đa 12 tháng. Một số trường hợp phải ngừng phạt giữa chừng, số roi chưa đánh sẽ do tòa án chuyển đổi thành thời gian ngồi tù tương đương.

    Đồ họa hình phạt roi mây ở Singapore (Ảnh: DW/ Corpun).

    Theo điều 330 Bộ luật Tố tụng Hình sự Singapore, hình phạt đánh roi sẽ không được tiến hành nếu không có cán bộ y tế có mặt tại hiện trường để kiểm tra trạng thái sức khỏe trước, trong và sau khi phạt. Cán bộ y tế có thể ngừng hình phạt bất cứ lúc nào nếu người bị phạt không đủ khỏe mạnh. 

    Nhiều tù nhân miêu tả sự đau đớn do đòn roi với những cụm từ như "không thể chịu đựng", "khôn xiết", hoặc "như bị xe tải đâm". Vết sẹo trên mông là nỗi xấu hổ ám ảnh suốt đời với người phạm tội hiếp dâm, vẽ bậy và trộm cắp..., từ đó sợ không tái phạm.

    Từ 2007 tới 2016, số lượng bản án đi kèm phạt roi có xu hướng giảm dần tại Singapore. Hình phạt này còn xuất hiện ở các nước như Malaysia, Indonesia, và Brunei.

    Viethome (theo Dân Trí)

  • Người đàn ông Việt Nam hồi tháng ba bơi từ Trung Quốc đại lục sang Macau để tìm việc làm.

    Khoảng 7h30 ngày 29/3, cảnh sát tại địa phương ở Macau trông thấy một người đàn ông có vẻ khả nghi lang thang trên phố. Khi bị hỏi, người đàn ông này khai là công dân Việt Nam 40 tuổi và không xuất trình được giấy tờ tùy thân.

    Hai người đàn ông nhập cư bất hợp pháp vào Macau, trong đó có một người quốc tịch Việt Nam, bị giải tới cơ quan công tố. Ảnh: Macau News.

    Ông này sau đó thú nhận với cảnh sát đã bơi từ Trung Quốc đại lục đến Macau vào ngày 20/3 để tìm việc làm. Nhưng do không tìm được việc làm, người đàn ông này đã lang thang trên đường phố và ngủ ở các công viên trong suốt những ngày qua. Người này cũng khai từng bị bắt vì nhập cảnh bất hợp pháp và bị cấm nhập cảnh vào Macau trong vòng 10 năm kể từ tháng 10/2016.

    Cảnh sát hôm 31/3 cũng bắt một người Trung Quốc khoảng 20 tuổi không có giấy tờ tuỳ thân. Thanh niên này khai đã trả khoảng 8.000 tệ (gần 5.000 USD) cho một người đàn ông để sang Macau bằng thuyền. Người này đến Macau vào ngày 26/3 và khai đã đánh bạc tại nhiều sòng bài khác nhau trước khi bị bắt.

    Cả hai người đàn ông nhập cư bất hợp pháp này đều đã bị giải đến cơ quan công tố của Macau. 

    Viethome (theo VnExpress)

  • Khi một cô gái trẻ người Việt phát hiện mình có thai vào năm ngoái, khi đến Nhật theo dạng visa thực tập sinh, cô phải đối mặt với một lựa chọn oái oăm: "phá thai hay trở về Việt Nam?".

    Theo Hãng tin Reuters, chương trình visa thực tập sinh ở Nhật Bản sẽ có nhiều thay đổi, dẫn tới cơ hội làm việc cho lao động nhập cư bị hạn chế. Dù vậy, quyền lợi của họ được đảm bảo hơn.


    Công nhân Việt Nam tại Nhật đón tết ở Kawaguchi - Ảnh: REUTERS

    Gánh chi phí tuyển dụng đắt đỏ

    Bài viết trên Reuters ngày 19-3 bắt đầu bằng một trường hợp đau xót. Khi một cô gái trẻ người Việt Nam phát hiện mình có thai vào năm ngoái, khi đến Nhật theo dạng visa thực tập sinh, cô phải đối mặt với một lựa chọn oái oăm: "Phá thai hay trở về Việt Nam?".

    Cô gái này dĩ nhiên không muốn phá thai, nhưng cũng khó quay về vì không thể trả lại khoản tiền 10.000 USD (hơn 200 triệu đồng) đã vay mượn để trả cho các nhà tuyển dụng.

    Đây là trường hợp điển hình cho các lao động Việt Nam khi phải gánh chi phí tuyển dụng đắt đỏ. Và theo Reuters, những người trẻ Việt Nam - vốn thuộc nhóm lao động nước ngoài phát triển nhanh nhất tại Nhật - sẽ nằm trong số những người bị ảnh hưởng rõ rệt nhất từ chương trình mới sắp áp dụng vào tháng 4 này dành cho các công nhân.

    Futaba Ishizuka, nhà nghiên cứu tại Viện Phát triển kinh tế ở Nhật, nói: "Những thực tập sinh từ Trung Quốc đã giảm số lượng vì mức lương ở Trung Quốc đã gia tăng, trong khi ở Việt Nam, người trẻ thất nghiệp nhiều dù học vấn cao, nên lại có rất nhiều người trẻ muốn ra nước ngoài làm việc".

    Trước đây, chương trình thực tập được biết đến rộng rãi như cánh cửa mở ra cho công nhân tại Nhật. Nhưng kèm theo đó lại là vô vàn những báo cáo về tình trạng lạm dụng lao động bao gồm lương thấp hoặc không trả lương, làm việc ngoài giờ, bạo lực và cả lạm dụng tình dục.

    Tại Việt Nam trong khi đó cũng tồn tại tình trạng những công ty tuyển mộ vô đạo đức, lợi dụng nhu cầu công việc này để trục lợi, thu phí cao.

    Mọi thứ có thể thay đổi khi Chính phủ Nhật áp dụng các quy định mới, mặc dù các nhà hoạt động, học giả hay thực tập sinh đa phần lo ngại những thay đổi ấy sẽ… tiêu cực hơn.

    Lấy ví dụ một chi tiết nhỏ, khi Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe nói về luật mới, ông khẳng định nó "không cấu thành chính sách nhập cư". Theo phân tích của Akira Hatate, giám đốc Liên minh Tự do dân sự Nhật Bản, điều này gợi mở rằng người lao động sẽ không ở lại lâu dài mà chỉ tạm bợ thôi.

    Ông nói: "Nhu cầu của xã hội không được đáp ứng, còn nhu cầu của công nhân cũng không được đáp ứng".

    Thực tập sinh người Việt ở nhà máy sản xuất phụ tùng ôtô tại Nhật Bản - Ảnh: Nikkei Asian Review

    Bỏ việc vì yêu cầu khắt khe

    Hệ thống thực tập sinh (trainees system) của Nhật bắt đầu từ năm 1993, với mục tiêu chuyển giao kỹ năng làm việc cho công nhân từ các nước đang phát triển. Nhưng các biểu hiện lạm dụng lao động dai dẳng đã sớm lộ diện.

    Năm ngoái, một cuộc tranh cãi diễn ra tại Nhật về các vấn đề lạm dụng này, giữa giai đoạn luật mới ban hành. Đáng chú ý, trong các trường hợp lạm dụng kinh điển nhất có cả việc thực tập sinh tại 4 công ty bị đưa đi làm việc khử nhiễm tại các khu vực bị bức xạ ảnh hưởng ở Fukishima sau thảm họa hạt nhân năm 2011.

    Hai trong số các công ty trên đã bị cáo buộc trả lương không phù hợp và bị cấm thu nhận thực tập sinh trong vòng 5 năm.

    Tổng quan, khảo sát của bộ lao động Nhật hồi tháng 6-2018 cho thấy hơn 70% người lao động dạng thực tập đã vi phạm luật lao động, bao gồm việc làm quá giờ và các vấn đề về an toàn. Trong khi đó, các vi phạm kiểu này ở người lao động nói chung chiếm 66%.

    Năm 2017, một tổ chức quan sát được thành lập với tên gọi Tổ chức hoạt động vì đào tạo kỹ thuật cho thực tập sinh (OTIT). Tháng 3 này, OTIT ra một biên bản nhắc nhở các công ty rằng thực tập sinh đang là những người lao động dưới sự giám sát của luật lao động Nhật Bản. OTIT đặc biệt cấm hành vi đối xử thiếu công bằng với công nhân mang thai.

    Tuy vậy, các điều kiện khắc nghiệt đã dẫn tới tình trạng hơn 7.000 công nhân thực tập sinh bỏ việc trong năm 2017. Đa phần lý do bỏ việc nằm ở chỗ họ hụt hẫng vì lời hứa hão của dân môi giới việc làm về chuyện lương bổng hoặc giấy tờ. Reuters cho biết một nửa công nhân bỏ việc là người Việt Nam.

    Khi bỏ việc, điều trái khoáy là công nhân không được chuyển công ty theo luật. Vì vậy buông công việc tại công ty này ra - trong khi không thể về nước vì còn nợ tiền - họ buộc phải làm "chui" vì visa thực tập sinh không hỗ trợ nữa.

    VietHome (Theo Báo Tuổi Trẻ )

  • Các nhóm tội phạm chuyển người xuyên biên giới đã bị vô hiệu hóa bởi các cơ quan thực thi pháp luật của Ukraina trong quá trình thực hiện các biện pháp phát hiện và loại bỏ các kênh di cư bất hợp pháp qua biên giới nhà nước Ukraina với các quốc gia thuộc Liên minh châu Âu – Cộng hòa Séc, Slovakia và Ba Lan.

    Số lượng thành viên của các nhóm vào khoảng 35 người là các công dân của Ukraina, Uzbekistan, Việt Nam, Slovakia và Belarus. Những kẻ phạm tội liên quan đến buôn lậu người di cư từ các quốc gia Đông Nam Á qua biên giới nhà nước Ukraina sang các nước láng giềng, đặc biệt là Cộng hòa Slovakia, Cộng hòa Ba Lan và Hungary, với mục đích chuyển tiếp đến các nước Tây Âu, cụ thể là Đức.

    Phạm vi hoạt động của nhóm tội phạm hình sự được mở rộng đến hàng trăm thậm chí hàng nghìn ki lô mét, bắt đầu từ biên giới với Liên bang Nga.

    Sau đó, những nhóm người di cư bất hợp pháp đã được hình thành tại các thành phố Kyiv và Odesa, tiếp theo là việc chuyển giao bí mật họ đến khu vực biên giới được thực hiện để trung chuyển bất hợp pháp qua biên giới nhà nước với sự giúp đỡ của các nhà lãnh đạo địa phương tới các quốc gia thuộc Liên minh châu Âu. Sau đó, quá cảnh của “du khách” đã được thực hiện thông qua lãnh thổ Slovakia, Ba Lan, Cộng hòa Séc cho đến thủ đô Berlin của Đức và thành phố Dresden.

    Các thành viên của nhóm tội phạm lọt vào “tầm ngắm” của cơ quan thực thi pháp luật vào mùa xuân năm ngoái.

    Các đơn vị của Cơ quan Biên phòng Nhà nước Ukraina, dưới sự hướng dẫn thủ tục của cơ quan Công tố tỉnh Zakarpatye (Transcarpathian), hỗ trợ hoạt động tố tụng hình sự, đã được Cơ quan An ninh Ukraina và Cảnh sát Quốc gia tiến hành một cách cẩn thận để khám phá các kế hoạch hoạt động của các thành viên. Dần dần lộ rõ một số tình tiết hoạt động phi pháp của nhiều nhóm tội phạm riêng rẽ.

    Theo báo cáo của Cơ quan Biên phòng Nhà nước Ukraina về các tội phạm hình sự được phát hiện, 7 vụ tố tụng hình sự đã được khởi tố theo Điều 322 của Bộ luật Tố tụng Dân sự. Hiện tại, 8 đối tượng điều tra trước xét xử đã được tuyên nghi án, và hai đối tượng tố tụng hình sự đã được đưa ra tòa án.

    Mặc dù đã có một số vụ bắt giữ của các nhóm người nhập cư bất hợp pháp cùng các cá nhân tham gia vào việc buôn lậu bất hợp pháp cả ở Ukraina và ở nước láng giềng Slovakia và Ba Lan, hoạt động băng đảng buôn người vẫn không chấm dứt.

    Các nhà quản lý của các cơ quan thực thi pháp luật của Ukraina, Cộng hòa Séc, Slovakia và Ba Lan đã thực hiện một quyết định chung với các biện pháp hỗn hợp để loại bỏ những kênh xác định đưa người di cư bất hợp pháp. Theo quyết định này, các bên (tứ giác) tạo ra một nhóm làm việc dưới tên mã «Long Way».

    Với sự đoàn kết điều tra quốc tế Ukraina đã hợp tác tích cực với các đồng nghiệp từ Cộng hòa Séc, nơi những đối tượng chính của nhóm tội phạm cư trú mà hầu hết trong số đó đến từ Ukraina.

    Nhờ có sự trao đổi thông tin và hành động theo một kế hoạch chung, chúng tôi đã phát hiện hầu hết các thành viên của nhóm tội phạm và đã cùng với cảnh sát Cộng hòa Séc, Ba Lan và Slovakia thu thập tài liệu bằng chứng về các hoạt động bất hợp pháp của họ.

    Kết quả của một loạt các biện pháp phối hợp hoạt động với cảnh sát của Cộng hòa Séc, Slovakia và Ba Lan đã ghi nhận 16 băng video về buôn người bất hợp pháp, với những người di cư bất hợp pháp, trong số đó chủ yếu là công dân Việt Nam và Bangladesh, Sri Lanka, – những người vượt biên giới quốc gia của Ukraina một cách bất hợp pháp. Tổng số những người vượt biên bị phát hiện là khoảng 100 người. Mỗi người trong số họ chi số tiền để vượt biên là hơn 2,500 đô la.

    Đỉnh cao của chiến dịch «Long Way» là ngày 11 tháng 3, các đơn vị hành động đồng thời với các đơn vị đặc biệt của cục bảo vệ viên giới Ukraina dưới sự hướng dẫn thủ tục của công tố tỉnh Zakarpatye (Transcarpathian) cùng với các đơn vị SBU (tại các tỉnh Zakarpatye, Ivano-Frankivsk và Lviv), cùng các đồng nghiệp hợp tác trên lãnh thổ Cộng hòa Séc, Ba Lan và Slovakia đã thực hiện tổ hợp các biện pháp điều tra. Đặc biệt, đã bắt giữ những người tổ chức và hướng dẫn của các nhóm tội phạm xuyên biên giới mà từ trước tới nay mặc sức hoành hành, đồng thời tiến hành công tác truy tìm và thẩm vấn các đối tượng của các vụ tố tụng hình sự.

    Mặc dù thực tế là hầu hết các nhóm đối tượng ẩn náu bên ngoài lãnh thổ Ukraina nhưng các hành vi phạm tội và tang chứng đã được các đơn vị bảo vệ biên giới, cơ quan điều tra của SBU và cảnh sát quốc gia ghi nhận với sự tham gia của đơn vị đặc nhiệm “Dozor“. Đã tiến hành lục soát tại 7 địa chỉ dân cư thuộc tỉnh Lviv và Transcarpathian. Kết quả lục soát là cảnh sát thu được khoảng nửa ki lô gam chất ma túy, vũ khí chưa đăng ký, nguồn tài chính, điện thoại di động, bảy thẻ SIM và nhiều quần áo rằn ri và mặt nạ.

    Nhờ các hành động phối hợp giữa các cơ quan thực thi pháp luật 12 thành viên của nhóm tội phạm nói trên đã bị bắt giữ tại Cộng hòa Séc, trong đó có 8 công dân Ukraina, 3 công dân của Uzbekistan và 1 công dân Kazakhstan.

    Các hành động và biện pháp điều tra trong khuôn khổ hỗ trợ pháp lý quốc tế vẫn còn tiếp tục.

    Ngoài ra, trong các sự kiện chung, cơ quan điều tra cũng xác định các cá nhân là thành viên của các nhóm, tổ chức khác có liên quan đến việc sản xuất và bán các tài liệu giả. Bốn tập video đã được ghi nhận về hoạt động của nhóm này ở một số quốc gia (chủ yếu ở Cộng hòa Séc và Ukraina), các bằng chứng cho thấy họ đã làm giả ít nhất 30 tài liệu của các nước EU.

    Viethome (theo Người Việt Ukraina)

  • Một thanh niên Việt Nam 21 tuổi đã bị bắt tạm giam sau một cuộc đột kích vào một tiệm nail ở trung tâm thị trấn Fleetwood hôm 13/3. 

    Một số Nhân viên Di trú đã kiểm tra một cơ sở kinh doanh trên phố Poulton, gần khúc giao với phố Lord và khoảng 1 giờ chiều ngày thứ Tư 13/3. 


    (Ảnh minh họa)


    Nhân viên Di trú kiểm tra một tiệm nail trên phố Poulton vào ngày 13/3. Ảnh: Andrew Park.

    Một người phát ngôn của Bộ Nội vụ cho biết: ''Dựa trên thông tin tình báo, các Nhân viên của Sở di trú đã đột kích tiệm nail E. trên phố Poulton, Fleetwood, Lancashire. Qua kiểm tra, chúng tôi phát hiện một nam giới đã nhập cư bất hợp pháp vào Anh. Người này hiện đang bị giam giữ để chờ điều tra. 

    Cảnh sát Anh liên tục cảnh giác người dân về nạn nô lệ trong các tiệm làm móng

    Dạo gần đây, cảnh sát Anh cảnh báo các salon làm móng trên phố lớn ở Anh đang là cứ điểm cho tội phạm có tổ chức, bao gồm cả tội phạm buôn người và nô lệ.

    Các salon – đặc biệt là các bar làm móng của người Việt – chỉ nhận tiền mặt và đây chính là một hình thức rửa tiền cho những món lợi nhuận phi pháp thu được từ các trang trại cần sa và nhà thổ. Theo Cơ quan Tội phạm Quốc gia NCA, những kẻ tội phạm thường xuyên điều chuyển các nô lệ trẻ em từ cửa hàng này sang cửa hàng khác để tránh bị phát hiện.

    Các tiệm bar làm móng cũng có mối liên hệ với nạn nhập cư bất hợp pháp. NCA hiện đang tiến hành 500 cuộc điều tra đối với vấn đề nô lệ hiện đại. Những người mang quốc tịch Albania, Việt Nam và Anh nằm trong số những nạn nhân tiềm năng nhất.

    Ông Adam Thomson, thuộc Đội nô lệ hiện đại và buôn người của NCA, cho biết: “Các tiệm làm móng là một trong số những khu vực nơi chúng tôi thường xuyên bắt gặp các nạn nhân người Việt, thường là nam giới trẻ trong độ tuổi 18-19.

    “Các băng nhóm chiêu mộ họ từ Việt Nam. Họ sẽ được hứa hẹn, ‘Hãy đến Anh và bạn sẽ có một công việc rất tốt, bạn sẽ được trả rất nhiều tiền để gửi về cho gia đình.’

    “Sau đó, chúng thường sử dụng đường dây nhập cư có tổ chức… qua Trung Quốc rồi đến Nga và vào châu Âu và sau đó là Anh – thông thường người nhập cư sẽ bị đưa lên thùng xe tải. Sau đó, họ sẽ được chuyển cho các băng nhóm ở Anh và những kẻ này sẽ đưa họ vào làm việc tại mạng lưới các tiệm móng.

    Tổ chức Gangmasters and Labour Abuse Authority (GLAA) – cơ quan chịu trách nhiệm giám sát vấn đề nô lệ hiện đại ở Anh – báo cáo rằng số lượng các cửa hàng ép buộc nạn nhân làm việc không công để trả nợ đã tăng 35% kể từ năm ngoái.

    Cảnh sát ghi nhận 2,255 vụ nô lệ hiện đại trong năm ngoái nhưng ước tính còn cả chục ngàn vụ việc khác chưa được đưa ra ánh sáng.

    “Bản chất tồi tệ của nạn nô lệ hiện đại đồng nghĩa với việc nó sẽ hủy hoại cuộc sống của các nạn nhân. Đó là lý do tại sao chúng tôi đưa ra Bộ luật Nô lệ Hiện đại 2015 tiên phong trên cả thế giới, đồng thời tăng 2.6 triệu bảng mỗi năm cho ngân sách của GLAA nhằm giải quyết vấn nạn nô lệ hiện đại và bóc lột lao động,” bà Victoria Atkins, bộ trưởng chịu trách nhiệm vấn đề tội phạm, bảo vệ an toàn và đối tượng yếu thế, phát biểu vào đầu tháng Năm năm ngoái.

    Viethome (theo The Gazette)

  • Hôm qua đi trên tàu, đọc được một dòng trạng thái mà đọc thấy dựng cả tóc gáy, phải đọc đi đọc lại xem mình có bị không hiểu tiếng Việt không, mà đọc xong rồi cũng vẫn thấy choáng run cả người không biết phải nói nên lời như thế nào.

    Kiểm tra tài khoản Facebook thấy chị ấy hoàn toàn bình thường, không hề có vẻ gì loạn trí hay dùng tài khoản bán hàng câu like nên thấy sốc toàn tập.

    Một chị lên diễn đàn nói rằng chị ấy đã từng tốt nghiệp đại học chuyên ngành ngân hàng ở Việt Nam, hiện đang có công việc kinh doanh tháng kiếm vài chục triệu nhưng chị ấy qua công ty đã mua được visa diện kỹ sư để sang Nhật, đưa con sang Nhật với mục tiêu là để con được học hành cho tốt. Chị ấy không hề biết một chữ tiếng Nhật, không có quen ai bên Nhật, chưa từng một lần nào đi Nhật. Đất nước đang hòa bình, cuộc sống không đến nỗi nào, họ nghĩ đến việc ra đi kiểu liều lĩnh bán mạng thế để làm gì?

    Chuyển từ quê ra thành phố để sống trong cùng một đất nước đã vô cùng vất vả, chuyển từ một nước nghèo sang một nước phát triển hơn Việt Nam nhiều lần để sống khi không có tiếng, không có người quen và nhiều khi không có cả tiền thì sự khó khăn sẽ nhân lên 100 lần. Và khi chúng ta ngây thơ, chính chúng ta tự biến mình thành mồi ngon cho những kẻ lừa đảo.

    Tham gia nhiều diễn đàn của người Việt Nam ở Nhật, ở Đức, Pháp, Ý, Mỹ, Canada…thực sự nhiều lúc bị choáng váng vì độ liều lĩnh và ngây thơ của người Việt. Khao khát đi ra nước ngoài không có gì đáng trách, nhưng tại sao có thể liều lĩnh đến độ không hề biết tiếng, không hề có tiền, không có trình độ mà cũng phải đi bằng mọi giá.

    Trên các diễn đàn, nhan nhản những dòng trạng thái kiểu như: Anh chị ơi cho em hỏi, nhà em không có tiền, em cũng không có tiếng Đức, nhưng em muốn sang Đức làm việc mà không phải vất vả thì em phải làm thế nào?

    Anh chị ơi cho em hỏi, giờ nhà em tìm được suất kết hôn giả cho em sang Đức, nhưng em chẳng biết tiếng Đức cũng chẳng biết tiếng Anh, sang đó liệu có tự kiếm được việc làm không, có việc làm gì không cần tiếng không?

    Anh chị ơi em thấy người ta bảo có đường gì vào nước Pháp thông qua con đường đi sang Đông Âu rồi theo xe tải vượt biên vào Pháp như thế có được không? Em muốn đi kiếm ít tiền đổi đời cho gia đình.

    Rồi ở ngay chính đất Nhật này mình đang sống, có những bạn dù gia đình nông thôn, bố mẹ hoàn toàn không có tiền, bản thân bạn đó cũng gần như không biết tiếng Nhật mà vẫn quyết sang Nhật bằng mọi giá chỉ bởi nghe người ta nói Nhật dễ kiếm tiền lắm…

    Mọi người chắc cũng không xa lạ gì việc đọc được tin rất nhiều du học sinh Việt Nam ở nước ngoài, đặc biệt là Nhật làm việc đến đột quỵ, đến chết vẫn không trả hết nợ cho gia đình.

    Mình tự hỏi họ làm thế để làm gì khi việc ra đi bằng mọi giá bất chấp mọi rủi ro chỉ mang về cho gia đình một nắm tro và khoản nợ không biết đến bao giờ mới trả được. Thực sự mình không thể hiểu được logic tâm lý của họ.

    Ở Nhật gặp rất nhiều những tấm gương thành công, nhưng có một điểm chung ở tất cả những người thành công đó đều có sự chuẩn bị cực kỳ tốt và kỹ lưỡng từ nhiều năm trước khi sang Nhật. Tính cho đến hiện tại khi đã được làm việc tại các tập đoàn lớn của Nhật, gia đình nghèo không có điều kiện, họ đã học tiếng Nhật từ trước đó 8,10 năm, rồi họ cố thi vào các trường có chuyên ngành tiếng Nhật, tốt nghiệp ra rồi xin học bổng hoặc toàn phần hoặc bán phần hoặc thậm chí tự túc khi bản thân đã giỏi tiếng Nhật rồi họ mới tiếp tục đi thêm các bước cao hơn.

    Chỉ khi sự chuẩn bị đã vững vàng, họ mới có thể đi từng bước vững chắc để thành công trên một đất nước dù thú vị nhưng cũng vô cùng khắc nghiệt này. Nếu đi theo cách không được chuẩn bị tốt, chắc không cần phải nhắc lại chúng ta cũng chứng kiến không ít trường hợp sang Nhật chán chê rồi lại về nước chạy xe ôm hoặc đi bán hàng vì mải mê kiếm tiền, tiết kiệm được vài đồng nhưng trình độ không có, lại về nước, tiền kiếm được tiêu loanh quanh cũng hết và thế là tất cả lại trở về con số không.

    Chúng ta có muốn rằng sau quãng thời gian 4,5 năm rồi chúng ta chợt nhận ra rằng chúng ta lại quay về xuất phát điểm ban đầu với chỉ vài đồng bạc lẻ tích cóp được, và trình độ không có gì khi tuổi đã quá già để làm lại từ đầu.

    Mong các bạn trẻ hãy suy nghĩ thật kỹ, thật kỹ và chuẩn bị thật cẩn thận trước khi muốn sang bất kỳ nước ngoài nào chứ không chỉ Nhật.

    Viethome (theo doisongnhatban)

  • Cơ quan chức năng vừa bắt giữ 22 lao động và khách du lịch Việt Nam tại một trại mổ gia cầm ở Đài Bắc.

    Theo Cơ quan di trú Đài Loan (NIA), cơ quan này đã nhận được thông tin một nhóm người Việt lao động bất hợp pháp tại một lò mổ gia cầm ở Đài Bắc. Họ nghi ngờ đây là nhóm lao động nhập cư trái phép, trong đó có những người trong đoàn 152 khách du lịch bỏ trốn hồi tháng 12/2018.

    22 lao động bất hợp pháp trong trại mổ gà vịt.

    Sau nhiều ngày điều tra, cơ quan chức năng đã khám xét và bắt giữ 18 lao động không có giấy tờ và bốn khách du lịch đã hết hạn thị thực trong trại mổ gà vịt này. 

    Do nhu cầu gia cầm tăng nên cơ sở giết mổ này đã mạo hiểm thuê lao động bất hợp pháp để làm việc ca đêm từ 10 giờ tối tới 6 giờ sáng nhằm tránh bị phát hiện. Bên trong cơ sở này như một mê cung và sàn nhà chứa đầy máu, lông gà vịt. Khu vực tầng 1 bốc mùi và có nhiều dụng cụ giết mổ. Còn tầng 2, hàng trăm con gà vịt đang trong quá trình làm sạch.

    Cảnh bẩn thỉu bên trong trại mổ.

    NIA đang tích cực thúc đẩy một chính sách để khuyến khích người lao động bất hợp pháp tự xin về nước trong thời gian ngắn để giảm bớt mức phạt. Từ nay tới 30/6, những lao động bất hợp pháp tự xin về nước sẽ chỉ chịu khoản phạt 2.000 Đài tệ và không bị bắt giam, khoảng thời gian bị cấm nhập cảnh trở lại cũng sẽ giảm.

    Tuy nhiên, sau thời gian này, những người không chấp hành quy định sẽ chịu mức phạt nặng hơn và bị cấm nhập cảnh trở lại cũng dài hơn.

    Quan chức Đài Loan kêu gọi những ai biết tung tích của các du khách Việt Nam vẫn đang mất tích thì báo cho cơ quan chức năng. Nếu có các hành vi như che giấu, hỗ trợ người bỏ trốn, họ cũng có thể đối mặt án tù lên đến 2 năm.

    Viethome (theo Vietnamnet)

  • Vào khoảng 9h30 sáng, ngày mùng 5 tháng 8 năm 2018, tôi cũng đang chuẩn bị đi làm thì có tiếng chuông điện thoại, nghe đầu giây bên kia không rõ, tuy là thất thanh, nhưng tôi cố hiểu được nội dung là: Em P. đây, anh cứu em với, em bị cảnh sát cướp sạch và đánh em sắp chết rồi. 

    Tôi cố gắng gọi hỏi ở đâu, thì P. còn nói được là ở cạnh sân bay, thế là buông máy, gọi thế nào cũng không được, tôi liền lên mạng Viber thông báo cho mọi người và gọi cho S. người cùng bán hàng với P. Tôi nói P. bị cướp ở gần sân bay thì S. trả lời em biết rồi em đang đến nơi rồi đây.

    (Ảnh minh họa)

    Khoảng 5 phút sau S. gọi lại cho tôi thông báo tìm thấy P. rồi, vẫn còn thở, bây giờ thế nào hả anh? Tôi bảo S. chở thẳng P. vào bệnh viện 11 tôi sẽ chờ ở đó.

    Đón được P. nhìn mà tan nát cõi lòng, mặt, mũi, máu me be bét. Chúng tôi dìu P. vào Phòng cấp cứu. Bác sỹ tiêm và truyền dịch ngay cho P. rồi cho sang phòng chiếu chụp tổng thể. Cũng may dù chúng đánh bằng báng súng ngắn nhưng không ảnh hưởng gì đến sọ não và không nguy hiểm.

    Khi P. tỉnh dậy thì anh kể lại:

    ''Lúc 9h sáng, tôi từ nhà đi xe buýt đến bãi xe của bãi một Chợ cây số 7. Có một xe cảnh sát và ba người mặc quân phục cảnh sát quốc gia ập đến hỏi giấy tờ của tôi. Vì không có giấy tờ, hơn nữa mấy hôm nay nghĩ lại trên báo Người Việt Odessa cảnh báo liên tục là có cảnh sát kiểm tra, nên bụng bảo dạ phải chi mạnh tay cho thả ngay không thì căng.

    Tôi rút ví lấy ra 500 đô đưa cho chúng nhưng cũng do sơ xuất, hôm nay mang tiền đi để trả tiền hàng, tổng số là 4500 đô. Bọn chúng nhìn thấy nhiều tiền nên kéo tôi vào xe với lý do là phải chở vào phố để giải quyết''.

    Khi đi khỏi khu vực chợ số 7 chúng đè P. ra và cướp ví tiền. P. vốn đã to khỏe nên chống cự lại, thế là nó đánh đến ngất xỉu, máu me be bét sau đó chở vòng đến gần sân bay, chỗ quán gỗ và vứt vào sâu bên trong bìa rừng cho mọi người khỏi nhìn thấy.

    Nhìn P. mặt biến dạng mà lòng đau quặn? Không biết tại phong thủy hay tại số phận đen đủi? Kiếm được đồng tiền nơi xứ người đâu có dễ, đúng đồng tiền xương máu là đây? Với P. thì đây là lần thứ hai, lần trước thì bị bọn cướp, còn lần này thì lại có vẻ là cảnh sát.

    Phóng viên báo Người Việt Ukraina

    Viethome (theo Nguoivietukraine)

  • Ngày 17/2, nhân viên cảnh sát đội Bảo an thuộc Cục Cảnh sát thành phố Đài Bắc, trong khi tuần tra trên đường đã phát hiện một người đàn ông ngoại quốc đi xe đạp có hành vi khả nghi.

    Sau khi bị chặn lại kiểm tra, người đàn ông Việt Nam họ Nguyễn này đã nói dối đến Đài Loan mới hơn 1 năm, nhưng tiếng Trung lại khá lưu loát nên khiến cho cảnh sát hoài nghi.

    Bỏ trốn 10 năm, nam lao động họ Nguyễn có thể bị trục xuất. (Ảnh minh họa)

    Sau khi truy hỏi thì người đàn ông này thú nhận là lao động bỏ trốn đã gần 10 năm, trong thời gian bỏ trốn đã làm việc phi pháp ở khắp nơi. Theo như điều tra, tính từ tháng 3 năm 2009, thời gian cư trú quá hạn của người này đã lên tới 3633 ngày. 

    Đội trưởng Giang Hạo Thừa - Phân đội 1- Đội Bảo an Cục Cảnh sát Đài Bắc cho biết: "Trong thời gian bỏ trốn người này đã làm việc phi pháp ở khắp nơi. Sau khi thẩm vấn, chúng tôi sẽ căn cứ theo Luật dịch vụ việc làm và Luật di trú để tiến hành xét xử".

    Clip bắt lao động VN đang chạy xe trên phố.

    Người đàn ông họ Nguyễn này khai nhận rất nhiều lần bắt gặp cảnh sát trên đường phố nhưng đều bình an vô sự, cho rằng lần này cũng sẽ không bị phát hiện, nên đã ngang nhiên đi qua chốt kiểm tra, nhưng không ngờ lần này lại bị bắt.

    Sau khi thẩm vấn người này đã được đưa đi xét xử, khó tránh khỏi sẽ bị trục xuất về Việt Nam. Phía cảnh sát cũng kêu gọi chủ thuê sử dụng lao động nước ngoài phải hợp pháp, một khi bị tra ra sử dụng lao động nước ngoài bất hợp pháp, căn cứ theo luật hiện hành sẽ bị xử phạt từ 150 nghìn đến 750 nghìn Đài tệ.

    Viethome (theo news.pts.org.tw)

  • Nga – cái đất nước mà người ta biết đến qua cái tên Xứ sở bạch dương, còn tôi chỉ biết Nga là nước mà số lượng người Việt bất hợp pháp rất đông, à không, quá đông! Và tôi cũng nằm trong số đó.

    17 tuổi tôi bước chân đến đất nước này. Lần đầu được đi máy bay, lần đầu được đi sang 1 đất nước mới, lần đầu được thấy tuyết, thứ mà ở Việt Nam bao người mơ mộng còn với tôi sau này nó là thảm họa, là thứ mà tôi dám chắc mà ai cũng cảm nhận được khi sống chung với nó. Bước chân ra khỏi sân bay thứ đầu tiên tôi nhìn thấy là tuyết. Háo hức đến nỗi chạy ra ngoài như thể ngoài ấy không phải là tuyết mà là người yêu tôi đang đứng đó vậy. Vỡ mộng ngay khi vừa mở cửa thì một cơn gió đã tạt thẳng vào mặt. Lạnh! Với cái áo len mỏng mang giữa cái trời -16°C, cái suy nghĩ sờ thử tuyết vụt tắt. Tôi lại chạy ngay vào sân bay.

    Tôi làm may – Công việc mà trước đây tôi từng nghĩ sẽ không làm bao giờ. Thế rồi tôi cũng làm, à không, phải nói là “được làm” chứ! May cũng đơn giản. Tôi lại có bạn giúp đỡ nữa nên nó lại càng đơn giản. Tôi cứ nghĩ làm rồi từ từ trả nợ xong lại cất tiền, mấy chốc mà tiền đầy kho! Cứ nghĩ nó sẽ mãi yên bình qua ngày như thế, sẽ mãi êm đẹp như thế thì lại tiếp tục vỡ mộng!

    2h đêm tôi vừa chợp mắt được ba tiếng thì nghe tiếng gọi: “cảnh sát! cảnh sát, cả nhà ơi!”. Bạn tôi bật dậy mang áo quần rét cũng không quên quay lại nhắc tôi: “Mang áo quần nhanh lên”. Đang nằm ngơ ngác vì vừa tỉnh, không biết chuyện gì đang xảy ra, tôi cũng tỉnh táo lấy ngay chiếc áo bông và quần dài. Vừa lò đầu ra khỏi phòng thì cảnh sát vào túm cổ trong khi tôi còn không biết chuyện gì đang diễn ra! Té ra tôi bị bắt vì là người bất hợp pháp.

    Tôi, à không chúng tôi 30 người Việt được nhét vào một chiếc xe chắc chỉ được đủ chỗ cho 20 người. Thế mà 30 con người siêu việt chúng tôi lại vừa chiếc xe đó. Cảm giác khó thở vì chen chúc, vì tôi suýt khóc. Lên đồn – chuyện mà ở Việt Nam tôi chưa hề nghĩ đến.

    Vì đồn nhỏ nên chúng tôi được đứng ngoài sân, trời -18°c tuyết rơi bát ngát phủ cả sân. Ban đầu thích lắm, sờ mó tuyết nó lại rơi nữa, tính nói đứa bạn làm cho một bức (ảnh)! Thế rồi sau 30 phút lạnh thấm dần. 1h cảm giác tay chân buốt buốt. Sau 1h30 cảm thấy chân tay cứng rồi. Quá lạnh, lại đói vì lúc đó cũng 3 – 4h mất rồi. Cảnh sát canh gác thả lỏng dần chúng tôi quyết định chạy. Tôi chạy như chưa từng được chạy, vật cản là một cánh cửa cao 2m5 đến 3m, tôi trèo qua nhanh như mũi tên bay (tôi thật là siêu nhân) rồi chạy thẳng vào bìa rừng nơi tuyết cao ngang bụng, tôi trốn được. Tuyết – anh sợ em từ đấy.

    Làm với áp lực 16h một ngày đôi khi thấy bản thân cô đơn đến lạ, tôi cần yêu. Với những ngày chợ đuội, tôi được nghỉ không còn cách nào giết thời gian vì chúng tôi ra ngoài rất khó. Nên tôi viết. Ban đầu là vài dòng trạng thái dần dần thành các bài viết lách. Một hôm tôi tự tin úp bài mình nói về duyên phận và chuyện tôi không tin duyên phận lên 1 nhóm viết lách lớn. Em comment hỏi tôi “Vì sao không tin?”. Tôi nói sao nhỡ với sự cô đơn và muốn có người yêu đến lạ tuổi 17 ai cũng thế mà huống gì là một người cô quạnh như tôi. Tôi chủ động nhắn tin cho em giải thích lý do mình không. Tôi tin đó là lúc bắt đầu tình yêu của tôi.

    Yêu xa lại là xa tận 6.800 km còn lệch giờ nhau. Tôi đi làm về em vẫn chưa ngủ, đôi lần tôi nói em ngủ sớm để giữ sức khỏe nhưng rồi làm về không có em nói chuyện tôi lại chán. Tôi thật ích kỷ. Đôi lần suy nghĩ chia tay lóe lên, à không, không phải lóe lên mà là nó lớn dần trong tôi. Tôi nói lời chia tay, chia tay vì tôi không chịu được khoảng cách, chia tay vì tôi không thật sự yêu em, chia tay vì tôi thôi.

    Về với công việc. Tôi làm cật lực hơn. 18h rồi lên tới 20-21h 1 ngày. Đỉnh điểm là hai tháng tôi chỉ ngủ đúng 3h một ngày. Chuyện gì đến cũng đến, cảnh sát lại vào. Lần này tôi bị đánh vì lý do cố chạy trốn. Đen hơn là chúng tôi được ra tòa và đi trại quốc tế.

    Trại quốc tế nhé, nghe cái tên thật vĩ đại. Làm sao anh em còn đôi lần tự hào vì mình đi trại quốc tế hơn bọn đi trại ở nhà. Chăn, ga, gối, đệm một màu trắng tinh tươm tấp đón tôi. Phòng sáu người, điều may mắn là 6 người chúng tôi được ở cùng nhau không ghép phòng với các anh mà chúng tôi gọi họ là đầu đen.

    Bữa sáng được ăn dĩa cháo và cốc nước. Tôi không ăn được cháo nên nhịn ăn sáng từ đó. Bữa trưa: ngày đầu tôi không ăn cơm, ngày hai không ăn, ngày ba xin thêm dĩa nữa. Tối ăn thức ăn còn thừa từ trưa, có nghĩa là còn gì ăn nấy. Ở trại cũng không khổ mấy. Chỉ là đói khuya sáu anh em ngồi dậy pha được một gói mì ăn như quảng cáo thơm ngon đến giọt cuối cùng.

    Ở trại tiếp không tránh khỏi chuyện Việt – Tây đánh nhau. Mà công nhận Tây to thế mà sao nhát thế. Hay do Việt mình quá hổ báo chăng? Trại là nơi tôi được biết thêm nhiều câu chuyện Nga xưa, cũng biết sơ về Đạo Hồi, cũng có những đêm thức trắng nhìn trần nhà trong vô vọng. Ngày ra trại chúng tôi tự tin khoe với nhau rằng: “Tao tụt 5 kg, hay 10 – 15 kg gì đấy”. Người ta cứ nói “gầy auto đẹp” các kiểu, tôi thấy mấy anh em tôi gầy không khác gì ăn mày. Ra sân bay về Việt Nam cảm giác nôn nao đến lạ, buồn vui lẫn lộn.

    Tác giả: Nghĩa Nguyễn

    Viethome 

  • Những người Việt vượt biên trái phép chen chúc trong khoang chật hẹp được ngụy trang kín đáo trên chiếc xe hiệu Mercedes.

    "Khi khám xét chiếc xe, cảnh sát thấy một vách ngăn bằng gỗ, phía sau có hơn 10 người đang trốn. Ngoài ra còn có hai chai nước và nhiều lỗ nhỏ để những người này thở", theo cáo trạng được công bố tại phiên tòa ở Cherbourg hôm 21/1.

    Cảnh sát Pháp khám xe tải. Ảnh: Ludovic Ameline.

    Cảnh sát biên phòng thành phố Cherbourg, nằm tại cửa ngõ đường hầm eo biển Manche nối giữa Pháp với Anh, ngày 16/1 phát hiện 10 người mang quốc tịch Việt Nam trốn trong một chiếc xe tải hiệu Mercedes đang trên đường đến Anh, theo actu.fr.

    Tài xế 30 tuổi người Bulgari bị bắt và bị tòa án Cherbourg hôm 21/1 kết án hai năm tù vì tội vận chuyển người nhập cư bất hợp pháp và bị cấm nhập cảnh vào Anh trong 5 năm. 

    Khai trước tòa, người đàn ông Bulgari này cho biết một tài xế taxi ở thủ đô Sofia đã nhờ ông ta lái chiếc xe tải từ Pháp đến Manchester, Anh để sửa chữa với khoản tiền công 500 euro (gần 600 USD). "Tôi không biết rằng mình đang vận chuyển người nhập cư bất hợp pháp", tài xế người Bulgari nói.

    Tuy nhiên, công tố viên ở Cherbourg cho rằng lời bào chữa của bị cáo không thuyết phục, cho rằng tài xế này tham gia vào hoạt động buôn người. "Thật đáng xấu hổ! Những người nhập cư này được vận chuyển trong điều kiện kinh khủng. Họ chỉ được nhận hai chai nước và chen chúc nhau như gia súc trên xe tải. Đây là một đường dây phạm tội được tổ chức chặt chẽ", công tố viên nói. 

    Viethome (theo VnExpress)

  • Một gia đình chủ nhà cố nhồi nhét 31 người thuê nhà vào một căn hộ bốn phòng ngủ đã bị yêu cầu trả lại gần 250,000 bảng.

    Harsha Shah cùng con gái Chandni và em trai Sanjay kiếm được khoảng 112,000 bảng mỗi năm bằng cách “nhồi nhét 31 người vào nơi có điều kiện sống tồi tệ,” chính quyền cho biết.

    Nhân viên hội đồng phát hiện ra rằng, tại căn nhà trên đường Napier này, người thuê nhà bị buộc phải chia nhau ngủ theo ca bởi những người làm việc buổi đêm có thể đổi chỗ ngủ với người làm việc ban ngày.

    Trong cuộc kiểm tra vào năm 2016, nhân viên thực thi pháp luật từ hội đồng Brent cũng tìm thấy một người phụ nữ sống trong nhà kho xập xệ ở vườn sau, nơi không có điện hay máy sưởi.

    Bốn chiếc giường được tim thấy trong phòng trước và ba chiếc được xếp trong mỗi phòng ngủ.

    Người thuê nhà bị buộc phải ngủ theo ca và một phụ nữ phải sống trong nhà kho (phải)

    Hội đồng cho biết Harsha và Chandni Shah bị yêu cầu trả lại 116,000 bảng trong khi người môi giới Jaydipkumar Valand cũng bị buộc trả lại 5,000 bảng.

    Cả ba bị cáo thuộc gia đình Shah bị phạt 41,000 bảng, cũng như khoản phí 82,367 bảng tại Tòa án Tối cao Harrow.

    Eleanor Southwood, thành viên nghị viện của tổ chức Cải cách Phúc lợi và Nhà ở, cho biết: “Chúng tôi sẽ sử dụng mọi quyền lực pháp lý mà chúng tôi có để xử lý các chủ nhà và môi giới lợi dụng người thuê nhà ở Brent.

    “Tất cả những căn nhà cho nhiều người thuê cần phải có giấy phép, và điều này giúp tạo ra tiêu chuẩn sống hợp lý trong khu vực.

    “Chúng tôi sẽ tìm ra những chủ nhà không có giấy phép và bóc lột người thuê bằng cách đẩy họ vào hoàn cảnh sống tồi tệ.”

    VietHome (Theo ITV)

  • Cảnh sát Anh đang kêu gọi người dân cung cấp thông tin để hỗ trợ cuộc tìm kiếm thiếu niên Việt tên Le Van Hung (15 tuổi) đã biến mất khỏi nơi cư trú ở khu vực St.Leonards, hạt Đông Sussex từ ngày 30/11.

    Tờ Hastings & St.Leonards Observer dẫn thông báo của nhà chức trách cho hay Hung cao khoảng 1m65, tóc đen, cắt ngắn hai bên. Trong lần cuối cùng được nhìn thấy, thiếu niên này mặc quần dài màu xám, áo ghi lê xám và mang dép lê.

    Cảnh sát không cung cấp thêm chi tiết về nhân thân nhưng theo một số nguồn tin, Hung được tìm thấy sau một chiến dịch truy quét người nhập cư lậu, bị bắt ở cảng Newhaven và đưa đến sống tại một trung tâm bảo trợ từ ngày 9/11 cho đến khi mất tích.

    Cảnh sát rất lo ngại cho sự an toàn của Hung vì đang trong tuổi vị thành niên, không có tiền và không quen biết ai tại Anh.

    Cảnh sát yêu cầu ai có thông tin về Hung hãy gọi trình báo đến số 101, mã số vụ việc 953 of 24/11.

    Viethome (theo Thanh Niên)